ANH HÙNG BẠT MẠNG (9)
Trần Thy Vân
Anka Pham
Trần Thy Vân
Anka Pham
CHỌC THỦNG BỨC TƯỜNG THÉP
Hộ tống
Thiếu tá Quách Thưởng ra quốc lộ xong, Đại đội vừa trở lại vị trí cũ
ngoài bờ biển, và tôi chưa kịp ngồi thở đã nghe Đại úy Nguyễn văn Do gọi
máy mời tôi cùng Trung úy Dương Xuân lên Bộ Chỉ Huy lớn, mới chuyển qua
một xóm nhỏ phía tây nam đồi 25, để gặp mặt nhận lệnh trực tiếp.
Thấy hai đứa cầm bản đồ từ xa đi tới, Thiếu tá Hoàng Phổ, Liên đoàn phó Liên đoàn 1, kiêm quyền Tiểu đoàn trưởng 21 Biệt Động, như đã chờ sẵn, trong một chòi lá xiêu vẹo bước ra vừa mỉm cười vừa đưa tay bắt. Cái bắt tay lạ lùng, mồ hôi thì nhễ nhại, vẫn siết chặt. Chắc ông muốn thừa cơ hội để ngầm tự giới thiệu cương vị là được thay thế Thưởng mở màn cuộc chiến Sa Huỳnh.
– Lâu quá, hôm ni mới gặp hai cụ mi!
Giọng Huế tôi nghe quá quen thuộc, vì thân mẫu quê làng Mỹ Lợi, và có nhiều bạn bè ở xứ Thần Kinh khi còn mài đũng quần nơi trường Bồ Đề, Quốc Học. Nhưng hôm nay, đang lúc đói bụng và giữa vùng đấm đá nhau ì xèo thế này mà lại nghe giọng nói Thiếu tá Hoàng Phổ êm êm, xa vắng thuở học trò, khiến tôi tay chân càng thêm bủn rủn. Liếc qua Xuân, tôi thấy hắn cười, nụ cười thằng bạn Sài Gòn thật khó tả, gằn không ra gằn, mỉm chẳng mỉm, cũng bày đặt cười. Xuân đâu hiểu tiếng chào ấy sẽ giết chết lòng người. Thường thì khi Thưởng vắng mặt, Tiểu đoàn phó Nguyễn văn Do lên nắm toàn quyền điều động đơn vị, nhưng vì mặt trận này có mòi ác liệt nên Hoàng Phổ xuống “kèm” Do ít hôm.
Sau bao năm nhàn hạ ngồi chơi xơi nước, hẳn vị Liên đoàn phó rất ghiền cầm quân, để xông xáo như một thời oanh liệt đã qua. Vì tạm bợ, Tiểu đoàn chỉ là con ghẻ, hay cái búa cho ông nắm đập lung tung, gãy cán bỏ. Nếu quả vậy thì thấy mẹ tụi này.
Tuy nhiên, nhớ lại quá khứ của vị chỉ huy đang đứng trước mặt, tôi yên tâm đôi chút. Xưa, lúc làm Tiểu đoàn trưởng 37 Biệt Động Quân, Hoàng Phổ rất lừng lẫy, nổi tiếng anh hùng tử thủ với một đơn vị Mỹ ở Khe Sanh, tỉnh Quảng Trị, suốt 77 ngày đêm, từ cuối tháng Giêng đến đầu tháng Tư năm 1968. Nhờ đó mà lần đầu tiên thế giới mới biết địa danh ấy qua báo chí trong và ngoài nước khen ngợi. Người đời khó quên trận Khe Sanh, Cộng quân đem 4 sư đoàn cùng thiết giáp đến vây hãm để rồi chúng đã bị loại khỏi vòng chiến ngót 10.000 tên. Phía Hoa Kỳ tổn thất khoảng 500 TQLC, cháy mấy chiếc vận tải cơ C130. Riêng Tiểu đoàn 37 Biệt Động của Đại úy Hoàng Phổ ngày trở lại hậu cứ Phú Lộc, Đà Nẵng, chỉ còn phân nửa quân số…
Nay, trước mặt hai đứa, Xuân và tôi, ông dịu dàng ra lệnh:
– Đại đội trưởng Đại đội 2 thấy không?…
Ông vừa nói vừa day người và giơ tay về hướng nam:
– Dải đồi đá trọc chắn ngang từ bờ biển vào quốc lộ. Anh tấn công cái “đầu” bên phải cho tôi!
Không đợi Trung úy Dương Xuân có ý kiến, hỏi han gì hết, ông quay lẹ qua tôi:
– Còn Thy Vân, 30 phút sau cho Đại đội tiếp theo để yểm trợ Xuân.
Tôi nại một lý do thực tế để trình bày, may ra lính bớt khổ:
– Thiếu tá đừng quên Đại đội tôi thiếu quân số trầm trọng, vì máy bay bắn nhầm hôm mùng 1 Tết!
Hoàng Phổ ngần ngừ, đầu gục gặc rồi nói dằn từng tiếng:
– Tôi hiểu! Nhưng lệnh Sơn Linh trưởng bảo cấp đại đội là đại đội. Cố gắng!
Nhớ lời Quách Thưởng dặn: “ráng giúp ổng”. Không muốn Hoàng Phổ buồn, tôi im lặng về dẫn lính đi. Tôi mở tần số nội bộ của Đại đội 2:
– Xích Bích (danh hiệu của Dương Xuân)! Hãy kéo thẳng vô hướng tây luôn, khi gần Quốc lộ 1 quẹo trái cho an toàn.
– Ừ, tôi định vậy. Việt Quốc, coi bộ Sơn Linh phó ghê quá, hả anh!
– Ghê cái gì? Mà thôi, đừng nói nữa, ổng mở tần số nội bộ này nghe lén tụi mình thì thấy mẹ! Nè, mày có thấy xóm dừa trước mặt không?
– … Thấy! Bộ anh bảo dzô đó, hả?
Tôi sựng sộ:
– Ngu à? Mày cho Đại đội ép qua phải nhiều, tránh xa nó, đề phòng Việt Cộng mai phục ở trổng!
Dương Xuân như chợt tỉnh:
– OK… OK… Cúp máy, Việt Quốc!
Quả thật, hai đứa vừa dứt lời thì trung đội đầu của Đại đội 2 bị chặn đánh, địch quân bắn AK lẫn thượng liên tới tấp. Đại đội 1 tôi vội tạt về hướng tây bắc, bám ngay mấy gò đất nằm đối diện lại xóm dừa phía nam. Mục tiêu biệt lập, giữa đồng trống, và cách quốc lộ vài trăm mét. Dương Xuân liền lôi hai trung đội đằng sau lên.
Nghe súng nổ, Thiếu tá Phổ gọi:
– Xích Bích, bố trí tại chỗ. Sơn Linh kêu đốc bom.
Hai đơn vị chờ. Khoảng mươi phút một chiếc L20 xuất hiện bay vòng vòng trên bầu trời rồi xịt xuống một trái khói trắng. Tiếp theo, hai phản lực cơ F5A từ đâu hướng bắc chớp nhoáng lướt tới, thay phiên thả hàng loạt bom vào vị trí vừa được chỉ điểm. Mỗi trái nổ văng ra nhiều quả nhỏ tung ngược lên cao, tất cả tự động bung dù rơi xuống cách mặt đất hai ba thước rồi phát nổ lần nữa, để phóng ra tua tủa hàng ngàn mũi tên nhọn bay tung tóe giữa mục tiêu.
Cuộc đốc bom chấm dứt, Đại đội 2 tràn vào con xóm dừa lục soát, thấy trên mười xác giặc nhầy nhụa với vũ khí bể nát. Xuân tiếp tục tiến tới mục tiêu, cái “đầu”, mà ông Hoàng Phổ ấn định. Vừa đi vài trăm thước lại bị địch rót 61ly xuống dồn dập, lính của Dương Xuân chới với giữa cánh đồng tranh săng. Cho hay đang xin phản pháo vì sẵn ý định làm sạch bớt mục tiêu giúp Đại đội 2 tiến đánh, Thiếu tá Phổ kêu pháo binh rất nhanh. Hàng trăm quả 105ly phủ ngập khu đồi, nhưng chẳng ăn nhằm gì cả, Việt Cộng càng nổi điên bắn dữ khi Biệt Động vừa ló mũi tấn công. Mới bị vài con Xuân đã vội rút các trung đội ra ngoài nằm gườm. Vẫn chưa yên thân, địch từ ba phía, ở trung tâm Sa Huỳnh, kế quốc lộ, cùng nơi dải núi ven biển, đồng loạt pháo, chúng phủ đầu luôn cả Đại đội tôi đến nghẹt thở. May, lính đã nằm ôm sát các bờ ruộng.
Trung úy Xuân dường như đang tiến thoái lưỡng nan. Tôi nghĩ Xuân phải dứt khoát, hoặc càn lên đập thẳng tay hoặc lui ra xa tính sau, chứ chập chờn trước họng chúng trên cao, nguy hiểm vô cùng.
Hoàng Phổ hét trong máy:
– Xích Bích! Xích Bích! Tắp vô gấp!
Xuân ú ớ:
– Sơn Linh bảo Đại đội 1 Việt Quốc yểm trợ tôi bên phải, hoặc là đánh lên chỗ có cây cối 61ly và các khẩu thượng liên Đông Đức…
Tôi bóp ống liên hợp:
– Mẹ mày, Xích Bích!
– Việt Quốc! Dải đồi quá rộng, địch nằm hàng ngang trển, anh thay tôi đập giập dùm cái “đầu” kế quốc lộ…
Thiếu tá Phổ xen vô:
– OK đi Việt Quốc, trổ một “cửa hông” tại đó luôn!
Tôi bực mình vì sự bán cái:
– Sơn Linh, ở đó không phải bằng gỗ hay phên nứa đâu mà dễ trổ, nó là thép! Tôi tìm chỗ khác khoan mới lủng. Bây giờ tôi kéo Đại đội 1 qua thêm bên phải nữa.
Hoàng Phổ chiều ý:
– Tùy anh!…
Tôi bảo Trung úy Dương Xuân:
– Mày cứ làm lai rai, còn tao vòng vo tuốt phía tây hơi lâu.
Dứt lời, tôi ra lệnh Đại đội dàn ngang tắp thẳng vào quốc lộ. Thấy lối đi ngược ngạo của tôi, như con ngựa chứng. Thay vì dộng lên hướng nam, mục tiêu, tôi lại chuyển sang phải 90 độ, có vẻ tránh né miệng cọp, nên ông Hoàng Phổ gọi máy la bải hoải:
– Việt Quốc! Nơi đường chỉ đỏ có thằng con lớn của Tiểu đoàn 37 Biệt Động Quân. Coi chừng ngộ nhận!
– Sơn Linh báo tụi nó biết tôi đang vô!
Để tránh địch theo dõi, tôi ép phải nhiều. Vừa đến quốc lộ thì gặp Đại úy Sự, Đại đội trưởng, với một đám lính Đại đội 3 Tiểu đoàn 37, đứng nhìn tôi cười:
– Ngon ha! Vân lên đánh được, tao cầm c… cho đái.
Lạ! Nghe Đại úy Sự nói tôi ngạc nhiên. Bạn bè lâu ngày gặp nhau lẽ ra chào hỏi một tiếng, Sự lại buông lời thách thức khiếm nhã và vô lễ. Tôi định làm lơ để di chuyển tiếp, nhưng sực nhớ thằng cha hắc ám này đã từng đối xử tệ với Trung úy Quách Ẩn lúc sinh thời còn làm Đại đội phó cho hắn, tự nhiên tôi nổi cáu:
– Nói cái gì vậy, Đại úy Sự? Quân đội sai đâu làm đó chứ! Còn mày, đánh không được, đứng đây làm gì, hả?
Cự thằng quỉ xong, tôi bảo Trung đội 1 của Thuận dàn một hàng dọc, dẫn đầu băng qua đường, vào sát bìa rừng quẹo trái về nam. Vừa ra khỏi tầm hoạt động của Tiểu đoàn 37, Đại đội dừng lại ẩn mình vào các bụi rậm. Tôi leo lên một tảng đá lớn nằm nhìn bao quát xuống đại mục tiêu phía đông nam, rực rỡ màu nâu lẫn xanh biếc. Đối chiếu bản đồ với ngoài địa thế thì điểm đứng của tôi là nơi khúc Trường Sơn phình ra, gần trung tâm làng Sa Huỳnh. Lệch phải vài ba trăm thước là góc vuông của khu đồi rộng thênh thang, bao quanh đầm Nước Mặn đang soi bóng trời mây cùng ngọn 94 bên cửa khẩu. Góc vuông đó, Thiếu tá Phổ gọi là “đầu” khi ra lệnh tôi và Dương Xuân tiến đánh, vì ở hướng bắc nhìn lên thấy dải đồi như bức tường cao, chắn ngang từ bờ biển vào, mặt tây cặp quốc lộ. Tại cái “đầu” thì đầy đá to chồng chất, tạo nhiều hang hốc, Cộng quân đang thủ cứng. Thế mà Hoàng Phổ bảo tôi trổ ở đó cái cửa hông để vào lòng đất địch. Nếu thi hành, dĩ nhiên lúc nãy tôi phải kéo hết đơn vị qua bên tay phải Đại đội 2 Dương Xuân, rồi xuống một trũng sâu mới xung phong lên mục tiêu, thì chắc lính tôi đã bị chôn sống hết. Địch từ trên cao ném đá tụi này cũng đủ tiêu tùng. Còn không tuân lệnh theo đường tiến sát ấy để đập cái “đầu” cứng ngắt như vậy, bây giờ tôi lúng túng, chẳng biết trổ cái “cửa hông” ở đâu cho an toàn, giảm thiểu sự thiệt hại? Suy tính mãi mệt óc, tôi bảo tất cả lính lấy cơm ăn trưa, kẻo chúng đói bụng. Trong lúc ăn, đột nhiên tôi nghĩ chỉ còn cách chơi bạo thôi…
Hoàng Phổ gọi:
– Hiện ở đâu, Việt Quốc?
Tôi bỏ đũa:
– Tại tọa độ XY… Tôi đang quan sát cái “đầu” dải đồi.
– Tốt lắm, định phang qua, phải không?
Tôi nêu rõ sự thất lợi của địa thế nếu bất cứ từ hướng nào đập ngay góc vuông. Cuối cùng tôi trình đại khái kế hoạch:
– Sơn Linh! Sát chân núi có con thiết lộ, cây cối phủ kín. Đại đội sẽ làm con rắn, khoét bụi bò trên đường rầy, thọc sâu về hướng nam ít trăm thước, rồi đập ngang qua phòng tuyến mặt tây của địch, tức chơi sau lưng chúng nó.
Nghe tôi phác họa lối đánh bạo là liều nhập nội, tọn ngay hông, rõ ràng phi chiến thuật, tưởng chừng trên bửa xuống dễ như chẻ tre, kiểu Mã Thốc thời tam quốc Tàu, nhưng lại thua liểng xiểng ở trận Kỳ Sơn, Hoàng Phổ đâm dội. Chắc ông sợ tôi làm mất luôn cả lưới lẫn chài? Mà suy cho cùng thì chẳng thấy ai hơn được thằng bạt mạng này, nên ông hạ giọng cố đô Huế, cũng nói bằng hơi thở:
– Chơi cách đó tốt thôi, nhưng m…à… lúc nào mần?
Tội nghiệp, vị chỉ huy một thời hùng tráng Khe Sanh kéo dài tiếng “mà” nghe thảm. Hình như ý ông muốn nói: “nhưng mà đời… có chiều theo mình không?”.
Tôi khẽ cười vào ống liên hợp:
– Khi “mần” tôi sẽ báo. Lúc ấy Sơn Linh cho Đại đội Xuân bắn thật gắt ngay góc đồi, làm như nó sắp tấn công chỗ đó, để địch không phát hiện lính tôi đang bò trên đường rầy xe lửa. Sơn Linh cũng lập sẵn vài điểm tiên liệu ở sườn núi, bên phải tôi. Khi cần, pháo binh dập liền dù tôi với địch chỉ cách nhau không quá 100 thước, trong tầm sát hại tất cả.
– Rồi, cẩn thận!
Cúp máy, tôi gọi các thẩm quyền Thuận, Hơn, Nhật, Đợi kín đáo tới một hốc đá, nơi họ có thể đứng nhìn xuống thấy rõ nửa phần đất Sa Huỳnh ngút ngàn ra tận biển, nhất là phòng tuyến phía tây của địch song song với Quốc lộ 1 trước mắt.
Tôi đưa tay chỉ xuống hướng mục tiêu và nghiêm nghị:
– Đại đội sắp thi hành một sứ mạng sinh tử. Lát nữa, cùng lúc Đại đội 2 đánh mé bắc kế góc đồi, chúng ta thì tấn công phòng tuyến trước mặt. Muốn đạt được, mình phải xâm nhập sâu thêm về hướng nam theo một lộ trình hẳn sẽ gian nguy, là con đường rầy xe lửa sát dưới chân núi. Nhờ cây cối phủ kín, thâm u, trục tiến được che khuất…
Thấy bốn anh chàng toát mồ hôi, tôi ngưng nói ít phút, lấy gói thuốc Capstan ra mời tất cả hút để bớt căng thẳng, rồi dặn tiếp, giọng đanh thép hơn:
Kế hoạch đánh, khi bò tới chừng ba trăm mét gặp cây cầu sắt thì dừng lại, và dĩ nhiên tư thế đang là đội hình hàng dọc, rồi tất cả chúng ta quay nòng súng qua trái hết, ắt thành hàng ngang đối diện và cách bờ tuyến mục tiêu khoảng 100 thước. Nơi đó vị trí của ta và địch cao bằng nhau, giữa là đoạn đường xung phong lại thấp hơn. Lệnh khai hỏa bằng mấy phát Colt, tiếp theo là Đại liên 60, Đại đội đồng loạt xé bụi tuôn ra tác xạ tối đa. Đến gần thì dùng lựu đạn M26 đốc vào để triệt hạ đối phương ngay. Hãy linh động sử dụng vũ khí cho thích hợp với tình huống. Thấy địch cứ thẳng tay đốn ngã.
Nhớ, theo thứ tự di chuyển thì Trung đội 2 sẽ tấn công bên trái, Trung đội 1 phải, tôi sẽ bám sát giữa các anh. Riêng toán Thám Báo chiếm trước cây cầu sắt để khống chế Cộng quân có thể tiếp viện từ nam xuống. Đặc biệt ba khẩu đại liên nằm lại đường rầy, mỗi khẩu gồm hai xạ thủ, 700 viên đạn, bắn rẻ quạt hay xoáy mạnh vào các ổ hỏa lực kháng cự, cho đến khi Biệt Động chúng ta bắt đầu tràn ngập mục tiêu. Cây đại liên Trung đội 1 ưu tiên yểm trợ toán Thám Báo. Xong, cả ba ôm súng chạy vào bố trí về hai hướng đông, nam ngừa địch phản công. Nghe rõ chưa?
Đừng quên, chặng đường xung phong quá ngắn, trống trải, ai bị thương tự lo lấy, anh em chớ giúp băng bó vội, phải tiếp tục tiến, cũng không nên thu lượm chiến lợi phẩm ngay, bởi vì chúng ta trong tình huống thập tử nhất sinh. Bất tuân thì chết!
Nhắc lại, toán Thám Báo Trung sĩ Nhật dẫn đầu, dùng lưỡi lê khoét bụi rúc, cấm chặt để cây cối khỏi rung rinh. Kế đến Trung đội 1, Bộ Chỉ Huy, sau hết là Trung đội 2. Mặc dù bên Đại đội 2 lớn sẽ nổi lên bắn loạn xạ, nhưng vì trục xâm nhập của chúng ta đi ngang và rất gần trước mặt địch nên một tiếng ho cũng dễ bại lộ, giết anh em. Do đó tuyệt đối im lặng. Nếu bị phát hiện, sẽ có lệnh sau.
Tôi tin chắc mình sẽ thắng, chỉ có Đại đội 1, không ai khác chọc thủng được phòng tuyến vĩ đại trước mắt của Trung đoàn 141/2 lẫn bọn Sư đoàn 3 Sao Vàng Bắc Việt tại Sa Huỳnh đầu năm 1973. Tôi tin vì sự dũng cảm, tài chỉ huy tuyệt vời của tôi và của các anh. Tuyệt vời là do tự tin, xét đoán đúng, quyết tâm chiến đấu. Tôi chẳng cần giở binh thư hay chiến pháp cao siêu nào của ngoại bang, mà các tướng thời thế từng áp dụng vá víu vào một chiến trường quá phức tạp và đa diện tại Việt Nam chúng ta. Tôi lấy kinh nghiệm, trí thông minh nhận hiểu hỏa lực ở mục tiêu rất yếu, kẻ thù cũng không ngờ chính con đường rầy xe lửa khuất lấp đằng kia là mũi kiếm định mệnh đâm lòn vào tim chúng. Điều cần nhất phải kín đáo. Hãy nhớ, không ai kham nổi ngoài chúng ta, những anh hùng Biệt Động Quân này.
Bây giờ các anh về giải thích nhanh gọn lệnh của tôi cho anh em lính rõ, ai hèn nhát, cố tình sai lầm trong giờ phút sinh tử, sẽ bị bắn ngay, như tôi đã làm tại Ba Gia Đồng Ké, Quảng Ngãi, mà mọi người còn nhớ. Thi hành!
Bốn thẩm quyền vừa chia tay, tôi báo Tiểu đoàn:
– Trình Sơn Linh, đã sắp xếp xong, mười phút nữa tôi vọt. Bảo Xích Bích nổ súng lai rai theo yêu cầu.
Thiếu tá Phổ rề rề trong máy:
– Ông Sơn Linh trưởng hối lắm đó!
– Đang lúc move tôi xin vô tuyến im lặng.
Tôi gọi qua Đại đội 2:
– Xích Bích! Xích Bích!…
– Nghe Việt Quốc!
– Hãy sẵn sàng! “Con rắn” của Việt Quốc bắt đầu trườn!
Dứt máy, tôi bảo Thám Báo thi hành kế hoạch. Người tiên phong là Trung sĩ Nguyễn Nhật, Trưởng toán, từ hốc đá nhảy ra đưa tay khoát một cái, rồi lại lủi tới chui ngay vào bụi rậm dưới chân đồi. Phút chốc, Đại đội kỳ dị, ma quái, đã lần lượt lọt hết bên trong, nối tiếp nhau bò dài trên sống đất xe lửa âm u, lởm chởm đá nhọn cùng gai góc chằng chịt từ vách núi phủ xuống. Cảnh vật chung quanh bỗng dưng im lặng, nghẹt thở, sự sống như muốn ngưng hẳn ở một góc Trường Sơn hùng vĩ.
Dù bóng thời gian có che giấu, con đường rầy hoang phế mà sinh tử này vẫn còn rõ nét một thời xuyên Việt làm rung chuyển cả núi rừng. Tôi mơ hồ nghe đâu đây, không xa lắm, có tiếng xình xịch, với tiếng khóc bé bỏng của tôi trên những chuyến tàu đêm tốc hành, xuôi nam rồi ngược bắc, theo cha tìm mẹ. Dư âm ấy cùng hình ảnh những con tàu năm cũ từng nghiến nát tâm can tôi một thời tuổi dại, như đang trở về vang dội trong ký ức, giúp tôi can đảm vượt qua mọi gian nguy hiện tại…
Đang lúc căng thẳng, Đại đội trong tầm đạn của kẻ thù con chim kêu chóe hay một làn gió xuân đầu mùa lay nhẹ cành lá cũng sợ, thì một trái đại bác nổ chát chúa bên kia khu đồi mục tiêu làm mọi người giật mình. Tiếp theo là tiếng súng Đại đội 2 Biệt Động Quân vang rền ở hướng đông. Một trái 105ly nữa lệch qua quá nhiều về phía tây, mảnh đạn bay vèo vào vách núi bên tay phải tôi. Chắc Tiểu đoàn xin bắn để dìm đầu địch. Nhưng tôi lại ngại cách điều chỉnh tác xạ của pháo binh theo phương pháp lồng khung, có thể tản đạn rơi trúng đơn vị tôi. Chuyện thường xảy ra, nên tôi gọi Tiểu đoàn:
– Sơn Linh! Sơn Linh!
Nghe giọng tôi, Thiếu tá Phổ chặn hỏi dồn dập:
– Sao bặt tăm luôn vậy? Nói vô tuyến im lặng, nhưng nghe gọi thì lên tiếng chứ! Bây giờ tới đâu rồi?
Tôi nói nhỏ vào máy:
– Được nửa đường. Rất cam go, lính phải khứa đứt từng sợi dây rừng. Sơn Linh nhắc mấy thằng pháo binh cẩn thận, đạn đã rớt gần tôi, mảnh bay vèo vèo. Giờ phút này mà bị thương thì bi đát lắm đó!
– Địa thế mục tiêu ra sao, biết không?
– Chưa rõ. “Con rắn” còn đang trườn giữa bụi rậm, mù mịt. Có lẽ như dự đoán. Qua kẽ lá, thấy bển vắng tanh, lạnh lùng. Lý gì Việt Cộng mai phục kỹ vậy! Khi đến cầu sắt, báo BCH xong, tôi tấn công, đánh tạt ngang ngay. Sơn Linh bảo thằng Hai Mươi của Xích Bích sẵn sàng làm cùng lúc, nếu không, ắt nguy to.
– Xích Bích đang chờ. Tôi nhắc lại, Sơn Linh trưởng hối dữ lắm. Còn pháo binh thì bắn từng quả, yên tâm!…
Trung sĩ Nguyễn Nhật đằng trước đột nhiên bò lui, vẻ mặt như có vấn đề:
– Đại Bàng!… Đại Bàng!… Đã thấy cây cầu sắt rồi, nhưng gặp một khoảng trống rất dài.
Tôi giật mình, vội ra thủ lệnh cho “con rắn” tạm ngưng bò, rồi theo Trưởng toán Thám Báo lủi tới xem xét. Quả thật, còn cách đầu cầu vài chục thước là một khoảng đất trống trải, xơ xác, đoạn đường rầy trầy trụa dấu bom, phơi mình dưới nắng. Cây cầu đen lồ lộ bắc ngang con suối, tuy gần nhưng không thể thấy được mực nước sâu hay cạn. Nhìn sang trái, bờ tuyến mục tiêu thì rõ ràng, là mặt phía tây của khu đồi chập chùng, im hơi đến rợn người. Cái góc vuông mà lúc sáng Hoàng Phổ gọi là “đầu”, đã nằm lại đằng sau tôi 150 thước. Như vậy, tôi đã lọt vào trong “Cửa Tử Thần”, ác danh này địa phương đặt.
Vì địa thế không cho phép đi thêm nữa, nếu bò ngang qua khoảng trống đó, Đại đội sẽ lộ diện. Tôi quyết định tấn công từ đây. Tôi bảo lính nói chuyền về sau mời hai ông Trung đội trưởng lên gặp tôi. Trong khi chờ đợi, tôi vừa đưa tay chỉ phía trước vừa ra lệnh cho Trung sĩ Nhật:
– Thám Báo gồm bảy người, lúc xung phong, Nhật cử bốn phóng tới chiếm ngay đầu cầu này, đừng qua bên kia, bất lợi, còn ba tắp thẳng xuống bám cống nước dưới quốc lộ. Nhiệm vụ của hai tổ là chặn đứng địch từ hướng làng Sa Huỳnh tiếp viện. Nói lính chớ lo ngại, Việt Cộng không trở tay kịp đâu! Chuẩn bị!…
Thuận, Hơn đã đến, tôi bảo cả hai nhìn qua bờ tuyến địch:
– Trung đội của Thuận đánh khúc tuyến bên phải, khi tràn lên bắn rạt hết, rồi bố trí phía đông nam. Trái thì do Trung đội Hơn, đập thẳng tay, và thủ mặt đông bắc. Mé chánh bắc đã có Đại đội 2. OK, cho tất cả anh em đồng loạt quay qua trái hết, ba đại liên gom đạn lại, sẵn sàng!
Tôi bảo Hiệp đưa máy báo Tiểu đoàn:
– Sơn Linh!
– Nghe!
– Làm một tràng pháo binh gấp, vừa chấm dứt tôi khai hỏa liền. Sơn Linh nhớ, khi có yêu cầu thì đại bác phủ ngay xuống triền núi sau lưng tôi.
– OK, Việt Quốc!
Ầm… ầm… ầm… đạn 105ly đã nổ tung trên phần đồi. Và chưa kịp ngưng quả cuối, tôi đã bắn mấy phát súng lệnh, ngay lập tức ba khẩu Đại liên 60 siết cò, đạn lướt sát đầu các chiến sĩ Biệt Động từ đường rầy xe lửa cũng xé bụi tuôn ra. Tất cả vừa lao nhanh tới vừa bắn như trời giáng vào phòng tuyến mà địch quân cho là bức tường thép, bất khả xâm phạm.
Không để hổ thẹn với những kẻ ngang tàng, khí phách, có thể gục ngã trước mặt, tôi kẹp hông cây M16 phóng theo băng qua con quốc lộ, thúc anh em đốc lựu đạn lên mục tiêu. Hàng loạt quả M26 nổ liên tục, với tiếng súng, tiếng hô xung phong vang dậy một vùng đất Sa Huỳnh. Không thua gì những chiến sĩ đồng đội, toán Thám Báo tấn công rất ngoạn mục, cây cầu sắt kêu chan chát tóe lửa. Các chốt địch phía đầm Nước Mặn bắt đầu phản ứng bằng thượng liên lẫn B40, nhưng thảy đều bị các khẩu Đại liên M60 của những con mãnh hổ từ vách núi dập tắt. Pháo binh ngoài Đức Phổ thình lình cũng rót tới khu đồi dữ dội, làm anh em lên tinh thần, thêm sức mạnh đè bẹp đối phương nhanh chóng.
Rồi Biệt Động Quân tràn ngập. Nhưng, ai cũng chưng hửng vì dưới chân không có xác thù, không một giọt máu của giặc Bắc, mục tiêu trống trơn! Chúng bỏ chạy lúc nào? Tôi đã thất bại, chẳng giết được một tên. Tôi cảm thấy đắng họng, xấu hổ trước mặt lính.
Sau giây phút ngớ ngẩn, tôi thoáng nghĩ trong đầu có thể Đại đội đã bị lọt bẫy, nên vội ra lệnh tất cả tức tốc đâm thẳng tới hướng đông bao quanh chòm đá hình cánh cung phía trước hai trăm thước để phòng thủ. Thám Báo cùng các xạ thủ đại liên đã theo kịp, chĩa súng xuống các trũng sâu khe đồi. Xong, tôi gọi trình Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn mọi việc và xin pháo binh tiếp tục rải đạn vào một vài điểm khả nghi.
Đại đội 2 BĐQ cũng làm chủ góc tuyến mé bắc đằng sau. Dương Xuân cho hay đã bắn chết nhiều tên địch, tịch thu một khẩu cối 61ly, một Thượng Liên Đông Đức và 8 súng cá nhân. Nghe báo, tôi nóng mặt.
Qua tần số nội bộ Tiểu đoàn, Liên đoàn xen vô, giọng nói của Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn văn Do phát ra oang oang, với Trung tá Trần Kim Đại:
– Xích Bích là “Thằng điếc không sợ súng” đó, Sơn Linh!
– Giỏi lắm, tôi gởi lời khen.
Ông Do hay gọi Xuân thân mật như vậy. Mỗi lần Đại đội 2 làm được việc, nếu có người nào hỏi ai là Đại đội trưởng của Đại đội 2 thì Do đáp liền: “Thằng Điếc Không Sợ Súng”. Lâu ngày cụm từ này trở nên quen thuộc, thành biệt danh rất ngầu của Xuân. Cái gì cũng có lý do, là Xuân điếc thật, càng điếc càng lì, chả ngán pháo kích chút nào. Một lần đơn vị đóng dọc theo Quốc lộ 1, phía nam sông Mỹ Chánh, giữa Huế và Quảng Trị, Việt Cộng pháo cối 82ly vào như điên, ai nấy đều co giò chạy núp. Riêng Trung úy Xuân thì tỉnh bơ, vẫn ngồi đu đưa, vừa lấy gót giày gõ nhịp vào thùng dầu hắc tráng đường vừa chửi thề:
– Mẹ bay, chạy đâu dữ vậy?…
Đám tân binh mới đáo nhậm tưởng ông sếp lớn đầy bùa Lỗ Bang, đếch sợ bom đạn, chứ bọn lính cũ ai cũng thừa biết thầy Xuân được trời cho cái tật đó, nên hô lớn dùm:
– Pháo kích! Đại Bàng! Pháo kích! Nhảy xuống hầm!…
Nghe rõ và kịp hiểu tấm thân mình cũng bằng thịt, không phải thép, Xuân mới chịu nhảy xuống hố cá nhân. Nay Đại úy Do nói “Thằng Điếc Không Sợ Súng”, Thiếu tá Phổ, cả Trung tá Đại, đều ngỡ Dương Xuân đánh giặc chì dù ông bạn xứ Tân Định, Sài Gòn, của tôi cũng rất chì thật!…
Tôi đang buồn rầu, hậm hực trong bụng, đột nhiên có mấy tiếng nổ bốp bốp, từ phía Trung đội 2 bao quanh một bụi rậm. Trung sĩ Hơn la to:
– Bắn thằng Việt Cộng! Bắn!
Ba bốn cây súng chấu vào nhả đạn tới tấp, bỗng Binh nhất Nguyễn văn Châu đâu trong bụi liểng xiểng chạy ra, một tay cầm cái bình đông bằng nhôm đựng nước của Việt Cộng, còn tay thì bụm chặt đùm ruột lòi ngoài bụng, máu chảy đẵm ướt cả áo, hét lên:
– Đừng bắn, Đại Bàng!… Em là Châu bị thương!…
Rồi Châu ngã chúi xuống đất. Anh em chẳng biết ất giáp gì hết, nhưng nhào đến băng bó cho hắn. Thì ra người lính này bị đạn của Trung đội 2 rỉa nhầm. Sự việc xảy đến quá bất ngờ, ai cũng sửng sốt.
Nhìn Châu tôi tức muốn khóc được:
– Ông Hơn tới đây tôi bảo. Tại sao bắn nó, hả?
Viên Trung sĩ tái mặt:
– Lính đang tác xạ, thằng Châu thình lình lao vào lượm cái bình đông nơi xác chết Việt Cộng, tụi nó tốp không kịp, Đại Bàng!
Tôi hỏi Châu:
– Đúng vậy không?
Châu phều phào:
– Dạ!… Nhưng mà em có hô lên em vô lấy cái bình đông…
– Súng đang nổ ì xèo, ai mà nghe mày hô với hét? Trời ơi, mới ngày nào ngoài Huế, mày đem ra chợ Đông Ba bán tháo hết quân trang quân dụng để lấy tiền mua rượu nhậu. Bây giờ sá gì cái bình đông, hả Châu?
Cằn nhằn xong, tôi bảo y tá băng bó kỹ vết thương, và cho Châu 500 đồng, rồi sai lính khiêng qua Đại đội 2 nhờ chuyển tiếp lên BCH Tiểu đoàn.
Hạ sĩ Hiệp đến trình:
– Sơn Linh phó cần nói chuyện Đại Bàng.
Tôi cầm máy:
– Việt Quốc nghe Sơn Linh!
Giọng nói của Thiếu tá Liên đoàn phó có vẻ vui:
– Tôi cùng Sơn Linh trưởng khen anh rất xuất sắc, gan dạ, thọc sâu vào đánh vỡ phòng tuyến địch. Bây giờ anh cẩn thận tiến thêm được chừng nào hay chừng nấy và chờ các đại đội cùng lên luôn. Trên này còn bận tải thương, anh chuẩn bị đón nhận tốp Lao Công Đào Binh mới phân phối khuân đạn xuống cho các anh.
Nhận được lời khen, tiện thể tôi trình Thiếu tá Hoàng Phổ luôn vụ thằng Châu để BCH Tiểu đoàn khỏi phàn nàn chuyến đi này tôi bị thua lỗ hoài:
– Cám ơn Sơn Linh. Tôi hiểu Đại đội 1 đánh như vậy địch phải bỏ chạy, chỉ tiếc là chẳng thu được cây súng nào, còn bị thương một người.
– Sao vậy?
– Lúc tôi vừa mới chiếm xong mục tiêu, một tên Việt Cộng từ bên Đại đội 2 của Dương Xuân hướng bắc chạy qua, chun vào một bụi rậm gần Đại đội 1 để núp, đang lúc lính nổ súng, đột nhiên Binh nhất Nguyễn văn Châu nhảy đại vào lượm cái bình đông đựng nước trên xác chết thì trúng đạn. Tuy nhiên, tôi vẫn cho y tá làm phiếu QĐ-831 ghi rõ Châu bị thương vì “chiến trận”…
Tôi chưa trình bày hết ý, Hoàng Phổ đã nổi cười khà khà, nghe dễ nóng:
– Hay ha, “phe ta bắn phe mình”!…
Tức giận người hùng Khe Sanh khen kiểu móc họng tôi cúp máy, trả ống liên hợp lại Hạ sĩ Hiệp, rồi buồn buồn ngồi chửi đổng:
– Đời mà! ĐM… tình nhà binh như tình nhà thổ!
CÒN TIẾP /Kỳ 10
Trần Thy Vân
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
No comments:
Post a Comment