Tuesday, March 21, 2023

TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) (Trần Thy Vân)

TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4)
(Trần Thy Vân)
HÌNH ẢNH CHIẾN TRƯỜNG XƯA với Lm. NGUYỄN VĂN VÀNG
Chiếc Renault vừa trườn lên tới đầu dốc bỗng phát ra mấy tiếng nổ liên tục, với luồng khói đen khét lẹt mùi dầu ở trước máy, và muốn khựng lại. Bác tài xế vội bẻ tay lái tắp vào lề. Chú lơ xe cũng nhanh như chớp, rút trái khế gỗ ba cạnh nhảy xuống chêm dưới một cái bánh sau, rồi hô to: “Xe banh?”. Hành khách lao nhao, kẻ nhổm dậy, người lom khom mò mẫm tìm đồ đạc của mình một cách mất trật tự.
     
Tưởng tôi còn ngái ngủ, không hay biết sự việc đang xảy ra, vị khách ngồi kế vỗ vai tôi và chỉ lên mui, tỏ ý để anh leo qua cửa sổ lấy giúp chiếc xe lăn. Tôi gật đầu.
Xe hỏng máy ai cũng thở dài, tôi thì chẳng lo lắm, tới đâu tới, vì đã rời xa Đà Nẵng. Từ đây tôi có thể khai man lý lịch, giấu cả tông tích. Tôi ráng hết sức còn lại của nửa thân mình lăn chiếc xe vượt qua vạt đất xù xì sỏi đá, để theo mọi người vào bóng mát. Ngồi nhìn quanh, đột nhiên tôi ngờ ngợ trước cảnh vật. Vách núi cũng áp sát phía tây Quốc lộ 1, mặt đông là khu đồi thấp, nhấp nhô như sóng lượn, làm tôi xúc động. Tôi muốn nhìn xa hơn, mới xác định được nơi này là đâu, mà trông quen thuộc. Rất tiếc, tầm mắt bị giới hạn.

Ông bạn lúc nãy đến gợi chuyện:
– Anh là phế binh chế độ “quỵ”?
Bị quấy rầy, làm tan biến những điều tôi vừa hồi tưởng, lại nghe hỏi bằng một giọng miền Nam ngụy thành quỵ, mà từ nào cũng ẩn ý xấu, xấc xược, tôi giằn từng tiếng đáp:
– Ai “quỵ” chứ tụi này chưa quỵ đâu!

Đã không tỏ vẻ giận hay trách móc tôi chóng quên ơn việc lấy giúp chiếc xe lăn trên mui xuống đất, kẻ đối diện còn nở nụ cười thiện cảm:
– Đó là một cách nói che mắt bọn ác, bỏ qua đi bạn…
Nói xong, anh ngồi xuống tảng đá bên cạnh, tay ôm cứng cái túi dết nhà binh trước ngực. Dáng điệu anh như một quân nhân vừa rã ngũ, chưa hoàn hồn. Trên cổ đeo một thánh giá, càng làm tôi tin anh cùng chung số phận “quỵ” thật. Tuy vậy, tôi vẫn giữ thái độ không mấy cởi mở:
– Xin lỗi, anh có biết địa danh này?
– Sa Huỳnh Đức Phổ!
Nghe anh đáp vừa cộc lốc vừa nhanh như bốn phát súng bốn tiếng thân thương ấy, tôi vội bụm mặt:
– Trời!…
– Gì kêu trời?
– Trí nhớ tôi tệ quá !
– Tuổi chưa già mà thời thế muốn mình sụm sớm…
– Không phải ý nghĩa đó. Mới hai năm tôi đã quên… Khu đồi che khuất trước mắt tôi không thấy được đầm Nước Mặn. Và vì ngủ gà ngủ gật, tôi cũng chẳng hề hay biết khi xe chạy ngang qua con xóm cũ của Nhị, bạn gái tôi, ở quận Mộ Đức.

-Ừ ngoài kia có cái vịnh lớn lắm! Chắc lúc trước anh là lính trấn thủ lưu đồn, hay làm nghề đánh cá ở đây, hả?
Không biết anh hỏi thật hay đùa mà miệng cứ mủm mỉm, như cười nhạo báng, làm tôi tức thêm:
– Tôi đánh giặc liểng xiểng thì có, chứ đánh cá đánh tôm gì! Mới đầu năm kia đây, 1973, tôi Đại đội trướng Đại đội 1, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, dự cuộc tái chiếm Sa Huỳnh này. Xương máu lính đổ khá nhiều, nhưng bọn giặc thiệt hại gấp bội, hai trung đoàn của chúng đều tan rã, hàng ngàn xác chết bị vùi dập, từ trên các dãy đồi xuống tận dưới đáy sâu đầm Nước Mặn…

Tôi đưa mắt nhìn ra xa và kể tắt ngang, không đầu không đuôi về một trận chiến đã xảy diễn nơi đây. ông bạn lộ vẻ thích thú :
– Ồ, ở Đà Lạt tôi có nghe vụ Sa Huỳnh, các anh đã cứu vãn được tình thế bi đát, năm tỉnh địa đầu miền Trung khỏi cô lập chấm dứt nạn thiếu các nhu yếu phẩm. Dữ lấm đó !
– Dữ thì không bằng các cuộc giải tỏa các thành phố hồi biến cố Tết Mậu Thân 1968, Bình Long An Lộc… Nó cũng nhẹ hơn việc tái chiếm tỉnh Quảng Trị suốt mùa hè sang thu 1972 về tầm vóc ác liệt, cả không gian, thời gian. Nhưng trận đánh Sa Huỳnh lại quá rùng rợn, khác lạ, ai nghe cũng tường chuyện huyền thoại…
– Huyền thoại, ly kỳ?
Tôi quấn một điếu thuốc rê, đốt hít một hơi dài rồi nhìn xuống con dốc phía sau chiếc xe đò:
– Nếu không lấy lại được Quảng Trị, dân miền Nam mỗi người bị bớt một chén cơm, còn mất hẳn Sa Huỳnh, Đức Phổ, dù đây là cỡ quận, thì một phần ba nước, gồm năm tỉnh địa đầu miền Trung, đói te tua. Ví như vậy để anh thấy tầm quan trọng của vùng đất anh và tôi đang đứng. Trung đoàn 141/2 với một tiểu đoàn phòng không của địch chiếm cứ lại bị một đại đội chỉ 52 tay súng, đánh vỡ phòng tuyến, và bị bắn ngã dài dài từ trên các khu đồi đất đá chập chùng, xuống tới ven bờ lẫn đáy sâu đầm Nước Mặn.


Tính ra, trung bình một người lính Đại đội 1 Biệt Động tôi chỉ huy, rượt chạy trối chết 16 Cộng quân Bắc Việt. Rùng rợn và nghe như chuyện huyền thoại là chỗ đó, đúng không? Nay dù cụt hai chân tôi cũng thỏa mãn…
Kìa, tôi nhớ rồi! Hãy nhìn dưới dốc, cái vách đồi dài còn đổ vỡ bên phải con lộ, là nơi khởi đầu Đại đội 1 tôi đột nhập tấn công phòng tuyến địch, điểm xuất phát từ đường xe lửa bị cây cối phủ lấp, sát chân núi mé tây. Sau đó, chúng tôi vòng quanh qua cửa khẩu ngoài kia, để truy kích đánh nát đám tàn quân Sư đoàn 3 Sao Vàng đang tháo chạy như bầy vịt, và bắt sống hàng loạt, chúng vừa khóc vừa cúi đầu lạy xin tha. Tội nghiệp, dù anh hùng cách mấy khi sa cơ trông chúng rất thảm. Chỉ nơi một sườn đồi thoai thoải trải dài xuống mỏm kế bờ đầm khoảng 300 thước, mà địch thiệt hại non một đại đội còn bị túm cổ 18 tên, trong đó có mấy sĩ quan…
– Anh nói tôi thích quá. Đánh cách nào thắng hay vậy?
– Khi cùng đường, địch bị dí vào tử lộ, ba mặt là biển, Biệt Động Quân siết dần vòng vây, ép chúng dồn lại, những tay súng bạt mạng của Trần Thy Vân tha hồ bắn.
Thấy anh chịu nghe, tôi vắn tắt thêm phần Đại đội 1 Biệt Động đã đạt được trong trận đó, tháng 2/1973:
– Kết quả để đời. Tuy mình có thiệt hại, từ khi xuất quân mùng 1 Tết, 1973, tại Mộ Đức, lính tôi chết lẫn bị thương 37 người, nhưng đã đổi lại giết trên 200 tên Việt Cộng, bắt sống 19. Vũ khí thu 106 súng đủ loại, có khẩu phòng không 12ly8. Đó là thành tích chưa từng thấy ở cấp đại đội trong Quân Lực VNCH. Người thắng còn kinh hồn lọ là kẻ thù bại trận…
Mải mê nói tôi quên tìm hiểu chút lai lịch người bạn đồng hành, mà tôi đã hết thành kiến. Tôi hỏi:
– Từ Đà Lạt anh đi Đà Nẵng thăm ai vậy?
– Tôi đưa Cha Vàng ra đó, bây giờ về.
– Linh mục Nguyễn văn Vàng (1)
phải không?
– Anh biết Cha à ?
Tôi vừa cười vừa gật đầu:
– Tôi gặp Cha hai ba lần lận, lần sau cùng tại đây…
Anh ngạc nhiên:
– Tại Sa Huỳnh này? Tôi tên Thành, Nguyễn văn Thành. Còn quý danh anh, và xin cho biết những trường hợp nào anh gặp Cha, mà lần sau cùng lại tại đây, một nơi khỉ ho gà gáy? Cha đến Sa Huỳnh làm gì nhỉ?

Ngẫu nhiên hai người có vài điểm trùng hợp, ai cũng thấy thích thú trong lòng. Tôi quấn một điếu thuốc rê đốt hút cho đỡ đói rồi nối tiếp những hình ảnh vui buồn hai năm qua và mười bảy năm về trước.
Tôi làm ra vẻ kênh kiệu:
– Hồi nãy tôi có nói đến tên tôi “những tay súng bạt mạng của Trần Thy Vân tha hồ bắn…”. Tại anh không để ý. Giờ kể chuyện dĩ vãng, về Cha Vàng, Nguyễn văn Vàng, thì nó dài dòng lắm, chẳng mấy hấp dẫn.
Thành nôn nóng:
– Tiện đây anh nói cho vui, chứ để lát nữa lên xe tâm tình nguy hiểm lắm, biết đâu có công an chìm trà trộn…
– À, tôi quên nói, Quảng Trị được tái chiếm chưa đầy một trăm ngày, còn hoang tàn đổ nát, thì Sa Huỳnh, Đức Phổ, rơi vào tay giặc. Anh thấy không, vùng đồng bằng này chiều dài khoảng 30 cây số, nhưng hẹp, chỗ rộng nhất, từ chân núi ra biển chừng 600 thước, chỉ có con quốc lộ chúng ta đang đứng cặp sát hông núi xuyên qua, độc đạo. Do đó Sa Huỳnh được coi là một vị thế trọng yếu. Hình dung xem, rõ ràng nó giống cái cuống họng, bộ đầu là Vùng 1 chiến thuật. Đầu năm 1973, địch lấn chiếm, khống chế trục giao thông huyết mạch, năm tỉnh giới tuyến miền Trung đều bị cô lập, các nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm, thiếu hụt trầm trọng, dân chúng chen lấn nhau mua xăng dầu, mua gạo, cả khoai khô nữa…

Mặc dầu hiệp định Ba Lê về hòa bình Việt Nam, cái lệnh ngưng bắn đã có hiệu lực ngày 27-01-73, Sư đoàn 2 Bộ Binh vẫn trách nhiệm tổ chức phối hợp các quân binh chủng, trong đó có Liên đoàn 1 Biệt Động Quân gồm ba Tiểu đoàn 21, 37 và 39 làm nỗ lực chính, mở ngay cuộc phản công, đánh bật được Sư đoàn 3 Sao Vàng, một đại đơn vị hung hãn nhất, với Trung đoàn 141/2 Cộng Sản Bắc Việt tăng cường, ra khỏi Sa Huỳnh quận Đức Phổ, Quảng Ngãi, tháng 2/1973.

Chiến thắng, Quốc lộ 1 được khai thông, cứu nguy Vùng 1. Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu cùng các tướng lãnh thuộc Bộ Tổng Tham Mưu, các cơ quan truyền thông ra thăm Đức Phổ. Xong, họ về lại Sài Gòn, các lực lượng tham chiến, với Liên đoàn 1 Mũ Nâu chúng tôi, đều xuất phái.

Đại đội Biệt Động của tôi lúc đó, thời gian phái đoàn TT Thiệu đến thăm, đang trấn thủ trên đỉnh núi ngay sau lưng tôi và anh đây, để giữ an ninh, cũng nhận lệnh hạ sơn về hậu cứ Đà Nẵng. Trong lúc chờ xe, tôi rải lính nằm dài theo quốc lộ, trước mặt làng Sa Huỳnh.

Ngày ấy thật là nhộn nhịp, xe cộ ngược xuôi và từng đoàn người lánh nạn phương xa lũ lượt dắt díu gia đình hồi cư. Nơi các thôn xóm đã đổ nát quanh bờ đầm Nước Mặn, dân chúng lăng xăng sửa sang lại nhà cửa, đường sá… Họ còn đào huyệt chôn cất các thây ma của thân nhân và luôn cả những kẻ thù chết vì bom đạn vào những ngày giặc về xâm chiếm.

Khi Đại đội đang dừng chân, bỗng tôi nghe có tiếng quát tháo trước trụ sở xã Sa Huỳnh. Tôi và hai người lính đi tới thì thấy một vị hạ sĩ quan của tôi, Trung sĩ Nguyễn Thuận, đứng giữa đám đông hành khách gần chiếc xe đang đậu sửa máy. Anh ta vừa nói vừa vung tay trông dữ dần. Vì mới có chuyện buồn, bọn lính còn tức giận, là Biệt Động Quân chúng tôi bị tướng Tư Lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh cướp công, tiếm đoạt mấy trăm khẩu súng đủ cỡ trước phái đoàn Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, tôi ngại Thuận gây gổ dân chúng không tốt. Tôi hỏi Trung sĩ Thuận:
– Anh to tiếng chuyện gì vậy?
Thuận trả lời:
– Chiếc xe đò Sài Gòn ra bị banh, một tiểu đội bộ binh từ đâu kéo tới hối thúc tài xế sửa máy cho lẹ để chở họ vô Đức Phổ, bất bình tôi cự tụi nó.
Tôi liền gọi tốp lính lạ lại hỏi:
– Các anh ở đơn vị nào?
Người trưởng toán đáp:
– Trung đoàn 5, thưa Trung úy?
– Đây vô phố Đức Phổ bao xa mà đòi đi quá giang khi xe hư chưa sửa xong? Cuốc bộ được không?

Tốp lính ngoan ngoãn kéo nhau lên đường, vừa lúc một vị linh mục cùng hai thanh niên mặc áo sơ-mi trắng quần xanh từ trong một ngôi nhà bước ra. Thấy Cha quen quen, đã gặp đâu đây tôi cố nhớ… Đúng là Linh mục Nguyễn văn Vàng. Tôi mừng, còn Cha thì tỉnh bơ, chỉ thoáng nhìn tôi, rồi lạnh lùng quay mặt về phía chiếc xe đò. Cha không nhận ra tôi sau 15 năm phong trần, giày saut áo trận đầy cát bụi, chẳng còn vẻ thư sinh của thuở nào…

Khi Cha vừa đi ngang trước mặt, tôi khẽ cúi đầu:
– Kính chào Cha ! . . .
Vị Linh mục tưởng tôi chỉ vì lễ phép chào, chứ không hiểu ý tôi muốn nhìn thầy. Tuy vậy, ông cũng dừng bước, đáp lễ:
– Chào Trung úy!
Tôi, như cậu học trò năm xưa, đứng thẳng người:
– Con hân hạnh được gặp lại Cha.
Cha Vàng, thần tượng của tôi ngày nào, nay hơi già, tóc đã muối tiêu. Cha ngước mặt lên ngọn núi Diễn Trường xa xa ở phía bắc, ra chiều suy nghĩ:
– Lần trước chúng mình gặp nhau ở đâu nhỉ?
– Tại Đà Nẵng, 15 năm trước, thưa Cha !
– Ồ, xin lỗi, lâu quá tôi quên…
– Cha không nhớ đâu. Con tên Trần Thyy Vân, cựu học sinh trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng. Năm 1958, con có dự buổi diễn thuyết của Cha tại trường Phan Chu Trinh kế bên. Chiều hôm sau con tới nhà thờ xin theo Cha để học “tài hùng biện”. Cha từ chối, bảo con còn nhỏ, phải thi đậu xong tú tài toàn…
Linh mục Vàng bỗng nhìn tôi đăm đăm:
– Nhớ rồi! Hồi đó anh đến gặp tôi. Thì ra, nay là trung úy Biệt Động, chắc anh Vân đánh giặc dữ lắm?
Mặc dầu là môn sinh hụt, không được may mắn theo Cha thọ giáo, tôi vẫn nghĩ Cha như một vị thầy, đã hấp thụ nhiều điều hữu ích mỗi lần nghe Cha diễn thuyết tại Đà Nẵng và Phan Rang. Nay gặp nhau, giữa chiến trường vừa ngưng tiếng súng, dấu bom đạn còn nồng nặc khói mây, xác thù chưa rữa mục vung vãi khắp vùng đất Sa Huỳnh. Tôi, và có thể cả Cha Vàng, đều cảm thấy buồn.

Tôi đáp:
– Chỉ vì bổn phận. Con nhớ ngày xưa Cha dạy chúng con qua bài thơ “Chí Làm Trai” của Nguyễn Công Trứ. Còn một vị sĩ quan nữa, học cùng lớp -Thiếu tá Quách Thưởng- hiện là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn này, dự buổi diễn thuyết của Cha trước sân trường Phan Chu Trinh.
Tiện thể tôi khoe:
– Cha à, Liên đoàn Biệt Động Quân tụi con mới tái chiếm nơi đây, từ khu phố Đức Phổ đến ranh giới quận Tam Quan, Bình Định. Kìa, Cha xem…

Tôi lấy tay chỉ vài địa điểm nguyên là các mục tiêu hiểm hóc, rồi kể sơ diễn tiến trận đánh giữa ta và địch. Lúc ấy, tôi có cảm tưởng Cha Vàng như một ông tướng đến thị sát mặt trận, hơn là vị linh mục, một hành khách của chiếc xe đò.

Cha đưa mắt nhìn sang bên kia đầm Nước Mặn đang lung linh soi bóng những hàng cây dương liễu, khu đồi 94, và vòng qua hải đăng nơi cửa khẩu, toàn vùng rực lên như bức tranh sơn thủy của một chặng đường quê mẹ.

Rồi đột nhiên, Linh mục Nguyễn văn Vàng chưa nói một lời khen tặng cậu học trò xưa cũ vừa góp công không nhỏ tái lập an cư Sa Huỳnh, Đức Phổ, thì tiếng còi inh ỏi thúc bách, ba người vội vàng vẫy tay từ giã. Tôi cũng chẳng kịp chúc họ thượng lộ bình an. Tôi nhìn theo dáng Cha đi thoăn thoắt về hướng chiếc xe đò đang nổ máy…

Tôi ngưng câu chuyện, lấy thuốc đốt hút. Tôi hít liên tục. Nguyễn văn Thành, ông bạn sơ giao, ngồi thở dài. Chắc anh đang suy nghĩ đến một vấn đề gì, hoặc buồn vì chuyện tôi kể nhưng đây chỉ mới khởi đầu. Tôi nói tiếp:
– Lúc ấy tâm trạng tôi vui buồn bất chợt. Khi chiếc xe chở Cha Vàng đã lăn bánh vào quốc lộ, tôi ngồi phệt xuống bên lề đường, hồi tưởng về mùa thu 1958. Tôi nhớ sau ngày thi rớt bằng trung học, tôi ngồi lại Đệ tứ Phan Thanh Giản Đà Nẵng. Tuy trường cũ, thầy cô quen thuộc, như quý thầy Tôn Thất Dung, Nguyễn văn Thông, Nguyễn văn Xuân và Bùi Đặng Hà thị Phụng… sao tôi lại thấy mình xa lạ, lạc lõng giữa đám học trò lớp dưới mới lên.

Những ngày đầu niên khoá, sân trường rất rộn rã tiếng nói tiếng cười của các cô cậu ăn mặc bảnh bao. Chúng đùa giỡn, chạy nhảy tung tăng, gọi nhau chí chóe, đứa khoe cái cặp da kiểu mới, nhiều ngăn, thằng thì đưa xem cây bút máy Parker mà ngòi viết đâm mạnh xuống bàn không rè…

Tôi thì mặc cảm, ngồi thúc thủ một mình cuối phòng nghe cô đơn, tâm trạng não nề vì thi hỏng. “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi”, tưởng chừng tôi buồn hơn Tú Xương. Nhìn quanh, bạn bè cũ chẳng thấy ai, đa số đậu được chuyển qua học Đệ tam Phan Chu Trinh, còn những khuôn mặt thân thiết khác tản mạn đâu hết. Nghe nói năm sáu đứa đủ tuổi rủ nhau tình nguyện đi lính, vào quân trường Sĩ Quan Thủ Đức và Đà Lạt; cũng lắm thằng lại bị công an mật vụ bắt vì hoạt động chống chính phủ Ngô Đình Diệm, như bọn Huỳnh Bá Thành (2), dân xã Hòa Long, kế núi Non Nước. Đặc biệt, một người bạn chí thân, cùng xóm với tôi, thường sánh vai nhau đi học, qua lại sông Hàn chung một chuyến đò, là Lê Độ vừa mới chết. Độ (3) bị xử bắn tại sân vận động Chi Lăng Đà Nẵng… 

Sau đó, một buổi sáng, hàng ngàn học sinh từ các trường trung học ở Đà Nẵng, lần đầu tiên được các thầy cô dẫn qua Phan Châu Trinh để nghe Linh mục Nguyễn văn Vàng diễn thuyết. Tôi vốn thành kiến, ghét những lời truyền đạo, nhưng không hiểu sao hôm ấy, tôi lại náo nức, mong thấy mặt nhà hùng biện tài danh Nguyễn văn Vàng mà tôi đã nghe tiếng. Qua hai đề tài hấp dẫn, như có chất tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, “Dũng Khí” dành cho nam sinh, “Hương Hoa Đất Nước” cho nữ sinh, dù cả hai phái đang ngồi chung đông đảo trên sân trường mang tên nhà cách mạng miền Trung.

Sau lời giới thiệu của thầy Hiệu trưởng Phan Chu Trinh, Cha Vàng bước tới đứng trước hành lang, bên một cái bục, rồi bắt đầu thao thao bất tuyệt. Tuy vóc dáng nhỏ nhắn, thanh nhã, nhưng giọng Cha vang động, thấm sâu vào tim óc rừng người từng lời dạy dỗ. Ý Cha khuyên các lứa tuổi thanh xuân, nam lẫn nữ, là rường cột nước nhà, sống cho ra hồn, ích nước lợi dân. Cha đọc một đoạn bài “Chí Làm Trai”, thơ Nguyễn Công Trứ, nhấn mạnh những câu cần thiết, như bản hùng ca, và luận về cái dũng của người trai:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây
Cho phỉ sức anh hùng trong bốn bể

Tôi nhớ có lúc giọng Cha trầm buồn than phiền về chuyện một thiếu niên cầm dao giết một cụ già để đoạt lấy 150 đồng (bằng số tiền học phí một tháng lớp đệ thất thời đó). Các cô gái thì phô bày, ăn mặc quá mỏng manh, hở hang đến rõ nét những đường cong tuyệt mỹ…

Hay thật! “đường cong tuyệt mỹ”! Những lời Cha nói bao lần bị đứt quãng bởi hàng ngàn tràng vỗ tay với tiếng cười ồ vang dậy tán dương. Các cô cậu choai choai, dĩ nhiên, lấy làm khoái chí mấy cụm từ gợi hình, mà cũng gợi tình ấy. Tôi khác gì họ, nhưng chẳng qua vì lòng buồn rũ rượi, hét không nổi thôi. Tôi chỉ miên man suy nghĩ theo từng ý tướng lạ phát ra từ các loa phóng thanh cực mạnh vít trên mái hiên trường.
Tôi tiếc, phải chi Cha Vàng đừng nêu dẫn cái oái oăm cậu bé giết người. Tuổi học trò thời thập niên 50 ít ai muốn nghe mấy điều hung dữ tương tự. Xã hội lúc bấy giờ khó tìm thấy lớp trẻ ngậm điếu thuốc đi ngoài đường phố, hoặc một tiếng văng tục, chửi thề. Tâm hồn họ thích hợp với những giấc mơ tiên cho dù hão huyền. Tiếng ve sầu nỉ non trên cành phượng cũng làm người học sinh xúc cảm…

Sau ngày diễn thuyết, tôi còn lẻn vào rạp Ly Đô để nghe thêm một buổi về đề tài “Nhân Loại Sẽ Về Đâu’, chỉ dành riêng cho các giới quân nhân, công chức trong tỉnh. Linh mục Vàng vẫn hùng hồn, khiến ai cũng nín thở. Riêng tôi, tưởng chừng tôi đã trưởng thành, có sự suy nghĩ xa vời với thực tế, nên muốn thôi học theo Cha thọ giáo dù tôi người ngoại đạo.
Chiều đó tôi đến nhà thờ “Con Gà ” ở đường Độc Lập, nơi Linh mục Nguyễn văn Vàng tạm trú. Gặp mặt tôi trình bày ý nguyện ngay:
– Dạ thưa, sau khi nghe hai buổi Cha diễn thuyết ở trường Phan Châu Trinh và rạp Ly Đô, con đã lãnh hội nên đến đây xin được hân hạnh hầu chuyện Cha.
Cha Vàng mỉm cười:
– Chắc em muốn góp ý kiến về hai đề tài “Dũng Khí và Hương Hoa Đất Nước”?
Tôi vòng tay trước ngực:
– Dạ không dám…
– Chứ sao?
– Tuy con đạo Phật, con xin Cha ban ân là nhận con theo làm đệ tử. Cha đâu con đó…

Vị Linh mục khả ái nhìn tôi từ đầu xuống chân. Vì quá bất ngờ trước một vấn đề quan trọng, nên có một giây phút Cha ngỡ ngàng im lặng. Dưới ánh mắt nhà hùng biện thời danh rực sáng tỏ sao băng, tôi như con nai ngơ ngác, rụt rè. Thuở niên thiếu tôi chẳng mấy khôi ngô tuấn tú, tóc tai lòa xòa tới gáy, hẳn không được Cha thiện cảm lắm, chỉ vì lịch sự Cha niềm nở đón tiếp. Rồi đột nhiên Cha Vàng “quay” tôi như con dế về ba chuyện đâu đâu, làm tôi vốn rất gan lì cũng quýnh lên.

Trước hết Cha hỏi:
– Em tên gì, bao nhiêu tuổi, học lớp mấy, tên song thân và nhà ở đâu?…

Anh Thành nghe đó, câu hỏi quá dài dòng văn tự? Với tôi, nó còn dính dáng đến nhiều vấn đề, như làm tôi nhớ chuyện một viên cảnh sát thời Pháp, ở Hội An Quảng Nam 1953. Vì câu hỏi dài lê thê khiến tôi nhớ đầu quên đuôi, trả lời không đầy đủ, ăn khớp, liền bị mấy bạt tai nảy lửa, khi ông ta hạch sách xuất xứ một tài liệu của Việt Minh nằm trong túi áo tôi. Đó là tờ pelure màu hồng, ghi chằng chịt các hàng chữ bằng mực xanh, ai vứt trong thùng rác, trước tiệm ăn Thời Đại Đà Nẵng. Thấy tờ giấy còn sạch và chưa nhàu nát, tôi nhặt để về xếp làm tàu bay hay chiếc ghe chơi, ỷ y chả đọc, nên không biết nội dung viết gì. Lúc đến bến đò Hội An, đang lúc ngồi chờ ghe qua cồn Vạn giữa sông, tôi lấy nó ra ngắm nghía, thì bỗng một ông cảnh sát từ đâu bước tới giật xem, rồi nắm tay tôi dẫn về đồn ở một góc phố. Nơi đây, họ nói tôi chạy liên lạc cho Việt Minh và vặn vẹo hỏi mãi ai đưa, đem đi đâu cái tài liệu có ám hiệu màu hồng ghê gớm ấy. Mà thật, tôi nào biết Việt Minh là cái mốc gì. Ngay sau câu hỏi tôi ngớ, liền bị đục te tua, nào mấy ông cú cốc cốc trên đầu, nào bộp tai, đá đít nữa, có ông còn ngắt véo, chằn hai bên má tôi ra đau điếng, rồi tống tôi vào xà lim tối thui. Mãi chiều mẹ tôi mới hay tin, lên xin trả tự do cho tên “tù’ vừa tròn 10 tuổi này…

Đến lúc Cha Nguyễn văn Vàng “hỏi thăm”, cũng kiểu một câu hỏi gồm nhiều chi tiết ấy, tôi không phát lạnh sao được? Chỉ khác cách xưng hô, Cha gọi tôi bằng em ngọt dịu, không phải mày, thằng nhóc, nên ít run.
Để được nhận làm môn sinh, như dự cuộc tuyển lựa, tôicố trả lời sát ý, phải tràng giang đại hải và rất “bay bướm”:
– Con tên Trần Thy Vân, tuổi thật 15, vừa thi rớt, học lại Đệ tứ trường Trung Học Phan Thanh Giản Đà Nẵng. Dưỡng phụ tên Huỳnh văn Hậu, nhân viên quan thuế, dưỡng mẫu là bà Ngô thị Em. Nhà bên kia sông Hàn, phường An Thuận, xã An Hải, quận 3, còn gọi là quận Đông Giang, thưa Cha?

Cha đưa tay chỉ cái ghế bành bằng gỗ gõ:
– Em ngồi. À, sao lại có cái vụ tuổi thật, tuổi giả vậy?
Linh mục Vàng vừa hỏi vừa cười cười. Tôi ngồi xuống với lòng mừng thầm, chắc “đậu” rồi, nên Cha cho ngồi:
– Đó là con tính theo tuổi ta.
– Thế thì tuổi “giả” bao nhiêu?
Hiểu ý Cha đùa: “giả” đây là tuổi Tây, tôi đáp:
– Dạ, 14.
– 14 đã thi trung học, giỏi nhỉ? Hỏng môn gì, nhớ không?
– Con khá toán và luận. Vào oral con trả lời đúng một, trật hai câu sử địa. Chắc bị zéro bài dịch tiếng Pháp qua Việt.
– Dịch thế nào lại bị zéro?
Tôi đáp têu tếu cho Cha vui, mà cũng thật:
– Cái đề kỳ cục, gãy gọn một chữ “Auberge”, con tưởng nghĩa của nó là chó Berger, tên loại chó Đức. Bạn bè kế bên cũng nói vậy. Sau về tra tự điển mới vỡ lẽ “auberge” là quán trọ, chẳng dính dáng gì đến chó mèo hết.

Cười khật khật xong, Cha hỏi thêm: Ngay cái đề đã dịch trật, đến phần thân bài thì sao?
Tôi không nhớ hết, mà kể ra ngượng lấm, vì tôi bốc hứng sửa đổi nội dung bài thi, cầu may. Tôi nói quẩn quanh:
– Con quên, đại khái con khai triển: “Lúc bấy giờ nước Đức dưới thời Hitler, một lãnh tụ độc tài của đảng Quốc Xã, mới bại trận, người và thú đều đói. Có một chú ‘Auberge’ vô chủ mãi chạy rông ngoài đường…”. Các thí sinh ngồi thi cùng bàn đều “phỏng dịch” tương tự. Traduire librement hết, thưa Cha !

Linh mục Nguyễn văn Vàng lại cười ngất. Cha co một ngón tay đưa lên giụi mất, mặt đỏ au. Xong, Cha chất vấn tôi câu chót, chẳng khác nào những lần roi xé thịt đối với một cậu học trò đang “tầm sư học đạo”, cứ ngỡ đời bao giờ cũng đẹp:
– Vân định theo tôi học cái gì?
– Con xin học “tài hùng biện”…
– Vân lầm rồi, tôi đâu có tài đó? Hùng biện là khả năng thiên phú. Chưa đủ, còn nhiều điều khác ràng buộc, nào tuổi tác, kinh nghiệm… ít nhất em cũng phải đậu tú tài 2 mới được. Thôi, về lo gạo bài, sang năm tái thí. Nợ đèn sách em còn…
Thất vọng, tai tôi lùng bùng, uể oải đứng dậy xin kiếu từ. Vị Linh mục khả kính hẳn cảm động đến đặt tay lên vai tôi, giọng nhỏ nhẹ:
– Gắng học, theo tôi khổ lắm, rày đây mai đó…
Tôi ứa nước mất, lảo đảo bước ra khỏi giáo đường.
Con phố đã về đêm. ánh sáng các bóng đèn tròn trên các trụ sắt cũ kỹ từ thời Pháp thuộc, nhuộm màn sương vàng vọt, thấm hút vào hàng me Tây chập chờn, ma quái. Hai đầu đại lộ Độc Lập ngang trước nhà thờ Con Gà, thường thì khách bộ hành, xe cộ qua lại đông đúc nhất Đà thành, lúc ấy như hai cái cửa hang sâu hoắm, đang chờ đợi, đi hướng nào tôi cũng bơ vơ, lạc lõng…

Kết thúc câu chuyện chẳng mấy vui, Thành cũng uể oải, ngồi phệt xuống đất, lưng dựa tảng đá. Trông anh dày dạn, khuôn mặt sạm nắng, đầy nét suy tư, bí ẩn. Thành khéo tìm hiểu tôi ngay phút đầu gặp nhau. Tôi thì không muốn tò mò, hỏi han đời tư, những ý nghĩ của anh về hiện tình đất nước. Chắc gì anh thổ lộ tâm tình giữa thời buổi quá nhiễu nhương, dưới chế độ cực kỳ hiểm ác, phân hóa, gieo rắc mọi ngờ vực, khiến chẳng ai tin ai. Thậm chí trong gia đình, chồng vợ, cha con, anh em, thân bằng quyến thuộc, vẫn giữ thái độ dè dặt, không thật lòng. Tuy nhiên, tôi có linh tính Thành và tôi sẽ là đôi bạn thân.

Sau một hồi im lặng anh hỏi:
– Vân nói Vân có dự buổi diễn thuyết của Linh mục Vàng ở Phan Rang nữa, phải không?
– Ừ, tại rạp Thanh Bình, ở đường Thống Nhất, năm 1965. Không những dự còn giữ trật tự, ghi âm, vì tôi đã có lòng yêu mến Cha từ bảy năm trước ngoài Đà Nẵng. Cuộc nói chuyện ấy do trường Trung Học Duy Tân Phan Rang tổ chức. Học trò bốn trường đến nghe, chật cứng cả rạp.
– Vân rất xông xáo, có sự liên hệ với Cha. Bây giờ ông bạn về đâu? Một điều tôi xin hỏi thêm: vợ con thế nào?
Tôi cười buồn:
– Bộ muốn bắt chước Cha Vàng quay tôi nữa à? Vợ con? Vì gia đình mà tôi chưa biết nơi đến. Tôi muốn dừng chân ở một miền quê hẻo lánh của cao nguyên Lâm Đồng, chẳng ai để ý mình. Tôi mong gặp lại vài người lính cũ, với cô gái tên Nhị đã thương tôi trong thời chiến, lúc tôi chưa gãy chân, bại trận. Chắc cô ấy sống đâu đó trên phố núi, “phố núi cao, phố núi đầy sương”. May mà có em đã hơn một lần ra tận chiến trường Sa Huỳnh này…

Chiếc xe đò đã sửa xong, máy nổ. Tài xế rú ga inh ỏi làm hành khách, kẻ đứng người ngồi rải rác ở các gốc cây, tảng đá mừng reo lên và lật đật tủa ra.
Thành vội đẩy chiếc xe lăn. Có anh tôi đỡ khổ. Thành thỏ thẻ bên tai, như sợ không còn cơ hội tâm sự:
– Tôi trước phục vụ ở Tiểu đoàn 302 Địa Phương Quân…
Anh chỉ nói có vậy rồi hì hục đẩy cái xe lăn bươn qua vạt đất lốc chốc sỏi đá .
Tôi gợi ý:
– Của Đại úy Phong, Tiểu khu Tuyên Đức, đúng không? Tôi biết Tiểu đoàn Phong đánh giặc giỏi, mà cũng tan hàng, “cải cách Lê Lai” (chạy làng). Tức thật!
– Không phải đâu, họ chưa bao giờ “cải cách Lê Lai”, vẫn tiếp tục Mình còn nhiều cơ hội gặp nhau! Tôi cầu mong Cha Vàng thành công…

Tôi nghĩ thầm, ông bạn mới quen hơi chủ quan, tôi không buồn cãi lại, chỉ nói lảm nhảm trong miệng: “Lớp bỏ chạy ra hải ngoại, lớp lọt mưu bọn tặc phương Bắc mời đi tù ráo, còn ai nữa chiến đấu?”.

CÒN TIẾP /Kỳ5
Trần Thy Vân
------------------

MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân) 

10. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (10) - (Trần Thy Vân)
 
12. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (12) - (Trần Thy Vân)
13. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (13) - (Trần Thy Vân)
14. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (End) - (Trần Thy Vân) 
 

No comments: