Tuesday, March 21, 2023

TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)

TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8)
(Trần Thy Vân)
THÂM SƠN CÙNG CỐC
Không còn sự lựa chọn nào khác, tôi đành chấp nhận nơi này dựng một căn nhà nhỏ giữa ba sào đất gồ ghề, lởm chởm đá ong, nằm đìu hiu một mình ở cuối xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng. Đúng theo dự tính của tôi và Thành phác hoạ trước đây.
-----------
Chung quanh, phía nam bốn trăm thước, hai làng Thượng R’Chai và Jirong Tambor, dân tình không mấy thiện cảm với người kinh. Đi đâu họ cũng mang sau lưng cái gùi, đàn ông thì cầm xà gạc sắc bén, loại dao cán dài. Hướng bắc, gần nhà là một khu nghĩa trang khá rộng, được dùng làm pháp trường để “toà án nhân dân” đem vào xử bắn dài dài những kẻ đối kháng. Trước mặt, bên kia Quốc lộ 20 cũ, con sông Đa Nhim, khởi nguồn từ quận Đơn Dương, chảy xiết về tỉnh Đồng Nai, khi ngang đây thì đổ xuống một trũng sâu tạo thành thác Gu-ga, quanh năm ầm ĩ, bụi nước tung cao như sương mù bao phủ một góc núi.
 
Tháng đầu tôi đến ở, ông Đắc có ghé thăm đôi lần mà lần nào ôgn cũng nhắc câu nói của lũ gian tà theo chủ nghĩa rách bươm miền Bắc: “Lao động là vinh quang, lao động làm nên của cải”. Ông Đắc chưa mở mắt thấy sự thâm độc của quân cướp nước, đẩy dân chúng miền Nam vào rừng khai sơn phá thạch, dĩ nhiên phải ráng sức lao động, đầu tắt mặt tối, mới có ăn, trong khi bỏ hết nhà cửa, đất đai ở thành phố, cho bọn đói rách từ sào huyệt đảng của chúng đến chiếm cứ.
Miền Nam vốn giàu có, bản chất con người không đố kỵ, không ganh ghét những ai khá hơn, nên dễ mắc mưu bọn thủ đoạn, phản phúc, khi yếu thì cúi mình tự xưng “em, em”, lúc mạnh, trở mặt ngay: “chúng tao, chúng mày”.
 
Ông Đắc chưa mở mắt nên chưa thấy cái nham hiểm của Cộng Sản Bắc Việt, đưa nhiều đoàn thanh niên nam nữ vào Nam “trồng cây gây rừng”, là hình thức dò tìm những vùng đất mầu mở cho thân nhân chúng vào cắm dùi. Không riêng miền quê mà các phố phường cũng vậy, đều có sự hiện diện của lũ xâm lược ngự trị chỗ tốt.
 
Thừa biết ý đồ bất nhân ấy tôi không nản chí với đời sống gian khổ nơi thâm sơn cùng cốc này.
Rồi hằng ngày, sau khi đã mướn người cuốc, tôi lết quanh nhà xới đất trồng khoai tỉa bắp, những công việc từ thuở cha sinh mẹ đẻ tôi chưa bao giờ đụng tới. Đôi khi, nhờ dầm mưa dãi nắng, qua bao tiến trình rừng rú do cái đảng của “Thây Ma Ba Đình” chủ trương “biến sỏi đá thành cơm”, tôi được đền bù. Các bác nông dân hàng xóm thương tình giúp đỡ, mà cũng ngao ngán cho tôi, hoa màu le te không lớn nổi, cỏ dại chằng chịt, và hạn hán kéo dài, ruộng vườn nứt nẻ.
Trong lúc nạn đói đe dọa thì đêm Noël đầu tiên năm mất nước, một bọn Thượng, thuộc nhóm K’Tin ở R’Chai, vào chĩa súng lấy hết tiền bạc, quần áo, khiến gia đình tôi khốn đốn.
 
Vụ cướp, tuy không đáng kể, nhưng nạn nhân là người tàn tật nên làng trên xóm dưới bàn tán xôn xao, có cả tiếng bấc tiếng chì, cho rằng tôi đem của cải tiếp tế Fulro, “tàn quân” chế độ cũ đang hoạt động trong rừng, phía đông thác Gu-ga. Đã mất của còn rắc rối. Công an huyện Đức Trọng, nhân lúc tới lập biên bản, gặng hỏi lung tung lai lịch tôi ngày xưa, làm như chính tôi là thủ phạm. Cứ đôi ba hôm họ tới. Lần này tôi biết tên và cấp bậc của tên công an là Trung úy Cẩn.
Hắn khai thác:
– Anh có thật mất đồ không?
Tôi tỏ vẻ thân thiện và xen lẫn thái độ ngang ngạnh, hầu đánh tan sự nghi ngờ tôi ở nơi vắng vẻ này có mục đích liên lạc, cung cấp tin tức cho thành phần đối kháng, tôi đáp:
– Tự nhiên tôi dựng chuyện à?
Cẩn nói:
– Chúng tôi đang tiến hành việc tìm thủ phạm, anh chớ đi đâu xa. Anh vừa vô sở cà phê Phi Vàng Finom chi vậy?
– Vì có người nói thằng thượng K’Tin làm mướn trong đó. Mất của, tôi nóng lòng đi kiếm phụ với quý anh chứ?
 
Công An Cẩn bỗng gác ngang chuyện mất cướp qua một bên, không chất vấn điều tra gì nữa, anh nhét vội tập giấy vô túi xách da bò, rồi ngước lên nhìn tôi:
– Anh quen ông Út xay lúa trên R’chai, phải không?
Cẩn đề cập tới Út làm tôi giật mình và nhớ vụ Út cũng bị Thượng đột nhập nhà sau tháo lấy cặp bánh xe Honda. Chắc công an huyện nghi Út cung cấp phương tiện di chuyển cho tàn quân hay Fulro.
Tôi nói:
– Quen, vì thường xay lúa và mua cám ở đó.
– Nhờ anh chút. Anh xin Út giúp tôi ít ký gạo. Gặp Út tôi ngại quá !
 
Tôi thở phào nhưng lấy làm lạ khi nghe anh đang hành sự quay qua xin gạo ăn. Hay anh giở chiêu chước gì đây, chứ lẽ nào bi đát dữ vậy? Mới “giải phóng”, vơ vét biết bao của cải ở miền Nam đây mà. Trung úy Cẩn người Trung, bị mất nỡm mấy thằng Cộng Sản đầu xỏ Bắc kỳ rồi.
Tôi hỏi nhỏ:
– Bộ thiếu gạo thật hả?
– Vâng!
Tiếng “vâng” nghe rất nhỏ, khuôn mặt Cẩn thì như dài ra, vằn vện những đường gân xanh hai bên vầng trán, động lòng thương hại, tôi vội phóng lên chiếc Honda và nổ máy. Trước khi rời khỏi nhà tôi bảo Cẩn:
– Mấy thằng nhóc đi học về, anh nói giúp tôi đến chú Út.
Gặp Út tôi thuật chuyện, Út liền đong luôn mười lon gạo, khoảng ba ký, vào bao cát. Xong, tôi chạy u về đưa Cẩn, anh mừng hết lớn, tôi cũng vui lây. Nhân tiện tôi hỏi:
– Tháng này nhà nước không phát gạo à?
– Có, nhưng hết rồi?
– Ăn lẹ vậy?
– Anh biết cấp bao nhiêu ký mỗi tháng không, bảo ăn lẹ? Ăn “từ từ ‘ vậy mà mới mươi hôm đã hết. Anh Vân quê Quảng Nam hả ?
– Sao anh xoay đề tài hay dữ vậy? Đang nói chuyện gạo cơm, tự nhiên chuyển qua hỏi quê quán?
Thấy tôi nói tàng tàng kiểu Tôn Tẩn, bọn con cháu Bàng Quyên muốn phát khùng:
– Tại giọng răng ri mô rứa của anh.
– Ừ, quận Hòa Vang. Còn anh, dân củ mì Quảng Ngãi?
– Tôi huyện Sơn Tịnh.
Tôi giả vờ lấy làm vui, reo lên:
– Chà, anh bà con với tướng Trần văn Trà!
Cẩn nheo mắt:
– Bà con cái con khỉ!
– Nếu không, sao anh lại được theo “Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam” ngon vậy?
– Anh nói ngược rồi, “Mặt trận dân tộc…”. Còn vụ đi theo thì… hồi nhỏ có biết giải phóng giải lao con mẹ gì! Tôi đang giữ trâu mấy ông lôi đi.
 
Nghe Cẩn nói, tôi không dám cười to, chỉ ực ực ở cổ họng mà muốn văng trái khế ra ngoài. Thấy lôi thôi anh đứng dậy kiếu từ:
– Cám ơn anh Vân xin dùm mấy ký gạo.
Tiễn Cẩn ra cửa, tôi vừa cười vừa lè nhè:
– Có gì đâu, kẻ sa cơ giúp người thất thế…
Không biết Cẩn có hiểu câu nói không, anh lặng lẽ ra xe.
 
Hết công an tới bộ đội. Chắc vì vụ tôi bị cướp có võ trang nên một đơn vị nhỏ của Sư đoàn 304 từ Đại Ninh, cách đây 5 cây số phía nam, chuyển đến đóng tại xóm Thượng R’Chai.
 
Đêm đêm một trung đội đi tuần, hay phục kích vài địa điểm trong vùng. Nhiều lần họ nằm sau nhà, theo dõi gia đình tôi, chứ chẳng nhằm mục đích bắt cướp.
Đêm nào nghe tiếng chó sủa nhoi, dai dẳng là có vấn đề. Tôi vẫn tỉnh bơ, chong đèn làm việc lặt vặt, hay dạy con cái học hành tới khuya. Đôi khi tụi nhỏ tưởng ma, vội phóng lên giường trùm kín mền. Chúng nó đâu biết trong đêm đen trên quê hương ngày nay, ma quỉ chẳng nhằm nhò gì hết, có một thứ còn hung tợn, ác độc hơn nhiều. Nếu không có tiếng chó thì mấy đưa con rất hồn nhiên, cao hứng hát chơi. Hai thằng lớn, Phương và Trang, chín mười tuổi, cứ tụng hoài bài: “Quê em miền trung châu giặc về thôn xóm…”, buồn não nuột. Bé gái Thảo sáu tuổi, cũng lúc trầm lúc bổng với bản ruột: “Cô gái lái xe trên cạn, xe em nhanh tóc em bay nhanh… bên sóng biển…”, tôi muốn điên luôn.
 
Rình mãi chán, có lẽ nghe tiếng hát của tụi nhỏ gợi lòng trắc ẩn, nhớ cố hương và nhằm trời tháng chạp lạnh lẽo, họ gõ cửa xin vào nhà, để trò chuyện làm quen, hoặc tìm hiểu đời sống của người chiến sĩ Biệt Động chế độ cũ không chừng. Làm sao hiểu được?
Sáng hôm sau, tôi đang di chuyển trên hai cái đòn ngồi, để giẫy cỏ, vun gốc bắp, thì toán bộ đội đêm qua ghé vào:
– Anh thương binh làm gì đấy?
Tôi vừa xắn cái lưỡi xà bách xuống một bụi gai vừa đáp:
– Không thấy sao? Cỏ dại um tùm, xâm lấn cả hoa màu.
Nghe câu trả lời nhát gừng, còn ẩn dụ châm biếm, họ im lặng, đứng nhìn quanh một lát rồi hầm hầm bỏ đi. Tôi đâm lo ngại, vì lời nói ấy có thể khiến họ rắp tâm trả đũa, như một giai thoại lịch sử cuối đời nhà Lý, 1226 .
 
Vì ngao ngán việc triều chính, Lý Huệ Tôn nhường ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng, để vào chùa Chân Giáo tu. Trần Thủ Độ, một đại gian thần, lập mưu đưa người cháu tên Trần Cảnh vào hầu hạ, sau thành chồng Lý Chiêu Hoàng, rồi soán đoạt ngôi vua dựng lên nhà Trần. Một hôm, gặp Lý Huệ Tôn ngồi nhổ cỏ nơi sân chùa, Độ bèn nói: “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Biết thế nào cũng bị giết, Huệ Tôn liền tự vận…
 
Đến chiều có ba người khác tới, vào thẳng trong nhà. Tốp này trông vui vẻ, không bặm trợn. Sau vài câu xã giao họ lần lượt giới thiệu tên, đơn vị phục vụ. Phần tôi, rút kinh nghiệm, sẽ dè dặt hơn, tránh đụng chạm.
Một người tên Tuất, nói nhiều nhất, chắc là cấp chỉ huy, nhỏ nhẹ:
– Địa phương cho hay, anh là sĩ quan của chế độ cũ trước 75, chúng tôi cần cảnh giác, nhưng nhận thấy anh thương tật, lo làm ăn, không phải người xấu. Có điều không hiểu sao gia đình ở chỗ vắng vẻ thế này, xa cách xóm làng, nhỡ đêm hôm bệnh hoạn ai giúp?
Những khuôn mặt đối diện còn trẻ, mà phong trần, thuộc đại đơn vị 304, mệnh danh Sư Đoàn Thép, từng tốc chiến tốc thắng trên các mặt trận nội địa cũng như ngoại biên, đã bao phen chạm súng với Liên đoàn Biệt Động Quân chúng tôi ở vùng I. Nay trước mặt tôi người chiến bại, họ nói năng từ tốn, dùng cụm từ “chế độ cũ’, không gọi “ngụy”. Tự nhiên, tôi có sự khoan dung. Bên hàng ngũ đối phương đâu phải thảy đều một phường gian ác.
 
Tôi nói:
– Cám ơn các anh. Ở đây tuy buồn thật, vẫn còn khá hơn trong các vùng kinh tế. Sự nhận xét của các anh, những người từng vào sanh ra tử, khác hẳn công an, họ hay thiên kiến về chính trị với những ai làm việc dưới chính thể miền Nam. Vụ tôi mất cướp đêm Giáng Sinh vừa qua, trên huyện nghi ngờ tôi đem tiền bạc tiếp tế cho tàn quân.
– Chúng tôi có nghe thế…
– Họ căn cứ vào đâu và “tàn quân” gì nữa?
Sau một giây ngần ngừ Tuất buột miệng:
– Còn bọn thằng Phong! Chúng vẫn ẩn trốn hoạt động, ra vào các khu rừng chung quanh đây. Phong nguyên Tiểu đoàn trưởng 304 Địa Phương Quân Tuyên Đức. Con vợ bé nó xinh lắm, giữ khâu cung cấp thực phẩm, thuốc men, đặc biệt móc nối người Nùng ở Tùng Nghĩa và nhiều nơi khác theo Phong, nhưng bà đã bị Đại đội C7 bắt giải ra huyện rồi. C7 cũng bắn chết nhiều tên phản động đấy.
 
Tuất cho biết tin này vì bốc đồng hay có chủ ý xem phản ứng của dân? Tôi im lặng. Những câu chuyện về Phong 304, và các nhóm “tàn quân, phục quốc”, tôi nghe nói nhiều. Tôi đã một lần tình cờ thấy tờ giấy “Sự Vụ Lệnh” viết bằng tiếng Pháp, dưới mỗi câu được dịch qua Việt ngữ, giấu trong đường viền vạt áo của một người Nùng làm công cho tôi, có bí danh là “Đa Đa”, do Fulro cấp hoạt động vùng Đức Trọng.
 
Riêng nhân vật thứ hai anh ta đề cập, liên hệ tình cảm với ông Phong, quý danh là gì thì tôi không rõ, chỉ thấy cô gái ấy có mái tóc ngắn, tuổi dưới 30, còn hiên ngang chống lại bạo quyền Cộng Sản vào những tháng đầu đất nước đen tối nhất, khi cả triệu quân miền Nam vừa rã ngũ. Cao quý là vậy. Tuy vô danh nhưng có nhân dáng uy hùng của cô trong lịch sử. Cô bị bắt tại R’Chai, một xóm Thượng phía nam thác Gu-ga nửa cây số. Quân thù trói chặt hai tay người nữ chiến sĩ bằng dây điện thoại, với các nòng súng dí sau lưng, khi giải giao ngang trước nhà tôi. Buổi mai hôm ấy sao trời buồn ảm đạm, may mà có vừng hào quang của nữ kiệt rực lên.
 
Sáng nay tôi cảm thấy mình quá hèn nhát, nỗi ưu tư cũng không để lộ trên khuôn mặt. Họ đi rồi tôi thờ người suy nghĩ về “cô gái tóc ngắn”. Ngày bị bắt, cô mặc áo xanh màu nước biển, quần dài đen. Chắc cô phải chịu đựng bao cực hình dã man, từ lao tù này đến ngục thất khác, hay cô đã chết đâu rồi không chừng.
 
Còn Phong, người lãnh đạo một tổ chức kháng Cộng, tôi chưa một lần gặp, chỉ nghe danh từ trước 75, khi anh làm Đại đội trưởng Đại đội 302, rồi Tiểu đoàn trưởng 304 Địa Phương Quân tỉnh Tuyên Đức. Phong nổi tiếng đánh giặc giỏi và bài trừ du đãng tận gốc.
Người dân khó quên tấm lòng trung dũng của anh, điều đó không những anh đã biểu lộ nơi trận mạc thời binh lửa, mà còn thể hiện khi đất nước bị cưỡng bách rơi vào một nền hòa bình bất chính, bạo ngược của giặc Bắc.
 
Theo Thành kể, Tiểu đoàn 304 ĐPQ đang hành quân phía nam thị xã Đà Lạt, bỗng mất liên lạc với cấp trên. Tìm hiểu Phong mới biết toàn bộ Quân đoàn II đã triệt thoái về Khánh Hòa. Họ âm thầm rút, không lệnh lạc gì cho anh. Đó là một cuộc lui quân thảm hại nhất, dẫn đến sự sụp đổ miền Nam.
 
Phong đưa đơn vị vào đồn điền cà phê Phi Vàng ở ngã ba Finom, quận Đức Trọng, rồi rưng rưng nước mắt nói với các binh sĩ thuộc quyền:
– Báo các anh biết, toàn thể cấp trên và quân binh chủng thuộc Quân Đoàn II đã rút khỏi cao nguyên, bỏ đồng bào, bỏ tất cả những gì từ lâu ta tốn biết bao xương máu để bảo vệ…
 
Phong vừa nói vừa nghẹn ngào, dưới hàng quân cũng bật lên nhiều tiếng khóc tức tưởi. Anh cố nén xúc động:
– Nay, trước giờ phút lâm nguy, các anh có bỏ tôi thì bỏ, tôi không bỏ các anh, tôi vẫn tiếp tục chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Ai còn cha mẹ già, vợ con, cần chăm sóc, hãy để súng đạn lại, về lo gia đình…
Một ngày thật đau thương. Một số các chiến sĩ can trường Địa Phương Quân quyết không quay mặt, trút bỏ danh dự lẫn trách nhiệm đối với tổ quốc. Họ vội vã rời khỏi đồn điền cà phê Phi Vàng giữa đêm đen, biệt dạng vào khu rùng cũng mờ mịt phía đông, mà không hề biết mai này đoàn quân cô độc của mình sẽ ra sao, chiến thắng hay chết ở đầu non góc suối, không bao giờ trở lại…
 
Mấy ngày cuối tháng Chạp lẽ ra nhộn nhịp như năm trước chuẩn bị ăn Tết, nay im vắng đến rợn người. Chỉ có bọn cầm quyền, “cách mạng 30”, hớn hở vui đón cái xuân đầu 1976, dưới gót giày xâm chiếm của Bắc quân. Hầu hết các cư dân ở đây nghèo xơ xác sau vụ đổi tiền, dè dặt trước tin đồn các lực tượng phục quốc sẽ về phản công tập đoàn cướp nước và để trừng trị những kẻ tiếp tay giặc hại đồng bào.
 
Sau ba ngày xuân buồn tẻ, mặc dù còn bận rộn việc canh phòng khu vực, đám bộ đội Tuất cũng đến thăm và biếu tôi mấy cái bánh chưng, vài gói thuốc Tam Đảo. Tôi không nghĩ đây là đòn chính trị hạ cấp nơi những người lính cấp nhỏ, chỉ chuyên về trận mạc. Lần này họ tự nhiên hơn, nói năng cởi mở, cũng chửi thề luôn miệng. Tuất không ngần ngại kể tôi nghe chuyện “tàn quân” đã đột kích đánh nát một số cơ quan hành chánh trong khu vực Liên Khương-Tùng Nghĩa đêm 30 tết vừa qua, mà tôi có nghe đồn vậy. Sự thiệt hại nhân mạng đôi bên thì không ai nói.
Tôi vờ thắc mắc:
– Đã gọi là “tàn quân” còn đấm đá gì nữa?
 
Ý tôi muốn nhắc đến một danh xưng nào khác, như kháng chiến hay phục quốc chẳng hạn, có tính cách lâu dài. Nhưng anh ta im lặng, hoặc giấu không cho dân biết hoặc chưa nắm vững tình hình vì còn mới. Riêng bộ đội Nguyễn Bình thì hay thày lay cái miệng, thường bị chê trách “phát ngôn bừa bãi” nhất trong đơn vị C7. Hôm nọ anh có thú nhận anh đã một lần đào ngũ, chuồn về Bắc, nửa đường bị bắt lại, nhốt tại Vinh, nên vắng mặt những ngày Sư đoàn 304 Cộng Sản tiến chiếm thủ đô Sài Gòn.
Bình trề môi:
– Úi giời, nói tàn quân chứ chúng vẫn còn khả năng đánh dữ lắm. Nhưng đánh được một lát rồi bỏ chạy thôi.
Một anh khác xen vô:
– Fulro cũng thế, thường lẻn về các buôn Thượng thu thực phẩm. Vừa rồi có một người giả dạng mục sư, ông cha gì đấy, trong núi ra nói chuyện phản động ở nhà thờ tin lành R’Chai. Công an huyện xuống không kịp, nó vọt mất.
 
Anh vừa nói vừa chỉ về hướng xóm Thượng, tôi nhìn thấy trên cánh tay anh có xăm một cái hình trái tim màu xanh lục, nhưng thiếu mũi tên đâm xuyên qua để biểu tượng tình tuyệt vọng, của kẻ yêu mà không được yêu. Tò mò tôi phát giác ra mọi người đều vậy. Đặc biệt hơn nữa, là giữa trái tim có một hàng số ai cũng giống nhau: 13- 12-1972. Lấy làm lạ tôi hỏi:
– Này, tay các anh đều mang cái hình trái tim và đề cùng ngà y 13 -12- 1972 là sao?
Bộ đội Tuất vội đưa cánh tay lên nhìn:
– Kỷ niệm ngày bị Biệt Động miền Nam pháo!
– Vùng nào?
– Tây bắc Huế.
Tôi giật mình:
– Vậy sao? Choảng nhau ác liệt không?
Nguyễn Bình hít một hơi thuốc, rồi vừa nheo mắt vừa xen ngang vô trả lời thay Tuất:
– Ác liệt lắm! Lúc ấy C7 nằm trên đồi, nửa đêm bọn lính Biệt Động mon men đến toan đột kích bị phát hiện, trung đội chúng tôi xuống diệt tiêu luôn, nhưng chưa kịp kéo lên thì bị đạn chùm cối 811y…
 
Hồng, người Nùng Lạng Sơn, tướng vạm vỡ da trắng trẻo, nãy giờ mải ngồi đùa giỡn với tụi con tôi bên cái giường lớn, chợt quay qua nói:
– Cũng tại các bố, cứ lo tìm hộp quẹt máy Zippo trong túi xác chết của ngụy, làm rút lui trễ nên lãnh xẹo ăn pháo…
Không còn nghi ngờ gì nữa, những kẻ thù nay gặp nhau.
 
Tôi phân vân nên hay không tiết lộ tông tích mình từ lâu đã giấu kín. Rốt cục ham vui, thấy không đến nỗi nguy hiểm, tôi nói toạc:
– Có phải đêm đó giữa mùa mưa, các anh áp đảo họ bên bờ suối, kết quả thu hai khẩu M16 và một Colt 45?…
Cả đám bộ đội trố mắt nhìn tôi:
– Đúng rồi ? Thế anh có tham dự à?
Tôi cười:
– Không những vậy… tôi còn là kẻ chỉ huy trận đánh…
Tuất, người được giới thiệu như một dũng sĩ diệt Mỹ của Sư đoàn 304 Bắc Việt, tuy ngạc nhiên, anh cũng tỏ ra cởi mở thích thú :
– Anh Vân cấp gì?
– Đại đội trưởng Đại đội 1/21 Biệt Động, đơn vị trực tiếp tấn công. Nay tôi mới biết Sư 304 từng chạm súng với chúng tôi Khu đồi mà C7 các anh chiếm đóng, có độ cao 100 mét, phía tây bắc Huế, gần căn cứ Bastogne. Trước đó, nó do một đơn vị của Sư đoàn 1 Bộ Binh miền Nam trấn giữ, bị C7 hốt gọn, còn nguyên lều võng, hầm hố…
 
Tôi ngưng, móc gói thuốc quấn hút. Tuất tướng tôi không nói nữa nên thúc:
– Hay lắm, kể tiếp chứ!
– Sau ngày dự cuộc tái chiếm cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị thành công, 15/9/1972, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân của chúng tôi trở lui nằm cặp theo Quốc lộ 1, ở mạn nam sông Mỹ Chánh. Được mấy hôm thì trực thăng bốc đơn vị vô núi, Đại đội 1/21 do tôi chỉ huy nhận lệnh nhảy xuống phía bắc ngọn đồi C7 các anh đang chiếm khoảng một cây số đường chim bay. Nhìn bản đồ, trục tiến sát rất cam go, vì mục tiêu C7 trên thế cao, tôi nhắm không thể cho Đại đội tấn công ngay buổi chiều đó kịp, chỉ mon men tới gần 500 thước. Đã vậy, giữa các anh và Biệt Động Quân chúng tôi là thế đất trũng sâu, với con suối ngăn đôi, nước dâng cao chảy xiết vì mùa mưa. Tối, tôi đặt một trung đội phục sát dưới chân đồi, chuẩn bị đột kích đêm C7 thì bất ngờ các anh đổ xuống đánh trước. Thật ra, thâm tâm tôi cố tình trì hoãn, chờ sáng hôm sau để vừa thấy rõ mục tiêu vừa dễ xoay trở, mới tấn công bằng cấp đại đội, với sự yểm trợ của Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21 chúng tôi đang ở sau lưng.
 
Khi thay đổi dự tính, bỏ cuộc đột kích đêm, tôi đã nhận ra sai lầm là tôi vẫn để trung đội ấy nằm dưới thấp, không giựt lên cao, nơi mỏm đồi phía Biệt Động.
Lúc các anh vây đánh, trung đội gọi máy báo có 2 người lính chết, còn vị Thiếu úy Trung đội trưởng thì gãy một tay, tôi vội ra lệnh tất cả anh em đùm túm các thứ rút lui ngay, chạy lên mỏm đồi, khi rời xa vị trí khoảng 200 mét, gọi báo. Quả đúng. Tôi cho rót dồn dập đạn cối 60 ly cơ hữu của Đại đội 1 lẫn 81ly từ Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21 BĐQ xuống ngay địa điểm các anh đang tràn ngập…
 
Bộ đội Bình há hốc mồm:
– Thế, bọn này ăn mảnh cả ? May, không bố nào chết, còn có ngày về lại Bắc…
Tuất cười:
– Chúng tôi vội nhảy tòm xuống suối. Mẹ, nửa đêm lạnh bỏ xừ.
Tôi cũng cười theo:
– Chưa yên. Đơn vị lớn của các anh lại nã đại bác 130 ly từ Bastogne tới tấp vào chúng tôi, gây thiệt hại thêm hàng chục người. Chính tôi cũng suýt tí nữa toi mạng, may nhờ anh lính kéo ra khỏi một thân cây gãy ngã đè cứng bên hầm đạn cối, lửa cháy chung quanh.
Tuất nhếch miệng cười:
– Vì pháo chùm chúng tôi rút.
– Các anh ở thế cao, quân số đông, nhắm mình đại đội tôi khó dứt điểm, vị tiểu đoàn trưởng điều thêm một đại đội nữa và đích thân ông chỉ huy, C7 mới chịu rời khỏi ngọn đồi cao 100 mét ấy mà chúng tôi, qua các cuộc điện đàm, thường gọi nó là “Đồi Trần Hưng Đạo”. Ở miền Nam có tờ giấy bạc 100 đồng in hình Đức Trần Hưng Đạo…
Tôi vừa nói tới đây, Tuất đứng dậy vỗ vai:
– Nghe chuyện anh kể rất trung thực, chúng tôi không tự ái còn lấy làm vui. Đó là kỷ niệm của chúng mình thời binh lửa gian nguy, không bao giờ thấy lại nữa. Nay đã chấm dứt chiến tranh, mọi hận thù phải thuộc về quá khứ. Nhưng mỗi bên đều có những lý do chính đáng để không hài lòng. Riêng tôi cũng có điều khó quên. Chắc anh biết, chúng ta có chung kẻ thù là bọn đưa đẩy đất nước đến tan nát, đổ vỡ tận gốc, từ cá nhân đến xã hội cả hai miền Nam Bắc…
 
Trước khi cáo biệt, xin kể một trường hợp về bản thân tôi:
 
Trong một trận đánh không mấy ác liệt, C7 này bắt sống được một thiếu tá. Ngày giải giao lên trên, vì ông bệnh phải khiêng bằng võng, đi khoảng nửa đường, chúng tôi dừng để ông tiểu, thì bất ngờ ông giật súng, đánh vào đầu hai anh bộ đội, rồi tẩu thoát. Tôi bị kỷ luật, giáng cấp, thiếu úy xuống thượng sĩ đến hôm nay.
 
Chúng tôi thấy quân đội các anh chiến đấu rất giỏi, chỉ vì chủ trương đường lối thế nào ấy, mà các ông lãnh đạo ngoài Bắc bảo không đáp ứng được ý nguyện của nhân dân. Nhưng khi vào đây tôi mới biết nhiều điều… Đúng như lời bố tôi nói ngày tôi lên đường đi B.
Dứt lời, Tuất và các đồng đội lần lượt bắt tay tôi rồi bước ra ngoài. Tôi nhìn theo bóng dáng những kẻ đã hơn một lần can trường chạm súng chúng tôi, những anh hùng trận mạc, bỗng nhòa nhạt trước đôi mắt cay cay của người chiến bại.

CÒN TIẾP /Kỳ9
Trần Thy Vân
------------------
MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
10. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (10) - (Trần Thy Vân) 
 
12. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (12) - (Trần Thy Vân)
13. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (13) - (Trần Thy Vân)
14. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (End) - (Trần Thy Vân) 
 

No comments: