(Trần Thy Vân)
XUÔI NAM
Tình hình
huyện Đức Trọng bỗng trở nên căng thẳng, đặc biệt khu vực từ Tùng Nghĩa
vô Đại Ninh. Sau khi Sư đoàn 304 rời khỏi, nói là về Bắc, lại chuyển
qua lấn chiếm Cam Bốt, một trung đoàn của Công Trường 10 Cộng Sản đến
thay thế, rải quân khắp các thôn xã, và thêm một đơn vị công an biên
phòng đồn trú tại hai buôn Thượng Jirong Tambor và R’chai.
Ban đêm bắt đầu 9 giờ tối, lệnh cấm rất ngặt, nội bất xuất ngoại bất nhập, khiến mọi sinh hoạt của người Thượng phải thu hẹp, đời sống khó khăn. Đã vậy, hai nhà thờ Tin Lành và Thiên Chúa đều bị đóng cửa, không một ai được lui tới hành lễ hay cầu nguyện, để cơ quan hợp tác xã Phú Hội dùng làm kho chứa ngũ cốc, hình thức cấm đạo.
Dĩ nhiên cư dân chống đối, lối chống ngấm ngầm, khi thì ù lì bất hợp tác, lúc công khai nhưng không xuống đường biểu tình như các giáo dân bên Đơn Dương. Thượng R’chai chẳng hề sợ cắt hộ khẩu hay thu hồi sổ mua thực phẩm hằng tháng, nên bọn cầm quyền địa phương càng áp bức họ không nương tay. Cô thôn này quyết tự chủ, trước mọi đe dọa, chấp nhận một trận chiến giữa xà gạc cán tre với súng đạn AK…
Rồi việc gì đến đã đến. Một sáng sớm, đột nhiên tôi nghe mấy phát súng nổ ở R’chai, kế đó, tiếng mõ, thùng thiết lẫn tiếng người kêu la inh ỏi. Tôi nhìn lên thấy một đám Thượng cầm xà gạc tràn xuống quốc lộ, rượt theo một người mặc đồ bộ đội về hướng trụ sở xã. Thì ra, người co giò chạy trối chết là Nguyễn Lệ, Trưởng Công An Phú Hội. Khi tới góc sân Lệ nhảy phóc qua hàng rào lủi vào nhà tôi. Hắn thở hổn hển như muốn đứt hơi, để khẩu K-54 trên bàn, rồi cột chặt lại sợi dây giày đã bung. Thấy miệng Lệ há hốc, tôi chưa tiện hỏi, hắn đã ngước cái mặt tái mét lên lắp bắp:
– Cho tôi miếng nước lạnh và anh dòm coi bọn Thượng có thằng nào tới không?
Tôi bảo đứa con pha cho Lệ một ly, còn tôi ra ngoài nghe ngóng động tĩnh. R’chai đã yên lặng. Tôi quay vô hỏi:
– Anh mới bắn ai, phải không?
Lệ đáp gọn lỏn:
– Thằng Thượng!
– Bị thương hay chết?
– Chắc chết.
– Sao bắn dân?
Tên công an giương đôi mắt đỏ ngầu:
– Tôi đang công tác kiểm tra nhân khẩu, thình lình nó bóp họng tôi. Coi nè, tôi không bắn sao được?
Lệ ưỡn cổ trước mặt tôi vi bằng. Tôi vừa lắc đầu vừa nghĩ thầm tự tay hắn cào thôi, không phải dấu bóp. Lệ nhát, luôn bị ám ảnh, nhìn ai ở R’chai hay Jirong Tambor, Gia Bá cũng tưởng là Fulro, hoặc tàn quân, nên khi thấy cử chỉ nạn nhân có vẻ khác thường là rút súng bắn ngay, bắn vô tội vạ.
– Vậy anh có bị phạt không?
– Bất quá mấy ổng đổi tôi về Quảng Ngãi. Tôi đi nghe!
Nguyễn Lệ đứng dậy, bước nhanh ra cửa, mắt láo liêng, chốc chốc ngó lui như sợ ai túm cổ. Một lát sau các cán bộ xã huyện, du kích hộ tống, rần rần kéo lên R’chai, và chẳng bao lâu họ quay về. Tôi vẫy tay gọi thằng nhóc Tú du kích, con bà Sáu nhà đầu xóm, đi lẽo đẽo sau cùng, lại hỏi cớ sự.
Tú cho hay:
– Anh Lệ bắn người Thượng khùng toét óc luôn. Dân chửi quá trời! Họ định làm to chuyện, huyện phải năn nỉ, hứa cho tiền chôn cất.
– Vậy sao? À, tôi nhớ rồi, cái thằng tàng tàng đó! Lý do gì ổng bắn nó, biết không?
– Anh Trưởng ban khai là nó bóp cổ ảnh. Hồi sáng nó tải bắp mướn. Khi mang một gùi nặng cả trăm ký, luôn luôn họ cầm cây gậy để khi đứng nghỉ, chống dưới đáy gùi cho nhẹ. Thằng Thượng đang trong tư thế đó thì tình cờ anh Nguyễn Lệ đi ngang trước mặt, đúng lúc nó nhớm người lên lấy cây gậy phía sau để di chuyển. Anh Lệ hoảng hốt, tưởng đâu nó vung xà gạc chém, liền rút súng bắn nguyên một băng K-54 nó nhào trái.
Đó là lời tường thuật của ông Ha Dú, chứng kiến sự cố từ đầu, công an huyện Đức Trọng lập biên bản. Cháu thấy xác nằm úp, chúi xuống vũng máu chết, bắp văng tung tóe, cái gùi thì đè trên lưng, không có dấu hiệu chứng tỏ nó bóp họng anh Lệ. Tội thiệt!
Tôi lấc đầu:
– Ông Trưởng Ban Công An Xã thế nào cũng tù.
Tú nhún vai:
– Mấy ông giải phóng trong rừng ra, tù gì? Bị kiểm điểm thôi. Năm ngoái, anh Cường xã đồn trưởng du kích, phơ một người nơm cá dưới thác Gu-ga rồi cũng huề. Dân R’chai giờ thù người kinh lắm! Chú chớ lên mua lúa mua gạo nữa.
Tôi cười và vỗ vai tên du kích dễ thương:
– Kinh là gọi chung người miền xuôi chúng ta, Thượng chỉ thù “cách mạng” thôi. Dân R’chai, như vợ chồng Ha Dú hay làm mướn cho tôi. À này Tú, mấy lúc tại sao du kích rình rập nhà tôi hoài vậy?
– Không nhớ rõ ai, bảo tụi cháu cứ vài đêm lên đây theo dõi coi, “ông cụt chân có hoạt động chống phá cách mạng không”. Rình mãi, thấy bình thường, nghe chú dạy mấy đứa nhỏ làm toán. Có hôm tự nhiên chú quát to: “Bị cướp hết rồi, tao còn con ‘kẹt’ gì nữa mà rình”. Tụi cháu lật đật xách súng chạy xuống cầu ôm bụng cười. Về cơ quan kể, các ông cũng cười lăn luôn.
Chú gan thiệt. Đợt chiến dịch hớt tóc tháng trước. Anh Bí thư bảo toán du kích đứng canh ngoài đường, gặp thanh niên nào tóc dài quá cỡ thì xỡn cụt. Chú từ Tùng Nghĩa về bị chặn vì tóc phủ xuống cổ áo, nhớ không? Đội trưởng Tiêm có giải thích việc phải thi hành, chú lại sừng sộ: “Nè, cắt cái đầu tao rồi tụi mày hớt”. Cự xong chú tống ga chạy tỉnh bơ. Sau, mỗi lần gặp chuyện cần, anh Lệ sai đi mời chú là Tiêm hay Thái đều lắc đầu Người ta đồn chú có gốc lớn, nhà bác Ba, mẹ chú, lúc nào cũng có cán bộ tỉnh chạy xe con xuống thăm…
Nghe Tú du kích xổ ra tôi khoái chí. Tôi làm bộ vênh cái mặt và nói úp úp mở mở, gián tiếp hù nó chơi:
– Ứ, gốc tôi lớn lắm, đằng sau trối gì! Nhưng mà phép vua thua lệ làng, Tú à!
– Giỡn chú, khi mưa lúc nắng có dù che, đỡ khổ chứ?
Tôi vừa cười vừa nói như thật:
– Tôi không cần ai che hết, chấp nhận khổ để tự lập.
– Thôi, trưa rồi, cháu xin phép về.
Dứt lời, thằng nhóc Tú vác khẩu AK47 muốn xệ một bên vai, đi thẳng xuống cây cầu đúc, nơi năm ngoái nó cùng đám du kích xã Phú Hội đứng ôm bụng cười khi nghe tôi văng tục, trỏ “kẹt” chúng nó.
Tú vừa đi, thì HT con ông bà Đắc, đột ngột đến. Không rõ đến với tin lành hay dữ, mà mặt chú em, người cùng HL từng mở các trận chiến bằng “đạn lòng” tấn công tôi tới tấp lúc ở chung, ra vẻ nghiêm nghị. HT bước vào, để cái xách tay dày cộm hồ sơ trên đầu phản, rồi nói:
– Em đi công tác Tùng Nghĩa về thẳng đây thăm anh.
– Công tác gì?
– Lập danh sách các tư nhân có xe bốn bánh, máy cày để nhà nước thu mua quản lý…
Gặp cơ hội tôi giũa ngay:
– Quản lý tức hình thức tịch thu, chuyển tên nhà nước làm chủ, có trả tiền đâu mà gọi là mua với bán? Kìa, ủy ban nhân dân xã lấy của người ta hàng trăm chiếc máy cày về bỏ phế ngoài trời cho mưa nắng. Đất đai, nhà to cửa rộng sung công chưa đủ, sắp tới các đại gia súc trâu bò cũng sẽ dắt nết…
Chợt nhớ hôm đầu năm tôi vẫn khẳng định vấn đề đó, và bọn cầm quyền có chủ trương bần cùng hóa nhân dân, thì HT vặn vẹo rằng tôi nói vô bằng cớ, nay gặp dịp tôi nhắc:
– Chú lập danh sách bao nhiêu nhà rồi?
– Phần em xưa rày trên vài chục. Chờ kiểm kê xong mới định ngày gom góp các thứ.
– Cách đây không lâu tôi nói chính sách của chủ nghĩa xã hội này dần dần sẽ tịch thu hết các tài sản lớn của nhân dân, chú phản đối, bảo tôi chứng minh điều đó là sự thật, thì bây giờ đã rõ, chú vừa xác nhận bằng giấy trắng mực đen nơi cái cặp hồ sơ của chú đây…
Tôi lấy điếu thuốc đốt hút rồi lên lớp hắn tiếp:
– Chú đâu biết, theo Cộng Sản mà không hiểu Cộng Sản là một cái tội đối với chúng! Stalin đã bắn vỡ sọ một tùy viên của hắn chỉ vì nạn nhân chưa quán triệt, kinh qua chủ trương, đường lối Marxist. Đó là lý thuyết, tư tưởng xa vời, thực tế thì, tội nghiệp chú, vì hư danh, tư lợi nhất thời khiến chú mù quáng tiếp tay cho một lũ hèn từ phương Bắc xâm lăng miền Nam với mục đích duy nhất là cướp tài sản của dân mà thôi?
Cậu Tú, đậu tú tài phổ thông IBM (A, B, C khoanh) niên học 1973-1974, mặt xanh dờn, đâm ra ấm ớ:
– Em không thể làm khác khi muôn người như một.
– Tôi không bảo chú làm khác chủ trương của Đảng, chú phải thi hành, nhưng có cái vô nhân đạo không nên đồng lõa. Tôi muốn nói đến tình gia đình. Ví dụ năm ngoái, lúc tôi còn ở chung nhà, ba chú vừa đuổi ruồi vừa quát: “Đuổi, đuổi cho bọn Biệt Động Quân rớt phăng xuống biển”. Nghe vậy, chú cũng khoái chí cười ha hả trên sự đau khổ người khác. Xách mé quá hạ cấp. Chi vậy? Nhiều lắm tôi không nhớ hết.
Chú đừng nghĩ tôi phản động, chống đối tư tưởng chú, tôi chỉ nhắc đạo làm người, ăn trái phải nhớ kẻ trồng cây, đừng phản tặc. Còn chú nói muôn người như một? Nhìn chung thì tất cả đồng dạng, cùng màu da giống máu, nhưng chưa chắc đồng tâm đâu. Xin lỗi, tôi không bao giờ nằm trong số muôn người theo lối chú nói. Dứt khoát, không những tôi dị mộng, mà còn chẳng đồng sàng với ai trong cõi ta bà này…
Đang lúc hai anh em hục hặc nhau thì Út R’chai bước vô. Thấy HT mang khẩu K54 bên hông, bản mặt chăm vằm, ngồi một đống nơi giường, Út không dè dặt, nhếch miệng cười nói tỉnh bơ:
– Vân lên coi kìa !
– Coi gì?
– Cô chủ quán ở Định An, gần R’chai, vừa bị bộ đội Sư 10 hiếp xong giết luôn.
Tôi trố mắt:
– Hồi nào?
– Đêm qua. Sáng nay mới phát giác.
– Sao biết thủ phạm là bộ đội Sư 10 Cộng Sản Bắc Việt? “Cách mạng” mà cũng dữ vậy à !
Út đưa tay chỉ về hướng nam:
– Đây vô Đại Ninh, qua khỏi R’chai, cái quán nằm trong dãy nhà bên trái đường, cô vừa bán hàng vừa may vá. Chỉ có bộ đội thường xuyên tới rồi xảy ra chuyện “bề hội đồng”. Ác độc nhất, tập thể hãm xong, chúng lấy cây nọc dí vào âm hộ nạn nhân cho chết. Sáng nay một số đã bị bắt. Đồng bào làm reo, đòi trừng phạt ngay tại chỗ, nhưng các sĩ quan họ nói bộ đội phạm pháp phải đem về Bắc xử. Chắc để tránh tiếng…
– Chứ. gì nữa, chuyện xấu của những bộ mặt giả nhân giả nghĩa chẳng lẽ phô ra tại vùng đất mà họ vào để giải phóng hay “phỗng gái” mọi áp bức, nô lệ, phải không HT? Đi, mình đi coi, Út!
HT đứng dậy :
– Coi gì ba chuyện bậy bạ. Thôi, em về.
Tôi cười:
– Chuyện “nhất trí, muôn người như một” sao bậy?
HT vội xách cặp vừa bước ra khỏi cửa vừa lằm bằm trong miệng: “Nói móc hoài”.
Út nhìn tôi:
– Bộ muốn đi xem thiệt hả?
– Tôi nói vậy để đuổi khéo cái thằng cách mạng 30, chứ xem gì. Hồi nãy Út chưa đến, tôi đã dạy nó một bài học.
– Kỳ trước anh kể bốn cha con chú này luôn luôn sinh sự với anh chứ gì?
– Ừ! Trở lại vấn đề. Thường thì quán đó bán tới mười giờ tối cô ta đóng cửa vô nhà cha mẹ phía sau ngủ mà?
– Đêm đại nạn, ông bà già đâu biết, tưởng cô ta bận may đồ gấp nên thức khuya. Sáng ra mới hay sự thể. Sư đoàn 10 tới thay Sư 304 tháng trước, chưa gì đã lòi đuôi chồn. Còn vụ công an Lệ bắn chết thằng em Ha Dú R’chai nữa.
– Còn bắn dài dài. Như Út biết, nghĩa địa sau lưng nhà tôi đây chúng lôi người vào bắn khá bộn rồi…
Bỗng Út làm mặt nghiêm:
– Hôm qua Trung úy Cẩn công an ghé tôi chơi có đề cập đến Vân. Hơi bất ổn.
Nghe Út nói, tôi hiểu ngay một phần những điều tôi nghĩ từ lâu Tuy nhiên, để rõ thêm tôi hỏi Út:
– Bất ổn chuyện gì mà ông Cẩn lại nói với Út?
– Nghe sao tôi nói vậy, đừng buồn. Trong lúc ăn trưa Cẩn có nhậu vài ly rượu chanh. Anh ta nói Vân có lắm vấn đề, cơ quan Cẩn đang theo dõi. Ví dụ, anh cho hai đứa con, Phương và Trang, thôi học, vì ngại tụi nhỏ sẽ ảnh hưởng văn hóa mị dân, đầu độc trẻ thơ. Anh công khai nêu dẫn điều đó với ông Hiệu trường trường Tiểu Học Phú Hội. Lần khác, anh đang ngồi trên chiếc Honda ba bánh của anh đậu trước trụ sở xã, có một nhóm thanh niên đi làm thủy lợi đứng nhìn. Thấy anh tàn phế họ tỏ ý thương, anh lại nói to: “Đời lính tôi đã giết cả ngàn kẻ thù, nay cụt hai chân tôi vẫn còn lời chán”. Ông Cẩn còn kể, mới đây anh dám kêu đích danh Trưởng công an xã Lê Thanh Tùng, vừa lên thay Nguyễn Lệ, ra chửi thậm tệ trước mặt mọi người tại cửa hàng hợp tác xã mua bán…
– Rồi ông Cẩn kết luận sao?
Út tỏ vẻ lo lắng cho tôi:
– Qua cách nói, tôi biết ông Cẩn cảm tình anh, nhưng về quan điểm chính trị anh có thể bị ghép tội. Nặng nhất là anh sỉ vả tên cán bộ người Bắc Hiệu trưởng trường Tiểu Học Phú Hội..
– Tôi nhớ mọi chuyện. Tôi phản đối lối giáo dục, bắt học trò lao động, một tuần lễ hết ba ngày dầm mưa dãi nắng để cuốc đất trồng khoai, tỉa bắp; vô lớp thì cứ hát ca ngợi các ông lớn nhiều hơn học, những bài tập đọc thì chửi lại cha mẹ anh em. Ngày dắt hai con về, tôi nói thẳng với cô giáo đặc trách lớp và ông Hiệu trường: “Tôi không muốn con tôi ảnh hưởng một nền giáo dục u ám, như đám mây đen, che khuất những hình ảnh tươi đẹp của quê hương”. Nghe nói thẳng mặt vậy, dĩ nhiên chúng không hài lòng. Không sao. Cám ơn chú báo tôi biết tin tức đó. Tôi sẽ bán nhà dọn đi nơi khác, tôi chẳng muốn ở đây thêm chút nào nữa.
Trước khi ra về, người bạn lâu năm nắm tay tôi, nói bằng một giọng buồn buồn:
– Với chế độ này anh là cựu sĩ quan VNCH khó yên thân.
Vừa ra khỏi Bảo Lộc, con phố buồn quen thuộc, nơi ngày xưa tôi đã đôi lần dừng chân sau các trận đánh cao nguyên, khi còn phục vụ ở Tiểu đoàn 11 Biệt Động, tôi vặn thêm tay ga cho xe chạy nhanh hơn. Chung quanh, núi đồi trùng điệp, vắng lạnh. Bức tượng trắng Mẹ Maria trên vách đá, dấu đạn của kẻ vô thần bắn lỗ chỗ hai bên gò má, nhưng khuôn mặt Mẹ vẫn còn rõ nét hiền từ, nhìn thế gian đầy hiểm ác. Dù tôi ngoại đạo cũng cầu xin Đức Mẹ cho tôi qua khỏi chốn này bình an.
Đang chạy, rờ-mọt đằng sau bỗng chao đảo, khiến chiếc Honda ba bánh bị tròng trành lắc mạnh rồi nằm nghiêng vẹo, như được ai ghìm giữ ở vị thế chênh vênh sát miệng hố thẳm rất lâu. Tôi nghĩ chắc thần linh cứu độ. Khi hoàn hồn tôi mới nhớ đây là đèo “Ba Cô”, con dốc chúi nhủi giữa tuyến đường QL20, nơi ba cô gái bị xe trút chết bất đắc kỳ tử, linh thiêng.
Nhìn xuống chân đèo sâu hút mây phủ ngập, với hai chiếc xe chở nặng người và đồ đạc, thắng lại không ăn, tôi thấy rõ nguy cơ trước mắt. Nhưng trên bước đường cùng xuôi nam tôi phải lao đi, rồi bốn cha con ghì chặt nhau thả dốc mà như bay bổng, tưởng chừng không bao giờ hạ cánh.
the End
Trần Thy Vân
------------------
MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
12. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (12) - (Trần Thy Vân)
13. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (13) - (Trần Thy Vân)
14. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (End) - (Trần Thy Vân)
------------
(1) Chương 4, trang 35- Khi qua định cư tại Califomia, Hoa Kỳ, Tác giả đã gặp lại Giáo sư Nguyễn Vũ Khương, người bạn cùng khóa 22 Sĩ Quan Thủ Đức 1966. Ông cho biết Linh mục Nguyễn văn Vàng, ngay sau tháng 4/1975, là Chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn, do Gs Khuơng làm Tổng thư ký kiêm Giám đốc Sở chính trị của Mặt Trận Kháng Cộng Thống Nhất Việt Nam”. Tổ chức này mượn nhà thờ Vinh Sơn, Sài Gòn, làm nơi in bạc giả trước khi chuyển máy móc về Đồng Nai, và mới in được 20.000 đồng tiền nhà nước CSVN thì cơ sở bị bại lộ xảy ra cuộc tử chiến. Bên phục quốc hy sinh 2 tại chỗ, những người khác bị bắt, một số bị xử bắn. Riêng Linh mục Nguyễn văn Vàng, bạo quyền Cộng Sản bỏ đói chết trong lao tù Z20 Phú Khánh. Tuy không lớn, nhưng tiếng súng Vinh Sơn đã rực lên ngọn đuốc quyết tâm phục quốc những tháng năm đầu đất nước rơi vào tay giặc Bắc. Tác giả gọi biến cố ấy là “Vinh Sơn Chiến Sử” để tỏ lòng ngưỡng mộ Mặt Trận Kháng Cộng.
(2)Chương 4, trang 40 – Huỳnh Bá Thành con của Huỳnh Bá Giỏi, người Hòa Long, một trong năm xã kế Ngũ Hành Sơn, thuộc quận Hòa Vang, Quảng Nam, theo Cộng Sản lúc còn nhỏ. Từ khi vào Đệ thất Phan Chu Trinh Đà Nẵng rồi lên đại học ở Sài Gòn, Huỳnh Bá Thành, cũng là họa sĩ, bút hiệu Ớt, hoạt động trong giới sinh viên học sinh và báo chí. Tháng 4/1975, Thành xuất đầu lộ diện, mang quân hàm trung tá công an T/p Hồ Chí Minh. Những năm giữa thập niên 80, lạm dụng quyền hành, Thành tổ chức đường dây US tours, để cùng người cháu tên là Huỳnh Bá Tâm ở Bắc Califomia, móc nối đồng hương về thăm quê nhà. Chằng bao lâu, vì tranh giành quyền lợi, nội bộ đã đập chết Huỳnh Bá Thành. Lúc ấy Huỳnh Bá Tâm đang còn ở Việt Nam cũng bị thanh toán. Chúng cho chó cắn ngay sau ót HB Tâm, được thân nhân đưa trở lại Mỹ .
Trong tộc Huỳnh Bá này chỉ có Thành phản nghịch, theo Cộng Sản. Mấy ông chú, bác của Thành đều là đảng viên VNQDĐ, làm việc cho Quốc Gia, như HBĐ, HBT, HBL… Trước năm 1975, chung quanh khu núi Non Nước (Ngũ Hành Sơn) gồm có 5 xã: Hòa Long, Hòa Lân, Hòa Qui (sau đổi là Hòa Quí), Hòa Phụng và Hòa Hải đều do 4 anh em ruột cùng một người cháu của tộc Huỳnh Bá này làm chủ tịch. Cả 5 ông đã bao phen chết hụt, là do thằng cháu bất nhân Huỳnh Bá Thành chỉ thị cho K-20 ném lựu đạn vào nhà. K-20, bí số của một cơ sở Việt Cộng nằm vùng, tầm hoạt động cặp mé biển, từ bán đảo Tiên Sa (Sơn Chà) trải dài vô khỏi Non Nước đến Cửa Đợi (cửa con sông dẫn lên phố cổ Hội An, Quảng Nam). Nhiệm vụ chính của K-20: chuyên ám sát, thủ tiêu như chôn sống nạn nhân dưới các nổng cát, hay dùng xẻng, cuốc bổ vào đầu, ném xuống sông Hàn. Sở trường giết người Quốc Gia không gớm tay đó là do chỉ thị của Huỳnh Bá Thành, nên nghiệp báo, chính hắn cũng bị đồng bọn công an đập chết bằng ma trắc, bá súng giữa thập niên 1980, vì tranh giành quyền lợi từ các dịch vụ cho vay, chuyển tiền, đưa người ở hải ngoại về thăm quê hương.
(3)Chưong 4, trang 40- Lê Độ: Vào thời gian năm năm cuối của thập niên 1950, từ khi lên đệ thất, tức lớp 6 ngày nay, tôi chẳng được học yên một ngôi trường nào cả. Cứ mỗi năm có sự thay đổi, khi ở Đà Nẵng, lúc Qui Nhơn, rồi lại ra Huế… Vì gia đình công chức, dưỡng phụ tôi là một tài công ngành quan thuế, thường hay bị điều động đến các ty sở vừa được phát triển, để lái những chiếc tàu nhỏ, loại cận duyên. Mỗi lần thuyên chuyển qua tỉnh khác, cha phải đem tôi theo, mục đích kèm hãm tôi chăm chỉ học hành, khỏi lêu lổng. Do đó mà thời tuổi ngọc tung tăng đến trường, tôi càng có nhiều bạn bè với giọng nói tứ xứ.
Tôi cũng như mọi người, rất quý, trung thành với bạn, ngay cả mấy đứa quen từ nhỏ còn mặc quần sọt dây treo, chia nhau từng cây kẹo, cái bánh, lắm khi cùng bị chung một ngọn roi, cái bạt tai bẹo má, vì cù rũ trốn học đi bắn chim đá dế. Nhưng tôi lại thiếu may mắn, có hai người chí cốt thuở đầu đời đều chết trẻ, đứa thì vừa tròn 20 đạp mìn, thằng thì bị xử bắn tuổi mới 15, còn tôi, thọ lâu hơn tụi nó một chút, cụt hai chân năm 30 tuổi trong cơn bão lửa chiến trường miền Trung sắp tàn.
Cho dù khoảng đời còn lại quen biết nhiều, tôi vẫn thương nhớ tụi nó, nhất là Lê Độ. Năm 1955, vừa xong tiểu học, cùng xóm có ba đứa được tiếp tục đến trường: Nguyễn văn Đi, Lê Độ và tôi. Chẳng bao lâu chỉ còn tôi với Độ, hằng ngày cặp kè bên nhau, qua lại sông Hàn trên một chuyến đò, nên càng thân thiết. Một hôm, theo thường lệ, tôi ghé nhà thì bà ngoại Độ cho hay Độ đã về thăm quê nội. Nghe nói, tôi vừa buồn vừa giận, chuyện quan trọng như vậy mà Độ giấu tôi. Rồi một tháng, hai tháng… Độ vẫn biệt tăm biệt tích. Nhiều lần tôi gặng hỏi, bà ngoại, sống trơ trọi một mình, cứ lắc đầu, và rươm rướm nước mắt: “Cháu đi đi, đừng chờ nó!”. Vẫn con đường cũ, nay thiếu bạn, sao nó dài lê thê, ngút ngàn dưới mưa phùn gió bấc của một mùa đông.
Bỗng một ngày nọ có tin đồn chính phủ sắp đem xử tử một ông Việt Cộng tại sân vận động Chi Lăng giữa thành phố Đà Nẵng. Cái tin kinh hồn ấy làm chấn động cả giới học trò. Hồi nhỏ, tôi chưa biết Việt Cộng là cái giống gì, nhưng lại sợ, vì tôi nghe người lớn kể ngày xưa Việt Minh có cái đuôi rất dài, sau vào rừng sinh con đặt tên là Việt Cộng, nhờ đuôi nó ngắn bớt, mặc quần không cộm lắm. Chắc thân hình khác lạ thế nào đó, mà dân làm nghề chài lưới trong xóm tôi tôn lên hàng “ông”.
Tôi nằng nặc đòi anh Ba Chua, con bà cô, dẫn đi coi “ông” sắp bị tử hình. Đến nơi hai anh em chẳng dám chun vô giữa, chỉ thoáng thấy ông bị bịt mắt bằng vải đen, hai tay trói quặp vào cây trụ, kế chồng bao cát như vách tường dày. Đồng bào xem rất đông, ai cũng chen lấn lên phía trước, đẩy lùi dần tôi ra sau làm tôi không nghe rõ tiếng đọc bản án, tiếng khóc của tội nhân. Đang lúc tôi lăng xăng tìm một chỗ trống để chui tới thì nghe mấy phát súng liên tục, tiếp theo là những lời xì xào:
– Ông chết hẳn rồi, cái đầu đã gục xuống.
Có người cãi lại:
– Ông gì? Tên Lê Độ này tuổi còn nhỏ, học trò!
– Học trò mà đi làm Việt Cộng à?…
Tôi giật mình và xây xẩm mặt mày, tướng chừng như bị ai đập vào đầu, tôi vừa bật khóc vừa luồn ra khỏi đám đông, kêu to: “Anh Ba ơi! Anh Ba Chua ơi Thằng Độ, bạn em, lính bắn chết rồi, anh Ba ơi!”. Tôi khóc la inh ỏi. Không thấy anh đâu, tôi quýnh quáng lủi thẳng xuống bến đò về An Hải báo gấp cái tin khiếp đởm này cho ngoại của Độ biết. Vừa hay chuyện bà nằm lăn giữa nhà giãy giụa khóc sướt mướt.
Sau, mỗi lần tôi ghé qua thăm, bà cứ tướng tôi là Độ, bảo:
– Xuống lấy cơm ăn đi, ngoại để phần ở nhà dưới kìa!…
Tôi không còn nhớ rõ sau ngày Lê Độ chết là bao lâu, cuối năm 1958 dưỡng phụ tôi thuyên chuyển ra lái chiếc tàu TG-5 của Quan Thuế Huế. Ông cụ cũng đem tôi theo, để ăn ở ngay trong Ty, cạnh bờ sông Hương, và học lại đệ tứ trường Bồ Đề, chi nhánh bên hữu ngạn, gần sân vận động Tự Do. Năm đó, gặp dịp chiếc TG-5 chở Tổng Thống Ngô Đình Diệm với mấy viên chức cao cấp Việt lẫn Mỹ chạy vòng vòng ngoài cửa biển Thuận An chơi, tôi cùng thằng bạn học tên Lê văn Hoàng, con Thuyền trưởng Lê văn Qui, được hân hạnh “tháp tùng”. Nhưng, suốt cuộc hải trình đi và về, hai đứa bị nhốt cứng dưới khoang máy, chẳng cho lên boong. Bác Lê văn Qui, thuyền trướng sợ tụi tôi lấc xấc, chạy tới chạy lui, vô lễ trước mặt Tổng Thống, coi như vua của miền Nam. Để bù lại, tôi và Hoàng, mỗi đứa có một phần ăn trưa, đĩa cơm chiên với miếng thịt gà rất ngon, giống người lớn.
Bị nhất, tuy nói là khoang máy chứ chiếc TG-5 cũng có đủ tiện nghi, nào bếp núc, nơi ăn chốn ngủ, nào các vật dụng tân kỳ hấp dẫn tay chân phải rờ mó. Mỗi bên hông căn hầm có ba khung cửa kiếng tròn, đường kính bằng trái banh, ngoài kia là màu xanh của biển, sóng nước nhấp nhô bọt trắng.
Được đâu một lát tôi thấy quá tù túng, nóng nực, bực bội. Trong lúc Hoàng còn trầm ngâm bất động, tôi ngả lưng xuống giường và đột nhiên tôi nhớ lại cái chết thằng Độ ngày nào. Hình ảnh đôi mắt nó bị bịt cứng, tiếng súng nổ, lẫn tiếng người xì xào…Tôi hình dung những viên đạn đồng vút tới đâm vào đầu, bể óc ra, vào ngực nát bấy trái tim thằng bạn 15 tuổi, tôi vụt gầm gừ lên thành tiếng như con thú dữ trúng thương, rồi tôi vỗ vai Hoàng:
– Mày ở đó, tao lên boong.
Hoàng nheo mắt:
– Hả, mày muốn chết? Coi chừng, ông Tổng Thống bỏ tù !
Tôi chần chừ, suy nghĩ, cuối cùng vẫn giữ ý định đến trước ca-bin “yết kiến” Tổng Thống. Lúc sáng tôi thấy ông ngồi bên tay lái, kế dưỡng phụ tôi. Tôi sẽ đặt vấn đề, van xin thì đúng hơn, vụ xử tử oan ức một thằng bạn tuổi còn ham chơi đá dế, bắn chim với tôi.
Tôi lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong đầu cho nhuần từng lời nói để thưa là Độ bị Việt Cộng dụ dỗ đặt chất nổ mà chưa nổ, chứ Độ cũng như con, có biết gì mấy ông “đuôi ngắn đuôi dài”. Xin ông tha. Biết đâu chừng Ngô Tổng Thống cảm động, lỡ giết rồi thì cho tiền bà ngoại già sống qua ngày.
Xong, tôi bèn thực hiện ý định. Thừa cơ cha tôi đang bận cầm volant điều khiển con tàu lướt sóng, lúc đó đã ra khơi, tôi lẻn chun lên, nhưng vừa khỏi đầu bậc thang thì chẳng may gặp bác Thuyền trướng Lê văn Qui, như đã rình sẵn sau lái, liền trợn mắt, đưa tay nắm cứng dái tai của tôi kéo ngược vô hầm tàu, xô ngã ngửa trên giườngg, kèm theo lời hăm dọa:
– Dám cả gan! Ngồi tại chỗ, còn lộn xộn tao ném đầu tụi bay xuống nước hết, nghe chưa?
Dứt lời, bác Qui trở lên đứng thẳng người nơi vị trí cũ. Hoàng thấy tôi bị ba nó túm cổ, bụm miệng cười, tôi thì nổi quạu.
Khi tàu về cặp bến, các nhân viên TG-5 bận đứng nghiêm, để các ông lớn lên bờ, tôi cùng Lê văn Hoàng thoải mái chun ra khỏi khoang. Tổng Thống Diệm lên trước, chân vừa chấm đầu cầu bằng gỗ ông quay lui, vừa mỉm cười vừa nhìn mấy người bước theo, thì bắt gặp hai thằng nhóc con đang nằm mọp trên boong đưa tay vẫy vẫy chào lén tiễn biệt ông về dinh cậu Cẩn.
* Sau 75, CSVN truy tặng Lê Độ là “Anh Hùng, Liệt Sĩ’ và đổi tên một trường trung học tại quận 3 Đà Nẵng thành trường Trung Học Lê Độ.
(4)Chương 6, trang 80- “Giặc Ngoài Loạn Trong”. Cuối năm 2000, tôi gởi biếu quyển Tiếng Hờn Chân Mây đến hai vị cựu Thượng nghị sĩ VNCH, Luật sư Nguyễn văn Chức và Bác sĩ Tôn Thất Niệm. Bất ngờ được đọc, như nghe lại những lời phát biểu của chính mình cách đây 26 năm về trước, trong một phiên họp khoáng đại thượng viện 1974.
Bs Niệm, có phòng mạch trên đường Bolsa, Nam Califomia, nói với Tác giả: “Lâu quá tôi quên, không nhớ những lời phát biểu của tôi”. Còn Luật sư Nguyễn văn Chức, từ Texas điện thoại qua, thì tỏ nỗi ngạc nhiên và xúc động: “Đúng là bài tham luận của tôi đã thất lạc. Ở đâu mà Vân có vậy?” Bỗng giọng ông như muốn khóc: “Tôi bị oan, Vân ơi? Tôi bị oan?”. Lời kêu oan ấy cũng làm tôi nao núng dù tôi không hiểu “bị oan” chuyện gì. Tôi nghĩ, ngày xưa ông là một vị thẩm phán nổi tiếng cương trực, sao lại bị buộc vào một tội nào đó. Hay ông cựu nghị sĩ buồn vì đọc thấy câu nói của ông Sáu: “Đấy, NS Tâm còn nương tay, đến lượt NS Nguyễn văn Chức thì ông đem hết những lời lẽ rất nặng ký, như những cú đấm thôi sơn nhắm thẳng vào Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, làm lung lay luôn cả chế độ. Do đó, bọn Cộng Sản chỉ đạp nhẹ thôi, miền Nam đã nhào trái. Đây, Vân xem tài hùng biện của một luật sư ‘ (Tr. 73).
Tôi nhớ năm ấy ông gọi tôi vào một chiều mùa đông, khác với quê nhà, nơi xứ lưu vong này trời lạnh căm căm, tôi càng thêm bùi ngùi sau khi ông vừa dứt lời.
(5) Chương 10, trang 140– Đỗ Đức Chiến, cựu thiếu tá, xuất thân khóa 20 VBQG Đà Lạt. Sau 2 năm Đại đội trưởng Đại đội 2/21 Biệt Động Quân, Đại úy Đỗ Đức Chiến chuyển qua làm Tiểu đoàn phó 39 BĐQ, thời Thiếu tá Vũ Đình Khang Tiểu đoàn trưởng. Đầu tháng 2/71, toàn bộ Liên đoàn I BĐQ dự cuộc hành quân Lam Sơn 719 Hạ Lào.
Như đã diễn ra, ngày 8-2-1971, Tiểu đoàn 21 BĐQ khởi đầu cho trận đánh lớn nhất chiến trường Việt Nam, tiên phong từ biên giới nhảy vào Lào khoảng 10 cây số, tiến chiếm một ngọn đồi cao 300 thước, dưới chân là con đường mòn Hồ Chí Minh tại mốc số DC 16. Căn cứ này được gọi là Ranger South.
Kế tiếp, 11-2-71, trực thăng đổ Tiểu đoàn 39 BĐQ xuống một đỉnh núi phía đông bắc, cách TĐ21BĐQ hai cây số, Ranger North. Địch liền đẩy một trung đoàn tới tấn công liên tục. Sau mấy ngày kháng cự, thương vong quá cao, đạn dược sắp hết, địch quân càng vây hãm mà hỏa lực không yểm lại yếu, Tiểu đoàn 39 tuyệt vọng, thì có một trực thăng Hoa Kỳ đáp để tải thương, rồi cũng như mấy chiếc trước, bị bắn cháy, còn sống sót một người lủi ra giữa căn cứ. Gặp cơ hội Đại úy Đỗ Đức Chiến vội tới kéo anh ta xuống hầm Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, và được biết đó là viên y tá Lữ đoàn 44 Quân Y Hoa Kỳ, tên Dennis Fujii. Tuy vậy, Đại úy Chiến vẫn sử dụng vào việc cứu nguy tình huống thập tử nhất sinh cho đơn vị là bảo Dennis Fujii gọi thẳng các giới chức Hoa Kỳ ở Khe Sanh khẩn cấp cho máy bay đến ném bom chặn địch sắp tràn ngập Ranger North.
Quả thật, vừa nghe tiếng người Mỹ (Fujii) gọi cứu, lập tức không những phản lực Phantom kịp vào yểm trợ, bắn quanh phòng tuyến Tiểu đoàn 39, mà còn có các Cobra hộ tống một trực thăng UH-IB đáp bốc Fujii của họ, và tiện thể tải luôn Đại úy Đỗ Đức Chiến lại vừa trúng đạn ngã trước mắt Dennis Fujii.
Như có đề cập trong Anh Hùng Bạt Mạng và nhắc lại nơi quyển THCM này, Đại úy Chiến đã được tôi cứu sống hai lần: chiếc trực thăng vừa nói trên, bị phòng không bắn gãy đuôi, sà đầu trên căn cứ 21 BĐQ rồi bốc cháy, Chiến được viên xạ thủ Mỹ lôi ra nằm ở sườn đồi giữa cơn pháo, tôi và hai người lính vội xông tới kéo ông xuống hầm BCH của Đại đội 2/21. Ngay đêm đó, tôi rút súng ngăn chặn kịp lúc Đại đội trưởng Trần Quang Giảng dí khẩu Colt45 vào đầu toan bắn Chiến, chỉ vì máu me từ các vết thương thấm ướt bầy nhầy và tiếng rên la của Đại úy Chiến làm Giảng mất ngủ.
Ba ngày nằm dưới hầm BCH/ĐĐ2/21 chờ trực thăng vào tải về Việt Nam, Chiến kể tôi nghe việc ông sử dụng Dennis Fujii. Sau này ở Mỹ liên lạc được nhau, Chiến có yêu cầu tôi không nên viết lại chuyện ông nhờ Fujii. Hiểu ý Chiến ngại rằng nhờ mà như là cưỡng bách Fujii. Tôi nói: Cuộc hành quân Lam Sơn 719 đã bể nát rồi trơ ra cái khốn nạn “đem con bỏ chợ”. Lúc đó, tháng 2 năm 71, các tướng lãnh Việt Mỹ đã chê trách nhau như mổ bò ở Khe Sanh. Chính Đ/u Chiến đã biến Fujii thành anh hùng, dù đó là anh hùng bất đắc dĩ trên chiến trường Hạ Lào năm xưa.
(6)Chương 11, trang 148-Tiền CSVN phát hành. Đợt đổi tiền đầu tiên vào mùa Thu 1975, sau mấy tháng quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền Nam. Một đồng bằng 500 đồng cũ VNCH trước đó. Sự đổi bạc vội vã như vậy là mục đích của Hà Nội nhằm làm dân miền Nam vừa nghèo đói, giới tư sản phải trắng tay, vừa để cướp của và dễ cai trị.
(7) Chương 13, trang 171- Thi sĩ Xuân Diệu, tên thật Ngô Xuân Diệu, sinh năm 1917 tại Vạn Gò Bồi, quận Tuy Phước, Bình Định (quê mẹ), mẹ là bà Nguyễn thị Hiệp, vợ thứ hai của cụ Ngô Xuân Hiếu, làm thầy thuốc Bắc một dạo ở Qui Nhơn. Cuối năm 1937, xong ban thành chung, Xuân Diệu theo cha về quê nội Thanh Hóa, rồi ra Hà Nội học thi tú tài. Theo ông Hồ Cũ, người đồng tính luyến ái với Xuân Diệu, thì Xuân Diệu sớm nổi tiếng qua những bài thơ trữ tình, lãng mạn, trước khi in thành tập, như Thơ Thơ và Gởi Hương Cho Gió… mà thuở niên thiếu chúng ta hay đọc.
Khi Cộng Sản lên nắm quyền miền Bắc, người Thi sĩ ấy đã phải miễn cưỡng theo giáo điều thần thánh hóa “Bác và Đảng” quá lố lăng, nên các tác phẩm mới của ông không sáng giá mấy, cả quyển sách in sau 1976, chỉ có tính cách tạp ghi, kể lại chuyến vào Nam thăm gia đình dượng mẹ tôi ở xã Phú Hội, Đức Trọng, Lâm Đồng, nêu dẫn một số ít bài thơ như bài “Bắp”, “Thác Gu-ga”… và nói về một bà chị của ông ở Buôn Mê Thuột…
Dù không được Cộng Sản trọng dụng, thơ Xuân Diệu vẫn được dịch sang nhiều thứ tiếng. Ông có đi thăm các nước Nga, Hungary, Bulgaria… Vì tâm bệnh, ông thiếu may mắn trên trường tình, sống độc thân và háo hức “đồng tính luyến ái” cho đến ngày từ giã cuộc đời 1985, thọ 69 tuổi.
Lúc đó tôi đã ở Mỹ, nhận tin từ các chú em báo Xuân Diệu chết, tôi bàng hoàng và thư về hỏi dượng mẹ tôi nguyên nhân ông chết. Nhưng thư hồi âm không nói rõ. Tướng nên nhắc, trước lúc Xuân Diệu qua đời, tôi có đăng trên tuần báo “Tay Phải”, của Du Tử Lê, số 119, phát hành 7-2-1985 tại Nam Califomia, bài: “Xuân Diệu, Nhà Thơ Tâm Bệnh Hay Đồng Tính Luyến ái, Homosexual” mà nội dung như ở trang 171 Tiếng Hờn Chân Mây này, kèm theo bản gốc thủ bút bài thơ “Biển” với lời đề tặng tôi của Xuân Diệu. Bản thủ bút đó Du Tử Lê vẫn còn giữ, không trả lui lại tôi.
Việc tiết lộ “mối tình tay ba chồng chéo” đồng tính luyến ái, đã được sự chấp thuận của những người trong cuộc: Xuân Diệu, ông Hồ Cũ và thân mẫu tôi. Điều lạ, cả ba đều để lòng mình tuôn trào thành lời, lúc tôi ngồi đối diện Xuân Diệu, còn dượng mẹ tôi thay nhau kể lại câu chuyện cho tôi ghi chép. Chỗ nào không rõ, tôi xin được bổ túc, như hỏi tên bài thơ dượng Hồ Cũ đọc: “Có lúc tưởng chi để rơi tàn lửa, Tay vô tình gieo một đám cháy to…” thì chính tác giả Xuân Diệu cũng quên, ông gật gù đáp: “Cứ thế, không thi đề”.
Nhờ cuộc gặp gỡ này, tôi đã khai quật được bài thơ “Không Thi Đề”, tuyệt vời ngót 40 năm bị chôn chặt dưới nấm mồ quá khứ, với mối tình lạ đời của Xuân Diệu, một thi sĩ tài hoa và lãng mạn nhất trong nền văn học Việt Nam giữa thế kỷ 20.
No comments:
Post a Comment