(Trần Thy Vân)
GIẶC NGOÀI LOẠN TRONG
Thành hướng dẫn tôi từ nhà thờ Domaine de Marie xổ dốc chạy tiếp đến gần khúc cua khuỷu tay của con đường xuyên qua khu số 4, phía tây thành phố sương mù Đà Lạt.
Lâu ghê, sau bảy năm, ngày giải tỏa Việt Cộng xâm nhập dịp Tết Mậu Thân 1968, tôi mới trở lại vùng này.
Tôi vào đậu trước sân một ngôi nhà mái ngói, nằm khuất giữa vườn cây ăn trái sum sê. Xe chưa kịp tắt máy, Thành đã vội tụt xuống đất, đứng gọi lớn:
– Ba ơi, con về đây này?…
Một vị cao niên, tuổi trạc sáu mươi, hẳn là ba của Thành, hé cửa nhìn ra. Bất chợt, thấy tôi lạ mặt lại cụt hai chân, ngồi trên chiếc Honda 3 bánh, cùng đồ đạc lỉnh kỉnh sau lưng, ông nhíu cặp lông mày, ngạc nhiên. Tôi cúi đầu chào, vị gia chủ đáp lễ bằng một nụ cười nhếch môi, rồi cất tiếng hỏi lớn, có ý trách móc Thành đi Đà Nẵng quá lâu:
– Mãi đến nay mới về?
Thành im lặng, cõng tôi vô nhà để ngồi trên đi-văng. Anh phân bua với ông cụ, giọng anh nói như thuở còn bé:
– Không khí ngoài Quảng căng lắm, ba ơi! Vật giá gì mà leo thang hết trọi. À ba, đây là Vân bạn con, cựu sĩ quan Đại đội trưởng, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân.
Ông cụ không quan tâm đến lời giới thiệu, vì sự biện minh của Thành chưa làm ông hài lòng:
– Căng lắm, đến nỗi con không về sớm được?
Thành vừa nhún vai vừa xuống nhà dưới lục tủ kiếm thức ăn cho hai đứa đang đói meo, chứ hai tô bún lúc sáng đã tiêu tan hết.
– Này, ở Biệt Động Quân, có biết Đại úy Trực?
Ba của Thành bất ngờ hỏi một câu tắt ngang làm tôi ngớ người, giây lâu mới nhớ được nhân vật mà một thời tôi coi là thần tượng. Tôi dè dặt đáp:
– Dạ, cháu chỉ nghe truyền khẩu và qua hình ảnh trên báo chí. Thời Đại úy Trực nổi tiếng đánh giặc ở miền Trung, Việt Cộng hễ thấy Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân của anh đâu là né đó, cháu còn cắp sách đi học. Sau, cháu vào binh chủng Cọp Rừng này thì anh Trực đã chết…
– Vân qua bàn này được chứ? Qua đây dùng nước trà với bác.
Tôi leo lên chiếc xe lăn, tới ngồi cách ông một cái ghế.
– Bác và Trực chơi thân nhau một dạo. Trực như con ngựa chứng, đánh giặc hay mà cũng rất bướng. Ngoài chiến trường Trực anh hùng, ở hậu phương nó là vua quậy.
– Anh ấy chỉ “quậy” bọn du đãng thôi, bác ơi! Nơi nào có anh là không có du đãng.
Ông cụ cười khà khà:
– Cháu không biết đâu. Trực dung túng nhiều phần tử vô kỷ luật, tạo tiền lệ Tiểu đoàn 11 Biệt Động phá phách lung tung, một đơn vị hùng dũng nhất mà cũng kiêu binh nhất, đưa đến tình trạng Tiểu đoàn ly khai 1966…
Than phiền xong, ông ngả người ra sau, tay khoanh ngực, và thở dài:
– Buồn quá ! Chẳng lẽ ngồi chờ chết?…
Hiểu được tâm trạng ông, không phải buồn vì chuyện quá khứ xa xưa của Đại úy Trực, người hùng mũ nâu, mà do thời cuộc hiện tại làm đau khổ mọi người.
Thành dưới bếp bưng lên bàn một xoong mì nóng hổi, cắt đứt câu chuyện phiếm giữa tôi với ông cụ. Ba người ngồi lại. Trời chiều Đà Lạt lành lạnh, mùi tôm khô lẫn mùi tiêu hành với lớp mỡ óng ánh làm tôi háu ăn. Phút chốc tôi đã tém gọn hai tô, no cành hông. Thành cũng gác đũa, cầm bình nước rót ra ba tách, hương trà lài thơm ngát. Tôi trầm trồ:
– Ngon quá, bác Hai! Miền Nam chúng ta chỉ có hai hiệu trà danh tiếng: Quốc Thái và Đỗ Hữu Bảo Lộc. Kỹ thuật họ ướp sói hay lài rất tuyệt diệu. Nước nhì ngon hơn nước nhất. Phải không bác Hai?
– Tôi thứ Sáu. Giờ Quốc Thái với Đỗ Hữu gì nữa, chúng đã tịch thu hết của người ta. Các cơ sở, máy móc chế biến thảy đều bị niêm phong. Vân dân Đà Nẵng mà rành trà Bảo Lộc dữ vậy sao?
– Thưa bác Sáu. Xưa, cháu từng hành quân qua các vùng rừng núi và phố phường cao nguyên, kể cả Đà Lạt, trước và sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968. Đó là dịp đầu tiên binh chủng Mũ Nâu của cháu xuất hiện nơi xứ hoa anh đào này, để đuổi giặc ra khỏi khu số 4 của bác…
Ông cụ trố mắt:
– Vậy à? Lúc ấy cháu ở đơn vị nào?
Tôi khẽ cười rồi đáp, nhấn mạnh cái oai danh mà ông đã biết để ông ngạc nhiên chơi:
– Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân!
– Ồ, Tiểu đoàn thằng Trực !
– Như bác Sáu rõ, sau giai đoạn ly khai, ủng hộ Phật giáo miền Trung tranh đấu chống chính phủ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa giữa thập niên 1960, đơn vị Biệt Động Quân này chuyển lên Pleiku, đặt hậu cứ đóng tại Biển Hồ, bị đì, bắt lội liên miên khắp xứ Thượng. Lúc ấy anh Trực đã buộc phải rời khỏi binh chủng, ra phục vụ ở một sư đoàn bộ binh đâu miền Đông, rồi bị giết một cách mờ ám.
Kỳ Tết Mậu Thân, các vận tải cơ khổng lồ, C-130, vừa đổ xuống phi trường Cam Ly, và dưới sự chỉ huy của Đại úy Hồ Khắc Đàm, Tiểu đoàn tiến đánh ngay cái mục tiêu rộng lớn là khu số 4 này, từ nhà thờ Domaine de Marie vào đến chân núi Chúa Cứu Thế. Hai bên giao chiến dữ dội suốt mấy ngày, nhiều nhà cửa hư hao khá nặng. Trên dải đồi trọc nằm trước mặt bác, Việt Cộng chết la liệt hàng chục tên. Thật bi thảm, chúng cùng đường phải chạy băng qua, để vào núi, thì bị đại bác 105ly của mình dập xuống cả trăm quả, xác chết tung lên từng mảnh như xác pháo.
Đà Lạt yên, Biệt Động Quân lại vào Di Linh giải tỏa tiếp áp lực Việt Cộng đang quấy phá, đắp mô chặn đường nhiều nơi trên Quốc lộ 20. Đơn vị đi tới đâu là tháo gỡ tới đó, làm sạch hết các chướng ngại vật, kể cả trên các ngọn núi trong vùng. Xong, tụi cháu về trấn thủ quanh cầu Đại Nga, gần phố Bảo Lộc.
Cháu ghiền trà Quốc Thái, Đổ Hữu từ những chuyến hành quân đó. Vì ghiền trà cháu mới được quen biết ông chủ Quốc Thái. Mỗi lần cháu đến ông mời vào bàn, tự tay ông pha trà ngon nhất để nhâm nhi, rồi khi ra về cháu còn có vài gói…
Tôi đang say mê nói đến cái goût của tôi sau thuốc lá là trà thì Thành xen ngang câu chuyện:
– Vụ tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, Vân có tham dự, và gặp nói chuyện với Cha Vàng mình nữa…
Ông thân sinh của Thành hình như đã thấm mệt, chỉ nhoẻn miệng cười một cách trìu mến, rồi uể oải tới ngả lưng xuống chiếc ghế bố kế bên.
Tôi lăn xe ra sau ngồi ngắm quanh khu vườn xanh mượt và nhìn xa xa về phía tây. Trên ngọn đồi ngôi nhà thờ Chúa Cứu Thế lúc ẩn lúc hiện, mờ mờ trong sương. Hình ảnh ấy, sau bảy năm, chợt gợi tôi nhớ lại đầu xuân 1968, những tiếng kêu gào thảm thiết của các giáo dân lánh nạn trên thánh đường vọng xuống khi nghe thấy Tiểu đoàn 11 Biệt Động dưới chân đồi, đang truy lùng tàn quân Việt Cộng vừa bị đánh bật khỏi khu số 4, thành phố Đà Lạt, chúng chạy lên vơ vét hết thực phẩm, áo quần, kể cả các vật dụng, máy đánh chữ, của nhà thờ đem đi…
Cơm tối xong, Thành mời tôi vô căn phòng riêng của anh để bàn chuyện tôi sẽ đi lập nghiệp ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, nơi ngày xưa có lần tôi đến thăm gia đình một người bà con. Địa điểm mà tôi nhắm tới, theo Thành mô tả hôm qua, thì rất hẻo lánh, thâm sơn cùng cốc. Nhưng vùng đất ấy đối với tôi dễ bề mai danh ẩn tích, giấu lý lịch, giữa lúc giao thời tranh tối tranh sáng. Sống riêng rẽ vô tình bị nổi bật mà che đậy được sự khai man.
Thành, nhân danh tình bạn, bất đắc dĩ mới chấp nhận cho tôi lựa chọn cách đó. Anh thở dài:
– Phiêu lưu quá ? Cái khó là Vân bị cụt hai chân, làm sao bươn chải kiếm ăn, khi đời sống cần sức lao động.
Tôi gượng cười che lấp nỗi khổ tâm:
– Đừng bi thảm hóa vấn đề, Thành ơi? Tôi đã nói với chị Miên: “Trời sinh voi sinh cỏ”. Thành giúp tôi ở đây vài hôm nữa, cho khỏe khoắn chút, lấy lại tinh thần rồi đi. Hãy thông cảm, tôi sắp đối đầu với mọi gian nguy, nhưng tôi tin rằng nó không gian nguy hơn thời binh lửa đẫm máu vừa qua.
Thấy tôi quả quyết, gương mặt Thành bớt thiểu não. ông Sáu bước vào ngồi xuống bên cạnh. Sự hiện diện của tôi đêm nay làm phiền ông không ít, chẳng ngủ sớm được, còn vướng bận lo âu.
Biết cuộc đàm đạo liên quan nhiều việc, Thành đảo một vòng quanh nhà, nghe ngóng động tĩnh, và không quên khóa chặt các cửa trước ngõ sau xong mới trở vào nói:
– Hình như đồng bào trong xóm đi họp đâu hết, ba à !
Ông Sáu phì phà điếu thuốc, khói tỏa mù mịt:
– Mấy bữa đã có tin đồn chính phủ “cách mạng” sắp phát động chiến dịch đánh mạnh các thành phần mà chúng gọi là gian thương, tư thương. Nếu đúng vậy thì chiêu thức đó khởi đầu cho chính sách lừa đảo, cướp đoạt tài sản đồng bào thôi. Xong rồi, Bắc Bộ Phủ sẽ tiến dần tới chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích bần cùng hóa nhân dân miền Nam, nghĩa là lấy hết của cải, tài nguyên ở đây đem về Bắc. Chúng đi từng bước…
– Tức thiệt!…
Thành cay đắng, lầm bằm trong miệng những lời bất bình.
Tôi nói:
– Chính chúng ta đã làm mất nước.
– Đúng. Bác thấy tại mình mới nông nổi này.
– Sao tại mình, ba?
Ông Sáu không trả lời câu hỏi của Thành. Chắc ông ngại phải diễn giải rộng ra quanh chữ “mình”, chỉ gật gật cái đầu, như hài lòng một vấn đề gì đó ông đã nhận định, nay nghiệm lại thấy không sai. Nhưng trên khuôn mặt rắn rỏi, trầm tư ấy cũng hiện rõ những nét đau khổ tột cùng, nỗi đau khổ chẳng riêng ông, nó đang xói mòn trong tâm não mọi người…
Tôi hỏi ông Sáu:
– Mấy năm xưa, đi hành quân liên tục, rồi bị thương nằm bệnh viện cả năm, không theo dõi kịp tình hình chính trị, nên cháu thắc mắc tại sao Việt Nam Cộng Hòa chịu ký vào hiệp định Ba Lê quái ác đưa đến mất nước thế này? Tổng Thống Thiệu cứng rắn với Cộng Sản lắm mà !
Được cởi tấc lòng, ông Sáu vừa lấy gói thuốc ra quấn hút vừa giải thích:
– Trước lúc ký hiệp định, phía miền Nam chẳng ai rõ các thỏa thuận ngầm, gồm những gì giữa Bấc Việt và Hoa Kỳ. Chỉ có Tiến sĩ Kissinger, Lê Đức Thọ và Xuân Thủy mật đàm với nhau thôi. Lại nữa, họ muốn quân đội Mỹ phải rút hết về nước, theo đòi hỏi của cao trào phản chiến ở Hoa Kỳ, mới đặt thành vấn đề “Việt Nam hóa chiến tranh”. Vì quyền lợi riêng ông bạn đồng minh đành muối mặt áp lực miền Nam chúng ta phải chấp nhận hạ bút ký vào hiệp ước là cái “bản án khai tử” chính mình.
Nhìn xuống hai chân cụt, tôi lắc đầu:
– Khốn nạn thật?
Ông Sáu hét to:
– Gọi khốn nạn thì nhẹ quá ! Kissinger không những phản bạn lừa thầy, còn qua mặt luôn tổng thống của ông nữa. Nói nôm na kiểu Việt Nam mình là hắn đâm sau lưng chiến sĩ!
Một điều rất oái oăm, đất nước sắp rơi xuống vực thẳm mà thượng viện ta chẳng hay. Thậm chí, các tin tức về cuộc hòa đàm Paris, các nghị sĩ cũng chỉ biết qua báo chí, các đài phát thanh, nhất là nghe được từ đài Hà Nội. Đến lúc, ngày 11-9-1972, Bắc Việt đề nghị thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần thì các ông quýnh lên, mở phiên họp khoáng đại cuối năm 1972, để bàn thảo đến các nguy cơ của chế độ miền Nam. Mất trâu rồi mới lo đóng chuồng…
Ông Sáu bỗng ngưng nói, vụt đứng dậy bước ra ngoài. Tôi lấy làm lạ, nhìn theo đáng ông đi, phía sau cái áo sơ-mi trắng đang mặc ông dựa vào vật gì dính lấm lem. Một lát trở vào với bó giấy cũ mốc trên tay, ông ngồi bệt xuống nền nhà vừa tháo sợi dây vừa lẩm bẩm:
– Còn nguyên đây. Việc gì cũng có dẫn chứng. Đây, Vân xem các bài phát biểu của mấy ông thượng nghị sĩ được ghi lại trong phiên họp khoáng đại đó. Các ông mổ nhau dữ dằn, chỉ biết chửi cho đã giữa phe này nhóm nọ, chứ chẳng có một kế sách chung nào khẩn trương cứu nước.
Tôi lấy một xấp và xin phép ông Sáu nằm đọc từng trang. Trước hết, tôi thoáng qua những đoạn có đánh dấu bút mực. Khi đọc tôi tưởng tôi đang dự thính, nghe từng giọng điệu, từ ôn hòa xây dựng, nêu dẫn lập trường chống Cộng dứt khoát, đến những lời lẽ gay gắt, chỉ trích Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Trong 56 thượng nghị sĩ tham dự có ba khuynh hướng rõ rệt: ủng hộ, trung dung và chống đối hành pháp cả quan điểm chính kiến về hiện tình đất nước. Nhất là nhóm đối lập chọi nhau ráo riết. Tôi nghĩ chắc là nhiệm vụ của phường ăn hại đái nát này vào thượng viện chẳng phải vì dân, mà chỉ để tranh giành quyền lợi cho bản thân của họ.
“Những điều trông thấy thật đau lòng” ấy, mấy ai biết từ đâu để trách? Nhưng, những lúc ấy cũng có nhiều kẻ đã thấy rõ cái mưu đồ cơm áo của đồng viện. Hãy nghe Nghị sĩ Trần Quang Thuận đã đưa ra vài thắc mắc để bàn, để những con quấy rối lưu tâm:
“Ngày hôm nay Thượng Nghị Viện chúng ta bàn về vấn đề hòa bình, vấn đề ngưng chiến thì cố vấn Kissinger đã gặp Lê Đức Thọ, gặp Xuân Thủy biết bao nhiêu lần. Trong khi nhiệm vụ của Thượng Nghị Viện là theo dõi sự thực thi chính sách của chính phủ mà chúng ta không biết hòa đàm Ba Lê đã đi đến đâu rồi. Và một dân biểu, ông Dân Biểu Trần văn Đôn đã qua Ba Lê để theo dõi hội đàm, và không biết rằng Thượng Nghị Viện chúng ta thảo luận về vấn đề này với sự hiểu biết về các căn nguyên như thế nào?
Phải chăng chúng ta ở trong cái rọ, rồi cũng thảo luận và biểu quyết trong cái rọ hay sao? Do đó chúng tôi thấy rằng chúng ta phải đặt vấn đề một cách rõ ràng hơn nữa. Thượng Nghị Viện chúng ta có làm đúng nhiệm vụ Hiến Pháp giao phó cho chúng ta hay không? Nghĩa là kiểm soát việc thực thi chánh sách của Chánh Phủ.
Ở một lúc khác ông Thuận kêu gào các đồng viện:
“Trong giai đoạn hiện tại cũng như trước đây mấy tháng, chúng tôi có nói là chúng ta không nên đặt vấn đề chống đối hay ủng hộ nữa, chúng ta chỉ nên đặt vấn đề làm sao cho miền Nam này có thể tồn tại được. . . ” .
Nghị sĩ Tôn Thất Niệm thì điềm tĩnh, lên diễn đàn nhằm mục đích là kêu gọi đại đoàn kết. Bên dưới có nhiều tiếng xì xào, nhất là ở hàng ghế NS Trần Thế Minh. Tuy chủ trương ôn hòa, Bác sĩ Niệm cũng chua chát mở đầu bằng những câu ẩn ý trách móc Hành Pháp và cả những vị dân cử lưỡng viện, thảy đều mù tịt, mà lại chia rẽ nữa, trước nguy cơ mất nước. Ông đã bao lần nói đến chữ “sinh động” để yêu cầu các đồng viện của ông phải động hơn “tĩnh”, như một quan niệm chính chắn. Ông dẫn chứng có sự thiếu đoàn kết trong chính quyền như không tận tình cứu giúp dân tỵ nạn. Ý Nghị Sĩ Tôn Thất Niệm muốn nhắc vụ đồng bào Huế, Quảng Trị lánh nạn vào Đà Nẵng trong chiến cuộc mùa hè đỏ lửa 1972.
Ông cũng không quên đề cập đến công lao của Phật giáo:
“Nếu không có những sự tranh đấu của những Phật tử năm 1966 đòi có Quốc Hội Lập Hiến, tôi nghĩ chắc chúng ta ngày nay không có ngồi ở Thượng Nghị Viện này”…
“Nếu câu nói của chúng tôi có làm buồn lòng vị đồng viện nào, xin quý vị tha thử cho chúng tôi. Chúng tôi nói với chân tình là hình như các nhà chính khách tại miền Nam đang chờ đợi gió rõ ràng, ngã về phía nào, khi đó giơ tay đón cho chắc.
Chúng tôi quan niệm rằng công việc của chúng ta sắp làm ở đây là với quyết nghị này, chúng ta đừng để nó bị coi như là một bè phụ của một bản hợp tấu, đã được xếp đặt và đang có người nhạc trưởng điều khiển.
Chúng tôi muốn đóng góp là chúng ta phải thể hiện cái công việc của chúng ta, của Thượng Nghị Viện, bằng cách thúc đẩy chánh quyền thực hiện một chính sách đại đoàn kết dân tộc.
Do đó, giờ phút này hơn lúc nào hết những oán thù cũ cần phải được xóa bỏ. Chúng ta kêu gọi đoàn kết mà trong quốc gia chúng ta lại nhìn những người quốc gia với nhiều thù hận hơn là nhìn Việt Cộng nữa… “.
Nghị sĩ Trần Thế Minh cũng tỏ bất bình trước sự mưu toan phản bội của đồng minh:
Nói tới hòa đàm thì những nhân vật ở quốc ngoại nói đến rất nhiều. Nhưng ở quốc nội thì thật là mù tịt. Tôi mới nhận được một tài liệu của ủy ban Ngoại Giao Thông tin Thượng Nghị Viện đưa đên gồm có một bản họp báo của ông Kissinger, một bản của đài Hà Nội, cũng như xem báo chí xuất bản hàng ngày mà thôi chứ chưa có một tài liệu chính xác về lập trường của quốc gia mật đàm ra sao ? Công khai ra làm sao? Tôi chẳng được ai thông báo.
Quý vị Nghị sĩ đang họp ở đây có vị nào biết hòa đàm ra làm sao? Bí mật ra làm sao? Công khai ra làm sao? Được, thua ra làm sao? hay là chỉ xem báo nói mò ?
Đặc biệt xin kính thỉnh cùng ông Chủ Tịch Thượng Nghị Viện, nếu ngài có những dữ kiện, biết được việc nước, xin vui lòng cho các nghị sĩ chúng tôi hay để chúng tôi đồng chèo.
Bởi vì ngài cũng là một nghị sĩ làm Chủ tịch Thượng Nghị Viện, chúng tôi là nghị sĩ đang họp ở Thượng Nghị Viện, vô lý ngài giữ bí mật làm chi để anh em phải chống gậy đi mò.
Chúng tôi xin phép chất vấn ông Chủ Tịch ủy ban Ngoại Giao Thông Tin Thượng Nghị Viện là đã có những dữ kiện gì về lập trường hòa đàm của Việt Nam Cộng Hòa không ? Chính xác không? Hay là xem báo rồi trả lời chúng tôi, cái đó không được!
Kinh nghiệm máu lẫn nước mắt cho chúng ta thấy từ khi Cộng Sản nẩy mầm ra ở đất nước này thì xảy ra chiến tranh giữa Cộng Sản, Quốc Gia và Pháp đánh nhau.
Năm 1954 thực dân Pháp cấu kết với Cộng Sản Bắc Việt ký hiệp định chia đôi đất nước, chính phủ không biết, hàng ngũ quốc Gia không biết.
Trước khi ký hiệp đinh ba tháng, thực dân rút quân ở năm tỉnh miền Nam Trung châu, Bắc Việt chạy lên Hà Nội không ai biết. Ngày nay chúng ta cũng tiếp tục đi vào con đường không biết, rồi biểu quyết tuyên ngôn, tuyên cáo hay sao?
Ngày 22-10-1972, tôi đã đòi hỏi Hoa Kỳ không được chà đạp lên quyền dân tộc tự quyết của VNCH, không được phản bội lại quyền lợi của đồng minh Việt Nam trong những cuộc thương nghị hòa bình.
Khuyến cáo TT Nguyễn văn Thiệu phải trung thành với lời tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp, noi gương các vị anh hùng dân tộc bảo vệ chủ quyền Quốc Gia, không được nhượng bộ ngoại bang và Cộng Sản để khỏi đắc tội với tổ quốc và toàn dân.
Nhưng chúng tôi tiếc rằng những lời tuyến bố này bị ngăn cấm không được phổ biến trên báo chí, đài phát thanh. Tuy nhiên nay mai nhà nước hoặc những người phải ứng phó với tình thế sẽ phải học lại những điểm này mà nói.
56 ông nghị sĩ ở Thượng Nghị Viện này có lẽ không biết lập trường quốc gia ra sao.
Vừa chấm dứt bài tham luận, định bước xuống diễn đàn, NS Trần Thế Minh bỗng khựng lại, xin phép Chủ tịch để nói thêm vài lời, rồi ông nhìn về hướng NS Tôn Thất Niệm đang ngồi dưới:
Nghe thấy NS Tôn Thất Niệm đề cập đến “đại đoàn kết ” làm cho chúng tôi phải xin phép nói thêm nửa câu.
Từ trước nay, người ta chỉ đoàn kết suông, đoàn kết cái lỗ mồm, miệng nói đoàn kết, nhưng bụng coi nhau như thù địch.
Bởi vậy cho nên chúng tôi yêu cầu TT Nguyễn văn Thiệu phải trọng nhân hiền, dụng chính ngôn, đoàn kết và đích thân tận dụng những người quốc gia chống Cộng Sản vào một khối mạnh để đối phó với tình thế nay mai. Bởi vì, những người quốc gia chống Cộng còn chút lương tâm ngày nay đang bị một lũ gian thần dối trên, lừa dưới, phá phách, không hiểu nhà vua có biết hay không?
Khi nghe tin Bắc Việt đề nghị lập chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần mà chúng gọi là “Hội Đồng Quốc Gia Hòa Hợp Dân Tộc” thì NS Trần văn Quá phản đối mãnh liệt. Ông tỏ ra rất am tường về các mưu mô xảo quyệt của Cộng Sản, nhắc nhở các đồng viện đừng quên hai nghị quyết số 3 và 7 địch ban hành năm 1969, chủ trương liên hiệp với chúng ta ở thượng tầng, còn cấp xã ấp thì lực lượng thứ ba chính là lực lượng Cộng Sản. Như vậy chúng hai, ta một ắt phải thua.
Giả như ở các tầng, số lượng đầu người hai bên bằng nhau, tức số phiếu véto với nhau, cũng không giải quyết được việc. Trái lại, phía quốc gia chỉ cần một người bị hăm dọa thủ tiêu, ta sẽ thua ngay trong các cuộc biểu quyết quan trọng.
Nay đã tới lúc Bắc Việt âm mưu thôn tính miền Nam bằng mọi giải pháp quyết liệt, quân sự lẫn chính trị. Chính trị, cho dù đòi hỏi vô lý, như chúng đề nghị thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần ngày 11-09-1972, mà thành phần thứ ba không ai khác hơn là tay sai của chúng, hoặc bọn đón gió trở cờ, trung lập…
Do đó, Nghị sĩ Trần văn Quá bày tỏ lập trường dứt khoát. Ông đề nghị:
1. Cương quyết bác bỏ sự đòi hỏi thành lập chính phủ hòa hợp dân tộc ba thành phần của Cộng Sản ngày 11-09-1972, mà hiện nay Cộng Sản dùng danh xưng bịp bợp là Hội Đồng Quốc Gia Hòa Hợp Dân Tộc. Đồng thời chống lại mọi ý đồ đen tối nào nhằm thực hiện đòi hỏi phi lý đó của Cộng Sản dưới bất cứ hình thức hay danh xưng nào.
2. Kể cả những dự thảo đình chiến không do chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đồng ý thì không thể chấp nhận được.
3. Quyết nghị của Thượng Nghị Viện đưa ra hôm nay, phải thể hiện lập trường chống Cộng cố hữu của Thượng Nghị Viện, phải nói lên khát vọng hòa bình chân chính của toàn dân, đòi hỏi quyền dân tộc tự quyết phải được tôn trọng.
4. Thượng Nghị Viện phải ấn định một số công thức tổng quát về nghị hòa, buộc Hành Pháp phải theo. Hành Pháp không được tự ý hoặc vì bị áp lực đi ra ngoài công thức căn bản đó.
Rất tiếc, những đề nghị phát xuất từ lòng yêu nước của NS Trần văn Quá không mấy ai quan tâm, hường ứng. Hẳn ông đã biết vậy vì ngay trong hội trường này cũng giống như một chính phủ gồm ba thành phần rồi, đã từng kèn cựa nhau rõ rệt.
Rồi, bỗng nhiên nghị trường trở nên sôi động. Những tay hoạt bát lần lượt đăng đàn chỉ trích Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Trong lịch sử Việt Nam dường như chỉ có ông Thiệu, vị nguyên thủ quốc gia, luôn luôn trên đe dưới búa. Hãy xem nhóm “con ghẹ” bắt đầu cựa quậy. Đám ghẹ đã khiến cho hội trường Thượng Nghị Viện hôm đó có cảm tưởng họ thay mặt Cộng Sản Bắc Việt nguyền rủa TT Nguyễn văn Thiệu.
Trước hết, NS Phạm văn Tâm làm mọi người nghẹt thở. Ông xác quyết cuộc chiến Nam Bắc chỉ vì tranh quyền nhau mà thôi. NS Tâm còn cho rằng Hoa Kỳ không phản bội Đồng minh VNCH, chỉ có hoàn cảnh thực tế (ám chỉ sự lãnh đạo của TT Thiệu) là phản bội dân tộc. Ông nêu dẫn những lời TT Nguyễn văn Thiệu tuyên bố như: “Bác bỏ mọi giải pháp ba thành phần tiền chế; chống lại hình thức chính quyền liên hiệp”, nhất là câu TT Thiệu nói với sinh viên, học sinh: “ông làm lịch sử”, để chỉ trích một cách hỗn láo về cái lập trường cứng rắn đối với Cộng Sản của TT Nguyễn văn Thiệu:
Lịch sử của ông (TT Thiệu) là cái chính trị 5 năm đã qua! 5 năm ông chà đạp lên Hiến Pháp (vụ hành hạ và bắt bớ dân biểu, vụ độc diễn và vụ ủy quyền chỉ là những vụ điển hình).
Ông Thiệu đã bất chấp luật pháp, ông biến Tối cao pháp viện thành bù nhìn, làm trò cười cho thiên hạ, ông cũng biến Hạ Nghị Viện thành một đối tượng bị khinh rẻ trước mắt quốc dân, ông đưa tham nhũng lên thành một chế độ, ông đưa gian lận lên thành một quốc sách. Trên đầu những chiến hữu ông, ông đặt các cấp chỉ huy nổi tiếng tham nhũng, buôn lậu, bất tài và lấy sự luồn lọt làm cầu thang danh lợi.
Năm năm làm lịch sử của ông là năm năm phá chế độ và tự phá mình. Con đường ông đi là con đường phá sản toàn bộ và đưa chế độ đến chỗ diệt vong.
Điều đó chúng ta đã nói nhiều lần để cản ngăn ông nhưng chỉ được nghe ông trả lời: “Đoàn người cứ tiến, chó sủa mặc chó “ . Bây giờ đoàn người đã “tiến ” tới vực thẳm, chó không sủa nữa! (NS Tâm hét to: “chó không sủa nữa!”).
Cộng Sản đưa chế độ này đến bờ vực thẳm ư? Trăm ngàn lần không. Cộng Sản không có khả năng đó, bất quá trong cái tương quan giữa ta và địch; những khuyết điểm ở phía ta đã trở thành những ưu điểm của Cộng Sản, sự suy yếu ở phía ta là sự lớn mạnh ở phía Cộng Sản và sự ngu dốt của chúng ta đã trở thành sự tài giỏi của Cộng Sản, đều theo một thứ quy luật đấu tranh mà Cộng Sản đã vận dụng được.
Chẳng hạn cái chính nghĩa đấu tranh cho dân tộc ở phía ta không phát huy được, ngày càng lu mờ thì cái danh nghĩa “giải phóng ” của Cộng Sản nhờ đó mà sáng tỏ lên, mặc dầu miền Nam Việt Nam chúng ta không có nhu cầu giải phóng mà chỉ có nhu cầu cải tạo xã hội….
Chúng tôi chia sẻ những nỗi lo âu của quý vị nhưng chúng ta chẳng nên có những phản ứng của những con vật bị trói và bị đưa tới lò sát sinh, chỉ còn có biết kêu tuyệt vọng.
Chúng ta không chống khi chân tay bị trói. Chúng ta không chống trong những điều kiện bị phá sản, đổ vỡ. Bởi vì chúng ta biết tự trọng không muốn đóng vai lâu la và cũng không muốn dân chúng phải tủi hổ thêm nữa vì chúng ta…
Lúc này, chúng ta lẫn quốc dân thực không có điều kiện không gian và thời gian để chống theo cái ý nghĩa đứng đắn của một sự chống đối. Lúc này chúng ta chỉ “quẫy ” mà thôi, “quẫy” như chim trong lồng, như cá trên thớt. Sự chống đối đứng đắn không phải đợi đến lúc này mới bắt đầu mà phải chống ngay khi chế độ này được thành lập.. .
Người ta chỉ mải ăn, mải chơi, mải bóc lột, mải chia chác quyền lợi, mải tranh giành địa vị với chức tước trong khói lửa chiến tranh, trước những giòng máu, nước mắt không ngừng chảy của quân đội và dân chúng.
Người ta đi vào con đường phải chia quyền với Cộng Sản từ lâu rồi, trước khi cúi đầu chấp nhận hình thức liên hiệp với Cộng Sản.
Con đường đó, cho tới giờ phút này, chúng ta vẫn còn tiếp tục đi, vẫn tham nhũng, thối nát, vẫn ăn gian, nói dối, không một chút thành tín với quốc dân, vẫn hành pháp cướp quyền lập pháp để độc tôn, độc quyền, vẫn tư pháp bỏ trách nhiệm cán cân công lý để chạy theo quyền lực, vẫn bóp chết tự do ngôn luận, vẫn “bỏ tù và bắn bỏ ” dân lúc nào cũng được…
Những người cầm quyền ở đây vì ý thức chính trị hạn chế và nông cạn đã sử dụng chính quyền trong tay như một quyền lực riêng của mìn, muốn làm gì thì làm. Chính quyền ờ đây vì thế mà đã biến thành một thứ chính quyền của một cá nhân, không phải là một chính quyền chân chính dân tộc. Cũng như ở ngoài miền Bắc, không có chính quyền dân tộc mà chỉ có chính quyền Cộng Sản.
Dân tộc chúng ta bị lôi kéo vào một cuộc chiến giành đoạt chính quyền cho phe cánh này nọ lồng trong một cuộc tranh chấp quốc tế.
Chiến tranh dẫu có chấm dứt nay mai, cuộc đấu tranh đoạt chính quyền sẽ còn tiếp diễn dưới những hình thức khác.
Chúng ta đã đánh mất những điều kiện chiến thắng trong chiến tranh. Chúng ta cũng đánh mất những điều kiện chiến thắng trong hòa bình… “.
Từ lâu, tại miền Nam có ai đòi hỏi giải pháp là phải chia quyền lãnh đạo miền Nam cho Cộng Sản, như lúc đầu Trần Thế Minh xác quyết? Chỉ có ông lập lửng nêu ra để rồi ông kết luận bài tham luận đầy những ý tưởng phản nghịch, làm xuống tinh thần quân đội đang chiến đấu ngoài trận mạc:
Nếu không làm được thế thì dẫu bây giờ có không phải chia quyền thì sau này cũng phải chia, và dầu bây giờ mới mất có một phần quyền thì sau này cũng sẽ mất hết, dầu có đào sâu và mở rộng thêm sông Bến Hải và có xây thành đắp lũy ở vĩ tuyến 17 thì cũng không ngăn chặn nổi sự phát triển của Cộng Sản.
Thấy tôi đọc xong mấy bản văn muốn phờ người, ông Sáu vội búng cái mẩu thuốc rê đã tắt ngấm ra ngoài khung cửa, rồi nhìn tôi cười chua chát:
– Đấy, NS Tâm còn nương tay. Đến lượt NS Nguyễn văn Chức thì ông đem hết những lời lẽ rất nặng ký, như những cú đấm thôi sơn nhắm thẳng vào Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, làm lung lay luôn cả chế độ. Do đó bọn Cộng Sản chỉ đạp nhẹ thôi miền Nam đã nhào trái. Đây, Vân xem tài hùng biện của một luật sư.
Tôi cầm xấp giấy đã thâm kim, đổi màu, đọc từng chữ:
“Năm 1954, sau 9 năm chiến đấu chống ngoại xâm, dân tộc Việt Nam đã bị đảng Cộng Sản Việt Nam phản bội, phải chấp nhận hiệp định Genève chia đôi đất nước: miền Bắc dưới quyền thống tri của độc tài Cộng Sản, miền Nam là đất sống tự do của người Quốc Gia. Tiếng súng tạm ngưng gần 6 năm.
Ngày 20-12-1960, đảng Cộng Sản Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế đem chiến tranh xâm lăng miền Nam Việt Nam ròng rã 12 năm nay, quân đội và nhân dân đã hy sinh xương máu để chống lại cuộc xâm lăng ấy, với sự giúp đỡ của các nước đồng minh, đặc biệt là Hoa Kỳ. Sự hy sinh của quân dân ta rất to lớn, không lịch sử nào viết cho hết. Hy sinh cho chính nghĩa dân tộc, hy sinh cho quyền được sống trong tự do, hòa bình của thế hệ này và của thế hệ mai sau.
Bây giờ khúc quanh lịch sử đang hiện ra trước mắt. Cuộc chiến đang đi vào giai đoạn kết thúc, khởi đầu bằng một thỏa hiệp ngưng bắn.
Là những người đau khổ nhiều vì chiến tranh, chúng ta khao khát hòa bình hơn bất cứ ai, khao khát ấy đã trở thành sự khao khát của thể xác. Vì vậy, ngưng bắn phải là một tin mừng, bởi lẽ ngưng bắn là bước đầu tiên để chấm dứt chiến tranh, để có hòa bình. Nhưng vấn đề không giản dị như vậy. Như mọi người đã biết, cuộc chiến tranh mà quân dân ta phải đương đầu ròng rã 12 năm nay là một cuộc chiến tranh xâm lược do Cộng Sản Quốc Tê phát động và do Cộng Sản Việt Nam thừa hành. Ròng rã 12 năm nay, quân dân ta chiến đấu gian khổ, là để cho miền Nam này không rơi vào vòng nô lệ của Cộng Sản. Vậy thì một cuộc ngưng bắn chỉ có ý nghĩa dân tộc, nếu nó không đưa miền Nam này rơi vào vòng nô lệ của Cộng Sản.
Hiện giờ chúng ta chưa biết rõ nội dung thỏa ước giữa Hà Nội và Hoa Kỳ về vấn đề Việt Nam và Đông Dương. Chúng ta chỉ được biết một đàng là bản văn 9 điểm do Hà Nội công bố ngày 26-10-72, và một đàng là những lời minh xác của Tiến sĩ Kissinger trong cuộc họp báo giải thích của ông trưa 26-10-1972. Cứ tạm cho rằng sự thật phải được tìm giữa hai lập trường ấy, nhưng chắc chắn căn bản sẽ không thay đổi. Vì vậy chúng ta có lý do để khẳng định rằng nếu đem thi hành thì thỏa hiệp ấy sẽ có lợi cho phía Cộng Sản, chứ không lợi cho phía chúng ta. Cho nên việc chúng ta đòi hỏi những bảo đảm tối thiểu, trước khi ký kết, là một điều dĩ nhiên.
Những bảo đảm ấy được thực hiện trong những điều kiện có thể gọi là tiên quyết sau đây:
– Quân đội Bắc Việt phải rút toàn bộ ra khỏi miền Nam.
– Vùng phi quân sự phải được duy trì và tôn trọng.
– Miền Nam Việt Nam chỉ có một chính quyền hợp hiến, hợp pháp, là chính quyền hiện hữu.
Đó là lập trường nguyên tắc. Ông Thiệu đang nỗ lực nói lên lập trường nguyên tắc ấy. Chúng ta không thể nào không đồng ý với ông. Nhưng vấn đề đặt ra cho Thượng Nghị Viện ngày hôm nay không phải là thảo luận để tìm kiếm một thái độ thuận lý, bênh vực một lập trường nguyên tắc.
Với những đề nghị của Việt Nam Cộng Hòa và của Hoa Kỳ ngày 26-01-72, nhất là với đề nghị ngày 8-5-72 của riêng Hoa Kỳ (không bị Việt Nam Cộng Hòa phản đối), lập trường nguyên tắc ấy đã bị bỏ rơi. Bánh xe thực tế quay một cách nghiệt ngã, và không đi trở lại.
Thực tế có cho phép chúng ta chống lại thỏa hiệp ngưng bắn hay không? Và nếu chúng ta bó buộc phải chấp nhận, bản thỏa hiệp mà Hà Nội đã đưa ra qua đài phát thanh của họ ngày 26-10-72 vừa qua. Lẽ tất nhiên với một vài sự thay đổi, thì chúng ta sẽ chuẩn bị đối phó như thế nào ?
Có hai giả thuyết:
* Giả thuyết thứ nhất, chúng ta chống,
* giả thuyết thứ hai, chúng ta phải chấp nhận.
Giả thuyết thứ nhất chúng ta chống. Vấn đề đặt ra, chúng ta liệu có thể bắt Hoa Kỳ phải theo quan điểm của chúng ta hay không? Có thể chắc chắn là không. Bởi vì, Hoa Kỳ phải giải quyết chiến tranh Việt Nam với mọi giá, chiến thắng Cộng Sản bằng quân sự đã không còn đặt ra cho Hoa Kỳ từ sau Tết Mậu Thân. Người Hoa Kỳ phải chấm dứt chiến tranh, bằng thương thuyết, để có thể rút quân ra khỏi Việt Nam và đem tù binh về.
Đó là một trong những vấn đề nội bộ chính quyền Nixon phải giải quyết trong những tháng đầu của nhiệm kỳ tổng thống thử hai. Hãy nghe Tiến sĩ Kissinger tuyên bố ở phần kết luận cuộc họp báo 26-/O-72: “Với thái độ ấy, chúng ta (Hoa Kỳ) hy vọng đem lại hòa bình và thống nhất cho nước Mỹ “.
Hãy nghe cho rõ: “hòa bình và thống nhất cho nước Mỹ” chứ không cho nước Việt Nam.
Trong trường hợp chúng ta chống thỏa ước ngưng bắn với những điểm căn bản đã được tiết lộ thì Hoa Kỳ sẽ làm gì ? Chắc chắn Hoa Kỳ sẽ ký kết hòa bình riêng với Hà Nội. Đại cương chúng ta có thể ước tính được rằng Hoa Kỳ sẽ chấm dứt oanh tạc và phong tỏa Bắc Việt. Hoa Kỳ sẽ không còn trực tiếp tham chiến ở Nam Việt Nam, bằng Lục quân, Hải quân, Không quân. Đổi lại, Hà Nội sẽ phóng thích tù binh của Hoa Kỳ. Như vậy có nghĩa là chiến tranh ở đây vẫn còn tiếp tục.
Chúng ta, những người không thể chấp nhận hòa bình nô lệ, những người không chấp nhận một cuộc ngưng bắn tủi nhục sẽ đơn độc chiến đấu với Cộng Sản.
Trong cuộc chiến đấu này chúng ta hãy lạc quan mà tin rằng Hoa Kỳ sẽ không bỏ rơi miền Nam Việt Nam. Chúng ta hãy lạc quan mà tin rằng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục viện trợ quân sự và kinh tế để chúng ta đương đầu với Cộng Sản. Việc Hoa Kỳ đang vội đổ thêm vũ khí vô đây nếu không phải là một bằng chứng thì cũng là một dấu hiệu. Mặc dầu chúng ta cũng phải cầm chắc rằng số lượng viện trợ quân sự và kinh tế ấy tất sẽ giới hạn, không dồi dào như từ trước. Thế nhưng chúng ta cũng tạm lạc quan mà tin rằng trong bối cảnh thế giới mới, trong những quan hệ mới giữa Hoa Kỳ, Nga Sô, Trung Cộng, thì Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh cũng sẽ giới hạn viện trợ quân sự, kinh tế cho Bắc Việt, và cho bọn tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Trong những điều kiện trên, chúng ta cứ lạc quan mà nghĩ rằng cán cân lực lượng sẽ nghiêng về chúng ta. Ít nhất là trong hiện trạng.
Về bộ máy quân sự của Cộng Sản đã suy sụp nhiều từ hơn sáu tháng nay, nhất là sau khi họ xua quân công khai xâm lăng miền Nam ngày 29-3-72 vừa qua. Trái lại, bộ máy quân sự của chúng ta từ sáu tháng nay đã được tăng cường nhiều, lớn mạnh nhiều. Ít nhất, theo lời giải thích và tuyên truyền của chính phủ..
Về phía nhân dân thì như thế nào ? Chúng ta hãy tạm tin vào những con số mà chính phủ vẫn thường rêu rao kiểm soát được 99% dân số, 98% đất đai và nhất là 94,36% cử tri bỏ phiếu cho vị “Tổng Thống 3-10-71 “. Tương quan lực lượng đã rõ rệt. Cộng Sản yếu ta mạnh.
Nhưng, trong cái yếu của Cộng Sản có mầm mống cái mạnh, do khả năng khắc phục sự khó khăn, do tổ chức, và do lãnh đạo của họ.
Và trong cái mạnh của ta đã có sẵn mầm mống cái yếu, do sự bất lực không khắc phục nổi khó khăn, do tổ chức lỏng lẻo, và nhất là do lãnh đạo quá tồi tệ.
Bởi vậy, trong trường hợp chống lại bản văn ngưng bắn, tiếp tục chiến tranh một mình, vấn đề căn bản của chúng ta vẫn là chỉnh đốn tổ chức và cải thiện lãnh đạo, hoặc tốt nhất là thay thế lãnh đạo.
Trong giả thuyết thứ 2, chúng ta bắt buộc phải chấp nhận một hiệp đinh với nội dung đã được tiết lộ qua đài phát thanh Hà Nội ngày 26-10-1972, và được xác nhận một phần bởi Tiến sĩ Kissinger. Những gì sẽ xảy ra ? Điều chắc chắn căn bản hiến định của chế độ này không còn nữa và cả cái thế hợp pháp của chính quyền này không còn nữa.
Vấn đề được đặt ra sẽ là sự hữu hiệu của một chính quyền thực tại của quốc gia dù chính quyền ấy là chính quyền Nguyễn văn Thiệu hay không Nguyễn văn Thiệu.
Sự hữu hiệu ấy căn cứ trên mực độ kiểm soát quần chúng tại đô thị và nông thôn, đồng thời trên khả năng và sự nhất trí của quân đội. Hai sự hiện hữu ấy cần được thể hiện gấp bằng những biện pháp cấp bách trước khi nói đến các chương trình dài hạn. Thế nhưng hai căn bản hữu hiệu ấy lại hoàn toàn tùy thuộc vào lãnh đạo.
Từ mấy năm nay và đã nhiều lần tại diễn đàn này, tôi đã nói về lãnh đạo. Nhiều người đã nói về lãnh đạo. Cụ thể hơn nói về Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu.
Lãnh đạo có ba yếu tố căn bản là quyền lực, quyền bính và quyền uy. Nền tảng của quyền lực là sức mạnh, sức mạnh quân đội, sức mạnh cảnh sát. Nền tảng của quyền bính là luật pháp quốc gia. Nền tảng của quyền uy là sự kính nể của quần chúng đối với người lãnh đạo. Nhưng, Trung tướng Nguyễn văn Thiệu có những gì trong ba yếu tố đó?
Về quyền lực, tạm gọi Trung tướng Thiệu có một triệu quân đội, 125 ngàn cảnh sát, 4 triệu nhân dân tự vệ, trong đó có 500 ngàn được trang bị võ khí.
Quyền bính, Trung tướng Nguyễn văn thiệu đã mất. Mất, vì ông đã không thi hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia, trong đó có hiến pháp.
Trong bài nói chuyện ngày 24/10 mới đây, ông đã nói nhiều đến cái thế hợp pháp chính quyền hiện hữu. Ông đã nói đến luật pháp quốc gia, ông đã nói đến hiến pháp. Nhưng hiến pháp đó, luật pháp quốc gia đó, và cái thế hợp pháp đó, ông có tôn trọng hay không? Chúng ta phải trả lời là không. Ai cũng biết, bảy năm nay, hiến pháp và luật pháp quốc gia đã bị chà đạp như thế nào, chà đạp bởi ngay người cai trị. Những thí dụ không thiếu. Điển hình cuộc bầu cử ô nhục ngày 3-10-71, với sự đồng loã của Tối Cao Pháp Viện đã từ nhiệm, rồi vụ cướp quyền lập pháp trong đêm 27-6-72, vụ ném lựu đạn vào giữa phiên họp Thượng Nghị Viện ngày 23-9-72, rồi các sắc luật nhân danh cái gọi là luật ủy quyền.
Ấy là chưa nói đến những sắc lệnh của chính phủ đưa ra các biện pháp chế tài đối với các vị dân cử ở địa phương, như nghị viên hội đồng tỉnh, nhân viên hội đồng xã ấp. Những sắc lệnh ấy hoàn toàn trái hiến pháp.
Tôi sẽ không nói nhiều, vì sợ mất thì giờ quý vị. Tôi chỉ nói rằng quyền bính là căn bản mà người cai trị nhân danh, để có quyền sử dụng quyền lực trong việc duy trì luật pháp quốc gia. Nhưng cái đó chính người cai trị không tôn trọng. Cho nên có tình trạng loạn pháp như ngày nay, mà nạn nhân là dân chúng.
Thời đại ông Nguyễn văn Thiệu là thời đại hỗn loạn nhất, vô trật tự, vô luật pháp. Điều đó lịch sử đã ghi nhận rồi. Quyền lực (puissance), quyền bính (pouvoir) quan trọng, và quan trọng nhất vẫn là quyền uy (autorité).
Quyền uy là gì ? Phía người lãnh đạo, là khả năng. Phía quần chúng, là sự tin tưởng rằng lãnh đạo có thể giải quyết các vấn đề lớn của cộng đồng theo chiều hướng có lợi cho cộng đồng. Khả năng chưa đủ, lãnh đạo còn phải có phẩm cách. Thử hỏi nhà cầm quyền đương thời có hai yếu tố khả năng, phẩm cách hay không?
Bảy năm đã trả lời rằng không. Bảy năm bất lực, trên mọi bình diện, nhất là về kinh tế, an ninh xã hội. Bảy năm bất xứng, vì thiếu thành tín, và nhất là vì tham nhũng.
Ông Thiệu đã nuôi dưỡng tham nhũng, sống trên lưng tham nhũng. Tham nhũng trong quân đội, trong chính phủ, trong các cơ quan công quyền. Tham nhũng làm lở loét chế độ tới xương tủy, từ trên xuống dưới hôi thối nồng nặc.
Chính vì vậy, mà quần chúng không kính nể lãnh đạo, chẳng những thế còn coi thường, khinh khi, còn riễu cợt.
Chính vì vậy mà bảy năm lãnh đạo thiếu hẳn yếu tố quyền uy nghĩa là thiếu cái thế chánh đáng (légitimité). Chính vì vậy mà bảy năm nay tại miền Nam Việt Nam không có lãnh đạo. Người ta lập luận dù sao ông Thiệu cũng là người chống Cộng, lúc này chống Cộng là mục tiêu lớn nhất của Quốc Gia. Nhưng chúng tôi xin khẳng đinh, ông Thiệu đánh Cộng, giết Cộng chứ không chống Cộng. Cũng như một người ngồi trong căn nhà, suốt ngày vỗ ruồi, đập ruồi, hai bàn tay nhoe nhoét máu, đang khi đó thì các ổ ruồi muỗi là phân bón, rác rưới vẫn ngập ngụa trong nhà. Người ấy cùng với vợ con ăn ngủ ngay trên đống rác, ngay trên đống phân.
Ông Thiệu đánh Cộng, giết Cộng, nhưng ông đã vô tình nuôi dưỡng Cộng Sản bằng tham nhũng bất công, bất lực và bằng sự phá hoại cái thế hợp pháp của chế độ này. Như vậy, có phải là chống Cộng hay không?
Tóm lại, miền Nam đứng trước hai con đường, hoặc chống lại mọi hiệp đinh ngưng bắn ô nhục, chấp nhận chiến đấu một mình với Cộng Sản, hoặc phải chấp nhận hiệp định ngưng bắn ấy, chấp nhận đấu tranh chính trị với Cộng Sản. Trên cả hai con đường miền Nam này cần một lãnh đạo theo đúng nghĩa của nó.
Nếu không, ngày thua trận sẽ không xa “.
Bài phát biểu của Nghị sĩ Nguyễn văn Chức (4) làm tôi xốn xang trong lòng. Tôi áp vào ngực xấp giấy đánh máy đã thâm kim với những vết loang ẩm mốc, cố dỗ giấc ngủ, như để chạy trốn thực tại.
(4) Chương 6, trang 80- “Giặc Ngoài Loạn Trong”. Cuối năm 2000, tôi gởi biếu quyển Tiếng Hờn Chân Mây đến hai vị cựu Thượng nghị sĩ VNCH, Luật sư Nguyễn văn Chức và Bác sĩ Tôn Thất Niệm. Bất ngờ được đọc, như nghe lại những lời phát biểu của chính mình cách đây 26 năm về trước, trong một phiên họp khoáng đại thượng viện 1974.
Bs Niệm, có phòng mạch trên đường Bolsa, Nam Califomia, nói với Tác giả: “Lâu quá tôi quên, không nhớ những lời phát biểu của tôi”. Còn Luật sư Nguyễn văn Chức, từ Texas điện thoại qua, thì tỏ nỗi ngạc nhiên và xúc động: “Đúng là bài tham luận của tôi đã thất lạc. Ở đâu mà Vân có vậy?” Bỗng giọng ông như muốn khóc: “Tôi bị oan, Vân ơi? Tôi bị oan?”. Lời kêu oan ấy cũng làm tôi nao núng dù tôi không hiểu “bị oan” chuyện gì. Tôi nghĩ, ngày xưa ông là một vị thẩm phán nổi tiếng cương trực, sao lại bị buộc vào một tội nào đó. Hay ông cựu nghị sĩ buồn vì đọc thấy câu nói của ông Sáu: “Đấy, NS Tâm còn nương tay, đến lượt NS Nguyễn văn Chức thì ông đem hết những lời lẽ rất nặng ký, như những cú đấm thôi sơn nhắm thẳng vào Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, làm lung lay luôn cả chế độ. Do đó, bọn Cộng Sản chỉ đạp nhẹ thôi, miền Nam đã nhào trái. Đây, Vân xem tài hùng biện của một luật sư ‘ (Tr. 73).
Tôi nhớ năm ấy ông gọi tôi vào một chiều mùa đông, khác với quê nhà, nơi xứ lưu vong này trời lạnh căm căm, tôi càng thêm bùi ngùi sau khi ông vừa dứt lời.
CÒN TIẾP /Kỳ7
Trần Thy Vân
------------------
MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
10. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (10) - (Trần Thy Vân)
No comments:
Post a Comment