Sunday, March 26, 2023

Tấm thẻ bài rách tên - Sáng tác : Hoài Linh

Tấm thẻ bài rách tên

Sáng tác : Hoài Linh

Tấm thẻ bài rách tên
Tấm thẻ bài nầy anh để lại cho em làm gì
Anh để lại đây để muôn đời tiếc nhớ hay nuôi thêm hận thù.
Nầy loại mau, nầy loại máu vơi chốn bên anh cứ vẫn còn nguyên

 -----------------
 
--------------------

Ký tên anh ký tên anh rách nát nhạt nhòa
Viên đạn nào sao quá oan nghiệt
Khóc một ngàn ngày, đến vạn ngày chưa vơi mạch sầu
Anh vẫn nằm đây mà sao đạn nở xóa tên anh trên thẻ bài ...
Còn gì nữa còn gì nữa với máu đông cô mắt mủi người thân
 
Sống hiên ngang sống gian nan khắp chốn mọi người

Qua một đời xin chẳng còn nguyên
Ngày xưa nhớ lạc quan cố vui anh gởi em tấm the bài nầy
Và nói đây là tấm kim ngân anh để lại cho mình.
Em nào hay nào mơ ước chi đâu
Nay đời anh về cỏi thiên thu em mới biết lòng đau.
Chiến cuộc nào rồi chẳng lụn tàn sau bao năm dài
Anh nằm bình yên đề nuôi hờn oán phút cuối chưa quên người tình
Đừng sợ nữa đừng sợ nữa đã có em đây vuốt mắt ngàn thu
Có em đây giữ trên tay tấm thẻ bài nầy xin một đời góa bụa cùng anh  
 
 
Yến Ngọc Hải Âu
Chiếc Thẻ Bài - Kỷ Vật Của Người Lính
Khi lướt qua một số trang có đăng hình ảnh những người lính mặc quân phục của QLVNCH, tôi có dừng lại xem thử thì có những nhận xét như sau:
- Quân phục mới tinh, đủ thứ sắc lính và cũng đủ thứ phù hiệu đính kèm một cách "hằm bà rằn". Ví dụ mặc quân phục của quân đội Mỹ với bảng tên một bên trên túi áo và bên còn lại là cái biển US.ARMY (Quân đội Hoa Kỳ), trên tay thì mang một phù hiệu của một Sư đoàn Bộ binh VNCH túi áo lại thêm cái phù hiệu cánh bay của Sư đoàn Dù, đội mũ sắt thì không đúng khổ, mang lon thì cái ngược cái xuôi.. (hic)
 
- Lại đeo thêm đem cái thẻ bài nửa trong nửa ngoài áo để chứng tỏ mình là người lính của QLVNCH chắc!
Theo tôi nghĩ thì mấy anh này hoặc là "hoài niệm" một thời là lính VNCH, hoặc là thích hình ảnh của người lính VNCH nên muốn mặc lại quân phục, trang phục của một quân đội đã hoàn toàn "biến mất" sau ngày 30/4/1975...
 
Không biết với lý do hay tình cảm gì nhưng một khi muốn "tái hiện" một hình ảnh trong quá khứ thì người "khoe hình" phải chịu khó tìm hiểu và thể hiện cho đúng cách nếu không sẽ trở thành một "diễn viên tồi" và hình ảnh trở nên lố bịch, phản cảm và bôi nhọ quá khứ!
Đặc biệt đối với chiếc thẻ bài của người lính thì đây không phải là một thứ "thời trang" để trang sức như dây chuyền của các phụ nữ. Đó là một vật "bất ly thân" của một người khi bước chân vào đời lính và khi nằm xuống thì trở thành một "kỷ vật"...
 
Cứ lên trên mạng tìm kiếm hình ảnh ngưới lính VNCH "thứ thiệt" xem, có ai thấy chiếc thẻ bài họ mang theo không? Đơn giản vì họ đã đeo nó bên trong chiếc áo nhà binh theo điều lệnh chứ có khoe khoang "ta đây" là lính đâu nào!
 
Nhân đây, tôi đăng lại bài viết về "Chiếc thẻ bài" để chúng ta hiểu hơn về lịch sử của nó, đặc biệt lớp người trẻ hôm nay khi muốn tìm hiểu về quá khứ chiến tranh đã lùi xa..

Theo qui định về điều lệnh của quân đội Mỹ và các nước đồng minh, sau này thấy có phát triển trong quân đội Nga, một vật bắt buộc người lính phải có trong người là chiếc thẻ bài – một lọai thẻ căn cước ngắn gọn, chứa những thông tin cơ bản của người lính khi tham gia vào những trận chiến tranh theo qui ước.
Thẻ bài như chứng tích lặng thầm của một cuộc chiến tranh và kỷ niệm, kỷ vật của một đời lính – đã ra đời từ thời cổ đại, chúng được những chiến binh thành Sparta của Hy lạp mang theo bên mình trong những trận chiến bạo tàn. Suốt cuộc nội chiến nước Mỹ 1861-1865, binh lính thường ghim mảnh giấy nhỏ ghi tên tuổi, quê quán lên áo khoác. Trong cuộc chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha ở vùng Caribe hồi cuối thế kỷ XIX, lính chiến cũng mang theo nó.
 
Năm 1863, trước trận đánh miền bắc Virginia, các toán quân của tướng Meade đã viết tên họ - tên đơn vị trên những mảnh giấy và khâu vào quần áo , đồ trang dụng của họ. Dần dần, các kiểu thẻ bài được biến đổi từ các mảnh gỗ có lổ xỏ dây để buột vào cổ , và tay chân
 
Việc tìm kiếm thông tin - nhận dạng tử sĩ dựa vào các thẻ bài được chính thức khuyến cáo từ năm 1899, cha cố Charles C. Pierce - sĩ quan tuyên úy chịu trách nhiệm tại phòng hậu cần - điều tra - xác định danh tính tại cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Philippine đã đòi hỏi phải có một “đĩa nhận dạng” cho các binh sĩ chiến đấu phải đi với các trang bị cá nhân khi ra trận.
 
Luật lệ của quân đội Mỹ vào năm 1913 ra đời khiến cho việc mang đĩa nhận dạng là điều bắt buộc. Cũng từ đó cho đến năm 1917, tất cả các binh sĩ của mọi binh chủng đều được cấp phát các đĩa nhận dạng, đeo trên cổ bằng dây chuyền. Đến thế chiến thứ nhất và thứ hai, các đĩa tròn nhận dạng này được thay thế bằng cái thẻ dài tròn quen thuộc gần giống như các loại thẻ bài sau này.
 
Thẻ bài người lính thường qui định mang là một tấm kim loại mỏng kích thước cỡ tấm hình 4x6 cm, không bị gỉ sét, không thể cháy, có khắc ghi họ tên, số quân và nhóm máu của người lính mang nó. Những chiếc thẻ bài này sẽ nói thay người lính trong trường hợp họ không thể nói được.
 
Mỗi người lính khi nhập ngũ đều có thông tin cá nhân được Bộ Quốc phòng lưu trữ gồm có họ tên khai sinh, ngày tháng năm sinh, nguyên quán, trú quán, họ tên cha mẹ hoặc người bảo hộ, ngày tháng năm nhập ngũ …Tất cả thể hiện vào thông tin trên thẻ bài một cách ngắn gọn : Họ tên người lính, số quân. Khi vào khám sức khỏe ở phòng tuyển mộ các tân binh đều phải hiến máu dự trữ và phân tích nhóm máu, thể hiện trong thẻ bài là lọai máu gì.
 
Người lính được cấp phát thẻ bài và khắc vào đó những thông tin trên, thường qui định mang hai chiếc thẻ bài vào cổ bằng một dây kim loại không gỉ giống như vật trang sức của phụ nữ. Điều này là qui định bắt buộc để khi ra chiến trường, với số binh sĩ tử trận quá lớn và nhiều đơn vị phối hợp tác chiến với nhau thì bộ phận thu dọn chiến trường dễ nhận dạng. 
 
Trường hợp bị thương năng cần phải cấp cứu truyền máu cho thương binh thì bộ phận quân y chiến trường chỉ cần thông báo cho chỉ huy đơn vị biết những người có cùng nhóm máu cho hiến máu để tiếp cứu đồng đội mà không cần phải thử kiểm tra loại máu của người lính bị thương.
 
Ví dụ : Một thẻ bài có ghi 3 thông tin sau đây có thể hiểu như sau :
NGUYỄN-VĂN-ĐIỀM : họ và tên đầy đủ của người lính
SQ. 50/200.102 : số thứ tự khi nhập ngũ của người lính và năm sinh (sinh năm 1930)
LM. A : người lính có nhóm máu A.
 
Bộ phận tổng quản trị của quân đội có nhiệm vụ cập nhật thông tin về cấp bậc, chức vụ, đơn vị... khi người lính có những sự thay đổi về thông tin này.
 
Khi hành quân ra trận có những người lính vô tình đánh rơi, khi đơn vị thu nhận được thẻ bài thì được ghi nhận là mất tích hoặc đã tử trận. Trường hợp thu nhận được thẻ bài mà không thấy người cũng thường xảy ra vì có trường hợp dẫm phải mìn của đối phương bị chết tan xác nhưng thẻ bài có thể vẫn còn nguyên vẹn và bắn tung ra xa chẳng hạn. Hoặc bị tử trận mà không còn nhận dạng được mặt thì chính chiếc thẻ bài này xác định nhân thân của tử sĩ…
 
Trong chiến tranh Việt Nam, lính Mỹ thường sử dụng thẻ có bọc cao su bên ngoài để tránh phát ra tiếng kêu khi va chạm. Lính VNCH vẫn sử dụng thẻ bài kim lọai thường nhưng kinh nghiệm chiến trường khi ra trận người lính VNCH thường gắn hai tấm thẻ bài ở hai chiếc giày trận để tránh khua tiếng động hoặc cảnh giác đối phương lẻn vào nắm dây thẻ bài để …xiết cổ! Suốt cuộc chiến Vịêt Nam quá dài và khốc liệt này, nhiều lính Mỹ đã rời Việt Nam mà không thể mang theo tấm thẻ bài về nhà.
 
Với người lính VNCH, cuộc chiến kết thúc đã 48 năm nhưng thỉnh thoảng đâu đó trên đất nước này (chủ yếu ở miền Nam), người ta vẫn thường bắt gặp được những bộ xương cốt và biết chắc là của một tử sĩ VNCH nào đó khi bên cạnh có một chiếc thẻ bài còn nguyên vẹn những dòng thông tin của họ...
 
Đối với những người vợ lính, người yêu của lính VNCH, hình ảnh người thiếu phụ cầm chiếc thẻ bài do nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh ghi lại bằng bức chân dung“ Thương Tiếc” đã quá quen thuộc và trở thành một “Kỷ Vật Cho Em” …
*Kỷ Vật Người Lính
Ngày xưa thời trận mạc
Kỷ vật lính sa trường
Chiếc thẻ bài bé nhỏ
Ghi khắc đời gió sương
Ngày anh không về nữa
Chiếc thẻ bài thay anh
Nói hộ lời thương tiếc
Bên nấm mộ vừa xanh
Em giữ chiếc thẻ bài
Làm kỷ vật ngày xưa
Của một thời yêu lính
Bên đồn vắng chiều mưa
Đơn vị anh gửi lại
Chiếc thẻ bài cho em
Thay cho lời báo tử
Anh chết trận khi đêm
 
 

Vong Ngay Xanh
THẺ BÀI THÁNG TƯ
Tháng Tư này Mày ở rừng hay biển
Tao nằm bên phiến đá giữa sườn đồi
Mắt lo âu nhìn bước chân Mày tiến
Cờ vinh quang trong ngực áo mồ hôi
Tay cò súng chắc bây giờ tê dại
Hầm hố nào còn lại với bom rơi
Mày phơi thân giữa trời che làm mái
Đất dưới chân bằm nát vụn Mày ơi …
Còn một thước…đất quê hương rực rỡ
Như hào quang lấp lánh mặt trời hồng
Tao bỗng thấy tưởng như mình còn thở
Còn nghe kèn thúc trận tiếng xung phong
Còn nửa thước… đừng đứa nào ngã gục
Tao nằm đây phù hộ hết tụi Mày
Ráng lên em… Đại Bàng chờ em chút
Tụi em lên, Đại Bàng sẽ bắt tay…
Rồi mình nhậu, bi đông đâu còn rượu
Chẳng hề gì – ôm áo trận cười vang
Đỉnh đồi ơi, nhớ ráng chờ men tửu
Tưới đồi thơm cho lan nở bạt ngàn
Trận cuối cùng ai sống còn, ai biết
Để Tháng Tư nhìn hương khói, thẻ bài
Rồi quanh quẩn những vành khăn tang biếc
Trắng màu tang và biếc tuổi xuân phai …
Như Thương – 30/4/2015.
(Viết cho những người lính trận VNCH mang thẻ bài Tháng Tư)
------------------

Cao Tran

TÍM TRONG CHIỀU KHÔNG HẾT
Giữ tím Huế màu áo dài em nhé
Dẫu sông Hương từng có lúc đỏ ngầu
Hay Tràng Tiền xưa gãy một nhịp cầu
Vành tang trắng quấn lên đầu của Huế
Bao nhiêu năm mẹ già còn rơi lệ
Tìm con đâu trong dâu bể mịt mùng
Trên tay mẹ chiếc thẻ bài hoen rỉ
Kỷ vật còn mà con ở nơi đâu?
Giữ chung thủy màu tím buồn em nhé
Đường anh đi không có những đồi sim
Không chiều hoang tím trong chiều không hết
Như bài thơ người thi sĩ thuở nào
Nói với mẹ đừng tìm anh chi nữa
Anh đã về một cõi rất xa xăm
Thân làm trai trong khói lửa chiến tranh
Xem cái c.hết nhẹ hều như sợi tóc
Giữ tím Huế và xin em đừng khóc
Màu áo buồn chiều sẽ tím theo em
Nói mẹ anh đừng thao thức đêm đêm
Nhìn di ảnh rồi lòng như muối xát
Chiến tranh mà, có kẻ còn người mất
Đường đạn đi chỉ là chuyện vô tình
Có bao người vì nước đã hy sinh
Không hờn oán hay hận thù ai cả
Chỉ thương em cùng mẹ già vất vả
Bao nhiêu năm em ở vậy đủ rồi
Nếu thương anh hãy làm lại cuộc đời
Cùng ai đó miễn là em hạnh phúc
Màu áo tím, màu anh từng yêu nhất
Đã theo anh đi vào cõi vô cùng
Cảm ơn em từng đã rất yêu thương
Người lính trận của một thời chinh chiến
Cao Tran 
-------------
 
Người Lính Già Tqlc
Tấm Thẻ Bài
Thẻ Bài người bạn đầu đời
Khi vào quân ngủ một thời nhiễu nhương
Thẻ Bài người bạn thân thương
Từ khi khoác áo phong sương bốn vùng
Thẻ Bài linh khí giữ hồn
Của người lính chiến bảo tồn giang sơn
Bao năm dù đã rời xa
Tưởng rằng quên lãng đời ta với người
Bao năm trắc trở đường đời
Tưởng chừng mình đã quên thời có nhau
Nhưng không thể xóa nỗi lòng
Ân tình nợ nước chung dòng khổ đau
Hôm nay thấy lại Thẻ Bài
Hồn như ngây dại hình hài của nhau
Người xưa giờ tóc bạc mầu
Thẻ Bài nằm đấy âu sầu đợi ta
Từ ngày gãy súng nửa chừng
Bỏ người ở lại lưng chừng tuổi xanh
Nợ người một mối ân tình
Mong ngày trở lại như hình bóng xưa
Nửa đời người sống rã rời
Thẻ Bài còn đó một thời nhớ thương
Cho người lính cũ năm nào
Lại đeo vào cổ … khi vào viễn du…
Gửi lại các bạn một bài thơ đã cũ…
Người Lính Già TQLC T.TT
nỗi buồn “Tháng Tư Đen” Apr 9 .2022 

No comments: