Tuesday, March 21, 2023

Những Giờ Phút Sau Cùng Của Quân Đoàn II – Khánh Dương

Những Giờ Phút Sau Cùng Của Quân Đoàn II

Khánh Dương
Hồi Ký, Bút Ký, Sử Ký VNCH $ VCHồi Ký, Bút Ký, Sử Ký VNCH $ VC
 3/1975 Khánh Dương là một thị trấn nhỏ bao quanh bởi những khu rừng già thật hùng vĩ, nằm ở độ cao khoảng 1000 mét, cạnh Quốc lộ 21, nối liền cao nguyên Ban Mê Thuột với vùng duyên hải tỉnh Khánh Hòa, cách Quốc lộ 1 khoảng 60 km. Quanh Khánh Dương là những bản Thượng có nhiều sắc dân thiểu số hiền hòa sinh sống. 
----------------------
Cách Khánh Dương về hướng đông dọc theo QL 1 không bao xa, núi Đá Bia nằm trên Đèo Cả thuộc Phú Yên, sừng sửng khối đá lớn trông như tạc hình ảnh mẹ bồng con đứng nhìn ra biển gọi là hòn Vọng Phu, hay còn gọi là núi Mẹ Bồng Con.
 
Vào những ngày đầu năm 1975, dưới áp lực của địch đè nặng trên cao nguyên, tuyến phòng thủ Khánh Dương được trấn giữ bởi TRĐ 40 BB thuộc SD 22 BB và hai tiểu đoàn thuộc LĐ 922 DPQ Tiểu khu Khánh Hòa. Sau khi chiếm lĩnh trọn vùng Cao Nguyên gồm các tỉnh Ban Mê Thuột, Kontum và Pleiku, CSBV muốn tiến về vùng duyên hải để tiến chiếm Khánh Hòa, Phú Yên và Qui Nhơn nên bằng mọi giá chúng phải tiến chiếm Khánh Dương.
 
Chiều ngày 19 tháng 3/1975
, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2 nhận được báo cáo tỉnh Phú Bổn thất thủ. Một số lớn chiến xa M48 và M41 của Lữ đoàn 2 Kỵ binh bị kẹt lại tỉnh lỵ Hậu Bổn. Trong ngày này, đang trên đường xuôi nam sau hai ngày và ba đêm hải hành, LĐ 3 ND được lệnh đổ quân xuống cầu Đá Nha Trang để tăng viện cho Quân Khu 2. Sau khi cập bến Nha Trang, Trung tá Lê Văn Phát, Lữ đoàn trưởng LĐ 3 ND, nhận lệnh từ Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân Đoàn 2, điều động tất cả đơn vị đến lập tuyến phòng thủ dọc theo QL 21 trên đèo M’Drak khởi đầu từ chân đèo Phượng Hoàng đến Khánh Dương.
 
Sáng ngày 21/3/1975 tất cả đơn vị thuộc LĐ 3 ND, gồm có ba tiểu Đoàn TĐ 2 ND, TĐ 5 ND và TĐ 6 ND, cùng TĐ 3 PB/ND, ĐĐ 3 TS/ND, đều sẳn sàng tại vị trí chiến đấu của mình. TĐ 5 ND của Trung tá Bùi Quyền trấn ngự tại phía nam thị trấn Khánh Dương cạnh QL 21. TĐ 6 ND của Trung tá Nguyễn Văn Thành trấn ngự tại cao điểm 957 buôn Ea Thi. TĐ 2 ND của Thiếu tá Trần Công Hạnh trấn ngự ngay tại chân đèo Phượng Hoàng. Bộ Chỉ huy Lữ Đoàn 3, TĐ 3 PB/ND và ĐĐ 3 TS/ND đóng tại Dục Mỹ. Tin tức tình báo cho biết hai Sư Đoàn F10 và 320 CSBV từ Ban Mê Thuột sẽ tiến đánh Khánh Dương để dọn đường tiến thẳng về Sài Gòn.
 
3/1975 – Sáng ngày 22/3/1975
, mặt trận Khánh Dương bị áp lực nặng khi lực lượng CSBV dốc toàn lực mở cuộc tấn công các phòng tuyến. Lúc 7 giờ 30, Cộng quân mở trận địa pháo kinh hồn vào các đơn vị phòng thủ phía tây Khánh Dương. Trước hết là hàng ngàn quả đạn pháo đủ loại tới tấp rơi vào các căn cứ phòng thủ của TRĐ 40 BB và hai tiểu đoàn Ðịa Phương Quân. Sau đó Sư đoàn F10 CSBV tấn công biển người với xe tăng yểm trợ vào các đơn vị nầy. Sau một giờ giao tranh các đơn vị phòng thủ bị tràn ngập và cắt ra từng mãnh nhỏ, trên phân nửa quân số bị thương vong, một số tàn quân của các đơn vị nầy rút về phía nam phòng tuyến của TĐ 5 ND rồi tiếp tục rút về Diên Khánh.
 
Lúc 9 giờ sáng cùng ngày, Cộng quân tiến về Chi khu Khánh Dương với 12 xe tăng hổ trợ, và nả đại pháo 122 ly vào quận Khánh Dương. Đến 10 giờ thì Chi khu Khánh Dương mất liên lạc.
 
Ngày 23/3/1975, Cộng quân gia tăng áp lực tại tuyến phòng ngự của LĐ 3 ND. Lúc 16 giờ 30, nhiều chiến xa CSBV xuất hiện ở vị trí cách trung tâm quận lỵ Khánh Dương 2 km về phía tây bắc. Ở phía đông nam Khánh Dương, phi cơ quan sát của Không quân VNCH ghi nhận có hai chiến xa T54. Ở phía bắc có nhiều xe kéo đại pháo cách quận lỵ khoảng 3 km. Không quân đã thực hiện nhiều phi xuất oanh tạc chính xác ngăn chận mức độ tiến quân của Cộng quân. Sau đó các đơn vị tiền sát của LĐ 3 ND bắt đầu chạm địch. Gặp sức kháng cự dũng mảnh của các chiến sĩ Nhảy Dù, địch quân đã bị tổn thất nặng.
 
4/1975 – Ngày 28/3/1975 một đoàn xe tiếp tế thực phẩm và đạn dược cho LĐ 3 ND bị Cộng quân phục kích trên Quốc lộ 21 dưới chân đèo Phượng Hoàng. TĐ 5 ND được lịnh lui quân về vị trí TĐ 6 ND và TĐ 2 ND trở thành đơn vị cơ động ứng chiến và được lịnh giải tỏa QL 21 từ đèo Phượng Hoàng đến Dục Mỹ để đảm bảo an ninh lộ trình tiếp tế.
 
Ngày 29/3/1975 vào lúc ba giờ sáng, Pháo Binh Cộng quân đủ loại dập lên tuyến phòng thủ của Tiểu đoàn 5 và 6 ND sau đó các Sư đoàn 316, 320 và F10 CSBV tập trung toàn lực lượng biển người quyết dứt điểm LD 3 ND từ ba phía. Địch quân đông như kiến cùng quân phòng thủ đánh cận chiến suốt đêm đến 7 giờ sáng mà tuyến phòng thủ vẫn còn giữ vững. Sáng ngày hôm sau, hơn 20 phi tuần A37 bay lên yểm trợ làm giảm bớt áp lực của địch quân.
 
Ngày 31/3/1975 tình hình tại Khánh Dương vô cùng nguy ngập. Lực lượng chống giữ tại đây của Lữ đoàn 3 ND gồm có ba Tiểu đoàn 2, 5 và 6 ND, Tiểu đoàn 2 PB/ND cùng Đại đội 3 Trinh sát ND, đã phải giao tranh quyết liệt với các trung đoàn thuộc Sư đoàn F10 và 320 CSBV. Các tiểu đoàn ND đã chống trả dữ dội. Nhiều vị trí mất rồi được chiếm lại, rồi lại bị mất, nhiều lần như vậy nhưng Lữ đoàn 3 ND vẫn cố giữ vững vị trí chiến đấu.
 
TRĐ 25/F10 CSBV đồng loạt tấn công vào vị trí của TĐ 6 ND do Trung tá Nguyển Văn Thành chỉ huy. Tuyến phòng thủ của TĐ 6 ND bị tràn ngập. Trung tá Thành cùng một số quân nhân bị bắt tại trận. TĐ 5 ND do Trung tá Bùi Quyền chỉ huy bị TRĐ 28 CSBV vây hảm và tràn ngập. Thiếu tá Vỏ Trọng Em, Tiểu đoàn phó, đã hướng dẩn được khoảng 200 chiến sĩ rút vào rừng, vượt núi về phía nam. Năm ngày sau toán quân nầy được trực thăng giải cứu bốc về Phan Rang. Một số quân nhân khác tháp tùng Thiết đoàn M113 về được Huấn khu Dục Mỹ.
 
Trong tình hình sôi động và trước áp lực nặng của Cộng quân, 8 giờ ngày 1 tháng 4/1975, Đại tá Lê Văn Phát, Lữ đoàn Trưởng LD 3 ND, trình với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh QD 2, là nếu không có tăng viện, không được cấp phát thêm đạn dược và hỏa tiễn TOW chống chiến xa thì tuyến Khánh Dương sẽ bị Cộng quân tràn ngập. Tướng Phú yêu cầu Lữ đoàn 3 ND cố gắng cầm cự để chờ quân của Sư đoàn 22 BB từ Qui Nhơn rút vào cùng với một trung đoàn tái chỉnh trang của Sư đoàn 23 BB.
 
Lần thứ năm trong ngày Đại tá Phát gọi xin thêm quân viện khẩn cấp và được Thiếu Tướng Phú cho biết không còn quân để tăng viện nữa và ra lịnh cho LĐ 3 ND di chuyển về phía nam. Trong khi đó, sau những đợt tấn công biển người liên tục và ác liệt của TRĐ 66 CSBV, tuyến phòng thủ dọc theo chân đèo Phượng Hoàng của TĐ 2 ND do Thiếu tá Trần Công Hạnh và TĐ 2 PB/ND do Thiếu tá Nguyển Ngọc Triệu chỉ huy bị tràn ngập.
 
Đến 4 giờ chiều cùng ngày, khi đang bay trên không phận Khánh Dương thì Tướng Phú chỉ liên lạc được với một sĩ quan của Lữ đoàn 3 ND. Tướng Phú được báo vắn tắt là địch quân đã tràn ngập nhiều vị trí của các đơn vị Nhảy Dù, tuyến phòng thủ đã bị cắt nhỏ. Sau đó cuộc điện đàm đã bị gián đoạn. Bị chia cắt ra thành nhiều mảnh nhỏ, lại không được tiếp tế lương thực và đạn dược, LĐ 3 ND buộc phải triệt thoái đơn vị về bải biển dưới chân Hòn Son và theo đường bộ về Phan Rang.
 
Buổi tối cùng ngày, Đại tá Phát cùng Bộ Chỉ huy Lữ đoàn và một phần của TĐ 5 ND trên đường rút từ Khánh Dương ra Quốc lộ 1 không còn liên lạc được với Bộ Tư lệnh QĐ 2 nên liên lạc thẳng về Sài Gòn bằng hệ thống GRC106. Đại tá Phát được lệnh phối hợp với Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Tư lệnh SD 6 KQ, để phòng thủ Phi trường Phan Rang.
 
4/1972 – Trong những ngày 20, 21 và 22 tháng 4/1972, các sư đoàn Bắc Việt áp sát bao vây Tân Cảnh, Dakto. Thời gian này, mặt trận mặt bắc Bình Ðịnh cũng rất sôi động. Tướng Ngô Du chỉ định Ðại tá Trần Hiếu Ðức, Trung đoàn trưởng TRĐ 40 BB thuộc Sư đoàn 22 BB làm Tư lệnh Chiến trường, chịu trách nhiệm bảo vệ ba quận Hoài Ân, Bồng Sơn và Tam Quan. Sư đoàn 3 Sao Vàng CSBV được lệnh phối hợp với các mặt trận khác, từ mật khu An Lão tung quân cắt đứt Quốc lộ 1 tại đèo Bồng Sơn và tấn công một số vị trí thuộc ba Chi khu Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tam Quan. Tại đây, Cố vấn Quân Đoàn 2 là John Paul Vann cũng gây khó khăn cho Ðại tá Ðức về yểm trợ hỏa lực. Bị áp lực nặng nề của địch quân, Ðại tá Ðức phải ra lệnh rút bỏ quận Hoài Ân để cố thủ quận Bồng Sơn.
3/1975 – Kể từ khi Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 2 thực hiện lệnh của Tổng thống Thiệu triệt thoái lực lượng khỏi hai tỉnh Kontum, Pleiku vào giữa tháng 3/1975, tình hình chiến sự tại Bình Định trở nên nghiêm trọng. Cộng quân đã gia tăng áp lực tại nhiều quận của tỉnh này. Cuối cùng, để bảo toàn lực lượng, SĐ 22 BB và các đơn vị đồn trú tại tỉnh Bình Định đã phải rút khỏi Qui Nhơn trong những ngày cuối tháng 3/1975.
 
Ngày 31/3/1975, trong khi tình hình tại Khánh Dương vô cùng nguy ngập, CSBV bắt đầu tấn chiếm các quận lỵ của tỉnh Bình Định. Tại Qui Nhơn, SĐ 3 CSBV đã chiếm nhiều vị trí trọng yếu trong thành phố, trong đó có hải cảng. Lực lượng Sư đoàn 22 BB với TRĐ 41 BB và TRĐ 42 BB đã nổ lực mở cuộc phản kích với sự yểm trợ hỏa lực hải pháo từ tàu Hải Quân ở ngoài biển nên địch quân bị đánh bật ra khỏi khu ven bờ biển. Vùng kiểm soát của lực lượng VNCH được mở một khoảng rộng dài chừng 6 km về phía nam, để tạo an ninh cho tàu Hải Quân cập bến đón các đơn vị còn lại của Sư đoàn 22 BB triệt thoái khỏi tỉnh Bình Định.
 
Trong cuộc triệt thoái tại Qui Nhơn, SĐ 22 BB tổn thất khoảng 70% quân số. Trung đoàn trưởng TRĐ 42 BB là Đại tá Nguyễn Hữu Thông đã từ chối di tản và tử trận sau đó (hay tự sát ?). Trung đoàn trưởng TRĐ 41 BB cùng 2/3 cấp sĩ quan chỉ huy được ghi nhận là tử trận hoặc mất tích. Trung đoàn 47 BB bị CSBV tấn công cường tập. Khi trung đoàn này rút về Qui Nhơn thì bị phục kích tại quận lỵ Phù Cát, thiệt hại gần 50% lực lượng, Trung đoàn trưởng Đại tá Lê Cầu đã bị bắt. Cộng quân đã chiếm quận lỵ này vào buổi chiều.
LONG AN 
 
● Tỉnh Long An vào khoảng thời gian 1966 thuộc Vùng 3 Chiến thuật, là vùng trách nhiệm của Sư đoàn 25 BB. Theo phối trí của Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 3 lúc đó, tại Long An luôn luôn có một trung đoàn thuộc SĐ 25 BB hoạt động. Trung đoàn này liên tục mở các cuộc hành quân truy kích Cộng quân tại các khu vực trọng yếu, đồng thời án ngữ các yết hầu không cho Cộng quân xâm nhập vào tỉnh lỵ Long An.
 
4/1975
Ngày 29/4/1975 CSBV bắt đầu tấn công bằng bộ binh và thiết giáp vào Sài Gòn bằng hai mũi: Phú Lâm và cầu Nhị Thiên Đường.
 
Rạng sáng ngày 29/4/1975, Bộ Tổng Tham Mưu, Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất và Bộ Tư lệnh Hải Quân tại bến Bạch Đằng đã trở thành mục tiêu của Pháo Binh CSBV. Những đợt pháo kích liên tiếp của Cộng quân đã nhắm vào các vị trí trên. Bộ Tổng Tham Mưu và Bộ Tư lệnh Hải Quân chỉ bị thiệt hại nhẹ, nhưng căn cứ Tân Sơn Nhất bị thiệt hại nặng nhất. Các bãi phi cơ đậu, các ụ xăng dầu và các trạm truyền tin đều bị đạn pháo bắn trúng. Quanh vòng đai Sài Gòn, chiến trận diễn ra khốc liệt tại Long An, Hậu Nghĩa, Bình Dương, Biên Hòa.
 
Tại Long An, các đơn vị SĐ 22 BB đã giao chiến quyết liệt với hai trung đoàn Cộng quân muốn chọc thủng phòng tuyến thị xã Tân An.
Khánh Dương
-----------
 

Yến Ngọc Hải Âu

THÁNG 4 ... LẠI ĐẾN ...
Trận chiến Khánh Dương tháng 3 1975
Ai về Dục Mỹ Buôn Ma Thuột
Nếu có dừng chân ghé Khánh Dương
Chậm chân người hỡi nhè nhẹ bước
Kẻo đạp lên mình các bạn tôi.
Ngày nào sinh tử thề hẹn ước.
Sao đành để lại một mình tôi
Đã mấy ĐÔNG về Anh vẫn đợi
Là bấy XUÂN qua thấy thẹn lòng
Mũ Đỏ Cù Lũ Nhí
 
Từ trước tới giờ có rất nhiều bài viết nói rằng Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù tham chiến Khánh Dương. Thật sự là Tiểu Đoàn 2 Pháo Binh Nhảy Dù mới là Tiểu Đoàn tham dự trận Khánh Dương. Có rất nhiều người biết, nhưng không có ai đính chính chắc tại vì cùng là Nhảy Dù cả ai cũng vậy thôi. Nhảy Dù luôn nêu cao tinh thần đồng đội đó là truyền thống của Binh Chủng Nhảy Dù. LĐ3/ND đổ quân vào Khánh Dương trên hai chiếc Dương Vận Hạm Theo đích thân Tố Quyên thì chiếc Dương Vận Hạm LST 404 chở các TĐ 2,5,6 và ĐĐ3 Trinh Sát /ND. Còn chiếc Dương Vận Hạm LST 504 chở BCH/LĐ3, các ĐĐ Công Binh, Công Vụ, Truyền Tin và TĐ2 Pháo Binh Nhảy Dù. Chiếc LST 404 chở quân tới trước.Anh em Nhảy Dù ở trên đó cũng khá lâu trước khi xuống cảng vào sáng sớm Phía Hải quân cho người nhái và tàu nhỏ vây quanh LST 404, quăng lựu đạn liên tục xuống nước đề phòng đặc công VC..Trời gần sáng thì TĐ 2,5,6 và ĐĐ 3 Trinh Sát đổ quân xuống Cầu Đá. tôi gặp lại MĐ Liễu Hùng Nghị SQ /Tiền Sát /TĐ5 (không nhớ đề lô cho ĐĐ nào ) người bạn cùng khóa TĐ16 Đồng Đế, cùng khóa Dù 329, cùng khóa CBSQ/PB lần cuối gặp nhau ở cây số 17 Huế. Tụi tôi rủ nhau ra ngoài uống cà phê.
 
Hai thằng siĩ quan nhỏ xíu mang 2 cây Colt 45 xệ xệ đi bộ ra ngoài cổng. Quân Cảnh có hỏi nhưng rồi cũng cho hai đứa ra. Chúng tôi lựa quán đối diện cổng có hai cô bán hàng khoảng tuổi 17,18t ngồi xuống uống cà phê tán dóc với hai cô. Thì ba của hai cô bước ra. Khi biết chúng tôi là Nhảy Dù từ Đà Nẵng về. Ông không nói gì cả mà đi vào trong. Một lát sau ông lái chiếc La Dalat ra kêu 2 cô gái nói gì đó tôi không nghe. Tán dóc với 2 cô khoảng 15 phút tôi đứng dậy tính tiền, nhưng 2 cô nói: Hai anh đợi ba em một chút, còn tiền cà phê ba em dặn không được lấy. Chúng tôi ngồi xuống tiếp tục tán dóc không quên lợi dụng cơ hội xin tên và địa chỉ để nếu có dịp ra thăm hay thư từ làm quen.
 
Một lát xe La Dalat về không phải một xe mà là 3 chiếc trên xe đầy những bánh mì, thuốc lá, đồ hộp v.v. toàn là đồ ăn liền. Ông nhờ tụi tôi chuyển vào trong cho anh em Nhảy Dù. Không có gì là cảm động hơn, tôi ko nói được lời gì cả. Cái gì đó nghẹn trong cổ họng của mình. Một lát tôi mới có thể nói: Chuyện nầy để cháu dẫn chú vào gặp cấp cao hơn vì tụi con không có thẫm quyền. Sau khi cảm ơn 2 cô chúng tôi dẫn ông về cổng và trình bày sự việc. Xong chúng tôi chào ông về lại đơn vị của mình. Một lát sau bánh mì, thuốc lá, đồ hộp được phát ra cho anh em..
 
Không những vậy khi đoàn GMC chở LĐ3/ND đi qua thành phố Nha Trang tiến về Dục Mỹ thì rất là nhiều đồ đa số là thuốc lá từng cây ,từng gói một quăng lên xe cho anh em. Không thể diển tả được tình cảm mà đồng bào Nha Trang dành cho anh em Nhảy Dù. Bao nhiêu mệt mỏi, thất vọng, bất mãn vì tưởng được về Sài Gòn sau cuộc hành quân đầy gian nan, vất vả tại Thường Đức tan biến hết. Anh em LĐ3/ND vào Khánh Dương với quân số hao hụt nhưng khí thế hào hùng chưa từng có. LỰC BẤT TÒNG TÂM, SỨC NGƯỜI CÓ HẠN. Mũ Đỏ LĐ3/ND đã làm hết những gì có thể. Máu của anh em đổ tràn trên đèo Phượng Hoàng để đền đáp ân tình mà người dân Nha Trang đã dành cho họ.
Cac chien si nhay du vung tay sung tai phong tuyen Phan Rang
 
Tôi được lãnh lương tháng 3, tháng lương cuối cùng của đời lính ở đèo Phượng Hoàng trước khi cuộc chiến xảy ra. Lảnh lương có tiền tôi rủ Hiệp và Hùng 2 khinh binh Tr/Đội4/ĐĐ21 ra Dục Mỹ chơi. ĐĐ21/TĐ2 đang đóng an ninh cho Pháo Đội C2/TĐ2/PB/ND. Chúng tôi quá giang được xe GMC về Dục Mỹ trên xe có khoảng 10 Nhảy Dù của các TĐ/ND tôi có cấp bực lớn nhất. Xe ngừng ngay tại chợ Dục Mỹ. Chúng tôi vừa xuống xe thì từ trong quán nước bên đường một ông mặc đồ Dù hai bông mai đen một gạch dưới vẩy tay gọi lại đây lại đây. Tôi mặt mày xanh lè kỳ nầy là tiêu rồi. Nhanh như con sóc tôi la lên: “Tất cả tập họp, anh em sửa sang lại quân phục. Hiệp làm chuẩn một hàng ngang trước mặt ông. Ch/U Nguyễn Phạm Phúc SQ: 75/118249 trưởng toán 9 người trình diện Tr/Tá chờ lệnh”. Tôi la to và rõ ràng từng chữ một cả chợ cũng còn nghe. Ai cũng quay lại nhìn chúng tôi chắc rất ư là khâm phục quân phong, quân kỷ của Nhảy Dù. Trúng tâm lý ông hiền từ hỏi Đi đâu vậy? Sao tóc dài vậy. 
 
Tôi trả lời:Thưa Tr/T tụi em xuống chơ hớt tóc và mua ít đồ. Ông bảo:Nhớ về đơn vị sớm.Tôi mừng hơn bắt được vàng trả lời dạ, rồi đàng sau quây hô to: Tan hàng cố gắng rồi dọt lẹ, hú hồn… Nhưng vẫn nhớ bảng tên Phát đó là Tr/Tá Phát LĐT/LĐ3/ND.
 
Chúng tôi ăn sáng ở Câu Lạc Bộ A của Trường Pháo Binh, xong ra chợ Dục Mỹ mua đồ và uống cà phê. Cô Loan chủ quán nhận ra tôi ngay. Trước đây 7 tháng tôi là khách hàng thường trực của cô khi học CBSQ/PB. Cô có dáng người cao nước da trắng của con gái Đà Lạt Ở tới chiều chúng tôi đón xe về lại Đơn Vị. Tối đó thiết giáp rút lui, không hiểu tại sao lại bắn loạn xạ hai bên đường như sợ bị phục kích làm chết và bị thương lính của TĐ6. Tờ mờ sáng ĐĐ21 được lệnh hành quân. Ai rút không biết ĐĐ21 tiến lên giải vây cho TĐ6/ND đang bị tấn công. Tr/Uý Hà ĐĐT/ĐĐ21 điều các trung đội tấn công với pháo binh yểm trợ. Đóng quân trên đỉnh đồi nhỏ cách Quốc Lộ 21 khoảng trăm mét sau lưng BCH/TĐ6 Tôi bắn pháo vào cứ điểm xung quanh Buôn Ea Thi bên kia đường, đạn nổ từng tràng ngăn các cuộc tấn công. VC mấy lần bắn sẻ bằng CKC. tôi suýt chết trong gang tấc. Tr/Úy Hà cho Hiệp khinh binh bò lên nhưng bị một CKC khác bắn bể tay cầm M16. VC ở khắp nơi tấn công nhưng không làm gì được phòng tuyến vẫn vững vàng. Nhưng VC không để yên cho các căn cứ Pháo của ND. Với quân số đông áp đảo họ dể dàng bọc hậu ,xuyên hông tấn công các căn cứ PB/ND. Không có quân tác chiến bảo vệ căn cứ PB/ND đều bị tràn ngập. Sau đó VC không đánh ĐĐ21 nữa mà đi vòng qua chúng tôi xuống Quốc Lộ 21 về Nha Trang, đi từng đoàn trên quốc lộ như đi diển hành theo đội hình thiết giáp và bộ binh tùng thiết.
 
tieu-doan-3-phao-binh-nhay-du
Tr/U Hà ĐĐT21 phải cho mở đường máu xuống núi, Hiệp khinh binh dẫn đầu ĐĐ21 chỉ với BCH và Trung Đội 4 tràn xuống băng qua quốc lộ hội quân với BCH/TĐ6/ND của Tr/T Thành TĐT/TĐ6. Vừa tấn công xông qua được quốc lộ tôi nghe tiếng của Th/Sỉ Hùng Thường Vụ ĐĐ21: Pháo Binh có đây không? Vì sợ tôi theo không kip. Đó là lần cuối cùng tôi nói chuyện với Th/Sỉ Hùng (Th/Siĩ Hùng đã vĩnh viển ở lại cùng với rất nhiều anh em khác) Hiệp khinh binh chạy theo dụ́i vào tay tôi cây AK47 bá xếp và bảo: Ông giữ phòng thân khi nào về Nha Trang bán lấy tiền xài rồi cười ha hả. Chưa chi mà đã lo sợ về Nha Trang không có tiền xài. Trên nét mặt của người lính ĐĐ21 không có chút gì là lo lắng hay sợ sệt họ kỷ luật, hồn nhiên như là đang tham dự hành quân thao dợt . ĐĐ21 và BCH/TĐ6 cắt rừng ,lội suối , nhổ chốt hướng về Dục Mỹ. VC phản ứng không kịp trong 2 ngày đầu rồi cái gì tới thì phải tới.Khi gom đủ quân VC bao vây và tấn công ĐĐ21 và BCH/TĐ6 Quân số ít ỏi.không liên lạc, tiếp tế,thiếu đạn dược và yểm trợ tan hàng là đều không tránh khỏi. Ngày 2 tháng 4 năm 1975 ĐĐ21 và BCH/TĐ6 tan hàng. Tr/T Thành TĐT/TĐ6, Tr/U Hà ĐĐT21 bị bắt.
 
ĐĐ21 và BCH/TĐ6 bị phục kích vào rạng sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975. Sau đợt tấn công đầu tiên và bất ngờ của VC vào đội hình ĐĐ21 anh em hy sinh rất nhiều, Tr/u Hà sắp xếp lại đội hình ra lệnh chiếm cao điểm vì ĐĐ21 đang ở triền suối Tôi theo Tr/u Hà xung phong lên chiếm cao điểm cây AK của Hiệp bây giờ mới hữu dụng. Tôi làm một tràng lấy tinh thần rồi theo chân Tr/u Hà và Trung Đội 4. AK, lựu đạn rải theo tôi phóng người nằm bẹp dưới gốc cây. Trái lựu đạn bay bổng rớt lăn trước mặt chừng 3 mét. Vì đang trên đà phóng người tới té xấp cạ̣nh gốc cây nên tôi bất lực khi thấy lựu đạn. Lấy tay ôm mặt dí người sát đất, Ầm tôi mở mắt ra sau tiếng nổ, thấy xác Việt Tr/Đội 4 gục xuống. Việt cũng xung phong cũng trên đà phóng người tìm chổ ẩn núp vô tình đè trên trái lựu đạn hoặc là che mảnh cho tôi. Sống chết số trời. Tôi định thần nhìn qua thì không thấy Tr/u Hà đâu nữa chắc là đã lên tới đỉnh rồi. Tôi dạt qua trái cùng anh em. AK lại nổ nhiều anh em dính đạn ngả gục. Tôi đáp trả siết cò hết luôn băng AK dọt vào bụi rậm cắt đường xuống suối trở lại. Súng vẫn nổ dòn khắp nơi. Tôi men theo suối theo sau là 3 ND. Mà lạ lùng càng xuống suối tiếng súng càng xa lần chúng tôi tiếp tục đi.. Tôi tìm một chỗ kín đáo gần con suối cả 4 người núp mình vào đó đợi trời tối sẽ̉ đi. Một lát sau chúng tôi nghe nhiều tiếng con gái giọng Bắc nói chuyên hình như đang lấy nước và giặt đồ. Thì ra chổ nầy là hậu cần của VC. Chúng tôi đã vô tình lọt và ổ VC mà cũng không ai ngờ là có 4 ND đang nằm kế bên. Đúng là chỗ nguy hiểm nhất là chỗ an toàn nhứt.
 
Rừng già nên trời tối rất nhanh. Học bài học xương máu vừa qua nên tôi quyết định đi sâu vào rừng càng xa Quốc Lộ 21 càng tốt trước khi đi xéo về Dục Mỹ Tôi chọn Dục Mỹ vì bản đồ tôi cầm chỉ tới đó thôi biết đi đâu bây giờ và lúc nào cũng nghĩ Dục Mỹ đang là tuyến chiến đấu vì có cả 3 Quân Trường ở đó (QT Pháo Binh, QT Lam Sơn, và QT Biệt Động Quân). Bỏ lại cây AK mà Hiệp đưa hết đạn rồi, hỏa lực còn lại 2 M16 với 2 băng đạn và Colt 45. Tôi dẫn đầu với chiếc la bàn trong tay người sau vịn vai người trước. Trời tối đen như mực chúng tôi lên đường. Đi suốt đêm tới trời sáng, cẩn thân băng qua trảng tranh lớn tôi hối đi nhanh để vào lại trong rừng thì nghe tiếng gọi Nhảy Dù, Nhảy Dù. Xa chừng khoảng 30 mét là hai bộ đồ ND đứng lên từ bụi cây thấp kêu chúng tôi. Đó là 2 ND của TĐ5 thất lạc mấy ngày rồi gặp chúng tôi nên mừng lắm. Thế là chúng tôi có 6 người 2 TĐ2, 2 TĐ5 và 2 TĐ6 và thêm 1 con chó nhỏ. Chúng tôi đi không nghỉ để chạy với thời gian. Đi không kể ngày đêm khi mệt hoặc đói thì nghỉ nấu cháo húp mỗi người một ít xong cứ thế mà đi không hề biết ngày giờ chi cả. Dọc đường chứng kiến xác của anh em ND rải rác khắp nơi. Tôi cẩn thận tháo thẻ bài cất giữ để khi về được Dục Mỹ thì báo tin đã gần chục cái. Lương thực thì chỉ có 2 bịch gạo tươi mà Nương đệ tử đã nhét vào túi cho tôi. Còn 2 đệ tử Nương và Hồng theo tôi không biết giờ nầy ở đâu đã lạc từ cú “tấp pi” đầu tiên của VC chắc là theo Tr/uy Hà. Hai bịch gạo và 1 con chó là lương thực của 6 người chúng tôi và đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi ăn thịt chó. Một ngày vào buổi trưa chúng tôi nghe nhiều tiếng trực thăng bay trên đầu như là đang đổ quân tuy không cách nào liên lạc được nhưng lại tăng niềm tin cho chúng tôi. Tôi cắt xéo đường hướng về Dục Mỹ và cuối cùng cũng tới.
Các chiến sĩ nhảy dù chiến đấu trong trận chiến sau cùng tháng 4 năm 1975
 
Từ trong rừng trên cao nhìn xuống Dục Mỹ sao im lìm quá không giống như đánh nhau. Và tôi cũng không nghe tiếng pháo binh từ lâu lắm rồi. Chúng tôi vẫn đổ xuống Dục Mỹ vào buổi sáng sớm, lẻn vào một chòi canh rẩy của ai đó. Chúng tôi nhổ khoai mì nấu ăn xong lại tiếp tục vào rừng đi bọc vòng qua hướng khác.Tôi đã đoán được chuyện gì đã xảy ra với Dục Mỹ. Đói khát tả tơi chúng tôi lại xuống làng, lần nầy tôi quyết định xuống vào buổi chiều để tối đột nhập vào làng gặp dân hỏi thăm tin tức và tính đường khác chớ không thể ở mã̉i trong rừng được. Cũng như lần trước 4 người canh 2 người nấu. Ăn xong trời chưa tối chúng tôi nằm nghỉ rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cái gì đó chọt vào ngực làm tôi thức dậy hai họng súng AK đang chỉa vào tôi. Hai ba người đè tôi xuống và trói chúng tôi lại. Khi biết tôi là sĩ quan người cán bộ trung niên tới hỏi đơn vị và cấp bực rồi dẫn chúng tôi ra ngoài lên xe Lam chở về chợ Duc Mỹ. Chúng tôi bị bắt bởi đơn vị quân dân mới thành lập ở Dục Mỹ nên cũng dễ thở. Họ bỏ chúng tôi ngay chợ Dục Mỹ. Ngay lúc đó có vài tên đơn vị chánh qui mặc dồ xanh đi qua, chúng chửi thề giọng Bắc gầm gừ như muốn ăn tươi nuốt sống chúng tôi.”Địt Mẹ làm sao tụi bây xuống tới đây được”. Dân chúng bu lại rất đông nhìn chúng tôi như che chở. Người cán bộ trung niên nói gì với tụi chính qui, mấy tên đó hậm hực bỏ đi. “Mấy anh ăn gì chưa để em nấu mì cho mấy anh” tiếng người con gái nghe quen quen. Tôi nhìn lên thì ra là CÔ LOAN chủ quán cà phê mà tôi quen. Người cán bộ trung niên không nói gì. Im lặng là đồng ý. Chúng tôi được đưa vào trụ sở nhìn vào tấm lịch treo tường NGÀY 9 THÁNG 4 NĂM 1975. Chúng tôi đã 7 ngày lang thang trong rừng kể từ ngày xa đơn vị. Cô Loan mang lại cho chúng tôi 6 tô mì và nước uống. Riêng tôi là ly chanh đường quen thuộc mà tôi thường gọi khi tới quán CÔ uống nước vì tôi không biết uống cà phê, và nhiều miếng thịt bò nằm dưới đáy tô mì. Ôi kỷ niệm không bao giờ quên được của những ngày cuối tháng 3.
 
Tặng và Tưởng Nhớ Các Bạn Tôi Những Người Một Lần Áo Hoa và Mủ Đỏ
 
Dạo đó anh đi mười bảy tuổi
Thiên Thần Mũ Đỏ Xứng đời trai
Vũ trụ mình ta chân đạp gió
Không gian lơ lửng bắt mây trôi
Ngang dọc tung hoành vùng hỏa tuyến
Giữ yên bờ cõi đất Phương Nam
Thần Kinh thương nhớ tình lưu luyến
Đồng Khánh trường tan má đỏ hồng
Anh rời Hiệp Khánh vào chiến địa
Phong Điền nối tiếp Động Ông Đô
Thường Đức vang danh quân giặc khiếp
Vu Gia vượt sóng giữ sông xanh
Một không sáu hai đầy xác cộng
Sư ba lẻ bốn chốc tan tành
Mùa xuân năm ấy hoa mai rộ
Đại Lộc bình yên có Hoa Dù
Tháng ba mười sáu theo quân lệnh
Lướt sóng quân hành xuôi giang Nam
Bỏ lại sau lưng nhiều tình lỡ
Tiễn Anh nước mắt ướt vai nầy
Về mái trường xưa qua Đồng Đế
Được nhìn tượng đá đứng ngàn năm
Có người em gái nằm xỏa tóc
Để đợi anh về dẩu trăm năm
Nha Trang chào đón đoàn quân lạ
Dục Mỹ chiều nay ngập bóng Dù
Quân Đoàn Hai thối theo lộ 7
Để lại Nhảy Dù chốt Khánh Dương
Hai sư đoàn cộng tràn nhau xuống
Một Lữ Đoàn Dù gắng tiến lên
Tứ bề thọ địch Đèo M’Rack
Xung phong tiếp viện Buôn Ea Thi
Ngạo nghễ trên tay viên đạn cuối
Nhảy Dù hai chữ cố gắng thôi
Thiên Thần gẫy cánh ngàn thây đổ
Khánh Dương thương nhớ Lữ Đoàn 3
Chí trai vị quốc không danh lợi
Vong thân bất nhục đáng anh hùng
Máu đào tươi thắm màu Mũ Đỏ
Xác thân tô điểm áo Hoa Dù
Nợ nước muôn đời trên vai nặng
Ơn nhà trọn kiếp mãi trong tâm.
Mũ Đỏ Cù Lũ Nhí
 

No comments: