Sunday, March 26, 2023

BẠ̣N TÔI NGƯỜI LÍNH TRẺ VNCH - VŨ GIA PHAN

BẠ̣N TÔI NGƯỜI LÍNH TRẺ VNCH
VŨ GIA PHAN
Nguyen Anh-Vu

Cuối năm 1973, khi đó tôi còn rất trẻ và đang học lớp tám ở Saigon. Chiến tranh thì như đang ở xa xôi đâu đó trên vùng rừng núi, cách biệt với ngôi trường Trung - Tiểu học xinh xắn của chúng tôi ở vùng ngọai ô yên tĩnh. Thỉnh thoảng, cuộc chiến khốc liệt nhắc nhở đến sự có mặt của nó bằng những chiếc xe nhà binh xanh xám chạy vụt qua con đường trước cổng trường. 
----------------
 
----------------

Hay khi chúng tôi băng qua cầu Thị nghè lên quận một đi ngang trại lính với những bức tường có các lô cốt to, kiên cố quấn những vòng dây kẽm gai sắc chạy dài từ bờ rạch lên ngã tư Nguyễn Bình Khiêm. Với tôi cuộc sống thật yên bình trong tâm bão. Những buổi đến trường và chơi đùa với các bạn dưới bóng ngôi giáo đường uy nghi bên bóng cây cây phượng vĩ to cao, thường nở rất nhiều hoa rực rở khi mùa hè đến.
Thứ năm là ngày đặc biệt được chúng tôi yêu thích vì buổi sáng hôm đó chỉ học có hai tiếng đầu, sau đó được nghỉ để vui chơi tùy ý. Chúng tôi thường chơi đá cầu, ném banh trong sân trường rộng tênh.
 
Nhưng những buổi hào hứng nhất là tôi và những đứa bạn thân trong lớp rủ nhau cuốc bộ ra trung tâm Saigon. Năm sáu đứa chúng tôi đi ngang qua sở thú, dạo quanh hồ Con Rùa, đến Nhà thờ Đức Bà nghểnh cổ nhìn lên nóc giáo đường cao tít. Rồi mọi người hăng hái vào Bưu điện Saigon tò mò xem người lớn viết và gửi thư giữa quang cảnh lao xao tấp nập, đôi mắt ngạc nhiên với không gian rộng lớn bên trong tòa nhà. Xuôi ra đường Tự do, đến đại lộ Nguyễn Huệ, Lê Lợi đi tha thẩn bên các kiosque, hàng quán, rồi loanh quanh bên chợ Bến Thành hòa vào dòng người mua bán tấp nập.
 
Saigon thời đó mang một bộ mặt rất đẹp và văn minh, người dân và lính tráng ăn mặc rất lịch lãm phong cách.
 
Thời điểm này, người Mỹ đang âm thầm rút ra khỏi cuộc chiến. Miền Nam Việt Nam bị đồng minh bỏ rơi nên phải chiến đấu lẻ loi trong giai đoạn đầy cam go, thiếu thốn … Nhiều chàng trai trẻ Saigon phải xếp sách vỡ, bút nghiêng để trở thành những người lính cầm súng ra trận. Đa số chúng tôi còn quá trẻ nên chưa phải phải gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước. Dù thời cuộc đang thay đổi nhưng cuộc sống hằng ngày vẫn là những buổi cắp sách đến trường, vui đùa với bạn bè. Trên bầu trời Saigon bắt đầu xuất hiện những bóng mây u ám bay lởn vởn. Người lớn thì tỏ ra lo lắng, còn với tâm hồn non nớt đang tuổi học sinh, chúng tôi vẩn vô tư, ngây ngô như mọi ngày.
Gần cuối năm học đó, bóng dáng của cuộc chiến rồi cũng len lỏi vào sân trường.
 
Anh là bạn học cùng lớp với tôi, nhưng lớn hơn tôi phải vài ba tuổi. So với vóc dáng của chúng tôi lúc đó còn là những chú thiếu niên mảnh khảnh, thấp người, anh có một hình hài quá khổ, cao hơn bạn bè cùng lớp cả “một cái đầu”. Thêm vào đó trên khuôn mặt của anh râu ria mọc lởm chởm, trong lúc đa số chúng tôi trông vẩn còn “nhí”, với hàng ria mép lờ mờ. Tiếng nói của anh ồ ề như một đại hán trong chuyện chưởng Tầu, động tác đôi lúc lóng ngóng vì tay chân dài và to quá cở. Tuy tướng tá trông dử dội như vậy nhưng tính tình anh hiền lành chậm chạp. Anh cũng vui chơi với tất cả bạn bè, nhưng do hình dáng khác lạ của mình, nhiều đứa bạn học rắn mắt hay chọc phá, trêu ghẹo … còn anh vẫn im lặng không tỏ ý giận hờn. Chỉ khi có đứa nào giỡn quá tay mới thấy anh nổi giận. Việc học hành của anh cũng chậm như vậy, nhiều năm phải ở lại lớp, nên khi lên đến cuối lớp tám, anh đã gần đến tuổi đi lính.
 
Vào một ngày gần cuối niên học, thầy hướng dẩn im lặng nhìn xuống cả lớp với nét mặt thoáng buồn. Thầy thông báo lớp chúng tôi có một bạn sắp phải nghỉ học để nhập ngũ. Tất cả chúng tôi lúc đầu hơi bở ngở, nhưng mọi người chóng hiểu ra và quay đầu về chổ anh ngồi ở góc gần cuối lớp. Khuôn mặt anh lúc ấy buồn so, đôi mắt như long lanh những giọt lệ. Không khí cả lớp như trầm hẳn xuống trong buổi học cuối cùng đó với anh.
 
Ngày nhập ngũ anh lặng lẽ lên đường một mình, chúng tôi còn nhỏ nên không ai tiển chân anh.
Rồi cuối năm học, mùa hè lại đến. Đó là những giây phút thần tiên đối với tôi và những bạn thân cùng lớp. Có quá nhiều niềm vui ở vùng ngoại ô Thị nghè, Gia định. Những buổi lên Thanh đa tắm sông, câu cá, hái trộm cây trái trong vườn , đi xúc cá lia thia, bẩy màu … Sôi nổi hơn cả là lúc chúng tôi ra trung tâm Saigon đi quanh khắp các con đường lớn nhỏ. Tôi và những người bạn bị những thú vui mùa hè lôi cuốn, hầu như quên lãng người bạn học cùng lớp đó. Khi đó có lẽ anh đã trở thành người lính đang cầm súng chiến đấu ở đâu đó trên chiến trường để bảo vệ quê hương miền nam tự do.
 
Năm học kế tiếp, chúng tôi vào lớp 9, niềm vui lớn khi gặp lại bạn bè cũ và mới. Thời gian làm cho chúng tôi lớn lên thêm một chút, nhưng vẩn là những cậu thiếu niên vô tư bên sách vở và lớp học, vẩn thích chơi đùa dưới bóng ngôi giáo đường và cây phượng già cổi.
 
 Nhưng thỉnh thoảng chúng tôi dừng lại lắng nghe tiếng bom đạn ì ầm vọng về từ đâu đó rất xa. Những âm thanh vang dội trong không khí làm chúng tôi đôi lúc ngập ngừng nhìn nhau như tự hỏi, nó từ đâu đến.
 
Vào một ngày đột nhiên, tôi và các bạn nhận được tin anh bị thương trên chiến trường. Những cái đầu nhỏ và những trái tim vô tư lự ngưng đập trong giây lát để nghe ngóng. Những nét sợ hải và suy tư vì chiến tranh ghi dấu ấn đầu tiên vào tuổi học trò ngây ngô. Những ngày sau chúng tôi loáng thoáng nghe vài bạn nữ sinh và cô giáo đến quân y viện để thăm anh. Và rồi sự hồn nhiên, vô tư lại lôi kéo tôi và các bạn quay về với những trò đùa vui hàng ngày. Tôi đâu biết đó là những giây phút rong chơi dưới bầu trời không còn yên bình của Saigon.
 
Rồi ngày 30-4 tang tóc đó xảy đến cho cuộc sống Miền Nam tự do. Mọi thứ thay đổi hoàn toàn khi cộng sản miền bắc tiến vào thủ đô. Saigon mất đi dáng vẻ yêu kiều ngày nào và phố xá thì buồn hiu hắt.
Năm học lại mới đến, tất cả đều lên lớp 10, tôi và một số bạn cũ vẫn cắp sách đến trường. Vẫn còn đó bóng ngôi giáo đường uy nghi và cây phượng già trổ hoa đỏ rực, nhưng ngôi trường cũ thì đã bị đổi tên. Một thoáng buồn khi tôi nhớ lại những ngày tháng tràn đầy kỷ niệm cũ.
 
Như có sự sắp xếp của định mệnh, một ngày tôi và các bạn của mình tình cờ gặp lại người bạn học cũ đã từng là lính VNCH. Anh bây giờ đã là một thương binh còn rất trẻ. Chúng tôi im lặng nghe anh nói về đời lính chiến của mình, về trận chiến đã lấy đi một con mắt và làm bị thương một cánh tay của anh. Lời anh kể đượm nổi buồn chiến tranh của một người trai trẻ bị thương tật, và của một người lính bị mất mát một cái gì đó rất quí giá. Có lẻ đó là mất Miền Nam tự do, và tôi cũng mang nổi buồn đó như anh. Nhưng anh không hề than trách số phận hay cuộc đời mình.
 
Cuộc sống đi qua trong khó khăn và lo âu sau ngày cộng sản xâm chiếm Miền Nam và Saigon. Tôi và các bạn lớn lên, phải lao mình vào cuộc sống đầy sóng gió, mịt mù dưới chính sách của chính quyền cộng sản. Tôi cũng không có dịp gặp lại anh. Một người lính trẻ bị tàn tật như anh không biết sẽ sống ra sao trong xã hội cùng khổ, khi mà những thanh niên khỏe mạnh, được học hành nhiều hơn anh còn thấy vất vã, khó khăn. Đôi lúc tôi nghe vài người bạn nói gặp anh bán vé số dạo trên đường để kiếm sống …
 
Sau nhiều rất nhiều năm vắng tin, đột nhiên năm 1998, tôi lại gặp anh ở trung tâm Saigon. Hôm đó tôi chạy xe đến cửa hàng Tax ở góc Lê Lợi – Nguyễn Huệ, quận 1 để gặp người nhà. Phóng chiếc xe gắn máy lên phía lề đường nơi có khoảng 6 – 7 chiếc xe đang đậu, tôi gửi vào đó rồi vào cửa hàng cho nhanh, vì gửi ở bãi thì lội bộ đến đây khá xa. Bất ngờ người đàn ông đang trông giử xe ở đó là anh. Tôi ngạc nhiên, vui mừng và thân mật gọi tên anh. Sau một lúc săm soi nhìn tôi, nghe tôi nói tên, anh cũng nhận ra và mừng rở, chào tôi cũng bằng giọng ồ ề, nhưng dáng đi đã chậm chạp hơn ngày xưa. Tôi hỏi thăm anh đôi chút về nơi ở và công việc rồi nói vào cửa hàng chút xíu sẽ ra. Khi xong công việc, tôi quay lại chổ cũ để lấy xe, suy nghĩ không biết làm được gì hơn cho anh, móc bóp đưa cho anh tờ mười ngàn đồng, anh cầm nó và nói để lấy tiền lẻ thối lại vì giử xe lúc đó khoảng 500đ – 1000đ/ lần, tôi lắc đầu nói thôi anh hãy giử hết. Tay cầm tờ giấy bạc, anh nhìn tôi khá lâu và nói nhỏ cám ơn, nét mặt đượm buồn và trong đôi mắt chỉ còn một bên nguyên vẹn, tôi thấy long lanh dòng nước mắt …
 
Những lần sau có công việc tôi chạy xe đến đó để gửi, nhưng không bao giờ còn gặp lại anh. Mổi khi có dịp gặp những người bạn khác ngoài đường, tôi hỏi thăm tin về anh, nhưng không ai biết bây giờ anh ra sao.
Cho đến bây giờ tôi thấy mình vẩn nợ anh và đồng đội của anh một lời cám ơn, vì những ngày đó anh đã chiến đấu và hy sinh một phần thân thể để bảo vệ Miền Nam tự do, cho tôi và các bạn của anh có những ngày yên vui đến trường.
 
Trong tim tôi, anh là một người lính trẻ anh hùng, và tôi muốn viết những dòng này để cám ơn anh.
VŨ GIA PHAN
-----------------
 
 
Comment:
* Andy Truong
Dai lien M60(machine gun) can nang 21 lbs=9.5kg
* Thai Dong
Bài viết rất hay gợi nhớ những kỷ niệm của thời học sinh ,vô tư không biết chiến tranh và sự hy sinh của người lính VNCH để bảo vệ quê hương cho mãnh đất của miền nam Việt Nam được thanh bình …
- Ai bảo chăn trâu là khổ, ngồi mình trâu ta hát nghêu ngao…
- quê hương tôi miền trung…khô cằn sỏi đá…
- Sự thanh bình đó đã mất sau ngày 30/4/75… tháng tư đen và những kinh hoàng tiếp theo./.
* Mai Bích Hồng
Đọc mà rưng rưng. Thương quá Lính ơi.

No comments: