Monday, March 20, 2023

Đại Đội 118/ĐPQ Bình Thuận - Lê Văn Mùi

Đại Đội 118/ĐPQ Bình Thuận

Lê Văn Mùi
Son H Cao
Sinh và lớn lên tại Chợ Lầu, miền đất đầy bi thương thảm hận vì khói lửa đao binh . Bởi vậy tôi chán ghét chiến tranh và không thích đời lính . Nhưng trong thời buổi ly loạn mấy ai thoát được nợ tang bồng hồ thỉ nam nhi trái ( Thơ NCT) . Từ năm 1967, cuộc chiến tại miền Nam càng lúc càng đẩm máu . Những người tuổi trẻ miền Nam lớp lớp nối vai nhau tiến ra sa trường và nhiều người đã không trở lai ..
------------------
Mậu Thân năm 1968, tôi đi vào quân ngũ, theo học khóa 7/68 tại Trường Bộ Binh Thủ Đức, ra trường tôi xin chọn về Bình Thuận để phục vụ cho quê hương mình, và để được gần gũi gia đình bên Ngoại . Với sáu năm lính dưới chế độ miền Nam, sau tháng 4 – 1975 tôi phải trả bằng sáu năm tù đày trong các trại tù khổ sai của Cộng sản . Mười năm phải lao động nặng nề trong Hợp Tác Xã Nông nghiệp của Cộng Sản chỉ với đồng lương chết đói, chỉ đủ cho con ăn cháo . Hai phần ba cuộc đời với nhiều đau thương cay đắng trên chốn quê hương ruột thịt của mình . Tháng 4 – 1992 gia đình tôi thoát được gông xiềng của Cộng sản, về đến được bến bờ tự do theo diện HO (Tỵ nạn Chính trị). Cũng kể từ ngày đặt chân đến nước Mỹ, thật sự tôi đã thấy được cổng thiên đường
 
Đại Đội 238/ĐPQ Bình Thuận
Đại đội 238/ĐPQ được thành lập năm 1968 với số lính đa số là người Nha Trang, mà tôi được vinh dự đi chung với phái đoàn Sĩ quan đi Nha Trang để nhận và được chuyển bằng hai tàu thủy về Bình Thuận . Một của Hải quân / VNCH và một của Hải quân / Đại Hàn .
Khi đoàn quân về tới Phan Thiết, được cho tạm trú tại lao xá mới và sau đó chia làm 4 Đại đội gồm : Đại đội 236, Đ Đ 237, Đ Đ 238, và Đ Đ 239 ĐPQ . Tôi được nhận chức Đại Đội trưởng Đại đội 238/ĐPQ và Huỳnh Đức Nhiệm làm Đại đội phó . Đại đội được đưa về đóng ở đồn Nguyễn Hữu Chí nằm phía Tây đồn Trinh Tường . Thật ra đây là một gò đất dùng làm nghĩa địa, có một Trung đội Nghĩa quân đang trú đóng . Chúng tôi đến đóng quân và bắt đầu xây dựng Đồn tương đối kiên cố, Đồn này phối hợp với các Đồn khác tạo thành một vành đại bảo vệ Yếu khu Châu Thành và Thị Xã Phan Thiết, đồng thời, bảo vệ an ninh các vùng ngoại ô Thị xã và vùng phụ cận . Trong thời gan hoạt động ở Nam Bình Thuận, đơn vị chủ yếu là hành quân tiêu diệt địch và tổ chức các cuộc phục kích trong vùng trách nhiệm . Thật sự thời gian đầu với trang bị vũ khí yếu kém của lực lượng tân lập và với thành phần Sĩ quan, Hạ sĩ quan, Binh sĩ chưa có kinh nghiệm chiến trường . Một phần vì vùng Khánh Hòa ít Việt cộng hơn Bình Thuận nên Binh sĩ ít có thời gian rèn luyện trận mạc thật sự . Đa số binh sĩ trong đại đội là dân Khánh Hòa, phục vụ xa nhà nên tinh thần chiến đấu không cao . 
 
Trong thời kỳ này Việt cộng tại Bình Thuận hoạt động rất mạnh, vì là trách nhiệm của một người chỉ huy, nên tôi phải nghĩ ra nhiều phương cách để củng cố, kiện toàn đơn vị, đồng thời nâng cao tinh thần chiến đấu của binh sĩ. 
 
Biện pháp đầu tiên là cấp phép ngắn hạn cho các binh sĩ về thăm nhà ( mặc dầu thiếu quân số) để giảm bớt căn thẳng về tâm lý lúc đó . Đồng thời tạo một tình cảm gắn bó trong đơn vị bằng cách chú trọng về khả năng, phẩm chất chiến đấu để cho nắm giữ các chức vụ từ Trung đội trưởng đến Tiểu đội trưởng . Vùng này tương đối gần Thị xã nhưng cũng nhiều lần đụng độ với du kích VC, có một lần một bán Tiểu đội phục kích hạ được một VC chỉ cách đồn 100 mét giữa đồng ruộng khô bằng mìn claymore .
 
Từ đó tôi có thay đổi về cách phục kích địch, không cần số đông, chỉ trang bị gọn nhẹ, thay đổi nhiều vị trí và đặc biệt không để cho cơ sở địch phát hiện, và địa điểm mà VC không ngờ ta lại tổ chức phục kích được . Vì thế Đại đội đã nhiều lần phục kích được địch và gây tổn thất nặng nề cho địch, có lần trong khi còn di chuyển các toán đi phục kích cham địch giữa đồng, nhưng vì Binh sĩ lúc đó còn thiếu kinh nghiệm nên kết quả không được khả quan.
 
Từ lúc đó trong đầu tôi mới nghĩ ra cách làm mìn Claymore tự động, thật sự lúc đó tôi chưa biết có ai hay đơn vị nào đã nghĩ ra cách đánh này chưa, hay đã có rồi nhưng chưa phổ biến rộng rãi . Hệ thống của bẫy mìn tự động khác hẳn với cách nghĩ của tôi và đơn vị của tôi tại Hòa Đa . Nhưng tôi chưa thực hiện nó tại Nam Bình Thuận, khi đơn vị tôi chuyển ra Hòa Đa, Bắc Bình Thuận, lúc đó quân số đơn vị tôi hoạt động hàng đêm có khoảng 50 người mà được giao an ninh từ cầu Liêm Bình, Hòa Đa lên tới giáp với Quán Mía, Xóm Vàng, Phan Lý Chàm . Vùng này có Khu Ba Liêm Bình có cơ sở VC rất nhiều và là đường di chuyển của VC từ khu Lê Hồng Phong sang Bắc Sơn, mật khu Hố Bò, Đồng Trên, Lệ Nghi ...
 
Khu vực này nằm giáp ranh với Chi Khu PLC nên thường bỏ trống vì sợ chạm nhau giữa phe ta . Việt cộng lợi dụng điều này nên hoạt động rất mạnh, khi mới đến còn lạ lẫm, chưa quen với tình hình tại nơi đây, lại thêm tình trạng quân số, trang bị yếu kém nên tôi thường áp dụng lối cơ động tối đa và làm nhiều động tác nghi binh để cơ sở địch không biết đâu mà mò . Nhưng thú thật tình hình đich chúng tôi chưa nắm vững .
 
Văn phòng của Đại đội đặt tại đồn Bạch Mã sát với Chi khu Hòa Đa, tôi mới cùng các Sĩ quan và Hạ sĩ quan tìm cách chế tạo mìn Claymore tự động . Nguyên tắc chạm nổ thì khi còn đi học đã nắm rõ, chỉ còn cách tạo ra sao hợp lý và gọn nhẹ dể sử dụng ai làm cũng được . Chúng tôi mới nghĩ ngay đến những cục Pin máy PRC 25 bỏ ra, cùng nẹp đồng chạm điện là những lá đồng trong nẹp đạn M16 . Một sợi dây Nylon được căn ra giữa hai cọc gỗ, khi có vật gì chạm vào sợi Nylon sẽ kéo theo miếng nẹp đồng chạm vào một nẹp khác nối vơi cục pin và quả mìn Claymore, thế là mìn được kích hỏa . Khi thao tác phải cẩn thận, Bẫy được giăng ra rồi thường thì là ngang đường di chuyển của VC, ngòi nổ mới được cắm vào quả mìn hướng về địch sau đường dây Nylon vài thước cho an toàn .
 
Kể từ khi áp dụng mìn Claymore tự động này, đơn vị tôi lần lượt thu nhiều kết quả không ngờ khiến VC trong vùng vô cùng hoảng sợ . Đại đội 238/ĐPQ đã gây được tiếng vang tại Chi khu Hòa Đa, làm tinh thần binh sĩ trong đơn vị lên cao, mọi người càng tự tin hơn và được cấp chỉ huy tin tưởng . Trung Tá Lại Văn Xuân Chi trưởng Chi Khu Hòa Đa đã nói với tôi khi ông rời khỏi chức vụ : “ Khi anh mới đến, tôi không tin vào khả năng của đại đội anh, khi đưa anh lên Liêm Bình tôi nghĩ anh sẽ chạy hay bỏ ngũ . Ngay cả có lần một Đại đội của Trung đoàn 44/23 đảm trách khu vực đó, nhưng ban đêm cũng kéo xuống cầu Liêm Bình để ngủ“
 
Trong thời gia hoạt động vùng Liêm Bình, thật sự cơ sở của VC không hoạt động được, chúng không theo dõi được ta nên lần nào về Liêm Bình chúng cũng bỏ mạng . Có một lần trong đêm, đích thân tôi hướng dẫn đi Phục kích, chúng vướng mìn cơ động nên bỏ xác hai tên tại chỗ, kiểm tra trong người thấy có hai cuộn giấy, quấn ngoài bằng giấy Xi măng ( bằng 2 ngón chân cái), tôi không mở ra xem chỉ chuyển về cho ban 2 chi khu Hòa Đa, sau đó được chuyển về phòng 2 Tiểu khu . Sau khi giải mã, tài liệu cho thấy cấp chỉ huy của VC khiển trách cơ sở tại địa phương không nắm được tin tức và tình hình Đại đội 238/ĐPQ.
 
Có một trận đáng nhớ nhất tại Liêm Bình, khi đó Chuẩn úy Ngô Trúc Khánh mới về trình diện trong lúc Đại đội đang đụng trận với Tiểu đoàn 600 của Bắc Việt và ta thắng lớn, trận đánh xảy ra ban ngày như trong phim, có Thiết Giáp và Trực thăng Võ trang Mỹ tham dự . Đại Đội 238/ĐPQ thu được nhiều chiến lợi phẩm và bắt sống được hai tên . Ngày hôm sau dân đi thu xác VC thấy rải rác khắp nơi, riêng khu vực cây Đào, đồn dưới (cũng do Đại đội 238 xây dựng ) chôn ở đó 13 xác VC .
 
Khi Đại đội 238/ĐPQ mới thành lập rất yếu, gần như vô danh nhưng chỉ trong một thời gian rấy ngắn từ 1969 đến 1970 . Đại đội trở thành một đơn vị xuất sắc và nổi danh trong Tiểu khu Bình Thuận . Trong thời gian này, Tiểu khu có đưa ra Chiến dịch thi đua tấn công diệt địch, cứ 3 tháng xếp hạng một lần và có văn thư gởi về cho biết kết quả . Đại đội 238/ĐPQ được vinh dự xếp hạng nhất trong năm đó . Tôi đề cử Chuẩn úy Ngô Trúc Khánh đại diện đơn vị về Phan Thiết nhận giải vì trong năm Đại đội 238/ĐPQ có hai lần đạt hạng nhất và hai lần hạng nhì . 
 
Thành quả tốt đẹp này vẫn duy trì cho đến hết năm 1970, trong ngày Quân lực đại đội 238/ĐPQ lại vinh dự một lần nữa cử đại diện về dự lễ toàn quốc tại Sài Gòn . Tôi đã cử thượng sĩ Nhị đại diên Đại đội tham dự và là đại diện duy nhất cho Tiểu khu Bình Thuận . Thượng Sĩ Nhị được đi trong một chuyến bay đặc biệt để về Thủ đô tham dự buổi lễ, thật không có vinh dự nào hơn .
 
Đại đội 238/ĐPQ đạt được thành tích vẻ vang đó , nên Chi Khu Hòa Đa có thể điều động đại đội đi bất cứ nơi đâu trong Chi Khu mà tình hình nơi đó xấu, như VC thường đột nhập thu thuế, bắt dân công . Đơn vị được sử dụng nư đơn vị cơ động, sau đó Chi Khu trưởng điều động về để phòng thủ Chi Khu, cho anh em binh sĩ dưỡng quân sau một thời gian dài chiến đấu mệt mỏi . Trong thời gian này Đại đội phụ trách an ninh cho toàn vùng quanh Chi Khu như Long Lễ, Hậu Quách, An Bình, Minh Mỵ .. Khi đóng quân tại đây, các cố vấn Mỹ và Chi Khu Trưởng rất an tâm . Tại An Bình một xóm người Chàm nằm về hướng Tây Nam Quân đường Hòa Đa chừng 1Km, Trung đội 1 của Ch/úy Ngô Trúc Khánh đã chạm địch, tôi vội vã kéo quân đi tiếp ứng, trận này ta thu được của VC 1B40 và 2AK . Được Tướng Trung tướng cố vấn Quân Đoàn II xuống tưởng thưởng cho tôi anh dũng bội tinh ngôi sao bạc và Khánh được huy chương Anh dũng bội tinh ngôi sao đồng .
 
Cũng nhờ huy chương này mà khi tôi trốn trại vượt biên sang Phi Luật Tân, không còn giấy tờ gì cả để chứng minh là Sĩ quan quân lực VNCH, nhờ có nó mà tôi được thông qua khi phái đoàn Cao Ủy Liên Hiệp Quốc phỏng vấn .
 
Một lần, toán của Thượng sĩ Nhị nổ mìn và truy kích VC ban đêm, nhờ ánh hỏa châu soi sáng, đứng trên Lô cốt quận tôi thấy lính trong Đại đội rượt đuổi VC không coi chúng ra gì, phải nói tinh thần anh em binh sĩ trong thời kỳ này lên rất cao . Trận này có lẽ ta diệt được tổ điều nghiên của VC đột nhập về nghiên cứu hòng đánh vào Chi Khu Hòa Đa một lần nữa . Cũng nên nhắc lại khi Tr/tá Lại Văn Xuân mới về nhậm chức Chi khu trưởng Hòa Đa chừng một tháng, Chi khu do Nghĩa Quân phòng thủ, bị VC tấn công làm chết 50 nghĩa quân, Chi khu trưởng và cố vấn Mỹ thoát chết nhờ chạy qua được bên căn cứ Pháo Binh kế bên, lần này ta thu được 2 súng AK và 1 K54 . 
 
Mấy lần VC mò về Long Lễ, gặp phải mìn tự động của ta, sáng ra ta tìm thấy nhiều vũng máu và các vết máu trên tường nhà dân cùng túi đạn, bi đông vấy máu lưu lại hiện trường, ước lượng VC bị hạ 5 tên vì gặp phải mìn giữa xóm mà chúng không thể nào ngờ được .
 
Trong lần hành quân ở động Bà Ban, ta phát hiện những xác chết chôn vội, áo mũ VC bị chó đói moi lên ăn thịt làm xương vung vãi khắp nơi, ta cũng tìm thấy một ngôi mộ vừa chôn vội sau khi bị mìn nổ tại Cầu Ván gần lạch nước, ta mang xác về để trước Quận đường cho thân nhân chúng nhận diện, có thể là tên mũi trưởng tên Thập .
 
Khi Đại đội ra đóng ở Hội Tâm, đảm trách luôn Ấp Thanh Lương, Hiệp Đức, Hà Thủy (Duồng) có chận đánh một đơn vị VC thuộc Tiểu đoàn 481 Bắc Việt, bắt sống một tên và diệt 7 tên khác, trong đó có một tên kinh tài về Duồng thu thuế . Trận này chính tôi đã đề nghị với Trung Tá Xuân cho bỏ trống Thanh Lương để dụ địch vào và ta phục kích ở Đá Bồ .Đêm đó nếu trời không mưa ta dã diệt địch không sót một tên tại động cát gần dốc Hội Long cách Đá Bồ 2 Km, vì mưa nên ta rút về Đá Bồ để phục kích nên có ít thu hoạch hơn .
Nói chung còn nhiều trận nhỏ nữa mà tôi không thể nào nhớ hết, Đại đội 238/ĐPQ chỉ sau một thời gian ngắn từ khi thành lập năm 1969, là một đại đội tân lập yếu kém về mọi mặt, nay đã trưởng thành vượt bậc, trở thành một trong những Đại đội danh tiếng của Tiểu Khu Bình Thuận không phải dễ dàng gì . Một phần cũng nhờ sử dụng có hiệu quả Min Claymore tự động mà có, cộng thêm sức chiến đấu và tinh thần đồng đội đã vượt mọi khó khăn để tiến lên . Năm 1970 Đại đội 238/ĐPQ sáp nhập vào Liên Đội 2/8/ĐP BCH đóng tại Phan Rí Cửa và sau đó năm 1972 biến thành Đại đội 3/ Tiểu đoàn 229/ ĐP cho đến ngày mất nước .
 
Khi tôi đổi về Khánh Hòa, tôi nghe tin Đại tá, vị chỉ huy tài năng và khả kính mà tôi vinh dự được gặp vài lần khi ông ra cùng phái đoàn Mỹ gắn huy chương, cũng như nghe ông thuyết trình tại cuộc họp Toàn Khu 23 Chiến Thuật tại Tiểu Khu Khánh Hòa . Ông đã lãnh đạo và phát động phong trào dùng mìn cơ giới trên khắp Quân Đoàn II .
 
Lúc tôi làm Đại Đội trưởng ở Khánh Hòa, có một vài lần toán Huấn luyện lưu động của Tiểu khu đi Huấn luyện cho các đơn vị về cách sử dụng mìn Claymore tự động . Tôi thấy cách của họ bất tiện và nguy hiểm hơn cách của đại Đội 238/ĐPQ Hòa Đa, một lần một Tr/sĩ Huấn luyện Viên cố Vấn Mỹ làm biểu diễn bị chạm nổ bị thương nơi tay tại buổi tập . Tôi cười thầm “Múa rìu qua mắt thợ” họ đâu biết có ông tổ mìn ở đây . Nói thật khi còn ở Bình Thuận, tôi còn có nhiều sáng kiến phát triển về mìn tự động trong việc phối hợp với chiến thuật Phục kích và tấn công . Thiết lập một trận địa mìn cơ động để đưa từ thế phòng thủ chuyển sang thế công vào tận sào huyệt chúng trong rừng sâu . Muốn như thế cần phải đào tạo những đơn vị nhỏ, gọn nhẹ, cần nhất là can đảm để chu toàn nhiệm vụ .
 
Tôi còn nhớ sau trận Liêm Bình một tháng có một Đại đội trưởng VC người Bình Thuận về hồi chánh, Trung tá Xuân có gọi tôi đến nói chuyện với hắn tại văn phòng quận . Tôi hỏi hắn có biết tôi không ? Hắn nói lúc đó đơn vị hắn gặp lính là phân tán tháo chạy không bao giờ dám tham chiến, và nhờ là đơn vị Địa phương nên biết rõ ngõ ngách nên chạy an toàn chỉ chết hai tên trong trận Liêm Bình còn Tiểu đoàn cơ động đến từ Lâm Đồng không biết đường chạy nên vướng phải Mìn chết rất nhiều, một số bị chết vì bị Trực thăng truy kích, xác chết bỏ lại khoảng 40 tên nằm từ bên này qua bên kia sông .
 
Đêm trước trận đánh đó, tôi có ý định cho Tr/sĩ nhất Ánh Trung đội trưởng trung đội 1 lựa 12 người cùng tôi lội qua sông lúc 3 giờ khuya để phục kích ngày tại Đồi Lạc Sơn mục đích là hốt hụi đám du kích thường xuất hiện quan sát theo dõi mọi hoạt động của ta tại Liêm Bình, nhưng đến nửa đêm chúng pháo kích vào PLC, Hải Ninh, Hòa Đa . Pháo binh của ta pháo trả dữ dội vùng đồi Lạc Sơn nên tôi hủy bỏ kế hoạch, nếu đêm đó chúng tôi đến đồi Lạc Sơn chắc phải chết vì đêm đó VC đã bố trí đầy nơi đây gồm Tiểu đoàn 600 và một Đại đội Địa phương .
 
Tên Hồi chánh còn nói, trong kế hoạch hốt Đại đội 238/ĐPQ và mở trận đia ban ngày đánh chớp nhoáng các lực lượng của Hòa Đa, vì ta có thói quen sau đêm phục kích về thường có thói quen la cà tại các quán cà phê trong vùng .
 
Sau những năm dài chiến đấu cam go và gian truân vì chúng ta sinh vào thời chiến, đành chấp nhân kiếp số, nhưng người lính VNCH ôm mãi mối hận trong lòng vì đã để thua trận cuối cùng, không phải vì cộng sản tài giỏi mà là vì Đồng minh của chúng ta tháo chạy bỏ rơi miền Nam một mình cho loài lang sói cắn xé .
 
Qua rồi hơn 35 năm, cái đất nước do chúng cướp được bằng bạo lực, với sự cai trị bằng bạo quyền, sắc máu đã biến miền Nam trù phú trước 30/4/75 thành đống đổ nát hoang tàn, chúng bán rừng bán biển cho Tàu Cộng, Bán đàn bà con gái làm vợ cho Đài Loan, Đại Hàn, một hình thức làm điếm cho thế giới . Nam thì bị xuất khẩu ra ngoại quốc làm nô dich cho các nước mặc sức bóc lột sức lao động .
 
Bọn Đảng viên Cộng sản, phất lên mau chóng nhờ cướp bóc tài sản của nhân dân, ăn cắp tài nguyên Quốc gia, làm giàu trên xương máu nhân dân . Đến giờ này đất nước cũng chưa ngóc đầu dậy nổi, so với các nước trong vùng bị thụt lùi thảm thương .
 
Viết lại thời quá khứ để nhớ lại một thời chiến đấu oai hùng, Đại đội 238/ĐPQ một đại đội do tôi xây dựng đã góp phần chiến đấu vì lý tưởng độc lập tự do cho miền Nam, đây là niềm kiêu hãnh và là niềm tự hào chung của những chiến sĩ Bình Thuận đã không tiếc máu xương chiến đấu trên quê hương mình .
 
Một lần nữa xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các chiến sĩ, bạn bè đã nằm xuống .
Lê Văn Mùi .

No comments: