Tuesday, February 28, 2023

Ngày Tháng Buồn Hiu - Mười năm trong tù! (2) - Ngọc Ánh

Ngày Tháng Buồn Hiu -
Mười năm trong tù! (2)
- Ngọc Ánh
Anka Pham
Ngày Tháng Buồn Hiu - Phần 2
- Ngọc Ánh
Xin giới thiệu đến quý bạn đọc thiên hồi ký bi hùng, thương tâm, đầy nước mắt của một đôi vợ chồng mang bản án phản động, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng sau ngày 30/4/75.
 
---------------

Hùm thiêng sa cơ
Ta nay thất thế bị giam cầm
Nghiến răng ngậm miệng nuốt hờn căm
Một lòng vì nước vì dân tộc
Sá chi tù ngục chốn ta nằm
Đêm nghe tiếng cuốc chiêu hồn nước
Ngày thấy hoàng hôn phủ núi sông
Miền Nam tan tác, đau lòng khóc
Án tử chung thân, gió thoảng lòng…

Bài thơ của Anh Trần Thắng Tài viết trong tù năm 1980, và anh đã bị Cộng Sản tử hình ngày 14 tháng 6 năm 1982 tại Phan Thiết- Việt Nam
Cảm khái
“Anh hùng tử- khí hùng nào tử”
Tổ quốc ghi công anh trong trang sử bi thương
Chúng tôi tiếc nhớ anh- chưa đi hết đoạn đường
Đã gục ngã cho Tự do đất nước
Anh Tài ơi, dũng khí anh khiến chúng tôi vững bước
Chờ ngày mai ta chiến thắng trở về..
Vì Sao ?
Vì sao miếng cơm ăn bỗng nghẹn
Một nửa còn đau xót người ơi,
Vì sao bát canh rau bỗng mặn
Nước mắt nào thương nhớ không nguôi
Vì sao nụ cười tươi tắt vội
Nỗi tình nhà, nỗi hận nước đầy vơi
Vì sao đường đi không biết mỏi
Khi còn nghe tiếng khóc của dân tôi!
Ngọc Ánh- biệt giam 1980
Chặng đường đã qua

Mất ngủ, một triệu chứng suy nhược của cơ thể, một hiện tượng mệt mỏi của tuổi già -Ừ, chắc có lẽ vậy! khoảng thời gian gần đây người cứ trăn trở thế nào ấy, thức khuya dậy sớm, công việc vất vả trong cải tạo là chuyện đã đành, nhưng vấn đề vẫn là nỗi bâng khuâng ray rứt trong cuộc sống nội tâm qua từng ngày, từng tháng

Mười năm trong tù!
Tôi rùng mình khi nhìn lại quá khứ, chặng đường đầy nước mắt, mồ hôi, đầy gian nan, khốn khó mà tôi đã từng bước vượt qua, kiên trì chịu đựng (cũng có lúc mỏi đuối và muốn buông xuôi).

Cuộc sống loi nhoi trong một tập thể đầy phức tạp, đủ dạng người, đủ thứ tội lỗi trên đời, cái tồn tại cặn bả của xã hội đã được người ta ném vào một xó, chất đống như kho phế liệu, cũng có những cây đinh đã rỉ sét và cũng có những trang giấy chỉ mới ngã màu.
Tôi sống ở đây hơn 7 năm và những trại giam khác gần 3 năm, đã va chạm hàng loạt người đủ loại thành phần, có người trở về và vào lại trại đôi ba lần, có kẻ đã chết tiệt ở đâu đó trong luật ân oán giang hồ, bệnh tật, tai nạn ở xó xỉnh nào không biết, và cũng có lắm người cố tìm cách ra đi bất chấp mọi hiểm nguy trước bao la sóng dữ, hoặc là chết giữa biển khơi hay là có cơ may sang tận bên ấy để thoát khỏi gông cùm của nhà tù Cộng sản, cái nhà tù lớn nhất của cả nước đang giam hãm người dân trong cuộc sống nhọc nhằn đói kém và đầy dẫy bất công áp bức.

Đằng nào tôi cũng là kẻ ở lại, thầm lặng như một chiếc bóng trong bức tường loang lỗ của trại giam, như con chim cô đơn đậu hoài trên cành cây khô sau hàng rào kẽm gai chằng chịt, để mỗi sáng mỗi chiều kêu lên những tiếng buồn áo não, gợi nhớ trong lòng kẻ xa nhà nỗi man mác, đìu hiu …

Mười năm trong tù!
Có hàng trăm chuyện đã xảy ra, buồn thảm đau thương nhiều hơn nụ cười tươi tỉnh. Tôi đã khóc suốt trong những năm tháng buồn tênh ở đây, nước mắt cứ chực chờ chảy quanh và khóc như một thói quen khó cưởng, có lúc tôi cũng phải ngạc nhiên vì cá tính yếu mềm của mình, nhất là từ dạo anh ấy mất, bao nhiêu câu chuyện đáng buồn dồn dập xảy ra, VyDân èo uột bệnh hoạn, đói khổ, túng thiếu, cuộc sống vây quanh với bao điều bực mình, thất vọng .. Và có những giây phút chán chường cùng cực nhất, tôi đã có ý định tự tử cả hai mẹ con, cái đập chân kêu thét đầy vẻ hoảng sợ của thằng bé đã làm tôi bật khóc, tội nghiệp! Nó vẫn là thằng bé đáng thương vô tội kia mà, và tôi lại ôm nó vào lòng dỗ dành, xuýt xoa, cái bàn chân khẳng khiu đã “cầm” khăn lau nước mắt trên gương mặt bơ phờ của mẹ nó …

Mọi việc xảy ra như một dấu ấn đậm nét mà tôi không thể nào quên được, tất cả vẫn quay đều trong trí nhớ tưởng đã cùn mằn theo thời gian xa lắm, nhưng càng hồi tưởng, càng thấy rỏ nét xót xa. Lâu rồi tôi vẫn nhớ câu nói dấm dẳng của mụ cán bộ y tế khi gọi cấp cứu cho VyDân:

"Mẹ con bà đó ở lâu quá rồi, tốn biết bao nhiêu là thuốc của nhà nước, cứ bệnh hoài, khỏi phát luôn.” Cái vẻ ái ngại, chắc lưỡi của gã cán bộ khi nhìn thằng bé đang thoi thóp “Nó què quặt tật nguyền như vậy, sống chẳng có ích lợi gì chẳng lẽ chị phải nuôi hoài vậy sao?" những câu nói thật tàn nhẫn mà tôi đã gầm gừ lên như con thú bị thương lồng lộng điên tiết, ôi thằng khốn, nếu mày cũng có đứa con như vậy thì chắc mày giết nó ư?

Mười năm trong tù!
Tôi vẫn còn nghe được mùi thơm của quả cam bị bể khi được ném vội vàng qua ô cửa sổ biệt giam, tán đường nhỏ xíu được nhét vào khe cửa, cái áo trẻ con dính đầy mực cũ mèm của một người tốt bụng nào đó đã gởi cho Vy Dân, những dòng chữ viết bằng máu (mà tôi đã đâm kim vào ngón tay mình) để thông cung cho anh ấy, những nét khắc chằng chịch trên cái ca nhựa của anh đưa sang…

Cái giai đoạn khốn khó cùng cực mà tôi đã thấm thía trải qua, từ mái tóc đen mướt ngang vai “búi chưa đầy búi” của ngày mới nhập trại, 24 tuổi chưa tròn với gương mặt bình thản và nụ cười diễu cợt, vô tư trước bảng cáo trạng dài ngoằng trong ánh mắt của một số người thay mặt pháp luật để phán xét hành vi sai phạm “…Trẻ người non dạ, theo đóm ăn tàn, bị lợi dụng, lôi cuốn vào một trò chơi nguy hiểm, đầy ngu xuẩn dại dột ..v.v… Nghị án từ 18 đến 20 năm, nhưng xét khoan hồng theo chính sách, phạt tù 14 năm để có cơ hội ăn năn giác ngộ …”

Không có một giọt nước mắt nào rơi ra trước vành móng ngựa, tôi lạ lùng như thể người ta đang gọi một cái tên nào đó xa lắc xa lơ, không dính líu đến mình. Lần gặp mặt cuối cùng ở toà án, và nụ hôn anh ấy nhẹ như sương khói mong manh..
“…Các bị cáo phải nộp 20 đồng tiền án phí, riêng bị cáo tử hình thì được miễn …”

Tôi không hiểu mình nên cười hay nên khóc trong lời tuyên bố như đang đùa ấy, nhưng có điều đau nhói nhất là sự vĩnh biệt, hai đứa đã xa nhau từ đó …..
Lên xe chuyển trại, đoạn đường nghiêng ngã với đám bụi đỏ cuốn mù đằng sau, hành trang nặng nề là đứa trẻ èo uột trên tay, kỷ vật duy nhất còn sót lại trong tình yêu tuyệt vời của hai đứa, tôi chỉ biết thở dài đau đớn, xót xa ...

Dãy núi sừng sững chắn ngang tầm mắt, rừng rậm còn đầy vẻ hoang vu, bò cạp, rắn rết, đỉa vắt .. tôi ngại ngùng với từng con vật hèn mọn trong mỗi bước chân đi ... Cuộc sống ở trại cải tạo còn đầy bở ngỡ, một tập thể đông đảo phức tạp, đấm đá la hét, chửi rủa thô lỗ tục tằn. Sự tù túng bó buộc khiến người ta dể nỗi điên bởi những điều vặt vảnh trong cuộc sống va chạm hàng ngày, tôi cố thu mình như con ốc nhỏ để được yên thân, trong trại nữ này, tù chính trị không có ai ngoài mẹ con tôi, còn lại là tội tham ô, móc ngoặc, ăn cắp buôn lậu, trộm cướp giết người .. và dĩ nhiên tôi cũng đã va chạm với lắm điều nhỏ nhen, ganh tỵ, cái thành kiến “ma mới ma cũ” hẹp hòi so đo, nỗi mặc cãm tội lỗi, nghi kỵ, rình mò chụp mũ, để chực chờ báo cáo lập công. Tôi vẫn nhớ vẻ hậm hực của ả toán trưởng có bộ mặt hung hăng như quỷ sứ “…làm trực sinh phải biết gánh nước, đừng quen thói tiểu tư sản, bóc lột công sức người khác gánh dùm ..”
Cái nguýt dài chua ngoa của con thư ký “vô cải tạo mà cứ ru rú ôm con, ngồi mát ăn bát vàng, còn lâu mới được giảm án..” Tủi nhục cay đắng, tôi chỉ biết khóc thầm, thấy thương thân phận hai mẹ con côi cút.
Trong đám đông hỗn loạn, thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp những ánh mắt thông cảm, những nụ cười làm quen, những câu nói an ủi, những giúp đở nhiệt tình.
Chịu đựng cái khí hậu khắc nghiệt của vùng rừng núi heo hút ngày nắng cháy da, đêm sương lạnh buốt, tôi cứ ám ảnh những cơn sốt rét chết người, xa chợ, xa bệnh viện, lỡ thằng bé có bề gì ..

Cũng may, hai mẹ con đều khoẻ, VyDân ít bệnh vặt hơn trước, thằng bé càng tươi tỉnh bao nhiêu thì tôi càng héo mòn bấy nhiêu, tôi phải bỏ hàng buổi trưa để tập đặt gánh nước trên vai, đi vòng quanh nhà cho chai dần đôi vai yếu ớt, cái công việc nhẹ nhàng nhứt của trại cải tạo là làm trực sinh, dọn dẹp nhà cửa, quán xuyến việc nhà …Đối với tôi lúc ấy sao mà gian nan thế không biết, dâu trăm họ thì lắm chuyện lôi thôi, bù vào đó tôi được ở cạnh chăm sóc thằng bé, loay hoay mất cả ngày, ăn muộn, ngủ muộn, tắm giặt muộn.

Thỉnh thoảng Ba Má Sáu cũng lần mò đường xa lên thăm, tuổi già lụm cụm, ông bà phải chạy ăn từng bữa vất vả nhưng cũng ráng dành dụm tiền để mua cho con chút quà vặt, lọ mắm ruốc, bịch muối ớt, cái mền cũ cho thằng nhỏ…. Lần nào ba má về nước mắt cũng rưng rưng “Không biết lần sau có còn khỏe để lên thăm, biết ba má có còn sống để đợi con mãn án trở về...” Và lần nào tôi cũng khóc vì thương Ba Má, nuôi con lớn khôn, con chưa một ngày đền đáp công ơn dưỡng dục trời biển mà bây giờ lại làm ba má bận tâm lo lắng, tôi thấy lòng ray rứt không yên, thấy mình thêm nặng nề tội lỗi.

Buồn phiền trĩu nặng làm tôi trở nên cằn cỗi, khô khan. Tôi chẳng còn thời gian nào rảnh rỗi để nghĩ đến điều gì khác hơn nữa, ngoài công việc bận rộn hàng ngày.

"Phấn đấu”, cái từ như thôi thúc trong đầu, tôi chẳng biết phải làm thế nào để vừa lòng mọi người. Chăm sóc Vy Dân là cả một điều vất vả, bỏ thằng bé ở nhà, đi làm theo tập thể, sáng không kịp cho con ăn, trưa về muộn, thằng bé đói rã ruột, đành cố gắng vậy, để mẹ phấn đấu mau về, mọi khó khăn hai mẹ con đều phải khắc phục, dỗ dành mãi thằng bé mới chịu ở nhà. Vy Dân rất thông minh và hóm hỉnh, nó nghe và hiểu tất cả, có điều nó không nói được, nó trở thành kẻ tật nguyền từ sau cơn bệnh viêm não lạ lùng ở trại tạm giam, chân tay lỏng khỏng, không ngồi được, không nhai được, không cầm nắm được, chỉ có nằm ngữa suốt ngày với hai chân ngo ngoe mạnh mẻ để ra dấu thay cho ngôn ngữ bằng cái đập chân, chân đưa lên cao là “có” chân hạ xuống thấp là “không”, mọi người cứ đặt câu hỏi và nó sẽ trả lời thành thạo, nhưng tôi biết trái tim nó tràn đầy cảm xúc mà chỉ có Mẹ mới cảm nhận ra.

Trong trại tù không ai được mang con vào ngoài thằng nhóc bụng ỏng đít teo chừng 4-5 tuổi con của mụ y tá ngày nào cũng lang thang theo má nó lùng sụt phá phách, có lần nó đã véo VyDân đau điếng vì nghịch, nhưng bị thằng bé đá vào mặt một cái nên thân, khiến nó khóc ỏm tỏi, lần đó hai bà mẹ bênh con cải một trận um sùm. Không ai sợ mụ y tá dốt nát này vì mụ chỉ phát “xuyên tâm liên” cho đủ thứ bịnh, nhưng nhờ vậy mà từ đó về sau thằng nhóc không còn léng phéng xuống khu nhà nữ nữa.

Tôi nhớ có lần VyDân gặp đứa con gái đầu tiên trong cuộc đời khi nó lên 6 tuổi, con bé được ưu tiên vào tận khu nhà nữ thăm mẹ vì mẹ nó là cán bộ nhà nước mang tội tham ô gần mãn hạn tù.. Con mắt thằng bé tròn xoe kinh ngạc nhìn mãi nhìn mãi, chưa bao giờ nó thấy một bóng hồng nào xinh xắn đến như vậy, nhưng khi con bé đưa cho nó cục kẹo, Vy Dân đã không thể cầm được, cánh tay nó co rút bất lực khiến con bé kêu lên “Mẹ ơi tay anh ấy bị sao vậy?”Tội nghiệp con trai tôi, nó rươm rướm nước mắt quay đi, lần đầu tiên nó biết mặc cảm vì sự khác thường của kẻ khuyết tật.
Có lần ngày Tết trại mổ trâu cho tù nhân được “bồi dưởng” chút thịt tươi, con trâu được trói vào cột chuẩn bị để giết thịt, nó đã vùng lên bứt dây chạy hoảng loạn trong trại, mọi người vây bắt con vật khốn khổ, nó lũi vào khu vực nhà nữ, chúng tôi đóng cửa lại cho an toàn, hai mẹ con ngồi trong cửa sổ nhìn ra, con vật đi loanh quoanh trong mấy luống rau sau hè, nhưng lạ một điều là nó không hề làm dập một cọng cỏ... Tên trưởng trại mang súng tới để bắn, tôi vội che mặt Vy Dân lại để nó không thấy những điều kinh khiếp... Tiếng nổ khô khốc khiến tôi thảng thốt nhớ tới anh ấy. Bọn chúng bắn vào người anh cũng giống như bắn con vật này, mọi sự tàn sát đều dã man, ghê rợn.
Tim tôi như nhói đau khi chứng kiến con vật đổ gục xuống.

Tết năm đó hai mẹ con từ chối phần thịt “bồi dưỡng”. Thằng bé nhất định không ăn dù ai cũng nài ép. Thương biết bao con trai tôi có một trái tim nhạy cảm và dễ xúc động!

Mười năm trong tù!
Lần đầu, cầm cây cuốc trên tay sao thấy nặng lạ lùng, lần đầu con đường đi xuống bãi làm chợt xa tắp, lần đầu bước chân vào đám cỏ rậm thấy rờn rợn ghê ghê, lần đầu cắm giây khoai chôn ngọn xuống đất, lần đầu nhổ cỏ lúa lẫn lộn lu bù, lần đầu cấy lối mạ nghiêng ngã rối tung, bổ nhát cuốc không đứt nỗi gốc tranh bụi cỏ.

Ôi! Lần đầu với hàng đống công việc nhà nông mà người phụ nữ gốc thành phố như tôi chưa bao giờ trãi qua kinh nghiệm, nếu không lọt vô hoàn cảnh tù tội này để bắt buộc phải “hoàn thành chỉ tiêu năng xuất”. Cái vóc dáng nhỏ nhoi khoảng chừng 36kg yếu ớt gầy nhom như tôi đã không gánh đủ 25 đôi nước từ bờ sông về trại, trên đoạn đường dài hàng cây số trong trưa nắng chang chang trên cát nóng bỏng chân, đã không đội nỗi ba thùng lúa đầy leo lên bậc tam cấp để nhập kho, lúc nào cũng văng vẵng bên tai cái từ “phấn đấu cải tạo”, về tới nhà ê ẩm mỏi đuối, bồng thằng bé nặng chình chịch như bao lúa trăm cân để hai mẹ con ngã sóng soài trên tấm ván giường thở dốc.
Ôi! Sao mà vất vả quá, liệu mình có đủ sức chịu đựng khi án tù còn thăm thẳm phía trước.

Mười năm trong tù!.
Tôi nhìn từng khuôn mặt thân quen, đã sống ở đây và đã ra về - họ là những tên cướp lừng danh đã từng giết người cướp của, những tên trộm chuyên nghiệp moi móc đồ người, những kẻ lừa đảo với đầy đủ mánh khoé gian manh. Họ là những thành phần đâm cha chém chú, quậy phá giang hồ, họ là những cô gái đi hoang từ năm mười mấy tuổi, sống lang thang ở công viên góc chợ, tụ tập những băng nhóm du đãng, bụi đời. Họ cũng có những người đàng hoàng - có vị trí đứng đắn ăn trên ngồi trước trong xã hội, vì tham ô thoái hoá, phản đảng lừa dân để sa cơ lỡ bước vào đây, ân hận nuối tiếc cho một thuở huy hoàng, họ là những người không chấp nhận gông cùm đàn áp trong chế độ Cộng sản, không chịu được cuộc sống đói nghèo ở quê hương mình, nên kéo nhau bỏ nước ra đi, nhưng vượt biển bất thành vì không thuận buồm xuôi gió, và họ cũng có cả những người như tôi, mưu toan bẻ gậy chống trời, châu chấu đá voi.. .

Dưới ánh nắng chói chang của sân trại trong giờ tập họp điểm danh, mọi tội lỗi đều được phơi bày, có thể bọn họ xem chúng tôi là tù nhân bị “mất quyền công dân” và mất luôn quyền con người với lòng tự trọng tối thiểu. Họ đọc ra rả tên và tội danh từng người như một điều sỉ nhục, Nguyễn văn A cướp 7 năm, Lê thị B ăn cắp 3 năm, Trần văn C giết người 15 năm.. Bị “điểm danh” riết rồi quen nên đám tù nhân đều trơ mặt xem là chuyện bình thường, dĩ nhiên tội danh của tôi không có gì phải xấu hổ trước đám đông, nhưng người nào mà bị tội hiếp dâm thì họ ngượng ngùng cúi mặt khi nghe gọi tên, mặc cảm tội lỗi này khó mà xóa được nếu ai đó còn chút lòng tự trọng.

Cuộc sống phức tạp bước đầu có làm tôi khó chịu, nhưng lâu dần rồi cũng quen đi, tôi thấy hòa đồng và dễ dàng thông cảm hơn, dù sao thì cũng là tình đồng phạm, có những cái bộc trực đáng tha thứ, sự đánh đồng chung chạ giống như một cái thùng đựng đủ thứ hầm bà lằng phế thải, bị xóc lên xa cạ để rồi an ủi nhau “chúng ta sống chung một môi trường tù tội, đều là những kẻ xấu xa tệ hại rác rưởi của xã hội, cứ chấp nhận vậy đi!”

Những manh áo rách, những chén cơm lưng, những cơn mưa nắng nhọc nhằn, họ gào thét cấu xé nhau, nhưng sau đó họ lại ôm nhau cười đùa ầm ỉ, chia sẻ cho nhau bằng tất cả chân tình đùm bọc. Tôi thương họ nhiều hơn là phiền trách, những câu chuyện tâm tình vụn vặt. Họ kể về thân phận của mình, về quá khứ tội lỗi, về tất cả những chua xót bầm dập trong cuộc sống đã qua, tôi cố nghe và hình dung như một bức tranh sinh động của một tác giả đang say mèm, nét chấm phá tranh tối tranh sáng, nửa xám nửa nâu, cái màu nhợt nhạt buồn hiu, họ đổ thừa cho hoàn cảnh cho xã hội, hay chính sự yếu hèn ích kỷ của họ, đã tạo nên những hậu quả bi thương.

Có lúc tôi cũng chịu khó tò mò tìm hiểu nguyên nhân đã dẫn họ vào tù ra khám, mà không cảm thấy hối hận ray rứt cho việc làm quá đáng của mình, tiền án tiền sự dẫy đầy, thành kiến địa phương, cuộc sống túng cùng trong xã hội còn lắm rối ren phức tạp, gia đình không hẳn là nền tảng vững chắc để họ có thể ẩn nấp dung thân, những người thương yêu thì buông xuôi bất lực, họ như rong rêu trôi dạt giữa dòng đời hất hủi, đánh mất niềm tin, không tự chủ để dừng lại giới hạn giữa cái đúng sai phải quấy và cứ thế lao đầu vào sa ngã, tội lỗi chất chồng - trại giam như một chỗ dừng chân. Họ ngoan ngoãn khép mình cho qua ngày đoạn tháng, cải tạo chỉ là danh từ chứ không phải là động từ. Cuộc sống đáng sợ nhất là không có niềm tin, không có hy vọng. Họ chẳng biết bấu víu vào cái gì nữa, hoài bão, lý tưởng thì mơ hồ quá. Cuối cùng họ chẳng muốn cứu lấy mình nữa, họ đã-chết- không- nhắm- mắt, hủy hoại cuộc đời trong bốn bức tường trại giam…. Và từ những suy nghĩ đó tôi đã có mơ ước thật tốt đẹp, khi nào được trở về, được có cơ hội làm ra nhiều tiền, lập cơ sở đồn điền nhà máy sản xuất chẳng hạn, kéo họ về làm công nhân, giúp họ có nghề nghiệp xứng đáng, ổn định đời sống để họ nguôi ngoai, để họ tìm lại niềm tin đã bị mất mát vùi dập.
Cái ước mơ dễ thương như ngày xưa còn là cô học trò nhỏ ngây thơ giữa mộng và thực, để mong xã hội tốt đẹp hơn, có những con người biết sống tử tế hơn, chẳng biết về sau, có bao giờ tôi sẽ buồn cười về tính bốc đồng này không? Bởi vì cuộc đời vốn không như là mơ kia mà, còn Cộng sản là còn những thực tế phủ phàng, còn những gian trá lọc lừa do quái thai Xã hội chủ nghĩa tạo ra và cửa nhà tù lại mở để nhốt sự bất lực của chính họ.

Mười năm trong tù!
“… nhìn lại mình đời đã xanh rêu ..” tôi chợt xót xa khi nhận ra điều đó, cả một thời tuổi trẻ phí phạm, lãng quên .. Tôi chẳng tiếc rẻ gì, nếu sự đánh đổi đó là một điều hợp lý, có thiệt thòi chăng là sự nằm xuống của anh ấy, nỗi mất mát đau thương mà riêng tôi phải chịu đựng, can đảm và chấp nhận!…

"Em chợt lẻ loi trong sự bất hạnh, mọi người vẫn cho là em dũng cảm, và ngay cả em cũng ngạo mạn trong sự cứng rắn của chính mình, nhưng thật ra trong tận cùng của tâm hồn, em vẫn có những nỗi yếu đuối thật đàn bà, em vẫn có một trái tim lãng mạn và cuộc sống nội tâm sùng sục những bão ngầm.”

Tôi đã thú thật với anh ấy bằng những trang nhật ký đầy nước mắt. Mấy năm rồi, không phải không có những xao động trong cuộc sống đầy phức tạp ở đây, thân phận của một người đàn bà còn trẻ (quá trẻ trong cái nghĩa thiệt thòi của nó) chồng chết, con tật nguyền, hàng trăm nỗi khổ đau dồn dập, tôi đã cố gắng để khắc phục những khó khăn, cố gắng để nguôi ngoai quên lãng. Quá khứ thật đáng buồn! Tôi giả vờ bình thản, dững dưng trước mọi lời tán tỉnh, thỉnh thoảng nhận được những lá thư làm quen, an ủi, khuyên nhủ, tỏ tình ..đủ thứ đủ dạng, đọc rồi buồn buồn, cười cười lại đốt đi …

Có lúc nghe những lời thiết tha mật ngọt của các anh chàng cô đơn, họ động viên thông cảm, họ hứa hẹn vỗ về, họ chân tình thật sự hay chỉ thương hại vu vơ, đằng nào thì tôi cũng lo sợ, hoài nghi, qua một lần đổ vở tôi thật sự mệt mỏi, như con chim bị tên, thấy cành cong cũng lo âu, hốt hoảng. Quá khứ là kinh nghiệm, tôi thờ ơ khi nghĩ đến chuyện tình cảm yêu thương, mọi rung động xúc cãm trong tôi có lúc tưởng như bị xơ cứng, lạnh lùng, dù lòng lúc nào cũng mơ ước mộng bình thường như bao người phụ nữ khác được yên ấm trong vòng tay yêu thương của một gia đình hạnh phúc.

Ngày về – tìm một căn nhà nhỏ ở ngoại ô, bên mảnh vườn con, có dòng sông, có con đò, có hoa có nhạc, có sách có thơ … có dăm ba bạn bè rù rì tâm sự, chủ yếu là thoải mái tâm hồn, nhưng liệu có thật sự tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống bình dị đơn sơ đó không, hay dòng đời cứ mãi nỗi trôi, vùi dập?

“Hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp, mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng, cuộc đời còn có những nụ hôn” bản nhạc tình duy nhất thời nay mà tôi nghe được trong tù qua cái radio cũ kỷ của tên cán bộ đem ra đồng ngồi canh chúng tôi lao động, bản nhạc nghe qua đã thấy nao lòng, Ừ! cuộc đời còn có những cái gì hơn thế nữa kia mà, trái tim tôi đâu hẳn là đã hóa thạch, không còn biết khao khát khi nhắc đến chuyện tình yêu ?

Trong giọt nước mắt vẫn có thấp thoáng nụ cười, và trong nỗi đau thương vẫn có những phút giây xôn xao tươi tỉnh, tôi đã có lúc phải cúi mặt đỏ bừng, bối rối trước ánh mắt tha thiết của gã đàn ông xa lạ, tôi đã có lúc phải dấu đi nỗi rung động êm ái khi vô tình nghe được câu nói ngọt ngào từ bờ môi của kẻ đang yêu ..Tôi đã có lúc phải ngẩn ngơ như thời mới lớn trước những bông cúc vàng cắm lặng lẽ trên cửa sổ đêm Noel của ai đó, quà tặng dịu dàng thay cho lời tỏ tình tế nhị hay sao? Tôi đã có lúc thấy lòng mềm ấm trước những xoa dịu chân thành của bạn bè cùng cảnh ngộ:
"Hãy cố gắng và đừng bao giờ bị đồng hóa.
“Ở người đàn bà có 3 niềm hạnh phúc, được bên chồng, bên con và cuộc sống gia đình êm ấm, còn chị -cùng một lúc đã mất tất cả 3 điều đó …Chị là tấm gương can đảm mà anh em phải khâm phục quý mến, mức án dài và tấm lòng bền bĩ, cứ so sánh đến sự chịu đựng và hoàn cảnh của chị là chúng tôi thấy mình cần phải cố gắng thêm lên …
“Hãy lấy sự khôn ngoan ra xử thế, chứ đừng để tính đàn bà chế ngự.”

Và trong mỗi lúc yếu lòng, chùn bước, tôi lại nghĩ đến những lời khuyên như vành đai cố thủ, cái thành trì vững chắc của tâm hồn, để ngăn tôi không chao đão lung lay, tôi nghĩ người ta chỉ thương hại mình thì đúng hơn (mà tôi thì không cần thiết những điều đó) đàn ông họ vẫn thích làm Từ Hải, trước nàng Kiều gian nan, thế thôi!

Kiều có 15 năm lưu lạc, còn tôi- mức án cũng gần bằng như thế, liệu có Từ Hải nào thật lòng mang lại yêu thương cho tôi, sẵn sàng bao dung che chở mọi sóng gió muộn phiền trong cuộc đời góa phụ bơ vơ! Suốt những năm tháng trong tù cô đơn hiu quạnh, thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ về tương lai với bao điều ao ước vu vơ như thời còn trẻ, có một gia đình nhỏ ấm cúng hạnh phúc

Thật tình cho mãi đến bây giờ -tôi vẫn còn yêu anh ấy thiết tha - tôi không muốn anh ấy phải thất vọng vì sự lầm lẫn của tôi, trong việc bước thêm bước nữa, VyDân là thằng bé tật nguyền, bất hạnh nên lòng ích kỷ của nó cũng vô cùng. Nó mất cha khi mới 5 tuổi và nó cần mẹ hơn bất cứ một điều gì, sự cao quí thiêng liêng nhất trên đời, nó không cho mẹ lấy chồng, mặc dù nó rất thích có em bé để cùng chơi với nó.

Ôi! Con dế mèn bé bỏng tội nghiệp! Tôi đã hứa cho nó yên lòng vì tôi không muốn nó phải buồn tủi trong sự mất mát thiệt thòi bởi mồ côi cha quá sớm nhưng dù thế nào thì tôi vẫn biết, muôn đời anh ấy mãi là người chồng rộng lượng và mong muốn cho tôi được hạnh phúc trong bình yên, cũng như VyDân, nó cũng cần có một người cha để thương yêu, dìu dắt … Chính vì thế mà tôi cảm thấy khó khăn trong việc quyết định hạnh phúc tương lai, tôi sợ mình sẽ khổ sở, sẽ thiệt thòi như kẻ mắc lời nguyền độc ác của nốt ruồi trong khóe mắt “thương phu trích lệ” mà tôi cứ ám ảnh, lo âu…
Nhớ có lần buổi chiều tôi phải gánh nước đi ngang các dãy trại giam đông nghẹt người, những đôi mắt đàn ông hau háu nhìn chằm chằm từ đầu đến chân đã làm bước đi tôi luống cuống, ngại ngùng … Chợt lúc đó chiếc đòn gánh gảy đôi, cặp thùng đổ nước tung toé, vừa xấu hổ, vừa hốt hoảng tôi bối rối cuống cuồng, chợt có tiếng ai đó kêu lên: “Coi kìa! Tội nghiệp chưa? Chị ấy đã nửa chừng gảy gánh ..” tự dưng tôi thấy tủi thân lạ lùng, rơm rớm nước mắt quay đi. Ừ! Tội nghiệp cho tôi thật!! Câu nói đã bao gồm đầy đủ ý nghĩa của nó.

Rồi VyDân cũng bỏ tôi ra về, một tổ chức nhân đạo bên kia bờ đại dương xa xôi nghe gia đình anh ấy đưa tin có thằng bé tật nguyền trong trại giam, họ đã can thiệp với Cộng sản mang nó ra khỏi nhà tù và đưa đi xa hơn nữa để đến một nơi an toàn cho tuổi thơ của nó.

Thời gian sau này khi Ba tôi đã mất thì gia đình chắc cũng nghĩ lại nên chị Hai tôi lên trại thăm được vài lần, mang theo những bức thư của các em với lời lẽ động viên an ủi “cố gắng cải tạo tốt để mau về” khiến tôi phì cười mỗi khi đọc, cố gắng thế nào bây giờ, tội hình sự giết người cướp của, tham ô hối lộ thì mỗi năm được giảm 2 năm, án tù càng cao thì càng giảm nhiều để rút ngắn thời gian ân xá, còn tôi thì 8 năm mới được giảm 6 tháng! Nghĩ cũng chẳng có gì lạ khi bọn họ căm thù những kẻ phản động như tôi.

Chuyện VyDân được ra khỏi trại là tôi yên tâm rồi, đối với tôi đó là một ước mơ mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến, một thằng bé bệnh tật èo uột như nó mà phải chịu cảnh tù tội suốt 8 năm. Quả thật kinh khủng, đây là cơ hội tốt nhất để VyDân thoát khỏi nơi đày ải khắc nghiệt này, tôi nghĩ anh ấy đã phù hộ cho thằng bé, dù muộn vẫn còn hơn. Nhưng khi chị tôi mang hồ sơ xuất cảnh vào trại để làm thủ tục cho nó thì nó phản ứng dữ dội, những cái đập chân mạnh mẽ cương quyết, thằng bé chỉ muốn ở lại với Mẹ thôi, tôi cố thuyết phục dỗ dành “Chỉ vài năm thôi mà. Rồi Mẹ sẽ trở về với con, ở nhà Ngoại con sẽ được ăn uống đầy đủ, sẽ có nhiều đồ chơi, sẽ mau hết bệnh...” Cái môi nó mím lại như mếu, hai bàn chân kẹp chặt hông tôi không buông khiến tôi thêm thắt thẻo ruột gan. Nửa đêm hôm ấy chờ nó ngủ say chị tôi đã bồng nó ra về, đường mưa trơn trợt ướt dầm mà tôi nghe tim mình đau nhói, nước mắt như mưa.

Ôi con dế mèn bé bỏng, rồi con sẽ đi xa hơn nửa vòng trái đất để đến một đất nước tốt đẹp hơn, nơi đó không có hận thù như dã thú, không có những toan tính lọc lừa dối trá, không có những tên đồ tể chuyên giết người lương thiện như mụ phù thủy độc ác trong truyện cổ tích.

VyDân mang theo con két nhỏ tật nguyền cũng giống như nó. Đầu tiên con két được ai đó bắt được lúc đi lao động trong rừng, mụ y tá chặn lại đầu cổng để lấy cho thằng con chơi, con két bị bóp chặt trong bàn tay thô bạo của nhóc ta, nó mổ mấy cái khiến thằng nhóc nỗi quạu bẻ luôn cái cánh rồi ném xuống đất. Chỉ chờ có vậy anh tù nhân lượm nhanh con két đem về chăm sóc, rồi cho lại VyDân, con két bị gảy cánh nên không bay được, chỉ quanh quẩn trong sân, nó trở thành người bạn thân thiết của thằng bé trong cuộc sống tẻ nhạt này. Khi Vy Dân nằm ngữa, nó leo lên chân để chuyền qua lại như trò xiếc, mỗi lần tôi cho con ăn, nó đều leo lên tay chờ đợi tôi đút cho nó chút cháo... Một hôm tôi đi làm về không thấy nó đâu, tôi bật kêu như con nít: “Két ơi két đâu rồi? - Két đây nè.

Tiếng nó cười hăng hắc trong bụi cây khiến tôi sửng người bất ngờ, Ôi lần đầu tiên tôi nghe con vật biết nói, nó còn nói nhiều nữa, giả giọng ho, giọng cười, bắt chước tiếng la “cấp cứu”, và reo lên mỗi khi tôi bưng chén ra “két ăn cháo, két ăn cháo..” Mấy tên cán bộ hỏi mua nhưng không đời nào tôi bán, tôi mang ý nghĩ lạ lùng trong đầu là anh ấy đã hóa thân vào con két để an ủi VyDân, chắc thế, bởi vì nó thông minh và dễ thương như người.

Sau này nghe chị tôi kể lại hôm đưa VyDân ra phi trường, không thể mang con két lên máy bay đi cùng được nên nó ở lại buồn bã bỏ ăn và chết sau đó mấy hôm. Tôi ngậm ngùi trong lòng, chắc nó nhớ thằng bé cũng như tôi thôi. Nhưng tôi không thể chết được, tôi phải “phấn đấu” để trở về, dù con dế mèn của tôi đang ở cùng trời cuối đất tôi cũng sẽ tìm ra nó để ôm nó vào lòng.
CÒN TIẾP -Phần 3
----------------
More:
* Ngày Tháng Buồn Hiu - Mười năm trong tù! (2) - Ngọc Ánh
* NGÀY THÁNG BUỒN HIU - Mười năm trong tù! (3) - Ngọc Ánh
* Ngày Tháng Buồn Hiu - Ông già Noel là Mẹ! (4) - Ngọc Ánh
* NGÀY THÁNH BUỒN HIU - Nỗi xót xa riêng (5) - Ngọc Ánh
* Ngày Tháng Buồn Hiu - NHẬT KÝ MỰC TÍM (6) - Ngọc Ánh
* NGÀY THÁNG BUỒN HIU - Ngày… tháng… (7) - Ngọc Ánh
* NGÀY THÁNG BUỒN HIU - Ngày ...tháng (Phần cuối) - Ngọc Ánh

 

No comments: