Thursday, February 23, 2023

Ở Một Nơi Dễ Tìm Thấy Thiên Đường (Trại Tù Khổ Sai của Việt Cộng) - Th/Tá Huỳnh Văn Phú

Ở Một Nơi Dễ Tìm Thấy Thiên Đường
(Trại Tù Khổ Sai của Việt Cộng)
Th/Tá Huỳnh Văn Phú
Để nhớ L., một bạn tôi đã chết trong tù.
Chúa nói yêu ta,
Mác nói yêu ta,
Em cũng nói yêu ta.
Chúa hứa hẹn một thiên đường,
Mác hứa hẹn một vườn hồng,
Em thì hứa sẽ yêu ta suốt đời.
----------------------------
 
 
Nhưng…
Thiên đường chưa tới
Vườn hồng chẳng thấy.
Chỉ thấy máu, mồ hôi, nước mắt,
Những vòng rào kẽm gai và hận thù,
Còn em thì mãi mãi ….
Mãi mãi bỏ ta đi lấy chồng.

Bài hát này tôi đã nghe Lượng, bạn tôi, hát nhiều lần trong tù. Đã 9 năm qua, bây giờ ghi lại những câu hát trên, lòng tôi vẫn còn mang nguyên nỗi xúc cảm thật khó diễn tả. Theo thời gian, phần thì trí óc tôi đã cùn mằn, phần khác tôi không còn dịp nào để nghe ai hát lại bài hát ấy nữa, có thể tôi đã ghi lại không hoàn toàn đúng và cũng chẳng biết ai là tác giả. Có điều, ngay giây phút này, tôi vẫn hình dung rất rõ khuôn mặt của Lượng, người bạn tù cùng quê hương Nha Trang, cùng đơn vị TQLC và cùng ở tù chung một trại suốt từ Nam ra Bắc: Long Giao, Biên Hòa, Yên Báy, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú rồi lại trở về Nam ở Xuân Lộc, Long Khánh năm 1982. Những ngày sống ở trại tù Xuân Lộc, Lượng thường hay hát bản nhạc ấy. Giọng hát của anh thật truyền cảm, hai mắt anh nhắm nghiền, anh hát như thể lúc hát, anh đang ngậm trái tim trong miệng. Tôi nghĩ, phải xúc động lắm, anh mới hát được như thế. 
Nhất là câu cuối “ 
Còn em thì mãi mãi… bỏ ta đi lấy chồng”, anh láy đi láy lại nhiều lần để chấm dứt bản nhạc.

Thời còn học Trung học ở Nha Trang, tuy không cùng trường nhưng tôi và Lượng rất thân, chúng tôi cùng đá banh cho một đội bóng và thường đi tắm biển với nhau. Lượng đi lính trước tôi hai năm. Anh chơi đàn Guitare các loại cổ điển. Ngón đàn anh cũng tàm tạm chứ chưa được “nhuyễn” lắm, còn hát thì tôi chẳng bao giờ nghe anh hát. Chỉ có trong khoảng thời gian bọn tù chúng tôi được đưa từ Vĩnh Phú vào Nam, tôi mới thấy anh hát.  
 
Thời gian đó là năm 1983, lúc này Lượng đã biết chính xác Thủy, vợ Lượng đã bỏ Lượng và hai con, lập gia đình với người đàn ông khác
 
Lượng lấy vợ năm 70, 71 gì đó. Vợ Lượng là một thiếu nữ có nhan sắc tuyệt đẹp của một người mang hai giòng máu Pháp–Việt. Tôi không rõ Lượng đã gặp Thủy trong trường hợp nào. Tôi ít có dịp gặp vợ Lượng bởi vì thời gian đó, đơn vị TQLC chúng tôi đang hành quân thường trực tại chiến trường Quảng Trị, chẳng mấy khi tôi gặp Lượng ở Saigon để có thể đến thăm gia đình anh ấy. Vả lại, lúc hành quân, bọn tôi phải “cày cục” mãi mới bắt được cái phép dăm ba ngày về thăm nhà mà tôi và Lượng thì hầu như chẳng bao giờ đi phép cùng thời gian. Sau ngày mất nước, khoảng tháng 5/75, trước khi chui đầu vào tù, tôi tới thăm Lượng. Và đó là lần cuối cùng tôi gặp vợ Lượng. Họ có với nhau hai con, đứa con trai đầu lòng của Lượng hình như phát triển không được bình thường. Điều này đã gây không ít khổ tâm cho Lượng.

Suốt 7 năm tù đày ở ngoài Bắc, vợ Lượng không hề đi thăm chồng lần nào. Chỉ có bà chị cả của Lượng ra thăm một lần duy nhất năm 1981. Hôm ấy, chỉ một ngày sau khi được bà chị ra thăm, Lượng sang phòng giam của đội tôi, mang theo một bọc nylon nhỏ đựng một lon sữa bò gạo và một con cá khô sặc. Anh đưa cho tôi:
- Tao vừa được thăm nuôi hôm qua, không có gì nhiều, mày cầm lấy hai món này để sáng Chúa Nhật có “cái gì” mà bỏ vào bụng với người ta. Mày cũng hiểu, tao phải ân nghĩa với bạn bè nên…

Anh bỏ lửng câu nói. Tôi hiểu chữ “ân nghĩa với bạn bè” anh vừa nói. Trong tù, người nào được gia đình thăm nuôi thường mời bạn bè đến ăn một bữa cơm hoặc chia xẻ cho nhau lon gạo, tán đường, con cá khô v.v.. Đối với tôi, được bạn bè “sớt” cho một lon gạo, con cá khô là một hạnh phúc lớn. Tôi nghĩ đến ngày Chúa Nhật sắp tới, tôi sẽ không phải mò lên thư viện Trại ôm mấy cuốn sách Mác Lê khô khan về nằm chèo queo đọc, mong cho ngày trôi qua nhanh và quên cơn đói hành hạ.

Tôi nói với Lượng:
- Cám ơn anh rất nhiều (Mặc dù cùng lứa tuổi và ngang lớp nhau nhưng Lượng vào Võ Bị trước tôi hai khóa nên tôi gọi Lượng bằng anh và xưng tôi, ngược lại Lượng vẫn xưng hô “mày, tao” với tôi như thủa còn học Trung học). Thế là tôi có một “Beautiful Sunday” rồi. À, bà xã ra thăm hả? có mang được cháu nào theo không?
Lượng lắc đầu:
__ Không, bà chị tao đi từ Nha Trang ra thăm.

Tôi ngạc nhiên:
__ Ủa, chị Liên ra thăm hả? Anh vẫn nhận được tin thường xuyên của bà xã chứ?

Lượng ngập ngùng, lộ vẻ không vui:
__ Chẳng mấy khi tao nhận được thư của vợ tao. Bặt tin từ hai năm nay rồi, không hiểu vì lý do gì. Chán quá!

Chữ “chán quá” anh thốt ra theo sau một tiếng thở dài. Tôi tò mò:
__ Bà chị có biết điều ấy không?
Lượng trầm ngâm một lát rồi nói:
__ Nếu biết thì hôm qua bả đã không hỏi tao rằng vợ tao có ra thăm tao không. Nói thật với mày, sự liên lạc giữa vợ tao và gia đình chị tao ngoài Nha Trang sau ngày tao vào tù không được mật thiết lắm. Bà chị tao thì ở Nha Trang, vợ tao thì ở Saigon, phần khác có lẽ vì cuộc sống bên ngoài cũng vất vả, khó khăn nên ít liên lạc nhau.

Tôi không hỏi Lượng thêm điều gì nữa sợ gợi cho anh thêm phiền muộn. Những ngày đói khổ trong tù, người nào được vợ con ra thăm nuôi là một hạnh phúc thật lớn lao. Người tù, phần thì biết chắc rằng mình sẽ không bị cái đói hành hạ ít ra cũng là vài ba tháng, phần khác quan trọng hơn thuộc về yếu tố tâm lý, đó là sự hãnh diện, ngầm cho bạn bè biết rằng ta là người có phúc, không bị vợ con bỏ rơi. Những người tù đang bị giam giữ ngoài Bắc, sau thời gian 4 năm. Bọn Việt Cộng ra thông báo cho phép thân nhân, gia đình được đi thăm nuôi để tránh số tử ngày càng gia tăng vì thiếu dinh dưỡng và thuốc men. Những người có gia đình mà không được chính vợ con ra thăm nuôi thì hoặc là người vợ quá nghèo túng, không đủ khả năng đi hoặc là đã đi lấy chồng hoặc vì những lý do nào khác. Nhưng dù bất cứ lý do gì, người tù không được vợ mình ra thăm nuôi (nếu vợ còn sống), họ thường không đủ can đảm nghĩ rằng vợ mình đã bỏ đi lấy chồng. Họ viện ra trăm ngàn lý do để không tin là có thực điều phũ phàng đau đớn ấy. Tôi không biết tâm trạng Lượng ra sao nhưng có thể là Lượng đã không giấu diếm với tôi.

Anh ngồi xuống chỗ nằm của tôi, tâm sự:
__ Thay vì chị tao ra thăm mà là vợ tao thì tao sẽ cảm thấy sung sướng hơn nhiều. Tao linh cảm hình như có một cái gì đó không bình thường đã xảy ra. Mày nghĩ tao nói có đúng không?

Tôi gật đầu:
__ Biết làm sao hơn!
__ Nhiều lúc tao tuyệt vọng vô cùng. Cứ kéo lê những ngày tháng mòn mỏi trong tù hoài thì cuộc đời mình sẽ ra sao? Phải chi ngày xưa đi trận, tao lãnh một viên đạn nằm xuống là xong. Vợ tao lãnh tiền tử tuất, để tang 3 năm rồi sau đó có quyền tự do đi lấy chồng. Thà là như thế còn hơn phải sống như thế này. Mà xét cho cùng, tao cũng không thể trách vợ tao được, nàng còn trẻ quá, mà tao thì không biết ngày nào được thả ra. Phải không mày?

Tôi không trả lời Lượng. Sự im lặng của tôi đã ngầm đồng ý với điều Lượng vừa nói. Lượng có cái trầm tĩnh và hơi xuề xòa. Tuy anh ít nói nhưng có óc khôi hài. Trong câu chuyện của anh thường chêm những câu rất bất ngờ. Lần này cũng thế, anh nói tiếp:
__ Mày có nghĩ rằng lấy vợ đẹp là một “tai họa” không? Chắc mày cũng công nhận là vợ tao đẹp chứ? Rất đẹp. Lai Pháp mà. Mẹ, tao đã khổ công theo đuổi, làm cái mặt lỳ như “inax” mới cưới được nàng. Hồi xưa đi tán gái, tao luôn luôn áp dụng cái chân lý muôn thuở là phải lỳ, lỳ và lỳ. Tao đã lỳ và đã cưới được nàng để bây giờ tao chẳng được cái gì hết.

Tôi cười:
__ Anh nhặt ra ở đâu cái ý tưởng lấy vợ đẹp là một tai họa đấy? Tôi nghĩ ngược lại là khác. Sao anh không chịu hiểu rằng với tình trạng khó khăn chung hiện tại, bà xã anh phải đầu tắt mặt tối, bương chải để kiếm sống nuôi con, không đủ khả năng ra thăm anh…

Lượng gạt ngang câu nói của tôi:
__ Không ra thăm thì cũng viết được thư chứ. Chả lẽ không có đủ tiền mua tem. Thật lòng mà nói, tao không bao giờ dám mong được vợ ra thăm. Mày cũng biết đó, tao đâu có giầu có gì, ngày vào tù tao chỉ có 200 ngàn để lại cho vợ tao làm vốn thôi. Nhưng đó không phải là vấn đề tao muốn bàn đến. Điều tao muốn nói ở đây là cái đức hạnh của người đàn bà. Theo tao, giữa đàn bà và các loài hoa có một sự tương đồng. Những loài hoa có màu sắc đẹp, rực rỡ thường không có hương mà chỉ có các loài hoa màu sắc đơn giản như hoa Dạ Lý Hương, hoa Ngọc Lan mới tỏa hương. Người đàn bà cũng thế, người có nhan sắc tuyệt trần thì ít có đức hạnh, nghĩa là cái nết. Tao nói là ít chứ không phải là không có. Và nếu họ vừa có sắc lại vừa có nết thì đó là một bảo vật cần phải trân quý. Tao biết rằng vợ tao đẹp, có sắc nhưng còn cái nết thì e rằng phải xét lại. Nếu có, thì nàng đã không im lặng, không viết cho tao một giòng chữ nào suốt hai năm nay.

Tôi không bênh vực đàn bà nhưng tôi thấy nhận xét của Lượng có phần khắt khe. Cuộc đổi đời quá bất ngờ và nghiệt ngã sau ngày 30/4/75, những người đàn bà như vợ Lượng suốt thời gian lấy chồng chỉ biết nương tựa vào chồng, nay bỗng dưng chồng biền biệt trong tù, họ phải đương đầu với muôn ngàn khó khăn, nghịch cảnh và cạm bẫy để tồn tại. Do đó, theo tôi, họ có thể hành động bất cứ điều gì để thích ứng với cảnh ngộ kể cả việc đi lấy chồng. Tuy nhiên vấn đề sẽ trở nên đau đớn hơn, đáng trách hơn nếu họ lấy chồng là một tên Việt cộng, kẻ thù của người chồng cũ của họ. Mà điều này thì tôi biết cũng đã xảy ra. Đó mới thật là những người đàn bà không có đức hạnh. Bỗng dưng, tôi nghĩ đến trường hợp của T., người bạn tù chung đội với tôi và tôi hỏi Lượng:
__ Anh có biết anh T. ở đội tôi không?
__ Có phải cái thẳng tổ trưởng, người cao cao, một cây nói phét văng cả nước bọt ra đấy không?

Tôi gật đầu. Anh hỏi tiếp:
__ Mà sao?

Tôi kể cho Lượng nghe chuyện vợ T. ra thăm T. Chuyện đã xảy ra hơn nửa năm rồi, T. hoàn toàn không hở môi cho ai biết cả. Tuy nhiên, mới đây, tên cán bộ quản giáo đội tôi không biết vì lý do gì đã “xì” ra cho anh đội phó biết và anh đội phó kể lại cho tôi nghe. Theo đó thì hôm vợ T. ra thăm T., bà ta đi cùng với một tên mặc đồ Bộ Đội. Vì T, là tổ trưởng, lao động năng nổ, thuộc thành phần xuất sắc nên tên quản giáo ưu ái đề nghị cho T. khi được thăm nuôi thì được “ngủ đêm” với vợ nhưng oái oăm thay, T. phải nằm ngủ ở một phòng riêng, không được phép chung phòng với bà vợ. Lúc ấy, tên cán bộ phụ trách thăm nuôi mới cho T. biết rằng vợ T. đã có chồng và người chồng chính là tên Bộ Đội đi cùng. Theo lời tên cán bộ thì lúc đầu hắn tưởng tên Bộ Đội là người áp tải vợ T. hoặc là bà con chi đó nhưng khi hắn cho bà vợ T. biết anh T. sẽ được ra ngủ đêm với vợ thì bà ta mới thú nhận tên Bộ Đội là chồng của bà. Việc đã lỡ và là vấn đề tế nhị, khó xử cho cả T. lẫn tên cán bộ, mặt khác ảnh hưởng đến tâm lý chung của những người bạn tù cùng chung đội với T. nên tên cán bộ đã đề nghị với T. không vào lại trại trong đên ấy mà phải ngủ một mình ở nhà khách, coi như là cũng đã hưởng ân huệ của Trại cho T. được ngủ qua đêm với thân nhân của mình. Còn vợ T. và tên Bộ Đội thì nằm chung với nhau ở một phòng khác.

Lượng nghe xong, thừ người một lát rồi nói:
__ Không có nỗi đau nào lớn lao hơn cảnh ấy. Mày thấy thằng T. lúc này thế nào?
__ Tôi không biết chuyện hư thực ra sao nhưng anh ta thì lúc nào cũng vậy. Cái mồm vẫn bô bô và phét lác một tấc đến trời. Anh ta là một “ hiện tượng” trong đội tôi đấy. Suốt hai trận thế chiến, tôi chưa thấy một người tù nào nói phét hơn anh ta được.

Lượng cười, đứng dậy từ giã tôi về phòng giam của đội anh, vừa đi vừa nói:
__ Thôi, tao về. Tao đã mệt rồi, nghe mày nói chuyện còn mệt hơn.

Giữa năm 1982, tôi Lượng cùng một số đông bạn tù khác khoảng hơn 300 người được chuyển về Nam, đến trại giam Xuân Lộc, Long Khánh. Vào miền Nam, công việc lao động của toàn trại chỉ có một thứ duy nhất là trồng bắp. Lượng được biên chế về đội nhà bếp chuyên lo bổ củi cung cấp cho toán nấu ăn. Anh không còn dịp phát huy nghề trồng rau như lúc còn ngoài Bắc nữa. Thời gian ấy, sáng nào Lượng cũng phải cùng với hai người bạn tù khác đến chỗ mấy thùng phuy lớn chứa phân do các trực buồng của mỗi đội gánh ra đổ vào đấy, chuyền các thùng phuy lên xe cải tiến, đẩy ra các ruộng rau làm phân bón. Anh thường nói đùa với tôi là anh ở trong đội xe “cơ giới”, luôn luôn là đơn vị đầu tiên đi ra khỏi cổng trại để bắt đầu một ngày lao động vinh quang với cứt.

Ngày đầu vào Nam, Lượng vui mừng trông thấy rõ. Anh nói với tôi là từ nay anh không còn phải suốt ngày làm bạn với cứt, không còn cái viễn ảnh phải bỏ xác lại ở ngoài đất Bắc xa xôi ấy nữa. Dù đã trên hai năm, Lượng không nhận được một giòng chữ nào của vợ nhưng anh vẫn nuôi hy vọng thế nào khi biết được anh đã vào Nam, Thủy cũng sẽ mang hai con lên thăm anh trong những ngày tới. Chưa bao giờ tôi thấy Lượng lạc quan và yêu đời như những ngày bọn tù chúng tôi được vào Nam. Anh còn tin chắc như đinh đóng vào vách rằng thể nào đám tù chúng tôi cũng sẽ được Mỹ “bốc” ra đi, ngay lúc còn trong trại tù, sang Mỹ theo chương trình ODP gì đó. Đã có lần anh đánh cá với tôi:
__ Nếu Giáng Sinh sắp tới mà tụi mình chưa được Mỹ bốc thì khi tao được thăm nuôi, tao sẽ chia cho mày một nửa số quà tao có. Nghĩa là nếu tao ăn một lon gạo thì mày cũng một lon gạo. Và mày nhớ dặn thân nhân, bà con, chị em, vợ con, bồ bịch của mày khi đi thăm mày thì chỉ mang theo mấy cái giỏ lát trống thôi. Tao biết mày có nhiều “đào” lắm mà. Coi chừng đấy con ạ. Họ mà đụng nhau ở nhà khách thì mày chỉ có nước khóc “tiếng La Mã”.

Lượng nói rồi phá lên cười một cách khoái trá. Tôi phản ứng nhẹ nhàng:
__ Cám ơn anh, anh đừng cho tôi quà của anh làm gì, tôi chỉ xin phần ăn của trại phát cho anh thôi. Tôi lấy phần ăn đó không phải để ăn mà đem mang đi đổ giùm cho anh.

Câu trả lời của tôi trái ý Lượng nên anh có vẻ giận. Anh đang hy vọng, đang tin tưởng điều tốt đẹp sẽ đến mà tôi lý luận theo kiểu cô “Bùi Lan” (tức là bàn lui) thì chỉ làm cho anh thêm bực mình. Lượng sẵn giọng:
__ Mày là một sĩ quan chính trị, chính em gì mà ngu thấy mẹ, chẳng biết tình hình gì cả. Mày có nghe nói kế hoạch “rút, bốc, xỉa” không?
__ Kế hoạch gì mà lại “rút, bốc, xỉa”?
__ Vểnh tai lên mà nghe tao nói đây. Rút tức là Mỹ sẽ rút chúng ta ra khỏi nhà tù, bốc là họ sẽ bốc chúng ta sang Mỹ, còn xỉa là sau khi bốc chúng ta rồi, Mỹ sẽ xỉa tiền cho Việt Cộng. Mày không nhớ ở Cuba lão râu xồm Fidel Castro đã đổi tù lấy máy cày của Mỹ sao?

Tôi hoàn toàn không tin tưởng như Lượng nhưng cũng không muốn làm trái ý anh nữa nên đổi giọng:
__ Anh nói có lý qúa. Có lẽ trước sau gì chúng ta cũng được ra đi.

Tôi còn nhớ, độ một tuần lễ sau khi vào Nam, chúng tôi đã ổn định nơi ăn chốn ở, đám tù đã được biên chế thành các đội lao động, tên Thượng Tá trại trưởng tập họp tất cả chúng tôi ở hội trường để nghe hắn “lên lớp” về tình hình thế giới và công việc lao động của trại. Đối với tôi phải nghe bất cứ một tên cán bộ Cộng Sản nào nói chuyện là một cực hình không gì so sánh được. Lúc nào cũng một giọng điệu, khó khăn trước mắt là tạm thời còn thuận lợi vẫn là cơ bản. Ta đã đánh thắng được hai đế quốc sừng sỏ là Pháp và Mỹ thì cái gì ta cũng làm được tất, sá gì ba cái chuyện làm kinh tế. Tên Thượng Tá nói thao thao bất tuyệt. Lượng ngồi bên cạnh tôi, nói nhỏ:
__ Hình như thằng Việt Cộng này có gắn cục pin ở dưới đít của nó mày ạ. Cứ vặn về “on” là nói, vặn về “off” là ngưng. Tao nghĩ nó nói mà nó không bao giờ hiểu được điều nó đang nói.

Tôi chỉ cười và gật gù. Bỗng dưng tên Trại trưởng đổi giọng:
__ Để chào mừng các anh từ Bắc vào đây, hôm nay tôi có làm bài thơ này để tặng các anh. Và hắn mở đầu bài thơ bằng câu:
- “ Tôi đến đây vào một chiều lộng gió”
Ngay lập tức, Lượng đọc theo câu kế tiếp:
- “ Những gì tôi nói có là không”

Có tiếng cười khúc khích chung quanh tôi. May quá, chả có tên cán bộ nào đứng gần nghe được. Những ngày sau đó, bọn tù chúng tôi được viết thư thông báo cho gia đình, thân nhân lên thăm nuôi. So sánh với những ngày tù đày ngoài Bắc thì sự sinh hoạt của các trại tù trong Nam có phần dễ chịu hơn. Lao động ít giờ hơn, cường độ lao động cũng không căng thẳng lắm, khí hậu không khắc nghiệt và mọi người như có cảm tưởng rằng không còn sợ cái đói hành hạ nữa. Ở đây không có chế độ gửi quà tiếp tế cho tù theo đường Bưu điện tuy nhiên thân nhân mỗi tháng được lên thăm một lần.

Lượng cho tôi biết anh đã viết về cho vợ hai lá thư nhưng vẫn chưa thấy trả lời. Riêng bà chị của Lượng ở Nha Trang thì hẹn vài ngày nữa sẽ vào thăm Lượng. Anh cũng dặn người chị khi đi thăm anh thì ghé Saigon trước xem tình trạng gia đình anh ra sao rồi cùng đi với vợ anh luôn. Không như phần đông những bạn tù khác, ngay trong tháng đầu tiên vào Nam, đã được thân nhân đến thăm, Lượng phải chờ đến hai tháng sau mới được gọi ra nhà khách thăm nuôi. Người đi thăm Lượng không phải là Thủy, vợ Lượng mà là chị Liên đi cùng với đứa con trai út của chị. Lượng kể lại cho tôi nghe, theo lời chị Liên thì vợ Lượng đã đi lấy chồng. Thủy lập gia đình với H., một dược sĩ, người trước đây cũng ở trong binh chủng TQLC. H. với cấp bậc Trung úy chỉ đi cải tạo có 2 năm rưỡi. Trước kia, tôi đã từng nghe phong thanh anh chàng H. này có theo tán tỉnh Thủy vào những lúc Lượng hành quân xa gia đình. Tôi nghe nhưng tôi không thể nào tin được một con người như H. lại có thể “như thế” được.

Kể từ ngày chị Liên cho biết chính xác Thủy đã đi lấy chồng, Lượng không còn một tí gì con nguời của anh trước đó nữa. Anh lầm lầm, lì lì, như người mất hồn, chẳng hề thấy anh cười. Ngoài công việc bổ củi cho nhà bếp, Lượng dành hết thời gian rỗi rảnh của anh vào cây đàn Guitare do chính anh tự làm lấy hồi còn ngoài Bắc. Anh bắt đầu hát, hát một mình không cần ai nghe. Những bài hát loại rumba rẻ tiền, có nội dung nói về những chia ly, đổ vỡ nhưng có lẽ bài hát “Chúa nói yêu ta…, Thiên Đường chưa tới.., Em bỏ ta đi lấy chồng” là anh hát hay nhất, truyền cảm nhất, gây xúc động nhất. Chẳng hiểu sao, mỗi lần nghe anh hát bài ấy, lúc nào tôi cũng nổi gai ốc. Tôi như nhập vào nỗi đau khổ của anh mà quên hỏi anh ai là tác giả bản nhạc. Có thể chính anh là tác giả mặc dù với khả năng về âm nhạc của anh, anh không thể nào viết ra được những nốt nhạc hay đến thế. Tôi nghĩ, biết đâu trong cơn đau khổ tột cùng và trong giây phút “nhập thần”. người ta có thể làm nên những điều rất kỳ diệu. Một thời gian ngắn sau, Lượng bắt đầu nói nhảm. Những chuyện anh nói không đâu vào đâu, chẳng có chuyện gì ăn nhập vào với chuyện gì. Trong những chuyện anh nói một mình như thế, chẳng bao giờ thấy anh đề cập đến vợ con. Lượng chẳng còn tập trung tư tưởng như một con người bình thường nữa.

Một ngày Chúa Nhật, nghỉ lao động, tôi mời anh đến chỗ tôi dùng cơm trưa. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây mít, ăn những món ăn của quê hương chúng tôi như bánh tráng ngọt, mực muối, mực khô, cá thu rim mặn v..v.. Tôi tìm lời an ủi anh nhưng anh hoàn toàn không để ý gì đến những điều tôi nói. Tự nhiên, tôi nghe anh nói một câu rất lạ tai:
__ Mày có biết thằng Khải định giết tao không?

Khải là người bạn tù ở chung đội với Lượng, nằm sát bên anh. Khải ở trong tổ may, người nhỏ con, hiền lành, hay giúp đỡ bạn bè. Ai cần và quần áo gì Khải cũng vui vẻ giúp. Tôi ngạc nhiên điều Lượng vừa nói:
__ Anh nói chuyện gì nghe lạ lùng vậy?

Lượng tròn mắt:
__ Lạ cái gì. Nó định giết tao từ lâu rồi. Tao nhìn vào mắt nó và thấy được điều ghê tởm ấy. Hôm trước tao còn thấy nó viết thư gửi cho Công An Biên Hòa đề nghị đem tao bắn bỏ.
__ Anh có đọc được cái thư ấy không?
__ Tao không đọc nhưng tao biết. Nó còn định tố cáo tao lên Thành Ủy thành phố nữa đấy.

Đến nước này thì tôi biết Lượng đã thật sự “đi trên mây” rồi. Nhìn Lượng, tôi thương anh vô cùng. Tôi thương anh mà cũng thương cho chính tôi. Biết đâu một ngày nào đó, nếu vẫn còn tiếp tục ở mãi trong tù, tôi cũng có thể bị điên như Lượng. Tôi tự hỏi đó có phải là do kết quả việc Thủy bỏ Lượng đi lấy chồng? Và liệu một ngày nào đó được trả tự do, Lượng có trở lại bình thường không?

Cuộc sống của những người tù chúng tôi vẫn trôi đi trong sự đợi chờ. Đợi chờ thân nhân hàng tháng đến thăm, đợi chờ một buổi sáng nào đó lúc ngồi sắp hàng trước cổng trại để chuẩn bị đi lao động sẽ có một tên cán bộ cầm một danh sách bước ra, đứng trước đám tù đọc tên những người được thả về, đợi chờ người Mỹ đến “bốc” ra khỏi nhà tù đưa sang bên kia Thái Bình Dương, đợi chờ luôn cả cái chết không biết sẽ đến lúc nào…

Chẳng hiểu Lượng có sống qua một tâm trạng chờ đợi nào không? Hình như, trước mắt Lượng, lúc nào anh cũng bị ám ảnh bởi cái chết mà người bạn tên Khải nằm kế bên sẽ đem đến cho anh.

Một buổi trưa, đi lao động về, đội tôi còn phải dừng trước cổng trại, chờ được gọi tên để đi vào cho tên cán bộ kiểm soát nhân số. Tôi bỗng nghe ở phía trước có tiếng lao xao:
__ Té vô chảo nước sôi chết rồi.

Tôi tò mò, bỏ chỗ ngồi đi nhanh về phía trước, hỏi một người bạn tù không quen ở một đội khác:
__ Chuyện gì vậy anh?

Người bạn trả lời:
__ Anh Lượng ở đội nhà bếp té vô chảo nước sôi chết rồi.

Không tin vào lỗ tai của mình, tôi hốt hoảng hỏi:
__ Phải anh Lượng bổ củi không?
__ Cũng không rõ nữa. Tôi chỉ nghe loáng thoáng như vậy. Lát nữa vào trại rồi thì biết thôi.

Lòng tôi nóng như lửa đốt. Làm sao có thể tin được một cái chết khủng khiếp như thế đến với Lượng? Khi tôi vừa vào trại, thay vì đi theo các bạn về phòng tắm rửa, cơm nước rồi nghỉ ngơi chờ buổi lao động chiều, tôi rẽ hàng đi sang khu nhà bệnh xá của trại. Ở đó cũng đã có một vài người đang đứng bên ngoài hàng rào bệnh xá nhìn vô. Tôi bước tới, cánh cửa hàng rào đã đóng lại, có lẽ bệnh xá không muốn cho tù vào quá đông ở bên trong. Ở hành lang của căn nhà dùng làm bệnh xá, một người đang nằm bất động trên chiếc băng ca, toàn thân quấn băng trắng kín mít. Trời ơi, Lượng nằm đó sao? Tôi thấy Cầu, Y tá Trưởng của bệnh xá, cũng là tù như chúng tôi nhưng có biết qua về thuốc men nên được trại đề cử làm Y tá trưởng lo trị bệnh cho anh em tù, từ trong căn phòng chứa dược liệu bước ra. Cầu vẫn còn mặc chiếc áo blouse trắng trên người, cũng là dân Nha Trang với tôi. Tôi gọi Cầu:
__ Anh Cầu, anh Cầu, anh Lượng té vô chảo nước sôi hả? Cầu gật đầu, không nói gì. Tôi nói anh mở cửa cho tôi vào thăm Lượng. Cầu nhìn những người chung quanh tôi, lưỡng lự giây lát rồi mở cửa cho tôi vào. Tôi đến chỗ Lượng nằm, anh vẫn còn thở thoi thóp. Băng trắng quấn kín khắp người Lượng, chỉ chừa ra hai lỗ mũi. Có lẽ lúc này Lượng đã hôn mê. Tôi nghĩ trong tình trạng này, Lượng không cách gì sống được. Tôi hỏi Cầu sự việc xẩy ra bao lâu rồi. Cầu đáp:
__ Cách đây khoảng một tiếng. Đang chờ xe đến đưa Lượng đi bệnh viện Biên Hòa.

Theo lời Cầu nói lại, sau khi bổ củi xong, Lượng vào nhà bếp đến chỗ mấy cái chảo nấu nước sôi để phát cho tù__ loại chảo thật lớn mà các hỏa đầu vụ dùng để nấu cơm cho quân sĩ ăn trong các trại lính ngày xưa__, bước lên thành bếp vào đứng ở vị trí chảo nước đang sôi sát vách tường rồi ngã người vào trong chảo. Trước đó, người phụ trách phát nước sôi cho các đội thấy Lượng đi vào tưởng rằng cũng như thường lệ, Lượng đến lấy nước uống nên không để ý gì. Mãi đến khi anh nghe một tiếng “ầm” vang lên, nước sôi văng tung tóe anh ta mới hốt hoảng la lên:
__ Cấp cứu, cấp cứu. Anh Lượng té và chảo nước sôi.

Anh ta cùng với mấy người khác xúm lại kéo Lượng ra khỏi chảo nước đang sôi. Vì bếp đang cháy nóng, nước lại sôi nên việc kéo Lượng ra khỏi chảo thật khó khăn. Không có cách nào khác hơn là người ta nắm hai chân Lượng kéo ra, cái đầu của Lượng chìm qua trong chảo nước đang sôi! Không một ai tin rằng Lượng đã vô ý ngã té vào chảo nước mà chính anh đã tự chọn cái chết hãi hùng như thế. Suốt 10 năm đói khổ, tuyệt vọng, lê lết trong ngục tù Cộng Sản, tôi đã chứng kiến nhiều cái chết của bạn bè nhưng không có cái chết nào khiến cho lòng tôi tan nát như cái chết của Lượng. Có phải chỉ có một lý do duy nhất đã dẫn Lượng đi đến quyết định ấy: Vợ Lượng đã bỏ Lượng đi lấy chồng? Tôi nghĩ rằng, Lượng chọn cái chết như thế, không phải vì anh thấy cuộc đời này vô nghĩa đâu. Không, cuộc đời này vẫn có ý nghĩa với Lượng, cái ý nghĩa đó là tình yêu của Lượng dành cho vợ mình, chỉ mong ước được gặp lại vợ sau hơn 8 năm chịu đựng trong tù nhưng vì không đạt được nên Lượng đã “điên” và tự hủy hoại thân xác mình.

Lượng được đưa về bệnh viện Biên Hòa trong buổi chiều hôm ấy. Cầu là một trong 3 người áp tải Lượng đi Biên Hòa. Tôi không ngạc nhiên khi ngày hôm sau, Cầu trở về cho tôi hay Lượng đã chết trên đường đi đến nhà thương. Xác Lượng đưa về nhà một người cậu của Lượng ở Saigon để an táng. Bạn bè cùng binh chủng TQLC nghe tin đến lo lắng cho đám tang của Lượng khá đông. Trong số này có anh Cưu, người bạn thân cùng quê, cùng khóa với Lượng đảm nhận phần lớn mọi phí tổn. Tôi cũng nghe nói, Thủy, vợ Lượng trước giờ đưa Lượng ra nghĩa trang Hạnh Thông Tây, có đến “nhìn” quan tài Lượng lần cuối. Chị Liên có trao vành khăn tang cho Thủy, bà ta chỉ cầm ở tay và khi từ giã ra về, không một giọt nước mắt xót thương người chồng cũ, bà ta đã để vành khăn tang lại trên nắp áo quan. Thủy đã xử sự lạnh lùng và độc ác như một con rắn độc. Người kể lại chuyện cho tôi nghe đã phê bình một câu như thế. Tôi nghĩ rằng, nếu đúng như thế thì khi Thủy, lỡ có bị rắn độc cắn, chính con rắn ngã ra chết chứ không phải là Thủy.

Còn Lượng, dù anh đã nhiều lần hát câu “ Thiên Đường chưa tới” nhưng tôi tin rằng anh đã thật sự lên Thiên Đường và Chúa sẽ yêu thương anh, che chở anh ở cái thế giới bình yên, không còn đói khổ, tuyệt vọng và hận thù ấy nữa. Riêng tôi, tôi tự hỏi mình có nên bắt chước anh làm cái mặt lỳ lợm “inax” theo đuổi, tán tỉnh một người đàn bà thật đẹp rồi cưới họ về làm vợ chăng?

Thiếu Tá Huỳnh Văn Phú

No comments: