Ðỉnh Tà Mô tiền đồn heo hút. Mỗi tháng một lần, các Đại đội thuộc Tiểu Đoàn 229/ÐP luân phiên chiếm lĩnh đỉnh núi này trong một tuần, làm tiền đồn bảo vệ cho vùng Hải Ninh, Sông Mao, Hòa Đa, Phan Lý Chàm. Từ tờ mờ sáng đơn vị tôi, Đại Đội 4/229 phải rời nơi đóng quân tại Sông Mao (hậu cứ cũ của Trung Đoàn 44/23/BB ) băng ngang phi trường dã chiến, phi đạo được lót bằng vỉ sắt giờ đây bị bỏ hoang phế điêu tàn, sau khi Mỹ rút quân sau năm 1973,
* 01 Trên đỉnh Tà mô - CAO HOÀI SƠN
* 02 Trên đỉnh Tà Mô - CAO HOÀI SƠN
* 03 Trên đỉnh Tà Mô
* 04 Trên đỉnh Tà Mô
* 05 Trên đỉnh Tà Mô
không còn những chuyến phi cơ C130 lên xuống tấp nập như thời Mỹ còn đóng quân tại đây .Phi trường nay hiu hắt vắng lặng không bóng người. Những đám đất xung quanh lổm chổm những sỏi đá đỏ, nay ai đó đã vun sới thành những vồng lang xanh mượt mà. Ðứng ở đầu phi đạo nhìn về hướng tây của dãy Trường Son bạt ngàn, dãy Tà Mô như một chấm nhỏ hình con tầm nhô lên giữa rừng cây thấp xanh rì .
Ðất vùng này bạc màu đầy sỏi đá, cây cối chỉ toàn loại cây gai một loại cây quen sống nơi vùng sa mạc sỏi đá cằn cỗi, trong tầm mắt không có cây lớn nào vươn lên . Phía bên phải con sông Mao uốn lượn cách đó chừng cây số, dọc theo hai bờ sông là những nương rẫy xanh rì. Bên kia bờ sông là triền dốc thoai thoải chạy đụng chân dãy Trường Sơn xám xịt sừng sững trước mặt.
Dãy núi cao như bờ tường thành, chạy dài mút mắt che khuất tầm nhìn, chỉ thấp dần khi gần tới địa phận Thiện Giáo, Phan Thiết, có những đỉnh chóp cao trên hai ngàn mét như ngọn Kên Kên trước mặt. Mặt núi trơ toàn đá, chỉ dọc theo các đường thông thủy mới thấy có màu xanh của cây rừng
Nhớ những lần đơn vị đóng quân dọc bờ mương gần Sông Cà Giây để làm tiền đồn. Người lính trận đêm đêm nghe tiếng nỉ non của côn trùng, cùng tiếng nước chảy róc rách, sao mà buồn quá, thả hồn mình len lỏi về Sông Mao nhộn nhịp với những quán Bar tỏa ánh đèn mờ .
Ban ngày truy lùng địch giữ an ninh cho đồng bào Nùng gặt lúa vùng Đồng Trên. Nhớ một lần, mới mờ sáng VC nghĩ rằng chúng tôi còn ngái ngủ trên những chiếc võng, trong bờ mương lùm cây nào đó, nên đã đột nhập vào sở ruộng đang gặt để bắt chủ ruộng đóng thuế. Hành động cướp cạn không thành vì chúng tôi đã có mặt kịp thời tại chỗ. VC quá bất ngờ nên nằm xuống đất bò trốn thoát thân như lũ chồn cáo thấy người thợ săn. Tất cả thợ gặt cũng như những người đi mót đều nín thở theo dõi từng bước chân của các chiến sĩ Bảo an Ðịa Phương Quân. Họ không dám lên tiếng chỉ điểm bọn VC đang lẩn trốn vì sợ chúng tôi nổ súng có thể gây thương vong cho họ. Ðến khi thấy bọn chồn cáo bò đi trốn thoát mới cho biết sự thật thì quá trễ, nhưng ngăn chận được bọn cướp ngày này không để cho chúng ăn cướp trên xương máu của người dân miền Nam, đó là một trách vụ phải làm ..
Những ngày rảnh rỗi cùng nhau câu cá Rô, bắt con Trai, trên con mương nhỏ nấu canh lá Dang. Cũng nên nói thêm các con mương ở đây cá Rô và Trai nước ngọt rất nhiều, nếu chịu khó câu thì mỗi giờ được ít nhất sáu chục con, bình quân mỗi phút một con . Mỗi lần như vậy, Tôi thường gọi về hậu cứ đem lên một thùng hai chục lít rượu chia nhau uống để quên đi nỗi buồn của người lính trận xa nhà. Tình đồng đội tràn ngập trong yêu thương, bên chén rượu nồng, gió mát mùi hương thơm của đồng nội . Những con chim bay lượn trên cành như cũng muốn chia vui với người lính chiến, chia sẻ nhau những mất mát mà người lính trận gánh chịu . Ðâu ai có muốn xa nhà làm người lính trận nơi tiền đồn heo hút này.
Ðội hình hàng một trên con đường mòn đất đỏ, đất khô cằn đến nỗi vùng này gần giống như sa mạc hoang dã. Những cây gai mọc thấp chỉ ngang ngực, thỉnh thoảng cũng có những chòm cây cao mọc sát bờ những con mương nước xa xa như những ốc đảo xanh rì.
Phía bên trái về hướng sông Cà Giây, rừng cây rậm rạp vươn mình trên bầu trời trong xanh . Chúng tôi phải đi nhanh để kịp đến bàn giao vị trí phòng thủ với đại đội bạn. Buổi sáng sớm, mùa này gần Tết nên có hơi lạnh, nhưng mồ hôi đã lấm thấm ướt lưng người chiến binh.
Vùng này buổi sáng thì lành lạnh vì gần dãy núi đá Trường Sơn trước mặt. Buổi trưa thì nóng như thiêu như đốt, khí hậu thật khắc nghiệt, ai cũng ngán cái chỗ chó ăn đá, gà ăn muối này. Ði giữa rừng cây thấp lặng gió mà tôi cứ chợt nhớ tới hương vị ngọt ngào của gió biển miền Phan Rí, nhớ về những cơn sóng vỗ lao xao bọt nước dưới bước chân trần trên bãi cát trắng mịn ướt sũng.
Hôm nay đã là ngày hai mươi sáu tết mà Đại đội nhận lệnh hành quân bảy ngày nên ai cũng ngao ngán, bước chân đi như ngập ngừng. Trong ba lô người lính trận lại có thêm vài đòn bánh tét, vài lố cốm, bánh in, chai rượu đế. Không biết tiểu đoàn có can thiệp được với Liên Đoàn 925/ĐP cho về sớm để ăn tết tại Sông Mao, binh sĩ thay phiên về thăm nhà trong ba ngày Tết.
Ðời lính thời chiến, dù là binh chủng nào cũng có cái khổ riêng của nó. Những người lính trận như chúng tôi mới thấy trân quý những ngày phép ngắn ngủi. Những ngày tháng cô đơn trên tiền đồn vắng vẻ này, chỉ nhìn thấy núi rừng, mây trời cùng tiếng chim rừng mới thấy nỗi bất hạnh của đời lính .
Nhưng những ai đó, mặc dù sống trong nệm ấm chăn êm, ăn toàn sơn hào hải vị, nhưng vì chút quyền lợi nhỏ nhen cho bản thân và bè đảng, cứ nhè lưng những thằng lính trận mà đâm bằng những ngón đòn chí mạng .
Gần 11 giờ trưa, đơn vị mới đến chân núi Tà Mô, ngọn núi có hình con Tầm nhô lên đơn độc giữa núi rừng . Ðơn vị bạn đã sẵn sàng bàn giao để về lại Sông Mao. Tiếng chào nhau của các anh em xa dần xa dần rồi mất hẳn. Ðứng trên chóp đỉnh bên cạnh các hố đào dã chiến, nhìn xuống bên dưới chỉ thấy chóp cây rừng, mãi ở tận đằng xa mới thấy khoảng trống của ruộng lúa và vài cái chòi tranh nằm sát bờ con Sông Mao.
Ðại đội trưởng sau khi đã phân công vị trí cho các Trung đội phòng thủ, các Trung đội trưởng về BCH/ Ðại đội họp bàn về phòng thủ . Tôi cho các Trung đội trưởng biết phải cẩn thận vì vị trí này nằm ngoài tầm yểm trợ của pháo binh Hòa Đa, may mà có một Pháo đội 105 mới tăng cường đóng tại Sông Mao, sát bên Tiểu đoàn nhưng cũng mút tầm bắn.
Vấn đề là chúng ta tránh đụng độ với địch khi không cần thiết. Liên Đội 925/ÐP do Ðại Tá Lại Văn Khuy chỉ huy, BCH/Hành quân đóng tại Sông Mao, thường vẽ những cuộc hành quân kiểu như vầy, thôi đã là lệnh thì phải thi hành .
Một cái cần lưu ý là các anh nói với anh em thật tiết kiệm nước, cách đây hơn hai Km mới có nước và vùng này theo tin vừa nhận được có một Trung đoàn địch đang lẩn quẩn quanh đây, và tuyệt đối không được bắn phát đạn nào nếu là không bắn vào địch, không được rời vị trí đóng quân khi không có lệnh.
Thôi thì chúng ta phải ăn cái Tết trên đỉnh Tà Mô này rồi, nhưng tôi cũng cố gắng nói với anh Tư (Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng) can thiệp để về Sông Mao ăn Tết. Trên tiền đồn heo hút này, mùa Xuân đến trong tình thương đồng đội, những điếu thuốc, bình đông rượu chuyền tay nhau cho ấm áp cõi lòng. Trên sườn núi những bụi Mai rừng đang ra những búp non, nhưng không kịp nở để đón mừng Xuân. Những ánh mắt buồn nhìn về Sông Mao xa thăm thẳm, ngày Tết này anh em không về được để cùng gia đình ăn bữa cơm ấm áp. Chiến tranh tàn nhẫn và khốc liệt quá, trong đầu người lính không chút hận thù nhưng không hiểu hết vì sao người anh em ngoài Bắc lại đem quân xâm lăng miền Nam ruột thịt .
Chiều xuống, nhìn dãy Trường Sơn trước mặt như gần lại, những cây rừng trở màu xám xịt, những màng sương mờ bắt đầu phủ xuống núi rừng . Người lính trận khoác thêm chiếc áo choàng để giữ chút hơi ấm . Buổi sáng tinh mơ thật đẹp, sương sớm còn lành lạnh, Dãy núi cao trước mặt biến mất vì màng sương trắng . Mặt trời đang lên với những tia sáng chói lọi ở chân trời. Tiếng cúc cu của chim rừng đánh thức người chiến sĩ còn nằm trên những chiếc võng đong đưa .
Có tiếng nói, ông thầy ơi ! Nước chỉ còn dùng đến chiều nay là hết, ông thầy coi cho đi lấy nước . Ðược rồi chiều nay tôi tính, tôi nghĩ ngay phải làm sao để lấy nước cho đại đội dùng. Nếu cho một trung đội đi thì nguy hiểm quá, lỡ may mà gặp VC thì giao đủ cho nó.
Sau khi ăn trưa xong, tôi quyết định để lại khẩu đội súng cối 60 ly ở lại với một máy PRC 25 truyền tin để giữ vị trị phòng thủ và bắn chi viên khi cần, còn toàn bộ do tôi chỉ huy dàn đội hình tác chiến tiến đến bờ sông . Qua khỏi rừng cây thấp, trước mặt là những đám ruộng còn trơ đất cục, qua khỏi những đám ruộng là những đám mía xanh rì nằm cặp con sông .Bên kia bờ là một cái chòi tranh lớn của chủ đám mía.
Trung đội đi đầu đã vượt qua vài đám ruộng, còn chừng 200 mét là đến đám mía cạnh bờ sông. Khi qua khỏi đám rừng thưa nhìn thấy địa thế đó tội hốt hoảng cho gọi máy kêu Trung đội đi đầu dừng lại. Trong đầu tôi nghĩ nhanh nếu VC ở trong những đám mía này thì Đại đội khi băng qua đám ruộng trống trải sẽ là những cái bia cho VC bắn.
Tôi ra lệnh cho Trung đội nằm xuống tại chỗ sau những bờ ruộng, chờ đó đợi lệnh. Linh tính cho tôi biết là phía trước có cái gì đó đang rình rập. Cuối cùng tôi ra lệnh cho Trung đội đi đầu quay trở lại bìa rừng, và tôi dự đinh sẽ tìm một bến sông khác mà địa thế có lợi cho ta. Khi anh em vừa đứng dậy quay trở lại thì hàng loạt AK bắn sối xả vào đội hình. Tôi gọi về Tiểu đoàn xin pháo binh dập vào vị trí địch. VC yên trí là vùng này ngoài tầm pháo binh của ta, nhưng chúng không ngờ có một Trung đội Pháo 105 ly vừa đến tăng cường cho Tiểu Đoàn 229/ÐP hiện đóng tại Sông Mao, nên địa điểm này còn nằm trong tầm bắn .
Chỉ sau một trái khói, hơn năm mươi quả dập vào đám mía và dọc theo bờ sông. Liên Đoàn 925/ÐP ra lệnh Đại đội lên lục soát, nhưng vừa nhỏm dậy là địch trả đòn. Ðại đội bạn thuộc Chi Khu Hải Ninh nằm cách đó năm ki lô mét được điều đến chi viện, nhưng tôi biết chắc không bao giờ đại đội đó đến được nơi này.
Tôi báo cáo về là gặp phải một đơn vị địch cấp Tiểu đoàn trở lên, không chết với nó là may lắm rồi, bây giờ tôi rút về vị trí phòng thủ để bảo toàn lực lượng. Tối đó anh em trong đơn vị chia sẻ với nhau số nước còn ít ỏi để nấu cơm chiều. Anh em hỏi sao ông thầy biết có VC trong đám mía mà cho dừng lại. Tôi không biết phải giải thích làm sao chỉ nói, địa thế đó làm tôi nghi ngờ, chỗ đó nếu địch phục kích, ta không thấy địch và không có chỗ nào để ẩn nấp chống trả. Ðây là bài học mà các Trung đội trưởng cần lưu ý .
Tối đó tôi nằm nghĩ lại mà không dám nghĩ tiếp, nếu tôi vô trách nhiệm để cho một Trung đội đi lấy nước hôm nay thì chắc không còn một mạng trở về. Mùa xuân này sẽ đầy máu lệ hận thù, những tiếng cười thay bằng tiếng khóc của mẹ già, người vợ góa cùng đám trẻ thơ. Tôi gọi máy PRC 25 về xin qua tần số đặc biệt để nói chuyện với anh Tư Tiến Tiểu đoàn trưởng xin về Sông Mao cho anh em ăn Tết, vì nằm đây vô ích, mục tiêu đã bị lộ, không biết bị tấn công giờ nào. Anh tư Tiến trả lời: Anh cũng đã xin “Quang Minh” nhưng ổng làm thinh chắc là chờ quà Tết, thôi được mày có 200 ngàn không? Để tao chạy thuốc.
Kêu trời không thấu cho vị chỉ huy Liên Đoàn Trưởng 925/ĐP mến yêu. Tôi nói nhỏ, cho anh em binh sĩ khỏi nghe: Cỡ năm chục ngàn thì có chứ hai bó em kham không nỗi, anh Tư nói ba anh còn lại hùn tiền giúp em út đi. Một lát sau, anh Tư trả lời tụi nó đồng ý giúp mày vì mày là em út mà, sáng mai bí mật đi đường Zulu, về thâu tiền tụi nó rồi mày đích thân cầm tiền qua giao nộp, ổng đồng ý rồi đó .
Tôi vội báo tin mừng đến các Trung đội, nhưng không dám nói phải nạp tiền mới được về để giữ lại chút tôn nghiêm cho người chỉ huy Liên Đoàn Trưởng. Tối đó tôi nằm mơ giữa núi rừng, thấy hoa mai nở, cõi lòng nó ấm áp làm sao ấy .
Không sao quên được sự chia sẻ gánh nặng của ba đàn anh với đứa em út này, ân tình đó không bao giờ quên được. Ðấy là tình huynh đệ chi binh sống chết có nhau. Còn những con người đánh mất lương tri ăn bẩn trên sự đau khổ của đồng đội thì để lương tâm họ phê phán .
Vài ngày hôm sau khi có dịp ghé lại Chi Khu Hải Ninh, tôi được cho biết, Ban 2 Chi Khu nhận báo cáo của dân chúng người Nùng lúc đó có mặt tại chòi tranh bên bờ sông cho biết, VC chết rất nhiều trong đám mía, vì đạn pháo binh . Trung Tá Diệp Sắn Cảnh Chi khu trưởng Hải Ninh hỏi tôi sao không lên lấy súng, tôi chỉ cười cho qua chuyện .
Qua rồi gần bốn mươi năm, nhưng đôi lúc vẫn nhớ về mùa xuân năm ấy trên đỉnh Tà Mô, nhớ tình đồng đội, nhớ những bạn bè cùng chiến đấu năm nào. Tất cả chỉ còn là dĩ vãng, một dĩ vãng của mùa Xuân. Tôi hy vọng một mùa Xuân tươi sáng sẽ trở lại trên quê hương tôi.
---------------------
No comments:
Post a Comment