Tuesday, February 28, 2023

NGÀY THÁNG BUỒN HIU - Ngày… tháng… (7) - Ngọc Ánh

 

NGÀY THÁNG BUỒN HIU -
Ngày… tháng… (7)

Ngọc Ánh
Anka Pham
Phố xá mùa Xuân tưng bừng, tâm lý người nghèo mà, một năm có 3 ngày Tết, phải tươm tất một chút dù nợ nần vây bủa lung tung, con nít thì khoái áo mới và tiền lì xì, còn người lớn thì cần xả hơi cho suốt một năm áo cơm túi bụi. Đám trẻ trong quê kéo nhau ra chợ xôn xao hồn nhiên, trong khi lớp già thì vẫn còn đau âm ỉ trong lòng nổi buồn đất nước, loa phát thanh ngoài thị xã ra rả bài ca giải phóng “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời mở rộng bao la … vui sao nước mắt lại trào..” Khóc hận hay vui thì mỗi người thấm thía theo một cách…
--------------------
Vài ba khuôn mặt lâu ngày gặp nhau. Long, Võ, Văn, Thu, Kiệt, Sơn, Hạnh, Ánh.. Cả bọn chở nhau ra quốc lộ 4 uống cà phê, cười nói lao xao rồi về. Nhỏ Hạnh hỏi:
- Mày thấy sao?
- Không vui. Không buồn. Chỉ có gặp bạn bè mới thấy thoải mái, dễ chịu hơn.

Chiều tối, ra phố với Kiệt, Hương, Hà, Nhan, Tường, Loan, Định, Sơn, Sùng, cả bọn nhắc nhở đến một người bạn đã mất hút Thành và ngày vui năm cũ “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”. Tí quạu của bạn bè giờ ra sao? Cả bọn nhớ ngón tay cụt ngo ngoe đón Tết của hắn năm nào…

Sơn hằn học về chuyện phụ thu lúa mùa, thu hoạch được bao nhiêu gom hết vào cái gọi là Hợp tác xã rồi chia theo chế độ “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” Bà mẹ nó, mình làm ra mà nó chia, tức hông. Đồng bào đang chết dần trong sức lao động của họ, trên miếng đất cầy vỡ, đẻ ra cơm áo xã hội. Người dân đã quen chịu đựng và sẽ còn chịu đựng dài dài trong nổi nhẫn nhục bất lực, họ đổi nhọc nhằn, đổi giọt mồ hôi lấy thành quả bồi đắp cho quê hương sau chiến tranh đổ nát.. Lao động là vinh quang mà, nếu quả thật lý tưởng Xã hội chủ nghĩa là thiên đàng thì cũng ráng bò lên, đằng này mỗi ngày qua đi mọi người như thấy mình bị đọa đày lún sâu trong địa ngục.

Ta thấy tuổi trẻ mình bất tài, yếu đuối hay tại ta mặc cảm thua thiệt?

Tối mồng một, họp mặt nhà Cúc, tiếng đàn Sùng dìu dặt, giọng hát Nhan nghẹn ngào, “Đêm nay hòa bình sao mắt mẹ chưa vui? Hãy bước ra xem đường phố ngập người… Đêm nay hòa bình mắt mẹ buồn như Kinh… Lời kinh đêm trong căn nhà nhỏ… đèn thắp thì mờ…”

Nhạc Trịnh Công Sơn chắc chỉ đúng trong tâm trạng của chúng tôi lúc này, khi nhìn mắt bạn bè tôi đỏ hoe, cả bọn ngồi im như mặc niệm những tháng ngày tuyệt vời đã qua, ngoài kia bóng tối phủ đầy…
Đêm về nằm trăn trở giấc ngủ muộn màng, có cái gì đó trong tôi thao thức, rưng rưng.Ngày qua nhanh và chúng ta sẽ còn lại gì?

Bò qua giường Má ôm chặt bà để cố dỗ giấc ngủ như trẻ thơ, mà sao nước mắt chảy dài thầm lặng, xót xa. Trong đêm, con tắc kè kêu não nuột, từng tiếng rã rời buồn hiu.

Ngày… tháng…

Ghé thăm Cô Tráng để nghe những tiếng nấc nghẹn đầu năm. Ta chợt tức giận, cay đắng ngập lòng.“Người ta mắng chúng tôi như mắng chó:- Đồ lì như bò, đã không cho thăm mà cũng thăm, mấy người không quấn khăn tang là may rồi, một lũ ngoan cố tránh ra ngay”. Nhẫn nhục thương chồng thương con nhịn ăn nhịn uống, gởi tiền cho anh ấy được ba nghìn. vậy mà anh không nhận được. Tức không?”

“Em yêu, anh vẫn mạnh khỏe, anh vẫn bình thường. Lao động làm anh thoải mái hơn. Ở nhà, ráng giữ gìn sức khỏe của em và các con. Nhớ đóng cửa kín lại mỗi tối; tháng này lạnh lắm, kẻo cảm. Đừng gởi gì cho anh cả. Anh đủ dùng rồi…”
- Thầy! Em biết bức thư này là những lời nói dối, em biết thầy thiếu đường của đời sống, thiếu đèn cầy của đêm tăm tối, tù đày. Thầy, cơn giận nghẹn cứng, lòng em sôi sục căm hờn, em phải làm gì đây Thầy ơi.
 
Ngày… tháng…
Ba bốn thằng xúm nhau vây lấy ông già đánh đấm, chung quanh gánh rau tung tóe, rơi vải. Tụi nó có súng dài, súng ngắn, ông nông dân tay không, thấy cảnh trái tai gay mắt mà nóng mặt, sôi máu, tôi vỗ mạnh lên vai thằng du kích xã:
- Chuyện gì?
- Ổng đòi chạy xe qua cầu. Không cho ổng cự.
Ông già xin được dắt chiếc xe đạp chở mấy bó rau qua chợ bán, thằng du kích đuổi không cho với lý do gì đó, nó xô ngã xe rau chổng gộng, ông già tức tối cự lại. Nhà nước chửi lộn với nhân dân. Và sự việc xảy ra…
Sự phẫn nộ bất bình khiến tôi xông tới chỉ mặt bọn họ mà nói như thể tôi là Chủ tịch xã uy quyền.
- Các anh có thừa lời để giải thích nhã nhặn với dân, các anh không thể có hành động thiếu tác phong như vậy, nhìn mọi người đang bu quanh xem hành động của các anh kìa, thật tệ! Các anh làm như vậy không có lợi cho chế độ cách mạng của các anh đâu.
Mấy tên du kích nhìn ta ngờ ngợ, trong cảnh tranh tối tranh sáng này vàng thau lẫn lộn cũng dễ thị uy, dù ta là ai đi nữa thì làm được gì nhau? Quan vội vã kéo tay cô bạn đi, hai đứa lặng thinh trên suốt con đường làng.
- Ánh! Quên chuyện hồi nãy đi.
Đứa con gái bực bội
- Cái quân chỉ giỏi tài húng hiếp dân lành.
Về tới nhà hãy còn ấm ức, tội nghiệp Quan hắn đã kéo ta đi, không biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu ta còn đứng đó với bọn du kích xấc xược và khẩu súng AK trên tay lăm le..

Tại sao chúng ta lại có thể im lặng trước những cảnh chướng ta gai mắt diễn ra hàng ngày trên quê hương “giải phóng” như vậy, mọi nhu cầu hàng hoá thiết yếu đều do nhà nước quản lý, ai mua bán đều bị hạch sách phạt vạ, buôn lậu gì với vài cân thịt heo, năm ba gói thuốc lá, mươi ký gạo.. Cái vốn liếng nghèo nàn chắt chiu không chắc đủ để mưu sinh cơm áo gia đình trong một ngày tần tảo, vậy mà có lúc bị “hốt” trắng tay.. Đau lòng ta muốn khóc!

Ngày… tháng…

Họp bạn trước sân nhà, trăng non thanh bình trong không gian yên tỉnh, nhưng sao ta vẫn thấy trong lòng bất an, mơ hồ như mình sắp đi xa lắm, cái cảm giác bị đánh mất một góc trời hồn nhiên chim sáo của ngày hôm qua làm ta chợt hoảng hốt vu vơ… Biết sao giờ khi ta nhỏ nhoi giữa cuộc đời dâu bể.

Gặp nhau lần này chỉ có Kiệt, Võ, Quan, Nhan, Chuôn, Hạnh, Dung, Lộc, Sơn, Minh. Cũng còn thiếu vài khuôn mặt bạn bè, có đứa chắc đã đi xa..Vài cái mứt, cái kẹo bên tách trà Blao nóng hổi, câu chuyện từ đầu đến cuối vẫn dòn dã tiếng cười. Thời buổi này vô tư thoải mái được lúc nào hay lúc đó, chắc gì tụi mình còn có cơ hội nhí nhố bên nhau như hôm nay.
Cả bọn nắm chặt tay thân tình bịn rịn.
-Thôi giã từ, mai tớ đi rồi các bạn ơi!

Vòng xuống phố một lần chót. Đưa Nhan, Dung, Chuôn về. Đưa Hạnh về. Kiệt, Võ, Quan rẽ ngõ nhà Lộc. Còn bốn đứa lang thang trong đêm, không khí Tết nhuốm hơi nhạt nhẽo. Nhưng ánh đèn trong quán Kinh Đô vẫn ấm cúng với những khúc hòa tấu dịu dàng. Kỷ niệm như ngưng đọng lại. Sơn bật quẹt mồi điếu thuốc, đóm sáng lập lòe soi mặt hắn già nua, còm cỏi, tiếng kèn Trompet não nùng trong bài “Biển nhớ” của TCS càng làm ta thêm héo hắt, tay bắt tay vui vậy cũng gọi là “thôi thì thôi, cũng đành thì thôi” giã từ mùa Xuân qua vội, ngày mai ta đi không biết thị xã có rưng buồn…

Ngày… tháng…

Lên Sàigòn nhớ bạn bè trường lớp bây giờ tan tác như chim lạc bầy, tôi lại có một đống thơ kể lể chuyện xóm làng của mấy đứa, thơ của Sơn than trời than đất “ta và anh Toán vẫn mong nhỏ về lại đây để bạn bè đấu hót cho vui, này cô bé ráng thi đậu vào Đại Học, nếu nhắm không xong thì xin đi Kinh Tế Mới may ra có chỗ vẫy vùng, ha ha”, còn Thu Hương thì tả cảnh buồn muốn chết khi còn quanh quẩn ở lại SócTrăng “thèm được gặp vài đứa bạn để tìm chút tin yêu của hồi đó..” Cuối thơ nó còn thoòng thêm câu “mày phải về đăng ký học sinh nếu còn muốn tiếp tục học, qua ngày qui định mà không đăng ký là coi như tự ý nghỉ học, nghỉ thiệt đó nghe, chớ hổng phải dọa dẫm như…”. Cái giọng tưng tửng của nó làm tôi mắc cười. Ừ, nghỉ thì nghỉ. Vài tháng sau đã thấy nó lên Sàigòn rủ tôi đi ăn bò bía ở hồ con Rùa. Vậy đó bạn bè tôi đã bỏ lớp bỏ trường từ dạo ấy, còn vài đứa gồng mình ở lại học cho hết năm hết tháng để ra trường với mảnh bằng “giáo viên cấp một” bị đổi về xã ấp vùng sâu vùng xa nào đó dạy học quên đời.

Nhắc chuyện này mới nhớ nhỏ bạn chung lớp tên Thắm xinh xắn mặn mà, bị đì về hóc bò tó xa tít tè dạy lớp Ba, gặp đứa học trò quậy như quỷ, Cô đét cho một phát, nó chạy về méc má, và trời ạ, má nó là vợ chủ tịch xã hầm hầm vác cây dao phay đang bằm rau đi xăm xăm tới lớp cắm cái phụp xuống bàn hỏi “Tại sao dám uýnh nó?”. Dĩ nhiên là cô giáo nhỏ sợ chết khiếp phải bỏ nhiệm sở mà khăn gói trở về nhà chờ ngày vượt biển.

Ngày ..tháng

Tưởng như mùa hạ cũ đã xa lắc xa lơ qua đi từ dạo cả bọn chia tay nhau trong buổi tiệc thân mật ở nhà nhỏ Nhan, tớ nhận được thư Lộc chiều nay, thấy phượng chợt đỏ rực trong lòng. Ừ! Một năm rồi hở Lộc! Thành phố tớ đang trú ngụ thật vô duyên và tẻ ngắt, quanh đây không có một cành phượng, không có tiếng ve râm ran, cái nóng hừng hực và không gian khô cháy màu cỏ úa. Có những bận tớ đạp xe ngang trường học, mong tìm một tà áo trắng để thanh thản cõi lòng, vậy mà chỉ thấy lố nhố những áo ngắn quần đen trông chẳng giống ai, nữ sinh thời Xã hội chủ nghĩa là vậy, lòng tớ vừa buồn mà vừa cười, thấy tội nghiệp cho lớp đàn em của mình, chúng nó sẽ học những gì bên trong cửa lớp? chắc chắn không có thơ Quang Dũng “Đôi mắt người Sơn Tây”, không có Nguyễn Công Trứ, Tản Đà..

Tuổi nhỏ thì có “Năm điều bác Hồ dạy”, lớn chút nữa thì có Marx Lenine, vào Đại học thì có Lịch sử Đảng và Thuyết Duy Vật biện chứng..

Và cái điều đáng ghét nhất hôm nay là chế độ này đã thô lỗ tạo nên những dấu ấn đau nhói vào trái tim ngây thơ, thui chột niềm tin của các em khi nhìn về phía trước, rào cản mọi mơ ước chắp cánh vào tương lai. Đó là chủ nghĩa lý lịch, sự kỳ thị đầy thù hằn ác độc của phe thắng đối với kẻ chiến bại, là gong cùm đè lên thân phận con em của những gia đình “ngụy quân, ngụy quyền” miền Nam sau ngày giải phóng.
Tớ có đứa em gái học lớp 5, nó thường phàn nàn với tớ là bây giờ nó không còn bạn. Đầu năm học, khi vào lớp cô giáo hỏi “Ai là gia đình cách mạng?” chỉ có mình nó đứng lên, cả lớp nhìn nó chăm chăm như giận dỗi, khiến nó buồn phát khóc, bởi vì cách mạng làm gia đình bạn nó trở nên nghèo xác xơ, Ba của bạn phải đi tù, Mẹ của bạn phải bán buôn tần tảo để nuôi cả nhà..Giọng con bé vùng vằng trẻ con..” Ba nói cách mạng tốt, cách mạng đem cơm no áo ấm cho mọi người, nhưng sao em thấy còn khổ hơn hồi đó, ai mua gạo cũng phải sắp hàng, cực muốn chết, gia đình tụi bạn em bị bắt đi Kinh tế mới, mà ở đó đâu có trường học đâu, vậy là tụi nó dốt luôn hả chị? Em thương tụi nó và em ghét cách mạng của Ba..”

Vậy đó, tuổi thơ của em gái tớ không còn thấy hồn nhiên nữa, nó đã biết lo cho cái lo của người khác, nó đã biết băn khoăn khi nhìn thời cuộc đổi thay, tớ chỉ có thể an ủi nó đừng buồn, có thể ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay..

Tớ đem chuyện này kể cho chú Mười (em của ba) nghe, ông nghiêm mặt cảnh cáo “đừng có dại dột phát biểu linh tinh, ổng mà biết được ổng bắt tụi con làm kiểm điểm đấy!”

Lá thư của cậu làm tớ vừa vui vừa buồn, tớ đi lang thang trên những con đường chợt mưa chợt nắng giữa Sài gòn mà nhớ về phố cũ. Tớ đã đánh mất thuở học trò, nên tớ cũng quên mất mùa phượng nồng nàn ngày trước. Cám ơn Lộc đã nhắc cho tớ nhớ. Vâng, phượng đang đỏ rực trong lòng, tớ thấy xôn xao khi sống lại với kỷ niệm.
Một năm qua đi rồi. Khoảng thời gian này năm ngoái…
 
Ngày… tháng…
Bầu cử Quốc Hội đầu tiên sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, sạch bóng quân thù.. Đúng như Sơn nói, đây là một trò chơi bầu cử. Đêm nào nhà nước cũng tổ chức bầu thử 95%, 96%, 98%, tỉ lệ tiêu chuẩn loại bỏ ba nhân vật mang số 1, 3, 13. Đảng đã “nhất trí” như vậy, sự bịp bợm trắng trợn không cần che đậy khi thằng an ninh phường ghé sát tai ta thì thầm:
- Nên nhớ là viết dùm cho những người không biết chữ, chị nên “ý tứ” một chút.
- Tiên sư anh, dân chủ ở cái chỗ người ta chỉ một đằng anh “nhất trí” gạch một nẻo đấy hả? Ta lầm bầm tức muốn điên lên mà chẳng biết phải làm sao, phải công nhận họ chơi trò lưu manh trong bầu cử, bởi vì họ chắc rằng dân đâu ai ủng hộ họ đâu, không gian lận sao thắng??
- Sẽ có 90 nước trên thế giới đến tham quan cuộc bầu cử của chúng ta, trong đó bao gồm cả các anh em Xã hội chủ nghĩa và ký giả tư bản, nếu có được hỏi về chính trị, xã hội tình hình trong nước sau ngày giải phóng tới giờ, yêu cầu các đồng chí hãy trả lời “không biết”, những người học tập cải tạo đang nằm trong tay chúng ta, nếu có những thế lực phản động âm mưu gây rối bạo động, lộn xộn ở bên ngoài thì chúng ta sẽ giữ họ lại lâu dài, hoặc thủ tiêu…

Cái thế đàn áp như vậy có giận chết được không chứ! Mẹ kiếp! Chế độ độc tài, đả đảo cộng sản!
Câu chuyện bầu cử vẫn không “hồ hởi phấn khởi” một chút xíu nào. Qua cuộc bỏ phiếu thử ở Ủy Ban Khóm 7, người ta cứ lẻn về từ từ, khi kiểm phiếu chả có là bao, một số phiếu trắng, có phiếu gạch chéo tên của mấy tay đầu sỏ, có phiếu chẳng thèm bầu ai. Chán không! Cái điệu này nhà nước chẳng khá nổi, dân chúng cứ phản ảnh rầm rầm, người ta không tin tưởng vào nền dân chủ trong chế độ này thì ai mà bỏ phiếu.
Ta được chỉ định trong bàn viết dùm, được rồi ta sẽ thể hiện đúng quyền dân chủ của đồng bào, ta thề rằng ta sẽ tôn trọng và bảo vệ hết sức quyền tự do bỏ phiếu của cử tri. Nhớ mấy hôm đi xuống tổ vận động bầu cử, cứ thao thao:
- Bà con hãy thể hiện đúng mức cái quyền dân chủ trọng đại của mình. Không ai có thể bảo mình làm thế này hay thế kia được, mặc dù họ là “đảng lãnh đạo”, là “nhà nước quản lý” đi nữa, bà con đang sống trong xã hội độc lập tự do mà. Đi bỏ phiếu, không nhất thiết phải là đủ 10, nếu không thích thì mình bỏ 3, bỏ 5 cũng được, cũng chả chết thằng tây đen nào…

Ê, nhân viên nhà nước mà phản tuyên truyền thế hả? Coi chừng nhe con, tụi an ninh không hưỡn đứng gác để trong này con ba que xỏ lá như thế. Ta cười hóm hỉnh với chính mình. Ít ra thì lòng cũng đỡ ấm ức!

Ngày… tháng…
Mít tinh rầm rộ từ khóm tới phường, tới quận. Bích chương, biểu ngữ, cờ xí rợp trời. Tự dưng ta nghe lòng dâng lên niềm chua xót. Chào mừng cái gì đây? Khi cái mặt trái của thời cuộc đã phơi bày ra một cách chán chường?! Ta ứa nước mắt khi nhắc nhở với chị Ngọ về những người thân của mình đang ở trong một tỉnh huống khác với những cờ xí kia, họ là ngụy hay chính những kẻ bịp bợm kia là ngụy? Thấy tâm trạng mình não nề làm sao, những hoan ca trong lòng ta đổ nát, nghe buồn tiếc và nhung nhớ xa xăm.

Hỡi những người lính đã chết và đang chết! Người ta đang reo vui thắng lợi trong nỗi ê chề của các anh, hỡi những người đang tập trung trong nhà tù cải tạo, vợ con, thân nhân các anh đang điêu đứng khốn khổ trong cái gọi là Xã hội chủ nghĩa hôm nay.

Buổi chiều, tự dưng trời đổ một cơn mưa lớn đầu mùa khiến nổi buồn thêm tê tái, tự dưng ta bỗng lo ngại một điều gì bâng quơ, cuộc bầu cử đã lộ rõ bộ mặt lừa dối trơ trẻn của chế độ Cộng sản khiến ta càng thêm chán ngán.

Cuộc kiểm phiếu kết thúc lúc 9 giờ tối, ra khỏi Ủy ban thì đêm đã khuya, đường về bỗng như dài hơn trong chua xót não nề, dân ta học chính sách thuộc lòng như cháo, đạt đúng “chỉ tiêu” yêu cầu. Chính phủ ta nhắc tuồng khéo không chê vào đâu được, đạt đúng tỉ số hoạch định mà họ đã tính toán hàng tháng trước khi bầu cử “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Đại bịp! “Dân chủ, tự do sử dụng lá phiếu như một viên gạch xây dựng đất nước”.
Xạo Hết Chỗ Nói!

Sao càng nghĩ ta càng giận thêm. “Đảng lãnh đạo” đã nắm chắc kết quả trước khi bầu cử, như thế còn gì để nói nữa! Tổ chức bầu cử cho quốc tế thấy họ Dân chủ, Công bằng trong một quốc gia vừa được thống nhất, độc lập. Sự thật chỉ là gian trá, lừa mỵ. Sư khỉ nhà chúng nó!

Ngày… tháng…
Một năm sắp tròn. Những con số đánh dấu bước ngoặc lịch sử chua xót mỉa mai. Ta đứng ngoảnh đầu nhìn lại quá trình ồn ào cách mạng, lòng bâng khuâng tự hỏi một năm rồi ta được gì, anh được gì? Hay chúng ta đã đánh mất tất cả trong bối cảnh xã hội lạ mặt hôm nay, tên nước bỗng trở nên kỳ quặc ngớ ngẩn “Cộng Hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, tên con đường thân quen bổng trở thành Đồng Khởi, tên thành phố ta yêu bổng một ngày không còn nữa, mà thay vào đó cái tên lạ hoắc Hồ Chí Minh thật vô duyên kỳ cục!

Những giọt nước mắt nhỏ xuống thương tiếc ngậm ngùi. Một năm đánh dấu hằn sâu như vết chém tàn bạo. Ta nhớ về 30 tháng Tư như một ngày quốc hận, không thể nguôi ngoai.

Tháng 3 mở màn chiến trận cao nguyên tàn khốc. Bao nhiêu là máu và xác chết, bao nhiêu là nước mắt chảy dài dọc đường số 9 và đường 14, chết từ trên cao, chết từ quốc lộ 13 kinh hoàng, từ bờ biển Nha Trang, Đà Nẵng, Vũng Tàu, chết dập vùi tan tác như bèo, như sóng…

Từng địa danh miền Trung bị mất dần vào tay Việt Cộng và trận đánh tàn khốc đã kết thúc khi cánh cổng sắt của Dinh Độc lập bị xe tăng T54 ủi sập vào trưa ngày 30 tháng 4/1975. Cộng sản miền Bắc đã cưỡng chiếm thành công miền Nam Những chiếc phi cơ bay vòng vòng trên bầu trời Sàigòn với cột khói đen sau đuôi vì hết nhiên liệu mà không có bãi đáp, những chiếc tàu chìm vì không chở nổi hàng trăm ngàn người cố đeo bám lên đó để chạy ra khơi trốn tránh Cộng sản, những xe cộ vất lăn lốc trên đường phố, thây người ngổn ngang trong đợt pháo kích quyết liệt cuối cùng để đập tan sào huyệt của Đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai..

Hình ảnh tang thương của những người lính tan hàng rã ngũ, chạy bơ phờ qua từng ngõ ngách đô thị, những lá cờ bị xé rách, bị bôi xóa vội vàng, ta nhớ cái nghiến răng của ai đó khi nhìn thấy lá cờ vàng bị một tên đeo băng đỏ ném vào thùng rác, để thay vào đó lá cờ máu trước một công sở trên đường Nguyễn Tri Phương, thế mà là vinh quang, là thắng lợi, là giải phóng miền Nam? Ai cần mấy người giải phóng, ngụy ngữ lếu láo!

Một năm qua đi mà sao ta vẫn nặng mang nỗi sầu quá khứ. Hờn oán ai đây, giải phóng vô đã làm đảo lộn tất cả.

Nhỏ Minh nói đúng“bài học đầu tiên mà những người cha cách mạng đã dạy tụi mình là bài học phản bội”. Sở dĩ hai đứa thân nhau vì cùng hoàn cảnh, Ba nhỏ Minh đi tập kết từ hồi nó mới 3 tuổi, Mẹ nó không thể chờ đợi được nên bước thêm bước nữa, cha dượng và một bầy em khiến Minh phải lên Sàigòn sống bên Dì, tuổi thơ nặng nề với quá khứ đáng buồn.. Sau 75, Ba nó trở về với quân hàm cấp tướng trong Uỷ ban quân quản của Thành phố, dượng nó đi tù vì là sĩ quan chế độ cũ, gia đình Dì nó tan nát trong khi Ba nó được Nhà nước cấp một căn lầu mặt tiền trên đường Nhật Tảo và ông mong muốn nó trở về ở với ông, đứa con mà ông đã tha thiết nhớ thương trong suốt những năm dài đi kháng chiến “hy sinh đời bố để cũng cố đời con..” nhỏ kể lại ấn tượng của ngày đầu tiên khi nó gặp mặt Ba sau gần 20 năm xa cách, ông ôm nó vào lòng tràn ngập thương yêu.

Nhưng ông cũng răn đe nó không nên dính líu tới gia đình ngụy của Dì, bởi vì đó là thành phần phản quốc, ông buộc nó phải đổi theo họ của ông để tương lai tươi sáng hơn, dĩ nhiên là nó phản đối tới cùng, nó không thể trở mặt với quá khứ, gia đình Dì đã cưu mang nó bấy lâu nay, đổi lại họ có nghĩa là chối bỏ cái lý lịch ngụy đã nuôi nó lớn lên, là phản bội lại những tình cảm gắn bó của Dì nó dành cho đứa trẻ bơ vơ như nó suốt mười mấy năm ròng..

Ta nghe lòng quặn thắt mỗi khi nhớ tới giọt nước mắt của Ba Sáu rớt xuống cánh tay khi ta ôm ông giã từ để theo Ba lên Sài gòn đi làm cách mạng, cái giọng hách dịch của kẻ chiến thắng đã khiến ta khó chịu “Nhà cô dượng bây giờ là sĩ quan ngụy, con Ánh nó không thể có tương lai được, bây giờ tôi bắt nó về Sài Gòn để cho nó tiến thân trong xã hội mới, nhưng nói trước là Cô dượng đừng có thơ từ kêu réo nó trở lại đây nhe, bây giờ nó là con tôi, tôi sẽ làm khai sanh đổi nó lại họ của tôi..” giọng Má Sáu nghẹn ngào “ thì con anh, anh muốn làm gì thì làm, ăn thua là tấm lòng của nó. ..”

Vài bộ đồ cũ, mấy cuốn sách, ít món linh tinh, má Sáu gói trong cái mền dù túm bốn góc như tay nãi của mấy ông sư. Hành trang vào đời của ta chỉ có thế, nghe nhẹ tênh mà sao lòng trĩu nặng, cái tình nghĩa cưu mang hai mươi năm dưởng dục, ta nhớ như in con đường đất trơn trợt trong hẻm mà hai ông bà đã thay nhau cõng ta đến trường đầu tiên, rồi những lần ta ốm đau quặt quẹo thuốc Bắc thuốc Nam, mái tóc ta chỉ có mỗi Ba Sáu cắt, áo quần ta mặc chỉ có mỗi Má Sáu may, Ba Sáu hớt tóc, Má Sáu bán hàng rong, chắt chiu nuôi ta khôn lớn, cơm rau hiu hẩm cả nhà cùng chia xẻ ngọt bùi bấy nhiêu năm, vậy mà bây giờ dứt áo ra đi đành đoạn, công ơn Cô Sáu nuôi dạy con mình khôn lớn, Ba phủi tay hết.

Lên xe đi Sài gòn ta đã khóc suốt trên đoạn đường dài, ngồi bên cạnh gương mặt Ba trầm ngâm, ta thấy ấm ức giống như mình là tù binh đang bị “áp tải”. Tên tù binh phản bội! Ừ nhỏ Minh nói đúng, “bài học đầu tiên của những người cha Cách mạng dạy mình là bài học phản bội.” 

Sang nhà nhỏ Minh ngũ, tự dưng hai đứa nổi hứng đạp xe đi chơi vòng Sàigòn xem thiên hạ hồ hởi phấn khởi ra sao. Thành phố mới hơn 9 giờ mà hoang vắng lạ lùng, lưa thưa vài cặp tình nhân vòng tay hối hả, hai chiếc xe đạp cót két trong đêm như nỗi hậm hực không nói thành lời.

Những đèn màu giăng mắc, cờ xí rợp trên các cơ quan, công trường. Những gã Công an mặc áo vàng, ôm súng đứng thẳng người như trụ điện ở các ngã tư, cái không khí lặng câm trơ trẽn, thấy trong lòng mình cũng chán ngắt như thế. Hai đứa tấp lại xe bò bía cuối cùng ở nhà thờ Đức Bà, vừa ăn vừa nghe ông cụ phẫn uất nghiến ngầm:
“ 30 năm mới có một ngày… đau khổ, biết bao là nước mắt, biết bao là tiếng than, hòa bình với hàng triệu người chết. Cuộc chiến tranh quá thảm khốc mà hòa bình thì chắc gì không có bạo tàn? Các cô còn quá trẻ để nhận ra cái giá của tự do, chúng tôi từ Bắc chạy trốn gông cùm của Cộng sản vào Nam, tưởng đã yên thân, nào ngờ bọn họ đuổi theo đến cuối đường hầm, rồi các cô sẽ thấy thôi…”

Nhìn những hàng đèn giăng mắc trước Bưu Điện, ta xót xa ngậm ngùi, nghe nỗi buồn đau gặm nhấm. Đêm khuya, đường dài, đời sống mình cũng hun hút tận cùng như thế, Minh ơi!

Đi đâu cũng thấy những tâm sự bi thiết, họ không cần biết mình là ai, họ cứ nói như để vơi bớt nỗi ấm ức căng cứng trong lòng, nói để nguôi ngoai.
Sự thật ngày càng não nề, chán ngấy mà sao người ta vẫn cố tình như không biết. Chính nghĩa là phải biết lắng nghe, chỉ có độc tài mới mắt ngơ tai điếc. Về tới nhà đã 12 giờ đêm. Hai chiếc xe phóng vun vút qua những con đường vắng, cây lá ngủ quên, 30 năm mới có một ngày. Ôi thê thảm!

Ngày… tháng
Có một điều rất đau đớn mà ta không biết phải nói với ai. Chiều nay, khi ta tình cờ về nhà, lục tìm cặp hồ sơ của ba với ý định viết những tên tuổi liên hệ với gia đình để điền vào sơ yếu lý lịch, nhưng ta đã tìm thấy một tờ cáo trạng chi chít chữ
Vâng, một tờ cáo trạng đã làm trái tim ta tan nát.
Đúng hơn nó là một bản án dài dặc báo cáo lên Thành Ủy về tên Trần Văn Tùng, thằng con trai duy nhất của Má Sáu:
“… Tên Tùng quá nguy hiểm cho cách mạng. Khi tôi thấy không thể tuyên truyền được nó, tôi có đề nghị với các đồng chí cho Ban Công Tác Thành bắn nó, nhưng các đồng chí vẫn còn do dự. Tôi nghĩ rằng nó là một thằng nguy hiểm, việc làm của nó phương hại đến cách mạng không nhỏ. Cần phải dứt khoát hạ nó…”

Bản cáo trạng làm ta hoa cả mắt, điếc cả tai. Sự thật làm ta hởi ơi, thất vọng. Cộng sản là thế đó ư? Cậu ruột có thể tìm mọi cách để giết thằng con trai duy nhất của em mình, cháu của mình. Trời ơi! Ta đau đớn có thể chết được.

Những năm ba đi làm cách mạng, hình ảnh mẹ Tùng là hình ảnh của ba, nhưng vì “Đảng” ba lại nghĩ khác, ba “trung với đảng, hiếu với dân và chuyên chính với kẻ thù” lẽ nào con cháu mình là kẻ thù chỉ vì nó không cùng chiến tuyến với mình? Ba đã giết chết niềm tin ở ta. Con xin lỗi ba, con không thể ích kỷ như ba; con càng muốn xa rời ba hơn sau khi phát giác chuyện này, thà con tìm việc khác mà tự lập, con từ chối ân huệ “gia đình cách mạng” của ba, con phủ nhận mọi ưu tiên từ chế độ đưa tới.

Con không bao giờ chấp nhận cộng sản dưới bất kỳ hình thức nào. Một chế độ mị dân, một chính quyền chuyên chế lừa dối, chỉ dùng vũ lực đàn áp khắc nghiệt, thà con đi học lại, thà con sống lây lất ở một chỗ nào đó, không có ba. Giữa chúng ta tình cha con riêng rẽ “bất hợp tác, bất đồng quan điểm.”

Thôi thì con cố không làm hại đến ba và ba cũng nên tỏ thiện chí với con một chút may ra cha con ta còn có chuyện để nói với nhau lâu dài. Bằng ngược lại, thì con cũng rất tiếc, con xin lỗi ba, con không thể phản bội, con không thể phụ lòng người đã nuôi con 20 năm nay.

Ta đau lòng không biết thố lộ với ai, cả ngày đạp xe lang thang ngoài đường với tâm trạng bi thảm thất vọng cùng cực, liệu ta phải làm gì với lá thư đó, những dòng chữ do chính tay Ba đã viết như con rắn độc cắn nát tim ta tê điếng, ta lẳng lặng rút nó ra khỏi tập hồ sơ của Ba và cất kỷ vào cái hộp, dấu kín không cho Ba Má Sáu biết chuyện nồi da xáo thịt đáng ghê tởm này, có lẽ ta sẽ đem nó về quê, chôn dưới gốc cây xoài trong vườn, đợi một ngày yên bình sẽ mang ra hỏi Ba, chắc chắn như vậy!

Ta tin mình đã có quyết định đúng mặc dù phải nuốt nước mắt vào lòng. Lần đầu tiên trong đời ta phải đối diện với một sự thật kinh khiếp, ta ước gì mình chưa từng thấy lá thư đó trong cặp của ba...

Ngày... tháng.
Giấc ngủ đầy, buổi sáng thức dậy khoan khoái, con đã về bình thường như một nhân viên nhà nước được nghỉ phép 7 ngày thong dong, con đã về với ba má, và nếu cần con sẽ ở lâu hơn nữa, những ngày lêu bêu trên Sài Gòn, con đã thật sự thấm mệt!
Trời mờ mờ sương lạnh thấy nhớ buổi sáng nào sửa soạn vào trường, tóc dài áo trắng guốc gỗ khua vang, dẫy hành lang lớp học vắng hoe, thuở còn đi học, ta luôn luôn là nhỏ học trò đi sớm nhất, đi sớm chẳng để làm gì nhưng thấy thú vị trong cái vắng lặng của buổi sáng tinh khiết.

Thay đồ đi ăn sáng với Ba Sáu, phố xá cũng bình thường, buồn hiu, đi thăm nhỏ Hạnh, thăm cô Tráng, thăm trường. Thấy tụi nhỏ lao xao liên hoan cuối năm, lòng mình chợt bàng hoàng thế nào ấy thôi. Nhớ quá bạn bè ơi, lớp nầy ngày xưa ta học, bàn này ngày xưa ta ngồi, trên bục giảng những người thầy học cũ đứng đó. Bây giờ chỉ có những tầng lớp tiên tiến lạ mặt, ta ngại ngùng trong cái gật đầu chào, đó là điều ray rứt không nguôi trong ta. Ta hay thầy mặc cảm?

Đi uống cà phê với Võ, Long, nghe vài ba câu chuyện não lòng. Cũng thế thôi, ước gì ta ngủ được một giấc dài 5 năm hay 10 năm, mở mắt ra mọi chuyện đã xong rồi, có lẽ mình thấy thoải mái hơn phải không Võ? Ước gì tai ta điếc, mắt ta mù, để đừng nghe thấy gì hết, vì sự thật quá thê thảm. Tuổi trẻ vốn ồn ào, mà lúc này ta ồn ào thì chết!

Trưa lại thăm thầy Hiếu, kể lể hết tâm sự của ta, từ gia đình, đời sống bản thân đến xã hội, kinh tế, lu bu trăm thứ chuyện. Thầy trầm ngâm đốt thuốc:
- Tội nghiệp học trò tôi, bánh xe xã hội sẽ nghiến nát em. Em đang đánh bạc, trước khi em muốn rút lui khỏi sòng bạc với một đống tiền, hãy khôn khéo một chút, những tên cháy túi không để yên cho em đâu, đừng để bánh xe thời cuộc nghiến nhẹ một ngón chân em, một ngón chân thôi cũng đủ đau điếng cả đời rồi.
- Dạ, cám ơn thầy đã cho em một lời khuyên, em đã hiểu ý thầy và em sẽ cố gắng hết sức, nhưng Thầy ơi, em nhỏ bé và tuyệt vọng quá.

Ngày… tháng…
Thành phố thật lạ. Cúp điện mới có hai đêm không có cà phê sinh tố, không có nước, chỉ có mặt trời là nguồn sống. 4 giờ chiều ăn cơm hối hả, chui vào mùng tránh muỗi cắn, mở mắt nằm chờ trời sáng, thấy đêm thật dài.
Đó là lời thầy Thiếp lúc trưa ghé thăm, quanh quẩn ở nhà nấu cơm, giặt quần áo cho vợ con, ông thầy Việt văn hách xì xằng dạo nào của tôi giờ đã bệ rạc, xuống dốc. Ôi, thương!

Ra về, lòng ngậm ngùi quá đỗi.
Chế độ càng ngày càng khắc nghiệt, người dân kêu rêu than thở mãi cũng thế thôi, ta thấy mình bất tài vô tướng. Ghé quán café Thanh Bạch với Lộc, Bảo, Minh, tuổi trẻ họp lại nhau có chuyện gì để nói ngoài chuyện chửi chế độ và chửi tất cả những gì đã và đang xảy ra sau cái ngày 30/4 đáng chửi ấy, mọi danh từ nay đã trở thành trừu tượng, như cái gì đó mơ hồ xa xăm: Dân Chủ, Giàu Mạnh, Xã Hội Chủ Nghĩa Độc lập- Tự do- Hạnh Phúc.. tất cả chỉ là ngụy ngữ, mỵ dân!

Một ông thầy vừa đi học tập về, chợt dở dở ương ương, vào trường khóc khóc, cười cười với lũ học trò, có những giáo sư phải chạy vào phòng vệ sinh để giấu nước mắt, chỉ sợ bị chú ý kiểm điểm, lũ học trò xúc động, thương tâm. Nghe kể mà lòng ta xót xa, ngao ngán. Thương cho thầy tôi làm người mất trí, mà cũng mừng cho thầy tôi từ nay sẽ quên mất trần gian, quên mất chuyện thế sự thăng trầm… «Chồng tao có tội tình gì mà nó bắt đi học tập, đày đọa chồng tao? Giải phóng gì mà nhà tao tan nát, con tao ốm đau, gia đình nghèo túng, đồ đạc bán đổ bán tháo, thậm chí đến cái quần cái áo cũng bán. Hết nay đến mai, nó cứ hăm he đi vùng kinh tế mới. Lấy cái gì mà sống? Lấy cái gì mà ăn? Đi thăm chồng một lần đứt ruột đứt gan. Mong mỏi được nó sai khiến làm tôi mọi, đặng ra ngoài gánh nước, chẻ củi, hầu thấy mặt vợ con đứng lấp ló ngoài rào như thằng ăn cắp, chực chờ thảy vô một ống thuốc, một hộp kem đánh răng. Mồ tổ cha nó! Khốn nạn gì dữ vậy! »

Lời chửi rủa bằng một thứ ngôn ngữ đay nghiến nỉ non, ta nghe mà ứa nước mắt, giọng kể lể uất nghẹn của những bà vợ có chồng đang “học tập” trong tù, mà học tập cái gì trong đó, có chăng là đòn thù của những tên say máu chiến thắng dành cho kẻ bại trận, đói khổ bệnh tật, đày ải nhục hình giữa rừng thiêng nước độc cũng đủ cho người ta chết dần mòn, độc kế của cộng sản là vậy, ta căm giận chính sách ác ôn này vô cùng, vô tận.

Ngày… tháng…
Tình cờ xem lại cuốn «Người tình ngoài mặt trận” của Nhã Ca. Não lòng và thương lính quá đỗi…
Hỡi những người lính đang nằm trong trại tù, các anh thật dũng cảm và đáng yêu. Suốt đời, bọn con gái chúng tôi chỉ nên yêu những người lính như các anh thôi, nhớ quá thời vàng son cũ, ta muốn điên lên khi biết được sự thật mất mát hôm nay. 

Chúng ta không thua! Chúng ta chỉ bại trận, trong chiến đấu, bại trận là lẽ thường, chỉ khi nào chúng ta chịu đầu hàng, ấy mới gọi là thua, phải không?
Cũng con đường này, cách đây hơn năm, ta đã đi qua. Nhà cháy và những xác người chết ngổn ngang. Trước ngày ‘giải phóng,’ con đường Bùi Thị Xuân đầy lính Không Quân và thịt cầy Bắc Cờ…

Ta tìm Quan với tay nắm ngại ngùng. Ta tìm Quan với tiếng khóc nức nở chiều ngày 30/4/75 trên vai hắn, mới nhập ngũ trong đợt quân sự học đường, tuổi đời tuổi lính chưa bao lâu thì mọi thứ sụp đổ, khi mọi người đổ xô vào phi trường để tháo chạy ra nước ngoài thì hắn lại hối hả cởi bỏ bộ đồ ka ki dầy cộm để trở về làm anh học trò ngơ ngác giữa dòng người di tản. Hai đứa gặp nhau khi Sài gòn hổn độn với tâm trạng hụt hẫng bàng hoàng. Thấy hắn cầm hoài một bao nilon nhỏ trên tay tần ngần, có cái gì trong đó? không biết, tự nhiên lượm được, hai đứa đang buồn mà cũng bật cười khi mở gói giấy ra, chỉ là cái máy đánh trứng gà, một dụng cụ nhà bếp còn rất mới! Thiệt ngớ ngẩn hết biết, dù sao cũng là một kỹ niệm nhớ đời của Quan trong những ngày chới với này.
Hai đứa ra bến xe miền Tây đông nghẹt người, hình như chỉ có duy nhất một chuyến về Sóc Trăng, không phải xe đò mà xe hàng, mọi người chui rúc trong thùng xe chật cứng hết chỗ, hai đứa phải leo lên cabin.. Lần đầu tiên đi xe đêm mà không sợ Việt Cộng đắp mô gài mìn, cảm nhận được ý nghĩa “hoà bình” có lẽ chỉ thấy trong đêm hôm ấy, không gian yên tỉnh, gió thổi lành lạnh, trăng mờ lẩn khuất. Có hai người lang bạt nắm chặt tay nhau về lại quê nhà.

Buổi sáng nay, tình cờ đi ngang qua khu Lăng Cha Cả, con hẻm vắng hoe, những gã con trai biến mất. 
 
Những chàng lính ‘hào hoa’ biến mất, chỉ có bàn ghế, tủ giường, ti-vi, tủ lạnh xuống đường, chờ người đến mua. Dân chúng bây giờ ai cũng thạo nghề buôn bán, bán nhà, bán xe, bán quần, bán áo, bán tình bán nghĩa. Ôi.. cám ơn cách mạng đã cho dân tôi một cái nghề mới.

Ngày… tháng…

Nhờ ba chứng giùm Sơ Yếu Lý Lịch nộp thi đại học. Ông chỉ chịu ký với điều kiện ghi thêm sơ sơ vài hàng ‘thành thật’ có thằng anh sĩ quan ngụy, lý do khai tên đổi họ…

“ Vì hoàn cảnh khổ đau của chiến tranh, cha con ly tán. Tôi là nạn nhân của thời cuộc do Mỹ Ngụy gây ra. Nay nhờ cách mạng cứu sống lại đời tôi nói riêng, thế hệ trẻ nói chung. Nay tôi nguyện trọn đời hy sinh cho cách mạng v.v… và v.v…”

Trời ạ! Chèn ép nhân dân phải không, đã thế không thèm đề gì hết, cùng lắm bỏ thi, tội gì phải đặt sự tiến thân của cá nhân mình vào dăm câu lếu láo nịnh bợ đó. Ta nguyện trọn đời dâng con tim chai đá “không bao giờ biết đến nói dối” cho bồ ta thôi, ta hổng hưởn hy sinh ‘phi lý, vô lý’ cho cách mạng à nhe! Nãn quá, rút sơ yếu lý lịch về để nghĩ lại xem, cái lối dồn người ta vào chân tường của ‘đồng chí Ba’ này coi bộ không khá, hổng lẽ đời ta từ nay chỉ còn biết quỳ lụy và dựa hơi thôi sao? Ông già vẫn không ngớt cằn nhằn:
‘Ba đã giới thiệu được nhiều người có việc làm, tại sao ba lại ngần ngừ khi bảo đảm cho con? Ba và Đảng đã đánh giá tư tưởng con như thế nào? Con không thật tâm phục vụ cách mạng, con còn nặng về chủ nghĩa cá nhân ích kỷ tư hữu, con phải nhìn nhận sự thật như vậy, nếu Ba bảo đảm cho con, nhưng con có bảo đảm cho sự nghiệp cách mạng 30 năm của ba không? Nếu một lúc nào đó con phản Đảng, con phản Ba thì Ba vẫn phải trừng phạt con như đối với kẻ thù..’

Ta nhìn gương mặt nghiêm khắc của một người hết lòng vì Chủ nghĩa Xã Hội, cái cảm giác xa lạ khi đối diện với người cha ruột thịt của mình, hình như chỉ có Ba Sáu thân thương gắn bó trong cuộc đời ta, còn người đàn ông này là một Đảng viên Cộng Sản!

Ngày… tháng…
Những con số báo cáo từ bàn giấy thì không bao giờ chính xác cả. Ta hơi quê khi bị thằng nhỏ chỉ mặt - Xạo!
- Ừ, có lẽ vậy. Lỗi không phải tại ta…
Chỉ tiêu định mỗi tháng phải có 200 người (tối thiểu) trong phường, giãn dân hồi hương hoặc đi kinh tế mới.
Tiên sư anh! Bắt buộc thế, nhưng người ta không đi, chả lẽ lấy cần trục mà xúc à? Vô lý! Từ đây đến tháng 6-1977 Sàigòn phải đi trên một triệu rưỡi dân, thiên hạ dùng danh từ nghe kêu to quá “Ra tiền tuyến hăng hái đi vào mặt trận sản xuất thể hiện lòng yêu nước, thiết tha với sự nghiệp cách mạng, với nhiệt tình xây dựng chủ nghĩa xã hội! v.v… v.v”…

Chán mớ đời! Rồi bao giờ các đồng chí sẽ đi? Hay “vành đai xanh” sẽ bảo vệ an toàn cho quý vị, để từ bên trong quý vị cứ xỉa tay năm ngón và hưởng thụ dài dài?

Những căn biệt thự mặt tiền, những nhà lầu xe hơi, những nguy nga tráng lệ của thành phố Mỹ Ngụy lần lượt bị các đồng chí tiếp thu và chia nhau quản lý, để đuổi gia đình thân nhân của tay sai Đế quốc vào rừng bỏ chết vì đói nghèo bệnh tật, chưa thấy hột gạo nào từ Bắc chuyển vào Nam “cứu đói đồng bào” mà ngược lại những hàng xa xỉ “phồn vinh giả tạo” của miền Nam thì theo đoàn xe tải chở ra Bắc không biết bao nhiêu mà kể. Hòa bình thống nhất đất nước là như vậy ư?

Ngày… tháng…
Lúc này không phải là lúc ngồi mơ mộng bên trong cửa sổ. Lúc này là lúc xông xáo đi vào một trò chơi lắm nguy hiểm, đe dọa, ta cân nhắc suy tính liệu sức mình, tuổi trẻ ta sẵn sàng dâng hết cho lý tưởng, nếu thật đó là một lý tưởng hợp lý.

Ta đang có niềm tin vào công cuộc trọng đại sắp tới, ta sẽ không ân hận khi bắt tay vào việc, đời sống chẳng còn vô nghĩa, ta cười cợt như một trò chơi lớn, không ngại ngùng và chùn bước.

Một tháng qua đi, một ngày thấm thoát, ta nghĩ nhiều về thời cuộc, về những xao động lung tung trong cái gọi là nhà nước cách mạng, liệu mọi việc có bình yên, huy hoàng rực rỡ như mọi cuộc họp báo cáo tình hình công tác không? Một cán bộ ngoài Bắc vào đã phải buột miệng:
-Chúng tôi đã bị lừa. Chúng tôi đã lầm lỡ dại dột khi chấp nhận Chủ nghĩa xã hội, lúc còn ở ngoài Bắc nghe tuyên truyền trong Nam là một lũ Mỹ Ngụy khát máu, dân chúng trong Nam sống trong nghèo đói lầm than, thương đồng bào ruột thịt của mình nên tình nguyện vào Nam đánh Mỹ,mang theo mấy cái chén gốm Bát Tràng, vài ký gạo ngon tưởng là món quà quí báu tặng họ hàng. Vào Nam thấy dân chúng sống nhởn nhơ, dư ăn dư để gấp vạn lần ngoài nớ, mấy ký gạo mốc meo ném vào thùng rác ngượng ngùng.

Thế đấy! Cả bè cả lũ bị lừa thế đấy, còn gì để phải phủ nhận nữa không? Còn sự thật nào chua chát hơn thế không? Những lý thuyết của họ bao giờ cũng đầy “chính nghĩa”, lập luận vững vàng và sắc bén, ta làm thế nào để có thể đánh đổ một chủ nghĩa được nuôi lớn từ hơn nửa thế kỷ trước, đánh đổ một cách hợp lý và vững vàng hơn thế…

Ngày… tháng…
“Cho đồng bào tôi ngồi nghếch mắt trông chờ… Nghe những ủy ban, hội đồng nói vu vơ…” Ta nãn đến phát khóc khi phải ngồi nghe thiên hạ bàn ra tán vào câu chuyện vận động kinh tế mới và thanh niên xung phong thủy lợi.
- Tôi chắc cũng dễ thôi. Mỗi tổ chọn một người đi công tác 15 ngày, thay phiên nhau tự túc ăn công, cứ đào một mét sẽ được 200 đồng, đào nhiều ăn nhiều, đào ít ăn ít, tôi nghĩ cũng giải quyết nhanh được, buôn bán lần lượt vào tay mình quản lý, tư thương bán hàng bơ mỏ, ế ẩm, rồi cũng phải dỡ nhà mà đi kinh tế mới…
Ta ngồi nghe mà buồn, làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu. Xạo! Làm gì có mà hưởng, nhà nước cứ bắt chẹt bắt lỏng thì dân còn cục cựa đàng nào. Không đi công tác thì không có giấy chứng nhận lao động mà không có giấy chứng nhận lao động thì không được cung cấp gạo, thì thiệt thòi việc này, việc kia… Khốn nạn, dân còn gì nữa mà dồn vào đường cùng đến thế!
Công tác thủy lợi, một hình thức lợi dụng sức lao động, bóc lột sức người, sức của. Ăn cơm nhà, tự túc mọi phương tiện để lên kinh tế mới đào kinh, một ngày, một tuần, một tháng, ba tháng, lấy danh nghĩa phục vụ ích lợi chung. Nhưng, cứ nghĩ bỏ ra một ngày công như thế, liệu người ta có đủ một nguồn lợi để nuôi gia đình đang nheo nhóc?

Tội nghiệp mấy người đi học tập về, bị dính không chạy đâu được. Giọng thằng cha tổ trưởng nghe mà phát ghét.
- Anh phải sốt sắng tham gia công tác, càng nhiều chừng nào, sự phục hồi quyền công dân của anh càng nhanh chừng đó…

Thiệt muốn chửi thề hết sức! Anh là người Việt Nam từ hồi nào đến giờ, chẳng là công dân thì là gì? hổng lẽ trước đây những người bại trận kia là người ngoại quốc? Chẳng qua vì bại trận mà trở thành ‘phó thường dân’, bị tước đoạt hết, bị ruồng bỏ, rẻ khinh, đày đọa. Học tập cái quái gì ở đó, nhốt trong mấy cái thùng sắt, ngày nóng như lò nướng, đêm lạnh cắt da, ra ngoài lao động làm như trâu cày, ăn uống thiếu thốn, bệnh tật chết dần mòn, lâu lâu cao hứng quăng lựu đạn vào giết tù rồi đổ thừa bọn phản động phá hoại hay chỉa súng vào mùng bắn chơi, chết ai nấy chịu như trường hợp anh của thằng bạn học chung trường. Má nó xỉu lên xỉu xuống khi nhận xác con, so với ‘tắm máu’ trong chế độ phát xít thì cách đối xử với người bại trận theo kiểu của chế độ này còn dã man hơn nhiều, ác có bài bản mà, càng nói càng thấy nóng gan!

Ngày… tháng…
Cái món hành chánh bao giờ cũng lằng nhằng, nó luôn khệnh khạng như lão ký già. Quanh quẩn cứ báo cáo sổ sách linh tinh. báo cáo tuần, báo cáo tháng, báo cáo định kỳ, chẳng công tác gì nhiều hơn những loại báo cáo ấy, cứ giấy tờ chất đống mà không giải quyết được gì . Đúng như một ‘đồng chí’ đã tự phê: ‘Văn thư đầy túi áo, báo cáo đầy túi quần!’

Ta ngồi loay hoay như kẻ mắc ị mà táo bón cả tuần, thủ tục hành chánh luôn khắc nghiệt dù rêu rao là đã giản dị đến tối đa. Có một ông lão cyclo già, đổ xăng công đoàn, chạy tới đâu phải trình phường đóng dấu tới đó, từ Chợ Lớn qua Phú Nhuận, đóng một dấu ở Phú Nhuận, từ Sài gòn sang cư xá Thanh Đa, đóng một cái dấu ở Thanh Đa. Nội chạy vòng vòng tìm cho ra cái trụ sở phường để đóng dấu cũng mất cha nó biết bao nhiêu xăng của nhà nước và sức lao động của nạn nhân, chưa kể gặp lúc đồng chí chủ tịch đi vắng, ngồi chờ cả buổi, cũng hụt mất mấy cuốc xe. Nâng đỡ lao động mà như thế à? Ông lão hằn học “Mồ tổ cha nó.’

Tội nghiệp đồng bào tôi, nheo nhóc khổ sở trong chuyến đi kinh tế mới tội tình. Mấy ai trong số hàng nghìn người rời thành phố hôm nay, đã ý thức được “lao động là vinh quang” là “hăng say sản xuất”? Hay chỉ vì không sống được ở đây nên phải đi thôi, dù tình nguyện hay cưỡng bức cũng đồng nghĩa như nhau, suốt ngày chạy đôn chạy đáo lo cho đồng bào, ta thấm thía hơn cái tình nghĩa con người: ‘Vì ta thương nhau là thương hết đám dân khổ đau…’.

Hàng hàng lớp lớp người chen chúc nhau trong khuôn viên Viện Hóa Đao. Ướt loi ngoi như chuột khi cơn mưa quái ác đổ xuống, tụi thanh niên cởi trần ngồi phát gạo cho đồng bào. Mấy tên to đầu biến mất hết. Chỉ còn ta với ta, thương đồng bào nhót cả ruột. Cố lên! Chịu khó, chịu khó một chút rồi cũng một chuyến đi mà, thế nào rồi cũng có ngày ta lại gặp nhau…
Khúc đường đầu là những ngôi nhà ngói đỏ, lẫn giữa vườn lá xanh um trên quốc lộ 13. Thủ Dầu Một, đoạn đường kế đó là ruộng đồng ngút mắt, tăm tắp xa ở Phú Giáo và cuối cùng là một con đường đất đỏ bụi mù với những giao thông hào đầy kẽm gai xơ xác. Nước trũng hố bom, đồi chập chùng cỏ lau, và thung lũng xám xịt, xuống xe giữa vùng kinh tế mới Bàu Ké hoang vu heo hút này đồng bào chúng ta nghĩ gì?
Đoàn người vừa rời bỏ thành phố, rời bỏ tiện nghi vật chất đô thị để ngơ ngác đặt chân đến đây, bao nhiêu là hoang mang ngại ngùng. Những ngôi nhà tranh thấp thoáng trong cỏ rậm. Đời sống sẽ bắt đầu từ con số không ở đây. Dính líu và không thể quay về, ta ứa nước mắt khi vẫy tay từ giã, có lẽ ta sẽ đến đây sớm hơn dự tính…

Ngày… tháng…
Ta đang bị ViCi khủng bố và kềm kẹp, ngày nào không khí trong nhà cũng nặng nề, ngột ngạt, tối đứng đó với má và lũ nhỏ, sáng cãi nhau với ba và chị hai, quanh quẩn trong một con hẻm chán phèo.
Ta không thể để đời sống bị lệ thuộc và chi phối nhiều đến thế. Ba hăm dọa đủ điều. Ba bảo rằng, nếu rời khỏi ông ra, đời sống chính trị của ta sẽ vô cùng đen đúa. Họ sợ con của cách mạng có tương lai tối tăm ư?
Ta sẵn sàng chấp nhận tất cả, lao tù nhà giam vốn đã phi lý từ bản chất đàn áp của nó, ta chỉ sợ tư tưởng bị đày đọa, nhốt kín thôi, ta là ngựa rừng chứ không phải là ngựa phố. Tại sao cứ thích bịt mắt để ta kéo chiếc xe cách mạng kệch cỡm của ba?

Ngày… tháng…
- Chị có mặt trong ngôi nhà này để làm xáo trộn tư tưởng lũ nhỏ, quấy rối đời sống đang đi lên của gia đình.

Nhóc Hùng hung hăng ‘đấu tố’ ta giống như cách mạng đấu tố địa chủ trong cải cách ruộng đất. Mà có gì đâu khi nhỏ My cứ đi theo chị tư than thở” Em chán quá, ba nói giải phóng là ai cũng no cơm ấm áo, mà có thấy gì đâu, tụi bạn em bỏ học vì nhà nó nghèo túng, vì ba nó đi cải tạo, má nó bán hết đồ đạc trong nhà để chạy gạo từng bửa mà không biết cầm cự được bao lâu?”

Ta ngạc nhiên khi thấy Hùng thay đổi nhanh chóng từ khi theo học lớp đối tượng đoàn, nó tưởng thế giới trong tay nó chắc, ta nghe cái từ ‘tẩy nảo’ của Cộng sản bây giờ mới biết, thật kinh khủng quá, xã hội đã biến thằng nhóc dễ thương của ta thành một tên kiêu căng phách lối, nó còn cao giọng phê bình ta là không có lập trường chính trị vững vàng, tối ngày cứ nghêu ngao nhạc vàng và đọc văn hóa phẩm đồi trụy..Trời đất! Mấy cuốn Tuổi Hoa mà hồi đi học ta nhịn ăn hàng để mua đem lên Sài Gòn cho nó đọc, vậy mà bây giờ nó”kiểm điểm” ta, tức chết đi được cái đảng Cộng sản đã làm hư thằng nhóc, thiệt thất vọng quá “đau lòng ta muốn khóc!” Để rồi xem mi phất tới cở nào, vô đoàn rồi lên đảng, vấn đề không phải mi là ai mà mi làm được cái gì lợi ích cho đồng bào cho xã hội? Điều đó mới quan trọng nhóc à!

Ngày ..tháng
Ra khỏi phòng thi, buồn ngơ ngẩn. Một chút ân hận bâng khuâng, lỗi tại tớ hoàn toàn, tớ không thích đi thi, tớ không thích đậu, không thích làm học trò nữa! Tớ chỉ tắm được một lần trong một giòng sông, tuổi trẻ hồn nhiên của tớ trôi qua đi, mất hút. Tiếc thì có tiếc, buồn thì có buồn nhưng chấp nhận. “Dứt khoát” thế thôi!

Đề thi có câu hỏi mắc cười “cho biết sự khác nhau giữa người và khỉ,” cậu biết tớ trả lời sao không? Tớ nhìn lên tường thấy hình ông Hồ chí Minh và tớ ghi ngay ‘người có râu và khỉ không có râu’. Nộp bài mà tớ cứ tủm tỉm cười hoài.

Tớ không hy vọng hay ao ước gì nữa, vì đời sống mình còn có gì để ao ước nữa đâu! Tí Cồ sẽ mất đi cái dịp nôn nao chờ nghe kết quả của tớ như tâm trạng gã bộ đội trong thơ ‘kách mệnh’
Nghe tin em vào đại học,
Nửa tin nửa ngờ tên lại trùng tên.
Tớ thấy mình tàn nhẫn hết sức khi bình thản bước ra khỏi cổng trường thi mà lòng trống rỗng, tớ muốn phì cười khi có người hỏi tớ “Đậu không?”. Chắc đậu.
Ừ! Nhờ 30 năm đời ba ta có Đảng!

Quê quá, phải không Tí Cồ? Tệ lắm thì tớ cũng được ‘bế’ vào Đại học Dự Bị, nhưng mệt quá. Tớ sợ sách vở lạ lùng. ‘Thôi thì thôi, chẳng đành thì thôi, thôi thì thôi nhé…’

Giờ thì tớ tiếp tục đi làm, bình thường nhưng chẳng có vẻ gì là bình thường hết, vẫn ngành Vận Động Xây Dựng Kinh Tế Mới, mỗi tháng đi công tác hai lần, điều xe và đổ dân xuống vùng kinh tế mới Đồng Xoài, Sông Bé.

Chen chúc đứng ngồi giữa đoàn người gói khăn lũ lượt hỗn độn và bần cùng. Những buổi trưa nắng cháy và chiều xuống mưa dầm. Những ngôi nhà tranh thấp tè (công trình của Thanh Niên Xung Phong), lô nhô giữa rừng lau sậy, ngay ngắn, kiểu mẫu.
Đồng bào xuống xe với gương mặt ngơ ngác, bàng hoàng khi được gọi tên nhận nhà mới, thuộc quyền làm chủ của mình từ đây, với nước ngập đầy sân, cỏ tranh leo tận cửa. Chưa có vách che nên gió thổi luồn lạnh buốt.

Những tiếng thở dài, những lời phàn nàn trách móc, hay tệ hơn nữa, sự gay gắt sẵn sàng chụp lên đầu các cán bộ điều xe, đổ dân như tát nước vào mặt.
- Vùng “đất hứa” của các người đó à?
Ở năm ba tháng, gặp bao nhiêu sự thật phũ phàng, gạo nước dầu lửa, nhu yếu phẩm, thuốc men bệnh tật. Hàng trăm thứ khó khăn thiết yếu, đành trốn về Sài Gòn chửi rủa vung vít. Những tiếng”phản ảnh” làm tớ đau lòng.

Có thật tớ cũng đang đồng lõa tiếp tay với những tên đao phủ cố tình giết chết đồng bào mình không? Mỗi chuyến đưa dân về, tớ buồn và nản lòng không tả được. Nảy ra ý định “được” thi rớt,“được” dẹp bỏ dứt khoát mọi bận bịu ở Sài Gòn. Tớ sẽ đi kinh tế mới! Tớ sẽ sống với đồng bào của tớ!

Có thấy những gương mặt thảng thốt của người dân khi vừa đến vùng Kinh Tế Mới, mới thấy thương dân chúng mình. Người vợ trẻ với năm bẩy đứa con nheo nhóc đi kinh tế mới làm gì? Phải chăng để mong mỏi chồng mình sớm được học tập trở về? Anh sinh viên đen đúa kia tại sao có mặt ở đây trong khi bạn bè anh đang ở giảng đường đại học? Vì điều đơn giản, anh là con em của ngụy quân ngụy quyền, không đủ tiêu chuẩn đi học, gia đình không thể cưu mang mãi đời sống bình yên cho anh. Rồi cũng phải đi thôi! Dứt khoát là như thế, không Thanh Niên Xung Phong thì cũng nghĩa vụ quân sự. “Tầng lớp tiên tiến” mà!
Tớ yêu đồng bào yêu tuổi trẻ của mình, bây giờ thì Tí Cồ đã hiểu tại sao tớ thi hỏng đại học, lý do này có gì đáng trách không Lộc? Tại tớ muốn thế mà.

Ngày xưa, đọc thơ bạn bè, thấy không có gì hết. Nhưng bây giờ, lật lại trang báo học trò cũ, đọc thơ Huy Giao, thấy thấm thía lạ lùng:
Còn gì vui bằng niềm vui hôm nay,
Lấp kín đi anh, những hố bom cày.
Mùa sau xới đất trồng khoai sắn,
Khi lá xanh rồi, buồn cũng nguôi ngoai…

Mùa sau đã hơn năm rồi mà sao lá chẳng xanh để lòng tớ nguôi ngoai? Lý tưởng tuyệt vời quá đỗi với tuổi trẻ bọn mình. Hát đồng dao hòa bình và ngợi ca tự do hạnh phúc, bình đẳng và yêu thương. Nỗi ao ước như một cái gì đó gắn bó không rời “ở một nơi nào mà ai cũng yêu nhau”, có thật bây giờ chúng ta đang sống trong một vùng đất mà “ai cũng yêu nhau”? thật là chuyện hoang tưởng khi sống trong chế độ này, vì người nào thương ta cho bằng ta đâu.
CÒN TIẾP /Phần cuối
-----------

No comments: