Tuesday, February 21, 2023

CHƯ PAO /CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ - BÙI XUÂN ĐÁNG

CHƯ PAO /CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ

BÙI XUÂN ĐÁNG
Anka Pham

Bên cạnh quốc lộ 14, trên con đường huyết mạch nối dài từ Buôn Mê Thuột qua Pleiku đến Kontum, một căn nhà nhỏ nằm trơ trọi gần đỉnh đèo Chư Pao, một rặng núi cao chừng 1500 thước mà người Jarai gọi là Chư = Núi Pao. Căn nhà mái lá, vách trát đất bùn gần như cố bám víu vào sườn núi cheo leo dốc ngược, phía dưới là thung lũng sâu thăm thẳm..

-----------------------

Trời vào mùa xuân, tuy đã hơn 9 giờ sáng, mà mặt trời mới ló ra khỏi đám sương mờ bao phủ những ngọn núi trùng trùng điệp điệp và cánh rừng sâu ngút ngàn phía dưới. Tiếng chim rừng vang vọng trong cảnh vật mơ hồ huyền ảo để đón chào bình minh cũng như bắt đầu cho một ngày mới. Xa xa một con hoẵng cô đơn tép lên những tiếng rời rạc, âm thanh hình như không thoát ra khỏi vùng suơng mù dầy đặc.

Co ro trong ba bốn lớp áo dầy cộm cũng không xua được cái lạnh của núi rừng ngấm vào tận trong cơ thể, Sơn với chiếc bật lửa Zippo châm ngọn lửa vào chiếc đèn dầu hôi trên chiếc bàn bằng mấy khúc cây ghép lại. Ánh lửa tuy nhỏ nhưng cũng mang lại một chút gì ấm áp, dù chẳng đủ để xua làn sương băng giá. Lấy chiếc đóm bằng nan nứa chẻ mỏng, Sơn nhóm ngọn lửa hồng trên chiếc bếp lò bằng chiếc chảo gang đã vỡ. Bước vội ra ngoài múc chút nước còn sót lai trong chiếc vại sành đã mẻ miệng. Hơi lạnh ùa vào trong nhà như muốn dập tắt ngọn lửa leo lét vừa được nhúm lên. Căn nhà dường như ấm áp hẳn lên với ánh lửa chập chờn soi trên vách đất quét vôi trắng loang lỗ vì nước mưa ngấm vào…

Qua cánh cửa hé mở, nhìn xuống con đường chạy vòng chân núi quanh co, khúc khuỷu lúc ẩn lúc hiện sau tàng cây, gộp đá bàng bạc sương mù. Trên con đường đèo độc đạo này, xưa kia đã xẩy ra những trận đánh kinh hồn đẫm máu, nhất là vào năm 1972. Bom đạn đã phá tan tành nhửng xe cộ, súng ống và nghiền nát thịt xương con người, máu đỏ đã nhuộm thắm cỏ cây, hốc đá dọc theo con đường tử lộ. Bây giờ cây cối, giây leo đã phủ kín mọi chỗ cũng như thời gian đã xóa mờ hình ảnh thảm khốc ngày nào…

Ngoài hiên những dò phong lan đủ loại mang về từ các cánh rừng núi Tây nguyên ngút ngàn tiếp nối trong khu vực tam giác Kontum, Cheo reo và Pleiku: Hạc đính (Phaius tankervillae) với những chiếc lá xanh to bản và những dò hoa thẳng đứng cao gần một thước, mầu hoa ngoài trắng trong nâu cúi mặt e ấp như những cô gái còn đương hàm tiếu, Chu đinh (Spathoglotis plicata) với những bông hoa vắt vẻo ở đầu cành mang mầu tím Huế, mầu áo của những nữ sinh Đồng Khánh. Vài khóm Tục đoạn (Pholidota articulata) mới nhú mầm xanh trên ngọn gần như đã chết khô. Đây đó vài cụm Hoàng kiếm lan (Cymbidium finlaysonianum) lá dài và cứng mầu xanh bóng loáng có những chùm hoa mầu hổ phách buông thõng dài hơn một thước, bên cạnh là những khóm lan Hoàng thảo xương khô (Den. mannii) thân khẳng khiu gầy guộc như chiếc xe điếu trúc…

Năm đó Sơn vừa tròn 18 tuổi, cái tuổi hãy còn hồn nhiên, chàng đã bị cuốn hút vào vòng lửa đạn. Sau những tháng ngày thụ huấn quân sự, Sơn được bổ xung cho một đơn vị thám báo tại miền rừng rậm núi cao. Khu rừng này đầy rẫy những cụm lan rừng, một thứ hoa lạ lùng đối với chàng thư sinh chỉ biết vúi đầu vào trong sách vở. Sinh ra và lớn lên trong một thành phố nhỏ bên bờ sông Hậu, ghe thuyền dưới sông và xe cộ trên bờ lúc nào cũng tấp nập vội vã, bỗng dưng bị ném vào một khung trời hoàn toàn xa lạ. Khác lạ từ khóm cây ngọn cỏ, đồi núi chập chùng, rừng già hoang dã. Núi liền núi, rừng tiếp với rừng, đường mòn quanh co hun hút. Ở đây, dân chúng thưa thớt họa hoằn mới có một xóm nhà hiu hắt của những người kinh và một vài buôn của người thựơng bắt đầu bằng chữ Plei như Plei Mei, Plei Me rong v.v… Con đường đèo uốn khúc quanh co, lên dốc,xuống đèo thỉnh thoảng mới có bóng dáng một vài thổ dân mang nấm, mang măng ra vệ đường bán cho những chiếc xe đò qua lại. Lâu lâu một đoàn xe nhà binh hay xe thiết giáp nặng nề di chuyển, tiếng máy xe gầm rú vang trời, bỏ lại phía sau những đám bụi mù phủ dầy thêm một lớp cho đám cây lá bên đường.

Ngày đó, khi đi dọc theo những con sông, con suối hoặc len lỏi qua những con đường mòn vào buôn người Thượng chàng bắt gặp biết bao nhiêu loài phong lan kỳ ảo quyến rũ. Lan mọc trên thân cây cổ thụ hay trên những cành cây cao thấp phủ đầy tầm gửi. Lan mọc bên bờ suối trong vắt, uốn mình qua những tảng đá rêu xanh trơn trượt hay trên vách đá vôi cheo leo bên bờ vực thẳm, chỗ nào cũng có những đóa phong lan dị hình, dị sắc. Những buổi thám thính quanh vùng Sơn đã góp nhặt khá nhiều hoa lan đủ loại.

Sơn còn nhớ rõ, sau mấy ngày lạc lối trong khu rừng rậm rạp âm u, chàng và đồng đội đành lội xuôi theo giòng suối cạn, hy vọng tìm về một bản người Thượng ở cuối nguồn nước. Vừa chui ra khỏi khu rừng rậm phủ đầy gai góc chàng nghe có tiếng cười đùa ròn rã của những người con gái vang trong một khúc rừng hoang vắng. Ra hiệu cho đồng đội dừng lại và giữ im lặng, chàng bò theo những ghềnh đá cao hơn đầu người, len lỏi sau những khóm cây lòa xòa che khuất.

Một khoảng rừng thưa hiện ra trước mặt, cây cối hình như đã được tạo hóa xắp đặt vây quanh một vùng lâm tuyền hạ giới. Giữa khoảng trời quang đãng và làn nước trong xanh quyến rũ đó một bầy thiếu nữ, toàn thân không một mảnh vải, thản nhiên tạt nước đùa nghịch. Duới ánh nắng, những mảng da thit trắng hồng tương phản mầu lá cây rừng xanh thẫm. Những tòa thiên nhiên lồ lộ, những đồi núi rung rinh gợi cảm nổi bật bên đám cỏ mượt mà ở vùng cấm địa làm cho chàng có cảm tưởng là mình lạc đến chốn Đào Nguyên tiên cảnh. Trong số này có một người có vẻ cao lớn hơn, da dẻ cũng trắng trẻo hơn và trên má bên trái có một bớt chàm khá lớn. Mới đầu Sơn nghĩ rằng đó là những thổ dân tắm sưối, nhưng không, giọng nói của bầy thiếu nữ trong trẻo rõ ràng như giọng người miền suôi cả Nam lẫn Bắc.

Chưa kịp nhận định hay có một phản ứng nào rõ rêt, bên kia giòng nước bỗng một đám người áo xanh, nón cối xuất hiện. Bầy con gái vội vã lên bờ mặc quần áo, nhập bọn và mất hút sau những lùm cây xanh tốt. Hoảng hồn, Sơn và đồng đội nằm yên bất động rồi lặng lẽ rút lui.

Vài hôm sau, chàng lại gặp khuôn mặt có vết chàm và thấy tiếng nói trong trẻo đó khi hỏi mua những khóm phong lan treo trước cửa một căn nhà trên đường đi đến sóc Polei Krong. Sơn giả vờ như không biết chuyện tắm suối và cũng chẳng thèm để ý tới vết chàm trên khuôn mặt diễm kiều. Nàng vui vẻ cởi mở tiếp đón và chàng cũng không ngần ngại làm quen. Tiếp theo sau, một vài lần hò hẹn trong quán cà phê hay ngắm cảnh hoàng hôn bên đồi lộng gió, họ quấn quýt lấy nhau như nam châm cuốn hút mạt sắt vụn. Sơn quàng lên chiếc cổ trắng ngần một tấm khăn quàng mầu hồng phấn. Thảo tặng chàng một khóm lan Nhất Điểm Hồng (Dendrobium draconis) với chùm hoa cánh trắng, nhi mầu vàng cam. Thân cây còn non có những cọng lông đen xuốt từ gốc tới ngọn, nàng giải thích mầu trắng là mầu tượng trưng cho sự trinh bạch và một chấm mầu đỏ hồng nói lên tấm lòng thủy chung như nhất. Ôm nàng vào lòng, Sơn đùa cợt hỏi:
Thế còn những cụm lông tơ đen mượt tượng trưng cho cái gì hở em?

Thảo đỏ mặt và tặng cho chàng một cái lườm tưởng chừng như siêu thành đổ quách. Nàng cũng không ngần ngại cho Sơn biết rõ về việc nàng giả dạng vào rừng kiếm lan nhưng thực ra gia đình nàng bị bắt buộc phải tiếp tế lương thực, thuốc men cho đám người lẩn trốn trong đó.

Ý hợp tâm đầu, cùng một sở thích yêu mến loài hoa của rừng sâu núi thẳm, cùng chán ghét cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, một cuộc chiến cho những chủ nghĩa ngoại lai làm cho xứ sở tan hoang, gia đình tan nát Họ hẹn cùng nhau khi đất nước thanh bình sẽ về đây sống cuộc đời bình dị giữa đám hoa cỏ thiên nhiên. Thế rồi một hôm trên đường đến chỗ hẹn, Sơn bị bọn người lạ mặt bắt đi. Vào tới rừng sâu, họ trói chặt chàng vào gốc cây rồi rủ nhau xuống suối bắt cá. Đương nghĩ quẩn quanh tìm phương kế trốn thoát, Thảo bỗng xuất hiện, cởi trói cho chàng và cùng nhau đào tẩu. Họ chưa kịp hoàn hồn bàn tính những chuyện gì phải làm trong ngày tháng sắp tới, chiến tranh đã bùng nổ khốc liệt và tàn nhẫn hơn bao giờ hết. Núi rừng Tây nguyên bị bom đạn giáng xuống long trời lở đất. Trận chiến diễn ra liên tiếp trên con đường đèo, trên khắp mảnh đất quê hương đã cằn cỗi lại càng thêm cằn cỗi.

Nhưng rồi chiến tranh cũng đến lúc phải chấm dứt, người lính hai bên ngỡ ngàng trở về với một nỗi chán chường, nhưng tạm an ủi rằng mình không phải như các đồng đội đã bỏ xác trên chiến đia, hy sinh cho một cuộc chiến tranh vô nghĩa. Sau 3 năm là tù cải tạo, Sơn trở về, mới hay gia đình chàng không còn một ai sống sót trong một cuộc hải hành đau thương khổ ải. Người dân lúc này sống trong sự thiếu thốn và trong sự đổi thay khắc khổ về mọi mặt. Không thân thich, không nghề nghiệp chuyên môn và nhất là không còn hộ khẩu, Sơn không còn gì để lưu luyến chốn phồn hoa đô hội. Chàng trở về Tây Nguyên hy vọng gặp lại người xưa cùng nhau thực hiện mộng ước ngày nào. Chàng dựng một căn nhà nhỏ bên đèo Chu Pao mong gợi sự chú ý của nàng và tìm lan, kiếm măng nấm sinh nhai độ nhật. Nhưng đã năm năm, rồi mười năm trôi qua từ thôn trên, bản dưới, xóm nhỏ quận huyện, chàng hỏi thăm khắp nơi cũng chẳng tìm ra tung tích.
Ngày qua tháng lại, Sơn đành sống im lìm, câm nín với một cuộc đời vô vọng như lũ cây rừng, như giòng suối quanh co. Còn đâu những ngày má kề má, vai tựa vào nhau, đôi tay quấn quýt! Giọng nói thanh tao thánh thót như tiếng chim rừng, tiếng cười giòn rã chỉ còn vang lên trong tâm khảm. Giòng suối trong vắt hiền hòa với những khóm lan đủ mầu, đủ sắc chẳng còn là nơi lý tưởng. Ánh trăng thu vằng vặc treo trên đầu núi chẳng còn là ánh trăng thơ mộng ngày nào, tất cả chỉ còn là một mảnh trăng cô đơn, lạnh lẽo, buồn thiu…

Mấy ngày qua, một chiếc xe du lịch nhỏ vòng lên lượn xuống khúc đèo Chu Pao, vài ba lần dừng lại trước căn nhà nhỏ cổng khóa im lìm, sau đó xe chạy qua Trung Nghĩa lên Kontum, đổ sang Lệ Trung, trở về Pleiku, băng sang Plei Rong rồi trở lại Plei Roh. Cuối cùng xe cũng dừng lại trước căn nhà nhỏ lúc này cổng đã rộng mở. Từ trong xe, một thiếu phụ xinh đẹp buớc ra. Ví khoác trên vai, áo thun mầu lá mạ úa bó sát vòng ngực nở nang, chiếc quần bò hơi chật ôm lấy đôi chân dài có những ngón sơn mầu đỏ chót. Bước lên vài bậc đá còn ướt sũng sương đêm, nàng chẳng thèm để ý tới những dò lan treo trên giàn hay bầy la liệt dưới đất lên tiếng:
Làm ơn cho tôi hỏi thăm…

Trong nhà, Sơn còn đang đê mê với khói thuốc lào, một thú đam mê học được từ ngày sống trong trại cải tạo. Khi nghe giọng nói trong thanh, chàng vội vã bước ra.

Thiếu phụ chăm chú ngắm nhìn người đàn ông trước mặt. Đầu bù, tóc rối, hàm râu lởm chởm như cả tháng không biết đến lưỡi dao cạo. Măt mũi lờ đờ vì còn say thuốc.. Chiếc áo nhà binh cũ kỹ, cổ và vai áo đã sờn. Tay áo và trước ngực vài ba lổ thủng. Thân hình còm cõi trong chiếc áo rộng thùng thình.

Anh Sơn! Có phải anh Sơn đó không?
Sơn mở to con mắt ngờ vực nhìn người thiếu phụ từ đầu tới chân. Nàng quá sang và quá đẹp, gương mặt tuy không son phấn nhưng sáng hơn trăng rằm, mi thanh mục tú khác hẳn với những phụ nữ quanh vùng. Chiếc mũi dọc dừa và đôi môi mọng đỏ hồng, chiếc má phinh phính có núm đồng tiền, lại không có vết chàm đâu có phải cô Thảo ngày xưa. Đôi bông tai, sợi giây chuyền và chiếc nhẫn hạt soàn ở tay nói lên vị thế của nàng. Sơn ngần ngại đáp:
– Phải tôi là Sơn! xin lỗi cô là ai?
– Trời ơi! Anh không nhận ra em sao? Em là Thảo đây?
Thiếu phụ òa lên khóc nức nở.
– Thảo đấy ư! em…… à cô sang trong và xinh đẹp quá làm sao tôi có thể nhận ra…

Phút giây cảm động trôi qua, mời Thảo vào trong nhà ngồi trên chiếc ghế gỗ duy nhất bằng những cành cây ghép lại. Sơn kể lể những chuyện đã xẩy đến cho chàng và những ngày tìm kiếm và chờ mong. Thảo cũng cho chàng biết chiếc bớt trên má đã nhờ phẫu thuật tinh vi lấy đi từ mấy năm nay.

Chắc hẳn anh còn nhớ, ngày 17 tháng 3 năm đó, gia đình em theo chân đoàn quân, đoàn xe và đoàn người di tản đủ cả quân lính, gia đình và dân chúng bồng bế nhau rùng rùng bỏ chạy theo con đường liên tỉnh lộ 7, con đường của tử thần từ Pleiku qua Cheo Reo về Tuy Hòa. Phải gọi là con đường của tử thần vì cái chết luôn luôn rập rình kề cận, người ta không những chết vì đói khát, chết vì pháo kích, phục kích và truy kích mà còn chết vì giẫy đạp lên nhau để tìm đường sống. Thật là đoạn đường kinh hồn táng đởm, xác người, xác xe, súng ống, xe tăng, đại bác ngổn ngang khắp nơi khắp chốn.

Cuối chúng em cũng về tới Tuy Hòa nhưng nơi này đã bỏ ngỏ. Mọi người dồn ra cửa biển, thấy một chiếc thuyền tuy đã chật ních những người chúng em cũng nhào tới. Thuyền chạy ra khơi và sau cả tuần chịu đựng đói khát và sóng quật gió vùi chúng em đến Vũng Tầu, nhưng chẳng bao lâu đoàn người khốn khổ lại chen lấn xuống tầu ra biển. Một lần nữa người ta lại xô đẩy, giầy xéo lên nhau nhưng may thay vào phút chót gia đình em được tầu Mỹ cứu vớt và đưa tới Hoa Kỳ.

Suốt trong thời gian ở trại ty nạn và mười mấy năm chật vật sống ở quê người không lúc nào em không tưởng nhớ tới anh. Em đã tìm anh qua Hội Hồng Thập Tự, qua bạn bè, nhắn tin trên báo, nhờ người ở Việt Nam thăm hỏi. Nhưng tìm anh như thể tìm chim, tìm anh cũng như tìm chồng giữ chốn ba quân, tìm hạt cát trắng trong bãi sa mạc mênh mông. Em đã trở về hai lần để kiếm anh, nhưng những lần trước, không được phép lên đây, em phải thuê người lên tìm đều không thành công.

Lần này tấm lòng chung thủy của em đã được Đất Trời chứng giám. Em muốn cùng anh rời bỏ nơi chốn đau thuơng này đến một phương trời xa lạ. Nơi đó chẳng tuy chẳng phải là quê hương bản thổ, chẳng phải là nơi khi xưa chúng ta đã hằng nguyện ước, nhưng nơi đó có tình người, nơi đó có tự do. Nơi đó cảnh vật hoàn toàn khác biệt với quê nhà, nhưng nơi đó chúng ta có thể thực hiện ý nguyện của mình. Ở nơi đó em đã có một vườn lan cho anh. Vườn lan có đủ mầu đủ sắc có đủ cả: Long Tu, Kim điệp, Dã hạc, Huyết nhung và có bông lan Nhất Điểm Hồng này luôn luôn trông mong, chờ đợi anh…

Căn nhà nhỏ từ đó bị bỏ hoang, chẳng còn ai lai vãng. Xe cộ và những ngưới qua lại chẳng ai để ý rằng nơi đây đã có một căn nhà với giàn phong lan trước cửa.
Bốn năm sau, trên đỉnh Chu Pao một chiếc xe chạy đi, chạy lại và dừng lại trên con đường đèo trước cửa căn nhà năm xưa. Nơi đây cây cỏ và giây leo không tên đã phủ kín mặt tiền và bậc đá. Một thiếu phụ bước ra khỏi xe, tay bưng một chiếc hộp nhỏ, tay dắt một bé trai ngộ nghĩnh. Người tài xế rẽ cây vạch lá giúp cho người thiếu phụ bước lên. Căn nhà đổ nát chỉ còn là một đám kèo cột ngổn ngang, vách đất xiêu vẹo mục nát. Cỏ dại và những đám giây bìm bìm cùng nhãn lồng quấn quýt lấy nhau. Thiếu phụ nước mắt lưng tròng, nhìn quanh một vòng rồi đặt chiếc hộp trên một gộp đá. Người tài xế bước vội xuống xe, bưng lên một mâm trái cây, hương đèn và đặc biệt nhất là một lẵng hoa toàn những đóa lan Nhất Điểm Hồng kết lại.
Anh Sơn! Em đã làm theo ý nguyện cuối cùng của anh. Hôm nay em và con mang anh trở về chốn cũ. Nơi mà em đã gặp anh và trở lại tìm anh. Đây là nơi chốn mà anh yêu thương gắn bó và còn trăn trở cho đến giây phút cuối cùng. Anh yêu quý! chúng ta không được chung sống với nhau khi tuổi thanh xuân, chúng ta cũng chẳng được cùng nhau nắm tay đi hết cuộc đời. Nhưng may mắn thay lời cầu nguyện của em đã được tổ tiên phù hộ cho em tìm thấy được anh và sống với anh một thời gian tuy quá ngắn ngủi, nhưng đền bù cho em bao mỗi nhớ thương đã được trọn vẹn. Anh ơi! ông trời nỡ lòng nào đoản mệnh anh để cho em phải bơ vơ nơi đất khách, em rất đau lòng. Anh ra đi để lại cho em một nỗi nhớ thương vô hạn, nhưng may mắn thay, anh đã để lại cho em một giòng máu. Vì đứa con này, vì giọt máu của anh em sẽ cố gắng phấn đấu vượt qua mọi trở ngại nuôi nó nên người…
Nước mắt chan hòa, Thảo mở chiếc hộp, bốc một nắm tro soa soa vào lòng bàn tay đưa lên khấn khứa rồi tung lên theo làn gíó thoảng. Khói hương và tro bụi làm cho khoảng không gian trở nên mù mịt.

– Anh Sơn! Xin anh hãy yên giấc ngàn thu. Anh yêu quý! Mẹ con em xin vĩnh biệt anh, anh ơi!.

3 giờ chiều hôm đó, chiều ngày 17 tháng 3 năm 2005, chiếc xe hơi mang theo người thiếu phụ và đứa con nhỏ rời khỏi đèo Chu Pao, hướng về phía Liên tỉnh lộ 7, con đường mà 30 năm trước đây, chỗ nào cũng tràn đầy những hình ảnh kinh hoàng, thảm khốc.
BÙI XUÂN ĐÁNG

No comments: