(Trần Thy Vân)
THÀNH PHỐ CŨ
Thấm thoát, chiếc xe đò cũ kỹ, nhét vội mấy mươi người, đã rời khỏi Sa Huỳnh, chạy thâu đêm xuyên qua Bình Định, Khánh Hòa, sáng nay thì dừng lại ở xóm Động.
Phan Rang đây rồi sao? Ngày trở về có anh thương binh, tổ quốc đã dành cho một sự trừng phạt, mất nửa phần thân thể vẫn chưa chai đá, để còn biết hổ thẹn. Phan Rang, thành phố cũ, của mười năm trước tôi thôi học lên đường tòng quân với mộng ước quê hương sẽ sạch bóng thù, mà nay tôi như kẻ xa lạ giữa khung trời ảm đạm, lớp phế hưng che khuất đường về với những ánh mắt thân thương, bao nụ cười tuổi đại. Tôi ngơ ngác, lạc lõng…
Thành, người bạn mới quen, lăng xăng lấy hành lý và nhờ các phu khuân vác đưa chiếc Honda ba bánh trên mui xuống. Xong, Thành và tôi, cả hai như bất động, đứng nhìn nhau, dù sâu kín cũng không giấu được một nỗi buồn hiện rõ trên mỗi nét mặt. Tôi ở đây, Thành thì đổi hướng tiếp tục lên Đà Lạt, biết bao giờ gặp lại.
Rất tiếc, qua một chặng đường dài mệt mỏi, hai đứa ngủ gà ngủ gật, chưa kể hết cho nhau nghe những mẩu chuyện về thân phận những kẻ chiến bại sa cơ, bị đọa đày dưới chế độ bạo ngược này, nhưng Thành cũng rất tâm đầu ý hiệp với tôi từ lúc xe ngừng tại Sa Huỳnh.
Trước phút chia tay Thành biết tôi chưa dứt khoát về đâu, nhà Huệ, cô em gái cùng cha khác mẹ của tôi có chồng dưới Vân Sơn, gần Ninh Chữ. Trên bước đường lánh nạn thế này, tôi không muốn lụy tới Huệ. Còn ông bà ngoại sắp nhỏ trên ấp Phủ Thành, Thuyền Cũ, thì cũng ý hướng đó. Thấy tôi mãi lưỡng lự, Thành chạnh lòng đổi ý, bỏ ngang chuyến xe lên Đà Lạt, anh đưa tay chỉ cái quán ăn bên kia đường, nơi khu Tam Giác:
– Vào đó kiếm gì lót bụng, mọi chuyện tính sau. Tôi hiểu tâm trạng Vân, như kẻ đứng giữa ngã ba đường.
Không đợi tôi gật đầu, Thành vội vứt hai túi xách lên phía sau chiếc Honda ba bánh, rồi hì hục dắt bộ, tôi lăn xe theo.
Tuy quán vắng khách, Thành vẫn ngại hai đứa có thể hớ hênh không ý tứ, nói năng “phản động”, nên đưa tôi vào ngồi bàn trong cùng.
Bà chủ còn trẻ, gật đầu chào và giới thiệu thực đơn:
– Sáng nay chỉ có bún tươi với mắm nêm.
Thành nói:
– Được! Cho hai tô, bỏ ớt tỏi nhiều, rau nữa.
– Phan Rang này khỏi nhắc mấy thứ đó? Phải không, anh Thy Vân?
Tôi giật mình, ngước nhìn người chủ quán:
– Sao biết tên tôi hay vậy?
Với nụ cười mủm mỉm, bà vừa cầm khăn lau các vệt nước loang lổ trên mặt bàn vừa hỏi lại:
– Làm như tên anh đẹp lắm! Không nhớ ai đây sao?
Tôi nhíu mày:
– Nhớ sao nổi…
– Anh biệt xứ cả chục năm, quên hết! Hân học Duy Tân đây, nhớ chưa? Tụi bạn nói anh đi Biệt Động Quân bị thương cụt hết hai chân trong trận nào đó ngoài miền trung, nay Hân mới thấy. Sao dữ vậy?
– À… Hân cùng lớp ngày xưa với tôi. Xin lỗi, vì Hắn bây giờ đẹp hơn thời thiếu nữ, hay vì tôi tàn phế, lẩm cẩm không nhìn ra cô bạn cũ. Chồng đâu Hân?
Nghe tôi hỏi, Hân đổi sắc mặt, từ vui qua buồn, đôi môi mấp máy, muốn khóc:
– Tù rồi…
Cô bạn miễn cưỡng trả lời xong vội đi xuống bếp. Vì chưa thấu hiểu tâm trạng của nàng, tôi nói với theo:
– “Học tập cải tạo” chứ tù gì, Hân!
Nàng quay lui:
– Anh cũng nói vậy à?…
Hân im lặng một giây sau câu hỏi vặn lại ẩn ý trách móc, rồi nàng vừa run rẩy vừa trút ra một tràng lời cay đắng:
– Huân, chồng tôi, không tuân hành cái lệnh hèn nhát của tổng thống phản quốc Dương văn Minh, bảo toàn quân buông súng đầu hàng, giao nạp vũ khí, cả mạng sống của mình cho kẻ thù. Cái lệnh ngu xuẩn ấy tiếp tay giặc chiếm miền Nam, sẽ còn ám hại đến ba đời chứ không riêng thế hệ này. Huân không thể làm “hàng thần lơ láo”, tự trình diện “học tập cải tạo, để bản thân, đất nước ô nhục. Huân vào rừng, thà hợp tác với Fulro tiếp tục chiến đấu như ngày nào. Dĩ nhiên, anh đã phải sa cơ, bị Cộng quân, lũ cướp nước, bắn trọng thương ờ Hữu Đức tháng Sáu vừa qua… Như vậy mà gọi là “học tập cải tạo,, sao anh Vân?
Tôi tối mắt, mặt sa sầm xấu hổ. Lời nói tôi vô tình chạm đến nỗi đau đớn của người bạn học có chồng là một chiến sĩ bất khuất, đang chết dần mòn trong bàn tay sắt máu của giặc cướp phương Bắc.
Thành cũng kém vui, anh phân bua:
– Vân dùng cụm từ đó là để che mắt bọn gian ác, cô Hân!
Xong, Thành gật gật cái đầu, tỏ vẻ đắc ý. Câu Thành nói như một châm ngôn, đã hóa giải được sự tự ái của hai người, hôm qua tôi tại Sa Huỳnh, hôm nay đối với Hân.
Chắc chưa nguôi giận, gương mặt Hân còn lộ nét chua xót khi đến đặt bình trà trên bàn và không buồn nhìn tôi như lúc mới gặp nhau. Hân chậm rãi rót nước ra hai ly, thái độ chần chờ một điều gì.
Tôi nói khẽ:
– Xin lỗi nghe Hân! Huân khí khái thật? Hân à, tôi không buồn vì những lời đay nghiến ấy, mà còn muốn đón nhận sự nguyền rủa nặng hơn.
Hân im lặng. Thành thì không nắm bắt được ý của tôi, vội chuyển qua đề tài khác, đánh trống lảng, và cũng để thay đổi bầu không khí hơi u ám, anh hất cằm hỏi tôi:
– Hân vừa đề cập đến Hữu Đức, là ở đâu?
– Một làng Chàm, thuộc quận Bửu Sơn, nằm heo hút phía tây Phan Rang, cách đây trên mười cây số. Cảnh trí nên thơ, có núi sau lưng, có sông trước mặt…
– Vân tới rồi?
– Hồi còn học trường Duy Tân Phan Rang, tôi thường theo mấy người bạn Chàm Năng Xuân Bì, Quảng Đại Banh, Hán Thanh Tủ, Đàng Năng Hồi…
về chơi các miền quê cố quốc Chiêm Thành mỗi dịp hè ở Hữu Đức, Cà Na, Chất Thường, Công Thành, Bà Dày, và vào tuốt Mỹ Nghiệp tán tỉnh các cô trong đội vũ Chiêm từng đi lưu diễn nhiều nơi… Vui nhất là những lần dự đám cưới, tụi này phải lưu lại hai ba ngày, ăn uống thoải mái. Người Chàm hiếu khách, tiếp đón niềm nở, nhà luôn luôn sẵn sàng hàng chục đôi chiếu để khách nằm. Tụi tôi hay lui tới nơi nào có con gái. Mỗi lần vậy thì cha mẹ lánh mặt hết, nhường nhà trên cho các cô cậu tự do đùa giỡn suốt đêm. Nhưng chớ bao giờ dại dột tán tỉnh công khai, hay nói: “Ai ních tài lô” (anh yêu em) là chết…
Thành cười khật khật:
– Sao vậy?
– Đề cập đến yêu đương tức thuộc về hôn nhân, rất quan trọng. Người Chàm theo mẫu hệ. Nếu cha mẹ cô ta nghe được câu tỏ tình ướt át thì lập tức họ yêu cầu cả bọn về ngay, như đuổi khéo để họ hỏi ý cô con gái cưng, nếu thuận sẽ đem lễ vật đến cưới. Tục lệ người Chàm phải bắt rể. Trai kinh đừng hòng có chuyện đó, chẳng bao giờ các cô đáp lại: “Tài lô ai ních” (Em cũng yêu anh), và được nghe hát bài: “Em sẽ đưa anh về, về quê hương Chiêm quốc…”. Ngược lại, con gái kinh mình cũng lắm cô bắt chước Huyền Trân Công Chúa. Tín ngưỡng, người Chàm theo hai đạo, Bà La Môn và Bà Ni hay Bà Chăm, chắc đạo Hồi. Một bên cữ thịt heo ăn thịt bò, bên thì ngược lại…
– Vân cữ món nào?
Tôi nhìn Thành:
– Tôi hả? Vì đạo “trung dung” cửa giữa, tôi đớp láng cả hai, thịt heo lẫn bò, cho bỏ ghét.
– Gái Hời sao?
Tôi trừng mắt:
– Sao là sao, ý anh muốn hỏi gì? Đừng gọi Hời. Con cháu Chế Bồng Nga bây giờ văn minh lắm, có nhiều học giả, văn nghệ sĩ nổi tiếng.
– Nước Chàm có bao đời trước, đâu phải Chế Bồng Nga, vua đầu tiên? Chắc Thy Vân thích cái tên đẹp đó?
– Đúng vậy. Thế kỷ thứ 2 đã có nước Lâm Ấp, sau gọi là Chiêm Thành, giang sơn từ đèo Ải Vân đến Phan Rang, Ninh Thuận (có sách viết từ Quảng Bình đến Bình Thuận), dải đất hiền hòa, dân tình đôn hậu. Khoảng cuối thế kỷ 17 thì quê hương Chàm bị xâm chiếm, chỉ còn hồn, chứ quốc đã bị xóa tên trên bản đồ. Sở dĩ tôi nói họ là con cháu Chế Bồng Nga, vì ông vua này rất được dân Chàm quý trọng. Theo sử sách, nước Chiêm thời hậu bán thế kỷ 14 cường thịnh nhất. Vị anh hùng ấy đã dám đem quân ra đánh thành Thăng Long, khiến vua tôi nhà Trần phải thất điên bát đảo, chạy trối chết. Nói đến sắc thì tuyệt vời. Thoạt nhìn dung nhan các nàng rất uẩn khúc, lúc nào cũng “Hận Đồ Bàn”, nhờ nước da ngăm ngăm, không đen không trắng, tiếng Việt thiếu từ chính xác để diễn tả, thích hợp với xiêm y lộng lẫy, tha thướt, làm tăng thêm vẻ đẹp liêu trai của các cô gái Chàm. Quốc mất hồn còn. Tôi không nhìn hồn qua phong tục tập quán đặc thù họ giữ được đến ngày nay và chắc sẽ mãi mãi, mà trên khóe mắt u buồn người Chiêm nữ. Thuở đi học tôi có làm bài thơ tặng một cô gái Chiêm tên B. trong ban vũ truyền thống ở Mỹ Nghiệp. Nghe tôi đọc:
HUYỀN SỬ
Huyền thoại ca một mùa xuân lịch sử
Chiêm quốc kiêu hùng vó ngựa ba quân
Ngày em về ngàn xiêm y rực rỡ
Trăm lời ca trăm họ nước non Chàm.
Nay còn đâu giang sơn ta cẩm tú
Nét đẹp thiên hương màu mắt giai nhân
Ngàn năm sau em vẫn là huyền sử
Hồn Chế rêu phong thành quách điêu tàn. . .
Thành lắc đầu và thở dài:
– Sao nó giống tâm trạng mình quá, Vân ơi? Mình có khác họ đâu, nước mất nhà tan vì giặc Bắc. Kìa, Hân đem bún lên. Ngon, nay mới có dịp ăn lại mắm nêm Phan Rang…
Anh vừa nói vừa lụp chụp chan mắm vào tô, như đói đâu lắm. Tôi hầm hừ anh:
– Làm mất hứng. Tôi đang thả hồn thơ, tưởng tượng tôi là Chế Bồng Nga đang triệu giai nhân tên B vô cung múa quạt để “trẫm” xem, anh lại reo lên “mắm nêm!”, và chưa ăn đã biết ngon. Trộn xà bần rau bún lẫn nhau. ăn trưa luôn đó!
Hân đứng bên cạnh, thấy vui nàng mỉm cười:
– Các anh có nghĩ mai đây thiên hạ sẽ lấy mắm nêm, búp chuối làm chuẩn không?
Tôi đáp:
– Nữa, hết mắm nêm giờ tới búp chuối, mà làm chuẩn với thứ gì chứ, cơm gạo Nàng Hương thơm phức hay với sắn luộc đắng ngắt?
– Chọc tức hoài. Nàng Hương chỉ ở xứ Quảng anh thôi!
– Trật! Giống gạo tuyệt vời đó gốc Huế, ngày xưa họ chỉ trồng cho vua chúa ăn. Dân đen không được vớ tới. Huân bị nhốt ở đâu? Hân có đi thăm?
– Gần Di Linh. Thăm ảnh mới hai lần.
– Cho gởi lời thăm, nghe!
– Vô duyên, Huân có biết anh đâu mà nói?
Tôi lấy tay bóp trán:
– Quên, lẩm cẩm thật?
Hân kéo cái ghế sát vào đầu bàn và ngồi xuống:
– À, hôm trước Hân gặp Nhẫn vợ anh đi chợ Dinh. Lát về Thuyền Cũ, Phủ Thành chứ?
– Hân hỏi ai?
– Anh chớ ai?
– Ồ chưa biết sao đây. Hân làm mỗi đứa một tô nữa, nhớ đừng quên hai món “chuẩn”.
Nàng vừa đứng dậy vừa hỏi gặng:
– Sao chưa?
Tôi gác đũa:
– Thôi, đừng nhắc người ấy !
Thành xen ngang:
– Ăn xong mình vọt thẳng Đà Lạt chơi.
– Chà, bất ngờ ghê! Như tôi kể đêm qua, dù ông bà ngoại sắp nhỏ xúi vợ chồng tôi thôi nhau, tôi cũng phải đến thăm, nhân tiện dắt vài đứa con theo để nhờ. Có chúng nó bên cạnh mình bớt cô đơn.
– Chuyện dẫn con đi, dù vài đứa, không đơn giản đâu, và cũng chưa thuận tiện trong lúc này, phải chờ cơ hội. Vân lên chơi ít hôm để biết nhà và đủ thời gian bàn tính.
Ý kiến người bạn mới quen mà đã thông cảm hoàn cảnh, tôi đành nhắm mắt đưa chân:
– Được, mình chạy chiếc Honda ba bánh này, nhưng phải ghé qua thăm mấy đứa con một chút, nhớ quá !
– Xe chở hai thằng lên dốc Sông Pha nổi không?
– 72 phân khối lận, mạnh lắm? Từng chở trên cả trăm ký. Dốc Sông Pha ăn nhằm gì, đèo Ải Vân nó còn phóng lên như tên bay. Thành ngồi đằng sau, lưng dựa cái túi dết và ba lô. Xe lăn thì xếp để trên khung sắt bên hông.
Thành bảo Hân tính tiền. Nàng lẩm nhẩm:
– Bốn tô 100 đồng chẵn.
Thành lấy đưa tờ giấy 200:
– Khỏi thối. Xin tạm biệt, chúc Hân gặp nhiều may mắn.
Tôi nhìn Hân vẻ xúc động:
– Tôi cũng mong vậy, nhất là Huân sớm bình phục về với Hân, người vợ quý.
Xong, tôi lăn xe ra khỏi quán. Tội nghiệp cô bạn, đứng im lặng nhìn theo, nàng mỉm cười mà như muốn khóc, biểu lộ sự cảm nhận thân phận lạc loài của người thương binh ngay trên đất nước mình.
Tôi nổ máy, chạy vào con đường ngày xưa có tên là Khải Định, nhắm hướng Phủ Thành, nơi mười năm trước, Tý cùng tôi trốn học đi chơi bị ông anh nàng bất gặp về mét mẹ đánh đòn. Thấp thoáng, dọc hai bên lề, từng tốp bộ đội mang súng đi lang bang, mắt láu liên nhìn quanh, trước những ngôi nhà im vắng, buồn tẻ.
Tôi gợi chuyện:
– Thành à, gặp tôi chắc sắp con mừng lắm. Tôi vẫn chưa tin đã thực sự đổi đời. Lẽ nào mất nước là mất tất cả, như lời ai nói đó !
Anh sửa lại thế ngồi, áp sát lưng tôi và nói nhỏ bên tai:
– Đừng bi quan. Còn nước còn tát…
– Nước non gì nữa? Mới ngày nào đây một quân đội hùng mạnh giờ đã tan rã, khiến lớp chết lớp tù đày, một số cao bay xa chạy ra nước ngoài…
– Lúc nãy Hân có đề cập chuyện Fulro, nhóm Huân hợp tác. Tuy anh đã bị thương và ở tù, nhưng các tổ chức kháng Cộng vẫn còn. Vân biết Fulro chứ? Nhớ trả lời nhỏ, kẻo tiếng nói vọng xa phía trước, khách bộ hành họ nghe.
– Fulro, tên một tổ chức người Thượng: “Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Các Dân Tộc Bị Áp Bức”, nổi loạn ở Buôn Mê Thuột từ thời Đệ I Cộng Hòa, với yêu sách quá lớn, đòi tự trị cả cao nguyên trung phần. Bất thành, họ ly khai chống chính phủ. Tổng Thống Ngô Đình Diệm sai Tướng Tôn Thất Đính lên hòa giải không được, Fulro vẫn ngoan cố, và vì đa số là quân nhân sẵn có vũ khí, liền vào rừng lập chiến khu. Và mùa thu năm 1964, Fulro nổi lên chiếm cả một buôn lớn ở Buôn Mê Thuột. Họ cũng đánh luôn Việt Cộng mười năm nay, nên rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch.
Năm 72, trên đường ra tái chiếm Quảng Trị, Tiểu đoàn 21 Biệt Động của tụi tôi đã đôi lần chạm súng với Fulro trong một thung lũng phía tây An Lỗ, Huế. Lạ, tầm hoạt động của Fulro ra đến vùng I. Tuy quân số ít, mà họ rất can đảm. Bất đắc dĩ phải đánh nhau chứ Fulro không nặng lòng thù hận với người Quốc Gia. Do đó chồng Hân dựa được đám loạn quân mà bây giờ ta mới thấy hữu ích, họ chống Cộng còn hơn mình.
Một lợi điểm nữa, lực lượng Fulro có sự kết hợp với người Chiêm. Tôi nghĩ chắc Thượng-Chàm dựa dẫm nhau để tranh đấu Tôi nhớ 1964, người Chiêm lại đòi hỏi tiếng Chàm phải được dạy ở các trường học, nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không thuận. Dịp hè năm đó, từ Tháp Chàm tôi cuốc bộ vào Hữu Đức chơi, nửa đường dừng chân bên một con sông nhỏ, điểm hẹn, chờ người bạn Chàm tên Bì cỡi ngựa ra đón. Khi gặp nhau, Bì lại nghiêm sắc mặt bảo. tôi quay lui gấp, vì trong làng đang có cuộc họp lớn, bàn nhiều vấn đề trọng đại, sẽ tổ chức chống chính phủ. Tôi vội trở về.
Vì sự cảm mến nên đã hai lần tao ngộ chiến năm 1972, dĩ nhiên Fulro bỏ chạy, mà lần nào tôi cũng không thúc Đại đội 1/21 Biệt Động Quân truy kích theo, vì ngại rằng lính tôi sẽ bắn nhầm, biết đâu trong số ấy có người Chàm chưa hề phản nghịch, lại là bạn học chung trường Duy Tân Phan Rang với tôi ngày nào…
Thành vỗ vai tôi:
– Có dịp tôi kể nhiều câu chuyện huyền thoại giữa vùng rừng núi tam biên Lâm Đồng, Bình Thuận và Ninh Thuận.
“Có dịp”, nghĩa là Thành chưa thể kể lúc này. Không buồn nhìn lui anh, tôi vặn thêm tay ga cho xe phóng nhanh trên con đường quen thuộc mà buồn tênh.
Quê hương ơi, tôi đã trở về thành phố cũ thân thương, xin đừng xua đuổi nữa…
CÒN TIẾP /Kỳ6
Trần Thy Vân
------------------
MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
10. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (10) - (Trần Thy Vân)
No comments:
Post a Comment