mnc
Trên tầng đầu địa ngục
Cao nguyên dạo tháng Ba
Từ mùa xuân binh lửa
Của cuộc chiến đã qua
Máu và máu và máu
Từ buồng tim rứt ra
Bao oan khiên chồng chất
Như nứt thịt nứt da
Máu đỏ nước sông Ba
Máu láng lênh lộ Bảy
Trong xó rừng nương rẫy
Ngập ngụa đèo Tuna
Như vết xích chiến xa
Hằn sâu trong ký ức
Nhức nhối khi tháng Ba
Trở về từ tiềm thức
Nửa thế kỷ dần qua
Nỗi đau chưa nhạt nhoà
Những vết thương chiến trận
Như giọt buồn tháng Ba
mnc
20/3
-------------------
Pleiku,
vùng cao nguyên đất đỏ, giao điểm của những con đường Quốc Lộ 19, 14
nối liền Duyên Hải, vùng Hoàng Triều Cương Thổ đến cùng tận Tây Nguyên.
Pleiku
còn được gọi là thành phố Lính, nơi đặt bản doanh của Bộ Tư Lệnh Quân
Đoàn II, nơi đồn trú của Sư Đoàn 6 Không Quân , Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, 8
Liên Đoàn Biệt Động Quân, nhiều đơn vị Bộ Binh và Tiểu Khu Pleiku.
Pleiku
cũng là nơi có những ngôi trường mang tên Pleime, Pleiku, Phạm Hồng
Thái, Minh Đức, Bồ Đề, Nông Lâm Súc. Pleiku còn mang tên Phố Núi thơ
mộng, một địa danh đã được dệt nên nhiều áng thi ca bởi những nhà thơ
nổi tiếng một thời sống ở Pleiku hay chỉ một thoáng ghé qua Phố Núi: Vũ
Hữu Định, Cao Thoại Châu, Nguyễn Bắc Sơn, Kim Tuấn, Nguyễn Mạnh Trinh,
Võ Ý..
Tháng
Ba 1975, Pleiku trời bỗng đổ những cơn mưa, giọt mưa như những dòng
nước mắt đầm đìa khóc thương cho những người bỏ đi và cho cả những người
ở lại để đón chờ một cuộc đổi đời oan nghiệt.
Tháng
Ba, những đám mây la đà như những vành khăn tang phủ trên đầu Phố Núi.
Những người lính chiến bao nhiêu năm trấn thủ sống chết với vùng địa đầu
tam biên, giờ phải hốt hoảng ra đi, không kịp nói với Pleiku một lời
giã biệt, kéo theo những người dân hiền lành và cả những cô cậu học trò
đã từng lớn lên bằng hơi thở của núi rừng, một thời tuổi thơ được vỗ về
bằng tiếng đạn bom và cả những bài thơ rất tình ngợi ca Phố Núi.
Chính
hơi thở của các nàng thiếu nữ Pleiku, cùng dư âm đạn bom và cả những
bài thơ của những nhà thơ lính bị lưu đày, đã dệt thành những mảng mù
sương giăng giăng trên Phố Núi, như muôn đời ôm lấy trái tim của những
người Pleiku lưu lạc, để cho lòng lưu luyến mãi khôn nguôi...
Tháng
ba 1975, Pleiku đứt đi từng đoạn ruột. Từ trời cao nhìn xuống, dòng
người “di tản” kéo dài bất tận trên Tỉnh Lộ 7B, trông như những khúc
ruột đứt ra từ Phố Núi. Và có biết bao nhiêu người Pleiku đã không đi
hết con đường tỉnh lộ kinh hoàng này. Thân xác gởi lại nơi nào giờ cũng
đã trở thành tro bụi. Bao nhiêu đứa con thơ lạc mất vòng tay của mẹ, nếu
có còn sống đến hôm nay cũng đã trở thành xa lạ. Những người may mắn
sống sót, hầu hết đã ra đi, tản mác khắp bốn phương trời.
Tháng
ba, Phố Núi phủ lên một màu ảm đạm, hoang tàn, chia ly, chết chóc, tù
đày. Pleiku đã chết. Người thắng cuộc đã tô son trét phấn trên thi thể
của Pleiku để Phố Núi dù có rực rỡ đèn màu, có vang dậy tiếng cồng
chiêng trong các bản làng, Phố Núi cũng sẽ chẳng bao giờ là Phố Núi của
ngày xưa, của chúng ta, những người có mặt hôm nay.
Tháng
Ba, nỗi nhớ có quay về Phố Núi, thì vẫn là một Phố Núi ngày xưa. Mãi
mài vẫn còn trong tâm tưởng, ký ức của mỗi người trong chúng ta hôm nay.
Không biết có bao nhiêu nước mắt nào đổ xuống để có thể giải oan cho
cuộc biển dâu này của những người Phố Núi. Hôm nay,
Tháng
3, đúng 40 năm, ở một nơi xa xăm, muôn trùng cách biệt với quê nhà,
những người Pleiku xa xứ từ khắp nơi qui tụ về đây. Từ các anh phi công ,
các anh lính chiến Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Bộ Binh, những công
chức, thầy cô giáo, những cô cậu học trò và cả những người từng sống,
từng lớn lên từ Phố Núi. Tất cả đang ngồi quanh đây với biết bao nỗi nhớ
đang quay về. Nhớ bầu trời một thời bay bổng, nhớ núi rừng, nơi các
chiến trường của một thuở tung hoành ngang dọc, cùng sống chết với anh
em đồng đội, nhớ những con đường góc phố bám đầy đất đỏ, nhớ những mái
trường Pleime, Pleiku, Phạm Hồng Thái, Minh Đức, Bồ Đề, Nông Lâm Súc…,
nhớ Thành Pleime, phi trường Cù Hanh, căn cứ Biển Hồ, nhớ Đồi Đức Mẹ ...
và nhớ rạp ciné Diệp Kính, Thanh Bình, rạp Diên Hồng, những quán cà phê
Lính, cà phê Văn, Dinh Điền, Bắc Hương , Thiên Lý...
Những
người lính Pleiku ngày nào bây giờ đã trên tuổi 70 và những cô học trò
Phố Núi ngày xưa bây giờ cũng đã là bà nội bà ngoại, Xa Pleiku đã nửa
đời. Sao như vẫn ngỡ hôm qua hỡi người
Chào em còn một nụ cười
Sao trông như khóc bên trời nhớ nhau
Chào
Pleiku trước và sau Trong tôi còn đó nỗi sầu thiên thu Chào Pleiku
sương khói mù Chính là chào phiến lá thu lìa cành.. ( thơ của người lính
Biệt Kích Túy Hà )
Thời
gian như những ngọn gió làm cho các phiến lá vàng lần lượt lìa cành. Ta
gặp nhau hôm nay, để thấy trong ta vẫn còn có những vết thương không
bao giờ thành sẹo, và để thêm một lần cho nỗi nhớ quay về. Để nếu mai
này có là một chiếc lá lìa cành thì xin không rơi giữa hư không mà rơi
xuống giữa lòng Phố Núi. Phố Núi mênh mông, huyền thoại trong tâm tưởng
của mỗi người...
Pleiku
ơi! Tháng Ba , xin hãy cho những người đã không giữ được Phố Núi ngày
nào được nói một lời tạ lỗi. Và xin Pleiku ghi lấy tấm lòng của những
người xa xứ, cứ mỗi độ tháng Ba, là bao nỗi nhớ lại quay về, với tấm
lòng da diết những yêu thương! ( THTĐ PV Phố Núi )
----------------------
No comments:
Post a Comment