(Trần Thy Vân)
MÀN ĐÊM U HOÀI
Đà Nẵng đã chìm sâu vào đêm cuối hạ. Cơn gió heo may khe khẽ se lạnh, như gọi buồn vào thu. Tôi ngồi co rúm trên băng giữa chiếc xe đò chạy tuyến đường xa. Chung quanh bến, ngã ba Cai Lang, khu phố cũ im lìm với những hàng me già lặng lẽ, không người qua lại, vắng cả tiếng rao lanh lảnh của các cô gái bán hàng rong những tháng năm nhộn nhịp.
Tôi cố dỗ giấc ngủ mà không tài nào chợp mất, dù đã bao đêm thức trọn để lo cho chuyến đi phiêu phỏng này, và có ý ngóng đợi chị Miên từ Miếu Bông ra thăm. Con đường nhựa dưới ánh đèn lung linh, cơ hồ các đóm lửa ma trơi, xa tắp về hướng Phú Lộc, một địa danh khó quên, nơi mới hôm nào là hậu cứ của các Thiên Thần Mũ Nâu từng oanh oanh liệt liệt. Lòng tôi se lại.
Hỡi anh em, các chiến sĩ Biệt Động gan đồng dạ sắt! Nào Trung và Xá thân yêu, nào Hòa, Thiều, Cường, Hiệp, Thuận, Cát của hồn thiêng sông núi? Các bạn đã về đâu trên bước đường cùng sa cơ thất thế? Ai còn, ai mất, ai thân tàn ma dại trong tay giặc, vất vưởng lưu đày? Ơi súng gươm, máu đổ hận thù nhuộm đỏ Khe Sanh, Sa Huỳnh, Quảng Trị… Hình ảnh các anh, hình ảnh nào tôi cũng nhớ cũng thương, đang quay cuồng như bão táp lòng người thua cuộc.
Nhìn xa xa, bên kia con lộ, dù ẩn khuất giữa những vòng kẽm gai bao bọc, “Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng” vẫn hiện ra rõ nét, từ hàng cây xanh rủ bóng, đến xuyên suốt các bức tường trắng xóa mỗi căn phòng điều trị. Tôi thấy từng mũi kim, lọ thuốc, từng nét mặt nhăn nhó bên cạnh nụ cười hiền an ủi, và bao con đường phẳng phiu thẳng tắp, những dáng ai âu yếm đẩy chiếc xe lăn, dìu người chống nạng… Sao hôm nay tất cả đều lạnh căm, một màn đêm u hoài.
Tổng Y Viện Duy Tân, nơi đớn đau từng thớ thịt, mà cũng xoa dịu bao vết thương của người lính trận. Tôi đã hai lần bê bết máu đến đó rồi đi. Lần sau cùng mùa xuân năm trước tôi trở về còn nửa phần thân thể, nửa bỏ lại chiến trường.
Tôi nhớ hôm nào, vừa hồi tỉnh ở phòng hậu giải phẫu, tôi đã nhận ra ngay cảnh vật chung quanh, vài người đứng bên, thảy đều màu trắng.. Hai tay tôi bị cột chặt vào cạnh giường từ bao giờ, như tên tử tội trên ghế điện, các mũi kim chuyền máu, nước biển, làm tê cứng không co duỗi được.
Lần đầu tiên sau cơn mê giải phẫu, nhìn xuống thấy mình chỉ còn hai bắp đùi, tôi kịp hiểu vì sao tôi mất hai chân…
– Trung úy khỏe không?
Một người cúi xuống hỏi, tôi vẫn im lặng. Sự im lặng như kẻ sắp chết, trong trạng thái biếng nói, như ở một cõi xa xăm nào êm ả, không muốn trả lời để khỏi bị trần tục níu kéo. Tưởng tôi không nghe họ hỏi lại:
– Trung úy Vân khỏe không?
Cảm thấy mệt tôi đáp bằng cái gật đầu, rồi vẫn chưa yên, người ấy mỉm cười:
– Tôi Bác sĩ Trí. Trung úy cho biết số quân, đơn vị?
– 64/41 1567, Đại đội 1 Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân.
– Chức vụ và ngày Trung úy bị thương?
Bực mình tôi cằn nhằn:
– Hậu cứ 21 không gởi QĐ44 vô đây sao?
Vị Bác sĩ, vóc dáng thanh nhã, mang hai giống máu Pháp Việt cười thành tiếng:
– Tôi hỏi coi Trung úy đã tỉnh chưa, vì mới cưa đôi chân lần thứ hai và giải phẫu gắp mảnh đạn nơi đầu nữa. Tốt lắm, Trung úy còn trí nhớ.
Dứt lời, ông tới bàn giấy ở góc phòng, giở kẹp hồ sơ bệnh lý ra ghi chép. Hai y tá cũng lăng xăng, kẻ thăm chừng điều chỉnh từng bình nước biển, bị huyết, người thì thay băng cho các thương binh đang nằm trên hai dãy giường trắng lộp.
Bác sĩ nói tôi còn trí nhớ. Phải còn chứ làm sao mất được. Trí nhớ là sức mạnh, tạo sinh nhân cách, cái dũng, thôi thúc lòng căm hờn khi quê hương chưa sạch bóng thù. Nhưng tiếc thay, đời lính trận đành dở dang mộng ước…
Người lính Biệt Động của tôi, Nguyễn Xá, bước vào đứng bên cạnh:
– Có đau lắm không, Trung úy? Các y sĩ cho em ngồi chờ hai hôm nay trước cửa phòng trong lúc Trung úy mê man.
– Lần này họ cưa trên đầu gối, cách phần nhiễm trùng cả tấc nên thấy êm. Trung đâu?
– Vì thiếu quân số, Trung có lệnh đã lên hành quân. Anh em về cho hay Tiểu đoàn 21 mới chạm súng rất nặng ở Tiên Phước Quảng Nam, riêng Đại đội 1 mình bị thiệt hại khoảng mươi người. Em quên hỏi gồm những ai. Chiến trường đã sôi động trở lại dữ dội. À, Trung úy!… Khoan, để em ra cất cái ba lô, em sẽ trở vô nói Trung úy nghe…
Người lính vội quay lưng. Xá đi rồi tôi suy nghĩ, vì Xá vừa buộc miệng: “À, Trung úy!” rồi ngưng. Dường như anh muốn trình bày một vấn đề gì, nhưng ngại tôi buồn chăng? Tôi tin tưởng Xá, anh không nỡ nào toan tính phản bội giữa lúc đời tôi đen tối thế này. Hay Xá định xin đào ngũ thật, khi nhắm thấy không thể làm tròn nhiệm vụ nội tuyến của anh. Vô lý. Nếu có lòng dạ ấy, trong thời gian qua, anh có nhiều cơ hội ám hại cá nhân tôi, ngay cả đơn vị. Chẳng hạn, một lần trời vừa sập tối, tôi chỉ đem theo mình Xá để bảo vệ, hai thầy trò lén tụt dốc từ một khu đồi ở Kỳ Sơn Tam Kỳ để mong xuống đường về thành phố Quảng Tín gặp Nhị. Đi được một quãng thì tôi té ngã trẹo chân. Thay vì sẵn khẩu súng M16 trên tay bắn gục viên trung úy Đại đội trưởng Biệt Động Quân này, nhưng không, Nguyễn Xá lại cõng tôi chạy tuôn ra chiếc xe Jeep đang chờ ngoài lộ.
Lần khác, BCH Đại đội tạm đóng trên một đỉnh núi phía tây An Lỗ, Huế, bị pháo kích tơi tả. Lính nhảy hết xuống cá hầm hố, khe đá kịp, chỉ mình tôi kẹt cứng dưới một thân cây ngã đè, không ngoi đâu được, phần lửa cháy tứ bề, đạn dược phát nổ chung quanh, thì Xá ngoài tuyến vội lao vào, hì hục xách tôi bỏ lên lưng, và trước khi phóng xuống một trũng sâu bên sườn đồi, anh còn túm luôn cái máy PRC-25 với dây đạn nặng trịch của Binh I Nguyễn văn Thanh.
Đã bao phen cứu tôi như vậy, Xá không thể có ý đồ xấu…
Nguyễn Xá sinh trưởng tại Cửa Đợi, một làng chài lưới ở phía nam núi Non Nước, cửa khẩu dẫn vào phố cổ Hội An. Trước khi gia nhập quân đội Quốc Gia, Xá đã là một du kích Việt Cộng, vùng hoạt động từ quê anh đến các xã ven biển: Hòa Long, Hòa Lân, Hòa Qui, Hòa Phụng và Hòa Hải, thuộc quận Hòa Vang, Quảng Nam. Sau, Xá ra hồi chánh, và năm 1971 được sung vào lính, về Đại đội 1/21 Biệt Động Quân.
Khi lên làm Đại đội trưởng, thấy Xá siêng năng, thật thà, vạm vỡ, nhất là sự thông thạo kỹ thuật di động, cách ẩn trốn, phá hoại của địch quân, tôi không ngần ngại bổ sung Xá vào nhóm Huỳnh Thanh Trung giúp tôi các công việc hằng ngày.
Tôi đang hồi tưởng lại những gì đã xảy ra để tìm một kết luận về Xá, người lính hiếm quý cùng tôi từng vào sinh ra tử, thì anh bước vào.
Tôi gợi chuyện:
– Hình như lúc nãy Xá định nói gì?
– À, cách đây hai hôm chị Nhị đến thăm…
Tôi thấy lóe lên một niềm vui:
– Vậy à? Rồi Nhị đâu?
Xá rầu rầu đáp:
– Trước hết, chị ghé Bệnh Viện 1 Dã Chiến Quảng Ngãi hỏi thăm, họ cho hay Trung úy đã được đưa về Đà Nẵng. Rồi chị vô đây, em và Trung nói lập lững, theo ý Trung úy hôm ấy, là họ chuyển tiếp Trung úy vào bệnh viện Cộng Hòa Sài Gòn, hoặc ra Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ không chừng. Chị vừa khóc vừa hỏi: “Bộ nặng lắm sao, đưa ảnh đi xa vậy?”.
Ngay trong ngày, nhắm thấy không tiện để chị Nhị ở đây lâu, Trung nhờ Thiếu úy Đại đội phó Đặng văn Thiều cấp sự vụ lệnh cho tài xế Phó Trọng lấy xe Jeep đưa chị về Mộ Đức Quảng Ngãi. Em bảo Trọng chớ nói ai nghe, ngay cả chị Nhị, là Trung úy cưa hai chân. Mọi việc sắp xếp xong, Trung mới lên hành quân. Trung gởi lời cầu mong Trung úy chóng bình phục, yên tâm dường bệnh.
Tôi thở dài:
– Ai báo tin Nhị biết tôi bị thương?
– Chắc đồng bào nơi đó đồn đãi vì có một số người chứng kiến Đại đội Biệt Động mình khai thông quốc lộ Việt Cộng đắp mô và lúc khiêng Trung úy từ trong con xóm nhỏ ở Mộ Đức ra đường.
Tôi thấy bầu trời như sụp đổ. Tại sao tôi không thành thật để đền đáp mối chân tình của người con gái ấy. Tôi có nhiều điều đáng trách, đầy lỗi với nàng. Chắc Nhị mải tìm tôi.
– Thôi, Xá đứng đây lâu các bác sĩ rầy.
– Không sao, Bác sĩ Tri cho phép em vào phòng hậu giải phẫu này thăm Trung úy lúc nào cũng được. Ông Bác sĩ lai Tây rất bình dân, đã đôi lần ngồi ăn bánh mì xíu mại với em ngoài hành lang. Ông nói ông cảm tình thầy trò mình. Trung úy còn nhớ những gì xảy đến ngày bị thương không?
Tôi khẽ gật đầu rồi im lặng…
Đó là hình ảnh hai thầy trò vào những ngày đất nước đầy biến động và Xá còn theo tôi để cùng chung số phận với các thương binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị quân Bắc Việt vào chĩa súng xô đuổi ra khỏi bệnh viện. Từ đó, vật đổi sao dời, Xá một đường, tôi một nẻo. Trong cơn đại hồng thủy, tôi không rõ người lính trung thành tôi mang ơn ấy hiện ở đâu? Kẻ chiến thắng có trả anh về lại ngôi làng chài lưới Cửa Đợi năm xưa, hay vì thành phần hồi chánh, Xá đã bị lưu đày tận rừng sâu nước độc nơi nào?
CÒN TIẾP /Kỳ3
Trần Thy Vân
------------------
MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
14. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (End) - (Trần Thy Vân)
No comments:
Post a Comment