Wednesday, March 29, 2023

BÃI BIỂN THUẬN AN NGÀY 26/3/ 1975 - Thảo Dân ghi chép

BÃI BIỂN THUẬN AN NGÀY 26/3/ 1975

Thảo Dân ghi chép
Hồn Nhiên

Ngày này, cách đây tròn 48 năm, trên bãi biển Thuận An- Huế diễn ra sự kiện bi thảm mà bất kỳ người lính TQLC nào của Quân lực Việt Nam Cộng hòa sẽ không bao giờ quên. Sự kiện này góp thêm một đại tang vào nỗi đau mất quê hương của người miền Nam nhiều thế hệ. 
--------------------
Xin điểm lại một số mốc lịch sử dẫn tới “Tháng ba gãy súng” đầy đau thương đó.
- 5 giờ chiều ngày 24/3/1975, Trung tướng Ngô Quang Trưởng quyết định cho Quân đoàn I bỏ Huế- Quảng Trị rút đạo quân tiền phương về bảo vệ Đà Nẵng.
- 6 giờ chiều ngày 24/3/1975, Lữ đoàn 147 nhận lệnh bỏ hết lại các chiến cụ nặng, trang bị gọn nhẹ, chỉ mang vũ khí cá nhân, đoạn chiến với lính Bắc Việt, đi bộ hỏa tốc chừng hơn 30 cây số từ Quảng Trị tập họp tại bãi biển Thuận An- Huế, để từ đó sẽ theo tàu Hải Quân về Đà Nẵng. Đặc lệnh truyền tin về cuộc triệt thoái bị rơi vào tay Bắc quân, nên tuy đã nghi binh, hành trình vẫn bị lộ. Đối phương dùng đại bác 105 ly và 81 ly của TQLC bỏ lại, bắn xối xả theo đoàn quân ra biển. Ngay sau khi ra lệnh lui binh, Tướng Lâm Quang Thi bay về Đà Nẵng, bỏ lại đoàn quân thiếu vắng vị chỉ huy tối cao. 
 
Tại sao LĐ 147 không được lệnh rút theo Quốc lộ I – vốn được bảo vệ bởi những đơn vị tinh nhuệ và địa thế lại quá quen thuộc với quân dân cán chính vùng I, hơn nữa, có rất nhiều đơn vị yểm trợ như Pháo Binh, Không Quân, Hải Quân vẫn còn nguyên sức mạnh với xạ trường lý tưởng? Sau này, trong hồi ký “25 năm thế kỷ”, tướng Thi có đưa ra lời giải thích rằng khi đó, Quốc lộ I đã bị Trung đoàn 101 Bắc Việt kiểm soát, tại Phú Lộc, chiếm giữ Đồi 500. Nhưng lý lẽ này đã bị nhiều lính TQLC, trong đó có ông Bằng Phong- người trực tiếp tham chiến khi đó, bác bỏ.
 
- 8 giờ sáng ngày 25/3/1975, các cánh quân TQLC từ Khe Sanh, Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị chạy về Huế. Toàn bộ LĐ 147 tập họp tại bãi biển Thuận An để chờ được lên tàu. Lực lượng Hải Quân hùng hậu ngoài khơi nhưng không có chiếc tàu nào vào đón. Đạo quân tiền phương từng tung hoành khắp các mặt trận, thiếu khuyết vị chỉ huy có thẩm quyền điều động Không quân-Hải Quân, chính thức bị bỏ rơi trên bãi biển Thuận An.
 
- Chiều 25/3/1975, quân BắcViệt truy kích bám kịp, chiếm đồi cao. LĐ 147 bị bao vây tứ phía, chơ vơ trên bãi cát trống trải hứng đạn tứ bề nã xuống.
- Sáng 26/3/1975, chiếc LCU duy nhất vào đón được bộ chỉ huy LĐ 147, một số thương binh cùng khoảng 200 TQLC. Bắc quân tiếp viện ngày càng đông. Đương đầu với đối phương là một Lữ đoàn TQLC hết đạn, hết thức ăn, hết nước uống, nhiều thương binh và tử sĩ.
- Tối 26/3/1975, TQLC quyết chiến đến viên đạn cuối cùng, đến giọt máu cuối cùng. Nhiều TQLC không chịu đầu hàng, đã ngồi quây tròn rồi dùng lựu đạn M26 tự sát tập thể. Một tinh thần tuẫn tiết bi hùng của những Trần Bình Trọng, của những võ sĩ đạo can trường. Chỉ tiếc, thế trận của những người lính TQLC là thế trận lực bất tòng tâm chứ không phải thế trận vào cửa tử tìm đường sinh như những nghĩa sĩ bên bờ Thiên Mạc.
- Rạng sáng ngày 27/3/ 1975, toàn bộ những người còn lại của LĐ 147 bị bắt trên bãi biển Thuận An. Họ, dứt khoát làm tù binh. Không có một người nào là hàng binh. Rồi sau đó thành tù nhân. Có lẽ, không ít người sau khi được trả tự do, lại thêm một lần tìm đường ra biển, làm thuyền nhân, may mắn thì được tị nạn xứ người. Rủi, thì cùng chung số phận như chiến hữu của họ khi bị bắn chìm tàu trên bãi biển An Dương năm nào.
 
Bao năm trôi qua, vẫn là câu hỏi bi phẫn, Vì sao LĐ 147 không thể triệt thoái toàn vẹn?
Xin mạn phép nhắc lại những nguyên nhân chính sau đây mà nhiều người đã biết:
 
1. Hải quân và Công binh không làm cầu phao bắc qua cửa Tư Hiền theo lệnh của cấp thẩm quyền, buộc họ phải dừng chân trên bãi biển phía Nam Thuận An để tàu Hải Quân vào đón. Trong cuốn hồi ký “Can trường trong chiến bại”, Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại có lý giải tàu không vào đón được vì “ Sóng biển cấp 2, sóng cao 1/2- 1m và bờ biển có sóng ngầm”, nhưng cũng bị ông Bằng Phong bác bỏ bằng những lập luận thuyết phục, để minh chứng rằng, Trong giờ phút nguy nan, TQLC đã bị bỏ rơi tàn nhẫn. Đồng thời, TQLC không chiếm núi để giành lợi thế độ cao khi tác chiến. Nhưng, trộm nghĩ, có chiếm được núi thì cũng lấy đâu ra chiến cụ để tác xạ, khi tất cả đã bị bỏ lại trên đường lui binh?
 
2. Không có lực lượng yểm trợ và bảo vệ bãi biển Thuận An. Bãi cát như một cù lao trống trải, một địa thế bất lợi trong nghệ thuật quân sự. Phía trước là Biển Đông, phía sau là đầm Thủy Tú, đầm Hà Trung và phá Tam Giang, phía Bắc là cửa Thuận An, phía Nam là cửa Tư Hiền. Không hề có một duyên đoàn, một giang đoàn nào bảo vệ khiến cho Bắc quân có thể dễ dàng vượt qua phá Tam Giang về Thuận An ngay từ ngày 25/3. 
 
3. Không hề có lực lượng Không Quân- Hải Quân yểm trợ và tiếp tế khi cả Lữ đoàn bị bao vây. Mặc dù lực lượng Hải Quân của Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại hùng hậu ngoài khơi, nhưng không một khẩu pháo nào được khai hỏa, không có một chiếc trực thăng nào cứu hộ, không một chiếc phản lực nào yểm trợ từ SĐ1/KQ của Tướng Khánh.
 
Rõ ràng, họ đã đem mạng lính đặt dưới họng đại bác. Những người lính thiện chiến nhất của Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã bị tướng lĩnh phản bội. 
 
Là lớp hậu sinh, nhiều khi đọc tài liệu về Sự kiện bãi biển Thuận An, tôi liên tưởng tới sự kiện Trung cộng cưỡng chiếm Hoàng Sa. Cũng không có một chiếc tàu bay chiến đấu nào được lệnh cất cánh. Cũng là sự chống trả kiên cường tuyệt vọng dưới làn đạn pháo. Có phải, mỗi sự kiện đều là chỉ dấu cho thấy vận nước suy vong?
 
Một số người gọi bãi biển Thuận An ngày 26/3/1975 là “Pháp trường cát”. Cá nhân tôi không đồng tình với cách gọi này. Chỉ những kẻ tử tội mới bị dẫn giải ra pháp trường để xử bắn mà không còn quyền kháng cự. Những TQLC làm nhiệm vụ “Vệ quốc an dân”, là đội quân vào sinh ra tử để bảo vệ quê hương của họ, là những người hùng. Họ đã bị thượng cấp đẩy tới cửa tử mà không còn lấy một thứ vũ khí phòng thân, đến nỗi tự sát cũng phải ngồi thành vòng tròn cho tiết kiệm đạn. Họ đã phải buông súng tức tưởi. Hàng ngàn TQLC, cùng với bộ binh, Địa phương quân, Nhân dân tự vệ và cả thường dân đã nằm lại với biển Thuận An. Gọi nơi này là “Pháp trường cát”, e rằng không yên lòng người đã khuất.
 
Cuối tháng 3 năm 1975, người dân làng An Dương, huyện Phú Vang- Huế, một địa điểm cách Thuận An khoảng 2 km về phía Nam, đã chôn cất tất cả những thi thể họ tìm được trên bãi biển. Sau nhiều năm bị nước biển xâm thực, đặc biệt sau trận bão năm 1999, nghĩa địa bị hư hại nặng, một số bộ hài cốt bị trôi ra biển. Đồng bào An Dương, cùng với sự chung tay của một số kiều bào hải ngoại, một lần nữa đưa 132 bộ hài cốt còn lại về nơi đất mới, phụng lập miếu thờ, khói hương chu đáo.
Nhà thơ Nga Lermatov từng viết:
“Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng.
Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ”.
Miếu thờ chưa bao giờ bị bỏ vắng. Lòng người chưa bao giờ hoang lạnh.
 
Huống hồ, vẫn còn đó bao tấm lòng của hậu thế, mỗi năm đến ngày tang tóc, lại dâng nén tâm nhang cúi đầu tưởng nhớ.
 
* Hậu sinh tìm kiếm tư liệu từ những cuốn sách sau:
- Tháng ba...buồn hiu (Nguyễn Thế Huy)
- Tháng ba gãy súng (Cao Xuân Huy)
- Những người lính bị bỏ rơi (Bằng Phong)
- Can trường trong chiến bại (Hồ Văn Kỳ Thoại)
- "25 năm thế kỷ" (Lâm Quang Thi)
Bài viết có gì sai sót, kính mong các tiền bối chỉ bảo. Trân trọng. 
 
* Hình 1: TD chụp tại bãi biển Thuận An ngày 26/3/2018.
* Hình 2,3, 4, 5: Anh Lê Thanh Bình thắp hương tưởng nhớ và chụp lại ngày 26/3/2023 tại miếu thờ ở bãi biển Thuận An và nghĩa trang An Dương)
 

No comments: