(Trần Thy Vân)
GẶP LẠI KẺ THÙ
Sau bữa
cơm chiều, tôi đang ngồi dạy sắp nhỏ làm toán thì tiếng động chiếc xe
đạp dựng trước hiên nhà. Tưởng các ông nông dân trong xóm đến rủ đi họp
tôi mở cửa, nhưng chỉ một anh bộ đội lạ mặt. Thấy tôi còn ngỡ ngàng,
chưa kịp hỏi han, vị khách đã cất tiếng:
-----------
– Dạ, cám ơn… Mời anh vào…
– Ông Vân đừng ngại nhé, tôi là Nguyễn văn Đường, Đại đội trưởng C7, đóng ở R’Chai. Nghe bọn Tuất về kể ông trước phục vụ trong binh chủng Biệt Động, đã chạm súng với đơn vị tôi đâu đấy ngoài Quảng Trị, Thừa Thiên. Nhân đi công tác, tôi ghé thăm ông cùng gia đình.
Thì ra, ông là thủ trưởng của Tuất và Bình C7. Tuy không mang quân hàm, chỉ đeo khẩu K-54 bên hông, và khác hẳn nhiều tên kiêu căng, ngốc nghếch, viên sĩ quan này rất khiêm tốn, muốn giao hảo. Trông dễ mến, tôi gác bỏ chính kiến qua một bên để tiếp xúc kẻ đã đôi lần đối đầu với tôi ở một vùng rừng núi tây bắc Huế và Quảng Trị mùa đông 1972.
Tôi nhã nhặn nói:
– Hân hạnh được biết anh Đường. Nhân lúc mấy chú bộ đội đến trò chuyện, nhắc lại kỷ niệm xưa cũ ở chiến trường nóng bỏng miền Trung, tôi cũng góp ý kiến chơi, chứ không hề đặt thành vấn đề gì hết.
Đường ngồi xuống tấm phản, dựa lưng vào cửa sổ:
– Không sao! Chúng mình là gốc lính, dĩ nhiên thích bàn chuyện lính. Tôi rất muốn mà chưa có dịp tâm tình cùng các anh sĩ quan tác chiến chế độ cũ. Tiếc rằng họ đã tập trung cải tạo cả. Ông Vân bị thương năm nào thế
– Tôi bị mìn khi giải tỏa Quốc lộ 1, ở Quảng Ngãi, do bên anh đắp mô chặn xe đò, tháng 3/1974.
– Trước đây ông có hành quân Quảng Trị?
– Có “mùa hè đỏ lửa” 1972.
– Sao gọi “mùa hè đỏ lửa” nhỉ?
– Vì sự khốc liệt trận chiến Quảng Trị lên cao điểm nhất vào mùa hè. Cụm từ ấy cũng phù hợp với tựa đề quyển sách của một phóng viên thuật lại các trận đánh nảy lửa, từ Bình Long, An Lộc, đến tỉnh địa đầu miền Nam thời gian đó. Tôi dự nhiều nơi, đáng kể hai giai đoạn: Quảng Trị thất thủ, khi quân Bắc Việt công khai vượt vĩ tuyến 17, ngày 29-3-1972, tấn công ồ ạt. Và, lúc các lực lượng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tái chiếm được cổ thành Đinh Công Tráng, giữa tháng 9 cùng năm.
Hai giai đoạn, Liên đoàn 1 Biệt Động Quân chúng tôi phải có mặt tại vùng đất đau thương ấy hết sáu tháng. Lịch sử 15 năm chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc, biến cố Quảng Trị là dây dưa, lâu dài nhất. Đôi bên đã đọ sức, thí mạng giành nhau từng tấc đất, nên mức độ tàn phá rất khủng khiếp, chấn động thế giới. Tôi chỉ hiểu chút ít về mặt quân sự như vậy.
Viên sĩ quan bộ đội vừa rút một điếu Tam Đảo trong bao ra đốt hút vừa gật gật cái đầu:
– Ừ, khiếp đấy? Giai đoạn đầu ông Vân đề cập, chúng tôi tiến rất nhanh, chỉ mấy ngày đã sát nách Quảng Trị.
Câu nói đó, tôi không nghĩ anh muốn khoe khoang thành tích đại đơn vị anh nhưng tôi vẫn thấy khó chịu, tôi buộc lòng dông dài, như vẽ rõ cái trục “tiến rất nhanh” của Sư đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt tới đâu:
– Đầu tháng 4/72, sau khi đè bẹp thêm hai căn cứ hỏa lực quan trọng của miền Nam, phía tây Quảng Trị: Carroll thất thủ, Mai Lộc thì rút bỏ, Sư đoàn 304 các anh có xe tăng yểm trợ thừa thắng tiến thẳng tấn công cứ điểm Phượng Hoàng (Pedro) do Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến trấn giữ.
Trước nguy cơ đó, bộ chỉ huy tiền phương bảo vệ Quảng Trị hẳn đã nhận định, nếu để Phượng Hoàng mất thì Ái Tử, căn cứ cuối cùng nằm sát phía tây thị xã, dù nơi đây hỏa lực mạnh cách mấy cũng sẽ bị bứng kế tiếp, nên họ điều động một chi đoàn chiến xa M-48 tới giải vây. Kết quả, đơn vị mũ đen đã cứu vãn được tình thế, đánh bật các anh khỏi Phượng Hoàng, bắn cháy nhiều tăng T-54, bắt sống một chiếc, sau đem về Sài Gòn triển lãm.
Đó là lần đầu tiên hai loại chiến xa tối tân, T-54 của Liên Xô và M-48 của Mỹ, đọ nhau trên quê hương Việt Nam.
Tôi chỉ nhắc đại khái vài sự kiện đã qua cho viên sĩ quan Sư đoàn “Thép” Bắc Việt, từng dự các trận đánh Quảng Trị, nay ngồi đối diện với tôi nghe thôi, không đề cập chi tiết.
Tôi nói thẳng, anh có vẻ tự ái, mặt kém vui và hút thuốc liên miên, hết điếu này sang điếu khác, khói bay mù mịt.
Đột nhiên Đường nghiêm giọng:
– Bọn tăng M-48 ở đâu đến?
Chắc anh muốn tìm hiểu cả hai, điểm xuất phát và người chỉ huy chi đoàn. Câu hỏi chứng tỏ anh có sự bực tức khi đề cập đến trận xa chiến khốc liệt ấy, mà bên anh đã thảm bại tại Quảng Trị ngày 9-4-1972.
Tôi lập lờ đáp:
– Tôi chỉ biết họ ở ngoài Đông Hà.
Đường vờ lơ đễnh, không để ý câu trả lời. Anh bắt chước tôi hít một hơi thuốc thật dài rồi vừa ngước mặt vừa chu miệng phà ra từng lọn khói tròn, vòng nhỏ tỏa xuyên qua giữa vòng lớn. Anh reo lên như trẻ con:
– Này, tôi làm được đấy! Nó cuồn cuộn, trông đẹp mắt…
Tôi cười:
-Ừ, nhỏ chun vào lớn dễ thôi! Thử ngược lại xem?
Dứt lời, tôi lăn xe xuống bếp, lấy cớ hâm nước, để tránh cái nhìn xoi bói từ đôi mắt cú vọ của tên trung úy bộ đội Bắc Việt. Nếu không, có thể tôi sơ hở, thiếu dè dặt, bị hắn gặng hỏi, bắt bí, thì khó bề giữ được thể diện của người bại trận.
Nguyễn văn Đường làm sao biết được, trận đánh như một huyền thoại, chỉ thượng cấp anh mới rõ chiếc T-54 triển lãm tại Tòa Đô Chính Sài Gòn, là do Chi đoàn 2 Chiến Xa M-48, Thiết Đoàn 20 Kỵ Binh, bắt sống tại căn cứ Phượng Hoàng ngày 9-4-1972. Đơn vị dũng cảm này dưới sự chỉ huy của Đại úy Hà Mai Khuê, vị sĩ quan đã du học tại Trường Thiết Giáp Lục Quân (The United States Army Armor School) Fort Knox, Kentucky, 1969.
Lúc bấy giờ đang nằm án ngữ phía nam Đông Hà khoảng vài cây số có lệnh đi tiếp cứu, Chi đoàn 2 tức tốc cặp Quốc lộ 1 chạy một đoạn rồi vòng vào Pedro hướng tây. Lộ trình thật bi đát, Đại úy Hà Mai Khuê gặp một tốp lính Cọp Biển đang rút về căn cứ Ái Tử, trong đó có Thiếu tá Đỗ Hứa Tùng,Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 TQLC và Bác sĩ Huỳnh văn Chỉnh, tức ca sĩ Trung Chỉnh. Người hùng Mũ Đen Hà Mai Khuê vội mời tất cả lên xe, không phải để tiếp tục quay lui, mà hãy cùng nhau trở vào con đường lịch sử.
Rồi trận đánh thư hùng giành lại căn cứ Phượng Hoàng, tưởng chừng chỉ có trong phim ảnh, đã diễn ra trên đất nước từng làm thế giới kinh ngạc, ngưỡng mộ một cuộc chiến thần thánh của dân tộc Việt vào hậu bán thế kỷ 20.
Vừa tới gần Phượng Hoàng, Thiết Giáp cùng Thủy Quân Lục Chiến mở ngay cuộc phản công. Trước hết, họ bắn cháy mấy chiếc T-54 đã lọt bên trong, đang gầm gừ giữa căn cứ. Còn một núp sau thùng conex, để ló khẩu đại liên trên đỉnh pháo tháp. Trung sĩ nhất Phan Ngọc Tuấn, viên Hạ sĩ quan cũng được thụ huấn ở Fort Knox Hoa Kỳ, phát hiện qua viễn vọng kính của chiến xa M-48, anh liền quay nòng súng 90 ly bắn văng cây đại liên xuống đất. Xa đội địch hoảng hốt chui ra khỏi xe toan chạy, nhưng thảy đều gục ngã với hàng trăm tên khác nằm la liệt khi Thủy Quân Lục Chiến tràn vào.
Trung sĩ nhất Phan Ngọc Tuấn cùng Kỵ Binh Nguyễn văn On nhận lệnh Đại úy Hà Mai Khuê nhảy xuống đến bắt sống chiếc T-59 vừa bị bắn văng khẩu đại liên, máy còn nổ, lái về Ái Tử. Hành động chớp nhoáng của hai chiến sĩ Mũ Đen làm địch quân khiếp sợ.
Lúc đó, còn ba chiếc, thuộc bộ chỉ huy chiến xa địch, lấp ló ngoài tuyến phía tây, vội bỏ chạy vào hướng thung lũng Ba Lòng, nhưng trời cũng chẳng dung tha. Đột nhiên từ trên mây một trong hai chiếc Skyraider lướt xuống đốc mấy loạt bom diệt nết ba xe tăng cuối cùng của Cộng quân trên đường bôn tẩu.
Sau trận đánh tái chiếm căn cứ Phượng Hoàng, người ta mới biết viên hoa tiêu anh dũng đó chính là Đại úy Trần Thế Vinh, thuộc Phi đoàn 5 18, Sư đoàn 3 Không Quân, miền Nam. Sự xuất hiện bất ngờ của Trần Thế Vinh thắp sáng niềm tin giữa vùng trời lửa đạn đang đen tối nhất nơi tuyến đầu quê mẹ. Nhưng thương thay, vừa lập chiến công, Trần Thế Vinh bị gãy cánh bởi phòng không kẻ thù. Anh chết, cái chết tuyệt vời làm đẹp Tổ Quốc Không Gian, thêm một vì sao lấp lánh.
Năm đó, dân chúng thủ đô lũ lượt đi xem triển lãm chiến lợi phẩm, đủ loại vũ khí tối tân do Nga Tàu cung cấp cho Bắc Việt Đặc biệt chiếc T-59, chẳng ai giải thích vì sao nó thiếu cây đại liên đã từng tàn sát biết bao mạng người. Chiếc tăng, vẫn dáng kiêu ngạo của một thời tung hoành, với khẩu đại bác 100 ly còn nguyên vẹn, có thể bắn tan Tòa Đô Chánh Sài Gòn hay Dinh Độc Lập ngay tức khắc. Thế mà ít có ai hiểu vì sao nó nằm đây để:
“Làm trò lạ mắt thử đồ chơi” (TL)
Dù sao khối sắt vô tri đem trưng bày ấy, đánh dấu sự thảm bại của địch quân trong trận xa chiến đầu tiên trên đất nước, còn vinh dự được Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, các tướng lãnh ghé mắt nhìn qua, chứ những kẻ đã lập nên kỳ công rực rỡ đó lại bị lãng quên, tiếp tục đổ máu, rồi tủi hờn mất nước.
Ngày nay dân tộc đau thương, xin đừng bảo vì định mệnh, cũng đừng nói để lịch sử phán xét ai công ai tội.
Lịch sử là ai? Là những chứng nhân, như anh và tôi, trực diện với kẻ thù trong cuộc chiến, đã là lịch sử rồi…
Tôi không thể diễn giải hết các lý lẽ, dù viên trung úy bộ đội Cộng Sản đang ngồi đối diện với tôi, cũng thừa hiểu tại sao anh chiến thắng. Người xưa nói: “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”. Quá đau khổ trước cảnh đổi đời, mất nước oan ức, một người bạn tức giận nói càn, mà tôi nghĩ cũng chẳng sai: “Nhân nghĩa giả phải thua hung tàn thật”.
Tôi rót ly nước mời Đường và gợi chuyện để đánh tan bầu không khí nặng nề:
– Mấy ngày cuối cùng, trước lúc Quảng Trị thất thủ, đơn vị chúng tôi rất rối ren, lo chống trả đến mất ăn mất ngủ.
– Lúc ấy ông Vân ở hướng nào?
Tôi rút một điếu Tam Đảo của bộ đội Tuất cho khi sáng, đốt hút. Hương vị thơm ngon như Capstan, làm đầu óc sảng khoái tôi hít một hơi dài:
– Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân nằm ở mặt tây La Vang, phía nam căn cứ Phượng Hoàng không xa lắm. Trước kia, cá nhân tôi chẳng làm nên tích sự gì. Một thời, với cương vị đại đội phó, tôi “ngồi chơi xơi nước” nhiều hơn, không có sáng kiến nào cả. Quân đội ngầm cấm kỵ cấp dưới cổ ý kiến.
– Về sau anh mới “tích sự”?
Đường đổi cách xưng hô, vừa nói vừa cười. Tôi cười theo:
– Bổn phận quân đội miền Nam là bảo vệ lãnh thổ này. Cuộc chiến vừa qua, nhiệm vụ chúng tôi thủ hơn công. Vả lại, không có nhu cầu đại thắng như chủ trương miền Bắc. Dù cấp nhỏ, khi lên chỉ huy cấp đại đội, tôi phải làm sao giảm thiểu sự thụ động, càng tạo nhiều “tích sự” càng hay để sống còn.
– Ngày lính các anh chạy thục mạng vào hướng Huế, đơn vị tôi đang chiếm một cây cầu ở Quốc lộ 1, quận Mai Lĩnh…
Chợt nghe Trung úy Đường nói tới cây cầu quận Mai Lĩnh tôi giật mình. Nếu quả vậy thì hai đại đội, tôi và anh ta, đã đụng nhau nhiều lần, chứ không phải chỉ một trong vùng rùng núi tây bắc Huế.
Để rõ ràng tôi liền hỏi:
– Phải cây cầu kế căn cứ Bộ Chỉ Huy Chi khu Mai Lĩnh?
Đường nhìn tôi chăm chăm:
– Đúng đấy ! Nhớ rồi, có lính rằn ri và xe tăng…
Đoạn anh ngửa mặt cười khà khà :
– Lại có ông Vân nữa, gan nhỉ?
– Tôi gan còn anh nhát sao? Quân “Giải Phóng” tấn công dữ dội nhiều mặt: Cửa Việt, Đông Hà, nhất là phía tây thị xã Quảng Trị, chỉ còn duy nhất quốc lộ số 1 về hướng nam là con đường sống, không để đồng bào di tản vào Huế, các anh cũng chận đánh luôn, mà chận rất độc, tại cây cầu anh vừa đề cập, tên Bến Đá, khi Quảng Trị thất thủ. Toàn quân toàn dân nhôn nhao hỗn độn, xe cộ cùng người dồn lại giữa cơn pháo tứ bề. Hãy tưởng tượng, mà anh đã chứng kiến, lúc Đại đội C7 anh chận bít như vậy, cả rừng người, đa số đồng bào, ăn đạn ra sao.
Một đơn vị Biệt Động Quân Biên Phòng đang tùng thiết một chi đội thiết vận xa dẫn đầu, đụng hỏa lực các anh nằm phục dọc bờ sông, bên kia cầu Bến Đá, quá mạnh. Họ bị B40 cháy mấy chiếc, số còn lại vội dạt qua phía đông quốc lộ, rồi sa lầy hết giữa cánh đồng ruộng sình.
Khi ấy Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân chúng tôi La Vang kéo về phòng thủ căn cứ Chi khu Mai Lĩnh, thì tôi nhận lệnh dẫn đại đội buộc phải đánh bứt các anh ra khỏi cầu Bến Đá, mở đường máu cho quân dân Quảng Trị chạy vào Huế…
Nghe tôi kể lung tung, ẩn ý nêu dẫn tội ác của họ, Trung úy Đường phờ người hỏi một câu khỏa lấp vấn đề:
– Sao nơi nào anh cũng có mặt thế?
Tôi trả lời nửa thật nửa đùa:
-Ở đâu có anh là có tôi. Khi giải tỏa cây cầu tôi dàn đại đội hai bên quốc lộ, bọn mình đã choảng nhau khoảng một tiếng đồng hồ thì thấy mìn nổ, cầu sập…
– Lúc bị anh công mạnh tôi rút lui. Vả lại, C7 đã tổn thất rất nặng, chết dần còn chín mống.
Sự thiệt hại, mà Đường thú nhận, đã được đơn vị tôi khai thác tại chỗ các cán binh của anh bị thương nằm la liệt lúc ấy. Vì cầu gãy, tôi nghĩ dân chúng và xe cộ không thể vượt qua khúc sông sâu, nên vội xin lệnh để dẫn đoàn người dài lê thê đâm bổ ra hướng đông, rồi cặp bờ biển rẽ về nam, Hải Lăng, qua cầu Mỹ Chánh.
Tuy nhiên, nghe nói bị tấn công quá mạnh, loại khỏi vòng khiến Đại đội C7, lính anh chết như rạ, chỉ còn “chín mống”, tôi áy náy vô cùng, nên hạ giọng hỏi cho có hỏi, hầu làm dịu bớt căng thẳng, chứ không mong câu trả lời chính xác:
– Khi rút lui, phá gãy cầu làm gì?
– Do lệnh trên.
Vin vào câu đáp, tôi nói:
– Ừ bọn mình cứ bị nhiều cái lệnh trời ơi đất hỡi, và như nhiên lôi chỉ biết đánh thôi. Chắc anh còn nhớ nơi đó, chặng đường từ bìa phố Quảng Trị tới cầu Bến Đá anh chặn, ngang qua căn cứ Chi khu Mai Lĩnh, đầy xác chết đồng bào lẫn lính và bệnh nhân được chuyển từ các bệnh viện ở Quảng Trị vào Huế, thây người nằm chồng chất lên nhau, xương thịt bị băm vung vãi. Hầu hết chết vì đạn pháo 61ly đến 130ly của quân “giải phóng” rót vào như cát rải. Đến nỗi người ta gọi đoạn đường này là “Đại Lộ Kinh Hoàng”. Gãy gọn bốn tiếng, mà lnghe đau thương cả một dân tộc. Không phải chỉ đau thương trong những ngày tháng ấy đâu, nó còn là vết thù muôn kiếp. Trôi có cảm tưởng vì Đại đội Biệt Động tôi tiến đánh C7 anh để mở đường máu cho hàng trăm ngàn lương dân vô tội đang bám víu sau lưng để mong thoát khỏi vùng tử địa. Con đường máu thật! Anh nghĩ sao về biến cố tôi vừa kể?
Hẳn Đường hiểu ý tôi muốn vạch tội Cộng Sản miền Bắc một cách khéo léo, anh nói:
– Làm việc gì cũng dựa vào chủ trương đường lối, chả thể thiên lôi được. Vụ Quảng Trị, tôi đồng ý là một biến cố đau thương, nhưng là sự kiện lịch sử đưa đến thống nhất đất nước hôm nay.
Tôi chuyển qua một ý tưởng khác:
– Có bao giờ các anh không thi hành lệnh trên?
– Quân đội phải kỷ luật chứ!…
– Vâng, chúng tôi cũng vậy, vì kỷ luật mà quân đội miền Nam buông súng đầu hàng theo lệnh tướng Dương văn Minh. Vì thế mà ông Minh được chế độ mới này ưu đãi…
Đường bĩu môi:
– Làm gì có chuyện ưu đãi ông Minh?
Tôi trố mắt nhìn anh:
– Nghe nói ông ta không những khỏi đi “học tập cải tạo tư tưởng”, còn được sống ung dung tự tại.
– Vấn đề chính trị có cái lắt léo, khó nói lắm! Nôm na thì đấy cũng là một hình thức trừng phạt. Cấp lãnh đạo chúng tôi chủ trương cứ để ông hóa thân làm…kiểng, chờ ngày lột xác…
– Lột xác ra nhậu?
– Úi giời, nó đâu có ngon bằng cầy!
– Vậy sao, nó thua luôn cả chó à?!
Nói xong, tôi cùng Trung úy Nguyễn văn Đường, hai kẻ cựu thù một thời binh lửa, nổi lên cười ngất.
CÒN TIẾP /Kỳ 10
Trần Thy Vân
------------------
MORE:
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
1. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (1) - (Trần Thy Vân)
2. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (2) - (Trần Thy Vân)
3. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (3) - (Trần Thy Vân)
4. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (4) - (Trần Thy Vân)
5. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (5) - (Trần Thy Vân)
6. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (6) - (Trần Thy Vân)
7. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (7) - (Trần Thy Vân)
8. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (8) - (Trần Thy Vân)
9. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (9) - (Trần Thy Vân)
10. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (10) - (Trần Thy Vân)
14. TIẾNG HỜN CHÂN MÂY (End) - (Trần Thy Vân)
No comments:
Post a Comment