Tháng 1/70 tôi được đưa ra Đồng Đế để học giai đoạn hai khóa 6/69 sĩ quan trừ bị. Một buổi chủ nhật từ quân trường được 8 giờ phép ra Nha trang chơi . Khi chiếc xe lam chở đám sinh viên sĩ quan đến Xóm Bóng thì cầu bị đóng vì nghi bị việt cộng thả mìn dưới chân cầu .
Tôi đành phải xuống xe và leo lên Tháp Bà chơi quanh quẩn . Bất ngờ gặp lại Thức tay dắt hai đứa con cũng bị kẹt cầu như tôi . Thức với tôi là bạn học cùng một lớp tại Trường Trung học Trần Bình Trọng Ninh Hoà . Một bữa trên đường đi học về gặp một đoàn quân đi ngang qua viên sĩ quan chỉ huy đoàn quân hỏi thăm đường vậy mà nên duyên vợ chồng .
Viên sĩ quan đó là đại uý Phạm Tín An Ninh là nhà văn nổi tiếng sau này nơi hải ngoại . Bạn bè cũ từ ngày Thức đi lấy chồng mới gặp lại nhau đã là một chuyện vui. Lại còn vui hơn nữa khi bên cạnh Thức kèm theo một cô nàng lạ hoắc nhưng đẹp gợi cảm . Thức giới thiệu đó là Đỗ bạn của Thức nhà ở trước Trường Đức Linh. Từ nhỏ đến lớn tôi sống quẩn quanh cái thị trấn bé nhỏ này thiên hạ bước ra khỏi nhà là đụng mặt nhau bôm bốp vậy mà Đỗ tôi mới thấy lần đầu. Cô nàng có dáng dong dỏng cao thân hình thanh thoát. Lúc này tôi đã là một thanh niên 20 tuổi từng trải qua một cuộc thất tình cho nên cũng học được vài ngón cua đào . Gặp Đỗ tôi sáp tới ngay . Đỗ đúng là mẫu người em gái hậu phương mà đám sinh viên sĩ quan còn độc thân như tôi mơ ước được làm quen . Sư tỉ Thức như đi guốc vô bụng bạn mình giả đò dắt hai đứa con đi mua nước uống . Thế là tám giờ phép ngày hôm đó tôi và Đỗ quen nhau .
Quen với Đỗ, tôi đã lý do để viện cớ mò về Ninh Hòa mỗi ngày chủ nhật. Sự quen biết giữa một nam một nữ không máu mủ bà con mà lại quấn quít nhau thì trước hay sau gì thế nào cũng sanh ra mèo mỡ. Gặp Đỗ nói chuyện với Đỗ , dù con tim tôi không ào ạt rung chuyển như thuở chớm dậy thì, nhưng lòng vô cùng êm ả . Chở Đỗ đi chơi quanh quẫn thị trấn trên chiếc Yamaha trong những giờ phép hiếm hoi, cảnh vật chung quanh cũng trở nên sinh động . Đoạn đường nhựa từ cổng xe lửa lên Dục Mỹ êm ru hơn. Cầu Bến Gành nước cũng dịu dàng hơn . Mỗi lúc tăng ga cho xe lướt nhanh, tôi có thể nghe tiếng bánh xe xào xạc như tiếng nhạc êm ái ma sát trên mặt đường. Những lúc như thế Đỗ thường ngã đầu trên lưng tôi, mặc gió thổi tóc bay ngược về phía sau .
Một lần Đỗ rũ tôi lên đập bảy xã. Tôi không biết đập Bảy Xã ở đâu .
- Sao anh cù lần dữ vậy, dân Ninh Hoà mà không biết đập Bảy Xã
- Anh không biết thật mà
- Thôi làm tài xế đi anh hai, Đỗ ngồi sau chỉ đường cho anh
Ngồi sau thò tay ra phía trước chỉ đường, cánh tay trần đương nhiên phải tựa lên bờ vai tôi sát gần tầm mắt . Tôi có thể nhìn thấy hàng lông đen lay láy phủ chùm trên cườm tay trắng muột mà của Đỗ. Tôi cảm nhận được hạnh phúc ở ngay trước mắt . Qua khỏi Đại Cát quẹo trái , đập Bảy Xã gần sịt , sát bên nách thị trấn, cách đường nhựa chừng một cây số. Vậy mà bấy lâu nay tôi cứ mãi mê chìm lặn ở đâu đâu không thấy được thiên nhiên của Ninh Hòa có nhiều nơi vô cùng đẹp đâu thua gì danh lam thắng cảnh .
Chỉ cách quốc lộ một khoảng không gian nhỏ bé vậy mà khung cảnh hoàn toàn khác hẳn. Đất nước đang trong thời ly loạn. Mỗi một ngày mỗi một giờ đều nghe súng nổ bất cứ nơi đâu, nhưng nơi đây tôi không nghe tiếng súng. Chừng như chiến tranh dừng lại ở ngoài kia, ranh giới của một con đường. Cảnh vật êm ắng lạ kỳ , tôi có thể nghe được tiếng nước rì rào như thủ thỉ. Chung quanh tôi là một rừng cây bao bọc . Hít một hơi dài để lấy bình tỉnh, tôi biết với khung cảnh hữu tình đồng lõa như vầy dù tôi có đi tu tám kiếp cũng không thể nào thoát khỏi phạm giới "sát sanh". Nhìn dòng nước đang bị chận lại bên này bờ nhấp nha nhấp nhõm chồm lên cứ muốn nhào xuống phía bên kia . Tôi vẩn vơ hỏi Đỗ:
- Đỗ có biết tại sao con nước nó không chịu đứng yên hay không?
- Tại vì nước luôn luôn di động
- Ai không biết nó di động. Bởi nó di động nên người ta mới đắp đập chận nó lại. Nhưng tại sao đã chận đầu nó lại mà nó cứ muốn chồm lên
- Tại sao
- Tại vì nó tham lam không muốn dừng lại ở bên này mà nó muốn tiến xa thêm chút nữa xâm lấn về phía bên kia
- Bên kia là chổ nào
- Chổ này nè
Tôi chỉ ngón tay lên trán Đỗ . Khuôn mặt tôi lúc đó chắc nét dê xồm biểu hiện một cách lộ liễu không cần dấu diếm nên Đỗ khẻ thốt :
- Đỗ sợ
Tiếng "sợ" nghe nhẹ như tiếng gió thoảng . Trong hoàn cảnh này dẫu ngu cách mấy tôi cũng ngầm hiểu rằng tiếng "sợ" thốt ra từ đôi môi ướt át kia có nghĩa là " anh tiến tới luôn đi , mau lên, kẻo em đổi ý ". Thế là tôi ôm lấy Đỗ . Đỗ cũng vòng tay khoá chặt vòng lưng tôi .
Không gian chìm trong tiếng thở, tôi có thể nghe những con kiến đang ì à ì ạch tha mồi đang thì thầm trên cành lá. Ví dụ như lúc đó có một đám Việt Cộng xuất hiện dí súng vô đầu (cũng có thể lắm vì đập Bảy Xã nằm trong vùng mất an ninh) bảo tôi nhả Đỗ ra nếu không thì lãy cò, chắc chắn đến chín mươi phần trăm là tôi không nhả . Bởi vì lúc này không hôn Đỗ thì lương tâm sẽ cắn rứt đến muôn đời. Không hôn lúc này có nghĩa là không còn cơ hội để thể hiện lòng can đảm . Tôi hôn Đỗ một nụ hôn dài . Đỗ nhắm nghiền hai con mắt hưởng ứng (sau này tôi cũng đã trải qua thêm nhiều mối tình, đương nhiên được hôn không phải là ít , thế nhưng tất cả những người con gái được hôn đều nhắm mắt ? Tại sao hai con mắt nhắm nghiền mà không chịu mở. Thắc mắc này vẫn chưa có câu trả lời)
Đỗ dùng chiếc thẻ bài tôi đeo trên cổ khắc vào thân cây tên hai đứa dính lẹo vào nhau, lại còn cẩn thận khắc thêm quả tim to bằng hai ngón tay chụm lại đè lên. Tôi hỏi Đỗ sao không vẽ thêm một mũi tên xuyên qua cho đủ bộ. Đỗ nói làm như vậy ác lắm. Vậy mà không hiểu sao mấy tháng sau Đỗ đoạn đành bỏ tôi ôm cầm sang thuyền khác. Cũng may nhờ có thất tình một hai lần nên tôi mới đủ kinh nghiệm để tự mình chống chọi với khổ đau .
Cuối khóa, trước khi ra trường, đại đội được điều động đi chiến dịch chiến tranh chính trị tại Ninh Hòa. Trong khi tụi sinh viên sĩ quan dân miền Nam nghe địa danh Ninh Hòa không biết ở đâu có an ninh hay không, đứa nào cũng lo lắng thì tôi khoái chí vô cùng. Một tháng chiến dịch tha hồ dợt le . Tôi lọt về Ninh Hòa giống như cá lọt về sông . Các sinh viên sĩ quan cùng khóa theo níu đuôi tên thổ công là tôi, để hầu mong được giới thiệu vài em gái hậu phương làm bầu bạn. Tôi bận theo Đỗ thân mình đối phó chưa xong đâu rảnh rang làm ông mai bà mối .
Ban ngày đại đội chia nhau từng toán nhỏ đi làm công tác tại các xã ấp của quận lỵ, ban đêm về đóng quân ngay tại Trường Trung học Bán công. Từ địa điểm này chỉ cần sãi vài ba bước là có thể băng qua đường đến nhà của Đỗ. Đúng là thiên thời địa lợi. Nhà của Đỗ có một khoảng sân trống phía trước được bao bọc chung quanh bởi một hàng rào . Hai đứa bắc ghế ngồi khuất sau hàng rào đó nói chuyện trên trời dưới biển không ăn nhập vào đâu. Chỉ cần nhìn ngắm khuôn mặt dễ thương của Đỗ lòng tôi cũng đủ thấy vô cùng ấm cúng.
Sau một tháng đi chiến dịch tôi trở lại quân trường để chuẩn bị làm lễ mãn khóa . Tháng 7/70 tôi chính thức là một sĩ quan trừ bị của quân lực Việt Nam Cộng Hòa với cấp bậc chuẩn úy được gắn trên cổ áo. Tôi có mười ngày phép để về thăm nhà trước khi ra đơn vị mới .
Kể từ giờ phút này tôi mới thực sự là một người lính sẳn sàng nhập cuôc. Mừng vui lo âu lẫn lộn, tôi trở về nhà với tâm trạng của một người không còn nhỏ nữa . Nhưng lạ thay, Đỗ đã không đón tôi về như tôi đã từng hy vọng. Tôi không hiểu vì sao. Có lẽ tình cảm cả hai chúng tôi chưa đủ sức để bước vào ranh giới của tình yêu. Tôi buồn bả trả lại Đỗ tấm hình hai đứa chụp chung dưới chân Tháp Bà ngày hai đứa mới quen nhau. Mười ngày phép thay vì là ngắn bỗng nhiên trở thành dài thượt . Tôi đón chiếc xe đò lên Ban Mê Thuột trình diện đơn vị để được đưa ra chiến trường . Đỗ bỏ tôi đột ngột giống như đã từng đột ngột đến với tôi. Kể như giữa tôi và Đỗ không hề duyên phận.
Đôi khi duyên phận giống như một chiếc tắc xi . Khi không cần đến nó thì nó chạy ngờ ngờ trước mặt. Khi cần đến thì cho dù đứng đợi rã cẳng suốt ngày vẫn không thấy bóng dáng một chiếc nào.
Tôi là kẻ có lần đứng đợi. Đáng tiếc tôi cũng đã chờ nhưng người tài xế chê tôi ở quá xa nên không dừng lại .
Quan Dương
Hình : Cầu Xóm Bóng Nha Trang trước 75 . Phía xa bên góc phải là Tháp Bà nơi tôi gặp Đỗ
No comments:
Post a Comment