ANH HÙNG BẠT MẠNG (4)
Trần Thy Vân
Anka Pham
Trần Thy Vân
Anka Pham
GIAO THỪA ĐÊM DIỄM ẢO
Tiệc tùng
xong khách đã về. Nắng chiều chỉ còn phớt nhẹ trên hàng tre sau nhà.
Tôi bảo Trung trải poncho bên gốc cây hoa phượng trước sân cho các vị
thẩm quyền của Đại đội ngồi uống trà chơi và chờ đón giao thừa luôn thể.
Gặp lúc thong thả, đông đủ anh em, đặc biệt có Thiếu úy Đặng văn Thiều mới đáo nhậm, tôi không ngần ngại hòa mình vào tán gẫu, kể vài câu chuyện vui. Với tôi chẳng một ranh giới nào quá đáng, ngăn cách giữa cấp trên và dưới. Trái lại, tôi cần sự gần gũi, liên hệ mật thiết, để cùng nhau chiến đấu. Đó cũng là một yếu tố quan trọng làm tăng thêm sức mạnh, giúp Đại đội tránh được bao phen thảm khốc, mà nhiều đơn vị đã gặp phải kẻ bỏ xác đầu non, người vùi thây bên bờ suối. Vì kinh nghiệm máu đó mà mỗi khi rảnh rỗi tôi thường đùa giỡn, như ngang hàng với anh em lính trẻ, nên họ quý mến, không ai bất mãn, và con số đào ngũ giảm thiểu tối đa. Điểm này tôi cũng dẫn đầu 12 vị đại đội trưởng của Liên đoàn 1 Biệt Động Quân, được Trung tá Trần Kim Đại Liên đoàn trưởng trao tặng bằng ban khen hằng năm.
Ở cương vị cầm quân, dù mọi người không cùng một thuật chỉ huy, nhưng về mặt tâm lý đối với thuộc cấp là phải tương đồng nhiều điểm mới thắng địch. Tiểu đoàn này có hai vị sĩ quan cư xử với anh em lính khác xa tôi. Một tôi rất kính trọng, còn một tôi khinh ra mặt.
Trước hết, Trung úy Hồ Dơn, người Quảng Trị, cựu Đại đội trưởng Đại đội 2 BĐQ, lúc nào cũng cau có, mặt hênh hểnh, quan liêu, nhưng lại thượng đội hạ đạp. Ông ít khi trò chuyện thân mật với anh em dưới quyền, nếu có cũng chỉ để bàn mưu tham nhũng. Đánh giặc thì nhát gan như thỏ đế, đụng trận ông vội chạy lui ra sau, thúc thủ, điều động qua máy móc. Không nắm vững để lượng định được tình hình địch trước mắt khi đối đầu thì làm sao dàn quân bố trận. Do đó, lính ở phía trước mất phương hướng, bị tổn thất dài dài…
Một lần đơn vị đóng quân ở quận Tiên Phước Quảng Nam, vừa được cử làm Trưởng ban ba BCH Liên đoàn 1 BĐQ, Dơn liền giở thói lếu láo đâm thọc Trung tá Liên đoàn trưởng rằng tôi để lính phá phách ngoài phố, nổi xung tôi rút khẩu Colt 45 trở bá toan đập vào mặt ông, may có Đại úy Nguyễn văn Do, Tiểu đoàn phó 21, đứng kế bên ngăn cản kịp.
Tôi muốn quên nhưng Hồ Dơn là một tác nhân khiến Đại đội 2 đã bao lần từ chết tới bị thương, cần nhắc nhở để các thế hệ mai sau biết khi đặt để kẻ thất đức, bất tài chỉ huy một đơn vị tác chiến tức trực tiếp nắm giữ hàng trăm sinh mạng binh sĩ trong tay, thì chỉ rước lấy tai họa. Thật nhục nhã, đã một dạo dưới quyền ông tôi bị trù dập, chậm mất một năm hữu ích cho Tiểu đoàn 21 BĐQ. Dơn diệt giặc đâu không thấy chứ hại anh em thì quá nhiều.
Người thứ hai, Trung úy Quách Ẩn, Đại đội trưởng Đại đội 2, kế nhiệm Hồ Dơn. Ẩn lúc ấy còn độc thân, nghiêm nghị, xa cách lính, sống thanh bạch. Tôi làm Đại đội phó, anh lại ngăn cấm tôi giao du quá thân mật, ngang hàng với cấp dưới. Nghe Trung úy Quách Ẩn nói hoài và nghĩ mình khóa đàn anh nên có lần tự ái, tôi to tiếng:
– Không chơi với tụi nó, để chơi với rắn, hả?
Rồi, “thói nào tật đó”, tôi vẫn vậy. Một hôm, nhân lúc đơn vị dừng quân ở xã Cẩm Văn bên chân đồi Bồ Bồ Quảng Nam, tôi ham vui đánh bài thua liểng xiểng. Lúc về Bộ Chỉ Huy Đại đội ngủ, tôi bị Ẩn chất vấn:
– Ăn hay thua?
Tình ngay tôi đáp:
– Thua hai chục ngàn đồng.
Dường như Quách Ẩn cho lính theo dõi mới biết chính xác số tiền tôi thua, nên anh lấy trong ba lô ra một xấp bạc tương tự, và nói:
– Chắc hết tiền xài rồi chứ gì? Đây, tôi tặng đủ số vốn của Vân đó! Nhớ đừng chơi nữa, lính nó lờn mặt, khó chỉ huy!
Tôi ngỡ ngàng, phân vân chẳng biết tính sao. Nếu từ chối thì khó quá! Hai mươi tờ giấy bạc loại một ngàn đồng chính phủ vừa phát hành, là hơn tháng lương thiếu úy của tôi nhiều. Còn ngược lại, có khác nào tôi nhận một bản án tù treo của vị Đại đội trưởng suốt thời gian phục vụ Đại đội này, hay cả đời tôi không chừng. Rút cuộc tôi nhận, như một lời nguyền mãi mãi là người tốt, không bao giờ cờ bạc.
Anh thương tôi đến thế sao? Không coi tôi như một thuộc cấp mà là người bạn tri ngã.
Một điều nữa, không phải vì hai chục ngàn đồng, tôi nghe lời anh là chẳng thèm ăn bẩn quân trang quân dụng, ngay cả thực phẩm và hàng Quân Tiếp Vụ của đơn vị. Khi làm Đại đội trưởng, việc đầu tiên tôi ra tay hạch sách Thượng sĩ Nguyễn Điền, hạ sĩ quan tiếp liệu kỳ cựu, hai mươi năm trong ngành, về tài sản, nhu yếu phẩm, đã thất thoát từ lâu. Tôi bắt Nguyễn Điền phải bồi hoàn các khoản tiền gần hai trăm ngàn đồng. Xong, tôi cách chức, đề cử Trung sĩ nhất Nguyễn Đựng thay thế ông vô điều kiện, nghĩa là không đòi hỏi cái lệ “đầu tiên”, do các đại đội trưởng “tiền” nhiệm đặt ra. Thông thường bất cứ ai được cử làm hạ sĩ quan tiếp liệu, coi kho tàng của đơn vị, phải lo lót cho sếp sơ khởi vài trăm ngàn đồng. Do đó dù là cấp chỉ huy trực tiếp chơi hắn mạnh tay như kiểm tra sổ sách, tức đã đụng tới ổ quyền lực tham nhũng. Vì sao? Vì cái dù che cái cán. Người tố không đi tù thì cũng mất chức, hay bị thuyên chuyển nơi khác, gian khổ hơn. Điển hình, trường hợp Thiếu úy Châu, tôi không nhớ họ, thuộc một đơn vị pháo binh Quân đoàn I, thời tướng Hoàng Xuân Lãm Tư Lệnh. Thất bại việc tố giác cấp trên ăn chận, bán vỏ đạn đồng… Châu lại bị trù dập te tua và lâm nguy đến tánh mạng, phải chạy vào xin “tỵ nạn” Ty An Ninh Quân Đội Quảng Nam. Chuyện của Châu đã gây chấn động một dạo ở Vùng I.
Ổ tham nhũng cũng có hệ thống chỉ huy, từ trên xuống rất vững chắc, nhưng không có vấn đề câu nệ quân giai, nên một chú lính quèn vẫn được gặp thẳng ông tướng để nạp tiền nạp gái. Nếu ai không đủ Đô la, không đưa mối “lima”, chắc chắn sẽ bị tống ra tác chiến.
Nói cho đúng Nguyễn Điền chỉ là nạn nhân, buộc phải cấu kết với bọn thảo khấu của Trung tá Lê Phú Đào, một sĩ quan chưa hề trải qua sự chỉ huy cấp đại đội. Đào, tay gộc tham ô, dựa hơi Đại tá Khoái, Chỉ huy trưởng Quân khu I Biệt Động Quân, đàn em tướng Hoàng Xuân Lãm, đã ngang nhiên thay thế Trung tá Lê Bảo Toàn làm Liên đoàn trưởng Liên đoàn I BĐQ. Đơn vị đã một thời mạt rẹp, đánh đâu thua đó, lính chết liên miên, vì cách chỉ huy kém cỏi của Đào. Tôi nhớ lúc Liên đoàn I lên xe ra hành quân tái chiếm Quảng Trị đầu tháng 3-1972. Lê Phú Đào cũng bày đặt diện cái áo giáp mới toanh, tỏ vẻ hãnh diện như mặc chiến bào vua ban, đứng gác một chân trên khung cửa chiếc Jeep, tay cầm ống liên hợp máy PRC25, với bộ mặt kênh kiệu, nói với Đại tá Khoái bên Non Nước:
– Thái Dương (danh hiệu của Khoái) ơi, tôi quyết phen này mang chiến thắng về cho Thái Dương!
Đúng là trò cải lương. Sao không nói mang chiến thắng về cho quê hương đất nước, mà lại cho Khoái? Và may là Dương chứ “giường” thì Đào xuống giọng vọng cổ rồi. Thời thế thật! Thời thế đếch tạo anh hùng khí phách, chỉ nắn ra phường tiểu nhơn, ăn hại đái nát!
Quách Ẩn nhỏ tuổi hơn tôi nhưng tôi đã học nơi anh nhiều điều hay, không tự cao, luôn luôn khiêm tốn. Ngày nhận chức đại đội trưởng, sau lễ bàn giao, Ẩn tâm sự trước hàng quân:
– Thiếu úy Đại đội phó Trần Thy Vân là khóa đàn anh của tôi. Đôi khi… tôi nhường nhịn, anh em chớ lấy làm lạ…
Nghe nói mát ruột nên thời gian dưới quyền Ẩn, tôi đã tận tình, không nệ gian nguy, giúp anh nhiều vấn đề nan giải xảy ra bất ngờ. Năm 1970, trong cuộc tranh cử tổng thống VNCH, hai liên danh Nguyễn Cao Kỳ và Dương văn Minh thấy không thắng vội rút lui để cuộc đầu phiếu bất thành, nếu chỉ còn có tướng Nguyễn văn Thiệu “độc cử”, khiến Phật giáo chống đối ông dữ dội. Ở Đà Nẵng các Phật tử tập trung và xuất phát từ chùa Phổ Đà biểu tình, họ còn căng kẽm gai chắn ngang đầu đường Võ Tánh, gần trường Thọ Nhơn của người Hoa, làm xe cộ kẹt cứng. Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Quảng Đà yêu cầu Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân xuống dẹp chướng ngại vật. Trung úy Quách Ẩn Đại đội trưởng Đại đội 2/21 thi hành, đưa đơn vị từ xã Hòa Cường, Hòa Vang, tới. Trong lúc Đại đội trưởng Ẩn đang còn dè dặt, không nỡ mạnh tay với đồng bào Phật tử thì Đại tá Đáng ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I, rất uy nghi trong bộ kaki vàng, cổ đeo ba bông mai bạc láng bóng, xuất hiện. Trên chiếc xe Jeep ông vội bước xuống sấn tới rồi trợn mắt quát to, như muốn nuốt sống Ẩn:
– Dẹp đường lẹ đi!
Ẩn nói:
– Phật tử đang bám giữ hàng rào kẽm gai, tôi cần hỏi lệnh BCH Tiểu đoàn tôi cách đối phó…
Đại tá Đáng còn lấy tay chỉ thẳng mặt Ẩn:
– Hỏi ai, hả? Lệnh của tôi, nghe không?
Thấy khứa sĩ quan thuộc loại sáng vác ô đi tối vác về, đàn em của Hoàng Xuân Lãm, ỷ quyền, phách lối với người từng xông pha mặt trận, tôi nổi máu Hớn Minh, hét lớn:
– Lệnh Đại tá, phải không? Được, anh Ẩn để tôi dẹp!…
Thấy tôi đeo một bông mai thiếu úy trên nắp túi áo, tóc tai thì dài tới ót, vừa mới hành quân về chưa kịp hớt, lại nói hung hăng, Đáng đâm nhợn, nghi tôi toan giở trò gì đây giữa lúc có đám lính Biệt Động của tôi đang chĩa súng, ông vội phóc lên xe thúc tài xế nổ máy chạy vù. Cái đồ nhát ké, núp bóng từ bi cũng bày đặt vênh váo.
Giờ phút căng thẳng ấy, tôi lại gặp ông thầy pháp chuyên trị tà ma ở xã An Hải, quận 3 Đông Giang, đứng bên kia vòng kẽm gai chắn ngang con lộ. Tôi biết ông lúc nhỏ giữ trâu, lớn lên thiên tả, nay khoác áo đà giả tu, trà trộn giật dây Phật tử. Tuy nhiên, tôi vẫn cung kính:
– Thưa thầy, con là Phật tử, nhận nhiệm vụ giải tỏa chướng ngại vật, giữ an ninh nơi đây, con phải thi hành.
Tôi vừa dứt lời, thoạt đầu ông thầy pháp chắp hai tay trước ngực, tôi nghĩ chắc ông đã buông dao đồ tể, nay trở thành bậc chân hiền đạo mạo rồi, nhưng không ngờ “ngài” lại niệm to:
– Nam Mô A Di Đà Phật! Anh có nhiệm vụ anh, tôi cũng có nhiệm vụ tôi là chặn đường, không ai được qua…
Chưa đủ, vừa nói đến đó, đột nhiên gương mặt ông chuyển qua ngầu ngầu vừa lấy tay chỉ vào tôi rồi chửi thề:
– ĐM. anh mà Phật tử chi? Tôi đã nói không ai được bước qua chỗ ni, nghe chưa?…
Rõ ràng hắn là sư hổ mang Việt Cộng. Ngay lập tức, tôi ra lệnh Thiếu úy Phước (lai Ấn) cho Trung đội 3 sấn tới, kéo hết chướng ngại vật vô lề, đồng thời túm đầu tên thầy bùa trói lại ném lên chiếc Dodge Cảnh Sát đang đậu gần đó. Đám Phật tử chung quanh hoảng hốt, ùn ùn kéo nhau chạy thẳng tới đường Hoàng Diệu, ngược về chùa Phổ Đà…
Hiện Trung úy Quách Ẩn còn nằm bệnh viện Duy Tân Đà Nẵng vì đạp mìn, vết thương ngực quá nặng, chắc khó sống…
Nãy giờ anh em thao thao nói chuyện, tôi thì ngà ngà phăn theo dòng tửu Martel “ôn cố tri tân”. Nhớ buổi chiều ngày đầu tiên trực thăng vận đổ xuống Hạ Lào, địch chưa tấn công, tôi cùng Đỗ văn Nai Đại đội trưởng Đại đội 4/21 Biệt Động Quân chặt nửa chai Hennessy với thịt hộp ba lát. Nhậu xong trở về Đại đội 2/21 tôi phải bò từng chặng, qua những hố hầm, những gốc cây chằng chịt…
Nhị ra ngồi kế bên lúc nào không hay. Nàng rỉ tai:
– Anh, mời anh vô mẹ nói chuyện.
Để các chú cựa non “tửu nhập ngôn xuất”, cứ tiếp tục pháo nhau, tôi đứng dậy liểng xiểng bước theo Nhị.
Bà cụ nhìn tôi cười:
– Bác cám ơn Vân và anh em lính…
– Có gì đâu, thưa bác!
Nhị đặt trên bàn mấy tờ giấy bạc:
– Hôm qua đi chợ dư năm trăm đồng, anh à!
– Mua đồ nhiều vậy mà dư sao?…
Tôi bảo Trung đưa thêm một ngàn nữa:
– Em giữ ngàn rưỡi mai Tết lì xì con nít.
– Anh khéo nói, lì xì ai đâu dữ vậy?
– Dư thì cho em quýnh bầu-cua-cá-cọp.
Đang lúc Nhị sung sướng mỉm cười, dí xấp bạc vào túi mẹ, bỗng bên ngoài phát nổ đùng đùng, chớp lửa.
– Giao thừa! Giao thừa!…
Tôi nắm tay kéo Nhị chạy ra sân. Trung và Xá vẫn tỉnh bơ tiếp tục xịt hai ba trái signal xanh, trắng, đỏ vút lên cao:
– Chúc mừng năm mới Đại Bàng! Chúc mừng!
Bên gốc cây bông phượng trước ngôi nhà của Lý cũng vậy, một đám lính đồng loạt hô to những lời chúc mừng…
Tôi chưa kịp phản ứng, Nhị còn ngơ ngác ôm tôi, thì Hs Lê Tuấn đã thả đạn vào nòng súng cối phóng mấy quả 60ly, bung dù sáng trưng. Tiếp theo, ba trung đội, với các tiền đồn quanh khu vực như đã hẹn đâu trước, cũng chĩa M16 lẫn đại liên bắn chéo nhau không ngớt khiến vòm trời rực rỡ, tưởng chừng còn đẹp hơn những đêm hoa đăng trong truyện thần thoại.
Nhị có vẻ thích thú, vừa ngước lên nhìn không gian vừa hé môi cười, đôi mắt nàng long lanh ngập đầy hỏa châu, tôi định hôn nhưng lại sợ làm chao động cả một trời sao vô tận.
Một đêm tuyệt vời đáng nhớ nhưng đón giao thừa kiểu này chắc do tụi thằng Trung cao bồi xử đầu. Vì đầu năm kiêng cữ tôi không nỡ rầy chúng. Tôi nói Hiệp truyền tin:
– Thôi, bảo anh em đủ rồi!
Hiệp nắm ống liên hợp gọi các nơi:
– Mười, Hai Mươi, Ba Mươi!..Lệnh Đại Bàng chấm dứt bắn súng và canh gác cẩn thận!
Lính tráng giãn dần, tôi kéo Nhị ngồi bệt xuống thềm nhà. Con xóm trở lại yên tịnh. Sương khuya đã lành lạnh. Nhị bóp nhẹ vai tôi:
– Vô nhà.
Hai đứa đứng dậy. Bà cụ đã ngủ. Hai hôm nay bà làm việc nhiều. Nhị đóng cửa rồi vặn thấp ngọn đèn, ánh sáng quá yếu muốn tắt. Tôi chưa biết đến chỗ nào thì Nhị vén tấm màn cửa buồng đẩy tôi vô. Bên trong tối om như mực, Nhị quen đường, còn tôi thì dọ dẫm, vừa đụng cạnh giường tôi đã vội ngã người xuống, ôm bụng cười khúc khích.
Nhị nói nhỏ:
– Anh nằm xuôi lại…
– Đầu giường phía nào? Mà thôi, nằm ngang cũng được.
– Bộ thích “sà ngang” lắm hả?
Hai đứa thấm ý cười. Tôi muốn cười to cho đã nhưng sợ bà già nghe. Tôi vật ngửa Nhị ra hôn:
– À này, sao hồi nãy mình không nằm ngoài bộ phản?
– Để chú Trung ngủ.
– Đâu có, đêm nay anh đã cho tụi nó “di tản” qua nhà khác hết, để khỏi… đạp đất.
Nhị áp mặt vào ngực tôi:
– Mình yêu nhau lẹ quá… Ồ, có ai gõ cửa, anh à!…
– Đại Bàng ơi, Đại Bàng!
Tôi bật dậy phóng ra:
– Hiệp hả?
– Dạ! Trình Đại Bàng, Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng cần gặp Đại Bàng ở đầu máy.
– Vào đây!…
Nhị sau lưng chồm tới mở chốt cửa. Tôi vặn cao ngọn đèn rồi cầm ống liên hợp:
– Tôi nghe Trùng Dương (danh hiệu Quách Thưởng)!
Giọng ông khàn khàn:
– Anh có nghe gì không? Sơn Linh (Danh hiệu của Trung tá Trần Kim Đại, Liên đoàn trưởng Liên đoàn 1 BĐQ) mới gọi xuống rầy tùm lum các đại đội bắn súng và bắn trái sáng rực trời. Bây giờ 4 giờ sáng, còn hai tiếng nữa, Đại đội 1 của Việt Quốc phải di chuyển, nghe rõ không?
– Năm trên năm! Phương giác mấy, Trùng Dương?
– Theo quốc lộ về Đức Phổ. Nhớ đúng 6 giờ move.
– Đáp nhận!
Thưởng nói thêm:
– Tin Việt Quốc rõ, Tiểu đoàn 39 BĐQ vừa trực thăng vận xuống Sa Huỳnh đã mất luôn hai đại đội, trong đó có Đại úy Hoàng Kim Sơn Tiểu đoàn phó. Thiếu tá Lại Thế Thiết, Tiểu đoàn trưởng, xin nhảy tiếp hai đại đội còn lại, nhưng Sơn Linh không cho. Giờ đến lượt mình, chắc chơi xả láng đó! Nhớ khi đi ngang Quán Hồng hãy cẩn thận!
– Đáp nhận, Trùng Dương!
Tôi chỉ biết trả lời “đáp nhận” thôi. Miệng nói mà tai tôi ù hết. Ngày vui đã qua mau. Tôi trả ống liên hợp lại Hiệp:
– Mày bảo Thanh mời các trung đội trưởng, thường vụ Đại đội và Huỳnh văn Trung, khỏi ngủ nữa, lên đây gấp. Nhắc các sĩ quan cầm theo bản đồ.
Hiệp quay lưng đi, Nhị rầu rầu hỏi:
– Đại đội di chuyển, hả anh?
– Ừ!
Giờ phút này đầu óc tôi rối bù, nghĩ lung tung, phần mường tượng tới mặt trận ác liệt, đẫm máu, đang chờ đón mình, phần nuối tiếc cuộc tình mới chớm nở. Đã vậy, tiếng “ừ” vừa rồi lại quá khô khan cộc lốc làm Nhị buồn thêm. Nhớ hôm nay mùng 1 Tết, tôi gượng cười và ôm Nhị:
– Mừng tuổi em cái hôn.
– Chúc anh đi bình an!
– Chớ không mừng tuổi anh sao?
Mặt nàng phụng phịu:
– Mừng cái gì đây?
– Thì… hôn anh…
Như cái máy được bấm nút sẵn, Nhị ghì chặt tôi, quên mất Thiếu úy Thiều có mặt, đang đứng sau lưng.
Thượng sĩ Thiệp cùng các vị trung đội trưởng tiếp nối bước vào với quân phục gọn gàng, đội mũ nâu, mang dây ba chạc, súng Colt. Họ dàn ngang, cười tươi. Thiều mở đầu:
– Thay mặt anh em chúng tôi kính chào Trung úy năm mới và chúc mạnh tiến trên đường võ nghiệp.
– Tôi cũng cầu mong tất cả quý vị gặp nhiều may mắn, mọi điều tốt lành…
Rồi tôi nghiêm sắc mặt:
– Bây giờ mình đã có việc làm. Tình hình trong Sa Huỳnh rất căng, như tôi đã nói Thiều hôm nọ. Tiểu đoàn 39 BĐQ vừa mất hai đại đội. Lệnh Thiếu tá Thưởng, lát nữa 6 giờ mình lên đường. Tất cả hãy gọn gàng, cơm nước sẵn sàng một ngày ăn. Đại đội tập họp trăm phần trăm trước sân 5 giờ rưỡi sáng. Có ai hỏi gì không?
– Rút các tiền đồn về chứ Đại Bàng?
– Tôi mới nói, Đại đội tập họp trăm phần trăm mà Hạnh! Các anh theo Thượng sĩ Nguyễn Thiệp lấy bản đồ, vùng phía nam Mộ Đức, tức quận Đức Phổ. Thi hành! Riêng anh Thiều nán lại chờ tôi.
Mấy người kia đi rồi, tôi nói:
– Tôi đề cử anh giữ chức vụ Đại đội phó từ hôm nay.
– Cảm ơn Đại Bàng.
– Chẳng có gì ơn với nghĩa. Lát tập họp anh kiểm soát Đại đội mọi thứ trước khi xuất quân, nhất là đạn dược, tụi lính hay để tùm lum, thiếu hụt thì chết. Bây giờ Thiều bảo Thượng sĩ Thiệp ghép cho tôi và anh luôn, mỗi người một tấm bản đồ từ Mộ Đức tới Tam Quan Bình Định. Việc nào chưa quen cứ hỏi. Còn vấn đề cơm nước có tụi thằng Xá lo, ăn chung với tôi.
Thiều đưa tay chào tôi rồi bước vội ra ngoài. Tôi vừa mang giày vừa hối mấy người lính đang lui cui ở nhà dưới:
– Xá, Hoàng pha gấp hai ly cà phê và nấu cơm lẹ!
Bất ngờ có lệnh xuất quân, đám cao bồi ngớ ngẩn hết, Nhị thì điếng hồn:
– Em đã thu nhặt áo quần và đồ lỉnh kỉnh của anh, chỉ chờ chú Trung bỏ vô ba lô là xong.
– Mấy đôi vớ, cái mũ rừng nữa, báo chí thì bỏ lại.
– Vớ rồi, ụa…mũ rừng anh để đâu em không thấy, hay còn nằm… bên nhà Lý?
Tôi bẹo má nàng:
– Giờ phút này còn nghĩ nó “nằm” bển.
Nhị nũng nịu:
– Thì bữa trước… ở bển một lần rồi chớ bộ!
Bà cụ trong buồng bước ra:
– Hành quân hả Vân?
– Dạ, Đại đội sắp đi. Năm mới con kính chúc bác luôn luôn khỏe mạnh. Con sẽ về thăm.
– Bác cầu mong các con gặp mọi sự như ý. Giặc giã gì ác thiệt, mùng Một Tết mà hành quân.
– Quân đội là vậy đó, bác ơi!
Xá bưng hai ly cà phê để trên bàn:
– Kính mời Trung úy!
– Xá chạy mời Thiếu úy Đại đội phó, còn các anh dọn cơm ăn đi, gần tới giờ tập họp, di chuyển rồi!
Bà cụ đem lên một đĩa bánh tét và thịt heo kho thơm phức. Tôi và Thiều chẳng ăn nổi, chỉ uống cà phê, để bàn sơ chuyện di chuyển trên một lộ trình hiu quạnh. Bên ngoài, trời đã hừng hừng sáng, cây hoa phượng trước sân lờ mờ hiện ra trong màn sương. Tiếng gà còn gáy vang quanh xóm, như giục giã những người đi một ngày đầu xuân chớm buồn…
CÒN TIẾP /Kỳ 5
Trần Thy Vân
Trần Thy Vân
-----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
No comments:
Post a Comment