Wednesday, March 8, 2023

ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân

ANH HÙNG BẠT MẠNG (5)
Trần Thy Vân

Anka Pham

MÙNG 1 TẾT XUẤT QUÂN
5 giờ rưỡi sáng mùng 1 Tết, năm Quý Sữu 1973, Đại đội 1 Biệt Động Quân gồm Bộ Chỉ Huy, toán Thám Báo, và 3 trung đội với ba lô, súng đạn, đã lần lượt tề tựu nơi mảnh đất trống phía trước sân nhà của Nhị, dưới chân đồi Mộ Đức.
 ----------------
Thượng sĩ Nguyễn Thiệp, Thường vụ, luôn miệng hối thúc mấy chú lính còn đi tà tà, chạy lẹ vào vị trí tập họp. Vừa thấy đông đủ, thứ tự, Thiếu úy Đặng văn Thiều vội gióng hàng nghiêm chỉnh. Ông bắt lặp lại các động tác thao diễn đến lần thứ ba là lúc tất cả hoàn toàn im phăng phắc, không ai nhúc nhích, hay một tiếng động. Trước khi trình diện vị sĩ quan tân Đại đội phó còn cẩn thận liếc mắt từ trái sang phải, để biết chắc đội hình đã thật sự ngay thẳng, rồi ông mới quay qua tôi, đưa tay chào và báo cáo:
– Đại đội tập họp xong! Tổng số 107, bất khiển dụng 17, công tác hậu cứ 8, hiện diện hành quân 82, trình Trung úy Đại đội trưởng, đủ!
 
Mặc dầu đã quen với quân số thiếu hụt, khi lên lúc xuống, nhưng lần này nghe báo chỉ có 82 người, tự nhiên tôi cảm thấy hơi buồn. Số lượng mới bằng nửa đại đội Dù hay Thủy Quân Lục Chiến. Thậm chí còn thua xa một đơn vị cấp tương tự của Bộ Binh. Tuy vậy tôi vẫn lấy khó làm nên, tin tưởng vào khả năng chỉ huy của mình cùng tinh thần chiến đấu dũng cảm, sự năng động tuyệt vời của 82 tay súng bạt mạng, đánh chết bỏ, chưa một lần biết sợ là gì!
 
Tôi chào tổng quát và cố nén cơn giận vu vơ vừa chợt đến, để nói đôi lời an ủi anh em đang đứng lặng thinh, có vẻ buồn sâu kín, lạnh lùng trên từng khuôn mặt:
– Nhân dịp đầu xuân, tôi thân ái kính chào các sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ Đại đội. Cầu chúc tất cả và gia đình một năm mới an khang, hạnh phúc!
 
Anh em quý mến! Điều tôi muốn nói trước hết, đây không phải là lần đầu tiên Đại đội hành quân mùng 1 Tết. Quá khứ chúng ta cũng đã từng ra đi nhằm những ngày thiêng liêng thế này, như biến cố Mậu Thân, Kỷ Dậu, đặc biệt đầu năm Tân Hợi lâm chiến Hạ Lào. Chưa kể mấy cuộc khai quang lập ấp, bình định thôn làng những nơi xa xôi hẻo lánh mà khi xuân veà bằng chông mìn, đạn pháo, máu và cả nước mắt. Hôm nay tôi biết các anh chẳng lấy gì vui gì. Vì nhiệm vụ chúng ta không còn cách nào hơn. Cầu mong anh em gặp nhiều may mắn!
 
Tiện đây, tôi xin thông báo, kể từ ngày này Thiếu úy Đặng văn Thiều thay thế Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát giữ chức Đại đội phó. Bây giờ có mười phút, tất cả tự kiểm soát vũ khí, đạn dược, máy móc lẫn thuốc men lần chót. Và những cái gì mượn của đồng bào hãy trả lại.
 
Mời cấp trưởng các trung đội, Thám Báo, Truyền tin, Quân y lên gặp tôi. Giao quyền Thường vụ. Thi hành!
Dứt lời, tôi và các thẩm quyền vô nhà phân chia nhiệm vụ theo kế hoạch di chuyển. Trước hết tôi cho đổi tần số mới các máy PRC25 nội bộ. Danh hiệu của Bộ Chỉ Huy Đại đội vẫn laø Thiên Nga. Tôi không muốn đổi, dù có vẻ yếu đuối, giống tên con gái, nhưng Cộng quân đã bao lần khiếp đởm khi nghe đến danh xưng “Vịt Trời” này.
 
Tôi ra lệnh Thiếu úy Thiều:
– Anh dẫn 2 Trung đội 1 và 2 move trước. Khi ra khỏi khu phố Mộ Đức thì tạt trái đi song song, cách quốc lộ khoảng 20 thước, đội hình hàng ngang hay dọc tùy địa thế. Sau đó, BCH và Trung đội 3 sẽ tiếp theo. Tất cả súng cầm tay sẵn sàng tác chiến. Đầu năm nhớ niềm nở với dân chúng. Thiếu úy Thiều cho lên đường, còn Trung đội 3 tạm thời bố trí về hướng tây con xóm này chờ lệnh.
 
Các thẩm quyền đưa tay chào từ giã rồi bước nhanh ra cửa. Tôi tới đứng bên Nhị đang ngồi buồn xo nơi bộ phản. Anh em cao bồi hiểu ý hai đứa cần chút riêng tư, cũng vội đùm túm ba lô, súng đạn rời khỏi nhà. Trung không quên tắt ngọn đèn, vì trời đã sáng trợt, và nói:
– Đại Bàng! Tụi em chờ trước ngõ, có toán Thám Báo của Trung sĩ Nhật rải dọc theo hương lộ.
Tôi gật đầu và quay nói nhỏ bên tai Nhị:
– Anh đi, nghen!
 
Nàng im lặng, choàng tay ôm tôi. Bên ngoài các Trung đội bắt đầu di chuyển, tiếng giày nặng trịch, rồi nhỏ dần làm não lòng người trong cuộc. Đôi mắt Nhị đỏ hoe, chẳng giống đêm qua, lúc giao thừa. Tình cũng đẹp, cái đẹp tựa như hào quang của pháo bông, rực lên trong giây phút mà thôi. Dù sắt đá tôi vẫn cảm thấy lòng mình yếu mềm như thuở học trò, không đủ can đảm nói cho Nhị biết nàng đã yêu lầm người trai chỉ mải mê trận mạc.
 
Tôi ghì chặt Nhị:
– Mùng 1 Tết hãy vui vẻ. Vợ tương lai của Biệt Động phải đủ nghị lực. Anh sẽ về thăm.
– Anh yêu em không?
Tôi khẽ hôn vào trán Nhị:
– Sao không?
Nàng nhăn lại:
– Sao anh nói yếu xìu vậy? Em ghét anh lắm!
– Ghét thì khổ thôi! Chúc cưng ở nhà mạnh giỏi, siêng học. Để anh từ giã mẹ.
Tôi đến cửa buồng:
– Thưa bác, tụi con xin phép đi!
Bà bước ra ngồi xuống giường nhỏ:
– Chúc Vân thượng lộ bình an! Nhớ thư về bác.
– Cám ơn bác lần nữa đã giúp đơn vị ở đây hổm rày, có gì phiền, bác bỏ qua cho.
– Bác cám ơn Vân mới đúng. Nhị gom hết các đồ dùng của Vân chưa?
Như chợt nhớ điều gì, Nhị chạy vào buồng rồi sau một phút quay ra nói:
– Cái mũ rừng nè, em tìm muốn chết luôn!
– Ở đâu vậy?
– Dưới giường chớ đâu! Đêm qua, lúc anh nằm ngang, ôm bụng cười…
Kịp biết nói hớ, nàng vội đưa tay bụm miệng.
– Vậy mà nói anh để bên nhà Lý.
– Bộ muốn nhắc hả?
Dứt lời, Nhị âu yếm đội cái mũ lên đầu tôi:
– Em chúc anh đi bình an, vui vẻ…
Nhị lại khóc, mít ướt thật! Bất kể bà cụ ngồi trước mặt, tôi ôm nàng lần nữa:
– Anh đi… Kính chào bác!
Tôi bước nhanh ra cửa. Thanh mang máy chạy tới:
– Trình Đại Bàng, Thiếu úy Đại đội phó vừa gọi cho hay 2 trung đội đã ra khỏi khu phố Mộ Đức, đang di chuyển bên trái quốc lộ…
– Nói Thiếu uý Thiều, khi cách xa bìa khu phố khoảng vài cây số, xem có con xóm nào đó thì dừng lại bố trí. OK, chúng ta dzọt, bảo toán Thám Báo dẫn đầu, Trung đội 3 sau cùng.
 
Tất cả một hàng dọc, lặng lẽ theo con đường mòn ra thẳng Quốc lộ 1. Phía đông, mặt trời đã lên cao, đỏ ối trên các chòm cây dương liễu xa tít ở Đức Lương. Tôi quay lui nhìn căn nhà yêu dấu, không thấy Nhị đâu, chỉ mẹ nàng, tội nghiệp bà cụ đứng tựa cửa nhìn theo.
Tôi thúc Trung sĩ Nhật cho toán Thám Báo đi nhanh. Sau lưng, Trung đội 3 đang lầm lì nện từng bước nặng trĩu trên lối mòn còn ẩm ướt sương mai. Ngay cả đám lính thân cận cũng vậy, mỗi người một ba lô đầy nhóc lương thực, súng đạn cồng kềnh, trông uể oải, chẳng thấy ai vui vẻ chút nào. Tôi đã hiểu thì tôi không thể để bại trận vì nguyên do này.
 
Lúc tập họp, lính tráng đã chán nản, lo buồn cho chuyến đi nhằm ngày đầu năm. Phần lệnh lạc quân đội hay bất thường, lại thêm cái thói quen cố hữu của Quách Thưởng sử dụng liên miên Đại đội tôi làm anh em gian khổ. Chắc Thưởng vin vào tôi có nhiều mặt xuất sắc, đứng đầu 12 đại đội trưởng thuộc Liên đoàn 1 BĐQ, như chỉ huy giỏi, chiến công nhiều, đơn vị kỷ luật, ít người đào ngũ. Khi lâm trận, khả năng của đơn vị tấn công rất tàn bạo, tốc chiến, phủ đầu địch trên mọi địa thế, từ thành phố đến miền rừng núi, ngay cả đột kích đêm. Lắm lúc quân bạn bị cầm chân hay không nuốt nổi mục tiêu, tôi lại tình nguyện thanh toán chớp nhoáng. Do đó, mỗi lần gặp khó khăn nào, Quách Thưởng giao tôi là xong. Sự năng nổ do tấm lòng nhiệt tình, yêu thích, coi chuyện đánh giặc như việc nhà mà tôi phải chuốc lấy nhiều tai hại vào thân. Quách Thưởng, bạn từ thuở học trò, đã hiểu được, nên chẳng ngần ngại tống xuất mình đơn vị tôi ra đi sáng sớm mùng 1 Tết thế này.
 
Đi thì đi, nơi nào cũng là đất dụng võ của anh hùng!
Người ta nói “dụng nhân như dụng mộc”. Hẳn Thưởng biết cách dùng người nhưng phí phạm. Đôi lúc bực tức vì thấy lính quá khổ, tôi phàn nàn. Nhiều lần thong thả, hai đứa ngồi uống nước trà, nhắc nhớ những ngày còn đi học, tôi khéo lấy tình bạn cũ cùng lớp cùng trường Phan Thanh Giản Đà Nẵng, ngót bốn năm trung học đệ nhất cấp đầy kỷ niệm, lúc Thưởng chưa qua trường Phan Châu Trinh, để trách nhẹ Thưởng về sự thiếu công bằng trong Tiểu đoàn. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Ông hay nói xa vời:
– Tao mới làm Tiểu đoàn trưởng, ăn nhờ có mi, ráng giúp tao, mi cứ phàn nàn hoài.
 
“…Ăn nhờ có mi, ráng giúp tao”, gãy gọn. Thưởng biết mà, ngoài bổn phận chiến đấu, tôi còn sống có tình, bao phen cứu Thưởng khi bao phen Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn bị địch vây đánh suýt tan rã. Thế mà tôi chưa hề cầu cạnh người bạn ấy một ân huệ nào. Cũng như Quách Ẩn, em ruột Thưởng, tôi càng thân thiết bao nhiêu thì thiệt thòi vô lý bấy nhiêu. Nhiều lần tôi lại bằng lòng để Quách Thưởng lấy chiến công của tôi áp đặt cho sĩ quan khác nhận huy chương, nên người khóa sau sớm thừa điều kiện được thăng cấp trước, trong đó có Trung úy Dương Xuân, Đại đội trưởng Đại đội 2. Mặc dù thuộc loại khá, nhưng Xuân từng bị phạt hàng trăm ngày trọng cấm, vì tội bắn chết tên đầu đãng, vua xa lộ Hòa Khánh, bay lượn Honda qua mặt xe Jeep của Xuân. Chừng ấy tội đủ khiến thằng “điếc không sợ súng” khỏi lên lon lên lá, dù thâm niên công vụ, nếu không có công trạng ngoài chiến trường. Tôi khoái cái tính quân tử của tôi chỗ đó.
 
Dẫu sao tôi cũng mến vị sĩ quan tài hoa Quách Thưởng bởi cùng mộng ước, sống có lý tưởng, chịu vào sinh ra tử. Thưởng xuất thân trường Võ Bị Đà Lạt, tôi Thủ Đức, hai thanh niên ưu tú đều tình nguyện nhập ngũ, vì yêu đời binh nghiệp, chết lấy da ngựa bọc thây. Một điều, không hiểu Thưởng thế nào, chứ tôi, ai nói gì thì nói, dứt khoát rất hiếu chiến.
Một hôm, vì nghe thiên hạ hay bàn tán về hai tiếng “hòa bình” cho Việt Nam, Thưởng hỏi tôi:
– Vân, tao hỏi thật, mày muốn hòa bình không?
Tôi đáp ngay:
– Không!
– Tại sao?
– Tôi sinh ra để chiến đấu, hòa bình mà vẫn còn bọn Việt Cộng thì hòa làm gì?
Thưởng vỗ vai tôi:
– Mày giống tao.
 
Nói xong, hai đứa đắc ý cười rồi lấy bộ bài ra binh xập xám tay đôi chơi như con nít, vào một chiều dừng quân trên đồi 55, phía tây nam thành phố Đà Nẵng.
Vì những lý do đó việc nào khó Đại đội tôi lãnh đủ. Nhưng lính đâu biết, tưởng tôi bị Thưởng đì nên mỗi khi đụng chuyện anh em hầm hầm sắc mặt.
 
Trục di quân sắp xuyên qua con phố Mộ Đức. Trên đường đi, nếu gặp bất kỳ ai bị hiểu lầm có thái độ khiêu khích, bọn lính ngang bướng nổ súng ngay. Chuyện bắn nhau thường xảy ra vì gian khổ hay bị ngược đãi. Người ta nói Biệt Động Quân là thứ trời đánh trật búa, chiến đấu giỏi, mà phá phách thì chỉ thua quỉ sứ thôi…
– Đại Bàng!
Nghe Hiệp truyền tin đi bên cạnh khẽ gọi, tôi quay qua:
– Cái gì?
– Hồi nãy, em thấy chị Nhị nhìn theo khóc…
– Thôi, nhắc tới thêm buồn. Bảo thằng Thanh hỏi Thiếu úy Thiều dừng lại chưa?
Thanh lướt tới:
– Thiếu úy Thiều xin được gặp Đại Bàng đầu máy.
Tôi cầm ống liên hợp:
– Nghe Thiều!
Vị Đại đội phó báo:
– Trình Đại Bàng, tôi cho hai trung đội bố trí ở tọa độ XY… chờ Đại Bàng. Trước mặt tôi, phía nam khoảng 500 thước, có nhiều tiếng súng đủ loại. Chắc đơn vị nào đó chạm địch, đang đánh nhau.
– Cẩn thận! Tôi đang đi về hướng anh.
 
Đại đội bắt đầu xuyên qua trung tâm quận lỵ Mộ Đức. Con đường lớn giữa khu phố hôm nay trông khác lạ, khác hẳn với những lúc bình thường đã đành, nó cũng chẳng như ngày đầu xuân năm trước, mà tôi đã có dịp đi qua. Vào cái thời điểm sự sinh hoạt náo nhiệt nhất của buổi ban mai lại im lìm vắng vẻ, nhà nhà cửa đóng then gài. Hẳn dân chúng còn sợ, chưa dám ra ngoài, chỉ năm ba cụ già khăn đóng áo dài đen, người xuôi kẻ ngược, vội vã xuất hành. Nơi cổng chợ mấy em bé bụi đời đứng lấp ló, nhìn đoàn quân Biệt Động đang di chuyển ngoài đường. Một chiếc Jeep mui trần từ đằng xa chạy tới. Trên xe có trang bị một khẩu đại liên nòng chĩa phía trước, ba người lính Địa Phương Quân nai nịt gọn gàng, mặt nghiêm nghị, cầm loa đọc đi đọc lại nghe văng vẳng lệnh cấm đốt pháo hay tụ tập đánh bạc…
 
Mộ Đức, nếu không có màu sắc rực rỡ hòa hợp giữa những lá cờ vàng ba sọc đỏ hai bên dãy phố với chiến phục hoa rừng Biệt Động, thì chẳng khác nào Quảng Trị tiêu điều, hoang vu trong những ngày tháng thất thủ vừa qua.
 
Trên ngọn đồi hướng tây, sau lưng con phố, nơi đặt tạm Boä Chỉ Huy Liên đoàn 1 Mũ Nâu, một pháo đội đại bác thình lình bắn dồn dập về phía nam. Sáng mùng Một Tết thật mỉa mai, súng nổ đạn reo thay tiếng pháo. Dĩ nhiên Sa Huỳnh không có rượu hồng, không mai vàng nở rộ, cả những nụ cười vui chào đón xuân về, chỉ máu đỏ xương trắng tung lên. Mặc dù cái gọi là “Hiệp Định Ba Lê” và “Lệnh Ngưng Bắn” tái lập hòa bình Việt Nam đã hiệu lực ngày 27 tháng Giêng 1973, nhưng mùi tử khí chiến tranh vẫn còn bao trùm nghẹt thở.
 
Tôi ra dấu cho toán Thám Báo của Trung sĩ Nhật dẫn đầu đi chậm lại trước tiệm tạp hóa chị Hiển mới hé cửa. Thấy tôi chị nhận ra ngay người khách hôm nào cùng Nhị ghé đây mua hàng. Chị vồn vã:
– Kính chào Trung úy Vân năm mới! Nhị đâu?
Tôi mỉm cười:
– Nhị trong nhà, thưa chị!
– Sao không dẫn cô nàng theo? Mời các anh vô chơi…
Chị vừa nói tới đó vừa nhìn ra hàng quân dài lê thê với vũ khí cầm tay đang đi ngoài đường, như chợt hiểu chị nheo mắt:
– Ủa… bộ hành quân, hả Trung úy?
– Dạ, nhân dịp năm mới, kính chúc chị và gia đình làm ăn phát đạt. Xin lỗi, bây giờ đơn vị phải vào Đức Phổ gấp.
Tôi vừa quay lưng, tiếng chị vọng theo:
– Khi nào Vân Nhị làm đám cưới, tin tôi hay!…
 
Tôi vờ không nghe, cắm đầu đi thẳng. Lời mong muốn của chị khiến tôi thêm bối rối. Buồn ơi là buồn. Tự nhiên, tôi đâm ghét và mỉa mai chính tôi quá lăng nhăng, rước khổ vào thân.
 
Tôi gặp lại hai trung đội đầu trong một con xóm. Thiếu úy Thiều đang đứng đợi trước hiên căn nhà ngói đỏ, đưa tay chào tôi rồi ông chỉ về hướng nam:
– Trung úy nghe đó, hai bên đã choảng nhau cả tiếng!
Tôi trấn an người sĩ quan trẻ:
– Đừng ngại! Nếu cần, mình sẽ róc chúng dễ dàng để clear lộ trình. Bây giờ Đại đội tạm dừng và bố trí quanh đây, Thám Báo thì rải cặp quốc lộ phòng thủ.
Thiều chạy lo công việc, tôi ngồi bệt xuống thềm nhà, giở bản đồ đo từ điểm đứng đến phố Đức Phổ. Theo lằn chỉ đỏ, tỷ lệ khoảng cách tương ứng với ngoài địa thế hơn mười cây số, tôi ngao ngán cho lính. Bình thường thì chẳng ăn nhằm gì. Kỹ thuật đi bộ, trèo núi vượt sông của anh em rất chuyên nghiệp, đã được đào tạo tại Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân, nơi mà ai đã trải qua rồi thì thà chết chứ không dám trở lại lần thứ hai. Cái quân trường độc đáo, hắc ám ấy còn có ác danh laø “Lò Luyện Thép”, khét tiếng Đông Nam Á Châu, nằm giữa vùng rừng núi lam sơn chướng khí Dục Mỹ, Khánh Hòa. Nơi đó dùng để “trui” thêm một nước cho thành đồng đen các sinh viên sĩ quan bao năm hóng mát Đà Lạt trước khi mãn khóa. Dĩ nhiên, chốn ấy cũng là địa ngục kinh hồn đối với các đấng cấp úy hạng bựa từ các quân binh chủng bốn vùng chiến thuật gởi về nằm gai nếm mật.
 
Thế nhưng, chuyến đi này tôi linh tính có nhiều điều đáng ngại. Không hiểu sao chính tôi có sự mâu thuẫn, lúc hăng hái, khi thì chồn chân trên đường ra trận.
Tất cả anh em hy vọng dừng quân thêm một ngày nữa để ăn Tết cùng các đại đội kia. Tối hôm qua hậu cứ cho hay một số vợ con lính từ Phú Lộc sẽ vào thăm chồng. Tôi chẳng ngạc nhiên vì chuyện thường xảy ra trong các quân binh chủng tác chiến. Dù nơi đâu, chân trời hay góc biển, trừ khi đơn vị đang di chuyển, các bà vẫn mon men tìm đến, nhất là ở các đồn bót Địa Phương Quân, Biệt Động Quân Biên Phòng, họ đều hiện diện. Lắm lúc bị pháo kích các bà cũng chết thê thảm. Nhiều trường hợp vợ con lính trở thành anh hùng bất đắc dĩ, hy sinh mạng sống cứu chồng, cứu cha. Khi bị địch tấn công, đám thê nhi can đảm lâm trận, người bắn súng kẻ tải thương, tiếp đạn, rồi cũng hào hùng cùng chung số phận thịt nát xương tan…
 
Tin họ vô thăm tôi không cản, vì chưa nhận lệnh xuất phát. Bây giờ lính bực tức, mất cơ hội gặp mặt vợ con dù ngắn ngủi sau một năm xa cách, từ những ngày đầu Quảng Trị đẫm máu đến nay. Hôm về hậu cứ một đêm thì bị cấm trại. Từ hối tiếc, cụt hứng đưa đến bất mãn không xa, làm họ mất hết nhuệ khí chiến đấu.
Qua bảy năm chỉ huy các cấp trung đội, đại đội, kể cả hai năm Trung đội trưởng Trung đội Viễn Thám Biệt Động Quân, nhảy toán cho Tiểu đoàn 1 Thám Báo, Sư đoàn 1 Thủy Quân Lục Chiến, Hoa Kỳ, khắp vùng rừng núi địa đầu và biên giới Lào Việt, là các chức vụ tôi từng trực tiếp sống chết với lính. Ngần đó đã đủ để tôi kinh nghiệm khi lính bất mãn thì thường hay làm điều xằng bậy. Cấp chỉ huy phải có trách nhiệm can ngăn, tìm cách giải tỏa kịp thời những ấm ức tiềm tàng trong hàng ngũ chiến đấu.
 
Một trường hợp điển hình, tháng 5/72, sau ngày Quảng Trị mất, vì thiệt hại nặng Tiểu đoàn 21 BĐQ vào Văn Thánh, kế chùa Linh Mụ Huế, tái huấn luyện và bổ sung quân số. Lúc ấy có khóa học truyền tin cấp C2 sáu tháng tại Vũng Tàu, tôi cử một người lính xuất sắc tên Nguyễn văn Châu về tham dự. Trước khi lên đường, Châu được phát thêm hai bộ đồ hoa, một đôi giày da, tấm poncho, nhưng Châu trở chứng đem bán sạch ngoài chợ Đông Ba lấy tiền mua rượu nhậu chơi, bỏ khóa học. Trung đội trưởng rầy thì Châu sừng sộ, hỗn láo chửi thề. Nghe báo, tôi gọi Châu lên phạt đòn, đánh thẳng tay năm chục cây thanh ngang giường bố, gục tại chỗ. Đến mười giờ tối, tôi vẫn còn tức giận về cái xấc xược, vô kỷ luật ấy, sai lính xốc Châu dậy định đập thêm một trận nữa, thì hắn ta phều phào lạy dài xin tha.
 
Tôi chỉ mặt:
– Tao biết mày đã bất mãn, muốn bắn tao thì súng đây cứ bắn, khỏi cần bắn lén…
Dứt lời, tôi lấy cây M16, lên đạn rồi ném vào ngực hắn:
– Bắn đi!
Châu ôm ngang khẩu súng, đứng khóc:
– Em không dám, Đại Bàng! Em không dám!…
– Nếu mày không dám chơi thì phải làm việc đàng hoàng, còn muốn đào ngũ cứ việc tùy tiện. Ngày mai, 7 giờ sáng, lên đây trình diện và nói thật cần đào ngũ, tao hứa trước mặt Đại đội là cho 500 đồng và đích thân tao lái xe Jeep đưa mày qua khỏi trạm kiểm soát Phú Bài Huế để được an toàn mà về Đà Nẵng, nghe rõ chưa?
 
Hôm sau, tôi không thấy Châu hó hé gì hết, nó vui vẻ ra đi với đơn vị vào sân bay dã chiến Thành Nội Huế để trực thăng vận đổ xuống Hương Điền, mở đầu cuộc tái chiếm Quảng Trị. Ngày đó, Trung cao bồi trao lại tôi một lá thư của Châu viết, mà tôi còn nhớ mãi một câu: “…Em thề sẽ không bao giờ rời bỏ Đại đội Biệt Động Quân này, Đại Bàng đâu em đó cho tới khi một trong hai thầy trò mình chết”. Đọc mấy dòng chữ tôi muốn bật khóc.
 
Ở quân đội, nhất là các binh chủng tác chiến, luôn luôn có một số lính ba gai thuộc cỡ nặng do hoàn cảnh tạo ra, chưa kể thành phần xuất thân từ các băng đãng dân sự, coi trời như lá mạ. Dù loại nào đi nữa cũng đều sợ chết. Chắc chắn vậy, nên khi đụng trận, tôi thí chốt mấy tay anh chị đó trước. Nếu may mắn thoát chết, chúng sẽ trở nên hiền khô. Lối giáo dục của tôi là cưỡng bách hạng người đâm cha giết chú phải biết đổ máu ngoài chiến trường, để đời được cao quý hơn chết nhục ở đầu đường xó chợ. Biện pháp này có vẻ bất nhân nhưng tránh nhiều hiểm họa.
 
Chung chung, lính chỉ kính nể, phục tùng người chỉ huy gan dạ, thưởng phạt công minh, khi hung dữ, nhưng lắm lúc lại dịu hiền tình nghĩa. Nếu cấp trên yếu kém, chứa chấp tham ô, bất công, lạm quyền bắt nạt hà hiếp kẻ dưới, thì sớm muộn gì đơn vị cũng bệ rạc. Gặp giặc lính sẵn sàng bỏ chạy, đôi khi họ còn trở súng bắn lại nữa. Chuyện đã xảy ra ở Đại đội 4 BĐQ vào mấy ngày cuối cùng Quảng Trị thất thủ mùa hè 72. Một hạ sĩ quan lúc sinh thời như một hung thần, rồi bị thương nặng trong trận đánh tại tây nam La Vang nằm kêu cứu ơi ới, lính nhận ra tên và cấp bực, nhưng ai cũng nhớ lại sự tàn nhẫn của hắn khi còn làm việc ở hậu cứ, nên chẳng màng thương xót, tình đồng đội, đã đạp nghiến lên thân xác hắn trên đường rút lui.
 
Tôi suy nghĩ lung tung, chắc phải có phần bất ổn trong đơn vị, nên mời Thiếu úy Thiều đến hỏi:
– Với tư cách Đại đội phó, Sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, anh thấy tình trạng lính thế nào?
Thiều đáp:
– Thưa Đại Bàng, anh em uể oải lắm!
Tôi nhăn mặt:
– Uể oải nói làm gì! Anh không biết thật à? Mình hãy tâm sự với tụi nó một chút.
– Nếu Đại Bàng muốn tôi tập họp hết sau vườn, chỉ cử bốn người gác quanh.
 
Tôi gật đầu. Một lát Thượng sĩ Nguyễn văn Thiệp vào mời tôi ra. Tôi mở lời rất nhanh:
– Tất cả ôm súng ngồi xuống, như hình chữ “U”, được phép hút thuốc thoải mái…
Sau vài phút Đại đội đã làm theo lệnh. Nhiều người, nhất là các hạ sĩ quan, tỏ vẻ ngạc nhiên về cuộc họp thình lình này, rất hiếm xảy ra trong lúc di chuyển, lại có tiếng súng lác đác phía trước. Anh em mau chóng im lặng, chăm chú nghe:
– Hỏi thật các anh, ai buồn phiền gì không?
Chuẩn úy Hạnh giơ tay:
– Thưa Trung úy, Binh nhất Nguyễn Mẫn Trung đội 2 cần trình xin bốn ngày phép đặc biệt vợ sanh.
Tôi nhìn Mẫn ngồi giữa hàng quân:
– Điện tín nhận hồi nào, Mẫn?
– Dạ, Trung sĩ Nguyễn Đựng báo vợ em sanh ba ngày rồi.
Trước nhu cầu khẩn cấp của người lính khinh binh hai năm phục vụ đơn vị, tôi áy náy vô cùng:
– Tôi hứa cho, Mẫn ráng ít hôm nữa xem sao, chứ bây giờ mình đang di chuyển. Ngồi xuống, Mẫn!
 
Tôi muốn trình bày các anh một điều mà lúc sáng tập họp không tiện nói. Hôm nay đầu năm, đơn vị tiến vào Sa Huỳnh lắm gian nguy. Chuyến đi khiến chúng ta mất vui mà tôi lại là người bất mãn nhất. Mới bảy năm quân đội, từ tháng 3/1966, tôi đã bị cháy hết năm cái tết ngoài chiến trường. Đầu tiên tôi phục vụ Tiểu đoàn 11 Biệt Động Quân, Vùng 2. Vào giờ giao thừa Tết Mậu Thân 1968, Việt Cộng xâm nhập sâu giữa thành phố Pleiku, cả hậu cứ Tiểu đoàn ở Biển Hồ. Lúc ấy lính tráng đang rong chơi trong trại gia binh gần đó, vội ùn ùn xách súng vào đánh đuổi địch, xong rồi tức tốc lên xe đi giải tỏa ty Cảnh Sát Quốc Gia, Bưu Điện, Quân Cụ…suốt hai ngày Một và Hai Tết. Mùng Ba thì đơn vị lại đáp máy bay vận tải C130 qua Đà Lạt, để phản công, tái chiếm một vùng rộng lớn, mà tâm điểm là khu số 4, từ tu viện Domaine De Marie đến nhà thờ Chúa Cứu Thế trên một ngọn núi cao hướng tây.
Năm sau, Xuân Kỷ Dậu 1969, tôi đổi về Tiểu đoàn 21 này thì gặp ngay các cuộc giải tỏa địch chiếm hãng dệt Sicovina ở Cẩm Lệ, rồi Hòa Cầm, và thôn Quang Châu, thuộc quận Hòa Vang, phía nam thành phố Đà Nẵng. Kế tiếp, năm Canh Tuất, tôi dự các chiến dịch hắc ám nhất, như Dương Sơn 3, Vũ Ninh 8, 9 tại Phong Thử, Quảng Nam. Đến năm Hợi, cái gì Hợi đó, cũng heo thôi, bị chuyến đi Lam Sơn 719 Hạ Lào, lên đường đúng ngày đầu năm. Đời lính tôi muốn banh ra luôn!
 
Đặc biệt cuộc hành quân Lam Sơn 719 quá gian nguy. Đầu năm, Liên đoàn 1 BĐQ di chuyển ra Quảng Trị, vào tận Khe Sanh, Cà Lu biên giới. Nơi đó, Tiểu đoàn 21 BĐQ tiên phong trực thăng vận qua Hạ Lào và chạm địch ngay khi nhảy xuống kế đầu sông Sésamou, cực bắc Tchépone, tỉnh Savannakhet. Nên biết, trước khi Tiểu đoàn ta đổ quân đã có trung đội viễn thám mà tôi từng làm trung đội trưởng, rồi giao Thiếu úy Trần văn Thanh chỉ huy nhảy xuống, dùng mìn khai quang làm bãi đáp. Tôi nhớ rõ Tiểu đoàn 21 lúc ấy đơn thương độc mã ở một cõi xa lạ, hy sinh nhiều sinh mạng mới chiếm được ngọn đồi cao 300 mét, cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh tại cộc số DC16, làm nhiệm vụ án ngữ, là căn cứ đầu tiên của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trên lãnh thổ Vương Quốc Ai Lao.
Ba hôm sau, Tiểu đoàn 39 Biệt Động Quân nhảy vào, phía đông bắc, cách Tiểu đoàn 21 hai cây số đường chim bay, cũng lâm trận tơi bời. Sau một tuần tang thương, chống trả địch vây hãm, Tiểu đoàn 39 BĐQ thất thế phải di tản trước chiến thuật tràn ngập biển người của Trung đoàn 18 Biệt Khu Thủ Đô Hà Nội, đơn vị cuối cùng Cộng Sản Bắc Việt đẩy qua Lào. Tất cả anh em thương binh 39 Biệt Động đều bị bỏ lại. Tôi nói rõ, ai chết đã đành, hàng chục thương binh phải bị bỏ lại để rồi thịt nát xương tan hết dưới trận mưa bom B52 ngay sau đó!
 
Tôi không quên vụ Đại úy Đỗ Đức Chiến, Tiểu đoàn phó 39 BĐQ, cùng vị sĩ quan Ban 3, lên một chiếc UH1B Hoa Kỳ di tản, lại bị phòng không 37ly địch quân bắn cháy sau đuôi, xoay tròn trên bầu trời, rồi rơi xuống khu đồi căn cứ của Tiểu đoàn 21 chúng ta. Chiếc trực thăng trước khi nổ tung, viên xạ thủ Mỹ đã kịp thời lôi Chiến ra ngoài. Thấy sự việc diễn tiến như vậy và nghĩ tình ông là cựu Đại đội trưởng lúc tôi mới về đáo nhậm đơn vị, tôi vội kéo hai Biệt Động Quân nữa, cùng lao tới trong cơn mưa đại pháo 130ly của đối phương để cứu Chiến đang nằm giẫy giụa giữa vũng máu bên sườn đồi. May, người sĩ quan khóa 20 Võ Bị Đà Lạt ấy chỉ gãy một tay, được khiêng vào hầm BCH Đại đội 2 BĐQ của tôi. Căn hầm vừa đủ ba người trú ẩn, gồm Thiếu úy Trần Quang Giảng, xử lý Đại đội trưởng, tôi Đại đội phó và một Hạ sĩ quan truyền tin. Lúc bấy giờ có thêm Chiến nên quá chật, phần máu me nhầy nhụa chảy ướt cả tấm poncho trải dưới, với tiếng rên la vì đau đớn, làm Thiếu úy Giảng mất ngủ đâm quạu. Qua đêm thứ ba, trực thăng vẫn chưa đến tải thương Đại úy Chiến, vì căn cứ bị địch vây đánh lẫn pháo kích liên miên, Trần Quang Giảng chịu hết nổi tiếng la hét và máu me tanh ói, liền rút khẩu Colt 45 dí vô đầu toan bắn Đỗ Đức Chiến. Cũng may, nhờ không ngủ được, ngồi dựa vách hầm, mắt hé mở, tôi mới thấy thái độ kỳ lạ đó, nên vội chụp cây M16 bên lưng chĩa ngay mặt Giảng, quát to:
– Bỏ súng xuống, nếu không tao bắn nát óc!
Vị sĩ quan khóa đàn em, 23 Thủ Đức, ngoan ngoãn vừa đút súng vô bao vừa lằm bằm:
– Tình trạng này kéo dài làm sao tôi chỉ huy?
Tôi hạ nòng súng, nhưng vẫn còn trong cơn thịnh nộ:
– Mình mày khổ hả? Mày không có quyền hành động như vậy, nghe chưa? Dù gì tao và mày đã đụng chạm nhau rồi, tao sẽ xin đổi đi đơn vị khác.
 
Tôi không rõ giờ phút ấy, Đại úy Đỗ Đức Chiến có biết sự cố đang xảy ra không. Vì đau nhức ông vẫn “tỉnh bơ” rên rỉ, la hét như sấm. Mãi hôm sau, khó khăn lắm lính mới đưa người hùng lên trực thăng về bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Huế.
 
Hiện Đỗ Đức Chiến, như anh em biết, đã đeo lon thiếu tá, Tiểu đoàn trưởng 37 BĐQ. Vì một cánh tay ông bại xuội, “kỷ niệm” Lào, mỗi lần gặp tôi hay gọi đùa: “Tân Độc Thủ Đại Hiệp”, nhại theo tên một film Nhật. Khi Chiến mới làm Tiểu đoàn trưởng, mấy thằng lính ba gai chẳng ngán ông chút nào. Tụi nó nghĩ cái tay gãy đó đánh đau ai, nên nhiều đứa suýt bỏ mạng. Lúc bị kêu lên trình diện, thấy ông cứ nhá nhá cánh tay “bất khiển dụng”, thằng nào cũng phớt tỉnh, còn kênh mặt, ý chừng để cho ông tát hay loi tùy. Nhưng Chiến khôn thấy mẹ, “tiền trá hậu triệt”, bất thần ông trở bộ rồi dùng cái tay cuồng bạo kia dộng một cú direct, khiến con người ta thiếu điều trẹo cổ, ngã ngửa ra sau. Từ đó, ai cũng ớn lạnh ông thầy chơi thế ăn gian, dương đông mà kích tây, kiểu Việt Cộng, đánh knock out hết bọn “đệ nhất giang hồ” của Tiểu đoàn 37 BĐQ…
 
Tôi ngừng đôi phút cho Đại đội cười và lấy bánh kẹo ra ăn tự do, để nghe kể thêm vài câu chuyện. Nhìn chung, thấy anh em vui. Đây cũng là dịp tôi trút tâm sự, chứ lâu nay đa số tân binh chẳng rõ ông Đại đội trưởng này thuộc cái giống gì.
 
Các anh biết không, qua năm cuộc “du xuân”, chỉ cái Tết Kỷ Dậu 1969 là tôi nhớ suốt đời. Lúc đó tôi Trung đội trưởng Trung 3/2 BĐQ do Trung úy Đỗ Đức Chiến Đại đội trưởng. Dĩ nhiên thời ấy ông chưa là Tân Độc Thủ, cánh tay chưa xuội.
 
Vừa thanh toán bọn Việt Cộng chiếm cứ hãng dệt Sicovina Cẩm Lệ xong, tôi lại nhận lệnh chỉ huy luôn Trung đội 2 của Thiếu úy Nguyễn Hiếm vào giải tỏa Quang Châu, một thôn ở phía tây, thuộc xã Hòa Châu, nối liền với Miếu Bông, xã Hòa Phước quận Hòa Vang, Quảng Nam, cũng bị địch chiếm.
 
Chẳng hiểu sao Trung úy Đại đội trưởng Đỗ Đức Chiến lại giao tôi và Nguyễn Hiếm đánh Quang Châu? Chắc ông, cũng như Thiếu taù Võ Vàng Tiểu đoàn trưởng 21, vô tình! Dầu vậy, tôi và Hiếm vẫn đau lòng. Các anh biết không, Quang Châu laø chánh quán quê nội tôi, quê ngoại Nguyễn Hiếm. Lại nữa, cái tâm điểm cần phải tấn công trước là ngôi nhà xưa bằng gạch, tọa lạc giữa vườn cây ăn trái. Chính nơi đó tôi được sinh ra và hiện đang thờ phượng ông bà, ba mẹ và các anh chị ruột tôi…
 
Quang Châu nghèo, một dải đất hẹp bao bọc bởi những lũy tre già im bóng, ruộng nương không đủ rộng để cò bay thẳng cánh, nhưng quanh năm tươi mát, êm ả, với tiếng sáo diều vi vu, không một vết thù bom đạn chiến tranh. Quang Châu, một thôn riêng của tộc Trần Bá, gồm bốn phái, gia đình tôi thuộc phái nhất, nổi tiếng ngày xưa môn Vạn Pháp Quy Tôn. Cố tôi luyện được nhiều phép, như sang sông bằng nón lá, dấm đậu thành binh…đánh nhau với làng Quá Giáng kế bên, do vụ đổi chùa. Vì tài đó Cố bị vua Nguyễn giết, buộc thắt cổ, nhưng Cố điểm nhãn, biến khúc lụa đào thành rồng cỡi bay đi mất dạng. Tương truyền Cố xuôi nam ẩn lánh, cứu giúp người đời khắp xứ. Sau, Cố chết hiển thần, được lập miếu thờ tại Hòn Khói, tỉnh Khánh Hòa…
 
Khi vào sát Quang Châu, tôi cho hai trung đội nằm cặp bờ ruộng phía bắc, dọc theo con hương lộ, đối diện nơi chôn nhau cắt rún của tôi bên kia lũy tre già trước mặt. Tôi cứ phân vân lưỡng tính, đánh hay bất tuân lệnh thượng cấp. Nếu đánh phải dùng đến phóng tiễn M72, M79, cả lựu đạn M26, thì mục tiêu nát ngay, ngôi nhà sụp đổ, vườn tược cũng hoang tàn. Sư thiệt hại vật chất còn có thể xây dựng lại, chứ phần tinh thần thì sẽ không bao giờ đền đắp được.
 
Chị tôi, Trần thị Miên, lấy chồng Miếu Bông, cách Quang Châu một khoảnh ruộng nhỏ, sợ run lên vì chưa biết đơn vị nào vô giải tỏa, mà không làm hư hại ngôi làng yêu dấu của chị. Bất ngờ buổi sáng hôm ấy, tiếng pháo đầu xuân còn đì đùng, thấy tôi dẫn hai trung đội Biệt Động, xuất phát từ thôn Phong Lệ, đằng đằng sát khí tiến vào, xuyên qua Miếu Bông, lúc đi ngang trước ngõ, trong nhà chị vụt chạy ra, kêu thật to cái tên thuở bé của tôi:
– Cậu Trí!
Vì khẩn cấp, trên đường tới mục tiêu, không tiện ghé thăm, dù chỉ để nói đôi lời chúc tết, mừng tuổi, nhưng khi nghe tiếng chị gọi tôi phải dừng chân, quay lui:
– Chào chị và các cháu năm mới!
Miên, gương mặt thất thần, nói dồn dập:
– Này, nói cậu biết gia đình chị Hai (chị dâu vợ anh cả tôi), anh Phó Thừa đã di tản ra đây hết rồi. Những ai còn kẹt trong làng đều là bà con. Nhớ cẩn thận, bảo vệ nhà cửa, vườn tược và dân mình, nghe chưa! Việt Cộng không có nhiều đâu!
 
Việc quân đội mà chị dặn đủ thứ. Tôi nói như nạt chị:
– Vào nhà đi! Để em tùy cơ ứng biến!…
Nhìn khu vườn đầy hoa dại, đã một thời thơ ấu cùng hai chị Thông, Miên chơi đùa, chạy nhảy tung tăng, tôi ngậm ngùi. Dĩ nhiên, tôi không thể để mảnh đất thiêng liêng ấy bị xao động, phai mờ hình ảnh, dư âm dịu hiền của mẹ tôi còn phảng phất đâu đây, từng hằn sâu trong tâm khảm dù 25 năm trước mẹ đã ra đi không bao giờ trở lại.
 
Anh em Biệt Động tham chiến hiểu chuyện cũng cảm thấy mỉa mai chua xót, không nỡ chĩa súng vào nơi sinh thành của người đang trực tiếp chỉ huy mình. Chỉ riêng tôi nhận biết khu vườn bỗng hiện ra bao hình ảnh thân yêu lạ lùng, khiến bất cứ ai đối diện cũng phải run sợ. Địch quân thì đang thúc thủ bên những gốc mít, bờ tre…
 
Lần đầu tiên trong chiến đấu, tôi lại cố chần chờ, ngầm thamạng sống, để kẻ thù còn có cơ hội rút lui.Thật tình tôi không muốn giết chúng nơi đây. Sá gì năm ba tên giặc cỏ, một luõ đói phương Bắc vào kiếm ăn, mà Quang Châu, một cô thôn đầy huyền sử phải hoang tàn. Tôi rất e ngại khi nổ súng tấn tới, vũ lực ít ra cũng làm trầy trụa những thảm cỏ non xanh nhiều hoa với bướm muôn đời của chị tôi, Trần thị Thông, chết năm 16.
 
Tôi bảo hai trung đội lúc tấn công hãy tác xạ cao khỏi nóc nhà, trừ phi thấy địch, và cấm đụng chạm tới tài sản dân làng. Ai bất tuân sẽ bị bắn bỏ tại chỗ. Thiếu úy Hiếm luôn nhắc lại lệnh đó nhiều lần để mọi người tuyệt đối thi hành. Cuối cùng còn hai Cộng quân không chịu chạy, vẫn bám sát sau hè nhà, buộc lòng chính tôi phải thanh toán chúng bằng một quả M72, làm lủng vách tường, sức ép thổi rơi tấm ảnh thân phụ tôi trên bàn thờ. Chỉ có vậy nhưng Miên không hài lòng, trách mãi tôi làm xơ xác khu vườn vốn rất yên tịnh từ lâu…
 
Nay tết nữa là sáu cái trong bảy tuổi lính của tôi đang cùng các anh trên đường lao vào trận chiến Sa Huỳnh. Giờ phút này chúng ta chưa rõ tình hình địch nơi đó ra sao, nhưng chắc chắn không hơn ở Quảng Trị. Trước mặt tôi lớp người cũ chẳng còn bao nhiêu, đa số mới và có thể là những anh hùng trong tương lai dù chưa gian khổ lắm. Với tư cách người chỉ huy đơn vị, tôi thông cảm các anh đã mất một cơ hội gặp mặt vợ con và thân bằng quyến thuộc sau một năm bốn ngày xa cách. Nhưng, chớ quên, chỉ tôi thông cảm, chứ kẻ thù thì lúc nào cũng muốn tận diệt chúng ta. Một vấn đề nữa, hẳn ai cũng biết là vì tình hình khẩn trương, áp lực địch từ Sa Huỳnh, Liên đoàn 1 Biệt Động Quân phải đến, chẳng ai trù yểm Đại đội này.
 
Thôi, chuyện còn dài. Đầu Xuân chúng ta tâm sự ngần đó để hiểu nhau. Quân đội không đủ ngôn ngữ, chỉ lấy hành động diễn đạt, giải quyết mọi vấn đề. Hãy vui vẻ mà chiến đấu, là tự cứu mình trước hết. Tất cả lên đường!
 
Anh em vừa đứng dậy tôi ra lệnh dàn đội hình:
– Đại đội tiếp tục di chuyển bên trái quốc lộ, nhắm hướng nam, Đức Phổ. Để tránh phục kích, Trung đội 1 hàng ngang đi đầu, Trung đội 2 và 3 hàng dọc, giữ mặt đông, cả ba như chữ “L”, đáy trước. Toán Thám Báo bên phải BCH, quan sát phía tây. Có thể chạm địch, sẵn sàng nổ súng!
CÒN TIẾP /Kỳ 6
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân 
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
 
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
   

No comments: