Saturday, March 11, 2023

ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân

ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối)
Trần Thy Vân

Anka Pham

ĐỌC GIẢ NHẬN XÉT & PHÊ BÌNH/ANH HÙNG BẠT MẠNG
* Sinh viên NGUYỄN HIẾU Phoenix, Arizona.
Cháu sanh ra sau cuộc chiến, không biết về thời đó, nhưng chân thành cám ơn bác đã dùng ngòi bút kể lại thật là cặn kẽ làm cháu hiểu nhiều các anh hùng dân tộc.
 ----------------
Cháu nghĩ, lúc ấy đất nước xuất hiện thêm anh hùng như bác, thì đâu có ngày nay hàng triệu đồng bào đâu có cảnh lưu lạc người trong nước nhớ thương người ngoài nước và có biết bao nhiêu mạng sống làm mồi cho cá chỉ vì chạy trốn Cộng Sản. Hy vọng tương lai có nhiều bậc anh hùng như bác để thay đổi số phận đất nước.
 
* Trung tướng NGUYỄN CHÁNH THI Lancaster, Philadelphia.
ANH HÙNG BẠT MẠNG quả là quyển sách của một chiến sĩ, chiến đấu cho quê hương dân tộc. Tôi thành thật khen anh, con yêu của Trần Cao Vân, Thái Phiên xứ Quảng. Tôi rất thích chương “Sau Trận Thánh Chiến”. Tôi biết tên tướng bỏ sư đoàn chạy ra cù lao Ré, vào Phan Rang xin một máy bay nói là đi thám thính lại để chuồn.
 
* Đại tá TRẦN KIM ĐẠI Nam California.
Liên đoàn trưởng LĐ1 BĐQ – danh hiệu Sơn Linh trong AHBM.
“Sách được lắm nhưng viết còn thiếu hai điều trí trá của ông tướng đó” Trang 9.
 
* Trung tá HỒNG PHỔ Tyler, Texas.
Liên đoàn phó LĐ1 BĐQ – danh hiệu Sơn Linh Phó trong AHBM.
“Tiếp tục vạch mặt, đất nước mất do bọn vô tài, xôi thịt đó”.
(………Tôi chưa trình bày hết ý, Hoàng Phổ đã nổi cười khà khà, nghe dễ nóng: “Hay ha, phe ta bắn phe mình”. Tức giận người hùng Khe Sanh khen kiểu móc họng, tôi cúp máy, trả ống liên hợp, rồi buồn buồn ngồi chửi đổng: “Đời mà! ĐM… Tình nhà binh như tình nhà thổ”) Trang 136.
 
* Trung tá QUÁCH THƯỞNG Nam California.
Tiểu đoàn trưởng 21 BĐQ – danh hiệu Trùng Dương trong AHBM.
Cấp chỉ huy trực tiếp, cũng là người bạn học cũ của tác giả vào những năm giữa thập niên 1950:
“Tao đọc tao buồn quá!”. Vẫn như ngày nào trong trận chiến Sa Huỳnh
(Giọng Thưởng muốn khóc: “Hộ tống tao ra Đức Phổ gấp! Thằng Ẩn chết rồi!”) Trang 114.
 
* Đại uý Bác sĩ NGUYỄN TRUNG TÍN Canada.
Y sĩ trưởng BCH Liên Đoàn 1 BĐQ.
“Cuốn AHBM lại đầy kỷ niệm của tôi. Bao xúc động, thương tiếc những người lính đã bỏ xương máu nằm xuống cho dân tộc sống còn, để rồi phải buông súng đầu hàng tức tưởi. Thật cảm động với bao hình ảnh hào hùng của anh em như đang hiện ra trước mắt tôi”.
(Tác giả khó quên ngày tác giả bị mìn, gãy hai chân, Bác sĩ Nguyễn Trung Tín tới săn sóc ngay tại mặt trận. Bối cảnh này được nhắc lại trong Tiếng Hờn Chân Mây đã phát hành).
 
* Đại uý DƯƠNG XUÂN Michigan.
Đại đội trưởng 2/21 BĐQ – danh hiệu Xích Bích trong AHBM.
Cùng với tác giả giáng xuống đầu địch nhiều đòn chí tử.
“Sách viết hay, bạn bè đọc đều nói vậy. Nếu còn chỗ nào anh quên thì hỏi tôi”.
(Tao đoán địch chừng một trung đội đang làm nút chặn để quân nó tháo chạy qua đầm. Xuân than: “Hầm hố chằng chịt, lính không thấy đường, đã chết hai rồi còn nằm dưới. Anh đánh giúp tôi bên phải, từ chớn nước vô…”) Trang 160.
 
* Trung uý TRẦN THƯƠNG QUẢNG Norway, Âu châu.
Chỉ huy hậu cứ Tiểu đoàn 21 BĐQ.
“ Nhận được ANH HÙNG BẠT MẠNG, chưa đọc chữ nào, cái tựa đề đã làm tôi thích thú, nó làm sống lại hình ảnh BĐQ Trần Thy Vân trong trí tôi, nước da đen đen, gương mặt khắc khổ, ngang tàng đếch sợ thằng tây nào. Nhưng đó chỉ là bề ngoài của một sĩ quan chiến đấu cao, lúc nào cũng tình cảm với anh em”.
Khánh (phu nhân của Trần Thương Quảng):
“Tôi đã thức gần trọn hai đêm để đọc, hôm sau đi làm uể oải mà vui. Ngày xưa, tôi là con của lính, sau làm vợ lính nên ít nhiều cũng biết được thế nào là lo sợ, vui mừng của đời lính. Đọc đến đâu tôi cũng thấy cảm động, không thể ngưng được”. Đại uý PHẠM XẾP Brooklyn Park, Minnesota. Pháo đội trưởng PB SĐ2BB -yểm trợ hỏa lực mặt trận Sa Huỳnh.
 
“Trên 42 năm mới được tin tức bạn bè, mình vừa mừng vừa xót xa đau buồn vì sự mất mát của Vân, do các bạn cùng khóa phone cho biết. Đâu có ngờ những năm 1970-75, hai đứa cùng chung vùng trách nhiệm, Vân bên Biệt Động Quân, đơn vị mà Pháo đội mình đã từng bắn yểm trợ nhiều lần vùng I…
 
Đọc 2 cuốn sách mình cũng không ngờ bạn mình “bạt mạng” đến thế. Rõ đây là hồi ký đúng hơn tập truyện. Cảm ơn Vân đã cho mình, bạn bè, độc giả, những ấn tượng sâu sắc về cuộc đời quân ngũ, nhất là một cấp chỉ huy có trách nhiệm. Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG, có cái ấn tượng sâu đậm nhất là vì không những mình là bạn Vân, mà các nơi xảy ra những cuộc đụng độ khốc liệt, rủi ro cho cá nhân cũng như đơn vị Vân lại chính ngay tại địa phương mình. Quê mình ở Đức Thuận, tức Đức Phong sau này. “Quán Hồng” Vân đề cập trong truyện, Quán Hồng Cà Phê Máu, là một địa danh của xã nhà-Đức Phong! Còn Đức Lương quê vợ mình. Cho nên Trần Thy Vân viết đến những địa danh đó, mình có cảm giác đang lâm trận với Vân…”. (PX)
 
* Nhà thơ NGUYỄN ĐÔNG GIANG San Jose, California.
Tác giả thi phẩm “Vô Lượng Tình Sầu”, xuất thân khóa 19 Võ Bị Đà Lạt, với Thiếu tá Nguyễn văn Do Tiểu đoàn phó Tiểu Đoàn 21 Biệt Động Quân.
 
“Tôi và Trần Thy Vân bạn thân thiết từ quê hương An Hải: “Bên ni sông Hàn nước xanh như tàu lá, bên kia Đà Nẵng phố xá nghênh ngang”. Thời niên thiếu đọng lại trong lòng nhau những kỷ niệm buồn vui như rủ nhau đi tắm biển Mỹ Khê, bơi ra Cồn Khoai đá bóng. Những ngày mưa nắng đứng đợi bến phà, chờ đò đi học lo xa đường về. Lớn lên lưu lạc… rồi chiến tranh bùng nổ khắp miền Tổ Quốc. Tôi vào Võ Bị Đà Lạt năm 1962. Trần Thy Vân thì tình nguyện K22 SQ Thủ Đức 1966.
 
Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG như sống lại một thời kỳ lịch sử chiến tranh VN với chiến thuật tấn công vũ bão, thần tốc…vang danh lừng lẫy làm địch quân kinh hồn bởi những chiến sĩ QLVNCH trong đó có Đại đội 1/21 BĐQ do Trung úy Trần Thy Vân Đại đội trưởng. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đã có màu da đồng đen rất thuận lợi cho chiến tranh, lúc cận chiến, anh lì lợm, một dạng Lý Tiểu Long ăn đòn, chịu đòn, và tung những đòn chết bỏ… dứt điểm triệt hạ kẻ thù. Như những trận “Sa Huỳnh Biển Lửa” và “Chọc Thủng Bức Tường Thép” anh với 50 tay súng BĐQ coøn lại đã đánh tan một trung đoàn Cộng quân Bắc Việt. Anh và đồng đội là những tay sát thủ lành nghề.
 
ANH HÙNG BẠT MẠNG là một trong những thiên anh hùng ca của những nhà văn quân đội VNCH trước 1975. Những trận đánh được anh kể lại như phơi bày trước mắt ta, những chiến sĩ Biệt Động Quân mũ nâu Đại đội 1 Tiểu đoàn 21 gan dạ, anh hùng, dẫn dắt người đọc theo dõi, say mê như truyện trinh thám, hồi hộp, như: “Đại đội kỳ dị, ma quái…”, “cảnh vật chung quanh bỗng dưng im lặng, nghẹt thở, sự sống như muốn ngưng hẳn nơi một góc Trường Sơn hùng vĩ” (trang 130).
 
Đời lính dường như ngắn hơn đời người, nên tình yêu của anh cũng rất bạo, như trong “Tình Yêu Lãng Tử”…
ANH HÙNG BẠT MẠNG là một tác phẩm hồi ký chiến tranh không hư cấu, không cường điệu. Ngôn ngữ anh dùng mộc mạc, dễ hiểu. Anh viết văn như kể chuyện, bộc trực, thật lòng, không quan trọng hóa vấn đề. Văn phong gọn gàng, dứt điểm, không dài dòng, cũng không phóng bút lộng ngôn, vung vãi…
 
Hai tác phẩm ANH HÙNG BẠT MẠNG-TIẾNG HỜN CHÂN MÂY của Trần Thy Vân đã thành công từ nội dung lẫn hình thức. (NĐG)
 
* Nữ độc giả PT KIM LIÊN Maryland.
“Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG mà như được người anh kể chuyện chiến trường cho các em nghe, vừa hồi hộp, lo sợ cho phe ta, vừa tức mình vì đồng minh hay “phe ta bắn phe mình”, và sĩ quan cao cấp lại cướp công lao xương máu của các cấp dưới. Anh cho người đọc thấy sự gian truân, can đảm, tài giỏi của các chiến sĩ QLVNCH. Tình thương của người chỉ huy đối với các binh sĩ như anh em một nhà, anh quả là người thông minh nhạy bén. Đánh giặc thì thần tốc, chính xác, còn khéo léo đối xử với người dân để có sự chân tình giúp đỡ lẫn nhau như gia đình chị Nhị…
 
Sách anh cô đọng, không những có lúc làm rơi nước mắt mà còn có khi bật cười…”. (PTKL)
 
* TRẦN VĂN ĐÁ San Diego, California.
Đồng khóa 22 Sĩ Quan Thủ Đức với tác giả.
“ Đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG rất xúc động, càng đọc tôi càng thấy thấm thía. Mặc dù khác binh chủng, nhưng tôi cùng khóa 22, nên biết tính tình anh từ lúc còn học ở quân trường Võ Khoa Thủ Đức. Đủ điều kiện được về làm việc nơi quê nhà an nhàn mà không chịu, anh lại quyết tâm xông pha chiến trường, chỉ vì cái máu bạt mạng của Biệt Động Quân Trần Thy Vân. Tiếc một điều, đánh giặc như vậy, nào Hạ Lào, Quảng Trị, nhất là Sa Huỳnh Quảng Ngãi 1973 anh thắng vinh quang mà không được đặc ân thăng cấp. Cuối cùng, tháng 3/1974, anh lãnh hậu quả đau thương, bỏ lại chiến trường đôi chân. Dù gì anh cũng đem lại vinh dự cho QLVNCH là Đại đội anh đánh tan Trung đoàn 141 CS, mà các đơn vị khác không vào Sa Huỳnh được.
Vì cảm khái cái dũng của anh, đặc biệt chị Nhị đã can đảm sang đầm Nước Mặn dưới trời “Mây” đang còn xác thù, để vào thăm anh, Tình Cũng Bạt Mạng, tôi tặng bốn câu thơ:
Mây trắng ngang trời, mây trắng bay
Sông buồn nhẹ lướt bóng thuyền ai
Bâng khuâng có kẻ nhìn mây nước
Rồi mấy tơ vương vạn dặm dài. (TVĐ)
 
* Đại tá NGUYỄN QUANG Moreno Valley, California.
Sĩ quan Truyền Tin Phủ Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Đ/tá Nguyễn Quang có tháp tùng Tổng Thống ra thăm Sa Huỳnh sau khi đã tái chiếm.
Ngày 12-6-2007, tác giả có tiếp chuyện qua điện thoại với một vị cao niên, quý danh là Nguyễn Quang, cựu đại tá truyền tin ở Phủ Đầu Rồng, thời Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu. Sau vài giây thăm hỏi xã giao, giọng của ông Đại tá chuyển qua, tuy không gắt gỏng, nhưng không mấy dịu dàng, khi nhắc đến chuyện tướng Trần văn Nhựt được đề cập tới trong cuốn sách này, với tác giả: “Tôi nghe nói anh viết sách chửi tướng Nhựt cướp công anh ở trận tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi. Nhựt bạn tôi, tư lệnh mặt trận lúc đó, còn anh, một trung úy đại đội trưởng, tướng Nhựt cho anh huy chương, cho lên lon bao nhiêu cấp cũng được hà tất ông Nhựt lại cướp công anh?…” Ông diễn giải rất nhiều, lời nói có lúc nhấn mạnh như tát nước vào mặt, khiến vết thương lòng, cả thể chất xưa cũ của tác giả đau nhói lên. Tác giả mãi im lặng, lắng nghe xong, rồi cung kính thưa: “Niên trưởng vui lòng đọc 2 tác phẩm của tôi thì sẽ rõ chi tiết hơn là nghe nói”. Ông đáp: “Được, gởi tôi luôn 2 cuốn ANH HÙNG BẠT MẠNG và TIẾNG HỜN CHÂN MÂY, đọc xong tôi ý kiến”.
Sau hai tháng, ngày 8-8-2007, tác giả nhận được lá thư của Đại tá Nguyễn Quang với nội dung làm cho kẻ phế nhân này, một người mới ngày nào đây, lúc “sinh thời”, từng chỉ huy một đại đội anh hùng bắn gục địch quân như lá rụng mùa thu, phải chảy nước mắt:
“Tôi đã đọc 2 lần quyển ANH HÙNG BẠT MẠNG, tôi rất mến phục anh và thương cho những anh em bé cổ thấp họng như trường hợp của anh đã xảy ra rất nhiều, hình như đơn vị nào cũng có. Nếu có dịp tôi sẽ kể một câu chuyện… tương tự như anh.
 
Nhưng không hiểu sao khi tôi theo Tổng thống Nguyễn văn Thiệu ra thăm mặt trận Sa Huỳnh trong mấy tiếng đồng hồ, tự nhiên lòng tôi chùng xuống, nghĩ đến sự hy sinh của các chiến sĩ ta trong cuộc chiến cuối cùng nhưng vẫn anh hùng đạt thắng lợi huy hoàng. Tôi rất mến phục họ. Tôi có đến xem một căn hầm còn bốc khói, bên trong thì có mấy xác Việt Cộng, chung quanh có mấy cây dừa trốc gốc đổ ngả nghiêng. Theo báo cáo là do B52 oanh tạc, không biết đây là đầm Nước Mặn mà các anh đã chiến đấu ở đó không? Sa Huỳnh đối với tôi như cô gái còn trinh đang sống yên bình ở một nơi phong cảnh hữu tình dưới sự che chở của Tổ Quốc chúng ta hằng mấy thế kỷ, mà nay gần đến hòa bình, cô gái ngây thơ đó đã bị quân thù hãm hiếp một cách dã man, nên tôi động lòng trắc ẩn. Nay tôi lại đọc một tài liệu do anh Thy Vân cung cấp thật tuyệt vời. Đối với tôi đây là món quà tuyệt vời, không biết TT Thiệu có đọc quyển sách nhỏ bé này không. Nếu Tổng Thống còn tại thế thì tôi gởi tặng ông ngay ANH HÙNG BẠT MẠNG…
 
Tôi có linh tính khi nghe ông tướng Trần văn Nhựt thuyết trình tôi không tin Sư đoàn 2 Bộ Binh lại đơn phương gây được chiến thắng nên đầu óc tôi có nhiều thắc mắc…
 
Nếu anh có đọc: Những Sự Thật Chiến Tranh Việt Nam của Trung tướng Nguyễn văn Toàn thì anh sẽ không buồn mà còn hãnh diện đã hy sinh một phần thân thể cho tổ quốc Việt Nam mà biết bao người yêu nước muốn hiến dâng cho tổ quốc họ mà không làm được. Ở đời hơn nhau một tiếng Anh Hùng mà thôi! Đời là thế, thế thời phải thế, nay tuy là một thương binh Tổ Quốc luôn luôn ghi công các anh, đồng bào đời đời biết ơn các anh trong đó có gia đình, con cháu chúng tôi…”. (NQ)
 
– Đôi lời của tác giả ANH HÙNG BẠT MẠNG/TIẾNG HỜN CHÂN MÂY:
Tôi xin lỗi tự ý trích dẫn vài đoạn trong thư, những lời công đạo, của Đại tá Nguyễn Quang, và thay mặt các chiến sĩ Đại đội 1/21 Biệt Động Quân, lớp chết lớp đã trở thành phế nhân đang sống vất vưởng ở quê nhà, tôi cảm ơn mấy lời chân tình khen ngợi của Đại tá Nguyễn Quang, người đã có mặt ngay từ những tháng năm đầu tiên thành lập Quân Đội Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.
 
Tôi không buồn đâu, tôi chỉ tức giận, và hãnh diện thì có. Người bạn gái của tôi sau khi Sa Huỳnh đã được tái chiếm, có khuyên: “Thôi, em không muốn anh buồn! Họ là tướng cướp, đừng sánh mình anh hùng với tiểu nhân… Anh vừa tạo ra thời thế, chính cái thời thế đó nắn ra chúng. Thà cấp bực nhỏ như anh còn giữ được cho quê hương từng tấc đất hơn kẻ lon lớn cổ đầy sao mà hèn hạ bán nước…”(Sau Trận Thánh Chiến).
 
Làm gì có, thưa Đại tá! Mặt trận Sa Huỳnh đầu năm 1973 không có chuyện B52 thả bom. Họ báo cáo láo! Vùng đất đầy dân cư sinh sống, làng Sa Huỳnh ven bờ đầm Nước Mặn giữa mục tiêu, rải bom B52 sao được. Vâng, Đại tá đã tới đó, theo TT Thiệu ra xem triễn lãm chiến lợi phẩm tại BCH của Trung đoàn 6 BB đóng ở Đức Phổ, Sa Huỳnh, nơi có cái vịnh mênh mông với cửa khẩu rộng lớn, mà Cộng Sản Bắc Việt rất ham muốn chiếm cứ. Đại tá ví von rất hay, romantique! Sa Huỳnh như một cô gái còn trinh! Nên bọn tướng soái Chu Huy Mân Việt Cộng hãm hiếp dã man. Chưa, chúng mới đè thôi, thì đã bị tay hảo hớn Việt Quốc Đại đội 1/21 BĐQ đập cho một trận nát thây khắp Sa Huỳnh (Chọc Thủng Bức Tường Thép).
 
Tổng Thống Thiệu chưa đọc ANH HÙNG BẠT MẠNG và TIẾNG HỜN CHÂN MÂY vì hai quyển sách chưa được viết. Tuy nhiên tôi có kể đại khái ông nghe rồi. Chiều ngày 25-3-1990, sau 15 năm mất nước, lần đầu tiên cựu TT Nguyễn văn Thiệu xuất hiện ở San Jose, California. Ông có nhờ tướng Đỗ Kiến Nhiễu mời tôi về dự, ngồi kế ông trong buổi nói chuyện trước 1200 quan khách. Buổi sáng hôm đó, tại một khách sạn, tôi kể tóm lược vụ gian lận chiến lợi phẩm ở Sa Huỳnh 1973 cho ông Thiệu nghe, với vài vấn đề của gia đình. Dĩ nhiên, trước khi trình bày, tôi yêu cầu tướng Nguyễn Khắc Bình và Đại tá Điền lui ra ngoài, cả ông bạn tôi là Võ Cư Long cũng không được đứng quay phim. Ông Thiệu đồng ý. Đang lúc tôi nói, ông cứ ừ với hử chiếu lệ, mắt thì nhìn theo bàn tay chữ nhất của tôi. Rồi ông cũng trút “tâm sự”, về chín năm cầm quyền, dưới “trướng” ông có quá nhiều người kèn cựa với ông…
 
Phải chi nhân lúc đó tôi kể câu chuyện có tính cách huyễn hoặc, huyền thoại, cho ông cựu tổng thống nghe.
 
Năm 1964, khi tôi còn học trường TH Duy Tân Phan Rang. Gia đình anh Lê văn Phước, chủ nhà tôi ở trọ, có bà chị cả là một ni cô về rủ đi thăm Linh Sơn Tự. Tôi tháp tùng. Chiếc xe Lam ba bánh đến đậu trước sân chùa nằm bên sườn phía đông núi Cà Đú. Mọi người vào bái Phật, còn tôi thì trèo thẳng lên đỉnh ngắm cảnh. Dân Ninh Thuận và những ai hay qua lại xứ này đều thấy cái dãy núi toàn đá khô khan, nóng bỏng, chẳng một tàng cây râm mát, có gì đẹp đâu mà ngắm! Núi nằm dài bên phải Quốc lộ 1, cách thành phố Phan Rang khoảng 20 cây số, trên đường ra Nha Trang. Nếu ta đứng nhìn từ đỉnh Cà Đú về hướng mặt trời mọc, thì ngay ở sườn đồi có chùa Linh Sơn, dưới đồng bằng là làng Tri Thủy, nơi sanh quán của cựu Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, ven đầm Nại, rồi xa hơn bên kia bờ là Ninh Chữ giáp với biển đông.
 
Cảnh không đẹp, thế ai xui khiến tôi lên đỉnh Cà Đú, để đi lang thang giữa lúc trời nắng cháy. Tôi vào núp mát dưới một tảng đá khá lớn, chênh vênh và nghiêng vẹo như mái nhà. Tôi thấy trong hốc chân tảng đá có cái lỗ hang bằng trái banh, sâu hút, đen ngòm, bèn khom lưng xuống nhìn vào, bụng thì nghĩ biết đâu có vàng Hời (Chàm) cất giấu ở trổng. Tò mò mà ngu, tôi quên rằng những chỗ ẩm thấp, yên tịnh như vậy thường có rắn, không loài xanh lục, vằn vện, thì cũng hổ mang đang le lưỡi chờ sẵn, tôi thò tay vô quơ quào lại nhặt được một cái thẻ bài bằng đồng bị ten mốc đen thui. Hình dạng nó giống chiếc đũa bếp trong nước mình dùng xới cơm, phía trên đầu có khắc bốn năm chữ, Hán không ra Hán, Chàm chẳng Chàm, nên tôi không hiểu nghĩa gì. Thấy lạ, tôi đem tấm thẻ xuống núi, đưa thầy trụ trì chùa Linh Sơn xem. Ông thầy cầm ngắm nghía nó, đầu gật gật, không giải thích vật gì. Một hồi lâu thầy mới nói: “Được, để thầy, để thầy!”, rồi thầy bỏ nó vào tủ khóa trái lại. Còn tôi ra về, không dám đòi cái thẻ huyền bí ấy. Nếu nó có khắc bốn hay năm con số 9 thì sức mấy tôi chịu rời xa thầy.
 
Sau, có tin đồn Ninh Thuận sẽ có một vị “vua” ra đời. Quả nhiên, Trung tướng Nguyễn văn Thiệu lên “ngôi” 1965 và năm sau là tống thống nhiệm kỳ đầu nền Đệ II Cộng Hòa của miền Nam Việt Nam.
 
Trước khi tình nguyện vào khóa 22 Sĩ Quan Thủ Đức 1966, tôi có kể lại chuyện nhặt được tấm thẻ cho một số các vị cao niên Kinh, Chàm ở Hữu Đức, Công Thành, Cà Na Phan Rang, ai nghe cũng ngạc nhiên, suy đoán đó là lá bùa yểm, do người Chiêm Thành hoặc Tàu ngày xưa biết vùng Cà Đú, Tri Thủy là một long mạch, nên ếm. Không ngờ đời sau, lại có một cậu học trò tinh nghịch đã vô tình tháo gỡ giải trừ…
Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC PHƯƠNG Anh quốc.
 
Soạn giả cuốn quân sử CHIẾN TRANH VIỆT NAM TOÀN TẬP.
Từ trận đầu Ấp Bắc 1963 đến trận cuối Sài Gòn 1975.
“… Quyển sách (ANH HÙNG BẠT MẠNG) rất hay, tiếc rằng sách không được quảng bá rộng rãi để người ngoài nước Mỹ biết. Nếu không nhờ N/t Quách Thưởng giới thiệu chắc tôi đã không có dịp đọc được quyển sách này. Hai chi tiết đã làm tôi cảm động là việc người lính BĐQ quyết không bỏ đơn vị và điều kia là sự hy sinh của gia đình người lính tác chiến.
 
Cám ơn anh đã cho tôi thấy những sự kiện thật đã xảy ra tại Sa Huỳnh. Suýt chút nữa tôi đã phạm phải sai lầm lớn. Cũng sẵn dịp xin phép được in tên anh vào lời cảm tạ mà tôi xin gửi một bản sao kèm theo đây. Có ba lý do để in những dòng cảm ơn này: “Nói lên mức độ chính xác về sử liệu ở một chừng mực nào đó…”. (NĐP)
 
* Nhà văn TƯỜNG LAM Kansas City, Missouri.
“… Tháng 3/66, anh và tôi gặp nhau ở đồi Tăng Nhơn Phú, học khóa 22 Sĩ Quan Thủ Đức, và cùng chung Đại đội 16. Anh, nước da bánh mật, đi đứng nhanh nhẹn và tánh nóng.
 
Tháng 12/66 ra trường, tôi về vùng IV, anh chọn Biệt Động Quân. Tám năm, tính đến 1974 – 3/3/1974, ngày anh để lại đôi chân ở mặt trận Quảng Ngãi, anh đã giẫm nát các chiến trường từ vùng II ra vùng I, cả Hạ Lào. Hai lần bị thương, lần cuối cùng, không những mất hết đôi chân, thân thể anh còn mang nhiều mảnh đạn để rồi 33 năm sau, 2001, bệnh viện Garden Grove, California, mới giải phẫu và cũng chỉ gắp ra được một.
 
Đời lính anh trải qua nhiều trận đánh lẫy lừng, nhất là cuộc tái chiếm Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, đầu năm 1973. Với quân số còn nửa đại đội (trước khi xung trận, đơn vị đã bị máy bay bắn lầm, thiệt hại 31 người), anh cùng 50 tay súng Biệt Động còn lại đánh tan một trung đoàn của Cộng quân Bắc Việt. Quả là một chiến tích thần kỳ mà trong quân sử QLVNCH chưa có đơn vị cấp đại đội hoặc tiểu đoàn nào làm được.
 
Gian khổ tột cùng. Có lần lính anh phải đái ra uống, vì hết nước, trước lúc đơn vị của anh đơn độc mở đợt tấn công chiếm một mục tiêu trên đỉnh núi cao gần 1000 mét mà anh gọi đó laø “Đỉnh Mùa Đông”, trong dãy Trường Sơn, phía tây Mỹ Chánh Huế. Chúng ta hãy nghe anh Trần Thy Vân bày tỏ thắc mắc: “Thưởng (Tiểu đoàn trưởng) bảo ‘ráng’ đi, tôi chả hiểu ráng cái gì, ráng chiếm mục tiêu cho bằng được hay ráng đái ra uống?” (Trg.75 Quán Hồng Cà Phê Máu).
 
Với 18 huy chương, đa số là vàng và nhành dương liễu với hai Chiến Thương Bội Tinh trên ngực áo, Trần Thy Vân, bạn tôi đã đóng góp quá nhiều xương máu cho quê hương tổ quốc.
 
Tôi hãnh diện thưa với mọi người, bạn tôi là Trần Thy Vân, một sĩ quan ưu tú của QLVNCH, một nhà văn, một con người kiệt xuất, lẫy lừng. (TL)
 
* Đại uý LÊ ĐĂNG ÂN Dorchester, Massachusetts.
Đại úy Pháo đội trưởng Pháo Đội Chỉ Huy CV-BCH Tiểu đoàn 1 Phòng Không Quân Đoàn I.
Đồng môn K22PB với tác giả.
“Hai cuốn sách anh gởi tặng, như một chứng tích của người chiến binh đã trọn gởi tâm hồn và thể xác cho quê hương dân tộc. Thật vô giá! Để góp vào kho tàng của binh sử, anh đã ghi được những dấu chân người chiến sĩ QLVNCH như là món quà để lại cho thế hệ mai sau”. (LĐA)
 
* NGUYỄN BÁ Edmonton, Canada.
Tác giả xin trích đoạn trong bài nói chuyện của anh NB ngày ra mắt 2 tác phẩm AHBM và THCM tại Edmonton, Canada, 2000.
“…Nếu ai trong chúng ta đã đọc Thuỷ Hử chắc còn nhớ 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Họ cũng được kể là những anh hùng, cũng bạt mạng, để chống bọn tham ô, cường hào ác bá, và để giúp đỡ những người dân thấp cổ bé miệng…
– Thuỷ Hử có nghĩa là “bến nước”, nơi xuất phát của 108 anh hùng bạt mạng trong truyện Tàu. Trong ANH HÙNG BẠT MẠNG thì cái khung chính là Đại đội 1/21 Biệt Động Quân, với 107 chiến sĩ và cả Trần Thy Vân nữa là đủ 108 người. 108 AHBM của ĐĐ1 BĐQ cũng xuất phát từ một “bến nước”: Bến nước là bờ biển Nam Ô, nơi đặt hậu cứ Phú Lộc của ĐĐ1/21BĐQ, để chơi tay đôi với Trung đoàn 141 thuộc Sư đoàn 2 Sao Vàng CSBV tại bến nước Sa Huỳnh (đầm Nước Mặn). Cái khác là họ không phải như các tay thảo khấu trong Thuỷ Hử, mà Đại đội 1 BĐQ là một đơn vị thiện chiến của QLVNHCH. Họ chỉ đánh trả quân Bắc Việt xâm lăng miền Nam.
– Trong Thuỷ Hử, từng cá nhân biểu lộ cái dũng khí ngang tàng của họ. Như Võ Tòng đả hổ, Lỗ Trí Thâm mang rượu thịt vào vào chùa nhậu nhẹt rồi đại náo cửa thiền. Đó là những cái dũng quá trớn. Trong ANH HÙNG BẠT MẠNG thì, cả Đại đội 1 cùng đồng tâm hiệp lực, và ngoài cái DŨNG còn phải có TRÍ của người chỉ huy. Phải biết lừa địch, nhắm vào tử huyệt của địch mà đánh, “xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị”. Nếu không thế, thì làm sao khi quân số của Đại đội 1 chỉ còn 50 người mà có thể bạt mạng Chọc Thủng Bức Tường Thép? Có Sa Huỳnh Biển Lửa? Có Thuỷ Táng cả trăm tên xâm lăng phải “sinh Bắc tử Nam”?
– Một điều nữa tôi muốn nói, cuộc chiến tranh vừa qua đối với những người lính là một cuộc chiến đầy khốc liệt, nhưng cũng đầy lãng mạn. Nếu không phải cái tính lãng mạn đó thì làm sao ở một xóm đèo heo hút gió thuộc quận Mộ Đức giữa không khí chiến tranh, người lính Biệt Động đi mua đồ cúng tết, trang hoàng nhà cửa cho gia đình nơi họ tạm trú vào ngày cận tết Quý Sửu? Chúng ta hãy tưởng tượng cảnh những người lính quân phục hoa rừng đội mũ nâu vo gạo, đãi đậu gói bánh tét… Ngược lại, cũng ngày đầu năm Mậu Thân, bộ đội miền Bắc lợi dụng ngày truyền thống của dân tộc, đánh phá khắp nơi, gây tang tóc biết bao người dân lành.
… Chắc hẳn quý vị thường nghe bài hát “Kỷ vật cho em” của PD: “Em hỏi anh bao giờ trở lại? Xin trả lời mai mốt anh về… Anh trở về bại tướng cụt chân…”. Hôm nay, chiến sĩ Trần Thy Vân đến với cộng đồng Edmonton chúng ta, anh đã để lại một phần thân thể vì quê hương. Như tướng De Gaulle đã nói, khi lưu vong vì sự xâm lăng của phát xít Đức: “Nous avons perdu la bataille, mais nous n’avons pas perdu la guerre” (Chúng ta đã thua một trận đánh, chứ không thua trận chiến)…”. (NB)
RANGERS CSM MICHAEL MARTIN & LTC McDONALD VALENTINE
Tác giả The Black Tigers Rangers of the Second Indochina War.
“Ranger Warrior”
First Lieutenant Tran Thy Van Commander First Company, 21St Ranger BN., First Ranger Group. Hero of I & II Corps: led assaults and commando raid; received 18 Cross of Gallantry medals -four with Palms and two Purple Hearts. Tran Thy Van lost both legs on 3-3-1974, fighting with the 21st Ranger BN., thus ending nine years of Ranger exploits. He is the author of THE AUDACIOUS HEROES.
Ranger Tran Thy Van,
You are a brave warrior; the people of South Vietnam, and the Biệt Động Quân, are proud of you… (MM)
Trân trọng đa tạ quý độc giả đã bình phẩm, khen ngợi tác phẩm này, thật quý hóa đối với tác giả ANH HÙNG BẠT MẠNG. ttv
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
 
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân

No comments: