Friday, March 10, 2023

ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân

ANH HÙNG BẠT MẠNG (7)
Trần Thy Vân

Anka Pham

MÁY BAY BẮN LẦM
Vừa chấm dứt cuộc vô tuyến điện đàm với vị chỉ huy Thiết giáp, tôi định quay qua bảo Hạ sĩ Nguyễn Hiệp đưa cái máy liên lạc BCH Tiểu đoàn, để trình Thiếu tá Quách Thưởng đồn Quán Hồng đã thanh toán, thì thình lình một tràng đại liên từ trên cao bắn xối xả xuống Đại đội.
 ----------------
Hàng trăm viên đạn xuyên phá trong nháy mắt đã làm gãy đổ mọi vật, anh em lính kẻ la hét người rên rỉ quanh phòng tuyến. Tôi nhìn lên thấy hai trực thăng UH-1B được biến cải trang bị vũ khí như gunship, mang dấu hiệu Không Quân Việt Nam, một chiếc bị tuôn khói sau đuôi lảo đảo sà đầu về hướng khu phố Mộ Đức, còn một đang chúi mũi hạ thấp phóng rocket. Trước sự lầm lẫn tai hại của bọn trực thăng, mà không có tần số liên lạc, tôi chỉ kịp kéo lê Hạ sĩ Hiệp lao nhanh vào một cây rơm gần đó tránh đạn.
 
– Tàu bay bắn, Đại Bàng!
– Tàu bay bắn lầm!…
Tứ bề, những tiếng gào thét một cách hỗn độn. Trong lúc Hiệp dồn dập gọi BCH Tiểu đoàn báo nguy, tôi giựt trái khói đỏ trên dây ba chạc của Hiệp, rút chốt ném ngay giữa vườn. Khốn nạn, cây rơm bị trúng một quả rocket nổ tung làm Hiệu thính viên Trần văn Thanh mang máy nội bộ bật ngửa, nó cố lết ra khỏi đám cháy rồi nằm chết. Tôi và Hiệp thấy mình còn sống, lật đật rúc dưới chiếc xe bò đang chỏng gọng kế bên.
Bỗng Hiệp kêu to:
– Ninh! Đem máy xơ-cua tới, cái này hư rồi!
Ở góc vườn đông nam, Thiếu úy Thiều cũng hô lớn:
– Máy bay vòng lại, cho lệnh bắn nó, Đại Bàng!
Tôi chưa kịp trả lời thì hai xạ thủ Vĩnh và Đợi, mỗi người sẵn kẹp hông một khẩu Đại liên 60, đã tức tốc chạy phăng tới giữa khoảnh đất trống, chĩa nòng lên chiếc gunship đang lượn tròn trong tầm đạn:
– Bắn, nghe Đại Bàng?
– Không được, Vĩnh! Vào bờ tre núp ngay!…
Hiệp với Ninh lom khom thay đổi cái máy PRC25, vừa mở lại được tần số Tiểu đoàn, speaker vụt phát ra tiếng Thưởng gọi. Không cần nghe ông nói, tôi hét vào ống liên hợp:
– Trực thăng Việt Namxạ kích nhầm Đại đội, bị thương rất nhiều. Trùng Dương bảo nó stop!
Thưởng líu lưỡi:
– Đáp nhận! Cho lính nằm tản thưa!…
Bực tức tôi nghiến răng:
– Tản chỗ nào? Cho bắn hạ nó!
– Đừng, Việt Quốc!…
 
Hạ sĩ Hiệp quýnh quáng vội thả thêm hai trái khói xanh và vàng để hy vọng chiếc gunship hiểu đây là đơn vị bạn. Nhưng không, chúng vẫn ngu xuẩn xịt tiếp mấy quả rocket nữa mới bay đi. Cả khu vườn rực lửa, điêu tàn. Tôi thúc anh em tuôn ra băng bó thương binh và kiểm kê tổn thất.
Hiệp trao máy qua tôi lần nữa:
– Tiếp chuyện Trùng Dương, Đại Bàng!
Tiếng Thưởng oang oang:
– Cả phi hành đoàn trực thăng đã bị bắt lúc đáp xuống đồi Chi khu Mộ Đức. Họ nói bay từ Quảng Ngãi vào Đức Phổ, khi ngang Quán Hồng thì một chiếc bị Việt Cộng phía tây Quốc lộ 1 bắn lên trúng đuôi, chiếc kia không rõ tình hình dưới đất nên xạ kích lầm Đại đội anh hướng đông…
 
Tôi rống to:
– Bắn bỏ tụi nó đi!
– Đại úy Quang Trung Trần văn Quy toan đập chúng, Sơn Linh không cho, để giao An Ninh Quân Đội điều tra. Thiệt hại thế nào?
Trung sĩ Thuận đưa mảnh giấy ghi tổng quát các con số, tôi đọc nhanh:
– Chết 4, bị thương 27, có 3 sĩ quan là Thiều, Cường, Hạnh, tổng cộng 31 người. Vũ khí, quân trang quân dụng hư: 14 súng cá nhân, 2 máy PRC25 và trên 30 ba lô rách nát…
 
Nghe báo tổn thất, Quách Thưởng thốt lên, tôi hình dung ông đang nhíu cặp lông mày:
– Sao dữ vậy, hả? Thật không ngờ! Tôi và xe Ambulance sẽ đến, chuẩn bị đón…
 
Dứt máy. Tôi khát nước kêu Trung và Xá, mới biết cả hai đều bị thương. Mặc dù Trung sĩ Thuận nói chúng chỉ bị nhẹ, tôi vẫn giật mình, cay đắng cổ họng. Tôi nhớ ơn hai người rất thân thương ấy, từng gian khổ chăm lo, che chở tôi qua nhiều trận mạc thập tử nhất sinh, từ ngày đầu bão lửa chiến trường Trị Thiên. Lại thêm một nỗi buồn nữa, Trần văn Thanh, mang máy, 21 tuổi đời, 2 tuổi lính, nằm bất động trong tấm poncho cuộn tròn, mà trước đó không lâu đã dồn dập gọi: “Mười, Hai Mươi, nằm xuống!…” còn văng vẳng bên tai. Làm sao quên hình ảnh Thanh máu me nhầy nhụa, ướt đỏ cả áo, cố trườn ra khỏi đám cháy, miệng thì phều phào kêu tôi: “Trung úy ơi, cứu em!…”. Nhưng tôi đã bất lực, để người lính trẻ co rút, rồi gục xuống khi mùa xuân vừa bắt đầu.
 
Trung sĩ Thuận điều động khiêng các thương binh tập trung ra ngoài lề đường. Tôi đến chào tạm biệt họ.
– Đại Bàng!
Nghe Trung gọi, tôi ngồi xuống bên cạnh:
– Vết thương ở đùi nặng không?
Người lính cận vệ rưng rưng nước mắt:
– Nhẹ, may không chạm xương… Em phải nhập viện. Bây giờ ai giúp Đại Bàng đây, hay là Ninh? Nó cũng khỏe mạnh và đàng hoàng. Nếu được, em giao mật mã, tiền bạc nó giữ. Vài tuần vết thương lành, em lên hành quân ngay, khỏi nghỉ phép xuất viện 15 ngày.
– Ừ, để tao kêu Ninh. Trung lấy hai ngàn đồng về tiêu với Xá. Nhớ thường xuyên qua lại thăm anh em ở bệnh viện, nhất là Thiếu úy Đặng văn Thiều độc thân.
Vĩnh nằm kế, mặt nhăn nhó, tay trái bị gãy bởi quả rocket sau cùng. Quay nhìn tôi, người xạ thủ đại liên bệu bạo:
– Phải chi lúc nãy Đại Bàng cho bắn, như mình đã hạ chiếc Cobra ngoài Hương Điền, Huế, thì đâu có nông nỗi này?
Tôi dằn lòng và nói:
– Ừ, nếu họ không phải là Pilot Việt Nam thì xong rồi. Dù sao cũng đã lỡ. Thôi, đừng buồn, Vĩnh ạ!…
Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng, và Đại úy Trần văn Quy, Ban 3 Hành Quân, chạy xe Jeep tới, theo sau là hai chiếc Ambulance, một GMC chở tốp lính Biệt Động hộ tống. Thưởng bước xuống, tôi đưa tay chào, ông đáp lễ với vẻ mặt lạnh lùng, rồi đứng lặng người nhìn anh em đang dìu dắt các thương binh lên xe. Giây lát Thưởng lằm bằm, giọng gay gắt:
– Tao mà nghe báo sớm và rõ ràng tình trạng thế này, chắc đã cho lính đập chết mấy thằng đó.
Quy cũng nghiến răng:
– Bọn phi hành đoàn giải giao đi rồi mới hay sự thể. Nếu còn, mười Trung tá Sơn Linh cản tôi cũng không nổi. Lại nữa, chắc Trung úy Vân bố trí Đại đội quá dày! Không rải thưa ra quanh con xóm…
– Dày mỏng gì? Mẹ, bất ngờ trên trời nó khạc xuống, chỉ độn thổ mới tránh được rocket. Xin bắn Trùng Dương không cho. Nhớ vụ quận Hương Điền Huế không? Tôi quạt rớt chiếc Cobra bắn lầm tụi mình đang tấn công mục tiêu, gần nhà thờ Nhất Đông, phía bắc Tam Giang. Lần này chẳng hiểu sao tôi lại cù lần vậy. Sau gặp trường hợp tương tự khỏi nói. Dễ giận thật!
 
Thưởng nheo mắt:
– Cù lần lửa chớ gì nữa. Thôi, lo củng cố Đại đội, tiếp tục di chuyển. Ngày mai, có thể ngay đêm nay không chừng, ba thằng 2, 3, 4 lớn cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn vào Đức Phổ…
 
Thấy Thưởng vui, tôi trình:
– Thiếu tá, Đại đội 1 bây giờ đã mất khả năng tham chiến, chỉ còn 51 mạng, xin bổ sung…
Vị Tiểu đoàn trưởng lắc đầu quây quẩy:
– Còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu, lính đâu nữa bổ sung?
 
Dứt lời, ông vội lên chiếc Jeep, các tài xế Ambulance cũng đóng sầm các cánh cửa, nổ máy quay đầu. Tất cả đi rồi, tôi bơ phờ ngồi bệt xuống bên lề đường, nhìn khu vườn xơ xác đầy vết đạn, cùng những khuôn mặt buồn thiu, chán chường, chưa từng thấy. Lẽ nào điều mà lúc sáng tôi suy đoán và lo ngại lại xảy ra thực sự. Còn bất trắc, rủi ro nào hơn không, hay chỉ như vậy là cùng?
 
Qua sự việc, dầu trực thăng lầm lẫn, tôi vẫn có cảm tưởng Biệt Động Quân phải chịu chết, không được quyền bắn trả để tự vệ. Một đơn vị Dù vừa vào chiếm được cổ thành Đinh Công Tráng Quảng Trị mùa Hè 1972 cũng bị máy bay Hoa Kỳ đốc bom Smart ngay đầu. Đó chỉ là phần nhỏ mặt trái chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến nhiều mâu thuẫn. Người lính miền Nam không những chết bởi bọn Cộng Sản Bắc Việt, mà còn bị giết một cách khéo léo do các bàn tay phù thủy chính trị nhân danh tình bạn sau lưng?
Bây giờ thiếu lính bổ sung, Thưởng bảo còn bao nhiêu chơi bấy nhiêu. Câu nói như sấm Trạng Trình, hay ẩn dụ kiểu mấy thầy bói cho số đề, nghe mơ hồ quá! Điều chắc chắn Thưởng sẽ không để yên tôi liệu cơm gắp mắm. Mỗi lần đụng chuyện, khi giao nhiệm vụ, ông chỉ nghĩ tới khả năng hơn quân số Đại đội, khiến những ai sống sót gánh thêm gian khổ, công tác vặt vãnh liên miên, và cái chết cô đơn, âm thầm chờ đợi họ.
 
Cuộc hành quân ngoại biên, Lam Sơn 719 Hạ Lào 1971, vaø sự thất thủ Quảng Trị 1972 làm các binh chủng thiệt hại nặng, lính tráng đào ngũ cũng khá đông. Các trung tâm huấn luyện không đào tạo kịp tân binh đáp ứng quân số thiếu hụt ngoài mặt trận, nhất là các vùng I và II Chiến Thuật. Mặc dầu đã coù lệnh tổng động viên, thiếu điều tổng động “lùa”, ngay cả việc tảo thanh liên tục bắt các phần tử tại đào, bất phục tùng, vậy mà đâu cũng vào đó, lính ma lính kiểng càng nhiều. Trái lại mỗi lần bố ráp là dịp tốt cho bọn thế lực an ninh, quân cảnh hợp nhau nhận hối lộ. Giặc đến thì thành phần này co giò vọt trước, ai chết kệ. Rốt cuộc con số chiến đấu thực sự chẳng bao nhiêu, chỉ một phần tư trong một triệu rưỡi quân ăn lương và thăng quan tiến chức đều đều, chí đến tận ngày mất nước…
 
Để xua đuổi bao ý nghĩ nặng nề đầy ắp trong đầu, tôi gọi Thuận, Hơn, Nhật, Đợi, là bốn vị hạ sĩ quan gạo cội còn sống sót, tới gặp tôi nhận lệnh củng cố đơn vị. Bộ Chỉ Huy thu hẹp và chỉ còn hai trung đội mà thôi. Tổng số 51 chia 3, mỗi phần 17 người. Trung đội 1 Trung sĩ Thuận làm Trung đội trưởng, Trung đội 2 giao Trung sĩ Hơn. BCH gồm hai toán: Thám Báo Trung sĩ Nhật, Đại liên 60 vẫn Hạ sĩ Đợi. Đại khái mỗi thành phần có hai tiểu đội, mà cũng không đủ cho cấp số tiểu đội 11 người. Quả thật, đơn vị què quặt, nhìn tổng quát một cấp đại đội như thế này chẳng giống ai, cách tổ chức gượng gạo thua xa Việt Cộng!
 
Tất cả áo giáp tôi đã bảo cởi vứt hết lên xe lúc tải thương, đem về hậu cứ với mớ vũ khí, ba lô hư hỏng, để lính nhẹ mình mang đạn dược tối đa. Áo giáp chỉ đỡ phần nào, cản được các mảnh đạn nhỏ, gặp thứ lớn thì te tua như cái mền rách. Mặc nó vào thêm trở ngại, nặng nề, cồng kềnh, và di chuyển chậm hơn rùa. Từ khi Trung tướng Ngô Quang Trưởng làm Tư lệnh Quân đoàn I, không riêng gì hàng binh, ngay các quan lớn tác chiến cũng buộc phải mang áo giáp, dây ba chạc, đội nón sắt, còn đeo lủng lẳng cái xẻng bên hông, trông chẳng giống con giáp nào hết. Nhưng lâu ngày quen đi, trở thành cái mode ăn khách, nên nhiều ông làm việc văn phòng, mặt trắng như vôi, cũng bày đặt diện áo giáp oai ra phết, lại móc thêm cái xẻng nữa để đào… mỏ.
 
Phần tôi, ngoài cây Colt 45, phải dùng thêm khẩu M16 với ba băng cong nạp đầy 90 viên đạn, và lận lưng vài quả M26. Quân số ít, Đại đội trưởng chịu khó, chứ súng “con” nhằm nhò gì. Nhớ hồi làm Đại đội phó Đại đội 2 cho Quách Ẩn, tôi tình nguyện dẫn hai trung đội đánh lên một ngọn đồi ở tây nam La Vang, Quảng Trị, để cứu Đại đội 1 Biệt Động này bị địch bao vây, lúc đó do Trung úy Hà Tự Tánh chỉ huy. Vừa thành công, chưa kịp rút, hai trung đội của tôi liền bị Việt Cộng bao lại tứ bề. Tôi rút khẩu Colt 45 ra bắn bốp bốp, mà chẳng thấy thằng ma nào của bác Hồ ngã, vội thúc lính ôm chiến lợi phẩm, mở đường máu vọt. Tôi chạy sau chót, vì vướng phải mấy bụi sim, ba bốn tên địch rượt theo. May nhờ Trung sĩ Nguyễn Hương trông thấy, liền hét to: “Thẩm quyền chạy đi!”, rồi viên Hạ sĩ quan vừa tốt nghiệp khóa đai đen Thái Cực Đạo tại trường Bộ Binh Thủ Đức 1971, can đảm xoay người lại, đứng ria M16 túi bụi từ trái sang phải, chúng ngã lăn chiêng trên đồi hoa sim. Colt 45 chỉ dùng làm oai thôi.
Qua kinh nghiệm, thà khổ mang nặng chút để yên tâm, với hỏa lực phân phối đều, ai cũng thi hành được nhiều nhiệm vụ. Bây giờ Đại đội chẳng khác nào hổ ba chân, biết đâu chừng sẽ giống như Tiểu đoàn 42 Biệt Động Quân, được mệnh danh là “Cọp Ba Đầu Rằn”, một thời oanh liệt, làm khiếp đởm quân thù ở chiến trường miền tây.
 
Để đủ sức đi một mạch tới luôn khu phố Đức Phổ, tôi đồng ý lời đề nghị của Trung sĩ Nguyễn văn Thuận cho Đại đội nấu cơm chiều sớm hơn thường lệ. Phút chốc, các tiểu đội đã đỏ lửa, anh em quây quần chung quanh, kẻ nói người cười vui vẻ, tưởng chừng như không có chuyện gì xảy ra. Chưa bao giờ tôi lại thầm mong họ cười giỡn một cách hồn nhiên, để phá tan thành sầu đang vây hãm, như trẻ thơ không biết buồn đau là gì. Nếu thiếu vắng những tiếng cười ấy, không gian sẽ thêm cô tịch, sự cô tịch lạ thường, mà cách đây vài tiếng đồng hồ còn long trời lở đất, xác người ngổn ngang…
 
Tôi đến ngồi kế bên một bếp lửa để sưởi ấm, tiện thể nhờ Ninh pha ly cà phê. Buồn quá tôi chẳng muốn ăn cơm, cũng không biết làm sao che giấu bao nỗi khổ tâm đang dằn vặt, để anh em khỏi buồn lây, xuống tinh thần…
– Trình Đại Bàng, có ai đi xe đạp từ phố Mộ Đức tới!
Nghe Hùng gác trên đường báo, tôi đứng dậy nhìn thì thấy dáng dấp một thiếu nữ mặc áo trắng quần đen, đạp nhanh về hướng Đại đội. Dù còn xa lắc, Hùng đã chĩa súng và hô to:
­– Dừng lại!…
Dường như người ấy không nghe, cứ phăng phăng chạy tới, Binh nhì Hùng liền nổ mấy phát súng chỉ thiên. Trung sĩ Nhật, Trưởng toán Thám Báo, đang nằm bố trí bên kia lộ, kịp nhận diện ra được, liền hét lên:
– Đừng bắn, Hùng! Chị Nhị!… chị Nhị!…
Chợt nghe cái tên thân thương, tôi hoảng hốt, vội phóng ra. Quả thật, Nhị vừa trờ tới, vội vã xuống xe, mặt tái xanh, đứng không vững, rồi nàng òa khóc:
– Em đến thăm anh…
Tôi cảm động, nhưng vẫn trách yêu Nhị:
– Thăm cái gì mà nguy hiểm thế này, hả?
Tôi để chiếc xe đạp nằm bên lề. Nhị còn rướm nước mắt:
– Nghe tin máy bay bắn lầm lính chết và bị thương nhiều… em sợ anh…
Tôi kéo Nhị cùng ngồi bệt xuống vệ đường:
– Ai nói em vậy?
– Anh ơi, ở Mộ Đức người ta đồn rùm beng hà! Nóng lòng em chạy vô… Còn chú Trung, chú Xá… đâu?
Nhị vừa hỏi vừa đưa mắt nhìn quanh, cố ý tìm những khuôn mặt quen thuộc, làm tôi thêm buồn. Tôi đặt tay lên vai nàng:
– Chuyện nhỏ họ phóng đại cho to. Trung và Xá chỉ bị nhẹ nơi chân. Chỉ vài tuần mấy chú sẽ xuất viện và ghé thăm em.
 
Nhị cúi xuống, lấy ngón tay vẽ vẽ trên mặt đất một đường ngoằn ngoèo, vô nghĩa. Chắc nàng đang suy nghĩ như tôi, mới đó mà mọi chuyện đã đổi thay rất nhiều. Đời lính chiến chẳng ai biết mình sẽ chết lúc nào.
 
Tôi vuốt tóc nàng, mái tóc rối bù, xoắn xuýt bao nỗi lo sợ của người con gái:
– Thôi, em về kẻo trời tối, nguy hiểm!
Nhị ngả đầu vào vai tôi:
– Không! Đường này em quen thuộc…
– Em quen đường chứ quen Việt Cộng à? Nhớ cẩn thận khi giao thiệp với kẻ lạ trong làng. Bọn nằm vùng đã biết chuyện chúng mình. Anh thì rày đây mai đó…
Hiệp từ xa đi tới nhoẻn miệng cười:
– Chào chị! Bác khỏe chứ chị?
– Cám ơn Hiệp. Bà già khỏe, có điều buồn lắm!
Ninh đem cà phê đến, tôi và Nhị uống chung một ly, cùng ăn bánh ngọt. Chắc đói bụng nàng ăn hết nửa hộp.
Từ phía Đức Phổ xuất hiện một chiếc thiết giáp, loại cargo, chạy tới. Tôi nói Nhị:
– May quá! Anh đón xe này em về.
Tôi quay sang bảo Binh nhì Hùng đang cầm súng gác, chặn nó lại. Tôi nắm tay kéo Nhị đứng dậy. Nàng nhăn mặt:
– Em đạp xe được mà!…
Tiếng một người lính trên chiếc thiết vận xa vọng xuống:
– Kính chào Trung úy Vân!
– Chào các anh!
– Đại Bàng em thấy trực thăng xạ kích Biệt Động, nhưng vì mất liên lạc, chẳng biết tình trạng Trung úy thế nào…
Nhận ra kẻ nói là tài xế Mộng, tôi đáp:
– Tụi nó bắn lính bị thương tùm lum, máy móc bể cả hai cái làm không gọi Thiên Mã được. Bây giờ chạy đâu đó Mộng?
– Chi đoàn đã vào Đức Phổ, em chở chiến lợi phẩm về hậu cứ Quảng Ngãi và nhận supply. Sao Trung úy không phơ cho nó rớt? Trời ơi, ông hiền quá, gặp Đại Bàng Thiên Mã của em là xong ngay!
Tôi cười:
– Thôi bỏ qua đi Mộng. Giờ mày chở dùm bà xã tao về, bỏ trước cổng Bộ Chỉ Huy Chi khu Mộ Đức, nghe?
– Dạ! Nhờ các anh Biệt Động Quân để chiếc xe đạp ở phía sau, còn chị ngồi đây!
Người lính mũ đen tháp tùng theo Mộng, vội mở cửa nhảy xuống. Tôi đỡ Nhị lên, nàng dùng dằng:
– Còn sớm mà cứ biểu em về.
– Về kẻo mẹ trông…
Mộng đạp ga, chiếc cargo gầm lên, hai sợi xích cuộn mạnh tới. Vật vô tri cũng biết giận dữ. Hai đứa không kịp nói thêm một lời từ giã, tôi chỉ thấy nàng ôm mặt khóc.
 
Nhìn đồng hồ tay kim chỉ 4 giờ rưỡi chiều, tôi cho lệnh Đại đội di chuyển, tiếp tục về hướng quận lỵ Đức Phổ trên lộ trình buồn thảm. Trung đội 2 dẫn đầu, tiếp theo là toán Thám Báo, Bộ Chỉ Huy, Trung đội 1 bao chót. Tất cả đi một hàng dọc rất thưa bên lề trái Quốc lộ 1. Lính của Trung sĩ Hơn phía trước vừa mới đi được vài trăm thước thì ào ào từ Mộ Đức bốn chiếc Lambretta ba bánh chở đầy khách chạy tới. Trung sĩ Thuận ở đằng sau khoa tay chặn lại. Trên xe hầu hết phụ nữ, có cả trẻ em, lao nhao bước xuống, rồi ngang tàng đứng gọi to, như các bà chúa:
– Trung úy Vân ơi, vợ con Đại đội 1 Biệt Động Quân đây!
Một người khác xen vô:
– Kính chào quý anh năm mới. Cho tụi em gặp…
Tôi sửng sốt trước đám đông vợ con lính ở hậu cứ Phú Lộc Đà Nẵng bất ngờ xuất hiện. Chắc các bà mới đến Mộ Đức thì nghe tin. Nhìn họ ăn mặc sặc sỡ, không ai có thể tin rằng mùa xuân này đã chết theo những lời chúc lành ngày đầu năm.
 
Tôi nghiêm sắc mặt và nói lớn:
– Này, sao lẹ vậy, hãy quay lui hết, nghe chưa?
– Năm mới, Trung úy! Cho gặp ông xã em chút…
Bỗng dưng một bà bật khóc:
– Trực thăng bắn lầm, chồng em thế nào?
 
Thì ra, các bà nội tướng biết hết. Hẳn ở Phú Lộc cũng đang chấn động, thiên hạ bàn tán xôn xao về vụ máy bay oanh kích lầm. Tin tức loan nhanh thật, bất cứ chuyện gì từ đâu, trại gia binh Liên đoàn 1 Biệt Động Quân đều nghe. Dù vậy, câu hỏi làm tôi lúng túng, khó trả lời. Nếu không khéo, có thể xảy ra lộn xộn rối ren thêm nên tôi bình tĩnh đáp một cách tổng quát:
– Đại đội chết bốn anh độc thân, dân Nam, còn đa số may mắn bị thương nhẹ, đã nhập viện Dã Chiến Quảng Ngãi. Bây giờ đơn vị phải di chuyển gấp. Trời sắp tối rồi, nguy hiểm vô cùng! Hãy lên xe trở lui ngay, họ đang chờ các chị vào thăm.
– Trời ơi, Đà Nẵng vô hổm rày, không gặp được ảnh sao?
– Nếu chồng con có mệnh hệ gì, tụi này kéo tới phi trường xé xác mấy ông Không Quân cho coi! Thà chết vì Việt Cộng!
Tôi cười gượng:
– Chị nói vậy, vô tình để kẻ thù khai thác, hại thêm quân đội thôi. Tôi biết các chị cùng chồng con yêu mến binh chủng Mũ Nâu, nên cẩn thận, giữ uy tín chung. Các chị về kẻo trễ. Chúc tất cả và gia đình năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc. Hẹn gặp nhau tại Phú Lộc.
– Thôi được, tụi em về, chào Trung úy!
– Chào anh Thuận, Hiệp, Đợi… Gởi lời thăm anh Hơn.
– Chúc bình yên Đại đội 1 Biệt Động Quân!…
Xong, các bà vội vã lên xe, cũng ồn ào như lúc tới. Tôi hối Trung đội của Hơn phía trước dẫn đầu vọt nhanh ra khỏi vùng hắc ám này vừa lúc mặt trời như trái cam, vàng khè, sắp rụng xuống bên kia dãy núi đen sì.
 
Tôi kẹp hông khẩu M16, bám sát sau lưng toán Thám Báo, và miên man suy nghĩ về những cái chết thật phi lý, dễ dàng, trong khi cuộc chiến còn mù mịt, tàn khốc, chưa thấy chút ánh sáng ở cuối đường hầm. Ngay chuyện các bà vợ lính không nệ gian nguy, ngăn sông cách núi, lặn lội tới vùng hành quân xa xôi hẻo lánh thăm chồng, cũng đủ làm đầu óc tôi quay cuồng. Họ là lớp người thứ hai bị lôi cuốn theo cơn lốc xoáy mòn đất nước, lo sợ từng giây từng phút cho chồng, cho con. Nhớ năm 1971, Liên đoàn 1 BĐQ mới từ Hạ Lào về đến quận Cam Lộ, Quảng Trị, đã thấy họ cùng con cái chờ sẵn dọc theo Quốc lộ 9 rồi. Nhiều kẻ còn mạo hiểm vào tận Cà Lu, Khe Sanh trước cả tháng, cùng dân địa phương mua bán đổi chác thuốc men, đồ kỷ niệm với lính Mỹ, sống qua ngày để nghe ngóng tin tức chồng con. Làm sao nói hết bao cảnh thương tâm. Rất nhiều trường hợp khi vừa tìm ra nơi đơn vị tạm dừng quân, họ mới biết thân nhân đã chết, hoặc bị thương đang nằm ở bệnh viện ngược lại sau lưng họ hàng trăm cây số. Có người chồng chết từ lâu rồi, mà vẫn còn lân la, lui tới thăm viếng đơn vị cũ của chồng. Và, mỗi lần thấy đoàn xe Biệt Động chạy qua, họ òa khóc nức nỡ.
 
Tình nghĩa ấy cũng là mối chân tình thiêng liêng của người phụ nữ Việt Nam, mà cổ kim nào có khác, “đập vỡ gương xưa tìm bóng cũ”.
Một hình ảnh yêu kiều, suốt đời tôi không bao giờ quên, là nàng sương phụ tên Cẩm, cựu xướng ngôn viên đài phát thanh Cần Thơ, vợ cố Đại úy Phạm Minh Hòa.
 
Sau khi đem xác chồng về quê hương Cần Thơ chôn cất tử tế, Cẩm còn mặc đồ tang bay ra Văn Thánh, Huế, thăm Đại đội và tìm tôi…nắm áo khóc. Nàng dằn vặt, đay nghiến, cử chỉ của nàng, có thể nói, như đòi nợ tôi không bằng:
– Anh Vân, bạn bè thân nhau sao anh không cứu Hòa? Hòa đâu rồi, anh?…
Tôi bùi ngùi:
– Cẩm bình tĩnh đi! Tôi cũng buồn lắm, cố cứu Hòa nhưng vết thương quá nặng!…
– Trời, Hòa là Đại đội phó của anh, lại chết dễ dàng vậy hà? Lúc ấy anh ở đâu? Lính tráng ở đâu? Anh bất trung, bất nghĩa quá, anh Vân à!…
 
Cẩm trách, tôi im lặng, biết nói gì trước những nỗi đớn đau đang đầy ắp trong lòng người cô phụ. Rồi một khung trời lửa đạn hiện ra. Tôi nhớ rõ Trung úy Phạm Minh Hòa nằm sát bên tôi, cạnh một cái mả vôi, giữa lúc đơn vị tiến chiếm mục tiêu. Trận đánh rất ác liệt trên bờ biển Hương Điền Huế, phía đông nam nhà thờ Nhất Đông 300 thước.
 
Buổi sáng đó, trong mấy ngày đầu mở màn cuộc tái chiếm Quảng Trị, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân từ nơi xã Kim Long kéo vào sân bay Thành Nội, Huế, để lên trực thăng đổ xuống quận Hương Điền. Vị trí mà Đại đội tôi tiên phong nhảy trước là một bãi biển phía bắc phá Tam Giang bốn năm cây số. Tôi và Trung úy Hòa, Đại đội phó, điều động đơn vị tắp vào nổng cát được bao phủ bởi những cây duối rậm rạp. Việt Cộng phản ứng bắn ra như mưa, Biệt Động Quân vẫn lăn xả tới cố chiếm ngay phòng tuyến đầu. Sau mới biết, lúc ấy có đến một trung đoàn địch với hàng chục chiến xa T54 đang phục sẵn quanh nhà thờ Nhất Đông của quận Hương Điền. Chúng có cầm giữ tại chỗ một vị linh mục người ngoại quốc, làm con tin để máy bay khỏi ném bom. Kế tiếp, Đại đội 2/21 Biệt Động, do Đại úy Trần văn Quy, thay thế Trung úy Quách Ẩn còn nằm bệnh viện, chỉ huy nhảy xuống. Quy dàn quân sát bên trái và cùng tôi hàng ngang mở đợt tấn công sâu vào, giết chết 15 tên, thu 10 cây súng dễ dàng. Phía Mũ Nâu thiệt hại không đáng kể.
 
Trong khi hai đơn vị vừa gọi máy báo kết quả sơ khởi lên BCH Tiểu đoàn 21, còn ở Thành Nội, vừa chuẩn bị đánh tiếp, thì bất ngờ có chiếc L20 của Mỹ bay vòng vòng quan sát lại bị Cộng quân bắn cháy, rồi lảo đảo rơi ngoài biển, pilot nhảy dù được. Vì chuyện trên trời đó, mà một trực thăng, chiến đấu cơ Cobra, từ đâu hướng tây lướt tới nã rocket lẫn đại liên, loại 6 nòng, xuống làm lính tráng hai đại đội chết và bị thương tùm lum, thiếu điều rối loạn. Thấy vậy, địch trong các chòm duối thừa cơ xông ra vây đánh ba mặt. Đang thế công, Biệt Động Quân thành thụ động, chống trả cùng lúc bốn mũi hỏa lực dữ dội của kẻ thù dưới đất và bạn trên không. Mặc dù Đại đội 2 ném liên tục mấy trái khói màu, đồng thời gọi xin Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn can thiệp gấp, nhưng bọn trực thăng vẫn chưa nhận hiểu sự lầm lẫn này, còn quành lại thật thấp toan xạ kích đợt hai. Lập tức, không để nó ra tay lần nữa, tôi hạ lệnh cho các xạ thủ Đại liên 60 cơ hữu cùng toán Thám Báo đang gờm sẵn các phóng tiễn M72 đồng loạt bắn lên. Trong nháy mắt chiếc Cobra hung thần ấy nổ tung trên bầu trời, rồi rơi lả tả đầu một nơi, đuôi một nẻo quanh vùng.
 
Trận đánh càng đẫm máu hơn. Cộng quân ngoài hướng Hải Lăng bắt đầu pháo đủ cỡ đạn, và từ trong mục tiêu trước mặt cũng bắn xối xả xuống Biệt Động. Lúc bấy giờ anh em lính đã thương vong khá bộn. Các máy truyền tin PRC25 liên lạc nội bộ của Đại đội 2 bể nát cả, Đại úy Trần văn Quy phải chỉ huy bằng miệng, nên cuộc tiến quân song hành với tôi quá chậm chạp, làm thiệt hại thêm.
 
Giữa lúc tình thế bi đát, hiểm nghèo một cách lạ lùng, tôi lại chợt nhớ Quy có bàn tay sát quân, đánh đâu lính chết đó, trận lớn chết lớn, nhỏ chẳng ra gì cũng lai rai chết cho bằng được. Đã từ lâu, Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng 21 này, không muốn Quy giữ chức đại đội trưởng chính thức, chỉ cho làm Ban 3 Tiểu đoàn, hoặc tạm thay thế ai vắng mặt đôi hôm. Ban 3, tức Ban Hành Quân, khô khan, thuộc cấp chỉ vài người và một chiếc Jeep. Nơi đó ví như cái cũi sắt để nhốt con cọp dữ dằn Trần văn Quy. Rồi chuyến này xui khiến làm sao, vì Trung úy Quách Ẩn bị thương trong cuộc hành quân trước ơû Quảng Ngãi, đang còn nằm bệnh viện, nên ông thần sát quân mới có dịp tả xung hữu đột, bất kể trời đất quây cuồng.
 
Quy không đẹp trai nếu không chịu sử dụng cái nụ cười dễ mến trời cho để tán gái, thì khuôn mặt ấy lúc nào cũng ngầu ngầu, lại thêm tính khí ngang tàng, miệng nói tay bộp, chẳng ai dám đụng. Do đó, ông sĩ quan khóa 23 Thủ Đức này rất nổi tiếng chuyên trị các băng đãng đến cùng và đục dài dài mấy ông Quân Cảnh hống hách ở Đà Nẵng, chứ đánh giặc thì Quy làm như trò chơi u-mọi lúc nhỏ, nín thở bay qua húc đại, nếu hụt hơi “chết”, ra ngoài ngồi một lát “sống” lại vào u tiếp.
 
Bây giờ trước súng ống thiệt, không phải đạn nước hay đất sét nữa, nên sau tiếng hô “xung phong”, khẩu lệnh của Quy, quan với lính đều rụng như sung, lên bàn thờ ráo! Tôi đã mục kích tại trận Hương Điền này, lính Đại đội 2 bị địch đốn ngã lia chia xuống một cái mương sâu và rộng cả mấy thước muốn đầy luôn. Lần đó, thấy anh em chết lẫn bị thương nằm ngổn ngang như vậy, nóng mặt tôi chửi thề:
– Đánh giặc con c…gì vậy, hả Quy? Tìm thế khác chớ?
Quy sừng sộ lại:
– Mày giỏi lên đi, cự tao hoài!
Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn văn Do thường ví hai đứa tôi y như hai gái lấy một chồng. Rồi chẳng có gì, sau mỗi lần hành quân xong về phố, tụi tôi vẫn rủ nhau đi chơi. Bây giờ tức trong bụng tôi nói:
– OK, tao kéo hết Đại đội 1 tao qua tuốt bên phải, cho mày chết luôn…
Rồi thình lình, speaker máy PRC25 phát ra tiếng gọi khẩn cấp của Chuẩn úy Cường Trung đội trưởng Trung đội 1:
– Trình Đại Bàng, trên mục tiêu có thiết giáp địch!
Tôi vội lủi tới quan sát. Quả thật, một chiếc T54 được ngụy trang bằng những cành duối đang chĩa nòng súng 100ly xuống ngay họng đơn vị Biệt Động Quân của tôi. Gặp thứ dữ, tôi báo Bộ Chỉ Huy lớn, Thiếu tá Quách Thưởng bảo hãy mần thịt nó gấp, Liên đoàn trưởng sẽ thưởng tôi bảy ngày phép. Tôi ừ hử lấy lệ chứ dễ gì chơi nổi con “cua đá” đó. Lúc ấy tôi thắc mắc không hiểu tại sao tụi tôi ở trong tầm tay rồi mà cái “Nỏ Thần Kim Quy” 100ly kia chưa chịu nẻ ra, hay nó chờ con mồi này tới gần thêm để đớp gọn? Ớn chớ!
Tôi ra lệnh Trung úy Phạm Minh Hòa dàn 2 trung đội, đội hình “L” đáy trước, bọc phải ngay. Một lát, Hòa báo gặp một nghĩa địa khoảng 50 cái mả vôi, làm bàn đạp tốt lắm. Tôi bò tới, ngồi dựa vào một ngôi kim tĩnh bằng gạch tráng men lộng lẫy, để quan sát tình hình. Bất ngờ, một quả B40 của địch rơi trúng nổ tung ngọn tháp kim tĩnh, tiếp theo AK lẫn Trung liên Đông Đức đua nhau xoáy nát cả nghĩa địa. Thoát chết trước nhiều làn đạn, tôi vội phóng qua cái mả kế, thì gặp Hòa đang nằm thủ. Dù chưa tới mức xung phong theo ý muốn, tôi vẫn ra lệnh thụt mấy quả M72, đồng thời yêu cầu Đại úy Trần văn Quy, Đại đội 2, ngưng tác xạ, để hai trung đội đầu tôi áp đảo mục tiêu. Sơ khởi, toán Thám Báo bắn cháy chiếc tăng T54, lửa bốc lên đen nghịt. Tôi định gọi Quách Thưởng khoe thành tích, mà chưa kịp nắm máy, và giữa lúc đạn đôi bên còn chéo nhau như mạng lưới, thì Hòa hét to:
– Vân ơi, Vân! Tao bị thương rồi!…
Tôi nhìn lui thấy vị Đại đội phó co rút, hai tay ôm bắp đùi trái lăn lộn, máu me ướt đẫm cả thân người, nhuộm đỏ luôn một bên hông ngôi mộ trắng. Tôi kêu y tá đến. Và vì quá đau đớn Hòa la inh ỏi, tôi ôm cứng Hòa:
– Mày im đi! Địch đang ở gần, nó nhào vô thấy mẹ!
Xong, tôi bảo lính khiêng gấp Hòa về phía sau cho an toàn, chờ máy bay vô tải về. Vừa cáng đi, Hòa ngoái cổ lại gọi tôi lần nữa, cũng là tiếng nói cuối cùng trong đời đôi bạn:
– Vân ơi, cứu tao, Vân ơi!…
Nghe Hòa kêu tôi muốn bật khóc. Giá như không kẹt trong thế cận chiến này, hẳn tôi đã cho lệnh rút lui.
Rồi Đại đội tràn lên được mục tiêu trong khói lửa hận thù. Nhìn chiếc T54 cháy đen, với mươi cây súng, và xác giặc bầy nhầy nằm rải rác trên mặt nổng, tôi nghĩ không đáng phải đổi cái giá quá đắt, bằng xương máu số bạn bè vừa gục ngã. Nơi đây, nơi nhấp nhô những đụn cát khô cằn, đầy rẫy xương rồng xen lẫn những lùm cây duối hoang dại, người đời sau hẳn chả ai buồn lui tới làm gì.
 
BCH Tiểu đoàn cho lệnh chuyển qua nhà thờ Nhất Đông ở phía bắc ba trăm thước, tôi chưa kịp thi hành, Chuẩn úy Hạnh Trung đội 3 gọi cho hay:
– Trình Đại Bàng, Trung úy Đại đội phó đã chết…
Nhận tin buồn, tôi vội bảo Đại đội rút hết ra phía biển, bố trí dọc theo chân nổng. Hòa chết thật. Y tá nói viên đạn Trung liên Đông Đức luồn từ háng lên bọng đái. Tôi vuốt mắt Hòa, khuôn mặt người bạn hiền thản nhiên, không chút hận thù, chỉ những kẻ còn sống mới đủ lý lẽ tiếp tục cuộc chiến đấu. Tôi chưa bao giờ chảy nước mắt như hôm ấy, khi nhìn Hòa được gói poncho, nằm im lìm trên bờ biển, cạnh những ngọn sóng bạc đầu cuồn cuộn, âm ba gào thét dấy động cả lòng tôi.
Người lính cận vệ Huỳnh văn Trung đến nói:
– Cái nhẫn cưới và đôi kiếng mát Rayban, cặp lon nữa, em đang giữ. Trước khi chết, Trung úy bảo tháo đưa Đại Bàng để về trao lại cho vợ Trung úy…
 
Cầm cặp lon bằng đồng của Hòa chỉ có hai bông mai, còn một cặp nữa mới đủ bộ, bỗng nhiên tôi nhớ rất rõ cái nguyên nhân tại sao nó thiếu. Ba tháng trước, Tiểu đoàn 21 hành quân ở tây nam La Vang, những ngày thành phố Quảng Trị sắp thất thủ, tôi cùng Hòa vừa tròn hai năm, tự động mang lon trung úy (Chiến công nhiều mà vẫn tự động, vì cái khốn nạn của Hồ Dơn, Hiệp lùn, kể cả Quách Thưởng lẫn Trần Kim Đại). Nhân dịp tôi được Trung tá Liên đoàn trưởng trực tiếp bổ nhậm làm Đại đội trưởng chính thức Đại đội 1 Biệt Động Quân này ngay tại mặt trận, Thưởng điện về hậu cứ ở Đà Nẵng bảo mua bốn cặp lon trung úy, tức hai bộ, để gắn tôi và Hòa. Hôm đó, trời chiều đã nhá nhem, Thưởng gọi hai đứa lên BCH Tiểu đoàn, đang dừng quân trong một xóm nhỏ gần nhà thờ La Vang. Giờ phút ấy, trước sự hiện diện của Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn văn Do cùng ba Trung úy Trần Thương Quãng, Trần văn Quy và Hà Tự Tánh là người chỉ huy thất trận bàn giao Đại đội bệ rạc này qua tôi. Quách Thưởng gắn lon tôi trước, ông cầm một hộp bia tưới lên ướt cả hai bên cổ áo, nước bia tuôn ra kêu ộc ộc, chảy dài xuống tới háng tôi:
– Tao rửa lon cho mày. Chúc mừng! Chúc mừng!
Từ hồi nào giờ, đã hai lần cứ đủ năm đủ tháng tự động lên cấp, chứ chưa vinh hạnh được ai đề nghị thăng với thưởng, mà biết cách rửa lon, nên tôi chửi thầm trong bụng:
– Đm, rửa kiểu gì như tắm bia, thằng nhỏ cũng rít rịt, làm sao ngủ?
 
Đến lượt Hòa, lạ quá, lại thiếu hai bông mai, tức một cặp, không đủ bộ để Hòa đeo hai bên cổ áo. Những người chứng kiến lấy làm sửng sốt, biết đó là điềm gở. Trời tối thui rồi, tìm đâu ra hai bông mai giữa trận địa! Quả thật, đời thằng lính gì cũng thiếu, thiếu cơm ăn áo mặc cũng đành, còn thiếu cả tình lẫn nghĩa, chỉ có súng đạn đi kèm với lòng thù hận, hèn nhát, đê tiện thì dư thừa, tràn lan khắp quê hương đất nước. Lẽ nào nhỉ? Lẽ nào họ bè phái, liên kết có hệ thống ăn chận dữ vậy?
 
Rốt cuộc tân Trung úy Phạm Minh Hòa mặt tiu nghỉu buồn xo với cặp mai vàng chỉ gắn được một bên trên nắp túi áo cho đến ngày chết một cách đau thương nơi bãi biển Hương Điền.
 
Hòa sinh trưởng ở Cần Thơ, hiền hậu, can đảm, chiến công nhiều, được anh em quý mến. Thế mà Hòa bị Trung úy Hà Tự Tánh, lúc làm Đại đội trưởng Đại đội 1 này, trù dập mãi, khi thua trận mất chức mới thôi. Dưới quyền tôi, Hòa sống thoải mái, bộc phát khả năng chỉ huy xuất sắc.
 
Tôi Hòa thân nhau từ lúc còn tò te, mang lon chuẩn úy, mặt búng ra sữa. Đám bạn bè chí thiết sau vài năm chẳng còn bao nhiêu. Vừa tốt nghiệp sĩ quan Thủ Đức, mặc bộ hoa rừng đầu đời Biệt Động chưa kịp giặt nước nào, còn nghe mùi vải, đã có đứa chết ngay ở chiến trường Phong Thử, Quảng Nam, thằng thì bỏ xác tại Hạ Lào, Cồn Thiên, Mai Lĩnh. Giặc giã gì mà ghê quá, như cần người chết hơn là sống để chiến đấu lâu dài, nên có kẻ chết ba lần bảy lượt mới ra người thiên cổ.
 
Ngày đó, đột nhiên Cẩm vợ của Hòa vào Văn Thánh, nơi đơn vị dừng quân tái huấn luyện, cứ khóc mãi. Cả mấy đêm, tôi phải qua bên căn lều của Trung, nhường cái giường bố cho nàng nằm. Khi có lệnh, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân chuẩn bị cùng với các binh chủng ra tái chiếm Quảng Trị đợt hai, tôi đưa Cẩm và cậu em nàng đến bến Taxi, kế chợ Đông Ba, để trở về Cần Thơ. Trước khi lên xe, Cẩm trao tôi đôi kiếng mát Rayban Hòa đeo lúc sinh thời.
 
Nàng bảo:
– Anh hãy giữ nó kỷ niệm…
Tôi không thể từ chối, tôi nhận với tấm lòng chân thật chia sẻ cùng nàng những nỗi đớn đau của cuộc đời. Và lâu lắm rồi, từ sau buổi chia tay, tôi chưa một lần hân hạnh gặp lại người sương phụ ấy. Còn Hòa -Cố Đại úy Phạm Minh Hòa- dĩ nhiên không cần tôi phải nói đến lần thứ hai: “Mày im đi! Địch đang ở gần…” cũng đã ngàn năm im lặng rồi!…
CÒN TIẾP /Kỳ 8
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
 
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
 

No comments: