Saturday, March 11, 2023

ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân

ANH HÙNG BẠT MẠNG (11)
Trần Thy Vân

Anka Pham

TRẬN THỦY TÁNG
Đại úy Tiểu đoàn phó Nguyễn văn Do có mất hồn hay hết vía đi nữa, tôi cũng bắn thêm hàng trăm viên đạn Phòng Không chúi xuống khu đồi hướng nam để dọn sạch điểm đóng quân của Đại đội tối nay.
 ----------------
Sẵn trớn tôi tỉa rộng ra chung quanh, từng lùm cây bụi cỏ, từ trái sang phải dọc bờ đầm Nước Mặn. Nghĩa là nơi nào khả nghi, tôi quay nòng súng tới mà siết cò, ngoại trừ trên bầu trời xanh lơ với những áng mây bàng bạc, ý nghĩa tên tôi đẹp vô cùng. Đặc biệt cuộc chiến Việt Nam, Tổ Quốc Không Gian lại vắng bóng quân thù. Các đầu đạn 12ly8 nổ reo như pháo, lao đi từ một Đại đội anh hùng từng làm chết điếng Trung đoàn 141 Cộng Sản Bắc Việt chạy khùng luôn.
 
Thấy ba thẩm quyền Thuận, Hơn, Nhật tỏ vẻ thích, tôi cho mỗi anh thọc nách nó một cái để biết giống gà Hồ gáy ra sao, rồi trói cổ lôi đi. Ai cũng trầm trồ cơ bẩm nhạy, vừa nhấn cò thì đầu nòng phụt đạn liên hồi. Hèn gì thị Bình và thị Định, cả Nguyễn thị Minh Khai, vợ “đồng chí” nào đây, quên tên, đều khoái súng của Bác.
Xong, anh em tụt dốc kéo xuống mỏm đồi. Đơn vị có mấy chục mạng đấm đá suốt ngày nhừ tử, giờ thiếu nước uống, lại nai lưng khiêng khẩu Phòng Không và hàng chục bao đạn tổ bố, còn dìu thêm hai thương binh, khiến lính đi hết nổi. Thua thì te tua như cái mền rách đã đành, thắng cũng tả tơi. Thấy tụi nó lê thê lếch thếch, tôi mang dùm cái ba lô nặng trịch của Binh nhì Lê văn Tân gãy chân, muốn xỉu luôn. Tình trạng này Đại đội bị phục kích chắc chết.
 
Dù chưa có lệnh BCH Tiểu đoàn, nhưng vì mặt trời đã ngả bóng, lính tráng cũng quá uể oải tôi cho đơn vị dừng quân bao quanh ngay cái mỏm, nơi góc đông bắc đầm Nước Mặn, như ý định để ngừa bất trắc. Vị trí tương đối rộng, quang đãng. Bên ngoài là một xóm chài, nhà cửa sụp sệ, rải rác ẩn khuất dưới những hàng dừa xanh cùng dương liễu cặp theo ven biển đến tận chân đồi 94 hướng nam, bên cửa khẩu Sa Huỳnh.
Tôi cho cởi trói con gà cồ để vỗ cánh gáy tiếp, cảnh cáo kẻ thù lần nữa. Nghe tiếng gáy dòn tan của chú gà từng làm mưa làm gió, đá lung tung trong những ngày đầu mặt trận, nay đã về tay chủ mới, hẳn bọn giặc cỏ xâm lược như “ngựa run đùi hí lạnh giữa tàn quân” (Thơ Mã Chiến Sơn?).
 
Hai Đại đội 3, 4 và Bộ Chỉ Huy lớn đã lên tới khu đồi tôi vừa đánh. Đại đội 2 dẫn tốp Lao Công Đào Binh, những người đào ngũ đang thọ hình, đến nhận khẩu Phòng Không 12ly8.
 
Phía tây, Trung đoàn 5 Bộ Binh và Tiểu đoàn 37 Biệt Động từ hướng bắc di chuyển theo Quốc lộ 1 về nam. Dĩ nhiên, họ phải đi qua đoạn đường đầy dấu vết ngang tàng, kỳ lạ của các chiến sĩ bạt mạng Đại đội 1 BĐQ. Kỳ lạ mà dễ thương dễ nhớ, rung động hồn thiêng sông núi. Đó là chiến tích lừng lẫy đánh tan phòng tuyến thép Trung đoàn 141 CSBV, kế bên góc đồi, nơi mà hai ngày trước tôi đã không tuân lệnh Thiếu tá Hoàng Phổ bảo trổ cái “cửa hông” vào lòng đất địch. Bây giờ nơi đó là “cổng” chính vinh quang, do Đại đội 1/21 Thiên Thần Mũ Nâu mở ra bằng máu, không những để chào đón đồng bào hồi hương về Sa Huỳnh, quê cha đất tổ, mà còn hoan nghênh toàn dân nước Việt được tiếp tục lên đường xuôi nam ngược bắc.
 
Hôm nay thêm một niềm vui nữa. Thiếu tá Quách Thưởng, Tiểu đoàn trưởng 21 Biệt Động Quân, đã trở lại chiến trường, sau bốn ngày về mai táng cố Đại úy Quách Ẩn, bào đệ ông, qua đời tại Tổng Y Viện Duy Tân Đà Nẵng ngày 15-02-1973, tức mùng 7 tháng Giêng năm Quý Sửu. Rõ ràng hổ nhớ rừng.
Vừa vào vùng, Thưởng liền gọi tôi:
– Việt Quốc, đây Trùng Dương!
Nghe giọng nói của vị chỉ huy trực tiếp, cũng là người bạn học từ thuở ôm sách đến trường, tôi reo lên:
– Chào Trùng Dương!
– Nghe Việt Quốc đã tạo được tiếng vang. Việc mình phải làm còn dài dài. Tối nay Đại đội 2 sẽ đột kích xuống con xóm dưới chân Việt Quốc. Bây giờ hãy đón Xích Bích cùng Thiếu úy Phụ đang dẫn Lao Công Đào Binh mang nước uống tới, rồi anh giao cây Phòng Không lẫn đạn lại cho họ đem lên Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn, nghe rõ không?…
– Đáp nhận! Đại đội 2 đã tới, dứt máy, Trùng Dương!
Trung úy Dương Xuân đưa tay chào tôi:
– Chúc mừng! Chúc mừng Đại đội 1 chiến thắng! Gia đình tôi tạm rải bên ngoài anh, phía biển.
Tôi vỗ vai Xuân:
– Dù tạm tao cũng giựt hết Đại đội 1 qua sát bên mé đầm này để lát tối mày đột kích xuống làng. Bảo Đại đội phó làm, tụi mình ngồi nói chuyện chơi chút.
Xích Bích “điếc không sợ súng” dựa lưng vào tảng đá, đôi mắt nheo lại:
– Việt Quốc lúc nào cũng lộn xộn. Vui gì đây mà chơi? À, lì quá ha, dzớt được cây 12ly8 ngon lành! Chắc khẩu súng đầu tiên Việt Cộng đem sâu vào nội địa để nạp mạng cho anh…
– Chắc vậy, nên chúng nó nổi điên rồi đó, coi chừng! Mày thấy không, mấy lúc tao thất nghiệp dài dài. Mới đầu năm bị trực thăng bắn, con cái chết chóc, bị thương tùm lum tại Quán Hồng Mộ Đức. Mười ngày nay, thiếu người tao phải gánh vác đủ thứ, trưởng là tao, phó, y tá, cả thường vụ, cũng tao nốt! Đã bao lần tao còn ăn chực cơm của tụi lính, chứ hai thằng đệ tử ruột cùng rủ nhau bị thương ráo. Thế mà mày cứ kéo tao vào tròng, chiếm nơi này, đánh giúp chỗ kia…
– Lâu lâu giúp chút, anh cứ rên hoài…
– Đại Bàng! Việt Cộng!… Việt Cộng!…
Tôi giật mình đứng phắt dậy:
– Ở đâu?
Một đám lính ùa ra mép đầm lấy tay chỉ xuống:
– Việt Cộng sát dưới chân đồi mình đây!
– Bắn! ĐM. bắn liền!
Súng nổ ran. Tôi phóng tới một gốc cây thân mọc chồm ra ngoài bờ dốc hãm đứng, nhìn xuống. Một bầy Việt Cộng đang ùn ùn chạy thục mạng dưới bãi cát, chớn nước.
 
Tôi hét:
– Ném lựu đạn, ném lựu đạn, và quét đại liên, mau!
Lập tức, Hạ sĩ Đợi kẹp hông khẩu M60 quạt chúi nhủi mấy tên chạy xa phía trước, ai gần thì bị M26 tới tấp, xác địch lẫn đá núi tung lên giữa vực sâu tóe lửa đỏ rực. Vài tên sống sót, nhờ ẩn núp sát vách đồi, giơ tay hàng, cũng không tránh khỏi các mũi súng còn bốc khói đốn ngã. Phút chốc, cảnh vật dưới góc đầm chẳng khác nào địa ngục, rồi bỗng dưng im lặng lạnh lùng dù nắng chiều hừng hực trên bầu trời Sa Huỳnh.
Tôi nói Trung úy Dương Xuân:
– Đại đội 2 mày hãy bắn chặn dùm đầu xóm để lính tao hạ sơn lục soát.
– OK, OK!…
Trung đội 1 tụt dốc. Một lát, Thuận líu lưỡi gọi lên:
– Trình Đại Bàng! Việt Cộng chết quá trời, 27 tên, súng 24 khẩu, gồm AK, B40 và một K59. Có cái hầm to lắm!…
 
Cũng như lính, thấy đã quá, nên tôi đâm quýnh, vội thúc:
– Lẹ, ôm hết súng lên, kẻo trời tối nguy hiểm!
Hiệp vặn lớn speaker rồi xách cái máy PRC25 chạy tới để tôi nghe, tiếng Quách Thưởng phát ra oang oang. Tôi bóp ống liên hợp:
– Thiên Nga! Thiên Nga!…
– Việt Quốc đây!
– Sao không trực máy, hả? Chạm địch thế nào mà súng nổ dữ vậy?
– Bất ngờ Việt Cộng dẫn xác tới nạp mạng, chúng chạy cả bầy dưới chân đồi, mình bắn sạch hết 27 tên, thu 24 súng…
Thưởng khoái chí cười khà khà:
– “Làm ăn” dễ dàng quá, Việt quốc?
Thiếu tá Hoàng Phổ đã trở lên Liên đoàn, còn xen vô:
– Việt Quốc cất kỹ cây K59 cho tôi.
 
Tôi chửng hửng, lộ mẹ nó khẩu súng “con” dễ thương, phải đem nạp. K59 hay K54 cũng vậy, đều bán cho mấy chú Gi với giá 25.000 đồng Việt Nam, tương đương 15 tạ gạo mua ở cửa hàng Quân Tiếp Vụ, hoặc đổi lấy một xe tôn. Hoàng Phổ vẫn còn theo dõi, nghe lén tần số nội bộ Đại đội này. Ông mới là Liên đoàn phó thôi, đời lính tôi cũng đủ tàn.
 
Trung sĩ Thuận mô tả căn hầm đào sâu trong vách đồi như hang động, lối ra vào hình chữ “L”, sát chớn nước. Cái ổ âm binh vuông vức, mỗi bề khoảng ba thước, giữa kê bộ sofa gỗ, và một máy điện thoại trên bàn. Nơi trú ẩn an toàn thật, bom đạn không thể phá sập. Chắc là chỗ trú đóng của BCH Trung đoàn 141/2 Cộng Sản Bắc Việt trấn thủ mạn bắc Sa Huỳnh. Nếu đúng vậy thì 27 xác chết kia và còn nhiều tên nữa có thể bị thương lẩn trốn đâu đó là đầu não đơn vị này.
Tôi không hủy bỏ căn hầm, mà nhắm phá cũng không nổi, để lưu niệm một chiến tích lịch sử, người dân nơi đây sẽ nhớ mãi trận đánh lẫy lừng của một đại đội Biệt Động Quân, dù chẳng hề biết kẻ chỉ huy có tên Việt Quốc Trần Thy Vân.
 
Nói là đại đội chứ sự thực chỉ 50 tay súng, lại đánh tan một trung đoàn, với một tiểu đoàn Phòng Không tăng cường, tức 4 tiểu đoàn là 16 đại đội. Đổ đồng một chiến sĩ Biệt Động đập bại xuội ít nhất 16 tên địch tại đây. Chuyện rất hiếm có trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến mà toàn dân phải giải quyết bằng máu để miền Nam khỏi sống dưới ách độc tài của một lũ bất nhân, hèn hạ Cộng Sản Bắc Việt.
 
Chính kẻ chiến thắng cũng không ngờ mình làm cho giặc kinh hồn bạt vía đến vậy. Vì lo xa, tôi gọi máy trình Thiếu tá Thưởng những điều tôi nghĩ:
– Trùng Dương cử người xuống lấy chiến lợi phẩm lên Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn kẻo mất lại như chơi.
– Ừ, coi đón họ.
Tôi nói với lính:
– Tối nay, đề phòng tối đa, thêm vọng gác, luôn luôn mang giày, ngủ thì ôm súng bên hông…
Trung sĩ Hơn góp ý:
– Vì thua cay, Việt Cộng có thể đến trả thù…
Thuận cười gằn:
– Trả gì nổi! Bây giờ bọn nó như rắn mất đầu, còn cái đuôi ngo ngoe, chạy tán loạn xà ngầu…
Tôi trừng mắt:
– Ừ giỏi, Thuận ngon!
 
Nghe nói vui, các anh hùng bạt mạng cười nhoi.
Tốp lính trên BCH Tiểu đoàn đã đến nhận chiến lợi phẩm và Đại đội 1 cơm chiều xong, sẵn sàng yểm trợ Đại đội 2 đột kích. Mặt trời đã khuất, con xóm chài loang lỗ dấu đạn chìm dần vào màn đêm ma quái. Tôi đến mép đồi ngồi nhìn xuống các xác chết dưới vực sâu. Tuy không thấy rõ từng thây người nát ngấu, bầy nhầy, tôi vẫn nhờn nhợn, có cảm giác đang sình lên. Rồi đây tình trạng còn đánh nhau, dân di tản xa chưa về, không ai chôn lấp, mùi hôi thối sẽ nồng nặc khắp thôn làng. Hy vọng khuya con nước lớn sẽ giựt hết 27 xác chết ra thủy táng giữa đầm Nước Mặn.
 
Pháo binh bắt đầu bắn quấy rối phía nam đầu xóm. Trong lúc đơn vị Trung úy Xuân sắp hạ sơn, tôi chợt thấy lờ mờ dưới trăng nhiều bóng đen di động trên mặt nước. Rất tiếc ống dòm đã hỏng, tôi vội kêu Hạ sĩ Hiệp truyền tin đến nhìn thử đúng không hay mắt tôi bị quáng gà. Quả thật, hàng chục chiếc ghe đều chở đầy khẳm, khoảng trên 20 người, đang nhấp nhô giữa đầm, chèo từ đông sang tây để vào núi. Tàn quân trên đường bôn tẩu, lại rơi vào tử lộ.
 
Tôi gọi Thưởng:
– Trùng Dương! Trùng Dương!…
– Nghe!
– Việt Cộng di chuyển bằng ghe giữa đầm Nước Mặn, xin pháo binh dập ngay, tọa độ XY…
Thưởng hỏi:
– Bao nhiêu? Coi chừng lầm dân đánh cá.
Tôi quả quyết:
– Việt Cộng! Cả chục chiếc chở hàng trăm tên. Mục tiêu di động, xin bắn đầu nổ VT.
Ùm… Ùm… Ùm… Những quả đạn liên tục gắm xuống, các cột nước tung lên trắng xóa.
– Bắn VT, Trùng Dương!
– VT hiếm, chơi thứ đó thấy mẹ nó rồi!
– OK, mần nhiều đi, kéo dần qua phía Quốc lộ 1 chặn đầu!
 
Rất tiếc lại thiếu VT, một loại đầu đạn vô tuyến được điều chỉnh tự động nổ cao, cách đất 20 mét, để mảnh chụp xuống mục tiêu di động hay các hầm hố cá nhân không có nắp. Dẫu sao hàng trăm quả 105ly chạm nổ, quậy bung đầm Nước Mặn như sóng thần, cũng đủ thủy táng cho chúng mò tôm.
 
Pháo binh dứt Thưởng gọi:
– Kết quả sao?
Để giảm bớt căng thẳng, bởi những hình ảnh chết chóc quá nhiều, tôi trả lời ví von, thơ mộng hóa một đêm xuân mà rùng rợn của chiến trường Sa Huỳnh:
– Chưa biết, Trùng Dương! Mặt nước đã trở lại phẳng lặng, mơ màng dưới ánh trăng phản chiếu sáng ngời, tưởng đâu như sông Hương núi Ngự (Huế của Quách Thưởng, Hoàng Phổ).
 
Nói xong, tôi có ý chờ ông bạn học nhỏ con nhất, cùng lớp với tôi ngày xưa, bên kia đầu máy ứng đáp tương tự để vơi bớt nỗi buồn chinh chiến. Nhưng không, chắc chưa phải lúc, hôm nay còn sặc mùi máu lửa, nên ông lại hỏi một câu nghe chẳng thú vị chút nào:
– Việt Quốc có định mai lặn xuống mò súng không?
Tôi cười gượng:
– Dám lắm chứ! Cả một kho vũ khí dưới đó!
Thưởng im lặng, chuyển qua Dương Xuân:
– OK… Hai Mươi Xích Bích hạ sơn đi!
Đại đội 2 đã chờ sẵn, liền nổ súng, địch quân nổi điên quất AK, B40 lên mỏm đồi. Chúng đã hiểu tình huống nên kháng cự mạnh, chặn đầu. Xuân báo:
– Trùng Dương, đây Xích Bích!
– Nghe Xích Bích!
– Tôi bị hai đứa kẹt dưới xóm, xin soi sáng.
Thiếu tá Thưởng quát:
– Tại sao vọt lui để bị kẹt, hả?
– Việt Cộng tử thủ nhiều trong các hầm…
– Mẹ, nó phải thủ chứ đứng đưa ngực cho anh bắn à?
Tôi mở tần số nội bộ Đại đội 2:
– Xích Bích, tao đoán địch khoảng một trung đội đang làm nút chặn để quân nó phía nam tháo chạy qua đầm.
Dương Xuân than:
– Hầm hố chằng chịt lính không thấy đường, đã chết hai rồi còn nằm dưới. Anh đánh giúp bên phải, từ chớn nước vô…
– Mày đì tao dữ vậy? Để tao hỏi Trùng Dương coi.
– Trời ơi, anh hỏi thì ổng chửi nữa.
– Ổng chửi mày chớ chửi tao sao? OK, chờ đi!
Bực mình, tôi nắm máy nói bướng lên Tiểu đoàn:
– Trùng Dương! Xích Bích yêu cầu nhưng tôi dứt khoát chờ rạng đông mới đánh. Giờ để lính ngủ một chút.
Nghe tôi nói ngang ngang, Thưởng chửi thề:
– Mẹ bay, có biết Sơn Linh hối không?
Tôi nổi xung:
– Hối kệ ổng, vừa phải thôi! Sáng mai tôi đập!
– Hai thằng làm sao làm cho xong trước mặt trời mọc, để BCH Tiểu đoàn cùng hai Đại đội 3, 4 qua mặt vô trong kia.
Tôi nói Xuân:
– Xích Bích biết không, tụi bê bối trong mục tiêu của Xích Bích chưa rõ BCH Trung đoàn 141 đã chết hết, bởi ăn lựu đạn Việt Quốc hồi chiều, nên chúng phải chặn cứng mình lại đây, để ai còn sống có đường chạy thoát ra và đồng bọn phía nam rút lui bằng ghe qua đầm. Chờ rạng đông chơi khỏe hơn, đừng dí chuột vô góc tường. Ngủ đi!
 
Xong tôi cúp máy, ngồi tựa lưng vào tảng đá ngáp dài. Giờ phút này, dù thân thiết cách mấy tôi cũng không thể chiều ý Dương Xuân. Tôi đã giúp từ yểm trợ đến nỗ lực chính rồi, dây dưa nữa lính khổ. Mấy ngày qua Đại đội đơn phương độc mã quá gian nan, căng thẳng thần kinh, lính phải ngủ, mọi chuyện tính sau.
Chưa kịp chợp mắt trời đã hừng hừng ngoài biển. Lính vừa thức dậy, tôi gọi Xuân:
– Bây giờ Xích Bích chuẩn bị xuống đi, tao bên này sẽ thọc ngang hông, từ bờ đầm. Xong, hai thằng cùng quét về nam.
Giọng Xuân khàn khàn ngáy ngủ:
– Ừ, tôi để lại trên đồi này một trung đội để yểm trợ và lo phần tải thương. OK, tôi bắt đầu hạ sơn.
Tôi đẩy toán Thám Báo xuống khu vực, nơi căn hầm dưới chớn nước, án ngữ mặt tây, hướng đồn lính bị đánh cháy buổi tối nọ. Trong lúc Trung đội Hơn còn nằm trên cao với tôi chĩa súng ngay bìa xóm, Trung đội Thuận tụt dốc, vượt qua Thám Báo. Vì thế đất hẹp, Thuận cho anh em lom khom hàng dọc, mò mẫm từng bước tiến lên như bóng ma. Tất cả âm thầm dàn quân, tôi gọi nói Dương Xuân:
– Một thằng con lớn tao đã có mặt ở bến đò nhưng trời còn tối chưa khai hỏa được.
– Bên này tôi đã bám đầu xóm. Dường như Việt Cộng giãn dần, phải không?
– Có thể lắm! Giờ mày dặn lính khoan nổ súng, khi mần thì cẩn thận tầm đạn, kẻo choảng trúng nhau…
Thình lình, một loạt AK, xen lẫn B40, của địch xoáy mạnh vào mỏm đồi. Xuân buộc phải hạ lệnh tấn xuống mạnh. Tôi bảo Trung đội 1 đốc lựu đạn vào dãy nhà kế bến đò. Trung sĩ Thuận chưa kịp thi hành thì một khẩu thượng liên Việt Cộng hướng nam quạt tới. Hs Đợi tức tốc siết cò M60 bắn trả. Đạn hai bên bắt đầu chéo nhau như mạng lưới đỏ rực. Không ngờ địch còn kháng cự mạnh. Nhiều quả B40 nổ tóe lửa ở bãi cát trước mặt khiến tụi lính của Trung đội 1 phản ứng tự nhiên lăn tòm hết xuống đầm.
 
Tôi hét vào ống liên hợp:
– Thuận! Dồn hỏa lực sang phải đi, để Trung đội 2 đập vào bên trái.
Trung sĩ Hơn đã thấy rõ địa thế và tình hình địch, vội kéo Trung đội xuống áp đảo ngay nơi vừa chỉ. Tôi phóng theo, gặp dịp tôi dừng lại trước cái cửa hầm “âm binh”. Xác giặc, tất cả 27 tên bị bắn lúc chiều, nằm ngổn ngang, tôi chẳng biết tránh chỗ nào khỏi giẵm. Hiệp truyền tin tò mò bước quẹo vào, rọi đèn pin xem bên trong căn hầm, tôi cũng ghé mắt nhìn, một mùi tử khí xông ra…
 
Đột nhiên Xuân gọi máy la bải hoải:
– Tụi con anh bắn sau lưng con tôi, stop gấp!
Nghe “thằng điếc không sợ súng” mắng vốn, tôi hỏi:
– Cái gì mà con anh con tôi, Xích Bích?
– Mẹ, lính anh xỏ ngang hông lính tôi.
Tôi bật cười trong máy;
– Lạ, sao lỗ dưới chúng không xỏ, lại xỏ ở hông. Để tao la. Xong, tôi nắm ống liên hợp nội bộ:
– Hai Mươi, Hai Mươi!
– Nghe Đại Bàng!
– Đừng bắn xa hướng đông, trúng thằng Hai Mươi lớn kìa. Nhào vô dãy nhà chưa?
– Rồi, Đại Bàng!
– Còn Mười chiếm gấp bìa xóm phía tây kẻo địch kéo tới.
Binh nhì Dũng Trung đội 2 reo lên:
– Thu được hai AK dưới hầm, Đại Bàng!
– Ừ, bảo lục soát tiếp, Dũng!
Mặt trời ngoi lên khỏi biển đỏ ối, con xóm nghèo chài lưới hiện ra rõ nét điêu tàn. Tiếng súng đã im hẳn, vài căn nhà lá dừa nghiêng đổ, bốc cháy kêu lách tách.
Thưởng gọi:
– Mười, Hai Mươi, đây Trùng Dương!
– Việt Quốc nghe!
– Xích Bích nghe!
– Sao, khỏe chưa?
Dương Xuân báo trước:
– Đã chiếm xong con xóm, địch chết bảy, thu bốn AK, một B40. Mình hai dài hạn, một ngắn…
– Còn Việt Quốc?
– Vô sự, lấy hai súng cá nhân.
Nghe hai đơn vị báo con số vũ khí tịch thu quá ít, trong khi đánh nhau rền trời, dường như Thiếu tá Thưởng chưa hài lòng:
– Thôi được, hai anh nghe cho rõ đây, Đại đội 1 Việt Quốc dừng tại chỗ giữ an ninh khu vực đó. Hai Đại đội 3, 4 và BCH Tiểu đoàn sẽ move tới, còn Xích Bích để hết chiến lợi phẩm và cả thương binh lại cho Việt Quốc rồi tiến thẳng hướng nam một cây số, dọc đường lục soát kỹ. Đề phòng phục kích.
 
Tôi trả máy lại Hiệp và đang lúc bận rộn thì một đệ tử của Dương Xuân chạy đến, đưa tay chào:
– Đại Bàng em mời Trung úy qua uống cà phê.
Tôi hỏi đùa:
– Cà phê đắng “Quán Hồng” hả?
Nghe nhắc hai tiếng Quán Hồng, mấy chú cao bồi tôi hiểu ý cười rồ lên. Quán Hồng, nơi đồn lính phía nam của quận Mộ Đức, Đại đội này bị máy bay bắn lầm hôm mùng 1 Tết. Tôi đi theo người lính Đại đội 2. Gặp Trung úy Xuân tôi hỏi:
– Mới đó đã có cà phê lẹ vậy?
– Gì chớ món này sáng sớm phải sẵn sàng cho tôi.
Xuân đưa một ly tôi ực một phát hết phân nửa, ực tiếp phát thứ hai thì sạch bách, không còn một giọt.
– Cà phê Đà Lạt ngon ghê!
Xuân há họng nhìn tôi:
– Trời! Anh chả biết uống cà phê gì trọi!
– Cái gì?… Đã quá mà mậy!
– Cà phê người ta uống rỉ rả, anh ộc ộc như nước lạnh.
– Rỉ rả là kiểu hà tiện, vô quán ngồi câu giờ ngắm gái. Vì ghiền tao tu hai ngụm. Lại nữa, ở ngoài chiến trường tao uống khác với lúc tà tà trong thành phố. Hèn gì tụi mày, Hưng ròm, thêm thằng Quảng nhí nữa, đến quán là ôm cái ly cà phê ngủ luôn. Thôi, lo move đi, còn tao ngự nơi đây.
Xuân chán nản:
– Kệ mẹ nó, vội gì!
– Nếu chưa thì mày đẩy một trung đội vọt trước, tránh nạn Việt Cộng đủ thời giờ tổ chức phục kích.
 
– Gởi anh mấy đứa chết, bị thương và năm cây súng.
Dứt lời, Trung úy Dương Xuân đứng dậy, ra lệnh dàn quân trong lúc những quả 105ly hướng Đức Phổ bay vòng qua đầu rải xuống khu đồi 94. Tiếng nổ quấy động cả vòm trời trong xanh buổi sáng. Tôi cho Đại đội bao quanh con xóm, đặt trên đồi một tiền đồn nhỏ, và sai lính lục soát hết các căn nhà lần nữa để tìm hầm bí mật mà ở các vùng xôi đậu thế này thường có. Tôi cấm lính phá phách những gì còn lại của dân ngoại trừ dừa trái được phép hái ăn.
 
Bỗng từ ngoài xa, nơi mấy căn nhà lup xụp, có tiếng người quát tháo chửi thề om sòm, tôi định hỏi thì Trung sĩ Thuận đã dẫn đến một tên Việt Cộng hai tay trói sau lưng, mặt thì sưng vù bê bết máu.
– Trình Đại Bàng, thằng này trốn dưới hầm, súng giấu đâu hỏi không khai, đập cũng chẳng nói.
 
Tôi để tay vào bá súng Colt bên hông, tên cán binh hiểu ý phát run như cầy sấy, hai bờ môi khô nứt lập cập mấy lời van xin, nghe cứng ngắt:
– Lạy anh tha cho em. Em tải lương không phải thành phần chiến đấu…
Câu nói ấy làm tôi xúc động, nhìn từ đầu xuống chân hắn. Khác hẳn với nhiều tên ba đá, mặt dày mày dạn vờ vĩnh ngây ngô, mà tôi đã từng bắt được trong các cuộc hành quân, người bộ đội trẻ này trông có dáng điệu thư sinh, nước da trắng trẻo, đôi mắt lờ đờ và dường như đang đói lả. Tự nhiên tôi cảm tình kẻ sa cơ thất thế.
Tôi vờ làm nghiêm sắc mặt:
– Anh tên gì, bao nhiêu tuổi?
Nghe giọng hỏi nhẹ nhàng, lịch thiệp, hắn cúi xuống khóc sướt mướt như một cậu bé:
– Em tên Nguyễn Thành Công… 22 tuổi… quê Hà Nội…
– Súng giấu đâu?
– Súng em bỏ bên kia đầm. Em đội tải lương sang đây tiếp tế đơn vị thì bị đánh. Các anh ấy chạy được, còn em bị thương nằm dưới hầm hai ngày nay ạ!
Trước khi cho cởi trói và băng bó lại vết đạn trên cánh tay người tù Nguyễn Thành Công, tôi dặn thêm:
– Đừng chạy đâu nghe chưa! Khi có súng nổ thì để hai tay lên đầu, ngồi tại chỗ, kẻo bị bắn chết uổng mạng.
– Dạ vâng! Dạ vâng! Cám ơn anh, em ngồi đây!
Trung sĩ Nguyễn Nhật toán Thám Báo đến đứng bên cạnh, tay cầm một gói giấy bọc nylon:
– Trình Đại Bàng, tụi em nhặt được 100.000 đồng…
Tôi hỏi:
– Ở đâu vậy?
– Trong ba lô Việt Cộng chết dưới bãi, cùng tài liệu vớ vẩn của đơn vị nó.
– Cất đi, sau chia đều anh em xài. Nhật bảo Vinh nhớ nấu thêm cơm cho thằng Công tù binh ăn, nó đang đói đó! Và dặn anh em không được đánh nó nữa. Tao nói rồi!
Hiệp báo:
– BCH Tiểu đoàn và các đại đội đến.
Đại đội 3 BĐQ Trung úy Trần Quang Giảng trên đồi ào ào đổ xuống rung rinh con xóm. Đơn vị chưa đụng trận nên quân số còn đông như kiến, đi xuyên qua muốn hắt văng bọn lính tôi đang đứng nhìn. Thấy tôi, Giảng 23 sĩ quan Thủ Đức, sau tôi một khóa, cầm bản đồ vẫy vẫy:
– Ê, anh hùng “Phòng Không”!
Thiếu tá Quách Thưởng cũng trờ tới, tôi đưa tay chào, ông cười tươi:
– Trung tá Liên đoàn trưởng khen Vân lắm!
Tôi đưa tay vừa chỉ ra chớn nước mé chân đồi vừa nói:
– Mời Thiếu tá đi xem căn hầm tổ bố của BCH Trung đoàn 141 và 27 xác chết ngoài kia!
Thưởng lắc đầu lia lịa:
– Thôi, dơ dáy! Tao gớm mấy cái thây ma sình thối đó. Đại đội 1 sáng nay nhận tiếp tế, ngoài lương thực, đạn dược, có 20 người lính cũ lẫn mới bổ sung. Bây giờ tập trung các ghe lại, nhờ dân chèo vô quốc lộ chở hàng ra. Lính Sư đoàn 2 Bộ Binh nằm đầy trổng nên an ninh. Tần số liên lạc Trung sĩ Tam, Ban Tiếp Tế, là 34.00.
Tôi đưa ông đến người tù mới bị bắt. Nghe nói, Nhật nhanh trí vớ được sợi dây dù đâu đó trói chặt hai tay Nguyễn Thành Công. Thưởng nhìn sơ qua rồi nói:
– Chưa giải giao được, hãy dẫn theo. Coi chừng nó vọt.
 
Nói xong, vị Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng và BCH Tiểu đoàn vội vàng nối tiếp đi sau Đại đội 4 của Đại úy Đỗ văn Nai, tôi không kịp hỏi han thêm vài chuyện, như việc mai táng cố Đại úy Quách Ẩn.
Trung sĩ Hơn dẫn một số anh em lội dọc bờ đầm Nước Mặn kiếm mấy chiếc xuồng lớn. Đồng thời, toán Thám Báo vô tận con xóm dưới chân đồi đồn lính pháo binh bắn cháy hôm kia, kêu những cư dân còn khỏe mạnh giúp chèo ghe và làm vài công việc khác nữa.
Nghe tin nhận tiếp tế và lính bổ sung, mặt người nào cũng hớn hởn, vui vẻ như trẻ thơ thấy mẹ đi chợ về.

CÒN TIẾP /Kỳ12
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
 
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
 

No comments: