ANH HÙNG BẠT MẠNG (6)
Trần Thy Vân
Anka Pham
Trần Thy Vân
Anka Pham
QUÁN HỒNG CÀ-PHÊ MÁU
Phút chốc,
Đại đội đã rời khỏi khu vườn và lúc ẩn lúc hiện băng qua từng con xóm
đìu hiu quá lạnh lùng. Tiếng súng đâu phía trước nghe càng rõ và dồn dập
hơn. Tôi nhớ khi cho lệnh di chuyển, Thiếu tá Quách Thưởng có dặn cẩn
thận tại Quán Hồng mà vì bực mình tôi quên hỏi Quán Hồng là địa danh hay
quán cà phê.
Nếu địa danh, sao không thấy ghi trên bản đồ? Chắc quán, nên tên đẹp, như Diễm, Thủy Tiên, Thạch Thảo… nổi tiếng Đà Nẵng. Họa hoằn mới có kẻ lập dị, đặt tên hiệu tệ mạt, Nghèo, Rách, trong xóm Chuối, nghe ớn, chẳng ham chút nào. Nhưng dù nơi đâu, mỹ miều hay xấu xí, các chốn ăn chơi ấy có các cô chiêu đãi viên càng đẹp càng xảy ra lắm chuyện tranh giành, bắn phá lẫn nhau. Hẳn Thưởng ngại Đại đội Biệt Động Quân này gặp dịp đi ngang qua, ghé quậy chơi. Ông đã ghép tôi vào thành phần ngũ quỉ, gồm Trần văn Quy, Nguyễn Hiếm, Trần Thương Quảng và Dương Xuân, là một bọn đánh giặc khỏi chê mà phá phách lung tung, mãi chọc thiên hạ chửi cũng hết sẩy. Năm ông quan cô hồn này thường xúi lính đánh bậy Quân Cảnh hống hách, bắt du đãng ném xuống cầu Trịnh Minh Thế cho dòng sông Hàn cuốn đi. Nhưng đó là ba chuyện ngày xưa, vừa ra trường, còn mang lon thiếu úy, thích gắn cái bông mai vàng bằng đồng trên nắp túi áo, lốc chốc, chứ ngày nay ai cũng lớn rồi, nghiêm túc để chỉ huy.
Quán Hồng! Nghe êm và đẹp!
Tôi đang miên man suy nghĩ, cố tìm hiểu Quán Hồng là cái giống gì, thì Thanh lướt tới đưa ống liên hợp máy PRC25 liên lạc nội bộ để tôi nghe Thiếu úy Cường báo cáo:
– Trình Đại Bàng, cho lệnh Trung đội tôi hàng ngang chạy băng nghĩa địa dài 200 thước. Có tiếng súng trung liên và B40 nổ gần.
– Việc gì phải chạy! Chỉ đi thưa và nhanh thôi, nương theo các gò mả. Nếu trong lũy tre bắn ra, hãy tắp ngay.
Dứt lời tôi vọt lên điều động đơn vị vượt qua khoảng trống. Tất cả vào an toàn, bao quanh một con xóm. Tôi quan sát phía trước, còn một cánh đồng ruộng nữa khá dài và rộng. Kế quốc lộ, cách tôi độ 300 thước có cái đồn lớn, xây bằng bao cát, hệ thống phòng thủ coi bộ kiên cố. Tôi xem ống dòm thấy ngoài giao thông hào rào nhiều lớp kẽm gai chằng chịt. Bên hướng đông, sau lưng nó không xa, có tiếng máy thiết giáp gầm gừ, chốc chốc nổi lên bắn Đại liên 50, M79 vào đồn, nhưng trong đó im lìm, không ai phản ứng, như đã chết hết đâu rồi. Thấy sự kiện lạ lùng, lại ngại bị chơi lầm, bọn lính mũ đen tạt nòng súng qua phải quạt luôn Biệt Động Quân không chừng, nên tôi vội gọi máy hỏi Thiếu tá Quách Thưởng:
– Trùng Dương! Cho biết gấp bầy cua sắt nào lại đang tấn công đồn Địa Phương Quân tại tọa độ XY… trước mặt tôi?
Thưởng hét to:
– Cẩn thận, Việt Quốc! Hãy cẩn thận tại đồn Quán Hồng, Việt Cộng đã chiếm đêm hôm qua. Bọn cua sắt là Chi đoàn 17 M113 tên Thiên Mã, mở tần số 25.25 liên lạc Đại úy Việt, Chi đoàn trưởng, để tránh ngộ nhận!
– Sao lúc sáng Trùng Dương không nói?
– Cố gắng đi lẹ đi! Hẹn gặp tại Đức Phổ tối nay.
Nghe Quách Thưởng nói tôi bật ngửa. Thì ra Quán Hồng là tên một đồn lính, chẳng phải quán cà phê cà pháo gì hết. Tôi chửi thầm:
– Mẹ, đồn bót mà đặt tên cho đẹp! Hèn gì mấy thằng Vẹm nhào vào mần sạch “cà phê” cũng đáng. Nghĩ nhột dạ tôi nổi cười to khiến thằng Hiệp truyền tin ngồi kế nhướng mắt hỏi:
– Tin vui, hả Trung úy?
– Đâu có! Tao cười cái thằng cha nào đặt tên đồn lính này là Quán Hồng. Vậy mà hồi sáng giờ tao lẩm cẩm tưởng quán cà phê, nên định bụng lát nữa cho tụi mày ghé uống đứa vài ly chơi, rồi đi, ai dè thứ dữ ở trổng, Việt Cộng không hà! Mày lấy máy xơ cua mở tần số 25.25 để tao liên lạc ông bạn Thiết giáp gấp.
Trong lúc chờ Hiệp, tôi gọi các trung đội:
– Mười, Hai Mươi, Ba Mươi, đây Thiên Nga!
Các thẩm quyền vừa lên tiếng tôi dặn:
– Tất cả đề phòng địch đã chiếm đồn lính trước mặt và bọn cua sắt có thể kẹp nhầm.
Các thẩm quyền đã đáp nhận. Hiệp bắt được tần số nội bộ Thiết giáp, giọng Đại úy Việt đang điều quân phát nghe oang oang. Tôi bóp ống liên hợp xen vô:
– Thiên Mã, Thiên Mã, đây Việt Quốc!
– Thiên Mã nghe… Việt Quốc nào?
– Việt Quốc Thiên Nga Mũ Nâu!
Người hùng Tchépone mừng reo lên:
– Thiên Nga! Tao đã nhận ra mày. Bonjour, Sésamou! Tao tưởng mày đã chết ngoài La Vang Quảng Trị rồi! Hay mày là ma, hiện về ở đâu đó?
Tính Việt vui vẻ, thường gọi tôi Sésamou tên con sông bên Lào. Trong cuộc hành quân Lam Sơn 719 năm 1971, Chi đoàn Thiết giáp của Việt tăng phái Sư đoàn 1 BB đánh Tchépone. Tôi Đại đội phó Đại đội 2 Tiểu đoàn 21 Biệt Động, cùng đơn vị nhảy xuống đường mòn Hồ Chí Minh, tại mốc số DC16, đầu sông Sésamou, cực bắc Tchépone, Lào. Mỗi lần gặp, tụi này gọi nhau bằng hai địa danh ấy, kỷ niệm cuộc hành quân bão lửa mới năm nào.
Tôi trả lời Việt:
– Sức mấy chết, mậy! Tao đang ở phía bắc Quán Hồng 300 thước, coi chừng tác xạ nhầm Thiên Thần Mũ Nâu!
– Việt Quốc lưu ý Quán Hồng, tụi bê bối trong đó. Tao vừa bị B40 nướng một con, hãy giúp tao một tay!…
– Giúp cái gì? Tao phải vọt gấp Đức Phổ! Sao không dộng 106ly vào họng nó?
Việt rống lên:
– Rất tiếc tao không đem 106 theo. Bây giờ Biệt Động tấn công mặt bắc, còn tao chụm các cây Đại liên 50 xoáy vào hai tuyến đông, nam để yểm trợ lại mày…
Tôi cười:
– Đánh giặc mà mày nói như binh xập xám. Tìm cách khác chứ chơi đường đó, “đua xe đạp”, ba đôi ba nơi ăn ai? Mình ở thế công đồn, đâu phải kiểu đánh chốt mục tiêu thông thường. Để tao hỏi Thiếu tá Thưởng coi!
Tôi chuyển sang gọi Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21:
– Trùng Dương, Trùng Dương!…
Tiếng Đại úy Trần văn Quy, Sĩ quan Ban 3:
– Quang Trung nghe, Việt Quốc!
– Còn kẹt tại Quán Hồng, chưa move được. Tôi muốn giúp thằng Thiên Mã một tay, hỏi Trùng Dương nghĩ sao?
– Đừng, không phải nhiệm vụ mình! Hãy dưỡng quân!
Trước khi cúp máy tôi nói thêm:
– Anh cứ trình ý kiến ấy lên Trùng Dương.
Tôi trả ống liên hợp lại Hiệp, rồi ngồi nhìn mấy con ngựa trời câu M79 lẫn khạc đại liên cầm hơi vô phòng tuyến Quán Hồng. Trong đồn dù địch bí đường, nằm chờ chết, nhưng năm chiếc thiết vận xa mong manh cũng khó chơi trước các họng B40, nên Đại úy Việt vẫn còn dây dưa. Trường hợp này làm tôi thoáng buồn. Nếu Đại đội có nhiệm vụ tùng thiết thì khỏi nói dông dài, mục tiêu sẽ nát bấy trong khả năng. Mấy lúc hai bên, tôi và Việt, từng phối hợp nhau đánh xả láng khiến địch kinh hồn ở các cuộc hành quân Hương An Bình Giang, Quảng Nam, và Ba Gia Đồng Ké, Quảng Ngãi. Nhớ kỷ niệm tại Đức Quang, cách đây bốn năm cây số phía bắc, tôi cùng ngồi với Việt trên một chiếc M113, khi đến bìa một con xóm thì xe cán phải mìn. Sức ép của trái mìn biến chế cả một thùng thiết chất TNT nổ tung, làm Hạ sĩ Nguyễn Hoàng Biệt Động Quân với hai người lính Thiết giáp chết, Việt thì bị thương trên đầu, còn tôi may mắn, văng xuống đất vô sự.
Giờ đây tôi lại ngồi ngó như khách bàng quan khó coi thật, còn xăn tay áo lại ngại cho lính mình. Nếu không nhằm mùng 1 Tết hay Quán Hồng là mục tiêu chung, tôi nhập cuộc ngay. Tôi thử phác họa kế hoạch tấn công. Trước hết Việt cứ nã đại liên dọc hai tuyến đông, nam, phần tôi dàn hai trung đội nhấp nhá phía bắc này, và theo chiều gió tôi cho đốc vào nhiều trái khói cay, rồi cả hai ngưng bắn để toán Thám Báo Biệt Động Quân đang nằm sẵn ở mé tây quốc lộ, liền mang mặt nạ, xung phong tấn công bằng lựu đạn M26 ngay cổng trước của Quán Hồng, là mặt ít mìn bẫy nhất.
Nhờ biết cách sử dụng khói cay, “độc chưởng”, đúng lúc, với thế đánh tàn bạo, tôi đã thắng dễ dàng ở một mục tiêu lớn gấp bội nơi đây. Đó là Jackson, một căn cứ của quân đội Hoa Kỳ bỏ lại, hệ thống phòng thủ còn nguyên vẹn, trên ngọn núi cao gần 1.000 mét, hướng tây Mỹ Chánh Huế khoảng 25 cây số, mà anh em Biệt Động gọi là “Đỉnh Mùa Đông”, dù giữa mùa hè rực lửa. Địch quân thì gồm một đại đội, thuộc Sư đoàn 304 Cộng Sản Bắc Việt, chiếm Jackson làm chốt để chế ngự đồng bằng phía đông là hai quận Hải Lăng và Hương Điền.
Cuối tháng 6/1972, để dọn đường cho các đơn vị Quân Lực VNCH ra tái chiếm Quảng Trị, các mục tiêu hai bên Quốc lộ 1, giữa Huế-Quảng Trị, phải được dẹp sạch, trong đó có căn cứ Jackson. Đầu tiên, Trung đoàn 6/2 BB Quảng Ngãi ra tăng phái, đưa một tiểu đoàn lên đánh Jackson thất bại. Kế đến là một trung đội TQLC trực thăng vận vào, chiếc Chinook Hoa Kỳ chưa kịp đổ xuống đã bị bắn rơi dưới chân đồi mục tiêu, cả phi hành đoàn cùng bỏ xác tại chỗ, mà sau đó chính đơn vị tôi đi tìm. Nửa tháng sau, Trung úy Nguyễn văn Hòe dù dũng cảm dẫn Đại đội 4/39 BĐQ lội bộ lên, cũng chỉ mon men đến một mỏm đồi phía bắc mục tiêu, rồi lại rút ngay. Thế mà Hòe được Liên đoàn cử dự Đại Hội Chiến Sĩ Xuất Sắc ở Sài Gòn do Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu khoản đãi, vinh thăng đại úy và cho đi du lịch Đài Loan. Nhưng Jackson vẫn là Jackson nằm trong tay địch. Nay tới lượt Tiểu đoàn 21 BĐQ nhận lệnh thanh toán. Thiếu tá Quách Thưởng đích thân chỉ huy Đại đội 2 của Trung úy Quách Ẩn, em ông, cùng Đại đội 4 của Đại úy Đỗ văn Nai tiến vào, rồi cũng chẳng làm nên tích sự, còn ăn pháo liểng xiểng, bị thương cả mớ.
Thất bại vì khi tới sát được mục tiêu các đơn vị đều bị địch dùng chiến thuật “Chốt Kiềng”. Chúng kiềng ác liệt nhất bằng trận pháo hỗn hợp đủ cỡ đạn, cả đại bác 130ly từ Bastogne rót tới. Jackson vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chưa ai chiếm nổi.
Tháng 7/1972, Tiểu đoàn 21 BĐQ nằm dọc theo Quốc lộ 1, phía nam sông Mỹ Chánh, con sông giữa Quảng Trị và Huế, Thiếu tá Quách Thưởng mời bốn đại đội trưởng lên BCH họp. Sau một hồi vòng vo tam quốc, diễn giải về cái mục tiêu cam go, khó gặm ấy, ông quay qua nói với tôi:
– Lệnh tướng Ngô Quang Trưởng chúng ta phải chiếm cho bằng được căn cứ Jackson. Sáng mai 6 giờ, Đại đội 1 của Thy Vân dẫn đầu lên đánh.
Tôi hỏi Thưởng:
– Đại đội ai theo sau?
Thưởng vờ làm nghiêm sắc mặt:
– Ai đâu nữa, chỉ Đại đội Vân thôi!
Tôi càu nhàu:
– Một mình tôi sao Thiếu tá bảo tôi dẫn đầu? Đầu thì phải có đuôi chứ?
Đại úy Nguyễn văn Do Tiểu đoàn phó ngồi cạnh Thưởng, vừa trừng mắt vừa bủa một câu:
– Vân giỏi, nhưng tật hay cãi. Đúng là dân Quảng Nam…
Đã biết bốn năm đơn vị luân phiên vẫn không chiếm nổi mục tiêu khó gặm đó, nay trút gian nguy cho tôi, nên Thưởng chơi chữ, ý chừng làm giảm bớt căng thẳng để ra lệnh. Đại úy Do khóa 19 Đà Lạt, tức khóa đàn anh Thưởng, nắm quyền lực đen sau lưng. Đó là cái “đen” hắc ám, bè phái trong quân đội. Tính Do hiền. Tuy nhiên, khi đã ghét ai rồi thì ông đì người đó sát nút. Hiểu thâm ý của quân sư này, tôi ăn miếng trả miếng, chẳng ngán thằng Tây nào:
– Hỏi vậy mà bảo cãi, hả Đại úy? Cái gì vô lý tôi hỏi, chứ không hèn nhát bỏ chạy đâu.
Câu nói khiến Nguyễn văn Do bị shock. Ông đã sẵn thành kiến tôi từ lúc tôi thay Trung úy Hà Tự Tánh, bạn đồng hương với ông, mất chức đại đội trưởng vì chỉ huy Đại đội 1 này thất trận ở tây nam La Vang Quảng Trị, tháng 3/1972. Lại nữa, tôi người đầu tiên không theo cấp số quy định, phá tiền lệ Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, là còn mang lon thiếu úy lại được Trung tá Liên đoàn trưởng Liên đoàn I BĐQ trực tiếp bổ nhậm làm đại đội trưởng chính thức, thay thế Tánh. Chẳng hiểu điều này tôi có nghĩ oan cho Do, người tôi cũng quý mến? Nếu vì lẽ đó mà ông ghét tôi thì ông quên rằng một thiếu úy trẻ như tôi lúc bấy giờ đã đạt quá nhiều công trạng, tất cả 14 cái huy chương lận! Thảy đều anh dũng bội tinh, đa số ngôi sao vàng và ba nhành dương liễu là hạng tuyên dương cấp quân đội, tôi chưa kể cái Chiến Thương với ngôi sao đỏ, chứng minh tôi đã một lần đổ máu lòi xương tại trận Phong Thử, Quảng Nam.
Dù xuất thân Đà Lạt hay Thủ Đức, người sĩ quan nào cũng đều ý thức trách nhiệm, danh dự, và trung thành với Tổ Quốc. Khi chiến đấu phải dũng cảm, là điều căn bản. Đừng bày đặt tự tôn, xưng hùng, phân chia con ruột với con ghẻ, trường mẹ, trường cha trong quân đội một cách ngu xuẩn, như đã diễn ra từ lâu. Tôi chỉ cái tội ngang tàng khí phách, đếch xu nịnh, còn nực gà ba thứ hèn nhát từng tháo chạy.
Một lần trước mặt Do đang họp bốn đại đội trưởng, bàn kế hoạch hành quân ở Quảng Ngãi, tôi rút súng chĩa vào đầu đòi bắn một sĩ quan, xuất thân trường “Mẹ”, vì phát ngôn bừa bãi nếu gặp địch mạnh thì “cải cách Lê Lai” tức “chạy làng”.
Do quát tôi:
– Người ta nói giỡn, mày làm dữ vậy?
Tôi văng tục:
– Mẹ, giỡn hả? Tư tưởng đẻ ra hành động!
Lần khác, sau cả tháng lặn lội trên núi cao, Tiểu đoàn vừa hạ sơn xuống đồng bằng, lính tôi quá khát nước, gặp một vũng sình, vội chúi đầu vào uống. Đại úy Do đứng gần hét:
– Vân! Cho lính đi lẹ đi!
Thấy anh em tội nghiệp, khô cứng cuống họng mấy ngày nay, bây giờ chỉ kéo quân ra lên xe về, nên tôi làm lơ. Nhưng Do hối, lối hối chứng tỏ ông không thương xót lính tráng chút nào, tôi nổi dóa:
– Để tụi nó uống, không đi đâu hết!
– Mày cãi tao, phải không?
– Cãi đúng, lính của tôi!
Biết đụng tôi bất lợi, ông hằm hằm bỏ đi. Sau, tôi ân hận, làm mất tình đồng đội. Hôm đó, nếu vị Đại úy Tiểu đoàn phó không nhịn nhục, chắc có chuyện lớn, tôi rút súng còn lẹ hơn cao bồi miền Tây Hoa Kỳ.
Họp nhận lệnh Thưởng xong, tôi về đặt kế hoạch tiến đánh Jackson. Suốt buổi chiều tôi không hé môi, sợ lính chuồn, chỉ nói riêng Đại đội phó Nguyễn Thuận Cát kín đáo chuẩn bị. Vì còn bực tức, tôi kể cho Cát nghe sự lập lờ, chơi chữ, chèn ép của hai ông quan trường “Mẹ”, Quách Thưởng và Nguyễn văn Do. Tôi không một chút gì sợ sệt, ngao ngán, khi nghĩ đến cái mục tiêu cao chót vót và xa vời vợi, đầy ma quái ấy đang chờ đón. Tôi chỉ ngại, gian khổ đã đành, lính còn phải hy sinh, kẻ sẽ bỏ xác đầu non, người vùi thây góc suối.
Sáng sớm hôm sau, Đại đội đi một mạch, vừa qua khỏi eo núi của dãy đồi đầu tiên ở Cổ Bi thì gặp một con đường cũ đã tróc nhựa, đá lởm chởm, do quân đội Mỹ thiết lập trước đây cho xe nhà binh lên xuống Jackson. Tôi ra lệnh tất cả dừng lại bố trí để nấu cơm, tích trữ nước. Tuy còn xa, hơn hai mươi cây số, mục tiêu vẫn được nhìn thấy lờ mờ trên mây. Lúc bấy giờ tôi mới nói rõ việc anh em phải làm, không giữ bí mật nữa, kể hết mọi cam go, mà các đơn vị trước len lỏi vào đã chuốc lấy thảm bại…
Xong, tôi bảo Thám Báo đi đầu. Gọi là Thám Báo chứ thật ra toán này gồm 11 tay súng khá thiện chiến, can trường, được dùng như cảm tử quân, do tôi tổ chức, huấn luyện từ ngày làm Đại đội trưởng. Rồi, các trung đội nối tiếp một hàng dọc, âm thầm gườm súng theo “vân lộ” mà lên “thiên thai”. Trục tiến heo hút, trùng điệp và quanh co hơn cả đường đèo Ải Vân hay Sông Pha-Đà Lạt. Địa thế nguy hiểm thật, chỗ nào cũng dễ bị phục kích. Đại đội tự biết thân là con chốt thí, cô đơn, nên khỉ rung cây cũng sợ. Mọi người đều dè dặt từng bước, như những bóng ma lạnh lùng.
Lên được ba cây số thì Thám Báo lọt vào giữa hai cụm núi dốc đứng, địch liền từ trên hai đỉnh bắn AK, B40 xuống, Biệt Động Quân chết một, bị thương hai tại chỗ. Số còn lại kéo lui cùng Đại đội bố trí dọc theo các tảng đá ven đồi. Tôi xin pháo binh dập trực tiếp ngay bằng đạn nổ, không phải khói trước. Nhưng họ từ chối, vì điểm đứng Đại đội lại quá gần mục tiêu, dưới 200 thước, trong tầm sát hại. Thiếu tá Thưởng cự nự lắm họ mới chịu yểm trợ. Dù gieo từng trái, tôi điều chỉnh, đạn rớt cách toán Thám Báo không xa. Lối kêu đại bác sái nguyên tắc đó do tôi yêu cầu, cũng để tạo thói quen liều lĩnh mỗi lần đơn vị rơi vào trường hợp này.
Cứ thế, đôi bên choảng nhau hằng ngày, Đại đội róc dần lên, khi cặp con lộ, lúc trèo qua các ngọn đồi đánh bọc xuống sau lưng, nhổ từng cái chốt. Thương binh cùng chiến lợi phẩm tịch thu được chuyển lui để trực thăng tải về nhiều đợt.
Sau nửa tháng gian nguy, Đại đội tới sát mé đông Jackson và tìm cách vồ mồi. Chung quanh, rừng núi âm u, mục tiêu đã hiện ra giữa lừng trời rất rõ rệt, đầy hầm hố ghê rợn. Qua ống dòm tôi quan sát ngọn đồi thấp hơn nằm về phía bắc, nối liền với Jackson như yên ngựa dài khoảng 100 mét, có nhiều chòm đá đen thui, không một bụi cây, mà trên bản đồ trông giống cái mỏ chim. Cả hai đỉnh, núi mẹ lẫn núi con, cơ hồ như trôi nổi trên mây.
Tôi quyết định đẩy Thám Báo đột kích ngay “Mỏ Chim” để làm bàn đạp. Kết quả anh em bắn chết 5 tên, thu 5 súng cá nhân dễ dàng. Thừa thắng Đại đội vội tràn qua chiếm thủ. Tại “Mỏ Chim” này lính nhặt được tấm bản đồ của Trung úy Hòe, chứng tỏ ĐĐ4/39 BĐQ chỉ tới đây. Rồi, như các đơn vị trước, chưa kịp đào hầm, tổ chức phòng tuyến chiến đấu, Biệt Động Quân bị ngay một trận pháo, tứ bề rót tới dữ dội và lâu chừng mười phút. Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21 BĐQ kêu đại bác phản pháo tới tấp cũng không xuể, nhờ các chòm đá che đạn nên ít thiệt hại.
Dứt pháo, trời nắng gắt, phần lửa cháy, khu đồi nóng rực. Ác nghiệt, các bình đông chả còn hột nước lính phải đái uống. Nước đái mà có ông khen ngon như Whisky nêm muối, rồi lại đâm “ghiền”, cố tè thêm chẳng được giọt nào, khô ráo! Nhưng chuyện nhoû, không quan trọng bằng điều tôi chớm nghĩ lúc đó là tư thế Đại đội đang cỡi lưng cọp, nếu không chiếm gấp mục tiêu chính Jackson rộng lớn trước mặt, để sử dụng ngay toàn bộ hệ thống phòng thủ vững chắc, thì sẽ nguy to khi màn đêm xuống. Đại đội phải bị địch phản công nơi mỏm đồi nhỏ này. Chúng sẽ “bề hội đồng” chứ không tha. Chúng không trả đòn, không phải Việt Cộng tha phương cầu thực!
Dù khô cứng cổ họng tôi vẫn đốt thuốc hút liên miên. Khói thuốc che giấu được bao nỗi lo âu hiện trên nét mặt. Sự bình tĩnh của người chỉ huy là một yếu tố đem lại niềm tin, không những giúp binh sĩ bớt run sợ, mà còn dũng cảm lúc trực diện với kẻ thù.
Căn cứ Jackson hình vuông, bằng nửa sân banh, có nhiều căn hầm nổi ở giữa, và mỗi góc một bunker lớn, xây bằng bao cát. Địch đang nằm quanh phòng tuyến, ngoài rào chằng chịt mấy lớp kẽm gai Concertina. Chúng lô nhô lúc nhúc nhìn ra, chờ giựt dây, hay bấm nút các trái mìn Claymore, xen kẽ bộc phá bó thành chùm ba quả đạn cối 61ly kẹp giữa một quả lựu đạn M26. Loại này nổ chẳng khác nào bom, do mình biến chế địch bắt chước. Hẳn nhiên Cộng quân cũng lo sợ, vì gặp phải bọn Biệt Động lì lợm này, đã không tháo lui sau trận pháo thử phổi vừa rồi.
Suốt thời gian hai bên gườm nhau, Thiếu tá Quách Thưởng, Trung tá Trần Kim Đại gọi máy gặng hỏi hoài về tình trạng ở “cõi trên” này. Lối hỏi có vẻ không ai tin chúng tôi đang ở sát mục tiêu, nghe rõ từng nhịp thở của đối phương. Mà thật, làm sao tin nổi? Chưa bao giờ trong cách dụng binh, đẩy một đơn vị dù cấp đại đội đi xa, giữa núi rừng đơn thương độc mã, vậy đó. Hổm rày Đại đội đã bị thương, chết hàng chục người, quân số lúc bấy giờ tụt xuống dưới 100. Rất tiếc, 11 tay súng Thám Báo hết 4 đi thăm bác Hồ dài hạn rồi. Nay nghe tin BCH Liên đoàn và Tiểu đoàn 21 BĐQ kéo vô đóng trên dải đồi thứ nhất, nơi đầu đường lên “Thiên Thai”, tôi thấy chút ấm cúng. Giọng Thưởng nói trong máy lần này nghe cũng êm tai, không “chơi chữ” nữa:
– Bây giờ Việt Quốc tính sao? Cố gắng thanh toán nó lẹ đi, rồi trực thăng sẽ bốc Việt Quốc về Đà Nẵng chơi ít hôm. Sơn Linh sốt ruột, mong có kết quả sớm.
– Trùng Dương yên tâm, tôi sẽ chơi khói cay, đánh hết tay phen này mới được. Như Trùng Dương nghe đó, tiếng nổ trong máy là súng mình bắn phá bớt mìn bẫy ngoài phòng tuyến của Jackson, và chờ gió đông thổi mạnh, tôi tung “độc chưởng”. Giờ hết nước, anh em phải tè ra uống rồi…
Thưởng cười khà khà:
– Ừ, ráng đi! Nhắm dùng khói cay được thì mần. Còn nước, Đại đội 4 sẽ đem lên. Đường sá sao?
Thưởng bảo “ráng”, tôi chẳng hiểu ráng cái gì, ráng chiếm mục tiêu cho bằng được hay ráng đái uống?
Tôi đáp:
– Đường lởm chởm, cần rà mìn xe mới chạy được. Khi tôi khởi sự, xin bắn 105ly xuống triền đồi tây nam, vì cái dốc đó thoai thoải, địch quân dễ bò lên tiếp viện. Theo ý định, tôi sẽ đẩy toán Thám Báo chiếm cổng chính trước, cho toàn bộ Đại đội tràn vào một lối đó, rồi đánh chẻ ba mũi: hai từ trong tạt ra hai bờ tuyến trái phải, còn một thọc sâu trung tâm Bộ Chỉ Huy địch. Xong, tôi mới đập thẳng tới các mặt tây, nam. OK, gió đông đã bắt đầu thổi mạnh, tôi đánh thật, không phải kể chuyện Xuân Thu, Tam Quốc Diễn Nghĩa bên Tàu đâu! Bắn pháo binh ngay, Trùng Dương!
Nghe tôi vui vẻ trình bày rành mạch, với giọng quả quyết, không thắc mắc, cãi, kiểu dân “Quảng Nam”, Quách Thưởng chịu lắm:
– OK Việt Quốc, tao cho bắn liền!
Dứt lời, tôi mời các sĩ quan, cả Trưởng toán Thám Báo tới nhận lệnh, đồng thời bảo lính đeo mặt nạ hết, sẵn sàng chiến đấu một mất một còn.
Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát dàn ngang khoảng mười tay súng các loại, cả cây cối 60ly, vừa đủ nằm dọc theo các tảng đá và mô đất, đồng loạt bắn rạt cùng lúc 20 trái khói cay được ném tới. Ngọn gió đông lùa gọn độc chưởng vào phòng tuyến địch. Bất ngờ bị ám khí, hai tên Việt Cộng đầu tiên dưới giao thông hào vụt trồi lên chạy lạng quạng, y như gà mắc đẻ, Biệt Động Quân gặp dịp lấy làm thích thú, kẻ cười người la hét inh ỏi và bắn túi bụi làm náo động cả núi rừng, còn hai “con gà” trúng gió ngã chúi chết tốt. Vài phút sau tôi cho tung thêm 20 quả “hồ lô” nữa, đoạn gióng tiếng tất cả cùng hô xung phong, nhưng lại nằm y tại chỗ tác xạ, chỉ chừa ra hướng cổng chính để Thám Báo tắp lẹ vào. Bảy tay súng bạt mạng này vừa bắn vừa đốc lựu đạn M26 xuống các hầm, địch quân không chống trả kịp, thảy đều nát thây. Hạ sĩ Vĩnh Bộ Chỉ Huy nhanh như chớp và bạo gan kê khẩu đại liên trên nóc bunker Thám Báo mới chiếm, nhả đạn cơ hồ như rải bụi mịt mùng giữa ruột căn cứ Jackson. Kế tiếp là các trung đội tràn vào, theo kế hoạch, Trung đội 1 đánh bọc từ sau lưng bờ tuyến bên trái, phía đông, Trung đội 2 cũng vậy, rẽ phải áp đảo mặt bắc. Đặc sắc nhất Trung đội 3, lưỡi gươm đâm ngay tới trái tim bộ chỉ huy địch. Một tên, có lẽ sĩ quan, tay cầm khẩu K54 hơ hải bỏ chạy, liền bị Binh nhì Lê văn Tính phóng trực xạ một quả M79 banh cái đầu tựa xác pháo. Rồi mỗi người lính, cứ thói quen trong giờ phút thập tử nhất sinh, tự chỉ huy mình mà chiến đấu, họ hăng lên quạt ngã quân thù hàng loạt không gớm tay.
Tôi bám sát anh em với khẩu M16 trong tay, sẵn sàng dùng quyền lực lúc hiểm nguy. Tứ bề, âm thanh cũng có sự sống, đua nhau nổ chát chúa, xé tung một góc trời hùng vĩ, giữa núi rừng. Các tiếng lựu đạn phá hầm lẫn tiếng hô “Sát! Sát!” của Biệt Động Quân khiến tôi, người chỉ huy, còn lính quýnh lọ là những kẻ sinh Bắc tử Nam.
Đám lỉnh kỉnh của BCH Đại đội ngoài đồi “mỏ chim” được lệnh ập vào phòng thủ khu vực cổng, để toán Thám Báo băng ngang trung tâm tấn công gấp mặt nam, là hoàn toàn từ trong phạt ra. Đây với đó, nhiều người lính bị thương kêu y tá ơi ới. Mặc kệ, chưa phải lúc cấp cứu khi đang cận chiến đánh trả rối ren từng giây. Tôi thúc hai Trung đội 1 và 2 tấn tới thụt 72 nổ tung mấy bunker các góc kế. Hai trung đội bỗng la bải hoải vì cây trung liên của đối phương phía tây nam bắn chéo qua. Tôi hét Vĩnh quạt M60 trả đũa. Trung và Xá cao bồi vội vứt ba lô xuống đất chạy gom đạn tiếp Vĩnh. Bất ngờ Binh nhất Nguyễn Nhân tổ súng cối bị quả B40 ngã lăn ra giãy đành đạch trước mặt, tôi phóng tới và vừa kéo nó vào căn hầm giữa mục tiêu thì cơn pháo ào ào tưới xuống như mưa. Đạn nổ liên tục tôi có cảm tưởng tôi đang ở trong cái trống. Căn hầm nhỏ, tôi, Nhân và hai người truyền tin phải nằm chồng lên mấy xác chết Việt Cộng đầy máu lẫn óc nhầy nhụa tanh ói. Tình hình muốn rối loạn, đôi bên ta và địch đều bị bao trùm đủ cỡ đạn.
Biết đơn vị đang lâm nguy, Thưởng gọi lia, speaker phát ra tiếng mất tiếng còn. Không cần nghe vị Tiểu đoàn trưởng nói gì dù lệnh lạc, tôi vội bóp ống liên hợp hét to:
– Xin phản pháo gấp xuống các tọa độ cũ, Đại đội đã vào trong thanh toán từng căn hầm. Hãy bắn chung quanh phòng tuyến Jackson, chặn địch tiếp viện…
Thưởng nói như quát:
– Bắn rồi, bắn rồi! Đạn rải sát tuyến phía nam!
– Trùng Dương, dập 105ly luôn cái “mỏ chim” hướng bắc!
– …
Trận pháo kiềng càng dữ dội. Bên ngoài, cả bầu trời như sa sầm đen nghịt, sấm sét lửa đạn. Âm thanh lấn át tiếng Quách Thưởng. Máy nội bộ cũng dồn dập xin cứu thương khẩn cấp từ ba trung đội. Tôi đang quây cuồng, chưa tiện đáp ứng các lời yêu cầu. Phần lính tráng như gà lạc mẹ, nằm rải rác khắp nơi, làm tôi thêm lo. Có thể sau cơn pháo chẳng khác TOT (Time On Target) này sẽ là một cuộc phản công bằng bộ binh cuồng bạo của địch, mà nhiều đơn vị bạn bị thảm bại khi vừa chiếm mục tiêu, chưa kịp tổ chức phòng thủ. Việt Cộng rất quỷ quái, tinh khôn, với chiến thuật “Chốt Kiềng” hiểm độc, luôn chập chờn trong đầu để nhắc nhở tôi. Tuy đã giẵm lên bao xác chết của một đơn vị thuộc Sư đoàn 304CSBV, được mệnh danh Sư đoàn “Thép”, tôi vẫn chưa tin mình đã thực sự khống chế toàn bộ căn cứ Jackson.
Nghĩ mà ớn lạnh, tôi vội gọi máy bày tỏ mối lo với các vị thẩm quyền hầu đôn đốc lính quan sát ngoài bờ rào. Rồi, đạn pháo chỉ còn nổ lác đác, trận kiềng đơn sắp chấm dứt. Tôi vội tuôn lên khỏi hầm thúc đánh tiếp vài điểm chưa thanh toán. Tôi lặp lại nhiều lần lệnh miễn bắt sống, kể cả những tên đầu hàng, bắn bỏ hết, vì Đại đội không đủ khả năng cầm giữ.
Các trung đội báo cáo chiếm xong các tuyến và trung tâm căn cứ, riêng bunker góc tây nam, nơi có cái mỏm chúi xuống thung lũng, chưa kiểm soát. Tôi bảo xạ thủ Vĩnh, Đại liên 60, có Xá và Trung xách các thùng đạn chạy theo, yểm trợ Trung đội 3, dưới sự điều động trực tiếp của Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát, Đại đội phó, bóp họng gấp điểm cuối cùng.
Đang lúc bận rộn, đột nhiên Binh nhì Ninh từ ngoài xa vừa hơ hải chạy vô vừa kêu thất thanh làm tôi giựt mình:
– Đại Bàng! Đại Bàng!…
– Cái gì?
– Đại đội bình an không?
Tôi gườm nó:
– Sao mày hỏi vậy? Trung sĩ Nhật đâu?
Chú tân binh như người mất hồn, lắc đầu:
– Em không biết, chắc ảnh ngoài kia!
Tội nghiệp, chú tân binh mới ra trường Dục Mỹ, vừa chiếm được cái hố thì bị pháo, nó nằm im chờ chết. Đây là trận đầu tiên, kẻ thù chẳng nương tay với người lính trẻ còn bạch diện thư sinh.
Thanh truyền tin mang máy nội bộ tới cho hay đã thịt xong cái bunker chót, giết nốt ba tên, nhưng lấy hụt cây Trung liên Đông Đức. Thằng Trân, biệt danh “Đại Ma Đầu”, cùng “Sơn Râu” đi lục quanh căn cứ, tìm bắn ráo mấy tên địch bị thương đang ngất ngư chờ chết. Hành động trông quá tàn nhẫn, mà lại thường xảy ra tại chiến trường. Điều đó đôi khi cũng áp dụng cho chính đồng đội của mình. Bởi lẽ, nếu không đủ điều kiện cứu sống nên kết liễu họ sớm, khỏi kéo dài nỗi đớn đau, quằn quại. Trường hợp này nằm trong tình huống đơn vị bị thí quân, tứ bề thọ địch, còn xa cách quân bạn hàng chục cây số đường rừng, mọi sinh vật đối kháng phải bị tiêu diệt.
Jackson rộng thênh thang dù khó kiểm soát, trung đội ai đã chiếm tuyến nào cố thủ tuyến đó. Thám Báo và BCH giữ mặt nam. Đại đội gần hết đạn, sẵn sàng dùng chiến lợi phẩm tịch thu. Các thẩm quyền báo cáo các con số tổn thất đôi bên nghe khiếp. Thương binh và anh em tử trận được tập trung vào giữa căn cứ, chờ trực thăng tải về.
Trung sĩ Nguyễn Nhật, Thám Báo, trình:
– Lai và Dũng của toán chết rồi, Đại Bàng!
Tôi xúc động, đặc biệt Dũng, thằng em quê Tân Bình, Sài Gòn, rất gan dạ. Sinh thời nó thường kể ba chuyện giang hồ, như “Luật Hè Phố” tôi nghe còn hay hơn là đọc truyện Duyên Anh. Tuy xót xa tôi vẫn làm tỉnh.
Hạ sĩ Hiệp truyền tin xen vô:
– Em mới báo cáo sơ khởi tình trạng Đại đội, nhưng Trùng Dương muốn gặp Đại Bàng.
Hiệp vừa nói vừa đưa máy, tôi bóp ống liên hợp:
– Việt Quốc nghe!
– Tôi và Sơn Linh theo dõi, khen anh rất xuất sắc. Giờ cho biết kết quả, rồi treo cao một lá quốc kỳ để Sơn Linh bay vào thăm, tiếp tế và tải thương luôn!
Tôi đáp:
– Kết quả như Hiệp đã trình, giờ xin ưu tiên tải thương, tiếp tế nước. Còn cờ xí không có. Biệt Động đâu phải Địa Phương Quân có sẵn cờ. Tôi sẽ treo tấm vải vàng.
Tôi nhớ ai đây có cái võng màu cam, mua chợ trời, tôi cấm dùng, vì không phải loại nhà binh. Quả thật, tôi vừa hỏi thì Hạ sĩ Đợi đại liên, đem nó tới “trương” cao trên nóc một bunker. Lá cờ “võng” bay phần phật trong gió đông ra hồn lắm, mà tụi này cũng dễ ăn pháo lần nữa.
– Việt Quốc!… Việt Quốc!… Đây Sơn Linh!
– Nghe Sơn Linh!
Trên trực thăng giọng nói của Trung tá Trần Kim Đại, Liên đoàn trưởng, run run theo tiếng động cơ:
– Tôi đang đến… Anh treo tấm vải vàng, đúng không?
– Đúng, Sơn Linh!
– Chuẩn bị khói, khi tôi bảo màu gì thì ném ngay màu đó, nghe rõ trả lời?
– Đáp rõ!
Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát tập trung mấy trái khói. Một lát, Trung tá Đại bảo thả quả màu vàng, rồi kế tiếp trái đỏ… Nhưng, bắt làm cho cố chẳng thấy ông đáp, cứ bay vòng vòng trên đầu, dễ bị địch bắn rớt, mắc công đi lượm xác. Thấy trên không gian có người với tiếng động thân thương, dưới đất bọn lính vụt reo lên, như đàn con thấy mẹ đi chợ về. Chắc họ chợt nhớ ra họ còn sống. Chiếc trực thăng bỗng lượn thật thấp, viên cố vấn Mỹ chĩa hai ngón tay trỏ và giữa như chữ “V”, để bày tỏ hoan hô chiến thắng. Tôi cũng làm dáng giơ cao tấm bản đồ lên vẫy vẫy đáp lễ. Và, không hiểu của ai, chính ông hay vị Liên đoàn trưởng, ném xuống một cây thuốc Lucky, rồi vụt bay tuốt vào đám mây mất dạng. Sao mấy ổng không cho vài kết nước ngọt, chứ thuốc lá thì nước miếng nước bọt còn đâu nữa mà hút?
Tôi ôm ngang khẩu M16 ngồi xuống nắp hầm mà hậm hực. Giống như năm xưa, 1971, hành quân Lào về, mỗi người lính được vợ chồng Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu tặng một chai dầu Cù Là Ông Tiên để trị cảm cúm lam sơn chướng khí.
Kế đó là ba chiếc UH1B ào ào đáp bỏ xuống hằng chục voû đạn đại bác 106ly chứa đầy nước uống và các loại đạn, rồi tải thương binh về bệnh viện Nguyễn Tri Phương Huế.
Kết quả: Địch bỏ xác tại chỗ 31 tên và 39 súng, có một cây cối 82ly. Biệt Động chết 8, bị thương 16. Tính chung 17 ngày, từ khi xuất phát dưới đồng bằng Cổ Bi, Đại đội 14 chết, 24 bị thương. Loại khỏi vòng chiến 42 Cộng quân, vũ khí tịch thu 46 các thứ.
Lúc bấy giờ tôi mới thực sự chiếm được mục tiêu mà nhiều đơn vị bạn đã không kham nổi. Hèn gì Thưởng và cả Trung tá Đại chẳng tin tôi, dù chỉ tới gần vài trăm thước, chứ đừng nói chuyện hốt gọn Jackson. Việc Trung tá Liên đoàn trưởng bảo nào treo cờ và nào thả đủ màu khói đã nói lên điều đó. Phần địch dĩ nhiên nhục nhã, tưởng hùng cứ được một phương vững chắc, không ngờ bị đánh tan tác, Biệt Động Quân lại chịu nổi một đòn pháo với chủ đích tận diệt đôi bên, như chúng thường áp dụng tại mặt trận Lào năm 1971, và khi bắt đầu tấn chiếm Quảng Trị vừa qua…
Hôm nay trước sự kiện Quán Hồng Mộ Đức, tôi ngao ngán thật! Tình thế cũng không cho phép, ngoài nhiệm vụ Đại đội, lại nhằm ngày đầu xuân,và cũng không là trường hợp tao ngộ chiến, nên tôi chẳng dại gì đẩy lính vào một trận đánh đổ máu không cần thiết. Tôi phải tránh né. Cái nữa, trong quá khứ đã bao lần hành quân chung, Đại úy Việt thiết giáp rất ma nớp, chờ tôi làm sẵn cướp công.
Mấy năm qua, mỗi khi vào hành quân ở các vùng phía nam Quảng Nam, thì rất nhiều lần Đại đội 1 này tùng thiết với Chi đoàn 17 M113, đến nỗi Đại úy Nguyễn văn Do thường hay ví tôi và Việt là Bá Nha-Tử Kỳ, vì hợp “rơ” nhau.
Thông thường, lúc cách mục tiêu vài trăm thước, thiết giáp dừng lại, dàn ngang, dồn hỏa lực tối đa yểm trợ bộ binh xung phong thanh toán địch, và bố trí sơ khởi xong mới đi lục soát, thu nhặt chiến lợi phẩm. Nhưng, Việt lại thừa cơ lính tôi đang lo ngăn ngừa địch có thể phản công, liền cho sáu chiếc M113 chạy xông vào, thiếu điều cán Biệt Động, rồi họ nhảy xuống tỉnh bơ lượm hết chiến lợi phẩm vứt lên xe. Viên sĩ quan Thiết giáp cô hồn này cũng thuộc loại bạt mạng, huy chương mang đầy ngực, từ cuộc hành quân đẫm máu Tchépone, Lào, cứ giưõ cái tật “mánh mung” anh em!
Nhớ lại chuyện cũ vẫn còn muốn nổi điên, nên tôi lơ. Thấy vậy, Đại úy Việt tự quyết định đơn phương đánh Quán Hồng, cù cưa mãi chưa dứt điểm sớm.
– Thiên Nga, đây Thiên Mã!
– Nghe Tchépone!
Việt hạ giọng:
– Mày từ chối giúp tao phải không?
Tôi đáp:
– Mình mày chơi lấy! Tao không có lệnh, cần dưỡng quân vào Sa Huỳnh.
– OK, bận thì dzọt đi, Sésamou!
– Mày hãy clear gấp, tao mới qua khỏi đây được!
Việt dùng dằng:
– Mày chờ! Các Chi đội 1, 2, 3 có nghe không? Tụi Mũ Nâu không đánh! Tất cả thứ tự trái sang phải hàng ngang tắp!
Chi đoàn còn năm chiếc từ bên kia lũy tre nghiến xích gầm lên như bầy thú dữ, quạt đại liên xối xả vào Quán Hồng. Ưu thế của Thiên Mã là đã dồn địch về một hướng…
Đột nhiên có tiếng Thưởng gọi:
– Đống Đa Một, đây Trùng Dương!
– Việt Quốc nghe!
– Thế nào, di chuyển chưa?
– Còn chờ thằng Thiên Mã thanh toán Quán Hồng. Tôi có nhờ Quang Trung trình Trùng Dương tôi muốn giúp Việt đánh mục tiêu này…
– Không được, Việt Quốc còn đi xa…
Đang nói chuyện với Thưởng bỗng có tiếng nổ lớn, tôi nhìn ra thấy một chiếc M113 bốc cháy giữa hai làn đạn giao nhau như mạng lưới. Địch trong đồn bắt đầu chống trả dữ dội. Qua speaker tôi nghe Việt rống cái họng, giọng chẳng còn rõ nữa, nó xô máu la chí chóe. Tiện thể, tôi báo ngay Thưởng:
– Trùng Dương, thêm một con cua đã bị nướng, không thấy ai nhảy xuống, chắc bị thiêu hết rồi!…
Bất chợt hai Cộng quân phóng ra cổng trước Quán Hồng, định băng qua Quốc lộ 1 chạy về hướng tây. Tôi vứt ống liên hợp lại Hiệp và chưa kịp cho lệnh Thám Báo đang thủ cặp lề đường làm thịt ngay hai con vịt đẹt, thì tụi nó đã nhanh tay rỉa tới, một cái đầu tung lên, còn tên kia nằm bất động, toàn thân bị đạn xoáy tơi tả như con gà xù lông.
– Thiên Nga, đây Trùng Dương!
– Trình Trùng Dương, Đại Bàng em đã vọt lên!
– Thế nào?
– Biệt Động Quân mình mới bắn “dùm” chết hai tên.
Dứt máy Hiệp chạy tới ngồi kế tôi cùng quan sát mục tiêu. Thiết giáp còn bốn chiếc vừa bắn vừa thụt lui tránh B40. Thấy ngứa mắt và tội nghiệp Việt gặp khó khăn, tôi bảo Trung đội 1 cho người bò ra bờ ruộng dộng M72 vào mé sau đồn.
Nghe tiếng nổ tại góc tuyến phía bắc, Đại úy Việt liền gọi thất thanh trong máy:
– Thiên Nga! Thiên Nga!…
Tôi bóp ông liên hợp:
– Nói đi, Thiên Mã!
– Diệt giúp tao cái hầm góc đông bắc trước mặt mày.
– OK! Tao vừa đốn ngã hai thằng trên đường.
Tôi ra lệnh hai trung đội dốc mạnh hỏa lực vào điểm Thiết giáp yêu cầu, phút chốc cái góc bốc lửa.
– Thiên Mã, đây Thiên Nga!
– Nghe! Nghe!…
– Mày khoang vô, gió đông đã thổi, tao chơi khói cay.
Việt reo lên:
– Tốt lắm, tốt lắm, cứu tao, Sésamou!
Khoảng cách tuy xa 300 thước nhưng với sức gió thổi xuôi chiều, độc chưởng ắt sẽ làm địch quân bấn loạn, như mục tiêu Jackson. Tôi bảo lính gom vài chục trái lựu đạn cay để khinh binh Thành ôm bò gần tới ném rải về hướng Quán Hồng, đồng thời Trung đội 1 nổ súng tối đa đạn lướt sát đầu bảo vệ Thành. Quả thật, địch trong đồn thấm “thuốc” liền nhốn nháo lên, và thêm mấy tên nữa lủi ra, cũng bị Thám Báo canh sẵn đốn ngã. Tôi chưa kịp mô tả cho Việt biết cái cảnh đẹp mắt ấy thì bốn chiếc M113 đã nổi điên, vừa bắn vừa tống ga lao thẳng vào Quán Hồng. Sợ lạc đạn Thiết giáp, Thiếu úy Cường vội kêu Thành trở lui.
Việt hét to:
– Việt Quốc, Việt Quốc, hãy ngưng khói cay, ngưng tác xạ, con cái tao đang nhào vô!
– Đáp nhận! Hướng súng tao chỉ đớp ngoài quốc lộ thôi!
Tôi đứng dậy:
– Ngưng bắn, tất cả Đại đội nằm xuống hết, quan sát chung quanh. Toán Thám Báo của Nhật coi chừng mặt tây, đề phòng địch tấn công!
Thanh, máy nội bộ, cũng gọi nhắc các trung đội:
– Mười, Hai Mươi, Ba Mươi… lệnh ngưng tác xạ!
Mấy phút sau bốn con cua sắt song song đã ập vào đồn, hai chiếc giữa vụt trồi lên đè bẹp bờ rào, chúi các nòng Đại liên 50, M16 quét túi bụi xuống các hầm từ sau tới trước. Kế tiếp, hai chiếc kia, một bên trái, một bên phải, nghiến hai góc, tác xạ loạn xà ngầu dọc phòng tuyến phía bắc cả nam. Việt Cộng hoàn toàn tê liệt, tiếng súng im bặt. Speaker máy liên lạc với Thiết giáp còn phát ra âm thanh hỗn độn, tiếng la hét của Đại úy Việt:
– Lệnh của tao, thằng nào chống cự, giết hết!…
Tôi thích ông bạn Chi đoàn trưởng M113 này ở điểm cuồng bạo không kém. Khi cận chiến, lính đã đổ máu, dứt khoát tôi cho lệnh bắn sạch những ai chống cự, khỏi nhọc công đem về trại Tù Binh Non Nước nuôi tốn cơm. Chiến tranh lắm lúc bên nào cũng phải tàn nhẫn. Dĩ nhiên, không thể dã man như quân Bắc Việt, đã từng chôn sống hàng vạn đồng bào Huế Tết Mậu Thân, một trường hợp điển hình. Trừng trị bọn vô nhân Cộng Sản chẳng phải chúng có ân oán với bản thân, gia đình mình, mà vì sự tồn vong của dân tộc. Người chiến sĩ giống như thợ săn, biết phân biệt thú dữ với nai hiền. Nhân đạo không đúng lúc, đúng chỗ chỉ hại đồng đội ngoài mặt trận.
Bây giờ Thiết giáp đã làm chủ đồn Quán Hồng.
– Thiên Nga!… Thiên Nga!…
Nghe tiếng Đại úy Việt vừa gọi vừa thở hổn hển trong máy tôi cười vào ống liên hợp:
– Cái gì nữa, Thiên Mã?
– Cám ơn Sésamou! Tao đã giết 17 tên, thu 20 cây súng…
– Chúc mừng Tchépone! Để tao báo ngay kết quả lên BCH Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân. Tạm biệt!…
CÒN TIẾP / Kỳ 7
Trần Thy Vân
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
No comments:
Post a Comment