ANH HÙNG BẠT MẠNG (13)
Trần Thy Vân
Anka Pham
Trần Thy Vân
Anka Pham
VIỆT QUỐC CHẺ TRE
Đêm qua,
vì ham vui tôi kể chuyện ma Nguyễn văn Khanh làm đám lính BCH Đại đội
bị ám ảnh khó ngủ. Tôi cũng chập chờn, lại thêm suy nghĩ về cuộc tấn
công điểm cuối cùng, khu đồi 94 trước mặt, mà tôi tin chắc Đại đội sẽ
được tham dự để kết thúc trận chiến Sa Huỳnh.
Trong lúc chờ cà phê, tôi rủ Thiếu úy Thiều chạy một tua xuống bãi cát, rồi đứng vặn vẹo, hít thở thật mạnh thải khỏi buồng phổi bầu tử khí dưới ngôi mộ bốc lên khi nằm ngủ. Các động tác Thiều tập, như vươn vai, ưỡn ngực rất nhuần nhuyễn, giống con mãnh hổ uốn mình cho giãn gân, giãn cốt để giành tôi chồm ra nuốt trửng khối mặt trời đang đỏ ối vừa ngoi lên khỏi biển.
Phía nam, ngọn đồi 94 sừng sững bên cửa khẩu, rực rỡ như bức tranh sơn thủy, cũng non xanh nước biếc dưới ánh hồng. Tôi nghĩ trong bụng nơi cảnh trí thiên nhiên hùng vĩ đó lẽ nào không hẹn mà gặp, bất tương xứng, một bên gồm các chiến sĩ can trường làm nên lịch sử, còn bên là một bầy giặc cỏ, phá nước hại dân. Khu đồi của César ắt phải trả lại César, ba mặt giáp biển với đầm Nước Mặn mênh mông, kẻ thù đang trong rọ. Tôi sẽ ra tay lần nữa, đập chết một cách thê thảm bọn tàn quân Sao Vàng Bắc Việt còn lẩn trốn sau mấy mươi ngày xâm chiếm Sa Huỳnh Đức Phổ, Quảng Ngãi.
Tôi ngồi dựa lưng vào ngôi mộ, uống cà phê với Thiếu úy Thiều, mà lòng nôn nao mong đợi một điều gì.
Tiếng súng của các Đại đội 2, 3 và 4 BĐQ đã bắt đầu nổ. Hiệp đưa máy tôi tiếp chuyện Thiếu tá Thưởng gọi:
– Việt Quốc có thấy cụm núi nằm một mình sát bờ đầm?
Tôi lên một mô đất đứng nhìn:
– Nó nằm phía tây, dưới chân đồi 94, phải không?
– Đúng vậy! Việt Cộng đang chạy dồn xuống đó, hãy dàn Đại đội băng qua cánh đồng đánh gấp, kẻo chúng vọt hết!
Thưởng muốn tôi từ đây đâm thẳng tới chặn đầu. Dù chúng là vịt trời đi nữa cũng không thể lặn sâu dưới đầm nước được. Cụm núi ấy tuy thấp so với vị trí của Thưởng trên ngọn đồi 94, nhưng cao hơn thế đất nơi tôi nhiều, khó chơi. Tôi đề nghị:
– Để tôi đưa Đại đội lên sườn phía bắc 94 róc xuống…
Vừa nghe Thiếu tá Quách Thưởng đáp bằng lòng, tôi liền thúc Đại đội một hàng dọc phóng nhanh, và sau hai mươi phút đã ở trên cao. Nhìn tổng quát xuống lưng đồi, triền núi hướng tây, thế đất thoai thoải, tương đối quang đãng, chỉ có các lùm cây nhỏ, sần sùi như da cóc, cùng vài ba tảng đá lớn bằng cái nhà. Cách tôi mấy trăm mét, dưới chân đồi, một cụm núi nhô lên xanh um, trông giống cái đầu con ngựa đang thò mõm vào đầm uống nước. Đó là mục tiêu Thưởng nói, tôi sẽ hốt gọn kẻ thù phương Bắc.
Dù ở thế thượng phong, trên đạp xuống dễ như chẻ tre, tôi vẫn dè dặt, phòng ngừa phục kích hay các chốt liên hoàn yểm trợ của địch. Tôi dàn ngang hai trung đội đầu, kế là BCH cùng toán Thám Báo một hàng dọc phía sau, đội hình chữ “T”. Quả đúng như tôi dự đoán, toán khinh binh vừa nhớm chân, địch từ chòm đá to trước mặt đồng loạt bắn AK, B40 và Thượng liên Đông Đức làm hai Biệt Động trúng đạn gục tại chỗ. Nhờ địa thế lốc chốc lính tự động nằm xuống thủ. Tôi nghĩ bọn tàn dư Bắc Việt khoảng nửa đại đội còn kẹt, rời rạc, chưa kịp tổ chức tuyến chiến đấu, tôi điều động ngay hai trung đội đầu tách ra như hai gọng kìm siết chặt hai bên hông, khống chế luôn sau lưng chúng, rồi đẩy toán Thám Báo tắp vào đánh thẳng chánh diện. Tôi bảo anh em hãy nới lỏng mặt sau đễ địch tuôn chạy bớt xuống cụm núi xanh bờ đầm là cái túi cho dễ túm cổ làm thịt. Trường hợp này, Đại đội chủ động, tấn công quá đã, nắm phần thắng trong tay. Các vũ khí có sức phá dữ dội, giết người hàng loạt, gồm M72, M79, nhất là M26 được sử dụng tối đa, tiêu diệt kẻ thù nhanh chóng hơn.
Trận đánh tôi mong đợi bắt đầu nảy lửa lúc 8 giờ sáng…
Thám Báo là thành phần xung kích vừa được bổ sung thêm ba tay súng cự phách, như một bầy hổ dữ trở lại rừng, áp đảo mục tiêu bằng lựu đạn. Với ngón sở trường đó, anh em từng nâng đơn vị lên hàng anh hùng trong các trận vang danh ở Trị Thiên, Quảng Nam, và cách đây mấy hôm đã can trường bọc hậu đánh thủng bức tường thép mạn bắc Sa Huỳnh, để rồi hết hỏa thiêu chí đến trấn nước hàng trăm tên giặc. Giờ đây mèo đang vờn chuột, Đại đội lại vây cứng, dốc hết hỏa lực tàn bạo không chút nhân nhượng xuống đầu địch đến đá núi cũng tung cao, nướng đỏ khu đồi, mà trong Đức Phổ, dân chúng còn nhìn thấy khói mờ chân mây.
Đột nhiên nghe súng nổ dữ dội Thiếu tá Thưởng gọi hỏi:
– Đụng nặng, phải không Việt Quốc?
– Phải Trùng Dương, Việt Cộng rất đông!
– Sao không báo ngay? Cần gunship không?
– Cần, nhưng bảo nó quần ngoài xa, lưu ý bọn bê bối dưới cụm núi xanh vừa thụt B40, thượng liên…
Tôi bỏ máy chạy tới. Nhật, Trưởng Thám Báo, nhìn lui:
– Em cho thằng Xuân Bệt lục soát cái hầm.
Đại đội có hai người lính tên Xuân, cũng trùng họ. Một rỗ mặt, được gọi là Xuân Rô, đã bị thương trong vụ máy bay bắn lầm mùng 1 Tết tại Quán Hồng, còn một thì mỗi lần về phố chuyên gạ gẫm mánh mung chôm chĩa mấy thằng Gi Mỹ la cà ở các Bar, nên có biệt danh Xuân Bệt.
Nhật vừa dứt lời thì Bệt lôi lên một tên Bắc Việt trẻ măng, hai tay vòng trên đầu, và nói to:
– Thằng này giả chết nằm giữa hai xác. Trung sĩ Nhật trói nó để tôi vào lấy hai cây AK và thượng liên…
Nhật rút sợi dây dù cột võng trói chặt tên bộ đội. Thấy Bệt kéo hai khẩu súng ra khỏi hầm, tôi khen:
– Hay lắm, Xuân!
– Còn dài dài, Đại Bàng ơi!
Văn đưa máy:
– Trung sĩ Thuận xin báo cáo.
– Nghe!
– Lính đốc lựu đạn xuống hầm, địch chụp ném lên hết…
– Rồi sao?
– Mình bị thương nhẹ hai đứa…
Nổi xung tôi quát:
– Nặng nhẹ gì hả con bò? Sao không liệng xuống trước trái khói màu cho mù mắt rồi tiếp theo lựu đạn thì chúng thấy đâu mà chụp với giựt?
– Đáp nhận Đại Bàng!
– Lính nghề bây giờ mới nói “đáp nhận”?! Thanh toán gấp phía đó, coi chừng đạn lọt qua Trung đội 2. Còn Hai Mươi bên kia, nghe không?
– Nghe!… Đại Bàng, Đại Bàng, Việt Cộng đầu hàng!
Thấy hai tên độ 16, 17 tuổi tôi không nỡ ra lệnh bắn:
– Trói lại!
Trung đội Thuận bỗng nổ súng xối xả xuống tốp Việt Cộng đang chạy loạn xạ dưới triền đồi mé bắc. Trên các tảng đá to, ba khẩu Đại liên M60 đồng loạt quạt theo tới tấp, đạn lướt sát đầu làm Thuận la inh ỏi, vì sợ trúng lính Trung đội 1.
Tôi hét lớn trong máy:
– Lo trước mặt đi, đừng sợ lạc đạn!
– Việt Cộng chết rất nhiều, súng ngổn ngang không người nhặt, Đại Bàng!
– Hãy lượm bỏ hết lên các tảng đá để dễ thấy!
Hai chiếc trực thăng vừa xuất hiện, không biết của Mỹ hay Việt Nam, đang phóng rocket dọc chân đồi, cặp bờ đầm Nước Mặn, từ cụm núi xanh đến ngọn hải đăng ở cửa khẩu. Tuy xa nhưng vì đã bao lần Đại đội bị xạ kích lầm, tôi gọi Thưởng:
– Trùng Dương báo gunship biết vị trí tôi chưa? Nếu nó bay trên đầu tôi bắn ngay. Tốt hơn, bảo nó de đi!
– Việt Quốc không thấy tụi bê bối dưới cụm núi xanh quạt thượng liên, B40 lên sao?
Tôi bỏ máy không trả lời, nói to với Thiếu úy Thiều:
– Đề phòng trực thăng bắn lầm. Bảo lính sẵn sàng đại liên và M72, khi có lệnh tôi thì phơ ngay. Mặt khác, hãy coi giữ kỹ đám tù binh với chiến lợi phẩm…
Thiều lủi về sau lo công việc. Tôi cũng dặn các trung đội vậy rồi lao tới sát lưng toán Thám Báo. Chợt thấy tôi bọn Độc Nhãn Hoàng Anh, Sơn Râu, Xuân Bệt, ba tay tứ chiếng mới tái xuất giang hồ càng dữ dằn hơn, vừa nhảy lom xom qua các chướng ngại vật vừa bắn càn xuống kẻ thù đang bỏ chạy tán loạn. Các tiếng súng đủ loại của ta, cả địch, nổ ran tứ bề, đất đá tung tóe, nhiều đám cháy khói mù mịt. Tôi nghe bên trái, tiếng lính Trung đội 2 hét:
– Giơ tay lên! Giơ tay lên!…
Một giọng thịnh nộ như của Trung sĩ Nguyễn Hơn:
– Bắn, bắn mẹ nó đi!…
Tôi vội bảo Hiệu thính viên Nguyễn văn Văn gọi nhắc nhở anh em phải thi hành lệnh bắt sống, chỉ đốn ngã thằng nào bỏ chạy thôi.
Dưới cụm núi xanh, hai chiếc gunship diệt chẳng hết, địch quân vẫn tỉa các thứ đạn nổ tùm lum giữa đội hình Biệt Động. Đại đội đã tiến nhanh qua khỏi khu vực đá, và vì anh em bung ngang quá rộng, so với thế đất càng gần mỏm đồi càng hẹp và chập chùng, khó kiểm soát nhau, tôi nắm ống liên hợp:
– Mười, Hai Mươi, co lại. Nhắm hướng cụm núi xanh. Các đại liên hãy kê trên các tảng đá quạt thẳng xuống.
– Mười bắn chết 20 tên, bắt sống 5, thu 15 khẩu súng, Đại Bàng!
– Hay lắm, giao cho BCH. Còn Hai Mươi?
– Chưa đếm. Ước chừng giết chết 10 thằng, bắt sống 3, thu 10 súng đủ loại.
Nghe báo cáo các con số thêm một lần nữa, tôi lùng bùng lỗ tai. Tôi có cảm tưởng đây không phải là một trận chiến, dù với vũ khí tối tân, mà vì một thiên thạch trời giáng nên cả một bầy giặc Bắc trong tích tắc đã nát thây, súng ống lềnh khềnh như củi khúc. Tôi bảo hai người mang máy, Hiệp và Văn, ghi nhớ những con số lớn lao nhất trong đời lính chỉ huy của tôi.
Thiếu úy Đặng văn Thiều, Đại đội phó, cũng quýnh quáng, lăng xăng điều động băng bó thương binh, gom góp tập trung các chiến lợi phẩm và canh chừng đám tù binh mới bị bắt.
Hiệp trao liên hợp tôi tiếp chuyện Thiếu tá Thưởng:
– Sao, Việt Quốc?
Gặp người để chia sẻ niềm vui, tôi rống to:
– Việt Cộng bỏ chạy như bầy vịt, bắn không xuể!
– Cho biết sơ kết quả?
– Chưa chính xác lắm, Trùng Dương! Tối thiểu đã bắn chết 40 tên, bắt sống 10, thu 35 súng cá nhân lẫn cộng đồng, không kể các thứ linh tinh chất nổ, đạn dược…
Thưởng nghe cũng nghẹt thở, giọng khàn khàn, ông hét lên muốn bể cái máy:
– Thắng lớn vậy, bây giờ hỏi mới báo?
– Đang lúc loạn xà ngầu, phần thiếu dây trói tù nên lính đaõ phơ bớt rồi, chắc tôi phải cho lệnh bắn gãy chân hết để chúng khỏi vọt.
Nghe tôi dọa, Thưởng vội la to:
– Đừng làm bậy, Sơn Linh rầy! Trực thăng sẽ vào bốc, nhớ 10 người, giải giao đủ!
– Bộ tôi giấu bớt để ăn sao, Trùng Dương?
Vị Tiểu đoàn trưởng cười:
– OK. Cần pháo binh yểm trợ thêm không?
– Thôi, hai bên đã quá gần nhau, lính lại đang truy kích ra ba hướng khắp khu đồi. Dứt máy!
Hỏa lực địch yếu dần, tiếng súng thưa thớt, nhiều tên sống sót hết đường chạy, cứ cắm đầu lủi thẳng cuối mỏm, sát đầm Nước Mặn. Cái mỏm đó cũng là cái đáy lưới, cá bắt đầu dồn xuống, tôi sẽ túm sau.
Cả triền núi lởm chởm, mỗi bề rộng ba bốn trăm thước, lửa cháy nghi ngút. Thiều đốc thúc lính BCH tiếp tục lục soát các hang hốc, hấm hố, và gói poncho mấy anh lính Biệt Động vừa hy sinh.
Nhật kêu khoe:
– Em nhặt được xấp tài liệu, có băng đạn K54, không thấy súng đâu.
– Đưa coi!
Nhật trao bọc nylon gồm một quyển sổ ghi chằng chịt danh sách bộ đội và loại vũ khí mang. Chủ vật này tên Huỳnh văn Cao, chắc sĩ quan quân số. Khẩu K54 rất quan trọng, chẳng rõ người chủ cây súng đang ở đâu. Nhân lúc đơn vị dừng lục soát quanh, tôi cho dẫn Nguyễn Thành Công tới chỗ kín, không để các tù binh khác thấy rồi sau này ám hại nó. Tôi nói:
– Trung đoàn anh đã thất trận nặng, chết nhiều. Dưới mỏm đồi kia nữa, sẽ tiêu luôn.
Công nhìn tôi:
– Các anh đánh hay quá!
– Nè, trong 10 người đó, ai tên Huỳnh văn Cao?
Công lắc đầu:
– Không có Cao!
– Giờ phút này anh còn dối tôi?
– Em biết mặt Cao mà! Dối anh làm gì? Chắc anh ấy trốn đâu đấy, bảo lính “con mèo” đi tìm…
Nghe Công trả lời, tôi ngạc nhiên, trố mắt nhìn mặt nó:
– Anh nói lính “con mèo” nào?
Người tù binh không một chút ngần ngại, vừa lấy ngón trỏ chỉ vào cái phù hiệu có thêu đầu cọp trên cánh tay áo bên trái tôi vừa đáp:
– Lính các anh đây này.
Tôi vụt cười to:
– Ai bảo anh tụi tôi lính con mèo? Con mắt anh nhìn “nàm thao” mà cọp hóa ra mèo, hả? Xem cho kỹ ông nội. Biệt Động Quân cọp 13 răng người ta! Trời ơi, thằng Việt Cộng này chưa thuộc bài, dễ bị bắn bỏ quá à!
Bọn Hoàng Anh, Sơn Sư Tử và Xuân Bệt kéo tới:
– Gì vậy, Đại Bàng?
Tôi còn ôm bụng:
– Thằng Công nó dám cả gan gọi tụi mình là lính con mèo! Cọp mà nó nói mèo, dễ điên không?
Anh em hiểu chuyện nổi cười rần lên. Tôi gác qua vụ khẩu súng K54, cho lệnh Đại đội tiến gấp xuống đồi.
Dưới mắt tôi cụm núi có đường kính khoảng bốn năm mươi thước, chằng chịt bụi rậm, nhiều cây to xanh um, nằm sát bên cạnh đầm, cách ly mỏm đồi một vạt đất bằng phẳng. Quả thật, đây là “cây đa bến đò”, nơi đêm trước đã xuất phát hằng chục chiếc ghe đưa hàng trăm “khách sang sông” để chuồn vô núi, nhưng vừa mới giữa vời thì bị tôi kêu pháo bắn chìm ráo.
Nhìn kỹ cụm núi có nhiều vết trầy trụa, xơ xác, là các hầm hố cá nhân chiến đấu được ngụy trang bằng các cành lá. Để ước lượng quân số địch bao nhiêu, tôi bảo Trung sĩ Thuận:
– Bây giờ mình quậy lên. Thuận khạc đại liên và câu M79 lai rai xuống. Làm đi!
Lính dàn hàng ngang, từ trên chĩa súng tác xạ loạn xị, cây Đại liên M60 Hạ sĩ Nguyễn Đợi cũng xoáy tròn chung quanh mục tiêu. Trong lúc đạn rải mù mịt thì có một tên Việt Cộng nhanh như sóc, vọt ra giơ hai tay đầu hàng. Sợ lính phơ ẩu, tôi nói lớn:
– Đừng bắn! Đừng bắn nó!…
Nhưng, tiếng la của tôi vừa dứt, tên địch đã ngã chúi dưới chân đồi, máu me phọt đỏ cả lưng. Tưởng đâu Binh nhì Trần văn Liên Trung đội 1 bắn, tức giận tôi lao tới toan đánh Liên một bá súng, thì Trung sĩ Thuận kịp can ngăn:
– Không phải Liên, Đại Bàng! Cấp chỉ huy Việt Cộng bắn thằng đó!
Quả đúng, người kế tiếp cũng vậy, đạn xâu từ sau ót, gục ngay tại bìa cụm núi.
Tôi nghĩ bụng: “Thấy mẹ, ai đầu hàng đều bị cán bộ giết, chứng tỏ chúng cương quyết tử thủ, mình sẽ gặp khó khăn”. Trừ phi bất đắc dĩ chứ tôi không muốn tàn sát hết số địch còn trong mục tiêu, nên đổi chiến thuật. Tôi bảo Thiếu úy Đại đội phó đưa thằng Công tù binh tới đứng kế bên một tảng đá to ở mép đồi, gọi đồng đội buông súng. Công, tỏ vẻ sợ sệt, trù trừ, cuối cùng rống to cái họng, giọng như muốn khóc:
– Các đồng chí! Tôi là Nguyễn Thành Công, Phòng Không! Các đồng chí hãy ra hàng đi! Ra hàng đi, các đồng chí!…
Người tù binh dễ thương ấy, cựu sinh viên năm thứ hai Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, mới kêu có mấy tiếng và chưa dứt, thì một tràng thượng liên từ dưới cụm núi xanh bắn nhào lên, đạn tua tủa xẹt ngang tai của Công, chạm đá nẻ lửa. Thấy bất ổn, lại ngại người bộ đội trẻ này chết một cách oan nghiệt, tôi cho lui ra sau để đích thân Trung sĩ Thuận gọi và hẹn chúng mười phút, nếu không giơ tay thì sẽ bị diệt. Đúng là dân chịu chơi, chẳng mống nào nhúc nhích.
Thời gian ân huệ đã qua, Thuận đâm quạu:
– Mần thịt phứt cho rồi, Đại Bàng!
Tôi cười:
– Mần thì dễ thôi! Hãy xịt thêm ít quả M72 nữa coi.
Các đầu phóng tiễn tuy nhỏ “con” đã đủ bung đất đá. Ngay lập tức, bốn tên ùa ra một lượt, lại gục hai, còn hai lao nhanh lên khu đồi Biệt Động. Thuận lại nhảy tới thộp cổ áo một tên làm thằng nhóc xanh mặt:
– Tại sao chờ nổ súng rồi mới đầu hàng, hả?
Hai ranh con bộ đội run rẩy:
– Dạ… dạ… chúng em sợ cán bộ b.ắ.n…
– Còn bao nhiêu thằng dưới đó?
– Dạ, khoảng mười t.h.ằ.n.g…
Tôi nghĩ, địch còn ít, dù chúng đang quyết thủ tại một mục tiêu cô lập, chung quanh là đồng trống và bờ đầm Nước Mặn thế này thì cũng dễ bị diệt. Nhưng nếu tôi dùng số đông phang ngang từ đây có thể mình thiệt hại nhiều, nên chơi cách khác, chỉ cần ba tay súng cừ khôi. Tôi chợt nhớ bọn Sơn, Xuân Bệt và Hoàng Anh toán Thám Báo, thằng nào cũng gan dạ. Đặc biệt Nguyễn Sơn, hỗn danh Sơn Sư Tử hay Sơn Râu, vì bộ râu quai nón với cặp lông mày rậm tạo thành khuôn mặt của nó giống đầu con sư tử dữ dằn. Lại nữa, tính Sơn khi bị khích bác, trời cũng không thoát khỏi tay nó. Sơn Râu khét danh du đãng từ vùng 3 ra vùng 1, thuộc loại đâm thuê giết mướn, dĩ nhiên ăn giựt đ… chạy số một. Trong binh chủng Biệt Động Quân đố ai cầm cương nó nổi. Sau lần bị nhốt vào nhà lao trở lại do tội vượt ngục Côn Đảo, mãn tù Sơn về phục vụ Đại đội 4/21 Biệt Động, rồi chứng nào tật đó, Đại đội trưởng Đỗ văn Nai không trị được. Tháng 3/1972, nhân Đại đội 1 BĐQ này thiếu quân số trầm trọng, lúc còn Trung úy Hà Tự Tánh chỉ huy thất trận ở tây nam Quảng Trị, Đỗ văn Nai tống Sơn Sư Tử qua bổ sung cho khuất mắt. Khi Hà Tự Tánh mất chức, tôi lên thay thế làm Đại đội trưởng. Ngày đầu tiên vừa thấy mặt và biết rõ lai lịch hung thần ấy, tôi phải quậy lại cái máu chuyên diệt du đãng thời niên thiếu đã lắng đọng, để thách thức nó chơi bạo, mà tôi không cần dùng đến quyền hạn của cấp chỉ huy trực tiếp. Kết quả tôi đã khắc phục được Sơn Sư Tử, từ một tay đâm cha giết chú thành người hiền, biết yêu gia đình, quý mến đồng đội và tuân hành thượng cấp để chung lưng chiến đấu. Đôi khi Sơn lại bốc hứng ba gai, lối ba gai bình thường của người lính sống nay chết mai, mà vẫn giữ tình anh em cùng đơn vị. Sơn từng nói với đồng đội: “Giờ đây tôi mới gặp được một cấp chỉ huy thực sự là Đại Bàng Việt Quốc”.
Dụng nhân như dụng mộc. Nghĩ tới ngón nghề của mấy tay bạt mạng Thám Báo, tôi mừng, liền cắt đặt Sơn làm trưởng tổ chỉ huy Xuân Bệt, Hoàng Anh. Hai thằng này cũng thuộc loại voi lung, thường giở chứng, chỉ có thằng nài Sơn trị được thôi. Tôi mời luôn các thẩm quyền Trung đội đến nghe kế hoạch:
– Bộ ba Sơn Râu, Hoàng Anh, Xuân Bệt kín đáo đi về phía nam vài trăm thước, chỗ bụi rậm đầu kia rồi tụt dốc, bò ngược lại đột kích cụm núi xanh này. Toán Thám Báo của Nhật còn bảy người ứng chiến, sẵn sàng tiếp tay. Trung đội 1 Thuận cứ bắn lai rai, khi tốp thằng Sơn Râu bắt đầu xung phong thì cho làm tối đa, chuyển dần làn đạn về phải mục tiêu. Trung đội 2 Hơn kéo qua triền đồi mé bắc, dàn ngang nhấp nhá như muốn tấn công, để địch khỏi chú ý đến tổ Sơn đột kích. Tôi sẽ đích thân hướng dẫn yểm trợ. Sơn Râu đừng sợ lạc đạn. Nếu rủi bị một đứa thôi thì Trung sĩ Hơn cho lính tắp xuống tấn công mặt bắc mục tiêu ngay. Nhớ lệnh tôi, không còn thời giờ nhắc lại nữa. OK, Sơn Râu cố gắng mở màn cuộc đột kích ngoạn mục này. Đây là điểm cuối cùng Cộng quân tại trận địa Sa Huỳnh đang chờ chết. Tất cả thi hành!
Sơn Râu, Hoàng Anh, Xuân Bệt, ba người không một chút nao núng, liền cởi bỏ ba lô xuống tại chỗ, chỉ mang súng đạn, lủi nhanh về phía nam. Hai trung đội cũng bắt đầu làm nhiệm vụ giao phó. Hạ sĩ Đợi quạt Đại liên M60 từng tràng. Một lát, tốp Sơn xuất hiện, lom khom giữa các lùm cây hoang dại dọc theo bờ đầm Nước Mặn ngược về hướng bắc, Trung đội 2 bên phải vội đánh nhá. Các tiếng súng nổ vang, cụm núi xanh bị đạn xoáy, cây cối ngã đổ tung tóe. Địch đoán lầm nên chỉ lưu ý Biệt Động Quân trên đồi cao phía đông này tấn xuống.
Rồi thình lình ba anh hùng Thám Báo dựng đứng người lên hàng ngang hô xung phong, lao thẳng vào bờ tuyến địch, dồn dập ném lựu đạn. Các căn hầm địch đối diện lần lượt nổ bung, trong lúc các mũi hỏa lực của hai Trung đội xé banh nửa phần mục tiêu phía bắc. Những kẻ tử thủ vội dốc hết tàn lực bắn ra, đạn đôi bên mù mịt. Tôi phải nói, Cộng quân cũng can trường không kém, họ chiến đấu chống trả, giành sự sống, một cách mãnh liệt. Nhưng than ôi! Các dũng sĩ phương Bắc như ngọn đèn dầu chợt sáng lên rồi tắt ngấm trước sức tấn công vũ bão, hiểm hóc của các anh hùng Biệt Động Quân.
– Việt Cộng chạy ra…
– Tụi nó đầu hàng, Đại Bàng!
Chung quanh, lính gọi nhau ơi ới, ý muốn thi hành lệnh bắt sống hơn bắn chết. Nhưng mọi sự đã muộn, giờ phút cận chiến của bọn cảm tử Mũ Nâu Đại đội đang xung thiên thịnh nộ, tôi không thể ra lịnh ngưng bắn kịp nữa. Những kẻ xâm lăng chạy ra bao nhiêu gục ngã bấy nhiêu. Tôi đứng dậy nhìn trận địa, tuy nhỏ nhưng có tính cách quyết định chiến trường của người mang chí lớn.
Tôi cố hét lên dù biết vô hiệu quả giữa vùng trời òa vỡ âm thanh ghê rợn:
– Sơn! Nhào vô, nhào vô!…
Đột nhiên bọn Sơn Sư Tử mất dạng trong chòm cây. Tưởng đâu cả ba đã bị nuốt trửng, tôi vội tống hết bảy tay súng toán Thám Báo còn lại nhảy tiếp vào “cụm núi xanh”. Một số địch sống sót, quýnh quáng tuôn vội xuống bờ đầm toan chạy sảng về hướng bắc, cũng bị Trung đội 2 bắn chúi nhủi…
Thấy Xuân xuất hiện đang dí súng sau lưng hai tên, tôi cho lệnh cả Trung đội 2 tràn ngập mục tiêu ngừa bất trắc.
Sơn Râu rống to:
– Trình Đại Bàng, địch chết dưới hầm 9, ngoài tuyến 8, bắt sống 2, thu 15 súng cá nhân và một thượng liên…
Tôi vui vô cùng:
– Hay lắm, Sơn! Coi đề phòng mìn bẫy của chúng.
Tôi báo gấp BCH Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân trên đỉnh 94 cửa khẩu, đang theo dõi:
– Trùng Dương! Trùng Dương! Việt Quốc đã chẻ tre!
Thiếu tá Quách Thưởng:
– Kết quả sao?
– Ít thôi, giết 17, bắt sống thêm 2, súng chưa đếm hết, chắc khoảng 15 khẩu, kể cả một thượng liên…
Thưởng dường như đang nhảy đổng:
– Chiến thắng, đại chiến thắng! Xong xuôi Việt Quốc giựt lui lên cao phòng thủ. Đồng thời tập trung các thứ lại, báo cáo các con số thu đạt được trong ngày, để trình Sơn Linh gấp!
– Trùng Dương chờ!
Đại đội kéo lui, bao quanh khu vực đá, nơi khởi đầu chạm súng. Buổi trưa trời nắng gắt tôi bảo lính châm lửa đốt các vạt tranh săng cho quang đãng. Bất ngờ thêm 9 tên Việt Cộng còn ẩn núp, bị nóng vụt trồi dậy chạy dạt qua mỏm đồi hải đăng kế cửa khẩu, hướng nam. Biệt Động Quân rượt theo bắn chết 5, túm cổ được mấy tên nữa. Không hiểu anh em lính tra khảo bằng cách nào mà biết trong bốn người sống sót lại có Huỳnh văn Cao. Tụi nó nói “gặng hỏi” lắm tên Cao mới chịu nhận là chủ cây K54, và nhặt 7 AK49 giữa lớp tro tàn của tranh săng.
Thiếu úy Thiều tổng kết mọi thứ xong, tôi báo Thưởng:
– Vừa bắn chết thêm 5, bắt sống 4, thu 7 súng. Cộng chung ngày nay giết tất cả 70, tù binh 18, nếu kể luôn thằng Nguyễn Thành Công là 19 tên. Súng: 2 thượng liên, 16 B40, 46 AK, cả thảy 64 khẩu, chưa kể đồ lỉnh kỉnh. Riêng 2 khẩu K54 để tặng Trùng Dương và Dông Tố.
Thưởng nghiêm giọng:
– Việt Quốc, từ lúc ra trường tôi chưa thấy đơn vị nào xuất sắc, thắng lớn như Đại đội 1 Việt Quốc. Tôi sẽ trình mọi diễn tiến với kết quả tuyệt vời này lên Sơn Linh.
– Cảm ơn Trùng Dương. Bây giờ điều khẩn cấp nhất là tải thương, giải giao tù binh và chiến lợi phẩm…
– Lo rồi, Việt Quốc!…
Chung quanh súng chỉ còn nổ lẹt đẹt, nhưng đột nhiên có nhiều tiếng quát tháo, chửi thề. Tôi nghe rõ các lời văng tục, cả tiếng bình bịch như tiếng bá súng, gót giày dộng vào lưng hay bụng tù binh rất dữ dằn, để tra hỏi vũ khí cất giấu. Dường như anh em trút hết nỗi căm hờn xuống đầu kẻ thù đang điêu tàn, thảm bại. Điều này làm tôi nhớ cuộc hành quân vào mùa Xuân Kỷ Dậu 1969 ở Cẩm Lệ, Hòa Vang Quảng Nam. Đơn vị bắt được một du kích, đích thân vị Đại đội trưởng Đại đội 2/21 BĐQ tra khảo. Tên Việt Cộng khai trước hắn làm thợ máy tại hãng sửa xe Bảo Vân ở Đà Nẵng, theo địch dịp Tết Mậu Thân 1968. Nghe vậy, vốn ghét những kẻ ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản, nối giáo cho giặc, vị Đại đội trưởng 2/21 tức giận, đánh thằng nọ đến hộc máu.
Chuyện đập trào cơm lòi cuống họng mấy tên ngu xuẩn đó không nói làm gì, nhưng hình ảnh mà tôi nhớ mãi đến bây giờ là một cú đá dơ, dirty kick, của người chiến thắng. Đánh nhừ tử xong vị sĩ quan giả vờ quay lưng đi, kẻ chiến bại trong giây phút đau đớn ấy hẳn lóe lên một tia hy vọng là được tha thứ, chấm dứt trận đòn thù. Nhưng không, bỗng nhiên ông dừng lại rồi vụt nhảy nhổm lên đá quặt lui một cái thật mạnh, như trời giáng, vào mặt tên du kích đang ngồi với hai tay trói chặt phía sau. Hãy tưởng tượng cái gót giày sắc cạnh của botte de saut chắn ngay nhân trung, chỗ giữa môi trên và mũi, kẻ trúng đòn bật ngửa, toàn thân phát co giật như điện chạm.
Lần khác, một Biệt Động Quân vung cao nón sắt đập thẳng xuống sống lưng một tên địch nghe cái ự, hắn liền le lưỡi giẫy đành đạch, thở không ra hơi…
Hình ảnh ấy, tôi chỉ thấy thôi, mà ruột gan còn chết điếng lọ là nạn nhân. Trong cuộc chiến ngăn chặn họa Cộng Sản, cá nhân tôi cũng chẳng tốt lành gì, từng bắn địch rụng như lá đổ mùa thu, nhưng đánh lén, đánh hiểm, đánh kiểu mật thám Tây thì tôi không chơi. Thà đem họ ra giết, bắn bỏ chẳng hạn, viên đạn xuyên qua ngọt xớt, chết không đau, không nhục nhã, mà kẻ thắng trận vẫn giữ được sĩ khí của mình, của một dân tộc vốn rất hiếu hòa.
Khi lên làm Đại đội trưởng 1/21 Biệt Động Quân này tôi tuyệt đối cấm sử dụng những đòn thế dơ bẩn không cần thiết ấy để biểu lộ mối căm hờn với kẻ thù.
Để đề phòng chuyện khuất lấp, tôi ra lệnh tập trung 19 tù binh lại, ngồi bên tảng đá lớn. Trung đội 2 báo cáo tìm thấy cái địa bàn trong túi quần một xác chết, còn khẩu K59 thì nằm dưới đất chưa biết ai chủ. Các đơn vị tác chiến cấp nhỏ thường thiếu phương tiện và kém hiểu biết về chuyên môn, khó khai thác tù binh tại chỗ. Bộ đội trơn thì dễ, dọa sơ đã vội thú nhận mọi điều, chứ đa số sĩ quan rất cứng đầu, có đánh te tua cũng vô ích, ít khi khai ngay ở chiến trường. Tôi chẳng bao giờ cho dùng biện pháp đấm đá lôi thôi.
Các khuôn mặt tù binh hiện rõ những nét khiếp đởm, mỗi người một cách run khác nhau nơi từng thớ thịt. Thế mà họ đã mệnh danh là Sư Đoàn Sao Vàng. Tướng Chu Huy Mân Cộng Sản Bắc Việt chỉ huy trận chiến cướp đất Sa Huỳnh giờ mới thấy hổ thẹn, các đại đơn vị thuộc quyền của mình quá dở.
Họ sợ cũng phải. Lần đầu tiên trong sự nghiệp đi làm cách mạng… xâm lược, đoàn quân phương Bắc bị một đơn vị nhỏ Biệt Động miền Nam đánh tơi tả, bắt sống hàng loạt. Hẳn họ tự vấn rồi đây thân phận họ, dù đã biết sinh Bắc tử Nam, các Thiên Thần Mũ Nâu lừng danh này có đem ra ngoài kia bắn bỏ không. Khi vô Nam các cán binh cũng được “Bác và Đảng” dạy một cách thiếu giáo dục “Thà giết sạch địch chớ để địch giết”. Hôm qua Nguyễn Thành Công nói vậy. Anh ta tâm tình nhiều điều. Thấy một máy bay hàng không dân sự cất cánh từ Quảng Ngãi bay vòng ra biển vô Sài Gòn, Công tưởng họ chở các tù binh đem liệng ngoài khơi.
Tất cả ngồi im thin thít, mặt xanh như lá chuối, chẳng khác nào cá trên thớt, mà trước đó đã cố vùng vẫy không thoát. Họ nhìn người thắng trận, cấp bực nhỏ, chỉ huy lính chẳng là bao, lại nắm quyền sinh sát trong tay giữa giờ phút tiếng súng còn thịnh nộ, chưa nguôi, xác thù và bạn còn nằm la liệt trên lưng đồi cửa khẩu Sa Huỳnh. Giết hay tha đám giặc Hồ trước mặt là tùy tôi, Việt Quốc này. Vì bản chất người miền Nam phong phú, khác hẳn với bọn theo Marxist xuất thân từ bần cố nông xấu tính, hèn hạ, do miếng ăn manh áo mà lập đảng cộng sản đấu tranh giai cấp bằng bạo lực, ganh ghét kẻ giàu sang, diệt địa chủ, chỉ để cướp của, tôi nhã nhặn nói:
– Các anh yên tâm sẽ được trở về đất Bắc với vợ con, cha mẹ. Tôi biết trong hàng ngũ các anh có lắm tên gian ác, đáng khinh, nhưng cũng nhiều anh hùng, coi nhẹ cái chết. Lúc đối đầu hỗn chiến, dĩ nhiên hai bên phải tàn nhẫn lẫn nhau. Bây giờ các anh chớ toan tính gì khác, hãy ngồi chờ giải giao.
Nghe nói vậy đám tù binh đổi màu da, bớt sợ. Mấy bộ đội còn trẻ, giống Nguyễn Thành Công hôm nào, cảm động rưng rưng nước mắt.
Tôi báo Thiếu tá Quách Thưởng vài chi tiết:
– Trong số 19 tên bị bắt người có làm dấu trên cổ bằng tua compress trắng, chắc là sĩ quan cao cấp.
Thưởng cho hay:
– Sơn Linh nói có một tướng Việt Cộng kẹt trong này, nhớ giữ kỹ, đừng “thịt” sảng tên nào.
– Nguyễn Thành Công bị bắt mấy bữa khai nó là sinh viên năm thứ hai Đại Học Tổng Hợp. Công có học, lại dân Hà Nội, ăn nói dễ thương, nên được tôi đối xử tử tế, còn cho hút thuốc Capstan, uống bia…
Thưởng cười xòa:
– Tù mà mày làm như bạn không bằng.
– Thì ông cho tôi “nghệ sĩ” chút chứ!
– Rồi, Đại đội 1 hãy sẵn sàng. Quang Trung bắt đầu xuống lo việc chuyển giao chiến lợi phẩm và tù binh. Trực thăng sắp tới, cho lính bung rộng giữ an ninh bãi đáp.
Chấm dứt cuộc nói chuyện với Thiếu tá Quách Thưởng, tôi rải thưa Đại đội ra bố trí và sẵn sàng mọi thứ.
Vừa dẫn tốp lính lẫn Lao Công Đào Binh trên đỉnh 94 đem chiến lợi phẩm của các đại đội xuống, chưa kịp ngồi nghỉ xả hơi, Đại úy Trần văn Quy, Trưởng ban 3 Tiểu đoàn, đã nhận lệnh ném một quả khói vàng. Sau mấy phút bốn chiếc UH1B từ hướng bắc ào ào đáp giữa vòng đai Đại đội an toàn. Thiếu úy Đặng văn Thiều vội giao nạp số tù binh và một đống chiến lợi phẩm của đơn vị tôi tịch thu cùng các anh Biệt Động Quân bị thương và chết lên máy bay. Mọi công việc chu đáo, nhịp nhàng. Vùng đất bao la Sa Huỳnh đã trở lại yên bình, không một tiếng súng quanh bờ đầm Nước Mặn.
Tất cả vừa rời khỏi bãi, Đại úy Quy đến tâm tình với tôi:
– Anh biết không, ông Trung đoàn trưởng 5/2 Bộ Binh mới gọi máy yêu cầu Thiếu tá Quách Thưởng cho họ dàn trận giả là chèo ghe qua tấn công khu đồi này. Đại đội 1 BĐQ anh thì làm Việt Cộng nhưng chỉ bắn chổng lên trời. Mục đích để các ổng hô hoán lên Trung đoàn 5 Bộ Binh chiếm được mục tiêu, chiến thắng, hầu gỡ gạc thất bại vừa rồi. Tùy anh chứ tôi và Thiếu tá Thưởng thấy chó má lắm!
Nghe Trần văn Quy chuyển lại những lời “yêu cầu” nhầm mục đích để họ cướp công một cách ngu xuẩn, phản phúc, xúc phạm nặng nề đến các chiến sĩ anh hùng, nhất là những người vừa nằm xuống, máu đổ còn đỏ thắm trên mặt đất quanh đây, tôi nổi nóng quát to:
– Không! Tôi không làm trò hề đó! Chắc có âm mưu cướp công. Chuẩn tướng Trần văn Nhựt Tư lệnh Sư đoàn 2 Bộ Binh xúi bậy. Anh nói lại mấy ổng dùm tôi, lạng quạng tôi bắn thấy mẹ chúng!…
Biết tôi không bằng lòng nhưng vì nhiệm vụ với tính thẳng thắn, Quy nói ra. Thấy tôi sừng sộ bọn táng tận lương tâm, tội nghiệp Quy, người bạn cũng từng gian khổ như tôi, đã bao lần bị thương ở các chiến trường Trị Thiên, Hạ Lào, buồn buồn bỏ đi một mạch lên lưng đồi còn vàng hoe lửa đạn trận cuối cùng Sa Huỳnh.
CÒN TIẾP/Kỳ 14
Trần Thy Vân
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
No comments:
Post a Comment