Saturday, March 11, 2023

ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân

ANH HÙNG BẠT MẠNG (12)
Trần Thy Vân

Anka Pham

TÌNH CŨNG BẠT MẠNG
Sau vài tiếng gió xì xì, một giọng nói khàn khàn phát ra từ speaker máy PRC25 liên lạc nội bộ:
Thiên Nga, Thiên Nga, đây Tango!
– Thiên Nga nghe Tango nào?
– Tango, Trưởng Ban Tiếp Tế, xin gặp Đại Bàng 1.
– Tango chờ…
 ----------------
Hạ sĩ Nguyễn Hiệp truyền tin quay qua tôi:
– Trung sĩ Tam muốn thưa chuyện với Đại Bàng.
– Tao nghe rồi, đưa đây!
Tôi nắm ống liên hợp:
– Nghe Tango!…
– Trình Việt Quốc, cho ghe vô đường chỉ đỏ nhận hàng và lính bổ sung.
– OK! Tango nói Hạ sĩ Tuy của Đống Đa 1 chia lương thực trước cho những ai có mặt tại chỗ để họ giữ an ninh bến. Dứt!
 
Trung sĩ Hơn nhận nhiệm vụ chỉ huy năm Biệt Động Quân, phân công hộ tống năm ghe do các bác ngư phủ chèo, chở hai binh sĩ chết và một bị thương, với mấy cây súng của Đại đội 2 qua bên kia đầm. Trung sĩ Thuận thì lo hướng dẫn các cư dân đào huyệt chôn 27 xác Việt Cộng. Có nhiều thây không còn nguyên vẹn, tôi bảo họ tìm ghép lại các phần tứ chi đã đứt lìa và chôn riêng mỗi người một mộ, nằm quay đầu vào chân đồi, cũng là hướng về phương bắc, nơi quê hương của những người vừa nằm xuống. Tôi tới góc đầm đứng quan sát các công việc đang diễn tiến. Dù đơn giản và vội vàng giữa lúc tiếng súng còn nổ vang trên triền núi có độ cao 94 mét bên cửa khẩu Sa Huỳnh, 27 tử thi vẫn lần lượt hạ huyệt chu đáo.
 
Nhớ hồi còn đi học, tôi có đọc, hình như trong “Tâm Hồn Cao Thượng” của Hà Mai Anh, một câu chuyện về những anh hùng trận mạc. Hai người lính khác chiến tuyến, khi xáp lá cà cả hai đều bị thương nặng nằm gục kế bên, họ gác bỏ hận thù để cứu giúp nhau… Bài học ấy nhắc nhở, tôi nghĩ bụng:
“Đây, những kẻ sinh Bắc tử Nam, vì sai lầm hoặc bị cưỡng bách theo chế độ Cộng Sản Hà Nội, phá nước hại dân, đắc tội với Tổ Quốc. Tôi, Trần Thy Vân, một cấp chỉ huy trận đánh tái chiếm Sa Huỳnh, nhơn danh các chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân, xóa bỏ hận thù 27 cán binh này đã đền tội được chôn cất tử tế, an giấc nghìn thu”.
Xong, việc ai nấy tiếp tục, tôi mang súng ra phía biển bắn dừa tươi lấy nước uống. Nhật Thám Báo đi theo. Thầy trò dở quá, nhắm chẳng trúng cái cuống, viên đạn lệch làm bể mấy trái vung vãi nước hết. Tôi định bảo Nhật trèo hái cho chắc ăn thì Hiệp truyền tin vừa xách cái máy chạy ra vừa reo lên:
– Đại Bàng, Đại Bàng!…
– Cái gì?
Hiệp nhảy tưng tưng:
– Anh Trung, anh Xá trong quốc lộ gọi Đại Bàng.
Nghe hai đệ tử xuất viện tôi mừng, vội nắm ống liên hợp:
– Nghe Trung!
– Đại Bàng khỏe không?
– Nếu không, tao đã gặp mày tại bệnh viện rồi. Các sĩ quan thế nào?
– Chỉ một mình Thiếu úy Đặng văn Thiều, ông đang giúp phân phát lương thực đây, còn mấy vị kia chưa xuất viện. Đại Bàng có tin vui…
– Tin gì nói coi.
Trung ngập ngừng:
– Lát nữa… Đại Bàng gặp mà, vui lắm!…
Nóng lòng, tôi làm bộ dọa:
– Để lát nữa thì mày ăn đòn…
Trung cười:
– Dạ, Chị Nhị! Chị Nhị vô thăm Đại Bàng, rồi chiều về với Trung sĩ Nguyễn Đựng.
Tôi giựt mình:
– Ai dẫn cô ấy đi vậy? Mày biết ở đây thế nào không?
– Nghe rầy, chị khóc đó. Thôi, cho vô nghe Đại Bàng?
– Ừ, lẹ đi! Xuống ghe ngồi cẩn thận!
Sẵn bọn lính đứng chơi trước mặt, tôi bảo:
– Anh em lên nói toán tiền đồn hãy mang súng đi cặp bìa đồi giữ an ninh trên cao gấp, cho ghe tiếp tế bơi ra.
 
Mới nghe lệnh, Trung sĩ Nhật Thám Báo đã tự nguyện cắm đầu chạy như tên bay. Đoàn ghe đã rời bến. Qua ống dòm tôi quan sát từng chiếc chở đầy khẳm lính cùng đồ tiếp tế, nhưng tuyệt nhiên không thấy bóng dáng một phụ nữ nào. Ngoài các ngư phủ chèo lái mặc đồ đen dân sự, còn thì quần áo màu hoa rừng hết, cả mấy người cầm giầm trước mũi cũng Biệt Động Quân luôn. Lạ! Hay Nhị nghe rầy rồi ở lại trên bờ? Nếu thật, vùng đất này vô nghĩa.
 
Rất tiếc việc quan trọng như vậy mà tôi không bảo anh em đem theo cái máy PRC25 để liên lạc. Tôi than thở cùng Hiệp truyền tin:
– Sao tao chẳng thấy Nhị, mày Hiệp!
Hiệp trố mắt nhìn đăm đăm các chiếc ghe đang bềnh bồng trên sóng nước, rồi cũng chép miệng:
– Không thiệt, Đại Bàng ơi!
 
Viên truyền tin vừa nói vừa lắc đầu lia khiến tôi càng buồn như mới đánh mất một vật gì quý giá lắm. Thà nàng đừng đến bên kia để tôi bên này khỏi ngẩn ngơ mong đợi và tuyệt vọng. Buồn tình tôi trở vào nhà và định nhờ Vinh treo cái võng để ngủ một giấc, thì nghe dưới bến nước có tiếng ồn ào, rồi người đầu tiên vội vàng chạy lên, đứng nghiêm đưa tay chào:
– Em, Hạ sĩ Huỳnh văn Trung, trình diện Đại Bàng!
Tôi vỗ vai Trung:
– Gặp lại mày và Xá tao rất vui. Còn Nhị sao không qua?
Người đệ tử trung thành giương to đôi mắt:
– Dạ có! Cô “nữ quân nhân” yếu quá, mới xuống ghe ngồi một chút đã say sóng…
 
Tôi vội quay ra. Nhị, trong bộ quân phục hoa rừng của Biệt Động mới toanh, vừa vặn, chân mang đôi bata, đang mỉm cười đi giữa Trung sĩ Nguyễn Đựng, hậu cứ, và Thiếu úy Đặng văn Thiều về hướng tôi. Vì trước mặt 20 người lính bổ sung, tôi cố giữ thái độ bình thản nắm tay Nhị:
– Lúc nào em cũng gan đầy mình.
Nàng nhìn tôi trân trân:
– Nhớ anh quá à! Nghe tái chiếm được Sa Huỳnh đồng bào ngoài đó họ bàn tán xôn xao và mừng lắm!
– Ừ, nhớ quá nên em quên nguy hiểm, có ngày chết. Thôi, em vô trong nói chuyện với chú Hiệp. Anh còn giải quyết vài công việc.
Tôi quay qua hỏi thăm Thiều và Đựng:
– Hai anh khỏe chứ? Riêng Thiều chóng bình phục tôi vui. Ủa, không nghỉ phép xuất viện 15 ngày sao?
Vị Đại đội phó mỉm cười:
– Biết quân số Đại đội thiếu hụt, tôi lên hành quân tốt hơn về Sài Gòn chơi vô ích. Có 19 người lính cũ và tân binh đang chờ trình diện Đại Bàng.
Trước khi theo Thiều ra ngoài, tôi nói Hiệp:
– Đưa chị Nhị dạo một vòng quanh Bộ Chỉ Huy chơi. Tiện thể nói Vinh chuẩn bị cơm nước tiếp khách.
 
Dứt lời tôi đi thẳng tới đám lính bổ sung đứng sắp hàng nơi khoảnh đất trống. Vì đa số khuôn mặt lạ, vừa xuất thân trường Biệt Động Quân Dục Mỹ, tôi vồn vã hỏi thăm như tình anh em để họ bớt lo sợ ngày đầu đáo nhậm đơn vị ngay tại mặt trận thế này. Tôi cũng không quên cười đùa một chút với mấy chú lính vừa xuất viện, sau vụ bị thương do trực thăng bắn nhầm, mà mỗi lần nhớ tôi còn tức giận. Rồi tôi cho các thẩm quyền nhận lại số người cũ của Trung đội họ, và có thêm mới để các thành phần tương đương nhau. Đại đội vẫn giữ nguyên trạng, BCH và hai trung đội, dù khả năng tham chiến đã tăng lên 70 tay súng. Đồ tiếp tế kỳ này cũng chỉ thực phẩm, đạn dược căn bản, được phân phát ngay.
 
Trung và Xá khiêng bộ phản ra kê bên gốc dừa, ngồi dùng cơm. Các món ăn tuy đơn sơ nhưng rất “tươi” như ở thành phố, vì mới tiếp tế. Tôi, Thúy úy Thiều, Trung sĩ Đựng, và đặc biệt có cô “nữ quân nhân” bất đắc dĩ nữa, quây quần chung quanh. Tôi cũng không quên nhắc nhở Xá lo phần cơm nước đầy đủ cho ông bạn tù Nguyễn Thành Công, một cán binh Bắc Việt, lại được may mắn “sa cơ thất thế” rơi vào tay đơn vị “nghệ sĩ” Biệt Động Quân này.
 
Mọi người vừa ăn vừa nói huyên thiên, làm rộn rã con xóm chài vốn yên tịnh dưới những hàng dừa xanh mượt, và chỉ có sóng biển lao xao ngoài bãi cát.
Tôi nhìn Nhị với mái tóc rối phủ xuống nửa khuôn mặt:
– Ai rủ em đi?
Nhị liếc mắt qua Trung ngồi ăn bên cạnh:
– Mấy chú lính chạy xe Jeep vô thăm mẹ, gặp dịpï em quá giang. Trung sợ anh rầy, nói khi đến Đức Phổ rồi hãy gọi máy xin phép anh.
Tôi cười:
– Sao không để vào tận nơi xin luôn? Bộ tưởng đây an toàn lắm hả? Lát nữa anh đưa em ra coi 27 thây ma Việt Cộng, bị bắn chết hôm qua, mới chôn một dãy dài tòn ngoài kia kìa!
Nhị lắc đầu:
– Thôi, em sợ…
– Còn bộ quần áo lính ở đâu em diện đẹp vậy?
Với cử chỉ ngây thơ nàng vừa cúi nhìn chiếc áo hoa rừng đang mặc vừa đáp:
– Của chú Trung, nhờ nó mà em đi lọt. Anh biết hôn, Biệt Động Quân ở các trạm kiểm soát nhìn em chòng chọc, còn hỏi kỹ nữa. Trung nói họ em là dzợ Trung úy Vân, họ mới chịu…
– Họ chịu em là dzợ anh, hay chịu cho đi?
Nhị vừa cúi xuống vừa lấy tay che miệng cười:
– Chịu cả hai…
Tôi vuốt tóc Nhị như buổi đầu tiên gặp nàng:
– Em quá trời rồi đó! Bây giờ, mặc đồ Biệt Động nên uống chút bia, một ngụm thôi!
Nhị ngoan ngoãn cầm lon bia của tôi đưa lên môi, đôi mắt nheo lại như ăn đồ chua. Dễ thương! Cơm nước xong Thiều và Đựng lấy cớ tới hỏi chuyện người tù Nguyễn Thành Công, để tôi và Nhị tự nhiên tâm tình. Nhưng đã trót mang nghiệp lính, một đời giong ruổi khi quê hương chiến tranh còn tàn khốc thì chẳng có gì riêng tư, hứa hẹn. Nhị thông minh thừa hiểu điều đó nên cũng đồng lõa yêu cuồng sống vội.
Tôi đưa nàng ra sau bãi biển, hai đứa ngồi nhìn sóng nước mênh mông, trải rộng một màu xanh thẳm đến chân trời.
 
Trung cao bồi chẳng tâm lý chút nào, cứ giữ thói quen bảo vệ, lại dẫn theo ba người, cầm súng đi tới phá rầy:
– Tụi em bắn dừa Đại Bàng và chị Nhị ăn, nghen?
Tôi lắc đầu:
– Bắn bể hết, mày chịu khó trèo lên bẻ.
Trong lúc chờ Trung hái dừa, tôi nảy ra ý kiến tập Nhị bắn M16. Nàng vui vẻ bằng lòng, không chút do dự. Với thế đứng, Nhị giương súng nhắm một vỏ ốc vôi dưới chớn nước rồi thản nhiên bóp cò. Tiếng nổ làm nàng ngã lui vô tôi đang đứng sau lưng, viên đạn thì bay vèo đâu không biết. Nhị khoái chí cười ngất nghểu. Tôi bắt tập lại. Lần này nàng kẹp hông khẩu súng có vẻ thiện nghệ, chơi “ra phanh” luôn hằng chục viên…
 
Bỗng Nhị ngưng bắn, quay qua nhìn tôi, làm nũng:
– Anh ở sau ôm em mới được.
– Trời! Bắn súng mà còn có người ôm, chắc bọn Việt Cộng chết sớm hết quá! Rồi, chuẩn bị…
Nàng giẫy giụa:
– Ôm vậy nhột sao em bắn, anh nghịch quá à!
Tôi cười khật khật và cúi hôn vào cổ nàng:
– Thôi, không giỡn nữa, bắn đi!
 
Thấy Nhị bặm chặt môi dữ quá, tôi vội nắm cứng cây M16, nhưng chưa gì nàng đã siết cò, một tràng liên thanh chát chúa, đạn phun ra tá lả tới chớn nước, sủi tung cát bụi mịt mù. Con ốc vôi trước mặt làm mục tiêu vẫn còn nguyên, trắng phếu.
– Em bắn hay thiệt, con ốc nó cười kìa!
Nhị, một tay áp khẩu súng vào lồng ngực, tay kia vén mấy sợi tóc quyện trên môi, đôi mắt tròn xoe, lóng lánh:
– Nếu có thằng Việt Cộng đứng đó thử, chết liền chớ bộ!
Tôi trả cây súng lại cho Trung, rồi ôm Nhị vào lòng:
– Đã chưa?
– Thôi đi vô, anh!
– Nhưng mà đã chưa?
Nàng vòng hai tay ghì cổ tôi xuống hôn:
– Đã, hỏi hoài!
Hai đứa thấm ý cười và vừa uống hết ca nước dừa thì Hiệp chạy đến đưa máy:
– Đại Bàng tiếp chuyện Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng.
Tôi cầm ống liên hợp:
– Nghe Trùng Dương!
Giọng Thưởng có vẻ khẩn cấp:
– Đêm nay hai Đại đội 3, 4 tấn công ngọn 94 cửa khẩu. Bí đường Việt Cộng đã chạy lên đó. Lát nữa gia đình Việt Quốc move về hướng tôi, khi gặp cái nghĩa địa gần chân đồi, dừng lại đóng quân.
– Đáp nhận!
Nghe sắp di chuyển, Trung sĩ Đựng nói:
– Trình Trung úy ký các hồ sơ và cho phép tôi về sớm.
Tôi hạ bút ký một hơi, chẳng buồn xem kỹ mớ giấy tờ như thường lệ. Xong, tôi bảo toán Thám Báo lấy ghe và đem theo cái máy PRC25, đưa Nhị cùng Trung sĩ Nguyễn Đựng qua bên kia bờ đầm. Chợt nhớ lời hứa với chú lính khinh binh Nguyễn Mẫn hôm mùng Một Tết, tôi kêu cho anh ta 4 ngày phép đặc biệt vợ sinh. Mặc dù tôi nghĩ vì cuộc hành quân này còn kéo dài, đầy gian nguy, nay có dịp về thăm gia đình ở Tùng Nghĩa Lâm Đồng, Nguyễn Mẫn có thể đào ngũ luôn không chừng. Nhưng Mẫn cũng là một chiến sĩ xuất sắc phải được ân thưởng công bằng. Ngoài số lương hậu cứ sẽ ứng trước, Mẫn còn may mắn được chia thêm một ngàn đồng nữa, tiền của toán Thám Báo tịch thu Việt Cộng lúc sáng. Mẫn mừng quýnh, như vừa thoát chết, vội đùm túm ba lô súng đạn chạy thẳng xuống bến quên cả việc trình diện tôi để nói một lời từ giã.
 
Tôi quay qua Nhị, trông nàng có vẻ buồn như lúc chia tay lần trước ở Quán Hồng:
– Đơn vị sắp đi, em về, nghen! Anh gởi lời thăm mẹ.
Nhị nắm tay tôi:
– Em theo anh không được sao?
– Không được đâu, nguy hiểm lắm!
Mặt nàng phụng phịu:
– Lần nào cũng biểu về sớm. Đi cẩn thận, nghe hôn!
Tôi đưa Nhị vừa tới bến, nàng lại dùng dằng muốn đổi ý. Tôi vờ làm nghiêm, nói nhỏ vào tai nàng:
– OK, kỳ sau anh cho em ở chơi hai ba ngày luôn. Kìa, em thấy không, tụi lính đang dòm, anh hôn em không được.
 
Nhị cười. Tôi ẵm Nhị ra ghe để ngồi vào khoang giữa. Hai đứa miễn cưỡng vẫy tay chào tạm biệt trong lúc bác ngư phủ chống sào xuống bờ quay mũi hướng tây. Tôi đứng trông theo, bỗng nhiên lòng tôi xao động, không muốn ở đây thêm chút nào, để khỏi nhìn lại những gì không phải của ngày đầu xuân yêu dấu với những nụ hoa vàng, ánh mắt long lanh. Phút chốc, khuôn mặt dễ thương của nàng đã mất dạng, chiếc ghe cũng nhỏ dần, chỉ còn một chấm đen nhấp nhô trên sóng nước màu trời, bàng bạc bóng mây muôn hình vân cẩu.
 
Đại đội cũng bắt đầu rời khỏi con xóm tiến về hướng nam. Lâu lắm, từ ngày triệt thoái khỏi Quảng Trị, nay đơn vị mới có dịp di hành dọc theo bờ biển đêm thanh bạch. Những hàng dương yểu điệu, tưởng chừng như bao chiếc lược chải gió vi vu, những ngọn sóng bạc đầu nhịp nhàng vỗ vào bãi cát đầy trăng lung linh và huyền ảo…
 
Tôi đang hồi tưởng, thả hồn về lại buổi chiều êm đềm, thì một tràng súng nổ vang phía trước, làm tan biến bao hình ảnh đẹp. Lính tự động dạt ra hai bên.
Trung đội trưởng Trung đội 1 gọi báo lui:
– Trình Đại Bàng, vừa bắn ngã hai tên Việt Cộng.
– Có súng không?
– Chưa biết, xác nằm dưới chớn nước.
Tôi bảo Trung sĩ Thuận:
– Cho anh em tới thêm trăm mét bố trí rồi ra lục soát.
Ba người lính lom khom đi xuống bãi:
– Có hai AK, Thẩm quyền!
– Cầm vô, lẹ đi!
Hiệp trình:
– Nghe tiếng súng, Bộ Chỉ Huy lớn hỏi, em đã báo kết quả. Trùng Dương nói Việt Cộng đang cố tìm cách thoát khỏi vùng này, mình nên lưu ý mặt sau.
– Ừ, bảo Trung đội đầu tiếp tục di chuyển. Còn Trung canh chừng tù binh Nguyễn Thành Công.
Một lát, Thuận gọi:
– Trình Đại Bàng, đã đến nghĩa địa.
Tôi ra lệnh:
– Anh rải lính bố trí mặt tây, Trung đội 2 của Hơn nối tiếp bên phải, bao ngược phía mặt bắc, phần tuyến còn lại thì toán Thám Báo. Tất cả ôm vòng quanh nghĩa địa, khỏi cần đào hố cá nhân, để tránh đụng chạm mả mồ. Mỗi Trung đội đặt một tiền đồn ngay trước.
 
Hôm nay có thêm hai đệ tử Trung và Xá, thầy trò cùng ban truyền tin vào trải poncho nằm cạnh một cái mả giữa bốn bức tường cao một thước. Tuy không tráng đá li tô hoa hòe rực rỡ như kim tĩnh, nhưng ngôi mộ sạch sẽ, nước vôi chưa tróc, sáng trưng dưới trăng thanh gió mát. Vì đêm tối tôi không đọc được trên tấm bia của người chết khắc tên gì, già hay trẻ. Biết đâu kẻ bạc mệnh là một trinh nữ, sinh thời cũng dịu hiền, yêu đời lính quá gian truân, yêu cả những đóm mắt hỏa châu thế này.
 
Chiến tranh đã dạy cho người lính nhiều cái quái đản, phải chọn điều mà đời thường không thể lấy đó làm vui.
 
Ước chi đêm nay có bàn cầu cơ, để hỏi “người ấy” chuyện hão huyền, nơi thế giới vô hình, như Thiếu úy Nguyễn Sang thường chơi. Tôi nhớ ngày Đại đội 2/21 Biệt Động dừng quân ở thôn Cẩm Văn, gần đồi Bồ Bồ Đà Nẵng, Sang sai lính kiếm một miếng nhỏ của gỗ hòm về gọt thành hình quả tim và một tờ giấy ghi 24 chữ cái, với sáu chữ: Tiên, Phật, Thánh, Thần, Ma, Quỉ. Đến khuya ông thắp nhang, rồi bảo Thiếu úy Phước, Trung úy Ẩn và tôi, mỗi người đặt một ngón trỏ lên quả tim, gọi là cơ. Sang khấn lâm râm, đọc “thần chú”, nhưng vái hoài mà chẳng thấy động tĩnh gì hết. Nghĩ tại mấy thằng lính ngồi xem lại cười khúc khích làm mất linh nên Sang bực mình đuổi tụi nó ra ngoài, thì cơ rục rịch, có “ai” về. Chắc hồn ma bóng quế này bị bệnh hoạn, đi chậm rì. Riêng tôi không xạo rồi, đặt ngón tay nhẹ nhàng. Còn Ẩn, miệng cứ mủm mỉm, mấp máy, muốn phì cười to. Một lát cơ trườn tới, chạy quanh chữ “Quỉ” mãi, như gà mắc đẻ. Thiếu úy Phước lắc đầu lia lịa, tỏ ý chê thằng “quỉ” nào nhập ẩu. Tôi nói: “Kệ cha nó, Phước! Quỉ sứ hay cô hồn gì cũng được, miễn nhập vào là vui rồi. Sang tiếp tục vái cầu đi!”. Quách Ẩn nín hết nổi, thình lình ngã ngửa ra sau ôm bụng cười khật khật, chân thì đạp tung bàn cơ, nhang đèn văng tuốt ngoài trại, khiến tụi lính xúm xem quá trời…
 
Nằm nhớ chuyện vui và nghĩ bậy bạ trong đầu, tôi nổi cười như Quách Ẩn trong đêm vắng. Tưởng đâu tôi bị ma ám, cao bồi Trung mất hồn, vội hỏi:
– Cái gì Đại Bàng cười ghê vậy?
Tôi ngồi phắt dậy, vờ nhún vai:
– Cho tao nằm giữa đi, khiếp lắm!
– Trời, Đại Bàng sợ ma hả?
– Ừ, mày lấy C4 nấu cà phê gấp, kẻo tao run lập cập đây nè. Hỏi Thiếu úy Thiều còn thức, muốn uống không, làm luôn hai ly!
 
Trung biết tôi đùa, vừa nhe răng cười vừa lòm khòm ngồi dậy đúng lúc các đại đội bắt đầu nổ súng đột kích lên đỉnh 94, nơi cửa khẩu, như Thiếu tá Thưởng nói hồi chiều. Hạ sĩ Hiệp chụp ống liên hợp áp vào tai.
Tôi bảo Văn nội bộ:
– Gọi máy dặn chừng các trung đội, Thám Báo luôn cả tiền đồn canh gác cẩn thận.
Xong, tôi nói mấy người lính chung quanh:
– Ở đây tao không ngán nữa. Bây giờ đứa nào gồng mình kể chuyện ma nghe chơi…
Mấy thầy trò tôi đang đùa giỡn cho bớt căng thẳng thì bỗng đâu Thiếu úy Thiều từ ngoài bức tường nhảy vọt vô cái bịch, làm ba thằng lính giật mình, tưởng âm hồn Ninja dưới mả trồi lên. Thiều ngồi xuống poncho:
– Nghe sắp kể chuyện ma tôi nằm không yên.
Tôi cười:
– Chứ không phải đánh được mùi cà phê sao?
– Cả hai luôn. Hôm trước Đại Bàng kể dở dang vụ Nguyễn văn Khanh, vì bị pháo kích, bữa nay xin tiếp tục…
Thằng Văn truyền tin cũng xúi:
– Đúng đó, kể tụi em nghe đi!
– Chờ có cà phê đã mày. Xong chưa Trung?
– Dạ xong!
 
Trung để hai ly cà phê nóng hổi trên thùng đạn đại liên, tôi vừa mời Thiều vừa bưng hớp một ngụm, rồi bắt đầu kể lại câu chuyện có thật đã xảy ra tại trại gia binh hậu cứ Liên Đoàn I Biệt Động Quân 1970:
– Đến bây giờ cũng chẳng ai rõ tên thật của người lính trẻ ấy đã một thời làm chấn động khu gia binh Phú Lộc Đà Nẵng. Đồng đội chỉ quen gọi nó là Khanh, Nguyễn văn Khanh, như được khắc trên tấm bia mộ ở Nghĩa Trang Hòa Khánh, Quảng Nam. Sinh thời, lúc 16, 17, nó đã có ý thích đi lính Biệt Động, nhưng chưa đến tuổi, nên nó lấy đại tờ giấy khai sinh của tên Khanh nào đó để tình nguyện nhập ngũ.
Khi Khanh tử thương, hậu cứ Đại đội 2 BĐQ đánh điện về nguyên quán theo giấy tờ thì không tìm ra được thân nhân nó. Chẳng lẽ tất cả đều là ma?
 
Tôi nhớ năm 1970, tôi làm Đại đội phó Đại đội 2, Trung úy Hồ Dơn Đại đội trưởng. Ngày nọ, một tốp tân binh bổ sung có Nguyễn văn Khanh, 20 tuổi, quê Sài Gòn. Thấy tướng cao ráo, lại đẹp trai, tôi cho vác khẩu đại liên M60 Trung đội 3. Khanh siêng năng, gan lì, không đam mê cờ bạc, gặp môn xóc dĩa thì chơi đôi chút, và nó chỉ thích giở chén nếu cái hô chẵn hay lẻ thừa. Dù ăn dù thua Khanh cũng bỏ đi.
 
Thấy Khanh cô đơn, thuộc loại con bà sơ, chả bao giờ nghe nó tâm sự buồn “xa quê hương nhớ mẹ hiền”, vợ chồng Trung sĩ Huỳnh Sinh, gia đình đạo Thiên Chúa, thương như em ruột, cho ở chung trong nhà. Mỗi lần đơn vị hành quân về hậu cứ, thú vui của Khanh là ra quán thụt bi da chơi tới khuya, khi về nhà thì bưng đèn xuống bếp đốt lò xô, chiên bánh bột mì ăn, đêm nào cũng vậy. Sinh có đứa con gái cưng, 12 tuổi, rất mến chú Khanh. Nhiều buổi tối cô bé cứ đeo theo coi chú đánh bi da quên cả học hành. Một hôm, đang lúc Khanh lục đục chiên bánh như thường lệ, cô bé cũng đói bụng ngồi chống cằm chờ ăn. Vợ Trung sĩ Sinh tức giận, vì việc này, và đêm nào cũng tái diễn, bà liền chụp cái lò ném tuốt ngoài sân, Khanh lặng lẽ ra lượm vào lấy búa kèm gõ sửa rồi bắt chảo lên bếp chiên bánh tiếp.
 
Sáng hôm sau, Đại đội hành quân, tảo thanh Việt Cộng tại các xã Hòa Lân, Hòa Hải, Hòa Phụng… là một vùng khá rộng cặp theo bờ biển với núi Ngũ Hành Sơn, Non Nước, do huyện Hòa Vang yêu cầu. Chẳng may Khanh đạp một trái mìn nội hóa, có mảnh trúng ngay háng, không nặng lắm. Đang lúc chờ trực thăng tải Khanh về nhập viện tôi tới ngồi kế bên, vừa đốt cho nó điếu thuốc Capstan vừa nói đùa:
– Khanh nhập viện tao buồn lắm, thiếu một tay xóc dĩa!
Với nét mặt tỉnh táo, nó hít một hơi thuốc:
– Em đau muốn chết, Thẩm quyền còn giỡn.
Rồi một lát, trực thăng đáp bốc Khanh, và mới bay lên cao mấy phút, pilot gọi ngược xuống báo Đại đội biết Khanh đã tắt thở, khiến ai cũng sửng sốt, chảy nước mắt.
 
Ở Quân y viện Duy Tân Đà Nẵng, dĩ nhiên bác sĩ biết chắc Khanh chết rồi mới đưa vào nhà xác. Sau đó hậu cứ Đại đội 2 BĐQ đánh điện hai ba lần về gia đình Khanh đều được trả lời “không có thân nhân”. Vì vô thừa nhận, đơn vị phải đứng ra mai táng Khanh theo nghi thức quân đội.
Nếu câu chuyện như vậy thì đâu có gì đáng nói, đơn vị tác chiến nào cũng có trương hợp tương tự, lính độc thân, vô gia đình, khi qua đời đơn vị chôn cất. Khanh lại khác, ghê hồn…
 
Ngày hậu cứ vào bệnh viện nhận xác có vợ Sinh cùng đi. Điều lạ lùng là lúc bà đến gần thì thình lình Khanh nằm trong bao nylon vụt quay mặt qua đưa đôi mắt mở to, trao tráo trắng dã nhìn bà. Hoảng hốt vợ Sinh cắm đầu tuôn chạy. Đó là lần đầu Khanh ma “chào tái ngộ” bà.
 
Đã chôn Khanh một tháng rồi, vợ Sinh còn liên tục chứng kiến nhiều đêm khủng khiếp. Nó hiện nguyên hình. Cứ 10 giờ tối là có tiếng chân người giậm ba cái trên nóc tôn, rồi Khanh với bộ đồ hoa rừng, đầu đội mũ nâu, nhảy xuống giữa nhà như đi đánh bi da về. Thấy vậy, hai mẹ con nằm trên giường phát run lập cập. Kế tiếp, Khanh bưng cây đèn dầu nơi bàn xuống bếp, lấy dao búa gõ lốc cốc, giống lúc còn sống sửa cái lò xô vậy. Xong, nó mồi lửa chiên bánh. Khi sống siêng năng bao nhiêu, nay chết Khanh lười bấy nhiêu. Nó bày ra nấu nướng, ăn xong chẳng dọn dẹp chén bát, cây đèn không đem lại bàn, cái lò xô cũng để lửa cháy xanh lè, Khanh vội phóng lên nóc nhà “thăng thiên”. Anh chàng Ninja Mũ Nâu này chỉ chơi độc có ngón đó…
 
Kể tới đây thấy hai thằng Trung và Văn ngồi co rúm, mồm thì há hốc, tôi vụt hù to: “í à!” một tiếng rồi ụi lẹ vào giữa hai đứa nằm chùm hum. Cả đám giựt mình.
– Đại Bàng làm hết hồn!
Tôi cười ha hả:
– Biệt Động Quân gì yếu vậy?
Trung lắp bắp:
– Biệt là Biệt với ai chớ Động tới ma, Quân nào chả ngán? Đại Bàng kể tiếp đi mà!
– Thì cứ vậy, Khanh đêm nào cũng biểu diễn các động tác đó. Mấy tiếng kêu lốc cốc là Khanh lụi hụi sửa cái lò hư như khi còn sống. Bữa đầu bất ngờ thấy nó xuất hiện cầm cây đèn xuống bếp, lúc đi ngang qua giường hai mẹ con, tội nghiệp cô bé đang nằm lại mừng, quên mất Khanh đã chết khá lâu, buột miệng kêu to:
– Mẹ!… Mẹ!… Chú Khanh kìa!
Vợ Sinh vội bụm miệng nó:
– M…a!…
 
Hoảng hồn bà vội mò tìm xâu chuỗi dưới gối để niệm kinh. Niệm kinh là chuyện đạo của bà, Khanh vẫn chiên bánh ăn no thôi. Sáng sớm hôm sau, vợ Sinh lật đật dắt con “di tản chiến thuật” qua hàng xóm, tối về chịu trận, chứ rủ ai cũng không dám tới nhà ngủ.
Thế rồi tin đồn lan ra, Sinh đang ngoài hành quân, viết thư khuyên vợ: “Em chớ tin ba chuyện vớ vẩn. Chắc mình thương Khanh quá bị ám ảnh, chứ ma quỉ gì? Nếu em để đồn đãi rùm beng, ông chú biết được vào đập chết đó”. Gia đình công giáo dòng, lâu đời, gốc La Vang Quảng Trị, lại chưa bao giờ thấy ma lần nào, nên Huỳnh Sinh cho nhảm nhí. Nhưng Khanh vẫn về nhát hai mẹ con hoài. Có đêm sợ quá bà run lập cập thành tiếng to “hừ hừ”, làm ma Khanh đi sát cạnh giường nghe, liền đưa cây đèn vào soi sát mặt, bà thêm chết điếng. Bà viết thư hối chồng: “Nếu anh không về gấp, mẹ con em sẽ điên mất. Khanh dòm sát mặt em luôn”. Đọc thư khẩn báo, Sinh đâm rối trí, bán tín bán nghi, đến tôi tâm sự, và nhờ xin Đại đội trưởng cho Sinh đi phép. Tôi giúp ngay. Nhưng gặp ông Trung úy Hồ Dơn khó tính thấy mẹ, chẳng màng chơi hoặc tìm hiểu thuộc cấp, ông lại cự tôi:
– Anh nữa, cứ mắc lừa ba thằng lính xạo. Chúng luôn luôn phịa chuyện mà vẫn tin.
Bất đắc dĩ tôi phải thêm mắm thêm muối:
– Vợ con Trung sĩ Sinh đã thật sự bị khủng hoảng tinh thần. Đại đội còn đây lâu, Trung úy vui lòng cho ông ấy về nhà vài hôm giải quyết chuyện gia đình, sau này mình khỏi ân hận…
Trung úy Dơn trợn mắt:
– Gì ân hận? OK, đi đi, lên trễ chớ trách tôi!
 
Được chấp thuận Sinh vội nhảy lên chiếc trực thăng vừa đoå hàng tiếp tế xuống. Đến nhà Sinh tỏ vẻ bình thản ngồi ăn cơm chiều, tới tối lại làm oai nằm ngoài bìa giường lý giải chuyện khoa học cho vợ con nghe. Rồi mới mười giờ tối, đang lúc mọi người còn thức, khu gia binh Phú Lộc còn sinh hoạt ồn ào, thì có tiếng đùng đùng trên nóc tôn báo hiệu Khanh “giáng trần”. Là một tay Ninja thứ thiệt chăng, vẫn bộ chiến phục rằn ri oai phong của Biệt Động, như lúc đột kích đêm ở Phong Thử mấy tháng trước, chỉ thiếu cây Đại liên M60 thôi, Khanh biểu diễn ngay một đường lả lướt là cầm đèn xuống bếp đốt lò xô cháy sáng. Lúc bấy giờ Huỳnh Sinh mới thấy rõ thằng em tinh thần, vội ôm cứng vợ con co rúm nơi góc giường, miệng thì lập cập cầu nguyện. Hình như đã ăn bánh rồi và trước khi thăng thiên, Khanh cũng ba gai, chẳng thu dọn “chiến trường” gì cả, để nồi niêu xoong chảo lung tung.
Trung sĩ Sinh còn dạn dĩ, nửa đêm dám ra quán mua nhang đèn vàng bạc. Bà chủ quán đã biết câu chuyện ma Khanh vẫn hỏi móc:
– Uïa, chú công giáo, mua đồ cúng ai vậy?
– Đâu có! Tôi bắt chước thiên hạ tối nên thắp nhang để ấm nhà ấm cửa.
– Chớ không phải vái thằng Khanh sao?
Sinh im lặng quay về, đốt nhang đứng quay mặt ra đường, lâm râm: “Khanh ơi, sống khôn thác thiêng, hồn còn lẩn quất đâu đây, đừng về nhát chị và cháu nữa, cũng đừng lấy dao lấy búa… sửa hoài cái lò xô méo mó ấy, ghê quá! Vợ chồng anh hứa đến ngày kỵ cơm em đàng hoàng, Khanh ạ!”.
 
Quả thật, Nguyễn văn Khanh bỏ nghề Ninja. Gia đình Sinh không phải tối nào cũng run lẩy bẩy, sáng nào cũng dọn dẹp, tắt lửa, rửa chảo… cho chú ma dễ thương!
Hai hôm sau lên hành quân Sinh trình diện, tôi hỏi:
– Chuyện thế nào?
Thấy có người đứng gần, Sinh đáp:
– Họ đồn nhảm thôi!
Chưa kịp hiểu ý, tôi tức giận:
– Này, đừng bao giờ xin đi phép nữa, nghe chưa?
Sinh nháy mắt tôi ra ngoài phân bua:
– Xin lỗi Thiếu úy, sợ tụi lính nó nghe nên tôi nói vậy, chứ Khanh hiện ma thật. Tôi kể để Thiếu úy biết thôi, đừng nói ai. Ông chú ở La Vang hay được là chết, dù lớn đầu, có vợ con mặc kệ, ổng cũng đập như trâu.
Trung sĩ Huỳnh Sinh thuật lại đầu đuôi câu chuyện rồi kết luận bằng một hơi than thở:
– Thằng Khanh chắc nó điên, quậy vợ con tôi dữ quá! Lúc Khanh còn sống, tôi có làm khó dễ gì nó đâu. Bên Phật giáo cũng vậy chớ, Thẩm Quyền?
Tôi làm bộ nghiêm nghị:
– Trời, ma mà kể chi ai, bộ nó ớn đạo à?…
 
Đột nhiên, một trái hỏa châu 105ly nổ bùng sáng chói trên bầu trời, tôi chợt nhớ ông bạn tù Nguyễn Thành Công, vội đập vào vai thằng đệ tử Huỳnh văn Trung:
– Thấy mẹ, mày chạy coi con ma Việt Cộng ấy còn không, hay đã thăng thiên theo thằng Khanh rồi?
Trung coi bộ lạnh cẳng, thò thụt cả đỗi mới ra khỏi lều. Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn cũng gọi máy nhắc 4 đại đội canh gác cẩn thận. Câu chuyện ma Nguyễn văn Khanh, từng làm chấn động khu gia binh Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân Phú Lộc, phía bắc thành phố Đà Nẵng, phải được chấm dứt để anh em ngủ, mai tiếp tục đi “cày” sớm.
CÒN TIẾP /Kỳ 13
Trần thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
 
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân


No comments: