Wednesday, March 8, 2023

ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân

ANH HÙNG BẠT MẠNG (3)
Trần Thy Vân

Anka Pham

TÌNH YÊU LÃNG TỬ
Hôm nay, quận lỵ Mộ Đức, phía nam Quảng Ngãi, trở nên nhộn nhịp khác thường, nhất là nơi khu phố chính cặp hai bên Quốc lộ 1, và các thôn làng phụ cận. Sự nhộn nhịp không phải do dân chúng chuẩn bị các nghi lễ cổ truyền vào mấy ngày rơi rớt cuối năm, để tống cựu nghinh tân chào đón xuân về, mà vì toàn bộ Liên đoàn 1 Biệt Động Quân vừa mới đến. Lực lượng hùng hậu rực màu áo chiến hoa rừng này xuất hiện nhằm mục đích ngăn chặn bước tiến của Cộng quân từ Đức Phổ, và sẽ tái chiếm Sa Huỳnh nay mai.
 ----------------

Tất cả tạm rải ra nhiều vị trí trong quận. Tiểu đoàn 21 Biệt Động Quân đóng chung quanh chân đồi Chi Khu Mộ Đức, Đại đội 1/21, tôi Đại đội trưởng, trấn giữ một con xóm ở phía bắc, rất đông đúc dân cư.
 
Sau khi cử một toán đi tuần tiễu trong khu vực thì trời tối. Để mặc anh em thuộc Bộ Chỉ Huy Đại đội tự do nô đùa trước sân, tôi vô buồng thay quần áo. Vừa tới cửa, qua ánh đèn dầu lờ mờ, tôi thấy Lý nằm dài trên giường, hai tay khoanh ngực, đầu gối lên bộ đồ hoa của tôi. Điều ngạc nhiên là cô gái mới quen chưa đầy một buổi đã tỏ ra thân mật. Hay bà Luyến chủ nhà quên nói Lý biết căn buồng này dành riêng cho tôi mượn để nghỉ ngơi thời gian đơn vị dừng quân Mộ Đức. Không hiểu Lý vô đây lúc nào. Tôi định ra rầy chú lính cận vệ Huỳnh văn Trung quá sơ hở, chẳng xem xét gì hết, nhưng thôi, ba chuyện không đáng.
Tôi đứng nhìn và sau đôi phút ngần ngừ, ngại làm tan biến giấc mộng hồn nhiên của cô gái đang độ xuân thì, tuổi mười bảy bẻ gãy sừng trâu, tôi khe khẽ bước đến ngồi xuống cạnh giường cởi giày. Lý vẫn ngủ say…
Nhớ hồi trưa nay, thấy Lý lăng xăng giúp các chú lính làm việc lặt vặt, miệng chúm chím cười luôn, tôi hỏi đùa:
– Này Lý, em có thích theo anh về Đà Lạt không?
Lý chớp chớp đôi mắt:
– Về Đà Lạt làm chi?
– Thì… ở chơi với bà già anh.
Lý vừa pha tôi ly nước vừa đáp:
– Thôi, em sợ vợ anh ghen lắm!
 
Câu nói như ẩn ý dọ dẫm, mà tôi thường nghe các cô tinh đời đối đáp mấy chàng dê xồm tán tỉnh. Tôi nghĩ Lý còn ngây thơ, nói cho có nói thôi, chứ chắc gì nàng đã chứng kiến cảnh lấy nhầm chồng của các bà sư tử Hà Đông. Lý cũng chẳng sợ chuyện nào khác, ngoài cái chết dễ dàng bởi bom đạn hằng ngày trút xuống Đức Lương, ngôi làng nhỏ bé của nàng, phía đông Mộ Đức. Lý nói các chú Biệt Động, Đức Lương mất an ninh trăm phần trăm lâu rồi. Đúng vậy, nơi đó tôi biết rõ vì đã hành quân qua nhiều lần. Mấy năm sau này, chiến tranh quá ác liệt, Đức Lương nối liền với Đức Quang, hai xã kề biển đều xơ xác giữa rừng cây dương liễu, và chằng chịt bom mìn gieo chết chóc tang thương khủng khiếp. Trong làng, trai trẻ không dám ở, nên có kẻ theo Việt Cộng, người thì tự nguyện đi lính Quốc Gia, hay đổ về các thành thị kiếm ăn, chỉ còn ông già bà cả và trẻ em sống đói rách, loi nhoi dưới những căn hầm bẩn thỉu, mà lòng đầy căm hờn cả đôi bên chiến tuyến.
 
Quê hương đau khổ của Lý như vậy làm sao có những đêm trăng tình tự với nam thanh nữ tú hẹn hò, mộng mơ?
 
Hoàn cảnh Lý thật đáng thương. Tôi vuốt nhẹ mái tóc túm đuôi ngựa của nàng:
– Lý giống em Huệ anh lắm! Giống y chang, cũng ôm ốm, da ngăm ngăm…
Chỉ vậy thôi, mà bây giờ Lý quá tự nhiên, còn hơn là tình nhà binh nữa. Lý nằm có vẻ thoải mái, chẳng biết gì đến cảnh thực u trầm này. Tôi nghe rất rõ từng nhịp tim, tiếng thở mạnh phảng phất mùi da thịt lẫn mùi hăng hắc từ mái tóc nắng cháy nơi người thôn nữ. Tất cả cho tôi một cảm giác là lạ mà thích thú hơn những mùi hương son phấn của các cô gái thị thành.
Lý cựa mình rồi bẽn lẽn ngồi dậy. Tôi hỏi nhỏ:
– Sao nằm đây?
Giọng Lý khàn khàn:
– Em bị cảm.
 
Tôi vặn cao ngọn đèn trên bàn bên đầu giường để nhìn Lý rõ hơn, căn buồng vừa vụt sáng thì bất ngờ một thiếu nữ mặc áo cụt trắng xồng xộc bước vô. Thấy tôi, người ấy ngỡ ngàng khựng lại, định quay lui. Tôi hỏi:
– Này, cô đi đâu vậy?
Người thiếu nữ vẫn còn sửng sốt, nhìn tôi với đôi mắt tròn to và long lanh dưới ánh đèn, dễ chết lòng người:
– Xin lỗi, nhà dì Luyến tôi thường qua đây. Vì trong buồng mờ tối tôi tưởng có mình Lý, không biết ông trong này…
 
Cô gái lạ nói một hơi dài móc méo, như tràng đại liên bắn từ trái sang phải, tôi cùng Lý đều trúng đạn.
Dứt lời nàng vội bước ra khỏi cửa buồng đứng vọng vào:
– À Lý, mai dậy sớm đi quơ củi chụm tết, nghen!
Lý uể oải:
– Mệt lắm! Em bệnh, chị Nhị à!
– Bệnh gì?… Bệnh ốm nghén, phải hôn?
Sau câu nói chanh chua chuối chát, người thiếu nữ tên Nhị còn bồi thêm một tiếng “hứ” cao vút rồi mới chịu bỏ đi. Ghê thiệt!
Tôi lấy một điếu Capstan đốt hút:
– Em và Nhị liên hệ thế nào, Lý?
Lý ngồi bó gối trả lời:
– Hai chị em bạn dì. Mẹ chỉ, mẹ em và dì Luyến là ba chị em ruột. Cha mẹ em đã chết lâu, em mới ra đây ở một tháng, chớ trong Đức Lương khổ lắm! Thôi, để em xuống nhà dưới ngủ võng, kẻo Nhị chạy mét bà dì Luyến đang chơi bài tứ sắc bên kia thì nguy. Chỉ ghen nữa.
Tôi ngạc nhiên:
– Làm gì có chuyện đó?
– Nhị biểu em mà!
– Biểu cái gì?
Lý liếc qua tôi:
– Chị biểu giới thiệu chị cho anh. Chị học đệ nhất trên tỉnh, thích lấy chồng sĩ quan Biệt Động.
Tôi cười:
– Sao hồi sáng giờ không nói? Được, để anh qua bển trấn an Nhị, nếu không, cổ mét dì Luyến thì chết!
– Mới nghe nói cái ham lắm!…
Không đợi tôi trả lời, tội nghiệp, cô em đã dùng dằng tụt xuống giường đi một mạch. Tôi cũng uể oải đứng dậy ra trước hiên nhà.
 
Mới 9 giờ tối trăng 24 tháng chạp chưa mọc nhưng bầu trời vẫn hừng hực, do ánh hỏa châu nơi Sa Huỳnh. Tiếng đại bác bắn quấy rối vọng về nghe dữ dội. Một đám lính cùng Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát Đại đội phó còn ngồi chơi bên gốc cây hoa phượng ngoài sân. Hình như không ai hay biết câu chuyện tay ba vừa xảy ra. Chợt thấy tôi anh em nói nhỏ lại. Chú lính cận vệ Huỳnh văn Trung bước tới:
– Đại Bàng chưa ngủ? Em pha cà phê uống, nghen?
– Ừ, làm tao một ly đậm, bưng qua đó!
Tôi đưa tay chỉ căn nhà bên phải và dặn thêm:
– Trung nhắc ông Thường vụ đôn đốc lính gác Bộ Chỉ Huy Đại đội cẩn thận và Hạ sĩ Hiệp luôn luôn trực máy, còn chú mày lưu ý cô gái nằm ở nhà dưới. Nếu cô ta có bệnh gì, bảo y tá cấp thuốc. Nhớ, đây là lệnh nghe mậy!
 
Trung gật đầu rồi lủi vào trong. Trước khi qua Nhị, tôi tới đám lính đang ngồi chơi. Thiếu úy Cát đứng dậy hỏi:
– Chưa ngủ, Trung úy?
– Ngủ gì nổi, Cát! Hồi chiều họp, Thiếu tá Quách Thưởng cho hay tình hình Sa Huỳnh căng lắm! Hai Trung đoàn 5 và 6 của Sư đoàn 2 Bộ Binh chẳng làm ăn gì được, lại thêm te tua, có mòi di tản. Chắc chiến trường chờ mình. Tiểu đoàn 39 Biệt Động sẽ nhảy xuống trước, nhưng chưa biết lúc nào xung trận thôi. Nhớ thường xuyên kiểm soát lính kẻo tụi nó vọt.
– Đề nghị Đại Bàng, sáng mai 5 giờ, cho toán Thám Báo Trung sĩ Nguyễn Nhật làm nút chặn ngoài đầu xóm.
– Ừ, còn 12 giờ khuya nay, trừ các tiền đồn ra, anh gọi tốp tuần tiễu về tập họp điểm danh cùng Đại đội. Giờ thì anh bảo canh gác cẩn thận và cấm bất cứ ai đi lang bang. Tôi ngồi chơi bên này.
 
Dứt lời tôi đi thẳng tới nhà Nhị, cô gái có giọng nói “chanh chua” và tiếng hứ cao vút. Thấy cửa còn hé, tôi đẩy nhẹ bước vào. Nghe tiếng động Nhị đang ngồi đọc sách ở bàn giữa, giật mình đứng dậy:
– Kính chào!…
Thấy tôi không đáp lễ, nàng vội gấp quyển truyện:
– Xin lỗi, Trung úy đến có chuyện chi không gõ cửa?
Điều tôi muốn đã đạt thành là tạo cơ hội cho nàng trả đũa. Tôi vẫn im lặng, chưa vội trả lời, và tự tiện kéo ghế ngồi đối diện với nàng như đã quen biết từ lâu. Ánh đèn dầu quá yếu, không soi sáng hết ngôi nhà ba gian tương đối rộng, mọi vật chung quanh đều vàng vọt, mờ dần, có chỗ chìm sâu vào bóng tối. Nhưng thân hình cô gái lại nổi bật, rực lên trong chiếc áo sơ mi trắng với suối tóc đen mượt chảy dài xuống bờ vai, vòng qua trước lồng ngực căng tròn. Bây giờ tôi mới thấy mái tóc nàng đẹp làm sao! Nó lung linh, che khuất nửa khuôn mặt mà các văn nhân mô tả là hình trái xoan. Nhị vẫn đứng, coi bộ sốt ruột, đôi môi bặm lại, có lúc mấp máy, dường như nàng muốn thốt thêm những lời cay đắng nào đó nữa. Tôi vờ không để ý, lấy cái mũ nâu trên đầu xuống gấp làm đôi…
– Sao Trung úy không nói?
– Hai bác đâu, thưa cô?
Người đẹp tỏ vẻ hờn dỗi, lùi ra sau dựa vào cây cột nhà:
– Trung úy chưa trả lời câu hỏi của tôi.
Tôi nói ngang ngang như gây:
– Không nghe à? Tôi lặp lại nhé! Hai bác đâu, thưa cô?
Nhị cúi xuống lấy tay vuốt vuốt lọn tóc:
– Ba đã chết, mẹ đi Quảng Ngãi chưa về. Mà anh…dễ ghét lắm, trả lời chẳng ăn khớp gì hết!…
– Thôi, mời chủ nhà ngồi, đứng hoài cũng trật rơ nữa.
Nàng mủm mỉm, ngoan ngoãn bước tới ngồi xuống ghế. Dễ thương thật! Tôi bật Zippo châm một điếu thuốc:
– Bây giờ tôi xin nói, nghe! Đời lính xa nhà buồn đã đành, thấy cô cũng buồn luôn.
– Sao anh biết tôi buồn?
– Vì cô có cười đâu và khuya rồi còn xem tiểu thuyết.
Nhị một tay vội lòn quyển sách cầm giấu dưới bàn, một tay che miệng:
– Tiểu thuyết đâu? Anh này kỳ, để ý người ta. Ai biểu hồi nãy… ngang ngang chọc tức…
Nói đến đó nàng ngưng lại, nheo mắt nhìn tôi, làm như vừa chợt nhớ ra một điều gì quan trọng:
– Khuya rồi à? Hèn chi thấy anh vô buồng… ngủ rồi!
Tôi cười:
– Cô nói còn thiếu, cứ bổ túc, chớ đặt thành vấn đề.
Đôi mắt Nhị tròn xoe:
– Như vậy mà chưa thành vấn đề?
Bị nghĩ oan tôi chưa biết biện bạch thế nào cho nàng hiểu thì Trung bưng cà phê, trà và hai trái cam đến.
– Đem cam mà không đem dao lấy gì cắt, Trung?
Nhị đứng dậy:
– Để em lấy.
Trung rút lui còn nhìn tôi nháy nháy giỡn mặt. Nhị cầm con dao nhỏ lên, bổ mỗi trái làm tư. Tôi thì sớt cà phê ra hai ly:
– Mời cô dùng cà phê, có cả trà ngon, hiệu Quốc Thái Bảo Lộc, của bà già gởi.
– Cảm ơn anh, em xin ăn cam thôi.
– Đâu được. Cô biết hôn, vợ Biệt Động Quân ai cũng uống cà phê hết.
– Họ là vợ, còn em khác chớ bộ!
Thấy Nhị chớp chớp đôi mắt, tôi giả vờ nghiêm nghị:
– Không uống thì tôi đi về…
– Dạ uống, nhưng anh phải trả lời câu em hỏi hồi nãy đã! Phải trả lời mới được!…
– Câu hỏi nào?
– Thôi, đừng làm bộ quên, muốn nhắc hôn?
Thích chí bởi câu vặn vẹo của mình, Nhị vừa đưa múi cam lên miệng vừa khúc khích cười, đôi mắt thì mở to, đen nhánh, sáng như sao băng. Tôi cũng cười:
– Lại đặt vấn đề nữa rồi, tôi về hà…
– Đòi về hoài. Ai biểu nói chuyện với em gái mà cứ xưng tôi tôi, cô cô… À, còn ở đây lâu không anh?
Câu chuyện muốn chuyển hướng, tôi dè dặt:
– Việc quân đội sao biết trước được… cô!
Đột nhiên Nhị đứng dậy, lặng lẽ đi thẳng xuống nhà dưới. Tôi bước theo:
– Em đi đâu vậy?
– Xin lỗi, em nấu nước chớ trà nguội rồi. Mau mà.
– Cần anh giúp không?
Không đợi Nhị trả lời, tôi đến ngồi sát sau lưng. Nàng tỉnh bơ quẹt diêm, ngọn lửa rơm bùng lên sáng rực.
Biết người đẹp hờn dỗi tôi nịnh đầm:
– Ấm áp quá!… Anh vén dùm tóc em ra sau kẻo lửa cháy, nghen!
– Cháy bỏ!
– Cháy mất đẹp sao? Trả lời “chẳng ăn khớp gì hết”.
Nhị day qua tôi định nói gì, vô tình hai khuôn mặt kề nhau, thừa cơ tôi nhích tới hôn vào má nàng thật mạnh.
– Thôi đủ rồi, anh về bển đi, người ta đang trông.
– Nhắc nữa…
Nàng thì thầm trong miệng:
– Sao không? Nguy hiểm mà không biết.
Tôi ngạc nhiên, không hiểu ý của Nhị muốn nói điều gì mà lại nhấn mạnh như vậy. Tôi hỏi:
– Gì nguy hiểm? Thì ra em nghĩ bậy…
– Nếu anh là chồng… em xé xác cái rẹt!
– Dữ ha! Em đã ảnh hưởng ba truyện chưởng nặng rồi.
Dứt lời, tôi áp hai bàn tay vào hai bên mang tai xoay mặt Nhị qua tôi. Nàng nhăn lại:
– Đau! Anh làm gì vậy?
– Để coi sức “chưởng” và “lệnh xé xác” của em tới đâu.
Vừa nói tôi vừa ghì chặt Nhị hôn lên môi nàng lần nữa.
– Anh ẩu lắm!
– Nước sôi kìa em!
Nhị áp mặt vào cổ tôi:
– Nước sôi đâu bằng gan sôi?
Hai đứa vội ôm nhau cười lăn ra giữa nhà, bất kể quần áo lấm đầy tro bụi, trong lúc ấm nước sôi sùng sục trên lửa hồng…
 
Còn hai hôm nữa là Tết Nguyên Đán năm Quý Sửu. Đáng lẽ mấy ngày này thiên hạ vui nhộn, pháo nổ vang, cúng rước ông bà theo tục lệ. Nhưng vì tình trạng chiến tranh có nhiều biến chuyển căng thẳng, xóm làng chung quanh đành im lìm, vắng vẻ. Dường như ai cũng nơm nớp lo sợ, cứ chờ chạy giặc. Suốt chặng quốc lộ từ phía nam khu phố Mộ Đức Quảng Ngãi đến Tam Quan Bình Định tiếp tục gián đoạn lưu thông, không một chiếc xe, bóng người qua lại, chỉ có đạn đại bác bay trên vòm trời.
 
Sáng nay, Liên đoàn 1 BĐQ bắt đầu chuyển động, vài đơn vị tiến dần về hướng Đức Phổ. Đại đội tôi cũng bận rộn không kém, quá nhiều công việc cần giải quyết. Chu kỳ tiếp tế đã đến, tôi ra lệnh tất cả mang tối đa đạn dược, trên số quy định, chủ yếu là lựu đạn M26, mìn Claymore, khói màu, khói cay, và các loại soi sáng; những thứ ấy thích nghi với địa thế đánh ở Sa Huỳnh.
 
Đợt tiếp tế này ngon lành vì một năm mới có một lần. Quà cáp lổn ngổn, nào bánh mứt, hột dưa, nào thiệp chúc Tết của vợ con, thân hữu gởi ra, ai cũng một gói thơm phức, ngoại trừ mấy chú lính trẻ con bà sơ, tội nghiệp, mặc dù sẽ được san sẻ nhau dùng. Lần lượt từng trung đội bao quanh các thùng hàng, kẻ chia người nhận nhộn nhịp. Tôi cũng có phần. Ngoài thức ăn, cà phê, sách báo thường lệ, do hậu cứ cung cấp, còn thêm chai Martel với cây thuốc Capstan của người bạn gái Đà Nẵng gởi tặng. Cô ấy chẳng bao giờ quên kèm theo mấy dòng chữ với luận điệu “củ cà rốt và cây gậy”. Vì đời lính gian khổ tôi nhận hết.
 
Điều hôm nay tôi lấy làm buồn là có lệnh thuyên chuyển Thiếu úy Nguyễn Thuận Cát sang giữ nhiệm vụ mới bên Tiểu đoàn 39 BĐQ. Cát, một sĩ quan ưu tú, xuất thân khóa 24 Võ Bị Đà Lạt, làm Đại đội phó Đại đội 1 này từ sau ngày Quảng Trị thất thủ. Tính tình hiền hậu mà can đảm, anh từng giúp tôi nhổ nhiều cái chốt cam go, đặc biệt trong trận chặn đánh một đơn vị Cộng quân viện binh từ Cửa Việt lên giải vây cổ thành Đinh Công Tráng, Quảng Trị, đang lúc Thủy Quân Lục Chiến tấn công tái chiếm tháng 9/1972. Nay Cát đi, tuy có Thiếu úy Đặng văn Thiều khóa 6/69 Thủ Đức về thay thế, tôi vẫn cảm thấy mất một tay đắc lực. Còn Thiều thì người Nam, dân chơi lả lướt Sài Gòn, lần đầu tiên ra Vùng I, quê hương máu lửa, không thể một sớm một chiều mà quen ngay với chiến trường xa lạ và phức tạp này. Đã vậy, người sĩ quan ấy rất beau trai, mặt búng ra sữa, càng thêm mối lo cho tôi.
 
Tôi bảo Thượng sĩ Nguyễn Thiệp tập họp Đại đội kiểm tra mọi thứ sau khi nhận tiếp tế, đồng thời để anh em chào từ giã vị Đại đội phó khả kính và đón mừng người mới đến. Xong, tôi mời các sĩ quan vô nhà cụng vài ly Martel với đôi lời tâm tình chia tay, rồi bảo tài xế Phó Trọng lấy xe Jeep của tôi đưa Cát lên đồi Mộ Đức trình diện Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn 21.
 
Trời đã chiều, khu vực đóng quân trở nên yên tịnh, tôi định lấy báo ra xem thì nghe có tiếng nói bà cụ, mẹ của Nhị, đã về bên nhà, tôi vội qua thăm. Thấy tôi đường đột bước vô, người đàn bà có khuôn mặt khắc khổ ngồi ăn trầu nơi cái giường tre nhỏ, đứng dậy:
– Chào ông!
– Dạ, kính chào bác! Đi Quảng Ngãi vui không bác?
Bà cúi nhổ miếng nước trầu vào cái lon sữa bò dưới đất rồi vừa nói vừa than thở:
– Chi đâu Trung úy, tôi thăm cậu em mà tình hình lộn xộn quá, tôi về. Mời Trung úy ngồi chơi…
Bà quay mặt xuống nhà dưới:
– Nhị ơi, pha nước mời ông Trung úy uống, con!
– Thôi, cảm ơn bác! Thăm bác chút, cháu phải đi.
Nhị lật đật bước lên:
– Mẹ mới về, anh ngồi chơi đã.
 
Tôi ngần ngừ kéo ghế và thoáng nhìn trên bàn thờ đầu tủ mun kê sát vách gian giữa. Ngoài hộp đèn cầy với bó nhang, chẳng có món nào khác cho ba ngày xuân. Bộ tam gồm cái lư và cặp chân đèn bằng đồng vẫn màu xanh rêu bụi bặm. Chắc nhà đang gặp khó khăn túng quẫn. Tôi nhớ đêm hôm qua Nhị tỏ ý muốn thôi học, dù chỉ còn năm sáu tháng nữa nàng thi tú tài. Mấy bữa nay nàng hy vọng mẹ lên Quảng Ngãi xoay xở được chút ít tiền, kết quả lại bất thành.
Trước hoàn cảnh y hệt ba mẹ tôi ngày xưa thường gặp, bao lần tết nhất mà nhà cửa đìu hiu. Nhìn nét mặt lo âu của bà, tôi không thể chịu nổi nếu làm ngơ, nên thành thật thưa:
– Bác à, cháu tên Việt Quốc, Đại đội trưởng Đại đội 1 này, xin bác cho phép cháu dời Bộ Chỉ Huy qua đây tạm trú ít hôm và tiện thể nhờ Nhị cùng đi với mấy chú lính mua sắm thức ăn lẫn đồ trang hoàng nhà cửa cho vui ba ngày Tết, nghe bác?
 
Trước khi trả lời, bà giở nắp quả trầu, rứt một miếng thuốc rê ra vo tròn như viên bi, đưa lên chà qua chà lại vào hai hàm răng vốn đã đen bóng:
– Tôi định mai 29, dẫn Nhị lên ăn Tết nhà ông cậu nó. Chừ Trung úy muốn thì… cứ tự tiện, coi như gia đình.
Tuy bà bằng lòng nhưng sao tôi nghe trong giọng nói trầm trầm, chậm rãi ấy có ý dọa dẫm bắt giữ Nhị của tôi làm “con tin”. Đúng là bà già trầu, mẹ vợ tương lai. Tôi ngỏ lời cám ơn rồi nhìn Nhị ngồi sát sau lưng bà, đôi mắt nàng chớp lia, sáng rực một cách tuyệt vời. Nhị không ngờ tôi đưa ý kiến đó. Hẳn nàng đang mừng thầm.
 
Xong, tôi quay ra ngoài sân hỏi lớn:
– Xe Jeep về chưa, Trung?
Người lính thân cận chạy vô:
– Dạ rồi, Đại Bàng!
– Trung lấy năm ngàn đồng và bảo tài xế Phó Trọng chuẩn bị xe xuống phố Mộ Đức. Kêu Xá mang súng theo luôn.
Tôi nói Nhị:
– Em nên ghi sẵn các món hàng cần, kẻo lát quên.
– Mua những thứ gì đây, Anh?
Nghe Nhị hỏi tôi ấm ớ, còn lẩm cẩm ba chuyện này. Đánh giặc thì tôi húc tới bến, vấn đề ăn uống lại không có tâm hồn. Tuy nhiên, tôi vẫn làm ra vẻ rành lắm, mắng yêu nàng:
– Thì… các món ăn Tết như thịt cá, hoa quả, đồ cúng, và… kẹo nữa. Sắp lấy chồng tới nơi còn hỏi!
Bà cụ cười:
– Con với Trung úy mua đại khái thôi, giặc giã mà!
– Rồi, em vô thay đồ đi, có mấy chú lính mình khỏi lo.
Nhị mặc quần đen với áo dài trắng như thường ngày đi học, vẫn mái tóc bồng bềnh dễ thương. Nhị cười tươi bước lên xe. Và, như một cuộc chạy trốn, tôi nhấn mạnh ga, chiếc Jeep vụt lao tới, tôi chỉ kịp nghe tiếng bà cụ đứng nơi ngưỡng cửa vọng theo: “Nhớ mua trầu cau cho mẹ!…”.
 
Nhờ các chú Biệt Động giúp, kẻ rửa đậu người vo nếp, mẹ của Nhị đã nấu xong đêm qua hai mươi đòn bánh tét nhưn đậu xanh. Sáng nay 29 Tết, anh em vẫn còn bận rộn phụ gia đình làm một mâm cơm thịnh soạn cúng rước ông bà. Tôi cùng Nhị kê bàn ghế lại gọn gàng rồi đặt chậu bông vạn thọ ngay trước tủ thờ là vị trí tốt nhất, từ ngoài cửa ai bước vô nhà cũng thấy. Trên các nhánh cây, Nhị gài các tấm thiệp “Cung Chúc Tân Xuân” quá màu mè. Chỉ có nàng hài lòng thôi chứ với lính tác chiến chẳng hạp nhãn chút nào. Năm nay hoa mai hiếm, các trận đánh chung quanh vùng còn tiếp diễn, không ai dám vô rừng chặt. May đâu nhờ tụi thằng Trung và Xá khéo lựa chậu vạn thọ, tuy đắt tiền nhưng nhiều bông to, vàng tươi rất đẹp.
 
Các sĩ quan trong Đại đội cũng ham vui, tham gia làm các việc lặt vặt. Thiếu úy Đặng văn Thiều loay hoay vặn Radio tìm nhạc hay, kích động, hết bản này qua bản khác. Chuẩn úy Hạnh thì cặm cụi sắp trái cây lẫn bia lon lên giữa bàn thờ. Vì sơ ý làm sao đó, Hạnh đánh rơi cả đĩa cam xuống đất lăn tùm lum ra tới cửa, khiến mọi người cười rần. Làm rể kiểu đó mất vợ là cái chắc.
 
Xong xuôi, tất cả bọn lính nháy mắt rủ nhau ra ngoài ngồi tán dóc, để bà cụ thắp nhang cúng vái. Nhị thì đi mời bà con láng giềng đến nâng ly. Dự trù đông khách Trung sang nhà kế bên mượn thêm bàn ghế.
Bữa tiệc kỳ ngộ rực màu nhà binh đến chiều mới mãn.
CÒN TIẾP /Kỳ 4
Trần Thy Vân
----------
More:
1. ANH HÙNG BẠT MẠNG (1) - Trần Thy Vân
2. ANH HÙNG BẠT MẠNG (2) - Trần Thy Vân
3. ANH HÙNG BẠT MẠNG (3) - Trần Thy Vân
4. ANH HÙNG BẠT MẠNG (4) - Trần Thy Vân
5. ANH HÙNG BẠT MẠNG (5) - Trần Thy Vân
6. ANH HÙNG BẠT MẠNG (6) - Trần Thy Vân
7. ANH HÙNG BẠT MẠNG (7) - Trần Thy Vân
8. ANH HÙNG BẠT MẠNG (8) - Trần Thy Vân
9. ANH HÙNG BẠT MẠNG (9) - Trần Thy Vân
10. ANH HÙNG BẠT MẠNG (10) - Trần Thy Vân
11. ANH HÙNG BẠT MẠNG (11) - Trần Thy Vân
12. ANH HÙNG BẠT MẠNG (12) - Trần Thy Vân
 
13. ANH HÙNG BẠT MẠNG (13) - Trần Thy Vân
14. ANH HÙNG BẠT MẠNG (14) - Trần Thy Vân
15. ANH HÙNG BẠT MẠNG (15 - Cuối) - Trần Thy Vân
   

No comments: