Hàng năm, cứ mỗi độ tháng tư về, trong lòng người quân dân miền Nam không ai tránh khỏi phút giây suy tư để hồi tưởng lại những ngày bi thảm, đau buồn cuối cùng của cuộc chiến. Xin tưởng nhớ đến các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh và bỏ mình vì chiến cuộc.
Tôi vừa mới bay ra biệt phái ở Đà Nẵng được hai hôm, đang nằm trong phòng ngủ Biệt Đội đọc báo thì thằng Dũng “skate” hớt hải chạy vào nói cho biết là Ban Mê Thuột đã bị thất thủ. Lúc đó khoảng 9 giờ tối ngày 12 tháng 3 năm 1975. Thật bàng hoàng sửng sốt, tôi thầm nghĩ, mới cách đây chỉ có hai ngày, quân Cộng sản đã mở một cuộc tấn công đánh vào thành phố này, vậy mà bây giờ đã bị lọt vào tay giặc rồi ư…sao lại nhanh đến thế? Kể từ khi chuyển sang bay loại vận tải võ trang gần cả năm nay, tôi đã không còn có dịp nào để đáp xuống thành phố “Buồn Muôn Thuở” như những lúc trước kia nữa. Thành phố cao nguyên sương mù đất đỏ này đã để lại nơi tâm hồn tôi một vài kỷ niệm khó quên, nên tin nó mất vào tay giặc đã làm lòng tôi thật bồi hồi xúc động.
Cách đấy chừng một vài tháng, cứ mỗi lần đi biệt phái ra Phù Cát, trong những phi vụ yểm trợ cho các vùng Tây Nguyên, chúng tôi đều phát hiện ra những đoàn xe dài lê thê, nối đuôi nhau chạy xuôi về phía Nam. Giữa không trung bao la, trong bóng tối mịt mùng, con tàu có lúc như xé màn đêm lướt tới, lại có lúc như bềnh bồng dưới ánh trăng khuya cùng với muôn ngàn vì sao lấp lánh. Từ trên cao độ nhìn về phía hướng Tây trước mặt, ngã ba biên giới Việt-Miên-Lào, chúng tôi đã nhìn thấy được những chùm đèn mờ ảo, ẩn hiện giữa núi rừng hoang vu. Xa tít nữa là vệt sáng của những đoàn xe lượn khúc, quanh co trên đường mòn HCM như những khúc sông chảy dài đến bất tận. Thế nhưng khi chúng tôi bay đến gần hơn, thì tất cả chỉ còn lại là đêm đen của núi rừng Trường Sơn trùng điệp bạt ngàn bên dưới. Lúc này nhớ lại, tôi nghĩ chắc đó là những lúc Bắc Việt chuyển quân và chiến cụ vào sát các tỉnh Cao Nguyên, và bây giờ thì họ mới bắt đầu hành động!
Tình hình chiến sự thật sôi động đã tạo ra nhiều bất ổn ở các tỉnh Cao Nguyên và nhất là việc Quân Đoàn II âm thầm lui binh theo kế hoạch của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đã làm cho tâm tư của dân chúng ở khắp mọi nơi vô cùng hoang mang, xao xuyến. Nơi vùng địa đầu giới tuyến, người dân Quảng Trị, Huế đã ào ạt, lũ lượt từng đoàn người như thác đổ, cùng nhau cuốn chạy về Đà Nẵng để lánh nạn, mặc dù ở những nơi này chưa thấy có dấu hiệu gì là sẽ đánh nhau. Chắc có lẽ họ sợ và không muốn nhìn thấy lại cảnh tàn sát tập thể tết Mậu Thân 1968, cũng như những chết chóc thê lương nơi “Đại Lộ Kinh Hoàng” mùa hè đỏ lửa 1972 trước đây.
Trạm hàng không quân sự Đà Nẵng đầy ấp với hàng ngàn người, cả dân sự lẫn quân sự, ai ai cũng cố tìm đủ mọi cách “lo liệu” làm sao để có tên mình trong danh sách trên các chuyến bay về lại Sài Gòn. Mục đích là để tránh xa nơi đây càng sớm càng tốt, vì họ sợ lần đánh nhau này cuộc chiến có thể sẽ còn dữ dội, khốc liệt hơn những lần trước.
Bảy ngày biệt phái của tôi rồi cũng trôi qua mau. Ngồi trong phòng lái nhìn xuống, tôi thấy như cả một rừng người ở trong phi trường, cũng như ở ngoài phố. Trong một thoáng suy tư, tôi nghĩ mình may mắn quá, rồi nhủ thầm “chạy giặc” sao quá khủng khiếp, hãi hùng. Rời khỏi phi trường Đà Nẵng hôm ấy, chính tôi cũng đã không ngờ đó là lần cuối cùng mình nhìn thấy và giã từ Đà Thành mến yêu, vì sau đó tôi đã không còn có cơ hội nào để trở lại thành phố này nữa.
Thật vậy, tình hình chiến sự ngày một tồi tệ hơn. Các thành phố như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng đều đã lần lượt bị bỏ lại theo kế hoạch di tản chiến thuật. Sau đấy cũng giống như một vết dầu loang, cứ nhịp nhàng tiếp nối nhau mất từ tỉnh này đến tỉnh nọ kéo dần xuống phía Nam. Rồi cũng đến Qui Nhơn, Bình Định, nơi đó có phi trường Phù Cát, và biệt đội AC-119K của phi đoàn Tinh Long 821 trú đóng cũng đã phải di tản về lại Tân Sơn Nhất. Nhưng rồi vì cường độ của cuộc chiến tăng nhanh, nên liền ngay sau đó, biệt đội được điều động gấp ra đóng ở Phan Rang để yểm trợ cho những phần đất còn lại của Quân Khu II. Lúc bấy giờ tôi được ưu tiên không phải đi biệt phái nữa, vì mới vừa ở Đà Nẵng về. Nhưng sau một buổi họp của phi đoàn và khi được biết có biệt đội đi Phan Rang là tôi mừng lắm, tôi liền đến gặp Thiếu Tá Nguyễn Hồng Sơn, trưởng phòng hành quân, để xin được đi ra đó. Thật tình mà nói thì từ lúc còn bé cho tới lớn, tôi chưa có dịp nào để được đi đến thành phố Phan Rang, tuy nó chỉ cách xa Nha Trang non một trăm cây số về phía Nam. Còn phi trường Phan Rang thì khi bay C-123K, tôi đã có dịp đáp xuống đây nhiều lần để trao đổi hàng hóa tiếp liệu, hành khách gia đình quân nhân, xong rồi lại cất cánh bay đi nơi khác. Phan Rang, địa danh mà tôi đã được nghe nói “đất cầy lên sỏi đá, nóng bức và gió cát quanh năm”, đâu có gì hấp dẫn để phải xin đi ra đó cho “biết đó biết đây” với bạn bè. Nhưng sở dĩ tôi xin đi Phan Rang là vì cũng đã lâu lắm rồi, chiến cuộc lan tràn khắp mọi nơi, cấm trại liên miên nên làm gì có được phép tắc để về thăm nhà. Tôi dự định nhân dịp này, ban ngày tôi sẽ “dọt” về Nha Trang thăm má tôi và gia đình, rồi luôn thể thăm thằng em đang làm tiếp liệu ở đấy, mà đã lâu rồi anh em tôi cũng chưa có dịp được gặp mặt nhau.
Cũng giống như những lần đi biệt phái trước, tôi về phòng lo thu xếp hai bộ đồ thường phục, hai bộ đồ bay cùng vài nghìn đồng cho vấn đề cơm nước, thế là khá đầy đủ cho bảy ngày đi biệt đội. Khoảng trưa ngày hôm sau, 31 tháng 3 năm 1975, chúng tôi gồm có hai mươi nhân viên phi hành đoàn, (mỗi phi vụ có 10 đoàn viên*) cùng với hai chiếc AC-119K cất cánh từ Tân Sơn Nhất để bay đi Phan Rang. Tuy đã hơi trưa nhưng trời Sài Gòn trong tiết tháng Ba vẫn còn mát mẻ, dễ chịu. Nhìn bầu trời xanh biếc cùng với những áng mây mỏng trắng xóa lững lờ bay, đã gợi nơi tâm hồn tôi một cảm giác nôn nao, nghĩ tới ngày mai sẽ được gặp lại má tôi và gia đình.
Sau khi đáp, chúng tôi được xe “follow me” hướng dẫn về đậu ngay trước mặt biệt đội. Biệt đội là một căn nhà hai tầng bằng gỗ của Mỹ để lại, nằm giữa trạm hàng không quân sự Phan Rang và Không Đoàn 92 chiến thuật. Khi nhìn bên ngoài biệt đội thì thấy nó giông giống như barrack độc thân mà tôi hiện đang sống ở Tân Sơn Nhất. Lúc mở cửa bước vào tôi thấy bên góc trái có một cái bàn và một máy điện thoại. Kế tiếp sau đó là hai mươi cái giường bố nhà binh, được xếp đối diện với nhau giống như thời học ở quân trường. Biệt đội đơn sơ chỉ có vậy, nhưng nghĩ lại thì dù sao đi nữa chúng tôi cũng vẫn còn sung sướng gấp trăm lần hơn những người lính chiến bộ binh, nơi họ ngủ chỉ là bụi bờ, rừng núi.
Chiều hôm đó, trong lúc tôi đang đứng đợi thằng em đến để chở đi ăn cơm, cũng như để nó chở đi lòng vòng xem sự rộng lớn của căn cứ này mà nó thường hay kể cho tôi nghe, thì tôi thấy có một người thanh niên còn rất trẻ, tuổi trạc chừng mười tám, hai mươi, đi từ hướng Không Đoàn 92 Chiến Thuật tiến về phía tôi đang đứng. Khi đến trước mặt tôi, anh mỉm cười rồi tự giới thiệu:
- Xin chào anh Ngùng, em tên là (Võ Ngọc) Sơn, cháu ngoại của ông Năm Bán ở phía trong nhà má anh đó. Em đang làm văn thư cho Đại Tá Thảo, Không Đoàn Trưởng Không Đoàn 92 Chiến Thuật. Anh có biết Đại Tá Thảo “nâu” không?
- Anh chưa hề nghe và biết ông là ai cả. Rồi tôi hỏi lại Sơn.
- À! mà sao em lại biết anh và tên anh?
- Chắc là anh không biết em, chứ em biết anh nhiều lắm. Sơn nói thế thì tôi biết thế, chứ thật ra đây là lần đầu tiên tôi gặp và biết Sơn, thì làm sao Sơn biết tôi nhiều lắm?
Rồi Sơn lại nói tiếp:
- Anh Ngùng, khi nào vào lại Sài Gòn anh cho em đi với, đừng bỏ em lại nghe anh! Cũng kể từ sau buổi gặp mặt này, ngoại trừ khi tôi đi bay, lúc nào tôi cũng thấy Sơn quanh quẩn ở bên tôi như hình với bóng. Có lẽ Sơn sợ tôi bỏ nó lại, thậm chí là cả đám bạn của nó, trong đó có cả thằng em tôi, đều ngủ ngay nơi chân cầu thang biệt đội.
Tối hôm đó, sau một chuyến bay hành quân trở về, đã khuya lắm rồi mà chúng tôi chưa có đứa nào chịu đi ngủ. Cả đám vẫn đứng ngồi ngoài hành lang để xem những tia đạn lửa đỏ chót, thỉnh thoảng được bắn, vụt bay lên không trung rồi biến mất, cũng như để nghe những tiếng đạn lớn nhỏ “tạch tạch”, “đùng đùng” nổ vang vọng từ xa dội lại trong đêm khuya thanh vắng, phá tan bầu không khí âm u, tĩnh mịch như đang bao phủ xuống cả phi trường. Chúng tôi cùng trầm ngâm nói với nhau chuyện trời trăng, mây nước, chuyện chính trị, chuyện thời sự đang nóng bổng, chuyện tin đồn làm hoang mang dư luận và sôi nổi nhất là chuyện “cắt ngang” Nha Trang để làm vùng trung lập v…v… Bất chợt, Sơn nói với tôi:
- Anh Ngùng ơi, anh sang bên Không Đoàn chơi để biết chỗ làm việc của em và em cho anh xem cái này đẹp lắm…
Tình cờ sau hơn 31 năm lưu lạc nơi xứ người, lần đầu tiên trong đêm Không Gian hội ngộ lần thứ 28 của Hội Ái Hữu Không Quân miền Bắc California - ngày 7 tháng 10/2006, tôi đã hân hạnh được gặp Đại Tá Thảo. Sự gặp gỡ này, thoáng nhìn và không cần ai phải giải thích, tôi cũng biết được tại sao bạn bè ông lại gọi ông là Thảo nâu, và bất chợt đã gợi cho tôi nhớ lại việc Sơn đưa cho tôi xem cây súng Carbin cắt báng, cắt nòng với băng đạn cong và được đánh vernie đẹp lắm của ông mà theo thời gian, nó cũng đã chìm vào quên lãng…
Sáng hôm sau, 1 tháng 4 năm 1975, khi trời vẫn còn lờ mờ trong bóng đêm, trong bộ đồ thường phục, túi bay chứa cây súng Rouleau P-38, tôi hớn hở theo trực thăng bay về Nha Trang. Mỗi lần có dịp về thành phố này, việc đầu tiên là tôi đi xe ôm ra ty Điền Địa, cạnh ty Cảnh Sát Quốc Gia trên đường Lê Thánh Tôn, nơi cậu tôi đang làm việc và gia đình ông được ở phần còn lại trên lầu của ty, để mượn chiếc xe Honda dame chạy làm chân. Khi anh xe ôm chạy dọc theo bờ biển, tôi thấy ánh hồng đỏ rực như lửa của mặt trời vừa mới ló dạng, phản chiếu cùng sóng biển nhấp nhô, dạt dào vỗ nhẹ vào bờ đã tạo thành một bức tranh thật sống động, đẹp tuyệt vời! Bãi biển này, khoảng từ viện Pasteur gần tòa Tỉnh đến trường trung học Bá Ninh, là nơi tôi thường hay bơi lội nhất, vì từ trường tôi theo học, nằm trên đường Bá Đa Lộc, xuống biển rất gần. Nếu ngày nào có giờ học liên tiếp bốn tiếng một buổi thì thôi, chứ hễ có giờ nghỉ, thay vì về nhà, chúng tôi, một lũ bạn thích bơi lội lại rủ nhau xuống tắm biển, bất kể sóng to hay nhỏ, buổi sáng hay buổi chiều. Tôi còn nhớ có rất nhiều hôm chuông nhà thờ Đá giựt báo 6 giờ chiều mà cả bọn chúng tôi vẫn cứ tắm. Đúng là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Và hôm nay, ngoại trừ những người đi tắm biển vào buổi sáng sớm, còn lại thành phố như vẫn đang say vùi trong giấc điệp.
Từ phi trường ra ty Điền Địa, rồi đến nhà chị hai tôi trên đường Quốc Lộ Số 1, cạnh bến xe Nha Trang-Thành-Ninh Hòa, từ đó tôi chạy về Thành** thăm má tôi. Lúc ấy, tôi thấy ở Nha Trang lẫn cả ở Thành, sự sinh hoạt buôn bán, đi lại của người dân vẫn thật bình thường, không có vẻ gì là lo sợ chiến tranh đang sôi sục ở khắp mọi nơi. Vậy mà khoảng gần trưa khi tôi chào má tôi để xuống lại Nha Trang, thì chao ôi…ở Thành dân chúng đã tấp nập kéo nhau chạy vào Cam Ranh. Rồi khi xuống đến Nha Trang, cảnh tượng người dân chạy giặc từ Tuy Hòa, Vạn Giã, Ninh Hòa đã ào ạt đổ vào Nha Trang, làm cho các đường phố chính hầu như đều bị tắt nghẽn lưu thông, nhất là đoạn đường chạy xuyên qua thành phố từ Tháp Bà, cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra vào tới ty nằm giữa đường Độc Lập và Trần Quý Cáp.
Khi vào đến phi trường khoảng 1 giờ chiều thì quang cảnh ở đây lại hoàn toàn trái ngược với các đường phố bên ngoài. Phi trường thật im lìm, vắng lặng. Thỉnh thoảng tôi chỉ thấy một vài quân nhân chạy xe vội vã ngược xuôi. Ngoài ra, không có một chiếc máy bay nào, kể cả trực thăng lẫn vận tải, L-19 hay T-41 bay đến hoặc bay đi. Khi biết chắc là không còn có phương tiện nào để theo vào Phan Rang nữa, tôi đâm ra hoang mang, lo sợ. Cuối cùng tôi đi xe ôm ra ty Điền Địa để nhờ người tài xế của ty hoặc cậu tôi đưa tôi vào Phan Rang. Nhưng rồi nửa đường tôi lại đổi ý vì không muốn làm phiền cậu, nên tôi nhờ người lái xe ôm đưa tôi đến thẳng bến xe Sài Gòn trong Xóm Mới để đi xe đò. Khi đến nơi thì tôi thấy số người đợi xe quá đông, nhưng xe thì vỏn vẹn chỉ còn lại vài ba chiếc Traction (lớn hơn xe taxi) đi Phan Thiết, mà xe nào xe nấy khách ở bên trong cũng đã ngồi lên lòng nhau, nêm như cá mòi đóng hộp, còn trên mui thì cũng đã chất đầy ấp hành lý, đang sửa soạn để rời bến. Tôi cầu may bước đến bên cạnh một anh tài xế để ngỏ lời xin đi, thì được anh vừa trả lời, vừa chỉ vào bên trong xe:
- Đã đầy như thế kia thì còn chỗ đâu để ngồi.
Tôi liền chỉ chỗ trống trên mui thì được anh bảo:
- Của anh lơ xe.
Thấy người tài xế vui vẻ, cởi mở đối đáp những gì tôi hỏi nên tôi liền đề nghị:
- Hay là nhờ anh dời giùm một gói hành lý, chất cao thêm lên thì sẽ có một chỗ trống cho tôi. Tôi sẽ trả tiền bằng giá người ngồi bên trong.
Tuy không trả lời thẳng với tôi, nhưng khi thấy thầy trò họ mở dây, chất lại hành lý là tôi mừng thầm. Và giá tiền tôi ngồi trên mui là 2000 đồng, bằng nữa số tiền tôi mang theo cho bảy ngày đi biệt phái.
Xe rời bến, chạy trên đường Nguyễn Hoàng ngược về phía chợ Xóm Mới làm tôi nhớ lại bao kỷ niệm thời còn đi học, tôi đã theo ở với các cậu tôi ở số 7 Bạch Đằng, cạnh trường tư thục mẫu giáo Đồng Ấu, 32 Nguyễn Trãi (góc đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Hoàng) rồi 57 Huỳnh Thúc Kháng ngay trước một mặt chợ Xóm Mới. Chợ Xóm Mới rất nhỏ, nhưng vuông vắn, được tạo bởi góc của bốn con đường: Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Trung Trực và Huỳnh Thúc Kháng. Xe tiến dần rồi qua khỏi Mã Vòng, bỏ lại sau lưng tôi con đường Gia Long với hàng lá me bay cùng với thành phố miền thùy dương cát trắng. Lúc còn nhỏ cứ mỗi lần từ Thành xuống đến Mã Vòng là tôi đã ngửi thấy thoang thoảng mùi cát cùng mùi mằn mặn của biển. Có thể nói Nha Trang đã in sâu vào tâm khảm tôi rất nhiều kỷ niệm từ lúc còn bé, cứ mỗi dịp hè về là được xuống Nha Trang để tắm biển. Lớn lên thì đầy ấp những kỷ niệm mộng mơ của tuổi học trò với hàng dừa xanh nghiêng bóng bên bờ cát trắng, cùng với những hàng thùy dương lao xao, rì rào với sóng gió đại dương. Vì thế cho nên cứ sau mỗi lần về phép, rồi trước khi trở về lại đơn vị, hay mỗi lần có những phi vụ đáp xuống, rồi lại cất cánh bay đi, là tôi cảm thấy và khó diễn tả được sự luyến lưu nơi tâm hồn mình đối với thành phố thơ mộng này làm sao! Giống như đó là lần cuối cùng, rồi chẳng bao giờ tôi còn có một dịp nào khác để được quay trở lại nữa.
Khi qua khỏi Thành thì xe bắt đầu chạy thật nhanh. Túi bay, ngoài cây súng tôi đã mang theo lúc sáng, giờ thì còn có thêm một ít trái cây hái ở vườn cùng với vài ràng bánh tráng ngọt Phú Khánh (Bánh ướt Phú Khánh rất nổi tiếng ở Thành) mà má tôi bảo:
- Đem vào cho bạn bè cũng như đem vào Sài Gòn để dành ăn.
Túi bay tôi xỏ vào cánh tay, hai tay nắm thật chặt vào thanh sắt được gắn vòng trên mui xe dùng để ràng buộc hành lý. Vậy mà cứ mỗi lần lách qua mặt xe khác hoặc lúc quẹo cua là tôi có cảm tưởng như mình muốn văng lìa ra khỏi xe. Cứ mỗi lần như thế thì tim tôi như muốn ngừng đập, tôi cố gồng mình nín thở như để… qua sông. Tôi nghĩ nếu lỡ người tài xế bị lạc tay lái thì chắc không còn một ai có thể sống sót được. Còn riêng tôi và anh lơ xe trước khi chết, chắc là phải văng ra xa vài chục thước. Nghĩ thì nghĩ vậy chứ mình làm gì được lúc bấy giờ. Thôi thì, mặc cho số phận! tới đâu hay tới đó.
Phong cảnh buổi chiều ở vùng quê thật đẹp và thơ mộng. Hai bên đường toàn là đồng lúa phẳng lì, mượt mà một màu xanh thẵm kéo dài đến tít tận dưới chân núi “Đồng Bò”. Đó là những hình ảnh quen thuộc ở vùng quê mà kể từ khi vào lính tôi đã không còn có dịp nào để được nhìn thấy nữa.
Gió chiều lồng lộng tạt mạnh vào người tôi. Nếu không có đeo cặp kính mát “pilot” thì chắc tôi đã phải nhắm nghiền đôi mắt lại. Tuy bị gió mạnh tạt vào người nhưng tôi cảm thấy tâm hồn mình thật thanh thản, nhẹ nhàng lân lân theo làn gió. Tôi nghĩ thấy trường hợp hiện tại của tôi cũng vui vui vì đã có những lúc mình bay tận trên trời cao, mà giờ này lại phải ngồi trên mui xe như thế này, có mấy ai biết được? Xe tiến dần vào đến Suối Dầu, nơi một bên là núi, và một bên là những vườn cây cao su được trồng rất lâu đời từ thời Pháp thuộc. Nhìn từ bất cứ một góc độ nào, những vườn cây cao su này cũng đều ngay hàng, thẳng lối trông rất đẹp mắt. Rồi tới Hòa Tân…
Xe đang chạy ngon trớn thì khi gần đến Động Bà Thìn, phải từ từ chạy chầm chậm lại, rồi dừng hẳn do sự ứ đọng cuộc rút quân của một đơn vị bộ binh, lúc ấy tôi không biết đó là đơn vị Bộ Binh nào, bây giờ sang đây đọc sách báo thì được biết đó là Sư Đoàn 23 Bộ Binh, cùng dân chúng kéo đi ngược trở lại. Trong bỗng chốc tôi đã hòa vào cùng với đoàn người di tản. Nào xe GMC chở gia đình vợ con quân nhân, xe Jeep, xe Dodge, xe kéo súng đạn. Dân chúng thì đủ mọi loại xe, nào là xe đạp, xe gắn máy, xe hàng, xe chở hành khách, xe tải, xe nhà, xe Lam ba bánh và có cả xe bò, xe ngựa…chiếc nào chiếc nấy đều chất đầy nhóc đồ đạc và người…là người. Còn người đi bộ, ngoài lính tráng với súng ống cá nhân ra, người dân thì kẻ gánh, người khiêng, kẻ bồng, người bế, tay xách nách mang. Tôi thấy những người sĩ quan bộ binh, chen lấn trong đám dân chúng, người nào cũng nhễ nhại mồ hôi, sắc mặt người nào cũng đầy vẻ căng thẳng tột độ, tay cầm súng Colt 45 đưa lên trời, miệng thì la quát liên tục “Tránh ra không thì bắn bỏ” phút chốc lại bắn “pằng pằng” để thị oai, dẹp đường cho đoàn quân tiến tới. Nhưng lúc này chẳng có người nào sợ, thà chết chứ không tránh, vì ai ai cũng muốn tiến tới phía mình muốn đi. Có nhiều lúc mọi người, mọi xe cộ cứ đứng nguyên một chỗ cả đến năm, bảy phút rồi mới nhích lên được một vài thước, rồi lại đứng, lại đi, vì những chiếc xe cứ tiến tới gần như đối diện với nhau mà không ai chịu nhường ai cả. Tiếng la khóc của các trẻ thơ, tiếng réo gọi ơi ới vì sợ lạc nhau, sự níu kéo, tranh giành từng bước đi cho việc sống còn, đã tạo ra một cảnh tượng giống như một buổi chợ vỡ, thật vô cùng hỗn loạn, vô trật tự. Còn trên không thì những chiếc A-37 lượn tới lượn lui giống như những con diều hâu đang cố tìm mồi để nhào xuống “đớp”. Và xa tận ở phía cuối chân trời tiếng “phành phạch” của những chiếc trực thăng bay xuôi về Nam, đã tạo nên những hình ảnh não nùng trung thực của cuộc chiến điêu linh. Đúng, bây giờ tôi mới chứng kiến được tận mắt cảnh “chạy giặc” thật là quá khủng khiếp, hãi hùng. Chiến tranh đã tạo ra không biết bao nhiêu cảnh cơ cực lầm than, rồi đổ lên đầu những người dân lành vô tội, cũng như bao sự hy sinh đè nặng trên vai những người lính chiến ngày đêm xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn. Có bao giờ những người sống trong nhung lụa giàu sang nơi phố thị, chợt một phút giây nào đó nghĩ về họ? Ngồi trên mui xe mà đầu óc tôi suy nghĩ miên man, ruột gan rối bời, lòng bồn chồn, nôn nóng giống như người đang ngồi trên lửa. Tôi càng nôn nóng mong cho lẹ lên bao nhiêu thì lại càng thấy thời gian chỉ chậm đi bấy nhiêu, và dường như nó còn đứng hẵn lại. Rồi tôi nghĩ nếu Cộng quân nã đạn pháo bắn theo thì cảnh tượng chết chóc, máu đổ thịt rơi không sao tránh khỏi. Không lẽ đây lại là “Quốc Lộ kinh hoàng” giống như những cuộc di tản của quân, dân ở Quảng Trị, Huế hay Liên Tỉnh Lộ 7B trước đây? Thà tôi đi bay để trực diện đánh nhau với quân thù nơi chiến trường. Nếu có chết, tôi cũng đã làm được cái gì đó để đền đáp cho non sông, đất nước. Còn hơn là phải chết một cách “lãng xẹc” ở đây ngày hôm nay. Đơn vị và gia đình tôi làm sao biết tôi ở đâu trong giờ phút hỗn loạn này? Cuộc chiến khốc liệt đầy đau thương và nước mắt chấm dứt đã trên mấy mươi năm nay, thế nhưng có nhiều hôm, nửa đêm chợt tỉnh giấc, tôi bàng hoàng vẫn tưởng mình như đang sống trong những giây phút hãi hùng của năm xưa.
Tuy trời đã về chiều, nhưng cái nắng chang chang như đổ lửa vẫn bủa xuống người tôi. Nhìn khoảng trống ngang tầm mắt trước mặt, tôi cảm thấy sức nóng hừng hực tỏa ra làm hoa cả đôi mắt. Thế mà tôi đã không kềm được một cái rùng mình buốt lạnh làm người tôi nổi “da gà”. Tôi nhớ lại một phi vụ yểm trợ cho tiền đồn Tống Lê Chân, lần đầu tiên tôi thấy được phòng không bắn. Đêm đó, Trung Tá Hoàng Nuôi bay check out cho Trung úy Huỳnh Tô Phụng ra trưởng phi cơ. Khi vừa vào vòng tác xạ, tôi đang bay giữ cao độ và độ nghiêng để Phụng nhìn target bắn. Bỗng có tiếng anh Áp Tải thét lớn trong intercom: “phòng không, phòng không”. Cũng cùng lúc đó tôi nhìn thấy ở phía trước mặt, bên cánh trái, cánh phải, trên đầu, gần xa những ánh lửa lập lòe, lóe tắt liên tục làm sáng rực cả một vùng rộng lớn cùng với những đám khói đen mịt mùng bay lan tỏa vào không gian. Bây giờ tôi mới thấy chí lý câu nói “Đạn tránh người, chứ không phải người tránh đạn”. Những phi vụ bay đêm như thế này, nhìn thấy đạn phòng không nổ, không khác gì như được xem bắn pháo bông trong ngày lễ Độc Lập July 4th của Mỹ. Có một lần khác khi tôi cũng ngẫu nhiên bay cùng với Huỳnh Tô Phụng trong một phi vụ “alert” quanh vòng đai Sài Gòn - Chợ Lớn để phòng Việt Cộng không tuân theo lịnh ngưng chiến trong đêm giao thừa tết Ất Mão 1975, một động cơ đã bị phát hỏa và chúng tôi đã phải đáp khẩn cấp nhưng an toàn ở Tân Sơn Nhất. Rồi còn biết bao phi vụ trắc trở, hiểm nghèo khác ở khắp các mặt trận trên bốn Quân Khu. Trong những phi vụ ấy, tôi vẫn giữ được bình tĩnh, thản nhiên có vẻ như người “điếc không sợ súng”. Vậy mà sao hôm nay giữa dòng người di tản đông đảo như thế này, tự nhiên có một sự sợ hãi len lấn vào tâm hồn mà tôi không tài nào chế ngự được. Mắt tôi đăm đăm nhìn vào đoàn người di tản, nhưng lòng tôi thì thầm cầu xin tất cả các đấng linh thiêng: Chúa, Phật, Trời, vong linh của Ba tôi, và nhất là Phật Bà Quan Âm, người mà má tôi dặn là nếu đi bay hoặc lỡ có chuyện gì bất an, cầu xin thì ngài sẽ giúp.
Thường thì tôi không tin những chuyện cầu xin, bói toán, nhưng có lẽ hôm nay nhìn thấy cảnh tượng quá hãi hùng này đã khiến tôi phải thành tâm cầu nguyện những đấng linh thiêng phù hộ cho quân, dân được an lành và riêng cho cá nhân tôi được bình an vào tới Phan Rang. Có lẽ Trời Phật đã chứng giám lòng thành tâm cầu nguyện của tôi nên sau hơn hai tiếng đồng hồ bị kẹt nơi đây, cuối cùng xe tôi cũng an toàn “lọt” ra khỏi được đoạn đường kẹt nghẽn những người và xe.
Sau khi xe chạy qua một đoạn đường khá dài, đầy rẫy các vật dụng quá cồng kềnh bất tiện lúc mang theo, các xe cộ nằm bẹp vì hết xăng chết máy, giày dép, xoong nồi, thúng mũng…đã được tự do vứt bỏ ngổn ngang đầy đường. Mới thoáng qua, trông cũng không khác gì một cảnh khói lửa nơi chiến trường vừa mới đánh nhau xong chưa kịp thu dọn, thì xe bắt đầu chạy thật nhanh trở lại. Khi xe chạy đến vườn dừa Ba Ngòi, tôi nhớ lại có một năm, chúng tôi được trường tiểu học Khánh Hòa cho đi du ngoạn đến đây. Đi du ngoạn hôm ấy, tôi rất thích thú vì là lần đầu tiên nhìn thấy được nước thủy triều lên xuống như thế nào, và hôm nay là lần thứ hai, tôi nhìn thấy lại được vườn dừa xinh đẹp này. Xe chạy được một quãng nữa, tôi lại thấy có rất nhiều ngôi mộ được chôn dọc theo hai bên đường, nhưng lại không thấy có nhà cửa của dân chúng đâu cả. Hỏi thăm anh lơ xe thì được anh cho biết:
- Đó là những người đã bị Việt Cộng bắn chết khi chận xe lại.
Nghe nói vậy tôi lại lặng im cúi đầu lâm râm khấn nguyện.
Khi xe vào đến địa phận thành phố Phan Rang thì trời cũng đã xế chiều. Được ngắm cảnh chiều tà cũng là một điều thú vị. Nhìn những tia nắng yếu ớt, vàng ối còn sót lại của trời chiều, tỏa ra phản chiếu rồi hòa lẫn vào những áng mây hồng thắm ở tận cuối chân trời, như đang báo hiệu một ngày oi ả sắp qua đi. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm như người vừa mới vứt bỏ đi khỏi trên đôi vai bé nhỏ của mình một gánh nặng ngàn cân, và cảm thấy thật an lòng. Thành phố Phan Rang thật nhỏ, hình như nó chỉ nằm trên một đoạn ngắn của Quốc Lộ 1? Tôi cũng chẳng thấy có phố xá, hàng quán nào của dân chúng mở cửa. Chắc có lẽ họ cũng đang chuẩn bị để trốn chạy Cộng Sản giống như các tỉnh ở phía Bắc? Xuống xe tôi nhờ người xe ôm đưa tôi đến cổng phi trường, nơi mà tôi cũng chẳng biết nó nằm ở đâu, hướng nào. Nhưng rồi được anh xe ôm cho biết đó là đường đi Tháp Chàm, cách nơi tôi xuống xe cũng khá xa. Bây giờ thì đến lượt anh xe ôm lại chạy nhanh như…bay. Anh chạy lạng qua, lạng lại giống như những tay đua xe mô tô có hạng. Nếu tôi đưa cây súng lục cho anh đeo vào, chắc trông anh cũng không khác gì như những tay cao bồi Texas đóng trong các phim trinh thám. Người anh khom xuống thật thấp để tránh bớt sức cản của gió, vậy mà anh cứ ưỡn tới, ưỡn lui rất nhịp nhàng liên tục cùng với sự tăng, giảm tay ga như cố tạo thêm sức đẩy để cho vận tốc được nhanh thêm lên. Túi bay tôi cũng xỏ vào cánh tay, hai tay ôm ngang thắt lưng rồi cùng ngả người như nằm trên lưng anh. Tôi nghĩ nếu tôi ngồi thẳng và cưỡng lại thì chắc thế nào cũng mất thăng bằng rồi té ngã có thể chết người được.Tới nơi không biết mặt mày tôi có xanh như tàu lá chuối không? Nhưng thật hú hồn! Tôi như người vừa mới dành lại được quả trứng, lỡ dại giao cho…ác điểu!!!
Khi bước vào cổng thì tình cờ tôi lại gặp thằng Gộc, bạn học thời tiểu học, đang làm Quân Cảnh ở đây. Sau một hồi trò chuyện, Gộc chận một anh lính lại, xin cho tôi quá giang vào trạm hàng không quân sự, vì từ nơi cổng vào tới trạm hàng không quân sự cũng xa lắm, Gộc nói vậy. Hôm qua khi đến đây, tôi thấy số lượng hành khách đợi đi phi cơ quân sự đã khá đông. Thế mà chiều nay khi trở lại, số lượng người đã tăng lên quá nhiều. Sức chứa bên trong trạm không còn chỗ nên người ta đã tràn ra bên ngoài, cũng nằm ngồi la liệt, trẻ con thì khóc la và có An Ninh, Quân Cảnh lo giữ trật tự như ở Đà Nẵng cách đây vài tuần.
Khi tôi vừa về đến biệt đội thì trời cũng vừa nhá nhem tối, chưa kịp cơm nước gì thì có lịnh điều động từ phòng Hành Quân Chiến Cuộc cần gấp một Tinh Long đi Khánh Dương, Dục Mỹ. Và tôi là hoa tiêu phó của phi vụ này. Khoảng hai mươi phút sau chúng tôi có mặt trên không phận thành phố Nha Trang, nơi mới hồi chiều này tôi đã tất tả chạy ngược xuôi ở bên dưới đó để tìm phương tiện vào Phan Rang. Chúng tôi liên lạc với đài không lưu Nha Trang để hỏi thăm c bên dưới thì được anh em đài cho biết là tình hình Nha Trang thật vô cùng nguy ngập, bi đát. Chắc là sẽ vĩnh biệt, chia tay!!! Khoảng mười phút sau, chúng tôi có mặt trên vùng trời Khánh Dương, Dục Mỹ. Sau khi liên lạc với tiểu đoàn 3 Nhảy Dù, chúng tôi được quân bạn cho biết là bọn Việt Cộng rất đông, chúng đang cố bám sát theo phía sau nên chỉ yêu cầu “thắp đèn” liên tục mà không cần yểm trợ tác xạ để họ rút quân về Ninh Hòa. Dưới ánh rực sáng của những đóm hỏa châu đêm lờ lững rơi, tôi nhìn thấy được phi trường Dục Mỹ, nơi trước kia tôi đã có dịp đôi lần đáp xuống đó để chuyển đổi những người lính chiến “mũ nâu”. Tôi cũng thấy được mảnh đất trống khá lớn, đối diện với ngọn đồi thâm thấp có bức tường cao với chữ “Sát”, nằm cạnh quốc lộ 21 đường đi Ninh Hòa - Ban Mê Thuột của trường sình lầy Biệt Động Quân, Dục Mỹ, nơi trước đây tôi đã được đơn vị gởi về trung tâm huấn luyện Không Quân Nha Trang để theo học khóa “Mưu Sinh và Thoát Hiểm”. Chúng tôi đã được trường gởi ra ngủ qua đêm trên khu đất trống này, để sáng sớm hôm sau đi thực tập di hành có cả sự phối hợp của trực thăng từ Sư Đoàn II Không Quân Nha Trang bay ra, và cùng nhau học hỏi những loài cỏ cây, côn trùng v…v… để khi lâm nạn, nếu không chết thì còn biết cách mưu sinh. Khoảng hai tiếng đồng hồ sau, khi quân bạn cho biết đã nằm trong vùng an toàn, không cần sự hiện diện của chúng tôi nữa thì chúng tôi rời vùng. Chúng tôi cũng đã không quên gởi lời cầu chúc đến những người chiến sĩ Nhảy Dù luôn luôn anh dũng chiến đấu, gặp được mọi sự bình an và hẹn gặp lại nhau vào một dịp khác nếu có cơ duyên.
Trên đường trở về, thành phố Nha Trang nằm chênh chếch phía bên dưới cánh trái của chúng tôi. Nhìn những dãy đèn đường vàng vọt, yếu ớt, ẩn hiện dưới những làn sương đêm và một bên là đại dương đen thẵm, nhấp nhô những ánh đèn loe loét của các con thuyền đánh cá ở tít tận ngoài khơi. Bên trong phòng lái tất cả mọi vật được bao trùm bởi một màu đỏ thắm, dịu mắt tỏa ra từ những chiếc phi kế. Bên ngoài hai động cơ cánh quạt vẫn quay đều trong gió. Thỉnh thoảng tiếng rít của hai động cơ phản lực như nổi lên, chìm xuống mỗi lần xuyên qua những cụm mây nhỏ đã làm cho tâm tư tôi rối bời. Tôi tự hỏi không biết giờ này thành phố thân yêu, trong đó có gia đình tôi đang sống đã ra sao ở bên dưới đó? Chúng tôi đã cố gắng liên lạc nhiều lần với đài không lưu Nha Trang, nhưng hoàn toàn vô vọng. Nha Trang đã thật sự mất rồi sao? Đã thật sự vĩnh biệt chia tay như những lời mà các bạn không lưu đã nói cách đây vài tiếng đồng hồ? Cuộc chiến này, quê hương thân yêu này rồi sẽ đi về đâu? Và không lẽ sáng nay lại là lần cuối cùng tôi nhìn thấy được thành phố Nha Trang? Những ý nghĩ vẩn vơ cứ loáng thoáng trong đầu, làm một nỗi buồn xót xa luyến tiếc về thân phận quê hương trong cơn chinh chiến lại xâm chiếm tâm hồn tôi, khi tôi còn đang ngồi bay giữa lưng chừng trời. Sau khi đáp, tôi có gọi điện thoại về lại ty Điền Địa cũng như phân đoàn cứu hỏa của Sư Đoàn II Không Quân, nơi người anh rể thứ ba của tôi đang phục vụ. Nhưng cả hai nơi này đường giây đều im bặt, không một tiếng “o, o”. Lúc đó khoảng chừng 11 giờ tối ngày 1 tháng 4 năm 1975.
Khoảng 4 giờ sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975, điện thoại từ Sài Gòn gọi ra bảo chúng tôi phải bay hai chiếc AC-119K về lại Tân Sơn Nhất càng sớm càng tốt. Và phải nhớ là đem hết 20 cái giường bố về lại, cũng như phải đợi để chở hết các hoa tiêu của ba phi đoàn A-37 gồm có: Thiên Lôi 524, Kim Ngưu 534, Ó Đen 548 và phi đội tản thương 259D. Đó là những đứa con cưng của Đại Tá Thảo. Sau khi liên lạc được với tất cả các phi đoàn nêu trên thì các bạn này cứ bảo đợi, bảo chờ cho tới khi trời gần sáng mà cũng chỉ đâu lèo tèo một số ít người có mặt. Cuối cùng chúng tôi quyết định một chiếc cất cánh trước. Chiếc còn lại thì nán chờ thêm, nhưng rồi chúng tôi cũng đành phải cất cánh vì đợi mãi mà cũng chẳng có thêm được một ai khác nữa cả. Phi cơ của chúng tôi rời khỏi phi trường Phan Rang vào buổi sáng sớm, khi mọi cảnh vật chung quanh vẫn còn đọng sương mai. Nhìn xa về phía trước là bãi biển Ninh Chữ hiền hòa, nhấp nhô những đợt sóng trắng xóa, nhịp nhàng nối tiếp nhau đẩy vào bờ của buổi hừng đông, trông thật êm đềm giống như mình đang sống trong cảnh thanh bình, an lạc. Thế nhưng thật ra thì khói lửa chiến tranh đang ầm ỉ chực chờ để bùng nổ ở bên dưới đó.
Sau khi đạt cao độ và bình phi được một lúc, thì đài không lưu Phan Rang gọi lên cho biết là chúng tôi cần phải quay trở lại để đón thêm những người hùng A-37, với một khẩu lệnh rất ư là “lệnh”: “Nếu không quay lại để đón, thì dù có bay về tới Tân Sơn Nhất cũng phải trở ra để đón họ về”. Và được cho biết thêm cho “chắc ăn”, đó là lệnh của Đại Tá Thảo. Chắc hẳn tất cả mọi người chúng ta, ai cũng đều đã biết trong quân đội, mỗi khi có lệnh ban hành xuống, thì dù có bất đồng ý kiến hay không, chúng ta cũng phải thi hành trước rồi mới khiếu nại sau, nhất là lệnh này lại được cho biết từ một đại cồ Niên trưởng, tuy rằng ông không là vị chỉ huy trực tiếp của chúng tôi. Cho tới bây giờ tôi cũng không biết lệnh này hư thật ra sao. Nhưng hôm ấy, chúng tôi nghĩ là các bạn A-37 “mượn tạm” lệnh của Đại Tá Thảo để “hù”? Có lẽ họ sợ chúng tôi lạnh cẳng “sẵn trớn” bay luôn không chịu quay trở lại để đón họ đó thôi. Thú thật chúng tôi cũng như tất cả những người đã chọn nghiệp bay trong thời chiến, không ít thì nhiều cũng đã bao lần ra vào vùng lửa đạn, chuyện chết sống đều là do số mệnh cả, nên việc quay trở lại đón chỉ là chuyện nhỏ, không làm chúng tôi e ngại. Thêm vào đó làm sao chúng tôi có thể nỡ bỏ được anh em, bỏ được bạn bè. Phi cơ của chúng tôi cất cánh sau nên quay lại đón, và chúng tôi nhờ đài chuyển lời lại cho những anh em này là sẽ đón họ ở đầu phi đạo 22 để tránh vào bên trong, vì sợ những người đợi máy bay ùa lên như ở Đà Nẵng trước đây. Từ trên cao và từ xa nhìn xuống, tôi đã thấy chiếc xe Pickup màu xanh KQ, khoảng chục chiếc xe gắn máy, cùng lố nhố một số người đang đứng đợi ở đầu phi đạo như đã hẹn sẵn.
Rời khỏi Phan Rang sáng sớm hôm ấy, tôi không ngờ cũng lại là lần cuối cùng giã từ thành phố này, vì đúng hai tuần sau đó, Phan Rang lại bị lọt vào tay giặc. Cùng các bạn bay A-37 hay trực thăng cũng như các anh em kỹ thuật, tiếp liệu được đưa về trên chiếc AC-119K trước chiếc của chúng tôi khoảng nữa tiếng, và một số các bạn khác được chính chúng tôi quay lại đón nơi đầu phi đạo 22. Có thể có bạn sẽ đọc được bài viết này của tôi để nhớ lại kỷ niệm của những ngày khói lửa xa xưa đó! Khoảng7:00 sáng ngày 2 tháng 4 năm 1975, chiếc AC-119K của chúng tôi đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Đó là chuyến đi biệt phái cuối cùng trong đời binh nghiệp của tôi và cũng là phi vụ biệt phái sau cùng của phi đoàn Tinh Long 821.
Khoảng 10:00 giờ sáng ngày 29 tháng 4 năm 1975 cùng với dòng người chạy loạn, tôi đã bay đến căn cứ Utapao, Thái Lan làm kiếp người lưu vong. Và cũng kể từ đó mộng ước phục vụ quân chủng Không Quân cùng nghiệp bay bổng của tôi hoàn toàn chấm dứt. Sự quay mặt ra đi của người Mỹ đã để lại nhiều đau thương tan tóc cho toàn quân dân miền Nam sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Thương thay! Việt Nam quê hương tôi, số phận của một quốc gia nhược tiểu.
Thái Ngùng
Share Lại Người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment