1. Rừng đã phai chưa
Mùa hè, những đụn cát bỗng nhiên nóng hơn, dưới cái nắng tháng tư theo những cơn gió thỉnh thoảng thổi qua khe lá. Đất Bình Thuận quả không thương người, không thương những đứa con da vàng đang giẫy chết trong Rừng Lá. Mưa không về, con Suối Lạnh tang thương phơi những lớp đá cuội dưới đáy, từng tảng rong rêu màu đỏ gạch nổi lều bều trên mặt nước. Con suối chạy ngang qua một thung lũng hẹp dẫn vào trại giam, nơi mà hàng ngàn tù nhân đang chết dở vì thiếu nước.
----------------------------------
Buổi chiều, dưới cái nóng như lò lửa sau một ngày chật vật dưới đám lồ ô. Cắt, cưa, đục đẽo, để dựng lên một căn nhà mới nằm bên lộ chính dẫn vào trại.
Khu A của trại giam Z30D, thuộc địa bàn Bình Thuận, Hàm Tân. Căn nhà có cái tên rất tội nghiệp “Nhà hạnh phúc”, đó là nơi thân nhân của những người tù ở khu A làm nơi thăm nuôi, gặp mặt.
“Thăm nuôi” một danh động từ tàn nhẫn xuất hiện trong tự điển Việt sau ngày tan hàng, sau ngày mất nước hay đau đớn hơn là sau ngày một quân đội có tiếng kiêu hùng ở Đông Nam Á đầu hàng vô điều kiện, trước một đội binh tạp nhạp, nón tai bèo, súng AK, dép râu. Đã chính thức vào “giải phóng Sài Gòn” cuối tháng Tư năm 1975.
Chúng tôi 28 con người xây dựng nó. “Nhà hạnh phúc”. Cái công việc phải làm cho có, phải làm cho xong đó, kéo dài dưới cái nóng trời mùa hạ của Hàm Tân.
28 con người là một đơn vị, cùng một lúc hàng chục đơn vị có tổng số ngang nhau ùa xuống con suối. Trong một tích tắc dòng chảy đã biến một màu đất bùn, cáu cợn, nó không là con suối nữa mà là một vũng như từng thấy ở miền quê “vũng trâu nằm”, nó tệ hơn cái vũng trâu đó một chút, nó không có chiều sâu, có chỗ chỉ một gang tay, hay độ cao mặt nước bùn chỉ bằng cái lon Guigoz móp méo đang cố gắng chắt lọc may ra có ít nước chảy vào. Đó là một trong những buổi chiều đi tắm suối, theo đúng qui định của trại “được tắm rửa sau giờ lao động”.
Con suối Lạnh ngoằn ngoèo ở đoạn này, nhờ trời nó quanh co đi qua những chòm cây nhỏ. Cho nên đội nữ, gồm một số tù nhân chính trị và biệt đội Thiên Nga ở nhà 7 khu A, có chỗ để mà che cái nõn nà bị bầm dập trong điều kiện sinh hoạt thê thảm này. Nếu không, dưới trời lồng lộng có khi làm đau cho phận đàn bà. Có lẽ thượng đế trên cao đã dự trù cho cái tai ương sẽ xảy ra nơi này vào những năm 1978 tại Rừng Lá, Hàm Tân, nên cho mọc lên những chòm cây thấp, bụi cỏ cao để che người, che tấm thân loã lồ, mới có hai năm sau ngày thua trận đã tàn phai quá đỗi.
Không có ưu tiên nào cho việc đi tắm, không có chọn lựa, đội nào về trước, tắm trước. Hôm nào cùng một lúc tất cả các đội cùng gặp nhau bên bờ suối là thê thảm. Dĩ nhiên, thê thảm nhất cho đội ở sau cùng của dòng chảy. Nước, mà không, cái sền sệt đó không thể gọi là nước được, nó là triệu thứ cặn bả dồn về, mụn ghẻ, cáu ghét, mồ hôi thậm chí những chất thải ra trong chu kỳ kinh nguyệt của các bà trong 40 nhân số của đội nữ, cộng thêm mấy cán ngố nữ chuyên trông coi đội này, đã làm đặc quánh nguồn chảy, chưa nói đến những cuộc băng tròn nhỏ như ngón tay làm bằng quần áo xé ra, khăn cũ... đã ít nhất một lần đặt vào cái nơi kín đáo của cô hai, cô ba nào đó, nó lờ mờ quyện trong cái gọi là dòng nước. Thiệt tội cho những con người đã đi đến tận cùng của đời sống khi nước mất nhà tan.
Ở đâu cũng vậy, người ta nói. Giàu nhà kho, no nhà bếp. Một khoảng suối rộng nằm trên đầu nguồn, ngang khu vực nhà bếp là khu chỉ dành cho đội nhà bếp. và là nơi lấy nước uống cho toàn trại. Thường đội này là thành phần chọn lựa từ những người được mô tả là học tập tốt, hay những cán bộ thoái hoá bị giam giữ, nó được cộng thêm đội lâm sản, là những lao động tự giác, lên rừng đốn cũi, đi làm không có vệ binh ( những tên vác súng dài) theo canh giữ. Vào những năm 1977-1980. Trại này, đội lâm sản là đám hình sự phạm. Về sau, nghe nói khi những quân nhân trình diện để được đi học tập từ miền Bắc về, họ đã thay cho lực lượng lao động ưu tiên này.
Hàm Tân là khu vực được mô tả có các trại giam liên tiếp nhau. Kéo từ Xuân lộc là Z30A, Z30C, Z30D. Thời đó con số Z30 khởi đầu của tên gọi chưa được nhận biết đầy đủ lắm. Sau này, qua những lần thay đổi của cục quản lý trại giam, mới biết nó là những trại trực thuộc Bộ Nội Vụ. Ngày nay nó thuộc Bộ Công An, mang tên cục V26 mà tên trại là Thủ Đức, dĩ nhiên nó đã được nhân rộng ra và qua biết bao lần tái xây dựng từ những mái lá của cây buông trở thành gạch ngói, tường vôi, hoa hoè, hoa sói.
Đêm trở lạnh của mùa đông, cái lạnh se se giữa núi rừng Trường Sơn, làm dấy lên những tiếng than của đám người đang sống trong địa ngục. Tiếng con mang lạc loài vẳng từ rất xa nghe buồn chết được. Gió gào qua lớp rừng lá buông, len lỏi về trên mái lá trại giam nghe rờn rợn u linh như tiếng nỉ non của một bầy quỉ dữ, đang gươm giáo diễn hành trong đêm trần gian, đến tận cùng hang hóc của địa cầu, hăm dọa linh hồn người sắp chết.
Khu A có 4 dãy nhà theo hàng dọc, trên đường chính vào trại khi qua khỏi khu trung tâm của trại (nơi này, quản lý các phân trại B, C, D, E, những phân trại này nằm xa trên con đường ngoằn ngoèo ở dãy núi sau trại). Sau lưng cái dãy dọc này là một khối 4 dãy nhà ngang, phía trước có một sân rộng để tập hợp, và thường dùng làm sân bóng chuyền. Giữa hai khu đều có hàng rào bốn phía bằng cây lồ ô đan chéo nhau, một thứ giống tre, nhưng lóng dài và thẳng hơn, băng qua một lối thật rộng là bếp trại, sau lưng nó là giao thông hào với nhiều lớp thép gai cao 5m.
Phải nói là tôi rất may mắn, những năm trong tù, qua mấy trại giam. Tôi gặp được rất nhiều bậc tiền bối kèm cặp cho tôi trụ được trong những ngày tháng trên gông xiềng. Bên cạnh đó cũng hàng hà sa số những cái làm tôi mất đi ít nhiều nhiệt tâm của tuổi trẻ. Hai mươi ba tuổi, tôi trẻ măng trong hàng ngũ đứng trên sân trại giam, lao động khổ sai.
Tôi đi tù vì cái nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi đi tù vì cố đi lấy lại quê hương . Tôi đi tù vì đã bước trên con đường chông gai mà mình dư biết khó mà đến đích. Khi bị ném vào cái lò sát sinh này, tôi không chút gì sợ hãi và tiếc nuối chút nào.
Hồi ở trại tạm giam T20, Thành Gia Định. Thượng toạ Thích Thiện Huê dạy tôi ngồi vận khí để giữ sức khoẻ và tập nhẫn nhịn trong im lặng. Bài tập được thực hành suốt thời gian ở biệt giam trong giai đoạn bị lấy cung. Cũng hay, tính nông nỗi của tôi có phần giảm bớt. Tôi tiếp tục tập nó trong những ngày ở các trại lao động, tôi dùng nó để nhìn lại từng ngóc ngách của đời mình trong đêm vắng.
Ban đầu những chia ly với những người đồng cảnh làm tôi bịn rịn. Từng khuôn mặt Trần Duy Cát, Đào Văn Thương, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Phú Hải… cứ lởn vởn trong đầu hàng tháng trời khi tôi đặt chân lên trại Z30D.
Con đường dài tù tội dạy cho tôi bài học phải dứt khoát những tình cảm vụn vặt đó. Tôi trưởng thành hơn, chịu đựng hơn. Tôi ngạo nghễ hơn trước những khó khăn mà mình gặp phải.
Tù, một xã hội thu gọn, đầy bất công. Cái kiểu lớn hiếp nhỏ, giàu khinh nghèo vẫn có đủ tính chất khốn nạn của nó. Nó càng rõ nét hơn nữa khi đối diện với kẻ thù. Có khi người ta sẵn sàng bán đứng nhau vì lợi ích cho một lần được viết thư về gia đình. Có lúc người ta bán cả danh dự đời mình vì cái chuyện không chịu đựng nổi khó khăn. Đói khát là căn bản cho những tội lỗi này.
Hàm Tân Z30D. Chỉ cách Sài Gòn hơn 100 cây số. Tiếp tế từ gia đình cho các tù nhân ở đây có vẻ dễ dàng hơn. Nhưng những năm 77-80 cả nước rớt trong tình trạng cùng cực, người ta không có cái ăn, thì trong tù càng thê thảm hơn. Đói làm mờ mắt, đói làm tù nhân lê lết đi lao động. Thời ăn bo bo, gia đình nào khá giả thì còn cố tằn tiện, dành để từng chút cho thân nhân của mình đang chết đói trong trại giam. Có người được gọi tên nghỉ đi làm, ở trong trại chờ gặp gia đình. Khi trở vào cầm trên tay cái túi con con, chứa mỗi kilo đường tán, vài viên kẹo, một ít thuốc cảm. Hắn ôm mặt khóc ròng, không phải hắn thương cho phận nghèo của hắn mà thương cho vợ con mình đã đôn đáo chạy ăn ngoài đời, còn phải cưu mang mình, một thằng tù ngày về không thấy. Những giọt nước mắt khóc cho thân phận kẻ bại trận, những giọt nước mắt có lẽ ngàn sau phải nhớ.
Trại tù cũng có hai giai cấp thống trị và bị trị như xã hội bên ngoài. Sự đối kháng giữa hai giai cấp này là nguyên nhân của gông cùm, xiềng xích. Đương nhiên là cai tù lúc nào cũng chuẩn bị sẵn những nhục hình, có điều thứ nhục hình mà cộng sản đã dùng trong các trại tù thời bấy giờ là một chính sách, dựa trên những công cụ thống nhất từ trại trung ương đến địa phương.
2. Bầy Thiên Nga trong khu rừng hoạn nạn
Phân trại A Z30D, thời tôi có mặt, gồm 12 đội toàn là dân chính trị phạm, có án tập trung cải tạo, nghĩa là những tù nhân không bị truy tố ra toà, 2 đội hình sự, một đội lâm sản, một làm tạp dịch cho khu cơ quan, 1 đội nữ, 40 mạng, trong đó hơn một nửa là Cảnh Sát Đặc Nhiệm Thiên Nga, xếp sòng là thiếu tá Nguyễn Thanh Thủy, nửa còn lại là các chị em chính trị bị bắt sau 1975. Những nữ chính trị phạm này đều có án tập trung cải tạo và đa số rất trẻ thường không quá 25, trong số đó nhiều nhất xuất thân gốc Văn Khoa và Luật. Cho đến cuối năm 1979, khi đội nữ chuyển đi trại khác mới có quân đội trình diện về đây, đa số các anh này từ các trại ở Phước Long.
Các tù nhân chỉ đi lao động chung quanh phân trại, Hàm Tân là loại liên trại không có diện tích lớn cho từng trại, chúng xếp dài theo Quốc lộ 1 thuộc khu vực Bình Thuận. Nằm sát núi Mây Tàu, nên tù nhân không đi làm xa. Lúc tôi ở đây, rừng lá buông bạt ngàn, những cánh rừng cây lồ ô, chằng chịt tới tận chân núi. Tất cả xây dựng trại đều dựa vào hai nguyên vật liệu này, lá buông làm mái lợp, phần còn lại là lồ ô từ sạp nằm, đến cột, kèo đều rặc ri lồ ô.
Hình như với địa lý đó nên các tù nhân ai cũng học được cái nghề đan lát, nhất là đội nữ, tôi thấy cả cái nón lá được phân phát cũng chèn thêm hay trang trí bằng lồ ô chẻ, chuốt mỏng, cái giỏ đựng đồ cá nhân quí bà, quí cô cũng tự đan. Những ngày thăm nuôi thì các món tự làm này được mang ra tặng cho người nhà làm kỷ niệm thời đi đày. Lẽ dĩ nhiên để làm ra những sản phẩm như vậy, phải nhiều công phu, tiêu tốn nhiều thời gian, tránh né đám cai tù và lũ trật tự lúc nào cũng rình rập với mỗi một lý do:
- Không được làm chuyện riêng tư ảnh hưởng đến thời gian học tập.
Coi có chết không? Một qui định tào lao quá mức. Xét ra đi tiêu, đi tiểu, thay băng vệ sinh… toàn mấy chuyện riêng tư, đầy tính lý cá nhân mà cũng tính luôn vào “thời gian học tập”?
Nội cái việc chuyển những món hand made này ra khỏi cổng trại cũng đâu đơn giản, phải lót đường cho đám trật tự. Khi ra đi thăm gia đình, đương sự tù nhân bị xét rất kỹ, sờ mó toàn thân, đó là theo qui định. Nhưng chỗ nào có qui định đều có trừ lệ của nó. Thậm chí có khi phải mượn tay thằng trật tự mang ra cho gia đình, hay mang qua khỏi cái cổng chết bầm của khu trại. Về khoản này các kiều nữ xem ra có lợi thế hơn, lý do là trật tự toàn đực rựa, vì thế chuyện sờ mó chi li sẽ không quá mức lúc kiểm tra ra cổng.
Một chục đội nam, khi khổng khi không phải ở chung với 40 quí bà, quí cô, tùy theo lứa tuổi ai ai cũng mặn mà, vẫn còn đâu đó kiểu dáng của môi son, má phấn hết thì làm sao không sinh chuyện. Với hiện trạng đó, chuyện gởi một chút tình từ bên đội nam sang đội nữ, nhất là của những người trẻ là điều không tránh khỏi. Dĩ nhiên các cán ngố biết điều này, không ít lệnh lạc được công bố liên quan đến cái vụ nam nữ trong trại. Thậm chí khi tập hợp đi làm, tất cả ngồi xếp hàng trên sân theo đội hình, dù cái sân chà bá có thể chứa thêm vài chục đội nữa, nhưng đội nữ của nhà 7 chỉ xếp hàng tập hợp ngay trước cổng nhà, cách xa đám đực rựa hàng 10m. Ngăn cấm tiếp xúc, dùng đủ mọi biện pháp mà rồi đâu cũng vào đấy.
Đội nữ thì có cán nữ phụ trách, tuy vậy những gã ba ke, mới thò chân vào Nam cũng thèm rỏ dãi, khi thấy nhan sắc con gái Nam bộ cho dù có bị tàn phai đôi chút, nhưng cũng trên trời dưới đất so với răng hô mã tấu của bắc bộ. Nhưng làm sao có cửa cho đám cán. Bên cạnh các nàng toàn là những tay coi trời bằng vung, nếu không đẹp trai ra phết thì tinh thần chống cộng cũng hợp nhãn với nhau theo đúng tình lý của “những con tương cận” có từ ngàn xưa.
Mỗi ngày đi tắm suối một lần theo qui định, đội nữ luôn được ưu tiên, kể cả trong lao động, các nàng là đội chuyên làm việc nhẹ so với đội nam. Khi quí bà, quí cô tắm giặt thì nhiệm vụ các cán nữ phải dọn bãi, đề phòng mấy cán ngố rình rập theo cái kiểu chiêm ngưỡng giữa rừng, có lẽ đã từng có những chuyện này xảy ra, nên khi tôi tới đây, chuyện dọn bãi cho các kiều nữ tắm giặt hình như khá an toàn. Đám tù nam phải tắm dưới nguồn và cách xa xa một chút, đó là qui định “an toàn lao động” hình như qui định này chỉ xảy ra ở mỗi cái trại Z30D mà tôi biết khi qua nhiều trại giam.
Một điều khác nữa làm cho đám quản lý trại điên đầu. Buổi tối thì vệ binh súng dài có khi đi vào sát hàng rào nhà kiểm soát xem có ai buồn tình đào hào khoét vách gì không, nhà 7 cũng không ngoại lệ, mấy cán vệ binh thường là bộ đội công an tò te, tuổi còn trong thời kỳ rạo rực tránh sao không tò mò. Quí bà, quí cô dưới cái nóng của đụn cát trắng Hàm Tân lúc ngủ phải mong manh cho giảm nhiệt, mà chắc cũng phải đành trần như nhộng trong lớp mùng chống muỗi sốt rét ở Hàm Tân. Thậm chí để trêu ngươi lũ khỉ, các kiều nữ có khi banh càng chọc giận, cái rắn mắc đó tới tai cai tù phân trại. Vậy là lệnh cấm các cán súng dài vào khu nhà 7, chỉ có thượng úy Sáu làm trực trại đi cùng trật tự, tuần tra khu này mà thôi. Tên này miệng rộng, tiếng to và hay nói nên anh em tù đặt hắn biệt danh Sáu la. Đúng như người ta nói, phái yếu có cái mạnh rất đáng sợ.
Hơn năm trời chung một trại tôi dần dà cũng quen biết hầu như gần hết đội nữ. Chị Thanh Thủy thì khỏi nói rồi, được cái các chị thì thương, mấy em thì quí, nhất là có đàn chị Lệ Hải của tôi, máu mặt số một trong đội nữ, hay khoe thằng nhóc em ngang hông, nên lắm em cứ đòi làm dâu nhà chị.
Cùm là một kiểu, nhưng có nhiều loại lớn nhỏ khác nhau, bọn chúng tha hồ chế biến nhiều đòn phép để hạ gục những tù nhân bị chúng khép tội và đưa đi cùm. Ở Z30D cũng thế bất kể nam hay nữ. Cùm là thứ mà ai từng đi tù thời cộng sản đều phải biết, nếu không kinh qua thì cũng tận mắt nhìn thấy hay sờ tay lên nó.
Sáu la, thượng uý cộng sản trực trại K1 của trại Z30D, lãnh trách nhiệm thi hành lệnh cùm tôi vì tội chống lao động, xách động trại viên chống chính sách cải tạo, hắn là thằng cùm tôi lần đầu trong những ngày tôi ra trại lao động.
Nhà cùm nằm sát hàng rào nhà 7 nơi nhốt đội nữ, dĩ nhiên là tôi phải đứng trước sân tập họp dưới sự chứng kiến của cả trại nghe đọc lệnh kỷ luật. Thằng an ninh trại vừa đọc xong cái dòng cuối “thay mặt ban lãnh đạo trại đồng chí .. ” thì a lê hấp hai thằng trật tự kè tôi đi ngang qua đội kiều nữ hướng về cửa nhà kỷ luật, trực trại đọc tên đội cho đội nữ xuất cổng đầu tiên, để không ai trong họ nhìn thấy những gì bên trong cánh cửa đang mở ra, cái thói việt cộng luôn là vậy úp mở, dấu diếm làm ra vẻ quan trọng.
Cùm ở Z30D khá đơn giản, nó chia làm hai dãy sạp nằm, trên lối đi mỗi bên đóng một hàng trụ gỗ cách nhau 2m, mỗi trụ gỗ, có khoan mấy lỗ theo hàng thẳng đứng. Nhiều cây sắt dài 18 ly xỏ qua những lỗ này. Bọn công an cho đánh một vòng thép tròn ở đầu cây sắt, đầu kia khoan một lỗ làm lỗ khoá, cái khoá luôn nằm bên ngoài vách của nhà kỷ luật. Mỗi cái cùm đánh hai cái vòng tròn để xỏ thanh thép đi ngang, cứ hai hay ba trụ chúng chơi một cây sắt ngang, tuỳ theo độ cao của các lỗ trên trụ.
Thằng trật tự mở khoá bên ngoài kéo cây thép một đoạn, tới chỗ tôi nằm, Hắn lấy cái cùm tra vào cổ chân tôi, xỏ cây thép qua, bước ra bên ngoài khoá lại. Cái cùm khá chật, cây thép lại nằm ở cái lỗ cao nhất của cây trụ. Vậy là chân tôi bị treo tòn ten trên cây thép. Đòn này là một chiêu biến hoá của lũ cai tù, những cái lỗ trên đầu trụ, cao hay thấp, nói lên mức độ hình phạt mà đám cai ngục thực hiện. Đối diện tôi dãy bên kia cũng có hai tay đang treo cùm trước rồi.
Ngày đầu tiên vào nhà cùm. Tôi chưa kịp tìm cách liên lạc với bên ngoài. Nữ chúa Lệ Hải, bà chị giang hồ của tôi đã vội vàng “lên đài” ngay khi đi làm về. Buổi sáng đàn chị đã thấy thằng em bị đưa đi cùm trên sân tập hợp rồi. Câu đầu tiên đàn chị dặn dò là:
- Thằng nhóc, yên chí có gì chị sẽ lo.
Nhà kỷ luật chỉ cách hàng rào nhà nữ một khoảng hai tầm với, che chắn bằng những tấm gỗ mỏng làm vách, có những khe hở, đó là chỗ mà đàn chị Lệ Hải chơi một cây dài treo thuốc hút, diêm quẹt, hay vài thứ cần thiết chọt qua khe hở cho tôi.
Đàn chị Lệ Hải, của thời Đại Cathay lúc tôi còn nhỏ xíu. Vào trại này chẳng nhớ rõ cơ duyên nào mà bà chị lại thương tôi đến vậy. Tôi chỉ nhớ mang máng, có lần tôi hỏi anh kỹ sư Phan Thành Trường về những nhân vật nổi cộm ở nhà 7, được biết trong số đó là những Thiên Nga, thủ lãnh là chị Thanh Thủy, có Mộc Hoa rồi Lan tếu và bà chúa Lệ Hải…
Mấy hôm sau khi đi tắm suối lên, sắp hàng chờ nhập trại, hai đội đứng cạnh nhau, tôi liếc sang bên thấy bà chúa Lệ Hải đang chơi một điếu thuốc trên môi, ngang tàng không chịu được. Tôi chào chị bằng cái gật đầu. Bà chị nhìn thẳng thằng tôi:
- Nhóc, cậu đội 9 hả, vô lâu chưa?
- Dạ mới hai niên thôi.
- Phục quốc hả?
- Gần gần vậy, chị vào đây lâu chưa?
- Sau ngày sập tiệm.
- Ôi trời! Cái bang tám túi hả?
- Ráng lên đi, mai mốt về gặp, chị mời cậu uống café Pagode
Vậy thôi đó, mà tôi quen biết nữ chúa rằn ri, một nữ tù chính trị nổi tiếng, coi trời bằng vung, coi đám chúa ngục như con, một thời khét tiếng ở Z30D.
Có lần tôi đi lấy cơm cho đội ở nhà bếp, gặp chị đang gánh đôi thùng nước uống, chị dừng lại ngay trước cổng nhà bếp:
- Nhóc, chị hỏi mấy anh cùng đội cậu, nghe nói cậu khá lắm, chị khoái tính ngang ngang của cậu, chị nhận mày làm em chị, chịu hôn?
- Dạ, em cám ơn bà chị.
- Cậu giỏi lắm, hôm nào chị cho cậu xem cái đặc biệt của Lệ Hải nghen.
Chị vừa nói vừa gánh đôi thùng nước, ỏng ẹo cái lưng chọc quê mấy tên đội nhà bếp và tiến về phía nhà 7.
Cho đến ngày tôi rời nơi đó. Tôi vẫn chưa có cơ hội nhìn thấy nét “đặc biệt” của nữ chúa rằn ri. Vài anh lớp trước tôi thì kháo nhau rằng. Vô tình đi tắm suối, vài người trong đám lâm sản, từng nhìn thấy hai chân của nữ chúa xăm nguyên hàng chuột lớn nhỏ dọc theo đùi trong, bí mật này không phải ai cũng biết.
Buổi chiều các cô Thiên Nga điệu đàng đi dọc hành lang nhà 7 để tìm cách nói chuyện với bọn tôi, những tay đang bị cùm, Quỳnh Như cũng tới thăm hỏi tôi, rồi Lan lùn, Huệ... Những kiều nữ trong đội Thiên Nga làm ấm áp trong những ngày biệt giam, trong cùm gông của Hàm Tân Rừng Lá. Thứ tình người có được trong trại giam khác hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Nó chân phương, rõ ràng và rất nhẹ nhàng, không một đắn đo, gian dối. Trong thế giới này, chúng tôi không có thời gian để “câu giờ” dù không có sự an toàn nào cho cách nhích lại của tình người, nó cũng phải vội vã, như chạy tìm nhau, như đã chuẩn bị từ muôn kiếp.
Quỳnh Như giả bộ gánh nước uống cho đội từ nhà bếp, trước giờ lao động buổi chiều. Nàng đi thật sát hàng rào nhà kỷ luật nói nhỏ để tên lính canh ngoài cổng không nghe.
- Anh ráng giữ sức khoẻ, về đội rồi tính, chớ có làm căng với tụi chèo, nhớ nghen anh Khiết, cố nhịn nghen chàng của em.
Câu dặn dò ân tình đó, cùng với mái tóc dài, đôi má lúm đồng tiền khuất vội qua khe hở, đã lởn vởn trong đầu tôi một dạo rất lâu.
Chiều tàn là lúc các nhà chuẩn bị điểm danh, vô chuồng, thời gian rỗi rảnh duy nhất trong một ngày tù là thời khắc này, sau buổi cơm chiều, các tù nhân có thể đi bộ trên sân nhà, vội vàng trao đổi cho nhau thứ gì đó qua hàng rào ngăn chia giữa nhà này nhà nọ, chuyển tin tức cho nhau. Dĩ nhiên làm những điều này thì phải luôn ngó kỹ đám anten có lảng vảng gần đó không. Các Thiên Nga đi lượn lờ gần hàng rào nhà kỷ luật, chia xẻ những câu vu vơ, hứa hẹn một ngày mai trời lại sáng… Tất cả những điều đó là một nét son của tình người, nó vượt xa cái tình huynh đệ chi binh, gắn bó, chân phương vô cùng. Có lẽ đó là cái thật nhất trong muôn nghìn tráo trở luôn xuất hiện trong các trại tù.
Một đêm nằm gác chân trên cùm thép, tôi nghe giọng hát nho nhỏ của một kiều nữ bên nhà 7 vọng sang. Bài “Tình Nhớ” , tiếng hát nghe như tức tưởi, tiếng hát xoáy trong đêm Rừng Lá, giọng hát không điêu luyện, nhưng thời khắc đó nó tuyệt vời làm sao. Tôi thả hồn theo cho đến khi vệt đèn pin quét sáng một vùng và giọng Sáu la vang lên như hét:
- Có im không, còn ở đó mà lòng lạnh lùng, lạnh lẽo hả, đúng là thứ văn hoá đồi trụy.
Tôi rớt xuống, đau và thương một đời tù của chúng tôi.
Ngày tôi ra khỏi cùm, đàn chị Lệ Hải gởi một túi to đùng qua tay tên trực sinh của đội khi hắn xuống bếp gánh cơm, đàn chị khéo léo nhét trong đó nào bột, nào sữa, thuốc bổ linh tinh, lại có cả thuốc hút diêm quẹt, cứ như là đi thăm nuôi. Tôi biết chứ, đàn chị Lệ Hải ít khi có người nhà đi thăm, ba cái vụ này chắc là các kiều nữ em út của bà, nhờ bà chị của chàng đưa sang, dĩ nhiên Quỳnh Như không thể thiếu trong danh sách đó.
Tôi cứ tà tà ở trong trại nửa tháng, khai bệnh không đi làm. Sáng ra bệnh xá, hết tiêu chảy tới đau đầu, rồi sốt, mặc thằng an ninh trại có ghi thêm vào hồ sơ rằng thì là tiếp tục biểu hiện chống đối sau khi bị kỷ luật hay đọc thêm một lệnh cùm tiếp. Thấy tôi lì quá thằng y tá ngang xương đành tạm thời cho nghỉ dưỡng sức.
Mỗi chiều, trước lúc điểm danh tôi cùng dăm tay nữa, đứng ở cổng khu nhìn sang bên kia, Quỳnh Như, Lan tiếu cũng ở cổng nhà 7, các nàng khác cũng thường theo cung cách đó, chúng tôi cách nhau một cái sân rộng, ngôn ngữ tình làm bằng dấu đôi tay, hoặc từng lời qua đôi môi nhấp nháy, ngôn ngữ của cặp nào thì cặp ấy nhận, dứt khoát không thể lầm lẫn. Rồi một cái vẫy tay từ biệt, xếp hàng, vô chuồng.
Những ngày mưa xuống thì buồn lắm, Mưa ở Hàm Tân thường ào ào, nằm dọc Trường Sơn dù gần quốc lộ nhưng nó cũng thuộc dạng thung lũng, nước bốn bề đổ về và rút rất chậm. Có khi con suối Lạnh tràn lên vào tận sân tập họp, toàn trại chìm trong nước, ngập luôn con đường dẫn vào trại, trên đất cát nên cùng lắm qua đêm là khô ráo, dù có để lại rác rưới rong rêu, đủ làm đám trực sinh mướt mồ hôi dọn dẹp.
Cái trại Hàm Tâm Z30D, có quá nhiều thứ để làm tôi nhớ. Đau, buồn, tủi, chất chứa như một rừng lá buông.
Đội quân nữ tù nhà 7, bị tống lên xe vào nửa đêm. Chúng tôi nhìn theo từ trong buồng giam qua khe cửa, qua vách phên. Dưới bóng đèn chạy bằng máy phát điện không đủ sáng, những nữ tù, những con Thiên Nga, đang tay xách, nách mang đồ cá nhân, tập hợp trước sân nhà, nghe đọc tên và lên xe. Hình ảnh chị Thanh Thủy chống tay leo lên phía sau xe còn cố quay lại nhìn căn nhà giam số 7, ngùi ngùi làm sao. Đàn chị Lệ Hải giả bộ vướng víu hành trang, hình như đang mong ai đó vẫy tay chào biệt.
Dưới màn đêm đen kịt của rừng lá. Tôi nằm ngay sát đầu nhà, nhìn qua khe cửa cho tới lúc cái đèn sau của chiếc xe bít bùng mất hút. Tự nhiên lòng mình thấy như mất mát cái gì đó, không phải là cảm giác bâng quơ. Nó giống như một điều rất lớn, gần gũi vô cùng vừa tuột khỏi tay mình, con tim thắt lại. Đời đi tù những cảnh chia tay là thường. Đất nước này có biết bao trại tù. Người đến, người đi. Cái thứ chia tay không có cơ hội bịn rịn, chỉ có con mắt nhìn có đuôi cùng một chút khôn nguôi trong lòng.
Những cánh Thiên Nga rồi cũng bay đi, bỏ lại giữa Rừng Lá biết bao tình nghĩa khó phai. Ở đó có nhiều người buông tiếng thở dài đưa tiễn.
Ôi! những chiều trời quang mây tạnh, lúc đợi tập hợp điểm danh vô chuồng. Khoảng cách từ cổng vào nhà 4, nhìn sang bên kia cổng nhà 7 nơi những kiều nữ của đội Thiên Nga bị giam hãm. Chiếc áo tù trắng bạc màu như nhan sắc theo thời gian tù tội, sau bao đòn thù trên da thịt, trong chịu đựng đầy ấp tang thương. Nhưng những khuôn mặt vẫn ngời ngời. Chẳng biết thứ tình cảm đó là chi. Đứng ở đó, hai bên nhìn nhau, nói với nhau qua ánh mắt trong một khoảng cách không thể nhận rõ. Tội nghiệp cho cảnh tù, tội cho lớp người cùng khổ.
Thương cho cái nghiệt ngã khi đi làm về hai đội gần nhau, xếp hàng chờ nhập trại, len lén trao nhau một cái nhìn, dưới ánh mắt cú vọ của đám vệ binh súng kè bên hông. Quỳnh Như, Hồng Đào, Lan Hương… Những người con gái của đội Thiên Nga tội nghiệp ơi, bây giờ đã về đâu? Hỡi những cánh Thiên Nga từng đậu lại một đỗi trong khu Rừng Lá, Hàm Tân.
Rồi tất cả qua đi, lặng lẽ qua trong hoàn cảnh nghiệt ngã của đời đi tù, giữa bối cảnh nước mất nhà tan chỉ để lại trong tim một mớ ký ức lộn xộn làm hành trang cho một đời người mang theo về đất
Mưa qua rừng Lá
Tháng tám đem về đây cơn bão rớt
mưa trên nguồn làm úng cả trại giam
ta co ro nhìn nước đổ trên ngàn
con Suối Lạnh lấn sâu vào sân trại
mưa làm ta nhớ ngày này năm trước
mỗi chiều về đứng ngó phía bên kia
có bóng em gởi nụ hôn sớt chia
trong hoạn nạn một đời tù bất khuất
đội Thiên Nga bây giờ bay tan tác
em của ta chắc đâu đó giữa rừng
ta thương em có đôi mắt dửng dưng
cười khinh bỉ vào biệt giam lần đó
con Thiên Nga mà đời như quên bỏ
đã kiên cường trong sắc áo tù nhân
em ném vào ta một chút bâng khuâng
trên Suối Lạnh hôm đội về rất trễ
một ánh mắt trao tình đâu phải dễ
dưới cái chăm chăm của lũ cai tù
ta thương em có mái tóc mùa thu
cái răng khểnh luôn cười trên gánh nạn
con Thiên Nga mà giặc thù ngao ngán
đã bao lần cùm kẹp vẫn đứng trơ
đã khạc nhổ vào niềm tin ngu ngơ
của đám giặc khù khờ đi theo đảng
cánh chim xưa, kỷ niệm có còn mang
khi bay khỏi trại thù khu Rừng Lá
bầy Thiên Nga cái tên không còn lạ
ríu rít nơi nầy, một lúc rồi đi
nguyễn thanh khiết
Z30D, 1978
(viết cho đội Cảnh Sát Đặc Nhiệm Thiên Nga)
3. Những trận đánh không cân sức
Đối diện nhà kỷ luật băng qua khoảng sân trống đó là trạm xá. Khi tôi mới đến trại Z30D cái “bệnh viện tối tân” này do một trung sĩ quân y tù nhân của phe chiến thắng trông coi, loại y sĩ không trường lớp chỉ chữa cho tất cả các loại bệnh bằng mỗi thứ thuốc “xuyên tâm liên”. Đến khi loạt sĩ quan quân đội về trại này, quyền điều hành được trao laị cho đại tá Phạm Văn Hạt từng là cục trưởng Cục Quân Y VNCH từ 1958-1963. Ông là một y sĩ lão thành, bên trong vóc dáng nhỏ người, hom hem đó là một trái tim nhân hậu và là một cuốn tự điển y học sống. Nghe đâu về sau ông giải ngũ và phụ trách làm Bộ Trưởng Ngoại Giao thời đệ nhị Cộng Hòa. Ông đã cứu hàng trăm ca thập tử nhất sinh. Ông cũng là người cho tôi miễn lao động nhiều lần do “đau bao tử”, sau ca nằm kỷ luật hết 15 ngày lần nữa vì chống đối lao động. Một cái bệnh mà ông bảo nhỏ:
– Thằng điên, cậu cứ khai bệnh cảm sốt thì phải đo thân nhiệt. Sao không khai đau bao tử cho chắc ăn?
Ôi! một cựu chiến binh đầy tình nghĩa, luôn tìm cách giúp đỡ bên thua trận.
Tôi thuộc đội 9, đội trưởng là một gã Miên rặc ri, tên Đào So, thư ký của đội này là Nguyễn Hữu Phú một thầy giáo làng bị tình nghi dính tới Phục Quốc Quân và vô hộp từ năm 1976. Nhà 4 nơi tôi ở còn có đội 20 và đội 13.
Tất cả nhà giam được thiết kế theo thời tiền sử. Những khúc gỗ rừng cong queo, gánh những thanh đòn ngang thường là những cây non ngoài rừng đủ loại hơi thẳng một chút. Trên đó, lồ ô đập dẹp và bện khít lại làm chỗ ngủ và nó được làm hai tầng và làm thành hai dãy, mỗi nhà có một phi đạo chính giữa, cuối phi đạo là chỗ đi vệ sinh ban đêm, trong đó có hai cái thùng gỗ chứa phân và nước tiểu, văn minh một chút, nó có cánh cửa dĩ nhiên cũng bằng lồ ô. Nhưng cửa ra vào nhà thì phải bằng gỗ, do một đội chuyên nghề mộc làm với thiết kế khoá bên ngoài chắc chắn.
Đội 20 do Nguyễn Văn Nghị một đảng viên hủ hóa làm đội trưởng, một số trong đội này là cán binh Bắc Việt can tội tham ô, hay lem nhem các vụ liên quan chính trị, cộng thêm đa số từ các lực lượng nổi dậy sau 1975.
Đội 13 là Vũ Văn Lộ, hình như là một SVSQ khóa cuối của Võ Bị làm đội trưởng, Về sau này Lộ cùng tôi trên một chuyến xe ra trại Xuân Phước. Tay này có căn nhà gần phở Tàu Bay đối diện Tiểu Đoàn 5 Quân Cảnh, ngày nay nó là bệnh viện Nhi Đồng. Chỗ đó, lúc học năm thứ hai trường Luật tôi hay đến thăm ông dượng rể là thượng sĩ nhất Quân Cảnh dữ dằn số một của TĐ 5, cũng nhiều lần ngồi trước tô phở bốc khói, có tiếng nhất nhì của Sài Gòn ngày đó, bây giờ nó cũng tiêu tùng rồi.
Tôi ở tầng trên đối diện Lộ, giữa là phi đạo, hắn sợ nóng nên chen nằm tầng dưới, bao vây hắn là những tay nổi dậy ở miền Tây, dính dáng tới lực lượng Liên Tôn, cháu con những tay tướng tá Bình Xuyên còn sót lại.
Sau cú điểm danh vào buổi tối, chúng tôi có một khoảng thời gian ngồi với nhau. Nhà 4 này giam chính trị phạm. Họ là những người của các mặt trận chống lại nhà cầm quyền hiện hành, trong đó có cả các quân nhân, sĩ quan cấp úy, cấp tá, không trình diện, theo các đoàn thể đã dấy lên lực lượng đối kháng khắp nơi.
Đội 20 có kỹ sư Phan Thành Trường, có tổng thư ký hội Dịch Lý Việt Nam Cao Thế Nhân, có trung uý quân y dược sĩ Vũ Văn Quang là em ruột của nhà truyền thông Vũ Văn Ánh, một anh chàng luôn có nụ cười trên môi và trầm ngâm rất chi đạo mạo khi tâm sự với những anh em trẻ khác về một vấn đề nào đó. Kỹ sư Trường gốc dân Tây làm một cặp bài trùng với Cao Thế Nhân, hai lão này rất tâm đắc và luôn tặc tặc trên tay quẻ dịch hay minh định một danh từ qua lăng kính toàn một mùi dịch lý học. Kỹ sư Vương Đình Bách một trong những bậc thầy của trường Phú Thọ cũng góp mặt vào cộng đồng chống cộng tới chết này. Bùi Mạnh Bái, Nguyễn Thành Công là một cặp khác nữa, nằm tầng trên kế bên Vũ Văn Quang. Khu vực này là trung tâm cà kê dê ngỗng, nếu không trúng vào đêm phải họp nhà, họp đội, sàn dưới còn có Ngô Bá Nhương nằm sát Trần Tương, người từng tham gia cuộc đảo chánh hụt thời Đệ Nhất Cộng Hoà, và lên đường ra Côn Sơn trên tàu Hàn Giang 401.
Đội 9 của tôi đa số là trẻ, nhiều nhất là anh em từ Long Xuyên hay xuất xứ từ cái nôi của Phật Giáo Hòa Hảo nổi tiếng là chống cộng quyết liệt. Lê Hữu Ích, Châu Văn Tài, Nguyễn Huỳnh Danh Vũ dân Hòa Hảo nòi. Lại có cả Cao Hữu Vốn, một đại úy của sư đoàn 9, trốn trình diện vô rừng U Minh lập căn cứ, bị vây bắt trên đường qua Long Xuyên. Lúc ở đây tôi hay la cà với những anh em Hoà Hảo này, chí ít tôi từng có giao tình và nhiều phen làm chung với họ ở một góc cạnh nào đó, trong cuộc bùng dậy của Miền Tây trước lúc tôi bị bắt, từ giao tình này tôi gặp lại một người anh em từng có mặt trong hàng ngũ ngày nào, khi tôi lặn hụp vùng Đồng Bà Chiêu khắc khổ.
Ở trại Z30D, Dũng với cái tên dõm khi bị bắt là Nguyễn Văn Đát, con của hổ tướng Bảy Viễn dòng thứ.
Tình cờ chúng tôi gặp nhau trong trại tù, tại cái nhà 4 thổ tả đó. Nó ở đội 13, nằm đối diện tôi, qua mấy điếu thuốc lào tâm sự linh tinh, chúng tôi nhận được nhau, người cùng một nhà. Một khuôn mặt mà tôi vẫn không quên mỗi khi nhớ cái thời lẫm liệt, coi cái chết bằng không của mình. Việc tôi thua hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến anh em ở Thốt Nốt, Dũng kể:
– Anh Điệp cho anh em rút vào Đồng Bà Chiêu một thời gian, nghe ngóng và tiếp tục công việc dang dở. Lúc này đã có rất nhiều các mặt trận, lực lượng nổi dậy nổi lên khắp nơi. Dù rằng con số bị bắt vì âm mưu lật đổ chính quyền đã nhiều, nhưng không làm nản lòng anh em.
Sáu tháng sau khi tôi thua. Anh Điệp tập hợp được một số đông anh em từ những đơn vị lẻ tẻ. Anh cho đào một đường hầm trong nhà ra tận bờ sông Hậu. Anh đưa về gần 10 anh em thường trực tại đó. Căn nhà này là bộ chỉ huy của liên đoàn.
Sư Đoàn Tây Đô 3 đã đánh hơi từ những cuộc chạm trán với đám du kích địa phương. Anh bị chúng theo đuôi.
Một đêm giặc đem một tiểu đoàn vây kín khu Ngả Ba Lộ Tẻ, chúng pháo sập căn nhà và tràn lên tấn công, cố tình bắt sống anh Điệp. Dũng đang nằm trong hầm với anh, sau mấy loạt đạn đầu, anh Thành bị bắn trúng ngực, Dũng kéo anh theo đường hầm chạy ra bờ sông, anh chết trên tay nó, bỏ xác anh cạnh bụi chuối sau nhà, nó nhảy xuống sông thả nổi theo đám lục bình trôi về bến đò Vàm Cống. Tất cả anh em còn lại đều bị thương và bị bắt.
Nó bơi theo con nước cho tới sáng, vào nhà bà cô nó cách đó gần 5 cây số. Thay bộ đồ nó lên xích lô đạp quay trở lại, trà trộn trong đám dân hiếu kỳ đứng hai bên lộ. Dũng đứng nhìn, căn nhà sập gần hết vì đạn cối. Xác anh Điệp nằm nghiêng phơi trên lề, vết thương ở ngực phá một lỗ lớn sau lưng, mắt anh vẫn mở lớn. Dũng cắn răng nhìn một hồi lâu rồi lủi vào đám đông chuồn qua biên giới theo đường về Tịnh Biên.
Anh Điệp chết. Liên đoàn trưởng Liên đoàn A Lực Lượng Dân Quân Phục Quốc- Trần Chánh Thành tử Trận !
Có lẽ cho đến ngày tháng này anh Điệp là chiến binh phục quốc đầu tiên tử trận ở Thốt Nốt Hậu Giang, miền Tây Nam bộ. Người chiến binh Hoà Hảo đầu tiên, hiên ngang chết trên chính địa bàn chiến đấu của mình.
Dũng nghe người ta kể lại, bọn khốn nạn phơi xác anh ba ngày trên quốc lộ để thị uy và trả thù, sau đó chúng cho gia đình an táng sơ xài tại chỗ. Dũng với ánh mắt còn đầy thù hận, nó nói:
– Anh Sáu, anh em mình mất anh Điệp, mất thêm mấy anh em rơi vào tay tụi nó, sau cú càn quét của sư đoàn Tây Đô 3.
Có lần Dũng hỏi tôi:
– Sao anh né được, khi tụi nó hỏi anh về những anh em liên quan?
Tôi kể cho Dũng nghe đại khái những đương dầu với tụi tra án của việt cộng, cách tránh né để không làm anh em ở Thốt Nốt tổn thương.
– Dũng ! Lần thoát sau cái chết anh Điệp, Dũng về đâu? Rồi sao bị “tó” lại?
– Chôn cây P38 ở sau nhà, em mò xuống Châu Đốc, tính qua biên giới thì một thằng trong nhóm cũ gặp em giữa đường, ân oán giang hồ từ trước, nó tố với công an. Vô công an điều tra lòi ra cái vụ chung anh Điệp, tụi nó lôi em về Thốt Nốt xác minh trước dân địa phương. Một thằng chỉ vào mặt em: "Thằng này tui thấy nó đi chung cái ông bị bắn chết mấy lần…". Hết đỡ, em thua.
Tôi ngùi ngùi, tuổi trẻ mà, sau ngày sập trời, tôi cũng vậy có những cái thua lãng xẹt:
– Anh Điệp nhắc anh hoài, em chỉ biết anh là anh Sáu Sài Gòn thôi. Đến khi anh hỏi em ở miền Tây có quen ai khu Thốt Nốt không, là em nghi trúng phóc, qua hình dáng của anh mà anh Điệp thường nhắc với em. Không có anh, anh Điệp cực lắm, lo ăn cho mấy đứa, kiếm đồ chơi cũng khó, rồi trong Đồng Bà Chiêu từ từ bị thua sạch..mãi sau này lấy được chút vốn thì anh Điệp tử trận.
Tôi thở dài:
– Cũng phải vậy thôi, mày coi. Đầu tiên hai ba chục, lớp bệnh đau, không thuốc, lớp bị theo sát nút, lớp chết, lớp bỏ đồng về. Chờ đợi lâu ngày không ai tiếp trợ, vậy thì còn chi mà mong mỏi như anh em mình từng muốn. May mà anh không ở đó chứ nếu không chắc mày thấy cả anh phơi xác chung anh Điệp rồi.
Vậy đó, cái tuổi trẻ hừng hừng như lửa, húc vào chỗ chết coi như không. Tội thiệt, vậy mà cũng gọi là chiến đấu. Chiến đấu cái con khỉ! Cú ra đi bỏ thành chẳng phải để làm anh hùng, chẳng để mai sau đội đá vá trời, chỉ một thứ tuổi trẻ, hào khí đó có từ ông cha, trong máu xương không chung cùng cộng sản.
Bỏ cái danh gọi chính nghĩa. Nó đơn giản là không sống chung với giặc, vậy thì sống ở đâu? Chỗ nào trên quê hương này không có giặc, ngoại trừ rừng cao núi thẳm, nơi hang ổ mà chúng đã bỏ lại khi vinh quang ra thành. Cú đi không tấc sắt trên tay được mô tả bằng một câu lạnh lùng “Đi cho có đi dù là nơi để chết”.
Hai anh em nắm tay nhau thật chặt, cú nắm tay ly biệt. Vì sau đó, chẳng bao lâu tôi bị đày đi ra trại mới.
Cái xã hội chó chết hôm nay cũng đã có hai loại người một thắng, một thua. Thắng thì được gì chứ. Oán hận dày thêm chút nữa, dân chúng lánh xa, sợ hãi thêm chút nữa. Thua thì mất gì? Cái giang san này đã tả tơi hơn 20 năm, mỗi tấc đất, tấc đường có bao bom đạn, có bao máu xương chảy trên đó. Vỏn vẹn là hai chữ “mất nước”.
Những đêm dài khó ngủ, tôi cũng có khi vắt tay lên trán nghĩ tới nghĩ lui, lâu ngày mình trở thành ông cụ non, bày đặt triết lý sống, bày đặt tư tưởng bậy bạ mà bậy bạ nhất là vẫn còn ở trong tù.
Dã man, tàn nhẫn nhất mà thượng đế sinh ra để trừng phạt con người. Ngoài giống muỗi rừng mang vi trùng sốt rét nổi tiếng của châu Á, có mặt ở đây là đoàn hùng binh rệp. Lũ chúng nó sinh sôi nảy nở đến chóng mặt, rệp từ trên mái lá, rệp từ đầu kèo, rệp giữa những thân lồ ô đập dẹp dưới lưng, rệp chui trong những lỗ mọt của cái thang làm bằng một đoạn gỗ, trên đó dát vài hõm sâu để leo lên tầng trên. Rệp trên nóc nhà, từ trong mái lá rơi xuống. Rệp diễn binh giữa ban ngày dưới lớp lồ ô của tầng trên. Rệp di hành dưới bóng đèn dầu mờ mờ để ở cửa ra vào và gần khu vệ sinh. Một vệt đen như đội quân ào ào tiến, lùng sục mùi máu và mồ hôi người.
Riêng nhà 4 của chúng tôi, trăm con người chui rúc, chịu đựng sự tấn công gần như vô phương kháng cự. Một ý lạ đề ra, như trong một trận đánh, mỗi con người phải tự tìm cho mình cái thích nghi nhất để chạy khỏi lưỡi hái tử thần, dùng tất cả cái thông minh của từng cá nhân mà tạo lớp bảo vệ, cho dù nó chỉ tạm thời hay có còn hơn không, hoặc biết chẳng được bao nhiêu nhưng vẫn phải làm và làm trong tuyệt vọng.
Chúng tôi giăng mùng ngược, chân mùng quay lên trời và nóc mùng lót dưới lưng.
Con muỗi có khung hướng bay ngang chứ hiếm khi từ trên tấn công xuống. Lũ rệp lại khác nó từ dưới chui lên, bò dọc thành mùng, châm chít dưới lưng. Cuộc chiến, tưởng đâu là thắng lợi, sau khi kèm thêm những trận càng quét vào mỗi ngày chủ nhật không đi “lao động xã hội chủ nghĩa”, tất cả sân trái phải, trước sau của mỗi nhà, anh em đem quần áo phơi nắng diệt rệp.
Chúng tôi dùng tới chiêu bom lửa để tấn công chúng. Thật cẩn thận, dưới sự kiểm soát an toàn tối đa, một bó đuốc nhỏ, quơ dọc ngang trên chỗ nằm từ đầu tới cuối nhà, trên, dưới và thật cẩn thận phía gần mái lá, lá buông có độ bén lửa như tranh, sơ ý là thê thảm. Dĩ nhiên trại thì cấm lửa, muốn hành quân kiểu này phải có tiền sát viên đứng hàng dọc từ ngoài cổng khu cho tới trong nhà, một báo động là lập tức tất cả phải bình thường, khó biết, trừ những thằng trật tự là đám chó săn đắc lực của trực trại.
Cẩn thận đề phòng thằng Tâm mập, một cán binh vc bị giam mà lý do không rõ ràng, ông già Mạnh, một hạ sĩ quan an ninh quân đội bị bắt tại mặt trận khi chạy từ vùng 2 thì không ngại, ông ta hiền và nhát.
Thua! chúng tôi thất bại dù thắng trận đầu, quân rệp chết như rạ, hàng ngàn, hàng triệu con. Dưới trận bom lửa, lũ rệp cháy khét bốc một mùi khó chịu, mùi cháy của máu người, kèm theo mùi đặc thù khi bị đốt của giống rệp. Chết la liệt, chết từng đống, xác bọn chúng được quét gom lại, nhìn thấy mà lạnh mình. Nhưng nó sinh sản nhanh cực kỳ, tuần sau thì đâu vào đó, hình như không bớt đi chút nào. Lại bom lửa, lại càn quét.
Tới nước này, chúng tôi bó tay. Rệp không di chuyển theo cách thông thường nữa, hình như biết chúng tôi căng mùng ngược, lũ khốn nạn chơi trò “nhảy dù”. Từ trên nóc, hay trên tầng trên, trên những cây đòn tay, kèo, chúng buông mình rơi xuống. Cú đáp tuyệt vời, cú đáp mà những chiến binh của Nhảy Dù thua xa lắc. Cú đáp chính xác, không tiếng động không mất thời gian cuốn dù, chúng tấn công liền tức khắc, sau đó núp dưới góc mùng hay một chỗ an toàn, cho đêm mai, đêm sau nữa, không cần mất công cho một “sô” nhảy. Thứ rệp chó chết này, chỉ cần cắn một nhát là cả một vùng da nổi một dề mẩn đỏ ngứa, nhức và lâu tiêu cái mẩn đỏ khốn kiếp này hơn lũ muỗi.
Ôi! Một cuộc chiến kinh hoàng, xem ra bên ta chết hết, địch vô sự. Tự do trên chiến trường với những cú hút máu từ những thân thể ốm o thiếu ăn và kiệt lực.
Tháng 9-1979, khi những con Thiên Nga đã bay đi, chúng tôi gần trăm mạng, lọc lựa ra từ nhiều đội bị lùa sang trám chỗ nhà 7 . Toàn là thành phần bất hảo dưới con mắt của bộ chỉ huy trại. Bọn tôi bị cách ly hoàn toàn, cửa nhà đóng lại 24/24, trừ khi lấy cơm, nước và đi tắm suối, vệ binh, trật tự án ngữ bên ngoài, mỗi một động tác đều bị rình rập.
- Sẽ đi về đâu? Biết chi cho mệt, đi đâu thì cũng là ở tù, có khổ thêm chút cũng rứa, bận tâm chi cho phiền.
Đó là câu nói của Hải Quân trung úy Nguyễn Hưng Đạo. Anh là người nghiêm trang, chậm rãi, cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói, luôn nhẹ nhàng và hình như suốt nhiều năm trời ở chung với anh, tôi chưa hề thấy anh giận ai hay lớn tiếng. Cha này quả là tuyệt.
Hai mai sư đoàn 18 Hoàng Ngọc Thủy vỗ đùi:
– Tớ đoan chắc, tụi nó đưa mình đi xa, ngó cái kiểu chuẩn bị của tụi nó là biết, mình nằm đây 10 ngày rồi, cao lắm là một hai hôm sẽ lên đường.
Phan Thành Trường rất đạo mạo:
– Theo dịch động, lần này tụi mình về phương đông, biến quái sẽ thê thảm hơn, mà nói chung không có gì ầm ĩ, cơ cực thêm một chút thì đã sao?
Đại Úy Cao Hữu Vốn quả là không vui, anh chen ngang:
- Mong sao nửa đường sinh chút chuyện thì a lê hấp …dọt.
Bùi Mạnh Bái nãy giờ ngồi im cũng bật dậy:
– Bàn chi cho mệt, đâu phải lần đầu mà rối lên vậy các cha? Tỉnh bơ đi, tới đâu thì tới.
Vi Công Minh, người bạn cùng học Trung Học Tây Ninh với tôi 7 năm, hắn là phân chi khu trưởng sau khi vào lính, kéo tôi ra góc nhà nói nhỏ:
- Mày cố báo tin cho anh mày, ké cái địa chỉ nhà tao, để gia đình biết.
- Ừ, nhưng tụi “chèo” canh như vầy làm sao liên lạc, tao sẽ cố.
Minh vốn ốm yếu từ nhỏ, hắn có cái bệnh viêm mũi kinh niên, bất cứ lúc nào cũng sụt sịt dù nắng hay mưa. Minh về trại này và gặp lại tôi từ một trại Phước Long trong đội sĩ quan cảnh sát bị bắt, cùng màu áo với hắn còn có Lâm Phước Xoàn, tay này học ở Nông Lâm Súc nhưng lại cùng thời với tụi tôi. Xứ Tây Ninh nhỏ xíu nên loanh quanh ra đường là gặp, nhất là với mấy tên có máu mặt ở tỉnh. Xoàn không có mặt trong danh sách định mệnh này.
Lúc tôi tới trại này chưa có thành phần sĩ quan trình diện ở đây. Cho đến khi bọn quân đội bàn giao những người trình diện học tập cho công an quản lý. Chúng làm một phát xào tung các trại lọc lựa theo thành phần, tiêu chuẩn chi đó từ Long Giao, Long Khánh, Suối Máu, miền Bắc, Nam Hà, Nam Định. Chúng chuyển các đối tượng mà chúng cho là nguy hiểm về một trại đặc biệt do chính bộ công an theo dõi sát nút.
Anh rể tôi, một đại uý Hải Quân cũng từ Phước Long về Z30D, anh em gặp nhau chung một trại tù. Tôi có cơ hội nhờ anh nhắn gởi dăm câu cho ba má tôi, bởi nhiều tháng rồi tôi bị cấm viết thư do cái tật chống đối của mình. Trước khi anh đến đây, tôi lại vừa từ xà lim ra được 1 tháng. Có một điều an lòng, tôi đã nhờ anh thay tôi săn sóc ba má tôi, anh nhận lời bằng một cú gật đầu:
– Mầy yên tâm.
Tôi và anh ấy như vậy, anh coi gia đình tôi là ruột thịt, đối xử với em vợ như em ruột của mình, trật dây nịt là chửi tắt bếp, anh em chúng tôi nhìn anh ấy như một ông anh ruột.Trước khi lấy chị tôi được một năm, anh ta từng sang Mỹ thụ huấn khoá 1 OCS, dân đi biển chính tông.
Ngày chuyển về Hải đội 2 Duyên Phòng, anh kéo tôi ra đó, như một món quà cho cái bằng tú tài 1 của tôi. Chuyến hải hành đầu tiên của tôi trên chiếc PCF, anh làm thuyền trưởng, anh dạy tôi các thứ. Giữa biển mênh mông tha hồ tập bắn súng, P 38 là sở trường của tôi, M16 cũng thuộc loại có cựa, sau một tháng trời lênh đênh trên sóng nước. Vì thế lúc ở Quang Trung trừ cái vụ bò trườn linh tinh chứ trên bãi tác xạ thì khỏi lo. Tôi còn được các sĩ quan, bạn bè của anh dạy cho đủ thứ, lái tàu như một thủy thủ, cặp bến, tách bến, sóng ngang, sóng dọc tôi rành như tay chuyên nghiệp. Tôi từng lái thay anh giữa bão miền Trung, như một giám lộ có tay nghề trên hải bàn chi chít số, trung tá Pháp chỉ huy trưởng hải đội lại khoái và hay rủ tôi theo ông tung hoành ở Qui Nhơn một dạo. Cho nên cái thuở học trò tôi học về lính nhiều hơn sách vở.
Anh em chúng tôi biết là phải chia tay nhau nhưng vô phương tiếp xúc hay gặp mặt. Chuẩn bị cho tôi lên đường, anh đã canh tụi chèo. Xuống nhà bếp lấy cơm cho đội cùng lúc với tôi để chuyển cho tôi vài thứ cần thiết, một chia ly thật là có hậu. Anh Đạo và anh Thủy cùng một số anh em sĩ quan về trại này trong đợt đó, tiếc là ông anh rể của tôi không cùng một chuyến. Một chuyến đi có nhiều thứ gai góc hơn, đòi hỏi ít nhiều can đảm và chịu đựng hơn.
Bỏ lại Rừng Lá, bỏ lại gần 3 năm với đủ thứ kỷ niệm tù, bỏ lại con Suối Lạnh, chúng tôi lên một đoàn xe bít bùng. như những cánh chim ra khỏi tai ương của một cánh rừng, sẵn sàng đến với một tai ương khác.
Nói là đi, vẫn thấy bâng khuâng, nói là hận chỗ đã giam cầm mình như con thú tật nguyền lòng vẫn se lại. Đời đi tù, qua một trại chắc gì quay lại, ai muốn quay lại làm chi, nhớ một câu văng vẳng bên tai “Đừng tắm hai lần trên một dòng chảy”
Ừ thì đi, tôi và Vũ Văn Lộ ngồi chung một xe, nhưng tôi bị còng tay với một tay khác cũng dân nhà binh. Tôi nói với anh ấy:
– Tụi mình uýnh trận khác và cầm chắc cái thua.
– Ừ không thua mới lạ, dẫu sao cũng thua lâu rồi.
Đoàn xe của những chiến binh thua trận lần hai lên đường trước khi trời sáng. Rừng Lá im re, không gió, không chiếc lá nào lay động tiễn đưa.
A20 nguyễn thanh khiết
-------------------------------
More:
1. Ký ức bỏ quên (1) – Thành Gia Định - (A20 nguyễn thanh khiết)
2. Ký ức bỏ quên (2) – Tuổi trẻ điêu linh - (A20 nguyễn thanh khiết)
3. Ký ức bỏ quên (3) - Đường đi không đến - (A20 nguyễn thanh khiết)
4. Ký ức bỏ quên (4) - Những chuyến đi quên về - (A20 nguyễn thanh khiết)
No comments:
Post a Comment