Thursday, December 29, 2022

SẼ CÓ MỘT NGÀY - Tony Nguyễn

SẼ CÓ MỘT NGÀY

Tony Nguyễn

"Đông về lạnh giá, ụ rơm buồn than thở,
Nụ cười dở dang, vẫn thắm nở môi hồng."

(Hoàng Huy Hải)
ĐÔNG lại về lại thêm một mùa đông
VỀ đúng hẹn sao người không đúng hẹn

-----------------------------
 
 -----------------------------

LẠNH cơn gió nửa đêm vào len lén

GIÁ băng nào dâng làm nghẹn con tim.
Ụ rơm cao thành tổ ấm bầy chim
RƠM rạ đó nơi chúng tìm hơi ấm
BUỒN càng thêm vì năm nay rét đậm
THAN củi đầy ngoài kho lẫm thờ ơ.
THỞ than được chi, ai hiểu bây giờ
NỤ môi thắm ngày xưa nay vẫn thắm
CƯỜI mỉm nhẹ tình yêu còn say đắm
DỞ chồng thư đọc ôn lắm ý tình.
DANG dở không do lỗi của chúng mình
VẪN cất giữ album hình hai đứa
THẮM thiết lạ không làm sao hiểu nữa
NỞ tươi màu là cái thuở đang yêu.
MÔI vẫn hồng dù rét buốt bao nhiêu
HỒNG như thể buổi chiều anh cất bước
Anh phải đi theo con đường vận nước
Khó quay về nhưng vẫn ước ngày mai
Quê hương mình phải có một tương lai
Tươi sáng lại khi hết loài quỉ đỏ
Nhớ lời anh, sẽ một ngày nào đó
Cờ tự do bay trong gió bốn mùa.
Tony Nguyễn
Houston, Dec 26, 2022
-------------------------------
 -----------------------

Yến Ngọc Hải Âu
ĐẤT NƯỚC MAI NÀY !
Mai này đất nước nở hoa
Hoàng Kỳ rợp bóng dân ta đón mừng
Bao năm hứng chịu cộng quân
Mùa xuân no ấm nhà nhà an vui !
Bình minh sáng sủa muôn nơi ...
Bầu trời xanh thẫm hát lời ca vang
Dân tộc thoát khỏi lầm than
Giang san một dãy, xóa tan hận thù ...
Không còn bóng tối âm u
Mây mù giăng lối , nối liền yêu thương
Chẳng còn phải cảnh tha phương
Niềm vui tận hưởng , tình thương chan hòa .
Quê hương thấm đẫm lệ nhòa
Mẹ con, chồng vợ chẳng còn chia xa
Đất nước nếu có nở hoa
Là không cộng sản , làm ma để thờ ...!
Không còn đói khổ ,bơ vơ
Trẻ thơ được sống giấc mơ màu hồng
Ruộng đồng chờ nước từ sông
Chẳng còn phải sống làm công xứ người !
Hoàng Kỳ biển lớn ra khơi
Đời đời vẫn mãi con rồng, cháu tiên
Đất nước khung cảnh bình yên
Cộng Hòa vẫn sáng trong tim rạng ngời.
Yến Ngọc Hải Âu
 
-------------------------------- 
 --------------------------------- 
------------------

Trung Vo

BẢN TIN BUỒN
Từ nơi xa, bản tin buồn không đợi
Người đọc tin cũng không rảnh để buồn
Tưởng chóng quên nhưng hồn nặng đau thương
Thế là khổ cho thân già trằn trọc ?

Mắt đã khô nhưng sao lại khóc ?
Chuyện của người sao lại nặng lòng ta ?
Đường trần gian ta đã tới chiều tà
Mãi vướng bận bình minh cho hậu thế ?

Ai tri âm ? để nghe ta kể lể
Chuyện quê hương, dân tộc ? mất ? còn ?
Tìm miếng ăn, như thú vật sinh tồn ?
Cho dù vậy... TA PHẢI TIN CÒN DÂN VIỆT !

Và vì thế, những lời thơ chia sẻ
Mảnh hồn xa tìm phút tương đồng
Cho niềm tin Giòng giống Tiên Rồng
Những Phủ đổng vươn mình cứu quốc

Để từ đó, không tin buồn để đọc
Người gặp Người không Thú vật vây quanh
Người yêu Người trong tình nghĩa Em/Anh
Của 100 trứng cùng Tiên Rồng giống Việt….
3/30/2023
----------------
Son H Cao
MƠ MỘT NGÀY VỀ
Hình chụp trước ngày rời bỏ quê hương Chợ Lầu, tháng 1-1992
Mơ một ngày về
Một góc chợ, một góc trời đã trải
Bóng người xưa giờ biết đã về đâu ?
Cố hương ơi, hãy giữ dùm ta nỗi nhớ .
Tuổi hoa niên, từng lối nhỏ Chợ Lầu ...
Đêm rộn rã lao xao ngàn chuyện kể
Những mắt thơ tròn, mê mãi dõi thời gian
Những thanh gươm, vua chúa, những cung vàng
Những hiệp khách, giai nhân về loáng thoáng ...
Bao ký ức chôn trong mùa ly loạn
Góc trời quê yên ả cũng đâu còn .
Dáng mẹ sầu in bóng bước hoàng hôn
Chiều lữ thứ ...Nghe sương mờ phủ lạnh ...
Sẽ ấm lại bước chân người viễn xứ
Góc trời êm, quê mẹ sẽ thanh bình
Giữa hai bờ thăm thẳm một trùng dương
Vẫn qua lại một vầng mây vĩnh cửu ....
 
Trời vào thu se lạnh, từng cơn gió mạnh thổi đám lá Phong đỏ vàng rơi lả tả uốn lượn nhẹ nhàng đảo mình rơi xuống đất, như có bàn tay vô hình vô tình nâng nhẹ . Trên cành khẳng khiu còn lủng lẳng vài chiếc lá xanh run rẩy như chẳng nỡ xa lìa cành . Trời Thu hiu hắt xứ Mỹ càng làm khơi dậy nỗi nhớ âm thầm trong tâm trạng kẻ xa quê . 
 
Sáu năm tù CS, gần 10 năm chật vật mưu sinh dưới ách tham tàn, rồi sau đó là cuộc đi xa, xa nhất trong đời tôi, bắt đầu cuộc sống tha hương của một HO. Hai mươi sáu năm biền biệt xa xứ, bước chân phiêu lãng của tôi chỉ một lần tìm về để nhìn lại làng quê một trời đầy kỷ niệm, mà những dấu tích còn in đậm trên mỗi bước chân đi . Từng kỷ niệm hiện về như vẫn còn y đó, nó chập chờn ẩn hiện trong tâm thức .
 
Đây nơi cút bắt, đạp lon, nhặt chành lá, kìa nơi vật lộn kéo co . Hiên nhà ai vẫn còn đó trong những đêm tối trời, đám trẻ sát bên nhau tìm hơi ấm nghe tôi kể chuyện xưa, những câu chuyện đủ loại mà tôi đọc được từ các kho sách và kể lại cho các bạn cùng trang lứa nghe như một thú vui của bọn trẻ ở quê làng. Và dòng sông mát êm đềm này đã từng rửa sạch mồ hôi chảy trên lưng trần nắng cháy sau mỗi trận đá bóng trên sân làng đầy sỏi đá....
 
Bạn bè mười đứa nay còn một, với nhiều số phận, tất cả đã bỏ đi tứ tán, làm vắng lặng hoang phế cả những lối mòn xưa. Sau 10 năm tha hương, tôi đã có lần về thăm mẹ già và mong tìm lại chút hơi ấm của kỷ niệm thời niên thiếu . Nhưng ngay lúc ấy, tôi còn nhớ rất rõ một cảm giác cay nồng trên đôi mắt mờ nhạt trước bao dâu biển tang thương do VC gây ra. 
 
Quê hương thay đổi quá nhiều, bị biến dạng một cách dị hợm. Con đường đất xưa mát mẻ yên bình nay được tráng mớ nhựa đường loang lổ, đây không hề là dấu hiệu văn minh. Thời xã nghĩa nên mạnh ai nấy chiếm, con đường làng thành nơi phơi lúa bít cả lối đi, ngôi chợ cũ đã trở thành huyền thoại . Bước chân tôi trở thành như kẻ xa lạ ngập ngừng trên mọi lối đi . Sau 40 năm từ ngày “giải phóng”, quê hương tôi sao vẫn nghèo nàn, lạc hậu, cũng vẫn con trâu kéo cầy giữa trời hanh nắng . Từng đoàn cô gái lom khom cắm từng ngọn mạ trên ruộng nước lầy lội bùn đen .
 
Trên Quốc Lộ 1 những chiếc xe lao vút với tốc độ kinh hoàng, coi mạng người như cỏ rác, tiếng rít nghe lanh lảnh chói tai . Vẫn còn những ngôi nhà 40 năm chưa được sửa sang bám đầy bụi đất thời gian . Chỉ khác một điều những cơ quan công quyền, cổng chào thì mọc lên rực rỡ xa hoa như những gái đĩ về chiều cố tô vẽ cho mình một nhan sắc kệch cỡm . Nhà tù, đồn Công An mọc lên như nắm trong khi trường học xập xệ với thời gian . .
 
Cộng Sản VN luôn rêu rao rằng đất nước giờ đã tiến bộ, bước ra biển cả sánh với Năm Châu . Ôi toàn những lời láo khoét mị dân . Đâu đâu cũng thấy ăn mày với những em nhỏ cùng người già bán vé số để mưu sinh . Vậy mà có quan chức VC ca tụng đấy là một nghề ổn định có thu nhập cao . Đâu đâu cũng nghe thấy thanh niên nam nữ cố tìm đường cho được đi "xuất khẩu" lao nô, Osin, một nghề mới mà thời VNCH không bao giờ có . Quê hương tôi đó giờ như thế, những người có chút đầu óc, nhanh chân đã bỏ xứ ra đi về chốn thị thành, để tìm cho mình một công việc khá hơn cho cuộc sống .
 
Tôi thở dài ngao ngán nhìn quê mình trong cảnh tang thương . Bốn chục năm qua rồi nhưng tôi vẫn nhớ in từng dấu tích . Đây nơi hai người Lính Nghĩa Quân đã ngã gục vì đạn thù của VC trong Tết Mậu Thân 68, những dấu tích của chiến tranh vẫn còn đó như những nhát chém vào tim, dấu đồn lính cũ mà tôi từng trú đóng vẫn còn đó, những bao cát biến dạng với thời gian . Ký ức đã nhạt nhòa trong từng hơi thở, tôi đứng lặng nhìn về Sông Mao nơi ấy tôi đã sống hào hùng với đời lính chiến VNCH, trong đêm đen tôi vẫn còn mơ thấy ánh hỏa châu cháy chập chờn . Quê hương tôi đó vẫn một màu đen kịt dưới bàn tay giặc thù .
Có người bạn cũ là chiến binh một thời, nhưng không may mắn được ra đi đã hỏi tôi chừng nào mới trở lại thăm quê, nơi ấy còn bóng mẹ già đang mong đợi, bạn bè dăm đứa đầu đã bạc, mong một lần gặp mặt để hàn huyên . Gặp được nhau chắc vui lắm, bên chai rượu nhớ những ngày sát cánh, cùng bên nhau bảo vệ quê nhà . Với giọng trầm buồn tôi đã nói với anh rằng tôi không về được vì cộng nô còn đó . Nhìn bộ mặt ghê tởm của chúng, máu trong tim như muốn chực trào . Bốn mươi năm rồi đất nước càng tan hoang, trong tay lũ Việt gian bán nước . 
 
Có một điều tôi còn ngại chưa nói thẳng cho anh rõ là tuy ở nơi chân trời góc biển, tôi cũng làm chút gì đó cho đất nước quê hương, hơn là về để mang mối hận mà không làm gì được với cả một bộ máy tham tàn đang đủ quyền lực và vũ lực sẵn sàng trấn áp . Thế hệ trẻ sinh sau đẻ muộn, bị VC bưng bít tin tức, chúng không dám cho mọi người biết hiện trạng của xứ VN nó như thế nào. Dân trong nước nghèo cực lo miếng ăn đã đủ khổ, càng thiếu sự hiểu biết về thế giới. Không còn cây súng, tôi đã có một trang Facebook mà tôi đã dày công xây dựng từ hơn nhiều năm qua, chuyển những tin tức, những sự kiện trong nước và khắp nơi mà dân VN cần phải biết. Và tôi đã tìm được một lối thoát cho nỗi ray rức của mình, không cam tâm làm một HO chết mòn trong yên ổn xứ người, dùng thời gian còn lại của tuổi già để cùng công luận vạch mặt cộng sản, cổ vũ dân chủ, khơi dậy ý thức tự do...
 
Có vài tên Việt Cộng cứ hỏi tôi sao không dám ở Việt Nam mà chống cộng, giờ theo Mỹ để chống phá Việt Nam ? Tôi trả lời tôi không chống VN, nơi đó là quê hương của tôi yêu dấu . Tôi chống đảng cộng sản một lũ tham tàn bán nước, hơn ai đó miệng nói bô bô yêu thương cờ vàng nhưng không chống cộng, chỉ chống cái ác . Bốn mươi năm rồi từ ngày chúng cướp được miền Nam, chúng đã làm được gì cho đất nước ? 
 
Ngoài việc trả thù người lính VNCH và dân chúng miền Nam . Qua 3 lần đánh tư sản, đổi tiền, thu toàn bộ ruộng đất, nhà máy, ghe thuyền vào tay chúng . Với quyết tâm tiến lên thiên đàng cộng sản, đưa đất nước xuống địa ngục trần gian . Nhờ nhìn lại đất nước thua cả Miên Lào, ôi nhục nhã không sao chịu được . Đảng là cái thá gì mà ta không chửi được ? Chúng đâu phải là đất nước quê hương, chúng chỉ là một loài sâu bọ ngày đêm gậm nhấm trên từng thể xác quê hương .
Trong những đêm dài tôi mơ thấy quê mình, những anh nông dân, chị bán hàng rong, đang gục ngã mọi nẻo đường đất nước . Chị công nhân làm trong công xưởng với lương bèo rẻ mạt không đủ nuôi thân, khác gì thân phận kẻ nô lệ của những thế kỷ trước . Cộng sản VN một phường giả dối, chúng chuyên xuất khẩu lao nô đĩ điếm ra nước ngoài, nhưng chúng tự hào cho đó là kỳ công của chúng .
 
Rồi còn nữa.....Những thai nhi bị vất bên đường, bờ đê suối cạn ven rừng vì người mẹ biết rằng không đủ sức nuôi con . VC ngày nay tạo ra một loại người chỉ biết hưởng thụ, đó là lũ công an và bộ đội cụ hồ, cán bộ đảng viên . Chúng đứng đường trắng trợn chận xe, cướp cạn của dân đen từng đồng bạc , Người ta nói côn đồ với công an là đồng bọn . Bắt vào đồn là từ chết tới đui què, đất nước tôi bệnh viện là chốn địa ngục ô tỳ, lũ thầy lang là bầy lang sói . Y đức với chúng là đồ bỏ, chỉ có tiền chúng mới cứu mạng người.
 
Tôi muốn nhắn với những tên VC hỏi tôi sao không dám về VN đương đầu với CS rằng: Tôi từng là quân nhân được đào tạo trong trường võ bị VNCH, từng lăn lóc chiến trường, từng đối mặt với VC và từng quét sạch chúng ra khỏi những làng quê tôi trấn giữ. Người quân nhân không thể không am hiểu thời thế để chọn phương thức hành động. Không có binh pháp nào lại cổ vũ sự liều mạng tuy với một kẻ thù đang mục ruỗng và thối nát, không có chiến thắng nào đến với sự đương đầu chưa có tổ chức chính danh, không có chiến thắng nào vững bền khi chưa khai mở được lòng dân. Vũ khí mới của tôi là ngọn bút thông tin, không ngừng cùng mạng xã hội đánh vào sự thối nát và dối trá của VC, để mong toàn dân thức tỉnh đứng lên, cùng chung tay diệt bầy lang sói …
 
Tôi nhất định sẽ về, tại sao không? khi quê hương không còn bóng tham tàn, và tôi không hề có chút hổ thẹn nào với tư cách một quân nhân VNCH vì tôi đã chưa bao giờ thôi chiến đấu để góp sức vào cuộc lật đổ tham tàn bằng cách này hay cách khác !!!!
 -------------
 

Son H Cao
CÓ MỘT NGÀY TA LẠI TRỞ VỀ
Một thời chiến đấu cho quê hương đã qua đi với nỗi ngậm ngùi, vì mục tiêu đời trai chưa phỉ chí tang bồng . Nước mắt và niềm đau còn đè nặng trên quê hương mình sau gần nửa thế kỷ . Mảnh đời của một kẻ ly hương không làm dịu vợi niềm đau, mà nó còn in đâu đó dấu ấn của một thời binh lửa năm nao . Nó như ẩn hiện nhạt nhòa trong ký ức qua từng trang sách báo . Nó phiêu bồng trong men rượu chua cay, ôi thời gian sao mi quá tàn nhẫn với kẻ tha hương, niềm hy vọng nhỏ nhoi chỉ mong sớm một ngày trở về lại cố hương để tìm một giấc ngủ yên bình nhưng nó thật mong manh .
Để một lần viếng nghĩa trang xưa, nơi bạn bè đã nằm xuống, đưa tay vuốt nhẹ từng mặt bia đá nơi đó lưu dấu tên anh . Hàng cây ngã nghiêng hai bên lối đi trong nghĩa trang buồn cúi đầu lặng lẽ như muốn nói gì đó với người đã trở về . Những chiều mưa bay đứng tựa bên song cửa, ai đó có nhớ về những nắm mộ hoang sơ bên ven đường mòn trên rừng già Cà Tót . Ngoài vòng kẽm gai của trại tù Tổng Trại 8 Sông Mao, lởm chởm từng dãy mộ đất màu xám nhạt của những người tù cải tạo nằm phơi mình dưới nắng chang chang như thiêu như đốt . Thời gian đã trôi qua quá lâu đủ để xóa đi dĩ vãng, thế mà trong trái tim người lính trận năm nào không sao thôi thổn thức buồn đau .
Đứng trên triền đồi của Động Thái An nhìn về nơi xa xăm ấy .Những cuộc hành quân xa vào vùng đất địch chiến khu Lê, những đêm nằm ngủ trên nổng cát, bên bờ biển giạt giào từng ngọn sóng đập bờ như tiếng ru của mẹ Việt Nam . Nhớ những đêm dài thao thức trên đỉnh Tà Mô mù sương khói, nhìn về Sông Mao xa xăm chìm trong ánh điện mờ, nhớ người em gái nhỏ đang say giấc nồng trong cơn mơ mộng mị . Những đêm căng mắt nằm chờ giặc đến bên ven đồi Lạc Sơn cát trắng, nghe tiếng côn trùng hòa nhịp bản tình ca . Đây Hiệp Thành, Cà Nuôi, Khánh Tài, Nha Mé …những chiến trường xưa, chiến công vang vọng của một thời . Những đóm mắt hỏa châu bừng sáng trong đêm trường cô tịch ấy, với những tiếng gầm thét của đạn pháo hòa tấu bản đồng ca . Những tiếng thét xung phong của bạn đồng hành, tiến lên, tiến lên còn vang vang đâu đây. .
Có một ngày tôi về thăm lại vườn cây xưa, nơi tôi thường cùng đám bạn bè rong chơi, ăn táo ổi, mận đào …những trưa hè tụ tập học thi bên ngôi trường cổ kính . Tôi cứ trầm mình theo thời gian để cũng chỉ mong có một ngày được về lại chốn xưa .. Hàng me xưa dọc hai bên ven đường nay đã không còn, nhưng nó vẫn nằm yên trong tâm trí, nơi đây các bạn thường leo trèo hái những trái me non, ăn với muối ớt trong buổi tan trường trưa thứ Bảy mùa hè . Vị chua của nó như còn thấm trên đầu lưỡi, ôi vô vàn kỷ niệm thương yêu .
Dòng Sông Lũy êm đềm chảy, tôi muốn đứng lặng bên bờ lau sậy để nghe tiếng gió xạc xào . Bóng rặng tre già in hình trên dòng nước trong xanh, hít từng hơi thở của đất trời . Những con chim dòng dọc với những chiếc tổ dài đương bằng lá tre còn xanh, đong đưa theo từng con gió nhẹ, như chiếc võng ru con của mẹ hiền . Chợt lời ru của mẹ hiện về làm bồn chồn người con ly xứ . Tôi muốn được đắm mình trong dòng nước mát quê hương để gột rửa đi bao nỗi ưu phiền . Tuổi đời, và thời gian đâu có ngừng lại để những người viễn xứ còn kịp chuyến đò xưa .
Quê hương nay đã đổi thay, con đường làng năm nào rợp bóng me xanh, nay đã thành còn đường nhựa phẳng phiu nhưng cô đơn làm sao ấy . Nhưng những dãy nhà hai bên đường vẫn còn như năm nào không thay đổi vì quê tôi nghèo quá, những mái nhà tranh siêu vẹo vì tuổi đời chồng chất làm dị dạng hình ảnh của một xã hội đang tiến lên, bên những mái ngói nhà xưa giờ đã thêm rêu phong phủ kín . Cạnh đó những ngôi nhà những quan chức Cộng sản nguy nga đồ sộ trơ ra một nếp sống thiếu công bằng . Bến sông xưa nay tiêu điều vắng vẻ, thiếu vắng con đò chiều, không còn tiếng vui đùa của trẻ thơ bơi lội .
Quê hương tôi đã đổi thay nhiều quá, đến nỗi nó biến thành dị dạng . Tuổi học trò không còn tắm nắng sân trường, ngày hai buổi chỉ biết vùi đầu trong sách vở . Những đầu óc trẻ thơ bụ bẩm bị nhồi nhét đầy sự xảo trá lọc lừa . Trường không đủ để các cháu học hành, muốn đi học phải tốn tiền đút lót . Thầy cô dạy sử sẽ nói gì với thế hệ mai sau khi giảng về trang sử Việt Nam một thời giông bão? Trang sử Việt đã bị sửa đổi để có lợi cho bác đảng làm trò . Một thời mà con người bị giam cầm chỉ vì lòng yêu nước, dám biểu tình chống lại lũ xâm lăng . Một thời mà người ta bị gông cùm chỉ vì yêu quá dân mình. Lịch sử sẽ xót xa khi viết về những phụ nữ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình trong các trại tù chỉ vì họ đã yêu đất nước theo cách riêng của họ.
Những cánh hoa thơm ấy đã tả tơi trong cơn cuồng phong của chế độ bạo tàn, chỉ vì họ muốn được tưới mát quê hương bằng tình yêu của một người con Việt. Quê hương ơi, từ lúc nào yêu đất nước, yêu con người, chống ngoại xâm là một cái tội?...Nhà tù giờ nhiều hơn trường học, những cây cầu không đủ để em phải lội trong biển nước mênh mông . Trường thì bằng tre nứa, vách gió lùa, mùa đông buốt giá không chút hơi ấm . Những bữa ăn toàn khoai với sắn không đủ no lòng, nhưng cạnh đó trong phố phường xa hoa không thiếu kẻ vung tiền qua cửa sổ, thâu đêm trác táng bên ánh đèn mờ . Thiếu gì kẻ thừa mứa bạc tiền cho con xuất ngoại du học …đó là con cháu của những người mang tên giải phóng .
Một thế hệ trẻ đang bị vùi giập trước cuồng phong bao táp . Nước mắt chan hòa trong máu lệ đau thương . Quê hương tôi rồi cũng đã đứng lên đáp lời sông núi, những trái tim bé nhỏ ấy đang hòa nhập vào sức sống để ngày mai đây không còn bóng quân thù ngàn đời trên quê hương mình .Tôi có kịp về không đây để nhìn đất nước thay da đổi thịt, thời gian ơi mi hãy đợi chờ.
 

 

No comments: