Sunday, December 25, 2022

“ANH HÙNG TỬ, KHÍ HÙNG NÀO TỬ” - Th/Tá Tôn Thất Trân K20/TVBQGVN

“ANH HÙNG TỬ, KHÍ HÙNG NÀO TỬ”

Thiếu Tá Tôn Thất Trân K20/TVBQGVN
Yến Ngọc Hải Âu
Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Thắp Nén Hương Tưởng Niệm Tử Sĩ Anh Hùng
(Viết cho người nằm xuống, cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân)

Tango 20: Danh hiệu của Thiếu Tá Tôn Thất Trân. ĐĐT/ĐĐ2/TĐ1/TQLC Quái Điểu. Năm 1972 là TĐP/TĐ7/TQLC. Ngày 1 tháng 5 năm 1975 là Thiếu Tá TĐT/TĐ327/ĐPQ. Bị cộng sản thủ tiêu tại Đức Hòa, Hậu Nghĩa.

------------------------------

Bây giờ là cuối tháng tư, Tucson sắp vào Hạ, cái nắng không quá gay gắt vì những ngọn gió hiu hiu lạnh của những cơn mưa Xuân còn rơi rớt đâu đây, mang lại cho thành phố một cảm giác vừa gần gũi, vừa xa lạ. Tôi yêu thành phố này, nhưng tôi vẫn không bao giờ quên Sàigòn thân yêu, mà tôi từng sống ở đó , nhất là không bao giờ quên những ngày tháng tư đau buồn ở quê hương tôi, miền Nam VN, nơi những người thân của chúng tôi, những bạn bè của chúng tôi đã vĩnh viễn nằm xuống vì lý tưởng Tự Do, “vì thanh bình cho đất nước và vì an lạc cho dân lành” như nguyện ước của cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân đã viết trong cuốn lưu niệm K20/TVBQGVN.

Tôn Thất Trân anh là ai? Thật tình mà nói, tôi chưa bao giờ được gặp gỡ, quen biết anh ngoài đời, mà chỉ được biết anh qua những đặc san của Binh Chủng TQLC, Đa Hiệu, Hậu Nghĩa, qua lời kể của chồng tôi, Hà Mạnh Sơn/K20, hay những bạn bè cùng khóa, cùng trường Võ Bị QGVN của anh, hoặc những bạn đồng ngũ, bạn chiến đấu của anh mà thôi.

Thế nhưng, đã không hiểu sao tôi chợt cảm thấy lòng mình có một sự xúc động khó tả, một niềm tiếc thương, một sự kính phục đang trào dâng trong tôi, khi nghe, khi đọc những điều về anh, và ngày hôm nay, tôi ngồi đây viết những dòng chữ này, như một nén hương muộn màng, như một vòng hoa tươi chân thành, xin kính dâng hương hồn người anh hùng của Khóa 20/TVBQGVN, cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân. Anh không chỉ là anh hùng của riêng Khóa 20, mà anh còn là một anh hùng vị quốc vong thân của toàn dân Việt Nam, khi anh đã nằm xuống cho chính nghĩa“…vì thanh bình cho đất nước và vì an lạc cho dân lành.” Tổ quốc ghi ơn anh, lịch sử ghi công anh. Chúng tôi những người con dân của miền Nam VN cũng luôn luôn nhớ và ghi ơn anh, cũng như nhớ và ghi ơn những anh hùng tử sĩ của VNCH đã nằm xuống để bảo vệ quê hương, để chúng tôi được sống còn đến ngày hôm nay:

… Bao năm qua rồi anh biết không
Từ ngày áo chiến đẫm máu hồng
Người lính một thời cao ngạo ấy
Đã trả xong rồi, nợ núi sông

Anh đã nằm đây, đã ở đây
Hình hài che lấp dưới cỏ cây
Tên anh muôn thuở luôn sống mãi
Hùng khí còn đây, vẫn thật đầy…

(Thương Tiếc – Tường Thúy)
Anh còn nhớ gì không anh? Nhớ ngày nào anh cũng như bao chàng trai đất Việt, khi Tổ Quốc lên tiếng gọi, đã sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ, gia nhập quân đội để bảo vệ đất nước, bảo vệ dân lành bằng một bầu nhiệt huyết, một ý chí hào hùng, quyết diệt bọn Cộng Sản tàn bạo vô lương :

Chàng trẻ tuổi vốn dòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời…

(Chinh Phụ Ngâm- Đoàn Thị Điểm)

Năm 1963, anh đã tình nguyện ghi tên vào học Khóa 20 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam tại Đà Lạt, một quân trường đào tạo các cấp sĩ quan chỉ huy nổi tiếng của vùng Đông Nam Á lúc bấy giờ, với thời gian là hai năm rèn luyện.

Nếu nói Đà Lạt là vùng “địa linh, nhân kiệt” thì cũng không sai. Nơi đây là một vùng đồi núi chập chùng, suối ngàn, thác bạc nên thơ, với những rừng thông thơm ngát hương nhựa thông xanh, với những mặt hồ lung linh soi bóng mây trời, với những dòng thác bạc hùng vĩ, với những kỳ hoa dị thảo nở khắp bốn mùa, hơn nữa nơi đây còn có một quân trường nổi tiếng, trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, đã đào tạo, hun đúc không biết bao nhiêu là nhân tài cho đất nước, những người sĩ quan chỉ huy, trí dũng song toàn, những người lính quả cảm, can trường và bất khuất, mà trong đó có một người mang tên Tôn Thất Trân/K20
Anh có còn nhớ không, những ngày xưa thân ái đó, nơi anh đã cùng các bạn trải qua những tuần đầu sơ khởi nhọc nhằn của người tân khóa sinh, để nếm mùi

“Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Từng bước các anh đã làm quen với đời sống quân phong, quân kỷ, với những bữa ăn “vuông góc”, bật dậy theo tiếng kèn báo thức… Rồi dần dần, những đêm dạ hành, những phiên gác đêm, những lần được ra phố gặp gỡ bạn bè, và nhất là những giây phút êm đềm bên người con gái anh quen, dưới rặng thông xanh hay bên dòng thác bạc, đã cho anh cái cảm giác thấy mình trưởng thành hơn, chín chắn hơn và oai vệ hơn trong bộ jaspé hay worsted. Phải thế không anh?

Thời gian hai năm trôi qua rất nhanh, dù với một khuôn mặt rất trẻ cùng cái lon thiếu uý trên vai, nhưng bầu nhiệt huyết của người lính lúc nào cũng như sục sôi trong người, và, Thủy Quân Lục Chiến là binh chủng đầu tiên được anh chọn để gia nhập sau khi ra trường, đây cũng là một trong những binh chủng nổi danh thiện chiến của Quân Lực VNCH. Cuộc đời binh nghiệp của anh bắt đầu từ bấy giờ, người chiến sĩ này rày đây, mai đó đã đi theo đơn vị trong những cuộc hành quân ở khắp mọi miền đất nước:

Người trai trẻ khoác áo xanh rừng núi
Anh mang danh người lính chiến Cộng Hòa
Yêu quê hương anh chẳng ngại xông pha
Nơi chiến tuyến đối đầu ngăn bước gịăc
Người lính đó, dù gió mưa cũng mặc
Quyết giữ yên bình cho xứ sở quê hương
Chiến thắng lẫy lừng vang dội bốn phương
Nào Tống Lê Chân, Hạ Lào, Đức Huệ
Nào Cổ Thành, nào Bình Giả, Đức Cơ
Nơi anh đi mầu khói súng phủ mờ
Những người lính của bốn vùng chiến thuật…

(Vì anh là lính – Tường Thúy)

 

Bước chân của người lính trẻ Tôn Thất Trân đã cùng với những đơn vị ĐĐ1/TĐ1/TQLC, ĐĐ2/TĐ7/TQLC, TĐP/TĐ7/TQLC, TP3/LĐ147/TQLC của mình, chiến đấu, mải miết hành quân qua bốn vùng chiến thuật như: Thung lũng Việt An, Quảng Tín – Rạch Cái Thìa Định Tường – Tết Mậu Thân 1968, GòVấp, Gia Định – Tết Mậu Thân Huế – U Minh Thượng, U Minh Hạ, Cà Mau – Vượt Biên Campuchia – Hạ Lào – Lam Sơn 719, Quảng Trị – Mùa Hè Đỏ Lửa, Trận Đánh Cầu Bến Đá, Mỹ Chánh, Quảng Trị – Đổ Bộ Bờ Biển Mỹ Thủy, Quảng Trị – Chợ Sãi, Triệu Phong, Quảng Trị – Và sau cùng anh về Hậu nghĩa với cuộc hành quân An Ninh Lãnh Thổ Đức Hòa,Tiểu Khu Hậu Nghĩa, với chức vụ TĐT/TĐ327/ĐPQ/TK Hậu Nghĩa.(Lê Tấn Tài/K20). Không nơi nào là không hằn dấu chân anh. Và với những trận đánh oai hùng tiêu giệt giặc Cộng, những lần nằm gai nếm mật cùng với bạn bè, với đồng đội, những lần truy đuổi kẻ thù trong đêm tối hay trong mật khu của địch, hẳn anh đã thỏa mãn được trí tang bồng hồ thỉ của người trai thời chiến, đúng như ý nguyện của mình:

“… Thích cuộc sống hào hùng, đầy nguy hiểm và thử thách trong tương lai.”

(Tôn Thất Trân – Lưu niệm K20).

Có phải như vậy không anh? Rồi nhất là trong trận đánh tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, một trận chiến oanh liệt khét tiếng trong lịch sử chiến đấu cùa QLVNCH, mà báo chí ngoại quốc không ngớt lời khen tặng các quân binh chủng đã tham chiến, anh đã được vinh dự nhận Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, khi đã anh dũng cùng các đồng đội, cùng các binh chủng khác của QLVNCH, đánh bật giặc thù, chiếm lại Cổ thành và cắm lên đó lá cờ vàng bất diệt của Tổ quốc Việt Nam.

Cờ ngạo nghễ bay, Cổ Thành ghi dấu
Chiến tích oai hùng Quân Lực Việt Nam
Thuỷ Quân Lục Chiến, Nhẩy Dù chiến đấu
Bên Biệt Động Quân anh dũng vô vàn

Tường Thúy
Ngày 1/11/1971, anh được thăng cấp Đại Uý thực thụ, đầu năm 1974 anh lại được thăng cấp Thiếu Tá. Và cấp bậc cuối cùng của anh trước khi bị thủ tiêu bởi sự hận thù của những tên giặc đê hèn CS là Thiếu Tá/TĐT/TĐ327/ ĐPQ /Tiểu Khu Hậu Nghĩa.

Nói về cuộc đời binh nghiệp, cũng như con người của người anh hùng Tôn Thất Trân, các bạn chiến đấu, bạn đồng ngũ, qua những bài viết, đã nhận xét về anh:
“… Là một người trai thời loạn, mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dù đã được phân phối về TTHL/TQLC, Rừng Cấm, Thủ Đức. Nhưng anh đã tình nguyện xin đi chiến đấu vì anh nghĩ chiến đấu mới là đất dụng võ, chiến đấu mới là nơi anh có thể phát huy được tất cả những khả năng của một vị sĩ quan chỉ huy và anh đã được thuyên chuyển về TĐ1/TQLC. Từ đây bước chân quân hành cũng như những chiến công gặt hái được của người lính chiến này đã trải qua khắp bốn vùng đất nước, lần lượt qua các chức vụ Trung Đội Trưởng, Đại Đội Trưởng, Tiểu Đoàn Phó v…v…”
(MX Quái Điểu Lê Văn Châm)

…’’ Riêng tôi muốn nhắc nhớ đến một người hiếu thảo với gia đình, một chiến sĩ xả thân vì đất nước, một người bạn chân tình với mọi người….Anh là Tôn Thất Trân, tính tình vui vẻ, điềm đạm,c ương trực, không nịnh hót , không chèn ép bạn bè hay thuộc cấp.

…Năm 1972, anh bị thương lúc đụng độ ác liệt với quân CSBV trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa tại Quảng Trị. Anh không chịu tản thương đến khi bị thương lần thứ hai, anh đành phải rời vùng lửa đạn. Nhiệm vụ nào anh cũng hoàn thành xuất sắc, ai cũng kính mến và thương yêu anh…”

(MX Thần Tiễn Lưu Văn Phúc – Chuyện cũ ghi lại – Đa Hiệu 107)

“….Nhìn tướng ông đứng sững mặc dầu pháo vẫn rơi. Núp dưới hố, tôi ngưỡng phục sự gan dạ của Đại Úy Trân. Tôi nói với H/S Tài:
- “Sao ông thầy ngon lành quá vậy, bình thường trông ông hiền lành, nói nghe yếu xìu mà bây giờ trông oai phong ra phết. Đại đội 3 nhờ gương anh dũng chiến đấu của ông từ Campuchia đến Hạ Lào, nếu không thì Đại đội 3 sẽ chịu nhiều thương vong,”

…Ngày 2/5/1972, một ngày nắng gắt, Đại Úy Trân ra lịnh gài mìn chống xe tăng địch. Chiều tối có tiếng xe tăng của địch đang di chuyển từ hướng Bắc xuống, Đ/U Trân lịnh cho toán M72 sẵn sàng. Một loạt M72 nổ, hai T54 và một PT76 bị bắn cháy ngay giữa cầu Bến Đá. Thành phần thiết giáp còn lại giật lùi trốn chạy trong các xóm làng bờ Bắc con sông.Tiếng Đại Úy Trân vang trong máy truyền tin với Thượng Sĩ 1 Thái Công Lựu, Trung Đội Phó Trung Đội 3/ ĐĐ3:
- “Thằng 3 đánh một trận diệt tăng địch để đời, ráng chăm sóc anh em, đợi Lê Lai về. (Thiếu úy Lai bị thương đang nằm bệnh viện)

Tiếng nói người anh cả của Đại Đội (Đ/Úy Trân) làm tôi thấy ấm lòng khi nhớ đến lời trấn an lúc tôi bị thương ở Hạ Lào.”
(MX Hùm Xám Nguyễn Tín – Chuyện cũ ghi lại –Đa Hiệu 107)

Sự chiến đấu gan dạ, hào hùng, quả cảm của anh, người hùng Tôn Thất Trân, đã được đánh dấu bằng những tấm huy chương đỏ rực trên ngực áo, nào là Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương với Nhành Dương Liễu, nào Chiến Thương Bội Tinh, rồi 5 Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu, 2 Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng, 1 Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Bạc. Tất cả đã làm nức lòng những người bạn, những thuộc cấp của anh. Anh đã truyền thêm dũng khí cho họ, và cũng như lối sống, tư cách, tính tình của anh, đã khiến cho anh được nể vì. Trong lòng mọi người, sự kính phục và yêu mến anh không bao giờ phai nhạt. Anh có biết không?

Riêng với tôi, tôi không thể viết về người anh hùng Tôn Thất Trân như những gì các bạn anh đã viết, nhưng cái hào khí hơn người của anh, cái tâm, cái trách nhiệm của một người chỉ huy đối với những binh sĩ dưới quyền, đã không màng đến tính mạng mình, khi bị thương anh đã không chịu về hậu tuyến để chữa trị:
- “Tôi biết hết các nguyên tắc về lãnh đạo chỉ huy ở cấp Đại đội, nhưng mấy ngày nay tôi đã nắm vững địa thế, địa hình cũng như tình hình địch. Nếu đưa người khác vào đây, họ phải làm lại từ đầu, có khi còn gây thêm tổn thất cho binh sĩ chứ không phải tôi say máu ngà đâu.”

(MX Đỗ Phú Ngọc – Hùng Khí Tôn Thất Trân)
Cũng như sự bất khuất, cao ngạo và kiên cường của anh trước kẻ thù, anh vẫn không chịu buông vũ khí, anh thà chết vinh chứ không chịu sống nhục.Thiếu Tá Tôn Thất Trân đã khẳng khái trước mặt quân thù dù cho đã bị “gẫy súng”, cái Dũng của anh đã được thể hiện rất rõ ràng qua câu nói dõng dạc:
- “Tôi là Thiếu Tá Tiểu đoàn trưởng 327, theo lệnh thượng cấp dẫn đơn vị về đây để bàn giao chứ không phải để các anh tước vũ khí và đầu hàng.”
(MX Đỗ Phú Ngọc – Hùng khí Tôn Thất Trân)

Tất cả những điều đó đã thật sự làm tôi xúc động, đã cho tôi cái cảm xúc để viết về anh, để vinh danh anh. Thật đáng nể làm sao, giữa một bầy lang sói hung hãn như thế mà anh không hề biết khiếp sợ là gì. Tiếng nói hào hùng của anh dường như còn văng vẳng đâu đây. 

Tôi đã tưởng tượng ra dáng vẻ hiên ngang và ngạo nghễ của anh khi đối đáp với quân thù. Anh quả không hổ danh là một Tiểu Đoàn Trưởng, sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 327/ĐPQ và nhất là không thẹn với danh xưng của một người cựu sinh viên sĩ quan xuất thân từ một quân trường nổi tiếng, TVBQGVN.

Sự kính phục và ngưỡng mộ anh sẽ luôn luôn còn mãi trong tôi, trong lòng những người bạn bè quen biết và quý mến anh: Người anh hùng Tôn Thất Trân.
“Rừng lá xanh xanh lối mòn chạy quanh, đời lính quen yêu gian khổ quân hành, nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên, đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên…”

(Rừng lá thấp – Trần Thiện Thanh)
“Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên”
 

đó là ước nguyện của những người lính VNCH, trong đó có anh. Anh đã chẳng từng viết: “Thích cuộc sống hào hùng, đầy nguy hiểm và thử thách trong tương lai. Nguyện dấn thân để nối gót các bậc đàn anh, góp phần đem lại thanh bình cho đất nước, và an lạc cho dân lành” hay sao?

Sự can trường, bất khuất, của cố Thiếu Tá Tôn Thất Trân làm tôi lại nhớ đến biết bao câu chuyện tôi đã được đọc, được nghe kể về những người sĩ quan, những người lính của một quân đội kiêu hùng như “Ngũ Hổ Tướng Quân của Quân Lực VNCH,” các vị Tướng tiết tháo đó là: Cố Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, cố Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, cố Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, cố Chuẩn tướng Trần Văn Hai, cố Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ, đã tự sát theo tinh thần Phan Thanh Giản, thành mất tuẫn tiết theo thành, để không lọt vào tay giặc. Ngoài ra còn biết bao nhiêu những anh hùng vô danh khác, thuộc đủ mọi binh chủng, mọi cấp bậc, từ người lính đến những người sĩ quan, giống như anh Tôn Thất Trân, các vị ấy cũng đã từng anh dũng chiến đấu, đã từng hiên ngang không chịu khuất phục đầu hàng bọn Cộng Sản, nên cuối cùng phải tuẫn tiết hoặc bị chúng hạ sát như cố Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn, cố Trung Tá Cảnh Sát Nguyễn Văn Long v…v… 

để bảo vệ mầu cờ, sắc áo của quân đội mình. Riêng về K20, những người bạn đồng khóa của cố Thiếu tá Tôn Thất Trân, chúng ta phải kể đến cố Thiếu tá Huỳnh Tuý Viên dù bị bắt trong tay gìặc anh quyết không đầu hàng, chúng hành hạ thân xác anh thật dã man trong ba ngày và cuối cùng anh đã bị chúng xử bắn tại sân vận động Cà Mau. Còn cố Đại Úy Hoàng Đình Đạt, hai lần được lệnh rút lui, nhưng anh không bỏ đồng đội, tuy đã bị thương anh vẫn cố tử thủ cùng binh sĩ dù biết giặc đang tấn công bằng chiến thuật biển người, và kết quả anh đã hy sinh trong tay giặc ngày 15/4/1975.
Anh Hùng Tử, Khí Hùng Nào Tử - Tường Thuý
Hùng Khí Thiếu Tá Tôn Thất Trân
(Đặc-san Hậu Nghĩa)

Người chiến binh Tôn Thất Trân đã giữ trọn lời thề: Tổ quốc, danh dự, trách nhiệm, hậu thế đời đời ghi công đức nghĩa tình, mãi mãi khắc in sâu.

BBT Hậu Nghĩa tổng hợp những lời kể của:
Chiến hữu Tô Công Chất, cựu Thiếu Tá Quận Trưởng kiêm CKT Ðức Hòa.
Chiến hữu Trần Xuân Hưởng, cựu Thiếu Tá Chi Khu Phó Ðức Hòa.
Chiến hữu Bùi Văn Hùng, cựu Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng CSQG Ðức Hòa.
Chiến hữu Nguyễn Quốc Khôi, cựu Ðại Úy Tiểu Ðoàn Phó TÐ 327 / ÐPQ.
Chiến hữu Nguyễn Sao Ðáp, cựu Ðại Úy Ðại Ðội Trưởng ÐÐ2/327/ÐPQ, và Chiến hữu Nguyễn Văn Cúi, cựu Thiếu Tá Cảnh Sát Quốc Gia Hậu Nghĩa.

Vào những ngày cuối tháng 4 năm 1975, chiến cuộc đã trở nên vô cùng ác liệt. Trước áp lực nặng nề của địch quân, chiều ngày 29-4-1975, mọi liên lạc với Tiểu Khu Hậu Nghĩa đã bị cắt đứt, nên Thiếu Tá Tô Công Chất, Quận Trưởng khiêm Chi Khu Trưởng Ðức Hòa quyết định di chuyển và ban lệnh cấp thời.

Theo kế hoạch có sẵn của Biệt Khu Thủ Ðô, vành đai Hóc Môn, Bà Ðiểm sẽ được tăng cường bởi lực lượng của Tây Ninh, Hậu Nghĩa rút về. Bởi vậy, Thiếu Tá Chất hướng đội hình về đây với ba thành phần: Tiểu Ðoàn 327 ÐPQ do Thiếu Tá Tôn Thất Trân, Tiểu Ðoàn Trưởng, chỉ huy dẫn đầu, kế tiếp là BCH / CK, quận Hành Chánh, CSQG và các ban bộ trực thuộc quận, cuối cùng là thành phần trừ bị gồm các đơn vị Nghĩa Quân do Thiếu Tá Chi Khu Phó Trần Xuân Hưởng chỉ huy.

Khi thành phần đầu gần đến xã Mỹ Hạnh thì phát hiện một đoàn chiến xa địch từ Hóc Môn tiến về Mỹ Hạnh. Ðể bảo toàn lực lượng, Thiếu Tá Chất ra lệnh đổi hướng về Bà Quẹo. Lúc bấy giờ, bốn mặt đều có tiếng súng lớn, nhỏ rền vang. Ðội hình xáo trộn vì bị trúng cối 82 ly của địch làm một số binh sĩ chết và bị thương. Trong đêm tối, cánh của Thiếu Tá Hưởng bị đứt đoạn và thất lạc. Thiếu Tá Hưởng phải trốn nhưng chỉ 6 ngày sau thì bị bắt và bị giải về Ðức Hòa, ông kể lại là khi đó thấy dãy văn phòng của Ban 1 Chi Khu và lô cốt để thương bệnh binh nằm đã bị thiết giáp địch bắn sập. Ông nghe nói, khi địch tiến vào, số thương bệnh binh vì không biết có lệnh di tản nên đã chiến đấu với bộ binh Cộng Sản, gây cho chúng thiệt hại nên chúng kêu chiến xa đến bắn sập và số thương bệnh binh đã hy sinh (BBT rất mong nhận được tên tuổi của những anh em thương bênh binh này.)

Khoảng 2 giờ sáng ngày 30-4-1975, Cộng quân bắt đầu khai hỏa và thực hiện một trận mưa pháo bằng đại bác 130 ly và hỏa tiễn 122 ly vào phi trường Tân Sơn Nhất. Tiếng rít của hỏa tiễn và đạn đạo của 130 ly bay trên đầu đoàn quân di tản như xé cả không gian và tiếp theo là những tiếng nổ long trời lở đất. Ðịch đặt phòng không, hỏa tiễn ở khu vực này rất đông, mục đích đón chặn bắn hạ các máy bay cất cánh lên về hướng này khi còn ở độ thấp. Thấy hướng Bà Quẹo là mục tiêu của địch, không còn là nơi an toàn cho đơn vị nên Bộ Chỉ Huy lại một lần nữa đổi hướng về Bình Chánh. Lộ trình này, đơn vị ta di chuyển rất chậm vì gặp rất nhiều chướng ngại trên một địa hình quá phức tạp trong đêm tối. Vừa mệt vừa phải tải thương nên đôi khi đội hình bị xáo trộn rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, Thiếu Tá Tôn Thất Trân, Tiểu Ðoàn Trưởng, với tài chỉ huy có kinh nghiệm chiến trường nên đơn vị vẫn giữ được kỷ luật và đội hình tác chiến.

Lời thuật của Ðại Úy Nguyễn Sao Ðáp, Ðại Ðội Trưởng Ð2/327/ÐPQ.

Suốt 1 đêm di chuyển, vượt bưng Kinh Xáng tiến về hướng Bà Hôm, Ð2/327 trừ bị của TÐ đi phía sau. Tờ mờ sáng 30-4-75, thành phần đầu khi vào bìa một xóm nhỏ, chạm địch ở đó, hai bên có tổn thất. TÐ vừa đánh vừa đi ép về cánh phải, lại chạm địch. Ðịch càng lúc xuất hiện càng đông. TÐ điều động ÐÐ2 trừ bị tiến lên phía trước về bên phải, chiếm khu lò gạch. 

TÐ đang ở một địa thế rất bất lợi là từ vùng đầm lầy Kinh Xáng đi lên, xóm làng địch chiếm đóng ở trên thế đất cao lại có cây cối che khuất, các khóm nhà lác đác cách nhau những khoảng rất xa, chỉ có hướng Lò Gạch là trống trải, việc di chuyển rất chậm vì sợ địch bắn ngang hông, binh sĩ phải lợi dụng các bờ ruộng để tiến lên. Ðịch càng lúc càng đông hơn, lấp ló ở trước mặt, bây giờ là hông trái của TÐ, binh sĩ báo cáo chiến xa và phòng không của địch. 

Khoảng 11 giờ trưa ngày 30-4-1975, lúc này Ðại Ðội tôi còn cách lò gạch khoảng 300 thước thì từ trong lò gạch có 5, 6 người dân lớn tuổi, đàn ông lẫn đàn bà, cầm cờ của MTGP đi về hướng chúng tôi, nói rằng Sài gòn đã “giải phóng” rồi và mở radio cho nghe 12 điểm khoan hồng của Chính Phủ Lâm Thời CHMN/VN. Tiếp sau là 5, 7 người mang AK và một người lớn tuổi hơn không mang vũ khí đi trước cũng từ lò gạch đi ra. Không phải lúc này chúng tôi mới biết tin, một vài cái transitor của binh sĩ đã nghe rõ lời Dương Văn Minh từ 10 giờ sáng, nhưng Thiếu Tá TÐT bảo tôi cố vào lò gạch “Mình sẽ về Vùng 4,” ông nói với tôi như thế. Thật lạ lùng, mọi khi thấy địch là binh sĩ nổ súng ngay, thế mà giờ phút này, 4, 5 cây AK xuất hiện phía trước tiến về phía chúng tôi mà binh sĩ không nổ súng và chính tôi trông thấy, tôi cũng không ra lệnh tác xạ. Lệnh của Dương Văn Minh thật lạ lùng. Chúng tôi phân vân tột độ. Tôi hỏi lệnh của Thiếu Tá TÐT, ông bảo để tụi nó ra, ông sẽ nói chuyện. 

Chúng tôi được lệnh dừng quân. Lúc này còn cách lò gạch khoảng 200 thước.
Khi toán người kia đến gần, Thiếu Tá Trân tiến lên phía trước, dõng dạc nói: “Tôi là Tiểu Ðoàn Trưởng, tôi muốn nói chuyện với cấp chỉ huy của các ông, cùng hoặc trên chức vị với tôi” và ông ra lệnh cho tôi tập họp anh em lại. Tên lớn tuổi không mang vũ khí đã đấu khẩu với Thiếu Tá rất lâu về việc bàn giao. Bên kia bảo là phải đầu hàng. Cãi nhau cả tiếng đồng hồ. Trong khi đó quân CS kéo đến rất đông, áp sát gần đơn vị. Cuối cùng Thiếu Tá TÐT đồng ý vào bên trong lò gạch để bàn giao. Ông quay lại dặn chúng tôi ở tại chỗ chờ ông và ông đi cùng họ về hướng lò gạch.
Sau khi Thiếu Tá TÐT đã vào khuất trong lò gạch thì bộ đội Cộng Sản áp sát chúng tôi, chĩa súng buộc chúng tôi bỏ vũ khí và vào trong lò gạch. 

Mới đầu, các binh sĩ đều uể oải bỏ súng xuống, sau đến tôi cũng cùng vứt súng vào một đầu mương rồi vào lò gạch. Từ lúc đó tôi không còn gặp Thiếu Tá TÐT của tôi nữa.

Lò gạch Bà Lác rất lớn, dãy nhà chứa gạch chưa nung rất rộng và rất dài. Phần của văn phòng là hai gian có phên che kín. Có lẽ chúng nhốt Thiếu Tá trong văn phòng này. Chúng tôi vào hết trong gian để gạch rồi sau đó lần lượt đến cánh của Thiếu Tá Tô Công Thất, gồm Nghĩa Quân và Thiếu Tá Hùng cùng anh em CSQG. Thiếu Tá Thất và Thiếu Tá Hùng cùng được đưa vào văn phòng. Cho đến chiều có khoảng 4, 5 trăm người được đưa vào đây. Chúng phân loại Sĩ Quan, Hạ Sĩ Quan, Binh Sĩ và các thành phần khác. Dân Ðức Hòa đến rất đông để tìm người thân và ngày hôm sau dân Ðức Hòa mang đồ ăn đến cho chúng tôi, dù là không đủ cho mọi người, nhưng chúng tôi cũng thấy được tình nghĩa mà người Ðức Hòa dành cho chúng tôi vào ngày đen tối này.

Thiếu Tá Tô Công Thất, cựu Quận Trưởng Ðức Hòa kể lại:
Khi cánh của tôi bị đưa vào lò gạch, TÐ327/ÐPQ đã vào trước rồi. Riêng tôi, chúng đưa vào một gian của văn phòng lò gạch, tôi sững sờ thấy Thiếu Tá Trân đã ở đây một mình. Thiếu Tá Trân cũng sững sờ nhìn tôi và đưa ngón tay cái chỉ xuống đất, xong tiến lại ôm tôi. Hai chúng tôi ôm chặt nhau một lúc. Cả hai không nói được lời nào, khi buông nhau ra, tôi khuyên Trân nên nhẫn nhục để may ra còn có thể về với gia đình, vì lúc này, nhìn Trân, tôi thấy sợ thần khí của Trân nên buộc tôi buông lời khuyên. Trân không trả lời chỉ bước tới bước lui, nét mặt tái đi, mắt long lên, môi mím lại. Tôi cảm thấy như đã lỡ lời với Trân, lời khuyên ấy không có giá trị vì hèn quá! Trân đã chọn một thái độ riêng cho Trân. Ðột nhiên Trân kể: 

- “Mới vào gian phòng này, ba bốn tên nhào tới vật đè em xuống, tước khẩu K54 và cái lưỡi lê AK (chiến lợi phẩm, Trân luôn luôn mang bên mình), giựt lon của em, móc túi lấy giấy tờ và tờ nghị định Ðệ Ngũ Ðẳng BQHC của em, rồi chúng lôi em đứng dậy. Tên không mang vũ khí không nói gì việc bàn giao mà quát to: Với khẩu súng và lưỡi lê này, mày đã giết bao nhiêu cách mạng? Em cũng to tiếng, cốt để anh em bên ngoài nghe thấy: Ðó là chiến lợi phẩm của đơn vị, tôi giữ làm kỷ niệm chiến trường. Tự tay tôi, tôi chưa bắn giết ai cả! Thế tại sao mày được Mỹ Ngụy cho cấp Thiếu Tá? Tôi lên cấp là thành tích của đơn vị do tôi chỉ huy, chứ không phải bắn một vài người mà lên cấp.” 

Tên này lập luận hồ đồ, rất yếu, mở miệng là em quạt liền. Nó cứng họng, không hỏi nữa. Nó lấy giấy tờ ra đọc, đến tờ Nghị Ðịnh, vừa đọc mặt nó đỏ lên trở lại, vò tờ giấy vứt mạnh xuống đất, không nói gì cả. Em cúi xuống, lượm lên vuốt lại, xếp làm tư, bỏ vào túi áo (bên trái, Trân diễn tả cử chỉ này.) Em biết nó tức lắm, bắn em được. Em cũng mong nó bắn em đi, nếu không còn bị chúng nó làm nhục em nữa. Chúng nó đứng đó một lúc rồi đổi giọng: Anh rất ngoan cố, anh muốn bàn giao thì ở trên sẽ xuống làm việc với anh. Bây giờ anh ở trong gian phòng này chờ, khi cần gì thì lên tiếng sẽ có các đồng chí đây hướng dẫn. Sau đó chúng bỏ ra ngoài, đi tuốt.” Trân móc tờ giấy Nghị Quyết đưa tôi đọc và cho biết Trân định đem đi sao để gửi vào hồ sơ Tiểu Khu. Nội dung tôi còn nhớ: “Ân thưởng Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương kèm theo Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu. 

Thành tích: Tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, Ðại Ðội đã diệt 300 Cộng Sản Bắc Việt.” Ðọc xong, tôi ái ngại quá, định tìm một lời khuyên khác, nhưng khi nhìn lên thì gương mặt Trân rất rạng rỡ, hạnh phúc đến độ tôi không mở được lời. Lời nào của tôi bây giờ cũng hèn trước Trân, một sĩ quan đàn em cách tôi bốn khóa. Bây giờ Trân là cấp chỉ huy của tôi, tôi bị động hoàn toàn trước Trân. Trân bảo: “Một chút nữa, chúng nó vào đây và từ giờ trở đi, chúng nó bảo anh làm điều gì thì em sẽ làm thay anh. Chúng nó vào đây, em sẽ rót nước mời anh (trên cái bàn có một bình nước và mấy cái ly) anh phải tự nhiên để chúng nó nể sợ, phải cho chúng nó thấy quân đội mình có trên có dưới, có kỷ cương…” Sự việc đã không xảy ra như Trân dự đoán.

Một giờ sau thì phòng này được đưa vào thêm một Thiếu Tá nữa, ông Bùi Văn Hùng, Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát quận Ðức Hòa.

Qua một đêm dài lê thê, ngổn ngang trăm bề, dù thiếu ngủ mấy đêm liền và suốt đêm trước di chuyển, tôi cũng không tài nào ngủ được. Hình ảnh cha mẹ, vợ con… Cấp Chỉ Huy của tôi có về được tuyến Hóc Môn, Bà Ðiểm? Thiếu Tá Hưởng có thoát được không? Tại sao Ðại Tướng Minh nói như kiểu đầu hàng? Phó Tổng Thống Kỳ đang làm gì ở Vùng IV. Vùng IV có giữ nỗi không? Phải chi mình về được Vùng IV chiến đấu với anh em. Thiếu Tá Hùng có lẽ cũng giống tôi, thỉnh thoảng có tiếng đập muỗi, cựa mình. Riêng Trân thì ngủ được.

Khoảng 11 giờ trưa ngày 1-5-75, chúng tôi được kêu ra khỏi phòng. Tôi gặp lại tên Thủ Trưởng ngày hôm qua, giọng người Quảng Nam, cho biết cấp bậc Thiếu Tá, đi lên miền để làm việc. Xong hắn lên xe jeep đi trước. Một tên Bắc Việt mang AK47 dẫn chúng tôi đi về hướng xóm làng Bà Hôm. Một giờ sau chúng tôi đến đình Bà Hôm. Tại đây là BCH cấp Sư Ðoàn với các giàn ăng tên và máy truyền tin. Tên thủ trưởng ban sáng đang ở trần ăn cơm. Chúng tôi chờ ở đây khoảng một tiếng đồng hồ nữa thì tên thủ trưởng ra bảo chúng tôi theo hắn và tên mang AK khác đi sau gọi là đi lên miền. Chúng dẫn ba chúng tôi đi về hướng Kinh Xáng, phía Ðức Hòa, đi khoảng non một tiếng rồi dọc theo một con lạch nối vào một con kinh nhỏ, hai bên bờ rậm rạp đầy ô rô, dừa nước. 

Tên mang AK bảo Thiếu Tá Hùng và tôi dừng lại, còn tên thủ trưởng mang K54 tiếp tục dẫn Thiếu Tá Trân đi và khuất trong những cây cối um tùm. Chúng tôi mỗi người đứng dưới một góc cây, bên bờ kinh rậm rạp đầy sợ sệt lo âu vì biết chẳng có miền nào ở khu vực Kinh Xáng này. Chúng tôi đứng cách nhau 10 thước, tên mang AK cũng cách chúng tôi 10 thước. Ðứng như vậy trong im lặng chừng non một giờ. Bỗng có hai ba tiếng súng nhỏ, rất xa, thì tên mang AK nổ một loạt chát chúa dưới chân chúng tôi, xủi đất cát và hướng đạn tạt xuống bờ kinh xé nát những tàu dừa nước. Phản ứng tự nhiên, chúng tôi nằm xuống đất thì tên mang AK bảo: 

- “Yên trí! Kêu thuyền đấy!” và bảo chúng tôi chờ.
Chừng nửa giờ sau thì tên thủ tưởng mặc quần đùi, người ướt sũng từ dưới nước, cách tên AK chừng 5 thước, bước lên như đang tắm. Hắn bảo:

- “Chỉ cần anh Trân lên miền thôi. Chúng ta về!” Và tên mang AK bảo chúng tôi ngược trở lại.

Khi ra cánh đồng ruộng khô, tên AK bảo chúng tôi đổi hướng về phía lò gạch còn tên thủ trưởng lúc nãy đã mặc lại quần áo đi theo hướng cũ. Thiếu Tá Hùng vẫn đi trước cách tôi 10 thước và tên AK cũng cách tôi 10 thước phía sau. Bỗng tiếng của tên AK rất gần, bảo tôi đứng lại. Tôi sợ quá không biết chuyện gì xảy ra cho tôi, nhưng trông hắn có vẻ không ác, mắt hắn nhìn cái đồng hồ trên tay tôi và nói cọc lóc: 

- “Anh cho tôi cái đồng hồ!” Hú hồn! Tôi tuột ngay đưa cho hắn. Hắn mân mê chiếc Rolex rồi bảo tôi đi. Rồi hắn thân thiện hỏi: 

- “Trong Nam các anh ai cũng có đồng hồ phải không?” Tôi nói: 

- “Phải” Hắn tiếp: “Ðồng hồ trong Nam cái nào cũng đẹp, cũng có cửa sổ”. Tôi lạ tai về cái cửa sổ, nhưng tôi không hỏi về chữ lạ tai mà hỏi hắn: 

- “Chúng tôi đi ba người, còn một người nữa đâu?” Hắn bảo: 

- “Ðồng chí Sư Trưởng Công Trường bảo chỉ có một người lên Miền thôi. Thôi đi đi cho kịp anh kia” (tức kịp Thiếu Tá Hùng.) Về đến lò gạch, trời đã sắp tối. Hai chúng tôi được đưa về gian phòng cũ và số 30 Ðại úy, Trung úy ở gian lớn bên ngoài. Qua tên mang AK, xin cái đồng hồ, tôi được biết tên thủ trưởng đi xe jeep, ở trần ngồi ăn cơm tại đình Bà Hôm, dẫn Thiếu Tá Trân “đi lên miền” là Tư Lệnh Sư Ðoàn 9 Cộng Sản, nói giọng Quảng Nam lợ lợ giọng Bắc. 

Tôi biết chắc là khoảng 3 giờ chiều ngày 1-5-75 lúc tiếng súng nhỏ nổ và loạt AK dưới chân chúng tôi để làm át đi tiếng súng nhỏ là tên Tư Lệnh Sư Ðoàn 9 đã hèn hạ hạ sát Thiếu Tá Tôn Thất Trân. Chính những tên Cộng sản phải tự tay giết người để được Ðảng và Hồ Chí Minh cho lên cấp, khác xa với các cấp chỉ huy Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa mà đại diện là Tôn Thất Trân trong ứng đáp ngày hôm qua.

Tôi rất buồn cho cuộc chiến, ngày tàn của miền Nam. Mới hơn một ngày, quân Bắc Việt cướp miền Nam với lời kêu gọi ra trình diện với đài phát thanh mới và mỗi đầu giờ đều đọc ra rả 12 điểm khoan hồng của cái gọi là: “Chánh Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam” thì tên Tư Lệnh Sư Ðoàn 9 Cộng Sản Bắc Việt đã hèn hạ giết người.
( Trích Ðặc San Gia Ðình Hậu Nghĩa số 6)

No comments: