Thursday, December 15, 2022

Con Đường Dài Thăm Nuôi - Cam Thảo

Con Đường Dài Thăm Nuôi

Cam Thảo
Steven Lam

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên”
(Chinh Phụ Ngâm)
Chuông đồng hồ trên tường gõ bốn tiếng, tôi cựa mình thức giấc. Từ lúc nữa đêm về sáng tôi đã trằn trọc mãi không dỗ được giấc ngủ. 

-----------------------------------------

Tôi mãi bận tâm cho chuyến đi thăm nuôi lần này. Tôi không biết mọi sự có được suông sẻ hay không trên quãng đường từ Nam ra Bắc xa vời vợi. Các con còn bé ở nhà ăn chơi có được khoẻ mạnh không? Sức khoẻ của chồng tôi hiện đang ở Vĩnh Phú thế nào? Trong lá thư mới nhất anh gởi về nhà, viết: “Anh vẫn khoẻ, học tập tốt, lao động tốt để sớm về với em và các con, ngày về không còn bao lâu nữa”. Trời ơi, bao năm rồi những lá thư gởi về nhà vẫn là những dòng viết theo quy định của trại, cũng ngần ấy ý, không hơn không kém. Mới tuần trước, tôi đến thăm một chị bạn có chồng học tập ở Vĩnh Quang. Anh gửi về cho chị thư bảo: 

- “Sức khoẻ anh rất tốt, người anh mập ra” Chị ấy ôm tôi khóc ngất:
“Vừa có tin về, anh mất rồi bồ ơi! 

Anh bị phù thủng mà không có thuốc, lại hằng ngày ăn bắp hột và nước muối, anh đã vội ra đi mà không chờ mình ra thăm!”
Quay nhìn thấy các con còn ngủ say, tôi nhẹ nhàng xuống giường vào bếp nhen lửa nấu cơm. 

Sau khi chuẩn bị xong cơm nước mang theo ăn đường tôi mới gọi các con dậy. Hai cháu lớn lần này được đi thăm bố mừng lắm. Đứa lớn Yên Hà 12 tuổi, cháu trai Thành Long 10 tuổi. Chiều hôm qua tôi dắt Trúc Như 7 tuổi gửi nhà dì, Giang Nam 5 tuổi ở nhà mợ và bé út Hồng Ngọc 3 tuổi cho chú tím chồng tôi. Sửa soạn đâu vào đấy, dựa theo ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu trong đêm, mẹ con tôi khẽ khàng di chuyển đồ thăm nuôi. Nghe tiếng động, chú thím chồng tôi thức giấc giúp mẹ con tôi chuyển đồ ra xe. Người xích lô cùng xóm mà thím tôi dặn trước đã đến nhà chờ từ bao giờ. Nghe thím tôi bảo: “Chở giùm cháu tôi đi thăm nuôi chồng”, ông tỏ ra rất nhiệt tình vui vẻ. 

Ông cột từng bao giỏ đệm, từng túi đồ lỉnh kỉnh phía sau xe, phía trước, lấy dây ràng chặt cẩn thận kỹ lưỡng. Tôi bảo các con tôi chào ông bà, rồi vội vàng chạy vào giường chổ bé Ti còn đang ngủ ôm hôn con mà nước mắt chảy dài. Tôi nghẹn ngào nói lời gửi gấm với bà thím rồi vội lên xe cho kịp giờ lên ga Bình Triệu. Từ ngày chồng tôi đi cải tạo, gia đình chú thím chồng tôi tuy không khá giả mấy nhưng đã dành cho mẹ con tôi rất nhiều an ủi về tinh thần và vật chất. Ông bà giúp đỡ san xẻ cho tôi từng chút gạo, chút nước mắm trong những lúc mẹ con tôi gặp khó khăn. Trong cảnh “sa cơ lỡ vận”, “thân cô thế cô”, tôi rất hay tủi thân, chỉ cần một cử chỉ lạnh nhạt của người thân trong gia đình hay của bạn bè cũng đủ làm cho lòng tôi tê tái. “Miếng khi đói bằng gói khi no” tôi rất biết ơn chú thím tôi.

Tôi nhớ một lần, có một người nằm vùng mà trước kia rất nghèo khổ thường ngày làm công, đã chịu ơn vợ chồng tôi, tình cờ gặp lại sau 30/04 tỏ ra kinh bỉ tôi, nói lời hống hách. Tôi đau lòng quá thăm hỏi sơ qua rồi bỏ đi. Tôi cúi đầu che nón chảy nước mắt và không bao giờ quay lại gặp chào hỏi nữa. “Giấy rách phải giữ lấy lề” hàng ngày tôi đã tự dặn lòng mình và dạy dỗ cho các con tôi như thế, dù các con tôi còn bé và chưa hiểu được hết những gì trong tôi đang suy nghĩ. 

Giữa cảnh chợ đời đen bạc tình người, đổi trắng thay đen, tình cảnh người cô phụ đơn thân độc mã thật lắm đắng cay. Là một Phật Tử, tôi hiểu được chữ “nghiệp” trong giáo lý nhà Phật, nên tôi can đảm gánh chịu những đắng cay mà định mệnh ác nghiệt đã đặt dành. Tôi tự dặn mình “khóc nhục, rên hèn, van yếu đuối”. Chung quanh tôi, kế cận tôi, đều là những người cùng cảnh ngộ chẳng ai giúp đỡ được ai. 

Chị dâu tôi, chị chồng tôi, cô tôi, bạn bè tôi đều có chồng đi cải tạo “cùng một lứa, bên trời lận đận” những chuyến thăm nuôi đường xa, những người vợ tù cải tạo gặp nhau, thương nhau như ruột thịt, người lớn tuổi đối với người trẻ hơn coi như cô, như dì, như chị, dù mới gặp nhau lần đầu ở trên tàu, trên xe, hoặc ngồi chung chuyến đò sang sông, hay đò dọc theo sông Hồng nước đục đỏ lờ, hoặc đi bộ trên những con đường viền trắng mép đồi xanh của vùng trung du Phú Thọ. 

Chúng tôi thật tình yêu thương nhau, nấu cho nhau từng chén cháo hành nếu chẳng may bị sốt rét dọc đường chưa tới trại thăm chồng.

No comments: