Sunday, December 18, 2022

Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa - NGUYỄN DUY SÂM (fb Son H Cao)

 Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa
NGUYỄN DUY SÂM
fb Son H Cao

Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa
Cấp Chỉ Huy Đưọc Nhiều Người Bình ThuậnNhắc Nhớ Và Mến Thương.
NGUYỄN DUY SÂM
Tôi về trình diện tiểu khu Bình thuận cuối năm 1968. Lúc đó đang có quân đội Mỹ nhưng vẫn thường đụng độ với VC, các tuyến giao thông bị đắp mô nhiều chỗ. Hình ảnh hãi hùng của tết Mậu Thân khi tôi chưa vào lính vẫn còn đậm nét kinh hoàng trong trí tôi. 

----------------------------- 
 

Về Hải Long đối diện với rừng dừa bạt ngàn, rừng trầu, rừng chuối. Với quân số hành quân một trăm người không thể kiểm soát về đêm. Các trận đánh lớn những năm trước ở đây đã đặt các vị chỉ huy quân sự chịu trách nhiệm vùng nầy vào thế thủ vào ban đêm. Trong khi VC dùng thế công.

Tôi rất lo lắng cách phòng thủ chu vi, cả xã về ban đêm chỉ kiểm soát được chưa đầy một trăm mét cho mỗi chiều. Tôi có cảm tưởng đơn vi sẽ bị địch tấn công vào ban đêm bất cứ lúc nào nên tôi không dám cởi giầy. Đó là tình hình của năm 1970 về trước.

Vào quân ngũ, được đào tạo thành một sĩ quan, tôi rất muốn trở thành những vị chỉ huy giỏi, nhưng chưa biết thế nào là một vị chỉ huy giỏi. Trung đội trưởng giỏi, Đại đôi trưởng giỏi, tiểu đoàn trưởng giỏi và đi lên cấp tư lệnh Sư đoàn, Tư lệnh Vùng giỏi. Các vị Tướng giỏi như, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, như Thiếu Tướng Lê Minh Đảo. Các vị đó đều bắt đầu là những sĩ quan nhỏ như tôi. Khi tình hình an ninh Bình Thuận có phần khả quan hơn thì mới thấy rằng Đại tá Ngô Tấn Nghĩa giỏi hơn các ông tỉnh trước đây. Sau nầy tôi mới biết Đại Tá Nghĩa là sĩ quan Đà Lạt khóa nhỏ nhất so với các sĩ quan Đà Lạt trong tỉnh Bình thuận vào lúc đó, nhưng ông lại mang cấp bậc lớn hơn các vị kia. Trung tá Vương Đăng Phong xuất thân khóa 5, Trung tá Kiều Văn Út khóa 7, Trung tá Mai Lang Luông khóa 8 , Đại tá Ngô Tấn Nghĩa khóa 9. Trong vấn đề chỉ huy khóa đàn em chỉ huy khóa đàn anh là một việc khó, phải tế nhị, khôn khéo mới thành công được. Điểm nầy tôi giống Đại tá. Tôi đang là Tung úy đại đội trưởng, thì Trung úy Khương khóa đàn anh Thủ Đức, đã từng làm đại đội trưởng trước tôi ở Hàm Thuận, được bổ sung sĩ quan cho đơn vị tôi. Kế tiếp là Trung úy Thê và chẳng bao lâu lại một Trung úy đàn anh nữa đã từng làm đại đội trưởng, ra bổ sung sĩ quan cho đơn vi tôi. Đó là Trung úy Ga dân Phú Hài.. 


Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa Tỉnh Trưởng Bình Thuận là vị chỉ huy xuất thân từ tình báo. Trước khi đảm nhận Tỉnh Trưởng Bình Thuận, ônh là trưởng phòng 2 của Quân Khu II, bao gồm 12 tỉnh trong đó có Bình Thuận . Tuy Ông chưa từng là cấp chỉ huy của Bình Thuận, nhưng lại rất am tường tình hình ở đây vì là người có trách nhiệm về tình báo chiến lược của toàn vùng. Điều nầy đã giúp ông dễ dàng thi hành mọi công tác khi ông về nhận chức Tỉnh kiêm Tiểu Khu Trưởng Bình Thuận. Ông rất quan tâm về lòng dân, coi đó như một trong những mục tiêu chính trong nhiệm vụ của người đầu tỉnh. 

Trong một E-Mail ông gởi cho tôi, tôi trích một đoạn nhỏ để thấy ông quan trọng công tác dân vân đến chừng nào : ..." Anh lấy em làm thí dụ không phải là chỉ riêng về đơn vị mà anh đã cho em điểm tốt nhưng vì sự đối đãi với dân chúng, và thuộc cấp, một công việc rất quan trọng như em thấy anh về với Bình Thuận với tình hình như vậy,các đơn vị yểm trợ rút đi hết vậy mà anh thành công chỉ nhờ ở " Chìa khóa TÌNH CẢM, làm sao cho dân chúng, thuộc cấp thương ,tỏ ra mình xứng đáng là CHIM ĐẦU ĐÀN -"...Như vậy ông là người chính trị, vì ông dùng chính tri để cai trị dân.

Có lẽ ông nhìn vào tôi chỉ ở một đơn vị là, đại đội 290 ĐPQ, từ chuẩn úy trung đội trưởng lên Đại úy đại đội trưởng mà không mất lòng thuộc cấp. Về dân sự, đơn vị tôi chịu trách nhiệm an ninh cho chi khu Hải Long. Đặc biệt đóng quân nơi gần địch nhất, nguy hiểm nhất là xã Thiện Khánh địa danh là Rạng. Từ tháng giêng năm 1969 đến 1975 mà chưa hề làm mất lòng dân. Chính quyền xã ấp chẳng những không than phiền đơn vị tôi điều gì, mà còn làm đơn xin Đại tá tha cho tôi tội "ăn cắp dầu" của Mỹ ở phi trường Phan Thiết để chạy máy điện phong thủ đồn Rạng và trụ sở xã Thiện Khánh.

Về điểm nầy, tôi đồng ý với Đại tá. Gia đình tôi ở nông thôn Thiện Giáo. Nhiều đơn vị thường đóng quân đêm trong nhà tôi, nhất là tiểu đoàn 3/44 và tiểu đoàn 2/44 của trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23 bộ binh do Thiếu tá Mai Lang Luông và đại úy Khanh chỉ huy. Hai đơn vị nầy cư xử rất đẹp với gia đình tôi và với dân trong vùng nên dân rất thương mến lính. 

Phải công bình mà nhận rằng, từ khi Đại tá Nghĩa về nhận trách nhiệm Tỉnh trưởng Bình Thuận, thì tình hình an ninh được vãn hồi. Đây là sự so sánh với khoảng thời gian từ sau ngày binh biến 1/11/ 1963 tới đầu năm 1970, chứ chưa an ninh bằng những ngày tháng thanh bình trước năm 1962. 

Từ năm 1971 đến ngày 19/4/ 1975 Bình Thuận thật sự đã hồi sinh, mặc dù quân đội Mỹ và các đơn vị tăng phái rút đi. Trong thời gian đó đơn vị tôi đang chống đỡ địch với chiến thuật mới của tôi mà tôi đặt tên là, " Đạp Gai Lấy Gai Mà Lể " nghĩa là du kích đánh du kích. Tuy kết quả tốt hơn trước, làm cho lính tôi lên tinh thần, nhưng cách đánh nầy người lính phải tiếp cận kẻ thù thì mới tạo được chiến công. Cách đánh đó chỉ dùng bằng lựu đạn không nổ súng. Khi đã đụng địch người lính du kích không cần bám địch mà rút đi để cho đơn vị lớn hơn chiến đấu. Nhưng chiến thuật của tôi chưa hữu hiệu bằng dùng mìn Claymore tự động của tiểu khu để đánh địch an toàn hơn cho người lính rất nhiều. Tôi đã dùng cả hai cách đánh nầy để tiêu diệt địch. 

Đại tá Nghĩa là ông tỉnh trưởng vào rừng để đánh địch. Mùa hè năm 1972 tôi được lệnh hành quân vào mật khu Lê Hồng Phong 2 ngày một đêm. Tối hôm đó đơn vị tôi đóng quân cách Bàu Thiêu chừng một km về hướng tây. Lúc 20 giờ, mìn tự động chúng tôi nổ, một lát sau nghe tiếng VC hú ở điểm mìn nổ. Toán trinh sát được lệnh ra ngay chỗ mìn nổ, có lẽ VC nghe tiếng động nên chúng tẩu thoát không kịp mang 2 balo. Tôi mở ra xem thì thấy một cái lệnh chuyển quân nội dung: " Địch nghe tin chúng ta có một đơn vị mới về vùng nầy nên chúng hành quân lớn để tìm đơn vị chúng ta. Cấp trên điều tất cả các đơn vị tập trung về cây xay đôi ". Ngày hôm sau Đại tá cùng đi với Thiết Vận Xa M 113 tùng thiết vào ngay cây xay đôi đụng độ rất ác liệt. Ngày hôm sau tôi gặp Đại tá trước phòng 3, Đại tá nói: " Hôm qua nó bắn B40 suýt nữa trúng anh ".

Chương trình phát thanh ban đêm mà Đại tá thực hiện ở nông thôn rất có hiệu quả đã làm cho một số gia đình có con theo VC lên rừng, nay nghe những lời giải thích của Đại tá quay về chiêu hồi. Đơn vị tôi có 2 quân nhân trong diện nầy. 

Một điêu bất ngờ cho quân dân Bình Thuận. Từ một tỉnh mà các tuyến đường giao thông bị đắp mô, cắt đứt khắp nơi. Từ Phan Thiết muốn đi Phan Rí Cửa phải đi bằng ghe, vì đường bộ bị VC cắt đứt. Từ Phan Thiết muốn đi Thiện Giáo phải đi bằng máy bay trực thăng. Mà nay, ông Tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa dám lái xe đi trên các tuyến đường đó vào ban đêm. Không chỉ lái xe đi qua, mà còn dừng lại những nơi nhiều thú rừng để tìm mồi nhậu. Ông đi săn một mình đã là khó cho chúng tôi rồi, còn rủ Tông Thống Thiệu cùng đi săn nữa chứ. Tôi nghĩ, nhiều ông tỉnh trưởng khi nghe tin này phải bái phục Đại tá Nghĩa. 

Đàng sau những lần đi săn đó, tôi nghĩ Đại tá có những tính toán rất xa. Ông muốn chứng tỏ cho quân, dân, cán, chính trong vùng trách nhiệm của ông rằng, ông không phải là Tỉnh trưởng dân sự, chỉ ngồi trong văn phòng. Mà ông còn là một cấp chỉ huy quân sự đầu tỉnh, có trách nhiệm, luôn theo dõi cuộc sống của người dân. Đi săn là đi thăm dân là thầm kín kiểm soát chính quyền xã ấp, kiểm soát quân đội xem ai có mặt, ai vắng mặt. Đặt các vị chỉ huy quân sự phải luôn luôn coi chừng, vì ông có thể đến bất cứ nơi nào ông muốn mà chỉ báo trước thời gian rất ngắn. Lần đầu ông đến đồn Rạng thăm đơn vị tôi, mới vừa nhận trên máy 25 là Đại sẽ đến "thăm" anh tại đồn Rạng. Tôi chưa kịp xuống đường lộ đón ông thì ông đã lên tới cửa đồn rồi. Tôi thật sự không lo lắng gì mà còn muốn, còn hãnh diện khi Đại tá thấy tận mắt thấy hệ thống phòng thủ của đồn tôi, để ông hiểu tại sao tôi đã xin dầu của bạn, lại bị mang tiếng "ăn cắp dầu Mỹ" tại phi trường Phan Thiết, để ông phải phạt, nhốt tôi 2 ngày trong đồn quân cảnh. Ông đã phê vào đơn xin tha cho tôi của xã Thiện Khánh rằng: " Quân lực VNCH không thiếu cán bộ ", nghĩa là không chấp thuận. Nếu không nhờ bác Hai Ánh người dân Rạng, quen với trung úy Canh trưởng đồn quân cảnh xin cho tôi ra đi tắm, để tôi đến toà Tỉnh. May thay Đại tá cho tôi gặp để trình bày mà Đại tá tha cho tôi. 

Tôi biết Đại tá thăm rất nhiều đồn trong lãnh thổ Bình Thuận, nhưng tôi tin chắc Đại tá chưa hề thấy đồn nào vừa có điện, vừa có hàng rào cao 2 mét 50, đan bằng kẽm gai dày hơn lưới B40, chôn sâu 50 cm. Nếu có lưới B40 thì quá dễ, nhưng đây, kẽm gai còn trong cuộn phải cắt ra từng đoạn nhỏ mới đan vào được. Từ hàng rào B40 nầy ra đến hàng rào kế tiếp luôn luôn được làm sạch cỏ. Như vậy đã hơn hẳn các đồn khác, nhưng tôi vẫn chưa thật hài lòng, với con mắt cẩn thận của tôi. Đặc công có thể không mặc quần áo chỉ mặc một cái si líp, bôi đất cùng người từ đầu tóc đến chân tay, cộng với sự bất cẩn của lính tôi, thì đặc công cũng có thể vào được. Và tôi quyết định thực hiện thêm hệ thống ánh sáng cho thật an toàn. Tất cả hệ thống phòng thủ là để trừ đặc công và chống B40. Làm xong hệ thống phòng thủ tôi cảm thấy an tâm, tự tin. 

Với ánh điện mờ trong đồn, Đại tá đi một vòng qua các công sự chiến đấu. Ông dừng lại gần máy phát điện vui vẻ hỏi han tôi, mắt ông nhìn về trụ sở xã dưới kia cũng sáng rực với dàn đèn neon cũng do tôi cung cấp cho xã. Tôi thưa với ông, hôm tiểu đoàn 482 của VC tấn công vào trụ sở nầy, chúng đặt mìn bangalo để phá cửa trụ sở xã, nhưng chúng không vào được, nhờ 2 cây đại liên trên đồn em và ánh sáng điện. Đánh nhau suốt đêm mà trụ sở chi hư một bóng đèn. Tên Lê Du tiểu đoàn phó 482 phải bỏ xác tại chợ Rạng, trong người nó còn mang theo cây K 59 với cuốn sổ tay.
Sự di chuyển ban đêm mà ông đang thực hiện là một thách thức với các cấp chỉ huy quân sự Bình Thuận, " các anh dám đi như tôi không? ". Ông còn thách thức với VC: " Tụi bây dám phục kích chận đường tao không? 

Nếu Đại tá Tỉnh trưởng không đi ngủ ấp, ngủ đồn, nói chuyện với dân nông thôn, thi làm sao ông phó Tỉnh Trưởng HC Phạm Ngọc Cửu dám đến Bình Lâm nói chuyện với dân Bình Lâm, khi ông còn tại chức
Nay Đại tá niên kỷ đã cao, gần 95 tuổi, bệnh tật triền miên mà vẫn không quên đồng bào và đồng đội Bình Thuận. Khi không còn có thể đi được nữa, vẫn han hỏi anh em qua điện thoại, điện thư và viết bài cho đặc san Ân Tình, là cơ quan truyền thông chính thức của Hội Tương Trợ Cựu Chiến Binh Bình Thuận Hải Ngoại từ 2007-2017.. Chứng tỏ ông còn minh mẫn, là người làm việc phi thường .

Thưa Đại tá, chúng em tiến lên nhờ sự can trường dẫn đầu của Đại tá. Chúng em thành công nhờ sự biết vâng lời Đại tá. 

Bình Thuận biết ơn Đại tá đã dìu dắt Bình Thuận qua cuộc chiến cam go nầy.

Bình Thuận sẽ đặt tên đường mang tên Đại tá khi thời thế cho phép là phải lẽ.

Bình Thuận mãi mãi tri ân Đại tá như những vị tiền bối bản địa, đã có công xây dựng, gìn giữ và làm giàu đẹp quê hương miền biển mặn suốt ba trăm qua.
Chào kính yêu Đại tá.

Đức Quốc, ngày 25 tháng 7 năm 2017
Nguyễn Duy Sâm
Cựu Đại Uý Đại Đội Trưởng
Đại Đội 290 ĐPQ/TKBT

No comments: