Friday, December 16, 2022

Ký ức bỏ quên (1) – Thành Gia Định (A20 nguyễn thanh khiết)

I. Thành Gia Định
1. Khai trận
Ngày 17 tháng 10 năm 1977. Tôi bị bắt ở quận 4, với những tang chứng không chối cãi - Tổ chức chống chính quyền cộng sản. Nằm ở công an quận 7 ngày, tôi bị đưa lên trại giam T 20, chính là thành Gia Định được xây dựng từ thời Pháp.

-------------------------------------

Khi được mở băng bịt mắt trên suốt chặng đường từ lúc bước ra khỏi phòng tạm giam ở quận 4. Cái không gian mà tôi thấy được làm tôi muốn ngạt thở. Tiếng cánh cửa sắt đóng sầm thô bạo, tiếng khoá bên ngoài vang lên chói tai, căn biệt giam tối mờ mờ, một ngọn đèn bóng tròn trên tận nóc cao, rọi xuống xuyên qua lớp lưới chống B40, mùi ẩm mốc bốc lên trong khoảng không gian chật hẹp, bít bùng như một trấn áp đầu tiên khiến tù nhân phải sợ. Chắc khoảng gần một phút sau tôi mới trấn tỉnh và quan sát thật kỹ chung quanh.

Một cái bệ xi măng cao hai gang tay, ngang và dài như một cái giường cá nhân , một cánh cửa thép dày, khoét một hình vuông mỗi cạnh 20 phân với một chốt khoá bên ngoài, dĩ nhiên nó được đóng kín, liền sau cái bệ xi măng đó là một cầu tiêu kiểu ngồi xổm, có một vòi nước. Dọc theo cái bệ này là phi đạo (lối ra vào duy nhất) có bề ngang đúng 3 gang tay, và dài 20 bàn chân bước khít lại. Im lặng, chính cái im lặng trong âm u rờn rợn đó, làm dấy lên cảm giác lẻ loi vô hạn. Hai tuần trong biệt giam, là những ngày bọn công an điều tra quay tôi như chong chóng. Sáng sớm cái lỗ thông gió được mở ra để điểm danh, sau đó một tên dẫn mối (danh gọi này do anh em tù nhân gọi đám công an cắt ké dẫn tù lên bộ phận chấp cung gọi là ban chấp pháp), công việc này gọi nôm na là “đi làm việc”. Thức ăn ngày hai bữa được phát qua cái lỗ gió con con đó, Suốt thời gian tôi ở xà lim, cái lỗ gió khốn kiếp ấy luôn đóng, nó chỉ mở ra khi đi làm việc và nhận thức ăn, nước uống.

Hồi đó tôi rất trẻ, cái năng nổ trong thời gian hoạt động, lặn lội hãy còn, cho nên ngay khi bị tống vào cái biệt giam khốn kiếp này tôi đã tìm mọi cách liên lạc chung quanh, trái phải, trước sau. Nó tự khắc đến trong bản năng sinh tồn của con người như một thứ cùng tắc biến, biến tắc thông. Mà thực ra, không cần tôi phải vận động cái khôn vặt đó. Mười phút sau khi tôi có mặt ở biệt giam này, lúc cánh cổng khu bằng sắt đã kéo ngang lối ra, một dấu hiệu không cần nhìn cũng biết, tên vệ binh dẫn mối đã rời khỏi khu. Là tôi đã nghe một âm thanh văng vẳng từ đâu đó:
- Ê ! mới vô hả? Tên gì ? Có gì lạ không? Bị tội gì? Nhà ở đâu?

Một loạt lấy cung từ các tù nhân hàng xóm đã ào ào, bên kia vách tường cũng có tiếng gõ nhè nhẹ , nhưng âm thanh nghe như phát ra từ trần nhà hoà trong tiếng dội lại, thứ âm thanh của ma trơi quỷ hú mà thuở nhỏ tôi đọc trong các chuyện liêu trai hay ma cà rồng. 

Vâng nó phát ra từ trên cao có hơn 4m vọng xuống. Một cái lỗ thông hơi phía sau cái bóng đèn 15 watt với cọng dây điện bám đầy váng nhện, phía dưới nó là tấm lưới B 40 cũng bụi bám nhện giăng làm ánh sáng trở nên mù mù, dù ngọn đèn vẫn cháy liên tục ngày cũng như đêm. Có lẽ sau một tuần ở trại tạm giam quận 4 tôi cũng kinh qua cái cảnh tù non rồi. Không vội vàng trả lời hàng xóm, tôi leo lên bục, ngồi nhắm mắt như kiểu thiền của những vị chân tu mà tôi chỉ biết mang máng qua sách vở.

Chiều tối, biết là tối do nhận thức ăn, nước uống và lỗ gió mở ra điểm danh. Thời gian như đứng lại trong cái mờ mờ và đơn độc nếu không đi làm việc hay lỗ gió mở ra.

Biệt giam tôi ở là 5C2. Trại này có hai khu biệt giam nằm đối lưng nhau, mỗi khu là một dãy 30 phòng. Đối diện từng dãy biệt giam là phòng tập thể, mỗi phòng có khi chứa cả 30 người chen chúc nhau như cá hộp dưới mái tole trời Sài Gòn, dù lúc tôi vào đây đã là tháng 10. Bên trái tôi là một gã tên Trung, nghe đâu là tay anh chị cướp của, giết người đang bị cùm hai chân và xiết ngang đùi bằng một sợi dây loại câu cá cỡ lớn khó đứt làm cho chân gã tù dần dần teo lại, mất khả năng bạo động, trong thời gian chờ đem đi xử bắn. Bên phải là Nguyễn Phú Hải, một sinh viên Phú Thọ bị bắt trước tôi mấy tháng, thành phần của một mặt trận nào đó ở Phương Lâm, về Sài Gòn hoạt động và bị lùa vào đây. Anh bị đưa vào xà lim này từ trại giam Đại Lợi, trước 1975 nó là cái rạp ciné ở khu Ông Tạ.

Có điều, sau lưng tôi là biệt giam 5C1. Nhà văn Hoàng Hải Thủy đang “tạm trú”, hình như ông bị tóm trong một chiến dịch mang tên Sông Vĩnh, nhằm hốt tất cả nhà văn, nhà báo, ký giả của Sài Gòn, một đợt tấn công có kế hoạch và chuẩn bị chu đáo nhất của công an thành phố. Tôi cứ thắc mắc hoài suốt thời gian tôi ở 5C2. Tôi lên đài, ông không trả lời, tôi gõ S.O.S ông không đáp.

Duy nhất một lần buổi sáng vừa thức dậy tôi nghe tiếng gõ thật nhẹ từ vách tường phía sau, tiếng gõ như một thăm dò, một kêu cứu, một tuyệt vọng, cho dù tôi đáp lại nhiều lần nhưng vẫn im lặng, tôi nghĩ ông tránh né, cũng có thể một phản ứng bất thần nào đó trong lúc sống trong cái không gian cô độc, tối om om như thế này, nằm không gõ nhẹ vách tường chơi, hoặc kiếm một cái gì đó khả dĩ làm dấu được trên bốn vách tường, để biết mình trọ nơi này đã bao lâu, và hình như tay nào ở biệt giam cũng làm cái vụ này, Khi tôi tới phòng này bốn vách tường là chi chít, chấm, gạch, dấu thập, rồi 7 cái gạch ngang một phát, 4 cái gạch ngang hai phát, với đủ kiểu, đủ hình thái và màu sắc, cũng có khi là một vết lõm, chắc do cạo bằng một vật cứng nào đó. Vả lại ông cũng đã già, không như đám tù trẻ của chúng tôi thời đó, tôi nghĩ thế, nên thôi không cố bắt liên lạc.

Tôi biết vậy là khi tôi rời biệt giam lần đầu từ 5C2 ra phòng tập thể khu A. những nhân vật cộm cán ở khu tập thể này nói với tôi là Hoàng Hải Thuỷ nằm biệt giam 5C1 lâu lắm rồi mà chưa ra tập thể.

Buổi tối trong biệt giam là một cực hình, thường những ngày đầu vào đây ai cũng bị mất ngủ, cái thức đợi đêm thâu, đêm thâu với tiếng thạch sùng tắt lưỡi não lòng. Lâu lâu một cơn gió đi qua, tưởng như thổi một hơi mỏng manh vào khe hở dưới cánh cửa, cái khe nhỏ xíu nhét cái cán muỗng chưa chắc gì qua lọt. Im, vắng, chỉ nghe được thỉnh thoảng tiếng thở dài của chính mình, khi vơ vẩn nghĩ một tình tiết nào đó cần phải khai ra cho thật có lợi. Tôi thường bước trên phi đạo này, có khi hàng nhiều giờ trong đêm, đếm từng bước chân khít sát nhau, như một gã đi trên sợi dây căng ngang thung lũng, hay chợt nhớ một thế võ công trong phim ảnh “Bích hổ du tường”, dang hai chân , hai tay bám hai bức vách tường nhích từng chút một cho tới khi đầu chạm cái lưới sắt, trên nóc, rồi đi xuống, lại đi lên. Hết đi trên phi đạo, không đi trên tường thì ngồi như kiểu tham thiền. Ý nghĩ lui tới trong đầu thật bất an, nằm xuống sàn xi măng lạnh, cởi cái áo, lót cho cái đầu bớt cấn, rồi lại đi, rồi lại ngồi. May mắn là đêm trường nhất định tới một lúc cũng hết. Nghe tiếng kẻng ba hồi vọng lên, một sớm mai, một ngày, tôi cũng bắt chước thêm một vạch lên tường để nhớ.

Sau gần một tháng giam trong xà lim, tôi được chào đón vào phòng 2A bằng những ánh mắt thăm dò tội nghiệp của cả phòng. Hơn 30 con người nhìn tôi, quan sát. Gã trưởng phòng là một tên cán bộ cộng sản, ăn hối lộ hay bị trù dập chi đó bị đưa vào đây. Sau khi cánh cửa phòng đóng và khoá lại cẩn thận. Anh ta chỉ cho tôi một chỗ nằm, đó là phi đạo có điều nó lớn hơn và cái bệ nằm nó cũng rộng hơn nhiều, trên cái phi đạo này đã có nhiều cư dân cắm dùi trước tôi đến hơn chục mạng.

Giáo sư Phạm Quốc Bảo nằm trước tôi theo hàng dọc, kế đến là Đằng Giao Trần Duy Cát, hoà thượng Thích Thiện Huê đạo hạnh của chùa Đại Giác trên đường Công Lý, Nguyễn Văn Thủy một trình dược viên nặng ký. Nằm trên bệ xi măng trong số này có cả Thiếu tá Mai Văn Trị hạm phó của chiếc tàu Việt Nam Thương Tín từ Guam trở về, chưa kịp cặp bờ đã ghé bến trại T20, Đại Uý pháo binh Nhảy Dù Đào Văn Thương thì nằm cuối phi đạo. Rất nhiều những nhân vật tiếng tăm lừng lẫy có mặt trong cộng đồng tù nhân ở trại T20 này, bởi nó là trại trung ương của thành phố được do chính sở công an trực tiếp săn sóc.

Ngày hai lần điểm danh cùng một kiểu, tù nhân hai hàng dọc ngồi xếp bằng trên bệ, phi đạo dọn trống, tất cả cư dân tạm trú trên đó, đồ cá nhân phải xếp sát vào tường, sàn phòng sạch sẽ, lau bằng tay, do trực sinh trong ngày chia nhau trách nhiệm, trừ trưởng phòng, anh ta đứng ngay cửa ra vào và báo cáo số người có mặt, lần lượt tù nhân đọc tên mình cùng số thứ tự. Cú điểm danh tốc hành chừng 3 phút là xong, và lần nào cũng vậy một trong 2 tên đi diểm danh sẽ bước hẳn vào tận cuối phòng, nơi đó là một bể nước đổ bằng bê tông thời Pháp, dày cui và kiên cố đến rùng mình, anh ta sẽ nhìn thẳng xuống mặt nước hồ quan sát, rồi nhích hai bước tới nhìn vào cái lỗ cầu tiêu kiểu bệ ngồi. Dù từ xa vẫn có thể nhìn thấy rõ màu gốm lâu đời dưới ánh sáng ngọn đèn 1m2, cái cầu tiêu cực kỳ sạch, được lau bằng tay, khô và bóng. Kết thúc cú nhìn này là anh ta bước ra, cửa đóng rầm một cái, hết chuyện.

Thời gian sống chung phòng tập thể này tôi học được nhiều thứ, có lẽ do tôi nhỏ tuổi nhất, chính cái khờ dại và vẫn còn chút trẻ con của mình được các đấng dạy dỗ nhiều, từ cách đối phó với ban chấp pháp, đến những thủ thuật cần thiết để sống trong biệt giam, hay cách chuyển một mòn đồ từ phòng này sang phòng khác bằng một sợi dây se lại từ những sợi nylon trong một manh chiếu nát, làm sao có thể treo một nải chuối to bằng một đoạn dây se cứng trên vách tường thẳng đứng v…v

Một điều mà sau này so sánh tôi mới thấy. Cái cộng đồng tù nhân thời điểm này cư xử với nhau rất tình nghĩa, đối với nhau thành thật hơn nhiều, so với khi chuẩn bị hay ra trại tập trung đi lao động. chẳng biết có phải vì đó chỉ là thời gian tạm giam, mọi cái chưa rạch ròi và hầu hết là những nhân vật ở phòng này rất trí thức, họ là những người rất chống cộng, chống từ trong ánh mắt nhìn. Trừ mỗi một gã trưởng phòng, là người mà chúng tôi gọi là phía bên kia, mặc dù do chán chế độ, hoặc vì lý do cá nhân nào đó. Anh ta không báo cáo, thậm chí còn bao che anh em trong phòng, nhưng vì là người phía bên kia, nên anh em đều bảo nhau dè dặt với anh ta.

Hoà Thượng Thích Thiện Huê, rất thương tôi suốt hơn 20 ngày sống trong phòng này ông thường dạy tôi cách ngồi cho đúng để giữ sức khoẻ, phương pháp dịch cân kinh của Đạt Ma Sư Tổ…

Ba ngày một lần là thăm nuôi, nếu đã được liên lạc với gia đình, đa số là dân mồ côi vì hầu hết là tù mới bị bắt. Lao động bên ngoài phòng là những tù nhân thuộc phía bên kia, thường là tù hình sự, trong số họ có một chàng tên Hỏa rất dễ thương, là người đưa cơm và nước vào khu A cùng khu biệt giam. Có lẽ nhờ vào Hỏa mà các anh ở trước tôi biết nhiều thứ, từ chuyện nhà thơ Hoàng Hà ở phòng nào, Trần Dạ Từ khu nào, Hoàng Hải Thuỷ ở 5C1, các linh mục phòng nào, số mấy, ai ở chung với ai v..v…

Nguyễn Văn Thủy hay tán gẫu với Trần Duy Cát và tay này biết nhiều thứ trên trời dưới đất, nhiều khi Phạm Quốc Bảo kê ngang:
- Trời ! chuyện bà Lệ Thu mày cũng rành vậy Thủy.

Đằng Giao cũng trạc tuổi anh Thủy nên hai anh tha hồ kể “chuyện đêm khuya” cho cả phòng nghe để cười quên đói, quên buồn.

Thời gian này có một đợt bệnh ghẻ kinh hoàng, may mắn thay, tôi không bị dính. Doãn Quốc Sỹ nghe đâu cũng bị ghẻ lên tới mặt. Thứ ghẻ mà chúng tôi đùa là ghẻ Hà Nội thật tàn bạo lây lan chóng mặt, trại chỉ cấp lưu huỳnh để bôi cầm hơi,

Tôi nhớ, Lý Sen, ông chủ Vicasa được cho làm y tá. Ông ta, với tướng đi lệch bệch như con vịt mái vào mùa đẻ trứng, kéo đôi dép nhựa trên nền nhà, gõ vào cửa và hống hách một tiếng duy nhất “Thuốc” rồi đưa chai lưu huỳnh pha loãng, nhỏ như ngón tay cái cho tên trưởng phòng. Anh em chấm cây chân nhang quấn bông gòn thoa trên mụn ghẻ. Nhìn là thấy cái lây lan sẽ đến ngay cho người thứ hai xử dụng tức thời, vậy mà cũng phải xài, chứ không lấy chi làm ra thứ chống ghẻ. Trời nắng chiếu xuống hành lang là cả đám trần truồng ngồi bắt cái ghẻ ngay trước cửa phòng, bất cứ thứ gì có thể dùng được đều được mang ra để khều, móc, trên những mụn nổi sần sùi chảy vệt nước vàng cùng với mùi tanh tưởi nén trong hơi lưu huỳnh nồng nồng. Dù chưa ai chết vì ghẻ vào lúc đó, chỉ có nằm khềnh khàng tay chân cứng đơ, không thể co vào cầm nắm một vật, cố gắng lắm mới bê nổi chén cơm bằng nhựa dẽo lên miệng, tay kia cầm muỗng khều từng hạt cơm một cách khó nhọc, chậm rãi đưa vào mồm. Cái thứ ghẻ ác ôn này chỉ mọc nhiều trên những chỗ khớp nối của thịt xương, làm con bệnh khó co duỗi, ghẻ nổi thành dề như miếng cơm cháy, từng mảng trên da cứng, ghẻ sần sùi, ghẻ ghê rợn, có người từ cổ xuống gót chân như một cái xác cùi hủi vào giai đoạn chót, các khớp ngón cứng ngắt, những cái mụn ghẻ dưới bờ môi kéo cái miệng méo xệch. Ghẻ gần như cả trại, như bay mù mù trong không gian, chỗ nào cũng có, phòng nào cũng ghẻ, ghẻ như là… ghẻ mà nó đâu phải thứ ghẻ ngứa thông thường, trách sao anh em chẳng gọi nó ghẻ Hà Nội. Đầu tiên tôi cũng thấy ghê ghê, nhưng rồi đành sống chung với lũ.

Cho đến ngày này tôi vẫn không quên, Đại Uý Đào Văn Thương, sĩ quan ban 3 tiểu đoàn 3 pháo binh Nhảy Dù, trầm trầm kể cho tôi và Đằng Giao Trần Duy Cát nghe trận đánh ở đồi máu.

Đồi 31 nơi mà người hùng Nguyễn Văn Đương của Tiểu Đoàn 3 pháo binh Dù tuẩn tiết . Câu chuyện được nghe giữa một đêm nát lòng trong tù ngục, cái buồn đứt ruột của một người trẻ còn hừng hực một lòng chống cộng, và cuộc chiến hình như chưa tàn, vẫn rần rần chảy trong từng mạch máu, chưa chịu tan hàng, chắt chiu từng viên đạn mót tìm trên bãi chiến trường cũ hay những căn cứ, tiền đồn còn sót lại, vẫn hiên ngang lên đường, nó hừng hừng như thứ rượu uống ngà ngà say.

Anh Thương chơi một hớp nước xe một điếu thuốc rê, xin Đằng Giao một que diêm, chầm chậm đốt và rít một hơi dài:

- … Lúc đó hầm tôi đã sập, Đương gọi tôi trong máy nội bộ “Thương! mày cho bắn lên đầu đi tụi nó kín hết rồi” và chiếc T54 lướt qua hầm khi trong ống liên hợp tôi nghe phát súng nổ.

Giọng anh trầm xuống:
- Đương, nó tự sát cách tôi không quá 10m, tôi bị chúng bắt khi đang bất tỉnh trên cửa hầm do sức ép của đạn phá, lúc tỉnh dậy hai tay bị trói mẹ nó rồi.

Anh Đằng Giao hỏi tới:
- Vậy ông dính cho tới ngày nay?
- Ừ cho tới ngày nay, qua nhiều trại từ Bắc vào Nam.

Cuối câu chuyện này anh Thương nắm tay tôi, khi Đằng Giao bỏ đi về phía hồ nước:
- Em nhớ làm gì cũng cẩn thận, trong tù không đơn giản chút nào, anh qua nhiều trại rồi, thứ trại tù cộng sản ác độc lắm.

Tôi còn nhớ nói xong câu đó. Anh vói tay lấy miếng bông, dốc chai lưu huỳnh mà anh dấu được còn đọng một ít dưới đáy, chấm trên vết ghẻ mới nổi một mụn trên ngón tay út, chai lưu huỳnh do Hỏa chuyền cho anh lúc lãnh cơm trưa.

Hải Quân Thiếu tá Mai Văn Trị cũng dăm ba lần kể chuyện về chuyến hải hảnh chết tiệt của đời anh từ Guam trở về. Cũng có người cho là điên, cũng có anh cho là đúng, thói người quả khó mà lường. Anh chuyện trò với tôi, bởi có lần tôi hỏi anh có biết tay anh rể của tôi là dân Hải Quân Khoá 1 OCS Hoa Kỳ, từng là giang đoàn phó 46 Ngăn Chận đóng ở Tuyên Nhơn- Mộc Hóa và đơn vị cuối anh ấy thuộc toán 4 lực lượng hải yểm vùng 4 sông ngòi với cái tên tắt là ANGLICO

Tôi bị tống vô biệt giam lần nữa, đúng như Thượng toạ Thích Thiện Huê tiên liệu khi hỏi tôi về những buổi lấy cung trước, tôi kính ông như sư phụ của mình nên kể hết cho ông nghe:
- Tụi nó sẽ nhốt anh lần nữa, để dụ anh khai, nó mới cho anh ra tập thể. Đưa anh trở lại biệt giam để anh thấy và sợ cô đơn, sợ đói, sợ đủ thứ… hãy cẩn thận.

Tới bây giờ tôi mới nghiệm ra đó là môt lời khuyên giá ngàn vàng.
Ông cũng không quên cho tôi một ít đồ dùng cần thiết vào hôm sau khi ông được các đệ tử gởi đồ tiếp tế.

2. Tôi vẫn cố bám lấy đất nước tôi...
Phòng Tập thể C1 rộng hơn nhiều so với phòng 2A, không gian tương đối khá nhờ cái sân rộng ngăn cách dãy biệt giam nằm đối diện nó. Tôi bị tống vào đây sau mấy tuần nằm biệt giam lần 2 ở khu C, một giai đoạn như vượt đoạn đường chiến binh lần đầu cho cái hồ sơ hỏi cung kết thúc.

Chỗ tù nhân nằm là bệ xi măng cao 30 phân xây hình chữ U chừa một phi đạo ở giữa ngay cửa phòng, một lá thép dày phía dưới, chấn song dọc ở trên, có chút không khí để thở cho 28 con người nhét kín trong đó, phi đạo chỉ trống ban ngày, nhưng chật chội lúc đêm, phi đạo chỉ ưu tiên cho trưởng phòng nằm ngay sát cửa và những tù đàn anh, là lớp lâu hơn thứ tù còn non như tôi.

Phú Hải, tay nằm phòng biệt giam C2 kế tôi lần trước cũng được đưa về phòng này. Tù vào đây là chuẩn bị lên đường ra trại lao động, đi đâu, lúc nào, chỉ có sở công an biết. Giám thị trại cùng lắm biết trước vài tiếng để chuẩn bị thức ăn đi đường cho tù nếu chuyến đi khá xa, tù nhân chỉ biết khi tập hợp đọc tên, rồi lên xe, tuy nhiên có khi mánh mung, quen biết đám nhà bếp thì cũng có vài tin tức.

Ở đây thì khác, để chuẩn bị đi về nơi không biết, nên cái tình đồng cảnh cũng không giống khu A tạm giam, mọi người ai cũng thủ, chỉ thâm tình hay kết nhau lắm mới tâm sự đôi điều.

Những hình ảnh khốn nạn, chia rẽ cũng bắt đầu được nhìn thấy từ chỗ như vầy trong những tháng ngày tù ngục, cái thế thủ bắt buộc phải có để sinh tồn trong thiếu thốn, chật chội và bỉ ổi của một xã hội thu hẹp. Tôi bắt đầu khôn ra từ cái cảnh bần cùng này, chó chết này.

Tôi gọi anh là Hiển râu, bởi hàm râu quai nón và tướng ốm cao như tôi, anh là một cán bộ Xây Dựng Nông Thôn hình như ở Củ Chi hay Trảng Bàng gì đó. Sau nhiều lần, nhiều ngày tránh né tại địa phương nơi anh cư trú, anh bị tóm về đây với tội danh trốn học tập, khai man lý lịch. Tôi có cảm tình với anh qua cách anh chỉ chỗ cho tôi nằm khi chân ướt chân ráo bước vô phòng. Anh nói với Hải để tôi nằm giữa hai người. Từ hôm đó chúng tôi ba mạng hay rù rì với nhau.

Bên kia sân là biệt giam đã đầy kín, những con ma mới rụt rè vài hôm trong những chiếc hộp nhỏ đó, rồi cũng lên đài đấu hót vang trời, đa số đều là phản cách mạng, cái tội danh như một thứ thời thượng, bởi thời gian này một chiến dịch khác đang rầm rộ hốt các phe nhóm, các mặt trận chống cộng đang nở rộ ở khắp nơi. Tại miền Nam, ngay Sài Gòn này, ngoài Chí Hoà thì T20 là trại thuộc loại “cái bang” nhiều túi, bên cạnh đó xa hơn là phải kể các trại loại chóp bu ở tỉnh.

Trại tù mọc lên như nấm, tù vào trại không còn chỗ chứa, lại mọc thêm trại khác, Những đợt tấn công càn quét văn nghệ sĩ, tu sĩ vừa xong thì bắt đầu tới thành phần chống chế độ. Từ đây cả nước rủ nhau đi tù.

Chúng tôi dù chỉ là thứ tù con nhưng cũng chắc mẫm là mình thuộc loại trong hàng triệu người chọn nhà tù làm chỗ dung thân. Bởi qua những tin tức nghe đồn thổi đâu đó, ông tướng này, đơn vị nọ, trú đóng nơi nào đó, bí mật có, chỉ danh có. Tuổi trẻ máu nóng thường dồn lên mặt, bất chấp tai ương, ở đâu có chống cộng là tìm tới. Nghĩ mà tội cho những kẻ mất nước, cú húc đầu mất mạng như chơi sao lại không hề nghĩ tới, cứ nghe chống cộng, hai con chữ như một mãnh lực không cưỡng lại được, nó là thứ nam châm hút dính không rời đối với đa số tuổi trẻ miền Nam thời đó, thời của 1975-1985. Nó không phải là thứ lên đường mù quáng, nó là thứ cần biết, chẳng cần mời, một thứ kháng sinh phải có, dù mua bất cứ giá nào để tiêm chích ngăn ngừa và trị liệu con bệnh đang thập tử nhất sinh “Cộng Sản”.

Tôi đã vượt hàng trăm cây số từ Sài Gòn ra Phan Thiết, từ Tây Ninh về Hậu Nghĩa, từ Cần Thơ ngược qua Bến Tre xuống tận xứ Chợ Thơm Mõ Cày Bắc, để lục lọi tìm dâu vết của bất cứ đơn vị, tàn binh nào còn sót lại, tự nhủ trong lòng, với tấm bùa hộ mệnh là thẻ sinh viên với cái hình chụp bán thân mặc áo nhà binh có số C3A của trại Nguyễn Huệ, trên nắp túi còn rõ ràng sợi dây thẻ bài luồn qua lỗ nút áo. Vì tôi là khóa 3/73 Thủ Đức và xuất ngũ khi có điểm thi và trúng tuyển sau cái ngày hết hạn giấy hoãn dịch, trong mùa tổng động viên toàn phần nhân lực 1972.

Hải có một nụ cười dòn tan lúc nào anh ta cũng có thể cười được, nụ cười đó an ủi tôi rất nhiều trong những ngày ở trại T20 –Thành Gia Định. Anh khoái xe gắn máy, anh hay kể cho tôi nghe về chiếc Honda 100 cc của anh với những tà áo dài xanh, tím phía sau. Hải là dân kỹ sư cơ khí, đã qua trường cao đẳng, cũng rất là bụi và văn nghệ, anh hay kể những đêm hát hò, những ngày xuống đường trong một thời sinh viên cho tôi và Hiển râu nghe.

Buổi chiều, trước lúc nhận cơm, tay dẫn mối đưa tới phòng một anh gầy nhom, có vẻ như thiếu ăn với cặp kính cận, cái lưng khòm khòm, tóc gần như húi cua, nhưng khuôn mặt rất cương nghị, chững chạc thật đàn ông và trí thức. Gã trưởng phòng nhận anh, xếp anh nằm đối diện “bạo chúa áo đen” Đinh Xuân Hải, linh mục của dòng Tân Sa Châu.

Nguyễn Đình Toàn, bị bắt vì can tội “nhà văn đồi trụy”, anh khai tên làm tôi giật mình, hoá ra đây là ông tướng viết truyện “Thành Phố” trên báo mà tôi từng đọc, là tay có bản nhạc hút hồn “Tình Khúc Thứ Nhất” trong tập 10 bài không tên của Vũ Thành An.

Trời nóng, khung cửa nhà tù quá nhỏ cho ngần ấy con người hít thở, tôi và anh Toàn ra đứng một bên bám vào song sắt, bên kia dãy xà lim vẫn đóng cửa gió kín bưng, một bầy chim sẻ bay xuống sân ngăn với dãy biệt giam, những con chim tội nghiệp hớt hãi tìm mồi sau khung sắt cửa. Anh Toàn thở dài:
- Ngay cả loài chim bé nhỏ còn không có cái để ăn nói chi tụi mình.

Một tiếng than, bất thần vỡ vụn giữa điêu linh của đời người nghe tội nghiệp làm sao. Anh, một cây viết lừng lẫy như vậy, chí ít có một tầm vóc nhất định như vậy, mà trước cái nhà tù gần như khắp chỗ thế này còn cất tiếng than như vậy huống hồ chi tôi, thằng học trò mặt búng ra sửa. Bất ngờ anh hát khẽ một câu:

- “Tôi vẫn cố bám lấy đất nước tôi, dù sức người khô kiệt…”
- Trời! ra đâu mà có dòng nhạc rợn da gà như vầy. Tôi níu tay anh:
- Bài chi vậy ? Của ai hả anh Toàn?

Thật sự lúc đó tôi chỉ biết Nguyễn Đình Toàn qua cái tên tác giả của cái truyện Thành Phố, hơn một chút nữa là biết anh có bài thơ Vũ Thành An phổ nhạc. Tôi mù tịt về anh.
- Bài nhạc này của đám sinh viên quen, tụi nó nhờ anh nghe rồi cho ý kiến.
- Bài nhạc hay tuyệt, lời của nó làm nổi gai óc.

Tôi cố nhớ nó và gần 40 mươi năm sau vẫn nhớ nó, với cùng một cảm xúc như lần đầu.

Tới giờ lãnh cơm, chén bát lại mang ra. “Trên đầu súng quê hương, tổ quốc…” bây giờ thì “…Trong nhà mát hôm nay, chỉ có thế này…”. Một chén cơm gạo mốc, nửa chén nước muối pha loãng!

Phơi nắng là ân sủng thượng hạng mà bác dành cho, được thực hiện bởi chủ trương và chính sách không ghi trên văn bản, theo tiêu chuẩn bất thường hứng thì cho, không thì miễn, khỏi ý kiến, không có trong biên bản sinh hoạt hàng tuần vào tối thứ sáu.

Ra cho nắng ăn 5 hay 10 phút tùy thời tiết nóng lạnh trên trán của cán bộ trực khu. Cả bầy tù trắng như chuột bạch, từ trong phòng ùa ra, ngồi la liệt trên sân xi măng trước và cách xa cửa của dãy biệt giam hơn 2m, khoảng cách an toàn để tù nhân không thể chuyển vào biệt giam bất cứ thứ gì, lúc cho nắng ăn, tay cán bộ gác chân ngồi canh trước cửa khu bên ngoài song sắt có khoá. Việc mở cửa phòng cho tù ra phơi nắng do dám lao động như Lý Sen hay Hoả nhà bếp thực hiện. Cho nắng ăn, cái tên gọi cho buổi tắm nắng, dành cho những người bất hạnh, mất tự do nghe mà đau, hết phòng này thì tới phòng kế tiếp, dĩ nhiên , quá nhiều phòng nên cần phải luân phiên.

Trên sân, vào thời điểm này anh Toàn hay chỉ cho tôi những tai to mặt lớn mà anh từng quen biết ngoài đời, nhân vật thế nào, tầm cỡ thân tình ra sao? Doãn Quốc Sỹ, Từ kế Tường, nhà thơ Hoàng Hà, hoạ sĩ Hồ Thành Đức…

Anh Toàn cũng có hỏi tôi, ở bên Khu A có nghe nói tới tên Nhã Ca hay Thụy Vũ gì không. Tôi lắc đầu.

Xéo phía phải là phòng 5C1, “cái bang tám túi” Hoàng Hải Thuỷ đang luyện công ở đó và duy nhất một lần chúng tôi thấy được chỉ mỗi một con mắt của ông dí vào cửa sổ gió biệt giam, cố nhìn ra ngoài. đoán chắc ông đang tìm võ lâm đồng đạo, trong đám tù cù cưa phơi nắng dưới sân. Ở khu C1 chỉ có cửa sổ gió phòng ông được mở, nhưng sẽ đóng trong giờ tù cho nắng ăn, chẳng hiểu cớ sao hôm ấy cái lỗ gió mở ra, mà tiếc là chân dung của Công Tử Hà Đông không vẻ được trọn vẹn, lỗ gió quá nhỏ.

Tôi kết anh Nguyễn Đình Toàn, ngoài việc kính trọng một đàn anh đi trước, trí thức, điềm đạm, nhỏ nhẹ từng lời. Tôi mến anh hơn trong một lần bực dọc mà anh can thiệp như một thầy giáo với tên học trò khó dạy bằng một thái độ có thể nói, trong đời tôi chưa từng gặp ai có cách cư xử đáng nể như vậy.

Cái khó trong nhà tù thật khốn nạn. Một thau cơm chia đều cho tất cả. Dù mới hơn hai năm sau ngày mất nước, cái đói đã ập xuống miền Nam trù phú, nó bị kéo lê thê vì phải gánh miền Trung và nuôi dân Bắc. Vơ vét miền Nam là chiêu thức đầu tiên bọn vc giở trò sau khi đã lùa hết những quân, dân, cán, chính còn lại không thoát được hay chưa thoát được sau cuối tháng 4 năm 75. Xã hội như vậy nói chi nhà tù. Đói là cái vốn của chế độ cộng sản.

Cả phòng đồng ý theo nguyên tác xã hội chủ nghĩa, lao động bằng nhau, thì ăn bằng nhau, tránh thiên vị cơm phải thay phiên chia ra từ thau lớn cho có cái gọi là công bằng. Dù nó là thứ luật nhà tù bất thành văn, chẳng biết nó có từ lúc nào. Khi tôi ở 2A thì chuyện này cũng xảy ra nhưng không đến nỗi đau lòng như tại phòng này.

Ý kiến, ý cò cho đã, sau cùng thì mấy anh còn trẻ thay nhau gánh vác cái nhiệm vụ thiêng liêng của nhà nước giao phó: chia cơm tù, trong đó linh mục Đinh Xuân Hải tự nguyện tham gia. Mấy thằng trẻ và ông sẽ thay phiên chia cơm mỗi ngày và người nào chia cơm thì miễn trực, tức là lau chùi cầu tiêu, lau sàn phòng..

Trong một hoàn cảnh quá ư bi đát, con người sẽ lộ hết tính khí, cái bản chất dù cất kỹ đến đâu nó cũng lộ ra, nhất là khi người ta đương đầu với khó khăn bần cùng.

Tôi ghét, hay nói đúng hơn rất căm thù cái vụ này. Thường tôi, anh Toàn, Phú Hải, Hiển râu quăng cha cái chén bằng nhựa xuống đó rồi ra trước cửa phòng ngó trời hiu quạnh hay nghe anh Toàn hát dăm câu, tán dóc chuyện vớ vẫn chi đó, cho đến khi cái vụ chia chát xong, mấy anh em chúng tôi luôn là kẻ sau cùng nhẹ nhàng lấy cái chén cơm lưng lưng nấu bằng gạo mốc, chứa đầy cặn bã, rác rưởi, kinh qua thời gian chia chác để tiến lên xã hội chủ nghĩa đó, kéo nhau lên chiếc chiếu tù trải nửa của Phú Hải, ngồi ăn, dĩ nhiên chỉ với đồ của trại, anh em chúng tôi là con bà phước mà.

Cách chúng tôi ba, bốn bước chân là cái lưng trắng hồng của linh mục Hải đang cúi xuống moi móc một cách kín đáo và có chút kỹ càng, thức ăn trong cái giỏ thăm nuôi mà con chiên của ông cứ ba ngày một mang vào cung phụng cho bạo chúa.

Tôi quả thực rất chán tay linh mục bạo chúa này, tôi từng nghe danh ông ta trên báo Trắng Đen, những loạt bài về bạo chúa áo đen Tân Sa Châu trong cơn đại hồng thuỷ “xuống đường” trước ngày sập tiệm. Tôi lại càng khinh ông ta hơn, khi phát giác ra rằng, bất kỳ ai chia cơm đều có ông đứng phía sau, chỉ cho người đang chia rằng chén này hình như ít hơn chút, chén kia đầy hơn chút, dĩ nhiên cái chén mà ông luôn bảo là ít là của ông.

Một ngày trúng cái phiên tôi phải lên đường tòng quân diệt giặc bằng võ khí trang bị là thau cơm cùng hai mươi mấy cái chén nhựa xếp quanh. Cứ một mực thẳng như cán cuốc của dân Nam bộ tôi lấy cái chén duy nhất làm cỡ, múc cơm từ thau lớn, một chiếc đũa nhựa quẹt ngang cho bằng mặt rồi úp vào cái chén không nào đó. Sau một vòng, phần còn lại trong thau, chơi bằng muỗng cho chắc ăn, mỗi em một muỗng trước đã, dư thiếu tính sau.

Tay bạo chúa đã hai lần chỉ vào một cái chén vào bảo là nó hơi ít, tôi nhẫn nại vít thêm một chút bỏ vào, Cho tới lần thứ ba, thì tôi úp nguyên thau còn trong đó một ít cơm dư, vào cái chén bạo chúa đang chỉ, đứng phắt dậy, máu móng dồn lên mặt hét to:
- Đ.M… như vầy được chưa? Hả thằng hèn?

Anh Toàn từ ngoài cửa phóng vào nắm tay tôi, anh nói thật nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
- Khiết, nghe anh Toàn, hãy cư xử có ý thức và nhẹ nhàng, không được bạo động.

Bao nhiêu cơn nóng ầm ầm tự nhiên tụt xuống, tôi méo mó, thảm hại theo anh ra cửa. Phú Hải, Hiển râu trừng mắt ngó bạo chúa đang khoa tay phân bua với mọi người, trong phòng, ai cũng lắc đầu ngao ngán nhìn ông.

Đó là bài học khốn nạn, lần đầu tiên trong 10 năm tù đày. “Một chén cơm tù, trên tay một người đáng kính”.

Chiều xuống, lúc Hiển râu thầm thì với Phú Hải, anh Toàn kéo tôi ra ngoài phía cửa:
- Hứa với anh là tụi em không làm gì nghen.
Anh Toàn vừa nói vừa bóp bàn tay tôi. Tôi quí anh đã tuyệt vời qua cách cư xử rất chi người lớn đó. Nếu anh Toàn không can thì theo kế hoạch Hiển râu sẽ trùm mềm bạo chúa và với sức mạnh của đai đen Phú Hải chỉ một đòn là ông ta sẽ nằm một đống, nếu cần thiết sẽ đốt luôn mùng của ông, như một chuyện lỡ tay mà cháy, rồi ra sao thì ra. Đây là chiêu Hiển râu học được từ những cuốn tiểu thuyết trinh thám hay những mẫu truyện giang hồ gì đó.

Dù không biết anh Nguyễn Đình Toàn nhiều lắm, nhiều có nghĩa như một kiểu quen biết từ ngoài đời trước khi vào trại tù này. Tự nhiên, với anh tôi có một cái gì đó gần gũi, thứ tình cảm cho phép mình tin tưởng được. Anh không hỏi nhiều về tôi, nhưng tôi nói hết với anh. Những ngày sống chung với nhau dù không hơn 3 tháng nhưng giữa anh và tôi được mô tả là khá gắn bó giữa 30 nhân mạng trong phòng.

Anh kể tôi nghe về chậu lan đất duy nhất anh trồng cho có một chút hoa lá ở căn nhà trong cư xá báo chí. anh nói về chị, người đàn bà hiền thục luôn đứng sau lưng anh trong những lúc gian nan.

- Anh rất nghèo, những khi viết truyện như một lối kiếm cơm, làm anh nản lòng. Nó không lột hết những gì mình muốn, mình phải sống, nên phải viết. Anh gần như té sấp xuống sau ngày “đứt phim”, ngày đó anh không có tiền, chật vật đứt hơi, chị tảo tần theo cái nghèo khó và máu văn nghệ của anh... tội cô ấy.
Anh nói với tôi bằng ánh mắt thật buồn.

Tôi không dám hỏi anh sợ nó làm anh nhớ và lo cho nỗi khốn khó của người đàn bà, trong tình huống như thế này. Cái hoàn cảnh khốn nạn cho những gia đình có người lọt trong tay cộng sản như hôm nay.
- Sao anh Toàn không đi?
- Anh có nhiều cơ hội để đi, và có nhiều cái trì níu mình lại. Sau cùng anh không đi.
- Anh hối hận cho việc mình ở lại không?
- Với em thì anh trả lời thật. Có khi ở lại là điều may mắn. Chí ít mình của nhìn rõ ràng cái tan hoang sau ngày đó, chí ít mình cũng có được ngày hôm nay, trong trại tù này. Đâu biết cái gì sẽ đến, kệ nó..

Anh khuyên tôi cố chịu đựng, hy vọng và cứ hy vọng để sống còn.
Trong cái vóc dáng chịu dựng, anh đứng tựa của phòng . Buổi tối chỉ có ngọn đèn chiếu ngoài sân, phân nửa con người tong teo của anh, đổ cái bóng dài trên mặt chiếu trải dưới sàn tù, cái bóng gãy gập ở góc tường loang lỗ, đè lên cái bóng của tôi. Hai chúng tôi đứng đó, nhìn ra ngoài, Xa xa âm thanh phố phường văng vẳng từ chợ Bà Chiểu thỉnh thoảng còn nghe được.

Anh hát, những dòng nhạc chảy đi tận cùng từng mạch máu:
“Tôi vẫn cố bám lấy đất nước tôi dù sức người khô kiệt, dù sức người đã tả tơi ước mơ, tay chân dường rũ liệt… 

Tôi chẳng còn niềm tin nào cầm cho ấm tay, sống từng ngày, sống ngày nào biết ngày ấy thôi”
Bóng đen kéo ngày đi qua vội trong những tháng cuối năm, những buổi tối sau giờ điểm danh, trong phòng Phú Hải thường cùng Hiển râu đánh cờ tướng, bộ cờ không biết của ai, chuyền nhau mà chơi, những người khác mỗi người một chút riêng tư, kẻ nhớ nhà, người đang gác tay lên trán nghĩ suy cho thận phận, kẻ nhớ vợ , người thương con. Thường những lúc đó, với đôi mắt và giọng nói buồn thăm thẳm anh Toàn hay hát cho tôi nghe, ở trước và bên trong cửa phòng, những bài nhạc mà mười năm sau khi quay về với đời, tôi nhiều lần nghe lại:
Tôi còn trẻ tôi không muốn bỏ ngang đời…người với người đã trở thành thiên taiChiều vàng rơi trên má em tôi… mùi ngọc lan…

Mỗi lần nghe những bài hát đó tôi nhắc riêng mình, với một chút hãnh diện, tôi đã là một trong những người đầu tiên nghe nó, cách đây lâu lắm rồi từ cuối năm 1977, do chính Nguyễn Đình Toàn hát cho nghe trong tù. Ở trại T20, Phan Đăng Lưu nó còn có cái tên nữa - Thành Gia Định
A20 nguyễn thanh khiết

----------------------------------

More:
1. Ký ức bỏ quên (1) – Thành Gia Định - (A20 nguyễn thanh khiết)
2. Ký ức bỏ quên (2) – Tuổi trẻ điêu linh - (A20 nguyễn thanh khiết)
3. Ký ức bỏ quên (3) - Đường đi không đến - (A20 nguyễn thanh khiết)
4. Ký ức bỏ quên (4) - Những chuyến đi quên về - (A20 nguyễn thanh khiết)


No comments: