Saturday, December 24, 2022

PHƯỚC TUY VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG - Thiên Chương chi đoàn 2/15 TK (fb Son H Cao)

PHƯỚC TUY VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG

Thiên Chương chi đoàn 2/15 TK
Son H Cao
Khoảng giữa tháng 4 năm 1975 trong cuộc hành quân giải tỏa Long Khánh, chi đội 3 của tôi tăng phái cho chi đoàn 2/22 chiến xa, dưới quyền chỉ huy của chi đoàn trưởng Thiếu tá Hà ngọc Bé, nằm án ngữ phía bắc Quốc Lộ 1 khoảng 5 cây số, phía tây Quốc Lộ 20 vài cây số trên đường về Dầu Giây , 
-----------------------
qua nhiều cuộc đụng độ với Sư Đoàn 341 CSBV trên mặt trận nầy đã gây nhiều tổn thất cho cả hai bên, cho đến chiều ngày 24 tháng 4 năm 1975 ,CĐ 2/22 CX di chuyển về Biên Hòa, qua khỏi rừng cao su bên chợ Trảng Bom vài cây số thì tôi được lịnh ở lại, để chờ đợi đến sáng hôm sau thì chi đội của tôi sẽ trở về chi đoàn 2/15 Thiết Kỵ , khi chi đoàn di chuyển qua vùng nầy trên đường về dưỡng quân ở Biên Hòa. Sau hơn một tuần lễ giao tranh với CSBV để yểm trợ cho Trung Đoàn 52, Sư Đoàn 18 Bộ Binh tham chiến tại ngã ba Dầu Giây, chi đội tôi chỉ còn vỏn vẹn 2 thiết vận xa M113 và 9 kỵ binh, di chuyển khoảng 2 cây số về hướng bắc QL 1 và bố trí phòng thủ đêm tại một mảnh đất trống bên con đường đất đỏ .
 
Trong suốt đêm đó , CSBV chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công về Sài Gòn đã di chuyển nhiều chiến xa, quân xa với đại pháo và lực lượng bộ binh về hướng Biên Hòa, trước vị trí phòng thủ của chi đội tôi không xa lắm, hầu như không ai được ngủ yên trong đêm đó , tiếng động của xe cộ, chiến xa , tiếng người và ánh đèn trong đêm tối càng gia tăng nổi lo lắng trong thâm tâm của mọi người , sau những ngày dài trong chiến trận từ giữa tháng 3 năm 1975 hành quân vùng Gò Dầu Hạ trên đường về Tây Ninh , đầu tháng 4 năm 1975 về Truông Mít , quận Khiêm Hanh cho đến cuộc hành quân giải vây Long Khánh , ai cũng chưa có một ngày nghỉ ngơi hay về phép thăm viếng gia đình .

Trưa ngày 25 tháng 4 tôi được lịnh di chuyển ra QL 1 để tháp tùng CĐ 2/15 TK, dưới quyền chỉ huy của Đại Úy Ngô duy Lượng lên đường về Phước Tuy, sau khi ăn Tết 1975 . Đây là lần thứ hai tôi trở về chi đoàn sau hơn 2 tháng tăng phái cho CĐ 2/22 CX , Chi đoàn di chuyển đến cuối thành phố Biên Hòa rẽ vào quốc lộ 15, qua căn cứ Long Bình rồi trường Thiết Giáp, Long Thành, nơi tôi đã có một thời gian thụ huấn sĩ quan căn bản Thiết Gíáp ở đó vào cuối năm 1973 , chi đoàn đóng quân tại Phú Mỹ một ngôi làng nhỏ trên QL 15 giữa chi khu Long Thành và tỉnh lỵ Phước Tuy chiều hôm đó , trong lúc nầy Lữ Đoàn I Nhảy Dù sau trận giải tỏa Long Khánh di tản về Phước Tuy và có nhiệm vụ bảo vệ QL15 từ Long Thành về Bà Rịa , nên TĐ 8 Nhảy Dù đêm đó là đơn vị tùng thiết cho CĐ 2/15 TK , Đây là lần đầu tiên tôi đi hành quân với các anh hùng mủ đỏ , mà tôi chỉ từng nghe ca ngợi trong những bản nhạc trên đài phát thanh hay trên màn ảnh truyền hình trong những lần về phố ngồi uống cà phê. Từ xa về hướng đông là thị xã Bà Rịa , hướng tây là trường Thiết Giáp và trường Bộ Binh Thủ Đức , đại pháo của CSBV vẫn vang rền trong khi các đại bác 37 ly phòng không của địch, như màng lưới lữa trong bầu trời đen tối đuổi theo các phi cơ Hỏa Long trong phi vụ yểm trợ cho các đơn vị bạn còn chiến đấu trong tận cùng tuyệt vọng. Tôi vùi đầu trong giấc ngủ , tin tưởng vào các chiến sĩ Nhảy Dù sẽ bảo vệ phòng tuyến đêm nay và hy vọng ngày mai có thêm một ngày bình yên trong lữa đạn .

Ngày 26 tháng 4 tôi được hai ngày phép về Sài Gòn , trong khi chờ đợi Thiếu Úy Huỳnh, chi đội trưởng chi đội 2 mãn phép trình diện đơn vị để thay thế tôi trong lúc đi phép , tôi ghé uống cà phê sáng trong ngôi quán nhỏ bên đường , trong lúc một xe M113 của chi đội 2 nằm gần chợ và vài kỵ binh ngồi uống bia kế bên , đến trưa mà Th/Úy Huỳnh vẩn chưa trở lại , tôi ghé vào xe chi đội 2 uống vài chai bia để giết thì giờ trong nôn nả đợi chờ . Cho đến 5 giờ rưởi chiều hôm đó Th/Úy Huỳnh mới trở lại đơn vị , tôi suy nghĩ nếu về tới Biên Hòa thì đã tối sẽ không có xe về Sài Gòn được, nên tôi xin phép Đại Úy Lượng cho tôi ở lại đêm nay và sáng sớm ngày mai tôi sẽ đi phép về Sài Gòn .
 
Trời vừa sụp tối thì SĐ 304 CSBV bắt đầu tấn công vào trường Thiết Giáp và trường Bộ Binh Thủ Đức, SĐ 325 CSBV tấn công chi khu Long Thành , khoảng 8 giờ tối hôm đó trong tiếng đạn đại pháo , đại bác phòng không và các loại vũ khí vang rền khắp mọi nơi của Cộng quân, chi đoàn 2/15 TK và TĐ 8 Nhảy Dù di chuyển trong đêm tối vào thị xã Bà Rịa cùng lúc với SĐ 3 CSBV từ mặt trận Long Khánh kéo về .Chi đội 1 và chi đoàn phó là Trung Úy Ngô Bính nằm đầu phố án ngữ về hướng bắc , chi đội 3 nằm giữa phố với xe số 32 của tôi quay mặt về hướng bắc và xe số 34 nằm sau xe tôi cách 100 thước án ngữ phía nam , chi đội 2, 4 và bộ chỉ huy CĐ 2/15 TK án ngữ ở cuối phố về hướng đông .Sau khi sắp xếp phiên gác đêm và kiểm soát chung quanh vị trí của hai thiết vận xa trong chi đội ,tôi đi ngủ sớm để chuẩn bị ngày mai di chuyển lên tuyến đầu đối mặt với quân thù , trong lúc nầy có lẻ đã rời mặt trận Long Khánh di chuyển về Phước Tuy.

Sáng sớm ngày 27 tháng 4 năm 1975 , tôi nhìn thấy tận mắt cảnh hoang tàn của thành phố nầy lần đầu tiên , các đường phố không một bóng người , những cuộc pháo kích của địch vài ngày trước đây đã để lại nhiều đổ nát , không biết người dân ở đây đã di tản về đâu , hay tạm trú trong những căn hầm dã chiến với niềm hy vọng được gìn giữ tài sản của ông cha để lại .Tiếng súng và đạn pháo bắt đầu vang dội phía bắc nơi chi đội 1 án ngữ. Tôi lên máy để biết được CSBV bắt đầu tấn công bằng pháo binh , chiến xa và bộ binh vào tuyến của Thiết giáp và Nhảy dù.
 
Tôi cho chi đội lên xe sẳn sàng ứng chiến , lúc nầy quân đội CSBV đã vào trung tâm thành phố và một chiến xa T54 đã chạy vào trên đường phố bên trái tôi chừng 200 thước. Nhìn về trước mặt tôi vài trăm thước cộng quân tràn ngập trong các ngôi nhà và đường phố , tôi sử dụng hỏa tiễn M72 và khai hỏa đại liên 50 để ngăn chận bước tiến của địch. Khi nhận được lịnh mở đường cho chi đoàn trở ra QL 15, tôi vừa lùi xe ra đến ngã tư thì đại bác của địch trên chiến xa T54 khai hỏa cùng lúc với đại bác 90 ly , hỏa tiển M72 của lực lượng Nhảy Dù , may mắn cả hai chiếc M113 không bị hư hại giữa hai làn đạn của bạn và thù . 
 
Từ giữa phố ra QL 15 phải qua ngôi chợ nằm bên tay phải ,CSBV bố trí trong chợ với hỏa lực rất mạnh , chi đội đã sử dụng 2 đại liên 50 , 2 đại liên 30 và tất cả vũ khí cá nhân còn sót lại vừa bắn vừa di chuyển qua ổ phục kích nầy. Ra đến QL 15 về hướng đông chừng 2 cây số thì chi đội án ngữ tại phía tây cầu Cỏ May , chờ đợi chi đoàn di tản qua phía đông bên kia cầu . Chiều hôm đó chi đội 2 tử thủ tại chân cầu , chi đội 3 của tôi cách đó vài trăm thước , sau đó là chi đội 1[ tổn thất khá nặng trong cuộc tấn công của CSBV sáng hôm đó]. 
 
BCH chi đoàn và chi đội 4 nằm dọc theo QL 15 về hướng đông cầu Cỏ May . Sau khi Đ/Úy Ngô duy Lượng ra lịnh cho Công binh chiến đấu phá nổ cầu để ngăn bước tiến của CSBV , ban đêm địch xử dụng đặc công bò qua cầu tấn công , chi đội 2 và binh sĩ của TĐ 8 ND chống cự mãnh liệt . Địch sử dụng ghe , xuồng chuyển quân dọc theo bờ sông qua phòng tuyến của CĐ 2/15 TK và TĐ 8 ND để tấn công từ phía nam và bắc QL 15. Sau vài giờ tấn công khi tiếng súng vừa ngưng , một số binh sĩ của Thiết Giáp và Nhảy Dù bị thương nhưng không được di tản.

Sáng ngày 28 tháng 4 , địch quân tiếp tục pháo kích vào vị trí phòng thủ của chi đoàn và tìm cách vượt qua cầu Cỏ May, chi đội 2 và các binh sĩ Nhảy Dù vẩn còn chống trả với địch ở chân cầu Cỏ May, đại pháo của CSBV càng lúc càng gia tăng và càng đến gần. Một trái đại bác 130 ly nổ bên cạnh xe tôi lúc di chuyển qua một vị trí khác đã làm thương vong vài binh sĩ Nhảy Dù và 2 xạ thủ đại liên trong xe tôi . 
 
Tôi liên lạc xin di tản thương binh nhưng được lịnh chờ đợi trực thăng tải thương từ Lữ Đoàn III Kỵ Binh đồn trú tại Biên Hòa . Suốt ngày nầy trên không trung các trực thăng CH-47 Chinook tiếp tục bay về hướng biển đông , tôi hy vọng có lần nào đó họ sẽ xuống đây để bốc đơn vị mình về Biên Hòa. Tôi mơ ước ngày phép về Sài Gòn , nhớ ngày lang thang trên đường Nguyển Du đợi chị Thể ,chị Hội ,chị Loan Anh giờ tan sở ở Bộ Phát Triển Sắc Tộc, ngồi uống ly cà phê ngọt ngào đếm lá me bay. Giờ đây đếm từng chiếc trực thăng bay qua ngang đầu , không hề hay biết đây là lần di tản sau cùng của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam. 
 
Chiều hôm đó chiến trường lắng dịu, không có tiếng súng thù, không đạn pháo rơi nên cái im lặng của trận địa làm mọi người ngộp thở, có lẽ CSBV chờ đợi cuộc tấn công trong đêm nay. Khoảng 10 giờ đêm thì tôi được lịnh sử dụng một thiết vận xa di chuyển về phía đông QL 15 trên đường về Vủng Tàu . Để thăm dò con đường có đủ an toàn khi đơn vị di tản ,tôi một mình trong đêm đi được vài cây số thì nhìn thấy QL 15 bị phong tỏa bằng các cuộn kẻm gai . 
 
Tôi mở đèn pha và lội bộ trước đầu xe để xem tình hình , trong ánh sáng của đèn xe tôi thấy một người lính Thủy Quân Lục Chiến gở một đoạn kẻm gai để đến gần tôi , anh cho tôi biết là trên đường quốc lộ đã được gài mìn chống chiến xa và vị trí phòng thủ của đơn vị TQLC bao bọc 2 bên bằng kẻm gai và mìn Claymore để tử thủ đến cùng. Tôi báo cáo về chi đoàn biết tin và nhận lịnh nằm tại chỗ chờ đến sáng hôm sau . Suốt đêm tôi lo lắng, bâng khuâng không biết ngày mai sẽ ra sao . Sau lưng tôi cả chi đoàn nằm trong vòng hiểm nguy của hàng ngàn quân thù với xe tăng và đại pháo,.
 
Trước mặt tôi là hàng rào phòng thủ của người lính mủ xanh, những người hùng của mùa hè đỏ lửa 1972 ngày tôi mới vào lính , ôm súng trên phòng tuyến đợi quân thù ,nhìn về hướng tây trong ánh lửa bập bùng của hỏa châu và những cuộn khói lững thững trôi ở cuối chân trời . Tôi biết chiến trận vẫn còn trong cao độ giữa các cánh quân còn lại của quân lực VNCH và CSBV. Dựa lưng vào pháo tháp để tìm giấc ngủ vội vàng tôi chờ đợi ngày mai, như chờ đợi và chấp nhận số phận nào đã đưa tôi vào con đường chinh chiến hiểm nguy mà không còn lối thoát .

Trưa ngày 29 tháng 4 , chi đoàn di chuyển về hướng đông QL 15 . Sau cuộc tiếp xúc của chi đoàn trưởng Đ/Úy Ngô duy Lượng và cấp chỉ huy của đơn vị TQLC , họ đã tháo gở mìn và chướng ngại vật trên đường quốc lộ cho đơn vị Thiết giáp và Nhảy dù vào Vũng Tàu , để lại sau lưng SĐ 3 CSBV trên đường truy đuổi, sau khi tu bổ cầu Cỏ May và đưa bộ binh vào xâm chiếm Vũng Tàu .
 
Chi đội 2 đi trước, chi đội 1, kế đến BCH , chi đội 4 và chi đội 3 của tôi đi sau cùng , khi vào đến phố Vũng Tàu thì lực lượng đặc công và bộ binh của CSBV đã nằm phục kích , mở cuộc tấn công sau khi 2 thiết vận xa của chi đoàn di chuyển qua khỏi đầu phố , thiết vận xa sửa chữa của CĐ bị bắn cháy và cả đơn vị bị kẹt trên đường phố nhỏ hẹp không xoay trở được. Ttôi nhận lịnh mang 2 xe còn lại của chi đội 3 mở đường tấn công vào ổ phục kích của địch. Khi di chuyển qua phần còn lại của chi đoàn ở đầu phố thì tôi thấy xe 06 nằm giữa đường vẩn còn bốc cháy , sau xe xác chết của Hạ sĩ Có , người lính kỵ binh thân quen của tôi ngày mới về đơn vị và xác 2 đồng đội khác nằm bên nhau , trên con đường chỉ còn máu lửa và nước mắt . 
 
Tôi đi trước theo sau là xe số 34 , khai hỏa tất cả vũ khí còn đủ đạn dược , từ đại liên 50 ly, 30 ly , súng phóng lựu M79 , súng cá nhân M16 và Colt 45 , vừa di chuyển vừa bắn hai bên đường. Cả đơn vị di chuyển trong tiếng đạn mịt mù qua khoảng 2 cây số mới đến Bến Đá , CSBV tiếp tục pháo kích trên đường di tản của Thiết giáp và Nhảy dù bằng đại pháo trên đường ra biển , tôi nhận lịnh rời xe và phá hủy các thiết vận xa trước khi ra bờ biển , tuy nhiên trong lúc gom góp đồ đạc vào ba lô và trong cơn mưa pháo kinh hồn, tôi lội bộ ra bờ biển tìm kiếm đồng đội mà không có cơ hội làm được điều đó. 
 
Một số kỵ binh và binh sĩ nhảy dù đã bị thương và chết trên chặng đường nầy. Tôi xuống một chiếc xuồng máy đuôi tôm với một vài kỵ binh, tuy nhiên sau vài lần tìm cách nổ máy mà vẩn không thành công Nhìn ra trước mặt tôi thấy một chiếc xuồng khác chạy qua với một số đồng đội gọi tôi , tôi quay lại dặn dò Cần nhớ tìm tôi khi về Sài Gòn rồi tôi nhảy xuống biển để bơi ra khi chiếc xuồng nầy quay lại để kéo tôi lên. Khi trời vừa sập tối tất cả kỵ binh còn lại của chi đoàn dời qua một chiếc tàu đánh cá lớn hơn , con tàu trực chỉ về tỉnh Gò Công trong đêm tối , mổi người riêng một ý tưởng , không ai nói chuyện gì với nhau , ai cũng có những nỗi buồn canh cánh bên lòng và âu lo của những ngày sắp đến .

Sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975 , những kỵ binh còn sống sót sau trận chiến ở thị xã Bà Rịa của chi đoàn 2/15 TK ngồi trên chiếc tàu đánh cá đợi chờ tin tức từ trong đất liền , cho đến khi nghe tin Dương văn Minh yêu cầu các binh sĩ bỏ súng và chấp nhận đầu hàng vô điều kiện , Đ/Úy Lượng họp mặt tất cả kỵ binh để thăm dò ý kiến và cho phép mọi người được lựa chọn một trong hai con đường còn lại , một là đi về vùng IV chiến thuật hay ra đảo Phú Quốc để tiếp tục cuộc kháng chiến chống cộng , hai là trở về để đầu hàng cộng sản và đoàn tụ với gia đình . Khoảng 6 hay 8 người tôi không nhớ rõ đã tình nguyện trở về với gia đình . Đó cũng là lần cuối cùng chúng tôi tiễn đưa nhau , họ có an toàn trở lại với gia đình không ai biết , cũng như số phận của 36 người kỵ binh còn lại những tháng ngày sắp tới không biết về nơi đâu .

Đ/Úy Lượng cho phép vài người vào bờ để mua sắm lương thực và chuẩn bị cho một cuộc hành trình về trên vùng vô định . 
 
Tôi tình nguyện ở lại không biết có phải vì TỔ QUỐC , DANH DỰ và TRÁCH NHIỆM hay không. Tổ quốc tôi với hơn 20 năm trưởng thành và 3 năm dài chiến đấu đã không còn , danh dự và trách nhiệm của một sĩ quan đã làm tôi ray rức nhiều hơn hết. Có lẽ đó là động lực duy nhất thúc đẩy tôi vào quyết định chiến đấu đến cùng , hay kinh nghiệm của những ngày ấu thơ ở Đại Lộc ,Quảng Nam nơi tôi sinh ra và lớn lên trong vùng cộng sản chiếm đóng , chứng kiến sự tàn ác của chế độ cộng sản và cuộc đời chinh chiến đã để cho tôi nhìn thấy những đổ vỡ trên quê hương, do kẻ thù từ phương Bắc gây ra , nên tôi quyết định ra đi . 
 
Chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975 con tàu lên đường ra khơi , mang theo những kỵ binh còn sống sót trong trận chiến sau cùng của chi đoàn 2 số đỏ [ biệt danh cho CĐ 2/15 TK ], một thời oanh liệt trên chiến trường Tây Ninh , Hậu Nghĩa, Bình Dương , Biên Hòa và Long Khánh của vùng III chiến thuật , những con đường in vết xích qua chiến trường Kampuchia năm 1971 và 1974, nay chỉ còn là dấu chân của một thời trong dĩ vãng .

Con tàu trực chỉ về hướng đông , trước mặt chỉ có màu biển xanh và bầu trời rộng mở , sau lưng là hướng tây , đỏ rực màu nắng của bóng chiều lên khi mặt trời vừa xuống. Đó cũng là hình ảnh sau cùng để tôi nhìn lại quê hương Việt Nam thân yêu, gia đình tôi không còn liên lạc từ ngày mất Đà Nẵng chắc không biết những gì xảy đến với tôi. 
 
Tôi ra đi về một chốn lạ xa mà không biết có ngày trở lại , tương lai tôi như bóng tối đại dương mà con tàu đang dấn bước , trong bóng đêm mịt mùng chỉ còn nghe tiếng sóng vổ và từ phía chân trời xa có ánh đèn lấp lánh trong màn đêm , những ánh đèn trên chiến hạm của đệ thất hạm đội Hoa Kỳ , cũng là ngọn hải đăng cho con tàu lưu lạc trong cơn bảo tố của quê hương , soi đường cho cuộc hành trình của 36 kỵ binh chi đoàn 2/15 TK về trên vùng đất mới .
Thiên Chương chi đoàn 2/15 TK

No comments: