Saturday, December 17, 2022

 Có những điều không được phép quên - Phu Chinh Nguyen

Có những điều không được phép quên.
Phu Chinh Nguyen

20 tuổi tôi tình nguyện đi lính để được sống theo ý muốn của mình . Ra trường làm lính tác chiến suốt 10 năm. Cho đến tháng 3/1975 rời bỏ Cao Nguyên đơn vị bị thiệt hại nặng phải tập trung về trường Thiết Giáp tại Long Thành tái tổ chức.

-----------------------------------

 

---------------------------------

 Những ngày này trên đường về đơn vị , khi đi ngang toà đại sứ Mỹ đường Thống Nhất thấy nhiều người xếp hàng xin đi , ta giận và khinh. Khi đất nước có chút khó khăn sao lại bỏ đi. Bạn bè bên không quân, Hải quân rủ đi ta từ chối. Nghĩ rằng chỉ khó khăn như năm 1968, hay 1972 chứ làm sao mà thua mà mất được! Nhất là không thể là một tên đào ngũ. 

Đến ngày 30/4/1975 thì tổ quốc, quân đội ta phục vụ không còn nữa. Bắt đầu từ ngày ấy chẳng còn ai bảo vệ mình, một thân chịu đựng sự trả thù cay độc của kẻ thù, Ta chấp nhận ta đã từng giết người thì bây giờ cứ giết ta. Cái đau khổ là có những kẻ trước kia là chiến hữu bây giờ đã lộ mặt là kẻ thù . 

Rồi càng khốn nạn thêm trong tù có những kẻ chỉ vì những đặc ân nhỏ bé kẻ thù ban cho như được viết thêm vài lá thư, được gặp gia đình lâu hơn khi họ đến thăm, hay được ngủ lại với vợ nên trong cương vị là đội trưởng, trật tự trại chúng ra tay hành hạ anh em. Đến bây giờ ta vẫn nhớ tên từng đứa từng thằng. Đã nhiều lần ta nói thẳng vào mặt chúng nếu ngày nào gặp lại bọn bay ngoài đời ta sẽ tính sổ với chúng mày cả vốn lẫn lời! Kẻ hèn luôn gan thỏ, nên đôi lần bị biệt giam, bị đánh, chúng cũng giấu dưới chén cơm viên thuốc hay miếng thịt, tiêu chuẩn mỗi ngày được nửa ca nước uống thì bây giờ được đầy hơn. Thùng chứa phân nước tiểu khi đầy mới được lấy ra nay khi ta yêu cầu thì chúng đem ra đổ ngay nên cũng bớt hôi. Nhìn chúng cũng thấy tội nghiệp!

Năm 1945 cha theo việt minh chống Pháp bị giết nên chúng cho là liệt sĩ, chúng đem việc này dụ dỗ. Họ sẽ cho ta được ra khỏi trại sớm nếu chấp nhận khi về địa phương sẽ hợp tác với chính quyền phát hiện các phần tử phản động. Ta từ chối và nói với họ rằng việc ai người ấy lo. Tất cả dòng họ đều ở lại miền Bắc nên trên bàn thờ nhiều người chết tại miền Nam năm 1968, 1972!

Ông bác chắc cấp bậc cũng lớn nên năm 1977 đã đến được trại 1 đoàn 776 tại Yên Bái thăm ta. Khi được lính đưa ra lòng thật xúc động vì đây là anh của cha, một người máu mủ bên nội duy nhất đầu tiên được gặp. Nhưng sau vài câu thăm hỏi bị ông bác xúc phạm, mắng chửi ta xin phép được trở vô trại, Đường ai nấy đi từ đấy!

Đã đến cuối đời lòng vẫn khôn nguôi nỗi đau, An ủi một điều là đã nhìn thấy lá cờ suốt thời tuổi trẻ ta phục vụ đâu đó vẫn tung bay trên khắp thế giới.

Lòng mong ước xin giữ được chữ TRUNG !

-------------------------------

 Chuyện sống, chết đâu phải do mình tự quyết định được.

Số tôi ngọc hoàng chưa chịu giũ sổ để được lên đầu tủ ngồi coi gà sexy nên nhiều phen thoát hiểm một cách ngoạn mục !

Năm 1968 khi xẩy ra biến cố tết Mậu Thân, đơn vị tôi chi đoàn 1/9 Thiết kỵ được điều động từ Bạc Liêu lên Cần Thơ để giải toả các khu vực bị cộng quân chiếm đóng .Sau khi tình hình tương đối đã lắng dịu ,tôi xin phép cấp chỉ huy của tôi được trở về Bạc Liêu để giải quyết việc gia đình .Một hôm tư lệnh sư đoàn 21 bộ binh và bộ chỉ huy hành quân ở lại Cần Thơ nên trực thăng chỉ đưa một ít sĩ quan về bộ tư lệnh tại Bạc Liêu ,do vậy hợp đoàn bay rất ít người ,còn trống chỗ rất nhiều .Tôi đến xin đại uý Tiếu là sĩ quan tùy viên của tư lệnh được tháp tùng chuyến bay và được ông đồng ý .Lên máy bay ngồi mặt tươi rói thì bổng nhiên ông trung tá Thành "râu" tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 21 truyền tin thấy tôi một tên sĩ quan thiết giáp ngồi vắt vẻo trên máy bay ,ông không đồng ý và ra lệnh tôi xuống máy bay !Buồn hiu ....

sau đó máy bay cất cánh .Khoảng 10 phút sau hệ thống truyền tin trực hành quân báo chiếc máy bay ấy khi bay ngang quận Phụng Hiệp trên đường về Bạc Liêu bị phòng không bắn rơi !

Năm 1970 đơn vị tôi hành quân vượt biên qua Campuchia theo hướng Hà Tiên để hoạt động trong vùng Sihanoukville .Một hôm mẹ tôi mất tôi được phép về để chịu tang .Từ vùng hành quân ra đến Hà Tiên thì đã quá trưa nên anh em binh sĩ tại tiền trạm khuyên tôi nên ở lại để sáng mai hãy đi vì đi từ Hà Tiên về Cần Thơ vào buổi chiều không được an ninh .Tôi đồng ý ở lại và đến sáng hôm sau đến một quán ăn sáng rồi lên đường về Cần Thơ .Trong quán có nhiều quân nhân của các đơn vị khác thấy tôi đi nên một xe jeep của hải quân cũng chạy theo sau .Từ Hà Tiên đến quận Kiên Lương khoảng 20km đường tương đối an toàn ,nhưng từ Kiên Lương về Rạch Giá khoảng 70km thì phải chờ mở đường an ninh trục lộ mới đi được .Cách Hà Tiên khoảng 3 km có cua ông Cọp là điểm cuối cùng từ cao điểm trên núi xuống đồng bằng phía dưới .Khi tôi vượt qua cua ông Cọp thì thấy đằng xa có một chiếc quân xa từ phía đồng bằng chạy lên .Tôi tiếp tục di chuyển khoảng 1 phút thì đụng đầu với chiếc GMC này đang chở quân của anh em Biệt Động quân .Rồi khoảng 1 phút nữa tôi nghe có tiếng nổ lớn ,tôi thầm nghĩ chắc pháo binh bắn điều chỉnh để ghi lại yếu tố tác xạ để yểm trợ các đồn gần đây khi cần thiết .

Buổi chiều về đến Cần Thơ anh em binh sĩ tại hậu cứ ngỡ ngàng nhìn tôi vì họ nhận được công điện trên bộ chỉ huy hành quân chuẩn bị hội trường để đưa xác tôi về !Sau khi xác minh mọi diễn biến thì mới rõ câu chuyện .Khi chiếc xe jeep của anh em Hải Quân lên đến đỉnh đèo thì họ thấy phía dưới ngay khúc cua ông Cọp một quân xa bị giật mìn và bị tấn công .Họ lập tức quay đầu xe lại và ghé qua bộ chỉ huy của Thiết giáp báo rằng chiếc xe của một sĩ quan thiết giáp bị tấn công .Lúc ấy bộ chỉ huy đang họp tham mưu buổi sáng nên khi nhận được tin báo ấy đã ngừng họp ,một phút tưởng niệm cho tôi và lệnh hậu cứ chuẩn bị hội trường để đưa xác tôi về .Cần một chỗ rộng rãi vì các xếp biết tôi có nhiều bạn !Đến đây mới thấy mạng sống của một con người đôi khi chỉ một phút đủ quyết định giữa sống và chết .Bởi vì nếu tôi đến sớm hơn một chút khi chiếc xe GMC chưa xuất hiện đằng xa thì chắc chẵn địch sẽ khai hoả dứt điểm chiếc xe jeep của tôi .Còn nếu tôi đến chậm một chút ,hai xe cùng xuất hiện cùng lúc thì hai xe cũng đã bị tấn công đồng thời !Chỉ đúng thời điểm này khi tôi đến điểm phục kích thì chiếc GMC còn ở đằng xa nên địch cho tôi qua để tấn công chiếc GMC mà tránh được việc bị phản phục kích và chắc ăn !

Năm 1974 tôi thuyên chuyển ra vùng 2 và khi Ban Mê Thuột thất thủ một hợp đoàn trực thăng từ sư đoàn 1 không quân được đưa lên Pleiku để chuẩn bị tái chiếm .Hợp đoàn này do thiếu tá Bá chỉ huy ,và đã đến Camp Holloway của chúng tôi để đáp các trực thăng này .Tôi thu xếp cho họ chỗ nghỉ nên tôi và thiếu tá Bá thân nhau.Nhưng sau đó thay đổi kế hoạch sư đoàn 6 không quân di chuyển về Nha Trang ,Thiếu tá Bá đã dùng chiếc trực thăng của anh đưa toàn bộ gia đình tôi về Nha Trang sau đó xin phương tiện đưa về Saigon ngay trong đêm đó Anh đã cứu tôi và gia đình tôi trong lúc tôi phải đưa đơn vị của tôi đi chuyển về Phú Bổn rồi theo tỉnh tỉnh lộ 7 để về đồng bằng trong cuộc triệt thoái khỏi cao nguyên .Nếu không có sự giúp đở của anh vào phút chót thì thật không hiểu nổi việc gì sẽ xẩy ra ?

Tôi đem đơn vị về đến Phú Bổn rồi tan hàng tại đây . Gom góp được hơn 200 người vào rừng tìm đường về Phú Yên .Sau hơn 12 ngày để vượt hơn 100km đường rừng về đến Phú Yên còn được khoảng một nứa .Người chết bởi mọi cách !Kiệt sức ,địch giết ,nước sông cuốn trôi !Mỗi người phải tự lo cho mình không ai có thể giúp đở .Không thể đi được thì buông lựu đạn tự sát hay tự bắn vào đầu !Số phận !

Rồi năm 1977 khi đang tù tại trại 1 liên trại 1 đoàn 776 tôi bị kiết lỵ .Bệnh càng ngày càng nặng vì vài viên thuốc xuyên tâm liên không thể diệt được con vi khuẩn amip .Đến lúc tôi không còn tự điều khiển việc đi vệ sinh của mình thì tôi không còn quần để mặc ,tôi chỉ còn có một cái khăn che thân .Hôi hám bẩn thỉu,rồi người ta đua tôi ra nơi cách ly cách trại một quảng để nằm chờ chết.Một buổi sáng chủ nhật,tôi bò ra bờ suối để rửa mình .Người lính gác thấy tôi như thế thương tình ,Sau ca gác anh ta về lấy một bọc đường đem cho tôi .Tin tôi có được một ít đường phóng nhanh như tia sét vào trại và có người nhắn với tôi họ sẵn sàng đổi số đường đó cho vài viên thuốc lọc nước,loại thuốc này được phát cho lính đi hành quân để bỏ vào nước để diệt trùng trước khi uống .Và con Amíp xã hội chủ nghĩa tại vùng núi rừng Yên Bái đã bị vài viên thuốc lọc nước kháng khuẩn của Mỹ tiêu diệt cứu sống tôi .

Thời gian ngắn sau tôi được người nhà gởi cho một gói quà trong đó có khoảng 1/2 ký đường,thì lại xẩy ra hai việc .Anh thiếu tá Phạm Hữu Tường cùng đơn vị với tôi tại thiết đoàn 12 đi lấy cây trên núi bị trượt chân ngã,tôi đã chia một nửa cho anh và nửa còn lại tôi cho một anh bạn đại uý là nhân viên phòng 2 quân đoàn 4 đang bị bệnh nặng nằm tại bệnh xá .

Tôi mang ơn nhiều người lắm trong cuộc đời tôi và tôi đã nguyện suốt đời còn lại của mình tất cả những gì tôi giúp đỡ ai là tôi đang làm để trả ơn những người đã giúp tôi .

Quả thật trong cuộc sống của mình tôi thấy rằng muốn sống cũng khó mà phải chết cũng đâu dễ dàng gì, vậy sao mà phải sợ hãi?

Còn sống được đến ngày hôm nay là một ân sủng của thượng đế hay để ray rứt nỗi hận ? 

 

---------------------------------

Như vậy là tôi đã sống được cho đến hôm nay để có được số tuổi thứ 77 ! Cũng khá thọ đấy nhỉ. Với tôi đây là một điều hoàn toàn bất ngờ sao có thể tưởng tượng nổi một tên bạt mạng như tôi mà còn có thể sống tròn vẹn đến bây giờ! Tôi có vài người bạn biết xem tử vi nói với tôi rằng cung tật ách của tôi có tuần triệt nên mọi tai nạn bệnh tật rồi cũng dễ qua đi! Người khác nhìn tôi nói tôi có cái dái tai dài nên thọ . Thôi thì sao cũng được, miễn cứ còn nhậu lai rai ,khi thấy phụ nữ đẹp không nhắm mắt lại niệm nam mô, quay mặt nhìn chỗ khác, thì cho sống còn không thì cứ cho đi ngon ơ, cái rụp như cúp điện cho “phẻ.”
Tổng kết đời mình thì thật lắm truân chuyên, sao không “đi “ sớm mới là lạ!
 
1945-1965: Cha tôi chắc ông yêu đời lính trận hay sao mà ông đặt tên tôi cái tên mang ý nghĩa: Người đàn ông có vợ họ Nguyễn đi chiến chinh. Bởi vậy nên khi ông đang là viên chức tại toà thượng thẩm Saigon, ông bỏ tất cả để tham gia Việt Minh chống Pháp. Rồi ông trả giá cho cho việc chọn lựa của mình bằng cái chết! Khi ấy mẹ tôi 29 tuổi và tôi 100 ngày tuổi. Ngày cha tôi bị giết, quân Pháp đã đốt căn nhà của gia đình tôi, và đuổi tất cả đi ra, vì cha tôi bị giết trong tư thế tay cầm súng !
 
Bắt đầu từ ngày ấy mẹ con tôi sống trong khổ cực nghèo khổ. Khi còn nhỏ tôi nhìn thấy gia đình của các người bạn của cha tôi đang sống bình yên hạnh phúc . Tôi buồn và thầm trách là sao cha tôi đã chọn lựa cuộc sống của ông như thế để làm khổ mẹ con tôi . Nhưng rồi khi lớn lên tôi mới hiểu được rằng là một người đàn ông nếu không có lý tưởng thì thật buồn biết bao! Và trong nỗi khổ đau này tôi mới hiểu được lòng yêu thương của mẹ tôi dành cho tôi là lớn lao như thế nào, nhờ thế tôi đã trưởng thành đủ nghị lực để vượt qua mọi khó khăn. Một suy nghĩ tuy tàn nhẫn nhưng thực tế là đúng. Cha tôi chết ngày ấy chứ nếu còn sống thì đến năm 1975 cha con gập lại nhau thì thật ngỡ ngàng và cuộc chia lìa lần này thì thật khổ đau trăm bề !
 
1965-1975: Mẹ tôi lúc này sức khỏe đã kém vì mang bệnh nặng, việc đi kiếm tiền để nuôi tôi trở nên khó khăn. Tôi phải tự lo cho bản thân mình. Năm 20 tuổi, tôi tình nguyện vào lính. Thời điểm này cuộc chiến đã bắt đầu nặng hơn. Tôi trải qua hầu hết những biến cố lớn. Mậu Thân 1968, hành quân ngoại biên 1970, mùa hè 1972, và trận cuối 1975. Tôi vượt qua được tất cả các khó khăn để sống sót, và ngày trở về trắng tay nghèo như lúc ra đi.
 
1975 -1991: Vận nước đã đưa tôi vào cuộc tù đầy, gánh chịu cuộc trả thù tàn bạo của địch. Cơn thử thách của tôi bắt đầu từ ngày 15/6/1975 và chấm dứt trong nhà tù nhỏ ngày 13/2/1988. Ngày trước tay có súng, có chính quyền bảo vệ ta và địch đối đầu nhau sòng phẳng! Nhưng bây giờ tay không phải một mình chiến đấu để bảo tồn mạng sống, để bảo vệ danh dự , phải ngẩng cao đầu để không bị khuất phục Sao mà khó khăn đến vậy, nhưng rồi mọi việc cũng qua không điều gì phải hối hận, Ra khỏi nhà tù nhỏ lại phải trải qua 3 năm nữa tại nhà tù lớn, mưu sinh để tồn tại .
1992-đến bây giờ.: Thoát. Đến được Mỹ cơ hội để làm lại cuộc đời cho mình và cho các con. Tôi làm với nổ lực cao nhất để kiếm tiền. Thông thường bắt đầu làm việc lúc 7 giờ sáng và kết thúc lúc 10 giờ đêm .Với chi tiêu tối thiểu nhất Rồi các con đều tốt nghiệp đại học có gia đình và cuộc sống tốt.
 
Tôi đã trải qua quá nhiều khổ ải nên cũng chẳng còn tham lam, vì đã hiểu được cuộc sống bất định thể nào. Trong 77 năm của đời mình tôi đã phải bỏ ra 65 năm vượt khó để tồn tại. Sau khi xong nhiệm vụ với gia đình tôi tận hưởng những gì có thể được trong khả năng! Tôi không có gì phải hối tiếc, tôi không yêu và cũng không ghét cuộc sống của tôi. Tôi chấp nhận và bây giờ tôi rất hạnh phúc. Tôi xin được cám ơn cuộc đời này, vợ tôi và các chiến hữu của tôi đã che chở, giúp đỡ để tôi còn được tiếp tục sống cho đến ngày hôm nay.
-----------------------------------------------
 
Danh dự và trách nhiệm.
Với tôi ngày 1/11 luôn là ngày đáng nhớ, vì ngày 1/11/1973 tôi được thăng cấp thiếu tá sau 7 năm trận mạc . Lúc này đơn vị do tôi chỉ huy :chi đoàn 2/12 thiết kỵ tăng phái hành quân cho sư đoàn 7 bộ binh dưới quyền của thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam . Vào khoảng trung tuần tháng 12/1973 cấp chỉ huy của tôi đã bay trực thăng vào vùng hành quân thuộc xã Hậu Mỹ Bắc để gắn cấp bậc mới cho tôi . Một kỷ niệm và niềm hãnh diện tôi vẫn giữ nguyên trong lòng đã 49 năm trôi qua.
 
Rồi tai ương vào tháng 4/1975 xẩy đến, tôi cùng các đồng đội của mình phải vào tù để chịu sự trả thù tàn bạo của địch , tôi trải qua thời gian tù đầy từ ngày 15/6/1975 đến ngày 13/2/1988. Không sao càng tù lâu thì cũng như được tuyên dương công trạng ! Chỉ sợ được cai tù ngợi khen thôi. Ngày tôi ra khỏi nhà tù nhỏ vẫn mạnh khỏe không một chút hề hấn cho dù là một sĩ quan tác chiến nghèo, chỉ sống bằng phần ăn đói khổ do nhà tù cấp . và bằng ý chí của bản thân! Trong thời gian 13 năm tù này tôi đã trải qua khoảng 1 năm kiên giam , vì bị cho rằng đã vi phạm kỷ luật nhà tù ! Trong giấy ra trại của tôi họ ghi : Can tội :Thiếu tá thiết đoàn phó , thiết giáp án phạt Tập trung cải tạo.
Tôi đã không còn được mặc quân phục nữa, nhưng hồn của người lính vẫn còn mãi trong tâm trí tôi .
Tôi luôn tâm niệm rằng: 
 
Đã là người lính thì mãi mãi 
tôi vẫn là người lính của QLVNCH!
------------------------
 
Bạn tôi,
Là lính nên hầu hết các bạn tôi cũng là lính . Trong chiến trận nhiều người đã hy sinh , nhưng hắn là người tôi luôn nhớ đến có lẽ vì tôi gập và chia tay hắn trong một điều kiện hơi đặc biệt. Quen nhau tại nhà một thiếu nữ đẹp con nhà giầu và chia tay tại nơi ở của một phụ nữ phục vụ trong một quán Bar . Tên hắn là Nguyễn Thừa , trung uý khoá 20 võ bị , đại đội trưởng tiểu đoàn 1 thủy quân lục chiến, tử trận năm 1970 tại Chương Thiện .
 
Ông nội tôi có một người bạn thân có con vào Nam lập nghiệp, nên năm 1943 khi ba tôi vào Nam làm việc tại tòa hòa giải thì hai ông bạn già đã giới thiệu để ba tôi quen với bác Bùi Huy Mông . Nhà bác tại đường Hai Bà Trưng , đối diện nhà thờ Tân Định bên cạnh Bưu Điện . Bác làm ăn thành công nên rất giầu.Khi ba tôi bị giết lúc tham gia Việt Minh, nhà bị lính Pháp đốt cháy tại Hóc Môn Bà Điểm , mẹ tôi có đem chúng tôi đến nhà bác ở một thời gian. Có thể vì thấy hoàn cảnh tôi mồ côi sớm, nhà nghèo nên hai bác rất thương tôi. Bác có nhiều con trong đó có một cô bằng tuổi tôi tên Tuyết . Hai bác hay gọi tôi đến nhà chơi nấu cơm cho ăn và chơi với các con của bác . 
 
Năm 1965 tôi đi lính , cuối tuần được đi phép bác thường gọi tôi đến nhà ăn cơm . Thỉnh thoảng bác cho tôi và Tuyết đi chơi với nhau , đi xem phim . Tuyết cũng có vẻ rất mến tôi . Trong thời gian này thì thỉnh thoảng tôi cũng gập Thừa cũng đến đây chơi . Lúc đó Thừa là thiếu uý binh chủng Thủy quân lục chiến. Qua tiếp xúc tôi và Thừa quen thân nhau . Trong quan hệ của hai người với Tuyết thì có vẻ tôi có lợi thế hơn vì dù sao tôi được coi như người trong gia đình nên tôi thường xuyên được giữ lại ăn cơm cùng gia đình và đi chơi riêng với Tuyết. Nhưng tôi lúc đó biết rõ thân phận mình , con nhà nghèo nên tôi luôn nghĩ đó chỉ là tình cảm trong gia đình đối với nhau mà thôi. Tôi có ý thức rõ rệt trong vấn đề này, dù nhìn thấy những cử chỉ thân thiện của Tuyết đối với tôi nhưng tôi không dám ngỏ lời gì . Tôi sợ nếu tôi hiểu lầm tình cảm của Tuyết mà tỏ tình nếu bị từ chối sẽ mất đi một thứ tình cảm thật đẹp kéo dài cả 3 đời . Ông tôi , ba tôi và tôi với gia đình này. Nên tôi luôn ở tuyến xuất phát dù có nhiều cơ hội . Khi lễ gắn Alpha, ngày tôi ra trường cô đều đến dự và chúc mừng tôi. Phần của Thừa thì tôi không biết vì thỉnh thoảng tôi chỉ gập Thừa vào ngày cuối tuần khi tôi được đi phép. Nhưng thiếu nữ đẹp và con nhà giầu thì họ khôn lắm . Khi lấy chồng thì họ lấy một người làm việc tại Saigon và đảm nhận một công việc rất yên ổn bình an , Tuyết đã làm đúng như thế khi chồng Tuyết là một chuyên viên trong phủ đặc ủy trung ương tình báo làm việc ngay tại Saigon. Tôi thì đã quyết định ngay từ đầu nên không buồn phiền gì không biết Thừa thì sao .
 
Năm 1969 đơn vị của tôi được thuyên chuyển về đóng quân sát bên đài phát thanh Cần Thơ . Thời gian này quân đội đồng minh rất đông nên các quán Bar mọc như nấm tại Cần Thơ , rất nhiều thiếu nữ từ các nơi đổ về đây làm việc trong các quán rượu này.
 
Tôi có quen với một cô tên Ngọc hay hút thuốc Salem nên có biệt danh là Ngọc Salem . Cô đẹp và gương mặt thật buồn. Cô có người yêu là quân nhân bị tử trận nên cô chán đời đến đây sinh sống. Cô rất thích quen với lính . Nhưng giang hồ đồn thổi rằng cô sát phu , nên tay nào quan hệ với cô thì trước sau gì cũng leo lên đầu tủ ngồi coi gà Sexy Nhiều tay chơi lạnh cẳng né cô nên cô “quởn”. Phi công thì máy bay rớt,bộ binh thì anh vừa chết trận đêm qua . Tôi lính thiết giáp nặng mấy chục tấn , dân chơi nào sợ mưa rơi , nhào vô, chẳng phải tôi hay ho gì nhưng chắc do cô quởn nên cô OK tôi thôi . Vậy là sau những cuộc hành quân về lại Cần Thơ dưỡng quân tôi đến sống với cô vài ngày . Không hiểu tại vía cô không qua được chiếc xe thiết giáp của tôi nên tôi không leo lên đầu tủ ngồi được.
 
Năm 1970 có cuộc hành quân lớn tại Chương Thiện , tiểu đoàn 1 Thuỷ quân lục chiến của Thừa xuống Cần Thơ để ngày mai vào vùng tôi gập lại Thừa tại đây . Lính gập nhau trước giờ vào vùng hành quân thì có việc gì hơn là nhậu. Tôi nói Ngọc nghỉ làm hôm ấy và ba chúng tôi đi nhậu với nhau . Nhậu mãi đến gần đêm khuya tôi nói với Ngọc , em làm ơn cho tôi gởi thằng bạn tôi ngủ lại đây với em chứ bây giờ đuổi nó về trong cơn say nó phải ngủ ngoài đường tội nó lắm . Không biết tại tôi khéo năn nỉ hay tại Thừa tới số nên Ngọc đồng ý để trung uý Nguyễn Thừa ngủ lại tại nhà của cô . Tôi bắt tay chia tay nó và mong có ngày gập lại.
 
Vài ngày sau trong lúc tiến quân song song với tiểu đoàn của hắn tôi nghe tin hắn trong lúc đi hành quân không chịu đội nón sắt mà chỉ đội cái nón vải.Hắn bị một viên đạn bắn sẻ bắn vỡ đầu gục chết khi mới 27 tuổi. Vậy là tại cô Ngọc Salem sát phu hay tại số phận của Thừa . Tại vì không chịu đội chiếc nón sắt nên đầu Thừa mới lãnh thật ngọt viên đạn .Sao lại đổ tội cho Ngọc đã bỏ một ngày làm để tiếp bạn một cách rất chân tình.
 
Tôi nhớ có câu nói: Nếu ta không tin thì chẳng bao giờ có sự trùng hợp nào cả (When I pray, coincidences happen when I don’t they don’t) Đúng vậy không Ngọc Salem? Nguyễn Thừa người bạn của tôi .?
 ---------------------------------
 
Mấy hôm nay thiên hạ bàn tán về cái tin là chính phủ Mỹ sẽ không cho những người đến Mỹ mà không tự lo được phải xin trợ cấp của chính phủ sẽ không được cấp qui chế thường trú hay nhập quốc tịch .Như vậy sẽ khó khăn cho người nghèo đến Mỹ. Tôi không nói đúng sai của đạo luật mới mà chỉ nói đến người nghèo đến Mỹ không dám xin trợ cấp có khó khăn gì không?
 
Tôi xin phép được tự giới thiệu gia đình tôi đến Mỹ gồm 4 người chắc trong nhóm nghèo nhất và dốt nhất. Đầu năm1992 tôi đến Mỹ 47 tuổi với số tiền trong túi là 178 USD. Trình độ tiếng Anh của tôi đủ để giao tiếp bình thường, vợ tôi và hai cô con gái 21 và 17 không biết tiếng Anh. Tôi chỉ có mỗi một nghề là bóp cò súng. Và nếu cần thì có thể hướng dẫn phi tuần của không quân Hoa Kỳ đánh bom vào mục tiêu của Việt Cộng .... đại khái những công việc như thế.
 
Gia đình tôi được một mục sư người Mỹ giòng Lutheran bảo lãnh về Cypress, Los Angeles Cali.Trên đường từ phi trường về nhà ông tôi thấy tại ngả tư có những người cầm những bó hoa giơ cao lên rao bán khi xe chạy qua với tốc độ cả 100km trên cao tốc .Suy nghĩ đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là: Chết rồi người bản xứ mà họ sống như thế này mình rồi sẽ ra sao đây?
 
Bắt đầu cuộc sống tại Mỹ tại nhà ông là những ngày bị đói. Vì người Mỹ họ ăn ít lại ăn nhanh xong họ đứng lên. Gia đình hai lúa thấy vậy cũng phải bỏ ăn đứng lên theo đúng cách của Mít. Chủ không gắp khách sao dám !
 
Khởi đầu là đi khám sức khỏe ông nhờ các ông bà trong nhà thờ dẫn đi, sau vài lần thấy nhiêu khê quá tôi nhờ ông cho tôi xin một bản đồ County Los Angeles và một quyến sách của hàng xe bus để tôi tự tìm đường đi bằng bus để khỏi phiền ai. Thế là từ đó tôi là leader cho đoàn quân chiến bại đi khám bệnh, đi đến cơ quan làm giấy tờ. Cái gì không biết tôi hỏi rồi tự mầy mò tự làm. Vài tuần sau thi đậu bằng lái xe còn vợ thì không vì xe chạy quá nhiều và quá nhanh. Cảm giác của tôi lúc đó giống như đang ở trong ao hồ bây giờ bị vất ra biển !
 
Nhà thờ cho một cái xe cũ thời Bảo Đại còn làm chánh tổng, cũng không sao như vậy là ngon rồi. Với cái xe cũ và bằng lái mới toanh tôi đã có thể đưa con đi ghi danh đi học, đi khám bệnh và tôi đi xin việc làm .Đọc báo của ông bỏ ra thấy nơi nào ghi Helf Wanted là nhào tới hỏi xin. Chẳng ai nhận từ Job Bảo Vệ đến gác nghĩa trang rồi, lao công trong siêu thị ....
 
Bạn bè thấy tôi háo hức xin việc làm không được bèn cố vấn. Ông ở tù lâu apply Mental health illness là OK. Thôi đi cha nội đang ngon lành tìm đường kiếm đô la mà ông xui tôi khai bệnh điên. Chết sướng hơn chôn. Tên khác xui ông ra mấy cái siêu thị chờ khách đi chợ bỏ xe đựng hàng ở Parking đẩy vào chổ để xe mỗi cái kiếm 25 cent. Nhìn chung quanh thấy mấy tay ngồi chờ đủ quốc tịch. Làm bài tính phải 40 chục cái mới được 10 đô đâu mà ra! Thôi đi kiếm việc khác. Hay ông ra nhà kho lượm thùng giấy chất đầy đem bán cũng có lý. Cha nội bộ giỡn hả mới qua tiền đâu mua xe truck mà chở! Than ui nhớ thuở nào mới 28 tuổi đã quan tư nhà nước, chỉ huy hơn 500 tay súng với hàng trăm chiến xa. Giữa trận tiền đánh Việt Cộng uy nghi một Đống mà bây giờ đi kiếm đô la sao mà gian truân đến dzậy?
 
Nhưng cuộc đời có đi thì sẽ tới, phải hành động thì giấc mơ mới thành. Rồi cuối cùng cũng xin được một việc làm đầu tiên trên đất Mỹ. Giao hàng cho một tiệm bán bàn ghế. Tiệm cách nhà hơn một giờ lái xe trên Pacific highway. Đi về trên ba tiếng lái xe. Chiếc xe cũ chạy trên xa lộ cả 100km giờ. Mỗi lần về đến nhà vợ nhìn như còn sống sau hành quân. Làm mỗi ngày 10 tiếng mối tiếng 3 đô vậy mỗi ngày 30 bầy ngày một tuần 210 đô tháng 840. Tiền nhà nếu thuê Apartment hai phòng cũng hết số tiền kiếm được Lấy đâu ra cho tiền bảo hiểm xe, xăng, ăn uống điện nước ...Vợ không biết lái xe đâu thể tự đi. Chẳng ai giúp Thôi chắc băng hà cú này rồi .
 
Lòng tự trọng dứt khoát không thể mãi mãi xin trợ cấp chính phủ với bệnh điên Mỹ mà nghe nói ở tù cộng sản 13 năm thì cha này không điên cũng khùng!
 
Nhưng may mắn trong shop có một chú em đi xe Toyota mới tinh ,ăn bận bảnh tỏn lân la hỏi thăm chú nói chú vừa từ hãng bò IBP tại Garden City bang Kansas nghỉ việc về đây vì chỗ đó làm lương khá mà lạnh quá . Đứng làm như đứng trong tủ lạnh 8 tiếng chịu không nổi . Bèn hỏi cỡ tôi nó mướn không .Nếu ông chịu lạnh được thì OK . Hà hà như ta đây trải qua 10 năm chiến trận 13 năm ngục tù cộng sản thì cái lạnh xá chi , bèn vô xin nghỉ cái rụp về nhà gọi cho thằng bạn mượn tiền mua vé bay chuyển khẩn cấp one day delivery! Lên đường dù chẳng biết cái xứ đó ra sao chỉ thấy trên bản đồ nó nằm ngay miền trung Mỹ !
 
Đến nơi gập người bạn cùng khoá giới thiệu chổ ở xin đi làm. Hãng lớn hơn chợ Bến Thành khoảng hơn 5000 công nhân làm hai ca gồm đa số là người Việt Miên Lào ba nước Đông Dương và Mễ lậu . Hãng gồm 2 ca sản xuất ban ngày và ca 3 vệ sinh hảng . Tôi làm ca 2 từ 14 giờ đến 23 giờ. 9 tiếng vì nghỉ ăn giữa ca 1 tiếng giờ của mình không lãnh lương . Tôi làm khâu đóng gói hàng .Hãng sản xuất thịt bò bán khắp thế giới, mỗi ngày giết khoảng 5000 con bò . Lương 9 đô một giờ Xăng lúc đó 1 đô một Gallon . Nếu làm thêm overtime ngày thứ bẩy thì mỗi tháng cũng có khoảng 1500 ! Vậy là khỏe re như bò kéo xe . Làm được một tháng đem vợ và hai con sang . Cô út tiếp tục học trung học , hai vợ chồng cùng cô lớn cầy kiếm đô. Làm ba tháng đã đủ tiền mua một cái mobil home cũ Single wide 4000 Chú chủ bán lại bớt cho 100 chỉ lấy 3900 Tiền đất 100 gồm cả cable TV. Ôi sao tiền dzô như nước lụt ! Quần áo ta mua tại thrift store cứ một bọc giấy họ dưa cho ta bỏ đầy giá một đô . Đồ cũ của Mỹ còn ngon ta sống bằng nó trong suốt 5 năm đầu tiên , Ăn uống thì tim gan gà rẻ như vất đi . Mua về sào mướp thì còn gì ngon hơn . Gà Mỹ đã rẻ ta lại mua gà Tây cho rẻ hơn Đùi gà Tây chặt xào xả ớt thì quá ngon cho một gia đình nghèo vừa thoát khỏi ngục tù Cộng Sản !Con gái ngoan ,vợ đã kinh qua một thời gian khổ nên tằng tiện tối đa . Sau ba năm làm việc đã đủ tiền mua nhà house trả tiền mặt . Cạnh nhà là một tay cảnh sát sau khi quen nhau hắn nói khi ông mua nhà FBI đã điều tra sao mới đến Mỹ 3 năm mà ông đã đủ tiền mua nhà trả tiền mặt ! Đến đây cô lớn nghỉ làm vào học lại rồi hai cô sau vài năm cũng tốt nghiệp đại học có gia đình, cuộc sống tốt ! Rồi 17 năm sau vợ mất .
 
Thân già bán tất cả những gì có thể bán được biến thành tờ Xanh cộng với lương hưu hàng tháng xách túi đi giang hồ sống cuộc đời còn lại !
 
Quí vị thấy không nước Mỹ mở cửa cho mọi người mọi trình độ . Bạn chịu khó làm việc không nệ hà thì bạn sẽ đạt điều mình muốn . Sao bạn đến nước Mỹ bạn lại bắt họ lo tất cả cho bạn mà bạn không đóng góp gì cả Tiền lo cho bạn từ đâu ra? Đó là tiền Thuế của người khác đóng vào đấy! Bây giở cho phép tôi hỏi bạn. Đứa em bạn đến nhà bạn ở nó không chịu đi làm mà bạn thì làm tối tăm mặt mủi Vậy bạn sẽ chu cấp cho nó được bao lâu trước khi bạn mời nó ra khỏi nhà?
 
 
 
---------------------------------
 

Comment:
* MaiLan Hà
Chinh Phu, mến phục bạn hiền. Trước sau vẫn như một, không khuất phục trước kẻ thù. Anh ruột của ba tôi cũng là quan lớn phía bên kia, bỏ nhà theo Võ Nguyên Giáp (Dạy học cùng trường Thăng Long - Hà Nội) từ năm 1946, em trai tôi 4 năm lính, 7 năm 7 tháng tù, ba tôi không hề xin ông Bác bảo lãnh cho cậu ấy về sớm. Từ một trai trẻ hùng dũng, trở về từ ngục tù cs thì chỉ còn da bọc xương.

 

No comments: