III. Đường đi không đến
1. Sau ngày tan trận
Tháng 6 năm 1975. Tôi một mình vác ba lô lên núi Bà Đen. Nhà tôi chỉ cách 5 cây số là tới chân núi. Trong thời giao chiến, tất cả những con đường dẫn vào đây toàn mìn bẫy. Ít có ai đơn độc qua những đoạn đường chết chóc rình rập thế này.
Từ đầu tháng 6 năm 1975, người ta đã tháo dỡ mìn và có nhiều đoàn đông người tái tạo lại những chuyến hành hương lên núi Bà Đen. Tôi có mặt trong đám đông này nhưng mục đích của tôi thì khác hẳn. Tôi sẽ qua khỏi chùa Hang, tới núi Phụng, tìm những khu giáp giới với Campuchia như Kà Tum, Khe Dol, thậm chí có thể quan sát đường rừng đi về núi Cậu.
Với tấm bản đồ thu nhỏ của vùng này mà tôi có được từ đống bản đồ hành quân của ba tôi ngày trước. Cắt nó ra theo đúng đường XY của khu vực. Tôi hiên ngang đi hành quân một mình.
Người ta như trẩy hội trên đường dẫn lên chùa Bà. Tôi gặp Dũng, nó nhỏ hơn tôi 2 tuổi dân xứ Vườn Điều, một địa danh trên đường đến đây. Thấy tôi đi một mình, hắn rủ tôi nhập bọn, cùng đi với hắn là cô vợ mới cưới tên Chung và Hoa bạn gái của Chung. Tôi nghĩ mình không gấp gáp gì và cũng nên tạo một tình huống bình thường tránh sự soi mói nếu có nên đồng ý. Chúng tôi tới chùa Bà. Thay vì theo đoàn người lên đỉnh, bốn đứa tôi cắm trại bên kia khu vực chùa, hướng về phía núi Phụng.
Đứng trên dốc đá cao nhất, tôi nhìn chếch phía tây. Biên giới Việt Miên còn cách xa lắm, Kà Tum ở hướng này, Khe Dol cùng một khu vực, còn Xa Mát lại chếch hướng Tây Nam, cách nơi tôi đứng ít nhất là 40 cây số đường rừng.
Nói là cắm trại, kỳ thật là chúng tôi chia nhau hai cặp, tựa vào những hốc núi nhỏ làm chỗ qua đêm. Tôi không chính thức là hướng đạo sinh nhưng những kỹ thuật căng lều trại, các thứ nút dây, tôi học ở bà chị khi còn bé, bà chị tôi là Chim Xanh kỳ cựu của Hướng Đạo Cao Đài. Cộng thêm những tháng quân trường khi vào khoá 3/73 Thủ Đức, và bài học lóm từ mấy anh lính của ba tôi cùng với kinh nghiệm từ bè bạn toàn là lính nên thấy an lòng trước hiểm nguy của núi non và tai ương của rừng rú. Như tôi từng hãnh diện, tôi biết về lính nhiều hơn sách vỡ. Hai chỗ trú quân của chúng tôi cách nhau hơn trăm thước, trên một vùng nhiều gộp đá tương đối bằng phẳng.
Hoa có mấy cây nến, đủ tạo một không khí ấm cúng trong đêm trường lạnh lẽo của rừng núi Tây Ninh. Chuyện trai gái chẳng có gì ầm ĩ, nhưng bản thân tôi còn canh cánh bên mình mục đích tối thượng. Đi tìm dấu vết của một đoàn, một toán quân nào đó còn sót lại sau cú tan hàng. Chính vì thế, những tình cảm có được chỉ là thứ dọc đường gió bụi, trang trí thêm hoa hoè cho chặng đường đi mù mịt của tôi.
Sáng hôm sau viện lý do đi tham quan một vùng quanh núi, vợ Dũng không cho hắn theo, tôi thì từ chối cho rằng Hoa là con gái leo trèo không tiện, vả lại cô đi dép da thì khó mà qua được gai rừng. Vậy là tôi một mình một dao đi sâu vào núi.
Qua khỏi khu cắm trại, lên tới 1/3 chiều cao của núi Bà Đen hơn 900m. Nhìn rõ mồn một tỉnh lỵ Tây Ninh, thấy một đoạn phi đạo của phi trường ẩn sau một rừng cao su thưa. Chỉ mới trên độ cao này mà tầm nhìn đã vậy, không trách được với cao độ đó giặc pháo hoả tiễn 122 ly chính xác trên từng thước đất. Núi bà Đen có một bãi đổ trực thăng trên đỉnh, có một anten bắt sóng cho cả một vùng Bình Dương, Chơn Thành, An Lộc, phủ tới Hậu Nghĩa, Mỹ Tho. Mới thấy cái núi này nó quan trọng cho vùng biên giới Tây Ninh như thế nào. Cả một vùng giáp biên giới nằm trong tầm nhìn. Phía đông bắc là Bình Dương, Chơn Thành, rừng trải dài, rừng hun hút sau khoảng đồng lúa trước mặt. Ngày trước trong trận An Lộc, Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù tan hàng ở đồi Gió, theo lời kể của nhà văn quân đội Phan Nhật Nam trong Mùa Hè Đỏ Lửa nhờ cây anten này mới có thể đánh một vòng trung chuyển để liên lạc với đại bàng Lưỡng mà trung tá Đỉnh mới thoát được.
Bây giờ, chẳng biết những nơi khuất trong tầm mắt này tại một vị trí chiến lược như vậy còn có một đoàn quân nào sót lại không? Tôi vừa trèo núi vừa miên man nghĩ ngợi.
Bất thần sau tảng đá lớn, một cửa hang lộ ra, tôi lách mình chui vào. Cái hang càng vào sâu càng lên dốc và rộng ra. Tôi không thể tưởng tượng được, trước mặt tôi là hai dãy sạp nằm, bện bằng tre, tựa trên những đoạn gỗ rừng nối nhau, bông băng túi cứu thương và mùi tanh của máu mủ thoang thoảng ở đây. Cái hang rộng nhưng sáng nhờ một khe hở nhỏ và mặt trời chiếu từ sườn phía đông, ánh sáng trực tiếp đổ xuống một khoảng rộng giữa hang. Tất cả những dụng cụ y tế, từ kim tiêm tới lọ penicilline đều đóng nhãn Trung Cộng. Một vài manh áo rách màu cứt ngựa vất bừa trên gộp đá, có cả những bi đông nước sản xuất từ Tàu. Vài cái thùng rỗng không thật to, có lẽ chứa hỏa tiễn. Ngoài những trang bị y tế đó tôi còn nhìn thấy một số vũ khí cá nhân hỏng hóc, những viên đạn AK rải rác quanh đó. Chắc có một trận đột kích vào cái hang này. Đây chắc chắn là tiền trạm y tế của việt cộng trong cuộc chiến, có thể nó được sử dụng cho đến ngày chiếm Tây Ninh.
Có một âm thanh rất lạ. Tôi nằm áp tai xuống mặt đá, lắng nghe, hồi hộp tưởng như hy vọng đã đến với mình, nhưng không, đó chỉ là tiếng nước chảy qua khe đá đằng sau hang núi. Cái hang ngoằn ngoèo dẫn ra một chỗ lộ thiên về phía đông Núi Bà. Từ đây quan sát cả một vùng thật rộng, có thể thấy Núi Cậu ở xa xa.
Dưới sự kiểm soát chặt chẽ của biết bao đơn vị VNCH trên địa bàn tỉnh. Vậy mà, ở ngay trong tầm pháo, chỉ cách tỉnh lỵ không hơn 5 cây số, lưng chừng Núi Bà có một trạm y tế lớn như một bệnh viện dã chiến như thế. Thứ chiến tranh du kích đáng sợ thiệt, vậy mới rõ ràng bắc quân theo đường mòn xâm nhập sát thành phố, không thấy dấu vết của du kích địa phương tồn tại chỗ này. Mà cũng phải, việt cộng nằm trong cái hang như vầy làm sao pháo binh phá được, chúng chui xuống dưới chồng đá tảng cao mấy trăm thước bom nào đánh tới. Đột kích thì chúng rút êm qua bên kia núi. Núi Bà Đen có biết bao hang hóc như thế này. Thiệt quá tệ, cái núi chiến lược cho cả hai phe, phía nào cũng cố thủ, hậu quả chỉ có dân Tây Ninh ăn đạn.
Đánh dấu phương hướng, ngày hôm sau tôi lại một mình đi xa hơn, ngược hướng cái hang đã phát hiện. Toàn là đường mòn với đám tre rừng gãy tan nát vì bom, những đám rễ vắt ngang, những gốc cổ thụ ngả nằm ngổn ngang trên vách núi. Không có dấu hiệu của bước chân nào đã đi qua, đám gai rừng đan chằng chịt, nhiều nhất là cây găng, từ trên xuống dưới đầy gai nhọn, thứ gai dễ sợ mọc từng vùng rộng lớn, thứ bẫy rập của rừng không thể vượt qua. Một cây găng nhỏ cao chừng hai thước nhưng cành của nó duỗi dài cả chục thước và gai mọc chi chít quanh thân. Tôi thất vọng quay về khi trời vừa đứng bóng.
Chúng tôi ở trên lưng chừng núi cả tuần, đói thì lấy gạo, lấy nồi dùng nước suối nấu, đêm vào hang hóc tìm một tảng đá tương đối bằng, trải poncho làm chỗ ngủ. Chuyến hành quân lần đầu thất bại, tôi theo cả bọn xuống núi.
Không đầu hàng, khoảng một tuần lễ sau tôi quyết chí lên núi một mình và qua phía bên kia đỉnh. Vẫn cái ba lô, con dao đi rừng, tôi bắt đầu trèo lên núi. Qua Chùa Bà, men theo con đường lên đỉnh của các nhà sư. Nhưng cách đỉnh khoảng 150m thì vô phương. Phi cơ đã ném xuống độ cao này hàng tấn bom, đá từng tảng to nhỏ chồng nhau phơi trắng một sườn phía đông nam, không còn cách nào đi lên theo đường cũ, tôi quyết định vượt một thung lũng khá rộng trèo qua sườn phía đông. Ngó lên cao mặt trời đã xuống, tìm một nơi an toàn tôi căng võng qua đêm.
Trên núi Bà Đen
Ta trở giấc trong giao thông hào cũ
Của bạn bè xưa đào vội bên rừng
Dưới trăng vàng sương rơi thật dửng dưng
Trên cái nón sắt còn in dấu đạn
Ta sờ soạng dưới lá khô vùi đống
Một mảnh bom làm lạnh cóng bàn tay
Tự hỏi nơi nầy còn có xác ai
Thù hay bạn, hoặc mai đây ta chết
Chỗ nầy che thân cho hai cuộc chiến
Một mới vừa qua và một hôm nay
Ta tới đây dù cho cũng chỗ nầy
Thêm nắm xương bón để rừng xanh mãi
Phía xa xa trong sương mờ gió núi
Phố phường xưa giặc mới chiếm hôm nào
Có một đời ta ném bỏ thương đau
Và bè bạn chết dần trong tù ngục
Ta tới đây, chờ đoàn quân còn lại
Đang vượt rừng trở lại chiến hào xưa
Kèn thúc quân sẽ vang át rừng mưa
Cờ sẽ cắm trên cổ thành như trước
Ta tới đây dù không cùng hẹn ước
Bạn bè ta còn nhiều đứa hiên ngang
Dí súng vào đầu, thà chết không hàng
Nói chi là buộc cúi đầu dâng mạng
Ta tới nơi đây, ta đón chỗ nầy
Trên cao điểm của thành trì biên giới
Đêm sáng trăng chờ, còn ta đứng đợi
Đoàn quân nào? Ai đó gọi tên ta
nguyễn thanh-khiết
tháng 6-1975
Băng vòng qua nửa ngọn núi, tôi mất cả 3 ngày. Ngày đi đêm vào hang hay ngủ võng, dù đã trang bị loại võng có mùng và thuốc chống muỗi, đốt lửa vào đêm, nhưng lũ côn trùng đủ loại vẫn không tha.
Sườn tây bắc núi Bà Đen chỉ là một vùng đá bị bom nghiền vụn, cây cối xác xơ, rừng bị thuốc khai hoang phá trơ trụi. Nhìn xuống, Kà Tum là đó. Hồi còn bom đạn, nơi này là vùng chiến địa ác liệt, nó là nơi tiếp giáp mật khu, dọc biên giới, mìn bẫy giăng đầy. Nếu có một đơn vị nào sót lại, e khó mà trụ được ở đây. Chung quanh nó các chốt chận của việt cộng vẫn dày đặc, những người đi rừng đã nói thế. Tại khu núi Bà này xem ra không có dấu vết của bất kỳ đơn vị nào. Nó là chiến trường chết.
Đêm co ro trong hang núi trên đường đi ngược xuống. Tôi buồn lắm, tiếng gió hú trong đêm, tiếng rên rỉ của rừng núi, trong cái đơn độc và hy vọng tan tành, tôi quả thật vô phương tìm cho mình một lối đi, trên hành trình chẳng biết về đâu.
Chiều qua Suối Vàng
Cởi giáp sắt dừng cương một tối
Cầm thanh gươm treo giữa lưng đèo
Tráng sĩ qua sông, giòng nước biếc
Tiễn lên đường thay trống thúc quân
Cờ rách trong tay, ngày tan trận
Nặng oằn vai vác hết hành trình
Hai mươi năm một trời căm hận
Ta là ai? đi dựng đao binh
Hồn tử sĩ kêu đau dưới thác
Chim lạc bầy khóc dưới trời sương
Bước chân qua rừng chiều nhã nhạc
Nhạc rừng ơi ! quá đổi đoạn trường
Thôi ! mài kiếm, thắng yên, lên ngựa
Trăng sẽ soi bước tới biên thùy
Tráng sĩ qua sông, dòng nước rửa
Bụi trần ai – để lại rồi đi
nguyễn thanh-khiết
1975
Dưới cơn mưa trời tháng 6, anh rể tôi đi tù. Trong thân phận bại binh với cấp bậc Đại uý Hải Quân, anh phải theo tất cả những sĩ quan của quân đội vừa mới tan hàng còn lại trên đất nước này, trình diện đi học tập theo lệnh của nhà nước mới.
Anh ấy vào trại Cây Cầy ở Tây Ninh, chị tôi bụng mang dạ chửa, gần đến ngày sinh đứa con kế, ba má tôi chán nản về rừng Mỏ Công làm ruộng rẫy. Căn nhà trở nên vắng vẻ, cái ăn, cái mặc làm nặng lo từng ngày. Hai thằng em kế và cô em gái út quá nhỏ để trông coi gia đình, tôi bị nhiều thứ áp lực đè nặng từng ngày, từng giờ.
Ngoài cái buồn mất nước, ngoài cái bực bội khi nhìn đám du kích địa phương hoạnh hẹ. Chúng mang băng đỏ trên tay tha hồ đàn áp. Chủ trương xoá bỏ văn hoá mà chúng cho là “đồi trụy”. Tất cả sách báo trước 1975 đều bị tịch thu mang ra đốt, chúng lục soát từng nhà, những mục tiêu mà chúng nghi ngờ bị bới tung lên, nhất là những gia đình có dính líu tới QLVNCH.
Những ân oán giữa những người thắng và người thua trận được thanh toán bằng nhiều hình thức. Đấu tố trong một phiên họp tổ, ấp công khai hoặc thủ tiêu bí mật, thậm chí tìm cách ghép một cái tội không đâu, dẫn đến nạn bắt bớ lùng sục khắp nơi. Toàn cảnh bức tranh hoà bình được vẽ bằng màu máu.
Gia đình tôi bị dòm ngó kỹ hơn vì ba tôi là lính từ thời quân đội giáo phái trải qua hai thời cộng hoà, anh rể tôi là sĩ quan, tôi là sinh viên có gốc lính. Vả lại, vài thằng bạn học của tôi bây giờ chường mặt ra là bọn nằm vùng, có thằng rất rõ tính chống cộng của tôi, một vài đứa có chân trong ban quân quản Tây Ninh, chúng nhìn tôi dưới cái nhìn chẳng mấy thiện cảm. Gia đình chúng tôi trở thành cái gai của công an ấp, xã.
Tôi nhớ hoài một đêm tối trời, tôi đưa chị tôi đi sinh con trên chiếc xe đạp cũ mất đi cái giò đạp. Tôi đẩy nó thật nhanh về phía nhà một bà mụ vườn cách xa 3 cây số, bất lực nhìn chị tôi cố nén cơn đau đẻ, chị ngồi trên ba ga xe, hai tay níu chặt cái yên. Tôi thương chị quá, tôi thương cuộc đời bên bại trận của chúng tôi quá. Cú tan hàng làm chúng tôi rơi xuống vực thẳm, gia đình ly tán, đói nghèo chờ trước mặt. Thậm chí chuyện sinh nở của chị cũng khốn khó vô cùng.
Những đứa con của chị đều do chính tôi săn sóc, thằng lớn nhất sinh ra và chết ngay, lúc đó chồng chị đang đi học một khoá Hải Yểm ở Mỹ. Thằng thứ nhì sanh ra khi anh ấy đang đi hành quân, anh ấy là Giang đoàn phó của Giang đoàn 46 Ngăn Chận, đóng ở Mộc Hoá. Thằng thứ ba sinh ra sau ngày mất nước, cha nó đang bị giam cầm. Tình chị em gắn bó qua đủ thứ biến động như vậy. Làm con trai lớn trong nhà mà lần này tôi không thể giúp gì được cho gia đình, tôi tệ thiệt.
2. Thân phận khốn cùng
Tháng 8 năm 1975. Viện Đại Học Sài Gòn ra thông báo, phát trên radio cùng báo chí. Buộc tất cả sinh viên ban cử nhân thuộc các phân khoa của đại học Sài Gòn phải trình diện học khoá chính trị cơ bản. Tôi biết chúng bắt đầu sờ tới lực lượng sinh viên, đành chịu thôi. Ở lại Tây Ninh thì không thể, tôi đang bị mấy thằng bạn học nằm vùng theo bén gót. Bây giờ chúng nó cũng khoác băng đỏ súng ngắn, súng dài lạng qua lạng lại trên đường trước nhà tôi. Thậm chí Trần Thanh Bạch, Nguyễn Hữu Lộc, những đứa cùng khoá 3/73 ngày xưa, ra trường mang lon chuẩn úy nên tại Tây Ninh tụi nó chỉ đi học tập chính trị gì đó có dăm ngày rồi về, nghe đâu bọn 30-04 xếp loại mấy tên mang quai chảo chỉ là Hạ Sĩ Quan Cao Cấp, nên không bị liệt kê vào danh sách Sĩ Quan Trình Diện, tôi cũng không thể tới thăm lom được. Tôi có cảm giác mỗi bước đi của mình dù ban ngày hay đêm đều có ai đó lù lù theo sau.
Tôi về Sài Gòn, bơ vơ giữa cảnh đổi thay. Tôi ở nhờ tại 27 Nguyễn Huỳnh Đức, nhà anh Nguyễn Huy Đình, bạn của anh rể tôi. Ba ngày trong tuần, tôi phải tới trường Luật theo học lớp chính trị. Ban cử nhân Luật, ngày trước rất đông sinh viên nhất là năm thứ nhất và năm thứ hai, vậy mà bây giờ sinh viên 4 năm cử nhân chỉ còn không hơn 300. Có lẽ các phân khoa khác cũng vậy, sau tháng tư biết bao người đã bỏ nước ra đi.
Trường trại thưa thớt, sinh viên ngơ ngơ nhìn nhau trong hoang mang, nhìn nhau trong dè dặt, sợ hãi. Biết ai cùng chung màu cờ. Chúng tôi sinh hoạt với nhau trong thế thủ, dè dặt từng lời ăn tiếng nói. Ban giảng huấn là đám sinh viên nằm vùng của việt cộng từ trước ngày mất Sài Gòn, thêm một hai tên từ miền Bắc vào. Chúng tha hồ nói dóc, tha hồ đọc lại những câu, những lời phát biểu trống rỗng của chủ tịch, của Lê Nin, của Mao, của Mác như con vẹt. Sau ba bài giảng thì có trận thu hoạch, viết những nhận xét bài học. Chúng tôi như con cá nằm trên thớt, mặc chúng chiên xào thế nào cũng được, mặc chúng nói dai, nói dài, nói dở, mặc chúng chửi xiên, chửi xéo hay chửi thẳng, dĩ nhiên cũng có rất nhiều người giác ngộ cách mạng sau khoá học, dù chỉ là giác ngộ trên giấy, cũng có nhiều kẻ thấy mình là người cần phải đứng ngoài xã hội hôm nay. Tôi là một trong những người không chấp nhận sống chung với cộng sản.
3. Lan Trường Luật
Nhà Lan là một nhà may lớn ở đường Gia Long, chúng tôi học cùng năm ở Luật và tự nhiên gần nhau hơn chút nữa trong khoá chính trị này. Lan rất dễ thương với cái kính cận và nụ cười thật đẹp. Lan biết tôi chống cộng tới bến, nàng khuyên tôi vượt biên cùng gia đình nàng, tôi từ chối. Dễ hiểu thôi, thời đó muốn vượt biên thì phải có vàng, chí ít ra cũng cả 10 lượng. Tôi nghèo rớt mùng tơi, tiền ăn hàng ngày còn không có nói chi chuyện vượt biên.
Tôi quí tình cảm của Lan dành cho mình. Lan hay đạp xe đến đón tôi vào trường. hoặc tới những rạp hát mà tụi bò đỏ lấy làm nơi học tập. Nhìn Lan hồn nhiên kề bên, lòng tôi buồn lắm. Kỷ niệm những khi hai đứa ngồi ở cà phê vỉa hè dưới hàng me đường Nguyễn Du, khi hai đứa đèo nhau trên chiếc xe đạp mini, những lần dắt xe đi bộ khi lên dốc cầu Trương Minh Giảng. Nó đi theo tôi suốt mấy mươi năm dài, nhất là câu Lan nói với tôi, bên cạnh nhà thờ Đức Bà:
- Anh Khiết, hai đứa mình chơi trò người lớn nghen anh, mình sống chung với nhau.
Câu nói chân thành của Lan bắt nguồn từ những lần tôi từ chối tình cảm của nàng, dù rằng tụi tôi đã từng hôn nhau, ở môt góc giảng đường vắng vẻ, hay những khi đưa đón nhau về.
- Lan à, anh đâu biết mai này sẽ ra sao, anh không muốn em buồn vì tình cảm em dành cho anh. Sớm muộn anh cũng phải đi theo tiếng gọi của riêng mình.
Lan biết là tôi sẽ rời xa nàng, tôi sẽ không theo chuyến vượt biên như nàng muốn.
Hôm tới nhà Lan, nàng nhìn tôi van lơn:
- Em muốn anh đi cùng em, tất cả mọi việc để em lo, được không?
- Cám ơn em đã nghĩ đến anh, nhưng không thể được.
Tôi không sợ thành hay bại của chuyến đi, tôi chỉ không muốn mình bị lệ thuộc bất kỳ vào một thứ gì, tiền bạc, tình cảm. Tôi có sĩ diện của mình. Tôi muốn, nếu có cơ hội chính tôi tự đi bằng cách của mình. Lan hiểu điều đó, nhưng nàng lại giận tôi cố chấp không nghe nàng để cùng nhau trên một chuyến tàu vượt biên. Lan là con nhà giàu, thừa hưởng cái văn minh và tự do từ khi nàng vào Marie Curie, Lan ghi danh một lúc cả bên Văn Khoa, nhưng tới năm thứ hai nàng quyết định theo Luật. trong đám bạn trường Luật, Lan thường ngồi kế tôi ở giảng đường, chạy cái cassette thu âm lời giảng của giáo sư rồi đưa cho tôi nghe lại, nếu một hôm nào đó chàng buồn tình trốn học.
Lan đưa tôi ra về, hai đứa đi dọc Gia Long về phía nhà thờ Đức Bà. Những bước chân trên mặt đường trở thành xa lạ, chúng tôi có lúc nhìn nhau trong im lặng, sau lưng là thành phố với những dấu hiệu của đổi thay và mất mát, đi ngang cửa Bắc chợ Bến Thành, nhìn xuống con dốc, những hoa trái xác xơ được bày bán trong cảnh vắng buổi chợ chiều.
- Anh thấy không, tất cả còn gì để anh nắm níu mà ở lại, đi với em đi nghen anh.
Nàng nắm chặt cánh tay tôi, như van lơn. Có mấy giọt lệ hình như sắp làm lem hai tròng kính cận.
Tôi im lặng tránh né câu trả lời, hai đứa đi mãi cho tới Ba Son.
Chiều xuống, trên dòng sông không có bóng một chiếc thuyền, phà Thủ Thiêm xình xịch thở cụm khói đen từ bên kia bờ. Chúng tôi chia tay chỗ đó, bến Bạch Đằng nơi có người đã đi và có kẻ sắp ra đi. Lan là người con gái để lại trong tôi một ân tình khó phai trong những ngày tháng điêu linh trên con đường mù mịt của hành trình đi lấy lại quê hương.
Gần cuối khoá học, tôi đụng độ vài lần với đám giảng viên, tôi công khai trên giấy trắng mục đen và phát biểu của mình trước buổi sinh hoạt liên đoàn sinh viên gồm nhiều phân khoa. Bọn chúng đã thẳng thừng cho rằng tôi có tư tưởng phản động và tìm cách loại tôi. Bỏ ngang khoá học, tôi trở về Tây Ninh. Hai ngày sau tôi bỏ nhà tiếp tục tìm đường vô bưng.
Ngày qua trường cũ
Muốn hỏi em, bao giờ em trở lại
đứng bên đường anh sẽ đợi em qua
có lẽ bây giờ em chẳng thiết tha
đường cũ, trường xưa, vỉa hè, quán cóc
nơi hồi xưa anh thường ngày lăn lóc
đón em về, nhỏ kính cận rất duyên
tất cả chỉ còn trong trí đảo điên
anh già cỗi làm sao mà đếm hết
Muốn hỏi em có bao giờ em nhớ
đường Nguyễn Du, lá me rớt đầy vai
một chiều, anh can đảm nắm bàn tay
em nép vào anh nhìn mưa xuống phố
áo học trò anh thấy em rất ngộ
con bé hồn nhiên cười vỡ tim anh
mấy mươi năm tình yêu hãy còn xanh
mà mình đã bạc đầu trong nỗi nhớ
Muốn hỏi em, có bao giờ trăn trở
đời chia ra mỗi ngả mỗi lối về
không lẽ chưa lần em chợt nằm mê
nhớ một chút, tình xưa và chốn cũ
em ơi! Sài-Gòn chiều mưa ủ rũ
qua Duy-Tân là nhớ dáng em xưa
về Gia-Long chẳng biết nói sao vừa
trong tim óc em vẫn còn đâu đó
Muốn hỏi em có bao giờ, con nhỏ
nghe tình xưa dậy một chút trong lòng
cho dù phận người trôi dạt long đong
từ một chỗ tận cùng trời, cuối đất
sẽ một ngày nhìn mưa bay lất phất
lỡ như mà nghe ai gọi tên em
thì coi như một người cũ rất quen
đang chợt thì thầm. Ôi! ..Lan trường Luật!
nguyễn thanh khiết
07-09
4. Gian nan theo dấu cũ
Tôi quyết định về Mộc Hóa, đi xe đò xuống Tuyên Nhơn, anh rể tôi là dân Giang đoàn 46 Ngăn Chận, nên tôi nhớ rất rõ khu vực này. Tháng 7 năm 1972, tôi đến thăm anh vào đúng lúc Giang đoàn kéo về Bến Lức, tôi được tháp tùng theo anh. Những hình ảnh khó quên trong chuyến đi này, cho tôi học thêm nhiều thứ về Hải Quân.
Hai chiếc Zippo, trang bị 2 cây súng phun lửa bằng xăng nén đi đầu, dọn đường cho chuyến dời đô của Giang đoàn. Chiếc Tango hộ tống cho mấy chiếc Alpha mũi nhọn theo sau. Tôi và anh ấy ở trên chiếc Uniform, giang đỉnh có tốc độ rất nhanh. Giang đoàn từ kinh Lagrande ra Vàm Cỏ Tây, hướng về Bến Lức, chuyến đi giữa cơn mưa lớn. Leo lên cột cờ giang đỉnh lúc mưa tạnh, nhìn những chiến thuyền rẻ nước lao đi giữa sông Vàm Cỏ, mới thấy được cái oai phong của những đơn vị hải quân trên sông rạch miền Nam.
Tôi có rất nhiều cơ hội trong đời để tham gia vào đời sống quân đội, dù tôi là dân sự trong thời tôi mới lớn. Có nhiều lần nếm trải gian nan cùng lính, biết chút ít những khí cụ chiến tranh. Lòng tôi lại càng thắc mắc, thậm chí có cả bất mãn khi miền Nam tan hàng. Với một lực lượng hùng hậu như vậy tại sao thua? Thua từ đâu?
Đến lúc này tôi phải cố tìm cho bằng được một đơn vị còn lại đang âm thầm chiến đấu sau ngày tan trận. Nói cho cùng tôi sẽ tìm mọi cách như một chiến binh đi lấy lại quê hương.
Tại Mộc Hoá, lấy cớ đi tìm thân nhân thất lạc sau chiến tranh, tôi xin ở nhờ trong một nhà dân. Tôi nói đại một cái tên, tạo dựng một lý lịch của người thân rất mơ hồ, để có cái lý mà đi tìm. Thuê xuồng chèo qua những kinh rạch, tôi cố đi thật xa vùng dân cư hai bên bờ, tôi chèo xuồng chui qua những kinh nhỏ dẫn vào những nơi hẻo lánh. Đất phương Nam ruộng đồng ngút mắt, nếu có kiểm soát, việt cộng ở thời điểm này khó mà làm gì với một vùng như thế.
Đêm xuống, tôi cột xuồng dưới cây bần, cây mắm, căng cái nóp chống muỗi, đói thì có bánh tét mang theo, khát thì cứ nước kinh mà uống. Lúc ở Sài Gòn tôi nghe vài người thân quen, nói là khu vực này thường có những chiến binh bất khuất, họ trụ lại hoạt động từng nhóm hoặc lẻ loi. Ám sát, bắt đem đi những cán binh việt cộng là chủ tịch xã, chủ tịch ấp. Tin đồn thì nhiều mà thực tế khó đánh hơi được họ đang ở nơi nào. Tôi còn nghe đến những sĩ quan cấp tiểu đoàn tan hàng sống và hoạt động bằng cách trà trộn trong vùng dân cư hẻo lánh như vầy, họ đang đợi chờ cơ hội nắm tay nhau khởi binh lấy lại giang sơn. Thậm chí cả tin “Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam tư lệnh vùng bốn chưa chết, cái xác thấy được chỉ là xác một cận vệ của ông”. Hằng hà sa số tin tức về những lực lượng thoát ly sống ngoài vòng kiểm soát của việt cộng. Nhưng họ ở đâu? Nếu có gặp chắc gì họ sẽ tin tôi để sẵn sàng cho tôi theo họ. Làm sao mà tin ai được trong tình trạng một xã hội bất ổn như vầy.
Tôi ngộ ra điều đó, tôi nghĩ hoài phương cách. Nhất là những đêm một mình đốt hơi thuốc nhìn cảnh vật chung quanh, tôi quả thật cô đơn và tuyệt vọng. Mười ngày đi theo con nước mà không thấy được gì ngoài cái mênh mông của cỏ và lúa. Tôi trở lại Ấp Bắc, lên xe về Sài Gòn.
Ở ngả ba Trần Quang Khải và Trần Khắc Chân có cái quán café không có tên, tôi thường đến đó. Tại đây tôi quen với một nhân vật rất lạ, ông không bao giờ cho tôi biết tên. Một người tốt, tôi biết là ông rất tốt qua cảm quan của mình. Tôi gọi ông là chú Hai, ông nhỏ hơn ba tôi tới 10 tuổi. Ông thích đọc sách lúc uống café, đa số mà tôi thấy là tác phẩm của Hemingway, của Boris Patenak, nhiều nhất là của Erich Maria Remarque, những quyển sách ông đều bao bọc kín mặt bìa. Chẳng biết ông là loại người thế nào, nhưng chắc chắn là không dính đến cộng sản.
Ông kể chuyện tôi nghe, ông là nhà kinh doanh bán những món hàng gia dụng, sau ngày sập trời, ông bị đánh tư sản và mất hết, bây giờ ông chỉ đọc sách cho đỡ buồn. Ông nghe tôi kể chuyện về mình, lúc đầu tôi rất dè dặt, nhưng dần dần tôi cảm nhận được tinh thần của ông. Ông cố giúp những người trẻ, những ai chán ghét chế độ hiện hành. Biết tôi là dân trường Luật, xa nhà, có lẽ cũng có ít nhiều thương cảm với tôi, ông hay cho tiền tôi tiêu vặt. Ông nói là cứ xem như những người có duyên trong đời, giúp nhau trong cái khó hôm nay. Ông khuyên tôi hãy tìm hiểu tường tận về bất cứ ai trong quan hệ, bởi bây giờ, khắp nơi, cộng sản hay trà trộn tìm cách dập tắt những nhóm nhen nhúm phản động.
Một chiều tôi đến quán muộn hơn thường ngày, thấy cảnh xôn xao trong quán, tôi đứng tựa cột đèn nhìn lại. Chú Hai bị hai thằng đeo băng đỏ còng tay dẫn đi, trước quán.
Hôm sau tôi trở lại, quán đã đóng cửa. Nghe những người gần đó rầm rì bàn tán. Quán cafe đó là nơi gặp mặt của những kẻ phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, hôm trước đã lùng bắt gần chục người, lấy được truyền đơn và súng ngắn. Tôi rất buồn, thực ra tôi đang tìm cơ hội để nói với chú Hai rằng tôi muốn tham gia bất kỳ một lực lượng nào ở thành phố hay trong rừng rú, miễn là lực lượng đó chống cộng sản. Bất kể lớn hay nhỏ, bất kể khó khăn gì, tôi thực sự muốn chú Hai giới thiệu cho tôi tham gia. Bây giờ chú Hai bị bắt, tôi không sợ mình bị dính líu chỉ sợ mình không còn cơ hội.
5. Mỏ Cày Bắc, thương người nằm lại
Tôi về Tây Ninh thăm Dũng, tâm tình mấy ngày, hắn rủ tôi về Bến Tre, quê của Hoa. Dũng và tôi tính sẽ ở tạm nhà ông ngoại Hoa, rồi tìm bất kỳ một toán quân nào đó mà đi theo.
Tôi nhắm mắt đánh liều một chuyến tới một nơi hoàn toàn xa lạ. Với ý nghĩ trong đầu nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn. Bến Tre là ổ việt cộng, nơi đó có thể, rất có thể tìm ra một con đường. Phút cuối, vợ Dũng mè nheo đòi theo cho bằng được. Dũng vô phương thuyết phục, chúng tôi đành để cô đi. Tụi tôi trù liệu sẽ để hai cô nàng ở lại nhà ngoại Hoa, hai thằng chúng tôi sẽ tìm cách tách ra.
Phà qua Rạch Miễu. Nhìn sông Tiền nước đục một dòng khi thủy triều xuống, tôi nao nao nhớ ngày còn đi học. Mỹ Tho với vườn hoa Lạc Hồng có dãy khách sạn nhìn về bờ sông, những quán xá xôn xao thời 1969, lúc tôi lang bạt về đó cùng với Nguyễn Hồng Đức, thằng bạn học chung một lớp. Đức là công tử nhà giàu, ăn chơi bạt mạng, tôi bị lây nhiễm cái bạt mạng đó. Mới học đệ tam mà tôi với nó đã trốn học hàng tháng chơi ngông một phát xách xe gắn máy đi gần hết miền Nam. Sau ngày sập trời nghe đâu nó vượt biên, chẳng biết có đến bến bờ tự do không nữa.
Hôm này tôi trở lại Mỹ Tho, qua bên kia sông, như một Kinh Kha. Nhưng chẳng dám có một lời thề nào trên sông Dịch. Nắm tay Hoa, xuống phà đón xe lam về Bến Tre. Tôi bắt gặp cái cô đơn vô tận trong lòng, trong bốn con người trên cùng hành trình, riêng tôi có một ngả rẽ trong lòng mà không thể nói ra. Tôi biết Dũng khó bứt rời cô vợ mới dù cùng một ý chí như tôi. Nếu cùng đi với tôi hắn sẽ phải rất nhiều khó khăn khi quyết định.
Mõ Cày Bắc của Bến Tre, như tên gọi là cực bắc của tỉnh này. Chúng tôi phải qua khỏi nó đi miết mới tới tận chợ Thơm. Một vùng khỉ ho cò gáy, đồng ruộng mênh mông hút tầm mắt. Khi chúng tôi đến nơi vụ mùa vừa xong, trên mặt ruộng trơ gốc rạ. Nhà ngoại Hoa nằm bên kia sông của chợ Thơm, một cây cầu gỗ bắt ngang lỏng lẻo, chỉ dành cho người đi bộ, mà xứ này có xe gắn máy cũng vô ích. Đất địa gì mà chỉ một con đường sỏi đỏ nhỏ xíu dẫn vào tới chợ là hết, chung quanh còn lại là đường đê, bờ mẫu.
Nhà ngoại của Hoa là căn nhà tranh vách đất hai gian, có một chái nhỏ phía sau làm nhà bếp, vườn rau sau nhà rất rộng. Những luống cải xanh mướt lá non, mấy luống rau thơm đủ loại chen nhau trên đất phân rải lớp rạ, lối trồng tỉa rặc ri Nam bộ. Cái áo nâu đã bạc màu của ông ngoại Hoa lấm tấm mồ hôi, nó là chân dung một lão ông cần cù, đạo hạnh. Ông vất cái thùng tưới trên lối đi, bước vội về phía cô cháu gái, nét vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt già nua với cặp chân mày, hàm râu bạc trắng. Ông hối chúng tôi vào nhà, bảo Hoa bắt con gà mái tơ làm bữa chiêu đãi.
Buổi tương phùng với cô cháu của ông cùng bọn tôi tắt vội, khi đám công an xã ập vô nhà vào sáng sớm hôm sau. Bọn chúng bắt chúng tôi lần lượt xuất trình căn cước, giấy phép đi đường. Trong ví tôi làm gì có căn cước. Tháng 9 năm 1972, tôi đã nạp vào hồ sơ khi vô khoá 3/73 trường Bộ Binh Thủ Đức mất rồi, cái giấy xuất ngũ thì thay bằng giấy hoãn dịch. Giấy phép đi đường? Tôi có bao giờ biết tới thứ này từ sau ngày sập trời đâu?
Tên công an chỉ huy của xã hất hàm hỏi khi nhìn cái thẻ sinh viên trường Luật của tôi:
- Anh trốn học tập hả?
Đến bây giờ tôi mới thấy cái ngu của mình. Trên thẻ sinh viên, tôi đã dùng tấm hình chụp trong thời khoá sinh ở Quang Trung coi như một kỷ niệm thời quân trường. Ai có ngờ lại xảy ra cái ngày 30 tháng 4 nghiệt ngã này. Cái hình áo lính còn đây, cả cái dây đeo thẻ bài cài trên cúc áo nữa chứ, thiệt là đại họa.
Trong một tích tắc, bằng tính bén nhạy sẵn có tôi trả lời thật bình tĩnh:
- Không, tôi là sinh viên trường Luật nên không nằm trong hàng ngũ phải trình diện đi học tập.
- Láo khoét, hình chụp anh là lính rõ ràng vậy mà anh nói là không thuộc diện phải trình diện.
- Không, đó là hình tôi chụp khi học quân sự học đường, tất cả sinh viên chúng tôi phải đi học khoá này, khi nghỉ hè trong thời gian đi học chữ.
Tôi biết rất rõ bọn chúng mới nắm chính quyền chưa biết hết tất cả guồng máy làm việc của nền Đệ Nhị Cộng Hoà. Nhất là ở những vùng nông thôn hẻo lánh thế này, bọn cán ngố rất dễ bị lừa. Tôi đánh thêm một đòn cho chắc ăn:
- Sinh viên chúng tôi bị bọn Mỹ Ngụy bắt học căn bản quân sự, ai cũng bị lùa đi học 2 tuần , sau đó mới được cấp giấy này mà vào trường.
- Căn cước anh đâu?
Không cần suy nghĩ tôi trả lời rất mạch lạc:
- Khi được cấp thẻ sinh viên này, chúng tôi bị thu cái căn cước, tất cả giấy tờ tuỳ thân của chúng tôi chỉ có giấy này cùng chứng chỉ hoãn dịch. Bọn Mỹ Ngụy dùng nó để kiểm soát chúng tôi. Chúng lấy tất cả giấy tờ khác, chỉ có thẻ sinh viên và giấy hoãn dịch vì lý do học vấn làm bằng chứng là tôi không là lính. Đó là tấm thẻ màu vàng trên tay của ông.
Tên cán ngố lật tới lật lui cái giấy hoãn dịch.
- Anh không là lính, là sĩ quan nên tên thiếu tướng mới ký giấy cho anh? Khai thật đi nhà nước sẽ khoan hồng cho anh, anh là sĩ quan, gián điệp hay tình báo CIA?
Bỏ mẹ, hoá ra là vì ông Bùi Đình Đạm là thiếu tướng nên tôi bị nghi là gián điệp CIA, tới cấp thiếu tướng ký giấy. Kết quả là tôi và Dũng bị bắt đưa đi, hai cô gái ở lại, ông ngoại Hoa cam kết cho hai cô. Nhưng tất cả giấy tờ của chúng tôi đều bị giữ. Riêng cá nhân tôi phải chờ địa phương nơi cư trú xác nhận lý lịch. Dũng bị cho là đồng bọn với tôi, cố ý giúp đỡ gián điệp. Bất luận chúng tôi thanh minh thanh nga thế nào đều không tác dụng. Thật là hoạ vô đơn chí.
Hai đứa chúng tôi bị dí súng vào lưng và đưa đi trên bờ mẫu. Qua biết bao ô vuông đồng ruộng, qua con suối, qua hai cây cầu khỉ, tới một ngôi nhà khang trang mái ngói, vách ván. Căn nhà đơn độc, chung quanh bốn bề là đồng ruộng, cách xa nhà ngoại của Hoa nhiều cây số.
Chủ nhà là cặp vợ chồng trung niên có cô con gái nhỏ 5 tuổi, hắn là công an của xã này. Chúng tôi bị giam lỏng.
- Các anh ở đây trong lúc chúng tôi điều tra lý lịch rõ ràng. Nhớ kỹ ra khỏi hàng rào nhà này chúng tôi sẽ bắn bỏ.
Ba ngày đã qua, chúng tôi chỉ tới lui trong căn nhà đó, đói thì có gạo và thức ăn của ông ngoại Hoa gởi tới, qua tay của mấy tên du kích. Mọi bước đi nằm trong sự giám sát của tên công an chủ nhà.
Hai đứa tôi ngủ trên cái phản gỗ bằng gõ đỏ kê ở phòng khách, chính giữa nhà là một bàn thờ với cái hình Hồ Chí Minh trên đó. Có một cái võng căng trên cái khung thép kê ở góc sân, dưới một giàn thiên lý vào mùa kết hoa. Buổi trưa tôi và Dũng ra đó, đứa nằm, đứa ngồi hoang mang cho tình huống của mình, không biết bọn du kích sẽ giở trò gì. Có điều tôi biết chắc, sẽ không có cái vụ điện về địa phương làm rõ lý lịch như chúng nói. Sẽ không có thư báo như tên chỉ huy công an hứa là sẽ thực hiện nếu sau khi cố gắng điện thoại cho địa phương nơi tôi ở bất thành. Nơi đây là đồng không mông quạnh, nơi đây là chỗ giáp ranh giữa thế giới văn minh và thời đồ đá, đồ đồng. Chúng tôi sẽ bị giam như kiểu nghi ngờ cho tới chết. Có thể chúng đang tìm cách đưa chúng tôi vào nhà giam chính thức của tỉnh Bến Tre.
Hai đứa chúng tôi quyết chờ cơ hội để trốn thoát, nhất định phải trốn. Cơ may đi tìm đường sống của chúng tôi đã khép lại, nói chi đến chuyện theo tàn quân.
Ngày thứ tư Dũng lên cơn sốt, cơn sốt tăng dần. Nó mê man vào lúc gần sáng. Tôi xin chủ nhà cho ít dấm vì không có chanh, làm thứ giải nhiệt cho nó. Sau đó thì thằng nhỏ lạnh run. Sốt rét ! Đúng đó là thứ triệu chứng của sốt rét rừng tôi từng thấy ở Tây Ninh những ngày tôi còn nhỏ. Con bệnh hết sốt, tới rét liên lục nhiều lần trong ngày, da sẽ vàng đi, gan sẽ tiêu rồi kiệt sức và chết. Tôi chẳng làm gì được trong những trận sốt của nó, người nó như cái lò lửa, mỗi lần như vậy tôi chỉ biết dùng dấm nuôi thứ duy nhất có được ở đây hạ sốt cho nó. Khi nó qua cơn lạnh thì may mắn bà chủ là dân miền nam dù có chồng là công an việt cộng vẫn còn chút lòng nhân cho nó cái mền chống rét. Không một viên thuốc, không một liên lạc với nhà ông ngoại Hoa.
Tôi định bỏ trốn, nhưng Dũng thì sao, tôi không thể mang nó theo trong tình huống này. Tôi làm sao bỏ nó ở lại một mình? Những toan tính dằn vật, không có cơ hội nào đến.
Ngày thứ năm kể từ khi Dũng bệnh. Tôi bắt đầu sốt. Tôi thiếp đi trong cơn nóng hầm hập của thịt da, nhức đầu như búa bổ, rồi lạnh run, quấn cái mền mà bà chủ mới đưa thêm. Tôi co quắp người hai hàm răng đánh vào nhau, cái lạnh trong tủy xương sống, cái lạnh trong từng tế bào, lạnh chưa bao giờ thấy trong đời. Tôi lại thiếp đi.
Tôi làm sao mà bị sốt rét được. Ngày lên núi tôi đã uống Chloroquine, loại đặc trị của quân đội Mỹ, tôi từng được chủng ngừa các thứ khi vào lính. Tôi đã dùng những thứ dược phẩm ngăn ngừa nó, thậm chí nước lấy từ suối phải đun sôi, ngủ thì có mùng kể cả ngủ võng. Khó có thể nói là tôi bị sốt rét. Ban ngày đi trong rừng tôi luôn thoa thuốc chống muỗi. Tôi có nhiều kinh nghiệm ngăn ngừa thứ bệnh này. Vậy mà tôi bị sốt rét. Hai đứa tôi cùng bị bệnh, không đứa nào săn sóc được đứa nào, chúng tôi cứ nằm đó trong những cơn hết sốt, tới rét.
Đã 20 ngày kể từ khi bị bắt. Không một tin tức từ nhà ngoại của Hoa, không một liên lạc nào, trừ đồ tiếp tế. Dù chúng tôi đã trả lời hàng trăm lần trong những lần bọn công an đến lấy cung. Những câu hỏi cứ lập đi lập lại:
Tôi là ai ? Gián điệp, sĩ quan trốn học tập? Dũng à ai ? Chung nhóm, người dẫn đường cho gián điệp, hay là một trong những tàn quân?
Bờ sông rất vắng, buổi chiều nghe tiếng bìm bịp kêu. Tôi và Phương Loan ngồi trên con xuồng nhỏ đi giữa lòng kinh dẫn vào chùa Gò kén. Chùa nằm bên trái quốc lộ 22 đường vào tỉnh Tây Ninh. Lần trước chúng tôi đi với đám đông bè bạn, lần này chỉ có hai đứa. Chiếc xuồng trôi đi, hai đứa hôn nhau trên bập bềnh sóng nước đó. Rồi bỗng dưng cái xuồng lật ngang Loan rớt xuống, tôi vươn tay kéo nàng lên, tôi vươn tay, vươn tay, chạm phải cái gì đó rớt xuống, không phải là mặt nước, là đất. Tôi rơi xuống cái hố thật sâu. Giật mình tỉnh lại. Tôi vừa qua cơn mê thiếp trong cơn sốt chiều.
Tôi nằm yên chờ cơn lạnh sẽ tới, nó sẽ tới tức thì sau cơn sốt. Cái lạnh tàn nhẫn cướp dần sự chống chọi của tôi, cái lạnh làm mất khả năng kiểm soát, lạnh đâu từ trong xương tràn ra ngoài đóng băng tất cả tế bào da, lạnh cóng hai tay, lạnh buốt xương sườn. Rồi từ từ dịu xuống, cả người gần như tê liệt, cứ muốn nằm im, chỉ còn lại hơi thở khò khè của người sắp chết.
Tôi thấy bác Năm của tôi là trung uý Nhảy Dù Trần Ngọc Cảnh dẫn một đại đội về đây, ông đi như chạy hướng về căn nhà, nơi tôi bị giam. Lính của ông ào ào vừa chạy vừa bắn, việt cộng túa ra chật cả một cánh đồng, những thi thể bị hất tung lên vì lựu đan, tôi nghe mơ hồ tiếng bác năm hét lên:
- Cứu cho bằng được thằng cháu tôi, trung đội ép sát cái nhà khốn kiếp đó, không cho thằng nào ngóc lên được, súng cặp hông mà bắn.
Ông bác Năm, bạn thân của ba tôi từ khi còn ở quân đội. Hai ông cùng tốt nghiệp sĩ quan khoá 13 của giáo phái Cao Đài. Tôi từng thấy ba tôi và bác chụp tấm hình với quần ngắn, áo sơ mi tay ngắn, đội kalo màu vàng, trên tay có tập giấy như đang bước vào lớp học. Cái hình đã ngả màu ố nhiều nơi, mặt sau có ghi “Tháng 5-1955 ở Cần Thơ”.
Tôi còn nhớ năm tôi lên lớp đệ tứ. Bác Năm trong một lần về thăm ba tôi, đi cùng với ông là trung úy Lê Kỳ Lân, chỉ huy trưởng căn cứ Trảng Sụp của lực lượng đặc biệt. Chú Lân là em nuôi của ba tôi. Chú đẹp trai cao lớn, thân thể như một tượng đồng trong bộ quân phục rằn ri với cây súng nhỏ xíu mang dưới nách bằng một đai da màu đen bóng có mấy viên đạn nhét phía ngoài bao súng. Nghe đâu ông là người tình một thuở của Thẩm Thúy Hằng, khi người đẹp Bình Dương đến hát và ủy lạo đơn vị của ông.
Giữa cuộc nhậu tại nhà tôi, lúc tôi đi học về, ra cúi chào hai ông. Bác năm đã rút trong túi cho tôi cây viết Pilot 57 có khắc tên ông, chú Lân thì bảo người cận vệ mang từ xe jeep của ông, chú cho tôi cái máy đánh chữ hiệu Olympia.
Thời đó học trò nhà giàu thì mới có cây viết Hero 303, dân con nhà thường thường chỉ xài TaTung, loại viết có cái ống hút mực như ống tiêm khi vặn cái đuôi nhựa đàng sau, nắp của nó nhìn rất thô và to. Viết Pilot 57 là loại hiếm thấy kể cả các giáo sư đang dạy ở trường tôi đang học vào thời đó. Một món quà kỷ niệm mà tôi còn giữ mãi cho tới ngày sập tiệm.
Bác Năm đứng đó vói tay kéo tôi ra khỏi căn nhà đã sập xuống, hai chân tôi bị giặc cột cứng vào thành giường, bác cố gắng lôi tôi đi, một trái đạn nổ sát chỗ tôi và bác, tôi bị bắn ra xa, bác năm lãnh một mảnh ngay tim chết tại chỗ. Tôi bò dậy cố lết về phía bác. Máu trên ngực bác ướt đỏ, máu tràn ra chảy thành dòng xuống vạt áo hoa dù. Tự nhiên bác năm xa dần, xa dần rồi mất hút. Hai tay tôi vẫn còn giơ lên khi tỉnh dậy.
Bác năm của tôi, Trung uý Trần Ngọc Cảnh của sư đoàn Nhảy Dù đã tử trận vào Tết Mậu Thân 1968 khi dẫn đại đội chiếm lại một cao ốc ở Sài Gòn. Điều đó mới là sự thật.
Những ngày bị giam lỏng ở đây trong những cơn sốt tôi luôn nằm mơ, những giấc mơ trong quá khứ thật đẹp nhưng cuối cơn mơ bao giờ cũng là cảnh trớ trêu, đau đớn. Tôi ở đây, sốt và rét từng cơn, mơ từng ngày, mơ trong cơn sốt, mơ trong bóng tối của ruộng đồng bao la, mơ trong tuyệt vọng. Sẽ không ai đến cứu tôi, sẽ không ai.
Bọn công an cho người cáng hai đứa tôi trên võng về nhà ngoại của Hoa, sau 24 ngày giam lỏng, sau khi thấy Dũng đã kiệt lực thoi thóp thở chờ chết và tôi chẳng hơn gì. Chúng tôi đã nằm liệt trên giường từ ngày thứ 18. Chúng tôi chờ chết.
Có lẽ sợ trách nhiệm hay muốn ngoại của Hoa chôn xác chúng tôi. Bọn ác ôn cáng chúng tôi về nhà vào lúc chiều tối.
Dũng nằm trên sạp tre, thân thể mỏng như tờ giấy. Chung và Hoa cũng bị bệnh sốt từ ngày tôi và Dũng bị dẫn đi. Bốn đứa tôi đều bệnh, Dũng coi như nặng nhất và tôi nhẹ hơn một chút, hai cô gái nhờ ngoại của Hoa cho uống thuốc nam nên đã cầm cự từ ngày đó.
Sáng hôm sau. Tôi cố thức dậy, mò ra sau nhà, đứng tựa vách đất nhìn những luống rau đã cắt còn trơ gốc trên đất, vài bụi kim thất còn lại nằm bên đám rau thơm. Kim thất loại rau thân cây, lá giống như tần ô nhưng không ngạt mùi. Tôi hái mấy nhánh, rửa sạch đưa vào miệng nhai. Tôi nhớ hồi còn nhỏ, má tôi có nói cây này hạ nhiệt rất hay. Đến trưa, cơn sốt không dữ dằn như trước, tôi lại nhai cây kim thất.
Dũng chết sau hai ngày khi được cáng về nhà. Nó chết chắc đâu gần sáng, nó đi âm thầm cả nhà không ai hay. Đến sáng, Chung lay nó dậy mới phát hiện nó chỉ là cái xác cứng đơ.
Bọn công an bắt phải chôn Dũng ngay lập tức. Ông ngoại ra sau nhà rút mấy miếng ván làm vách ngăn của nhà sau với cái chuồng heo đã bỏ không lâu rồi, làm áo quan cho nó.
Cái hòm cho Dũng là mấy tấm ván mỏng, đóng vội vàng sần sùi trong ngoài. Đưa nó vào áo quan với cái chiếu quấn quanh, mấy bộ đồ mang theo, bó chặt bằng những sợi dây nylon thứ dùng cột kiện hàng. Nắp quan tài đóng lại, đinh làm nứt một đường, qua khe nứt nhìn thấy xác Dũng bên trong. Đành vậy thôi, ông ngoại quyết định cứ để vậy, đâu còn ván mà thay cho nó, ông ngoại nhét mấy bao nylon vào khe nứt để đất cát không lọt vào quan tài. Chúng tôi lết đi theo sau ra nghĩa trang tại một ngả ba ngay bên đường lối vào nhà ngoại. Cỗ quan tài, lọt thỏn trên cái xe cải tiến, làm bằng 2 bánh xe HonDa. Đất lấp xuống đúng 10 sáng, sau khi phát hiện nó chết 3 tiếng đồng hồ. Một cái chết như một tử sĩ ở ngoài trận, chôn vội vàng may mà có cái áo quan. Dù sao nó cũng đang tìm đường để làm lính, thứ lính chiến đấu sau ngày tan trận. Mộng của nó bất thành. Mộng của tôi cũng tan tành trong chuyến về Bến Tre, tìm đường cứu nước thê thảm này.
Chôn Dũng xong, quay về tôi đã thấy một đám công an và du kích ngồi đợi. Bọn chúng quyết định cấp cho chúng tôi duy nhất một giấy đi đường có tên ba đứa còn lại, từ Bến Tre về Tây Ninh để xác nhận lý lịch cá nhân. Một giấy xác nhận Dũng chết tại đây với sự chứng kiến và ký tên của ông ngoại và 3 đứa chúng tôi cùng thằng công an xã, Tờ chứng tử viết trên giấy học trò chẳng có con dấu nào làm thuốc. Tất cả tư trang đồng hồ, vàng và tiền mặt bị giữ lại. Chỉ cho mang theo lộ phí vừa đủ để đi xe. Chúng trả tôi cái thẻ sinh viên, với yêu cầu chính quyền địa phương đóng dấu xác minh phía sau, cái giấy động viên tại chỗ bị giữ lại. Chúng tôi có 7 ngày đi và về Bến Tre để nhận lại tất cả, khi có giấy xác nhận lý lịch cá nhân do công an tỉnh Tây Ninh đóng dấu.
Một tiếng đồng hồ sau ba đứa chúng tôi đón xe ôm rời chợ Thơm dù biết đã không cách gì có xe tiếp tục về Sài Gòn, nói chi đi thẳng về Tây Ninh. Chúng tôi nghỉ tại nhà anh bà con của Hoa tại thị xã Bến Tre tối đó, ngày mai tính tiếp.
Về Tây Ninh, tôi quyết định không quay lại chợ Thơm, Mõ Cày Bắc. Bằng chiêu cớ mất toàn bộ giấy tờ. Giấy này tôi làm tại công an tỉnh Tây Ninh, trong đó liệt kê toàn bộ chứng từ cá nhân. Tôi biết, ở thời điểm đó. Cái đấu đỏ của công an tỉnh có giá trị như một thứ giấy đi đường, hiệu lực như một căn cước thật. Hai cô gái cũng đã làm như vậy.
Điều khốn nạn là tôi khám phá ra, thứ sốt rét mà chúng tôi bị không phải sốt rét rừng mà là do nhiễm độc dioxin. Những thùng phuy chứa dioxin trên đỉnh núi Bà, sau tháng 4/75 bị tụi du kích mở banh ra, bỏ lăn lóc, thứ độc hại của hoá chất này theo mưa tan trong nước suối. Nước đun sôi có thể giết chết vi khuẩn, nhưng độc tố thì không. Cả mấy ngàn thanh niên ở Tây Ninh, những ai từng lên núi Bà, từng uống nước suối như chúng tôi, trong thời gian đó đều bị nhiễm độc. Họ cũng có triệu chứng như chúng tôi đã bị, bệnh viện tỉnh không còn chỗ chứa. Chết vì nhiễm độc dioxin trong đợt đi lên núi Bà Đen này đã lên con số ngàn.
Chúng tôi bốn đứa, chỉ có Dũng chết do thứ hoá chất này. May cho tôi và hai cô gái thoát khỏi bàn tay tử thần. Chẳng biết di chứng có hay không, tôi chẳng thuốc thang gì khi rời chợ Thơm, vậy mà cơ thể dần phục hồi, chứng sốt rét mất hồi nào chẳng biết.
Qua chợ Thơm thăm người chết trẻ
về đây ngó đá xanh rêu
mộ người năm cũ buồn hiu bên đường
ta thân khách trọ bốn phương
lần về bến cũ mà thương nước ròng
về đây nơi máu tắm hồng
ngày xưa biến loạn đau lòng từng qua
chợ Thơm còn nợ ở ta
những cơn sốt cháy vàng da trong cùm
về đây thấy nhớ vô cùng
chiều trên xứ giặc mịt mùng bóng mưa
gươm, đàn gãy gánh thuở xưa
sao giờ còn lại lưa thưa cỏ buồn
ba mươi lăm năm lệ tuôn
còn con mắt ráo ngồi thương bạn bè
ba mươi lăm năm lắng nghe
mầy xương trắng, tao xương che kiếp người
và đây rượu kẻ rong chơi
rót lưng chén khóc một đời bỏ qua
và đây chén của sơn hà
nửa chừng rót lỡ như là rượu đau
mầy uống trước - tao uống sau
uống cho người sống đang trào máu tươi
hận tao lỡ đứng làm người
nhìn thân phận nát giữa hồi trống khua
về đây gió chuyển hơi mưa
ngó mầy lụn xuống bia vừa rêu rong
thương mầy chảy lạc nhánh sông
chảy trong hoang lạnh cho xong một đời
về đây ta nhớ góc trời
Mõ Cày Bắc có một thời tóc tang
chợ Thơm chinh chiến còn mang
trên lưng người trẻ chết đang cố cười
nguyễn thanh khiết
Bến Tre 2010
Viết cho Dũng Tây Ninh
********
Tây Ninh không còn là quê hương an toàn cho tôi dung thân, biết về đâu, đi đâu? Sau cùng tôi quyết định ở lại Sài Gòn. Tôi và thằng bạn gốc Tây Ninh, nó học ở Văn Khoa, tụi tôi trọ ở một căn gác trên đường Nguyễn Minh Chiếu. Tại nơi này, cuộc đời tôi thay đổi, tôi gặp H, sau này là vợ tôi. Nàng cưu mang tôi trong những ngày khó khăn cùng cực trên thành phố đã thay tên đổi họ.
Tôi bắt đầu buôn bán ở chợ trời, thứ chợ tự phát bày dọc trên nhiều con đường trong thành phố. Tôi đóng đô ở Hàm Nghi bên vách Việt Nam Thương Tín, tôi bán thuốc tây, khách hàng của tôi đủ loại, bọn bắc quân mới về thành, ngơ ngơ đi tìm thuốc cảm, thuốc kháng sinh hay những cô gái, quí bà đang khao khát những loại thuốc ngừa thai, trong quan hệ với giặc để sinh tồn. Tôi không quan tâm tới chuyện buôn bán cho lắm. Tôi chỉ cố bắt chuyện, làm quen với những người mang dáng dấp của người cũ. Sự phân biệt hai loại người cũ và mới rất dễ nhận ra, chỉ cần chú ý cung cách cư xử, âm giọng của họ và ánh mắt khi họ nhìn một cán binh việt cộng qua đường.
H. đưa tôi về nhà, sống chung với đại gia đình nàng. Chợ trời ở Sài Gòn trong những ngày tháng đó thật lu bu, cái lu bu nhìn rõ trên đường phố. Việt cộng dắt xe đạp thồ, thứ loại tải đạn trên đường Trường Sơn như từng thấy trên báo chí thời trước, ghi đông xe được nối bằng cây đòn nhỏ kéo dài làm điểm tựa để cầm và dắt xe đi, nồi niêu xoong chảo lỉnh kỉnh bên hông xe. Khá lắm là một chiếc mang nhãn Phượng Hoàng của Trung Cộng, dĩ nhiên đi loại xe này phải là cấp sĩ quan. Hình ảnh giặc về thành làm dơ bẩn cả Sài Gòn, chúng tôi những người đang kiếm sống trên vỉa hè chỉ biết chua xót nhìn nhau, thành phố đáng yêu không còn nữa. Riêng tôi, tôi cần quái gì với nó, tôi chỉ mong sao sớm tìm được một lối ra, lối đi cho riêng mình.
Trong cộng đồng của những kẻ đi bán chợ trời. Đa số là vợ con sĩ quan đã bị bắt đưa đi học tập hay nói đúng hơn là những người tù của chế độ, những tay giang hồ tránh né việc truy lùng từ nơi cư trú cũ, những người không có giấy tờ sống như kẻ ngoài vòng pháp luật. Tôi học rất nhiều ở họ, tôi biết nhiều thứ động trời về họ. Có những người trông rất bình thường, hiền hoà, nhưng lại là những tay chọc trời khuấy nước, những tay làm giấy tờ giả chuyên nghiệp, những mối lái vượt biên, những cựu binh trốn tránh. Cái cộng đồng đó là hình ảnh bi thảm sau ngày sập trời. Chúng tôi, những cư dân này là những người bị nhà nước hiện hữu đẩy ra vỉa hè.
Người Sài Gòn kiệt quệ. Trung tâm tiếp huyết là nơi cứu họ, bằng việc đi bán máu mà sống, hình ảnh đau thương này mấy ai còn nhớ. Tại các tỉnh thành đều có thứ chợ mua bán này, mỗi một đơn vị máu 250cc được các bệnh viện mua lại với giá 50 ngàn vào đầu năm 1976, nhưng nếu một bệnh nhân nào cần đến, con số bán ra là vài trăm ngàn. Thứ chợ làm xác xơ người cũ, thứ chợ tàn nhẫn trong những ngày Sài Gòn thật sự đã chết. Tôi vạn bất đắc dĩ cũng đã là nạn nhân trong những khi không còn một đồng xu dính túi.
Tôi bán máu để có tiền cho vợ đang thai nghén, để có tiền cho một chuyến xe lửa ra Phan Thiết. Tôi có dăm người bạn ở Phan Thiết, những bạn bè học cùng trường Luật. Tôi muốn tìm họ với mong mỏi có thể có được hơi hướm của một đơn vị sót lại hay ít ra họ sẽ cho tôi biết những thông tin về vùng Long Khánh, Phương Lâm. Đặc biệt là Trừu bạn thân của tôi, anh là người gốc ở cây số 125 và Tân, những người có thể tin được.
Ra Phan thiết, tôi mới biết Tân đã vượt biên, Trừu không còn ở Long Khánh và chẳng biết về đâu, chắc chắn anh không về cây số 125, anh là lính của an ninh quân đội, thứ mà việt cộng ghét nhất. Suốt cả tuần loay hoay ở Phan Thiết, tôi buồn chết được. Ngày xưa, khi còn đi học Tân đã mấy lần đưa tôi ra đây tắm biển. Lầu ông Hoàng vẫn đó, biển vẫn vậy mà tôi bơ vơ vô cùng.
Cái bụng của H to dần, sinh kế của chúng tôi khó khăn cùng cực. Tôi đưa H về Nhà Bè. Nghe lời nàng tôi theo ông cậu vợ sang Phước Khánh bên kia sông Nhà Bè làm ruộng. Tôi làm hộ khẩu có địa chỉ ở đó nhưng không có nhà dù là một chòi tranh. Trên cánh đồng ngập nước mặn, tôi vỡ đất hoang, cuốc bằng loại cuốc chuyên biệt cho vùng đất khai hoang này, người địa phương gọi là cuốc ba lá. Cuốc bên trái, bên phải, một nhát phía trước, một cái kéo mạnh để đất phèn đó lật sấp lại, đạp chân ép chung quanh cho đám cỏ trên vỡ đất đó chết đi. Cuốc như vậy trên diện tích nửa mẫu đất, sau cùng sạ những hạt lúa giống xuống và đợi ngày thu hoạch. Công việc như một thứ kiếm cơm và do ông cậu vợ tài trợ, dĩ nhiên phải bắt ốc mò cua làm cái ăn.
Mỗi lần đi ruộng tôi phải dùng ghe chèo từ canh ba đi cho tới sáng bét, ở lại trong lều mấy ngày rồi quay về Lô Đất – Phú Xuân, nhà ông cậu vợ có H đang chờ ngày sinh nở. Cái hộ khẩu dù không có nhà nhưng có địa chỉ đủ yếu tố an toàn cho những ngày chạy trốn của tôi.
Miền Nam thay đổi sổ gia đình bằng “hộ khẩu”. Trong lần giúp cho gia đình bên vợ làm lại bản khai tôi bị bọn du kích ngu dốt làm khó dễ, lấy cớ tôi không có giấy đi đường từ Phước Khánh về Lô Đất. Kết quả là tôi bị tống giam. Vợ tôi phải chèo ghe sang Phước Khánh năn nỉ thằng xã trưởng, hắn là tay có thiện cảm với hai chúng tôi, bởi một lý do duy nhất là trên giấy tờ tuỳ thân đã khai, tôi là thằng có trình độ cao nhất xã, hắn đang muốn tôi làm thư ký cho xã này.
Sau một tuần trong khám đường ở Nhà bè, tôi được hắn bảo lãnh ra chỉ bằng lời nói với tay công an quận. Thật là thứ luật pháp rừng rú.
Sau cú nằm ấp này, tôi có ý sẽ tìm cách vượt biên, khi H đã sinh xong. Nhưng số trời là thế.
6. Theo mùa nước nổi
Hôm gặp Trần Chánh Thành, một ông anh bà con với vợ tôi. Anh ta từ Thốt Nốt, Hậu Giang lên thăm bà dì vợ tôi, ở chợ Phú Xuân. Cuộc đời tôi lại đi một chặng khác.
Qua mấy lần tiếp xúc, từ tình cảm thân thuộc bên vợ, chúng tôi biết nhau. Tôi biết anh Thành là một trong những đại diện của Phật Giáo Hoà Hảo trong Hội đồng liên tôn do Nguyễn Long Châu xây dựng.
Anh Điệp, tên cúng cơm của anh Thành, là chủ một lò ly tâm đường cát ở Thốt Nốt. Anh dùng nó làm hậu cần cho lực lượng của anh đang đóng ở khu Đồng Bà Chiêu. Tôi mừng lắm, chí ít ra qua anh tôi đã gặp một đơn vị. Bây giờ phải đợi vợ tôi sinh xong mới tính tiếp.
Giữa năm 1976, tôi bỏ tất cả ruộng lúa đang chờ ngày gặt, bỏ Phước Khánh tôi về Thốt Nốt.
Nhà anh Thành nằm bên bờ sông Hậu, cách ngả ba Lộ Tẻ, giáp với Long Xuyên khoảng hai cây số hướng về phía Cần Thơ. Căn nhà khang trang, cái lò ly tâm đường ở một nơi khác. Vợ anh là con gái một phú hộ giàu có ở đây, anh được các tín đồ Hoà Hảo nể nang. Phía sau nhà, qua một sân rộng trồng lưa thưa mấy cụm bồ ngót, dăm liếp rau thơm là tới bờ sông. Trước mặt nhà là quốc lộ 91, đi từ Cần Thơ về Long Xuyên, một địa điểm rất thuận lợi. Anh chọn nó làm tiền trạm và cho là chỗ gần như lộ liễu này sẽ là nơi an toàn, đường bộ đường thuỷ ở trước và sau nhà. Địa điểm khó mà nghi ngờ, nhất là nơi đây thường có những khách hàng lui tới mua bán những sản phẩm của anh.
Đơn vị của anh đang nằm trong khu Đồng Bà Chiêu, một khu ngập nước bạt ngàn, nó là đường thủy đi về Châu Đốc, Tri Tôn, tiếp cận được vùng Thất Sơn bí hiểm, mà theo anh, ở đó còn nhiều lực lượng rời rạc chưa thống nhất được, do những bất đồng trong cách làm việc của Hội Đồng Liên Tôn.
Qua mấy lần tiếp xúc với anh Điệp tại tiền trạm này, anh chính thức mời tôi tham gia nhưng vẫn nằm tại Sài Gòn, làm một trạm liên lạc với các lực lượng mà anh có quan hệ, tại những hòm thư chết. Tôi không đồng ý nhưng không thẳng thừng từ chối. Tôi bảo anh cho tôi có thời gian thu xếp. Quả thật tôi không muốn ở lại trong thành phố, những tháng ngày lặn lội vừa qua cho tôi bài học khá chính xác, Sài Gòn dễ nhưng cực kỳ khó, bọn công an đã xây dựng xong một bộ mày kiểm soát nhân hộ khẩu và những khu phố có cài công an tại chỗ, tất cả mọi ngóc ngách đều được giám sát chặt chẽ.
Hai tháng sau, trong cuộc gặp mặt tay ba, tôi, anh Điệp và anh Long cựu trung uý của Sư Đoàn 9 ngày trước. Anh Long phụ trách quân đội nằm trong khu Đồng Bà Chiêu. Ba chúng tôi bàn bạc và chính thức thành lập một liên đoàn. “Liên Đoàn A Lực Lượng Dân Quân Phục Quốc” trực thuộc hội đồng Liên Tôn, có địa bàn từ Long Xuyên về Thất Sơn. Dĩ nhiên đó chỉ là mục đích và tham vọng của chúng tôi tìm cách thống nhất các đơn vị lẻ loi, để xây dựng một hàng ngũ tạm ổn định hơn trên đường chiến đấu.
Việc quan trọng nhất của chúng tôi bây giờ là phải kiện toàn đơn vị. Theo tường thuật của Trung úy Long, anh đang chỉ huy một nhóm 30 người chia nhau sống trà trộn với dân trong khu vực Đồng Bà Chiêu, đã từng đụng độ vài lần với du kích việt cộng khi trên đường từ Thất Sơn kéo về. Sự có mặt của đơn vị này trong khu vực có thể gây nhiều chú ý đối với hệ thống trinh sát của sư đoàn Tây Đô 3, một sư đoàn của bắc quân chịu trách nhiệm từ Trà Nóc về tới Long Xuyên bao phủ một vùng rộng và Đồng Bà Chiêu nằm trong tầm kiểm soát của chúng. Nhưng anh không ngại vì anh có một an toàn khu rất vững.
Chúng tôi có 3 vấn đề lớn:
- Việc nuôi quân là một cấp bách.
- Trải thưa đơn vị để bảo đảm an toàn, song song việc này là phải bắt tay các nhóm còn rời rạc.
- Vấn đề vũ khí càng làm nhức đầu hơn.
Từ khi chiếm chính quyền bọn giặc đã tiêu huỷ, cô lập và đưa đi những vũ khí thu được từ các kho lớn chứa quân trang quân dụng của VNCH. Kho Long Bình lớn nhất miền Nam bị đốt, phá huỷ, miền Tây không hơn gì, các nơi có thể tìm ra vũ khí đều cạn kiệt. Không có vũ khí thì vô phương, không có hậu cần lấy gì nuôi quân. Những quyên góp bí mật của Phật Giáo Hoà Hảo không đủ giải quyết vấn nạn này, nuôi 30 con người thì dễ, nhưng càng đông hơn thì càng khó. Không lẽ một công cuộc dựng lại giang san chỉ có chừng này?
Cho tới thời điểm này, chúng tôi chưa có một trợ lực nào từ ngoại quốc. Chưa có chính danh để dựng cờ khởi nghĩa, chúng tôi chỉ là một nhóm ít oi, đùm bọc nhau làm lại từ đầu.
Hơn ai hết chúng tôi biết khả năng của mình. Một triệu quân, có dân, có trường lớp huấn luyện, có tài trợ của đồng minh, có lãnh thổ trên giang san này còn thua sạch. Chúng tôi có gì? Ngoài dựa vào lòng yêu nước và một cụm nhỏ tín đồ của Hoà Hảo, bằng những thứ lực yếu kém đó chúng tôi sẽ làm được gì? Nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Ý thức chống cộng, sự cương quyết không chung cùng với giặc là căn bản để chúng tôi chiến đấu, dù chiến đấu trong vô vọng.
Theo nhiệm vụ phân công, anh Thành chịu trách nhiệm tổng quát, kể cả phần đối ngoại, liên lạc chặt chẽ với Hội Đồng Liên Tôn, cố gắng nắm cơ hội tập trung các phe nhóm từ phía Nguyễn Long Châu và các đơn vị giáo phái khác, kể cả bên Cao Đài và Công giáo. Anh Long chịu trách nhiệm phần quân đội trong Đồng Bà Chiêu và các khu lân cận. Phần tôi lo về kỹ thuật, cung cấp các thứ cần thiết cho đơn vị.
Tên tuổi chính thức của Liên Đoàn A đã bắt đầu đi vào nghị sự của Hội Đồng Liên Tôn từ đó. Chọn danh nghĩa là liên đoàn, chúng tôi nhằm mục đích không nhất thiết lệ thuộc con số, có thể là 50, 100 người, hay hơn nữa.
Anh Long về Đồng Bà Chiêu. Tôi và anh Điệp tính toán cách kiếm tiền nuôi quân trước nhất, song song việc này tôi phải kiếm một số vũ khí cho đơn vị. Bởi vì với 30 tay súng mà chúng tôi chỉ có vỏn vẹn vài cây M16, một số lựu đạn M26. Vài cây Carbine, cướp được từ những thằng du kích xã hay ấp.
Qua Đồng Bà Chiêu
Đồng Bà Chiêu nước lên tới rốn
Đoàn quân ma, khuất dưới rừng tràm
Dăm viên đạn treo đời kháng chiến
Ta ngửa mặt cười đêm U-Minh
Xưa chiến trận trùng trùng phi pháo
Một triệu quân bỏ giáp qui hàng
Cái giang sơn tan tành như thế
Sá chi thằng vác súng vô bưng
Xuồng ba lá ngửa nghiêng, nước lũ
Mây lè tè mấy dặm Thất Sơn
Trăng đâu cười, với nỗi oan khiên
Giặc lớp lớp kín đường qua núi
Ta vẫn đi dưới trời sương rũ
Lũ bạn ngày qua một thưa dần
Đêm biên giới rừng già đen thẫm
Cú vọng, nhớ thành, nhớ anh em
Áo không đủ che đời sương gió
Cơm mo cau như kiếp lưu đày
Mai có chết ta nằm trên cỏ
Mở mắt chờ rửa hận hôm nay
nguyễn thanh-khiết
Trở về Sài Gòn. Tôi nghĩ nát óc không biết sẽ bắt đầu từ đâu? Lấy gì làm vốn để đặt cược cho một đời của mình. Ở quận tư tôi có quen Võ Thành Ngang, một trung sĩ giám lộ đã phục vụ trong một giang đoàn viễn thám của Hải Quân VNCH, anh ta lớn hơn tôi mấy tuổi, một chiến binh can trường, ý thức chống cộng gần như tuyệt đối có thể tin tưởng được. Tôi hỏi anh Ngang tìm cách kiếm ra vũ khí, anh nhận lời, mừng rỡ như bắt được vàng, từ sau ngày tan hàng anh đã nhiều lần giống như tôi tìm đường vào bưng.
Thời bán chợ trời tôi quen biết rất nhiều, trong đó có Năm râu, một tay lão luyện về những con dấu. Bất kỳ loại nào, trên đồng, trên gỗ anh ta làm nhanh như chớp và giống 99% bản gốc. Tôi đã từng cùng anh thực hiện phi vụ này cho vài tay vượt biên, dùng con dấu của sở công an hay một đơn vị nhà nước làm giấy đi đường cho mấy chục mạng, ra miền biển để lên taxi ra tàu lớn mà đi.
Tôi bàn với anh Điệp, nhân cơ hội bọn việt cộng vừa xây dựng cuộc cải cách công thương nghiệp. Tất cả nguyên vật liệu nằm trong tay những xí nghiệp nhà nước, giá chênh lệch bên ngoài chợ đen cực lớn, một cái moteur có giá chính thức 100 ngàn, ở chợ đen lên tới tiền triệu. Muốn có nó phải có giấy kinh doanh, có giấy giới thiệu của đơn vị quản lý, giới thiệu cái cửa hàng con này đến trung tâm thương nghiệp của tỉnh hay thành phố mua nguyên vật liệu về. Nông ngư cơ là thứ hút hàng và đắc đỏ nhất, ngoài ra còn có những thiết bị lớn hơn tại những công ty lớn hơn đang yêu cầu nhà nước hỗ trợ để cải tạo lại xí nghiệp liên doanh với nhà nước.
Bây giờ việc phải làm là tôi săn tìm tất cả giấy tờ liên quan cho nhiều thứ nguyên vật liệu. Đường đi của nó từ A tới Z, có bao nhiêu cái mộc đóng vào đó, có bao nhiêu giai đoạn theo trình tự phải vượt qua.
Chuyến hàng đầu tiên trót lọt khi đi mua mấy thùng thuốc tẩy đường Sodium Hydrosulfite, chuyến thứ hai 10 cái moteurs dùng cho lò ly tâm đường cát trắng. Và cứ thế chúng tôi cho người bung rộng ra, mua và bán mọi thứ có thể được. Công việc cứ thế mà làm, tôi đích thân nghiên cứu những cái cần mua, lấy bản mẫu các thứ mộc, thực hiện xong mang về Thốt Nốt, anh Điệp rải người đi mua và bán.
Về vũ khí, ngoài Võ Thành Ngang còn có bạn tôi Ngô Hữu Quyền, một sinh viên Văn Khoa ban triết, gốc người Hoa là người từng trải, đã tay bắt mặt mừng lúc ở chợ trời. Quyền bị văng khỏi cái hộ khẩu không có nới cư ngụ, tôi từng giúp hắn làm giấy tờ giả để sinh sống ở Sài Gòn, hắn đang tìm đường vượt biên sau những chuyến mò vô bưng bất thành. Quyền là một sinh viên chống cộng đáng nể. Tôi ráp nối với Quyền trong tinh thần của hai thằng quyết chí đi lấy lại quê hương. Trong giới giang hồ Quyền quen rất rộng, từ phu xích lô đến những tay đánh bạc thâu đêm, cô điếm rẻ tiền đến quí bà có tình nhân là cán cớm, một số bè bạn của anh là quan chức ở vài công ty nhà nước. Bên cạnh Quyền còn có Tài, một hiệp sĩ trẻ năng động và khoái làm mấy vụ găng tơ như trong phim.
Lần đầu tiên Quyền mang về cho tôi một lô cả trăm viên đạn M16 mới cáu, chúng tôi dùng hòm thư chết là mấy thùng rác làm nơi nhận, rồi chuyển về Thốt Nốt.
Chú Chín em ruột của ba tôi. Ông có hai thằng con Phước và Đạt. Phước vào rừng ở Tây Ninh từ sau 1975, vẫn thường liên lạc với chú tôi. Thằng Đạt có lần đã dùng lưỡi liềm cắt cổ một mụ trưởng ban trong hội phụ nữ gian ác của nhà cầm quyền. Sau đó, nó theo ông anh trốn vô rừng từ cuối năm 1975. Tụi nó thiếu đạn, ông chú Chín nhờ tôi kiếm một ít đạn colt 45 và M16. Hôm sau, tôi và chú Chín hẹn nhau ra kioque 18 Nguyễn Huệ, một quán càfe ngay giữa Sài Gòn. Hai chú cháu tôi, kẻ trao người nhận trót lọt.Tới năm 77 cả hai anh em tụi nó bị vây bắt và giam ở Tây Ninh.
Tôi và Quyền thường thay đổi điểm hẹn và không bao giờ đi chung với nhau, nếu có việc cần thì hết sức cẩn thận với những cái đuôi theo sau, có an toàn tuyệt đối mới gặp nhau. Chúng tôi đang dùng chiêu của địch hoạt động trong thành phố, bài học gậy ông đập lưng ông. Quyền luôn có Tài bên cạnh, một chuyên gia giao và nhận. Có khi tháo rời một khẩu súng trường, đạn dược hay lựu đạn, chất nổ. Chúng tôi phải bỏ nó vào bên trong niềng xe tải, nhét cái ruột bên ngoài, bơm bánh căng lên làm bánh sơ cua rồi vận chuyển. Nói chung, trong những ngày tháng nổ lực làm việc cho chính nghĩa của mình, chúng tôi vận dụng mọi thứ có thể che mắt và qua mặt địch quân. Trong cuộc chiến âm thầm, đi mà đích tới còn xa lắm, có thể một sơ xuất nhỏ là thua trắng tay.
Bên cạnh những toan tính chu đáo đó, tôi cũng một lần ẩu tả nhớ đời.
Một ngày tôi và vợ tôi đi về Thốt Nốt. Không gặp được anh Điệp, chiều xuống hết xe, chúng tôi phải quá giang xe bộ đội việt cộng từ Long Xuyên. Trong xách tay của H là trái lựu đạn mini, trong thắt lưng tôi là cây Browning 6,35, vậy mà hai đứa tỉnh bơ lên xe ngồi giữa đám bộ đội. Khi xuống xe ở ngả ba Vĩnh Long, thằng trưởng xa mở cửa tháo bửng sau, hắn buông một câu làm tôi nghe lạnh xương sống:
- Tới nơi rồi, đồng bào ai quá giang thì xuống đây. Nhớ có súng đạn, dao găm làm ơn mang hết xuống dùm tui.
Kể ra vợ tôi quả là một phụ nữ can đảm có thừa, mặt nàng không hề biến sắc.
Tôi đã nhiều lần theo những hòm thư chết đi sâu vào Đồng Bà Chiêu. Chiếc xuồng con chòng chành dưới đám rừng tràm, phía trước là căn nhà tranh nằm giữa ruộng. Một gia đình cắm dùi ở đây, trong số họ là một chiến binh phục quốc đang ẩn thân. Anh Ba tiếp tôi ngoài đống rơm bên hông nhà, anh gầy gò nhưng đôi mắt sáng quắc, tôi hỏi thăm anh về tình hình trong an toàn khu này:
- Tụi nó cũng thường lục lọi ở đây nhưng chúng tôi đều có quan sát theo từ xa, khó mà phát hiện, vả lại vũ khí tôi ít khi mang theo, thường chôn ở nơi có thể lấy ngay tức thì, nếu động là tui vọt.
Đây là một trạm trong nhiều trạm mà anh Long bố trí cho anh em từ ngoài vào an toàn khu. Thực ra, nói là “an toàn khu” thì hơi quá. Nó chỉ là một vùng rộng người của ta ở rải rác quanh đó trên những xuồng đi câu, trong những túp lều tạm trú nắng mưa của dân đi làm ruộng. Anh Long từng là đại đội trưởng khi ở chiến trường, anh có nhiều khả năng và kinh nghiệm trong du kích chiến tại vùng này, dân sư đoàn 9 có khác và khu vực này tuyệt đối an toàn.
Anh Thiện rất cứng, hắn là tay đi cặp với anh Long, trung sĩ có 10 tuổi lính của sư đoàn 7. Giết cán bộ cộng sản cướp súng, trốn vào an toàn khu. Mất cả năm mới được anh Long nhận, Thiện ngồi với tôi trên xuồng:
- Anh mới ngoài Thốt Nốt vào hả?
Tôi cười, móc bao thuốc Vàm Cỏ mời anh:
- Ở đây tụi tui hút thuốc rê thôi, tui hút quen rồi, thứ này nhạt phèo không khoái.
Cái áo xám tro, màu áo của tín đồ Hoà Hảo đặc thù đã rách vai, trông anh thật nhẫn nhục, khuôn mặt chữ điền hiền hậu, nụ cười không xua tan những cam go cùng khổ của anh làm tôi se lòng:
- Ráng lên anh Thiện, sớm muộn anh em mình cũng kéo nhau về mà.
- Càng ngày anh em mình càng kiệt quệ. Hôm trước mất hai thằng khi tụi nó mò về Tịnh Biên, anh Long đang đi xuống đó. Thiếu thốn thì không nói, nhưng bệnh tật, liên lạc khó khăn làm anh em nản lòng. Đã có một số chịu không nổi bỏ về rồi. Tôi sợ, kéo dài mình sẽ không còn gì.
Câu nói chất phát của Thiện, nhìn cái cảnh đồng không mông quạnh, những cái khó mà tôi đã nhìn thấy, lòng tôi buồn lắm, lo lắng được kìm giữ lại. Tôi nói với anh:
- Ráng đi anh Thiện, không lẽ mình thua lần nữa sao? Mọi cái phải bắt nguồn từ sự quyết chí của mình. Ở ngoài, xã hội có chút tự do, nhưng còn khó hơn ở đây, chung quanh chúng ta đều là giặc, luôn bị lùng bắt, nhất là giấy tờ, hộ khẩu. Anh sống ở ngoài có khi còn khổ hơn nữa.
Đêm, tôi nằm trên ổ rơm, nghe chim lạc bầy bay ngang cất tiếng kêu thảm. Rừng tràm dày đặc. Cái xuồng vô nước chỉ còn nổi sợi dây cột vào cầu ao.
Chúng tôi chiến đấu vì cái gì? Cuộc chiến này quả thật đơn độc và cạn kiệt dần. Ý chí của một thanh niên trước cảnh nước mất nhà tan, luôn thôi thúc trong lòng, nhưng sức người có hạn, tôi chịu đựng được, còn anh em thì sao? Họ có như tôi không, họ có những đêm gác tay trên trán thấy mình nhỏ nhoi trước hoàn cảnh, bất lực trước khó khăn. Đôi lúc muốn xuôi tay hay vẫy vùng một trận, gom hết tất cả đụng độ một lần, như vậy cũng chỉ là kéo nhau tự sát. Chúng tôi đã không còn gì, chúng tôi mất tất cả từ tháng 4 năm 1975. Chỉ còn một tia hy vọng, một ngày có được giang san đã mất. Mà làm sao có được ? Làm sao lấy lại quê hương?
Cái còn lại hôm nay là một ý chí chống cộng, một chờ đợi cơ hội. Đợi một sự giúp đỡ nào đó lớn hơn, có tầm vóc hơn, ít ra sẽ dẫn chúng tôi qua khúc đường nghiệt ngả này. Nếu cứ theo hoài con đường đi không đến này, chúng tôi sẽ chết.
Ngày qua biên giới
Chỗ đó ta tựa lưng vào nỗi chết
Trên đồng hoang lau lách trổ đầy bông
Đêm lạnh lùng, đêm căng mắt, đêm đông
Giặc kín lối bốn bề không đất sống
Bò trên bãi sình tanh mùi xác chết
Cắn răng nhìn bạn nát bấy hai chân
Cuộc chơi không ngang sức, không hậu cần
Thiếu đạn, thiếu ăn, thiếu trăm ngàn thiếu
Những cái đầu tóc che không thấy mặt
Trên bộ xương khô khốc ngả nghiêng đi
Rừng tràm xanh, như nấm mộ xanh rì
Đang lấp kín dần dần đời tráng sĩ
Qua biên giới, đêm này qua biên giới
Đoàn quân còn lác đác mấy tay dao
Áo trận còn đâu, súng đạn năm nào?
Ta đi nữa, đi cho đời chảy máu
Ta đã nợ một trời quê tang tóc
Nợ gió sương khi lỡ kiếp nam nhi
Nợ bạn bè đã ném tuổi xuân thì
Trong cuộc chiến có thằng không trở lại
Qua biên giới đêm đông buồn tê tái
Hai năm rồi chưa thấy ánh đèn xưa
Hai năm rồi trời vẫn nắng vẫn mưa
Ta vẫn chưa làm gì cho chí cả
Sau lưng ta, quê hương giờ xa lạ
Giặc về thành, ta đổi chỗ vô bưng
Sẽ bao lâu mới chuốc chén rượu mừng
Thôi mặc kệ đêm này qua biên giới
nguyễn thanh-khiết
(Tịnh-Biên tháng 12-76)
7. Vỡ mộng giang hồ
Võ Thành Ngang ở quận 4, cứ loay hoay đi đứng không yên. Anh muốn làm chuyện lớn, một cú làm giật mình, đánh tiếng cho thiên hạ. Ngang định ám sát tay đại tá tư lệnh công an ở thành phố Hồ Chí Minh. Ngang được anh Điệp chính thức đề bạt làm trưởng nhóm tại Sài Gòn. Anh ta rất cứng trong tầm nhìn, có 8 năm quân ngũ, từng là tay giang hồ đất quận 4 ngày xưa, dưới trướng của anh có vô số bạn bè, anh em giang hồ.
Ngang vẽ kế hoạch. Tên xếp sòng công an thành phố thường đi làm trên chiếc Mercedes số automatic, hắn đi từ một biệt thự riêng ở bên kia cầu Sài Gòn và chạy qua những con đường nhất định đến bộ tư lệnh của chúng, Sở công an thành phố. Nếu muốn chơi thì phải hy sinh, một trái lựu đạn kèm khối C4 vừa đủ phá banh chiếc xe tại ngay cổng ra vào Sở Công An. Ầm một tiếng là xong.
Chỗ đó là giao lộ của Nguyễn Trãi và Nguyễn Cư Trinh, hắn sẽ đi vào cổng đó. Chỉ cần hai chiếc xe gắn máy là được. Xe sau sẽ chở hai, thằng ngồi sau ném lựu đạn, xe trước lạng một đường làm giảm tốc chiếc Mercedes, trước khi nó rẻ vào cổng. Xong, cả hai chia nhau, xe sau 360 độ về đường Nguyễn Cư Trinh, chạy sang cầu ông Lãnh về quận tư biến vào các con hẻm, người của mình rước ngay đầu cầu. Xe trước đi thẳng tới, quẹo trái xuống Trần Hưng Đạo, phóng sang Nguyễn Biểu, người mình rước ở đây. Võ Thành Ngang vẽ những con đường, những yếu tố căn bản cho tôi thấy, ngay trên tấm giấy học trò tại nhà anh. Ngang nói:
- Im lặng quá lâu sau vụ Vinh Sơn, bây giờ phải hâm nóng lại. Dân Sài Gòn đặc biệt là đồn. Có ít đồn to, lan rộng làm tiếng vang.
- Liều lĩnh quá không? Tôi hỏi anh.
- Chứ không lẽ nằm yên không cục cựa thế này, ngứa tay ngứa chân quá đi. Yên chí, đường thoát toàn bộ nằm dọc theo kinh, cùng là tụi nó lặn sang bên này bờ.
- Từ từ tình kỹ lại. Tui cũng đồng ý với ông là làm, nhưng chớ có vội. Bây giờ, anh cứ theo dấu hắn thật kỹ cái đã. Chúng ta sẽ chơi, nhưng lựa đến cận kề một ngày quan trọng nào đó, như vậy tiếng vang xa hơn. Tôi sẽ có C4 cho anh cùng một trái mini còn mới cáu.
Nguyễn Long Châu sa lưới, bị bắt cả tháng trời tôi mới biết. Anh Điệp như rắn mất đầu. Cả hệ thống phục quốc của Hoà Hảo, đứng ngồi không yên. Một cuộc bố ráp qui mô ở miền Nam đã lòi ra hàng đống mặt trận, tù rạc mỗi ngày một đông. Những bản án âm mưu lật đổ chính quyền đã xuất hiện. Dù chưa có vụ nào chính thức trước bàn dân thiên hạ như vụ Vinh Sơn. Nhưng cổ máy cầm quyền đã xiết lại.
Dân Sài Gòn lại kháo nhau, như thể sắp tới rồi. kèm theo là những tin “Tư lệnh Hải Quân VNCH đã về xâm nhập ở biển Cà Mau”. “Đại tá Lê Quang Lưỡng, con báo của nhảy dù đổ bộ trên KonTum”. Thậm chí họ rỉ tai nhau là “toàn miền Nam đang may cờ vàng ba sọc đỏ chờ rước đoàn quân phục quốc”. “Thấy chưa các mặt trận đang lộ diện làm áp lực cho chính quyền phải trả lại miền Nam”. Động trời hơn nữa là có tin đài BBC vừa công bố. “Thành phần nội các lưu vong đang thúc ép đồng minh nối lại hiệp định Paris”. Và tá lả những tin gây xôn xao một dạo.
Ở Đồng Bà Chiêu, Tịnh Biên, Châu đốc. Tất cả hoàn toàn tê liệt. tiền trạm của anh Điệp, tức xếp Trần Chánh Thành của Liên Đoàn A Lực Lượng Dân Quân Phục Quốc, co lại một chỗ, lệnh án binh bất động tới tất cả anh em.
Tôi trở lại quận tư, lang thang cùng khắp với cái giấy đi đường của hộ khẩu gốc bên Phước Khánh - Đồng Nai, dù không có nhà, nhưng xã Phước Khánh vẫn hoan hỉ đổi giấy đi đường cho tôi về quận tư nuôi vợ ốm. Cái giấy phép ba tháng một.
Tôi không thua vì bị lộ từ những người anh em chiến đấu của mình. Tôi thua vì một chuyện tào lao, một thằng cha không ra ôn binh chi trong quan hệ hàng xóm.
Ngày 17-10-1977. Sáng sớm tôi ra cái quán đầu hẻm uống café như thường lệ. Đến khi quay vào, tôi biến sắc, trước sau trái phải, công an đứng chật khu phố, tên trưởng công an quận tư đẫn đầu. Hắn chĩa súng vào tôi, khi tôi sắp quẹo sang con hẻm khác:
- Anh Khiết, đứng yên, nhúc nhích tôi bắn bỏ.
Bốn thằng cớm kẹ nhào tới thúc ké tôi lại, móc còng vào tay tôi. Chúng đọc lệnh bắt, khám xét căn nhà nơi tôi ở. Dân quận tư tràn kín các con hẻm vào nhà vợ tôi. Lũ công an lục từng hóc kẹt, gõ từng viên gạch, cuộc khám xét từ 7 giờ sáng tới 11 giờ trưa. Chúng lôi ra một lô súng đạn mà tôi cất dấu: Súng trường đã tháo rời, súng ngắn, Browning 9 ly, đạn đầu bằng, xuyên phá, đạn dược các loại, ống nhắm hồng ngoại… một đống mộc các loại từ bộ tư lệnh quân đội nhân dân thành phố tới sở công an, các quận, nhiều đơn vị biệt lập. Một số ấn bản làm truyền đơn kêu gọi chống cộng chưa kịp chuyển đi. Bọn việt cộng chất hết lên đầy thùng xe bán tải. Chúng bắt tôi đứng trước nhà, trước chiếc xe chụp hàng tá tấm hình. Tôi bị bắt. Tôi chính thức sa lưới trong tiếng xì xào của người dân trong khu phố:
- Trời! thằng này là học trò mà. Ai dè nó có cả súng ống, đạn dược chất cả xe thế này. Chắc là phản động lật đổ chính quyền có tổ chức.
Cho tới khi bị còng tay, tôi rất tỉnh. Biết là vô phương tẩu thoát trước hàng trăm tay súng lăm lăm từ bốn hướng. Tôi nhếch môi cười khi bị đẩy lên xe, như một nụ cười trấn an đồng bào đang âm thầm tiễn tôi vào ngục. H. không hốt hoảng, nàng bế đứa con gái mới 10 tháng tuổi, đứng trước cửa nhà nhìn tôi. Mấy đứa em vợ thập thò nhìn theo bên trong cửa sổ. Xe lăn bánh, chúng đưa tôi về công an quận tư.
Cú bắt tôi, cùng một lúc với Võ Thành Ngang tại góc Xóm Chiếu, Đỗ Thành Nhân, Ngô Hữu Quyền thì sau đó. Khi hai thằng gặp nhau ở trại Z30D, tôi mới biết hắn bị vây trên đường qua cư xá ngân hàng, một tuần sau khi tôi sa lưới. Duy có Ngang là tôi chưa gặp lại, nghe đâu hắn cũng bị đày lên Z30D ở phân trại B và đã vượt ngục.
Cuộc vây bắt tôi được thông tin rộng rãi, chúng dán nguyên tờ báo Sài Gòn Giải Phóng có hình của tôi chần dần trên tranh nhất, vào những bản tin của quận, trên đường Hoàng Diệu, trước công an quận, bản tin lưu giữ hàng tháng trời. Đối với bọn chúng vụ của tôi là vụ ì xèo thứ nhì sau vụ Vinh Sơn. Xui một cái gia đình tôi trong cơn hoảng loạn và bị giam lỏng, không ai lưu giữ một bài báo nào cho tôi làm kỷ niệm thời chiến đấu chống cộng của mình. Tôi tiếc hùi hụi.
Khi ở tù, có lắm lúc tôi nhớ Ngang, nhớ cái hy vọng gây tiếng vang chưa thành tựu. Nhớ Quyền, cái tướng cao to, đầy nhiệt quyết, phải chi tôi để hắn vượt biên, như hắn muốn. Nhớ Tài cũng bị chung với Quyền, nó còn trẻ quá, tội nghiệp.
Trong số người tôi quen, có một tay ở gần nhà vợ tôi. Hắn là một thầy Lỗ Ban, tôi không biết rõ tên hắn, dân trong khu vực gọi hắn là thầy Tám. Có một ngày, tôi đi chợ mua con cá đuối về nấu canh chua, do sơ ý tôi bị đứt một vết nhỏ ở ngón tay cái, cái đuôi quái ác của con cá chạm vào vết đứt, mấy giờ sau ngón tay sưng lên đau nhức vô cùng. Hai ngày sau nữa, dù đút ngón tay vào túi mật heo như người ta chỉ dẫn, ngón tay vẫn sưng to và đau thấu xương. Tôi nghe người trong xóm chỉ thầy Tám, tôi tới nhờ ông hô biến một cái, bằng một cây nhang quơ quơ trên ngón tay sưng to, mấy phút sau là cơn đau lắng xuống. Hôm sau tôi tới thấy Tám làm phép lần nữa là hết hẳn, ngón tay xẹp xuống một cách kỳ diệu. Người ta gọi đó là cách khoán bùa.
Tôi quen anh Tám từ đó, anh còn là dân thợ mộc, thỉnh thoảng tôi cũng mượn đồ mộc của anh về, nói là đục đẽo sửa mấy cái ghế hay chi đó. Thực tế là tôi làm lại mấy cái báng súng đã gãy. Đâu có ngờ, sau này tôi mới biết thầy Tám là tổ sư công an chìm của quận tư trong dáng dấp một dân lao động nghèo và là thầy lỗ ban. Hắn theo dõi tôi từ đó, chắc là vậy. Dĩ nhiên ở quận này tôi quen biết ai, Thầy Tám biết tỏng tòng tong. Tôi nhận ra cái sai lầm chết người của mình khi tôi bị còng tay tại nhà. Vô tình ngó sang những người hiếu kỳ đứng xem ở con hẽm đối diện, tôi thấy thầy Tám đang to nhỏ với thằng trưởng công an phường, hắn đứng đó quan sát suốt thời gian bọn công an khám xét nhà, cho tới khi tôi bị áp giải lên xe.
Phải chi tôi đừng quay lại Sài Gòn vào tháng 10 năm 1977. Phải chi tôi đừng đứt tay vì một con cá đuối. Phải chi tôi không quen thầy Tám để hắn biết và theo dấu tôi. Phải chi thằng lấy cung tôi ở trại T20 trung tá việt cộng Tạ Đức Trung, đừng nói thẳng với tôi về thầy Tám là một cán bộ nằm vùng ở Sài Gòn trước năm 1975 và tiếp tục công việc tận trung với đảng mãi sau này. Hắn là chìa khoá làm lộ tung tích của tôi.
Tôi không chút tiếc nuối nào, không ân hận gì. Tôi cũng không vỗ ngực cho rằng tôi đã có một thời đi chiến đấu cho cái giang san tả tơi này. Dù sao tôi cũng sống đúng cái tuổi trẻ của tôi. Một tuổi trẻ ngạo nghễ, một đời không sống chung với cộng sản, tôi đã hiên ngang đi hết đỗi đường của riêng mình, cho dù đó là con đường đi không đến. Cho dù, tôi chẳng làm gì cho ra hồn, nhưng ít ra, tôi có chút hãnh diện là mình đã sống đúng, đúng cái chất liệu bạt mạng của tôi, đúng cái suy nghĩ của một con người. Người tuổi trẻ đã đạp trên gông xiềng và nô lệ.
Tôi cầm chắc với những tang vật mà bọn công an thu được, cái án chung thân là nhẹ nhất. Có thể sẽ tử hình. Chết là cùng, tôi nghĩ vậy. Nhưng còn anh Điệp, khu Đồng Bà Chiêu làm sao thoát được.
Ngang thua một lượt với tôi, hôm bị đưa đi lấy cung tại quân 4. Tôi thấy Ngang bị còng tay ngồi ở phòng bên. Hai tuần sau khi bị đưa lên T20, trại giam Phan Đăng Lưu, tôi lại thấy Quyền đi làm việc từ biệt giam. Vậy là những mắc xích đầu tiên, bọn công an đã nắm gọn. Bây giờ tính sao?
Kéo dài thời gian là phương cách duy nhất có thể cứu vãn tình thế. nhưng bằng cách nào. Muốn chúng tạm tin thì phải nhận. trước những câu hỏi không thể từ chối trả lời.
- Tôi làm việc với ai? Từng liên lạc, gặp gỡ những ai?
Chỉ có tôi là điểm cuối cùng đối với những người bị bắt chung. Không ai biết về Thốt Nốt, về anh Trần Chánh Thành, về Hội Đồng Liên Tôn. Tất cả chỉ nghe và biết qua văn bản. Thứ văn bản xác nhận làm niềm tin cho Ngang Và Quyền rằng đó là một lực lượng có thật và chính danh để hoạt động. Nhưng, đối với cả hai. Tôi là điểm cuối cùng, trong mắc xích của toàn bộ lực lượng. Chỉ khi nào tôi thua thì anh Thành và anh em còn lại mới thua. Làm sao để cắt ngang chỗ này. Tôi phải nhận và nhận tất cả. Phải bằng mọi cách để đến tôi là kết thúc. Tôi không sợ bị tra tấn, tôi không sợ bị kìm kẹp. Tôi chỉ lo cho những đồng đội còn lại. Phải cứu những người chưa bị sa lưới.
Tôi nhận mình chỉ liên lạc qua những hòm thư lưu động, một liên lạc viên của hội đồng Liên Tôn. một nhân vật ảo do tôi vẽ ra.
Đòn này làm bọn công an tin là tôi nói thật. Lý lẽ duy nhất là. Một việc lớn lao như vậy làm sao tôi có thể tiếp xúc trực tiếp những người cấp cao hơn được. họ chỉ sai liên lạc viên, và tôi chỉ biết có ông ta. Bọn công an đã đưa tôi đi lòng vòng Sài Gòn cả hơn tuần lễ tới những điểm hẹn do tôi vẽ ra, kể cả hình dáng của người liên lạc với tôi. Đám mộc hả? đồ chợ trời làm xong trả tiền công, mạnh ai nấy biến, súng đạn thì mua chui, từ công an nào đó hay một tên ba ke thiếu tiền xài ăn cắp đồ quân đội, đâu có để lại dấu vết, mua bán xong mạnh thằng nào nấy đi. Tôi cứ một lời khai mọi cái súng đan, in ấn, chỉ qua hòm thư. Dứt khoát tôi tìm mọi cách sao cho mình là cái gạch cắt ngang toàn bộ. Muốn chúng tin hay tạm tin là một điều không dễ, tôi phải thuộc lòng tất cả những gì mình từng khai, sắp xếp theo một trình tự như thật. Tôi luôn phải nhớ trong đầu rất bình tỉnh, thật cẩn thận phân tích câu hỏi, không trả lời dù có một chút khác biệt nhỏ nhất trong một vấn đề. Cuộc điều tra suốt nhiều tháng, chuyển qua nhiều lần biệt giam. Sau cùng bọn chúng kết cung.
Tôi bị đưa đi tù với tội danh Phản Động và án phạt tập trung cải tạo. Tên chấp pháp Tạ Đức Trung nói với tôi:
- Đúng ra chúng tôi đưa anh ra toàn án nhân dân.Chắc chắn anh sẽ nhận mức án thấp nhất là chung thân. Nhưng thấy anh còn trẻ chưa ý thức cách mạng, thay mặt cho đảng, chúng tôi khoan hồng cho anh một con đường sống để anh có cơ hội ăn năn, chuộc lỗi với nhà nước và kết cung anh bằng mức án Tập Trung Cải Tạo, can tội Phản Động
Hơn ai hết tôi biết rõ cái án tập trung. Đối với cộng sản. Nó là án chế độ. Còn chế độ là còn ở tù. Nó là mức án dưới tử hình nhưng trên chung thân, không hề có chuyện giảm án. Tội Phản Động thì khỏi nói, nó sẽ đi theo tôi tới khi nhắm mắt, nếu tôi vẫn còn sống trong xã hội cộng sản.
Quan trọng nhất theo đánh giá của tôi. Do thời điểm đó có quá nhiều anh em từ các lực lượng nổi dậy, có quá nhiều tổ chức đồng loạt dấy lên, trong đó cũng có những tổ chức do công an dàn dựng để thanh niên miền Nam, những ai có tinh thần chống cộng sa lưới. Cho nên hồ sơ án tiết của tôi chắc chúng nghĩ cùng lắm thì giống như đám đông từ các mặt trận đã bị sa lưới. Do đó chúng không đào tận gốc, bới tới ngọn theo cách của cộng sản. Cơ may này làm tôi thoát khỏi ra tòa với án tử hình.
A20 nguyễn thanh khiết
-----------------------------------------
More:
1. Ký ức bỏ quên (1) – Thành Gia Định - (A20 nguyễn thanh khiết)
2. Ký ức bỏ quên (2) – Tuổi trẻ điêu linh - (A20 nguyễn thanh khiết)
3. Ký ức bỏ quên (3) - Đường đi không đến - (A20 nguyễn thanh khiết)
4. Ký ức bỏ quên (4) - Những chuyến đi quên về - (A20 nguyễn thanh khiết)
No comments:
Post a Comment