Saturday, December 17, 2022

Cuộc Phản Phục Kích tại La Gàn - Mai Xuân Cúc (fb Son H Cao)

Cuộc Phản Phục Kích tại La Gàn,
Của Liên Tiểu Ðội Tình Báo Tuy Phong
Mai Xuân Cúc
fb Son H Cao

Trên bản đồ quân sự tỉ lệ 1/50.000 do QLVNCH ấn hành năm 1965, có ghi tên vùng Ấp Bình Thạnh, xã Bình Long , quận Tuy Phong thuộc tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên đồng bào địa phương vẫn quen gọi là xã La Gàn, được VC tặng danh hiệu là vùng đất ‘anh hùng’ sau ngày cưỡng chiếm được Miền Nam tháng 5-1975.

-----------------------------------

La Gàn (Bình Thạnh) Tuy Phong - BT
Vùng này cách thị trấn Liên Hương chừng 7-8 km tính theo đường chim bay về phía Nam của quận Tuy Phong. La Gàn phía đông giáp bờ biển, phía nam liên ranh với xã Thượng Văn (Duồng) thuộc quận Hòa Ða. Phía tây cách quốc lộ 1 từ 5-6 km, gồm động cát và rừng chồi dầy đặt. Tuy La Gàn nằm sát bờ biển nhưng hầu hết người địa phương lại sống bằng nghề làm rẫy và vườn. Chỉ có một số ít theo ngư nghiệp với các phương tiện đánh cá rất thô sơ gần bờ. Mũi La Gàn nằm lấn ra ngoài biển nên là nơi rất thuận tiện cho ghe thuyền, nhất là ghe của người Phú Quý, ghé núp bão hay chờ gió để ra đảo về mùa đông.

Vào năm 1965, dân số tại La Gan chừng 400-500 ngươi nhưng hầu hết là người già cả hay trẻ nít, còn thanh niên nam nữ hầu hết theo VC thoát ly hay nhảy núi. Năm 1954, La Gàn là một trong những địa điểm tập kết của tỉnh Bình Thuận. Trần Ngọc Trác sau năm 1975 là Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Thuận Hải, hồi kết về Nam năm 1965 cùng với Nguyễn Khoa Ðiềm, đương sự sinh quán tại đây. Cách La Gàn về hướng Bắc chừng 1-2 km, có chùa Cổ Thạch. Nơi này trước tháng 5-1975 là Mũi Công Tác của VC địa phương, ban đêm về nhận đồ tiếp tế do khách thập phương tới cúng bái để lại.

Sự liên lạc giữa quận và La Gàn nhờ con đường đất đắp lỏm chỏm đá và hố trủng vì bị đào xới thường xuyên. Hai bên cây cối mọc um tùm, nhánh cây de ra tận mặt đường, làm cho con lộ đã nhỏ lại càng thêm âm u sâu hút. Ðây là địa điểm thuận tiện cho chiến thuật phục kích. Cũng là vùng đất trủng, tứ phía đuợc bao bọc bởi động cát và rừng chồi rậm rạp. Toàn xã La Gàn chỉ có một nguồn nước ngọt duy nhất , đó là Giếng Truông nằm đầu cổng vào xã. Do địa thế phức tạp, thiếu nước và nạn muỗi rừng, nên ở đây bệnh sốt rét phát sinh dữ dội. Vì vậy các cuộc hành quân do Chi Khu Tuy Phong tổ chức tại đây, thường không thể kéo dài quá ba ngày.

Ðể bình định xã La Gàn, trong các năm 1968-1969, Chi Khu Tuy Phong mở các cuộc hành quân và lập Ðồn Bót bao quanh xã, do hai Ðại Ðội 299 và 444/ÐPQ trấn đóng nhưng đã thất bại vì quân sĩ bị bệnh sốt rét rừng từ 20-30% làm hao hụt quân số không đủ phòng thủ và tác chiến. Cuối cùng Chi Khu phải bỏ đồn bót và rút quân, chỉ tổ chức các cuộc hành quân sáng đi chiều về, nên du kích VC coi như hoạt động 100%.
Nhờ cơ sở địa phương mật báo không có Ðịa Phương Quân, nên đêm VC mò về xã La Gàn tập trung đồng bào về giữa xóm, mở cuộc họp, lên án Quốc Gia và chửi bới Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Ðây là cơ sở tiếp tế quan trọng cho lực lượng VC Huyện Bắc Bình (Hải Ninh, Phan Lý Chàm, Tuy Phong, Hòa Ða), nhờ nguồn thực phẩm của dân chúng đi làm vườn mang theo, giúp cho chúng có phương tiện để ban đêm mò về quấy rối các đồn bót do ÐPQ và NQ trấn giữ.

Từ thời các Tỉnh Trưởng Bình Thuận như Ðinh Văn Ðệ, Trung Tá Nguyễn Khắc Tuân, Ðại Tá Ðàng Thiện Ngôn.. đều không có ý định dời dân xã La Gàn ra vùng an ninh vì bị dân biểu Trương Gia Kỳ Sanh (Trúc Viên 1967-1971) đâm thọt sàm tấu đủ điều trước Quốc Hội VNCH ở Sài Gòn, rằng là QLVNCH hành quân làm hư hại vườn tược nhà cửa của đồng bào. Vì vậy mà Trúc Viên đã đắc cử nhờ hốt được số phiếu của cử tri xã La Gàn.

Vào tháng 8-9/1967 Chi Khu Trưởng Tuy Phong là Thiếu Tá Bùi Quang Huynh đã tổ chức một cuộc hành quân phối họp với Chi Ðoàn 4/8 Thiết Vận Xa của Trung Uý Hàng Phong Cao, nên đã giữ được an ninh cho xã La Gàn được vài ngày, để tổ chức cuộc bầu cử Tổng Thống và Quốc Hội VNCH niên khóa 1967-1971.
Cuối năm 1969 Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa, nguyên Trưởng Phòng 2 Quân Khu II về giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Bình Thuận, thay thế Ðại Tá Ðàng Thiện Ngôn. 

Là một quân nhân chuyên nghiệp ngành tình báo, từ lúc còn giữ chức vụ Quận Trưởng Hóc Môn (Gia Ðịnh) là nơi nổi tiếng về các mật khu của VC. Vì vậy ông đã bất chấp những sự đe dọa phi lý và mị dân của đám dân cử ăn hại tại Bình Thuận vào thời đó, với mục đích của chúng là cứ để xã La Gàn nằm ngoài vòng kiểm soat của Chính Quyền Quốc Gia, khi ban đêm bị bỏ ngỏ nên VC mặc sức về hoạt động và tiếp nhận nguồn tiếp tế và bổ sung nhân lực thật dồi dào.

Nhằm chấm dứt tình trạng xôi đậu tại La Gàn cũng như tránh cho binh sĩ bị thiệt hại vì đạp phải mìn bẫy qua các cuộc hành quân. Ðầu tháng 6-1971, Ðại Tá Nghĩa ban hành kế hoạch dời dân từ La Gàn đến Xã Ðời Mới được thiết lập tại một địa điểm giáp ranh với xã Liên Hương, cũng là quận lỵ của quận Tuy Phong, để tiện kiểm soát an ninh.

Theo kế hoạch dời dân, Ðại Tá Nghĩa ra lệnh cho Thiếu Tá Lê Phú Nhuận, Chi Khu Trưởng Chi Khu Tuy Phong, mở một cuộc hành quân với sự tham dự của hai Ðại Ðội thiện chiến của Liên Ðội 2/10 ÐP do Thiếu Tá Võ Minh Vỵ chỉ huy (Ðơn vị này sau là Tiểu Ðoàn 248 ÐP của Thiếu Tá Lê Văn Trung, khóa 12 SQ Thủ Ðức, từ Biệt Ðộng Quân về, thế Thiếu Tá Vỵ làm Chi Khu Phó Tuy Phong).. Hai Ðại Ðôi này được di chuyển tới La Gàn vào đêm trước, rải quân bao quanh xã với mục đích ngăn không cho dân địa phương ra ngoài làm vườn rẫy như thường lệ. Việc tập trung đồng bào thật sự cũng chỉ với mục đích để Ðại Tá Nghĩa từ Phan Thiết tới, giải thích cho mọi người về lợi ích khi tới lập nghiệp ở xã Ðời Mới. Có như vậy ai nấy mới an lòng ra đi dù ai cũng rất đau lòng vì phải rời nơi chôn nhau cắt rốn, thân thương một đời.

Khoảng 1 giờ trưa, phái đoàn tỉnh và quận đến. Ðoàn xe được dẫn đầu bởi chiếc xe Jeep của Thiếu Tá Nhuận, Chi Khu Trưởng Tuy Phong. Ðại Tá Ngô Tấn Nghĩa đi chiếc Jeep lùn mui trần do chính người con trai thứ là Ngô Quang Lễ lái, tài xế và cận vệ ngồi băng sau. Xe này chạy sau xe Thiếu Tá Nhuận. Chiếc Jeep thứ ba chở Thiếu Tá Cố Vấn Mỹ, chi khu Tuy Phong. Sau cùng là một xe Dodge, chở Liên Tiểu Ðội Tình Báo Chi Khu Tuy Phong, gồm Toán Tình Báo Ðịa Phương Quân do Thương Sĩ Nguyễn Lang chỉ huy và Tiểu Ðôi Tình Báo Nghĩa Quân của Tiểu Ðội Trưởng Mười Ninh.

Ai cũng biết khu vực Giếng Truông nằm cuối đường, trước khi vào xã La Gàn là địa điểm rất tấp nập vì là nơi duy nhất mà ai cũng tới đây để lấy nước ngọt về dùng. Lợi dụng hoàn cảnh trên, du kích và cán bộ VC thường trà trộn vào đồng bào để hoạt động, lấy tin tức . Ðây cũng là một vị trí chiến lược, thuận tiện cho việc phục kích các đoàn xe của QLVNCH ra vào xã La Gàn vì vùng này cây cối um tùm, phía sau là đồi cát cao có thể phục quân, tấn công chớp nhoáng khi đã quan sát được chiến trường trước mặt.

Vào giờ N đã điểm, chiếc xe đầu của Thiếu Tá Nhuận qua khỏi Giếng Truông vào xã, VC lập tức khai hỏa nhắm vào chiếc Jeep của Ðại Tá Nghĩa, bằng các loại súng B40 và AK 47. Theo lời kể của Ngô Quang Lễ với Phó Cửu, nếu hôm đó xe do tài xế lái. Chắc chắn khi anh ta được lệnh của Ðại Tá bảo ngừng xe, thì mọi người đều chết hết. Nhưng vì xe do Lễ lái, nên lúc bị tấn công, anh đã đạp hết ga. Nhờ vậy mới ra khỏi hiện trường đang nguy hiểm. Phần khác cũng nhờ Liên Tiểu Ðội Tình Báo ÐPQ + NQ của Chi Khu Tuy Phong, do Thượng Sĩ Nguyễn Lang và Tiểu Ðội Trưởng Mười Ninh , phản ứng hữu hiệu và kịp thời. Nên đã đẩy lui được địch sau một cuộc chạm súng ngắn ngủi, VC chém vè.
Kết quả chiếc Jeep lùn chở Ðại tá Nghĩa trúng nhiều loạt đạn. Kiếng chắn gió phía bên ghế ông ngồi, phần trên trúng nhiều loạt đạn AK 47 nên bễ nát. Nhờ ông lùn và hôm đó có đội mũ sắt, mang áo giáp nên không hề hấn gì.. Xe bị một quả B40 bắn lướt qua nhưng nhờ Lễ nhanh lẹ lái xuống lề đường tránh kịp và không bị lật, nên không ai bị thương.

Cuối cùng Ðại Tá Nghĩa vẫn bình tĩnh, vào xã nói chuyện với đồng bào như chương trình đã định sẵn. Trước tấm lòng thương dân nên không nề hà nguy hiểm đến tánh mạng, đã khiến cho đồng bào xã La Gàn cảm phục và họ đã an tâm tới vùng đất mới do chính phủ thiết lập, để khẩn hoang lập ấp .
Hoa Kỳ tháng 5-2014
MAI XUÂN CÚC

No comments: