Monday, December 26, 2022

TIỂU ĐOÀN 88 BĐQ/VNCH HY SINH TRẤN THỦ - fb Yến Ngọc Hải Âu

TIỂU ĐOÀN 88 BĐQ/VNCH HY SINH TRẤN THỦ

Yến Ngọc Hải Âu
Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Thắp Nén Hương Tưởng Niệm Tử Sĩ Anh Hùng
TỔ QUỐC GHI ƠN
TIỂU ĐOÀN 88 BĐQ: "100 ̀% TỬ CHIẾN HY SINH
TRẠI BIỆT ĐỘNG QUÂN – BIÊN PHÒNG ĐAK PEK – TÂY NGỌC LINH – BẮC KON TUM – TIỂU ĐOÀN 88 BĐQ- VNCH HY SINH TRẤN THỦ.".
----------------------
Căn cứ Dak Pek là một tiền đồn biên phòng nằm gần biên giới Lào Việt, giáp với quận Ba Tơ tỉnh Quảng Ngãi và cách Thị xã Kon Tum 80 cây số về hướng Tây bắc. Lưc Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Hoa Kỳ xây căn cứ này vào tháng 4 năm 1962 nhằm mục đích ngăn chận, phá hoại đường xâm nhập từ bắc vào nam của Cộng sản (CS).

Đến ngày 30 tháng 11 năm 1970, Hoa Kỳ chuyển giao căn cứ này lại cho Việt Nam Cộng Hòa và được Tiểu Đoàn 88 Biệt Động Quân (BĐQ) Biên Phòng trấn giữ.
Sau khi nhận căn cứ, Tiểu Đoàn 88 được giao phó thêm nhiệm vụ huấn luyện cho các tân sĩ quan về kỹ thuật trinh sát, viễn thám, trước khi bổ sung cho các đơn vị Biệt Động Quân đang hành quân trên bốn quân khu và Cam Bốt. Trong trận chiến mùa hè đỏ lửa năm 1972, các đơn vị CS tấn công căn cứ Dak Pek nhưng thất bại, một phần vì các binh sĩ Biệt Động Quân chống trả dữ dội, một phần vì vị trí chiến lược của trại có nhiều đồi núi, phân tán, nên tránh được hỏa lực pháo binh của đối phương. Thất bại trong việc đánh chiếm Dak Pek, Cộng sản cho quân đi vòng xuống phía nam đánh chiếm Tân Cảnh và bao vây thành phố Kontum.

Trong năm 1973 chỉ có những cuộc chạm súng nhỏ không đáng kể. Các đơn vị Cộng sản vẫn không chiếm được Dak Pek mặc dầu các tiền đồn khác như Ben Het, Dak Seang và quận Ba Tơ đã lần lượt rơi vào tay họ. Cuối năm 1973, Tiểu Đoàn 88 BĐQ kết hợp với Tiểu Đoàn 95 (từng đóng tại Bến Hết – Ben Het), Tiểu Đoàn 62 (từng đóng tại Polei Kleng) để trở thành Liên Đoàn 22 BĐQ. Liên đoàn với hai tiểu đoàn lưu động thường xuyên hành quân trên vùng cao nguyên Kontum, Pleiku,Phú Yên. Còn Tiểu Đoàn 88 vẫn đóng quân giữ căn cứ Dak Pek. Lúc này căn cứ Dak pek đã bị cô lập hoàn toàn, mọi việc liên lạc với bên ngoài, tải thương, tiếp tế đều bằng trực thăng, ngoài ra tiểu đoàn không còn được sự yểm trợ của pháo binh bạn vì nằm quá xa, sâu trong vùng địch chiếm đóng.

Căn cứ này được Hoa Kỳ xây vào năm 1962, về sau chuyển giao lại cho Tiểu Đoàn 88 Biệt Động Quân VNCH vào cuối năm 1970. Trong chiến dịch tổng tấn công mùa hè năm 1972, CS đã thất bại trong kế hoạch đánh chiếm Dak Pek. Nhưng hai năm sau với một chiến dịch bao vây triền miên và pháo kích lâu dài, CS đã gây tổn thất nặng nề cho đơn vị Biệt Động Quân phòng thủ. Ngày 16 tháng 5/1974, căn cứ Dak Pek thất thủ. Tiểu Đoàn 88 BĐQ tuy đã chiến đấu cực kỳ dũng mãnh, nhưng kết cuộc cũng tan rã và coi như bị thiệt hại gần 100% quân số.

Vào cuối tháng 3 năm 1974, trong khi hai Tiểu Đoàn 62 và 95 quần thảo với các đơn vị Cộng quân thuộc Sư Đoàn 320 và Trung Đoàn 95B trong vùng Kon Sơ Lu, đông bắc Kontum thì nhận được công điện khẩn của Tiểu Đoàn 88 gửi về. Thiếu Tá Di (tiểu đoàn trưởng) và sĩ quan tham mưu báo cáo cho biết các toán viễn thám của tiểu đoàn phát hiện sự gia tăng hoạt động của địch. Nào là xe vận tải Molotova, công binh, dân công làm đường …

“Địch quân đang chuẩn bị tấn công căn cứ chúng tôi.
Stop.
Yêu cầu bộ chỉ huy khẩn gửi gấp lương thực, đạn dược, mìn claymore, súng phóng hỏa tiễn M-72, thuốc men. Stop.” Đó là những lời cầu cứu của các quân nhân thuộc Tiểu Đoàn 88 BĐQ. Các công điện gửi về liên tục tại trung tâm hành quân liên đoàn. Mọi người đều lo lắng cho số phận của căn cứ Dak Pek, yêu cầu Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân tại Quân Khu 2 yểm trợ cho Tiểu Đoàn 88. Trong khi đó Liên Đoàn 22 nhận lệnh di chuyển đến vùng hành quân mới tại Plei Lang Ba thuộc tỉnh Pleiku.

Trong một cuộc chạm súng gần căn cứ vào ngày 27 tháng 4 năm 1974, các binh sĩ Biệt Động Quân tịch thu một tài liệu cho biết CS đang chuẩn bị cho một trận đánh dứt điểm căn cứ Dak Pek. Đầu tháng 5 toán viễn thám BĐQ khám phá một hầm chứa 60 viên đạn pháo binh 105 ly (tịch thu được của Việt Nam Cộng Hòa trong chiến trận mùa hè đỏ lửa). Tuy nhiên, một điều mà BĐQ không biết đến là Trung Đoàn 29 (thuộc Sư Đoàn 324B) CS đã được di chuyển bằng xe vận tải Molotova từ thung lũng A Shau tỉnh Thừa Thiên về vùng tam biên.

Việc xử dụng Trung Đoàn 29 chứng tỏ khả năng di động của CS đã được phát triển cùng với hệ thống đường xá và phòng không. Trách nhiệm dứt điểm căn cứ Dak Pek được trao cho Trung Đoàn 29. Trung đoàn này đã bí mật di chuyển 75 dặm và đạt dưới quyền điều động của Mặt Trận B3.

Vị sĩ quan tiểu đoàn trưởng của Tiểu Đoàn 88 BĐQ có giữ một bức mật thư, chỉ mở ra khi trường hợp căn cứ Dak Pek bị tràn ngập. Ông ta sẽ hướng dẫn các binh sĩ sống sót băng rừng vượt núi chạy về Mang Buk – Kon Plông , một tiền đồn cách Dak Pek vào khoảng 60 cây số về hướng đông nam. Nhưng có lẽ Thiếu Tá Di không có dịp mở bức mật thư đó ra để thi hành.

Bắt đầu từ ngày 10 tháng 5/1974, các trung đội BĐQ có nhiệm vụ lục soát bên ngoài căn cứ đã bắt đầu chạm súng lẻ tẻ với các đơn vị tiền phương của địch. Hai ngày sau quân CS khởi đầu trận pháo kích lên vị trí phòng thủ của Tiểu Đoàn 88 bằng đủ loại đạn, hỏa tiễn, và súng cối. Sau đó Trung Đoàn 29 bắt đầu tấn công các tiền đồn nhỏ bên ngoài.

Ở trong căn cứ, các binh sĩ Biệt Động Quân chống trả mãnh liệt, đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch. Trận đánh kéo dài bốn ngày, thiếu hỏa lực yểm trợ của pháo binh bạn, tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 88 thu nhỏ dần, tuy nhiên các binh sĩ vẫn không buông súng.
Đến sáng ngày 16, sau khi tập trung đạn pháo binh bắn vào các vị trí còn lại của Biệt Động Quân, các cánh quân thuộc Trung Đoàn 29 CS có chiến xa T-54 yểm trợ đã siết chặt vòng vây, tiến vào căn cứ. Tất cả lô cốt, công sự phòng thủ trong căn cứ Dak Pek đều bị sập dưới trận mưa pháo của địch. Lúc đó Thiếu Tá Di vẫn còn liên lạc với các phi cơ yểm trợ. Trong trận này Không Quân đã bay hơn 70 phi vụ yểm trợ cho Tiểu Đoàn 88 BĐQ. Nhưng vì thời tiết xấu và hỏa lực phòng không của quá mạnh mẽ nên các phi vụ oanh kích đã kém nhiều hiệu quả. Đến trưa, tiếng nói của Thiếu Tá Di trên máy vô tuyến PRC-25 đã im lặng dưới hỏa lực của địch.

Quân CS đã bắn vào căn cứ hơn 7,000 đạn pháo binh và hỏa tiễn trong vòng 12 tiếng đồng hồ trước khi Tiểu Đoàn 88 BĐQ và căn cứ Dak Pek thất thủ.

Sau trận đánh căn cứ Dak Pek tháng 5/1974, báo cáo tổn thất về Tiểu Đoàn 88 BĐQ là 100%. Tiểu đoàn này đã bị cô lập hơn một năm, tất cả các vùng xung quanh như Tân Cảnh, Dakto đã mất vào tay quân CS . Tuy đã có kế hoạch cho Tiểu Đoàn 88 rút về tiền đồn Măng Buk , nhưng Măng Buk nằm phía Đông bắc Tx Kon Tum thuộc Kon Plông giáp giới tỉnh Quảng Ngãi , lại cách Dak Pek đến 60 Km thì đâu thể nào các quân nhân Tiểu Đoàn 88 có thể tìm đường đến đó khi căn cứ Dak Pek thất thủ.
Căn cứ Biệt Động Quân Biên Phòng Đak Pek bị lãng quên dần theo sương gió cao nguyên … kể từ ngày ấy

 

No comments: