Wednesday, March 8, 2023

NGƯỜI LÍNH VNCH (3) Người Việt Tự do

NGƯỜI LÍNH VNCH (3)

Người Việt Tự do
Anka Pham
Huân căng mắt nhìn giòng sông trước mặt, trời đã bắt đầu về chiều tắt nắng, nước chảy êm đềm trên khoảng sông bề ngang chỉ rộng hơn chục thước. Mười tám người lính thám kích bố trí trải dài dọc bờ chừng gần mười thước, mọi họng súng ghìm chặt từ mấy gương mặt thoa đen màu nguỵ trang. Họ nằm đây đã hơn bốn tiếng đống hồ chờ mục tiêu. 
--------------
Tin tình báo ban Hai một đơn vị Việt cộng sẽ di chuyển trên con sông này chiều nay, quân số khoảng trên dưới hai Trung đội trừ. Nghe nói để bảo vệ một viên chức cao cấp ít nhất cũng từ Huyện Uỷ trở lên. Lính của Huân kinh nghiệm dầy dạn về phục kích, toàn dân sừng sỏ chiến trận, hễ đã ra đi thì thế nào cũng trở về với vài cây AK. Dứt một con mòng cỡ đó tha hồ ẵm tiền thưởng nhậu mệt nghỉ.
 
Khác với người địa phương sinh ra và lớn lên ở đây, Huân dân Sàigòn về hơn sáu tháng trước. Hồi chọn đơn vị Huân tình nguyện xin khiến mấy thằng bạn cùng khoá ngỡ ngàng, vì với thứ hạng cao Huân dễ dàng kiếm được cơ hội không phải lội sình vùng Bốn. Nhiều đứa về các đơn vị Tổng Trừ Bị chê Huân nhát gan, lính công tử bột, lính sữa. Ai nói gì thì nói nhát gan không có trong từ điển của Huân. Lính nào cũng là lính, Tổng Trừ Bị hay Địa Phương Quân, Nghĩa Quân hay Chiến Tranh Chính Trị, gặp Việt cộng cũng phải bắn giết để dành sống. Mà Việt cộng nó cũng đâu có hỏi mình thuộc loại lính nào trước khi bóp cò. Bắn hoặc bị bắn thì mặc bộ đồ trận kiểu gì cũng có khác gì nhau đâu
 
Hồi mới về vùng này Huân từng hối hận về quyết định và cái triết lý lẩm cẩm trật lất của mình. Huân tiếc không xin về Tổng Trừ Bị để tung hoành ngang dọc thoả chí tang bồng, dù có đánh đấm dữ dội nhưng sau đó thì trở về hậu cứ nghỉ ngơi, tha hồ xã láng. Còn ở đây đất trời toàn sông nước, đồng ruộng bạt ngàn đầm lầy mênh mông nhìn riết cũng chán con mắt. Lính tráng lè phè, uống rượu như nước lã. Cơm ngày nào cũng canh chua đầy thịt rùa rắn, cá cua ăn không hết. Dân tình làm chơi mà ăn thiệt, lúa nếp dùng cất rượu mở mắt ra là gầy sòng nhậu vì mồi ê hề, chịu khó đem lựu đạn ra sông thẩy xuống vài trái là cá cỡ bắp chân ăn không hết. Cá dưới một kí không ai đếm xỉa tới. Cháo lươn, cháo cá lóc, chim chuột rùa rắn ngày nào cũng có riết rồi chọn thức ăn cho bữa cơm nhiều khi phát mệt không biết hôm nay ăn cơm với món gì.
 
Rượu mới đáng kể. Con nít mười ba mười bốn tuổi đen thui như trâu cui vì dầm mưa dầm nắng suốt năm tháng ngoài đồng ruộng là bậc thầy giăng câu gài bẫy. Tụi nó uống rượu bằng chén, uống say thì xách đờn ra ca vọng cổ rồi nằm tại chỗ làm một giấc cho tới khi giả rượu. Cứ hai ba ngày lại một chu kỳ như vậy. Ngày thứ Bảy thì canh đài Sàigòn chờ nghe tuồng cải lương, thoại kịch hoặc tường thuật đá banh. Ngoài ra chẳng có gì giải trí nên ông già thanh niên hè nhau nhậu cho quên đời.
 
Thời gian đầu Huân như đứa con nít giữa những người lính đen đúa, cằn cỗi, mắt người nào cũng hằn tia gân máu. Nếu không có cái lon Chuẩn úy trên áo họ cũng chẳng thèm đưa tay chào theo quân kỷ. Sau này Huân khám phá mức nể phục đối với cấp chỉ huy ở đây là theo tửu lượng . Từ chối không tham gia, không theo kịp trong mấy bữa nhậu sẽ bị coi là sữa, rất khó chinh phục , còn theo thì không nổi vì trong huyết quản họ toàn rượu.
 
Những ngày đầu tập hợp đơn vị, Huân lúng túng, ngán ngẫm. Mặt mũi họ u tối, thất học, cả đời chỉ biết đồng ruộng, cá mắm, nhậu nhẹt. Họ không quan tâm về quân phong quân kỷ , người mặc bộ quần áo bà ba đen, chân mang dép, người mặc quần đùi, áo trây-di bạc màu, chân đất y như Việt cộng.
Thượng sĩ Ngọc ba mươi ba tuổi, già nhất và cấp bậc cao nhất trong Trung đội đã cứu nguy cho anh chàng chuẩn úy mới ra trường áo còn thơm mùi Thủ Đức. Ông Thượng sĩ không biết sao lại sở hữu cái tên đẹp như của người thành thị giữa đám lính tráng quê mùa, cục mịch như binh nhì Nguyễn Văn Hai, binh nhất Trần Đực, Nguyễn Ban, Lê Văn Nở…
 
Bề ngoài Thượng sĩ Nguyễn Xuân Ngọc không khác gì đám lính của mình, quê mùa trong bộ đồ bà ba đen đã bạc với màu bùn, phèn chua. Nhưng khi ra lệnh mới biết cái uy của ông giữa đám lính sinh ra và lớn lên cùng quê hương gốc gác. Thượng sĩ Ngọc vai vác cây Carbine M2 thời Đệ Nhị Thế Chiến, tay cầm cây gậy đi từ đầu đến cuối hàng quân. Thằng nào không nghiêm chỉnh ông quất ngay một gậy vào lưng.
– Tụi bây đứng ngay hàng thẳng lối lại coi, đừng làm quê mặt tao trước Chuẩn úy chớ. Thằng Hai, nón sắt mầy đâu ?
 
Nhờ Thượng sĩ Ngọc, cuối cùng Trung đội cũng chỉnh tề, hàng ngũ thẳng tắp . Huân thầm cám ơn ông, kỹ luật quân đội còn tồn tại và được chấp hành nghiêm chỉnh là nhờ mấy ông Thượng sĩ như thế này. Huân chào và giới thiệu vài điều về cá nhân rồi cho giải tán, biết rằng có nói nhiều đi nữa cũng sẽ không thấm vào tai những người lính mà nhìn mặt già hơn anh rất nhiều. Huân bắt tay Thượng sĩ Ngọc:
– Cám ơn Thượng sĩ. Tôi lạ nước lạ cái nhờ ông giúp đỡ..
– Có gì đâu Chuẩn úy, coi vậy chớ tụi nó làm ăn được lắm. Từ từ rồi Chuẩn úy sẽ thấy…
– Tôi biết anh em chưa tin tôi lắm, rồi tôi sẽ cố gắng để không làm anh em thất vọng..
– Tôi hiểu mà. À, ông có nhậu được không? Chiều nay ghé nhà tôi làm vài ly. Ở đây chỉ có rượu là niềm vui, không uống rượu thì cũng chẳng làm gì.
– Rồi, chiều tôi ghé…
Hôm đó Huân ở lại ngủ trên võng ngoài mái hiên nhà Thượng sĩ Ngọc sau khi đã nôn ói tới mật xanh mật vàng. Thời chưa vào lính thỉnh thoảng cũng có những dịp giỗ chạp nhưng chưa bao giờ Huân say xỉn tới mức.
 
Biết mình tửu lượng không cao, nhưng chút suy nghĩ sót lại sau vài chén rượu nhắc Huân rằng chịu thua những người lính này sẽ khiến họ coi thường và sẽ rất khó để chỉ huy họ. Do đó chén đưa đến là Huân cạn. Họ không uống bằng chung nhỏ, họ đong rượu bằng tô ăn cơm, và phải cạn trước khi chuyển sang người bên cạnh. Trung đội có mặt đủ – trừ bán Tiểu đội phải trực gác – hầu như chỉ uống mà không ăn. Tô canh chua cá lóc, dĩa chuột rô ti, cháo rắn nấu đậu xanh không mấy ai đụng đũa tới, ngoại trừ ông Chuẩn úy mới ra trường lưu lạc xuống. Khi Huân nôn lần đầu anh nghe loáng thoáng có người nói:
– Cha Chuẩn úy sắp gục rồi, thôi để chả yên…
Huân cố gắng gượng ngồi dậy
– Không sao, tôi còn uống được mà, tình thương mến thương với anh em tôi đâu có ngán. Anh em tới đâu tôi theo tới đó…
Lần thứ hai không còn gì trong bụng Huân nghe tiếng ” Cha nầy ngon à nha, dân thành thị mà chơi cũng dữ chớ…” Huân không nhận ra tiếng của ai, nhưng hề gì, miễn là họ bắt đầu chấp nhận anh vào cái cộng đồng uống rượu nhiều hơn ăn cơm của họ là được. Ít nhất trong mắt họ bây giờ anh biến dạng dần từ một sĩ quan vừa rời quân trường thành một người lính thực sự ở vùng đất muỗi và cá nhiều như nhau nầy.
 
Từ bữa nhậu ra mắt, lính tráng nhìn Huân dễ chịu hơn. Thêm vài ba cuộc sau này họ không còn uể oải thờ ơ trước lệnh lạc của anh, thêm sự đốc thúc của Thượng sĩ Ngọc Trung đội lấy lại chút ít sức sống. Huân cũng không còn gọi Thượng sĩ Ngọc theo cấp bậc nữa, anh gọi ông là Anh Ba theo cách của lính trong Trung đội.
 
Chuyện thành lập Trung đội cũng là chuyện ly kỳ. Ông Thiếu tá Chi khu Trưởng cho rút hết những tay cứng đầu cứng cổ, vô kỷ luật từ các đơn vị địa phương về. Đầu tiên ông giao cho một Thiếu úy – trước Huân hai khóa ở Thủ Đức – làm Trung đội Trưởng với sự trợ giúp của Thượng sĩ Ngọc. Ông Thiếu tá gốc Biệt Động Quân, ra lệnh phải tái huấn luyện Trung đội theo kỷ luật sắt và áp dụng chiến thuật du kích của Việt cộng và ông yểm trợ tối đa vũ khí quân dụng. Phục kích, ám sát, xâm nhập cái gì Việt cộng làm được ông cũng yêu cầu Trung đội phải làm được và làm tốt hơn. Quả nhiên sau một thời gian Trung đội hoạt động, du kích Việt cộng bị phá tan nát, nhiều khu an toàn trước đây bi xâm nhập huỷ hoại. Bù lại Việt cộng trả thù gài mìn giết chết ông Trung đội Trưởng. Xe của Thiếu tá Chi khu Trưởng bị bắn B40 tan nát. Rất may ông đang đi phép ở Sàigòn.
 
Từ ngày thành lập tám anh em đã tử trận. Nhờ sự hổ trợ của ông Quận Trưởng chịu chơi, đơn vị được tăng cường dồi dào vũ khí hiện đại đủ sức đánh trực chiến với chính quy Việt cộng. Đặc biệt Trung đội luôn luôn được bổ sung quân số đủ với bốn mươi hai người và nhận được mọi ưu tiên từ ông Quận Trưởng. Huân là người thứ hai nắm quyền chỉ huy . Lúc đầu không ai trong Trung đội tin là Huân sẽ chiếm được cảm tình và sự ngưỡng mộ mà họ từng dành cho vị tiền nhiệm.
Trung đội được xử dụng như một kiểu lực lượng đặc biệt, trực thuộc sự điều động của Chi khu. Trừ trường hợp phải hoạt động ngầm Chi khu cần đến họ, còn thì cả đơn vị chỉ nằm chờ lệnh. Trong thời gian đó họ chia nhau đi kích thường xuyên, nằm phục trên những tuyến đường nổi tiếng về sự vận chuyển của Việt cộng. Họ nắm thế chủ động truy lùng địch liên tục nên lần nào trở về cũng được vài cây AK, Trường Bá Đỏ, CKC. Riết rồi du kích sợ, không dám nghênh ngang lộng hành như trước nữa. “Lính Ma ” là tên mà du kích đặt riêng cho Trung đội và mỗi thành viên đều mang bảng giá trên đầu mình. Bắt sống hoặc giết chết (một lính ma Nguỵ) sẽ nhận được năm ngàn đồng tiền thưởng.
 
Thượng sĩ Ngọc, anh Ba của Trung đội vẫn tổ chức nhậu nhẹt tại nhà. Tình hình an ninh tốt đến nỗi anh em tụ họp ăn uống mà không sợ Việt cộng đánh úp hay liệng lựu đạn. Chung quanh khu vực lúc nào cũng có một bán Tiểu đội nằm phục nghe ngóng động tỉnh.
Huân dần trở thành một phần của cái gia đình nhỏ này,lính cũng nể phục anh vì giờ anh nhìn không khác gì họ, nước da đen đúa mốc phèn, áo bà ba trắng mồ hôi muối, tóc khô cứng vì ngâm nước lại lười chải. Tửu lượng dần tăng đô, Huân nay có thể cầm cự sáng đêm với Trung đội, thậm chí với thằng Đực Nhì lì lợm cứng cựa nhất đơn vị. Ba má nó tính rặn thêm thằng Đực Tam nhưng ông trời lại cho đứa con gái nên đặt tên Út Nhỏ mới mười bảy tuổi đầu, hiện là người yêu không chính thức của Tiểu đội phó Nguyễn Văn Lì đang chờ đám cưới. Đực Nhì nhậu có tiếng mà hễ say là nã M79 bá phát bá trúng. Vậy mà có lần nhậu xỉn Đực Nhì phải xá dài Huân ” Chuẩn úy, tui thua ông rồi !! ”
Huân ở luôn tại nhà anh Ba Ngọc. Nhà chỉ có hai vợ chồng anh Ba và thằng con trai mười hai tuổi, thằng nhỏ rất khoái Huân, anh đi đâu nó cũng theo tò tò. Mười hai tuổi ở vùng này còn khôn ngoan và lanh lợi hơn một chục đứa trên thành phố. Thằng Măng rất dễ thương nhưng không có điều kiện đi học, cha mẹ nó định để lại cho nó vài chục sào ruộng đất đai hương hoả. Huân tội nghiệp nên tình nguyện làm gia sư. Măng sáng dạ giờ đã biết đọc báo, làm toán… Anh chị Ba rất mừng nên nấu ăn cho Huân miễn phí, nhưng Chuẩn úy Huân trả tiền sòng phẳng vì biết anh chị chẳng giàu có gì. Bữa nào ba có độ với mấy chú là Măng xách lưới, bẫy hoặc xin mấy chú vài trái lựu đạn đồ mồi đem về ăn không hết. Con nít thành phố không bằng một góc nó khi đụng tới vũ khí. Măng biết phân biệt rành rọt đồ chơi nào của phe Quốc gia hay phe Việt cộng.
 
Riết rồi Huân cũng chẳng còn nhớ Sàigòn bao nhiêu. Thỉnh thoảng nhận được thư của má gởi lần nào cũng hứa với má sẽ xin ông Quận cho cái phép về thăm nhà. Rồi lần nào cũng quên theo những cuộc nhậu dài dài. Thằng Huân thư sinh con của má ngày nào giờ trở thành bợm nhậu bất đắc dĩ. Nhớ má thì lúc nào Huân cũng nhớ, nhưng sợ về nhà má sẽ hối thúc việc lấy vợ, chuyện Huân chẳng muốn nghĩ ngợi lo lắng chút nào. Nhà má ở trong một ngỏ hẻm thuộc quận Tư nghèo nhất thủ đô. Bốn mẹ con sống với nhau từ khi bé Ngọc – em gái kế Huân, chị của thằng Tuân đứa út – được hai tuổi, . Ba chết, mẹ phải tảo tần nuôi mấy anh em, bởi vậy Huân cố gắng hết sức học hành. Mộng của Huân là sẽ trở thành một bác sĩ để lo toan, chăm sóc má và hai em. Lạ một điều đứa nào ở tuổi Huân cũng mộng mơ thành bác sĩ mà cuối cùng theo nhau khăn gói vào quân trường ra lính hết.
 
Ngày Huân thi đậu Tú Tài 2, má mừng đến nổi ôm Huân mà khóc, hai đứa em cũng khóc . Ngày vui mà ai cũng lèm nhèm nước mắt, Huân cầm lòng không đậu theo gia đình. Hai mẹ con khóc với lý do khác nhau, má tưởng rằng nhờ thi đậu Huân sẽ tiếp tục được đi học chưa phải vào lính. Còn Huân thì biết rằng đây là ơn huệ cuối cùng nhà nước dành cho anh, đậu hay rớt gì anh cũng phải giã từ trường lớp. Hôm đó má nghỉ bán sớm một bữa, lặn lội mua hẳn con vịt quay, vài lon Coca, mấy mẹ con quay quần ăn mừng. Má mua nước ngọt Mỹ cho ba đứa con, cũng là lần đầu tiên má xài sang.
 
Huân chỉ cho má biết mình phải vào quân trường hai ngày trước thời hạn. Anh không muốn thấy má khóc, anh lang thang nhà bạn bè đến gần tối mới về rồi len lén chui vào mùng đi ngủ. Vậy mà má cũng mò vào chỗ anh, đánh thức anh dậy. Má không khóc hay đã khóc khô hết nước mắt trước đó Huân không biết. Lần đầu tiên Huân ôm má mà trong đầu cứ thắc mắc không biết chừng nào sẽ được ôm má lần nữa.
– Chuẩn úy, chiều nay má tui có nấu nồi canh chua cá lóc, ghé nhà nhậu một bữa nha
– Ờ, mà có nhiều người không?
– Cỡ chục mạng. Đám còn lại theo anh Ba đi kích rồi
Huân uể oải buông rơi cuốn sách xuống đất, ngáp lớn.
 
Đời lính nơi mát trời ông địa này hễ không chui vào mấy bụi rậm rình Việt cộng thì lại uống rượu quên ăn. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ chỉ có vài tiếng tỉnh táo, thời gian còn lại chìm trong giấc ngủ với cái bụng căng đầy rượu và đồ mồi. Cá rùa rắn rết, siêng hơn một chút thì xách súng kiếm vài con khỉ cũng say quắc cần câu với anh em. Riết rồi không biết có nên gọi đó là cuộc sống hay một xác chết ướp rượu mà còn thở.
Phải chi đừng có chiến tranh những người trẻ như Huân, Đực Nhì hay Nguyễn Văn Lì giờ này đang ngồi trên ghe thả lưới hoặc lim dim bên ly cà-phê đen nghe Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Duy Khánh. Bên cạnh không phải là cây M16, chùm lựu đạn MK3 mà là rổ rau dại nấu một nồi canh chua ăn quên thôi, hoặc đọc một quyển sách hay nào đó, như quyển sách Huân vừa mới để rơi xuống đất.
 
Quyển sách nói về cuộc Chiến tranh Thế giới thứ Nhất. Từ cái chết của ông Hoàng bà Chúa nào đó không liên quan gì tới dân ngu khu đen, cả địa cầu bị xua vào chém giết nhau trong bốn năm ngắn ngủi hoang phí hàng chục triệu mạng người. Lính các nước sống trong hầm hố với chấy rận chui rúc trong cơ thể. Thế giới tan nát vì bom đạn, những xác người quằn quại bởi mọi thứ vũ khí mà các bên tham chiến đổ trút lên đầu nhau. Hàng chục triệu thân thể khoẻ mạnh, tinh hoa đất nước bị phí phạm. Nếu phát triển bình thường họ sẽ đem lại bao nhiêu lợi ích cho chính đất nước của họ hoặc thế giới. Chiến tranh là ý kiến kỳ quặc và hoang phí nhất mà những sinh vật thượng đẳng, chủ nhân ông của trái đất, đã nghĩ ra để đối xử với nhau.
Quyển sách được đứa em gởi từ Sàigòn để đọc giải trí trong lúc nhàn rỗi. Vốn thích chuyện chiến tranh nên có nó Huân nghiền ngẫm đọc đi đọc lại trong lúc rảnh. Rạp xi nê ở quận lỵ chiếu những phim cũ mèm dân quê cũng đã coi nát nước, là địa điểm cuối cùng Huân ghé vào để ngủ. Còn tuần san, báo chí nằm xếp đống dưới chân giường của Huân đã được đọc đến lần thứ mười. Do đó khi nhận được vài quyển tiểu thuyết từ Sàigòn, Huân trân quý như quà vô giá. Nhất là sách về chiến tranh, đọc để buồn cho cuộc đời người lính từ ngàn xưa tới bây giờ. Thanh niên tràn đầy sức sống, tương lai một đất nước phải từ bỏ tất cả gia đình người yêu, chui đầu vào trường huấn luyện theo kỷ luật sắt rồi bị gởi ra chiến trường chém giết không thương tiếc. Chưa từng biết mặt mũi quê quán, gia cảnh nhau, lại đâm chém, bóp cò súng vào nhau nhân danh những chủ thuyết.
 
Như lần phục kích trước đây đối phương để lại một xác tại chỗ. Trên gương mặt xanh xám vì mất máu của tử thi một lính chính quy miền Bắc, miệng há hốc để lộ cổ họng sâu hoắm đen ngòm. Đôi mắt trợn trừng chăm chăm (với lỗ đạn xoáy mất một mảnh trán), Huân không biết đối phương tên gì, ở đâu, cha mẹ anh chị em là ai, chỉ biết nếu mình chậm hơn một chút, cái xác nằm kia là mình chứ không phải hắn. Thỉnh thoảng Huân mới biết lai lịch của xác chết du kích địa phương qua lời kể lể than khóc chửi rủa của thân nhân. Thực tình mà nói cả Trung đội không ai có ý nghĩ thù oán hay căm ghét nào khi phải bóp cò vào những bóng đen đang tiến vào khu vực phục kích của họ, do đó họ chẳng làm khó dễ gì khi thân nhân ôm lấy thi thể than khóc kể lể . Có khi lôi về để trước sân lính còn đắp lên xác tấm chiếu, đốt vài cây nhang và đặt lên ngực nải chuối xanh. Chết rồi là hết hận thù, cũng chẳng vì hận thù mà họ phải giết, đó là nhiệm vụ họ được huấn luyện thi hành. Là cấp chỉ huy, Huân chưa bao giờ từ chối hay gây khó khăn khi thân nhân muốn xin xác về chôn cất. Chửi rủa than khóc chán rồi, coi như định mệnh số phận dành sẵn cho chồng cha anh em mình , đa số thân nhân lại khúm núm lễ phép xin ông Chuẩn úy được lãnh xác. Chưa bao giờ Huân lắc đầu sau khi bắt họ phải ký tên (hay điểm chỉ) trên tờ giấy xác nhận đây là người nhà.
 
Nhờ đó Huân biết ít nhiều về tình hình địa phương. Chẳng hạn như thằng Hùynh con bà Tám Hảo ở làng xóm Thượng – tên đầy đủ Nguyễn Văn Hùynh – làm liên lạc lúc mười bốn tuổi, chính thức cầm súng theo du kích đánh Mỹ Ngụỵ lúc mười sáu và bị Trung đội “Lính Ma ” phục kích khi vừa tròn mười bảy. Bà Tám Hảo réo gọi ông bà ông vải toàn Trung đội mà chửi . Đặc biệt ông Chuẩn úy (làm sao bà biết tên thì không ai hiểu)” Huân ơi là Huân ơi, sao mầy ác nhân ác đức mầy bắn chết con tao vậy Huân “. Lính nạt bả im bả càng chửi tới. Chiều xuống coi bộ mệt rồi, bà qua chỗ Huân qùy mọp năn nỉ ” Xin Chuẩn úy cho tui xin nó về chôn cất “.
 
Hoặc như Năm Hô, bốn mươi hai tuổi, chồng bà Sáu Lạc, là Ủy Viên Kinh Tài ở xã Hoà An. Cả hai bị phục kích chạy không kịp, trúng một băng M16 chéo ngang ngực của thằng Đực Nhì. Nhờ Đực Nhì kể rành rẽ Huân mới hiểu nổi những chuyện rắm rối diễn ra trong vùng xôi đậu này. Đực Nhì lính của Huân và du kích Hùynh nằm phơi xác ngoài sân từng là bạn chăn trâu hồi nhỏ. Đực Nhì đốt điếu thuốc Ruby gắn lên môi tái xanh của Hùynh, đắp chiếc chiếu che thân trên, còn lòi cặp chân khô máu và tức tốc đạp xe về nhà thông báo cho má nó. Còn Năm Hô thì phải đến chiều bà Sáu Lạc mới hớt hơ hớt hãi ra nhận xác, miệng còn nhai trầu bỏm bẻm. Tiếng khóc nghe thật thê lương nhưng không có nước mắt vì mất đi một khoảng thu nhập kha khá từ ông chồng kinh tài hay khóc cho phải đạo thì không ai biết. Thân xác to lớn của Năm Hô bó gọn trong tấm chiếu có mấy đứa con trai con gái cỡ mười bốn mười lăm đi theo phụ khiêng lên xe lam.
– Lính thám báo giết chồng tôi rồi bà con ơi!!
Giọng gào thét của bà Sáu không mủi lòng được ai. Một thằng nhỏ xóc bà dậy:
– Má, liệu đem ba về lo chôn cất chớ ở đây lỡ tụi nó đem mình ra bắn luôn theo ba
 
Huân nghiến răng, cố dằn cơn điên muốn tiến tới tát vào mặt thằng con nít. Nó bị nhồi sọ nặng rồi, chẳng chóng thì chày nó sẽ nhảy vào khu theo mấy đồng chí của ba nó. Nó không nhận ra Huân cho phép má nó đem chồng về chôn là ân huệ lớn vì rõ ràng đó là một Việt cộng thứ gộc. Nếu muốn rắc rối nhiêu khê Huân sẽ lôi hàng khối giấy tờ văn bản bắt phải điền, ký tên cho tới khi Năm Hô sình thối lên mới được lãnh về. Trong đầu thằng nhỏ, những người lính bắn chết ba nó là đám sát nhân không gớm tay như tuyên truyền trong những buổi họp hành ở mật khu. Việt cộng nòi như thằng nhỏ này cứ để nó theo con đường của cha ông rồi lúc nào đó chạm trán nó trên chiến trường. Hoặc bắt giữ ngay lúc này và giải giao về quận cho người ta dạy dỗ nó trong Trung Tâm Chiêu Hồi của tỉnh. Cả hai giải pháp đều nằm ngoài tầm tay và quyền lực của Trung đội Trưởng Thám sát Nguyễn Văn Huân.
 
Thằng nhóc không chịu chấp nhận rằng nếu ba nó không phải Việt cộng, chẳng ai dư thời giờ rảnh rang nằm bờ nằm bụi chịu cho muỗi mòng đỉa vắt hành hạ để phục kích. Thời gian nhiều tiếng đồng hồ rình rập đó thà tổ chức một buổi nhậu nhẹt còn hơn. Không người lính nào – kể cả lính Thám Kích ” Ma”- muốn bóp cò súng nhắm vào một đồng loại (dù là địch thủ) nếu còn cách giải quyết khác. Đằng sau một con người là dây mơ rễ má, vợ con anh em. Tuy họ uống rượu nhiều hơn nước nhưng Huân biết cả Trung đội dưới tay anh đều nhân hậu và giàu tình cảm dù bề ngoài rất khó nhận ra. Chẳng hạn như Tư Bộ mượn xe đạp chạy đi báo tin cho vợ Năm Hô mà sau này Huân mới biết. Tư Bộ công khai điều đó vì thực sự không có gì phải che dấu. Tất nhiên Tư Bộ không phải nội tuyến của Việt cộng chỉ vì nhà má nó và nhà bà Sáu Lạc cách nhau có gần cây số theo kiểu láng giềng. Tư Bộ tham dự trận phục kích và đã bắn hết băng đạn vào đám Việt cộng lọt ổ chính Huân nhìn thấy. Bắn chết đối thủ rồi cũng chính mình đi báo tin cho thân nhân nhận xác về chôn cất thì quả tình người thành thị như Huân không thể hiểu nổi. ” Lệnh thì phải thi hành thôi… mà nếu không bắn trước lỡ nó phản phục kích thì tha hồ ôm đầu máu mà chạy…” Tư Bộ phân trần.
Nghĩ cũng lạ, hai bên đối đầu có khi là bà con hàng xóm của nhau, cách vài kí lô mét đường xa. Từng gặp nhau chào hỏi trên con lộ ra chợ hoặc ra đồng làm ruộng. Có khi hồi còn nhỏ biết đâu Năm Hô từng đến chơi nhà ba má Tư Bộ nhậu và dúi cho nó vài cái bánh ít nhưn dừa sau khi xoa cái đầu trọc để ba chỏm của thằng nhỏ nhà quê.
 
Đám lính thám kích tinh nhuệ, được may mắn là họ chiến đấu trên chính quê hương nơi chôn nhao cắt rốn của ông bà cha mẹ mình. Đây là chỗ họ sẽ sống và chết cho nên bằng bất cứ giá nào họ cũng phải bảo vệ đến cùng . Du kích địa phương cũng có chung ý nghĩ nên hai bên không ai nhường nhịn ai.
 
Lính chính quy miền Bắc ngạc nhiên và thán phục khi đối đầu tấn công những đồn Nghĩa Quân mà họ gọi là ” Dân Vệ ” vì sức cầm cự của trai làng. Sau chiến trận họ cởi bỏ bộ đồ bà ba đầy sình bùn, chui vào chái nhà sau bếp vần xung quanh là những tấm lá dừa thành một nhà lộ thiên, tha hồ xối những gáo nước mưa mát lạnh. Hết nhiệm vụ họ thưởng thức một bữa ăn cơm canh nóng hổi với vợ con. Hạnh phúc tưởng chừng đơn giản mà không phải lúc nào cũng có thể sở hữu. Ngay cả khi tử trận họ được chết chôn trên đất nhà, có tiếng kèn trống giữa những giọt nước mắt thương tiếc của người thân và đồng đội.
CÒN TIẾP /Kỳ 4
NVTD
-------------

More:

1. NGƯỜI LÍNH VNCH (1) - Người VIỆT Tự Do
2. NGƯỜI LÍNH VNCH (2) - Người VIỆT Tự Do
3. NGƯỜI LÍNH VNCH (3) - Người VIỆT Tự Do
4. NGƯỜI LÍNH VNCH (4) - Người VIỆT Tự Do
5. NGƯỜI LÍNH VNCH (5) - Người VIỆT Tự Do
6. NGƯỜI LÍNH VNCH (6) - Người VIỆT Tự Do
7. NGƯỜI LÍNH VNCH (7) - Người VIỆT Tự Do
8. NGƯỜI LÍNH VNCH (8) - Người VIỆT Tự Do 

No comments: