Wednesday, March 8, 2023

NGƯỜI LÍNH VNCH (2) - Người Việt Tự do

NGƯỜI LÍNH VNCH (2)
Người Việt Tự do
Anka Pham
Hiếu đốt một điếu thuốc, tên tù binh con nít vẫn còn ở đơn vị, chờ trực thăng đưa đi. Anh chợt nhớ tới giọng nói phía ngoài kia rất nặng. Tù binh còn chưa mọc những sợi râu người lớn làm Hiếu khó chịu. Thiếu khẩu AK kè kè nó giống đám trẻ thường kéo nhau trầm trồ chiếc xe Jeep anh đậu trước cửa nhà. Cỡ này thì với tay không anh đánh vật một lúc ba thằng chẳng khó khăn gì. 
-------------------
Tù binh bèo nhèo, ốm đói, nhưng nếu sơ hở chúng nó sẽ chẳng ngần ngại nã đạn vào sau lưng bọn anh. Tụi nó cuồng tín, đáng sợ khi còn súng trên tay, nhưng lúc bị tước vũ khí trần trụi trông chẳng khác gì con chuột ướt.
Tay tù binh bị trói chặt đàng sau vào gốc cột, ngủ gà ngủ gật. Hiếu bước tới, đá nhẹ vào đùi nó. Nó giật mình choàng dậy, ngơ ngác nhìn chung quanh một cách sợ hãi.
– Đói chưa?
– Dạ…
– Tao hỏi mầy đói chưa, có muốn uống một chút nước không?
– Dạ thưa quan vâng…
Hiếu ngồi dậy, vòng tay nó ra trước mặt – như vậy nó có thể cầm thức ăn- rồi đưa nó gói cơm sấy và lon thịt hộp đã khui cùng bi đông nước:
– Ăn đi !
– Dạ cám ơn quan!!
– Cơm có thịt hộp đó, nước ở trong bi đông…
 
Người tù binh đưa cả hai tay múc từng muỗng cơm cho vào miệng. Từ hôm qua tới giờ nó chưa được ăn gì. Nhìn vẻ mặt sợ hãi của nó, Hiếu phì cười:
– Ăn uống đi rồi chờ có phương tiện tao đưa mầy về phía sau. Sợ không?
– Dạ sợ!!
– Sợ gì? Tao muốn giết mầy tao cho lính đem mầy ra bìa rừng nổ cái rầm là xong. Về dưới đó họ hỏi gì thì cứ khai sự thật, họ cũng chẳng làm gì mầy đâu. Bất quá vào tù thời gian rồi có dịp trao trả tù binh còn đem cái mạng về cho ba má mầy.
– Dạ, con cám ơn quan!
– Ở ngoài đó mầy học lớp mấy?
– Dạ lớp 9 phổ thông..
– Mầy học tới lớp 9 mà sao cứ mở miệng ra là ” quan ” là sao?. Mầy có phải lính chính quy không?
– Dạ..
– Vậy thì gọi tao là Đại úy, dẹp mẹ nó cái ” quan ” của mầy đi được không?
 
Hiếu cảm thấy bực bội vô cớ. Giá như hết chiến tranh để anh đươc bên vợ con không lo lắng. Mà nếu đánh nhau thì cũng nên có đối thủ không phải những thằng con nít mặt chưa kịp mọc râu như thế này. Lính tráng gì mà trông chán chết được!Thằng nhỏ sợ bị đem đi bắn!
– Tụi nó dạy mầy như thế nào về tụi tao? Mổ bụng tù binh ăn sống hả? ĐM mấy thằng Việt cộng tụi bay ngu như bò. Tụi tao đâu có thiếu lương thực gạo thóc chui rúc trong rừng sâu núi thẳm như đám cóc cắn tụi bay đến nổi phải ăn thịt người?
– Dạ chính trị viên Tiểu đoàn tuyên huấn với chúng con như thế…
– Mai mốt bắt được tù binh mầy chỉ cho tao thằng nào là chính trị viên của đơn vị mầy để tao vả cho nó gãy hết răng khỏi nói dóc nữa. Hèn gì tụi nó lùa tụi bây vào họng súng như những con thiêu thân.
 
Hiếu bỏ ra ngoài, nói chuyện với thằng tù binh con nít này một chút nữa chắc anh sẽ chết vì cười.
Hiếu móc bức thư để trên túi áo ra đọc lại lần nữa. Nga vừa mới gởi anh tuần trước, mỗi lần đọc Hiếu cảm tưởng Nga gần anh thêm một chút, anh lại thương vợ. Tội nghiệp cô nữ sinh chưa tròn hai mươi vợ một anh sĩ quan quèn tiền lương tháng không đủ lo tròn cái gia đình nhỏ bé.
 
Anh cám ơn Nga, nàng không oán trách không than vãn. Tiền lương lính chỉ đủ cho nàng xoay sở chút ít tình hình kinh tế khó khăn này. Đại úy Hiếu không rượu chè cờ bạc hút xách, nhưng ngoài việc được nhà nước trả lương để cầm súng anh không còn nguồn lợi tức nào khác.
 
Bây giờ anh đã có thêm một thành viên mới trong gia đình. Bé Trang mới đó đã hai tuổi rưởi là nguồn ủi an lớn nhất cho Nga thay thế sự thiếu vắng thường xuyên của Hiếu. Từ hồi Trang ra đời tới nay tổng cộng thời gian Hiếu ở bên con chơi đùa vỏn vẹn chưa đầy bốn tháng. Mỗi lần về phép hầu như hai mươi bốn giờ Hiếu luôn bên cạnh hai nhân vật trân quý nhất đời mình.
Bức thư mới đây Nga gởi kèm ảnh chụp con gái. Hai mẹ con cười toe toét nhìn vào ống kính như muốn gởi đến Hiếu tất cả tình yêu. Hiếu để ý mấy cái răng sữa của con, nhỏ nhắn như những hạt bắp mới mọc. Anh nhắm mắt lại, hít một hơi dài từ lá thư đã đọc đi đọc lại nhiều lần như muốn hấp thụ tất cả hơi hướng của hai con người mà nếu anh phải đổi cả sự sống mình cho họ anh cũng sẵn sàng.
 
” Ba Hiếu ơi
Em nhớ ba Hiếu lắm. Bé Trang hồi hôm ôm mẹ ngủ cứ hỏi chừng nào ba Hiếu về thăm con. Em muốn rớt nước mắt, tội nghiệp con cứ hay nhắc tới ba.
Hôm rồi hai mẹ con về thăm nội. Bà nội cứ mua bánh cho bé Trang ăn suốt ngày, còn ông nội đút cho bé một muổng cà-phê sữa. Bà nội rầy ông nội quá xá!
Chừng nào chiến tranh mới chấm dứt hả ông chồng yêu của em? Em cứ chờ hoài để anh về với em và bé Trang. Thấy ông bà nội quấn quít bên con em thương ba má quá ! còn ông bà ngoại thì giữ riết con ở nhà, mỗi lần em phải về nhà là ông bà ngoại lại hỏi chừng nào em đem con xuống lần nữa. Kỳ này anh về tụi mình phải ráng kiếm thêm đứa con trai nghe anh. Em thích có đứa con trai thiệt giống anh để mỗi lần nhớ anh là em sẽ nhìn con cho đỡ nhớ…”
 
Hiếu mỉm cười, xa cách như hai đứa mình kiểu này thì chỉ cần anh ghé về nhà hai tiếng đồng hồ thì chín tháng mười ngày sau em tha hồ mà bồng ẵm.
Chiến tranh càng khốc liệt, giá sinh hoạt càng chóng mặt. Rồi đây có thêm con thật sự Hiếu không biết làm sao để chăm sóc gia đình một cách đầy đủ. Lương Đại úy chỉ đủ cho mình Hiếu, thôi kệ trời sinh voi sinh cỏ! Hiếu bật cười, ngày nào hăng say tình nguyện vào bất cứ công tác chết chóc mà không suy nghĩ, chiến đấu với kẻ thù một cách bạt mạng, nay đã bắt đầu lo lắng tới cơm áo gạo tiền. Đã có những phút giây Hiếu chợt sợ hãi bất thường cho sự an nguy. Thực sự Hiếu không để ý tới cá nhân mình, anh chỉ bâng khuâng về cái gia đình nhỏ bé và biết đâu sẽ có thêm mấy thằng Hùng, Dũng, Huy, Nghĩa..trong tương lai. Hiếu bắt đầu cảm thấy hơi lạnh cẳng!
 
Nga ngồi dậy, đốt hai cây nến trên bàn thờ. Nga xếp bằng, ngước lên để chợt thấy ánh mắt dịu dàng của Đức Mẹ nhìn xuống. Nga làm dấu, bắt đầu thầm thì những lời kinh. Miệng đọc nhưng tâm trí Nga bay mãi tận nơi chồng mình Đại úy Trần Ngọc Hiếu đang đóng quân. Cái địa danh nghe xa xôi như ở phía bên kia địa cầu. Bao nhiêu cây số xa cách hai vợ chồng Nga hoàn toàn không có ý niệm gì. Hiếu như vẫn ở bên nàng trong căn nhà nhỏ nhắn, hình chụp ngày mới cưới hai vợ chồng và bé Trang nằm gọn lỏn trong vòng tay Ba được treo trân trọng trên tường. Hiếu ở xa nhưng lúc nào Nga cũng có cảm tưởng mở mắt ra là gặp, ít nhất trong giấc ngủ của người vợ trẻ.
 
Căn nhà là quà cưới của ba má nàng. Đứa con gái một chiếm hết tình yêu cha mẹ. Ông bà không từ nan bất cứ điều gì để giúp cho đời sống của con gái dễ thở hơn trước tình trạng khó khăn về kinh tế. Ông bà thương Hiếu, thằng con rể sĩ quan nghèo, lù đù nhưng chân thật. Bây giờ lại thêm sự hiện diện của đứa cháu ngoại đầu lòng, cha mẹ Nga lúc nào cũng chăm chút, giúp đỡ vật chất tiền bạc cho hai mẹ con vì chắc chắn tiền lương của Hiếu không làm giảm đi chút nào áp lực đời sống thời gạo châu củi quế. Ông bà đã có sẵn chương trình trong tương lai cho hai mẹ con: đợi bé Trang thêm một hai tuổi nữa, ông bà sẽ cho Nga ” “mượn ” chút vốn mở một cái sạp nhỏ ngoài chợ để làm ăn mua bán.
 
Ba má Hiếu cũng góp phần của mình, ông bà mua sắm mọi thứ trong nhà cho con dâu và cháu nội. Ông bà thương dâu như con gái ruột, mỗi lần hai mẹ con về thăm ông bà cứ giữ rịt, níu kéo vài ngày rồi mới cho về. Bé Trang được cả nội lẫn ngoại cưng chìu cứ hay nhỏng nhẻo. Mỗi lần về chơi bà nội cõng cháu đi chợ mua quà, mua quần áo. Hễ bà vừa rời tay thì ông lại sớt lấy đem ra quán cà-phê ngoài ngõ khoe với mấy ông bạn già. Nhiều bữa về tới tay mẹ bé Trang hôi mùi thuốc lá khắp người. Ông nội không hút thuốc, nhưng mấy người bạn già chuyền tay nhau làm lấm lem hơi khói vào quần áo con nhỏ.
 
Mỗi lần như thế về đến nhà là ông nội bị bà nội cằn nhằn ” Cháu tui nó còn nhỏ, ông đem khoe với bạn bè ông làm sao mà cháu tui nó hôi rình mùi thuốc, đã vậy miệng nó có mùi cà-phê sữa là sao ? lỡ nó có ho hen gì tui đi thưa cảnh sát cho họ nhốt mấy ông hết !” Rồi bà ôm Trang đả đớt ” Con có sao không con, có nhức đầu muốn ho không ? ông nội con thiệt là kỳ cục!!“
 
Nga cảm thấy thật hạnh phúc bên những người thân yêu của mình, nhờ đó nàng cũng đỡ buồn rầu khi phải xa chồng triền miên. Từ ngày về với Hiếu Nga tìm cho mình nguồn vui trong lời cầu nguyện. Nàng ngồi trước bàn thờ, đọc kinh nhiều hơn. Không có chồng thường xuyên bên cạnh, cũng không có quyền lực, sức mạnh bảo vệ chồng trong chiến tranh Nga gởi gấm những điều đó cho Thiên Chúa và Đức Mẹ.
 
Hồi còn đi học Nga rất lười chuyện nhà thờ nhà thánh vì cảm thấy vừa mất thì giờ vừa chán ngắt mỗi lần dự lễ. Nga quan niệm chuyện đó dành cho mấy ông bà già gần đất xa trời. Nhưng bây giờ Chúa Nhật nào nàng cũng đi, thậm chí có tuần nàng đến nhà thờ vài lần, hai mẹ con đèo nhau trên chiếc xe Honda. Lúc con ngủ mê mệt trong lòng Nga bắt đầu lần hạt một cách kính cẩn, nhìn vào những hình tượng tìm kiếm nguồn an ủi. Không thể chia sẻ nhớ nhung lo âu với ai, cô gái nhỏ vừa bắt đầu bổn phận làm mẹ thầm kín gói ghém tâm tư dâng lên chín tầng trời cao thẳm. Rời nhà thờ Nga ôm chặt lấy con gái trong vòng tay mình mà lòng cảm thấy nhẹ nhàng cách kỳ lạ.
 
Đêm nay bé Trang ngủ say, nhưng Nga không nhắm mắt được cố gắng thế nào cũng chịu thua. Hình ảnh chiếc xe nhà binh hồi chiều làm nàng bật khóc. Trên sàn chiếc GMC mui trần hai quan tài phủ Cờ Vàng chạy vụt ngang chiếc Honda nhỏ bé của Nga. Tiếng máy ồn ào làm Nga giật mình chấm dứt sự mơ màng tưởng tượng về người chồng phương xa. Nàng lách vội vào lề đường vừa kịp cho chiếc xe quân đội vụt qua. Một phụ nữ ngồi cúi mặt trên quan tài, mắt nhìn chung quanh mà như chẳng tập trung vào cái gì. Nét mặt người phụ nữ còn trẻ chỉ hơn Nga chừng vài tuổi nhưng đau thương biến chị xơ xác như một bà già . Cơn đau xé nát trái tim Nga, nàng có cảm tưởng mình sẽ ngã bất tỉnh ngay ra đất. Người chiến binh trong quan tài chắc là chồng của phụ nữ bạc phước vừa biến thành quả phụ. Biết đâu đó sẽ là những gì Nga phải gánh chịu ngày mai hay ngày kia. Bao năm tình nghĩa vợ chồng giờ phải ôm lấy cổ quan tài gỗ vào lòng thay vì thân thể yêu thương của người chung chăn gối. Làm sao diển tả được nỗi đau này ?
 
Nga không hiểu mình làm thế nào trở về nhà bình yên. Dạo gần đây nàng vẫn bắt gặp những chuyến xe nhà binh chở quan tài phủ cờ của lính tử trận trên đường phố. Trước đây cũng có chút bâng khuâng sợ hãi nhưng không kéo dài lâu.
 
Bây giờ tình hình chiến sự ngày càng khủng khiếp, những chuyến xe như thế càng nhiều hơn cùng với sự lo âu vô hình lớn lên trong trái tim nhỏ bé của người đàn bà trẻ. Nga không muốn ở nhà một mình, nàng đưa con đến thăm cha mẹ nội ngoại thường xuyên hơn, sợ không khí lạnh lẽo và nỗi cô đơn khi bước chân về căn nhà nhỏ của mình. Thiếu bé Trang chắc Nga đã nổi điên.
 
Chừng nào thì cuộc chiến này chấm dứt ? chừng nào cảnh tượng vợ ôm quan tài chồng trên những chiếc quân xa mui trần chạy vòng vòng thủ đô sẽ không còn nữa ? và chừng nào chồng nàng trở về với gia đình bình an vĩnh viễn ? bên nàng và bé Trang ? không ai có thể trả lời những câu hỏi mà Nga vẫn thường đặt ra trong phút giây cầu nguyện. Các Đấng Quyền Năng không trả lời, hoặc có thì Nga không cảm nhận được vì chung quanh chỉ bao trùm sự im lặng. Nga mong chồng trở về còn tay chân, còn nhìn thấy được, hay chỉ là thân xác đui què. Không sao hết miễn là nghe anh nói, nhìn thấy anh, biết anh sống sót bên cạnh hai mẹ con. Nhiều lần Nga cầu nguyện như thế ” Xin hãy cho chồng con trở về bình an, nhưng nếu anh có tàn tật con cũng xin chấp nhận miễn sao đừng để bé Trang mồ côi cha “.
 
Nga bắt đầu lần tràng hạt Năm Sự Thương Khó . Nàng ngước mắt nhìn lên gương mặt đẫm máu của Đấng Cứu Thế và gai nhọn đâm xuyên qua trán. Máu chảy từ vết đinh thấu tay chân làm Nga sợ. Tự nhiên nàng liên tưởng tới những người lính ngã gục trên chiến trường với thương tích. Thấp thoáng trong đó Hiếu ẩn hiện quần áo nát bét đầy máu me. Nga giật mình đưa tay ôm lòng ngực cố trấn tỉnh lại.
 
Thực ra Nga mới nhận được thư của Hiếu sáng nay, viết từ hai tuần trước. Mọi chuyện vẫn bình thường Hiếu khoẻ, không có gì đáng ngại. Hai hôm trước Nga chịu khó lần mò lên hậu cứ đơn vị để hỏi thăm tin tức. Hiếu không sao, chỉ tại hình ảnh Nga gặp trên đường hôm nay. Tội nghiệp người quả phụ trẻ, tội nghiệp người vừa nằm xuống, tội nghiệp những thanh niên miền Nam đau khổ. Nga nhắm mắt, thầm dâng lời cầu nguyện cho người đàn bà không quen biết. Người đàn bà miền Nam gục đầu trên quan tài, úp mình sao cho thật gần với gương mặt đang méo mó biến dạng hoặc không toàn vẹn nằm trong khối gổ trên chiếc xe GMC buồn tênh . Hình ảnh đó không xa lạ gì với đàn bà miền Nam có chồng con, anh em, người yêu đang tham gia cuộc chiến. Sợ hãi, lo lắng hồi hộp cho đến khi vui mừng ôm trọn thân thể khoẻ mạnh của người ruột thịt trong vòng tay ốm yếu, hoặc gục ngã khi chồng cha anh em mình vừa nằm xuống. Chiến tranh lúc nào cũng tàn ác khủng khiếp và man rợ như nhau.
Có tiếng cựa quậy trong chiếc mùng màn tấn chặt. Nga mở mắt, bé Trang ngái ngủ đưa tay về phía mẹ. Đứa bé mới vài tuổi quen thuộc với hình ảnh mẹ hơn bóng dáng cha, ngước lên:
– Má đang làm gì vậy, sao không vào đây với con?
– Má đang đọc kinh cho ba, ngủ tiếp đi con, chút xíu nữa má vào với con. Ráng nhắm mắt lại đi con.
– Cho con đọc kinh với má !!
– Má còn đọc một chút nữa, ngủ ngoan đi má thương. Má viết thư cho ba khoe con giỏi rồi ba cũng thương con nữa
 
Bé Trang ư ư trong miệng, vài phút sau đã nhắm mắt lại. Nga vén màn, một tay cầm tràng hạt một tay gãi nhè nhẹ trên lưng con. Nước mắt muốn ứa ra nhưng Nga ráng kềm lại. Nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra Nga không biết hai mẹ con sẽ xoay sở sinh sống ra sao. Chút nữa Nga sẽ viết thêm một lá thư mới cho chồng, nàng sẽ nài nỉ Hiếu cố gắng xin được ngày phép về với mẹ con nàng. Tội nghiệp con còn quá nhỏ để chia sẻ với mẹ những nỗi niềm trong lòng. Không biết có nên kể cho Hiếu nghe chuyện nàng đã chứng kiến trên đường chiều nay ? chắc thôi, Hiếu sẽ bị lo nghĩ thêm mà chẳng giải quyết gì được.
 
Tối đó Nga ôm con chặt hơn, muốn giữ phần đời quý giá nhất của mình vào lòng cho đỡ nhớ chồng đang ở ngoài mặt trận. Cuối cùng Nga cũng chìm vào giấc ngủ, hình ảnh khủng khiếp chiều nay chịu thua không ám ảnh nàng nữa…
 
Bà Năm lau lại Thánh Ảnh trên bàn thờ. Cứ hai tuần bà lại bỏ thì giờ chăm sóc bàn thờ cho tươm tất sạch sẽ. Bà làm điều đó từ khi con bà bước vào quân đội, chiến trận nổ ra ngày càng dữ dội bà lại chịu khó chăm sóc bàn thờ thường xuyên hơn. Miệng lâm râm những lời kinh, tay bà nhẹ nhàng dùng tấm khăn sạch có tẩm dầu thơm lau đi lau lại từng quyển sách kinh, từng tấm ảnh Thánh. Bà tuần tự từ Chúa Giê Su rồi đến Đức Mẹ, Thánh Giu Se và lần lượt các vị Thánh khác. Nghe nói chỗ nào linh thiêng bà đều thỉnh về kính cẩn chưng trên bàn thờ. Bà có cả ông Thánh Đồng Đen Martin ….
 
Bà lầm thầm một mình bởi vì nếu có người nghe được chắc họ sẽ bật cười trước những lời than thở lo lắng của bà. Chúa cũng nhức đầu vì danh sách dài thường thượt bà dâng lên Ngài : hơn phân nửa là cho thằng con đang ở ngoài mặt trận. Phần sau bà nhớ đến con dâu và cháu nội. Bà chỉ xin Chúa cho chồng “ổng sống với con trăm năm đầu bạc, người đi trước kẻ theo ngày sau cho có vợ có chồng ”
 
Bà nhớ cháu quá, mỗi lần về thăm ông bà, nó ở riết bên bà, nhỏng nhẻo. Nhớ cháu bà lại bật cười một mình, con nhỏ thiệt dễ thương muốn chết được. Lần nào bà hỏi dò nó ” Con thương ba bao nhiêu ?” nó đều đưa tay cao khỏi đầu ” Con thương ba bằng này.. “, ” Còn bà nội?…” ” Bằng này…” nó đưa tay thấp hơn một chút. Bà chọc lét nó ” Con chó con ăn gian, thương bà nội có chút xíu….” Tiếng cười ngặt nghẻo của con bé vang dội mang sự ấm áp đến cho hai ông bà già giờ chỉ quanh quẩn chung quanh căn nhà bề thế nhưng vắng vẻ.
 
Đứa cháu như chim hoạ mi mỗi lần ghé thăm mang lại tiếng hót trong trẻo ngọt ngào. Nhìn nó bà thấy gương mặt của cha nó . Giờ này con bà mang nặng đẻ đau, nhai cơm bú móm đang chịu đựng gian khổ ở một góc rừng núi hay đồng ruộng khô cằn nào trên quê hương. Tiếng trực thăng, máy bay phản lực hàng đêm ngang qua trời làm bà đau thắt ruột gan nhớ đến con. Dù nó không còn con nít như ngày xưa, nhưng dễ dầu gì bà buộc mình quên điều đó được. Nó lớn, có vợ con rồi, là Đại úy trong quân đội đâu phải thằng cu Hiếu ngày nào quanh quẩn bên chân bà.
 
Hôm qua đọc báo thấy có đánh nhau lớn trong vùng Hiếu đóng quân, bà không ngủ được. Tiếng đại bác từ rất xa dội về không át tiếng trái tim bà đập thình thình trong lồng ngực. Bà sợ quá, cứ phải ngồi dậy ráng đọc vài kinh cầu xin cho con. Dù không muốn mở báo ra bà lại dò ngay trang cuối, nơi đăng cáo phó. Thời buổi này việc một người già ra đi coi bộ hiếm hoi hơn những thanh niên trai tráng. Mấy ông bà nhường chỗ cho thanh niên trên dưới ba mươi. Có hôm toàn là sĩ quan, bà đã ôm ngực mình nhắm mắt lại. Chừng nào trong danh sách khủng khiếp đó thêm tên của con bà ? bà sợ quá nhưng không thể tâm sự cùng ai. Mỗi lần bà muốn chia sẻ với ông, ông lại gạt phắc đi cho là bà lo chuyện tào lao. Bà biết ông chỉ nói thế để bà bớt lo nghĩ, chứ ông không phải là người vô tâm. Trong ánh mắt ông cũng chứa đựng nỗi sợ hãi mỗi lần bà đề cập tới chuyện đó.
 
Bà cũng không muốn gợi chuyện với con dâu. Bà biết nó lo lắng không kém gì ông bà nên bà không làm nó thêm nặng đầu. Chính bà đóng vai ông mỗi lần nó than phiền lo lắng chậm trể thư chồng. Bà gạt phắc đi khuyên nó đừng nên suy nghĩ nhiều mọi chuyện rồi sẽ tốt thôi. Hiếu sẽ trở về bình an cùng gia đình.Nhưng bà biết đó chỉ là lời an ủi vì chính bà cũng không dám đoan chắc điều đó.
 
Chúa ơi, Mẹ ơi, sao người Việt Nam chúng con khổ quá vậy? Sao hai bên cứ đem thanh niên ra mà quăng chúng vào biển lửa? Bao nhiêu gia đình mất cha mất chồng mất con rồi ?. Giá như họ chịu để bà gia nhập quân đội thay con chắc bà đã không do dự. Cả ông nữa, quân đội sẽ có hai vợ chồng bà để thằng Hiếu về nhà mà lo cho con Nga và bé Trang. Nếu điều đó xảy ra thật là hạnh phúc. Nghĩ tới cảnh đó bà bật cười, tưởng tượng ông gầy gò, đầu tóc bạc thếch vác cái ba-lô mấy chục kí trên vai Ì à Ì ạch đánh nhau với Việt cộng. Kệ, có chút chuyện để cười trong lúc này cũng làm đầu óc đỡ căng thẳng. Chút nữa gặp ông bà sẽ nói với ông vụ này ” Ông ơi hay mình xung phong đi lính cho con, khỏi cần lãnh lương cũng được “. Ông sẽ xì một tiếng dài rồi lại chê bà ” Bà toàn nói chuyện tào lao “. Nhưng chắc ông sẽ cười, y như bà đang cười lúc này. Chọc cho ông cười một chút để ông sống lâu hơn với bà vài năm chờ thằng Hiếu bình an trở về từ cuộc chiến. Nó sẽ về mà !! Chúa Mẹ ơi xin cho nó về bình an mạnh khoẻ. ( Bà đã từng tính chuyện “chạy” cho nó ở thành phố đỡ nguy hiểm, nhưng cái đầu nó cứng hơn đá, ” Ai cũng về Sàigòn thì ai đánh giặc, chết ở đâu cũng chết, con Đại úy rồi, làm vậy nhục lắm !!” )
Đại bác dội về hàng đêm nhắc nhở cuộc chiến. Không người Việt Nam nào thoát khỏi sự khủng bố của nó. Riết rồi tiếng nổ trở thành điệu nhạc quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày. Bà nhận ra đâu là tiếng đại bác, đâu là tiếng B52 trải thảm. Đại bác có đứt đoạn vài giây giữa hai tiếng nổ còn B52 là tràng dài liên tục và đất dưới chân rung động nhẹ, tùy thuộc khoảng cách trận địa xảy ra bao xa. Bây giờ người Việt Nam nào cũng trở thành chuyên gia phân tích âm thanh của súng đạn. Bao nhiêu người bỏ mạng theo từng tiếng nổ ? và trong đó có bao nhiêu dân lành bị kẹt giữa ?.
Đôi lúc bà Năm thầm trách đám lãnh đạo quyết định dùng súng đạn để giải quyết mâu thuẩn. Sao không ngồi xuống nói chuyện với nhau. Chuyện gì cũng có thể giải quyết bằng lời ăn tiếng nói được mà, cần gì phải đánh nhau, cần gì phải lôi thằng Hiếu nhà bà và bạn bè anh em nó ra trận? Thậm chí con bà chưa chắc nhìn rõ gương mặt đối phương ngoài chiến trường vậy tại sao lại giết nhau? những triết lý vụn vặt lủng củng của một bà mẹ nghe không giống ai hết nhưng nếu trước khi đánh nhau mà những người cầm quyền chịu khó tham khảo thì chắc thế gian này sẽ không còn chiến tranh.
 
Bà thương dâu trẻ mới đứa con đầu đã trưởng thành và chín chắn như đàn bà đứng tuổi. Tiểu thư khuê các giờ cũng biết lo lắng đồng xu cắc bạc, đi chợ chắt chiu dè xẻn. Tiền lương chồng không đủ chi phí trong gia đình hai bên phải phụ thêm. Nó chưa thể làm ăn gì được vì còn vướng bận bé Trang.
 
Nghĩ đến con dâu, bà thầm nhắc mình chút nữa sẽ gởi lên cho nó tạ gạo. Con dâu bà ngoan lắm và bà hài lòng về nó hết sức. Nó tâm sự với bà rồi đây nó sẽ cố gắng tìm kiếm chuyện gì để làm hầu có chút tiền lo cho con và đỡ phần nào gánh nặng cho chồng. Thằng Hiếu thiệt có phước hết biết, bà đã nhiều lần nói với con trai như vậy. Hiếu vui vì má khen vợ . Bà Năm hiểu tính con trai, không cờ bạc rưọu chè bao nhiêu tiền lương đều ki cóp cho vợ
 
Sẵn xe bà nhắc mình chút nữa nhớ gởi chục kí nếp về làm quà cháu nội. Con nhỏ thích xôi gà bà nội nấu. Xôi đang âm ấm bà vo thành cục nhỏ nhét chính giữa miếng thịt gà bự rồi thổi nguội đưa vào miệng cháu. Nhìn cháu nhai nuốt miếng xôi ngon lành bà cảm thấy no ngang. Bé Trang lắc đầu, lè cục xôi ra:
– Bà nội ăn đi..
– Nội no rồi, con chó con xạo quá, ăn cho no đi chút xíu về nội gởi cho một gói bự chiều về nói má đút ăn.
– Thôi, nội ăn với con đi, nội không ăn con không ăn đâu …
– Con không ngoan nội mét ba Hiếu cho coi..
– Ba Hiếu chừng nào về với con, với má với ông bà nội, ông bà ngoại hả nội ?
– Thì con giỏi rồi nay mai ba Hiếu xin phép về với con.
– Sao ba Hiếu không về đại hả nội, con nhớ ba quá, ba có nhớ con không hả nội?
– Ba nhớ con nhất nhà, nhớ con hơn nhớ ông bà nội, ông bà ngoại, nhớ con hơn má Nga nữa.
-Vậy sao ba không về với con ? sao bà nội khóc vậy ? bà nội nhớ ba Hiếu hả?
– Ăn đại đi con, chút xíu nội kể chuyện Phạm Công Cúc Hoa cho con nghe. Nhớ kỳ rồi kể tới đâu rồi không? Nhắc nội chớ không thôi nội quên.
– Con nhớ mà…
Ngoài tạ gạo, bà sẽ thu quén mấy thứ cây nhà lá vườn. Ơn Trên ban cho gia đình bà không đến nỗi chật vật, có chút của ăn của để. Trước sau gì khi ông bà nằm xuống những của cải này cũng thuộc về gia đình con trai bà.
 
Cái đất nước này bị trời hành, chiến tranh liên miên. Cầm nổi cây súng đến tuổi quân dịch là lần lượt ra chiến trường, rồi lỡ một mảnh pháo, một viên đạn đi lạc không nhìn thấy mặt cha mẹ vợ con. Xóm bà đã chứng kiến vài đám ma nhà binh như vậy. Mỗi lần thấy cái xe GMC trên có chiếc quan tài phủ cờ là bà muốn xỉu. Con người ta đi trước không biết chừng nào sẽ tới phiên con bà.
 
Bà bước ra ngoài sân rải mớ gạo về phía những con gà con đang theo mẹ. Tiếng ríu rít vui tai hoà vào tiếng cục cục của gà mẹ làm bà chạnh lòng. Đến súc vật còn biết yêu thương con nó huống hồ gì trái tim ngày càng héo hon sầu muộn của bà. Lo xong đám gà, bà lại ghé qua chuồng heo với hơn chục con vừa lớn vừa nhỏ. Bà phải tìm chuyện gì cho mình làm mỗi ngày để đầu óc luôn luôn bận rộn nếu không chắc bà sẽ phát điên vì tiếng súng đại bác dội về hoặc hình ảnh toàn thanh niên trẻ măng trong quân phục mang hơi hướm chiến tranh. Cái gì cũng nhắc bà đến đứa con ngoài mặt trận. Chút xíu nữa bà sẽ lại ngồi trước bàn thờ đọc cho con vài chục kinh. Thực ra bà cũng chẳng hiểu những lời kinh đó sẽ giúp ích cho con trai hay cho chính tâm trạng mong manh sợ hãi trong trái tim bà. Cầu mong ơn trên đổ đầy bình an lên gia đình, và nếu có thể được cho tất cả những người đàn bà đang lo lắng cho số phận chồng cha con họ ngoài chiến địa. Lời cầu xin lớn quá không biết có đến tai Đấng Toàn Năng trên cao nhưng dù sao ít nhất cũng đem lại chút bình an cho tâm hồn bà.
 
Hiếu đẩy hồ sơ sang bên, ngáp lớn. Anh đã mất gần hai tiếng đồng hồ đánh vật với giấy tờ và giờ anh thèm một ly cà-phê đậm. Hiếu móc lá thư vừa nhận được sáng nay ở túi áo trên. Anh không cần phải đọc lại vì hầu như đã thuộc làu những giòng chữ trong thư. Nét viết mềm mại của vợ nhảy múa sống động như những nụ cười quen thuộc làm Hiếu hạnh phúc. Anh nhớ vợ quá nhưng không chắc sẽ kiếm được ít ngày phép. Tình hình càng dữ dội khiến đơn vị lúc nào cũng bị điều động, có mặt trên chiến trường giải toả áp lực. Bộ tụi nó không biết mệt hay sao, nhiều lần anh nghĩ như thế về những người lính đối phương. Họ tấn công, hết chiến dịch này tới chiến dịch khác bất kể bị thiệt hại bao nhiêu khiến phe phòng thủ không thì giờ để thở. Chính xác hơn là chỉ huy của địch, vì lính cũng biết sợ biết mệt. Đánh đấm chém giết riết rồi có lúc chùn tay muốn ngồi xuống nghỉ ngơi một chút.
Nhìn thấy xác địch nằm đầy trên chiến trường Hiếu tự hỏi làm thế nào họ có sức mở ra một cuộc tấn công mới. Thế mà họ làm được, đơn vị này gẫy lui ra phía sau cho đơn vị khác tiến lên lấp vào chỗ trống.
Bức thư của Nga bao giờ cũng nhắc nhở anh phải cẩn thận. Hiếu phì cười về cái câu kinh quen thuộc này ” Cẩn thận giữ gìn sức khoẻ và đừng có liều lĩnh nha anh…”. Nhưng rồi sau đó anh lại thở dài tưởng tượng nổi lo lắng hiện lên trên khuôn mặt của vợ mình. Anh biết vợ anh và gia đình lo cho anh lắm nhưng đã là lính đánh trận anh không biết thế nào thận trọng trước làn tên mũi đạn đối phương. Làm sao mà tránh khi anh không thấy đường đạn đi. Coi như Trời kêu ai nấy dạ. Chỉ mong sao Trời đừng gọi tên anh vào lúc này.
 
Trong thư hôm nay có tấm hình hai mẹ con mới nhất. Bé Trang cười toe toét khoe hàm răng sữa ôm chặt lấy mẹ. Hiếu đưa tấm hình lên môi cảm giác như đang tiếp xúc với da thịt thơm mùi sữa của con và hương vị ngọt ngào bờ môi vợ.
Trung sĩ An bước vào:
– Đại úy, Thiếu Tá cho gọi Đại úy lên họp gấp
– Tôi lên ngay…
– Ông Jim cũng có mặt… sắp chuyện lớn hả Đại úy?
– Không biết, nhưng chắc cũng nhảy vào rừng lại thôi. 
 
Em làm ơn kiếm tôi ly cà-phê đen được không An. Đừng pha cà-phê Mỹ nghe, cà-phê tụi nó chua thấy mẹ, uống dở ẹc..
– Dạ, em làm ngay đây Đại úy…
 
An là cận vệ của Hiếu. Hai thầy trò đã đi với nhau được hơn sáu tháng nay. An chỉ nhỏ hơn Hiếu năm tuổi nhưng chăm sóc anh như người em ruột. Ra trận An kè kè theo anh lo cho anh từng ly cà-phê sáng. Có hôm đơn vị bị vây hết lương thực vậy mà An cũng tìm đâu ít lương khô cho hai thầy trò ăn đỡ. Hoá ra An lợi dụng bóng đêm mò xuống lục soát túi mấy tử thi bên kia. Lương khô Việt cộng ăn giống như bánh đậu xanh và ngon hơn tất cả cao lương mỹ vị trên đời trong những lúc hiểm nghèo như vậy. May lần đó đơn vị được cứu thoát kịp thời với tổn thất nhẹ. Trong số bị thương kể luôn cả Hiếu bị mảnh đạn sợt đùi trái và An gãy xương tay vì B40. Trận đó An được về dưỡng thương hơn tháng trời nhưng chưa hết phép anh đã xin trở ra đơn vị vì nhớ anh em và nhất là ông thầy Hiếu.
 
Ngày trở về đơn vị An mang lủ khủ thức ăn chia cho đồng đội và chai rượu đặc biệt kèm theo một chục nem chua má anh gói ghém cẩn thận đem ra biếu ông thầy. Quý nhất An tìm nhà báo tin cho Nga biết Hiếu vẫn bình an mạnh giỏi. Lần đó Hiếu cũng được nhiều quà hai bên ba má và lá thư viết vội của vợ ” Chú An rất dễ thương, chú cứ ẵm bé Trang nói ba Hiếu hay kể về bé Trang cho chú nghe. Bé Trang cũng thích chú An, nhờ chú nhắn ba Hiếu lần sau về thăm con đem chú An đi theo để chú chở con đi chơi”
– Đại úy, cô Nga nói Đại úy phải cẩn thận, ngày nào cô cũng cầu nguyện cho Đại úy và đơn vị. Cô nhắn Đại úy nhớ viết cho ông bà vài chữ để ông bà mong. Bé Trang lớn lắm rồi Đại úy ơi. Bé nhờ em nhắn với Đại úy bé nhớ ba Hiếu lắm…
– Cám ơn An. Anh thiệt bậy, nhiều khi anh cũng muốn viết thư cho ông bà già mà hễ cứ cầm viết lên lại không biết viết gì…
– Em cũng vậy. Hễ cứ viết cho đào thì được mà viết cho hai ông bà già là ngọng. mà ông thầy phải làm theo lời cô dặn chứ coi bộ cô áy náy lắm. Cô nói với em là lâu quá mà ông thầy không có chữ nào về cho hai bác. Bác gái trông dữ lắm, lần nào cô về thăm cũng hỏi về ông thầy..…
– Rồi, chút xíu nữa tao viết cho cô, tao sẽ ké vài chữ…
– Ông thầy còn cần em chuyện gì cho em biết…
– Ghé kêu mấy cha Trung đội Trưởng uống với anh vài chung, nhắm quà từ hậu phương thương mến. À, có viết thư về nói anh Hiếu gởi lời cám ơn bà già mầy gởi nem chua nghe
– Có gì đâu ông thầy. Em kể chuyện ông thầy cho ba má em nghe, ba em nói có dịp mời Đại úy rảnh ghé nhà chơi để ba em nhậu với ông thầy một chuyến.
 
Hiếu thở dài, khó quá. Chiến tranh cứ như thế này thì chừng nào mới tìm được chuyến về phép. Xin chắc cũng được nhưng Hiếu không đành lòng khi nghĩ đến những thằng em ngày đêm đối diện cái chết rình rập trong khi mình êm ấm với vợ con. Chẳng may trở ra đơn vị nhận tin vài đứa nằm xuống chắc ăn không ngon ngủ không yên. Tình đồng đội chính là triết lý của đời lính. Nhớ vợ nhớ con thì ráng đè xuống chừng nào chịu không nổi nữa sẽ tính…

CÒN TIẾP /Kỳ 3
---------------

More:

1. NGƯỜI LÍNH VNCH (1) - Người VIỆT Tự Do
2. NGƯỜI LÍNH VNCH (2) - Người VIỆT Tự Do
3. NGƯỜI LÍNH VNCH (3) - Người VIỆT Tự Do
4. NGƯỜI LÍNH VNCH (4) - Người VIỆT Tự Do
5. NGƯỜI LÍNH VNCH (5) - Người VIỆT Tự Do
6. NGƯỜI LÍNH VNCH (6) - Người VIỆT Tự Do
7. NGƯỜI LÍNH VNCH (7) - Người VIỆT Tự Do
8. NGƯỜI LÍNH VNCH (8) - Người VIỆT Tự Do 

No comments: