Saturday, December 10, 2022

Vụ thảm sát Quân, Cán, Chính VNCH ở Tuy Hòa Tháng Tư Đen - Huỳnh Kim Quang

 Vụ thảm sát Quân, Cán, Chính VNCH ở Tuy Hòa Tháng Tư Đen .
Son H Cao - Tù nhân A30 năm xưa

Tội ác này CSVN phải chịu trách nhiệm trả lời trước toà án quốc tế về tội diệt chủng, giết hại Quân Cán Chính VNCH một cách dã man để thỏa mãn thú tính .
Buổi sáng hôm sau ngày được chuyển ra trại A30 Phú Khánh,. sau khi các đội ổn định, chúng tôi phải đi lao động chứ không ăn cơm tù mà ở không được, và người tù Trưởng Ban Tổng Hợp Trại, phân phối công việc cho các đội, là anh Đại úy nguyên là Cảnh sát Nguyễn Văn Tạo,. 

----------------------------- 

Trưởng Ban Tổng Hợp quyền uy một cõi, cán bộ trại đói no đều do một tay anh Tạo. Hồi còn Trung úy anh làm Trưởng Cuộc CSQG Sông Lòng Sông, Tuy Tịnh Chàm, quận Tuy Phong, Long Hương. Năm 1972 để chuẩn bị cho đấu tranh chính trị với VC, khóa sinh Sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức, trước khi ra trường phải đi chiến dịch . Khóa này Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho ra hết Bình Thuận trên 2000 Sinh Viên Sĩ Quan . Được chia ra về các xã, thôn mỗi toán cỡ 30 người do một sĩ quan Đại Đội Phó phụ trách . Tôi nhận một toán SVSQ ra hoạt động vùng Càn Rang, Tuy Phong . Vùng này VC rất nhiều, nên để an toàn cho anh em tôi liên lạc với anh Tạo tại xã Sông Lòng Sông xin cho họ tối đến được vào trụ sở xã ngủ vì xã có đồn bót vững chắc, từ đó tôi quen với anh, về sau anh xin đổi về quê anh ở Tuy Hòa và lên Đại úy làm Chỉ huy Trưởng CSQG quận Tuy An . Tại đây Nhà 13, tôi gặp anh Tạo, anh vô cùng mừng rỡ, anh mới hỏi tôi, trước giờ ở đâu và có cần anh giúp đỡ gì không vì giờ này anh được trại giao cho làm Trưởng Ban Tổng Hợp lo việc phân công các đội lao động .Tôi mới nói với anh, nếu anh thương tôi thì anh cho Nhà 13 làm công việc gì mà có thể cải thiện kiếm ăn thêm vì anh em đói quá, chứ không mong gì hơn . . .

Nhờ vậy mà Nhà 13 luôn có cái ăn thêm vì được cắt cử đi đào khoai mỳ, khoai lang, chặt mía, làm ruộng, vét mương có thể bắt rắn, chuột đồng, ếch nhái ăn thêm... , vác bổi cho lò đường, chúng tôi kiếm nước đường uống cũng khỏe, không phải trèo non lặn suối vác gỗ nặng nhọc như các nhà khác nên anh em trong đội cũng rất cám ơn anh Tạo .

Tôi mới tìm hiểu về anh Tạo, tôi luôn nghĩ anh là một Đại úy Cảnh Sát VNCH thế sao được trại trọng dụng cho giữ chức vụ quan trọng này . Một em thuộc diện Phục Quốc Quân người Tuy Hòa cho tôi biết bí mật này. Thiết nghĩ giờ này không cần giữ cho anh an toàn nữa vì anh đã sang Mỹ theo diện HO cùng với vợ, nhưng mới đây Bùi Anh Trinh cho tôi biết anh qua Mỹ ở Cali nhưng không tiếp xúc với ai và đã chết rồi, nhưng gia đình giấu biệt không cho anh em đến thăm viếng . Câu truyện như thế này, mục đính nói ra là để tố cáo tội ác tầy trời của bọn VC đối xử tàn bạo với Quân Cán Chính VNCH mà thôi .

Hình : Đây là hình ảnh Núi Chà Rang, thuộc xã Hòa Định Tây, Huyện Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên, nơi 141 Quân cán chính VNCH bị VC thảm sát tháng 3-1975

Trước khoảng 1 tháng ngày VC tràn vô Tuy Hòa, khi tỉnh lộ 7B biến thành con đường máu vì Quân Đoàn II di tản từ Phú Bổn về Tuy Hòa bị VC chận đánh và sau đó chúng chiếm Tuy Hòa khi VNCH di tản hết khỏi nơi đây . Anh là Chỉ Huy Trưởng CSQG quận Tuy An nên dẫn Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến đi phục kích tiêu diệt được một ổ VC đột nhập trong đó có cô giao liên còn trẻ xinh đẹp bị thương nặng, vì lòng nhân đạo của một SQ/VNCH, anh thương tình sợ cô ta chết nên đã đích thân chở cô ta lên bệnh viện nhờ bác sĩ tận tâm chữa trị, vì thế cô này giữ được mạng sống, cô gái giao liên này lại là con nuôi của Trung Tá Công An VC Trần Đức Hạnh, nên anh Tạo mới được trong dụng cho làm Trưởng Ban Tổng Hợp .

Đến khi VC vô, anh và một số Sĩ Quan VNCH không kịp di tản nên bị VC bắt nhốt và ngày định mệnh đã đến với số anh em này khi bọn VC khát máu trả thù hèn hạ lên các anh . Theo tôi biết qua lời kể của các nhân chứng hiện đang còn giam giữ tại trại tù A30 Phú khánh này thì ai trong diện Cảnh sát, Tình Báo, CTCT, An Ninh Quân Đội đều bị liệt kê vào loại ác ôn bất chấp luật tù binh quốc tế . Tôi xin trích một đoạn mà anh Trần Đoàn Hưng và một số nhân chứng đã cung cấp tư liệu về vụ thảm sát để diễn tả lại diễn tiến sự việc trả thù đê tiện của bọn VC này .

“Sau khi nghe lệnh “khoan hồng” và kêu gọi trình diện để được cải tạo của chính quyền quân quản cộng sản TP Tuy Hòa, các thành phần có tham gia quân đội hay cảnh sát, công chức chính quyền của chế độ Việt Nam Cộng Hòa đã chân thành hưởng ứng trình diện. Ngoài một số đã di tản vào phía Nam, con số quân cán chính ra trình diện với chính quyền Cách mạng Phú Yên có lẽ lên tới mấy ngàn người với niềm hy vọng mỏng manh sẽ được đối xử khoan hồng theo chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc. Nhưng tên VC khát máu Giám Đốc Sở Công An Phú Yên tên Lê Văn Liễm lập một danh sách phân loại và truyền lệnh :
-“Ai có tên đứng qua một bên xe và ai không có tên ngồi yên tại chỗ.” Con số được kêu tên vào chiều hôm ấy là 142 người gồm khoảng trên 80 cảnh sát và trên 60 mươi quân cán chính, trong số đó có đại úy Kế, Chi khu trưởng Tuy An, và anh chỉ huy trưởng CSQG Tuy Hòa Đại úy Nguyễn Văn Tạo bạn của tôi....
– Nguyễn Khánh, chủ tịch xã Hòa Thắng
– Nguyễn Phúc (em ông Khánh), trưởng ban quân xa ty Cảnh sát Phú Yên
– Trung úy Nguyễn Văn Nê là cuộc trưởng thị xã Tuy Hòa
– Nguyễn Phương (rể ông Khánh) là cuộc phó xã Hòa Đa
– Châu Văn Hiển là Cảnh sát viên ty Cảnh sát Tuy Hòa
– Nguyễn Hai là Cán bộ Xây dựng nông thôn
– Ngô Văn Bộn là Cán bộ Xây dựng nông thôn…
Thảm thiết thay gia đình ông Nguyễn Khánh, bị thảm sát bốn người một lúc.

Ngoài ra, trong số sát thủ trong đêm thảm sát hãi hùng, tôi còn nhớ tên một người du kích là: Nguyễn Công Chánh”.

Gám Đốc Lê Văn Liễm bình thản tuyên bố :
- Vì điều kiện học tập tại địa phương nầy không tốt cho một số quá đông, do vậy 142 người nầy sẽ được về tỉnh học tập với các điều kiện tốt hơn. Sau những chuẩn bị nhanh gọn để lên đường, tất cả 142 người chia tay các bạn để “đi về một phương trời khác” khi chạng vạng vừa buông. Có ngờ đâu, đoàn 142 người dắt díu nhau đi, không phải đi về tỉnh mà đi theo lối phía Bắc, qua ngõ “Lù Ba” và tiến dần tới các bãi thảo nguyên hoang vắng dẫn tới bên chân núi “Chà Rang”…Khi trời vừa tối sẩm, những người cải tạo còn ở lại Đình Thọ chợt nghe một tiếng nổ lớn và tiếp sau đó là những loạt đạn đại liên xối xả từ xa vọng về. Lúc đó, các tay quản giáo đã hô lên rằng : đó là tiếng súng đánh nhau của bộ đội ta và tàn quân ngụy. Nghe thì nghe vậy nhưng trong lòng mỗi người đang nung nấu một mối nghi ngờ và lo âu. Rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra khi xe của ông giám đốc Công an Lê Văn Liễm lại đến.

Gần một tuần sau, trong khi lao động, một số anh em cải tạo nghe dân làng Đình Thọ kháo láo :
-Cách đây mấy đêm, có từng đoàn 5 người một, bị trói tay bằng dây dù, dẫn về phía núi Chà Rang và bị bắn chết chồng chất. Các trẻ em chăn bò cũng hoảng sợ kinh hoàng khi chứng kiến hàng đống xác người chết hôi thúi cả một vùng núi Chà Rang. Riêng người viết bài nầy, đã theo chân người thân đi tìm xác chú tại địa điểm trên. Trước khi đến “bãi xác” được chất hàng đống to đã bốc mùi kinh khiếp, một bãi nào dép, giày, bi đông, dụng cụ…nằm la liệt trên phần đất phía ngoài. Có lẽ, trước khi bị bắn, các cán bộ muốn “thanh tra đồ đạc phạm nhân” trước, để khỏi phải lục lọi trong cái đám xác bầy nhầy máu thịt !...

Có ai ngờ, trong sô 142 “học viên về tỉnh cải tạo” với những loạt đạn đại liên định mệnh tối hôm ấy, lại có một người sống sót. Nghe đâu người này sau đó đã cắn dây trói, chạy trốn vào phía Nam và thay tên đổi họ yên ổn làm ăn nơi một vùng đất mới…

Không biết trong hồ sơ về tội ác của Cộng Sản mà nghị viện Âu Châu đã lên án bằng nghị quyết 1481 ngày 24/01/2006 có liệt kê vụ thảm sát Mậu Thân (1968) ở Huế và thảm sát Mùa Xuân (1975) ở Phú Yên không ? Nếu không có, thì xin ai đó ở hải ngoại Âu Châu, làm ơn liên lạc với chúng tôi để ghi thêm vào “hồ sơ tội ác của cộng sản” cho đủ “con số tròn” .
Trong sự kiện này còn có một người sống sót là Đại úy Nguyễn Văn Tạo Chỉ Huy Trưởng Cảnh Sát Quốc Gia Tuy Hòa do được cô giao liên nhớ ơn cứu sống và đã đến kịp thời nơi thảm sát với lệnh cầm tay của tên Lê Văn Liễm cứu sống anh Nguyễn Văn Tạo, cô này đã đánh đổi bằng mất đảng, mất tất cả mọi quyền lợi chỉ để đổi lấy mạng sống ân nhân của mình, và dĩ nhiên anh chỉ thoát chết nhưng vẫn bị cải tạo như những người khác .

May mắn cho anh, Giám Thị trại A30 Phú Khánh Trung tá VC Trần Đức Hạnh, cũng có cảm tình với anh qua nghĩa cử cứu người giao liên VC, Cô ta lại là con nuôi của y nên trọng dụng anh . Riêng cô giao liên yêu anh và thăm nuôi anh cho đến ngày anh ra tù năm 1982, hai người kết hôn với nhau và sống tại Sài Gòn với nghề bán chợ trời .Anh em sĩ quan cải tạo tại A30 Phú Khánh có gặp anh chị, nhưng anh không tiếp xúc nhiều trừ những người quen thân, có lẽ vì mặc cảm sao đó, một phần vì chị không chịu đi, anh đành ở lại với vợ người đã có ơn cứu sống anh và đi cho hết quãng đời còn lại . Sau này khổ quá, chị đổi ý muốn qua Mỹ diện HO nhưng trễ, vì, càng ngày càng khó sống với thân phận của một người tù cải tạo trở về . .
Riêng tên khát máu Lê Văn Liễm sau nầy thăng cấp đại tá làm giám đốc sở công an tỉnh Phú Yên cho tới khoảng năm 1997. Sau một vụ bê bối tham nhũng hàng chục tỷ đồng đã “hạ cánh an toàn” trong nhiệm vụ mới tại Cục Hậu Cần của Bộ Công An.

Tháng Tư, Tìm Người Mất Xác
Phần bổ xung của thân nhân một nạn nhân bị thảm sát hôm đó, cho đầy đủ về vụ VC tàn sát dã man Sỹ Quan VNCH .
Huỳnh Kim Quang

Buổi sáng hôm ấy, bầu trời trong veo. Mặt trời vừa lên khỏi rặng tre sau vườn nhà. Những tia nắng đầu ngày rọi qua giọt sương mai lóng lánh chưa kịp tan còn đọng trên đầu ngọn cỏ xanh mơn mởn. Tiểu thế giới bình an và kỳ diệu lặng lẽ có mặt giữa đất nước loạn ly đang ở vào những ngày tuyệt vọng giẫy chết!
Đó là một ngày đầu tháng 4 năm 1975, khoảng vài mươi ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Trong buổi sáng hôm đó gia đình tôi nhận được hung tin. Người anh Thứ Bốn của tôi đã bị Cộng Sản giết tập thể cùng với hơn một trăm hai mươi quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa khác tại Núi Đất, Xã Hòa Định, Quận Tuy Hòa, Tỉnh Phú Yên.

Cha tôi kêu người anh Thứ Bảy và tôi cùng đi đến đó để tìm xác anh tôi mà đem về chôn. Chúng tôi đi bộ. Con đường đất dài khoảng 3, 4 cây số. Từ nhà tôi đi dọc theo hướng tây con mương chạy theo Đường Liên Tỉnh Lộ 7 đến Mương Số 1 thì quẹo phải rồi băng qua cánh đồng rộng để vào chân Núi Đất.

Mới vừa tới đầu Mương Số 1 thì đã thấy nhiều người đi ngược đi xuôi. Kẻ thì khóc than, kêu la thảm thiết. Người thì khiêng xác được bó lại trong những chiếc chiếu hay miếng nhựa cột hai đầu treo dưới đòn gánh bằng tre.

Lúc đến bìa rừng gần nơi bãi xác người thì bắt đầu ngửi được mùi tử thi xông lên nồng nặc. Đến khi vào tới chỗ hiện trường bãi đất xử bắn thì mùi tử thi bốc lên không thể nào ngửi được nữa. Cha tôi đã đưa cho anh tôi và tôi mỗi người mỗi tấm vải và chai dầu Song Thập. Ông kêu đổ dầu lên vải rồi bịt vào mũi để đánh tan bớt mùi hôi. Tôi làm theo. Đổ dầu lên miếng vải rồi lấy một tay bụm vào mũi. Mới đầu thì còn nghe mùi dầu nhưng chỉ trong chốc lát thì mùi dầu như bay hết, chỉ còn mùi xác chết thối rữa nặng kinh khủng. Ngày thường, nếu đổ dầu Song Thập mà hít vào mũi như vậy là ngộp thở ngay vì mùi dầu rất nồng và cay. Nhưng vì lúc đó không còn thần trì đâu để ngại ngùng chuyện hôi thúi mà chỉ để tâm đến việc tìm xác anh tôi, nên đành chịu trận như thế cho tới khi về.

Trước mắt tôi một bãi đất trống rộng khoảng gần một nửa sào đất nằm ngay bìa rừng, bao bọc là nhiều hầm dã chiến dấu đất đào còn mới với chiều sâu khoảng nửa thước. Chung quanh miệng hầm là những vỏ đạn văng tứ tung. Còn có cả những dây điện và mảnh vỏ trái mìn Claymore bị nát ra sau khi nổ banh. Xác người nằm la liệt, ngổn ngang, rời rạc hay chất chồng lên nhau. Có xác nằm úp mặt xuống đất. Có xác nằm ngửa mặt lên trời. Có xác nằm gục lên xác người khác. Những xác này bị cột tay tréo ra sau lưng từ người này sang người khác. Nhưng hầu như, tất cả xác đều bị rã, không một người nào còn đủ nguyên hình dạng để nhận ra. Thân nhân chỉ còn xem quần áo và giấy tờ tùy thân, nếu có, là chứng vật để nhận dạng người chết. Nghe nói, họ đã bị giết trước đó khoảng mười ngày, tức là vào đêm đầu tháng 4, và mấy ngày sau thì bị một cơn mưa lớn làm xác chết rữa ra, không còn nguyên dạng nữa. Hôm đến đó, tôi mang đôi dép xẹp. Khi đi tìm xác anh tôi thì đạp lên những lớp bầy nhầy, nhão nhoẹt như bùn mà thật ra là thịt rã ra thấm vào đất, ngập cả bãi cỏ, nên khi người đi qua thì thành lớp bầy nhầy, hôi thối không thể tả. Những xác người chỉ còn lại xương và quần áo không nguyên vẹn, có xác, thịt da chưa rã hết hoàn toàn đã sình lên. Những bộ xương sọ với hàm răng hả ra thật to, có vẻ như khi chết họ la ó dữ lắm.

Ba cha con tôi tìm mãi, lật từng xác người, xem từng bộ đồ, lục từng túi áo để xem có giấy tờ gì của anh tôi không, mà không thấy. Tìm khắp mọi nơi trong bãi đất xử bắn cho đến trưa xế thì chúng tôi quyết định không tìm nữa vì không còn gì đề tìm. Cha tôi nói phải biết chính xác là anh tôi thì mới dám đem về chôn, chứ nếu không thì mình sẽ lấy nhầm xác của người khác là không nên. Vì vậy chúng tôi ra về. Lúc đó người vẫn còn ra vô để tìm xác thân nhân. Nhiều người lăn lộn bên xác chết của thân nhân vừa tìm được, khóc than thảm thiết.

Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng của sự tàn ác do con người gây ra cho nhau. Trước đó, tôi từng đọc kinh Phật diễn tả về cõi địa ngục mà trong đó chúng sinh chịu nhiều cực hình đau khổ cùng cực, nhưng không hình dung ra được cảnh trạng đó thực sự như thế nào. Hôm đó tôi nghĩ địa ngục dù có kinh hoàng tới đâu thì chắc cũng cỡ này. Nhìn tận mắt thảm nạn bi thương tàn khốc này tôi cảm thấy chủ nghĩa cộng sản, con người cộng sản quá tàn ác, dù lúc ấy tôi mới chỉ là một đứa trẻ vị thành niên.

Trên đường về nhà, cả ba cha con tôi đều im lặng không nói gì, không ai khóc, dù ruột gan tôi và chắc chắn ruột gan cha tôi và anh tôi cũng đều đau đớn không cùng tận như bị dao cắt đứt từng đoạn.

Người anh của tôi đã mất hôm đó tên Huỳnh Công Ức, là người anh Thứ Bốn trong nhà. Cha mẹ tôi sinh ra mười người con, nhưng ba người vắn số bỏ đi trước, còn lại bảy người, bốn gái, ba trai. Lúc anh mất chừng khoảng ba mươi ba tuổi. Nhà nghèo, anh chỉ học tới lớp ba gì đó thì phải nghỉ học để phụ giúp cha mẹ lo cho gia đình. Khi đến tuổi đi lính, anh nhập ngũ vào ngành cảnh sát quốc gia. Vì không có bằng trung học, anh chỉ là một cảnh sát viên quèn về làm việc tại trụ sở xã ở địa phương. Anh nóng tánh nhưng rất thương yêu gia đình và các em. Anh thay cha tôi dạy em rất nghiêm. Tôi nhớ hồi nhỏ mỗi lần có khách đến nhà là lũ em chúng tôi bị anh bắt ra vòng tay, cúi đầu, thưa hỏi đàng hoàng. Hồi bé, mấy anh chị em nhỏ chúng tôi hay gọi nhau bằng mầy tao nên bị anh đánh đòn bắt phải xưng hô anh chị theo thứ lớp. Tôi là đứa em trai út lúc nhỏ hay nghịch ngợm nên bị anh la và đánh đòn hoài. Anh có gia đình được năm đứa con, ba gái, hai trai, đứa lớn nhất lúc đó chừng 6, 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới sinh được mấy ngày trước khi anh đi trình diện và bị giết

Tôi nhớ trước cuộc triệt thoái của Quận Lực VNCH từ Cao Nguyên xuống Tuy Hòa qua đường Liên Tỉnh Lộ 7 vào giữa tháng 3 năm 1975, hôm đó trên đường chở tôi từ nhà xuống thành phố học, anh tôi nói như trăng trối, kêu tôi ở lại chăm sóc cho cha mẹ và gia đình, còn anh thì chắc phải bỏ đi không thể ở lại được nếu CS vào đây. Nhưng rồi, ngày 1 tháng 4 năm 1975, khi CS chiếm tỉnh Phủ Yên thì anh vẫn còn ở lại. Một hai ngày sau được lệnh CS kêu đi trình diện và sẽ được tha cho về trong vòng mười ngày. Ngày đi trình diện vì nghĩ rằng mươi ngày sau là về nên anh chỉ đem theo một bộ đồ dự phòng gì đó, tôi không nhớ rõ. Cho đến khoảng mười ngày sau, thay vì nhận tin anh được thả về thì gia đình lại hay tin anh bị giết cùng với khoảng trên một trăm hai mươi quân cán chính VNCH mà trong đó gồm các viên chức dân quân cán chính xã, thôn tại địa phương. Tin anh chết cũng không được chính quyền chính thức loan báo cho gia đình biết mà do bà con có thân nhân đi học tập bị giết cùng chỗ với anh lén báo tin cho nhau nghe để đi tìm xác.

Khi ba cha con tôi về tới nhà từ chỗ tìm xác anh tôi thì thấy ở nhà mọi người đang buồn rầu, khóc lóc bi thảm. Rồi vài ngày sau nhà tôi thỉnh Thầy về làm lễ cầu siêu cho anh tôi. Hôm đó, trong lễ cầu siêu tổ chức nội bộ gia đình, cha mẹ tôi nghẹn ngào vì cảnh người tóc bạc đưa người tóc xanh. Đó là cảm trạng chung của những bậc cha mẹ trong thời chiến tranh! Có lẽ đa phần các gia đình Việt Nam đều trải qua kinh nghiệm đau thương này. Có gia đình mất mát tới mấy người con trai. Nhưng điều trớ trêu là anh tôi không phải hy sinh trong chiến trận, nơi sa trường mà bị giết một cách mờ ám và tàn ác lúc đã quy hàng và trên tay không có gì đề tự vệ, chứ đừng nói để hại người.
Trong vụ này, gia đình người con trai của bà Dì Năm, chị ruột của mẹ tôi, bốn cha con đều bị giết, gồm người cha, hai đứa con trai và một người con rể. Sau khi anh tôi chết, cha mẹ tôi buồn rầu đến sinh bệnh. Mẹ tôi hầu như tối nào cũng khóc thương vì nhớ và tội nghiệp cho người con trai bạc mệnh. Sức khỏe cha tôi suy yếu dần đến năm 1981 thì qua đời ở tuổi 66.

Bằng đi một thời gian độ mấy tháng sau vụ anh tôi chết, tức là sau 30 tháng 4 năm 1975, bỗng một hôm tôi nghe mẹ tôi nói ở ngoài người ta đồn anh tôi đã thoát chết trong đêm định mệnh đó và trốn chạy được. Mẹ tôi kể, dĩ nhiên, chỉ cho gia đình nghe, có người nghe nói đêm đó anh tôi đã trốn được và thuê xe thồ chở xuống thành phố rồi đi thẳng vào Nam. Với tâm trạng thương nhớ anh tôi vừa mất, thì đối với gia đình tôi tin này là một điều gì đó vừa bất ngờ, vừa vui mừng khôn tả. Cả nhà tôi bàn tán với nhau suốt ngày về tin này và chỉ cầu mong anh tôi còn sống. Tuy nhiên, tin đồn này lại làm cho chính quyền địa phương để ý và theo dõi. Dạo đó tôi nghỉ học và ở nhà, nên biết rõ chuyện này. Nhiều đêm lúc về khuya chung quanh nhà có tiếng động và có người rình rập theo dõi. Chắc chính quyền muốn biết có phải anh tôi còn sống thực hay không.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, mẹ tôi quyết định đi tìm anh tôi. Tánh của mẹ tôi là vậy. Một khi bà đã nghe đồn về chuyện anh tôi thoát nạn trốn vào Nam thì không tài nào bà không đi tìm. Tôi nhớ, trước năm 1975, lúc anh Bốn tôi học cảnh sát ở quân trường Đà Lạt, mẹ tôi nhớ con mà đã lên tận đó để thăm, dù anh ấy chỉ đi học có mấy tháng. Khi anh Bảy tôi đi lính bị thương ở chiến trường Dakto-Tân Cảnh thuộc tỉnh Kontum, mẹ tôi cũng lặn lội lên đó để thăm. Sau năm 1975, chính xác là năm 1985, lúc tôi bị tù vượt biên ở Trà Vinh, mẹ tôi dù đã già yếu cũng một mình vào Sài Gòn nhờ người quen dẫn xuống đó để thăm tôi.

Kỳ này, mẹ tôi kêu anh Bảy tôi và tôi đi theo. Ba mẹ con khăn gói lên đường đi tìm anh tôi, dù không biết là đi đâu để tìm. Có lẽ trong đầu mẹ tôi đã có chủ hướng đi đâu tìm rồi. Còn tôi, đó là lần đầu tiên đi ra khỏi tỉnh mà lại đi thật xa nữa. Với tôi đó là chuyến đi đầy thích thú và hy vọng, thích thú vì được đi xa, hy vọng vì mong tìm được người anh. Chúng tôi xuống thành phố, đón xe đò đi vào Nam mà trạm dừng đầu tiên là Cam Ranh. Tôi nhớ khi tới Cam Ranh thì trời xế chiều. Ba mẹ con vào một cái vườn xoài bên đường quốc lộ và xin ở nhờ một đêm rồi sáng mai đi tiếp. Người chủ vườn xoài lòng dạ thật tốt đã cho chúng tôi ở tạm qua đêm. Ở đó chúng tôi hỏi thăm người ta xem những chỗ nào có người mới đến lập nghiệp thì đi tới kiếm. Người ở đây mách cho biết ở Bình Tuy, Long Khánh có nhiều chỗ dân từ ngoài mới vào khai khẩn đất đai lập nghiệp đông lắm. Ba mẹ con tôi nghe nói thế nên sáng mai lại đón xe đò xuôi Nam tiếp tục. Trên đường đi, chúng tôi bạ đâu ăn đó, hễ tới giờ ăn mà đói bụng thì mua thức ăn dọc đường mà ăn. Nhiều khi tới giờ ăn, bụng đói nhưng xe đang chạy không có trạm dừng thì cũng đành nhịn đói. Cái ăn, cái ngủ vì vậy thật là thất thường và không đầy đủ trên suốt mấy ngày đi tìm anh tôi.

Vào đến Bình Tuy thì mặt trời đã gần xuống núi. Ba mẹ con tôi xuống xe ở đây và đi bộ vào khu dân cư mới lập nghiệp. Nhà cửa còn sơ sài, cả vách và mái đều làm bằng rạ. Đất đai vườn tược mới khai khẩn. Cây cối còn thưa thớt. Những miếng đất tranh rừng bị đốt cháy đen còn chờ mưa xuống để cày vỡ lên mà trồng trọt. Buổi chiều nhìn những cột khói bốc lên từ những mái tranh nhà bếp thô sơ ở quê người làm tôi nhớ nhà. Vào xóm, chúng tôi xin tá túc ở nhà một cặp vợ chồng có 2 con nhỏ cũng từ miền Trung mới vào lập nghiệp. Có lẽ thông cảm cảnh ly hương mà họ trải lòng dung chấp, dù chỉ một đêm ở tạm. Đêm đó mẹ tôi trò chuyện và hỏi thăm những người ở đây để tìm tung tích của anh tôi. Ngặt nỗi, chúng tôi không dám nói thật về tình trạng của anh tôi nên cũng chẳng tìm ra được manh mối gì.

Sáng hôm sau, ba mẹ con chúng tôi lại đón xe đi tiếp vào Nam. Tới Long Khánh lúc trời chiều. Chúng tôi xuống xe đi bộ dọc theo đường quốc lộ để dọ thăm tin tức. Chỗ nào có nhà cửa mới dựng lên thì chúng tôi đều vào hỏi thăm. Đi tới gần tối thì gặp một ngôi chùa. Chúng tôi vào chùa xin nghỉ nhờ một đêm. Thầy trụ trì, lâu quá tôi không nhớ đạo hiệu của Thầy, hỏi thăm và biết chúng tôi từ xa đến cả ngày đói bụng nên đã cho ăn bữa cơm chay thật ngon miệng. Khuya hôm đó nằm nghe tiếng chuông chùa ngân vang vào thời khóa thỉnh chung buổi sáng mà nhớ nhà, nhớ tiếng chuông chùa ở làng quê mình.

Với tình hình mấy bữa rồi lang thang đi tìm khắp nơi mà tin về người anh tôi vẫn biệt vô âm tín, như mò kim đáy biển, mẹ tôi quyết định không đi tìm nữa và trở về nhà. Sau một đêm ngủ nhờ cửa Phật, sáng hôm sau chúng tôi ra đường quốc lộ đón xe đò về nhà. Lúc ra đi chúng tôi mang theo hy vọng bao nhiêu thì khi trở về lòng dạ buồn đau tuyệt vọng bấy nhiêu.

Tin đồn anh tôi thoát nạn ở Lù Ba vẫn còn lưu truyền trong bà con làng xóm một thời gian sau đó. Nhưng mẹ tôi đã không còn có ý định đi tìm anh tôi nữa. Với tôi, chuyện này vẫn cứ đi theo mãi. Cuối năm 1986, lúc đi vượt biên tới được đảo Pulau Bidong ở Mã Lai Á, tôi cũng đã có thăm dò và gửi danh sách tìm người mất tích cho Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc nhờ tìm giùm. Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc vào thời đó có chương trình giúp người tị nạn tìm kiếm thân nhân mất tích. Ngay cả những năm tháng mới đến Mỹ, tôi cũng thường nghe ngóng tin tức về anh tôi, nhất là trong các sinh hoạt của những hội đoàn cựu quân cán chính VNCH.

Nhiều khi nghĩ đến chuyện này tôi thấy mình như mâu thuẫn. Một mặt thì tự thân tôi cũng biết là anh tôi khó thoát chết trong vụ thảm sát đó rồi. Hơn nữa nếu anh còn sống thì chắc anh cũng đã liên lạc về gia đình bằng cách này hay cách khác, chứ chẳng lẽ anh không còn nhớ đến gia đình hay sao. Nhưng mặt khác thì dường như trong chỗ sâu kín của tâm tư tôi đôi khi cũng lóe lên một tia hy vọng mỏng manh rằng anh tôi còn sống. Giả như lúc mấy cha con tôi đi tìm mà thấy được xác anh tôi thì chắc chắn chuyện này đã kết thúc ở đó.

Thế mới biết, ở cõi đời vô thường này có thứ mình muốn quên đi mà chưa chắc đã quên được dễ dàng. Giống như trong Duy Thức học của Nhà Phật có nói đến trường hợp “lạc tạ ảnh tử” — chủng tử kết sinh từ cái bóng rớt lại — trong A Lại Da Thức. Chỉ một cái bóng — của cánh hoa rơi, của ánh chiều tà, v.v… — thoáng qua ở một khoảnh khắc nào đó trong đời, vậy mà còn mãi trong tâm, có khi mang theo từ kiếp này đến kiếp khác nữa. Huống gì là cái chết đau thương của người anh ruột!

Nhưng bao năm trôi qua tôi cũng không còn nghe tin tức gì về anh tôi. Mọi thông tin về anh tôi như đã cùng với xác thân anh im lặng nằm sâu trong lòng đất. Chắc bây giờ anh đã tái sinh thành một gã đàn ông trung niên bảnh bao, khí phách ở đâu đó trên cõi đời này. Biết đâu tôi đã từng gặp người đàn ông này mà chẳng quen biết gì nhau.

No comments: