Tôi hồi hộp theo dõi coi đoàn xe đi về đâu, không chừng nó chạy lên Bá Ghe, hay Cà Lon thì bỏ mạng vì chỗ đó không thua gì Cà Tót, đến khi xe băng qua doanh trại của Tiểu Đoàn 229/ĐP quen thuộc của tôi và quẹo vô khu Gia Binh của Trung Đoàn 44/SĐ23 thì dừng lại, và tôi thấy lố nhố nhiều người tù cải tạo chạy ra xem, tôi mới yên tâm .
Tổng trại 8 Sông Mao lấy căn cứ của Trung đoàn 44/Sư đoàn 23/BB làm trại tù. Khu Gia Binh to lớn có sức chứa 5000 người nên dùng nhốt khối B (Trung úy) và khối C (Thiếu úy) ngăn đôi bởi một hàng rào kẽm gai. Ngày đầu mới từ Cà Tót đổ về, Đại uý và Thiếu tá còn ở chung chỗ với nhau cùng chúng tôi .Sau này Khối A từ Đại úy trở lên được chuyển qua khu nhà tiền chế mà trước đây TĐ/229/ĐP dùng làm doanh trại. Tôi thấy có một nữ tù cải tạo trong khối A Đại úy, không biết chị được cho về khi nào .
Tổng trại 8 do Trung đoàn 482 của VC Bình Thuận quản lý, thuộc Quân Khu 6 với Chính Trị Viên là Trung tá Loan. Trại A có 4 khối, khối 1 dành cho cấp Thiếu tá không đi Bắc, khối 2 Bình Thuận, khối 3 Bình Tuy, khối 4 dành cho Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tuyên Đức. Chúng tuyển lựa đám có dây mơ rễ má, có cha là Liệt sĩ hoặc có công với Cách mạng làm Khối Trưởng .. Hải Triều Lê Khắc Hai là một trong số Khối Trưởng bưng bô khét tiếng.
Trại B Trung úy được chia làm 5 khối. Khối 1 Lâm Đồng, Khối 2 Bình Tuy, Khối 3 Ninh Thuận, Khối 4 Bình Thuận, Khối 5 Bình Thuận và Đà Lạt. Cũng có vài người ở lẫn lộn. Khối Trưởng khối 4 là Nguyễn Văn Tánh, có cha là Huyện ủy VC. Khối 5 là nhà giáo Lưu Hữu Được có cha là Huyện ủy đã chết khi kháng chiến chống Pháp.
Trại tù ở Sông Mao so với Cà Tót thì đỡ hơn nhiều. Tôi nhớ ngày mới về, người đầu tiên tôi gặp là Trung Úy Nguyễn Dương Quang bạn ĐĐT cùng TĐ 229/ĐP với tôi, Tôi mới hỏi anh ăn uống tại đây thế nào ? Anh nói khỏi lo, ăn uống tương đối no lòng có thịt cá rau củ từ các nơi cung cấp . Tối đó chúng tôi được cho ăn cơm trắng với cá khô sốt cà chua, dù không được no lòng vì quá đói, khát nhưng tôi cứ tưởng trong mơ, nó ngon làm sao đó, tôi nhủ thầm nếu ăn uống như thế này thì có hy vọng sống sót trở về .. Những ngày đầu tất cả còn ở chung với nhau tại khu gia binh. Chúng tôi tự bầu lấy người chỉ huy trong lao động. Tôi được các anh bầu chọn làm người coi về phân công lao động vì thành tích trước đó ít ngày dám bạt tai một tên giáo gian con một Huyện ủy VC được VC chỉ định quản lý nhà kho, vì tên này dám ỷ thế coi thường tôi, nó nói tôi gian lận dầu hỏa, nó đã phát rồi, vì mỗi phòng tối đến đem cây đèn đến cho hắn chế dầu vào để thắp sáng phòng .Tối đó phòng tôi tối om vì đèn không dầu nhưng anh em cũng thông cảm vì tôi đã làm hết mình rồi . Hắn không nghĩ tôi lấy thêm bình dầu hỏa để làm gì ? Hắn sợ tôi đốt trại chắc ?.
Khi tôi từ Cà Tót về đây thì trại này đã có trên vài ngàn. Các anh từ Lâm Đồng, Bình Tuy, Phan Rang, Đà Lạt... đã tập trung về đây. Không biết chính xác nhưng ước lượng 3 trại có khoảng 5000 ngàn người.
Thân nhân những người tù từ Cà Tót hàng ngày lên thăm đứng ngoài vòng rào kẽm gai dòm vào tìm xem thân nhân của mình còn hay mất, nhưng không ai được biết tin gì cả. Tất cả Chuẩn úy được cho về đều bi cảnh cáo trước không được tiêt lộ tin tức chết tại Cà Tót. Không biết tại sao tin anh Đặng Văn Hai bị chết lại đến tai vợ anh. Gia đình lên xã Chợ lầu hỏi thì bị chúng chối phăng, họ nghi ngờ anh Chuẩn úy Nguyễn Hai (Hai Hiệp Phước) tiết lộ, vì nhà anh sát vách nhà vợ anh Đặng Văn Hai.
Thế là anh Nguyễn Hai phải lãnh đủ, thiếu điều chúng bắt nhốt anh. VC thật hèn hạ, đã có gan giết người lại còn muốn bưng bít, qua hơn 40 năm rồi mà chứng nào tật ấy vẫn còn. Thôi thì để lịch sử phán xét vậy.
Chúng tôi chiều chiều ra đứng trên các hồ chứa nước bằng xi măng rất cao trong khu gia binh để thân nhân có thể nhìn thấy biết mình còn sống. Chỉ được vài ngày, BCH TổngTrại 8 quyết định chấm dứt tình trạng này bằng cách điều toàn bộ chúng tôi lên phi trường Sông Mao cách đó hơn 1 km khiêng loại vĩ sắt làm phi đạo về rào kín mít, đến nổi gió cũng bị cản lại, cả trại nóng hừng hực như cái lò lửa vì Sông Mao nổi tiếng là vùng nóng nhất VN có thể nói như vậy. Đây là một dịp may hiếm có để cho thân nhân nhận dạng, họ đứng chật 2 bên đường nhìn tìm thân nhân, và chúng tôi kín đáo cho biết ai là người Bình Thuận đã chếttại Cà Tót, vì có số người không được cho đi vác vĩ sắt . Tường thép cao kín mít trên 3 m chận hết cơn gió ít ỏi của trưa hè khắc nghiệt vùng Sông Mao, nó nóng như thiêu đốt . Mấy chị người Nùng ngoài Sông Mao phải mỉa mai: “Mấy ông Sỹ Quan Cộng Hòa đẻ con so nên sợ gió”. Sông Mao là địa danh có tiếng nóng nhất Bình Thuận, nay như cái lò lửa. Khốn khổ nhất là tình trạng khô hạn không đủ nước sinh hoạt mặc dù chúng tôi đã đào hàng trăm giếng nước. Vì thế cơ hội gặp thân nhân lại đến, một tuần một lần chúng tôi được lên đập É Chiêm ở trên con Sông Mao tắm giặt. Bà con thân nhân lại có dịp đứng 2 bên đường vẫy tay chào, lén bỏ vào thùng nước trống ký đậu, gói đường, cảnh này thật cảm động vì họ nhìn thân xác đám tù từ địa ngục Cà Tót trở về ai cũng thân tàn ma dại . Chúng tôi cứ tắm, thân nhân cứ đứng trên dòm xuống, họ không nỡ rời đi .
Cuộc vượt trại đầu tiên xảy ra trong tháng 9/75, do ba anh em ở khối C (Thiếu úy) thực hiện, cầm đầu nhóm là Thiếu úy Tám, biệt danh Tám Đặc Công, trước đây anh là một Đặc công VC hồi chánh, được mang quân hàm Th/úy của QLVNCH, và là Trưởng toán Thám báo tại Chi khu Hòa Đa. Nhân việc đi khiêng vĩ sắt về rào khu trại, anh đã lôi kéo anh Trần Văn Xuân và một số anh em khác cùng trốn vào rừng lập chiến khu.
Nhưng cuối cùng chỉ có anh Đoàn Tiến Xe (người Chàm thuộc Đại đội 118/ĐPQ) và anh Bá tự là Bá Lé người Phan Thiết là vượt thoát. Hai anh Xe và Bá bị bắt lại, riêng anh Tám Đặc Công là một người có võ nghệ cao cường, lại từng là đặc công VC, nên anh trốn thoát dễ dàng và cướp súng của du kích địch, hoạt động tại vùng phía tây Hòa Đa. Anh đánh phá VC hơn một năm làm cho chúng nhiều tổn thất, cuối cùng anh bị VC bao vây bắn chết kéo xác về bỏ ngoài đường QL1 cho dân chúng Hòa Đa coi để dằn mặt. Xuất thân cộng sản, anh hiểu cộng sản, lìa bỏ cộng sản về với hàng ngũ quốc gia và còn chống cộng quyết liệt như bất kỳ người quốc gia chân chính nào!! VNCH ghi ơn công trạng của anh .Tên anh đã được ghi vào trang sử hào hùng của Bình Thuận .
Bên ngoài có tin đồn Tr/úy Đá cựu Xã Trưởng Chợ Lầu đã vượt trại và đang cầm đầu một nhóm người đánh phá Việt Cộng . Thật sự anh còn bị giam ở Sông Mao nhưng vì người dân bên ngoài mong ước có một cuộc nổi dậy để lật đổ bạo quyền CS nên mới tung tin này.
Nguồn an ủi duy nhất của chúng tôi là chiều về leo lên hồ nước để hy vọng nhìn thấy thân nhân nay đã chấm dứt vì bức tường vĩ sắt quá cao ngăn đôi cả thế giới bên ngoài. Khối A Đ/úy chuyển lên khu nhà tiền chế của doanh trại TĐ 229/ĐP. Tổ, đội, khối được thành lập để chuẩn bị học tập chính trị . Trước khi học tập, toàn trại làm bản Tự khai lý lịch. Lần này có kinh nghiệm ở lần làm trên Cà Tót, tôi chép lại y chang nên thông qua trước Tổ và Trại dễ dàng. Một số rất đông cứ làm đi làm lại hoài mà không được thông qua vì cán bộ quản giáo VC cho là chưa nói hết sự thật .Đông nhất trong số này là thành phần giáo chức biệt phái, họ bị gán cho cái tội “giáo gian” nên biết đâu mà khai, đành phải bịa ra những tội thật ngớ ngẩn để được thông qua. Hơn nửa tháng trời mới xong phần lý lịch và được phát giấy đặc biệt cùng mực Cửu Long một loại mực tốt nhất của dân Bắc được cho là không bay màu để chép vào đem nộp. Tôi nghiệm ra một chân lý, trong nhà tù Cộng Sản, tay nào nói dóc hay thì được đánh giá là học tập tốt, cải tạo tốt nhưng ở tù lâu hơn. Cộng Sản là thế.
Chương trình học tập chính trị gồm cả thảy 10 bài. BCH trại quyết định cho chúng tôi thăm nuôi trước khi học tập chính trị để lên tinh thần, mà chính trị gì toàn mấy bài tào lao bôi bác VNCH, Mỹ và tôn vinh đảng Cộng Sản quang vinh và HCM là lãnh tụ vĩ đại, cha già dân tộc có công giải phóng thống nhất đất nước . Khu rạp hát cũ kế lầu nước của Trung Đoàn 44 được chọn làm chỗ thăm nuôi. Anh em tôi hăng hái tình nguyện xin đi ra đó quét dọn mục đích được ngắm cảnh người qua lại và tìm người quen.
Nhà tôi chỉ cách đây 3km nên rất nhiều người quen biết. Nhiều lúc họ lén ném thuốc lá vào cho vì khu này chỉ cách con đường Tự Do một hàng rào kẽm gai thấp. Đang quét dọn, tôi bỗng nghe một tiếng nổ lớn khói bụi mù mịt, quay lại thì thấy anh Trần Quang Ảnh Trưởng Ban 4 CK/ PLC nằm ngã lăn ra bên cạnh. Một bàn chân đã bị nát, máu me cùng mình, tôi vội sốc anh lên lưng cõng chạy về trại cấp cứu. Anh được chuyển đi bệnh viện và sau đó về luôn nhà. Anh bị cưa một chân thật oan uổng .
Anh bạn Tr/úy Điền xuất thân Võ Bị Đà Lạt, khi tới Sông Mao chúng tôi không còn ở chung tổ, nên khi anh bị sốt rét nó quật, hôn mê đái ra máu tôi mới biết, nhưng anh có người chú ruột tên Thanh hiện làm quản giáo tại đây lại đi phép nên không ai giúp đỡ .
Tôi đành liều, nói với anh em trong tổ, tôi biết làm như thế này là sai nội quy trại nhưng vì cứu mạng người mong anh em thông cảm . Tôi viết sẵn bức thư gởi cho má vợ anh ta ở Chợ Lầu và đọc sơ cho cả tổ nghe và chờ anh bạn học cùng lớp hồi tiểu học người Chợ Lầu thường lái xe Benz chở củi vào cho trại . Khi xe vừa tới chỗ tôi đứng, tôi ném bức thư lên cabin xe nhờ nó chuyển . tay này cũng lanh ý nên cất lá thư và chuyển ngay về gia đình .
Hôm sau gia đình lên thăm nuôi có đem theo chai nước truyền, nhưng khi người đem vào cho anh thì chai bị bễ nước không còn, may mắn là gia đình tìm được người chú quản giáo và anh ta được đem đi bệnh viện . Từ đó tôi không còn gặp chỉ biết anh vượt biên thành công sang Úc .
Năm kia khi sang Úc tôi có gặp lại anh, thì anh nói sau khi hết bệnh, VC vẫn bắt vô học tập tiếp và lao động khác chỗ với tôi nên tôi không gặp, sau đó anh được cho về sớm vì có người chú bảo lãnh .Anh em gặp nhau ôn lại chuyện ở Cà Tót mà lòng còn quặn đau .
Tại Sông Mao, tôi lại lên cơn sốt rét khủng khiếp, tưởng không sống nổi, nhưng nhờ có thuốc gia đình đem vào khi thăm nuôi lại ở chung tổ với Bác Sĩ Quân Y/ TQLC Trung úy Hùng nhờ anh tận tình cứu chữa nên qua khỏi . Cơn bịnh sốt rét theo đuổi làm sức khỏe suy kiệt cho mãi đến bây giờ .
Sau gần 5 tháng mới gặp lại người thân, thật vui mừng không kể xiết. Một giờ thăm nuôi quá ngắn ngủi nhưng có còn hơn không. Thường ngày tổ tôi có anh Lê Quang Nồng tới chơi và nghe anh kể chuyện đời thật ly kỳ, anh có một giọng hát rất hay không thua gì Duy Khánh, Giang Tử, khi ở tù ngoài Bắc, chúng đưa anh từ trại tù ra Hà Nội để hát trên Đài Phát Thanh Hà Nội . Tôi cứ nghĩ tại sao anh không đi làm ca sĩ mà phải đi lính tác chiến .Anh Bùi Anh Trinh biết rõ vụ này qua Quản Giáo Tùng kể lại .
Theo Trung uý Bùi Anh Trinh thì lúc Trung úy Trinh và Trung úy Nồng mới từ Đà Lạt xuống Sông Mao được 2 ngày thì nhận được lệnh đi đào hố vệ sinh cho anh em. Đang làm nửa chừng thì có một anh cán bộ dắt xe đạp đi tới. Vừa đến nơi anh ta nhìn vào Lê Quang Nồng rồi đưa tay chỉ mặt Nồng. Trung úy Nồng bước tới giơ tay bắt, hóa ra cán bộ Tùng là người trưởng toán quân trước đây đã chận bắt Lê Quang Nồng, và một Chuẩn úy TĐT tại Quảng Đức năm 1970, anh ta lúc đó làm ĐĐT Trinh sát tỉnh Quảng Đức sau đó dẫn Nồng đi theo đơn vị để làm lao công chiến trường, chuyên môn khiêng vác đạn dược. Đến năm 1972 thì đưa Nồng ra Bắc .
Ngày đầu tiên được học tập ai nấy phải áo quần nghiêm chỉnh, giấy bút đầy đủ để ghi chép, tất cả mọi người đều chưa hình dung ra được cái gọi là học tập, thực chất đây là các buổi tẩy não, nếu làm đúng những gì đã được nghe khi lên lớp và chấp nhận nó thì hóa ra đồng ý chửi lại quê hương mình, đồng đội mình là theo Mỹ là phản quốc, là tay sai cho Đế Quốc Mỹ .Tôi không ngạc nhiên khi biết ban giảng huấn là ai, đám này xuất thân là đám vô học, nhiều tên đọc chữ chưa rành, có tên xuất thân từ ở đợ chăn trâu cho phú hộ thì lấy đâu ra thì giờ học hành ?. Trưởng ban là Đại úy VC tập kết nay hồi kết trở về tên là Phong người Phan Rí, trước khi tập kết là giáo viên trường làng, là Chính trị viên Tiểu Đoàn, có quen với dì họ của tôi nên ông ta cũng biết rõ về tôi, ông ta nhận ra tôi ngay khi gặp lần đầu cho dù cách nhau 20 năm vì tôi quá đặc biệt, chắc người nhà cũng đã nói về tôi với ông ta. Anh em tù cải tạo đặt cho ông tabiệt danh là Phong Gió vì tài nói phét lác có hạng. Khi tôi ở tù về ở Phan Rí Cửa, Thôn kêu đi họp, tại ngôi trường Thanh Lộc, mà khi đi tập trung chúng tôi bị chúng nó đánh te tua khi tiễn lên đường lại gặp tay Phong này, vì biết tẩy nhau nên ông đến dằn mặt tôi trước, sợ tôi hỏi các câu mà y không trả lời được thì bễ mánh mất uy tín .
-Anh ngồi im nghe không có ý kiến gì hết, không lôi kéo dân chống đối .Vẫn tác phong ngày nào, ông ta vẫn xem dân như tù cải tại, có bổn phận phải nghe phán . May phước cho ông là thằng em họ của tôi lấy con gái của ổng nên tôi không thèm tố khổ cái dóc tổ của ông ta ra. Kiến thức thì không có mà cứ làm như ta đây ôm cả vũ trụ .Trình độ giáo viên lớp ba trường làng thì làm sao có kiến thức mà phét lác .
Phụ tá cho Chính trị viên Phong người Xuân Hội, Chợ Lầu cũng mang quân hàm Đ/úy. Tôi quên mất tên chỉ nhớ biệt danh “LÀ” mà anh em lén đặt. Chúng tôi gọi hắn là Đại úy Là, bởi vì ăn nói cà lăm và trong 2 tiếng lên lớp tôi thấy hắn dùng chữ “Là” cũng có trên vài trăm lần. Thường trong khi lên lớp chúng tôi thường đếm hôm nay y nói bao nhiêu tiếng Là. Nguyên gốc của hắn xuất thân từ chăn trâu cho gia đình Phú hộ trong làng Xuân Hội, sau bị dụ dỗ nhảy rừng tập kết ra Bắc nay trở về làm ông lớn, nhưng cái gốc dốt nát làm sao chữa được nếu không được đi học. Tôi không hiểu tại sao VC lại chọn một người có trình độ như vậy làm Chính Trị Viên, hèn nào cấp dưới tay nào cũng đạt trình độ siêu nhân về ngu dốt nhưng càng siêu nhân hơn về khả năng không còn biết hổ thẹn, và không còn nhân tính trong đối xử với người tù cải tạo. Chắc có lẽ những người còn chút liêm sỉ không dám nhận nhiệm vụ này vì họ biết toàn là láo khoét chăng ?
Thành phần Quản giáo đa số là người địa phương đi tập kết ra Bắc nay trở về như Tr/úy Thanh người Chợ Lầu, Th/úy Cảnh Phan Rí, Th/úy Tùng dân Quảng nhưng mới đớp được cô vợ trẻ tại Phú Hải Phan Rí nên cũng thuộc dân Phan Rí Cửa, Th/úy Bảng người Hà Nội, Chuẩn úy Xây trước đây là lính SĐ/22/BB nội tuyến, sau chạy theo VC lập nên công trạng được phong quân hàm Chuẩn úy. Nói chung trong đám này hết nửa làn biết gốc gác Cao Hoài Sơn tôi, nhưng tôi ngậm tâm không dám nói vì sợ anh em cho là có gốc gác Việt Cộng nòi thì bỏ mạng . Tôi mới hỏi thăm ông cha nuôi của tôi là Thiếu Tướng Việt Minh Nguyễn Hằng, gốc anh chị Hải Phòng, người chỉ huy lực lượng Việt Minh ở khu vực Bình Thuận-Bình Tuy cho đến Ninh Thuận, người tại địa phương đều gọi lính dưới quyền chỉ huy của ông là lính của ông Hằng chứ không ai gọi là lính của cụ Hồ, ông này ngang hàng với Dương Minh Châu, hay Nguyễn Bình nhưng không ai dám nói rõ cho tôi biết vì sau khi ra Bắc, ông ta thấy Bắc Cộng, Hồ Chí Minh láo khoét, gạt dân MN tập kết ra Bắc nhưng không có ngày về Nam, nên chống đối lại bọn VC, bị Giáp, HCM cho bắt nhốt vào tù, ông vượt trại và lội qua sông Bến Hải, cuối cùng bị bắn chết giữa giòng như trường hợp của Nhà Văn Vũ Anh Khanh người Bình Thuận cũng chết thê thảm như thế .Tổng kết tôi có 3 người cha, một cha ruột, một cha kế, một cha nuôi đều chết dưới bàn tay của lũ cộng sản tàn bạo này . Đương nhiên tôi bị xếp vào thành phần cực kỳ phản động, vì thế ngày trở về thêm mù mịt .
Nhìn chung vì là người địa phương làm quản giáo nên cũng có đôi chút dễ dãi, chỉ phải họ vì sống, học tập chung lâu ngày với Cộng sản nên tiêm nhiễm cái tật cố hữu của cán binh cộng sản là bốc phét nan y một chứng bịnh không thuốc nào chữa nỗi!
Ngày học đầu tiên, chúng tôi bị ngay tên CTV Phong Gió phán một câu nghe nhức nhối: “Các anh chưa phải là thành phần trí thức, các anh chỉ tạm thời là người gọi là có học”! Đây là đòn đánh phủ đầu để che giấu cái dốt của bản thân hắn, vì rất nhiều trong chúng tôi biết gốc gác tam đời cổ đại nhà hắn. Ngồi phía dưới chúng tôi ngơ ngác không hiểu hắn nói gì. Trong chúng tôi quy tụ nhiều trí thức đủ ngành nghề của miền Nam, có cả Bác sĩ, Luật sư, Cao học… Người nào ít nhất cũng là ông Tú, đủ sức dạy dỗ tất cả các tên cán ngố như hắn.
Những đầu đề các bài học nghe thật kêu nhưng đầy lố bịch và rỗng tuếch:
-Đế quốc Mỹ là tên Xâm lược và là Sen Đầm Quốc tế.
-Ngụy Quân Ngụy Quyền là tay sai của Đế Quốc Mỹ.
-Xã Hội Chủ Nghĩa nhất định thành công.
-Hồ Chí Minh vĩ đại, vị cha già cứu tinh của dân tộc.
-Đảng Cộng Sản Việt Nam quang vinh, đời đời sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta.
-Chính Sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước trước sau như một ...
Nội cái sau cùng nói về chính sách đối với tù binh, bọn nó đã vi phạm trắng trợn, trả thù đê hèn lên thân xác các tù binh không vũ khí đã ra trình diện, tùy tiện xử bắn nhiều người để trả thù . Trong chính sách có ghi ai giải ngũ thì được học tập tại địa phương không tập trung cải tạo, thế mà chúng tống ông Thiếu tá Thổ Thêm ra Bắc nhốt nhiều năm .
Đại loại những bài như vậy, trong học tập phải đào sâu tư tưởng, phát biểu đúng trọng tâm. Sau khi lên lớp về thảo luận ở tổ gồm 18 người cho thật nhuần nhuyễn. Mỗi bài chúng tôi phải thảo luận bốc phét trong một tuần. Trong học tâp khi thảo luận phải nghiêm chỉnh, tự đánh giá bản thân là người có tội, được cách mạng khoan hồng tha chết, đem về đây cho cải tạo thành người hữu ích mai sau. Để “đền ơn” Bác và Đảng, chúng tôi phải “học tập tốt, lao động tốt, sẵn sàng tố giác bất cứ ai có hành vi cử chỉ, lời nói chống lại chính quyền cách mạng, phải tuyệt đối tin tưởng vào đường lối chính sách của Đảng Cộng Sản VN quang vinh trước sau như một…”!!!!
Vì căng thẳng quá nên có một anh ở Phan Rang, Trung úy Lê Quang Dũng tối ngủ cắt đứt mạch máu tự tử chết. Lúc đi vệ sinh trong giờ giải lao, anh Phạm Kim Hoành biệt kích 81 nói móc họng “tụi mày nhớ đái cho đúng trọng tâm”. Có vậy thôi mà anh bị kiểm điểm trước Tổ rồi Đội thật thê thảm vì cho là nói móc chính sách.
Anh Lê Văn Vinh trong lúc đánh Domino với chúng tôi trong một buổi chiều ngoài sân, vô tình nói “đừng nghe lời mấy thằng Cộng sản”, thế là mang đại họa vào mình. Thời gian học tập chỉ có hai tháng rưỡi nhưng chúng tôi cảm thấy nó dài vô tận, đầu óc như mụ mẫm vì phải vắt óc nói láo theo đơn đặt hàng. Những ai đã sống trong chế độ Cộng sản thì đều bị nhồi nhét những cặn bã như thế vào đầu. Thế rồi cũng qua cơn gay go, chờ ngày đi lao động.
Trong một đêm tháng 11/75 vào khoảng 11 giờ đêm, cả trại đang ngủ, bỗng hốt hoảng thức giấc vì những tràng đạn bắn như sát bên tai. Một bóng người từ cửa sau lao vào leo lên sạp nằm kế bên tôi, chuyện gì đã xảy ra?
Chừng mười phút sau, Quản giáo Tùng và vệ binh ập vào phòng chúng tôi bắt đi anh Vinh bạn cùng Tổ của tôi, thường thì anh nằm ngủ bên tôi sát vách. Thì ra anh đã cùng một nhóm ở Lâm Đồng tổ chức vượt trại. Trong khi vượt rào kẽm gai, bị phát giác nên Cảnh vệ trên chòi canh bắn chết một anh tên Huệ người Lâm Đồng tại vòng rào kẽm gai, số còn lại gồm anh Tân, Vinh, Đỉnh và một số khác may mắn chạy được vào phòng. Các anh bị giam trong Conex sắt một thời gian dài. Một hình phạt thảm khốc dành cho người tù cải tạo dám chống lại chúng .
Tổng cộng số người chết ở Sông Mao vì di chứng của căn bệnh sốt rét ở Cà Tót lên đến hơn 25 người. Những nấm mộ đơn sơ được các bạn tù vun đắp bên ngoài vòng rào và có mộ bia dù là khắc trên khúc gỗ hay hòn đá nhưng cũng còn ghi lại được dấu tích, chờ thân nhân cải táng sau này. Khi Tr/úy Nguyễn Văn Cầu chết vì bệnh thương hàn, chúng tôi vô cùng thương tiếc, nhà Thơ Trần Vấn Lệ có l;àm bài thơ đưa tiễn .
Trong ban quản giáo có Chuẩn úy Xây nguyên trước đây là lính của Sư Đoàn 22/BB, không biết vì lý do gì anh bỏ ngũ đi theo VC, sau 30-4-1975 anh được VC gắn lon Chuẩn úy . Nhìn cách ăn nói của anh, tôi thấy anh có chút thương cảm với anh em chúng tôi, không có lời lẽ xấc láo, anh thường lặng lẽ . Trong khi anh em chúng tôi đi lao động vất vả đói khát, anh đêm đêm vác súng rình săn bắn heo rừng về cung cấp cho chúng tôi ăn thêm . Hành động thầm lặng đó chứng tỏ dòng máu đang chảy trong anh vẫn còn là VNCH nhưng vì một lý do nào đó anh theo VC .
Sau khi “học tập” xong, một số đông gần 1000 người được cho về. Hầu hết là các anh có thân nhân có công với “cách mạng”, có cha chú tập kết trở về bảo lãnh, hoặc giữ những chức vụ không gây “nợ máu với nhân dân”, trong lần này có nhà văn Hải Triều Lê Khắc Hai Khối Trưởng khu Đại úy và y đã từng huênh hoang tuyên bố trước đồng đội một cách tự hào là có cha là Cách Mạng nằm vùng có ám số, đảng viên CS và Đại úy Lê Dũng người Bình Tuy là cháu gọi Lê Duẩn Tổng Bí Thư CS là cậu ruột và hầu như những anh em có thân nhân đi tập kết trở về đều được cho về, trừ những người bị coi là có nợ máu với nhân dân.
Còn với người ở lại, cái Tết đầu tiên đến với tù cải tạo trong buồn tẻ, người nhà lại được phép thăm nuôi. Chúng tôi được lệnh tổ chức đêm văn nghệ thật “hoành tráng” để đón xuân. Về thể thao thì có các đội bóng chuyền ở Chợ Lầu và Hải Ninh được phép vào thi đấu. Với tuyển thủ từ bốn quân khu về đây, đội bóng chuyền Tổng Trại 8 đã hạ dễ dàng các đối thủ vô trại thi đấu. Dù chán ngán, căm hận VC thấu xương, nhưng để có cơ hội vận động, bớt căng thẳng tinh thần và nhất là bớt được vài ngày lao động khổ sai vất vả, nên cũng ráng mà làm.
Về văn nghệ, Trại B phối hợp với trại C cùng tổ chức đêm văn nghệ ngoài trời. Tất nhiên chương trình phải được thông qua trước, với sự tham dự của toàn thể trại viên cùng Ban Quản Giáo. Hầu như tất cả Vệ binh và gia đình đều có mặt để xem cái tụi ngụy quân này trình diễn ra sao? Đêm văn nghệ rất thành công về mặt nghệ thuật, cán bộ quản giáo phải thừa nhận trong tù cải tạo có nhiều nhân tài làm cái gì cũng hay cũng giỏi.
Những vở kịch, mặc dù đã kiểm duyệt trước nhưng khi trình diễn mấy anh đã cương vào nói xỏ xiên vào chính sách, nên ngày hôm sau toàn bộ Nghệ sĩ và Trưởng Ban Văn Nghệ Khối phải làm bản kiểm điểm, trong đó có sự tham gia của tôi trong một vở kịch thơ do anh Tr/úy Kỉnh người Bắc di cư làm đạo diễn cũng là vai chính cùng anh Lưu Đức Thắng. Tôi đóng vai một sĩ quan người Pháp dẫn quân đi càn và bắn vào đầu anh Kỉnh đóng vai Việt Minh. Tôi đã dồn hết căm thù trong vai diễn, tôi đã tưởng tượng trước mắt tôi là tên VC cần phải bắn nên tôi diễn xuất quá đạt (!?) đến nỗi khi xuống hàng dưới ngồi coi, anh em đã kín đáo khen ngợi. Ngoài ra chúng tôi còn có tờ bích báo mừng xuân nội dung rất phong phú. Vì trong lòng ngậm đắng nuốt cay nhưng bị bắt buộc vui thì làm sao vui nỗi, đành phải mượn bài viết để bày tỏ nỗi lòng, trong đó có những bài viết có những ẩn ý sâu xa, nhưng vì trình độ cán bộ kiểm duyệt quá thấp, không thấy được nên cho đăng, nghĩ lại cũng thấy vừa buồn cười vừa cay đắng!!
Về ăn uống, tuy có thiếu thốn nhưng nhờ có thăm nuôi nên cũng tạm đủ. Chúng tôi tận dụng tất cả đất trong khu gia binh còn trống để trồng thêm rau xanh trong những tháng có mưa. Những luống cải, rau dền mọc xanh tốt tươi được chăm bón bằng thứ phân Bắc cũng giúp những thằng tù như chúng tôi có thêm phần rau xanh.
Để chuẩn bị đi lao động, chúng tôi lại phải học thêm bài lao động là vinh quang, làm như từ trước đến giờ chúng tôi là đồ ăn hại không biết sự quý giá của lao động. Sau Tết, toàn bộ chúng tôi rời Sông Mao để bước vào cái gọi là lao động quang vinh. Chả thấy quang vinh ở chỗ nào chỉ thấy chúng nó vắt kiệt mồ hôi của người tù cải tạo, sau khi đã bẻ gãy tinh thần qua các buổi “học tập”.
No comments:
Post a Comment