Tuesday, December 6, 2022

Giấc Mộng Kinh Hoàng - Phan Đức Minh

Giấc Mộng Kinh Hoàng
Phan Đức Minh
Son H Cao
(Đặc San Lâm Viên)

Ba hồi kẻng báo thức vang lên, tôi bật đầu dậy như cái máy. Suốt cuộc đời ba chìm bẩy nổi, chín cái lênh đênh, từ lúc 15 tuổi bỏ trường học đi kháng chiến, đánh Tây, chui hầm, rúc hố, 2 lần bị Tây bắt nhốt đầu vào tù, rồi 23 năm lính, hơn 12 năm tù cải tạo, phiêu bạt giang hồ qua bao nhiêu trại toàn là rừng với núi âm u, hiểm hóc, giáp biên giới Lào, bao phen chết lên chết xuống, cho tới lúc này, 87 tuổi rồi, đang sống ở Mỹ, tôi vẫn không ghét cái gì bằng ghét những tiếng kẻng báo thức ác ôn, khốn nạn đó. Nó lại bắt đầu một ngày lao động kinh khủng trong cái đói khát, khổ sở, nhọc nhằn đến tận cùng cuả cuộc đời.

-----------------------------------
 

Tất cả chung quanh đều tối om. Ngọn đèn dầu là chiếc lọ đựng thuốc, đốt bằng dầu cặn, lớn cỡ quả trứng gà, thường treo ở góc tường phiá trước cầu tiêu cuối phòng đã tắt ngủm từ lúc nào vì số lượng dầu không đủ cho 1 đêm thắp sáng. Có tiếng la chí choé vì thằng nọ đái vào thằng kia. Tên ngồi trên bàn cầu tiêu chưa kịp lên tiếng thì đã bị thằng đứng phiá dưới, kẹt quá vội vã… đi một đường vòng cầu, tưới ướt sũng từ cổ trở xuống. May mà vì ngồi trên cao cho nên mắt mũi, mồm miệng chưa phải lãnh cái thứ nước ghê gớm đó của tù cải tạo, tích tụ cả đêm, nay được dịp xả ra. 

Cảnh náo loạn này thường xuyên xẩy ra vì tay nào cũng khôn ngoan, kinh nghiệm đầy mình, cứ thức dậy sớm hơn người khác một tí là phải lò mò, rón rén trong cái tối đen như mực tàu, lần vào cái cầu tiêu duy nhất ở cuối phòng, lo “giải quyết bầu tâm sự” cái đã. Nếu không, khi kẻng báo thức vang lên là gần một trăm tên tù cải tạo cuả nhà 10, cái nhà nhốt những tên được coi là ác ôn côn đồ thượng hạng: cấp chức cao, có thành tích chống phá cách mạng hung hãn nhất, nhiều phen bị nhốt chuồng cọp vì đủ thứ việc… sẽ đổ xô vào cái nhà cầu chỉ có 2 bàn cầu dành cho việc “đại sự”, còn “tiểu sự” thì cứ việc thoải mái tưới xuống cái rãnh trước bồn nước, do tên tù trực phòng gánh nước giếng đổ vô đó từ chiều hôm trước. Đèn điện bật sáng 10 phút cho tù dọn dẹp đủ thứ trên đời trên cái “lãnh thổ” dành cho mỗi tên: chiều dài 2 mét theo bệ xi-măng, chiều ngang đo đúng 3 gang tay của tôi. Khi ngủ mà nằm ngửa là đụng hay đè lên nhau cho nên ban đêm khi ngủ chỉ có cách nằm nghiêng mà thôi.

Bệ xi-măng làm giường ngủ là ở trình độ cao cấp nhất, do công an “phát minh” ra. Những năm đầu, quân đội nhân dân quản lý tù, chúng cho tù ngủ trên những cái sạp đan bằng nứa, tre rừng, cây nhỏ. Xài kiểu này, đập cho chết dân tù nhà ta vẫn tìm cách giấu diếm, gùi nhét đâu đó vài ba mẩu giấy linh tinh, mấy thứ đồ “quốc cấm, nguy hiểm, bí mật”. Công an xài bệ xi-măng thì tù chỉ còn có nước… khóc mà thôi, nhét cái gì xuống bệ xi-măng được nữa bây giờ?

Tíếng khóa mở cửa , rồi tiếng kéo cây sắt chặn ngang bên ngoài kêu rầm rầm. Tên tù trong Ban trật tự Trại (gốc con Ông, cháu Cha nón cối, hay có giây mơ rễ má với cán bộ cuả trại ) quát to: “Nhà 10 ra tập họp điểm danh, mau lên!” Những con người vọt ra khỏi cửa, đứng sau hàng rào kẽm gai, vặn mình, vặn mẩy, vung tay, vung chân cho khỏi mỏi sau một đêm ngủ theo cái kiểu co quắp, úp thià (xếp muỗng) vì vùng núi ban đêm lạnh nhiều hơn nóng. Mùa đông thì thôi, lạnh khỏi nói, lạnh muốn chết luôn.

Ba hồi còi rít lên, tất cả dân tù ngồi chồm hổm xuống đất, 10 tên 1 hàng cho cán bộ trực trại điểm danh, ghi sổ. Xong màn điểm danh, một số chạy vô trong nhà lo dọn dẹp, chuẩn bị lãnh khoai sắn, đồ đem theo đi lao động. Riêng tôi, cái bao cát có quai đeo, do vợ con đem cho khi “thăm nuôi” đã sống chết theo sát bên tôi bao nhiêu năm rồi, không nhớ nữa. Công an mà nghe nói “thăm nuôi” là có chầu bị hỏi thăm sức khoẻ vì Đảng và Nhà Nước có để cho ai đói đâu mà phải “nuôi”, phải nói là “đi thăm” mới đúng chính sách. Trong túi là phần khoai sắn ăn trưa nhét trong cái lon gô đen sì, nham nhở vì đã qua nhiều phen “trận mạc, khói lửa”, là cái lon đựng sữa bột Guigoz cho con nít trước 1975 được tôi dùng làm nồi niêu, soong chảo, nấu nướng đủ thứ trên đời, bất cứ thứ gì kiếm được, khi công an đóng chốt ở xa, thả tù vào núi, vô rừng lao động. Ngoài ra còn có bi đông nước, lãnh theo tiêu chuẩn nhà bếp, uống cho một ngày, một cái bao ni lông để nếu hoàn cảnh cho phép thì “cải thiện” tức là kiếm chác tí rau hoang, cà dại, con cóc, con nhái bỏ vô, đến trưa nghỉ giải lao, tìm cách xoay sở biến thành thức ăn bồi dưỡng, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, miễn sao đừng chết hay ngất ngư là được rồi. Con gì cũng ăn hết, trừ có con… dao và con… bù-loong là chịu chết, chưa bao giờ dám ăn thử.

Một số anh em vọt ra phiá cầu tiêu công cộng của trại, có khi để “giải quyết bầu tâm sự” mà cũng có khi là để liên lạc, trao đổi dấm dúi cái này cái nọ với bạn bè ở nhà khác hay với đám tù hình sự… Phải đóng tuồng cho khéo, kẻo công an hay đám ăng-ten (bọn tù được công an tuyển chọn, cho hưởng đặc ân: lon gạo, miếng thịt, miếng cá mỗi tháng, giao nhiệm vụ theo dõi và báo cáo về mọi hành động lén lút, vi phạm nội quy) biết được thì cuộc đời khốn khổ, khốn nạn ngay.
Một hồi kẻng dài điểm thêm 3 tiếng đằng sau là chúng tôi ào ra phiá cổng trại, ngồi chồm hổm trên cái sân đất rộng, xếp hàng điểm số, đi lao động. Tên công an trực trại, ngồi trong “lô cốt” dò sổ rồi kêu: "Nhà 10!" Chúng tôi đứng bật dậy, đi ra cổng, thứ tự hàng 1 theo sự điều khiển cuả tên tù Đội Trưởng hay Đội Phó (được công an tuyển chọn theo tiêu chuẩn cuả chúng), đếm số rồi bước ra khỏi cổng. Mấy tên trực dụng cụ chạy vào kho nhận và vác đi theo mấy bó dao đi rừng. Hôm nay, nhà 10 chúng tôi có nhiệm vụ đi lấy mây, tiêu chuẩn tối thiểu 70 cây, dài 2 mét. Nghe qua thì coi bộ ngon ăn, nhưng tìm cho ra khu rừng nào có mây hay còn mây sau hàng chục năm bị tù càn lui, quét tới, quả thực không phải là chuyện dễ. Dao rừng phải cột lại thành từng bó, tới địa điểm do công an quyết định mới được tháo ra, phát dao cho từng người. Phát trước, sợ tù dùng làm vũ khí… hỏi thăm sức khoẻ bọn công an áp giải. Trại của chúng tôi đã có một vụ âm mưu nổi loạn, cướp súng, giết công an, đốt trại rồi kéo nhau qua biên giới Lào, ngay sau vụ Trung cộng kéo quân sang đánh phá 6 tỉnh miền Bắc hồi đầu năm 1979, dậy cho Hà Nội “Một bài học” vì đã dám theo Sư Phụ Liên Sô đem quân sang Căm-Bốt oánh cho bọn cầm quyền Khờ-Me đỏ, con đẻ của Trung cộng, rách như cái mền, chạy tá hoả tam tinh lên rừng lên núi. Âm mưu nổi loạn này bị bại lộ, cộng sản đã lập "Tòa Án Nhân Dân" ngay tại trại, xử tử hình Sĩ Quan cầm đầu, còn lại thì lãnh án từ 15 năm tù trở lên cho đến chung thân khổ sai. Trung Uý Nguyễn Văn Sĩ, Biệt Động Quân, Trưởng Ban tuyên truyền, chắc anh ta thương tôi, chớ không phải quên. Vì quên làm sao được khi có tin tức chi, công việc ra sao, anh ta cũng chớp nhoáng cho tôi hay để lo liệu công việc, ở ngay góc đống rác cạnh hàng rào kẽm gai ngăn nhà 10 cuả tôi với nhà 11 cuả anh ta, khi chập choạng tối, sau khi điểm danh và trước khi tù phải vào phòng để khoá cửa sắt. Ít lâu sau anh ta được thả ra, về Sài Gòn rồi cưới vợ, cưới cô con gái thương yêu anh ta hết mình. Vì ngay từ lúc chưa cưới hỏi chi cả mà cứ 6 tháng 1 lần, cô ta từ Sài Gòn ra Trung, lên núi thăm anh ta đàng hoàng. Mối tình sao mà cao đẹp đến thế! Vậy mà khi điều tra ra, anh ta bị công an Sài Gòn bắt lại, từ giã người vợ thương yêu nhất trên đời này, đưa về trại cũ, đánh đập, tra khảo tàn nhẫn. Anh ta phải khai ra vô số những người đã liên lạc, nhưng lại không khai tôi vào số đó. Tôi chỉ biết thầm cảm ơn và cầu xin Trời Đất phù hộ cho anh ta mà thôi vì sau đó, anh ta bị tống vô sà-lim, ngục tối, tôi chẳng bao giờ gặp anh ta nữa, trừ 1 lần cuối cùng anh bị điệu ra trước Tòa án nhân dân lập ngay trong trại, xét xử theo “Luật Rừng” cho 5, 6 trăm tù thứ dữ coi cho sợ.

Mỗi khi lên rừng lấy mây, tôi thường đi cặp đôi với thằng bạn thân, Đại Uý H. trước làm ở Tiểu Khu Quảng Nam. Nó ít tuổi hơn tôi, cấp chức cũ cũng nhỏ hơn nên nó gọi tôi là Bác. Còn tôi cứ gọi hắn bằng tên… cúng cơm cho thân mật. Thằng bạn này thuộc loại “Số đỏ” bởi vì có 2 vợ mà khi đi tù, cả 2 bà vợ đều… nhất trí cao coi nhau: vợ cả, vợ hai, hai vợ đều là vợ cả. Hai Bà vẫn một lòng chia sẻ với nhau anh chồng chung như thuở nào, thay phiên nhau đi thăm nuôi đàng hoàng. Thật đáng khen, đáng phục hai Bà này, không như nhiều tay khác, khi mũ mão cân đai thì vợ cả, vợ hai, vợ ba nữa chưa biết chừng, nhưng khi đi tù cải tạo thì vợ hai, vợ ba lễ phép trả lại ông chồng cho bà vợ cả mà mình đã trót dại… cầm nhầm, xài ẩu khi ổng còn… lên xe xuống ngựa. Bà vợ cả thì… hận thù chất ngất như dẫy Trường Sơn đối với anh chồng… ham của mới mà phụ lòng cuả cũ, thành ra anh chồng đa vợ này cuối cùng trở thành mồ côi, chẳng có vợ nào đi thăm nuôi cả. Lâu ngày, đói quá, còm cõi, lao động hết xí quách cho nên ra chân đồi, chân núi mà ngủ, làm bạn, làm đồng chí, đồng choé với dế, với giun hồi nào không hay. Các Cụ nhà ta vẫn bảo “Tham thì thâm – Bắt cá hai ba tay thì rốt cuộc chẳng đựơc con nào hết trơn”. Mấy Ông Bà già trầu cuả Mỹ cũng phán “Covet all Lose all – Grasp all, lose all” chớ bộ không đâu! Hai đứa chúng tôi luôn đi lấy mây cùng với nhau vì nhiều lý do: hạp tính tình, vui vẻ, tin cậy lẫn nhau, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Vả lại đi đông người thì cánh rừng nào có mây là quân ta càn quét mau hết, bữa khác sẽ… chết nhăn răng ra với nhau.

Bữa nay, anh bạn Đại Uý H. bị đau, ói mửa cả đêm, trạm y tế cho nằm nhà, nhưng phải quét dọn vệ sinh trong phòng và chung quanh. Cán bộ bảo “Đi học tập cải tạo là không được phép đau. Mà nếu đau thì cũng phải cố gắng lao động nhẹ, chớ nằm một chỗ là con người hư hỏng, bết bát rồi chết luôn.”
Nói đến hắn, tôi chợt nhớ đến hai người bạn chí thân hay đi lao động cùng toán với tôi:

Anh thứ nhất: To con, cao lớn, có lòng giúp đỡ bạn bè, khi đi nhổ sắn, về gần đến cổng trại, anh thường dúi vào gánh của tôi vài củ sắn, cho… đạt chỉ tiêu, nếu tôi cho anh ta biết là gánh sắn của mình coi bộ hơi nhẹ ký, mấy tên công an dám… “giảng bài” quá à… Lại nhớ có một hôm anh em đeo ba-lô đi gùi những mảnh sắt thép tại một địa điểm có vài chiếc xe của quân đội miền Nam cũ phá bỏ, nằm ụ đống. Công an cho một nhóm tù có tay nghề tới tháo, cưa kéo thành những mảnh nhỏ rồi cho tù tới nhét vô ba lô mà…gùi, mà cõng về trại để thợ rèn làm thành những con dao đi làm rừng, theo kiểu cán bộ hay thuyết giảng: “Chế độ của ta vô cùng ưu việt, cái gì cũng làm được hết, biến sỏi đá thành cơm…” Nhiều anh em từng nói với những bạn tù thân thiết “Bố khỉ! Nước đã có sông, công sức đã có tù thì làm cái chi mà chẳng được. Nếu không có tù thì đố chúng bay làm được đó!” Một bữa đi cõng sắt vụn về trại, dọc đường hắn thấy tôi coi bộ muốn… lè lưỡi quá, hắn bèn ghé sát vào cạnh tôi mà phán: “Coi bộ ngài quan tòa nhà ta sắp xụm bà chè mất rồi. 

Thôi! Để mình gùi bớt cho một mảnh.” Nói xong, hắn thò tay vào ba-lô của tôi lôi một miếng sắt ra và nhét vào ba-lô của hắn. Khi nào gần về đến trại, hắn sẽ nhét trả lại vào ba-lô của tôi để cho công an, nếu có cân để kiểm soát thì tôi không đến nỗi thiếu… Tôi đã từng sống trong nhà tù của Tây, đi thanh tra, kiểm soát nhà tù của Việt Nam Cộng Hòa, coi Ti Vi, sách báo, internet, biết về nhà tù của Mỹ, nhưng chưa bao giờ thấy thấy chế độ nhà tù nào… khốn nạn, ghê gớm, kinh khủng như nhà tù của vi xi Việt cộng, nón cối dép râu…

Anh thứ hai: Một bữa đi nhổ sắn, lúc gánh lên đỉnh đồi, ngồi nghỉ, lấy sức xuống dốc, tìm gói đồ ăn trưa quý hoá gia đình đem cho, buộc ở thắt lưng bằng dây rừng, thì gói đồ ăn đã rơi đâu mất tiêu. Chắc là mất trong khi len lỏi trong rẫy sắn, chặt cây, nhổ gốc, chặt củ, xếp vô quang gánh đầy ụ, gần 50 kí lô, ngày làm 2 chuyến. Bọn chúng tôi ngồi quanh đó phải bóp mồm, bóp miệng, mỗi đứa cho cậu ta miếng khoai, miếng sắn để “cứu nguy dân tộc”. Buồn quá, anh ta bèn hát mấy câu đầu cuả Bài “Quốc Tế Ca” là bài hát hàng đầu số 1, gốc tiếng Nga, dịch ra đủ thứ ngôn ngữ, xài chung cho cả phong trào cộng sản thế giới, đã dịch sang tiếng Việt. Anh hát “Vùng lên! Hỡi các nô lệ ở thế gian! Vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn…” Đói và buồn vì mất gói đồ ăn, Anh ta không hát được nữa. Vậy mà tối về trại, công an quản giáo lôi anh ra hỏi tội (vì có ăng-ten báo cáo): 

- “Tại sao Anh lại hát như thế?” Anh cãi “Thưa cán bộ, tôi hát bài Quốc Tế Ca là bài ca cách mạng cơ mà!” 

– “Nhưng tại sao anh chỉ hát có mấy câu đầu, kêu gọi ai vùng lên, trong lúc anh đang phấn đấu lao động mệt mỏi?” 

– “Thì tôi chỉ thuộc có ngần đó câu thôi. Vả lại càng lao động mệt mỏi tôi càng phải phấn đấu. Muốn phấn đấu có hiệu quả, tôi phải hát bài ca của cách mạng.” 

– “Anh ngoan cố lắm biết chưa? Bài Quốc Tế Ca, bài ca cách mạng quan trọng mà bạ đâu hát đó, lại chỉ thuộc có mấy câu đầu là thiếu phấn đấu học hỏi.” 

Cách nào cũng chết! Ngay chính cái thân tôi, kẻ viết bài này, nếu hát, chắc cũng chỉ thuộc ngần đó mà thôi, thêm tí ti câu đầu bằng tiếng Pháp “Debout ! Esclaves de la terre…” mà tôi được biết từ hồi đi kháng chiến đánh Tây, làm việc trong ngành Tuyên Huấn vì có chút ít học vấn và đánh máy chữ thì… chơi luôn 10 ngón tay đàng hoàng, khiến cho tụi dép râu, nón cối… 

sợ xanh lét mặt mày…
Ấy chết! Đang nói chuyện lên rừng lấy mây! Thằng bạn đau nằm nhà, tôi lên rừng một mình theo hướng đi thường lệ. Bắt đầu tới con suối nhỏ, tôi quan sát thấy mấy đám cát trắng bên bờ giáp bià rừng, có vô số dấu chân thú rừng, ban đêm mò xuống suối uống nước. Theo kinh nghiệm của dân vùng núi mà tôi học được, thì dấu chân hầu hết là cuả bầy heo rừng, nhưng cũng có cả dấu chân cuả “Ông Ba Mươi” tức là Cọp nữa chớ. Tôi hơi ngán, nhưng hoàn cảnh này không ai cho phép ngán cả. Ban ngày Cọp đi đâu mất tiêu, nhưng nếu gặp nó thì bắt buộc tôi phải quay lưng vào gốc cây lớn mà chiến đấu với nó bằng con dao rừng cho đến chết thì thôi. 

Tôi leo lên núi, đi dọc theo con suối chừng gần cây số (kilometer), ngó lên cao thấy có bóng dáng lá mây quen thuộc. Tôi dừng lại ở điểm đó, không vào sâu nữa, rồi leo ngược dốc đi thẳng lên, lấy tiếng suối róc rách làm chuẩn cho khỏi lạc, thỉnh thoảng vung con dao rừng chặt một mảng vỏ thân cây lớn đánh dấu đường đi, chốc nữa biết đường mà ra. Càng leo lên núi cao, cây cối càng chằng chịt, nhưng như thế mới dễ có mây. Trời Đất không nỡ hại tôi, một vùng mây chằng chịt hiện ra trước mắt. Mây nằm la liệt dưới mặt đất, mây leo lên tuốt cây cao, toàn mây là mây thôi. Đúng là “Kho Vàng cuả Hoàng Đế Salomon thời Cổ La Mã rồi!” Tôi mừng hết lớn, bèn ngồi xuống hòn đá to bự để thở cái đã. Bỗng có tiếng sột soạt càng lúc càng rõ ràng ở hướng trước mặt tôi. Chết cha! Thú dữ đuổi theo con mồi nào đó! Tôi núp vào sau một thân cây to bự, dựa lưng vào cây, thủ con dao rừng thật chắc trong tay, sẵn sàng liều mạng. Tôi chợt thoáng nhớ tới câu “Plutôt souffrir que mourir – 

Thà khổ cực còn hơn là chết” cuả Victor Hugo, hay La Fontaine chi đó ( âu quá quên mất tiêu rồi, à…của La Fontaine thì phải) trong bài thơ “La Mort et le bûcheron” – Thần chết và người tiều phu đốn củi” coi bộ thích hợp trong thời gian này… Bản năng con người lúc này bảo tôi phải sống để hi vọng có ngày trở về với gia đình, vợ con như những người bạn tù khác, hi vọng còn làm được chút chuyện chi chi nữa, chớ chết ở xó rừng một mình thế này… vô duyên, chán bỏ mẹ!… May quá! Con thú dữ đuổi mồi vòng theo hướng khác, xa dần… 

Tôi ra khỏi chỗ núp, quan sát rồi bắt đầu lấy mây, kẻo không kịp giờ tập họp ở điểm qui định. Với con dao rừng, tôi rút những sợi dây mây nằm ngổn ngang dưới đất, lẫn lộn với lá rừng đã khô, mục nát vì mưa gió, róc bỏ vỏ ngoài, chặt một đoạn dài 10 gang tay cuả tôi, tức là dài 2 mét đó. Đo đạc kiểu tù mãi cũng quen và chính xác đáo để! Cứ kéo rồi róc vỏ và chặt một hồi, vứt mỗi chỗ mươi đoạn, tôi đoán chừng đã được già nửa số ấn định. Đói và mệt quá, tôi tìm một hòn đá ngồi thở ra và lôi mấy miếng sắn luộc lạnh ngắt, thâm sì, trong cái lon gô đen trũi ở trong cái túi xách đeo chéo trên vai, buộc chặt ngang bụng bằng dây rừng, ra ăn. Đi rừng là cái túi phải đeo kiểu đó, vật bất ly thân, nếu không lỡ ra lạc chỗ, không tìm thấy nó thì chỉ có nước chết mà thôi. Khoai sắn ăn trưa, bi đông nước lạnh là cả cuộc sống của tù cải tạo chúng tôi!

Thấy đã hồi sức, tôi lại rút mây, lấy dao róc vỏ khô và chặt tiếp. Khi kiểm lại thấy đủ số, tôi chặt dây rừng, buộc chặt hai đầu và khúc giữa làm ba bó nhỏ rồi cứ vác từng bó phóng dần xuống phiá chân núi, nghe loáng thoáng có tiếng nước suối chảy róc rách, rì rào. Có bó theo dốc trượt xuống ngon lành từng quãng. Có bó mắc dịch, mới trượt được vài mét đã mắc cây, dây leo chằng chịt, nằm quay cu lơ ra đó, làm tôi lại phải tới nơi, lôi lên và phóng xuống. Vừa di chuyển xuống núi, tôi vừa chặt mớ dây rừng, cuốn vòng lại, quàng chéo lên vai để lát nữa xuống chân núi, bờ suối sẽ dùng tới nó.

Con suối đây rồi! Ba bó mây nằm ba chỗ, chênh vênh trên những mỏm đá. Đồng hồ đeo tay đã bị công an tịch thu khi mới vô trại cho nên tôi không đoán rõ được giờ giấc ra sao, chỉ biết… cố gắng phấn đấu di chuyển từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, gom ba bó mây lại, cột chung thành một bó to bự, cột chặt hai đầu, thêm vòng dây cột ở khúc giữa cho chắc ăn. Xong đâu đó, tôi lấy 2 sợi dây rừng lớn hơn, buộc chặt vào vòng dây ở khúc giữa rồi tới vòng dây ở một đầu. Nghỉ một lát lấy sức, tôi thả bó mây bự xuống suối cho dòng nước đẩy đi, tôi chỉ việc giữ cho chắc hai sợi dây rừng để điều chỉnh cho bó mây trôi xuôi theo dòng suối, ra ngoài rừng. Thật là khó khăn, trơn trợt với mấy cái mỏm đá rêu xanh bám đầy, lắm lúc muốn té chết luôn. Có nhiều chỗ tôi phải lội luôn xuống suối, cầm dây hướng dẫn, bó mây mới chịu trôi đi. Nếu không, nó sẽ mắc cứng ở mấy cái chỗ khúc khuỷu, quanh co, lồi lõm những mỏm đá ác ôn, mất dậy.
Mấy miếng sắn luộc thâm sì, lạnh ngắt, chua lè được đưa vào bao tử cuả tôi hẳn hoi, đàng hoàng mà sao lúc này chúng nó đi đâu mất tiêu. Đói lại hoàn đói, đói muôn năm… Ngó quanh, ngó quẩn chẳng thấy có giống chi ăn được, tôi bẻ đại một chùm trái cây lạ hoắc sà xuống bờ suối, trái to bằng đầu ngón tay. Tôi làm thử một trái rồi nghe ngóng. Làm tiếp trái thứ hai, trái thứ ba…. chẳng chết thằng Tây đen nào cả sau vài ba phút. Tôi dư biết là dù có chết, cũng chưa đủ thời gian để cho cái chết nó tới vì mới có mấy phút thôi, nhằm nhò chi. Cái đói nó xúi tôi: cứ ăn đại, ăn tới đi, đói chịu chi cho nổi, ra khỏi rừng còn phải vác bó mây dài, to tổ bố về trại nữa cơ mà. Thế là tôi làm luôn một bụng chẳng sợ cái chi hết trơn.

Hình như tất cả mọi sự học hành lẩm cẩm cuả tôi ở nhà trường ngày xửa ngày xưa, chỉ có 2 điều giúp ích cho tôi trong cuộc sống trong các trại tù cải tạo của bọn nón cối, dép râu. Đó là cái “Principe d’Archimède – Nguyên Lý Archimède” cuả môn học "Physique – Vật lý”. Nó chỉ cho tôi biết cách lợi dụng sức nước đẩy lên đối với một vật được thả xuống nước… 

Do đó, khi di chuyển cây cối làm cột nhà, cả 5, 7 cây 1 ngày hay di chuyển một bó mây dài và to bự như thế này, mà cứ vác trên vai, đi suối, đi rừng, rồi hàng chục cây số đường bộ, không nhờ tới nước suối giúp đỡ để nâng lên và đẩy đi, kéo được quãng nào hay quãng đó, thì chắc là tôi đã chết quách từ lâu rồi. Điều thứ 2 là cái bài học… “Dilatation des corps – Sự giãn nở của các chất”. Nhờ cái này mà tù chúng tôi, khi làm đường, làm nhà, chỉ bằng chân tay, với con dao, con rựa, cái búa, cái liềm mà có thể… phá tan những tảng đá to như 1 hay 2 cái xe hơi… của bọn “tư bản, đế quốc”. Tù chúng tôi chất cây khô chung quanh tảng đá, tìm cách đốt lửa lên. Đốt cho… đã đời ông địa thì tảng đá cũng phải giãn nở ra chớ! Coi bộ được rồi, tù nhà ta lấy thùng gánh nước suối tới, đứng xa xa một tí rồi… hiên ngang, anh dũng hắt vào lửa, vào tảng đá. Thế là đá cứ việc… tự nhiên, thoải mái mà nứt, mà bể ra, kêu đôm đốp! tanh tách! vì đá bị nung nóng nở ra, gặp nước lạnh xối vào, đá co lại làm bể… tùm lum…Tù cứ việc dọn dẹp, gồng gánh cho đến khi tảng đá bự tổ chảng biến mất… Còn đang miên man suy nghĩ vớ vẩn đâu đâu thì thình lình, gặp chỗ dốc, bó mây lao vút xuống, kéo tôi ngã chúi theo luôn… Tá hoả tam tinh, cả con người tôi nằm ngửa, trôi theo bó mây ào ào xuống dốc…

Tôi giật mình thức dậy, hai tay quờ quạng chung quanh. Cái giường nệm êm êm, rộng rãi, cái mền ấm áp, chớ không phải sàn tre, sàn nứa, không phải bệ xi-măng cuả những trại tù cải tạo hơn 12 năm kinh khủng đã đi sâu vào dĩ vãng… Miền Nam sụp đổ, tôi cũng như hàng triệu người khác, trong hàng ngũ chống cộng sản đã bị đẩy vào những trại tù cải tạo như thế. Chỉ có kẻ lâu, người mau về hay chết luôn trên rừng trên núi mà thôi. Lâu lâu, tôi lại thấy cái cảnh lao động khổ sai kinh hoàng và cuộc sống thua kém cả súc vật vẫn trở lại với tôi trong những giấc ngủ không mấy ngon lành. Đã 87 năm (2018) được sống làm người rồi còn chi! Khi thức giấc, thấy mình đã thoát khỏi cảnh sống kinh hoàng ghê gớm đó, thấy mình đang sống trong khung cảnh tự do trên đất Mỹ, một quốc gia hùng cường, vĩ đại kể như số một hoàn vũ ngày nay, không còn bị cảnh đói khát, rét mướt cắt da, mưa nắng dãi dầu, lao động quá sức chịu đựng của con người, không còn bị hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần, hết bị những cặp mắt cú vọ cuả công an và cả một số bạn bè bị công an tẩy não, hù dọa, biến thành “ăng-ten, do thám” cho cộng sản, theo dõi bám sát ngày đêm, tôi lại âm thầm cảm ơn Thượng Đế đã cho tôi sống, cảm ơn vợ con, gia đình, bạn bè, đã tiếp tế cho tôi nghị lực, thức ăn, đồ uống, niềm hi vọng để đủ sức mà sống dù đã nhiều phen tôi thật sự vô cùng tuyệt vọng, vì có lúc cả trại (ở Nà Thao) chỉ còn lại một mình tôi là cựu Sĩ Quan, còn lại, toàn một thứ tù hình sự đầu trộm, đuôi cướp, hiếp dâm, giết người. 

Khi tôi từ giã rừng núi trở về, mọi người thân yêu còn đủ, không mất vợ, mất con, gia đình tan nát như một vài người bạn bất hạnh khác. Con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, một lòng gắn bó lấy nhau, chung sức với Mẹ để cùng gánh vác gia đình trong những tháng ngày… 

đúng là ba chìm, bẩy nổi, chín cái lênh đênh; và cho đến lúc này, trên xứ sở, quê hương thứ hai này, chúng nó tất cả vẫn giữ được cái truyền thống tốt đẹp của hai bên gia đình Bố Mẹ. Tôi cảm ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã mở rộng vòng tay đón nhận chúng tôi là những người tị nạn cộng sản để cho thế hệ chúng tôi được sống những ngày còn lại, trước khi tàn lụi và qua đi, nhường lại cho thế hệ con cháu chúng tôi có được cơ hội để sống, làm người, hữu ích cho Quê Hương Đất Nước Việt Nam mai sau, cho xã hội loài người văn minh, tiến bộ, tốt đẹp hơn trên con đường tương lai trước mặt…

(Kính tặng các chiến hữu, bạn bè đã từng đi tù cải tạo với tôi)

No comments: