Phần 2: Ngoài chiến trận.
Đầu năm 1974, chiến tranh vẫn không giảm cường độ. Cộng quân gia tăng áp lực đánh phá khắp nơi. Lê Quang Quảng, Đại Đội A, người đậu cuối khóa cũng là người tử trận đầu tiên, chỉ mới sau 23 ngày đáo nhậm đơn vị. Chính tôi và Huỳnh Bá Long khi biết tin đã ghé nhà anh ở Phú Nhuận để đốt cho anh nén hương tưởng tiếc.
-------------------------
Về trình diện Liên Đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và sau đó tôi đã tham dự hầu hết các cuộc hành quân do Liên Đoàn tổ chức từ cấp Toán đến cấp Đại Đội hoặc tăng phái cho đơn vị bạn ở các chiến trường vùng III chiến thuật.
Vào khoảng tháng 7/1974, tôi theo Đại Đội đến đóng quân tại sân bay dã chiến Long Khánh và cũng là điểm xuất phát, nhảy vào vùng rừng già Kiệm Tân để khai thác tin tức địch. Tại đây, tôi gặp lại Võ Văn Mười trong bữa cơm trưa dưới chân Núi Thị do Thiếu Tá Nguyễn Hữu Chế, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 43, Sư Đoàn 18 khoản đãi các sĩ quan thuộc Đại Đội 4 BCND do Đại Úy Lê Đắc Lực (Khóa 24 Thủ Đức) làm Đại Đội Trưởng. Số là Thiếu Tá Chế và Đại Úy Lực quen biết nhau thân tình khi hai vị là những chiến sĩ xuất sắc của QLVNCH được đặc ân cùng đi chung trong phái đoàn du hành, thăm viếng Đại Hàn trong 2 tuần lễ. Tiểu Đoàn 2 đang nghỉ dưỡng quân trong khi đó Đại Đội 4 đã thả 2 Toán và một Trung Đội vào rừng. Hai vị gặp nhau và bữa cơm thân mật bao gồm sĩ quan của hai đơn vị đã thành hình.
Còn niềm vui nào hơn khi hai thằng bạn cùng phòng ngày nào, tình cờ gặp lại nhau. Trong lúc tôi hãy còn là một Trung Đội Trưởng quèn thì Mười đã là một Đại Đội Trưởng khá “lì” (lời Thiếu Tá Chế) của Tiểu Đoàn 2. Kết thúc bữa cơm, Mười rủ tôi về chỗ đóng quân của anh để...nhậu! Tôi xin phép Đại Úy Lực rồi đi theo Mười Ù. Trong căn hầm phòng thủ của Mười, đêm đó chúng tôi ngồi cưa Remy Martin và kể cho nhau nghe những buồn vui đời lính trận trong 6 tháng qua.
Mười kể: “ Ê, Ngọc Càng, mầy biết không, tao ra nắm Trung Đội có một tháng thì được đề bạt làm Đại Đội Trưởng. ĐM, lần đụng trận đầu tiên, tao có biết ất giáp gì đâu, trong lúc đạn nổ tùm lum mà tao cứ đứng sõng lưng hô xung phong. Tụi lính tưởng tao Đà Lạt, ai cũng ngon như ông Huệ (Đại Úy Nguyễn Văn Huệ, Khóa 23 đang là Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2) nên tụi nó cùng đứng dậy húc càn. Bọn ve chai (Việt Cộng) thấy tụi tao đồng loạt xông tới, bọn nó hoảng quá, bỏ chạy, thế là thắng trận! Sau trận đó, tao được Tiểu Đoàn Trưởng khen và cho làm Đại Đội Trưởng. Bây giờ đã lỡ “ngon” rồi, đụng trận, tao phải gồng mình đứng điều động cho tụi lính nó lên tinh thần. Cũng hên, đạn nó “tránh” tao mầy ạ. ĐM, mầy uống đi chớ, hết chai nầy tao kêu tụi nó đem tới chai khác”.
Trước mặt tôi, một Mười “Đeo”, đêm nào còn dẫn toán lạc lên lạc xuống ngoài Dục Mỹ mà giờ đây đã trở nên một Đại Đội Trưởng nổi tiếng gan dạ, chửi thề như giặc và uống rượu như hủ chìm. Tôi say quắc cần câu và ngủ lại căn hầm của Mười.
Sáng hôm sau, Mười lấy Honda chở tôi trở lại sân bay Long Khánh. Hai đứa bắt tay tạm biệt và cũng là lúc Đại Đội tôi có lệnh thu xếp để được Chinook bốc về Biên Hoà vào chiều hôm đó. Riêng các toán quân đang hoạt động trong vùng địch vẫn tiếp tục nhiệm vụ, sẽ được triệt xuất sau.
Khoảng tháng 11/1974, Đại Đội tôi có nhiệm vụ theo dõi và lục soát mạn Bắc rừng Tân Uyên, nơi mà VC đã rút về sau khi bất ngờ tấn công và đánh chiếm xã Thái Hưng, mới vừa bị một lực lượng của Sư Đoàn 18 đánh bật ra. Trong lúc ngồi chờ xuồng máy chở qua sông Đồng Nai, tôi bất ngờ gặp lại Mười Ù dẫn quân từ trong làng mà khói lửa vẫn còn đang bốc nghi ngút, đi ra. Thì ra, đó là Tiểu Đoàn 2 của Mười. Hai thằng ôm nhau mừng rỡ, chửi thề ỏm tỏi. Tôi chỉ kịp mời Mười uống với tôi một nắp bi-đông rượu đế, rồi lại chia tay nhau sau vài phút chuyện trò.
Vào giữa tháng 4/1975, các tỉnh miền Trung lần lượt rơi vào tay Cộng quân. Sư Đoàn 18 đang quần thảo với VC ở Định Quán, Bình Tuy, Xuân Lộc...để ngăn chặn đường tiến về Sài Gòn của chúng. Lúc nầy, hai cao điểm núi Bà Đen và Chứa Chan, nơi mà LĐ81BCND đặt đài tiếp vận đã bị VC kiểm soát. Với tư cách là một Biệt Đội Phó, tùy theo giờ trực, mỗi ngày tôi phải ngồi L19 hơn 2 tiếng đồng hồ để nhận và chuyển công điện về Bộ Chỉ Huy Hành Quân Liên Đoàn hoặc chấm tọa độ cho các toán quân đang hoạt động ở phía Bắc Biên Hòa.
Một buổi trưa thứ Bảy, sau chuyến bay và trên đường từ phi trường Biên Hòa trở về căn cứ hành quân Suối Máu, tôi bỗng nổi hứng ghé “xóm” Lò Than thăm “chị em ta”. Vừa mới lò dò vào một nhà quen ngồi đợi, chưa nóng đít thì thấy Mười Ù mặt mày hí hửng ôm eo một nàng Kiều từ trong buồng bước ra. Thật là một hội ngộ hi hữu! Tôi bảo anh chàng chờ tôi hoàn tất “nhiệm vụ”, rồi hai thằng kéo nhau ra phố ăn cơm canh chua cá kho tộ. Mười báo tin NT Huệ K.23 đã tử thương tại măt trận Định Quán và khoe được thăng cấp Đại Úy đặc cách. Tôi cà rỡn: “Cả Tiểu Đoàn ai cũng được lên lon theo lệnh Bộ Tổng Tham Mưu, đâu phải riêng mình mầy, mà chừng nào tao thấy 3 bông mai trên cổ áo mầy, tao mới tin, bây giờ uống hết chai bia nầy đi, rồi dọt.”
Đó là lần thứ ba tôi gặp lại Mười Ù cho đến ngày mất nước, tan hàng. Trong 6 năm, 5 tháng, 22 ngày bị VC giam nhốt, trải qua nhiều trại tù từ Long Khánh, Phước Long đến HàmTân, tôi có gặp một số bạn K.26 nhưng không gặp lại Võ Văn Mười.
(còn tiếp)
Nguyễn Văn Ngọc #khoá26vbđl
Tác giả đang thử ngiệm một phản ứng hóa học trong phòng lab hóa học tại trường VBQGVN, lúc đó đang là SVSQ năm thứ ba, 1972. Người ngồi xem là SVSQ Võ Văn Mười, bạn thân cùng phòng, cùng toán thực tập. Mười ra trường chọn về Sư Đoàn 18 Bộ Binh, thuộc Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 43. Mười là một sĩ quan xuất sắc của tiểu đoàn nầy và nắm giữ chức vụ Đại Đội Trưởng rất sớm so với các bạn cùng Khóa 26. Tôi có nhiều kỷ niệm với Mười và nhớ nhất là lần hai đứa tình cờ gặp nhau trên đường hành quân, cùng nhau hớp vội một nắp bi-đông rượu đế, rồi chia tay. Tôi có làm bài thơ nói về lần gặp gỡ nầy. Thân mời quý bạn đọc lại để thấy tình bạn trong thời binh lửa của chúng tôi.
Nguyễn Văn Ngọc
(24/2/2023)
Chờ xuồng qua sông tình cờ gặp bạn
(gởi Võ Văn Mười)
có phải mầy không, thằng cốt-đột
đi đâu mà trang bị tặn răng
giải tỏa hả, ờ, tao cũng vậy
đang chờ xuồng để vượt qua sông.
dễ chừng tám tháng, nay mới gặp
kể từ khi xuống núi, chia tay
tao có mang theo bi-đông rượu
mình uống mừng hội ngộ nơi đây.
mầy khá lắm đã đại đội trường
bộ binh mà, binh nghiệp rộng thênh
tao rằn ri, dậm chân tại chỗ
chỉ làm tên trung đội trưởng quèn!
địch lúc nầy mở nhiều mặt trận
cũng như mầy, tao lội triền miên
bạn cùng khóa, bao nhiêu thằng rụng
mình còn đây chắc tại số hên?
uống đi mầy, hãy uống cho cạn
rượu trùng phùng trên đường hành quân
lát nữa biết đâu chừng đụng trận
có chút men, đánh đấm thêm hăng.
tạm biệt nhé, xuồng máy đã tới
tao phải đưa con cái qua sông
nếu chưa chết, mình sẽ gặp lại
nhậu quắc cần câu giữa phố đông.
Nguyễn Văn Ngọc
(trích Chuyện Kể)
WAITING FOR THE BOATS I COME ACROSS A BUDDY
Hi, there! Is it you, the monkey?
Where are you going armed to the teeth?
Clear the enemy? Oh, I’m doing the same
Awaiting the boats to cross the river
Probably eight months we’ve never met
Since the day we took leave going down the mountain
I have with me a wine canteen
Let’s drink to our encounter right here!
Wow! You are now a company commander
As infantryman, your military career is promising
In camoufIaged battle dress, I have made no progress
Still a paltry platoon leader
These days the enemy has launched many campaigns
Like you I have to move about ceaselessly
A number of the boys in our class have fallen
We are still alive, no doubt due to our luck?
Drink! Buddy! Bottom up!
This cup of friends meeting on the way to the front
Who knows we may clash with the enemy in a few minutes
Then we can fight better thanks to the alcohol
Good bye, buddy! The motor-boats are coming up
I got to lead the boys crossing the river
If not killed, sure we shall meet
To drink until we’re lit up in a crowded town
(Nguyễn Hữu Thời chuyển ngữ)
Nguyễn Văn Ngọc, born 1948 in Vĩnh Long, an ex-cadet of Class 26 of Vietnam National Military Academy; he served with the 81st Airborne Ranger Group; after 1975, he had spent nearly 7 years in Communist concentration camps before he successfully fled Vietnam by boat in 1983; he has now settled in the USA; Nguyễn Văn Ngoc’s poems appeared in Tuổi Ngọc, Văn before 1975.
No comments:
Post a Comment