Thursday, April 27, 2023

TẠI SAO QUÂN NHÂN CẦM BÚT VIẾT ? Bác sĩ Trần Xuân Dũng

TẠI SAO QUÂN NHÂN CẦM BÚT VIẾT ?
Bác sĩ Trần Xuân Dũng
Là quân nhân thuộc QLVNCH, khi quốc nạn không cho phép CẦM SÚNG, thì cầm VIẾT, cầm ĐÀN,...
------------------- 
Thảm họa mất nước Việt Nam Cộng Hòa xảy ra vào ngày 30-4-1975. Từ đó trở đi, là sự im lặng hoàn toàn của văn học miền Nam. Những người đã chết không nói được gì. Những người còn sống đã mất tất cả. Đúng như lời Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong bài diễn văn ông đọc vào một dịp Quốc Khánh 1-11. 
-------------------
 
-------------------

“Đất nước còn là còn tất cả_ Đất nước mất là mất tất cả”.
Cả triệu quân nhân, công chức, giới trí thức, văn sĩ, thi sĩ đã bị Việt cộng lùa vào trong những trại tập trung. Số dân chúng còn lại, bị lột tài sản, bị đầy đọa thê thảm trong một trại giam lớn hơn, có vị trí vừa đúng vào chỗ của nước Việt Nam Cộng Hòa cũ và diện tích như hệt. Khi Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa, gồm thâu lục quốc, lên ngôi Hoàng đế, liền áp dụng kế hoạch phần thư khanh nho (đốt sách, chôn học trò). Lúc Việt cộng chiếm miền Nam, chúng cũng thi hành thủ đoạn này. Sách vở bị đốt sạch. Cấm xuất bản mọi loại. 

Báo chí không được in nữa. Tất cả mọi phương tiện truyền thông, như truyền hình, đài phát thanh, ca kịch, đều do chúng điều hành. Sách báo, tài liệu giáo khoa hoàn toàn do đảng Cộng sản viết ra, và phân phối. Mọi tầng lớp dân chúng, ở mọi lứa tuổi đều bị ép phải đọc, học, và nói theo những ngôn từ đầy giọng hằn thù, sát máu chứa trong đó. Mục đích tối hậu của những biện pháp trên là bắt mọi người phải công nhận một điều là “từ trẻ đến già, đã sống ở miền Nam tự do thì đều có tội, và đáng bị giết hết. Bây giờ còn được cho sống, như vậy là do sự khoan hồng của đảng và nhà nước.

Chúng dựng ra một tội danh mới gọi là “tội phản động”. Thứ tội này không bao giờ có trong các bộ hình luật của thế giới tự do. Tội này không có định nghĩa rõ ràng, không ấn định mức trừng phạt tối thiểu hay tối đa như thế nào. Ai đã từng sinh ra, lớn lên hoặc sinh hoạt tại miền Nam đều có thể bị ghép vào tội này, bất cứ giờ phút nào. Bất cứ kẻ nào đang nằm trong guồng máy cai trị của chúng, từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất, đều có quyền bỗng nhiên hô hoán lên, rồi chỉ vào một người của miền Nam và bảo rằng “tên này phản động”. Và sau đó chúng có thể băm vằm, mổ xẻ, bắn giết, ném họ vào trại tập trung một cách vô cớ, tùy hứng và tùy ý.

Thủ đoạn này là vũ khí hữu hiệu nhất để kiềm chế tư tưởng và hành động của mỗi người tại vùng đất chúng mới chiếm được. Tự do ngôn luận không còn nữa. Tự do tư tưởng không thể phát triển. Tự do báo chí bị triệt tiêu.

Vì những lý do trên, không một ai dám nói, dám viết gì cả. Tất cả những người miền Nam, còn sống trên đất cũ của mình, bị thường xuyên đe dọa bởi một thứ gươm Damocles là cái tội phản động treo trên đầu.

Thế những người vốn đã từng sống trên đất nước Việt Nam Cộng Hòa, đã may mắn thoát được đến những nước Tự Do, thì ra sao? Họ có viết gì không?
Xin thưa, khoảng 10 năm, từ 1975 đến 1985, kể như không có ai viết lách gì cả.

Có người sẽ hỏi: Tại sao vậy? Còn ở trong nước, không được viết, vì sợ bị sát hại. Nay đang sống ở xứ tự do, thì cũng giống như trước kia tại miền Nam chứ có khác gì đâu, sao không ai viết?

Xin thưa: Có nhiều lý do:
1. Đã mất tất cả, với hai bàn tay trắng trên đất mới, ai cũng phải vật lộn với cuộc sống. Kiếm cơm hàng ngày cho bản thân, và cho gia đình, nếu may mắn có vợ con cùng thoát được. Không ai còn thì giờ.

2. Hội chứng hậu chấn thương, khủng hoảng (Post traumatic Stress disorder). Tất cả mọi người dù đã chạy thoát được, và đang ở xứ tự do, không ít thì nhiều đều ở trong một tình trạng bệnh gọi là Hội chứng Hậu Chấn thương, khủng hoảng. Đây là một hội chứng phát ra sau khi người ta trải qua một hay nhiều biến cố đưa đến những chấn thương tổn hại về tâm lý. Những biến cố này có thể đã suýt đưa đến cái chết cho bản thân mình hoặc cho một hay nhiều người khác. Và cũng có thể là đã thực sự gây tổn hại cho thân thể hay tinh thần người bệnh.

Những triệu chứng gồm sự nhớ lại hay ác mộng gặp lại những điều đã xẩy ra. Người bị bệnh trở nên khó ngủ, hay giận dữ. Họ có thể thường sợ hãi, cảm thấy không còn trông cậy được sự giúp đỡ nào, hoặc thấy sự khủng khiếp. Những người bị bệnh này có thể có phản ứng trốn tránh, co rút mình lại. Họ không còn muốn làm gì nữa. Sự sa sút tinh thần trầm trọng đè nặng lên họ.

Ban ngày, thân thể rã rượi, vì những công việc, thường là nặng nhọc, trong các hãng xưởng, từ 8-16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Ban đêm tinh thần bị nghiền nát bởi Hội Chứng Hậu Chấn thương, khủng hoảng. Ai còn có thể viết được gì nữa?! Khoảng 1988,1989 một số sách báo dần dần được xuất bản bởi cơ sở Đông Tiến.

Trước hoặc sau đó, cũng có vài tờ báo Việt ngữ xuất bản trên đất Hoa kỳ. Số trang rất giới hạn. Một trong những mục chính là nhắn tin tìm thân nhân. Những người thoát được từ 1975, nhắn trên báo một cách cầu may, xem có ai là thân nhân hay bạn bè vừa mới chạy ra khỏi được chăng? Kẻ tỵ nạn vừa tới, xưng tên tuổi trên báo, mong tìm được ai quen đã ổn định được cuộc sống, để mong hướng dẫn. Những bài viết còn vắng lắm, dù là truyện ngắn, truyện dài, hay là thơ. Năm 1990, tôi xuất bản tập Thơ Sử: Như Sóng Thần Lên.

Sau tập thơ này, tôi có ý định sẽ xuất bản một cuốn sách ghi lại các trận đánh trong chiến tranh Việt Nam. Tôi đắn đo. Quyển sách này có thể khiến Việt cộng gây khó khăn thêm cho những sĩ quan QLVNCH còn trong tay chúng, ở trong những trại tập trung, và cũng có thể cho cả những quân nhân đã được chúng thả ra nhưng chưa thoát được ra khỏi nước. Tôi trì hoãn lại.

Tới khoảng 1995, sau khi biết các cấp chỉ huy lớn trong binh chủng TQLC, đã tới được Mỹ theo chương trình H.O., tôi mới xúc tiến công việc. Và năm 1997, tôi đã xuất bản quyển Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến, tập hợp nhiều bài nhất về cuộc chiến, viết bởi những chiến sĩ trong binh chủng, thuộc đủ mọi cấp bậc, từ cấp lính lên đến cấp tướng.

Sau khi cuốn Chiến Sử Thủy Quân Lục Chiến được phát hành. Nhiều quân nhân từ các binh chủng khác cũng bắt đầu viết. Số lượng tăng dần. Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư Lệnh cuối cùng của Sư Đoàn Nhảy Dù, trong một cuộc họp với các cấp trong binh chủng này đã nói:
_ “ Tôi muốn rằng, các anh em cũng sẽ thực hiện xong được một cuốn Chiến Sử cho Binh
Chủng Nhảy Dù, trước khi tôi qua đời”.
Cuốn sách chưa kịp ra, thì ông đã mất vài năm sau đó.
Về phương diện văn học, một số câu hỏi được nêu lên:
1. Tại sao những người viết gốc quân đội, đã để thời gian trôi qua lâu như vậy, rồi mới khởi sự viết.

Xin thưa: “Những sĩ quan cấp tá trở lên, thường bị giam trong những trại tập trung tại miền
Bắc từ 12 đến 18 năm rồi mới được thả ra. Họ còn phải chờ thủ tục giấy tờ vài năm, mới tới
được Hoa Kỳ theo chương trình H.O.

Họ đâu có được cái may mắn như cô Traudl Junge, thư ký riêng của Hitler trong khoảng 2 năm rưỡi chót. Sau khi Berlin thất thủ vào ngày 30-4-1945, Cô Junge bị Nga bắt giam và đầy đọa chỉ trên dưới một năm, và rồi bị Mỹ thẩm vấn khoảng thời gian ngắn. Sau đó được trả tự do. Và ngay từ 1947 cô đã viết những điều cô biết xuống giấy.

Cô viết:“Tôi muốn ghi chắc lại, những biến cố quan trọng đã xảy ra, và những diễn tiến trong khoảng thời gian đó, trước khi những chi tiết phai mờ đi hoặc bị rơi vào sự hoàn toàn quên lãng”.

Là thư ký riêng của Hitler mà cô Junge chỉ bị 2 nước đại thù địch của Đức trong Thế Chiến thứ hai là Nga và Mỹ, giam cầm chưa tới 2 năm. Còn các sĩ quan cao cấp của QLVNCH thì bị Việt Cộng, là những kẻ đồng chủng, cầm tù trong những trại tập trung lâu gấp bội lần hơn và chỉ cầm bút viết xuống được những điều họ biết hoặc là đã trải qua, khoảng 20 năm sau ngày 30-4-1975.

2. Có nhiều vị Tướng Tá đã chạy từ 1975, sao họ cũng không viết?
Đáp: Thật ra thì cũng có vài vị đã viết. Còn những người không viết, có thể họ đã nghĩ:
“ Bại quân chi tướng, bất túc ngôn dũng” nghĩa là viên tướng của đoàn quân bại trận, không đủ quyền để nói tới sự can đảm. Họ bị áy náy trong tâm, mặc dầu họ biết rất rõ rằng nước Việt Nam Cộng Hòa đã bị đồng minh bỏ rơi và bức tử.

3. Trong thời Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại, sao những quân nhân không viết? Hoặc có chăng đi nữa, thì số lượng quá ít. Điều gì khiến họ cầm bút sau khi nước đã mất, nhà tan?
Thưa: Vì nguyên lý “Bất bình tắc minh”

Xin mời đọc phần trích dưới đây trong bài tựa “Tiễn Mạnh Đông Dã” của Hàn Dũ đời Đường, sẽ rõ:
“Mọi vật hễ không được cái thế quân bình thì kêu lên. Cây cỏ không có tiếng, gió xáo động thì nó phát ra tiếng. Nước không có tiếng, gió trấn động thì nó phát ra tiếng; đập nó thì nó bắn vọt lên; ngăn nó thì nó chảy dồn lại, nấu nó thì nó sôi sùng sục. Kim, thạch không có tiếng, gõ nó thì nó phát ra tiếng.

 Người, xét về lời nói thì cũng vậy; có điều bất đắc dĩ rồi sau mới nói: Ca, đó là có điều nhớ nhung; khóc, đó là có điều buồn thảm. Phàm ở miệng phát ra thành tiếng đều là do có điều bất bình cả chăng? Âm nhạc là u uất ở trong mà phát tiết ra ở ngoài; chọn những vật khéo kêu mà mượn nó kêu thay mình. Kim, thạch, tơ, trúc, bầu, đất, da, gỗ, tám cái đó là những vật khéo kêu. Trời, về phương diện thời tiết thì cũng vậy, chọn những vật khéo kêu mà mượn nó kêu thay mình, cho nên dùng chim để kêu xuân, dùng sấm để kêu hè, dùng trùng để kêu thu, dùng gió để kêu đông; bốn mùa xô đẩy thay thế nhau, tất có chỗ không được quân bình đấy chăng? Ở người ta thì cũng vậy. Tinh hoa của thanh âm loài người là lời nói, mà văn từ so với lời nói lại còn là tinh hoa hơn nữa, càng nên chọn người khéo kêu để mượn họ kêu cho.”

Thượng Viện và Hạ Viện Mỹ cắt đi 700 triệu đô la từ ngân quỹ dự định viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa là 1 tỷ trong năm tài chánh 1974 (tức là kể từ 1-7-1974). Ngay trước đó, điều khoản ấn định cho Mỹ, trong hiệp định Paris 1973, được thay thế những vũ khí đã mất đi trong các trận đánh, cho QLVNCH cũng đã không bao giờ thực hiện đầy đủ.

Ngược lại, vào tháng 12-1974, tướng Nga Viktor Kulikow, chỉ huy quân lực Liên Bang Sô Viết bấy giờ, từ Moscow bay tới Hà Nội, cam kết viện trợ vũ khí sẽ tăng lên gấp 4 lần, và sẽ được chuyên chở tới Bắc Việt vào tháng 1, tháng 2 năm 1975.

Như vậy, sự yểm trợ về không quân và pháo binh cho Việt Nam Cộng Hòa giảm mất đi 60 phần trăm do sự thiếu bom cho máy bay và đại bác cho pháo binh. Khả năng cơ động, di chuyển của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị giảm xuống 50 phần trăm vì thiếu phi cơ, xe vận tải và nhiên liệu.

Đại tá Le Gro, giám đốc cơ quan DAO, tại Saigon đã viết: “Trong lịch sử chiến tranh Việt Nam chưa bao giờ quân đội Bắc Việt được ở trong tình trạng tiếp viện về vũ khí thuận lợi như vậy.”

Kết quả là Bắc Việt tăng thêm 70,000 lính nữa cho số bộ đội tác chiến đã có sẵn từ trước là 200,000, cộng với 100,000 lính yểm trợ, tiếp vận. Bắc Việt có 600-700 xe tăng (gấp đôi số lượng xe tăng của QLVNCH), 400 cỗ đại pháo, 200 súng phòng không cỡ lớn, và rất nhiều hỏa tiễn SA-7.

Việt Nam Cộng Hòa đã bị trói tay, bức tử. Trên thực tế, suốt cuộc chiến, miền Bắc được Nga, Tầu yểm trợ để bành trướng Chủ Nghĩa Cộng Sản, miền Nam được Hoa Kỳ và các đồng minh giúp đỡ để gìn giữ lý tưởng Tự Do. Cả hai miền Nam, Bắc, tự mình không sản xuất được một thứ vũ khí, đạn dược nào cả.

Trong lúc Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại, các quân nhân chẳng cầm bút lên viết, vì vẫn còn thế quân bình. Chỉ đến khi miền Nam không còn nhận được vũ khí nữa, mà miền Bắc lại được trang bị gấp bội lần hơn trước, cái thế quân bình mất hẳn. Kết quả là cả miền Nam bị dày xéo bởi bọn xâm lăng Bắc Việt.

Cho nên, những người ở miền Nam, trước kia đã phảỉ “xếp bút nghiên theo việc đao cung”, đã trở thành nạn nhân của thế mất quân bình, và nay cầm bút viết xuống để thay mình kêu lên.

Xin mời đọc bài viết dưới đây của Đại Tá Phạm văn Chung, in trong bộ Chiến Sử Thuỷ Quân
Lục Chiến (1997&2007), để hiểu thêm về những lý do tại sao các quân nhân cần trình bầy những điều đã trải qua. Viết tặng anh em Thủy Quân Lục Chiến và con cháu họ
Đại tá Phạm Văn Chung.

Trong một dịp họp mặt, có người thanh niên khoảng 2O tuổi, thuộc thế hệ thứ hai
định cư trên đất Mỹ, hỏi chúng tôi rằng:
- Chúng cháu nghe nói các bác, các chú thuộc Quân lực Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa đã chiến đấu dũng cảm để chống lại cuộc xâm chiếm miền Nam của Cộng sản Bắc Việt. Tại sao không có sách nào nói về các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa? Như vậy làm sao chúng cháu có thể tìm hiểu được thế hệ đàn anh đã chiến đấu như thế nào?

Một người trong chúng tôi trả lời:
- Sách viết về chiến tranh Việt Nam thì có nhiều, như...
- Nhưng chúng cháu, thế hệ lớn lên sau cuộc chiến tàn khốc đó muốn được biết Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu như thế nào. Chúng cháu muốn hiểu lý tưởng nào đã thúc đẩy các bác, chúng cháu cần được kể lại từ gốc để cùng cảm thông... 

Vẫn biết có nhiều sách về chiến tranh Việt Nam, nhưng hầu hết đều viết bởi người ngoại quốc, những kẻ thiên tả, những phóng viên “giật gân”... Chúng cháu muốn nghe tiếng nói từ phía các bác. Lời người trẻ đã làm chúng tôi suy nghĩ nhiều. Chúng tôi, những người Thủy Quân Lục Chiến còn sống sót, hiện đã già, người trẻ nhất trong anh em cũng đã 45 tuổi. Và cũng đáng mắc cở nếu chúng tôi chỉ giữ những ký ức đau buồn cho riêng mình. Đã đến lúc phải để cho thế hệ trẻ và thế giới biết về cuộc chiến Việt Nam dưới nhãn quan của chúng tôi.

Mục đích đơn giản của chúng tôi là:
* Kể lại những trận đánh Thủy Quân Lục Chiến đã tham dự và ước mong các quân binh chủng khác thuộc Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng cầm bút viết lại những gì mà họ đã trải qua.

* Cho con cháu chúng ta biết về sự chiến đấu của cha ông họ.
* Tái tạo niềm hãnh diện cho những Thủy Quân Lục Chiến còn sống và cho gia đình của những Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh.
* Cung cấp cho thế hệ sau và thế giới một cái nhìn cân bằng về cuộc chiến Việt Nam.

Mọi người cần phải rời khỏi các nhãn quan hạn hẹp đã bị đầu độc từ bao lâu nay bởi giới truyền thông nặng phần thương mại và giới văn hóa tầm thường. Thế hệ trẻ không nên nhìn thập niên 6O-7O là của Hippies hay của những phong trào chống chiến tranh đòi hòa bình... Thế hệ trẻ cũng không nên nhìn chiến tranh Việt Nam như cuộc xâm lăng của người Mỹ và càng tệ hại hơn nữa khi nghĩ nó là cuộc chiến tranh của người Cộng sản yêu nước đánh lại miền Nam tham nhũng... Đó là những điều dối trá bịa đặt để bôi nhọ miền Nam và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, trong mục đích tuyên truyền của Cộng sản.

Bằng những tia sáng lệch lạc, các tác giả thân cộng và giới truyền thông đã đưa ra những hình ảnh thiên lệch của cuộc chiến, đã phác họa miền Nam như một kẻ gây hấn mà quên đi rằng chính Việt cộng là kẻ bắt đầu sự chém giết! Thế giới không có quyền gì để lên án việc chúng tôi phải đứng lên để bảo vệ tổ quốc của mình. Chúng tôi viết những bài hồi ký này để nhắc nhở con cháu rằng cha ông của chúng đã chiến đấu cho Tự Do và Dân Chủ. Chúng tôi đã chiến đấu để con cháu chúng tôi sẽ không bao giờ chịu những bất công và tàn ác của chế độ Cộng sản. Và chúng tôi ra sức phục hồi lại cuộc sống tả tơi của mình trên đất khách cũng vì những lý do: để cho những thế hệ kế tiếp có thể phát triển, thăng tiến mà không sợ bị bạc đãi hay trừng phạt. Giới trẻ cần có được những dữ kiện chính xác không bị bóp méo bởi thành kiến.

Họ phải hiểu rằng miền Nam Việt Nam đã phải đối phó không phải chỉ riêng với một kẻ thù trong nước mà còn cả với sự đảo điên của những nhà làm chính trị thế giới nữa. Những thế lực bên ngoài và chính trị của các nước khác đã xé nát miền Nam như cuộc nội chiến đã làm. Bị phá trên mọi chiến tuyến, miền Nam cuối cùng đã phải gục ngã một cách thương đau trước chứng ung thư phát xuất từ miền Bắc Việt Nam. Chúng tôi viết để nhắc nhở những người trẻ Việt Nam về cái “Gia Tài Hãnh Diện”.

Trong cuộc sống lưu lạc, hố sâu về văn hóa và ngôn ngữ đã làm ngăn cách bố mẹ và con cái của nhiều gia đình. Chúng tôi hy vọng giới trẻ khi đọc những hồi ký này sẽ hiểu rằng: Một người cha suy sụp tinh thần, một người chú tàn tật, một người ông ốm yếu của họ, trước kia đã từng là một người trẻ hãnh diện, yêu nước và can đảm.

Chúng tôi tin rằng họ sẽ nhìn những vết thương xấu xí vì mảnh đạn, những đôi tai nghễnh ngãng vì tiếng súng, sự bất khiển dụng tay chân của chúng tôi là huy hiệu của Danh Dự, là biểu tượng của Hy Sinh. Chúng tôi mong họ hiểu, tự hào và thương cảm...

Tất cả những bài trong sách này đều được viết bởi những người lính Thủy Quân Lục Chiến đã trực tiếp tham dự ngoài mặt trận. Sự thật được trình bày nguyên vẹn, trung thực từ nhân vật, biến cố cho đến trận đánh.

Có một vài trận đánh được viết lại nhiều cũng không ngoài mục đích đem lại cho những gia đình của Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh một vài chi tiết để cho người quả phụ, người con hay người mẹ có cái may mắn đọc được vài dòng về người thân của mình, hay ít ra cũng về trận đánh mà người thân của mình đã tham dự. Cũng có những trận khác, ít chi tiết hơn vì những người đã từng tham dự, hoặc tản mác trên thế giới, hoặc đã tử trận hay đã qua đời trong các trại tập trung của Việt cộng.

Những bài viết xuất phát từ mọi cấp của binh chủng Thủy Quân Lục Chiến: từ Binh nhì, các đơn vị Yểm trợ, các Sĩ quan cho tới các Lữ đoàn trưởng. Chúng tôi không có tham vọng làm văn chương, nhiều người mới viết lần đầu, và nhiều người đã giữ cái anh hùng của chính họ, của chiến hữu, của các cấp chỉ huy trong nhiều năm... 

Sau một phần tư thế kỷ, niềm xúc động vẫn như xưa. Cầm bút viết lại trên giấy đã là một cách để làm vơi đi bao ẩn ức cho một số người, nhưng cũng phá vỡ lại những vết thương cũ của một số khác. Cho đến ngày hôm nay, nước mắt vẫn còn chảy xuống cho các chiến hữu đã hy sinh và lòng oán hận kẻ thù vẫn còn mạnh.

Không một tuyên truyền nào của Việt cộng phun ra có thể làm mờ mắt mọi người về những việc chúng đã và đang làm. Chúng đã đặt đất nước trong một bàn tay sắt, chúng tạo lịch sử riêng của chúng... và những cặp tai của thế giới đang ngóng lên vì những viễn tượng thương mại. Nhưng dưới mắt chúng tôi, chúng vẫn là những tên sát nhân, những tên đang hành hạ và tàn phá quê hương mình.

Quyển sách khiêm nhường này là biểu tượng về sự chiến đấu chống lại Cộng sản của chúng tôi. Chúng tôi xin tặng những chiến sĩ Thủy Quân Lục Chiến và hậu duệ của họ với niềm hy vọng nhỏ nhoi: “Nhắc người đang sống nhớ tới người đã chết và làm bùng lên lại niềm Hãnh Diện trong tim của tất cả anh em Thủy Quân Lục Chiến, dù
họ đang ở đâu...”.
Đại tá Phạm Văn Chung,1997.
-------------
 
 
Buông súng, cầm đàn

Ông rời quê hương, mang theo cuộc chiến đã tàn và một đất nước chỉ còn trong tâm tưởng. Ông nói rằng ông là người lính buông súng cầm đàn, để thực hiện sứ mệnh mà ông chưa bao giờ từ bỏ.

“Con đường chúng ta trong tương lai còn rất dài và rất gian khổ. Chúng tôi, thế hệ thứ nhất đã mỏi mòn rồi.bây giờ những người ở lứa tuổi chúng tôi chỉ còn sống trong giấc mộng trầm kha của thời xưa thôi. Người ta nói tuổi trẻ sống cho tương lai, trung niên sống cho hiện tại,  niên lão sống về quá khứ. Những chuyện xảy ra ở mặt trận mấy mươi năm về trước, tôi không thể nào quên được. Không bao giờ!”

Với ca nhạc sĩ Dzuy Lynh, tất cả vẫn còn đó. Lý tưởng, niềm tin, niềm hân hoan sau những trận thắng và cả những nỗi kinh hoàng khi phải đối diện với cái chết của đồng đội vẫn chưa bao giờ bị phai mờ, cho dù ông đã bước ra khỏi cuộc chiến hơn 40 năm.
 

No comments: