Tuesday, April 18, 2023

30/4/1975 - Hồi Đó Tụi Mày Ở Đâu? - Vũ Thế Thành

30/4/1975 - Hồi Đó Tụi Mày Ở Đâu?

Vũ Thế Thành
Dzung Bui
Chiều 26.4.1975, tôi còn giờ thực tập cuối cùng trong phòng lab Đại học Khoa học Sài Gòn. Tan buổi học, Cường, thằng bạn học rủ xem xi nê ở rạp Văn Hoa (*) gần đó. Rạp có máy lạnh làm dịu đi cái nóng tháng tư, rơi vào giấc ngủ chập chờn… 
-------------------
Phim gì chẳng nhớ, chỉ nhớ đã đứng lên chào cờ. Đó là lần cuối…
Vãn phim, Cường ngập ngừng :
– Mày đi không?
– Đi đâu? Có quen ai đâu mà cho mình đi.
“Thôi mày về nhà tao, kiếm cái gì uống, rồi tính…”, Cường nói.
 
Sài Gòn những ngày tháng đó, không chỉ có chuyện đi chuyện ở. Dân tị nạn đổ xô về Sài Gòn rất nhiều. Sinh viên tỉnh trọ học nhốn nháo, có đứa mếu máo không biết tin tức gia đình thế nào, cũng chẳng còn nguồn trợ cấp. Bạn bè ai giúp được chút nào hay chút nấy, rồi tính…
 
Đầu tháng 4, khi Nha Trang thất thủ, anh em thằng bạn ghé nhà tôi. Hai anh em quê Nha Trang. Anh là lính Cộng Hòa, tan hàng từ Phú Yên. Em là sinh viên Quốc gia Hành chánh học ở Sài Gòn. Rượu vài ly để trấn áp, xua đi nỗi tuyệt vọng… Chuếnh choáng, thằng anh bảo em: “Đừng lo, tao đăng lính Biệt kích có tiền đầu quân, mày sẽ có ít tiền xài trong vài tháng, rồi tính…”
 
Cái mốc tháng 4 năm 75 lúc nào cũng làm tôi ngỡ như thời gian cũ còn phảng phất đâu đây.
 
Chẳng phải tôi không muốn đi. Cũng hồi đầu tháng, thằng bạn lối xóm rủ xuống Phú Quốc, ông anh nó làm công chức ở đó, đẩy lên tàu đi cho gọn. Tôi ngần ngừ… Còn chưa đầy một tháng nữa sẽ thi, không thi làm sao có giấy hoãn dịch. Thi xong, rồi tính…
Ừ thì, “rồi tính”… Nhưng phía trước là khoảng trống hoang mang, biết cái gì đâu mà tính? …
 
Ở nhà Cường, nghe gia đình nó bàn tán thời cuộc: “Tình hình này chắc Dương Văn Minh sẽ lên. Ông ta lên thì chắc chắn thua. Phải đi càng sớm càng tốt”. Cường ghé vào tai tôi thầm thì: “Mày đi không, tao còn chỗ. Sáng sớm mai ghé nhà tao”. “Bà già tao đi theo được không?”, tôi hỏi lại. “Không được đâu, kẹt chỗ lắm rồi, chỉ cầu may thôi”. Tôi không còn gặp Cường sau ngày đó. Nghe nói nó đã chết.
 
Những ngày cuối cùng, 28, 29 tháng 4, Sài Gòn chỉ bị pháo kích lai rai, tiếng súng lớn vọng về từ hướng Tân Sơn Nhất có thể nghe rõ về đêm. Bạn bè ngồi uống cà phê tán gẫu, thoắt cái đã biến…
 
Trưa 30 tháng 4, nghe giọng ông Dương Văn Minh trên đài phát thanh. Thế là xong!
Thằng bạn lối xóm, được hoãn dịch lý do gia cảnh, nhưng phải đi Nhân dân tự vệ, xách khẩu Carbin, chỉa lên trời, chơi hết băng đạn, rồi đến phường nộp súng.
 
Chiều mùng 1 tháng 5, tôi và thằng bạn cà lơ thất thểu ở Lăng Cha Cả, tạt vào quán cà phê cóc. Tàn tích còn nhiều, quần lính áo lính, giầy lính, ba lô, lon lá… rải rác đâu đó trên đường, cả chiếc trực thăng bị vướng trên sân thượng gần đó. Cô gái bàn bên cạnh, ngó qua hỏi bâng quơ:
– Tình hình này không biết tính sao?
– Hết đánh nhau rồi, về quê cho khỏe, tôi đáp.
“Vài ngày nữa chờ êm êm, rồi em cũng về quê. Mà rồi chắc em lấy chồng cho anh coi”, cô liếc tôi cười cười. Tôi đoán cô là kiều nữ cổng Phi Long. Đường trần bụi bặm, rồi cũng phải một lần thu xếp cho xong. Chúc cô may mắn!
 
Trước đây, tôi thường vào nhà sách Khai Trí đọc sách chùa, nhưng quyết định mua quyển nào lại mò ra các sạp bên kia đường hoặc dọc đường Pasteur, bán thấp hơn giá bìa khoảng 10-15%. Mấy ngày đầu sau 30 tháng 4, sách bày bán chất đống ở khu này, giá bán gần như cho không. Tôi mua hai giỏ xách để đựng, mua hết đợt này, chở về nhà, lại đến đợt khác chỉ sợ hết, cũng cả hơn trăm quyển đủ loại sách học làm người, truyện dịch, lịch sử, triết Đông, triết Tây… Nghiền ngẫm cả vài năm trời chưa hết, cho đến khi có đợt phải giao nộp sách báo “đồi trụy, phản động”. Nói vậy chứ cũng “khéo léo” giấu lại được một số.
 
Những ngày sau đó, lắm chuyện khôi hài xảy ra, chủ yếu là do xa lạ về ngôn ngữ: cái đài, cái nồi ngồi trên cái cốc, đồng hồ không người lái… Những người lính miền Bắc đa số xuất thân từ vùng nông thôn, phút chốc đòi hỏi họ phải “văn minh” như người đô thị thì cũng khó. Buồn cười chăng đó là khoác lác kiểu “lavabo chạy đầy đường”. Nhưng số này cũng chẳng nhiều.
 
Buồn, nhưng cười không nổi, đó là phong trào đưa các em nhỏ ra đứng đường, chặn xe người lớn đáng tuổi cha chú, yêu cầu cài nút áo lại hay phải cắt tóc ngắn. Phong trào phản giáo dục này rồi cũng nhanh chóng xẹp.
 
Buồn thấm thía hơn, khi quay về trường, đã có những người bạn thay đổi nhanh quá, ăn nói đầy tính lập trường, cách mạng… Ủa! Mới 1-2 tháng trước đó còn thấy họ ngồi trong câu lạc bộ đại học sư phạm khóc sướt mướt, không biết gia đình ở miền Trung ra sao… 
 
Vậy mà, giờ họ đã ra vẻ cán bộ, giảng đạo đức, phê bình bè bạn về lối sống “tàn dư Mỹ Ngụy”. Ai lỡ huýt sáo nhạc Trịnh Công Sơn, Phạm Duy thì cũng khổ, bị kiểm điểm là còn mang nặng đầu óc tiểu tư sản lãng mạn… Bạn bè bỗng dưng tự chia thành những nhóm nhỏ, rù rì với nhau. Thấy họ tới, tất cả đều im lặng. Họ tích cực lắm, theo dõi, dò xét, báo cáo giữa bạn bè với nhau… Sao thấy buồn quá.. Cách mạng thứ thiệt không ngán, chỉ ngán mấy ông bà “cách mạng ba mươi”. Bây giờ vẫn còn ngán…
 
Có một chuyện làm tôi nhớ mãi, khi làm nghiên cứu, thiếu sách tra cứu, tôi phải mò ra khu bán sách cũ gần đường Đặng Thị Nhu. Ở đó chỉ có một sạp duy nhất có quyển “Handbook of Chemical Engineers”, dày cả ngàn trang, giá 4 khoen vàng. Tiền đâu mà mua nổi! Đến nhiều lần, chỉ để tra cứu trong quyển đó, rồi ráng nhớ mấy con số, rời xa xa khỏi sạp là rút sổ tay ghi lại. Đến riết chủ sạp quen mặt, vừa thấy bóng tôi từ xa, đã chỉ tay vào quyển sách: “Cứ cầm lấy đọc thoải mái”. Nơi đó, bây giờ không còn bán sách nữa, chẳng biết ông chủ sạp sách tốt bụng thời khó khăn ấy bây giờ nơi đâu. Cám ơn ông nhiều lắm.
 
Những năm tháng sau 75 khó khăn nhiều, từ vật chất đến tinh thần, như loạt bài “Đêm trước đổi mới” đăng trên tờ Tuổi Trẻ dạo nào. Đó chỉ là phần nhỏ, giờ hồi tưởng lại vẫn thấy đầy ắp chuyện, không sao nói hết….
 
Sống trong đất nước như thế, mà không bạn bè như thế thì mới là điều lạ. Những người bạn mới của tôi có người chơi được, có người không, như mối quan hệ riêng tư ở bất cứ xã hội nào khác, đâu cứ là ở xứ này mới có người được người không. Có những quan hệ thân tình cả hai chục năm chứ đâu phải ít, mà bây giờ vẫn cư xử thân tình như thế. Khi chén chú chén anh, thỉnh thoảng vẫn có “khắc khẩu” về ý nghĩa cuộc chiến, nhưng ngày mai lại quên. Cái thân tình nặng hơn sự khác biệt quan điểm. Năm tháng, tuổi đời cũng làm những xung đột quan điểm đó hẹp dần lại, thân tình rộng hơn. Cuộc chiến, tùy hoàn cảnh xuất thân, được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng sự thật chỉ có một, và vòng vây chân lý đang dần dần khép lại.
 
Tôi có hai người ở hai bờ chiến tuyến, VTC và NNT, đã rời cõi bụi bặm này rồi. Ở dưới, không chừng giờ này hai thằng đó đang chén thù chén tạc, đọc bài này, chắc chúng cười ầm lên: “Chỉ vẽ chuyện! Vô nghĩa!”
Cái mốc tháng 4 năm 75 lúc nào cũng làm tôi ngỡ như thời gian cũ còn phảng phất đâu đây, nào ai có biết đó là thời điểm quyết định số phận. Vậy mà đã 37 năm trôi qua. Già đủ kiểu rồi còn gì, đầu hói, tóc bạc, bụng phệ, da nhăn… Giờ đây bùi ngùi nhớ lại những thằng bạn đã hôn tay Chúa, sờ chân Phật, cũng gần hai chục tên đã lên đường chứ đâu ít. Chết đủ kiểu, chết vì chiến cuộc, vượt biên, tai nạn, chết bệnh… Thôi yên nghỉ đi, chờ ngày hội ngộ.
 
Nhưng trong cõi ta bà này, tháng tư năm nay, tự nhiên tôi muốn nâng ly rượu, hỏi những thằng bạn còn sống: “Những ngày trước 30 tháng tư bảy mươi lăm, hồi đó tụi mày ở đâu?”
 
(*) Rạp xi nê Văn Hoa Sài Gòn được nâng cấp, tân trang lại, có gắn máy lạnh, gần ngày 30/4/75 mới sửa xong và khai trương rạp với tên mới. Vì mới quá, nên tôi chưa kịp nhớ tên, hình như là Capitol thì phải (?). Bạn nào nhớ thì nhắc giùm. (Vtt) Emoji
Vũ Thế Thành
Sài Gòn 27/4/2012
 
Comment:
* Gemlight Tran
1975 gia đinh tui ở 49 Bến Chương Dương quận Nhì Sài Gòn kế bên vách là Thượng nghi Viện VNCH...
Tui là HQ Vnch tại trại Bạch Đằng Sài Gòn BTL HQ. Không sợ VC nên tui không xuống tàu ra đi dù ở văn phòng Tham Mưu trưởng.
Tui thức thời ngay tháng 5/1975 đã ra khu Hàm Nghi bán chợ trời kiếm tiền rủng rỉnh mỗi ngày...
Trong nhà đầy người tị nạn...mà người nào cũng có vài con nhỏ...Đồng tiền kiếm được dùng vào việc cơm nước nuôi trẻ con nhiều năm trời (nếu mua vàng chắc khá nhiều) nay những người đó hầu hết ở Mỹ....họ có biết gì đâu con nít mà... Cha nẹ họ nhiều chục năm qua già chết hết cả rồi...
Không quan tâm coi như quy luật sống
* Dzung Bui
Gemlight Tran Bài viết của TG Vũ thế Thành đăng cách đây đã 11 năm . Mỗi người một phận , cứ tiếp tục đứng vững trên đôi chân của mình !
* Lê Đức Tuấn
Biết bao gia đình ly tán, vợ mất chồng, con mất cha, mất hết gia tài của cải phải bỏ quê hương mà ra đi, tiếng than oán uất hận ngút trời
* Nghiem Nguyen
Cũng khoảng thời gian đó gia đình em dọn vô tầng hầm rạp cine Văn hoa (do ông bác em làm chủ), cả mấy gia đình trú trong đó gần 1 tuần mới trở lại nhà . Trong thời gian trú ẩn, nhiều lần chạy ra nhiều nơi để tìm cách di tản nhưng đều không thành .
* Thu Hằng
Nghiem Nguyen chị có chú em ruột của bố là hoa tiêu trên biển. Cả nhà ở yên chờ chú đón mà chú bị tắc ko về được. Thế là mẹ chị ngoài này kiêm nhiệm vụ thay mặt gia đình đi tiếp tế. Ròng rã 10 năm.....
* Dzung Bui
Benjamin Nguyen từ đó bạn bè tụi mình chia xa ...đi khắp muôn nơi ,mỗi người tuỳ theo hoàn cảnh rẽ sang hướng khác ! Biết bao giờ có dịp găp lại ?
 
------------------
 
TRĂM NGÀN NHÁNH KHỔ

Vũ Thế Thành
Sau năm 1975, tôi học được một điều, mà đến nay vẫn thấy chí lý. Đó là, người chiến thắng tuyệt đối đúng. Lịch sử thuộc về người chiến thắng. Chân lý cũng thuộc về người chiến thắng luôn. Đánh thắng cả 3 tên đế quốc đầu sỏ, sao lại không đúng? 
 
Cái gì không có nội dung, mới cần tới hình thức là thế. Người chiến thắng tự hào là đúng rồi, nhưng tự hào cả những cái sai. Sai mà cứ tưởng mình đúng. Chuyện “tủ lạnh chạy đầy đường” chỉ là chuyện khôi hài, chuyện nhỏ. Cái “sai mà tưởng đúng” mới làm đất nước ra nông nỗi thế này, di lụy chẳng biết bao giờ mới hết.
 
Các quán nhậu vỉa hè dọc kênh Nhiêu Lộc dạo này nhiều người hát rong, cũng ampli, loa, micro không dây, nhạc đệm,… Họ chỉ hát toàn nhạc xưa, nhạc sến, với điệu rumba, bolero nghe tưởng như đồng hồ đếm ngược. Lần trước về Sàigòn, tôi đã ngồi quán vỉa hè, nghe những bài ca vỉa hè như thế… Lặng cả người, “…Buồn vào hồn không tên, thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời. Đường phố vắng đêm nao quen một người, mà yêu thương trót trao nhau trọn lời…”.
Tôi chợt nhớ những ngày sau tháng tư 1975, đám bạn bỗng nhiên làm đám cưới chớp nhoáng, lấy vợ lấy chồng để “đối phó” với thời cuộc, rồi vội vã tìm đường vượt biên. Có đứa vượt qua biên giới, nhưng cũng có đứa về bên kia thế giới. Những người ở lại tưởng họ đã đến bến bờ thiên đường.
 
Bước lên tàu là ngàn khơi sóng vỗ, không phải là chuyến xe Sàigòn – Đà Lạt. Có khi Hà bá mời xuống chơi, có khi tủi nhục trên đường vượt biển, phần còn lại là may mắn. Mà có may mắn lọt vào xứ người cũng chưa hết.
 
Cô bạn tôi cao chưa quá thước rưỡi, với tay đưa khay bánh vào ngăn, trượt chân, u đầu sứt trán. Quên cả đau, vội vội vàng vàng lượm bánh xếp lại vào khay. Bà xếp Tây mắng, “Xứ này không ăn dơ như thế”.
Cũng có người đi làm nail, tiền tươi thóc thật, dồn hết cho con ăn học. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, hiểu sát nghĩa đen là đây, là mồ hôi trộn nước mắt.
 
Tiền gửi về nhà, người thân trong nước tưởng đâu bên đó kiếm tiền dễ như ăn cơm sườn, xin thêm thứ này thứ nọ. Có biết đâu đó là tiền chắt chiu, có khi là tiền thí mạng, không mua bảo hiểm y tế.
 
Nhưng cũng có người kiên nhẫn vừa làm vừa học, thành danh nơi xứ người. Nhưng cho dù thế nào nơi xứ người, vẫn còn ít nhiều cơ hội, có chịu nắm hay không mà thôi. Trong nước thì coi như bế tắc.
 
Hồi đó, tôi dạy kèm thêm luyện thi đại học, dạy nhóm 5- 7 học sinh. Có em học xuất sắc, bài thi làm không chê vào đâu được. Vậy mà rớt. Em là con “ngụy”, thứ “ngụy” còn trong trại cải tạo, làm sao vào đại học nổi, em rớt ngay từ… bãi gửi xe.
 
Em đến báo tin, thầy trò ngồi uống cà phê vỉa hè, buồn ứa nước mắt. Đất nước này không dung những tiềm năng như em…
 
Số phận đời người chứ đâu phải trò chơi chính trị. Sao lại có thể xây dựng đất nước bởi những con người bằng thiệt học giả? Những năm sau 1975, đói khổ và ê chề thấy rõ. Giáo sư, bác sĩ, ông này bà nọ xuống đường ra chợ trời hết, người đạp xích lô, người bơm mực bút bi, bán bún riêu, buôn hàng lạc xon,… Lanh hơn thì buôn hột xoàn đổi đô la,…
 
Năm 1978, tôi gặp một phụ nữ ăn mặc lam lũ, nhưng đẹp, qúy phái, không quá 30, trên chuyến tàu chợ. Chị kéo lê 2 bao than ra gần cửa tàu, ngước mắt nhìn tôi, nói như năn nỉ: “Lát nữa gần đến ga Bình Triệu, anh làm ơn đạp dùm tôi 2 bao than này xuống”.
 
Chị buôn lậu than, đến ga sẽ bị tịch thu. Đôi mắt chị buồn và nhẫn nhục quá, làm tôi nhớ đến đôi mắt của bà mẹ trong một tác phẩm của C. V. Gheorghiu. Cảnh sát bắt bà mẹ vào bót để tra hỏi nơi ẩn nấp của con bà. Gheorghiu đã mô tả đôi mắt của bà cũng buồn và nhẫn nhục như thế.
 
Có lần đi chơi khuya, tôi gặp Bùi Giáng ở ngã ba Trần Quang Diệu – Trương Minh Giảng, ăn mặc chắp vá màu mè như phường tuồng, cầm cây chổi cùn múa may, chặn đầu xe tôi lại, “Cho trẫm điếu thuốc”. 
 
Hoàng thượng đã chiếu cố xin thuốc dân đen, dân nào dám cãi. Tôi rút điếu thuốc và cung kính châm lửa cho hoàng thượng. Ngài rít một hơi rồi phẩy tay, “Cho lui…”. Lui rồi, ngoái cổ lại, thấy hoàng thượng tiếp tục múa chổi đi quyền.
 
Bùi Giáng đã có mầm mống bất thường từ trước rồi, sau 1975 nặng hơn, lang thang khắp chốn. Cái điên của Bùi Giáng thật hay giả, cũng khó biết. Mất trí như ông vậy mà hay, ý thức buồn vui làm chi cho khổ?
Mà Sài Gòn lúc đó sao lắm người điên thế! Cũng không phải điên, họ có phá phách gì ai đâu. Tôi thường gặp vài ông ăn mặc lịch sự lắm, áo sơ mi trong quần, có ông còn đeo cà vạt, đi đi lại lại ở khu Lê Công Kiều, nơi bán sách cũ. Vừa đi vừa khua tay, lảm nhảm rồi lại gật gù, nào là Marx, Hegel, Mounier, Sartre,…
 
Người bạn tôi qua được tới bến bờ, vừa làm vừa học, gửi về cho tôi thùng quà chừng 1,5 kg kèm bức thư ngắn: “Gửi mày mấy hộp thuốc tây, bán đi mà lai rai. Còn lọ nhỏ để uống, đừng bán. Thuốc an thần đó”. Tâm thần phải chăng là lối thoát của con người với thực tại quá phũ phàng?
 
Ngẫm lại, một nhà chính trị tài giỏi là người có thể đưa đất nước tới mục tiêu mà ít đổ máu nhất, chứ đâu cần phải đốt cả dãy Trường Sơn, đánh tới người cuối cùng. Mạng người quá bèo. Bèo thì cũng đành, nhưng hệ lụy cho người còn sống, cha mẹ vợ con họ mới là nỗi đau gặm nhấm cả đời.
 
Cả đất nước sống bằng khẩu hiệu, đất nước ta dân chủ gấp vạn lần,… Nghe riết rồi quen, nghe tai này lọt tai kia cũng quen luôn. Không quen lỡ có ngày phát điên thì sao?
 
Người lẽ ra phải điên mà không chịu điên, đó là mấy bà. Cầm có tí tẹo tiền, xách giỏ đi chợ, loanh quanh đầu chợ cuối chợ cả tiếng đồng hồ, có khi chẳng mua được thứ gì.
 
Mà có tiền đi chợ là còn may, có người chỉ khoai sắn, rau lang, bí đỏ,… quanh năm. Ăn để sống sót thì thứ gì chẳng nhét vô bụng được. Bột ngọt khi đó là thần thánh.
 
Mấy ông “tù cải tạo” coi vậy chứ chỉ khổ cái thân, chứ cái đầu chưa đến nỗi. Có biết bên ngoài thế nào đâu mà khổ, mà lo.
 
Vợ một bác sĩ quân y đi thăm nuôi, dúi vào tay chồng ít tiền. Thăm nuôi lần sau, thấy tiền vẫn còn nguyên, ông chồng không dám xài. Bà than, “Tội nghiệp cho cả gia đình tôi! Ở ngoài vợ con nhịn đói để nuôi tù, ở trong nhịn đói vì không nỡ nuốt cái đói khát của vợ con”. Não lòng đến thế là cùng! Nước mắt nuốt ngược thế này, chỉ bị nghẹn mà không phát điên, bà này chắc có căn phần phúc đức.
 
Nghe nói mấy ông “ngụy cải tạo” định lập ra ngày vinh danh mấy bà vợ. Không đủ đâu mấy ông. Mấy bà này chắc phải phong… Thánh. (quá hay )
 
Tháng tư năm nay, Sàigòn nóng khủng khiếp. Sàigòn không mưa nhưng Đà Lạt mưa. Những ngày cuối tháng tư năm nào Đà Lạt cũng mưa, mưa mù mịt che khuất cả đồi thông ở Couvent des Oiseaux đối diện nhà, nhưng mưa chỉ vào lúc trưa chiều, tối tạnh.
Đà Lạt 8 giờ tối đã như 12 giờ khuya ở Sài Gòn. Tôi vẫn thích đi bộ mỗi khi có chút hơi men thế này. Con đường dốc về nhà như kéo theo mệt mỏi của đời người. Tựa lưng vào cửa nhà, hoa lá trong vườn yên tĩnh như đêm.
 
Dưới ánh đèn đường rọi qua hàng rào, bóng của lá cây ngọc lan chập chờn trên mặt sân. Cuối tháng tư rồi. Người ta sẽ đốt pháo hoa ở Sàigòn để ăn mừng. Ai vui xin cứ vui. Nhưng còn chút tâm tình này của kẻ buồn, không nói cho thế hệ sau biết những buồn bã sau 1975 là như thế đó, lòng dạ nào yên?
 
Năm 1975 là ngã rẽ của đời người. Bạn bè, người thành danh, đứa bầm dập, và cho dù có ở phương trời nào, tây hay ta, nỗi khổ vẫn theo số mệnh mà đến. Giờ đây, đứa nào cũng chạm tay vào buổi hoàng hôn cuộc đời rồi?
 
Tháng tư, tôi thắp ngọn nến trong lòng. Thoảng trong mùi hương ngọc lan, tôi hát theo, hát thầm bài hát nghe được ở quán rượu “…Cuộc đời là hư vô, bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…” (*)
 

No comments: