Thursday, April 27, 2023

30/4 - VẾT THƯƠNG CHƯA KHÉP LẠI

30/4 - VẾT THƯƠNG CHƯA KHÉP LẠI






-----------------------
---------------------

Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
Thắp Nén Hương Tưởng Niệm Chiến Sĩ Anh Hùng
THÁNG 4 ... NHỚ NGƯỜI LÍNH BỊ BỎ QUÊN
NGƯỜI LÍNH CUỐI CÙNG
Chú thích của Văn Hóa: Nếu quý thân hữu lấy kính lúp soi tấm ảnh to ra, quí thân hữu có thể thấy trên ve áo người lính có 2 hoa mai đen thêu, tức cấp bậc Trung úy tác chiến. Nhìn kỹ ảnh, viên sĩ quan này vẫn còn mặc quân phục, đeo lon, quần áo trận, giầy trận vẫn y nguyên như ngoài chiến trường. Trung úy trẻ măng quả là danh thơm cho Sĩ quan QLVNCH.
Thưa quý vị.


Ngày 30-4-75, khi bộ đội VC đã xâm nhập vào Thủ Đô, ký giả chiến trường Nguyễn Đạt còn chụp được tấm hình một người lính VNCH cuối cùng đi trên đường phố Sài Gòn, hai tay cầm 2 khẩu súng, mặt bình thản không lộ vẻ gì sợ hãi.

Theo tôi thì tấm hình nầy rất có hồn. Nó lột tả rõ nét nhất sự can trường của người chiến sĩ VNCH. Tấm hình nầy đáng được lưu vào quân sử VNCH cùng với những tấm hình của các vị tướng, tá tuẫn tiết ngày 30-4-75.
Cảm hứng, tôi sáng tác bài thơ "Người Lính Cuối Cùng", để có đôi lời vinh danh người chiến sĩ vô danh can trường trong hình và hàng trăm ngàn người lính vô danh khác.

Nhân Ngày QLVNCH 19/6 hằng năm sắp đến, tôi xin thân tặng quý vị cựu chiến sĩ QLVNCH bài thơ và tấm hình nói trên để cùng nhau hãnh diện là người chiến sĩ VNCH dù chiến bại vẫn can trường, như Đô Đốc Hải Quân Hồ Văn Kỳ Thoại đã viết trong quyển sách "Can Trường Trong Chiến Bại" của ông ấy.
Trần Gò Công/ Lão Mã Sơn.

NGƯỜI LÍNH CUỐI CÙNG
(Chiến sĩ VNCH can trường trong chiến bại)
Hỡi anh lính cuối cùng trên đường phố.
Nước đã mất rồi, anh sẽ về đâu?
Đơn vị anh tan rã đã từ lâu.
Một mình anh, hai tay hai khẩu súng.
Anh là chiến sĩ can trường, anh dũng.
Chống quân thù đến giờ phút cuối cùng.
Đáng được vinh danh là một người hùng
Dù chiến bại, địch kiên oai nể mặt.
Bổn phận người trai, đôi vai gánh nặng.
Nợ quốc gia và nợ với gia đình.
Với tổ quốc, anh đã trọn phận mình
Nhưng còn nợ mẹ già ơn dưỡng dục.
Chiến hữu lưu vong chúng tôi cầu chúc
Anh yên lành để trở lại quê nhà
Hãy tạm quên đi nỗi buồn thua cuộc
Để chăm lo cho vợ yếu, mẹ già.
Nếu anh vẫn còn yêu nước, thương nhà.
Hãy chờ đợi, sẽ có ngày phục quốc
Nước Việt Nam chỉ tạm thời bị mất
Lá cờ vàng sẽ trở lại Quốc gia.
Arlington, Virginia, Tháng Tư đen
Trần Gò Công/Lão Mã Sơn
-----------------

-------------------------
 
fb Thuong Hoai Nguyen
HÃY NHỚ NGÀY QUỐC HẬN
Tổ quốc ghi ơn anh hùng tử
Ngàn năm bất diệt không lưu mờ
Huy sinh vì nước thân rũ bỏ
Để đổi tự do cho quê nhà
Định mệnh quê hương tôi uất hận
Ba mươi đen tối tháng tư đen
Quân công tràn sang bên bờ cõi
Cái gọi mỹ miều giải phóng dân
Tổ quốc sẽ nhớ rõ ngày này
Biết bao sương máu anh hùng tử
Đất mẹ nay chết theo nguồn cội
Điêu linh xác chết giữa quê trời
Hỡi những con dân tìm tự do
Có người chết gục giữa quê nhà
Và người bỏ mạng nơi biển lớn
Vượt ải trường xa đổi máu đào
Tổ quốc tôi ơi không cho phép 
 
Dù ở nơi nào quả địa cầu
Đừng quên ngày này là tội ác
Máu đổ xác người lính huy sinh
Ngọn cờ tự do tìm cửa biển
Ra đi chết nữa mạng con người
Tội ác thiên cổ quân cộng ác
Mãi ghi vạn tích không xóa nhòa
Tổ quốc non sông trời no ấm
Tự do quốc thịnh nhờ chiến sĩ
Mang lại bình yên thời lưu tích
Hai mươi năm trời hạnh phúc thay
Giờ đây mệnh nước rung chuyển máu
Nhuộm màu tan tóc lệ khăn tang
Vành khăn con,vợ,mẹ lệ thảm
Ai rửa sạch nhơ cộng nô
-------------------------
Trung Đoàn
Hàng năm... Cứ vào tháng, ngày này, trong Tôi luôn có những nỗi buồn mà không có ngôn từ nào để nói hết...
Tôi cũng hiểu được rằng, nỗi buồn ấy không của riêng ai...
Lời tâm sự một nỗi niềm riêng!
*Thiếu úy Đoàn Trung SĐ7BB/QLVNCH*
Nỗi buồn nằm trong đường chỉ tay định mệnh, lưu trong máu những mạch nhỏ muốn quên mà mãi nhớ Dượng Trung Đoàn
Thiếu Uý
Bông mai còn màu trong kỷ niệm
Chân buồn hụt bước tháng ngày đau
Quê hương máu xương thời tuổi trẻ
Dẫu buồn cũng trọn nợ non sông
“ Quê hương đau,nắng hạ cũng buồn…”Em đồng cảm với anh,nỗi đau chung của triệu triệu quân dân miền nam.
-----------------------

Cam Tran
Trận đánh chặn địch ngày 28-4-75

Khói bốc trong rừng cao su non
Giao tranh ác liệt, đánh cầm chân
Tiếng xích xe tăng gào rên xiếc
Pháo binh cuồng tập đạn nổ dồn
Rượt đuổi nhau, từ đồi qua thung lũng
Biển người hò hét tiếng xung phong
Pháo dập lên người quăng bỏ súng
Trận đánh đầu ngày đến cuối hôm
Ngày cuối tháng 4 trời rất nóng
Vất vả hành quân trận Trảng Bom 
------------------------- 

Cao Tran
 Vô đề
Hai thằng thất thểu ngoài đường
Tao buồn mày cũng ngàn lần buồn hơn
Nuốt dòng nước mắt căm hờn
Sỹ quan, tướng tá..có còn ai đâu
Lòng không dao cắt mà đau
Thì thôi hãy cứ cúi đầu mà đi
Tan hàng còn lại được gì
Thẻ bài trước ngực còn ghi tên mình
Thà là c.hết ở trận tiền
Còn hơn bẻ súng đời chìm ngàn thu...
Cao Tran 
 

Cao Tran
TÂM HƯƠNG
48 năm trước anh nạng gỗ
Bị đuổi ra Tổng Y Viện Cộng Hòa
Bộ đồ trận còn chưa khô vết máu
Anh về đâu? Đời anh sẽ về đâu?
48 năm trước anh lặng lẽ
Ngơ ngác nhìn thế sự đổi thay
Đâu chỉ có riêng mình anh chiến bại
Mà cả miền Nam buông súng quy hàng
Anh vẫn sống để ngày đêm nhang khói
Đồng đội anh dưới mộ địa im lìm
Anh lặng lẽ như chim trời quy ẩn
Cánh gãy rồi sao với được trời cao
Anh đã sống và rồi anh...đã chết
Xin tri ân một nghĩa cử anh hùng
Anh đã chết nhưng không- Anh vẫn sống
Người lính Cộng Hòa tên Võ Phùng Dương.
Cao Tran 
-------------------------
 

Kim Hao Cao
Baì Thơ Tháng Tư
Một bài thơ tôi viết cho anh
Cho em, cho người vợ hiền, cho đàn con nhỏ
Cho mẹ gìa, cha yếu và cho cả quê hương
Một bài thơ tháng tư
Cha hôn trán con, cha ôm vai mẹ
Cha dặn dò nhỏ nhẹ
Nhớ nhé, chăm sóc con rồi mai mốt anh về
Ngày mai của cha dài hơn con tưởng
Ngày đợi của mẹ là một nén hương
Trên bàn thờ, ảnh cha còn đó thân thương
Khói hương cũng còn
Nhưng thân xác vùi chôn nơi đất lạ
Chốn rừng sâu làm mồi ăn cho qụa
Hay phơi xương ở trại tù Xuân Phước Sơn La
Bài thơ buồn tôi viết cho anh
Bài thơ tháng tư
Thương người thiếu nữ
Lạc giữa dòng người di tản
Lật xác từng chiến binh dưới cơn mưa nặng hạt
Đọc tấm thẻ bài nhòa nét dưới mưa
Tìm cha, tìm anh
Hay đang tìm kiếm xác chồng
Mưa nhạt nhòa trên tóc
Mưa đang khóc cho anh
Khóc cho người anh hùng không bỏ thây trên trận địa
Nhưng thây đổ giữa phố đông người với tay súng chưa buông
Bài thơ tháng tư tôi viết cho anh
Cho riêng anh, hỡi những anh hùng
Người lính Việt Nam Cộng Hòa
Không quen chữ dễ dàng
Không quen câu an lạc
Nhưng quen chọn gian khổ hiểm nguy
Chiều ba mươi tháng tư, chiều khổ lụy
Lệnh rút quân, lệnh buông súng đầu hàng
Tai nghe lệnh sao hồn cứ ngỡ ngàng

Còn đâu nữa mẹ Việt Nam
Còn đâu nữa con Võ Bị

Con của mẹ
Đứa bỏ nhà bỏ nước ra đi
Đứa đấu tranh cho đến phút tử ly
Giầy Saut còn lấm lem bùn chinh chiến
Bước chân còn quen nhịp đếm quân hành
Phút giây này, hồn tử sĩ vút trời xanh
Máu thấm đất
Thân ngã qụy
Tay còn ôm súng tai kề ngang
Máu tử sĩ lênh lang
Đủ làm mực viết trang sử mới
Bạn bè còn lại
Dăm ba đứa
Đứa gác súng
Đứa treo kiếm chôn cung
Đưá bỏ mũ sắt chơ vơ bờ lau sậy
Đứa lê thân tàn tạ đến cuối ngày
Biết về đâu giữa phố cũ đã đổi tên
Bài thơ tháng tư tôi viết
Cho mẹ gìa cha yếu hom hem
Cha chấp tay nguyện cầu Thiên Chúa
Mẹ cúi đầu khấn vái Phật trời
Cho con tôi
Vượt sóng vượt khơi
Theo dòng người di tản
Trốn khỏi bạo tàn
Xa khỏi nơi lao tù cộng sản
Bài thơ tháng tư, bài thơ đầy nước mắt
Nước mắt theo xác người di tản trôi sông
Trôi về biển Đông
Nơi dòng sông chẻ nhánh đau thương
Sông Hồng đầy máu thấm xuống sông Hương
Cửu Long cuốn xác, trùng dương lối về
Bài thơ tháng tư tôi viết cho anh tôi
Để nhớ bạn nhớ bè
Nhớ tiếng cười vừa mới hôm qua
Khuôn mặt thân quen chừng như muôn đời không lạ
Kỷ niệm kể hoài, nghe mãi vẫn không xa
Còn đâu...còn đâu...
Bài thơ tháng tư
Tôi viết cho dân tôi
Để nhớ ngày quốc hận
Ngày ba mươi tháng tư bảy lăm u tối
Triền miên tăm tối
Cho anh cho tôi
Cho người dân Việt
Một ngày vấn khăn tang
Cho quê hương Việt Nam
KC / Sacramento 
-------------------------
 
Nguyễn Hữu Thời
NHỮNG THÁNG TƯ
Tháng Tư buồn như bao tháng Tư
Thêm một năm mệt mỏi lừ đừ
Thời gian trôi mà không xoa dịu
Một niềm đau của triệu triệu người
Tháng Tư thương quá những đồng đội
Chiến trận tàn bỏ xác lại rừng
Đường lui binh gian nan trăm nỗi
Pháo giặc gầm trút hận trên lưng
Tháng Tư đau theo nước mắt mẹ
Đã lăn dài trên má nhăn nheo
Con ra đi mà không trở lại
Mẹ đã chờ ngày tháng quắt queo
Tháng Tư dài hơn đời thua cuộc
Dẫu chết già hay đã chết non
Vẫn nghe hoài bài ca chiến thắng
Làm muộn phiền để lại cháu con
Nguyễn Hữu Thời
28/4/2023
------------------------

Đêm tìm về dĩ vãng
Đêm vắng lặng nằm hoài không ngủ được
Nhớ bạn bè trong tìm thức xa xưa
Đêm trăn trở chạnh lòng về chốn cũ
Ôi trong tim một nỗi nhớ khốn cùng
Đêm khó ngủ chập chờn trong mộng mị
Nhớ anh em một thuở khổ cùng chia
Thuốc nửa điếu chuyền tay cùng nhau hút
Dưới thông hào chờ giặc đón hỏa châu
Đêm dài lắm tưởng chừng như vô tận
Lúc tuổi già mộng mị cứ vây quanh
Cố quên hết chuyện buồn vui quá khứ
Nhưng làm sao quên chuyện gẫy nửa chừng
Trong Giấc ngủ cố tìm hương vị cũ
Thuở anh em lao nhọc chốn phong ba
Đã đánh mất từ lâu rồi nhớ lắm
Nặng lòng thêm khi mái tóc đổi màu
Mới thoáng đó mấy mười năm rồi nhỉ
Thời gian trôi mòn xói tuổi thanh xuân
Thân viễn xứ tuổi về chiều phải thế
Rồi mai đây…cát bụi lại trở về ...
đêm nằm trằn trọc nhớ và nhớ nhiều lắm dù đã mấy mươi năm
Gửi lại các bạn một bài thơ đã cũ…
Người Lính Già TQLC T.TT
-------------------------

Vá Cờ
Sông Lô Lê Nam Sơn

Thương em vá lại lá cờ
Toan tơi tả rách giữa giờ đau thương
Thương ta kẻ đổ máu xương
Giữ cờ giữ đến cùng đường chẳng hay
Giờ đây dưới ngọn cờ bay
Xứ người lưu lạc mà quay quắt lòng
Giữ cờ ta giữ chẳng xong
Vá cờ em vẫn với lòng sắt son
----------------
NGỒI KHÂU LẠI
Ngồi khâu lại, lá cờ Tổ-Quốc
Năm bảy-lăm sau cuộc chiến tàn
Trong tim một gói hành trang
Là ngọn cờ-vàng ,Nước-Việt khó phai
Ngồi khâu lại, hình hài sông-núi
Bốn-bảy năm hận tủi còn vương
Tuy giờ cách biệt quê-hương
Còn lắm đoạn trường, nợ nước khó quên
Ngồi khâu lại, đắp nền lịch sử
Ngọn cờ-vàng mãi ngự trong tim
Bao năm vận nước nổi chìm
Mưa gió hãm kìm, tiếng nói quê Cha
Ngồi khâu lại, cũng là ôn lại
Để mai này con cái nhận ra
Nhớ về Tổ-Quốc ở xa
Nguồn cội Ông Bà, con cháu đừng quên …./.
Minh Hiển Hàn Sĩ
-----------------

RƯỢU ĐẮNG
Tao trung úy, mày cũng lon trung úy
Mày vá xe, tao thì sửa quẹt gas
Nhớ hôm nào hai đứa ở trại ra
Như hai con khỉ già quá trời, quá đất...
Nhớ những năm còn xông pha trận mạc
Giờ mày cầm ống bơm ngồi ủ rũ bên đường
Tao sướng hơn mày một chút vẫn ngon
Bơm hộp quẹt kiếm vài đồng tiền lẻ
Có những bữa trời mưa, hai thằng ế
Kệ mẹ đời làm ly đế lai rai
Tao với mày màu tóc vẫn chưa phai
Mà đôi mắt đã như già trăm tuổi
Mới cười đó rồi thở dài tiếc nuối
Nhớ mấy đứa bạn thân bỏ xác ở Hạ Lào
Thằng chết Khe Sanh, thằng rớt mạng A Sao..
Tao với mày sống dai như đỉa đói
30/4 trời đất mù lửa khói
Quân tan hàng dần rời khỏi thành đô
Hai thằng mình còn mẹ già, em thơ...
Đâu đành đoạn bỏ đi coi sao được
Chiều Sài Gòn ngoài trời mưa như trút
Đời buồn như chim nhỏ lạc nẻo về
Hai đứa ngồi bên ly rượu đầy vơi
Hơi rượu đắng hay lòng mình đắng ngắt...???
Cao Tran
----------------

Tuy Nguyen
TRĂNG SAO CỦA THÁNG TƯ
Ẩn lòng nỗi nhớ thật khó quên
Khi ngày tháng ấy cận kề bên
Cái đau hết kiếp không phai ấy
Chỉ lịm dần thôi trong bóng đêm!
Hỏi đến bao giờ thôi mộng ước?
Chắc lúc buông tay xuống đất mềm
Nỗi buồn u uất sao nghèn nghẹn
Bởi tôi không thích Tháng Tư Đen!?
*Nguyễn Vy Túy
-------------------

Yến Ngọc Hải Âu

AI THẮNG và AI BẠI ?
Ai đã quên lệ nhòa cố quốc
Mất miền Nam giặc bắc năm nào
Chúng hèn hạ trả thù đớn đau
Bao hờn tủi gia đình tan nát
Ruộng đồng cháy phờ phạc khô rát
Nắng Tây _Ninh khám Lớn lao tù
Nơi Suối _máu , Ba_ sao vĩnh cữu
Tống_lê _Chân gió bụi mịt mù
Vào khu rừng khai hoang man dại
Những đêm ngày sốt_rét vàng da
Bao đứa trẻ thiếu cha ngơ ngác
Nơi mái nhà dột nát liêu xiêu
Chiều buông xuống thiếu ăn ốm đói
Đi mót từng đọt chuối củ khoai
Những đứa trẻ mất hết tương lai
Mất hồn nhiên ngày tháng lưu đày
Ai thấu cảnh trời xanh đổ lệ
Trẻ bơ vơ , vợ phải nuôi chồng
Là anh hùng mà phải mang gông
Trong tháng tư là "người chiến bại "
Những vết đau từ nay khép lại
Nhưng hận thù nối tiếp tương lai
Ý thức hệ hai từ cộng sản
Kẻ mang danh chiến thắng khôi hài .
Yến Ngọc Hải Âu
--------------

Phá Tam Giang
TÂM SỰ NGƯỜI THƯƠNG PHẾ BINH…
Tao với mày là hai thằng cùng khóa
Cùng chui đầu vào binh chủng mũ xanh
Cùng tham gia những trận đánh cổ thành
Làm lủ chuột phải có giò chạy trốn
Sau lần đó tao gặp điều nguy khốn
Trở về nhà với thương tật loại ba
Kể từ đây tao hết cảnh xa nhà
Và chấp nhận với mãnh đời tàn phế
Trong cuộc sống khi giã từ vũ khí
Có nhiều khi quẩn trí với mưu sinh
Vì sức khỏe việc kiếm ăn bất định
Ráng sức mình chứ chẳng biết nói sao
Đời của tao sao lắm cảnh lao đao
Không êm ả như tụi mày lầm tưởng
Những khó khăn cuộc đời thường khó cưỡng
Đuối sức rồi có cưỡng cũng như không…
Phá Tam Giang
28 thg 4, 2023
 
Phá Tam Giang
THÁNG TƯ…
Tháng tư trang sử đảo điên
Tháng tư lửa hận oan khiên ngút trời
Tháng tư giông tố tơi bời
Tháng tư kết thúc quãng đời tự do
Tháng tư nhà cửa thành tro
Tháng tư thảm cảnh co ro giữa đời
Tháng tư không thốt nên lời
Tháng tư vùi dập cuộc đời dân ta
Tháng tư lắm kẻ thành ma
Tháng tư biến đổi nước nhà thê lương
Tháng tư lắm cảnh nhiều nhương
Tháng tư khổ ải lên nương phá rừng
Bây giờ cuộc sống lưng chừng
Tiến lên chẳng đặng muốn dừng không xong
Chừng nào đá biến thành đồng
Chung tay góp sức một lòng đứng lên…
Phá Tam Giang
26 thg 4, 2023
 
 -----------------------


KHÓC THẦM .
Trời xanh thấu cảnh đoạn trường
Bi ai khúc hát lời vương nghẹn ngào
Anh về trong giấc chiêm bao
Xôn xao gió thoảng lời yêu dịu hiền
Tiền đồn heo hút chân mây
Rừng cây xanh lá như màu áo anh
Ôm bao thương nhớ sao đành
Anh đi em khóc ai dành dỗ em
Trời đêm buốt lạnh bên rèm
Mình em sầu tủi thêm nhiều xót xa
Anh đi chinh chiến xa nhà
Mẹ già con dại đợi hoài dáng anh
Chiến tranh ai có đâu ngờ
Giờ anh nằm xuống chiều buông muộn phiền
Tiếng em nấc nghẹn bên chàng
Cờ vàng Tổ_Quốc hai hàng lệ tuôn
Chiều buông chuông đổ thánh đường
Cho người nằm xuống muôn phần xót xa
Tình anh đã trả non sông
Lòng em kiên định thờ chồng thủy chung.
Yến Ngọc Hải Âu
------------------

Dinh Chi Phan Thi

30-04-1975, Ngày Buồn Nhất Đời Tôi
Một bạn trẻ cắc cớ hỏi tôi, năm nay cụ đã ngoài tám mươi rồi, thì ngày nào mà cụ cho là ngày buồn nhất trong đời của của cụ? Tôi không dodự một giây nào cả và đã trả lời ngay rằng: “Ngày 30 tháng 04 năm 1975”. Thật vậy, cho đến lúc này, tôi đã bước qua ngưỡng cửa không phải là “thất thậpcổ lai hy” mà là “bát thập cổ lai hy” một đoạn khá xa rồi, song mỗi khi suy ngẫm về những ngày buồn trong cuộc đời của tôi, tôi vẫn thấy ngày 30/04/1975 quả là ngày buồn nhất đời tôi. Tuy ngày ấy tính đến nay đã 46 năm qua rồi, song nó vẫn canh cánh trong tôi.

Ngày ấy tôi là một quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và đơn vị mà tôi phục vụ là Tiểu Khu Châu Đốc. Ngày hôm ấy cũng là một ngày khá đẹp trời ở Thị Xã Châu Đốc. Ánh nắng chan hòa trải dài trên dòng sông Hậu. Chim nhẩy nhót hát ca trong những chòm cây. Bướm lượn tung tăng trên những đám cỏ. Xe cộ tấp nập ngược xuôi trên con đường Gia Long song song với dòng sông Hậu, băng ngang qua Tòa Hành Chánh tỉnh, rồi xuyên vào khu phố chợ sầm uất nhất của Thị Xã.

Khoảng 9 giờ sáng hôm ấy, sau một đêm ứng chiến tại nhiệm sở, Trung Tâm Điều Hợp Bình Định và Phát Triển Tỉnh Tiểu Khu Châu Đốc, trong khuôn viên Tòa Hành Chánh Tỉnh, tôi trở về nhà riêng trong khu cư xá Gia Long để ăn sáng. Bước vào nhà là tôi mở ngay radio để nghe tin chiến sự; ít phút sau đó, Đài Phát Thanh Sài gòn thông báo:
“ Xin chú ý, xin chú ý, xin đồng bào chú ý! Tổng Thống Dương Văn Minh sẽ ngỏ lời cùng đồng bào, xin theo dõi.”

Dựa vào tình hình chiến sự lúc ấy, tôi phỏng đoán vị Tân Tổng Thống cũng là Tân Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ tuyên bố TỔ QUỐC LÂM NGUY, rồi nhân đấy kêu gọi toàn dân và toàn quân chiến đấu đến viên đạn và giọt máu cuối cùng. Ngồi vào bàn ăn, vừa ăn vừa chờ đợi đón nhận những lời “gang thép” ấy. Ít phút sau từ chiếc radio phát ra:
“ Tổng Thống chính quyền Sài Gòn kêu gọi Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà hạ vũ khí, đầu hàng vô điều kiện quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố, chính quyền Saigòn từ trung ương đến điạ phương, trao lại cho chính quyền Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam.”

Thật không ngờ lại là lệnh buông súng đầu hàng, khiến tôi ngẩn ngơ, ngỡ ngàng, hụt hẫng, chới với. Miếng bánh mì đang nuốt, bỗng mắc nghẹn nơi cuống họng. Miệng tôi lẩm bẩm: “Không! không! không thể đầu hàng nhục nhã như thế được” rồi tôi đứng bật dậy, lảo đảo bước tới chiếc giường, thẩy mình lên đó, đau đớn, buồn bã, vật vã, rã rời.

Khi bố tôi mất vào năm 1957, mẹ tôi từ trần vào năm 1962, tôi rất buồn, buồn đến nỗi, ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nhưng tôi chưa buồn đến nỗi muốn quyên sinh. Khi người tôi yêu lên xe hoa về nhà chồng, tôi cũng buồn man mác, nhưng chưa buồn đến nỗi “mua ngay thuốc chuột uống cho rồi đời”. Khi thi tú tài hay cử nhân luật tôi cũng hỏng thi nhiều lần, và mỗi lần hỏng thi tôi cũng buồn lắm, nhưng chưa một lần hỏng thi nào mà tôi coi là “đệ nhất buồn” trong đời như cụ Tú Xương:
“ Bụng buồn còn muốn nói năng chi
Đệ nhất buồn là cái hỏng thi
Một việc văn chương thôi cũng nhảm
Trăm năm thân thế có ra gì”

Song vào ngày 30.04.75, sau khi nghe Tổng Thống Dương Văn Minh hạ lệnh buông súng đầu hàng, tôi buồn ghê gớm, chẳng những buồn đến nỗi tan tác cả cõi lòng, mà còn buồn đễn nỗi muốn quyên sinh nữa. Giá hôm ấy tôi ở nhà một mình, chắc tôi đã kết liễu đời tôi bằng một viên đạn súng Colt treo ngay tại đầu giường. Tôi có thừa can đảm cầm khẩu colt bắn một viên đạn vào đầu mình, nhưng lại thiếu can đảm làm công việc này trước mặt vợ và ba đứa con còn thơ ngây của tôi.

Không buồn làm sao được, khi thấy hàng trăm ngàn người sống ở miền Nam như tôi đã không tiếc xương máu, chiến đấu chống lại Cộng Sản Bắc Việt do ông Hồ và các đồng chí của ông lãnh đạo, để bảo vệ dân chúng miền Nam tiếp tục được sống trong tự do, dân chủ, hòa bình và no ấm. Cuộc chiến đấu cao cả của hàng triệu con người quốc gia ấy đã thất bại trong đắng cay, nhục nhã, tức tưởi, ngậm ngùi. Tất cả những công lao và sự hy sinh to lớn của những người này trong đó có tôi, bỗng tan biến vào hư không, như:
“ Dã tràng xe cát biển Đông
Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì”

Không buồn sao được, khi nhận ra rằng, cuộc sống của tôi, của vợ con tôi, của bạn bè tôi, của đồng đội tôi, của đồng bào miền Nam của tôi sắp sửa bước vào một giai đoạn cực kỳ bi thảm. Sở dĩ tôi nhận ra được điều đắng cay này, không phải vì tôi quá bi quan hay hoang tưởng với hiện tình miền Nam tự do đang sụp đổ trước mắt tôi, mà vì những gì chính tai tôi đã nghe, chính mắt tôi đã thấy, và chính gia đình tôi và thân nhân của tôi đã phải gánh chịu, trong suốt thời gian mười năm sống ở Liên Khu Bắc Việt, được gọi là vùng “kháng chiến” của ông Hồ và các đồng chí của ông ở miền Bắc trước năm 1954. Tôi đã thấy những gì trong thời gian mười năm ấy?

Vâng, tôi đã thấy, ngay sau khi cướp được chính quyền từ tay người Nhật, ông Hồ và các đồng chí của ông đã giết một cách không thương tiếc hàng ngàn người mà họ cho là chó săn của Nhật, tay sai của Pháp, tay chân của triều đình phong kiến. Trong số này, có những nhà văn, nhà báo, nhà giáo nổi tiếng như Phạm Quỳnh năm 1945, Tạ Thu Thâu năm 1945, Dương Quảng Hàm năm 1946, Khái Hưng năm 1947 v.v…

Vâng, tôi đã thấy ông Hồ và các đồng chí của ông bắt cóc và thủ tiêu hàng nghìn người mà họ coi là thành phần phản động trong vùng quê Phú Thọ của tôi, bằng nhiều hình thức vô cùng dã man tàn ác, như trói chân tay bỏ vào bao bố, hay cột vào một thanh tà-vẹt đường xe lửa rồi thả xuống dòng sông hay ao hồ.

Vâng, tôi đã thấy, ông Hồ và tay chân của ông bắt bớ, giam cầm và giết hại hàng trăm ngàn người được cho là đảng viên của các đảng phái quốc gia, và là một lực lượng cản đường ngăn lối họ xây dựng chế độ cộng sản ở Việt Nam, nên cần phải giết để trừ hậu họa.
Vâng, tôi đã thấy, sau khi giành được những thắng lợi to lớn về quân sự trên đất Bắc, ông Hồ và các đồng chí của ông tin rằng ngày chiến thắng cuối cùng đã gần kề, nên đã cho thực thi ngay cuộc Cách Mạng Ruộng Đất, ĐÀO TẬN GỐC, TRỐC TẬN RỄ thành phần TRÍ –PHÚ – ĐỊA – HÀO. Trong cuộc cách mạng “Trời Long Đất Lở” này, ông Hồ và đồng bọn đã giết khoảng hai trăm ngàn Trí, Phú, Địa, Hào và tịch thu hàng triệu mẫu ruộng của họ để chia cho nông dân nghèo. Song khốn nạn thay, chính những người dân nghèo được chia ruộng này, cũng bị ông Hồ và các đồng chí của ông lường gạt một cách cay đắng, vì số ruộng đất mà họ được chia và số ruộng ít ỏi mà họ có trước đó, chỉ một thời gian ngắn sau, họ phải dâng hiến hay cống nạp cho Hợp Tác Xã Nông Nghiệp. Người nông dân nghèo tay trắng lại trở về với trắng tay, rồi trở thành người làm công, làm thuê cho hợp tác xã, tính giờ trả công rẻ mạt, nên phải sống trong cảnh bần hàn đói rách hơn cả những ngày làm tá điền hay cấy rẽ cho địa chủ trước đây. Họ đã than thở việc đi làm thuê cho hợp tác xã bằng những lời lẽ vô cùng chua chát và cay đắng:
“ Đi làm hợp tác hợp te
Không đủ mua vải mà che cái lờ”

Vâng, qua những tên bộ đội cộng sản Bắc Việt bị bắt làm tù binh hay ra hồi chánh vào những năm đầu thập niên 1970, tôi được biết thêm rằng, ông Hồ và các đồng chí của ông đã áp dụng chế độ hộ khẩu khắc nghiệt trên toàn lãnh thổ miền Bắc để quản lý và kiểm soát khâu sản xuất và phân phối thực phẩm. Từ củ khoai lang đến củ khoai mì, từ hạt bắp đến hạt gạo, từ lạng muối tới cân đường, từ mớ rau đến ký thịt vân vân… đều do đảng và nhà nước nắm độc quyền phân phối và cung cấp cho từng đầu người trong mỗi gia đinh. Số lượng thực phẩm được cung cấp, hay phân phối, hoặc bán cho mỗi nhân khẩu hoàn toàn tùy thuộc vào sự định đoạt độc đoán của đảng và nhà nước chứ không tùy thuộc vào nhu cầu của của người tiêu thụ, vì thế gia đình nào không tuân thủ những mệnh lệnh và chỉ thị của đảng và nhà nước thì nhà nước không cung cấp và phân phối thực phẩm nữa và họ sẽ phải chết đói mà không có lối thoát nào khác.
Chế độ hộ khẩu đã trở thành một vũ khí vô cùng hữu hiệu trong việc ép buộc dân chúng miền Bắc phải triệt để tuân hành tất cả những gì mà đảng cộng sản muốn người dân phải làm, đảng gọi phải dạ, đảng bảo phải vâng. Một nhà văn miền Bắc đã ví von rằng, người miền Bắc vào những năm tháng ấy tương tự như những con chó ngoan ngoãn một mực tuân theo lời chủ: “Bảo vẫy đuôi, vẫy; bảo sủa, sủa; bảo cắn, cắn; bảo ăn cứt, ăn.”

Con cái đến tuổi nhập ngũ, chính quyền địa phương không cần nhắc nhở, bố mẹ của chúng tự động ép buộc con cái họ phải “hăng hái” lên đường đi làm nhiệm vụ, dù họ biết rõ rằng, con cái họ ra đi “đã mấy người trở lại”, song đó là chuyện “hạ hồi phân giải”. Còn chuyện trước mắt là nếu con cái họ không tuân hành mệnh lệnh của đảng và nhà nước thì cả gia đình già, trẻ, lớn bé sẽ chết đói, vì “sổ mua gạo” cho toàn gia đình bị cắt tức thì.

Vào ngày 30-04-1975, hầu hết những điều mà tôi đã thấy và đã nghe ông Hồ và các đồng chí cộng sản của ông thực thi ở miền Bắc sau năm 1945, lại một lần nữa lướt qua đầu tôi như một cuốn phim chiếu chậm. Hình ảnh, của cuốn phim chiếu chậm này đã thầm bảo tôi rằng, tất cả những đường lối và chính sách mà đảng Công Sản Việt Nam đã và đang thực thi ở miền Bắc sẽ được áp đặt lên đầu nhân dân miền Nam là điều chắc chắn như đinh đóng cột vào những ngày sắp tới.

Do đó tôi tin rằng, vào những ngày sau ngày 30-04-1975, sắp tới những người có dính líu hay liên hệ với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa như tôi và các bạn đồng ngũ của tôi sẽ bị thủ tiêu, giết hại hay bị tống vào những trại tù cải tạo cho chết dần chết mòn. Vợ con tôi và đồng bào miền Nam tôi sẽ khốn đốn ê chề và sẽ trở thành những con chó mới của đảng cộng sản Việt Nam. Nói một cách khác là, gia đình tôi và đồng bào miền Nam dưới vĩ tuyến 17 của tôi sẽ bắt đầu bước vào một giai đoạn khốn nạn nhất và đen tối nhất chưa từng có trong lịch sử trường tồn của dân tộc.
Sau ngày 30.04.75, không ít người từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, vì nông cạn, ngây ngô, khờ khạo, đui mù, nên đã hồ hỡi, hân hoan, hớn hở, vui mừng đón chào ngày này như một ngày khải hoàn của dân tộc. Đối với tôi, đó là ngày CƯỜNG BẠO thắng CHÍ NHÂN, ngày PHI NGHĨA thắng CHÍNH NGHĨA, ngày NHÀ TAN và NƯỚC MẤT.

Ngày 30.04.1975, đối với những người có lương tri và hiểu biết không thể nào được coi là ngày mà toàn thể dân tộc Việt Nam, sau bao nhiêu năm hy sinh xương máu đã dành lại được độc lập và thống nhất, mà chỉ là ngày đảng Cộng Sản cướp được trọn vẹn nước Việt Nam từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu, sau bao nhiêu năm lợi dụng chiêu bài chống Mỹ để khai thác lòng yêu nước và vắt ép cạn kiệt xương máu của người dân Việt để hoàn tất cuộc cách mạng dân tộc và đưa Việt Nam vào quỹ đạo Cộng Sản Quốc Tế. Nói một cách khác, ngày 30.04.75 chỉ là ngày mà những tên Cộng Sản Việt Nam đã làm tròn được phân nửa bổn phận tay sai của chúng, đối với quan thầy Cộng Sản Nga-Tầu.

Ngày mà những tên Việt Cộng hồ hỡi, hân hoan dụ dỗ một đám con nít, và một đám người lớn “mù lòa” xuống đường phố hoan ca: “như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng” là ngày tôi đau đớn, đóng cửa ngồi khóc thầm cho số phậm hẩm hiu đen như mõm chó của cá nhân tôi, của gia đình tôi và của dân tộc tôi.

Kể từ ngày 30/04/1975 tới nay, tôi cũng đã trải qua khá nhiểu những nỗi buồn đau của cuộc đời và gần đây một nỗi buồn lớn đã đến với tôi, đó là sự ra đi vĩnh viễn vào ngày 05/09/2018 của nhà tôi, Lê Thị Nguyệt Hồng, sinh năm 1940 tại Cần Thơ, sau gần hai mươi năm can đảm chống chọi với căn bệnh Parkinson. Nhà tôi là người đã đồng cam cộng khổ với tôi hơn năm mươi năm trời, và đặc biệt là đã phải gánh chịu không biết bao nhiêu nhục nhã, đói khát, cay đắng trong thời gian năm năm tôi bị giam giữ trong những trại tù cải tạo từ miền Nam tới miền Trung và trong thời gian bẩy năm tôi phải sống lang thang bất hợp pháp trong cái gọi là nước Cộng Hòa Xã Chủ Nghĩa Việt Nam.

Nỗi buồn mất vợ vào ngày 05-09-2018 chỉ là nỗi buồn riêng rẽ của riêng cá nhân tôi thôi, nên không thể so sánh với nỗi buồn mất nước vào ngày 30-04-1975, vì ngày này chẳng những là một ngày buồn to lớn nhất chẳng những của cá nhân tôi mà còn là một ngày buồn to lớn chung của cả dân tộc. Tóm lại ngày 30-04-1975 thật sự là Ngày Buồn Nhất của Đời Tôi.
Huy Vũ
--------------
 
PLEIKU . . . NGÀY KHÔNG CÓ NẮNG

   fb Bao Hai Lam
Pleiku, vết thương lòng còn đó
   Người xa có còn nhớ Biển Hồ
   Lời hẹn hò tan cùng bọt sóng
   Chỉ dáng thông buồn đứng co ro.
Chiều Hội Phú sương mù giăng kín
Nhớ cô gái nhà dốc Gà Cồ
Học Phao Lồ...xa mà cuốc bộ
Xe đạp thồ ta lại nằm mơ.
   Nhớ hay quên bún bò Tạo Tác
   Ấn tượng chi cà phê Dinh Điền
   Sống Pleiku không ghiền mới lạ
  
Chiến tranh mà...mất mát triền miên.
Bạn ta ngã xuống dốc Hàm Rồng
Lúc chuyển quân về hướng Chư Prông
Pleime ác liệt mà không chết
Đổ lỗi sao hết viên đạn đồng ?
   Ăn phở khô nhớ nồi khoai luộc
   Em Lệ Cần tóc cột đuôi gà
   "Khoai ni bùi hít hà chi rứa ?"
   Nhớ con bồ gốc Quảng Nam xa.
Chiều Ninh Đức rừng cao su ngủ
Súng ai thỉnh thoảng cứ tắc cù
Mắt đỏ căng sương mù dày đặc
Ai bắn ai...biết bạn hay thù ?
   Pleiku không còn như xưa nữa
   Giống ly cà phê sữa nhiều đường
   Vắng bóng cúc quỳ vàng sương sớm
   Phố cao...ta chào phố cô đơn.
Đất Pleiku hơn mười năm ở
Cứ ngỡ mình bỏ xác nơi này
Để lại đây những ngày giông bão
Cùng cô em lỡ một vòng tay.
                                    LMT
--------------
 
Yến Ngọc Hải Âu
CƠN ĐAU KHÔNG DỨT
-Phan Xuân Sinh
Khi má tôi mất, tôi mới mười môt tháng tuổi. Bà ngoại đem tôi về nuôi. Ba tôi bị tù vì tội tham gia cách mạng không biết ngày nào ra. Sau nầy khi tôi lớn, ngoại kể cho tôi nghe về những năm tháng thiếu mẹ. Tôi có tật nửa đêm thức giấc tìm vú mẹ, miệng ngậm vú bên nầy, tay sờ vú bên kia tôi mới chụi ngủ tiếp, nếu không có thì khóc thét lên. Những đêm đầu má tôi mất, ngoại phải ôm tôi thay cho má tôi, nhưng vú của ngoại đã khô sữa từ lâu lại bèo nhèo, Tôi mút đứt hơi mà không ra giọt sữa nào, tôi khóc không chịu ngủ, ngoại phải bồng tôi thức cả đêm dỗ tôi, ngoại cũng khóc theo tôi, vừa thương tôi côi cút vừa nhớ má tôi. Sáng dậy bà cháu tôi mắt đều sưng húp. 
 
Khi nhỏ tôi thường hay đau ốm, có lẽ vì thiếu dinh dưỡng, thiếu sự chăm sóc, vì ngoại cũng bận rộn buôn bán kiếm tiền, nên tôi bị những trận đau ốm liệt gường tưởng chừng như không qua khỏi. Ngoại tôi phải ở nhà chăm sóc cho tôi. Tôi vượt qua được những khó khăn, những thiếu sót từ vật chất đến tinh thần, nhưng bù lại tôi được sự nâng niu trong tình thương của ngoại. Mặc dù trong còm cõi, trong thiếu thốn tôi cũng lớn lên cùng với mọi người. Vì chính những hoàn cảnh bất hạnh đó tôi lại “giàu có” những tưởng tượng, những ước mơ đã ru tôi vào đời.
 
Khi tôi bắt đầu đi học cũng là cái năm người Bắc di cư vào miền Nam. Tôi mê mẫn mấy ông Bắc Kỳ bán kẹo kéo, không biết thơ phú ở đâu mà mấy ổng chứa đầy bụng, gặp hoàn cảnh nào là mấy ổng tuôn ra trúng phong phóc. Nhiều hôm đau nằm liệt gường mà nghe tiếng chuông rung từ xa của xe đạp bán kẹo kéo, là tôi tụt xuống gường chạy ra ngõ, tiếng chuông đó hấp dẫn lạ lùng, nó có một ma lực cuốn hút mà tôi không thể nào bỏ qua được. Cũng như bây giờ con nít ở Mỹ nghe tiếng nhạc của xe bán kem vậy.
 
Kẹo kéo Bắc Kỳ
Có tiền mà để làm gì
Không mua kẹo kéo Bắc Kỳ mà ăn
Khi xe đạp của ông đi ngang qua chỗ mấy người đàn bà ngồi buổi trưa chải đầu bắt chí, là ông xổ ngay ra câu thơ:
Bà nào chồng bỏ chồng chê
Ăn cây kẹo kéo chồng mê lại liền
Quả thật kẹo kéo ngon thật, nhưng đối với tôi không hấp dẫn bằng mấy câu thơ của mấy ông bán kẹo. Tôi cứ chạy theo xe từ con hẻm nầy qua con hẻm khác, đến khi nào chạy không nổi nữa mới quay lưng trở về..Nhiều bữa ông bán kẹo thấy tôi chạy theo xe tội nghiệp, tưởng tôi thèm kẹo mà không có tiền. Ông hỏi tôi có muốn ăn không, ông bẻ cho một khúc. Tôi lắc đầu. Ông ngạc nhiên nhìn sửng tôi. Tôi cho ông biết là tôi muốn nghe ông đọc thơ.
 
Ở phía trước con hẻm nhà tôi có một bàu rau muống rất lớn, dân trong xóm cắt rau muống về trộn với cám để cho heo ăn. Thế mà khi người Bắc vào thì xóm tôi mới biết dùng rau muống để ăn. Rau muống nấu canh, rau muống luộc, rau muống xào, rau muống cuốn với bánh tráng cá nục kho. v.v..và bữa cơm của nhà nghèo được thêm vào những món ăn hợp khẩu vị mà không phải tốn thêm tiền. Còn món Phở Bắc thì tuyệt vời, làm giàu thêm các món ăn của quê tôi vốn dĩ đã nghèo nàn. Ở Đà Nẵng lúc ấy nỗi tiếng quán Phở Cấp Tiến ở đường Thái Phiên (gần ty Thông Tin). Trước cửa quán phở là sạp bánh mì. Khách vào quán phở bao giờ cũng mua thêm một ổ bánh mì rồi bẻ nhỏ trộn vào phở ăn độn thêm cho no. Phở quan trọng là nước dùng, thế nhưng dân ngoài tôi ít khi nào húp nước, chỉ ăn bánh phở và thịt, nước để lại. Giống như mì Quảng, nước chỉ vừa đủ thấm. Khi vào Sài Gòn có vợ Bắc Kỳ, tôi mới biết thưởng thức phở một cách trọn vẹn, còn trước đây ăn phở chỉ lấy no.
 
Tôi có thằng bạn nhỏ nhà gần trường, nó là dân Bắc Kỳ di cư. Nhà nó bán thịt chó. Một hôm đi học về buổi trưa khát nước, tôi ghé vào nhà nó uống miếng nước lạnh. Tôi bước vào nhà mũi tôi tiếp nhận một mùi thơm cực kỳ hấp dẫn, tôi chưa bao giờ ngửi một món ăn nào thơm tho như vậy. Thằng bạn bảo tôi ở lại ăn cơm với nó rồi chiều đi học luôn khỏi về nhà, tôi đồng ý. Mẹ nó dọn riêng một bàn ăn cho bố nó, còn mấy mẹ con ăn chung với nhau một bàn khác. Nhà nghèo nhưng rất kiểu cọ. Đó là một gia đình người Bắc đầu tiên mà tôi đã gặp. Mẹ thằng bạn hỏi tôi có bao giờ ăn thịt chó chưa? Tôi thưa với bà là tôi chưa bao giờ ăn món nầy. Bà xuống bếp múc cho tôi một chén “rựa mận”. Đầu lưởi của một thằng bé con Quảng Nam nghèo, chưa lần nào ăn một món có nhiều gia vị như vậy, nên khi tôi nếm vào, lưởi tôi như tê lịm, khi nuốt xuống tôi cảm tưởng như nó rần rần trong cơ thể. Tôi chưa bao giờ thấy món ăn nào ngon hơn. Một quán thịt chó nho nhỏ nuôi một đàn con nên người sau nầy, đứa nào cũng hiếu thảo với cha mẹ. Đó là một tấm gương cho nhiều gia đình. 
 
Lúc nhỏ tôi thấy Bố thằng bạn cỏ vẻ nghiêm khắc, xa rời con cái, nhưng sau nầy thỉnh thoảng tôi có ghé lại thăm gia đình, ông tiếp tôi trong thân tình và rất cởi mở. Con cái về nhà đông đủ, nhung đến bữa cơm vẫn dọn riêng cho ông một mâm như thuở xưa.
 
Khi học lớp tư, lớp ba (lớp hai, lớp ba bây giờ), mỗi lần đi học tôi ghé vào nhà thằng bạn ở trên con đường đi tới trường, rủ nó cùng đi chung. Thường tôi đứng ngoài ngõ chờ nó. Nó là đứa con út của gia đình nên nó được mẹ chìu chuộng, nó thường ngồi trong lòng mẹ để vòi vĩnh, mẹ nó thì ôm nó tưng tiu. Thấy cảnh nầy tôi vội vàng bỏ đi không chờ nó, vừa đi tôi vừa tủi thân vừa khóc. Tại sao má tôi lại ra đi sớm để tôi không được nuông chìu như vậy? Nó hỏi tôi tại sao không chờ nó cùng đi, tôi không trả lời. Trả lời thực lòng thì tôi thể hiện lòng ganh tị, mà tôi không muốn ai biết được sâu thẳm của lòng tôi. Nhưng người thấy được những cất giấu kín mít nầy lại chính mẹ nó. Bà để ý từng cử chỉ, từng lời nói của tôi mà tôi không hay. Chắc nó cho bà biết là má tôi đã mất sớm, nên ánh mắt của bà nhìn tôi thật dịu hiền. Từ đó bà không bao giờ nuông chìu nó trước mặt tôi. Mỗi buổi sáng bao giờ bà cũng mở cặp của tôi nhét vào một khúc bánh mì, một gói xôi hay một củ khoai giống như nó vậy. Bà không bao giờ hỏi tôi về gia đình, về hoàn cảnh sống của tôi. Tôi nghĩ thằng bạn nhỏ của tôi đã cho bà biết tất cả về tôi, nên bà cũng chẳng cần phải hỏi cho tôi thêm xúc động. Thế mà trong số bạn bè tôi sau nầy, thằng bạn nầy lại chết sớm nhất trong chiến tranh. Đúng ra không phải chết ở ngoài mặt trận mà chết vì mìn claymore mà VC đặt ở cổng số 9 trường Bộ Binh Thủ Đức, khi nó bị động viên theo học khóa 6/69 sĩ quan trừ bị.
 
Tuổi nhỏ sống trong hẩm hiu, biết thân biết phận nên không bao giờ đoi đòi. Con nít khi nghèo khó nên thèm khát đủ thứ, chỉ biết nuốt nước miếng nhịn thèm, bỏ đi chỗ khác tránh xa những nơi ăn uống. Tối nằm trên gường ngủ chỉ mơ thấy món ăn. Từ lúc đó tôi ước mong sau nầy lớn khôn, tôi sẽ kiếm thật nhiều tiền để giúp gia đình đở phải thua thiệt. Tôi mang tâm nguyện nầy cho đến bây giờ, không sợ khó nhọc, khổ cực, phải kiếm tiền trong mọi hoàn cảnh bằng sức lực của mình. Chỉ có một thú vui trí tuệ lúc ấy là thích đọc sách báo, lấy đó làm niềm vui. Tìm được tờ báo nào về nhà nằm ngữa trên phản gỗ đọc không sót một chữ. Có nhiều người lớn vào nhà thấy tôi như vậy cũng tức cười. Một thằng bé con nằm tréo mảy trên phản đọc báo như ông cụ..
 
Tôi lớn lên bằng những thiệt thòi, những thiếu thốn từ vật chất đến tinh thần. Lên trung học ai cũng đi xe đạp còn tôi thì cuốc bộ trường kỳ. Đến năm đệ tứ (lớp 9 bây giờ) tôi mới mua được một chiếc xe đạp cà tàng bằng chính tiền của tôi đi dạy kèm buổi tối. Trước giờ dạy kèm, tôi thường đạp xe đi sớm cả tiếng đồng hồ ra ngồi ở ghế đá bờ sông Hàn, Đà Nẵng, tìm một chút thư giãn, một chút suy nghĩ về mọi chuyện đã gặp trong ngày, nó trở thành một thói quen mà không bỏ được. Trong lớp học của tôi lúc đó có bốn thằng bạn thân nhất: Lâu, Hùng, Li và tôi. Thỉnh thoảng tụi tôi đi uống café, đi ciné hoặc đạp xe vòng thành phố, ra bờ sông ngồi tán dóc, hoặc đến nhà đứa nào đó học bài chung Trong thời của tụi tôi lúc ấy, cha mẹ cũng không chăm sóc con cái kỷ càng, thế mà tụi tôi chẳng có đứa nào hư hỏng, lêu lổng. Có đi đâu thì phải thức khuya để học bài. Nhà nghèo sợ chong đèn không đủ tiền trả tiền điện, phải ra ngoài đường ngồi dưới gốc trụ đèn học bài..
 
Sau nầy lớn lên, trước khi vào lính, thằng nào cũng có tật mê gái (hình như đó là cái bệnh chung của thanh niên). Thế nhưng chỉ yêu thầm nhớ trộm, trong bốn thằng chưa có thằng nào có bồ mặc dù có đi cua gái chút đỉnh (mà con gái lúc đó đâu thèm mấy thằng lông bông như tụi tôi). Sau tết Mậu Thân, chiến cuộc tràn lan, lần lượt đứa nào cũng vào lính. Lâu và Hùng được tuyển chọn đi không quân. Tôi và Li bị ra bộ binh. Tôi ở Trinh Sát Trung Đoàn 51. Lúc đó tôi nghĩ trong bốn thằng bạn thân, có lẽ tôi là thằng rửa chân lên bàn thờ sớm nhất, vi trinh sát đủ biết là đơn vị sống nay chết mai, thập phần nguy hiểm. Li ra địa phương quân tiểu khu Quảng Nam. Mặc dù tôi với Li cùng đóng tại Quảng Nam nhưng rất ít có cơ hội gặp.
Một thời gian ngắn, tôi nhận tin Lâu bị “sút” ra khỏi không quân vì lý do kỷ luật. Tôi rất ngạc nhiên, trong bốn thằng Lâu hiền từ nhất và học giỏi nhất, mà trong quân trường rớt vì lý do kỷ luật là phải vi phạm to tát lắm mới bị hình phạt nầy. Rồi tất cả mọi chuyện cũng trôi theo thời gian, không còn biết tin tức gì về nhau. Tôi hay chuồn về nhà khi đơn vị không đi hành quân, mỗi lần về Đà Nẵng tôi hay ngồi quán café Ngọc Lan (đường Độc Lập) mà xưa kia trước khi vào lính tụi tôi hay ngồi, vì quán nầy yên tỉnh. Một lần chuồn về, tôi đi uống café Ngọc Lan, tôi mới bước vào quán thì thấy Lâu, Hùng và Li đang ngồi ở đó, mỗi thằng mang bộ quân phục khác nhau. Lâu nhảy dù bộ đồ hoa xanh đỏ, tôi trinh sát bộ đồ hoa xanh den, Hùng không quân bộ đồ bay và Li bộ binh bộ đồ xanh ô-liu. Mỗi thằng phục vụ những binh chủng khác nhau. Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng bốn đứa chúng tôi gặp nhau trong thời chiến tranh đầy đủ, sau nầy có gặp nhưng gặp thằng nầy thì không có thằng kia. Tôi hỏi Lâu về trường hợp ra khỏi không quân, nó cho biết là trong thời gian thụ huấn nó quen với một em cave, nên tối là nó chuồn ra với em, nhiều lần như vậy nên bị kỷ luật. Bốn đứa gặp nhau mừng lắm, sau cử càfé tụi tôi kéo nhau đến quán nhậu ở đường Lê Đình Dương.
 
Lâu ít nói nhất, mặt lầm lì, uống như hủ chìm. Mới ngày nào còn dáng thư sinh chỉ vài năm tác chiến mặt thằng nào cũng phong sương, chai đá. Tụi tôi uống tới khuya mới ra về. Trong bữa nhậu đó tôi thấy Lâu buồn nhất, khi chia tay Lâu ôm thằng Hùng và Li khóc, tôi nghĩ vì quá say nên nó không kiềm hảm được xúc động, chớ ngờ đâu đó là điều báo trước sự bất hạnh của nó. Tôi lãnh phần chở nó về nhà, khi đến cổng nó năn nỉ bảo tôi vào nhà uống với nó tách nước trà. Tôi bảo là khuya sợ gần giới nghiêm mà trong người không có sự vụ lệnh hay giấy phép, Quân Cảnh sẽ chụp đầu. Nói thì nói vậy nhưng tôi vẫn dựng xe honda trước sân vào nhà nói chuyện chơi với nó, rồi quá khuya tôi quyết định ngủ lại nhà nó đêm đó.
Vài tháng sau thằng lính trên văn phòng đại đội xuống phòng của tôi báo cho biết tôi có điện thoại. Tôi chạy lên nghe đầu dây bên kia Li cho biết là Lâu tử trận, xác được nhảy dù đưa về nhà trưa nay, vì xác đã chương sình nên gia đình phải chôn sớm. Li hỏi tôi có thể về đưa đám Lâu được không? Tôi trả lời là bằng mọi cách tôi sẽ có mặt. Tối đó tôi với Li mang một vòng hoa mang tên ba đứa tới viếng Lâu (Hùng bận công tác không về được). Khi tụi tôi mang hoa vào trông thấy một người đàn bà bồng đứa con trai chừng hơn một tuổi, hai mẹ con đều chít khăn tang. Tôi nghi trong bụng đó là người tình của Lâu mà có lần nó kể cho tụi tôi nghe. Tôi đến bên vuốt ve đứa bé nó giống Lâu như tạc, chị và cháu đi theo quan tài từ Sài Gòn về Đà Nẵng. Đó là đứa con trai của Lâu mà cho đến bây giờ tôi vẫn chưa gặp lại.
 
Những sĩ quan nhảy dù đi theo quan tài của Lâu cho biết về cái chết của Lâu. Trong một cuộc đụng độ (vì lâu quá tôi không nhớ ở mặt trận nào). Lâu tử thương trong lúc mới giao tranh nên xác không thể mang ra được, ba ngày sau mới tìm được xác thì đơn vị đụng một trận khác, vì quá vội vàng qua con sông nhỏ nước chảy xiết bị đứt dây xác trôi mất. Ba ngày sau xác mới nổi lên, đơn vị mới vớt được. Như vậy “người chết hai lần, thịt da nát tan” như Trịnh Công Sơn mô tả trong bản nhạc, đúng với trường hợp của Lâu. Ngày hôm sau tôi và Li đi đưa đám tang Lâu về, hai thằng chở nhau ra quán café Ngọc Lan ngồi, không nói với nhau một lời. Trong bốn thằng mới ngồi với nhau mấy tháng trước tại đây, Lâu là thằng ra đi trước nhất. Sau nầy không biết đứa nào ra đi tiếp đó, vì ba thằng còn lại đứa nào cũng ở đơn vị tác chiến. Cuộc chiến càng ngày càng khốc liệt, đụng trận mãi thế nào cũng đưa đến chuyện tử vong. Thật tình, tinh thần của những người cầm súng trực diện với mặt trận rất suy sụp. Thế nhưng ở tư thế nầy không thể rút lui được, tới đâu hay tới đó, sống chết phó mặc cho phần số.
 
Thỉnh thoảng tôi có gặp Hùng ở Đà Nẵng khi tôi từ đơn vị chuồn về đi chơi, cũng café Hạ, Diệp Hải Dung, Ngọc Lan. Hôm nào lãnh lương thì nhảy đầm, ăn nhậu. Tụi tôi không vợ con cho nên không dành dụm tiền bạc làm gì, tháng nào sạch tháng đó. Hùng thì dân pilot trực thăng nên các em thơm tho chiếu cố, còn tôi dân tác chiến trâu bò, chẳng có ma nào cỡ đó để ý. Nhưng thôi, dây dưa làm gì những thứ tình yêu vớ vẩn chẳng tới đâu, mạng sống còn không giữ được, đèo bòng làm gì cho thêm mệt. Trong quan niệm yếm thế đó, tất cả những mối tình chỉ qua đường, không dừng lại lâu trong đời sống. Người bạn gái nào tiến tới thì tôi lặng lẽ rút lui. Tôi dùng trò chơi cút bắt để giỡn mặt với tình yêu, họ đâu biết rằng tôi có mệnh hệ nào sẽ làm cho người khác đau khổ, mà tôi không muốn điều đó xẩy ra.
 
Đầu năm 1972, đơn vị tôi hành quân ở quận Đức Dục có đụng những trận lẻ tẻ không đáng kể, sau ba ngày một đơn vị khác lên thay cho chúng tôi, trực thăng chở chúng tôi về Bộ Chỉ Huy. Trực thăng chở trung đội tôi về nửa chừng thì tôi được lệnh phải quay lại tìm xác của phi hành đoàn một chiếc trực thăng bị bắn cháy ngày hôm trước gần mỏ than Nông Sơn. Trực thăng nầy đã tìm thấy, nhưng xác của phi công chưa lấy được. Những chiếc gunship yểm trợ cho chúng tôi nhảy xuống tìm xác. Thật tình thì những xác bị cháy đen ngồi ở vị thế trên máy bay không xê dịch, tôi chỉ ghi trên poncho của từng người, bên trái, bên phải và xạ thủ đại liên phía sau, để dễ dàng khi nhận diện mà không bị lẫn lộn.
 
Sau cuộc hành quân nầy tôi được nghỉ ba ngày phép về Đà Nẵng chơi. Đang ngồi uống café thì thằng bạn học cũ tới hỏi tôi: “Mầy đi đám ma thằng Hùng chưa?”. Tôi giật mình, hỏi lại: “Ủa nó chết hồi nào?”. Nó chưa kịp trả lời, tôi vội vả trả tiền café chạy lại nhà Hùng, tôi đã thấy Li ngồi ở đó tự lúc nào. Li cho tôi biết là máy bay của Hùng bị bắn cháy ở gần mỏ than Nông Sơn, tôi kêu lên: “Trời ơi”, rồi nước mắt của tôi chảy dài. Chính tôi là người đi lấy xác thằng bạn thân của mình mà tôi không hay, sao oan nghiệt với tụi tôi thế nầy? Thường thường đi lấy xác thì sai lính vào trong khiên ra, không biết có ai sai khiến, tôi lại đến ngay chổ máy bay bị nạn, thiếu poncho, tôi lại tháo cái poncho của mình để bọc người phi công bên trái chính là Hùng. Nghĩ tới điều nầy tôi lạnh cả người. Tôi và Li đêm đó ở lại với Hùng. Như vậy trong bốn thằng chỉ còn lại tôi với Li. Đám tang của Hùng nhiều người con gái đến viếng, nhiều người khóc nức nở và tụi tôi cũng không biết trong số đó ai là “bồ ruột” của nó.
Sáu tháng sau, trong một cuộc hành quân chiếm lại vùng đất Cẩm Hải, Quảng Nam. Tôi bị thương nặng, gửi lại một bàn chân tại vùng đất nầy (nơi đây sau nầy là phần mộ của ba má tôi). Như vậy tôi là người thứ ba trong bốn thằng bị loại ra khỏi vòng chiến, hơn được hai thằng kia là tôi còn giữ được mạng sống. Li vào Tổng Y Viện Duy Tân thăm tôi, ngồi với tôi một buổi, khuyên tôi đủ điều. Tôi nói với nó bây giờ tôi chỉ muốn chết, sống mà mang thương tật suốt đời không chịu nổi. Nó đưa tay bụm miệng tôi lại, không cho tôi nói những điều không hay. Tuần nào nó cũng vào thăm tôi, mang cho tôi một vài quyển sách, lần sau trái cây hay thuốc lá, bao giờ cũng ngồi nói chuyện với tôi cả tiếng đồng hồ. Sau khi xuất viện, thỉnh thoảng về phép, nó đến nhà chở tôi đi uống café hay đến mấy quán nhậu lai rai. Tinh thần của tôi không còn suy sụp cũng nhờ nó một phần. Tuy nhiên tôi rất hạn chế ra ngoài đường, ngoại trừ bạn bè ngoài mặt trận về rủ đi uống café hoặc cần thiết lắm mới ra khỏi nhà, bởi tôi mang mặc cảm thua thiệt vì tật nguyền. Hai năm sau tôi giả từ Đà Nẵng để vào Sài Gòn làm lại cuộc đời. Cắt phăng tất cả những hệ lụy, những vướng mắc tình cảm. Chọn một nơi dung thân xa lạ để tiếp tục sống những ngày còn lại.
 
Tháng 4/75, mọi toan tính của tôi cho tương lai đều bị ngưng lại, dồn sức vào chuyện kiếm tiền nuôi thân, không còn trông chờ vào số tiền trợ cấp hằng tháng. Tôi đã thay đổi công việc nhiều lần để thích hợp cho cuộc sống, chính vì vậy tôi đã thành công trong cuộc sống lúc đó, không giàu có nhưng cũng đủ sống thoải mái.
 
Tháng 6 năm 1990 tôi và gia đình định cư tại Hoa Kỳ, thêm một lần thật sự đổi đời. Tuy vô vàn khó khăn trong hội nhập, vợ chồng tôi vẫn cật lực làm việc trong những môi trường lạ lẫm từ tiếng nói đến công việc và không bao giờ nghĩ tới chuyện hưởng thụ. Năm 1993 tôi có về thăm quê nhà một lần sau khi Ba tôi mất. Tôi có đến thăm gia đình Li, Li cũng chở tôi đi thăm bạn bè, cũng ngồi café như thuở trước, nhưng chúng tôi cảm thấy không thích hợp nữa, chỉ thích ngồi mấy cái quán cốc để dễ dàng xuề xòa nói chuyện, Li chở tôi tới nhà Lâu và Hùng để thắp nhang, nhìn trên bàn thờ với tấm hình thời đi học của Lâu và Hùng, tôi và Li cảm thấy ngậm ngùi. Trước đây mấy tấm hình trên bàn thờ đều mặc đồ lính, sau 75 mọi gia đình đều hạ xuống, lấy hình mặc đồ dân sự thay thế.
Vì bận rộn nhiều với công việc, mười lăm năm sau tôi mới trở về lại. Ông cậu tôi tìm đâu ra tấm hình cũ của tôi, Li, Hùng và Lâu chụp chung khi đi picnic ở Tiên Sa năm học đệ tam. Tôi mang tấm hình đưa cho Li xem, Li xúc động ngồi trầm ngâm rồi nói với tôi: “Không biết sau hai thằng nầy, mầy hay tau đi theo chúng nó trước?”. Tôi chỉ trả lời với nó là: “Trời kêu ai nấy dạ, hơi đâu mà lo cho mệt”. Nó giành giữ lại tấm hình, lúc nào tôi về lại sẽ sang ra đưa cho tôi một tấm. Tôi có nói với nó: “Tấm hình oan nghiệt thật, hai thằng chết, một thằng chết nửa thân người (tôi). Chỉ còn mầy lành lặn”. Nó nói với tôi
“ Thấy bên ngoài như vậy, chứ tau nát bét bên trong, chắc tau đi trước” (một câu nói báo trước cho nó). Tôi nói giỡn lại với nó: “Có lẻ tau bị thương nên được chừa ra, còn mấy thằng lành lặn đi đong hết”. Cũng một câu nói vô tình đó nó trở thành một định mệnh. Sau khi trở lại Mỹ ba tháng sau, tôi nhận được email của chị bạn học một lớp với tụi tôi báo cho biết Li mất vì bệnh tim. Nhận được email tôi vô cùng xúc động, rồi bật khóc.
 
Như vậy, tôi là người còn lại cuối cùng trong tấm hình bốn thằng còn đi học ở trường Sao Mai, Đà Nẵng. Khi tiễn tôi ra phi trường, tôi bắt tay rồi ôm nó, cám ơn nó đã tận tụy tiếp tôi trong những ngày về thăm quê nhà. Nó căn dặn tôi “Tuổi mình không còn nhỏ, ráng một hai năm thu xếp về thăm anh em, chứ đừng để mười lăm năm mới về như lần nầy, thì không còn thằng nào để tiếp mầy”. Thế mà chỉ mới ba tháng, sau khi chúng tôi hội ngộ, nó đã ra đi. Tôi không tin vào những điều huyễn hoặc, nhưng kiểm lại những gì mà chúng tôi gặp, nói với nhau, hình như là điềm báo trước cho sinh mệnh của mình. Ngồi mở lại những tấm hình tôi và Li mới chụp vừa rồi ở quê nhà, tôi thấy nó không nở một nụ cười, mặt của nó buồn bả. Nó nói với tôi: “Bọn mình suốt đời toàn gặp những chuyện không may, thằng chết đã đành, còn thằng sống cũng không hơn gì”.
 
Tuổi trẻ của tụi tôi bị vùi dập trong chiến tranh, hòa bình thì tù tội, tuổi già thì ốm yếu hậu quả của những năm tháng lao khổ. Riêng cá nhân tôi không bị lao tù, nhưng mang một thương tật khổ sở suốt đời. Không giũ áo ra đi sớm như Lâu, Hùng và bây giờ thêm Li, nhưng mang một vết thương như một hình phạt mà tưởng chừng như một gánh nặng đè trên thân phận, cái đau triền miên không bao giờ dứt được. Thôi thì, phải chấp nhận một định mệnh mà Thượng Đế đã bất công giáng xuống cuộc đời của chúng tôi.
Phan Xuân Sinh,
Dallas
------------------
 

No comments: